Sắc màu cuộc sống
Tội lỗi và lửa than
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Người ta thường nghĩ rằng, tội lỗi là một cái gì đó khó hiểu, có một cái gì đó giống như sự ghi chép của Đấng Thần linh về những hành động của mình trong cuộc sống.

Nhân gian người ta thường hay nói nhau rằng: "Không biết không có tội” hoặc "Biết mà làm thì tội càng nặng hơn”. Phải chăng hai câu này mang nặng tích chất của cảm tính hơn là quy luật. Nhưng chân lý thì bất di bất dịch, nó không phải thay đổi theo cảm tính của yêu ghét, giàu nghèo, đẹp xấu … mà nó là một quy luật, định luật không đổi. Ví như quả táo từ trên cây rớt xuống đất (theo định luật Vạn vật hấp dẫn của Newton), không thể rớt lên trời, dù ta có yêu thương hay ghét bỏ với trái táo như thế nào đi nữa thì nó vẫn rớt xuống đất, đó là quy luật và nó là bất di bất dịch.

Cuộc sống, chúng ta phải vật vã với những đồng tiền mưu sinh, có những người may mắn chọn được nghề nuôi sống chơn chánh, lành thiện; nhưng cũng có những người buộc phải chọn cho mình những ngành nghề mà chính bản thân họ cũng không vừa lòng, bởi biết nó sẽ là nguyên nhân gây ra tội lỗi.


TỘI LỖI LÀ GÌ?

Người ta thường nghĩ rằng, tội lỗi là một cái gì đó khó hiểu, có một cái gì đó giống như sự ghi chép của Đấng Thần linh về những hành động của mình trong cuộc sống. Có suy nghĩ rằng Thần linh luôn hiện hữu xung quanh ta, theo dõi ta từng cử chỉ hành động. Nếu làm đúng ý Thần linh thì sẽ không bị trừng phạt, còn ngược lại ắt phải bị trừng phạt. Sự tưởng tượng này trở thành một tư tưởng hệ, chúng khống chế trí óc ta, làm cho ta sợ sệt; nhưng rồi ta cũng không biết tội lỗi là gì. Cái sợ sệt luôn đeo đẳng ta.

Tội lỗi không phải là do một Thần linh nào đó ghi chép. Mà chính là nơi mình, tội lỗi nó là một nghiệp đen, ác nghiệp, thói quen không tốt làm hại mình và hại người, làm đau khổ mình và đau khổ người. Nếu dựa theo Kinh, Luật, Luận nhà Phật thì tội lỗi chính là những hành động, suy nghĩ, lời nói làm hại mình – hại người, hại người – lợi mình; chữ "người” ở đây là mọi chúng sanh, chứ không phải chỉ riêng là con người, nhưng ý tưởng đề cao nhất là con người. Như vậy, tội lỗi là tác dụng của sự đau khổ về thân hoặc tâm, cho mình hoặc cho người. Điều đó nó rất vô tình, không luận ta có cảm tình hay yêu ghét với nó thì tác dụng nó vẫn như nhau, nó giống như bị phỏng bởi lửa, than ….

THAN CHÁY ĐỎ?

Lĩnh vực này, ta chỉ nói một khía cạnh tác hại của lửa than, nhằm để thấy được sự đau khổ do thói xấu của con người đã gây ra. Than, là người ta nghĩ ngay đến việc: nguyên, nhiên liệu dùng để đốt nóng, đốt cháy, nấu nướng … tất cả là cung cấp về nhiệt.

Một điều mà ai cũng biết: Hễ than đang cháy đỏ, lỡ trúng nhằm vào da, thì sẽ làm bỏng da. Còn nếu ta rớt vào trong đống than lớn đang cháy, ta có thể sẽ bị chết hoặc bị thiêu rụi. Dù đó là bất cứ thứ gì đi nữa: Đồng sẽ bị đốt nóng chảy khoảng nhiệt độ 1083­­0C, vàng chảy ở nhiệt độ 10640C … những chất rất cứng rắn, tưởng chừng như không thể bị đốt cháy, nhưng cũng bị lữa làm cháy. Cánh rừng xanh tươi là tổ ấm muôn loài, thế khi bị lửa đốt, rừng phải biến thành tro bụi, nhà cửa dù cao quý thế nào cũng vẫn có thể biến thành tro bụi. Nói điều đó này để ta thấy rằng: Bản chất của than là nóng, đốt cháy, nếu vật tiếp xúc với lửa ắt sẽ bị đốt cháy, đó là điều đương nhiên. Tác hại tội lỗi cũng như thế, hễ ai gây tội lỗi, thì người chịu thiệt trước tiên là chính bản thân người gây ra tội lỗi hoặc thân đau khổ hoặc tâm đau khổ. Điều này chắc chắn là vậy.

Cho một giả thiết như thế này: một người không biết than cháy là nóng và một người biết than cháy là nóng. Nếu bắt buộc phải bốc than đang cháy đỏ đó đem chỗ khác, thì sự phỏng sẽ mức độ bỏng sẽ khác nhau hay không?

-Trường hợp 1, người không biết than đang cháy đỏ là nóng: theo thói quen cầm nắm đồ vật, họ sẽ vô tư cầm nắm, không một chút sợ sệt, không cần phải chuẩn bị đồ vật hoặc tư thế… dùng bàn tay bằng da bằng thịt bốc vào cục than. Lẽ dĩ nhiên bàn tay bốc than kia sẽ bị phỏng nghiêm trọng.

-Trường hợp 2, Người biết than đang cháy đỏ là nóng: nhờ có trí tuệ nhận biết than này là nóng, nếu cằm nắm trực tiếp sẽ bị thiệt hại đến bàn tay. Cho nên phải biết dùng phương tiện khác gián tiếp khi tiếp xúc với than. Nếu lỡ xung quanh không có vật gì để có thể làm phương tiện gắp than sang chỗ khác, buộc phải gấp rút dùng tay không thì người này tự phải biết tìm cách nào để bốc cho không phỏng hoặc ít phỏng nhất.

Như vậy, người có kiến thức than cháy là nóng sẽ ít bị phỏng hơn người không biết.

Thêm một ví dụ khác: Bom nguyên tử, nếu trẻ em không biết nó là tác hại nghiêm trọng cho thế giới và sẽ bị nổ tung khi bấm điều khiển cho nổ (tạm gọi là bấm nút). Đứa trẻ vô tư bấm nút cho nó nổ, thì bạn nghĩ thế nào về điều này. Có phải là "không biết thì bom sẽ không nổ” hoặc là "không biết thì bom sẽ không độc hại?”. Kết quả, không biết bom vẫn nổ, không biết bom vẫn độc hại. Và tính chất tội lỗi nó cũng như thế.

ĐỨC PHẬT LÀ THẦY DẠY NGHỆ THUẬT SỐNG

Trong Kinh Trung bộ, bài Kinh Ganaka Moggalana, Đức Phật khẳng định Ngài chỉ là người chỉ đường, không phải thưởng - phạt: "Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường”. Ngài còn khẳng định, sự có mặt của Đức Như Lai là để: đem lại hạnh phúc, an lạc cho mọi chúng sanh. Đó là những điểm chính mà ta cần biết đến Đức Phật, điều này nó thể hiện qua lời nói và hành động trong lịch sử của Ngài. Không một lời nào, pháp nào nhằm để lợi ích riêng tư cho Phật cả.

Người đời thường nghĩ: Không dám thọ giới hoặc quy y vì sợ giữ không tròn giới sẽ bị tội, bị trừng phạt! Đợi lớn lên rồi mới thọ giới quy y! …

Nhưng có ai nghĩ rằng: đời sống vô thường không hẹn trước, sớm còn tối mất, ngoài nghĩa địa mấy ai sống đến trăm tuổi. Vậy thì câu "đợi tới già hẵng tu” thì mấy ai bảo đảm, trong khi cuộc sống ta cố ý hoặc vô tình gây ra bao nhiêu tội lỗi. Thử hỏi ta sẽ đi về đâu khi đã rời khỏi xác thân giả tạm này? Thử hỏi hiện tại ta sống được an lạc thật sự?

Khi nói đến giới luật nhà Phật, ta tìm hiểu sơ lược về Ngũ giới của người tại gia thử xem:

1.Giới không được sát sanh, mà phải biết tôn trọng sự sống

Sát là cắt đứt, sanh là mạng sống: cắt đứt mạng sống gọi là sát sanh.

Ta lấy ví dụ giết người:

-Giết người khác: làm chết người dù ở phương diện nào, hoàn cảnh nào. Dù biết giết chết người là có tội, hay không biết giết chết người là có tội. Khi tòa án kết án thì người này vẫn phải bị tội giết người. Sự thù hận của thân bằng quyến thuộc của người chết. Kết nợ mạng sống …

-Tự xác: làm cho cha mẹ, anh em, người thân buồn khổ. Bản thân bị đau khổ bức ngặt cho tới chết, thần hồn hoảng hốt, …

Nếu ta biết tôn trọng sự sống đồng loại, muôn loài thì đó chính là tâm từ bi của ta phù hợp với tâm của Chư Phật, Bồ Tát mười phương, chư vị thánh hiền, mọi người thương mến. Nếu ngược lại, sát hại sanh mạng thì tâm ta phù hợp với các đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người chán ghét.

Ta không có lòng ác giết hại, hãm hại thì nét hiền nhân sẽ hiện lên từng nét mặt của ta. Hơn nữa, ta còn góp phần bảo vệ sự sống, môi trường của thế giới này. Và một điều quan trọng, trong xã hội không ai thích kẻ giết hại cả.

2.Giới không được trộm cắp, mà phải biết giữ gìn

Hiện nay, phong trào chống tham nhũng rất được đề cao. Dù cho trộm cắp tinh vi cỡ nào, người ta vẫn không thích. Và mất uy tín với mọi người.

3.Không được tà dâm, mà phải chung thủy

Vợ chồng không chung thủy với nhau sẽ dẫn đến mất hạnh phúc gia đình, gia đình ly tán, con cái mang tủi hổ, mặc cảm, chán đời, tệ nạn.

Quan hệ bừa bãi dẫn đến tổn hao sức khỏe, tuổi thọ, trí tuệ lu mờ, kết oán thù, mắc bệnh truyền nhiễm về đường tình dục: HIV, giang mai, …

4.Không được vọng ngữ

Trong vọng ngữ có bốn vấn đề: nói không đúng sự thật, nói lời thô thiển, nói lời gạt gẫm, nói lời đâm thọc chia lìa. Chọn một khía cạnh: nói lời thô thiển, hung ác: chửi thề, nói ác độc … ông bà ta dạy "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”; như thế ta đã rõ lời nói thô thiển, hung ác thì ai cũng không thích.

5.Không được sử dụng các chất gây nghiện làm mất trí tuệ

Uống rượu quá độ sẽ mê man tâm trí không biết đường về nhà hoặc làm điều bất chánh: giết người, trộm cướp, hiếp dâm … hoặc lái xe gây tai nạn, thiệt mạng. Bao nhiêu tội lỗi, đau khổ do rượu gây ra.

Trong cuộc sống có lắm chuyện giết hại, trộm cướp… cũng bởi sữ dụng ma túy, thuốc lắc, v.v… các chất gây nghiện mà ra.

Ta chỉ mới nói sơ lược về năm giới nhà Phật, tuy không nói khái quát, chỉ có nêu lên danh tánh từng giới và điển hình một số ứng dụng của nó. Ta thấy rõ rằng năm giới Đức Phật nói là một nghệ thuật để giữ gìn hạnh phúc cho chính bản thân, lợi ích chính cho những ai tu tập, không một giới nào nhằm lợi ích cho Đức Phật cả. Giới pháp của nhà Phật không phải là một cái bẫy, "không phải đặt ra để cho người nào thọ giới rồi không giữ gìn thì sẽ bị trừng phạt”, không phải không giữ gìn thì sẽ bị đày xuống địa ngục. Giới pháp của nhà Phật là thuận theo quy luật tự nhiên, dù Phật có nói hay không thì tội lỗi nó vẫn là tội lỗi, giết người nhất định sẽ bị đền tội, cướp của sẽ bị đền tội, … điều đó là tất nhiên. Nhưng những người con Phật sẽ đứng trước Đức Phật phát nguyện rằng: con sẽ không giết hại sanh mạng mà bảo vệ mạng sống, không trộm cướp để giữ gìn uy tín, không tà dâm để giữ gìn hạnh phúc gia đình, không vọng ngữ để được yêu thương, không sử dụng các chất gây nghiện để được trí tuệ, tỉnh táo trong công việc. Một điều ta biết chắc chắn rằng: Nếu ai giữ giới được nhiều thì sẽ an lạc nhiều, nếu ai giữ ít sẽ tùy theo đó mà an lạc.

Cuộc sống thì lắm nhiều cạm bẫy, lòng tham con người thì vô đáy. Chính nhờ những lời phát nguyện trước Đức Phật như vậy, mà ta có phương hướng sống, có mục đích sống, bảo vệ được tình yêu và hạnh phúc. Cho nên hãy Quy y Tam Bảo và phát nguyện cố gắng giữ gìn năm giới với chính bản thân để có được một cuộc sống hạnh phúc trong đời này và đời sau.

Thích Thiện Hữu

giaohoiphatgiaovietnam.vn

Ý kiến của bạn:

 Nội dung gửi về toà soạn cho bài:
 Tội lỗi và lửa than

Vui lòng nhập vào Tiếng Việt có dấu:
Họ và tên:
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
Tiêu đề:
Nội dung:  
Gửi file đính kèm (mỗi file có kích thước tối đa 1MB):




  
Nhập vào mã:
 


    

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch