Vấn đáp-Chia sẻ
Tín Ngưỡng Theo Phật Giáo Cần Phải Qui Y Tam Bảo Không
- Pháp Sư Thánh Nghiêm
15/07/2011 00:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nhất định phải Qui Y! Tín ngưỡng Phật Giáo cần phải đầy đủ Tam Bảo. Điều này khác với tín ngưỡng dân gian sùng bái quỉ thần. Tam Bảo là chỉ Phật Pháp Tăng. Xưng là Tam Bảo, vì công đức ba ngôi này quí báu hơn mọi châu báu thế gian, một khi nhận được thì vĩnh viễn không mất: nước cuốn chẳng trôi, lửa thiêu chẳng cháy, trộm cướp càng không thể tranh đoạt. Thật là lấy mãi chẳng hết, dùng mãi chẳng cạn, thọ dụng vô cùng.


Phật Bảo là người tu hành đã đạt đến mức phước đức, trí tuệ cứu cánh viên mãn. Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Cho nên chư Phật trong mười phương ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều là bậc chúng ta qui y, tôn kính. Song chỉ có Đức Phật Thích Ca là nhân vật lịch sử trong thế giới chúng ta.

Pháp Bảo là chỉ đạo lý và phương pháp tu hành thành Phật. Pháp Bảo mà chúng ta được biết là do Đức Phật Thích Ca tuyên nói. Do đó ta xưng Ngài là Đức Phật Bổn Sư. Pháp Bảo được thấy hiện nay là Tam Tạng Thánh Giáo gồm Kinh Luật Luận, cộng thêm các chú giải và ngữ lục của chư Tổ sư. Đây chính là chuẩn mực chỉ dẫn chúng ta phương hướng tu học.

Tăng Bảo là chỉ người xuất gia đang tu học, và giúp đỡ người khác cùng tu học như mình. Đây bao gồm chư Bồ Tát, La Hán và tất cả Tăng Ni phàm phu. Song chúng ta là người phàm mắt tục, dù gặp được Thánh Tăng cũng không nhận ra. Chúng ta tiếp xúc chủ yếu là phàm phu Tăng, cho nên phải lấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni ở nhân gian làm trung tâm của Tăng Bảo.

Tăng Bảo là thầy, Pháp Bảo là sách giáo khoa, còn Phật Bảo là người dày dặn kinh nghiệm đã tìm ra chân lý và thuật lại thành sách. Có đủ Tam Bảo mới là Phật Giáo hoàn chỉnh. Bằng không, chỉ tin Phật Bảo thì khác gì mù quáng mê tín quỉ thần; chỉ tin Pháp bảo thì giống như học giả nghiên cứu học vấn; chỉ tin Tăng Bảo có khác chi bái nhận cha nuôi, mẹ nuôi. Tất cả đều không phải là Phật Giáo.

Cho nên qui y Tam Bảo là bước đầu của việc tin và học Phật. Cũng như học sinh đến trường ghi tên nhập học mới có hồ sơ học bạ, mới được thừa nhận là học sinh của trường và có quyền lên lớp. Học sinh có bổn phận đi học, còn nhà trường có trách nhiệm giảng dạy. Cho nên nghi thức qui y vô cùng quan trọng, giống như việc vợ chồng kết hôn, quan chức nhậm chức, đảng viên gia nhập đảng, đều phải có nghi thức tuyên thệ và giám thệ để chứng tỏ sự thận trọng và khẳng định.

Người chưa thông qua nghi thức qui y Tam Bảo tất nhiên vẫn có thể học Phật. Phật Giáo không bài xích người chưa qui y như ma quỉ. Song người chưa qui y về mặt tâm lý sẽ có sự thoái thác, do dự, trì nghi. Đến lúc thử thách gay go họ sẽ mượn cớ bảo: Tôi vẫn chưa là Phật tử, nên không cần giữ theo giới luật Phật chế. Đối với các thói xấu và nghiệp ác như biếng nhác, phóng túng, tà dâm, vọng ngữ, trộm cắp…, họ sẽ dễ dãi tự tha thứ cho mình, càng không biết ngăn ngừa để khỏi vi phạm ở tương lai. Người sau khi qui y Tam Bảo, sẽ biết khắc chế, cảnh giác và sách tấn lấy mình, đồng thời họ cũng được các bậc thiện tri thức như thầy tổ, bạn tu khích lệ, đôn đốc, khuyên răn. Cho nên họ sẽ đi vào chánh đạo trong việc thăng hoa nhân cách, trưởng dưỡng đạo tâm và tinh tấn tu tập.

Xin bạn đọc không nên cho rằng qui y là việc không quan trọng, hay hiểu lầm rằng mình còn chưa hiểu Phật Pháp và chưa có tu nên không đủ tư cách qui y. Thật ra chỉ cần biết được Phật Pháp là đáng tin đáng học thì có thể qui y. Chính vì chưa thông hiểu và tu tập Phật Pháp nên càng phải mau mau qui y Tam Bảo! Vì vậy nếu vị nào nghĩ mình chưa đủ tư cách làm đệ tử Phật thì nên qui y ngay bây giờ. Sau khi qui y không luận về mặt tâm linh, thói quen hay cuộc sống… đều được chư Phật, Bồ tát, Hộ Pháp, Long Thần, cùng chư thiện hữu tri thức hộ trì giúp đỡ. Do đó nhờ qui y sẽ khiến người thiếu tín tâm tăng thêm tín tâm, thiếu ý chí vững mạnh thêm ý chí.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch