Phật học cơ bản
Cẩm Nang Tu Học Dành Cho Tầng Lớp Tại Gia Cư Sĩ (Tập I)
Tỳ khưu Giác Hạnh (Hồ Quang Khánh)
09/08/2553 08:42 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Phần (3): Không tà dâm

Trong Phật giáo ghi nhận khổ đau do tham ái, chấp thủ, gây ra, bởi vì chúng là một trong ba độc tố rất nguy hiểm và có thể làm hư hỏng, mất đạo đức và giết chết tâm linh của con người không chỉ trong hiện kiếp mà còn xuyên qua những kiếp trong tương lai. Cho nên, vấn đề ở đây là phải dập tắt khổ đau của từng cá nhân. Trong đó, tham ái là cái mốc quan trọng nhất và nó được sai khiến bởi bàn tay của vô minh.

Trong ngũ giới của tại gia cư sĩ, Đức Thế Tôn chỉ chế giới tà dâm. Nghĩa là không chung sống với người không phải là vợ hay là chồng của mình. Ngay cả vợ hay chồng của chính mình nhưng giao tiếp tình dục không đúng lúc, không đúng chỗ và không chừng mực, và không hợp thời thì cũng bị liệt kê vào tội tà dâm. Nói tóm lại, những sự quan hệ nam, nữ không được luật pháp và luật tục thừa nhận đều được xem như là tà dâm. Vi tế hơn, chúng ta không nên đắm sắc, nghĩ ngợi bất chính, chơi bời lả lơi. Đây là điều kiện để đảm bảo hạnh phúc gia đình, an toàn, và ổn định xã hội.

Không có gì bất hạnh hơn khi phải sống trong một gia đình có sự quan hệ bất chánh. Những hành vi bất chánh giữa mối quan hệ của một trong hai người bạn đời sẽ đưa đến sự cãi vã, ghen tuông, đánh đập, xô ẩu; làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình; dẫn đến sự ly hôn; làm cho con cái sống được với mẹ thì mất tình thương của cha, được sống với cha thì mất tình thương của mẹ. Hơn thế nữa, con cái sẽ dễ dàng đi đến những bê tha, thiếu sự giáo dục của người cha hoặc của người mẹ rồi sa đọa vào các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, bà con không đoái hoài; làng xóm chê trách, bạn bè xa lánh, thanh danh hoen ố, phẩm hạnh lu mờ...

Đức Thế Tôn khuyên chúng ta không nên tà dâm là tôn trọng sự công bằng và hạnh phúc. Mọi người ai cũng muốn có một gia đình đầm ấm, yên vui. Nếu ai cũng giữ được giới này thì xã hội sẽ không có người phá hoại gia cang, làm nhục nhã tông môn, không đưa con người vào đường dâm loạn, bê tha. Như chúng ta thấy trong thực tế, không có sự thù oán nào mãnh liệt bằng sự thù oán do sự lừa dối hay phụ rẫy do tình ái gây ra. Các cuộc án mạng xảy ra hàng ngày hầu như là do nhiều phạm phải khác nhau, thế nhưng phần lớn là kết quả của sự tà dâm. Cho nên, đối với các cư sĩ tại gia, Đức Thế Tôn đã khéo léo dạy bảo một lối sống gia đình hạnh phúc, êm ấm. Trong Pháp cú kinh Đức thế tôn dạy như sau:

"Tà dâm, tà vạy vợ người
Bốn điều bất hạnh
đến thời phải vương:
Một chịu họa hại tai ương
Hai là khó ngủ
dạ thường lo âu
Ba, đời phỉ nhổ ngập đầu
Bốn đọa địa ngục,
đâm xâu, cột đùm!"
(Kinh Lời Vàng, câu 309).

Tội đầy, phải vác, phải bưng
Bất hạnh chạy đuổi,
còng lưng mà bò!
Khoái lạc mảnh tợ đường tơ
Lại hoảng, lại sợ
vui so thấm gì!
Luật vua hình trọng kéo đi!
Gặt quả khốc liệt
dính chi vợ người!"
(Kinh Lời Vàng, câu 309 & 310).

Mẩu chuyện liên quan đến hai Pháp cú trên:

Câu chuyện về anh chàng Khemaka, con trai của người đàn ông giàu có dưới thời Đức Thế Tôn còn tại thế.

Trong khi trú tại Kỳ Viên tự, Đức Thế Tôn thuyết giảng hai Pháp cú trên, liên quan đến anh chàng thanh niên Khemaka , con trai của người đàn ông giàu có. Khemaka cũng là người cháu trai của ông Cấp Cô Độc nổi tiếng thời bấy giờ.

Khemaka vốn là một chàng thanh niên nổi tiếng giàu có, vả lại có vóc dáng khôi ngô tuấn tú, biết bao nhiêu người thiếu nữ say đắm vì sắc tướng của chàng. Thế nhưng, Khemaka đã phạm tội tà dâm không có sự ăn năn hối hận. Những người đồ đệ của nhà vua đã bắt được chàng ba lần về chuyện lang chạ tình dục với những cô thiếu nữ và đã dẫn chàng đến gặp Đức vua. Nhưng vua Ba Tư Nặc đã không có một hình phạt nào đối với chàng, bởi vì chàng là cháu của ông Cấp-Cô-Độc. Vì vậy, chính ông Cấp-Cô-Độc đã đích thân dẫn cháu của mình đến hầu Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn khuyên chàng Khemaka về những hành động đồi bại chàng đã làm và những hậu quả nghiêm trọng mà chàng phải chịu nhận trong hiện tại cũng như tương lai.

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong chàng Khemaka chứng đắc Tu-đà-hoàn Quả.

Riêng đối với hàng xuất gia, Đức Thế Tôn dạy nên đoạn tuyệt dâm dục. Vì dâm dục là nguyên nhân đưa đến sự đọa lạc, khổ đau, và luân hồi trong sanh tử. Tham ái càng nặng thì trói buộc càng chặt, đau khổ do đó mà tăng trưởng. Động cơ của tham ái là si, tựa vào gốc si mê, ích kỷ để yêu thương. Do đó, ái chỉ làm cho mình và người đau khổ không chỉ trong hiện kiếp mà nó còn trầm luân sinh tử trong vòng luân hồi bất tận. Nếu sự yêu thương bị ngăn chặn hoặc bị từ chối thì yêu thương sẽ biến thành oán thù. Nếu yêu thương được thỏa mãn thì càng mê đắm, mù quáng. Mục đích giáo lý của đạo Phật là có khuynh hướng đưa tất cả chúng sanh và nhất là con người thoát ra khỏi khổ đau; mà nguyên nhân chính của sự khổ đau ấy là ái dục. Vì vậy, đạo Phật dạy con người nên xa lìa ái dục càng sớm càng tốt và hằng tán dương những người đã,đang và sẽ có khuynh hướng xa lìa ái dục.

Hậu quả của sự tà hạnh:

Bất cứ ai hễ phạm giới tà dâm sau khi chết sẽ tái sinh vào bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và A-tu-la). Ngay cả khi người ấy được thoát khỏi những khổ cảnh ấy và tái sinh trong cảnh giới loài người, người ấy phải gánh lấy những hậu quả như sau:

1. Bị mọi người ghê tởm, nhàm chán, và không muốn quan hệ.
2. Có rất nhiều kẻ thù.
3. Thiếu hụt về vấn đề của cải và sự thịnh vượng.
4. Bị thiếu thốn hạnh phúc.
5. Bị tái sanh làm thân nữ.
6. Bị tái sinh làm gái điếm.
7. Bị tái sinh trong dòng dõi thấp kém.
8. Phải chạm trán với những sự sỉ nhục, lăng mạ của thế gian.
9. Thân thể bị méo mó, không đủ lục căn.
10. Bị những người thân yêu xa lìa.
11. Bị mất của cải, tài sản.

Ngược lại, nếu người mà kiêng cử tà hạnh sẽ hưởng được những điều ích lợi trái ngược với những hậu quả ở trên. (The Teachings of the Buddha, tr.142 & 143).