Chương 11. Đạt được
tri kiến
Một thời xa xưa Vua Milanda
Rời thủ
đô Sagala của Ngài
Đến
viếng Nagasena, một tỳ kheo,
Giống
như dòng sông Ganges chảy về biển.
Đến rồi,
Vua đặt nhiều câu hỏi
Với Đại
đức, vị sa môn đã xua tan bóng tối
Thắp lên
ánh lửa của chân lý;
Rất
nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề sâu xa.
Cũng thế
những câu trả lời cho câu hỏi
Quả của
thiền quán sâu xa và rốt ráo;
Làm lắng
dịu tâm, làm dễ chịu người nghe,
Khiến
người nghe ngạc nhiên và thán phục.
Phân
tích giới luật và giáo lý siêu phàm,
Gỡ bao
mối chỉ rối, bao sợi dệt chồng chéo,
Lời giải
bày thông minh của vị sa môn
Bằng ẩn
dụ và suy luận.
Mong
rằng bạn cũng hướng hiểu biết đến đây,
Để tâm
an lạc, tràn đầy phấn khởi,
Lắng
nghe những bài giảng sâu sắc này,
Để hủy
diệt mọi gốc nguồn nghi vấn.
Milindapanha i.1 (Kinh Milanda
Vấn Đáp)
Kinh Milanda Vấn Đáp ghi lại
cuộc trao đổi giữa một vị quốc vương, Milanda, và Nagasena, một vị tỳ kheo Phật
giáo nổi tiếng. Vua Milinda sống ở thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, và là
người kế vị nền cai trị ở Hy Lạp do Đại Đế Alexander dựng nên sau khi thống
lĩnh tây bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên. (Tên của Ngài được dịch
sang tiếng Hy Lạp là ‘Menandros’.)
Mặc dầu tác phẩm này không thuộc hệ thống đại tạng kinh, nhưng nó được coi là
bản kinh Phật giáo quan trọng và sớm nhất sau khi đức Phật nhập diệt (parinibbana), và thường được nhắc đến.
Bản kinh bao gồm một phần giới thiệu ngắn, như trên, về nội dung của bài giáo
lý theo phong cách tán dương, ca tụng truyền thống, tiếp theo sau bởi bảy
chương xếp theo trình tự của các câu hỏi và câu trả lời, mà tôi chỉ chọn một,
là câu hỏi thứ 13 của chương 2:
- Thế nào là Định?
Đức vua hỏi tiếp – hành tướng
của Định là như thế nào – thưa Đại Đức?
Đại Đức Na-tiên đáp:
- Tâu đại vương! Định là quy tâm
về một mối, là cột tâm, là tập trung tâm lại không cho loạn động. Trong tất cả
thiện Pháp, Định là chủ trì, Định là tột đỉnh, Định là tối thắng, Định là chỗ
hướng về, Định là nơi tụ họp, Định là chỗ tiến tới, là chỗ chảy xuống. . .!
-Xin Đại Đức hãy cho thí dụ!
-Ví như các cây xà ở nóc nhà,
hướng đến nóc nhà, gặp nhau ở nóc nhà, và thế là nóc nhà được coi là điểm quan
trọng nhất trong ngôi nhà, với tất cả mọi đặc tính tốt đẹp; là chỗ hướng tới,
là nơi tụ họp, là chỗ chảy xuống.
-Xin Đại Đức hãy cho một thí dụ
khác nữa!
-Ví như đại vương dẫn bốn loại
quân binh ra trận mạc. Bốn loại quân binh ấy sẽ y cứ nơi đức vua, họ xem đức
vua là lớn, là bậc thống lĩnh tối cao, đức vua là chủ trì, là nguyên đỉnh, là
tối thắng, là chỗ hướng về, là nơi tụ họp, là chỗ tiến tới, là nơi chảy xuống,
tâu đại vương! Ví dụ này như thế nào thì các thiện pháp sẽ y cứ Định là bậc chủ
trì như vậy, do Định mà phát sanh y như thế ấy; đúng như câu Phật ngôn mà Đức
Thế Tôn đã thuyết:
‘Này các thầy tỳ kheo! Các thầy
hãy tinh cần tiến tu thiền định. Người nào có thiền định rồi, người ấy sẽ thấy
được bản thể của sự vật.’
-Đại Đức Nagasena! Ngài thật là
thông suốt.(1)
Đức Phật thường thuyết về chánh
niệm hay định. Một trong những bài pháp cuối cùng, đức Phật đã thuyết cho một
vị đệ tử:
‘Các trạng thái tâm thức cao thượng này không được gọi là sự buông bỏ
trong điều luật cao thượng của Tăng đoàn; chúng được coi là những trạng thái
định tĩnh trong điều luật cao thượng của tăng đoàn”.
(Majjhima-Nikaya i.40 –Trung Bộ
Kinh i.40)
Trong chú giảng ta tìm được lời
giải thích sâu rộng hơn về điều này:
Những ai trong cuộc đời này tinh
tấn tu tập trạng thái tâm cao cả này với ý định để lại nó phía sau (có nghĩa là
không bám víu vào nó), nhắm đến phát triển tuệ giác dựa trên căn bản thiền
quán. Họ sẽ đạt được sự an lạc trong tuệ giác qua sự phát triển của định rốt
ráo, hoặc ngay cả qua sự phát triển của định cận hành (access concentration), là
cách để chấm dứt tâm bám víu. Do đó Đức Thế tôn đã nói, ‘Hãy tu tập phát triển
thiền định. Ai đạt được định sẽ thấy mọi vật như chúng là”.
(Visuddhimagga xi.121 –Thanh
Tịnh Đạo XI.121)(2)
Tới đây một sự liên hệ được
thiết lập giữa định và sự tái sinh:
Sự phát triển định sẽ dẫn ta tới
những trạng thái hiện hữu cao hơn. Do đó, những kẻ phàm phu này (những người
chưa đạt được quả Dự lưu hay bất cứ những trạng thái thanh tịnh siêu việt nào
tiếp theo sau đó), người mà tiếp tục tu tập định và người mà - dầu họ có muốn
tái sinh vào cõi phạm thiên hay không – chưa mất định, tìm được qua sự phát
triển định sự lợi lạc của những hình thức tái sinh tốt đẹp hơn. (Vi-
suddhimagga xi.122 –Thanh Tịnh Đạo XI.122)
Như thế tâm đạt định ít nhất
cũng chắc chắn được tái sinh tốt đẹp hơn. Đức Thế Tôn do đó lại giảng tiếp:
Những người đã đạt được sơ thiền
ở một mức độ nào đó sẽ được tái sinh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Phạm
thiên. Và ngay cả sự tu tập định cận hành cũng dẫn đến sự tái sinh tốt đẹp hơn
trong những thiện thú thuộc dục giới. (Visuddhimagga xi.123 –Thanh
Tịnh Đạo XI.123)
Chúng ta có thể hiểu là tầng
thức cao hơn này có nghĩa là một sự tái sinh tốt đẹp hơn trong cõi người hay
cõi trời.
Tuy nhiên, những người đã đạt
được đến tầng thiền thứ tám và đã phát triển được định với mục đích chấm dứt
sinh tử, đạt được niết bàn ngay trong kiếp sống này, và được an trú ở đó trong
hạnh phúc, họ tìm được sự lợi lạc của diệt qua sự phát triển thiền định. Do đó
người trí không quên tận tâm theo đuổi sự tu tập thiền định, nó mang lại những
quả báo không thể tính lường, thanh lọc ô nhiễm của ái dục.
(Visud- dhimagga xi.124 –Thanh Tịnh Đạo XI.124)
Có một ẩn dụ khá thú vị trong
Thanh Tịnh Đạo (Visud- dhimagga)
của Luận sư Buddhaghosa về việc làm thế nào chúng ta có thể dần dần định tâm,
và làm thế nào chúng ta có thể nhận chân được tâm định:
Vì tâm vị Tỳ kheo này từ lâu đã
bị phân tán trong những đối tượng sắc và vô sắc pháp, nó không muốn theo dõi
đối tượng của sự tu định qua pháp niệm hơi thở, giống như chiếc xe do con bò
điên hung dữ kéo đi chệch đường. Giả sử bây giờ một mục tử muốn huấn luyện con
bê điên hung dữ đã được nuôi dưỡng từ sữa của bò mẹ điên hung dữ. Người đó phải
dẫn con bê rời xa bò mẹ, cột nó vào một trụ cột nặng đóng chặt xuống đất ở gần
đó. Và con bê giật qua, giật lại, nhưng không thể đi đâu, nên đành ngồi hay nằm
xuống bên trụ cột. Cũng giống như thế, vị tỳ kheo muốn huấn luyện và làm chủ
cái tâm đã được nuôi dưỡng quá lâu bằng sắc pháp, đã trở nên hư hỏng, thì vị ấy
có thể đem tâm xa rời sắc pháp, đến khu rừng rậm hay chỗ hoang vắng, và ở nơi
đó có thể buộc nó bằng sợi dây chánh niệm vào trụ cột của hơi thở vào, ra. Và
tâm của vị ấy, quay qua, trở lại, không thể tìm được đối tượng quen thuộc, và
cũng không thể rứt ra khỏi sợi dây chánh niệm để chạy trốn, sẽ dần dần ổn định
bên chính đối tượng này, trong ‘định cận hành’ hay an chỉ định. Do đó cổ đức
nói:
Giống như người cột trâu để
thuần chặt chẽ vào trụ,
Hãy cột tâm của người chặt vào
đối tượng tâm.
(Visud- dhimagga VIII.153-4
–Thanh Tịnh Đạo VIII.153-4)
Đoạn này muốn nhấn mạnh một mặt
vào sự quan trọng của định, mặt khác, sự khó khăn thế nào để có thể đạt được
nó: đó là một công việc vất vả như là việc muốn thuần một con trâu điên. Ở đây
cũng nói đến những kết quả mà ta có thể mong đợi. Có hai loại định được nói đến
ở đây: định cận hành và an chỉ định. Một số bản văn ở Miến Điện cũng nói đến
định tạm thời, là loại định tất cả chúng ta đều biết tới, thí dụ như khi ta
muốn gọi điện thoại, ta phải chú tâm vào việc quay đúng các số. Loại định này
rõ ràng không liên hệ đến thiền tập, và không được Đức Phật đề cập đến trong
giáo pháp của Ngài.
Định Cận Hành (Access
Concentration)
Định cận hành là một trạng thái
thiền định trong đó, mặc dầu niệm an trú trên đối tượng thiền quán, tưởng vẫn
còn như những đám mây lơ lửng trong tiềm thức. Vì thế dường như có hai việc xảy
ra: niệm trụ vào hơi thở, đồng thời các vọng tưởng lởn vởn qua đầu mà ta không
thể xác định được nội dung, vì chúng xảy ra quá nhanh. Trong trường hợp này ta
phải quyết tâm hơn nữa để hướng tâm đến đối tượng thiền quán một cách rốt ráo.
Tuy nhiên, ta không nên cố gắng áp đặt những sự suy nghĩ có mục đích. Quá bận
tâm với các thiền quả chỉ đem lại kết quả trái ngược, vì thiền là để buông xả,
không phải để chấp chặt. Định cận hành không đưa ta đến các tầng thiền định
nhưng ta đã biết được một cảm giác khác với khi tâm còn hoàn toàn lăng xăng.
Tâm an định rốt ráo (an chỉ định) là tâm có thể trụ trên đối tượng thiền quán
(như là hơi thở, từ bi, hay quán cảm thọ) để có thể bước vào các tầng thiền
định.
Các Tầng Thiền Định
Rất ít người quan tâm đến các
trạng thái thiền định, nhưng thực ra chúng tạo nên những phương cách thiền tập,
như các câu trích từ trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga)
đã chỉ rõ. Những phương pháp thiền quán sâu sắc khác cũng hướng ta đến con
đường của tuệ giác, nhưng chỉ có thiền định tự động đưa đến sự chuyển hóa trạng
thái tâm của ta, cho ta cái nhìn xuyên suốt của tuệ giác hay tri kiến. Thật ra,
chúng ta có hai phương pháp thiền, chỉ và quán, nhưng quan trọng là ta phải
hiểu mục đích tu tập của mình. Sự hướng dẫn hoàn hảo nhất cũng thành vô dụng
nếu như ta không biết hướng đi của mình, và những phương pháp hữu hiệu nhất
cũng vô ích nếu ta không hiểu mục đích của chúng. Thiền tập không phải là mò
mẫm trong bóng tối để tìm ra những kết quả bất ngờ nào đó. Trái lại, thiền là
khoa học – khoa học của tâm, mà mọi người đều có thể ứng dụng, nếu như họ có đủ
hiểu biết và thực tập thường xuyên. Thiền có thể được mô tả một cách hợp lý như
là khoa học, vì nó đã được diễn tả bằng những từ ngữ rõ ràng, và các kết quả
của nó cũng đều cụ thể và có thể được lập lại; không có gì là ngẫu nhiên hay
may rủi trong đó.
Chính đức Phật cũng đã mô tả các
kết quả của thiền về mặt thiền định một cách rõ ràng, chính xác, dầu không đào
sâu. Giờ chúng ta sẽ xét về các thắng tri mà chúng mang đến cho ta, với sự cảnh
báo rằng những lời dạy của đức Phật chỉ là những mũi tên chỉ đến con đường đạo;
chính chúng ta phải tự đi từng bước trên con đường đó.
Sơ Thiền
Lầy thí dụ về chánh niệm trên
hơi thở, ta có thể nói rằng sơ thiền được ghi nhận bằng sự chứng nghiệm hơi thở
càng lúc càng vi tế hơn, rồi trở nên không thể cảm nhận được nữa, cho đến lúc
một cảm giác an lạc nơi thân phát khởi. Sơ thiền được ghi nhận bằng năm yếu tố
tích cực đối trị với năm ‘chướng ngại’ quen thuộc trong thiền tập (hôn trầm,
nghi, sân, trạo cữ và ái dục), và đưa chúng ta qua một quá trình thanh lọc tự
động, giống như một chiếc máy giặt tâm linh.
Theo đức Phật, một khi ta đã
phát triển được sơ thiền, dầu chỉ trong một mức độ nào đó, ta chắc chắn sẽ được
một sự tái sinh tốt đẹp. Cũng là điều tốt nếu ta không quá quan tâm đến mục
đích được tái sinh tốt đẹp; đúng ra, nếu đạt được sơ thiền ngay trong cuộc sống
này cũng đã đủ là một quà tặng của cuộc sống. Chắc chắn rằng đó là một lợi thế
cho bất cứ sự tái sinh nào sẽ đến với chúng ta.
Năm yếu tố có thể tìm thấy trong
sơ thiền là: tầm (initial application), tứ (sustained application), hỷ (piti),
lạc (sukha) và nhất tâm (ekaggata). Sự nhất tâm không chỉ cần có mặt trong
thiền định, mà cả trong hai phương pháp thiền chỉ và thiền quán, cũng như nếu
không có chút ít nhất tâm, chúng ta sẽ không thể làm được việc gì ích lợi. Năm
thiền chi này có những hiệu quả tự động trên năm chướng ngại. Trước hết, tầm (vitakka) đối trị với tinh thần uể oải,
đặc tính của hôn trầm. Tứ, trụ vào một đối tượng thiền (vicàra), đối trị nghi, vì nó mang đến
cho tâm một sự an lạc sâu lắng, nhưng nghi chỉ có thể hoàn toàn được đoạn trừ
khi đã chứng nghiệm được quả thánh đầu tiên, theo truyền thống được coi là quả
Dự lưu.
Piti (hỷ),
bao gồm một cảm giác an lạc nơi thân, đối trị sân hận; vì ta không thể cùng lúc
cảm nhận sân hận và hỷ; và nó cũng làm suy yếu sân hận vì ta biết rằng ta có
thể ngồi xuống để lại chứng nghiệm được trạng thái hỷ này bất cứ lúc nào. Thật
vậy, chúng ta càng thường phát khởi piti,
thì càng tránh bị sân hận nhiều hơn, dầu rằng nó chưa thể bị bứng gốc hoàn
toàn, vì các chướng ngại và tập khí của ta chỉ có thể đoạn diệt bằng tuệ giác,
đạt được qua sự phát triển chánh niệm thiền quán. Sukha, hay lạc, đối trị lo lắng, trạo cữ, vì nếu ta đã kinh
nghiệm được lạc ta không còn cần phải tìm kiếm điều gì nữa. Cuối cùng, nhất tâm
(ekaggatà) đối trị ái dục.
Nếu ta có thể trụ tâm vào chỉ đối tượng thiền quán ta sẽ không thể dự định gì,
thí dụ như là, chúng ta sẽ ăn gì sáng nay.
Do đó tầng thiền thứ nhất mà ta
có thể chứng nghiệm như một cảm giác an lạc vật lý, đối trị năm chướng ngại ở
một mức độ chứng nghiệm sâu sắc hơn, nhưng quan trọng hơn cả là nó giúp ta tiến
bước trên con đường thiền.
Nhị Thiền
Trong sơ thiền, hành giả cảm
giác sự phấn khích cộng với lạc. Khi cảm giác phấn khích được bỏ lại đằng sau,
hành giả bước vào trạng thái chứng của nhị thiền với tâm tràn đầy an lạc sâu xa
khi lạc trở thành đối tượng thiền quán duy nhất.
Dầu an lạc là một chứng nghiệm
kéo dài hơn là sự phấn khích, cảm giác đó cũng vô thường, và hành giả sẽ quên
mục đích hành thiền của mình nếu quá bám víu vào các cảm thọ mà thiền quả này
mang đến. Một điều cần được ghi nhận thêm là lạc thọ thường đến với chúng ta
qua sự tiếp xúc của các giác quan, qua cái thấy, âm thanh, mùi, vị, xúc hay ý.
Từ trước đến giờ, lạc thọ dựa trên những điều kiện bên ngoài – nhưng trong nhị
thiền, cảm giác này chỉ dựa vào cuộc sống nội tại của ta, nhất là sự định tâm.
Một khi đã hiểu được như thế, ta không cần phải dựa vào người khác để được an lạc,
và sự liên hệ giữa ta với người sẽ bắt đầu thay đổi: khi họ làm vừa lòng ta,
điều đó chắc chắn là dễ chịu rồi, nhưng chúng ta cũng không đòi hỏi là họ phải
làm vừa lòng ta, hay nổi cáu khi họ làm ta phật ý. Nếu những điều này không xảy
ra, là ta có thể đã chứng nghiệm được lạc, nhưng không chú tâm đủ để nhận biết
được nó.
Cái nhìn của ta đối với sự xúc
chạm của các giác quan có thể còn được hiểu sâu hơn nữa. Vì ta không thể so
sánh niềm an lạc sâu xa trong thiền định với bất cứ thứ gì mà ta đã kinh qua trong
cuộc sống thế tục, sự tiếp xúc của các giác quan trở nên kém quan trọng hơn, và
chúng ta sẽ không còn luôn tìm kiếm sự thỏa mãn qua các xúc chạm giác quan.
Cuộc sống của con người lúc nào
cũng đầy những sự tiếp xúc dễ chịu của giác quan, vì cái đẹp luôn ở mọi nơi: để
ta nhìn, nghe, ngửi, nếm hay nghĩ về chúng. Nhờ đó ta có thể sống trên đời. Tri
kiến này không có nghĩa là ta không nên tận hưởng một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp;
mà nó có nghĩa là ta nhận thức được, ít nhất là một điều, tất cả những cảm giác
xúc chạm của ta đều thoáng qua (nhất là với buổi hoàng hôn, dĩ nhiên rồi), và
thêm nữa là, lạc thọ có được chỉ qua các xúc chạm giác quan không thể so sánh
với trạng thái lạc trong nhị thiền. Niềm an lạc mà ta chứng nghiệm được trong
nhị thiền thuần khiết hơn, mạnh mẽ hơn vì nó không dựa vào sự xúc chạm giác
quan, và không có bám víu kèm theo. Cảm giác này chỉ có thể có được khi hành
giả đã buông bỏ thế giới bên ngoài, đã tìm được con đường đến với cuộc sống nội
tâm. Như thế ta vẫn còn được tự do tận hưởng các xúc chạm giác quan, nhưng
không mong đợi một sự thỏa mãn hoàn toàn hay bền lâu nơi chúng; không còn luôn
chạy đuổi theo những cảm giác xúc chạm dễ chịu và bám víu vào chúng.
Ngược lại, những cảm giác xúc
chạm khó chịu cũng không còn khiến ta não phiền, vì ta biết rằng chúng sẽ qua
đi. Sau khi ta đã kinh nghiệm được niềm an lạc thậm sâu mạnh mẽ của nhị thiền,
ta không còn cần phải phản ứng theo các cảm giác xúc chạm khó chịu nữa – chúng
chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ đến ta vì ta còn phản ứng theo chúng. Thay vào đó, ta bắt
đầu nhìn chúng như chỉ là một hiện tượng đến rồi đi, và vì thế, vì chúng ta đã
nhận thức được trạng thái chóng qua của chúng, ta không còn bám víu vào các lạc
thọ hay tránh né các khổ thọ mà chúng có thể mang đến cho ta. Điều đó có nghĩa
là ta sẽ tiếp nhận từng cảm giác dễ chịu khi nó đến. Nếu ta đã không tìm kiếm,
không mong mỏi, hoài vọng hay bám víu vào nó, ta sẽ trải qua những giây phút an
lạc thuần khiết, và không cảm thấy nuối tiếc khi nó qua đi.
Nếu chúng ta không thể nhận ra
được các tri kiến phát khởi từ nhị thiền, là chúng ta đã không quán sát các
chứng nghiệm của mình đủ thấu đáo sau khi xả thiền. Chúng phải là những sự nhận
thức xác thực mới có thể chuyển hóa được cuộc sống của ta. Đối với người tu
thiền, không phải khó đạt được các tầng thiền định. Phải mất bao lâu mới đạt
được định, chỉ là vấn đề thời gian, nhưng nó cũng tùy thuộc vào các điều kiện
nhân quả. Những người với tâm phân tích, lý luận mạnh mẽ, thích quán sát,
nghiền ngẫm mọi thứ, thường cần phải đạt được tri kiến trước khi họ có thể tìm
được sự thanh tịnh, bình an. Nói chung, nếu ta tìm được sự an bình, thanh tịnh
trước, rồi đến tri kiến thì là phương cách tốt hơn, vì các tầng thiền định sẽ
tự động mang tuệ giác đến cho ta.
Tam Thiền
Trong tam thiền, hành giả cũng
lại chứng nghiệm được sự an lạc, và nhận thức được nhân quả. Một khi chúng ta
đã có thể trụ đủ lâu trên đối tượng thiền quán, ta sẽ có thể bước vào thế giới
nội tâm. Một khi ta đã trải nghiệm được những cảm giác vật lý tuyệt vời đủ lâu,
ta sẽ đạt được an lạc. Qua cảm giác kéo dài của lạc thọ, tâm bình an phát khởi
vì việc tìm được hạnh phúc và niềm an lạc mà ta đã từng kiếm tìm, dần dần khiến
ta cảm thấy tự tại. Sự tự tại này mang đến cho ta hạnh phúc.
Từ tam thiền hành giả đạt được
nhận thức rằng sự tự tại chỉ có thể có mặt khi vắng bóng các ái dục. Nếu chúng
ta muốn có được an bình trong cuộc sống đời thường mà không cần phải cố gắng
xếp đặt những điều kiện bên ngoài làm sao để chúng có thể mang đến cho ta sự tự
tại (là điều dầu gì cũng không thể có), ta cần phải buông bỏ mọi ái dục. Với
tri kiến đó ta có thể chứng nghiệm được sự an bình.
Khi nào mà ta còn muốn thay đổi
người hay hoàn cảnh chung quanh, thì ta sẽ vẫn còn phiền muộn, khổ đau. Người
duy nhất mà ta có thể thay đổi chính là bản thân. Người khác chỉ là những yếu
tố phụ trong cuộc đời của ta, và nếu ta không vừa lòng với họ, thì tranh chấp,
bực bội sẽ kề bên. Rồi vấn đề này sẽ kéo theo vấn đề khác. Sở dĩ ta nghĩ rằng
sự đau khổ của ta là do những yếu tố bên ngoài mang đến, là vì ta chưa nhận
thức được rằng nguồn gốc của chúng là từ ở bên trong. Tam thiền có thể giúp ta
nhận thức được rằng sự tự tại chỉ có thể có khi ta không còn ôm ấp ham muốn gì.
Từ đó đưa đến cảm giác của sự nương tựa nơi bản thân và của sức mạnh nội tại.
Sự tự tại trong tầng thiền thứ
ba có thể được chuyển tải đến cuộc sống đời thường của ta. Chúng ta thường bực
bội khi gặp phải điều không vừa ý và thường tìm người để đổ trút sự bực bội của
mình. Lúc đó, ta cần phải tự nhắc nhở bản thân về lý do thực sự của vấn đề.
Trong ngày thỉnh thoảng ta cần hồi tưởng lại những tri kiến từ các tầng thiền
định - nếu sự thực hành tâm linh của ta chỉ xảy trên chiếu thiền và không đi
đâu xa hơn nữa, hay quên luôn sau đó, thì việc hành thiền của ta không ích lợi
nhiều. Cái lợi duy nhất có thể là chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn, không bị đau ở
gối nữa, nhưng đó chắc chắn không phải là lý do để ta tu thiền.
Các tri kiến đạt được trong các
tầng thiền định không chỉ phù hợp với lý trí, mà còn phải được thực chứng mới
có thể hiểu được, và sự tu chứng này phải xảy ra cho từng cá nhân. Tốt hơn hết
là các tri kiến này phát khởi, không phải trong lúc thiền định, mà khi chúng ta
đã xả thiền. Hành giả cũng có thể chứng nghiệm được chúng trong lúc thiền định
nhưng hành giả cần phải có một quá trình tu thiền khá công phu và tinh tiến để
tránh khỏi bị lầm lạc. Do đó điều này không nên xảy ra khi ta vừa bắt đầu tu;
tốt hơn, ta cần khéo tu luyện, với khả năng cho phép, tiến sâu vào định, để khi
ra khỏi định, ta có thể hồi tưởng lại và tự hỏi mình: “Tôi đã chứng nghiệm được
gì? Đã rút tỉa được gì từ đó? Dầu sự chứng nghiệm chỉ là vô thường, tôi đã học
hỏi được gì?” Ý thức và hiểu được những sự chứng nghiệm của mình là mục đích
của thiền. Vì chúng ta thực hiện động tác này cho chính bản thân, nên ta đã
nhận được một sự rèn luyện tâm sâu sắc. Không có chút hoài nghi nào trong tâm
ta rằng các sự chứng nghiệm này là xác thực, dầu người khác có thể hoài nghi.
Cuộc sống nội tâm của ta được chuyển hóa bằng cách đó. Nhận thức được cái biết
này là cửa ngõ vào tuệ.
Tứ Thiền
Ba tầng thiền đầu không khó tu
tập; tuy nhiên tầng thứ tư đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Bốn tầng thiền đầu tiên
được gọi là thiền sắc giới. Chúng vẫn còn thực thể và tương đồng với một số
trạng thái ta có thể cảm nhận trong đời sống hằng ngày, tuy nhiên chúng có một
nền tảng khác. Trong cuộc sống đời thường ta cũng có những cảm giác vật lý dễ
chịu, những hỷ lạc, dầu chưa được trọn vẹn và luôn phải dựa vào các yếu tố bên
ngoài. Trong tứ thiền, cảm giác an bình đã sâu lắng đến hoàn toàn vắng lặng. Sự
chứng nghiệm này trở thành đối tượng thiền quán và sự nhận biết được nó chỉ có
mục đích hỗ trợ.
Vì thế ở sơ thiền, đối tượng
thiền quán là những cảm giác dễ chịu nơi thân, ở nhị thiền là hỷ, ở tam thiền
là lạc, và tứ thiền là tĩnh lặng. Chỉ có đối tượng thiền quán có mặt trong tâm,
không có gì khác nữa. Những đặc tính này của các tầng thiền định có thể không
rõ ràng. Khi chúng ta còn ở giai đoạn tu tập thiền, chúng có thể thoáng qua và
ta chỉ có thể nắm bắt được chúng trong phút giây. Chúng chỉ trở thành các trạng
thái thiền định khi ta có thể duy trì được chúng, khi trong tâm ta không còn gì
khác ngoài đối tượng thiền quán.
Sự tĩnh lặng của tứ thiền dường
như sâu lắng hơn, tưởng chừng như tâm đang chìm lắng, dầu dĩ nhiên là không
phải thế - tâm đang ổn định ở ngay nơi ta đặt nó vào. Như khi ta chú tâm vào
ngón chân cái ở bàn chân phải của mình, thì nó sẽ trụ ở đó; vì thế nếu ta để
tâm đi sâu vào tĩnh lặng, ta sẽ cảm thấy chìm sâu trong sự tĩnh lặng đó.
Một khi đã kinh nghiệm được sự
tĩnh lặng này, ta có thể thấy một sự tĩnh lặng hoàn toàn như thế chỉ có thể có
được nếu ta buông bỏ phần lớn ngã chấp. Tri kiến này dọn đường cho ước muốn
được giải thoát. Mọi người khôn ngoan đều mong được tĩnh lặng, an bình và hạnh
phúc. Khi ta đã nhận thức rằng sự tĩnh lặng sâu lắng này chỉ có thể có được một
khi ngã chấp của ta đã hoàn toàn được dời vào “hậu trường”, ta sẽ có ước muốn
mãnh liệt hơn để buông bỏ ngã tưởng và ngã chấp.
Tất cả phải được chứng nghiệm,
không phải tự nghĩ ra. Dĩ nhiên, các tầng thiền định này cũng có thể không đồng
nhất. Có khi thì ta chứng nghiệm được chúng một cách sâu xa, nhưng lần khác,
nếu ta không chú tâm đủ, thì ta có thể kinh nghiệm được chút ít hỷ lạc, an bình
nhưng không tràn đầy. Tuy nhiên, sự chứng nghiệm của các tầng thiền định này
cũng có thể đủ mạnh để có một ảnh hưởng sâu xa và lâu dài. Nói theo thế tục thì
ấn tượng của tình yêu đầu tiên luôn mãnh liệt hơn. Ảnh hưởng của các tầng thiền
định ít nhất cũng phải sâu sắc như thế để ta có thể đạt được tri kiến từ đó.
Cùng với ý muốn giảm bớt chấp
ngã xuất hiện một ước muốn thiết tha được giải thoát như thường được diễn tả
trong giáo lý của Phật. Chúng ta đã tự chứng được sự thật của một trong những
lời dạy căn bản của đức Phật: rằng ngã tưởng ngăn trở bước đường hạnh phúc của
ta. Chúng ta đã biết cảm giác đó như thế nào một khi ta buông bỏ được ngã
tưởng. Do sự nhận thức này và lòng quy ngưỡng đến những lời Phật dạy, tín tâm
của ta được phát triển. Chúng ta không cần phải phác họa ra những điều cần làm;
chúng ta chỉ cần tuân theo những lời Phật dạy với lòng tin và sự quyết tâm.
Việc kế tiếp chúng ta nhận biết
là sự tăng trưởng tính cấp bách trong việc tu tập. Do đó, chúng ta phải thực
hành ngay bây giờ, không đợi đến khi ta được có hoàn cảnh thuận tiện, thời tiết
hay đạo hữu tốt hơn. Chúng ta bắt đầu cảm nhận được sự nôn nóng, ước muốn được
giải thoát và tín tâm. Chỉ có với niềm tin, lòng tin cậy và sự tự tin mà ta có
thể trở nên tự nguyện. Chúng ta trở nên giống như những đứa trẻ tự tin nắm tay
mẹ mình để qua đường. Đứa trẻ hoàn toàn tin tưởng ở người mẹ, hoàn toàn dựa vào
trí tuệ của bà mẹ và nghe theo lời dạy của mẹ. Nếu chúng ta để cho tâm trẻ thơ
lại trở về với mình và không tự cho là mình biết tất cả hay chỉ nghe theo bản
năng của chính mình, thì ta sẽ thành công trong việc toàn tâm toàn trí tin
tưởng vào Phật pháp. Trong phần lớn trường hợp, điều này chỉ trở thành khả thi
khi ta đã tu tập đến tứ thiền đủ lâu và đủ rốt ráo. Nó cũng tùy thuộc vào những
điều kiện nghiệp quả của ta.
Trong tứ thiền, tâm tiếp nhận
được một sự hỗ trợ năng lượng rất mạnh. Nếu tu tập tứ thiền một cách đều đặn,
ta sẽ có được một cái đầu sáng suốt hơn nhiều. Điều đó gần giống như suối nguồn
tâm linh của tuổi trẻ. Giống như khi thân ta nghỉ ngơi vào buổi tối, được nạp
năng lượng, tâm cũng sẽ thu thập thêm sức mạnh khi nó kinh nghiệm được sự an
tịnh sâu xa của tứ thiền. Tâm thực sự muốn hiểu được sự tương quan giữa vạn vật
cần một sự tái tạo như thế.
Vượt Trên Bốn Tầng Thiền Đầu
Tiên
Tứ thiền được coi là bệ phóng
cho bốn thiền vô sắc. Chúng được gọi là vô sắc vì chúng không có bản thể. Mặc
dầu ảnh hưởng của bốn tầng thiền đầu tiên mạnh mẽ, nhưng các tầng thiền quả sau
còn có những ảnh hưởng sâu đậm hơn. Tầng thứ năm, thứ sáu và thứ bảy được gọi
là vipassana jhana, là định
minh sát, tuệ minh sát (vipassana:
minh sát; jhana: định), vì
chúng đặc biệt thích hợp cho việc mang đến tuệ giác. Chúng ta có thể chấp nhận
chỉ bốn tầng thiền định đầu tiên, rồi kết luận rằng mình là các thiền giả đắc
quả và có thể tự khen thưởng mình. Nhưng điều đó không thể xảy ra ở các tầng
thứ năm, thứ sáu và thứ bảy, vì tâm thức tỉnh, có đủ nhận thức để đạt đến những
tầng định cao này, cũng có được trí tuệ tương ưng.
Qua các tầng thiền quả này, hành
giả có thể đạt được những khả năng được coi là siêu nhiên. Tuy nhiên, chính là
không phải thế. Đức Phật đã cố ý không nhắc đến các khả năng tâm linh có thể
đạt được của các vị thực tập định jhànas,
và Ngài nhắc nhở chúng ta đừng nên quá bám víu vào chúng cho đến khi ta đã được
giác ngộ.
Tuệ Giác Trong Các Tầng Thiền Vô
Sắc
Tri kiến xuất phát từ các tầng
thiền vô sắc không giống như ý chí (will-power). Ý chí cung cấp cho chúng ta
năng lực để có thể hoàn thành những gì ta quyết thực hiện, nhưng nhiệm vụ của
nó không phải là để giúp ta nghĩ ra những gì ta muốn thực hiện, vì khuynh hướng
thiên về kết quả cản trở ta thực sự sống đời sống tâm linh. Nhiều người khó
phân biệt điều này và không hiểu sự khác nhau giữa ý chí và việc cố đạt được
kết quả. Nếu hành giả quá chú tâm vào kết quả thì không thể chú tâm hành thiền
– hoặc là ta thiền hoặc là ta nghĩ về những gì ta muốn đạt được. Các thành tựu
và tri kiến của thiền vô sắc được giải thích ở đây dành cho những ai đã tu tập
chúng, để chứng minh các khả năng của tâm, và làm thế nào để có thể sử dụng
chúng một cách hữu hiệu nhất. Thực thế, đức Phật đã dạy rằng chúng ta có thể
tiến bước đến giác ngộ từ bất cứ tầng định nào.
Chúng ta cần hiểu thật rõ rằng
những cảm giác ta chứng nghiệm được trong bốn tầng thiền định đầu tiên hoàn
toàn khác với những gì chúng ta trải qua trong đời sống hằng ngày. Chúng ta có
thể cảm nhận được những niềm vui trong đời sống hằng ngày, hy vọng là rất
thường xuyên, nhưng đó không phải là niềm hỷ lạc trong thiền định. Tương tự,
chúng ta có thể cảm thấy bằng lòng trong cuộc sống hằng ngày nhưng đó không
phải là sự tự tại trong thiền định. Chỉ những ai đã tu tập thiền định mới biết
được sự khác biệt này. Tuy nhiên, niềm vui thế tục cũng có thể phát khởi trong
lúc tọa thiền, vì ta có thể hân hoan về sự kiện là ta có thể tu thiền, rằng ta
đã hết lòng cố gắng tu tập, theo dõi hơi thở hay đạt được trí tuệ. Nhưng hành
giả phải nhớ rằng niềm hỷ lạc đó chỉ là một điều kiện tiên quyết cho việc hành
thiền, không phải là thiền. Một đòi hỏi quan trọng để được tâm an lạc và tri
kiến là sự nhận thức chính xác về những gì đang diễn ra bên trong ta, nếu không
ta sẽ không học hỏi được điều gì từ đó.
Thiền vô sắc thường xuất hiện
một cách tự nhiên sau tứ thiền, nhưng chúng cũng có thể phát khởi một cách độc
lập và mặc dầu hành giả có thể cảm thấy mình đã chứng nghiệm được một cái gì đó
tuyệt vời, thú vị và đáng ước muốn, nhưng không nhận thức được đích thực chúng
là gì. Đó là lý do tại sao ta cần đi trên con đường đạo từng bước, từng bước
cho đến khi không còn sự hoài nghi nào về những gì chúng ta chứng nghiệm được.
Đức Phật đã giải thích cặn kẽ về con đường, vì thế ta biết rằng tâm chuyển hóa
từ các cảm giác thô lậu, qua hỷ lạc, đến sự thanh tịnh tuyệt đối nhất. Sự thanh
tịnh này không chỉ chứng tỏ rằng cuối cùng ta đã có thể bỏ tất cả mọi vọng
tưởng lại đằng sau - chừng ấy cũng đã là một thành quả- mà ta còn chứng nghiệm
được một điều gì đó thật sâu sắc.
Tầng Thiền Thứ Năm
Với tứ thiền, tâm ta đạt đến một
điểm mà từ đó nó không thể tiến sâu hơn nữa. Điều xảy ra kế tiếp theo là: một
sự phát triển mà ta có thể đạt được bằng nhiều cách. Nó có thể xuất hiện một
cách tự nhiên: từ sự chứng nghiệm sâu sắc này (tứ thiền), khi tâm hoàn toàn trụ
vào một điểm, trở nên dễ uốn nắn, dễ phát triển. Một cách khác nữa, tâm có thể
từ trạng thái khinh an trong tứ thiền, phát khởi sự sáng suốt, vượt lên trên sự
nhận thức chỉ nơi thân vật lý (dầu ở thời điểm đó thân sắc không được cảm nhận
một cách rõ ràng) đến kinh nghiệm của sự tràn đầy, rộng mở. Nó cũng tương tự
như sơ thiền, nhưng chứng nghiệm này, dầu có liên quan đến thân, trở nên vi tế,
thanh thoát hơn. Tâm có thể, nếu được điều khiển đúng cách, đi đến khoảng không
gian mà cơ thể ta chiếm dụng, một không gian mà cho đến giờ ta chỉ có thể cảm
nhận một cách mơ hồ. Từ đó tâm sẽ vượt xa hơn đến độ một cảm giác về sự vô biên
của không gian vô hạn sẽ tiếp nối theo, sự biến mất của mọi giới hạn. Đức Phật
đã giải thích điều đó trong một số bài giảng như là cảm giác bỏ lại đằng sau
những cây cối, rừng rậm, làng mạc, mặt đất, trăng, sao, mặt trời, và các đường
chân trời, mở rộng tâm ra thêm nữa, và thêm nữa. Tâm ta trở nên thật nhu
nhuyễn, dễ uốn nắn đến độ nó có thể đi đến bất cứ nơi nào. Chỉ có tâm với khả
năng như thế mới có thể hoàn toàn buông bỏ mọi quan điểm của nó. Chúng ta chọn
lựa cách nào để hướng tâm đến đâu không còn quan trọng nữa; đó là sự chứng
nghiệm về vô biên nơi không còn có các giới hạn.
Từ kinh nghiệm này ta không thể
làm gì khác hơn là đi đến kết luận rằng không chỉ bản thân ta mà bất cứ thân
sắc nào khác, dù là người, cầm thú, cây cỏ, hay trăng sao, đều chưa bao giờ
tách biệt - điểm nhấn mạnh ở đây là bản thân chúng ta. Ta chứng nghiệm về sự vô
hạn nhưng không có ai ở đó. Ở đây tâm vẫn còn nhận ra người quán sát, một cách
rõ ràng, sáng suốt và sâu đậm hơn trong tứ thiền. Tứ thiền thì thanh tịnh,
phóng thích năng lượng, do đó người quán sát gần như hoàn toàn bị bỏ quên.
Trong lúc chứng nghiệm về sự vô hạn, người quan sát trở thành chủ động hơn. Mặc
dầu không có một ngã thể nào – và điều đó rất rõ ràng đối với tất cả những ai
đã chứng nghiệm được nó – người quán sát vẫn còn có mặt và tâm gọi đó là ‘tôi’.
Không chỉ là chúng ta đã bỏ lại
phía sau cái ý nghĩ về một ngã thể, một bước rất quan trọng, mà chúng ta cũng
kinh nghiệm được sự toàn vẹn. Đây là sự chứng nghiệm về một tổng thể đầu tiên
có thể có được trong thiền. Ở tầng thiền thứ năm và thứ sáu, hành giả có thể
hiểu được câu ‘tất cả chúng ta là một’ trong đời sống thực tại. Ta nhận thức
rất rõ ràng rằng không có gì tách biệt hay có bất cứ một biên giới nào – tất cả
vạn vật đều hòa lẫn vào nhau.
Tâm đã chứng nghiệm được điều đó
tự động tiếp nhận một sự hiểu biết mới. Nếu ảo tưởng, ta không thực sự chứng
nghiệm và không thể đạt được tri kiến sâu xa. Cảm giác tách biệt khỏi các chúng
sanh khác, khỏi thiên nhiên, khỏi các suy nghĩ của chính mình, hay suy nghĩ của
người khác, sự tách biệt giữa một cội cây và bản thân chúng ta, tùy thuộc vào
những tà kiến đã ăn sâu trong tâm trí ta. Không chỉ các nhà khoa học đã nhận ra
rằng không có sự ngăn cách cụ thể nào trong vũ trụ, mà đức Phật đã chứng nghiệm
được điều đó hơn 2500 năm trước và đã đưa ra những kết luận riêng của Ngài. Các
nhà khoa học đã xác định rằng nói cho cùng thì chỉ có những mảnh năng lượng hợp
lại với nhau, rồi tan rã. Để đi đến được kết luận đó, ta không phải tốn công
đến phòng thí nghiệm. Ta có thể chứng nghiệm điều đó trong thiền. Chúng ta đã
có phòng thí nghiệm bên trong ta. Tất cả vũ trụ đều được chứa đựng bên trong ta
và ta có thể chứng nghiệm chúng.
Nhận thức được sự phân biệt là
vọng tưởng giúp chúng ta chấp nhận một thái độ khác trong sự giao tiếp hằng
ngày với tha nhân. Người khác thật sự không phải là ‘khác’, họ cũng có mặt
trong không gian vô hạn đó. Điều đó có nghĩa rằng không chỉ sự liên hệ của ta
với cây, với hoa, với sông suối, thiên nhiên thay đổi, mà trên tất cả là sự
thay đổi trong liên hệ của ta với các chúng sanh khác, vì phần lớn các vấn đề
của chúng ta là với họ. Sự nhận thức này không chỉ làm cuộc sống hằng ngày của
ta dễ dàng hơn: nó hoàn toàn chuyển hóa sự hiện hữu hằng ngày của ta.
Công phu tu thiền thực sự chuyển
đổi đời sống hằng ngày của chúng ta. Nếu không là ta đã không hành thiền đúng
cách – ta đã không chú tâm hay đã chỉ mộng mơ. Sự chuyển hóa này cần có thời
gian và lúc đầu rất khó nhận biết. Do đó, sau một thời gian, ta cần ngồi xuống,
quán sát lại, là điều đức Phật thường nhấn mạnh. Ta có thể quán sát, thí dụ,
điều gì đã làm ta sân hận hai hay ba năm trước đây, vì hiện tại những việc đó
không còn gây khó chịu cho ta nữa. Hay chúng ta có thể xem lại tại sao trước
đây ta khó thương cảm cho ai đó, và giờ thì lại dễ dàng biết bao.
Trong các truyền thống khác, sự
chứng nghiệm về tổng thể thường được diễn tả như là một kinh nghiệm về ngã là
‘tất cả’ hay tất cả là ‘ngã’. Đây là một kết quả khác của tầng thiền thứ năm và
thứ sáu: ‘Tôi là tất cả, tất cả là tôi’. Trong một số tôn giáo hữu thần điều
này được coi là dị giáo, nhưng trong Phật giáo, đó là sự biểu hiện của các tầng
thiền này. Điều trùng hợp là, thiền định thường được thực hành bởi các vị thần
bí của mọi tôn giáo, nhưng họ dùng những thuật ngữ khác nhau để diễn tả chúng.
Trong thế kỷ của lý trí và trong thời đại khoa học kỹ thuật của chúng ta, thiền
định được đẩy lùi về phía sau và hầu như bị bỏ quên. Nhưng đầu óc nhân loại có
khuynh hướng thiên về chúng. Nếu chúng ta mong muốn kinh nghiệm được các tầng
thức khác của tâm, không có lý do gì ta không thể đạt được trong công phu thiền
tập rốt ráo.
Đạt được không gian vô hạn rồi thì
nó cho ta cơ hội để cảm nhận tình thương yêu, bi mẫn trên một bình diện hoàn
toàn khác. Nếu chúng ta thực sự đi theo con đường đó, ta sẽ có được những kết
quả cụ thể, rõ ràng. Bất cứ sự giải thích nào về các tầng thiền cũng đầy nguy
hiểm vì một số người sẽ nghĩ rằng họ đã chứng nghiệm được những gì mà thực sự
ra họ chỉ hiểu. Từ sơ thiền đến tầng thiền thứ tám, mỗi bậc là một cảm giác.
Các nhận thức tiếp nối chỉ xuất hiện sau kinh nghiệm của tầng thiền tương ứng.
Sự giải thích không gì hơn là một cố gắng để diễn tả cảm giác bằng lời. Chúng
ta không bao giờ nên lẫn lộn giữa suy tư và cảm giác. Bất cứ ai cũng có thể
chứng nghiệm được các tầng thiền quả, nhưng với những người thường quán sát các
cảm giác của mình sẽ thấy việc đó dễ dàng hơn chút ít.
Tình thương và lòng bi mẫn trở
nên dễ dàng tiếp cận hơn vì chúng ta không gửi gắm tình thương, tình bạn cao
quý, hay sự sẵn sàng để giúp đỡ ai, vì không còn có ai khác. Tất cả chúng ta là
một. Hướng tình thương đến bản thân chúng ta cũng không đem lại sự khác biệt
nào, vì nó chỉ có nghĩa rằng tính chất của trái tim đã phát triển và bắt đầu nở
hoa. Không còn quan trọng nữa là ai đứng trước chúng ta, dầu cho họ dễ chịu hay
hành xử không theo ý ta mong muốn. Để tập được điều này, chúng ta phải thực
hành thiền tâm từ, là nơi chúng ta sẽ phát triển tình cảm đó từ những người bạn
thân đến những người khác trong một vòng tròn rộng lớn đến vô tận. Qua những
kinh nghiệm của tầng thiền thứ năm, các cảm giác không còn hướng đến một đối
tượng đặc biệt nào nữa, vì trong không gian vô tận chỉ còn có cảm giác này tồn
tại.
Tầng Thiền Thứ Sáu
Tầng thiền thứ sáu tương ứng với
sơ thiền và nhị thiền. Trong sơ thiền, nơi mà những cảm giác dễ chịu ở thân có
thể được cảm nhận, niềm vui bắt đầu phát khởi, rồi sau đó trở thành đối tượng
thiền quán của nhị thiền, qua việc buông bỏ các cảm giác dễ chịu nơi thân. Sự
chuyển đổi từ tầng thiền thứ năm qua tầng thiền thứ sáu cũng xảy ra tương tự
như thế. Không gian vô hạn, mà ta có thể cảm nhận qua thân, thay bằng thức vô
biên, vì chỉ có thức vô biên mới có thể kinh nghiệm được không gian vô hạn. Hai
việc này phát khởi cùng lúc, và để đi được từ tầng thứ năm lên tầng thứ sáu,
chúng ta chuyển sự chú tâm từ không gian vô hạn đến thức vô biên, bao trùm cả
không gian vô tận.
Chúng ta cũng có thể từ tầng thiền
thứ năm đi vào tâm thức cá biệt và giới hạn của chúng ta, rồi phát triển đến sự
vô hạn. Bất cứ ai có thể duy trì được sự chứng nghiệm của tứ thiền đủ lâu đều
có thể điều khiển tâm họ theo cách này. Thành tựu lớn nhất trong cuộc đời là sở
hữu một tâm đã được rèn luyện; theo đức Phật nó có thể giúp chúng ta nhiều hơn
cả cha mẹ hay bạn bè thân thiết của ta.
Thức vô biên, do đó có thể được
chứng nghiệm bằng hai cách: bằng cách phát triển tâm thức đến vô cùng tận, hay
bằng cách đi từ chứng nghiệm của không gian vô hạn thẳng đến chứng nghiệm của
thức vô biên. Trong thiền chứng này chúng ta nhận thức được rằng trong không
gian và tâm thức không có một ai.
Chúng ta phải cẩn thận để đừng
lầm lẫn những tầng thiền định với các trạng thái tâm siêu việt mà chỉ có thể
xảy ra với quả Dự lưu. Cả hai không gian và thức đều thuộc về thế tục. Chúng là
thân và tâm mà từ đó cấu tạo ra ta và ở đó mọi thứ xảy ra. Tâm sân hận, sợ hãi,
không kiềm chế, và không chánh niệm là tâm khiếm khuyết. Nó chỉ quan tâm tới
bản thân, và có thể một vài người gần bên. Nó không thể buông bỏ ngã tưởng vì
nó luôn quan tâm đến ngã. Tuy nhiên, tâm đã được thanh tịnh hóa bằng thiền và
chánh niệm, có thể tự tách ra khỏi những giới hạn mà ta tự đặt ra cho mình, và
thường đem phiền não đến cho ta. Bi kịch của tâm hạn hẹp được giải quyết bằng
tâm tu tập thiền định. Nó tự thanh tịnh hóa trong sự hiện hữu mỗi ngày, càng
ngày càng sâu xa hơn để phát triển thành vô hạn.
Sự phát triển này rõ ràng cho
thấy tâm dầu có hiện hữu, cũng không thuộc về ‘cái tôi’. Ở đây chúng ta có thể
nhận thức một cách khá rõ ràng là người quán sát đã biến mất vào vô hạn. Anh ta
ở ngay đây, đã quán sát, nhưng anh cũng vô hạn. Một khi chúng ta đã tự biết
mình với những giới hạn về thân và tâm, và người quán sát đã trở thành vô hạn,
chúng ta lần nữa lại đối mặt với cùng câu hỏi: Ai là ‘cái tôi’ này? Đây là câu
hỏi trọng tâm trong Phật pháp.
Với sự hỗ trợ của tầng thiền thứ
sáu, chúng ta có thể nhận thức rõ ràng hơn rằng thực sự có tâm thức, nhưng
không có ai làm chủ nó. Nếu tâm được thanh tịnh hóa đủ qua những cố gắng đầu
tiên, nó sẽ tìm được nhiều giải thoát hơn từ những tri kiến này. Sự giải thoát
này chỉ là một ý niệm mơ hồ về những gì có thể xảy ra một khi ta thực sự buông
bỏ được ngã, vì thế đối với nhiều người hai thiền quả này bổ sung thêm động
lượng và tính cấp bách cho ước muốn được giải thoát.
Dĩ nhiên, nếu ‘tôi’ muốn được
giải thoát, thì không thực hiện được. Một rào cản tương tự cũng xuất hiện nếu
tôi muốn tận diệt sự khổ đau ‘của tôi’. Khổ đau và giải thoát có mặt, nhưng cái
ngã dựng một rào cản giữa chúng. Nếu ta muốn đạt được giải thoát – và bước đầu
tiên để đến đó, quả Dự lưu, mang đến chỉ một mức độ rất giới hạn của giải
thoát, bậc mẫu giáo của giác ngộ, có thể nói như thế – chúng ta cần phải khám
phá ra ai đang cản trở việc Giác ngộ, không phải ai là người muốn được nó.
Hai tầng thiền quả này cho chúng
ta được nếm hương vị của sự vật sẽ như thế nào khi không có cái ngã cản trở. Sự
vô giới hạn đó không giống như sự hoàn toàn biến mất, nhưng nó hướng đến một sự
tiêu diệt dần dần các giới hạn của ta. Lần nữa điều đó là một cái gì chúng ta
không thể phác họa ra trong tâm, mà chỉ có thể chứng nghiệm.
Đồng thời ta cũng tìm được một
nền tảng hoàn toàn mới cho tình thương yêu và lòng bi mẫn. Rất khác với những
thái độ đã được huân tập trong việc phân biệt giữa người dễ thương và người
không dễ thương, ta đạt đến kết luận rằng tình thương và lòng bi mẫn là những
tình cảm duy nhất trong cái vô hạn này. Tất cả chúng ta đều ở trong không gian
vô hạn và thức vô biên này, nhưng không có ai có thể được nhận diện. Tất cả
những sự tiêu cực, chống báng, ganh tỵ đều độc hại cho tất cả mọi người trong
cõi của chúng ta. Tất cả tình thương và lòng bi mẫn đều hữu ích. Do đó qua
thiền định chúng ta nhận thức được rằng bất cứ những tình cảm nào khác đều vô
ích và uế nhiễm, chỉ làm vẩn đục sự vô hạn. Đây là một điều còn tệ hại hơn
nhiều việc ô nhiễm môi trường của chúng ta. Một khi đã kinh nghiệm và đã hiểu
được tất cả những điều đó, là ta mở được một cửa ngõ mới đến với các cảm xúc
của mình. Cửa ngõ này luôn mở nếu hành giả thực hành thiền định đầy đủ.
Tầng Thiền Thứ Bảy
Trong tầng thiền thứ bảy tiếp
theo sau những tầng thiền trước đó, tâm nhận thức được rằng trong không gian vô
hạn và trong thức vô biên hoàn toàn không có gì để tìm thấy được. Lúc đó sự chú
tâm được hướng đến sự chứng nghiệm mà đôi khi có thể xảy ra như một chuyển động
chớp nhoáng. Tâm đi qua tầng thiền thứ bảy này biết rằng không có gì mà nó có
thể bám víu vào. Trong lúc đó, tâm đã trở nên quá bình lặng đến nỗi nó không
còn cần bất cứ thứ gì để bám víu vào.
Tâm chưa từng tu tập thiền thì
bám víu vào các ý kiến của nó và vào tất cả những gì nó thấy, nghe, ngửi, nếm,
và xúc chạm. Tâm đã được rèn luyện qua thiền sẽ hoài nghi điều suy nghĩ của nó
có thật sự đúng không và có đúng là nó thực sự đã biết mọi thứ. Và tâm càng vi
tế càng xem ý kiến của nó chỉ là ý kiến, cho tới khi nó dừng nghĩ đến bất cứ
điều gì. Đây là mũi tên chỉ đường đến niết bàn, làm sao ta bắt đầu biết khả
năng một ngày nào đó ta có thể buông bỏ và hoàn toàn đánh mất tự ngã. Tuy
nhiên, điều này bao gồm tất cả con đường thiền định và những tri kiến thành tựu
được, mà ta có thể hướng đến với sự hỗ trợ của thiền. Ý chí của ta cần phải
thanh tịnh đến nỗi nó không còn lệ thuộc vào những điều ta muốn hay không muốn,
hay bởi các ý kiến của ta, mà tự tại bước ra đi vào vũ trụ. Tâm tiếp tục bám
víu vào ái dục sẽ không thể chịu đựng nổi sự vô hạn này.
Con đường phải được đi từng
bước, chậm rãi. Chúng ta không thể bỏ qua một bước nào, mặc dầu ta có thể tự
nhủ rằng ta đã đi một bước trước khi ta thực sự đến. Dầu bạn đang ở bất cứ điểm
nào, cũng phải là như thế. Đức Phật đã so sánh con đường tu tập với đại dương:
chúng ta từ từ tiến ra biển, bước xuống làm ướt mình từ chút cho đến khi hoàn
toàn ngập sâu trong nước.
Tầng Thiền Thứ Tám
Tầng thiền thứ bảy là thứ ba của
thiền tuệ, để lại phía sau một ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi tâm biết và cảm nhận
được rằng sự vô hạn này không chứa đựng bất cứ thứ gì mà ta có thể bám víu vào.
Khi sự vô hạn bao trùm ta, tâm đã sẵn sàng để buông bỏ tự ngã và hoà nhập với
bản thể ban đầu của hiện hữu là nơi không có tự ngã nào có thể được tìm thấy.
Tầng thiền thứ bảy dẫn đến tầng
thứ tám là tầng tương ứng với tứ thiền. Trong tứ thiền tâm được thư giãn, trong
khi người quán sát vẫn còn hoạt động ở phía sau, nhưng ở tầng thứ tám, tâm
không còn tỉnh thức và nhận biết như thế, thay vào đó nó trụ nơi bản thân. Cảm
giác này thật khó giải thích. Nó bỏ lại đằng sau bốn uẩn thuộc về tâm (trong
ngũ uẩn -khandhas). Tầng thứ
tám cũng được gọi là phi tưởng phi phi tưởng. Tưởng là chi thứ ba sau sắc và
thọ, và là người quán sát của chúng ta. Trong tầng thứ tám này, người quán sát
trở nên lu mờ đến nỗi nó không thể nói gì về chứng nghiệm này. Tuy nhiên, tâm
trú ngụ trong sự an bình tuyệt đối và tiếp nhận một nguồn năng lượng khổng lồ.
Nó cho chúng ta thấy đã có biết bao đau khổ trong tư tưởng và sự quán sát, ngay
chính như khi ta nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất. Kết quả của tầng thiền thứ
tám là chúng ta nhận thức được rằng tâm hoạt động không ngừng đem lại đau khổ.
Nếu thân phải làm việc cực nhọc như là chúng ta luôn đòi hỏi nơi tâm thì nó
không thể chịu đựng nổi. Chỉ có người thực hành thiền quán mới có thể tạo được
một ít thanh tịnh cho tâm trong thiền định.
Sau tầng thiền thứ tám, ta thấy
rõ ràng rằng suy nghĩ là gánh nặng cho chúng ta đến thế nào. Do đó một chúng
sanh luôn bị đau khổ dày vò vì tất cả mọi xúc chạm đều dẫn đến suy tưởng. Đức
Phật hoàn toàn chấp nhận sự giải thoát từ đau khổ để vào thiền định. Tương tự,
chúng ta có thể tận hưởng những dục lạc nếu chúng ta ngưng tìm kiếm chúng và
chỉ kinh nghiệm chúng khi chúng xảy ra. Nếu chỉ thấy toàn đau khổ sẽ làm nản
chí chúng ta khi ra khỏi tầng thiền thứ tám, ta sẽ trở nên trầm cảm đến nỗi
không còn muốn tiếp tục con đường đạo. Tuy nhiên bằng cách nhận thức được đau
khổ, ta có thể tìm được đủ sinh khí và năng lượng để giúp ta buông bỏ ngã
tưởng.
1. Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, Dịch Giả: Hòa Thượng Giới Nghiêm,
NXB Tôn Giáo 2002.
2. Thanh Tịnh Đạo –Visuddhimagga (Bhadantacariya Buddhaghosa
–Bhikkhu Nanamoli –
Ni Sư Thích Nữ Trí Hải), NXB Tôn Giáo 2001 Tập 2