Triết học
Con đường dẫn đến giác ngộ Đại thừa Khởi Tín Luận
Tác giả: MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
09/03/2553 08:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phân biệt tướng đạo phát tâm

III. PHÂN BIỆT TƯỚNG ĐẠO PHÁT TÂM 

Phân biệt tướng đạo phát tâm là phân biệt cái nghĩa phát tâm tu hành hướng đến đạo (mà chư Phật đã chứng được) của tất cả Bồ tát.

ĐẠO là chỗ chư Phật chứng được. PHÂN BIỆT TƯỚNG ĐẠO PHÁT TÂM là phân biệt các tướng phát tâm tu hành hướng về đạo của tất cả Bồ tát. TẤT CẢ BỒ TÁT là chỉ cho Bồ tát từ khi mới phát tâm cho đến địa vị tận cùng. 

Phát tâm lược nói có 3 thứ. Thế nào là 3?

1. Tín thành tựu phát tâm.
2. Giải hạnh phát tâm.
3. Chứng phát tâm.

Đây là nói về những giai đoạn tiêu biểu trong quá trình tu hành hướng về đạo. ĐẠO nói đây là chỉ cho pháp tánh chân như. Tướng phát tâm này có 3 thứ. 

1. Do TIN mình có pháp chân như mà tu hành hướng về pháp chân như, nên nói TÍN THÀNH TỰU PHÁT TÂM. 

2. Do HIỂU và TU TẬP mà hướng về nên nói là GIẢI HẠNH PHÁT TÂM. 
3. Do chứng được tánh thể chân như mà hướng về nên nói CHỨNG PHÁT TÂM. 

Cái HƯỚNG VỀ nói đây là chỉ cho mục đích tới. Còn TÍN, GIẢI HẠNH và CHỨNG PHÁT TÂM là chỉ cho 3 cấp độ trong quá trình hướng về ấy.

A. Tín thành tựu phát tâm 

Y nơi hạng người nào, tu những hạnh gì được thành tựu niềm tin mà chịu phát tâm? 
Muốn phát tâm tu thì đầu tiên phải tin trước, nên nhấn mạnh ‘Hạng người nào, chịu tu những hạnh gì mà đủ niềm tin chịu phát tâm?’ 

Đó là y nơi chúng sanh bất định tụ có lực huân tập thiện căn, tin nghiệp quả báo, hay khởi 10 điều thiện, chán cái khổ sanh tử, muốn cầu Vô Thượng Bồ Đề. Được gặp chư Phật đích thân cúng dường, tu hành tín tâm. Qua một vạn kiếp, tín tâm thành tựu nên được chư Phật, Bồ tát giáo hóa khiến họ phát tâm. Hoặc vì đại bi nên hay tự phát tâm. Hoặc do chánh pháp muốn diệt, vì nhân duyên hộ pháp nên hay tự phát tâm. Ấy là, tín tâm thành tựu mà phát tâm, nhập chánh định tụ, rốt ráo chẳng còn bị thối thất, gọi là trụ trong chủng tánh Như Lai, tương ưng với chánh nhân.

BẤT ĐỊNH TỤ, là chỉ cho nhóm người tâm chưa quyết với việc tu hành. Ngài Hiền Thủ nói “Bồ tát từ địa vị cuối Thập Tín trở đi, nhất định chẳng còn thối thất nên gọi là CHÁNH ĐỊNH TỤ. Chưa nhập Thập Tín, chẳng tin nhân quả gọi là TÀ ĐỊNH TỤ. Giữa 2 hạng này, là những người thuộc vào hàng Thập Tín, muốn cầu đại quả mà tâm chưa quyết, lúc tiến lúc thối, nên kinh Bổn Nghiệp nói ‘Bồ tát Thập Tín như lông phất phơ trong hư không, gọi là BẤT ĐỊNH TỤ’”. Lông phất phơ trong hư không là muốn diễn tả tình trạng gió thổi đâu thì theo nấy, chẳng dừng trụ đâu được, nên nói bất định. Đây là trả lời câu hỏi “Y nơi hạng người nào?” đã nêu trên. 

Như vậy hạng TÍN THÀNH TỰU PHÁT TÂM nói đây, tuy là hạng chúng sanh bất định tụ nhưng lại có lực huân tập thiện căn, muốn cầu vô thượng bồ đề, được gặp chư Phật tu hành v.v... Đến khi nhập vào hàng CHÁNH ĐỊNH TUï mới gọi là Tín Thành Tựu Phát Tâm. 

TIN NGHIỆP QUẢ BÁO là tin nhân nào quả nấy, gây nghiệp lành được quả báo lành, gây nghiệp ác bị quả báo xấu. HAY KHỞI 10 ĐIỀU THIỆN là tu thập thiện. CHÁN CÁI KHỔ SANH TỬ là chán những bịnh hoạn, đau khổ, chết chóc và những vô thường ở thế gian. Như thấy mạng người mỏng manh như sương mai, tiền bạc danh vọng có đó mất đó rồi sanh chán … đều thuộc dạng chán này. CẦU VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ là cầu quả vị Phật. Tất cả những thứ trên đều do LỰC HUÂN TẬP THIỆN CĂN của những đời trước phát khởi.

Nhân như vậy nên gặp được duyên là CÚNG DUỜNG CHƯ PHẬT. Qua thời gian MỘT VẠN KIẾP thì tín tâm mới thành tựu. TÍN TÂM THÀNH TỰU nói đây là tin mình có pháp chân như, tin “tức tâm tức Phật”… Tín tâm thành tựu, tức nhân càng tốt thì duyên càng tốt, nên được chư Phật và Bồ tát giáo hóa. Nói tốt, vì được 2 hạng vị này giáo hóa đương nhiên là phải phát tâm tu Phật chứ không thể tu thứ gì khác.

“Hoặc vì ĐẠI BI nên tự phát tâm” là, do thấy chúng sanh vì bị vô minh che lấp mà cùng khổ mãi trong bịnh tật, đói nghèo, sanh tử nên phát tâm tu Phật để có năng lực giúp họ thoát cái khổ sanh tử. Duyên vì đại bi và hộ pháp mà phát tâm đều là những duyên chân chánh, phải do lòng tin thành tựu mới phát tâm được, nên nói “Ấy là tín thành tựu mà phát tâm”. Phát tâm như vậy thì nhập được CHÁNH ĐỊNH TỤ. Không còn thuộc hạng bất định, nên nói KHÔNG CÒN BỊ THỐI THẤT. Đến đây gọi là “Trụ trong chủng tánh Như Lai, tương ưng với chánh nhân”. Nhân tương ưng với chủng vô lậu đã phát khởi nên nói TRỤ. Nhân này sẽ có quả là niết bàn tự tánh thanh tịnh, là cội nguồn chân thật nhất tâm, nên nói CHÁNH NHÂN. Phần sau là chỉ cho nhóm bất định tụ. 

Nếu có chúng sanh thiện căn ít ỏi, từ lâu xa đến nay, phiền não sâu dày, tuy cũng được gặp Phật Tổ cúng dường, nhưng lại khởi chủng tử trời người, hoặc khởi chủng tử Nhị thừa. Giả như có cầu Đại thừa thì căn tánh cũng bất định, lúc tiến lúc thối. Hoặc là cúng dường chư Phật chưa đến một vạn kiếp, trong khoảng ấy gặp duyên cũng có phát tâm, như là thấy sắc tướng của chư Phật mà phát tâm đó, hoặc nhơn cúng dường chúng tăng mà phát tâm đó, hoặc nhơn các vị Nhị thừa giáo hóa khiến phát tâm đó, hoặc học thứ khác mà phát tâm v.v… Phát tâm như vậy đều là bất định. Gặp nhân duyên xấu dễ bị thối thất rơi vào Nhị thừa.

Đây là nói về hạng thiện căn kém cỏi thành phát tâm không đúng. Thiện căn kém cỏi hơn trước nên nói THIỆN CĂN ÍT ỎI. Thiện căn ít ỏi ấy được biểu hiện thành PHIỀN NÃO SÂU DÀY, là chỉ cho cái kiến thì lệch lạc, cái ái cũng bộn bề. Bị 2 thứ đó che chắn nên tâm trí không được sáng suốt thành phát tâm không đúng. 

“Tuy cũng được GAËP PHẬT TỔ cúng dường” là cái duyên đồng với hạng thiện căn trên. NHƯNG, là duyên cũng như thế mà việc làm lại không như thế. KHỞI CHỦNG TỬ TRỜI NGƯỜI là chỉ cho những việc làm và suy nghĩ mang tính phúc thiện cầu quả báo. Nếu có cúng dường cho Tam bảo cũng chỉ với mục đích là hưởng phúc đời này đời sau, không nghĩ đến chuyện “Trên thì cầu Phật quả, dưới nguyện độ chúng sanh”. KHỞI CHỦNG TỬ NHỊ THỪA là thấy các pháp thuộc Nguyên thủy, Tiểu thừa, Trung  thừa thì chịu mà nghe đến tên Đại thừa thì nhảy đùng đùng, cho là pháp của tà ma ngoại đạo, không phải của Phật lập ra. 

GIẢ NHƯ CÓ CẦU ĐẠI THỪA là, dù có duyên học được pháp Đại thừa thì … căn tánh cũng bất định. BẤT ĐỊNH là không ổn định, lúc thì bên Tiểu thừa, lúc nhảy qua Đại thừa rồi trở ngược ra học Cao cấp Phật học. Lúc thì tu để thành Phật, lúc thì bỏ đi làm việc phúc thiện mong cầu cái vui trời người … Nói chung, không có tâm dứt khoát với Đại thừa mà cứ nhảy tới nhảy lui, thấy khó liền nản … đều thuộc loại căn tánh bất định này.

“Cúng dường chư Phật CHƯA ĐẾN MỘT VẠN KIẾP” là duyên khiến hạng căn cơ này không đủ tín tâm như hạng trên. “THẤY SẮC TƯỚNG mà phát tâm đó” là thấy sắc tướng của Phật rồi phát cái tâm có được sắc tướng ấy. Như ngài A Nan thấy sắc thân của Phật quá đẹp mà phát tâm tu hành để có được thân tướng ấy. Sắc tướng là thứ giả hợp mà dùng làm hướng phát tâm nên không phải là sự phát tâm chân chánh. “NHƠN CÚNG DƯỜNG CHÚNG TĂNG mà phát tâm đó” là chỉ phát tâm cúng dường chúng tăng chứ không phát tâm tu hành cầu Phật đạo. Chưa hướng về bản tánh chân như của mình nên cũng chưa phải là sự phát tâm chân chánh. Đây đều còn trụ ở sắc tướng mà phát tâm.

“NHƠN CÁC VỊ NHỊ THỪA GIÁO HÓA mà phát tâm” là phát cái tâm tu theo Nhị thừa. Các vị Nhị thừa nói đây là muốn nói đến các vị chỉ ôm khư khư quả vị Lahán hay Bích Chi Phật cho là niết bàn rốt ráo. Được chư vị này giáo hóa thì tu thật giỏi cũng chỉ đến quả vị La Hán và Bích Chi Phật là cùng. Chưa phải là chỗ rốt ráo thật sự nên cũng không phải là chỗ phát tâm chân chính.

“HỌC CÁC THỨ KHÁC mà phát tâm” là không phát tâm tu Phật mà lấy các thứ khác làm sự nghiệp. Chẳng hạn hướng tu của mình là tu Phật nhưng trong quá trình tu hành, ngoài việc thiền định mình học thêm kinh luận hay chữ Hán để khỏi lạc lối tu hành và có ít phương tiện giúp đỡ người khác thì không rơi vào trường hợp này. Song không đặt mục đích tu Phật làm chỗ đến mà chỉ lấy việc học hỏi hay bằng cấp làm mục đích tối thượng của người tu thì rơi ngay vào trường hợp “HỌC CÁC THỨ KHÁC mà phát tâm” nói đây. Đây là lấy phương tiện làm cứu cánh nên không phải là hàng phát tâm chân chánh. Ngoài ra, tu các loại thiền như xuất hồn, tu tiên, tu thiền để trưởng dưỡng tấm thân, ngoài tâm cầu Phật ... đều gọi là “Học các thứ khác mà phát tâm đó”. 

Tất cả những phát tâm trên đều không hướng về bản tánh chân như, vì tín tâm đối với Đại thừa chưa thành tựu, nên đều gọi là bất định. Nhị thừa vốn thấy nhân vô ngã nhưng pháp chưa vô ngã. Sanh tử niết bàn chưa phải là thứ huyễn hóa, tức vẫn còn vướng ở sắc tướng, nên đây liệt chung các loại trên thành “Gặp duyên xấu dễ bị thối thất RƠI VÀO NHỊ THỪA”. 

Dưới là nói về sự phát tâm khi tín tâm đã thành tựu. 

Lại nữa, tín thành tựu phát tâm là phát những tâm nào? Lược nói có 3 thứ. Thế nào là 3?

1. Trực tâm, vì chánh niệm pháp chân như.
2. Thâm tâm, vì thích gom tất cả các thiện hạnh.
3. Đại bi tâm, vì muốn bạt tất cả khổ cho chúng sanh. 

Một khi đã có niềm tin đối với Đại thừa thì hành giả có được 3 thứ tâm là trực tâm, thâm tâm và đại bi tâm.

TRỰC TÂM là tâm không điên đảo. Không điên đảo gọi là TRỰC. Không điên đảo vì không còn bị vô minh sai sử khiến cái nhìn bị thiên lệch, đây chỉ cho tâm chân như. Song phần này thuộc Tín Thành Tựu Phát Tâm, tức chỉ mới tin vào chân như mà tu nên trực tâm đây chưa chỉ cho tâm chân như mà chỉ mới là hướng về chân như mà tu, nên nói CHÁNH NIỆM PHÁP CHÂN NHƯ. CHÁNH NIỆM là “Phải biết chỉ là nhất tâm, không có cảnh giới bên ngoài”.

THÂM TÂM là tâm thích gom tất cả các thiện hạnh. THIỆN HẠNH là chỉ cho những việc làm lợi mình lợi người trong hiện tại và mai sau. Hòa thượng Trúc Lâm nói “Phàm làm việc gì, đứng về mặt thời gian là hiện tại và vị lai, nếu mình và người đều được lợi ích thì đó là điều lành. Nếu hiện tại mình bị thiệt mà người được lợi ích, đó cũng là điều lành. Nếu hiện tại mình bị thiệt mà tương lai được lợi ích, đó là điều lành. Ngược lại những điều đó thì không lành”. Bố thí, trì giới cùng các phương tiện tu hành như học hỏi kinh luận, thiền định v.v… đều gọi là thiện hạnh. Một khi đã có lòng tin tu tập đối với Đại thừa thì thích làm các thiện hạnh không nhàm mỏi, nên nói THÍCH GOM TẤT CẢ … 

ĐẠI BI TÂM là tâm muốn bạt tất cả khổ cho chúng sanh. Làm vơi đi phần nào hay làm cho chúng sanh hết khổ gọi là BẠT. Một khi đã có tâm chánh niệm pháp chân như thì THỨC đã bắt đầu chuyển thành TRÍ, ÁI sẽ thành BI. Vì thế, tâm đại bi là thứ không thể thiếu đối với một hành giả tu Đại thừa. Thiền định cao thâm bao nhiêu mà tâm đại bi không hiển lộ thì biết cái thiền mình tu ấy có sự lệch lạc. 

Hỏi : Trên nói pháp giới nhất tướng, thể Phật không hai. Vì sao không chỉ niệm chân như, lại mượn tìm học các thiện hạnh?

Thắc mắc này là do thấy LÝ và SỰ có chỗ không tương đồng. Đã nói pháp giới nhất tướng, thể Phật không hai vì sao không chỉ một mực chánh niệm chân như thôi mà phải gom tất cả các thiện hạnh, lại còn phải bạt khổ cho chúng sanh?

Đáp : Thí như báu mani lớn, thể tánh nó sáng sạch trong suốt mà có vết quặng làm bẩn. Nếu người tuy biết tánh của báu mà chẳng dùng phương tiện mỗi mỗi mài giũa thì rốt cuộc báu cũng không được sạch trong. Pháp chân như của chúng sanh cũng vậy, thể tánh tịnh không mà có vô lượng phiền não cấu nhiễm. Nếu người tuy niệm chân như mà chẳng dùng phương tiện mỗi mỗi huân tu thì cũng không được tịnh. Bởi cấu nhiễm nhiều vô lượng cùng khắp tất cả pháp nên tu tất cả các thiện hạnh, dùng đó để đối trị. Nếu người tu hành tất cả các thiện pháp, tự nhiên qui thuận pháp chân như. 

LÝ thì chỉ một pháp chân như để qui hướng và thể nhập, nhưng SỰ thì phải vừa chánh niệm chân như, vừa tu các thiện hạnh, đồng thời làm lợi ích cho chúng sanh là do phiền não cấu nhiễm quá nhiều. Như báu ma ni tuy bản chất của nó là sáng sạch trong suốt, nhưng do nằm trong quặng lâu ngày, vết bẩn đầy dẫy nên cần phải lau chùi mài rửa. Không thể chỉ biết nó trong sáng mà có thể làm nó sáng sạch trong suốt trở lại. 

Như hiện nay, tin tâm mình là Phật thì rất nhiều người tin. Nhưng tin thì tin mà không phải ai cũng phát tâm tu Phật. Người thì có tu tập thiền định. Người thì vẫn lấy chuyện phúc thiện làm chính. Một pháp BIẾT VỌNG KHÔNG THEO thôi, có người đối duyên, tâm khởi tham hay sân buông được. Nhưng có người phải quán lui quán tới đủ thứ pháp quán mới dừng được cái tham hay sân ấy. Có nhiều thứ sai khác như thế là do căn nghiệp và phiền não ở mỗi người mỗi khác. Cùng là một báu chân như mà phải dùng đến phương tiện lau chùi mài giũa ít hay nhiều là do vết bẩn phiền não ít hay nhiều, bám sâu hay chỉ bám ngoài mặt. Vì thế, không chỉ niệm pháp chân như mà phải dùng phương tiện là các thiện hạnh để gọt giũa. Tâm đại bi là cái sẵn đủ trong mỗi người, chỉ do vô minh chấp ngã mà thành ái dục. Nay trí hiển thì đương nhiên tâm đại bi hiển. Tâm đại bi hiển rồi thì muốn bạt khổ cho chúng sanh là chuyện tự nhiên. 

Thể chân như vốn không nhưng đầy đủ tất cả tướng công đức. Thiện hạnh giúp người tu phá dần tâm chấp ngã, qui hướng vô ngã nên nó thuận với chân thể chân như. Vì thế nói “Nếu người tu hành tất cả các thiện pháp, tự nhiên QUI THUẬN PHÁP CHÂN NHƯ”. 

Dưới là nêu ra các phương tiện để tẩy rửa các hoặc nhiễm khi tín tâm đã thành tựu, để có thể kham nhận pháp Đại thừa không còn thối thất.
Lược nói phương tiện có 4 thứ. Thế nào là 4?

Phương tiện tu tập đây là chỉ cho phần THÂM TÂM tu tất cả thiện hạnh vừa nói. Trên đã giải thích lý do vì sao phải tu tất cả thiện hạnh, đây là đưa ra phương tiện tu các thiện hạnh ấy. Tất cả có 4 thứ.

1. Phương tiện HẠNH CĂN BẢN là, quán tất cả pháp tự tánh vô sanh, lìa vọng kiến, chẳng trụ sanh tử. Quán tất cả pháp nhân duyên hòa hợp, nghiệp quả chẳng mất nên khởi tâm đại bi tu các phúc đức nhiếp hóa chúng sanh, chẳng trụ niết bàn. Vì tùy thuận pháp tánh vô trụ.

HẠNH CĂN BẢN là lấy hạnh này làm nền tảng trong việc tu hành. Hoặc như ngài Hám Sơn nói “Nương chân như khởi hạnh nên gọi là HẠNH CĂN BẢN”. Bởi chân như tánh vốn vô trụ nên phương tiện tu hạnh căn bản này cốt yếu là đưa tâm về chỗ vô trụ ấy. 

“Quán tất cả pháp TỰ TÁNH VÔ SANH” là thấy các pháp tự tánh là không. Các pháp đã không thì thân tâm cùng vạn pháp đều không, nên không đắm trụ vào các pháp ở thế gian cũng không chấp nhất vào những quan niệm sai lệch đã hình thành trong bao đời nay của mình, nên nói “LÌA VỌNG KIẾN chẳng trụ sanh tử”. Vì tự tánh của vạn pháp là vô sanh, sanh tử chẳng khác niết bàn, nên cái quán này vừa giúp người tu không tham đắm thế gian, cũng không trụ trước vào niết bàn an lạc của Nhị thừa. 

Tuy các pháp tự tánh là không nhưng đủ duyên thì không phải không. Nghiệp nhân một khi đã gây tạo, đủ duyên sẽ gặt nghiệp quả. Nên nói “QUÁN TẤT CẢ pháp nhân duyên hòa hợp, nghiệp quả chẳng mất”. Nếu trí phân biệt chưa hết thì tuy các pháp là không nhưng khổ vui tách bạch, sanh tử không phải là niết bàn. Vì vậy, đối với chúng sanh “KHỞI TÂM ĐẠI BI tu các phúc đức nhiếp hóa chúng sanh” để giúp họ thoát khổ. Bằng phương cách nào đó khiến chúng sanh chuyển tâm từ xấu qua tốt, từ không tin nhân quả qua tin nhân quả, từ chỗ tu các hạnh tạp nhạp qua tu Đại thừa … gọi là NHIẾP HÓA.

2. Phương tiện HAY DỪNG là, tàm quí và hối lỗi thì có thể dừng tất cả các pháp ác, chẳng để tăng trưởng. Vì tùy thuận pháp tánh lìa các lỗi.

Vì pháp tánh vốn tịnh trong không lỗi lầm nên dùng phương tiện HAY DỪNG này để tâm được tùy thuận dần với pháp tánh. HAY DỪNG là dừng tất cả những gì thuộc về ác nghiệp. TÀM QUÍ là hổ thẹn. Sự hổ thẹn này rất quan trọng đối với pháp ác. Không phải chỉ có giết người, ăn trộm, dối gian mới gọi là pháp ác. Tất cả những gì khiến tâm dính mắc vào ngoại cảnh đều gọi là pháp ác. Song tùy mức độ tu hành mà pháp ác này có thô và tế. Phần này nhắm vào pháp thô trước. Làm ác mà thấy hổ thẹn với mình và người thì mới có tâm hối lỗi mà dừng đi những việc ác ấy. Còn làm ác mà thấy bình thường dững dưng thì việc ác sẽ có cơ thành ác nghiệp. Nên đây nói “TÀM QUÍ VÀ HỐI LỖI thì có thể dừng tất cả các pháp ác”. Dừng được thì việc ác không tăng trưởng. Ngài Hám Sơn nói “Phương tiện HAY DỪNG là chưa tạo tác thì biết HỔ THẸN mà dừng lại. Đã tạo tác thì HỐI LỖI không cho nó tăng trưởng”. 

3. Phương tiện PHÁT KHỞI TĂNG TRƯỞNG THIỆN CĂN là, siêng năng cúng dường lễ bái Tam bảo, tán thán tùy hỉ, khuyến thỉnh chư Phật. Vì tâm thuần hậu ái kính Tam bảo nên lòng tin được tăng trưởng, mới có thể dốc lòng cầu đạo vô thượng. Lại nhơn nơi lực hộ trì của Phật, Pháp, Tăng nên có thể trừ bỏ nghiệp chướng, thiện căn chẳng thối thất. Vì tùy thuận pháp tánh lìa si chướng.

SI CHƯỚNG là do chấp ngã mà ra, cũng là đầu mối phát sanh ngã chấp. Ngã chấp có khuynh hướng khiến thiện căn khó tăng trưởng. Còn pháp tánh vốn không có ngã chấp, không có si chướng, đầy đủ vô lượng tướng công đức, nên cần siêng tu các thiện hạnh để thuận dần với pháp tánh. THIỆN CĂN ấy là “Siêng năng cúng dường lễ bái Tam bảo, tán thán, tùy hỉ và khuyến thỉnh chư Phật”. SIÊNG NĂNG là việc làm này phải được thường hằng như ăn cơm, uống nước. CÚNG DƯỜNG thì đối với Phật, Pháp, Tăng, đều lấy sự tu hành làm pháp cúng dường chính. Đối với Tăng bảo thì thêm sự cúng dường tài vật, ẩm thực, đồ dùng v.v... Vật thực đầy đủ thì các vị mới có thể chuyên tâm cho việc tu hành cũng như gieo duyên và giáo hóa chúng sanh. Việc làm này góp một phần nhỏ trong việc giúp Tam bảo trường tồn ở thế gian. 

TÁN THÁN là ca ngợi, biểu hiện lòng thành kính hướng về chư Phật. TÙY HỈ là lòng hoan hỉ vui sướng theo những gì mà chư Phật đã làm. KHUYẾN THỈNH CHƯ PHẬT là thỉnh Phật ở lại thế gian để chuyển bánh xe pháp. Thời nay không có Phật thì mình tán thán, tùy hỉ và khuyến thỉnh những vị đại diện cho Phật. Đó là các bậc tôn túc có đạo lực tu hành và giới luật nghiêm minh. Đây cũng biểu hiện cho tâm thuần hậu ái kính Tam bảo. Vậy thì lòng tin của mình sẽ được tăng trưởng. Lòng tin tăng trưởng rồi thì mới đủ nghị lực tu hành mà cầu đạo vô thượng. Gọi là VÔ THƯỢNG vì không có gì vượt trên đạo ấy.

Nếu thật sự hết lòng với Tam bảo thì những việc làm tổn người, hại đến sự trường tồn của Tam bảo, mình sẽ không làm. Còn những việc thuận với lời dạy của chư Phật mà các bậc thiện tri thức đã dạy mình, khiến mình và người đều được lợi ích, người người qui hướng về Tam bảo ngày càng mạnh, mình sẽ làm tối đa. Bỏ ác làm thiện như thế thì nghiệp ác dần tiêu, thiện căn tăng trưởng. Nên nói “Nhơn nơi LỰC HỘ TRÌ của Phật, Pháp, Tăng, có thể trừ bỏ nghiệp chướng, thiện căn chẳng thối thất”.

4. Phương tiện ĐẠI NGUYỆN BÌNH ĐẲNG là, phát nguyện hóa độ hết thảy chúng sanh đến tận vị lai, chẳng sót một ai, khiến họ đều được cứu cánh niết bàn vô dư. Vì tùy thuận pháp tánh không đoạn dứt, pháp tánh rộng lớn khắp tất cả chúng sanh, bình đẳng không hai, chẳng niệm đây kia, rốt ráo tịch diệt. 

“PHÁT NGUYỆN hóa độ hết thảy chúng sanh đến tận vị lai, chẳng sót một ai, khiến họ đều được niết bàn vô dư rốt ráo” là một phát nguyện vô cùng rộng lớn, không có thứ gì sánh được nên gọi là ĐẠI. Phải là tâm vô phân biệt mới thực hành được đại nguyện này nên gọi là BÌNH ĐẲNG. Nguyện này, không phải người thân của tôi tôi mới thực hiện, không phải vì chúng sanh nghèo hèn tôi mới phát nguyện ... mà vì tất cả, không sót một ai, nên gọi là BÌNH ĐẲNG. Đây là do tùy thuận được với pháp tánh chân như mà có nguyện này. Nhờ phát đại nguyện này mà tùy thuận được với pháp tánh chân như. NIẾT BÀN VÔ DƯ RỐT RÁO là chỉ cho niết bàn Phật.

Bồ tát phát tâm này thì hiểu được ít phần về pháp thân. Do hiểu về pháp thân nên tùy nguyện lực, hay hiện 8 thứ làm lợi ích chúng sanh. Đó là, rời cung trời Đâu Suất, nhập thai, trụ thai, ra khỏi thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập niết bàn. Nhưng Bồ tát này chưa được gọi là Pháp thân Bồ tát. Vì từ vô lượng đời quá khứ đến nay, nghiệp hữu lậu chưa thể đoạn dứt, tùy chỗ sanh còn bị cái khổ vi tế. Nhưng chẳng phải là bị nghiệp trói buộc, bởi do có lực tự tại của đại nguyện. 

“HIỂU ĐƯỢC ít phần về pháp thân” là kết quả có được khi hành giả phát đại nguyện bình đẳng trên. HIỂU ĐƯỢC ÍT PHẦN nguyên âm bản Hán là TIỂU PHẦN KIẾN. Chữ KIẾN này, Việt dịch có nhiều nghĩa, có thể là THẤY mà cũng có thể là HIỂU. Tự điển Phật học ghi “Kiến, tiếng Phạn là nại lạt xả nang, là suy nghĩ tìm tòi để hiểu rõ”. Luận này lại được dịch từ tiếng Phạn ra. Đây là nhân duyên thứ nhất khiến bản dịch đây dùng từ HIỂU chứ không dùng từ THẤY. 

Ngoài ra, với pháp thân, nếu nói là THẤY thì không thể thấy, vì nó không thuộc năng kiến càng không thể là sở kiến. Có lẽ do nhân duyên ấy mà luận đây không gọi việc kiến tánh là THẤY mà gọi là CHỨNG. Song tiếng Việt mình thì vẫn có thể dùng từ THẤY để hiểu cho việc CHỨNG. Ngoài ra căn cứ vào việc CHỨNG TỪNG PHẦN của hàng Thập Địa cũng như căn cứ vào cấp bậc Thập Tín bước sang Thập Trụ tại phần này, thì KIẾN nói đây không phải là sự trực chứng về pháp thân dù là chứng ít phần. Ngài Hiền Thủ nói “Bồ tát Thập Trụ nương nơi môn tỷ quán mà thấy pháp thân. Vì chưa chứng được chân như chỉ nương nơi TÍN LỰC mà thấy được ít phần, nên nói ‘chưa gọi là pháp thân’”. Vì vậy, để tránh sự lầm lẫn về chữ THẤY của tiếng Việt cũng như chữ CHỨNG của luận này, đây không dịch là THẤY mà dịch là HIỂU.

“CHƯA ĐƯỢC GỌI là pháp thân Bồ tát” vì chỉ nương nhờ tín lực và tỷ quán mà hiểu, khác với hàng Bồ tát Thập Địa là trực chứng pháp thân. NGHIỆP HỮU LẬU là chỉ cho những tạo tác của thân, khẩu, ý mang tính cách thế gian, tạo ra ‘phần đoạn sanh tử’ của chúng sanh. “NGHIỆP HỮU LẬU chưa thể đoạn dứt” là muốn nói nhân vô lậu - còn gọi là nhân Phật tánh - chưa xuất hiện. 

KHỔ VI TẾ là chỉ cho cái khổ về sanh tử và cái khổ vì tâm nhiêu động do sự tương tục của dòng vọng niệm và phân biệt mà ra, không phải là những cái khổ thuộc cơm ăn, áo mặc, tiền bạc ... của người đời. Tuy nghiệp hữu lậu chưa đoạn nhưng không bị lực ấy trói buộc như phàm phu vì có đại nguyện làm hành trang. Đại nguyện là thứ khiến cho vị Bồ tát này có những khoảng bình thản với nghiệp lực, nên nói “Bởi do có LỰC TỰ TẠI của đại nguyện”. 

HIỆN 8 TƯỚNG làm lợi ích chúng sanh như rời cung trời Đâu Suất … thành đạo, chuyển pháp luân và nhập niết bàn là muốn nói khi lòng tin thành tựu, phát tâm đại bi thì có năng lực thị hiện 8 tướng này, không phải cả quá trình từ khi rời cung trời Đâu Suất đến khi nhập niết bàn ấy chỉ thuộc về “Tín thành tựu phát tâm”. Quá trình ấy bao gồm luôn cả 2 tướng phát tâm dưới. 

 Như trong Tudala có chỗ nói “thối đọa ác thú” thì chẳng phải là thật thối. Chỉ vì đối với các vị Bồ tát sơ học chưa vào được chánh vị mà lại giải đãi, làm cho sợ hãi khiến họ can đảm mạnh mẽ lên.

Tudala nói THỐI ĐỌA ÁC THÚ, đây lấy một đoạn tương tự trong kinh Bổn Nghiệp để hiểu “Bồ tát Thất Trụ trở về trước gọi là thối phần. Nếu chẳng gặp thiện tri thức từ một kiếp cho đến mười kiếp thì thối bồ đề tâm. Còn gặp nhân duyên ác tri thức thì thối trở lại phàm phu, đọa trong các đường dữ”. Theo kinh, Bồ tát Thất Trụ nếu trong vòng 10 kiếp không gặp được thiện tri thức mà chỉ gặp ác tri thức thì thối bồ đề tâm và đọa vào các đường dữ. Vậy sự thối thất vẫn có thể xảy ra khi rơi vào cái duyên là “Trong vòng 10 kiếp không gặp được thiện tri thức”. Song vì sao đây lại nói CHẲNG PHẢI THẬT THỐI? Đây là vì các vị Bồ tát thuộc tín thành tựu, do đã phát đại nguyện bình đẳng, nên thường được chư Phật và chư vị Bồ tát thuộc hàng Thập Địa hộ trì, tạo đủ mọi loại hạnh duyên để các vị tiếp nối chủng tánh Phật của mình. Cho nên khó mà gặp duyên ác tri thức để nói là thối thất. Song thế gian này không phải là thế giới tuyệt đối nên vẫn có thể có trường hợp ngoại lệ. Đó là lúc mà tín tâm của người tu bị mai một và đại nguyện của mình bị bỏ quên, sự hộ trì của chư Phật do đó thành gián đoạn. Vì thế nói “Chẳng phải thật thối, chỉ vì đối với các vị Bồ tát sơ học chưa vào được chánh vị mà lại giải đãi”. Song hàng Bồ tát tín thành tựu phát tâm nói đây dù có đọa vào đường dữ chăng nữa, cũng chỉ một thời gian. Nghĩa là, trồi lên trụt xuống thế nào, cũng trở lại con đường tín thành tựu bất thối này. Như đức Thích Ca và ngài Di Lạc đều thành đạo, chỉ khác nhau ở thời gian mau và chậm mà thôi. 

Lại, các vị Bồ tát này một khi đã phát tâm thì xa lìa khiếp nhược, rốt ráo chẳng còn sợ rơi vào Nhị thừa. Nếu nghe đến vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp gian nan cần khổ tu hành mới được niết bàn, cũng chẳng khiếp sợ. Vì tin và biết rằng tất cả pháp từ xưa đến nay vốn vẫn là niết bàn. 

  CÁC VỊ BỒ TÁT NÀY là các vị Bồ tát thuộc Tín Thành Tựu Phát Tâm đã phát 3 loại tâm và tu 4 loại hạnh trên. Vì lòng tin đối với pháp chân như đã thành tựu nên đối với việc tu hành không còn thấy khiếp sợ. Không có tâm khiếp sợ thì đâu cần tránh sanh tử mà nhập niết bàn, nên nói “Chẳng còn sợ rơi vào Nhị thừa”. 

B. Giải hạnh phát tâm

Phải biết đây đã chuyển thành thù thắng. Bởi vị Bồ tát này từ Sơ Chánh Tín đến nay, khi a tăng kỳ kiếp thứ nhất sắp hết, đối với pháp chân như đã thâm hiểu hiện tiền, sở tu là ly tướng.

GIẢI là chỉ cho sự hiểu biết. Sự hiểu biết này có sâu và cạn. Cạn, vì sự hiểu biết ấy do niềm tin, học hỏi hay suy luận từ kinh luận mà ra, là chữ KIẾN nói trên. Sâu, là sự hiểu biết này do lắng được tâm vọng tưởng mà bật ra, gọi là GIẢI. Như khi ngồi thiền bỗng thấu suốt được ý nghĩa của một đoạn kinh hay bật ra những phát minh sâu xa v.v...thì cái thấu suốt và phát minh ấy là phần GIẢI nói đây. Tuy tâm phải lắng mới có được những loại kiến giải ấy, nhưng chúng vẫn thuộc dạng ngôn từ, không phải là những cảnh giới chứng thực của tự tâm. Nói cảnh giới là nói đến sự thâm nhập của bản thân vào những kiến giải ấy. Như đọc kinh thấy từ giác minh. Mình có thể suy luận minh ấy là nói về tính sáng suốt của cái giác, cũng có thể là cái giác ấy nó sáng nên gọi là giác minh v.v… Đến khi thiền định, thân, tâm, thế giới ... tất cả đều chẳng còn gì ngoài một thể sáng thanh lương không có bờ mé thì lúc ấy, sự hiểu biết về cái gọi là giác minh mới thật rõ ràng. Kiến giải do tâm lắng mà bật ra đương nhiên có giá trị hơn là những suy luận bằng tri thức vọng tưởng, nhưng chỉ khi tâm chứng được cảnh giới ấy, thì mọi luận giải về cảnh giới ấy mới thật sự chính xác. Vì thế GIẢI là thứ cao hơn KIẾN nhưng thấp hơn CHỨNG. 

Phần Giải Hạnh này, ngài Hiền Thủ nói “‘Đối với pháp chân như đã thâm giải hiện tiền’ là để rõ cái giải thắng. Khác với địa vị trước nên nói là ‘thâm’, khác với địa vị sau nên nói là ‘giải’”.

HẠNH là chỉ cho việc tu hành, cũng chỉ cho những việc phúc thiện trợ duyên cho việc tu hành. Phần Tín Thành Tựu Phát Tâm trên đã có phần HẠNH này rồi. Các thứ như quán, hay dừng, siêng năng lễ bái Tam bảo … đều thuộc về HẠNH. Song đến đây mới nói GIẢI HẠNH vì đây bắt đầu đi vào hạnh chính. Sẽ nói rõ ở phần sau. 

Nói THÙ THẮNG là so với loại phát tâm trước mà nói. THÙ THẮNG nghĩa là tốt hơn. Tốt hơn, vì về LÝ thì sự hiểu biết có sâu hơn, về mặt SỰ thì bước sang giai đoạn tu lìa tướng. SÂU, vì từ cái hiểu ấy, đã có thể tu pháp tương ưng với chân như là pháp tu lìa tướng. LÌA TƯỚNG là sự tu hành bây giờ không đặt nặng vào những hình thức bên ngoài hoặc chỉ dừng ở mức độ tàm quí hay loại bỏ niệm ác của tâm mà lấy việc phá trừ sự sanh khởi của tâm làm chính để đưa tâm trở về chỗ vô trụ của nó. Tâm mà vô trụ thì đương nhiên phải lìa tướngï. LÝ và SỰ đã có phần tương ưng. Không như ở hạng trước, hạnh tu vẫn còn trụ ở sắc tướng như kính Phật, cúng dường Tăng v.v... 

Tu một vạn kiếp thì tín tâm thành tựu. GẦN HẾT một a tăng kỳ mới bước sang giai đoạn “Giải hạnh phát tâm”. TRÒN MỘT a tăng kỳ mới bước vào Sơ Địa.

Dưới là nói về chỗ hành của hạng giải hạnh này. 

Vì biết pháp tánh, thể nó không xan tham nên tùy thuận tu hạnh ‘bố thí ba la mật’. Vì biết pháp tánh không nhiễm, lìa lỗi ngũ dục nên tùy thuận tu hạnh ‘giới ba la mật’. Vì biết pháp tánh không khổ, lìa sân não nên tùy thuận tu hạnh ‘nhẫn nhục ba la mật’. Vì biết pháp tánh không có tướng thân tâm, lìa giải đãi nên tùy thuận tu hạnh ‘tinh tấn ba la mật’. Vì biết pháp tánh thường định, thể của nó không loạn động nên tùy thuận tu hạnh ‘thiền ba la mật. Vì biết pháp tánh, thể nó sáng suốt, lìa vô minh nên tùy thuận tu hạnh ‘Bát Nhã ba la mật’.

Vì sao tu 6 thứ này? Vì 6 thứ này đối trị hết thảy những gì làm chướng ngại chúng ta thể nhập lại Phật tánh của mình, nên nói VÌ BIẾT. Cũng không ra ngoài tham, sân, si, danh, lợi, ăn uống, ngủ nghỉ của người đời. 

Bố thí nêu trước, trí tuệ nêu sau là đi từ thô lần đến tế. Thứ gì cũng muốn thủ về mình, gọi là XAN THAM. Do bất giác mà sanh phân biệt ta, người, xấu, tốt nên mới có xan tham. Nếu không bất giác thì không có xan tham. Vì xan tham biểu hiện cho việc ta không sống được với pháp tánh của mình nên dùng bố thí đối trị cho xan tham. BỐ THÍ là cho đi hoặc không có tâm chấp thủ. 

GIỚI là chỉ cho những chủng tử trong thức tạng. Những chủng tử này một khi đủ duyên, sẽ thành hành động tạo nghiệp. Nghiệp ác thì chịu quả xấu. Nghiệp lành thì chịu báo tốt. Như người huân tập chủng ái dục nhiều thì thấy sắc là hồn tiêu phách tán, quên hết mọi chuyện. Người mà chủng tham lam nhiều thì thấy của là động tâm, bất kể nhân quả. GIỮ GIỚI chính là giữ những cái chủng ấy không để chúng phát tán thành tội lỗi, cũng không dính mắc vào thiện nghiệp cõi trời người. Giới tướng là phần giữ giới thô. Giới tánh là phần giữ giới tế. Giữ được như thế gọi là KHÔNG NHIỄM. Giới có thô tế nên nhiễm cũng có thô tế. Với giới tướng chỉ cần tướng không nhiễm là giữ được giới. Với giới tánh thì phải giữ được sự phát khởi của tâm mới gọi là giữ được giới. Tùy thuận tu được hạnh này thì vừa trị được bịnh tham, vừa trị được bịnh sân. 

NGŨ DỤC là chỉ cho 5 trần, cũng chỉ cho tài, sắc, danh, ăn uống và ngủ nghỉ. Gọi chúng là ‘ngũ dục’ khi mình có tâm dính mắc hay mê mẫn đối với chúng. Giấc sớm là giấc ai cũng tréo chân ngồi thiền, mình thì ngủ gà ngủ gật, là đang thực thi một trong 5 thứ ngũ dục ấy. Ăn để mà sống, nhưng mình thì sống để mà ăn, truy tìm món ngon vật lạ sáng tạo ra muôn thứ … là một hình thức của thực dục. 

NHẪN, dùng để trị bịnh sân. Pháp tánh tịch diệt thanh tịnh. Nổi giận là trái với pháp tánh nên dằn lại không chưởi bới, cũng không hua tay múa chân, gọi là nhẫn. Đây gọi là nhẫn thô. Gặp duyên tâm khởi niệm, ngay khi niệm xuất hiện mà thấy được, chiếu phá lập tức không để tâm bừng bừng loạn khởi, gọi là nhẫn tế. Thô thì phân GIỚI và NHẪN. Tế thì 2 thứ ấy không khác. 

Làm việc gì mà không tinh tấn thì không thành công, nên TINH TẤN cũng là 1 trong 6 độ ba la mật. “Vì biết pháp tánh không có tướng thân tâm, LÌA GIẢI ĐÃI” là dùng tinh tấn để đối trị cho cái giải đãi này. Thân tâm mình đây luôn có tật làm biếng đối với việc tu hành. Ngồi nói chuyện không đâu thì bao lâu cũng được, nhưng tréo chân ngồi thiền nửa tiếng là than ngắn thở dài, kêu nhức kêu nhối. Cái thiếu tinh tấn là do từ thân tâm này, nhưng thân  tâm này chỉ từ vọng tưởng mà ra, nên nói ‘Biết pháp tánh không có tướng thân tâm’. Biết như vậy để đừng bi lụy, dừng để nó sai sử mà trễ nãi với việc tu hành. Cái biết như thế  là một phép quán.

Thiền là để thân tâm trở về lại với cái tự định tự tịnh của pháp tánh. Gọi là TỰ vì pháp tánh vốn như thế. Chỉ do vô minh mà mất định, mất tịnh. Mất định, mất tịnh thì vô minh càng nhiều. Thiền, chỉ cho pháp ‘Chỉ quán song tu’ ở phần Tu Hành Tín Tâm nói sau. Phải là thứ thiền ấy mới đạt được Bát Nhã ba la mật. Phải là Bát Nhã ba la mật mới phá được phần căn bản vô minh - là đầu mối sanh ra tướng thân tâm thế giới hiện nay - mà thể nhập hoàn toàn với pháp tánh. 

Bát Nhã có 3 thứ là Văn Tự Bát Nhã, Quán Chiếu Bát Nhã và Thật Tướng Bát Nhã. Bát Nhã mà toàn là văn với chữ thì gọi là Văn Tự Bát Nhã. Là chỉ cho mấy trăm cuốn Bát Nhã dài thậm tha thậm thược đọc cả đời cũng không hết đó. Quán Chiếu Bát Nhã, không còn nằm trên giấy mực nữa mà phải thực hành mới có. Đụng duyên nổi sân mà suy nghĩ ‘Cuộc đời như bóng huyễn, người với mình không khác, chỉ vì những thứ ngu si này mà trôi lăn mãi trong khổ não’ hoặc nhớ lại lời Hòa thượng dạy ‘Tất cả là vọng, buông đi’ ... Nhờ những suy nghĩ ấy mà cơn thịnh nộ lụi tàn là mình đang thực hành Quán Chiếu Bát Nhã. Nói chung, dùng những suy nghĩ thuận với pháp tánh chân như, thuận với sự thật của cuộc đời để phá trừ tham, sân, si, đều gọi là Quán Chiếu Bát Nhã. 

Phần QUÁN CHIẾU này có thô và tế. Gọi là thô khi việc quán chiếu còn có tướng suy nghĩ như vừa nói trên. Nếu không cần dùng đến việc suy nghĩ, chỉ cần biết mà niệm liền  mất thì thuộc quán chiếu tế. Tế này còn có tướng tế hơn nữa.

Thật tướng Bát Nhã thì không còn phải dùng đến Quán Chiếu Bát Nhã nữa. Còn thấy mọi thứ là thật thì mới phải quán chúng là vọng để không theo. Đúng vọng rồi thì theo hay không theo gì nữa. Như thế là như thế. Cái trí biết như thật thân tâm này là tướng vọng tưởng, không cần đến quán chiếu nữa, gọi là Thật Tướng Bát Nhã. Phải từ địa vị Bát Địa trở đi, loại Bát Nhã này mới tròn đầy. Ở địa vị Phật mới thật là rốt ráo.

BA LA MẬT, nghĩa của nó là cứu cánh, đến bờ kia hay độ vô cực. 6 thứ trên được gọi là BA LA MẬT khi những thứ ấy đưa người tu đến bờ giác ngộ rốt ráo. Theo kinh Giải Thâm Mật, muốn gọi là BA LA MẬT thì phải hội đủ 5 nhân duyên : Không nhiễm trước, không luyến tiếc, không tội lỗi, không phân biệt, hồi hướng chân chính.

Như bố thí. BỐ THÍ thì có bố thí tài, bố thí pháp và bố thí sự không sợ. KHÔNG NHIỄM TRƯỚC nên không vì danh, lợi hay vì phúc báu trời người mà bố thí. KHÔNG LUYẾN TIẾC vì dù là thân mạng chăng nữa, nếu cần thí xả thì thí xả ngay, thí xả rồi thì không luyến tiếc. KHÔNG TỘI LỖI là khi thí xả không phạm những lỗi như khinh mạn, chưởi mắng, sân hận … KHÔNG PHÂN BIỆT nên thí xả không kể thân hay sơ, giàu hay nghèo, nên hay không nên … HỒI HƯỚNG CHÂN CHÍNH vì tất cả những việc làm ấy đều hồi hướng cho vô thượng bồ đề. Hội đủ những việc như vậy gọi là ‘bố thí ba la mật’.

“Tùy thuận tu hạnh … BA LA MẬT” là lấy những hạnh ba la mật đó làm chỗ hướng đến. Nói hướng đến vì LÝ thì thông nhưng SỰ không phải một bước làm được liền. Đây là do tập khí bao đời chưa xong. Như phần ‘bố thí ba la mật’ nói trên, không phải chỉ muốn là có thể đầy đủ ngay 5 nhân duyên trên mà phải từ từ, nên nói TÙY THUẬN. Thứ gì ngoài thân bố thí được thì bố thí trước rồi từ từ đến những cái gần gũi hơn. Bố thì mà thân tâm khởi lên điều gì khiến mình phạm vào nhân duyên KHÔNG TỘI LỖI thì biết mà buông đi. Chưa buông được thì quán thế nào đó để buông cho được. Cứ vậy mà xả bỏ lần từ cái thô đến cái tế … từ việc chưa làm được đến khi làm được hoàn toàn. Đó gọi là “Tùy thuận tu hạnh ba la mật”.

Mặc dù phần “TÙY THUẬN tu các hạnh ba la mật này” thuộc địa vị Giải Hạnh Phát Tâm nói đây, nhưng kéo dài qua cả địa vị Chứng Phát Tâm nói sau. Đến Bát Địa trở đi, các hạnh ấy mới thật gọi là ba la mật. 

C. Chứng phát tâm

Bồ tát từ Tịnh Tâm Địa đến Cứu Cánh Địa chứng cảnh giới gì? Đó là chân như. Vì y chuyển thức nói là cảnh giới mà cái chứng ấy không có cảnh giới, chỉ là trí chân như, gọi là pháp thân. Bồ tát ấy trong khoảng một niệm có thể đến khắp mười phương thế giới không bỏ sót, cúng dường chư Phật, thỉnh chuyển pháp luân chỉ vì khai đạo lợi ích chúng sanh, chẳng nương văn tự.

Từ CHỨNG đã dùng ví dụ giải thích ở phần trên. CHỨNG PHÁT TÂM là nói về cảnh giới của hàng Thập Địa. 

Nói đến cảnh giới là nói đến hiện thức. Có hiện thức mới có cảnh giới. Trí chân như, còn gọi là pháp thân, là chỗ không còn năng sở, tức không còn hiện thức, nên tuy nói cảnh giới mà thật không có cảnh giới có thể thấy, nên nói “CÁI CHỨNG ẤY không có cảnh giới”. 

“VÌ CHUYỂN THỨC mà nói là cảnh giới ...” là ước về hậu đắc trí mà nói. Vì chứng được nhất niệm ấy xong, Bồ tát Sơ Địa trở về sau còn phải giác 4 tướng là Tương Tục, Trí Tướng, Cảnh Giới và Năng Kiến Tướng. Nói CHỨNG CẢNH GIỚI là y vào hiện tại - đã qua cái nhất niệm ấy - mà nói, nên nói “Y nơi chuyển thức mà nói”. Chuyển thức là chỉ cho tướng Năng Kiến. Còn ngay lúc chứng ấy thì không có sở chứng cũng không có năng chứng. 

Mười phương thế giới không ra ngoài nhất niệm ấy nên nói “TRONG KHOẢNG MỘT NIỆM có thể đến khắp mười phương thế giới …”. Cảnh giới chư Phật không thuộc tâm sanh diệt nên nói CHẲNG NƯƠNG VĂN TỰ. 

Theo luận Thành Duy Thức, 10 địa này chứng được 10 thứ chân như. Đây là theo đức tính thù thắng mà giả lập làm 10 thứ, chứ tự tánh chân như vốn không sai biệt. Ngay Sơ Địa, một niệm nhân pháp đều không đã đủ cả 10 thứ, nhưng do thắng hạnh chứng đạt chân như chưa đầy đủ nên lập ra 10 thứ này để viên mãn 10 thắng hạnh đó. Đây chỉ nêu ra một số địa để hiểu về DỤNG thù thắng của hàng Thập Địa. 

. Sơ Địa chứng được nhất niệm nhân pháp đều không. Tức chân như do 2 không hiển lộ, không một pháp nào mà không có nó, nên gọi là BIẾN HÀNH CHÂN NHƯ. 

. Tam địa chứng được chân như mà từ chân như này dòng giáo pháp lưu xuất tối thắng hơn cả, nên gọi là THẮNG LƯU CHÂN NHƯ. 

. Bát Địa, vì không theo tịnh nhiễm nên chứng được chân như lìa chấp tăng giảm, gọi là BÌNH ĐẲNG CHÂN NHƯ. Nó là chỗ y tựa cho thân tướng và quốc độ tự tại. Nghĩa là, nếu chứng được chân như này thì tự tại hiện thân tướng và quốc độ. 

. Cửu Địa thì chứng TRÍ TỰ TẠI CHÂN NHƯ được tự tại đối với sự hiểu biết vô ngại. 

. Thập Địa thì chứng NGHIỆP TỰ TẠI CHÂN NHƯ, được tự tại đối với tất cả thần thông, tác nghiệp, tổng trì, định môn. 

Từ Sơ Địa đã có dụng làm lợi ích chúng sanh nhưng phải từ Bát địa trở về sau, dụng này mới thật thù thắng. Với Phật giáo, DỤNG không phải thứ người tu nhắm đến, song đã chứng pháp thân, nhất là từ Bát Địa trở về sau không thể không có những dụng này. Đây chính là chỗ nhắc nhở người tu về những thứ gọi là kiến tánh, đắc đạo … Việc thấu suốt kinh luận rõ ràng so với những dụng nói đây không đáng vào đâu, nhưng đọc kinh không hiểu, luận giải rõ ràng ra rồi gặm cũng không vào, cái nhất quán của Tam thừa không nhận được, cái tùy duyên không rời lý nắm không xong ... mà một mực là ta đã kiến tánh đắc đạo, rồi tùy duyên sống không giới luật, chẳng trừ nghiệp tập, cho pháp đối trị của Thầy Tổ đề ra là sơ cơ, buông vọng khỏi cần dùng, thì không khác nào buông tay hố thẳm. Đây là bị lớp tương tục của dòng nghiệp lực lôi chạy mà cứ tưởng là đắc đạo tùy duyên. Nghiệp không trị, cứ theo duyên mà sống, thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ … là mình đang chồng chất thêm kiếp phàm phu. Một khi mình để những hành tác thế gian thành thói quen mà không một chút ý thức về việc đối trị chúng, thì chúng sẽ được huân tập thành chủng tử trong thức tạng. Nghiệp hữu lậu càng nhiều thì chủng tánh vô lậu càng bị che khuất. Càng tùy duyên thì càng đổ nợ. Luận đây giải thích rất rõ ràng. Chúng ta không thể không cẩn thận.

Hoặc thị hiện vượt qua các địa chóng thành chánh giác, là vì các chúng sanh khiếp nhược. Hoặc nói “Ta phải vô lượng a tăng kỳ kiếp mới thành Phật đạo” là vì các chúng sanh giải đãi hay khinh mạn. Hay thị hiện như thế với vô lượng phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Mà thật ra, Bồ tát chủng tánh căn cơ là đồng, phát tâm là đồng, chỗ chứng cũng đồng, không có chuyện vượt qua. Vì tất cả Bồ tát đều phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp. Chỉ vì thuận theo thế giới chúng sanh chẳng đồng, chỗ thấy chỗ nghe căn dục tánh khác nên thị hiện chỗ hành cũng có sai biệt. 

Đây là ứng cơ mà phát dụng của pháp tánh chân như. Với chúng sanh yếu đuối sợ không kham nổi con đường tu hành thành Phật quá dài quá khó, thì thị hiện việc tu hành thật mau chóng. Như Thích Ca Mâu Ni thị hiện là một chúng sanh ra đời trong cung vua Tịnh Phạn, đáng nhẽ phải trải qua 3 a tăng kỳ mới thành Phật thì ngài thị hiện chỉ có 6 năm. Hoặc như Lục Tổ, thị hiện là một người đốn củi. Chỉ trong vòng 8 tháng giả gạo ở đạo tràng Ngũ Tổ đã nói về cái ‘Vô nhất vật’ là cửa vào Sơ Địa v.v... Rồi thấy các pháp từ tâm sanh ra là chỗ thấy của Bồ tát địa tận. Tất cả đều là những thị hiện “VƯỢT QUA CÁC ĐỊA, chóng thành chánh giác”.

Đó là đối với người có tâm sợ hãi con đường trường viễn của Phật đạo, còn đối với người đã chịu phát tâm tu hành nhưng có cái tật ỷ y, dễ vui, làm biếng … Di Lạc ra đời cũng chưa vào được vị tín tâm thành tựu, thì thị hiện việc tu hành cần khổ và cần rất nhiều thời gian. Đây đều tùy cơ của chúng sanh mà hiện thân giáo hóa. Cứ một bịnh như thế là có một hóa thân giúp trị cái bịnh ấy, nên hóa thân thị hiện nhiều vô số. Người mắc bịnh sân thì có hóa thân trị bịnh sân, người bị bịnh ái dục thì có hóa thân trị bịnh ái dục … Cứ vậy mà hóa hiện khiến người tu nhàm mỏi xa lìa. Vì thế, nói “THỊ HIỆN NHƯ THẾ vô lượng phương tiện chẳng thể nghĩ bàn”. 

MÀ THẬT RA là nói về cái đồng của chư vị Bồ tát chứng phát tâm. Vì thuận theo thế giới chúng sanh mà có sự thị hiện sai khác, còn thực chất thì mọi thứ đều có thứ lớp rõ ràng, đều cùng trải qua các vị, đều cùng phải tu 3 a tăng kỳ kiếp. Từ khi mới phát tâm tu hành đến khi chứng pháp thân bước vào Sơ Địa mất một a tăng kỳ kiếp. Từ Sơ Địa đến Bát Địa mất thêm một a tăng kỳ kiếp nữa. Thêm một a tăng kỳ kiếp cho 3 địa sau mới thành Phật. 

Tu hành là cả một quá trình dài đăng đẳng từ quá khứ đến vị lai, nhưng chưa có túc mạng minh thì mình chỉ biết những việc xảy ra trong hiện tại. Phân theo đây là phân theo tiệm mà cũng là phân theo đốn. Nói TIỆM là kể hết cả quá trình từ đầu đến cuối mà một người tu Phật phải trải qua. Từ khi chán sanh tử cầu niết bàn đến khi thành Phật đều phải trải qua những cấp bậc như thế với số thời gian như thế. Phải tu 1 a tăng kỳ rồi mới chứng được chỗ nhân pháp đều không. 2 a tăng kỳ mới bước qua được cửa Bát Địa. Còn nói ĐỐN là căn cứ vào hiện đời mà nói. Như hiện đời đây, có người trong chùa hàng mấy chục năm mà kinh kệ chữ nghĩa lúc được lúc mất, nhưng có người chỉ mới tu vài năm đã thấy tánh. Cái thấy tánh ấy mình thấy là đốn, Tổ Sư Thiền đúng là đường chim bay. Nhưng nhìn chung cả quá trình từ quá khứ thì không có gì là đốn, cũng đang trên con đường tiệm ấy mà tiến. Vì chứng thì đốn nhưng tu phải tiệm, Phật đã nói như vậy trong kinh Lăng già. Cái gọi là ĐỐN TU ĐỐN CHỨNG chẳng qua vì tiệm đã bạc đầu, bồ đoàn cũng mòn hàng triệu triệu tấn tấn rồi. Cho nên, 3 A TĂNG KỲ KIẾP có thể là hàng ngàn kiếp mà có thể chỉ là 3 tháng, 5 năm … Tổ Đạt Ma đã lấy tham - sân - si để ấn định cho cái 3 a tăng kỳ này. Hết tham - sân - si là hết 3 a tăng kỳ kiếp. Phân vậy dễ hiểu mà không ngoài ý nghĩa luận đây đã nói. 

Nắm được chỗ này mình sẽ hiểu vì sao có người ngồi thiền được, có người ngồi thiền không được. Có người ngồi tụng kinh cả ngày được nhưng tréo chân im lặng mười phút là chịu không nổi. Như pháp BIẾT VỌNG KHÔNG THEO mình đang tu đây, có người mới áp dụng vài năm đã thấy kết quả rõ ràng, phấn phát niềm tin. Có người mới biết vọng thôi đã thấy chướng thân, chướng tâm, đổ bịnh. Đó là do quá trình huân tập việc ấy của mình trước đây nhiều hay ít. Tụng kinh dễ mà ngồi thiền khó vì tụng kinh thì nhiều mà ngồi thiền thì ít. BIẾT VỌNG KHÔNG THEO mà có kết quả là do việc buông bỏ vọng tâm của mình trong tiền kiếp đã quen. Nói vậy, không có nghĩa biết vọng bị chướng là đã vội kết luận căn cơ mình không đủ để thực hành pháp môn này rồi bùi ngùi chia tay với nó. Bồ tát ra đời cách ấm còn mê, huống là mình. Mê thành khi mới áp dụng, thấy chướng thân chướng tâm. Tập một thời gian thì chủng tử đã huân trước đây sẽ hiển hiện. Chướng sẽ tiêu trừ. Nếu tiền kiếp mình chưa từng tu thiền thì hiện đời càng phải cố gắng để huân tập. Thấy khó không tập thì không bao giờ mình có thể bước vào con đường tu thiền. Không thiền không định thì không thể lóng lặng thân tâm. Ngay cả pháp môn niệm Phật nói sau, rốt ráo cũng qui về vô niệm. Và chỉ khi thấy được tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức mình mới thật sự hết khổ.

Nghe THIỀN mà nhào tới thì không thể nói mình không có chủng tử thiền trong thức tạng. Đã có thì chỉ cần mình chịu quyết tâm, chướng bao nhiêu rồi cũng hết. Kiếp này thấy chướng mà bỏ thì kiếp sau ra đời cũng lại chướng, rồi lại lập lại tình trạng hiện đời. Chi bằng một ngày tập một ít để làm vốn cho kiếp sau. 

Lại, tướng phát tâm của Bồ tát này có 3 thứ tâm, tướng nó rất vi tế. Thế nào là 3?

1. Chân tâm không có phân biệt.
2. Phương tiện tâm, tự nhiên làm lợi ích khắp chúng sanh.
3. Nghiệp thức tâm, khởi diệt rất vi tế.

Nêu 3 thứ tâm đây là nêu tổng quát, còn phân chi tiết thì Bồ tát từ Sơ Địa đến mãn tâm Thất Địa, cái KHÔNG PHÂN BIỆT ấy tùy địa mà mở rộng dần cho đến Bát Địa. Vì thế, phần PHƯƠNG TIỆN TÂM cũng có hẹp hay rộng tùy cấp độ địa. 

NGHIỆP THỨC tâm, chỉ cho phần Nghiệp Tướng thuộc 9 tướng bất giác, là phần nghiệp thức thuộc ý. Bồ tát ở tất cả địa đều bị sự chi phối của phần nghiệp thức khởi diệt rất vi tế này. Đây là lý do vì sao Bồ tát ở các địa chưa đủ trí tuệ cùng lực dụng công đức như Phật. 

Lại chư vị Bồ tát này, công đức thành tựu viên mãn, nơi cõi Sắc cứu cánh thị hiện thân cao lớn hơn hết thảy thế gian. Là vì một niệm tương ưng với tuệ, vô minh lập tức hết, gọi là nhất thiết chủng trí. Tự nhiên có nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn, hay hiện mười phương làm lợi ích chúng sanh.

Đây là lúc nghiệp thức hết, thủy giác thể nhập hoàn toàn với bản giác, thành tựu trí nhất thiết chủng, tự nhiên có nghiệp dụng chẳng thể nghĩ bàn. Nói TỰ NHIÊN vì ứng cơ mà thành dụng, không do tác ý. 

CÕI TRỜI SẮC CỨU CÁNH, ngài Hám Sơn nói “Là cõi trời cao nhất sắc giới. Tại cõi trời này, Phật Phật thành đạo đều hiện thân to lớn nhất tọa ở Liên Hoa Cung, thành Đẳng chánh giác, là báo thân Phật”.

“MỘT NIỆM TƯƠNG ƯNG với tuệ, vô minh lập tức hết” là phần nghiệp thức khởi diệt rất vi tế đến đây là hết, chỉ còn lại 2 thứ tâm là chân tâm vô phân biệt và phương tiện tâm. Tất cả đều viên mãn. Ứng với ĐẠI TRÍ và ĐẠI BI của Phật.

Hỏi : Hư không vô biên nên thế giới vô biên. Thế giới vô biên nên chúng sanh vô biên. Chúng sanh vô biên nên tâm hành sai biệt cũng vô biên. Cảnh giới như thế chẳng thể hạn định, khó biết khó hiểu. Nếu vô minh diệt thì không có tâm tưởng, làm sao có thể biết hết mà gọi là nhất thiết chủng trí?

TÂM TƯỞNG là do chân thể bất giác động niệm mà có. Hết bất giác thì tâm tưởng hết nên nói “Vô minh diệt thì không có tâm tưởng”. 

Đây là lấy tri thức thế gian mà suy lường cảnh giới Phật. Bởi thế gian là thế giới của năng sở. Thứ gì cũng phải có cái biết của tâm tưởng mới biết. Như muốn thấy cảnh phải có mắt và cái thấy mới thấy. Giờ không mắt không cái thấy thì  làm sao có thể thấy mọi thứ mà đòi thấy nhiều thứ hơn? Nên đây thắc mắc : Nếu vô minh diệt tức tâm tưởng không còn thì lấy gì để biết về mọi thế giới với vô số tâm hành sai biệt của chúng sanh? 

Đáp : Tất cả cảnh giới vốn là nhất tâm, lìa các niệm tưởng. Vì chúng sanh vọng thấy cảnh giới nên tâm có phần tề. Vì vọng khởi niệm tưởng, chẳng ứng hợp với pháp tánh nên chẳng thể hiểu rõ. Chư Phật Như Lai lìa Kiến Tướng nên không chỗ nào mà chẳng khắp. Vì là tâm chân thật nên chính là tánh của các pháp. Tự thể hiển bày soi rõ hết thảy pháp hư vọng, có đại trí dụng với vô lượng phương tiện. Tùy theo chỗ nhận hiểu của chúng sanh cảm ứng được mà hay khai thị mọi thứ pháp nghĩa, nên gọi là Nhất thiết chủng trí. 

Cảnh tuy vô biên nhưng không ngoài nhất tâm. Song nay thấy tâm cảnh có sự ngăn cách, có cái thấy được, có cái không thấy được, là do chúng sanh bất giác sanh cái thấy hư vọng mà thành hạn cuộc trong các căn. Cái không biết rõ ấy là do tâm vọng động mà có niệm tưởng, chẳng còn ứng hợp được với pháp tánh. Vì thế, khi niệm tưởng hết mới là lúc có thể biết khắp tất cả mà không bị ràng buộc trong cái biết của nghiệp thức. 

Các pháp như bóng hiện trong gương chân thể pháp thân. Tánh thật của pháp cũng chính là gương. Nên nói “Vì là TÂM CHÂN THẬT nên chính là tánh các pháp”. Vì là tánh của các pháp nên một khi tánh ấy hiển bày thì cái hư vọng của vạn pháp lộ nguyên hình, nên nói “TỰ THỂ HIỂN BÀY soi rõ hết thảy pháp hư vọng”. Như khi mặt gương hiển bày tính sáng sạch trong suốt của nó thì đồng thời cũng hiển cho ta thấy những thứ hiện hình trong gương không có thật thể, chỉ là bóng phản chiếu qua gương. 

ĐẠI TRÍ DỤNG là chỉ cho dụng có được khi tự thể chân như đã hiển bày. Trí dụng này ứng cảm với tâm chúng sanh mà hóa hiện tùy nghi giáo hóa chúng sanh, nên nói “Đại trí dụng với VÔ LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN”. Có cảm là có ứng với vô lượng phương tiện như thế nên gọi là NHẤT THIẾT CHỦNG TRÍ. 

Hỏi : Nếu chư Phật có nghiệp tự nhiên hay hiện tất cả chỗ làm lợi ích chúng sanh, còn tâát cả chúng sanh nếu thấy được thân ngài, hoặc thấy thần biến, hoặc nghe ngài nói, không gì là không được lợi ích, vì sao ở thế gian phần nhiều chẳng thể thấy? 

Đây là nêu thắc mắc khi nghe nói dụng của Phật biến khắp mà ở thế gian thì chẳng hề thấy được cái dụng ấy? Như hiện nay, chúng ta thấy Phật là thấy qua hình tượng Phật, hoặc là hướng lên trời lâm dâm khấn vái rồi được linh ứng mà cho là có Phật. Hoặc nằm mơ thấy Phật mà nói là có Phật. Hoặc trong khi ngồi thiền mà thấy Phật. Song ngồi thiền thấy Phật mà hớn hở trình với chư vị tôn túc thì thường chư vị nói là ma chứ không phải Phật. Thấy theo kiểu nào thì phần lớn chỉ là người thuộc đạo Phật, mà cũng chỉ là số ít. Còn những người không có đạo hoặc thuộc đạo khác như Thiên Chúa Giáo hay Cơ Đốc thì chắc họ chỉ thấy Chúa chứ không thấy Phật. Đây vì thế mà nêu thắc mắc. Cũng là thắc mắc của đa số.

Đáp : Chư Phật Như Lai, pháp thân bình đẳng biến khắp tất cả chỗ, không có tác ý, nên nói tự nhiên, chỉ y tâm chúng sanh mà hiện. Tâm chúng sanh giống như chiếc gương, gương nếu bẩn thì sắc tượng chẳng hiện. Tâm chúng sanh cũng vậy, nếu bị cấu nhiễm thì pháp thân chẳng hiện. 

Phần đầu là giải thích ý nghĩa của NGHIỆP TỰ NHIÊN. Không do tác ý mà chỉ do cảm rồi ứng nên nói TỰ NHIÊN. Việc làm nào do ý và ý thức làm chủ, có sự tạo tác, có chủ định gọi là TÁC Ý. Niết bàn của A La Hán cũng rơi vào chỗ tác ý này, song nó không phải là cái tác ý như của phàm phu. Pháp thân thì không có tác ý mà như mặt trăng trên cao tỏa khắp, chỗ nào có nước liền hiện. Kinh Hoa Nghiêm nói “Như Lai ra đời ví như ánh sáng mặt trời chiếu khắp đại địa, có mắt đều thấy, chỉ riêng người mù là chẳng thấy”. Đây là lý do vì sao dụng thì trùm khắp mà thấy thì người thấy, người không và thế gian phần nhiều không thấy. Nêu ý nghĩa ra vậy để hiểu, dù pháp thân chư Phật trùm khắp mà thiếu cái NHÂN là cảm thì cái DUYÊN là ứng dù tràn đầy bao nhiêu cũng thành không thấy. Nhân duyên đầy đủ thì Phật mới hiện tiền. 

Luận đây lấy cái dụ là gương bẩn để dụ cho tâm chúng sanh. GƯƠNG BẨN là dụ cho chúng sanh không có cơ cảm với chư Phật, không phải chỉ dụ cho tâm đang còn phiền não. Vì như Thiện Tinh v.v... tâm đang trong phiền não mà vẫn thấy Phật. Đó là do trong quá khứ đã từng tu tập niệm Phật tam muội nên hiện đời không cần phải nương vào tam muội mà vẫn thấy được Phật thân. Đây là nói về dụng thô, là tùy loài hóa thân hay tiểu hóa thân của Phật. Còn dụng tế là báo thân hoặc chính pháp thân thì phải nương tam muội, tức tâm phải lóng lặng mới thấy Phật thân. Ngài Hiền Thủ nói “Thế gian chẳng thấy chư Phật nhưng thân chư Phật thì thường trụ ở thế gian, vì sao chẳng thấy? Đây như trong chậu bể nên nước không thể đứng yên. Vì nước không đứng yên nên chậu bể tuy thật có trăng chiếu xuống mà vẫn không hiện được. Cũng vậy, chúng sanh  không có được Samatha nhuần nhuyễn liên tục, thì chư Phật dù có đó cũng không hiện được. Nước dụ như tánh nhuần nhuyễn của Samatha vậy. Đây là nương nơi định mà được thấy Phật”. Nói PHÁP THÂN CHẲNG HIỆN là y cứ vào cái gốc từ đó có báo hóa thân mà nói, nên tuy nói pháp thân nhưng là chỉ cho cả báo và hóa thân Phật. 

Đã nói về phần Giải Thích, kế nói về phần Tu Hành Tín Tâm.