Thể loại sách khác
Chủ Động Cái Chết Để Tái Sinh Trong Một Kiếp Sống Tốt Đẹp Hơn
Đức Đạt Lai Lạt Ma
22/04/2555 00:12 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

«Quên rằng tôi sẽ phải từ bỏ tất cả và ra đi, tôi đã phạm vào những sai lầm làm hại đến sự tốt lành của bè bạn và cả kẻ thù của tôi» Phật

Tiết 2

Cho chúng tôi xin rút tỉa thật nhiều tinh anh từ thân xác đang chống đỡ sự sống này

Không xao lãng bởi những việc vô ích trong kiếp sống hiện tại.

Chính cơ sở vững chắc đó, tuy khó đạt được nhưng dễ bị hủy diệt 

Sẽ giúp chúng tôi cơ may lựa chọn giữa ích lợi và mất mát, giữa tiện nghi và bần hàn.

Cần có những hoàn cảnh thuận lợi từ bên trong và bên ngoài để đem lại thành công trong việc tu tập. Hiện ta đang ở trong hoàn cảnh thuận lợi đó. Là một con người, ta có sẳn thân xác và đầu óc giúp ta hiểu được những lời giảng huấn. Đấy chính là những điều kiện bên trong, những điều kiện ấy thật thiết yếu. Bên ngoài, ta cần có sự hướng dẫn và một chút tự do để thực hiện. Nếu ta chú tâm một cách nghiêm chỉnh, chắc chắn sẽ có kết quả. Nếu không chịu khó, quả là một sự lãng phí vô ngần. Cần phải ý thức giá trị của những điều kiện vừa kể, thiếu những điều kiện ấy sẽ khó cho ta thực hiện việc tu học. Tốt nhất nên ước tính gia sản sẳn có của ta hôm nay.
Ta có sẳn thân xác của một con người trong một môi trường khá tốt, thêm vào đó quyết tâm tu tập của ta, thế là điều kiện đã đủ để làm cho cuộc đời ta thêm giá trị. Quả thật là hệ trọng. Hãy bắt tay vào việc ngay đi! Nếu hướng hành vi của ta vào những chủ đích xứng đáng, ta sẽ thực hiện được nhiều điều xứng đáng. Nếu để cho ba thứ nọc độc là ham muốn tình dục, hận thù và sa đọa lôi cuốn, ta sẽ gặt hái đủ loại hậu quả từ những hành động xấu đưa đến.

Thật khó cho tất cả mọi chúng sinh biết bước vào con đường ngay thẳng bằng sức mạnh của chính mình, chẳng hạn như hàng thú vật, chúng thiếu hẳn sự thăng bằng của con người[7]. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp hiếm hoi thú vật phát động được những hành vi tích cực, nhờ vào hoàn cảnh thích hợp xui khiến[8]. Nhưng khi cần phải suy nghĩ thì thật là chuyện phức tạp cho chúng. Khi bị tình dục hay hận thù lôi cuốn, chúng biểu lộ một cách tạm thời và nông cạn. Chúng không đủ sức tạo ra những hành vi xấu xa bằng hành động hay bằng lời nói nặng nề và lắc léo. Chính con người mới có đủ khả năng tạo ra nhiều cung cách khác nhau. Chẳng qua vì trí thông minh của con người hữu hiệu hơn, họ có thể dấn thân vào những điều tốt lành hoặc xấu xa trên một bình diện lớn hơn.

Khi con người biết hướng vào điều thiện, họ sẽ tạo được một sức mạnh đáng kể. Nếu lúc nào ta cũng biết ý thức và hướng vào những hành vi đạo đức, chẳng những các mục tiêu trong kiếp này mà cả trong các kiếp sau cũng đều được viên mãn. Nếu ta thiếu ý thức, những hành động xấu sẽ gây ra khổ đau vô biên. Trong số muôn loài sinh vật tiến hóa trên hành tinh từ lúc thành hình, loài sinh vật đem đến nhiều tiến bộ hơn hết cho hành tinh này chính là con người, nhưng chính những sinh vật tạo ra nhiều lo âu, khổ đau và vô số các vấn đề khác – chẳng hạn như hủy diệt cả địa cầu – cũng chính là con người. Con người có đủ khả năng làm được những gì tốt đẹp nhất và cả những gì tồi tệ nhất. Thân xác có khả năng thụ hưởng tiện nghi hay phải gánh chịu cơ hàn, tạo ra sự dư dả hay phải chịu đựng sự mất mát, vì thế phải thận trọng đừng gây ra thiệt thòi cho bản thân ta.

Nếu biết chắc trong quá khứ ta đã từng theo đuổi con đường tốt trong suốt chuỗi dài nhiều kiếp sống, và giả thử nếu trong kiếp sống này ta có lầm lỡ phạm vào những chuyện điên rồ, cũng có thể là không quan trọng lắm. Nhưng có chắc đâu đã là như thế. Bất cứ một hiện tượng biến đổi nào cũng phải có một nguyên nhân; sự biến dạng liên tục của thân xác ta cho biết là nó đang gánh chịu một số nguyên nhân nào đó. Những thành phần của cha và mẹ là các nguyên nhân và điều kiện cấu tạo ra thân xác ta. Muốn cho trứng của mẹ và tinh trùng của cha đi đến chổ phối hợp với nhau, phải có thật nhiều điều kiện.

Nếu cho rằng sự cấu thành ra thân xác gồm thịt và máu chỉ cần có trứng và tinh trùng là đủ, thì lúc thành lập vũ trụ trứng và tinh trùng chưa có, chúng cũng không thể tự phát sinh mà không có một nguyên do nào (nếu không thì phải xem chúng, hoặc là xuất hiện cùng khắp mọi nơi, không giới hạn trong không gian và thời gian, hoặc là không hề có)[9]. Vậy điều đó cho thấy còn có vô số các yếu tố khác đã chen vào: yếu tố chính yếu hơn hết là nghiệp (karma). 
Mỗi cấu trúc của vũ trụ gồm có nhiều kỷ nguyên: thành lập, tồn tại, hủy hoại, cuối cùng là một thời kỳ trống không. Sau khi chu kỳ gồm bốn giai đoạn như thế chấm dứt, một thế giới mới được thành lập do sự luân chuyển của gió, của năng lượng và tiếp theo là sự xuất hiện của những thành phần khác. Tuy rằng diễn tiến trên đây phù hợp với những khám phá khoa học mới nhất cũng như với triết học Phật giáo, nhưng cũng có một thời kỳ mà vũ trụ không hiện hữu. Quá trình thành lập một thế giới khởi sự bằng cách dựa vào rất nhiều nguyên nhân và điều kiện, chính những nguyên nhân và điều kiện đó tạo ra các hiện tượng. Những hiện tượng ấy, hoặc là tác phẩm của một vị trời sáng tạo, hoặc phát sinh từ nghiệp (tức là những hành động từ trước) của những con người sinh ra nơi đó, cảm nhận được hoàn cảnh đó, sinh sống trong môi trường đó. Theo quan điểm Phật giáo, bất cứ gì đã xuất phát từ một nguyên nhân sẳn có, tức đã nằm trong trạng thái vô thường (kể cả một vũ trụ), không cần phải lệ thuộc thêm vào những mệnh lệnh hay vào ý chí mạnh mẽ của một vị trời không có nguồn gốc gì cả.

Thật ra, quá trình thành lập môi trường xung quanh phát sinh từ sức mạnh nơi nghiệp của chúng sinh. Ta phải luôn luôn chú ý để hiểu rằng không có nguyên nhân nào lại không gây ra hậu quả. Định luật hết sức chặt chẽ đó cho thấy trên bình diện lâu dài, những nguyên nhân tốt tạo ra những hậu quả tốt và những nguyên nhân xấu tạo ra những hậu quả xấu. Điều này cũng có nghĩa là một hậu quả tốt phải có những nguyên nhân tốt tích tụ từ trước. Cũng thế, muốn đạt được một hậu quả khả quan phải cần có từ trước một nguyên nhân thật hùng mạnh. Muốn có được thân xác con người làm nền tảng cho sự sống, nhất định phải có sự tích tụ thật nhiều nguyên nhân và điều kiện mạnh mẽ từ những kiếp sống trước để tạo ra từng thành phần của cơ thể, chẳng hạn như hình dáng, màu da, sự bén nhậy của các giác quan và những đặc điểm khác của cơ thể.

Nếu thực hiện được một hành vi đạo đức, những gì hàm chứa trong hành vi đó sẽ giữ nguyên cho đến khi nào quả của nó phát sinh toàn vẹn trong kiếp sống này hay trong một kiếp sống khác về sau, chúng ta không đến đỗi quá mong manh đâu. Nhưng không phải chỉ có hành vi tốt. Một thể dạng tâm thức tiêu cực dai dẳng, chẳng hạn như giận dữ, sẽ làm mất hết khả năng tích lũy đạo đức và ngăn chận tâm thức không phát triển được, giống như một hạt giống bị phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Ngược lại, gia tăng mạnh mẽ hành vi đạo đức sẽ tiêu diệt khả năng phát sinh hậu quả của những hành vị thiếu đạo hạnh, làm cho chúng không còn khả năng tiếp tục gây hậu quả được nữa. Vì thế, không những phải kết hợp thật nhiều nguyên nhân thuận lợi mà còn phải loại bỏ những sức mạnh đối nghịch để bảo vệ những nguyên nhân tốt đẹp không bị hủy hoại.

Những hành vi tốt tích lũy những nguyên nhân tốt, tức những tiềm năng tốt, chúng phát sinh từ một tâm thức có kỷ cương, trong khi các hành vi xấu sinh ra từ một tâm thức bất trị. Con người bình thường, chẳng hạn như chúng ta đây, đã quen lệ thuộc vào bản năng từ rất lâu đời. Trong vị thế do bản năng chi phối, bấn loạn phát sinh từ thú tính thường bùng lên rất mãnh liệt, trong khi những hành vi phát xuất từ một tâm thức kỷ cương lại có sức mạnh kém hơn. Cần hiểu rằng sự sống đang chống đỡ thân xác ta thật là tuyệt vời; đó là kết quả tổng hợp từ rất nhiều hành vi tốt, kết quả của một tâm thức kỷ cương trong quá khứ. Muốn đạt được kết quả như thế phải cần đến thật nhiều nhẫn nại, vì thế kết quả ấy rất quý giá, ta phải sử dụng nó thật ý thức, phải thận trọng đừng phung phí thân xác ta. Nếu như những khả năng mà ta hiện có không phải là chuyện hiếm hoi, dễ tạo ra, thì cũng chẳng phải để ý làm gì. Nhưng thật ra đâu phải thế.

Cấu trúc của tâm thức rất khó đạt được, và nếu như nó bền vững, bất biến, không gánh chịu một sự suy thoái nào, ta sẽ có thì giờ để tận dụng nó. Nhưng tiếc thay, cấu trúc ấy của sự sống thật mong manh, dễ bị tan rã vì tác động của một số nguyên nhân bên trong cũng như bên ngoài. Tập « Bốn trăm tiết về các hành vi du-già của người Bồ-tát » của Thánh Thiên[10] xác nhận rằng thân xác từ lúc khởi đầu đã lệ thuộc vào tứ đại: đất, nước, lửa và khí, các thành phần này luôn luôn đối nghịch nhau. Hậu quả là sự an lành của thân xác lệ thuộc vào thế thăng bằng thật mong manh giữa bốn thành phần kể trên, mong manh vì chúng không giữ được sự hoà hợp lâu dài. Ví dụ như ta cảm thấy lạnh, hơi nóng sẽ làm ta dễ chịu lúc đầu, nhưng có thể sẽ trở nên khó chịu về sau. Bệnh tật cũng vậy. Một vị thuốc dùng để trị một căn bệnh nào đó cũng có thể gây ra những phản ứng phụ có hại. Vậy phải ngăn chận những loại phản ứng như thế. Cơ thể của ta có thể trở thành nguồn phát sinh nhiều thác loạn và biến chứng. Khi loại bỏ được những thác loạn và biến chứng đó, tự nhiên ta sẽ cảm thấy thoải mái trong cuộc sống.

Thân xác cần có thức ăn để nuôi sống, nhưng nếu ta lạm dụng, thì thay vì thức ăn là một nguồn dinh dưỡng đem đến sức khoẻ nó lại mang đến bệnh tật và đau đớn cho ta. Những nơi thiếu dinh dưỡng và lâm vào cảnh thiếu ăn và chết đói là những nơi ngập tràn đau khổ. Nhiều quốc gia có đủ mọi thứ thức ăn lại chịu hậu quả không hay của việc dư thừa thực phẩm, chẳng hạn như ăn không tiêu[11]. Nếu như một sự thăng bằng nào đó có thể tái lập giữa các cực đoạn như vừa kể mà không gây ra biến cố nào, ta gọi như thế là « hạnh phúc », nhưng thật là ngu xuẩn khi ta tưởng tượng như thế là đã thoát khỏi, hoặc sẽ thoát khỏi mọi bệnh tật. Loại cơ thể như chúng ta đây là một cái ổ chứa đủ thứ vấn đề. Nếu như không gánh chịu bệnh tật, chiến tranh, đói kém, ta sẽ không bao giờ chết. Nhưng bản chất của thân xác ta là tan rã. Ngay khi được thành hình, cứu cánh của thân xác là sự ra đi.

Thân xác này là một tặng vật quý giá, hàm chứa rất nhiều khả năng, nhưng lại rất mong manh. Chỉ vỏn vẹn được sống, đã là một điểm hội tụ quan trọng và vì thế ta phải mang một trọng trách lớn lao. Ta có khả năng tạo ra điều thiện cho chính ta và cho kẻ khác, nhưng nếu để những chuyện lặt vặt trong suốt cuộc sống làm cho ta xao lãng, thì thật là phí phạm biết bao nhiêu! Ta nên tự nhủ sẽ sử dụng cuộc sống này và thân xác này một cách hiệu quả, ta nên nhờ vị thầy của ta, nhờ Tam Bảo cũng như kêu gọi những sự hỗ trợ khác giúp ta. Ta tự nổ lực từ bên trong và nhờ sự nâng đỡ từ bên ngoài. Không phải chỉ tụng liên miên những chữ trong các tiết mục của bài thơ này là đủ, mà phải suy nghĩ để hiểu hết ý nghĩa, và lúc nào cũng phải để tâm vào đấy.

Tóm lại, thân xác chuyên chở sự sống của ta thật là hữu ích, rất khó để có nó, nhưng cũng rất dễ để đánh mất nó, ta phải tận dụng nó để đem đến an vui cho ta và cho kẻ khác. Những gì tích cực đều thoát ra từ một tâm thức kỷ cương. Khi tâm thức đã an bình, trong sáng, hạnh phúc, thì những lạc thú từ bên ngoài như thức ăn thanh tao, quần áo sang trọng, hàn huyên với bạn bè, tuy có thể làm cho cuộc sống dễ chịu hơn, nhưng không còn là một điều tối cần thiết cho ta nữa. Nếu tâm thức bất an và bấn loạn, bất kể những gì xung quanh dù cho có tốt đẹp đến đâu đi nữa, thâm tâm ta vẫn luôn luôn mang đầy kinh khiếp, hy vọng và sợ hãi. Với một tâm thức nghiêm minh, ta có thể chọn lựa một cách hiệu quả giữa giàu sang và bần hàn, giữa sức khoẻ và bệnh tật. Dù cho không có người bạn nào giúp sức, ta vẫn có thể làm được. Căn nguyên hạnh phúc và an vui của chính ta bắt nguồn từ một tâm linh trong sáng và nghiêm minh. Đối với môi trường chung quanh, khi ta biết giữ tâm thức trong sáng và nghiêm minh, bạn bè, người bạn đường của ta, cha mẹ ta, con cái ta và những người thân thuộc chung quanh, tất cả sẽ cảm thấy dễ chịu hơn trong cuộc sống. Tổ ấm của ta an bình hơn, những người cùng chia xẻ tổ ấm đó với ta cũng cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Những người đến thăm ta, khi vừa bước chân vào nhà, cũng cảm thấy ngay một chút hạnh phúc nào đó. Ngược lại, nếu tâm thức ta bấn loạn và bất trị, không những ta luôn luôn ở trong trạng thái buồn bực, mà những ai vừa bước vào cửa đều nhận ra ngay không khí cãi vã và khủng hoảng thường xuyên.
Giữ cho tâm thức nghiêm minh chính là cách tạo hạnh phúc, ngược lại ta sẽ rất đau khổ, vậy nên tìm cách giảm bớt những xung năng bất trị trong tâm. Hãy bỏ ý định vượt lên trên địch thủ của ta, ưu đãi bạn bè của ta hơn kẻ khác, làm gia tăng tài sản của ta v.v. đồng thời hãy khắc phục tâm thức để hướng vào điều thiện, nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Đó chính là cách rút tỉa những gì tinh anh biểu hiện bằng xác thân quý giá và mong manh này.

TÓM LƯỢC NHỮNG LỜI KHUYÊN

1. Hãy ý thức giá trị của thân xác, nó đúng thực là của ta vì nó là kết quả của rất nhiều nguyên nhân tốt trong quá khứ. Nên hiểu rằng những lời giáo huấn trong bài thơ là dành cho ta, sẳn sàng để cho ta sử dụng.

2. Kiếp sống làm người thật quý giá, ta có thể dùng nó như một sức mạnh tích cực hoặc sử dụng nó để gây ra tàn phá, ta cũng hiểu là kiếp sống này hết sức mong manh, vì thế ngay từ giây phút này, hãy cố gắng sử dụng nó một cách hữu ích.

3. Sự thoải mái của cơ thể liên hệ đến thế thăng bằng tạm thời giữa những thành phần cấu tạo ra nó, sự hòa hợp ấy rất hời hợt. Hãy xem những gì tạm thời là tạm thời.

4. Một tâm thức nghiêm minh giúp ta sáng suốt, thư giản và hạnh phúc, trái lại nếu tâm thức dao động, dù hoàn cảnh xung quanh có tốt đẹp cách mấy chăng nữa, kinh hoàng và âu lo vẫn xâm chiếm ta.

Tiết 3

Xin cho chúng tôi được hiểu rằng không nên phung phí một giây phút nào,

Cái chết được biết chắc chắn, nhưng giờ chết không sao biết trước được,

Những gì kết hợp sẽ phân tán, những gì tom góp sẽ hủy diệt.

Đi xuống bắt đầu từ nơi tột đỉnh. Cứu cánh của sự sinh là cái chết.

Từ khởi thủy của thời gian, chúng ta thường xuyên bị ám ảnh bởi ảo giác của sự trường tồn, chúng ta cứ tưởng rằng trước mặt có cả một khoảng thời gian không giới hạn. Điều đó đưa ta vào một vị thế rất nguy hiểm vì ta cứ hẹn tất cả mọi chuyện vào ngày mai. Để chống lại tư thế đó, ta cần suy tư về vô thường và cái chết có thể xảy đến cho ta bất cứ lúc nào.

Mặc dù không có gì chắc chắn là ta sẽ chết tối hôm nay, nhưng khi ta ý thức được cái chết là gì, ta sẽ hiểu rằng ta cũng có thể chết tối hôm nay. Vậy nếu ta có khả năng hành động giúp ta trong kiếp sống này và cả kiếp sống sau, ta nên dành ưu tiên cho cách cư xử theo chiều hướng đó, hơn là chọn những gì dễ dãi và hời hợt cho sự hiện hữu của ta trong kiếp sống hiện tại. Hơn thế nữa, vì không thể biết trước đích xác giờ chết của ta, ta lại càng nên tránh đừng phạm vào những sai lầm làm hại cho ta trong kiếp này và cả kiếp sau. Càng thận trọng có nghĩa là ta càng cố gắng không tạo thêm những run rũi bất lợi làm phát sinh những hành vi mà ta không kiểm soát được. Đồng thời tùy theo khả năng sẳn có, ta nên hăng hái thực thi những hành vi chận đứng những biểu hiện phát sinh từ một tâm thức thô bạo. Được vậy, dù ta chỉ còn sống một ngày, một tuần, một tháng hay một năm, thời gian đó đều có ý nghĩa. Tâm thức và hành vi của ta, trên bình diện lâu dài, sẽ giúp ta thăng tiến, càng sống lâu ta càng gặt hái nhiều điều tịch cực. 

Trong trường hợp ngược lại, nếu ta rơi vào vòng ảnh hưởng do ảo giác của vô thường tạo ra, ta sẽ sống một cách hời hợt bên lề của kiếp sống này mà thôi, rốt lại ta sẽ mất mát rất nhiều.Vì thế, trong tiết này, Ban-thiền Lạt-ma đã kéo sự chú tâm của ta trở về với những giá trị quý báu trong từng giây phút của hiện tại. 

Về phần tôi đây, hôm nay đã sáu mươi bảy tuổi. Tôi là người già nhất trong số mười ba vị Đạt-lai Lạt-ma trước tôi, trừ vị Đạt-lai Lạt-ma thứ Nhất là Gendrun Drup, vị này sống đến tám mươi tuổi. Vị thứ năm sống đến sáu mươi sáu tuổi, vậy tôi lớn tuổi hơn ông này: tôi đã là một người già! Ngày nay, nhờ kỹ thuật trị liệu tân tiến về y khoa và điều kiện sinh sống cải thiện hơn, tôi có một vài hy vọng nào đó để lưu lại trong thế giới này đến tám mươi hay chín mươi tuổi. Nhưng chắc chắn là sớm muộn gì tôi cũng chết. Người Tây tạng chúng tôi nghĩ rằng có thể hy vọng kéo dài sự sống bằng các nghi lễ, nhưng tôi không chắc chút nào là nhờ vào đó một người tu hành có thể sống lâu hơn.

Trong suốt cuộc sống, nếu muốn cho các nghi thức tu tập bên ngoài có thêm hiệu quả, bên trong ta phải tu tập bằng thiền định để đạt được những nhận biết vững vàng trong tâm thức. Thêm vào đó, phải nhận thức được Tánh không của sự hiện hữu nội tại, điều này không thể thiếu sót được vì chính đó là sự hiển lộ của trí tuệ, trong lúc mà ta vẫn tơ tưởng về cái tôi lý tưởng của ta. Đồng thời cũng cần phát lộ lòng từ bi hướng về kẻ khác để đạt đến Giác Ngộ. Vì những điều kiện gay go như thế, nên việc thiền định lâu dài trong suốt một cuộc đời tu tập không phải là chuyện dễ thực hiện.

Tin tường mọi sự sẽ vĩnh viễn và kèm thêm vào đó lòng ích kỹ đã ăn sâu vào tim ta, biến nó giống như trung tâm của thế giới, tất cả sẽ làm thiệt thòi cho ta rất nhiều, vậy cách suy tư hiệu quả nhất là nhìn vào vô thường, vào Tánh không của mọi sự hiện hữu và lòng từ bi. Nếu không biết suy tư về những chủ đề ấy và chỉ biết thực hành nghi lễ, thì dù cho suốt một cuộc đời kiên trì cũng chẳng đem đến lợi ích gì.

Khi tôi được mười lăm, mười sáu tuổi, lúc ấy tôi đang tu học về các trình độ khác nhau trên đường Giác Ngộ, tôi khởi sự học một phương pháp thiền định thăng tiến theo từng cấp bậc. Đồng thời tôi cũng phải đảm trách việc giảng dạy, và muốn giảng dạy tôi phải tiếp tục gia tăng suy tư bằng phương pháp phân giải, vì lý do giáo huấn và suy tư phân giải luôn luôn đi đôi với nhau. Chẳng hạn chủ đề liên hệ đến cái chết gồm ba căn nguyên, chín lý do và ba quyết tâm như sau đây.

Căn nguyên thứ nhất: suy tư rằng cái chết là điều chắc chắn

 1. Bởi vì cái chết, dù sao đi nữa, không thể nào tránh được,

 2. Bởi vì không thể kéo dài sự sống mãi mãi và phút cuối cùng ngày càng gần thêm,

 3. Bởi vì dù cho ta đang còn sống, nhưng thời gian còn lại rất ít để giúp ta dịp may tu tập.

Quyết tâm thứ nhất: tôi phải tu tập.

Căn nguyên thứ hai: suy tư rằng cái chết bất định

 4. Bởi vì hy vọng sống được bao lâu hoàn toàn không ai biết trước,

 5. Bởi vì những nguyên nhân đưa đến cái chết quá nhiều và khả năng duy trì sự sống lại hiếm hoi, 

6. Bởi vì giờ chết không thể biết trước được, lý do là thân xác ta quá mong manh.

Quyết tâm thứ hai: tôi phải tu tập ngay từ bây giờ.

Căn nguyên thứ ba: hãy suy nghĩ rằng, đến lúc ta chết, không có gì giúp ta được nữa, ngoại trừ sự tu tập. 

7. Bởi vì, trong phút lâm chung, bạn bè của ta đều bất lực,

8. Bởi vì, trong phút lâm chung, gia sản của ta sẽ không còn ích lợi gì nữa,

9. Bởi vì, trong phút lâm chung, thân xác không còn trợ giúp gì được cho ta.

Quyết tâm thứ ba: Tôi phải tập không bám víu vào tất cả những gì tuyệt vời trong cuộc sống này.
Trong chu kỳ sinh tồn, những gì kết hợp – như cha mẹ, con cái, anh em, chị em, bạn hữu – sẽ phân tán một cách tự nhiên. Dù ta có bám víu cách mấy: cuối cùng ta cũng phải tách rời họ. Cả thầy, cả đệ tử, cả cha mẹ, cả con cái, cả anh em chị em, cả chồng cả vợ, cả bạn hữu – bất kể họ là ai – họ phải tách rời nhau một ngày nào đó.

Khi nào người thầy lâu đời nhất của tôi là Ling Rinpoché vẫn còn khoẻ mạnh, tôi không đủ can đảm nghĩ đến cái chết của thầy tôi, hình như đó là một thứ xúc cảm không chịu đựng nổi cho tôi. Đối với tôi, ông là một khối đá cứng nhất để tôi nương tựa. Đến đỗi tôi tự hỏi không biết làm sao tôi có thể sống nếu không có sự hiện diện của thầy tôi. Nhưng khi ông ngã bịnh lần đầu, rồi thêm một lần thứ hai nghiêm trọng hơn, tôi bắt đầu tự nhủ trong một góc tâm linh: « Có lẽ hay hơn hết là thầy ra đi trong lúc này ». Có lúc tôi đã nghĩ đến trường hợp thầy tôi đã suy nghĩ kỹ và đã quyết định đến lúc phải ra đi vĩnh viễn, phần tôi thì nên chuẩn bị bắt tay vào trọng trách dành cho tôi: tức là đi tìm vị hóa thân của thầy tôi.

Không những bạn bè ta, tài sản của ta, và những gì ta tom góp được – dù cho giá trị cách mấy – đều trở nên vô ích. Bất kể cấp bậc gì hay chức vụ nào của ta, dù cao sang cách mấy, cũng không tránh khỏi sự sụp đổ. Mỗi khi tôi bước lên bục và trước khi ngồi xuống để thuyết giảng, tôi đọc nhẩm một câu kinh Kim Cương về vô thường để tự nhắc nhở lấy tôi:

Hãy quán xét mọi vật, chúng đều được sinh ra từ sự kết hợp của nhiều nguyên nhân,

Chẳng hạn như những vì sao lấp lánh, những tưởng tượng phát sinh từ một cái nhìn bịnh hoạn,
Cho đến ánh sáng lập lòe của một ngọn đèn dầu, những ảo giác của ma thuật,

Một giọt sương mai, những bọt bong bóng, những giấc mơ, những tia chớp và mây bay trên trời.
Tôi suy nghĩ về cái mong manh của mọi hiện tượng, chúng đều có một nguyên nhân, tôi liền bật hai ngón tay: tiếng động khô khan và ngắn ngủi vang lên tượng trưng cho vô thường. Và thế đó tôi tự nhắc với tôi rằng tôi sắp bước trở xuống chiếc ngai này[12].

Tất cả mọi sinh vật – dù có đời sống dài hay ngắn – chắc chắn cũng sẽ phải chết. Không có một lối thoát nào cả. Khi đã rơi vào chu kỳ của sinh tồn, ta không thể nào thoát ra khỏi bản chất của ta. Bất kể những điều kỳ diệu nào bao quanh ta, và dù cho ta biết lợi dụng chúng để tận hưởng đi nữa thì từ nơi bản chất, cả chúng và cả ta cũng sẽ cùng nhau đi đến chỗ suy thoái cuối cùng[13].

Dù sao thì ta cũng chết, nhưng ta không biết được ngày giờ của phút lâm chung mà thôi. Nếu đoán trước được thì biết đâu ta cũng có thể chuẩn bị. Kể cả trường hợp có vẻ ta còn sống lâu, nhưng ta cũng không thể quả quyết một trăm phần trăm rằng hôm nay không phải là ngày ta chết. Vậy không nên hẹn tất cả vào ngày mai. Trái lại, ta phải chuẩn bị như thế nào để nếu như tối hôm nay ta chết, ta sẽ không còn gì để hối tiếc. Nếu ta suy nghĩ sâu xa về tính cách vô định và đương nhiên về cái chết của ta, ta sẽ cảm thấy càng ngày càng phải cương quyết sử dụng thời gian còn lại một cách sáng suốt hơn. Như nhà du-già Tây tạng Tông-khách-ba[14] đã nói:

Khi ta ý thức được những khó khẳn để duy trì thân xác này, ta sẽ không thể nào thụ động được.
Khi nắm được ý nghĩa sâu xa của điều ấy, ta sẽ hiểu rằng phung phí thời giờ một cách vô ý thức là nguyên nhân của lo buồn.

Khi suy tư về cái chết, tức ta chuẩn bị để sống trong kiếp sau.

Khi ta biết suy nghiệm về hành động và hậu quả sinh ra từ những hành động đó, thì cội nguồn của vô ý thức sẽ khô cạn.

Trên đường tu học, khi nắm vững được bốn căn nguyên ấy, 

Những điều thực hiện khác về đạo đức sẽ nẩy nở một cách dễ dàng.

Không những suy nghĩ về cái chết sẽ giúp ta chuẩn bị cho phút hấp hối và gợi lên những hành vi đem đến lợi ích cho kiếp sống về sau, mà ngay trong lúc này biết tập luyện như thế còn ảnh hưởng một cách cực mạnh trên những cảm nhận của tâm thức ta nữa. Ví dụ đối với một người không ý thức được cái chết là một điều hiển nhiên, bạn bè và cả gia đình họ sẽ có cảm giác bất lực vì không thể nào nói chuyện với họ một cách thực tế được, dù cho họ đã già nua và sắp ra đi. Họ vẫn cần những người xung quanh khen họ có vẻ tươi tỉnh. Tất cả đều biết đấy chỉ là những điều nói dối. Quả thật là khôi hài.

Đôi khi, ngay những bệnh nhân đã đến giai đoạn chót, chẳng hạn như ung thư, nhưng vẫn nhất định tránh không chịu dùng những tiếng như «chết» hay «cái chết». Tôi thấy không thể nào đề cập đến cái chết đang tiềm tàng nơi họ, họ nhất định không chịu nghe. Đối với những ai không đủ can đảm đối đầu với chữ « chết », dù đó là một thực tế đi nữa, lúc cái chết đến gần sẽ làm cho họ sợ hãi và kinh hoàng. Hãy lấy một thí dụ khác, khi tôi thấy một vị bác sĩ gần kề giây phút cuối cùng, tôi có thể nói mà không ngần ngại chút nào: « Dù cho anh sắp ra đi hoặc anh sẽ khỏi bệnh, anh cũng cần phải chuẩn bị cho cả hai giả thuyết đó »[15]. Cùng nhau suy tư về cái chết gần kề là một việc hoàn toàn có thể thực hiện được. Đối với một người sẵn sàng đương đầu với cái chết không hối tiếc, ta chẳng cần ta phải giấu diếm gì cả? Nếu một vị bác sĩ, từ trước đã nghĩ đến vô thường, sẽ can đảm hơn, sung sướng hơn trong giờ phút lâm chung. Suy tư về tánh cách vô định của cái chết là cách nuôi dưỡng tâm linh bằng sự an bình, kỷ cương và đạo đức, vì điều đó sẽ đem đến cho tâm linh nhiều lợi ích hơn những gì thuộc vật chất phù phiếm trong cuộc sống ngắn ngủi này. 

TÓM LƯỢC NHỮNG LỜI KHUYÊN

1. Nếu ta quán nhận được tính cách bất định về cái chết, ta sẽ sử dụng thời gian còn lại một cách hiệu quả hơn.

2. Muốn tránh việc hẹn sự tu tập sang ngày hôm sau, ta đừng để cho ảo giác của trường tồn xâm chiếm lấy ta.

3. Phải ý thức rằng một địa vị dù cho tuyệt vời cách mấy rồi cũng phải chấm dứt.

4. Không nên tin tưởng sau này ta sẽ còn thừa ngày giờ. 

5. Hãy thành thật trước cái chết của ta. Hãy khuyên những người khác nên minh bạch trước cái chết của chính họ. Đừng tìm cách lừa dối lẫn nhau, bằng cách tiếp tục khen nhau, khi giờ chết đã gần kề. Sự lương thiện đem đến can đảm và an vui.