Phật giáo trong nước
Tự viện cần làm gì khi bị dính tin đồn thất thiệt?
Nhã An ghi
26/02/2017 20:21 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GNO - Trả lời báo Giác Ngộ nhân vụ việc xảy ra tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang) gần đây, TT. Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TƯGH gợi ý tự viện cách ứng xử: “Với những thông tin được lan truyền không đúng sự thật tại các cơ sở tự viện mà gây ảnh hưởng đến uy tín của nơi đó thì bản thân nơi bị thiệt hại phải tự bảo vệ mình trước”.

TT.Thích Thiện Thống

Theo đó, Thượng tọa chia sẻ, để tự bảo vệ mình thì cơ sở phải thông báo, cung cấp thông tin đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, Giáo hội các cấp và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về sự việc một cách rõ ràng, công khai. Từ đó, giúp tránh trường hợp thông tin không rõ ràng gây hoang mang cho Phật tử và dư luận xã hội.

Theo Thượng tọa Thiện Thống, để Giáo hội lên tiếng một cách chính thức vụ việc nào đó thì cơ sở bị hại phải có thông báo về cho Giáo hội. Sau đó, Giáo hội mới nghiên cứu và có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết vụ việc. Nếu cơ sở bị thiệt hại không lên tiếng thì Giáo hội muốn bảo vệ cũng không đủ thông tin để giải quyết vụ việc, có muốn can thiệp cũng không có cơ sở, không nắm rõ thông tin hư thật như thế nào, bị thiệt hại như thế nào thì làm sao giúp được?

Đối với Phật tử, khi gặp những tin đồn nhảm phải thật tỉnh giác. “Nếu chúng ta nói mình là Phật tử thì phải biết về Bát Chánh đạo, đầu tiên là phải có cái biết đúng đắn, tiếp đến phải suy nghĩ đúng đắn, kế đó là nói năng đúng đắn và việc làm đúng đắn. Phật tử phải biết như thế để có cách ứng xử đúng” - Thượng tọa Chánh Văn phòng 2 TƯGH lưu ý với Phật tử.

Đặc biệt, Thượng tọa nhấn mạnh, Phật tử phải dựa trên lời dạy của Đức Phật, phải thấy, biết, suy nghĩ, đúng đắn... chứ không phải nghe một thông tin xấu rồi hùa theo, truyền đi thông tin ấy một cách mù quáng thì chưa phải là Phật tử đúng nghĩa.


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch