Đời sống
Tâm Lý và Triết học Phật giáo áp dụng trong đời sống hàng ngày
25/02/2553 13:27 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lời Nói Ðầu

Theo truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy thì Tạng Vi Diệu Pháp (A tỳ Ðàm) được Ðức Phật thuyết vào hạ thứ bảy tại cung trời Ðạo lợi (Tàvatimsa) với tác ý trả hiếu cho thân mẫu.

Ngày nay chúng ta đến hành hương ở Ấn độ để chiêm bái bốn chỗ Ðộng tâm: Ðản sanh, Thành đạo, Chuyển pháp luân và nơi Phật nhập diệt. Ngoài bốn chỗ động tâm, có thêm một điểm chiêm bái không kém phần lôi cuốn khách hành hương đó là địa điểm đức Phật trở về thế gian sau khi thuyết pháp ở cung trời Ðạo Lợi. Ở đây, hiện tại là một nơi hoang dã cách xa thành phố Bombay.Tại địa điểm quan trọng này, ngược dòng lịch sử khoảng 24 thế kỷ Ðại đế Asoka đã đến chiêm bái và nhà vua dựng một trụ đá hình sư tử có ghi vài dòng chữ, để đánh dấu rằng đức Phật thuyết pháp ở cung trời Ðạo Lợi và ngài trở về thế gian là sự thật.

Tuy nhiên ngày nay cũng có một vài học giả cho rằng Tạng Vi Diệu Pháp là do những nhà luận sư sau này trước tác. Nếu căn cứ theo lịch sử và kinh điển của Phật giáo Nguyên thủy thì chúng ta tin chắc rằng tạng Vi Diệu Pháp do đức Phật thuyết giảng và kỳ kết tập thứ nhất tạng này được ngài Ananda trùng tuyên trong phần giáo pháp. Mãi đến kỳ kết tập thứ ba, tạng Vi Diêu Pháp mới được đại hội phân chia độc lập, như vậy lúc này kinh điển của Phật giáo có ba tạng: Tạng kinh, Tạng luật và Tạng luận (Vi diệu pháp). Chúng ta không nên nhầm lẫn bộ Kathàvatthu của ngài Mục Kiền Liên Tử (Moggaliputta-Tissa- thera) trước tác trong kỳ kết tập thứ ba là của đức Phật, tên bộ sách thì giống nhau nhưng nội dung thì ngài Mục Kiền Liên Tử dựa trên 500 câu của đức Phật giảng trên cõi trời và viết lại theo hoàn cảnh, tôn giáo, bộ phái và xã hội Ấn độ thời đó.

Ðọc tạng Vi diệu pháp chúng ta tin chắc rằng người giảng không phải là phàm phu mà là một con người siêu phàm (trí của bậc toàn giác). Cho dù có một số quan niệm cho rằng tạng Vi diệu pháp không phải do đức Phật giảng, nhưng điều đó đối với người Phật tử chúng ta không quan trọng mà điều quan trọng là pháp môn đó có phù hợp với nền khoa học đương đại, có giúp ích con người để xây dựng đời sống an lạc và hạnh phúc, áp dụng tu tập có dễ dàng đoạn trừ tham sân si hay không.

Danh từ Abhidhamma có nghĩa là giáo lý cao siêu, vi diệu. Gồm có hai thành phần: Abhi là sự thù thắng, uyên thâm, sâu xa; Dhamma là giáo pháp, lời dạy của đấng giác ngộ. Do đó Vi diệu pháp là giáo lý tinh hoa của đức Phật, giáo lý này đặc thù và nhiều pháp môn hơn Kinh tạng và Luật tạng.

Có người sẽ hỏi giáo lý của đức Phật có công năng giúp chúng sinh tu tập giải thoát tại sao lại phân chia phần Luận tạng là vi diệu. Xin thưa, "vi diệu" ở đây không phải ở trên phương diện giải thoát mà ở trên phương diện diễn đạt trình độ giáo lý cho chúng sinh ở mức độ cao thấp. Vì trong Kinh tạng và Luật tạng, đức Phật thuyết giảng giáo lý theo ngôn từ phổ thông, Tục đế, như: Chư thiên, Ma vương, vua, quan, đàn ông, đàn bà ... trái lại trong Luận tạng, đức Phật trình bày giáo lý theo ý nghĩa Chân đế (paramattha) như: uẩn, xứ, giới, đế... Do đó, việc phân chia Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng rất phù hợp theo trình độ nhân duyên của chúng sanh; nếu trong Luật tạng đức Phật sử dụng ngôn từ con người bằng 5 uẩn thì ai sẽ phạm giới và ai sẽ hành trì giới luật để tu tập giải thoát?

Nội dung Vi Diệu Pháp được đức Phật trình bày bằng bốn nội dung chính: Tâm, Sở hữu tâm, Sắc pháp và Níp bàn. Khi nói về tâm và sở hữu tâm, luận tạng giúp cho chúng ta nhận thấy được pháp duyên khởi hoặc nguyên lý hình thành sự hiện hữu của tâm và sự diễn tiến hoại diệt từng sát na của chúng. Khi nói về sắc pháp, luận tạng trình bày thể trạng của sắc pháp, những duyên tạo hợp, cũng như những tiến trình sanh diệt từng sát na của lộ sắc. Khi nói về Níp bàn, luận tạng giải thích cặn kẻ về pháp hữu vi sanh diệt, tạm bợ, vô thường giúp chúng ta nhàm chán thế sự thăng trầm luân chuyển theo dòng đời để mau tu tập đạt đến đạo quả Níp bàn- vắng lặng phiền não, không còn tham sân si.

Do đó, việc nghiên cứu và học Vi diệu pháp đối với người Phật tử chúng ta cần phải trau giồi và thông suốt. Vì thông hiểu vi diệu pháp chúng ta sẽ nhìn vạn pháp đúng theo nghĩa chân đế và không còn chấp những kiến thức sai lệch về thế gian và con người. Thông hiểu Vi Diệu Pháp giúp chúng ta có một nền tảng giáo lý căn bản bằng cách điển đạt Pháp, Từ, Nghĩa và Biện vô ngại giải. Thông hiểu Vi diệu pháp sẽ giúp hành giả tu tập pháp môn Tứ niệm xứ dễ dàng, chính xác và có hiệu quả cao, không lẫn lộn giữa Tục đế và Chân đế.

Tạng Vi diệu pháp - A tỳ đàm Pàli phần chánh tạng đã được cố Hòa thượng Tịnh Sự phiên dịch ra Việt ngữ và đã ấn hành phổ biến trong giới Phật giáo cũng như phổ biến trên mạng Internet, nhưng phần chú giải thì chưa phiên dịch xong. Bên cạnh đó, quyển Thắng pháp tập yếu luận của ngài Anuruddha trước tác đã được Hòa thượng Minh Châu phiên dịch. Ðọc bộ này chúng ta có khái niệm tổng quát về bảy bộ Vi Diệu Pháp. Ðồng thời theo chiều hướng khai sơn phá thạch của nhị vị phiên dịch Tam tạng trên, Thượng tọa Giác Chánh, Ðại đức Giác Nguyên, cư sĩ Phạm Kim Khánh v.v... biên soạn, dịch thuật một số tác phẩm Vi diệu pháp có giá trị rất cao nhằm giúp cho Phật tử học hiểu Vi Diệu Pháp dễ dàng.

Nhận thấy quyển Abhidhamma In Daily Life của nữ cư sĩ NINA VAN GORKOM rất thực tiễn và hữu dụng trong đời sống nên chúng tôi phiên dịch sang Việt ngữ với tựa đề TÂM LÝ VÀ TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO Áp Dụng Trong Ðời sống. Nội dung của quyển sách tác giả trình bày theo dạng giáo trình giảng dạy nên người đọc dễ tiếp thu và dễ nhớ vì mỗi chủ đề tác giả có đặt những câu hỏi để người đọc ôn lại những điều đã biết. Ðọc tác phẩm này chúng ta thấy tác giả đọc hiểu Tam tạng lẫn Chú giải Pàli rất sâu nên khi viết tác giả dẫn chứng nhiều nguồn tài liệu kinh điển rất quý giá theo từng chủ đề. Phần dẫn chứng Kinh tạng và bộ Thanh Tịnh đạo của tác giả, lúc chuyển ngữ chúng tôi tham khảo bản dịch của Hòa Thượng Minh Châu và Ni sư Trí Hải.

Trong tiến trình dịch có nhiều thuật ngữ chuyên môn về tạng Vi Diệu Pháp, chúng tôi hết sức cố gắng, nếu có sơ sót, kính xin quý vị góp ý để kỳ tái bản hoàn hảo hơn. Hy vọng quyển sách này sẽ giúp ích cho quý vị và các bạn hiểu biết thêm về môn học Vi Diệu Pháp dưới góc độ thực tiễn giữa đời thường.

Kỳ Viên Tự, mùa xuân 2001
Tỳ kheo Thiện Minh

-ooOoo-

Lời giới thiệu

Môn TÂM LÝ VÀ TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO rất quan trọng, vì là nồng cốt của toàn bộ giáo lý Phật Ðà, bởi do "chúng sanh" và "vũ trụ" trong tất cả sa bà thế giới đều cấu tạo do hai thành phần Danh và Sắc. Nói về Danh còn gọi là Danh pháp (Nàma dhamma) là những pháp lấy tên mà đặt ra cho hiểu biết cùng nhau như một quy ước, như là Tâm Tham, Tâm Sân, Tâm Si, Tâm Vô Nhơn, Tâm Ðại Thiện, Tâm Ðại Quả, Tâm Ðại Tố (Duy Tác), Tâm Sắc Giới, Tâm Vô Sắc Giới, Tâm Ðạo, Tâm Quả Siêu Thế, Níp bàn, lại còn phân tích gom Tâm thành một nhóm đặt tên như là Tâm Bất Thiện, Tâm Thiện, Tâm Tịnh Hảo, Tâm Vô Ký...

Còn Sắc cũng gọi là Sắc pháp (Rùpa dhamma) là vật chất hay vật lý, được phân chia ra như là sắc tứ đại, sắc thô, sắc tế, sắc gần, sắc xa, sắc tốt, sắc xấu, sắc thần kinh, sắc tứ tướng, sắc biểu tri...

Với trí tuệ siêu phàm (Phật nhãn, Toàn tri nhãn) Ðức Phật nhìn xuyên suốt cả chúng sinh và vũ trụ, nhận thấy bằng "mắt trí tuệ" rồi phân tích, chỉ là pháp hay vạn pháp cấu tạo thành chúng sinh và vạn vật, như núi sông hùng vĩ, đồng ruộng bao la, loài người, loài bàng sanh, loài thú, loài ngạ quỷ, loài a tu la, các vị Chư Thiên ở cõi Trời dục giới, các vị Phạm thiên ở cõi Trời sắc giới và vô sắc giới, các vị Ðộc Giác Phật (cũng gọi là Bích Chi Phật), các vị Toàn giác... chỉ là "Danh và Sắc pháp" cấu tạo thành nên gọi là pháp hữu vi (Sankhàra). Khi pháp hữu vi cấu tạo thành thì "hiện hữu"; khi pháp hữu vi bị tan rã thì Khổ; khi không còn chấp cái Ta hay vạn vật nữa thì Vô ngã.

Chúng sinh phàm phu tục tử với con mắt thịt (Mamsa-cakkhu) bị hạn chế tầm nhìn vì "chướng ngại" do phiền não, nên "thấy" hạn hẹp rồi cho là "có cái Ta" (Ngã) có vạn vật (núi sông...), chính vì "chấp có" (Sassata-ditthi - Thường kiến) mà chúng sinh phát sinh "ngã chấp" rồi bám víu vào cái "Ta" để thụ hưởng thọ Hỷ, thọ Lạc... do quá ham muốn thụ hưởng vì "chấp Ngã" nên sẵn sàng làm ác nghiệp từ nơi Thân, Khẩu, Ý vì bị Tham, Sân, Si điều khiển hành động trói buộc, để rồi tạo thành ác nghiệp đưa đến khổ thú, đọa xứ, còn trở lại cõi Người phải bị "quả báo" tàn hại cuộc sống triền miên.

Ðức Phật với thiên nhãn nhìn xuyên suốt trong bao kiếp sống luân hồi, với lòng bi mẫn thương xót chúng sinh sa vào ác đạo do vô minh chấp ngã mà làm ác nghiệp, nên Ngài dạy Vi Diệu Pháp (Tâm Lý và Triết Học Phật giáo), để hàng đệ tử hiểu biết rõ ràng về con người và vạn vật theo ý nghĩa chân đế, bớt chấp thủ pháp tục đế và nhàm chán pháp hữu vi tu tập thiền Quán để có hạnh phúc, an lạc và giải thoát trong kiếp hiện tại và vị lai.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn nhất là các vị hành giả (Yogàvacara) đang thực tập pháp môn Chỉ Quán, quyển "Tâm Lý và Triết Học Phật Giáo" do Ðại đức Thích Thiện Minh đã biên dịch rất chuẩn xác từ bản Anh ngữ sang Việt ngữ, mục đích để giúp quý vị Phật tử hiểu thêm về môn Tâm Lý và Triết Học Phật giáo dưới góc độ giáo lý thực tiễn trong đời sống hàng ngày.

Xin tán dương công đức của dịch giả đã giành thời gian quý báu góp phần với các vị luận sư xuyển dương Luận Tạng. Mặc dù nội dung của quyển sách này không phải là chánh tạng của văn học A Tỳ Ðàm nhưng tác giả đã trước tác y cứ theo những quyển chánh tạng và chú giải của văn học A Tỳ Ðàm Pàli. Ðiểm lôi cuốn của quyển sách là tác giả trình bày dưới dạng sư phạm để giúp cho các vị học viên dễ dàng nắm bắt được nội dung từng chủ đề: tâm, sở hữu, sắc pháp và Níp bàn, kết thúc mỗi phần như vậy tác giả đặt vài câu hỏi để cho học viên ôn lại chủ đề đó. Hy vọng quyển sách này sẽ giúp ích nhiều cho quý vị và các bạn đang tìm hiểu về văn học A tỳ Ðàm Pàli.

Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị,

Chùa Siêu Lý, ngày 12, tháng1 năm 2001
Tỳ khưu Tịnh Thân

Nguồn: Chùa Hải Quang