Văn hóa Phật Giáo
Tác giả: Thích Thánh Phú – Thạc sĩ Phật học khóa III tại Tp HCM
Khảo cứu lễ hội Phật giáo qua bia tháp Sùng Thiện Diên Linh thời Lý Nhân Tông
31/12/2021 13:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Lễ hội thời Lý có một giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, bởi nó mang đậm những truyền thống tốt đẹp của người dân Việt. Lễ hội mà còn là nơi học tập, trau dồi đạo đức, văn hóa của người dân Đại Việt; nổi bật là lễ hội trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh, dưới thời trị vì của vua Lý Nhân Tông được áp dụng một cách rộng rãi trong các tầng lớp dân chúng. Đạo Phật đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân. Chính vì thế, cần phải trân trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội như một việc làm không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.


Lễ hội thời Lý có một giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, bởi nó mang đậm những truyền thống tốt đẹp của người dân Việt. Lễ hội mà còn là nơi học tập, trau dồi đạo đức, văn hóa của người dân Đại Việt; nổi bật là lễ hội trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh, dưới thời trị vì của vua Lý Nhân Tông được áp dụng một cách rộng rãi trong các tầng lớp dân chúng. Đạo Phật đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân. Chính vì thế, cần phải trân trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội như một việc làm không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.

Trước khi đạo Phật du nhập vào nước ta, người Việt tôn sùng sức mạnh của thiên nhiên như núi sông, sấm chớp. Đến thời kỳ Bắc thuộc đạo Nho và đạo Lão được truyền vào. Với đạo Lão rất thích hợp với tín ngưỡng của người dân Việt, cho nên nó nhanh chóng hòa vào tập tục dân gian. Sau đó, đạo Phật từ Ấn Độ lan truyền qua lục địa Đông Nam. Bằng tính cách dung hòa, huyền bí, Phật giáo đã nhanh chóng ăn sâu vào lòng tín ngưỡng của người Việt, dễ dàng hòa nhập với sự sùng bái dân gian, tạo nên nét đặc thù mới dựa trên Đạo giáo đến từ trước. Ba tông giáo Nho, Lão, Phật sớm thành tín ngưỡng dân Việt. Nhiều thư tịch, văn bia đã khắc họa được xã hội thời Lý rất rõ. Việc nghiên cứu tìm hiểu bài Đại Việt đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (Bia Sùng Thiện Diên Linh của vua thứ tư nhà Lý đương làm chủ nước Đại Việt) của Thượng thư Nguyễn Công Bật thấy được cuộc sống sinh hoạt của dân Việt. Dưới triều đại nhà Lý, Phật giáo chiếm bậc nhất, không như những tôn giáo khác. Phật giáo suốt quá trình truyền giáo luôn thể hiện tinh thần tùy duyên, áp dụng những lễ hội Phật giáo phù hợp với đời sống của dân tộc Việt.

1. Phật giáo trong đời sống nhân dân thời Lý với những lễ hội

Với phương châm “Đạo pháp cùng dân tộc” là một minh chứng thể hiện rất rõ ở thời đại này. Thời đại nhà Lý là thời kỳ thịnh trị của đất nước Đại Việt dưới sự lãnh đạo sáng suốt những bậc minh quân, hầu hết số dân đều theo Phật giáo. Phải nói rằng, đời Lý thuần từ nhất trong lịch sử nước ta nhờ ảnh hưởng đạo Phật. Chính nơi bản thân các vua đã trau dồi đạo đức, triết lý sống nhập thế trên cơ sở tinh thần từ bi, hỷ xã, vô chấp của đạo Phật. Một đời sống hướng thượng, hướng con người đến chân thiện mỹ và đạt chân lý trong đời sống hiện tại. Để tạo sự gần gũi nhân dân, sống đúng chân lý đạo Phật. Khởi đầu Lý Thái Tổ và các vị vua lên ngôi nắm giữ giang sơn, thường xuyên tổ chức nhiều lễ hội hằng năm; như lễ hội chính trị, lễ hội tâm linh, lễ hội dân gian. Trong đó lễ hội Phật giáo là sự ảnh hưởng tích hợp của những yếu tố tôn giáo khác như: “Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian, trong đó yếu tố Mật tông giữ vai trong quan trọng. Nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận Phật giáo thời đại này khá gần gũi với tín ngưỡng dân gian”[1]. Chính vì thế mà lễ hội Phật giáo được tổ chức dưới thời đại nhà Lý như: lễ hội La Hán vào mùa Đông, tháng 10, năm Canh Thìn, hiệu Càn Phù Hữu Đạo, năm thứ 2 (1040) dưới thời Lý Thái Tông, vào năm Bính Thân, hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ 3 (1056) ở điện Thiên An dưới thời vua Lý Thánh Tông, lễ hội Thiên Phật tổ chức vào năm Đinh Dậu, hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 8 (1117), dưới thời Lý vua Lý Nhân Tông là người tổ chức và tham dự nhiều lễ hội nhất. Mùa xuân năm Đinh Tỵ, hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 2 (1077), lên ngôi chỉ mới được 5 năm, vua hạ lệnh mở hội Nhân Vương[2] ở điện Thiên An. Đến mùa hạ, tháng 5, ngày Nhâm Tuất, năm Bính Ngọ (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 7 (1126) mở hội Nhân Vương ở Long Trì. Song song với việc tổ chức lễ hội Nhân Vương, nhà vua còn tổ chức hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức vào năm Tân Sửu (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 2 (1122). Mùa xuân, tháng giêng, năm Bính Ngọ (Thiên Phù Duệ Vũ) năm thứ 7 (1126)[3], mở hội đèn Quảng Chiếu 7 ngày đêm tha cho người tội ở phủ Đô hộ. Trong văn bản các bài văn bia thời Lý hiện còn, thì văn bia Sùng Thiện Diên Linh là bài văn bia dài nhất, thuyết lý tinh vi, văn chương uyển lệ, nội dung phong phú, văn bia ca ngợi vị Hoàng đế đương thời, đồng thời chứa đựng nhiều thông tin về lịch sử, đặc biệt về thông tin về mặt văn hóa lễ hội, các trò giải trí về dân gian và cung đình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Khao cuu le hoi phat giao qua van bia Sung Thien Dien Linh 1
Tấm bia Sùng Thiện Diên Linh đặt ở chùa Long Đọi Sơn, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

2. Lễ hội Quảng Chiếu thời Lý qua văn bia Sùng Thiện Diên Linh

Hội đèn Quảng Chiếu Hội đã được phản ánh rõ nhất qua tấm bia ở chùa Đọi (Đọi Sơn tự – Hà Nam), Sùng Thiện Diên Linh bảo tháp bi. Bia được dựng vào ngày  6 tháng 7 năm Tân Sửu (20/8/1121). Văn bia do Nguyễn Công Bật giữ chức Triều liệt, Hình bộ thượng thư, vâng sắc chỉ soạn và Lý Bảo Cung viết chữ. Đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến hội đèn Quảng Chiếu. Một câu hỏi đặt ra là: Hội đèn Quảng Chiếu có từ bao giờ? Chắc nhiều người trả lời rằng: Bắt đầu từ thời nhà Lý. Bởi chúng ta biết hội đèn này được đề cập đến trong các tư liệu như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên … và đặc biệt là những miêu tả trong tấm bia Sùng Thiện Diên Linh. Tuy nhiên, cũng nên đặt giả thuyết, có thể hội đèn Quảng Chiếu có từ thời Đinh – Tiền Lê. Đại Nam nhất thống chí phần ghi về phủ Trường Yên (Cố đô Hoa Lư) viết: “Bên cạnh điện Trường Xuân lại dựng đền Quang Lộc, lợp ngói bằng bạc, lại dựng riêng điện Càn Nguyên để vua ra chơi xem đèn”[4]. Ở cố đô Hoa Lư còn có địa danh điện Càn Nguyên, tên này đã đặt cho địa danh Thăng Long thời Lý. Tuy soạn giả không nói đèn gì nhưng có lẽ là đèn Quảng Chiếu như đã diễn ra ở Thăng Long sau này.

Về thời gian tổ chức hội đèn Quảng Chiếu cũng không nhất quán, có khi tổ chức vào mùa xuân ( tháng 2 hoặc tháng 3), có khi lại tổ chức vào tháng 9. Đại Việt sử ký tiền biên ghi: “Bính Ngọ (Tống Khâm Tông Tĩnh Khang năm thứ 1), mùa xuân, tháng giêng tha tội nhân ở Đô hộ phủ (vì bây giờ đặt ra hội đèn Quảng Chiếu, nên tha tội)[5].

Về hình thức và ý nghĩa, có thể Hội đèn Quảng Chiếu phần nhiều xuất phát từ mục đích chính trị, cụ thể là những sự kiện: đặc xá, ngoại giao, mừng thọ. Tuy nhiên, nội dung lễ hội không thể thiếu những yếu tố tâm linh thần bí của Phật giáo đương buổi thịnh thời: yếu tố Mật tông. Điều này, đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, lý giải.

Qua miêu tả ở văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, ta biết rằng trong hội đèn Quảng Chiếu ở Thăng Long, có 7 ngôi tháp[6], xếp thành một hàng, trên mỗi tháp đặt một pho tượng Phật Tháp chính giữa bằng vàng, có tượng Phật Đa Bảo. Phật Đa Bảo, hay Đa Bảo Như Lai, tên Sanskrit là Prabhutaratna, theo Diệu pháp liên hoa kinh (Bảo tháp phẩm), là vị có Phật ở thế giới Bảo Tịnh Đông phương, khi còn là Bồ tát, có lời nguyện là sau khi thành Phật, nếu có chư Phật giảng kinh Diệu pháp liên hoa ở đâu, thì sẽ có bảo tháp chứa xá lị của mình hiện ra ở đó. Vì vậy, khi Phật Thích Ca giảng kinh này ở núi Linh Thứu, có bảo tháp của Phật Đa Bảo hiện ra, trong tháp vang lên lời tán thán Thích Ca.

 Ở hai bên tháp vàng là hai tháp được làm bằng bạc[7]. Tháp bạc bên trái có tượng Phật A Di Đà, tháp bạc bên phải có tượng Diệu Sắc Thân. Phật A Di Đà (Amitabha) thì hẳn mọi người đều đã biết, đó là vị Phật ở phương Tây. Còn Diệu Sắc Thân hay Diệu Sắc Thân Như Lai, tên Sanskrit là Surupakayau Tathagata, là một tên khác của Phật A Xúc (Aksobhya), tức vị Phật ở phương Đông. Hai tháp bên cạnh các tháp bạc làm bằng gỗ mun ô văn[8]. Tháp bên trái có tượng Phật Quảng Bác Thân. Quảng Bác Thân (tên Sanskrit là Vipulakaya) là một tên khác của Phật Tì Lô Già Na (Vairocana) hay Đại Nhật Như Lai, được coi là Phật ở trung ương. Tháp bên phải có tượng Phật Ly Bố Úy. Ly Bố Úy Như Lại là một tên gọi khác của Thích Ca Mâu Ni, được gọi là Phật ở phương Bắc. Hai tháp bên cạnh các tháp gỗ mun làm bằng ngà voi[9]. Tháp ngà bên trái đặt tượng Phật Cam Lồ Vương. Cam Lồ Vương là một tên khác của A Di Đà. Ở tháp bên phải có tượng Phật Bảo Thắng. Phật Bảo Thắng (tên Sanskrit là Ratnaketu) là một tên gọi khác của Phật Bảo Chưởng hay Bảo Sinh (Ratnasmbhava), tức vị Phật ở phương Nam. Nhưng có một câu hỏi đặt ra là vì sao có bảy ngọn tháp và bảy vị Phật nói trên? Tại sao không phải các vị Phật khác? Có giải thích được điều này ta mới hiểu được lý nghĩa đàn lễ của hội đèn Quảng Chiếu.

Có thể thấy trong bảy vị Phật nói trên thì năm vị Phật sau đây là cần thiết đối với nghi lễ “thí ngạ quỷ pháp”, tức phép bố thí ăn uống cho ma đói:

1. Bảo Thắng Như Lai,
2. Diệu Sắc Thân Như Lai,
3. Cam Lồ Vương Như Lai,
4 Quảng Bác Thân Như Lai,
5. Ly Bố Úy Như Lai.

Chúng ta biết rằng các vị Phật nói trên còn có những tên khác, nhưng khi đã mang các danh hiệu như trên đây là có liên quan đến phép làm lễ thí thực cho ma đói. Lễ thí thực cho ma đói nói tới ở đây là một nghi lễ Mật giáo. Nghi lễ này đã được đề cập trong quyền kinh có tên Phật thuyết cứu bạt Diệm Khẩu ngạ quỷ đà la ni kinh (佛說救拔熖口餓鬼陀羅尼經) do nhà sư Mật Tông ở Trung Quốc là Bất Không 不空 (Amoghavajra) dịch vào thế kỉ VIII. Kinh này trước đó đã có bản dịch của Thực Xoa Nan Đà 實叉難陀 (Śikṣānanda) ở thế kỉ VII, với tên Phật thuyết cứu bạt Diên Nhiên ngạ quỷ kinh (佛說救拔面然餓鬼), nhưng không phổ biến.

Kinh này kể rằng một đêm, tôn giả A Nan (Ananda) gặp một ma đói tên là Diệm Khẩu (Ulka-mukha, Bất Không dịch là Diệm Khẩu, Thực Xoa Nan Đà dịch là Diện Nhiên) báo rằng ba ngày nữa ông sẽ chết và hóa thành ma đói. A Nan hỏi cách giải trừ, Diệm Khẩu đáp rằng phải cúng một hộc thức ăn. A Nan thưa việc này với Phật Thích Ca, Phật bèn giảng về phép thí thực cho ma đói, rồi đọc một bài chú đà la ni, yêu cầu tăng tục phải luôn nhớ nghĩ.

Bất Không còn dịch một quyển có tên là Thí chư ngạ quỷ ẩm thực cập thủy pháp 施諸餓鬼飲食及水法 (Phép bố thí ăn uống và nước cho các ma đói). Theo các kinh sách này, nếu đọc tên năm vị Phật nói trên thì các ma đói diệt được vô lượng tội, sinh ra vô lượng phước, được sắc thân tốt đẹp và vô bố úy (không sợ hãi), tất cả thức ăn biến thành nước Cam Lồ vi diệu. Các điều này liên quan với danh hiệu các Phật. Ví dụ như niệm trì danh hiệu Quảng Bác Thân Như Lai (tức Phật Tì Lô Già Na) thì yết hầu của các ma sẽ rộng ra, thả sức ăn uống no nê … Như vậy, rõ ràng các tháp ở hội đèn Quảng Chiếu, Thăng Long thời Lý là có liên quan với lễ thí thực cho ma đói, hay nói chung, cho các cô hồn. Ở đây, ta thấy một ảnh hưởng của Mật giáo khá rõ ràng.

Nhưng ta lại thấy trong nghi lễ thí thực, nếu đúng như các đạo tràng ( hay mạn đà la, mandala) Mật giáo, thì phải xếp Phật theo trật tự sau: Phật Quảng Bác Thân ở chính giữa, vì đó cũng là Phật Tì Lô Già Na hay Đại Nhật Như Lai tức vị Phật tối cao của Mật giáo, nhất là sau thế kỷ VIII. Xung quanh, ta có Phật Cam Lồ Vương (tức Phật A Di Đà)  ở phương Tây, Phật Diệu Sắc Thân (tức Phật A Xúc) ở phương Đông, Phật Bảo Thắng ở phương Nam, Phật Ly Bố Úy (tức Thích Ca Mâu Ni) ở phương Bắc. Các tháp đáng lý cũng xếp theo trật tự đó.

Nhưng ở Thăng Long, trong hội đèn Quảng Chiếu, các tháp lại xếp thành một dãy, ngoài năm vị Phật nói trên, còn thêm hai vị là Đa Bảo và A Di Đà, mà ta biết A Di Đà cũng là Cam Lồ Vương. Tại sao lại như vậy ? Ở đây, vị Phật có địa vị cao nhất không phải là Tì Lô Già Na (Vairocana), tức Đại Nhật Như Lai như trong Mật giáo, mà là Phật Đa Bảo. Tượng Phật Đa Bảo được đặt trên tòa tháp bằng vàng duy nhất ở chính giữa. Có lẽ thời Lý, Phật Đa Bảo có vai trò một vị Phật tối cao. Chính vì vậy, theo văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, ở chính giữa tầng dưới của tòa tháp này có đặt tượng Đa Bảo Như Lai chứ không phải tượng các Phật khác. Các tầng trên không đặt các tượng Phật nào nữa. Phải chăng do thời Lý tôn sùng kinh Diệu pháp liên hoa, mà Phật Đa Bảo, như đã nói ở trên, là tượng trưng cho sự tôn sùng đó? Cũng do gắn liền kinh Diệu pháp liên hoa với sự xuất hiện của bảo tháp Đa Bảo mà người ta cho rằng sự có mặt của Phật Đa Bảo là để nói rằng Niết Bàn không phải là hư diệt[10]. Phải chăng đó cũng là quan niệm của Phật giáo thời Lý? Dẫu sao thì địa vị của Phật Đa Bảo thời Lý cũng rất cao, và hẳn vì thế, trong hội đèn Quảng Chiếu, dẫu không liên quan gì đến lễ thí thực, Phật Đa Bảo vẫn có mặt để làm chủ chư Phật. Mà đáng lý, theo Mật giáo, chủ chư Phật phải là Phật Tì Lô Già Na tức Đại Nhật Như Lai.

Còn vì sao lại có tượng Phật A Di Đà bên cạnh tượng Phật Đa Bảo trong khi đã có tượng Cam Lồ Vương ? Đó hẳn vì đời Lý, Phật A Di Đà đã trở thành một vị Phật rất quan trọng. Bấy giờ tín ngưỡng A Di Đà và Tây Phương cực lạc đã phổ biến. Chúng ta có thể biết rõ điều đó qua việc làm tượng A Di Đà của sư Trì Bát mà những dòng chữ khắc trên bệ tượng thời Lý ở chùa Hoàng Kim, Hà Tây, còn ghi lại[11]. Tượng A Di Đà cũng có mặt trong nhiều chùa thời Lý. Vì lẽ đó, hội đèn Quảng Chiếu, tượng Phật A Di Đà đã được đưa lên một tháp bạc, với ý nghĩa là cõi Tịnh Độ sẵn sàng đón linh hồn chúng sinh. Nhưng vì sao đã có Phật A Di Đà, lại còn có Phật Cam Lồ Vương, một tên khác của A Di Đà? Đó là vì Cam Lồ Vương không thể thiếu được trong năm vị Phật của lễ thí thực ma đói mà kinh Mật giáo đã nói đến. Như kinh Diệm khẩu ngạ quỷ đã cho biết, niệm danh hiệu của Phật Cam Lồ Vương thì các thức ăn của ma đói đều biến thành nước Cam Lồ bất tử (amrta). Vì vậy, tuy đã có tượng A Di Đà, vẫn cần có tượng Cam Lồ Vương, vì ở đây, dầu cũng là một vị Phật, nhưng hai Phật danh khác nhau nên có tác dụng khác nhau.

Thế là, qua biến thể đàn lễ thí thực của hội đèn Quảng Chiếu, ta cũng có thể nhận ra được một phần đặc điểm của Phật giáo thời Lý. Phật giáo đó có ảnh hưởng lớn của Mật giáo, nhưng cũng có những điểm khác, như tôn thờ Phật Đa Bảo và Phật A Di Đà, làm cho đàn lễ thí thực không còn giống như đàn lễ Mật giáo Trung Quốc.

Nhưng, phải chăng những đặc điểm này của Phật giáo đời Lý đã bắt nguồn từ thời Đinh Lê. Trên một mảnh cột kinh vỡ ở Hoa Lư, có mấy chữ “Nam vô Đa Bảo … Nam vô Diệu Sắc … Nam vô Quảng Bác”[12]. Ta có thể thấy đó là những dòng đã bị mất chữ, phải hiểu là: “Nam vô Đa Bảo Như Lai … Nam vô Diệu Sắc Thân Như Lai … Nam vô Quảng Bác Thân Như Lai … ”. Như vậy, từ thế kỉ X, đã có sự tôn thờ các vị Phật trong lễ thí thực cũng như Phật Đa Bảo.

Tóm lại, một khi đã hiểu chính xác đoạn văn bia Sùng Thiện Diên Linh nói về hội đèn Quảng Chiếu, ta biết được nhiều điều về nghệ thuật múa rối nước và Phật giáo  ở Thăng Long thời Lý. Đoạn mô tả hội khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diện Linh ở Long Đọi sơn trong văn bia có nói đến nghi lễ thí thực, có thể góp phần làm rõ thêm cách thức hành lễ trong nghi lễ Mật giao của hội đèn Quảng Chiếu: “Hội tăng ni trai khiết, diễn giác đế chân kinh. Hoàng đế nghiêm trang đọc kệ đoạn cúi đầu tạ lễ cung nga khép nép, nghe kinh xong dâng sữa mưa ca”[13]. Có thể trong hội đến Quảng Chiếu chính nhà vua cũng đích thân đứng ra làm chủ nghi lễ Mật giáo. Việc phục dựng hội đèn Quảng Chiếu thời Lý tất nhiên không chỉ dựa hoàn toàn vào Văn bia Sùng Thiện Diên Linh, nhưng văn bia là nguồn tư liệu hết sức quan trọng, cho thấy hội đèn Quảng Chiếu là lễ hội hòa trộn tổng hợp giữa nghi lễ Mật giáo với nghi thức triều đình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cũng định tên dân gian. Chính vì thế, hội đèn Quảng Chiếu mang tính chất giữa thế tục và rất tôn giáo. Đặc biệt, ta hiểu thêm một nghi lễ Mật giáo đã có phần biến chuyển do đặc điểm Phật giáo Việt Nam.

3. Hội Nhân Vương

Hội Nhân Vương Bên cạnh hội đèn Quảng Chiếu, hội Nhân Vương cũng được tổ chức trong Hoàng thành Thăng Long. Hội Nhân Vương chỉ thấy ghi trong triều Lý vào các năm 1012, 1077, 1126, 1149. Trong 5 năm này, có hai năm được tổ chức cùng năm với hội đèn Quảng Chiếu, là vào các năm 1012, 1126. Sách Đại Việt sử ký tiền biên ghi: “Nhân Tông mở hội khánh thành tháp Thất bảo, dẫn sử nước Chân Lạp đến xem. Lại mở hội khánh thành chùa Tĩnh Lự và mở hội đèn Quảng Chiếu 7 ngày đêm. Tha tội nhân ở phủ đô Hộ. Lại có hội gọi là hội Nhân Vương và lễ mừng Ngũ kinh”[14]. Đại Việt sử ký toàn thư ghi : “Năm Đinh Tỵ (Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 2), mùa xuân, mở hội Nhân Vương”. Sang thế kỷ XII, hội Nhân Vương còn được nhắc đến vào các năm 1126, 1149: “Năm Bính Ngọ (Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7) , mùa hạ, tháng 5, ngày Nhâm Tuất, mở hội Nhân Vương ở Long Trì. Ngày hôm ấy, rồng vàng hiện ở điện Vĩnh Quang”. Hội Nhân Vương hầu hết được tổ chức vào đầu mùa hạ (tháng 4, tháng 5), riêng năm 1077 lại tổ chức vào mùa xuân.

Như thế, hội Nhân Vương không phải là lễ hội được tổ chức cố định vào một dịp nào đó. Như vậy, hội Nhân Vương là hội gì? Đại Việt sử ký toàn thư giải thích: Hội Nhân Vương tức là Kinh Phật thuyết Bát Nhã Ba La Mật. Học giả Đào Duy Anh giải thích: “Nhân Vương” Vị vua thương người, nghĩa là tiếng tôn xưng Phật Thích Ca. Sách Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam giải thích nguồn gốc của kinh Nhân Vương: “Kinh Nhân Vương có hai bản. Bản cũ do Cưu Ma La Thập dịch có tên là kinh Phật thuyết Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật (佛說仁王般若波羅蜜經). Bản mới do Bất Không dịch có tên là kinh Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật Đa (仁王般若波羅蜜經). Ngoài hai bản hiện còn kể trên, người ta còn thấy ghi chép về bản dịch của Trúc Pháp Hộ vào đời Tấn và của Chân đế vào đời Lương. Cụ thể, Trúc Pháp Hộ dịch Nhân vương bát nhã kinh, 1 quyển, vào niên hiệu Thái Thủy thứ 3, đời Tấn Vũ Đế (267); Chân Đế dịch Nhân vương bát nhã kinh, 1 quyển, niên hiệu Thừa Thánh thứ 3, đời Lương Nguyên Đế (554). Xuất tam tạng ký tập, quyển 4, đã xếp hai bản dịch này vào dạng tạp kinh, thất dịch. Nhân Vương chỉ các quốc vương của 16 nước quốc vương có mặt trong pháp hội lắng nghe và phụng trì kinh này, gồm có Kiều-tát-la, Xá-vệ, Ma-kiệt-đà, Ba-la-nại, Ca-di-la-vệ, Cưu-thi-na, Kiều-thiểm-di, Cưu-lưu, Kế-tân, Di-đề, Già-la-càn, Càn-đà-vệ, Sa-đà, Tăng-già-đà, Kiền-nã-quật-xà, Ba-đề  đương thời. Vì thế, đức Phật bảo các vua nước lớn vua Ba Tư Nặc…: “Nếu quốc thổ bị nhiễu loạn, chư vị quốc vương hãy trì tụng kinh bát-nhã ba-la-mật-đa này, thỉnh một trăm vị pháp sư, thiết lập một trăm toà cao, đốt một trăm ngọn đèn, một trăm loại hương, một ngày hai lần tụng kinh này thì mọi tai nạn đều tiêu hết”[15]. Đức Phật đã thuyết cho các vua đó về Pháp Bát Nhã Ba La Mật. Theo Phật giáo, nếu thọ trì kinh này thì bảy nạn chẳng tới (nhật nguyệt, tinh tú, hỏa, thủy, phong, hạn hán, binh tặc), tai nạn chẳng sinh, muôn dân giàu có, sung túc. Đây là một trong ba cuốn kinh để hộ quốc, cầu phúc, trừ tai, về sau này được nhiều nhà tu hành chú, sớ, luận giải. Bản của Bất Không có cả Đà La Ni, nghi quỹ tụng niệm riêng như Nhân Vương hộ quốc Bát Nhã Ba La Mật đạo tràng niệm tụng nghi quỹ; Nhân Vương Bát Nhã tụng niệm pháp; Nhân Vương Bát Nhã Đà La Ni thích. Như vậy, kinh Nhân Vương tức là kinh Bát Nhã ca ngợi trí tuệ của Phật Thích Ca. Hội Nhân Vương là hội dành riêng cho Phật Thích Ca. Trong hội này, người ta tụng kinh Nhân Vương để ca ngợi và cầu mong ngài phù hộ quốc thái dân an, tai qua nạn khỏi và thường tổ chức vào đầu năm. Sách Thiền uyển tập anh cho biết vào thời Lý, Tô Minh Trí là người am hiểu kinh Nhân Vương. Vì lẽ ấy, các vua thời nhà Lý sùng đạo Phật, có một số vua được tôn làm tổ các phái thiền, như vua Lý Thái Tông là Tổ thứ bảy của phái Thiền Vô Ngôn Thông, vua Lý Thánh Tông là Tổ thứ hai phái Thiền Thảo Đường. Đối với dân lao động, lễ hội đạo Phật gắn liền với đời sống hằng ngày, với phong tục, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của nhân dân, nên thu hút đông đảo quần chúng. Lễ hội là dịp để mọi người bày tỏ lòng hiếu thảo của mình đối với đấng sinh thành, nhằm siêu độ cho cửu huyền thất tổ, khích lệ tinh thần yêu nước, thương dân tộc. Do đó, trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh ca ngợi: “Khắp nơi như cỏ non lướt rạp; như hoa quỳ hướng về. Thần dân yêu mến; tổ khảo khuông phù. Thần đạo giúp ngầm; trời người nâng đỡ”[16]. Với sự quan tâm đến đời sống nhân sinh mà xã hội thời Lý phải làm vạn vật thiên nhiên xanh tốt, được sự trợ giúp của muôn dân. Điều này chứng minh rằng xã hội thời Lý là thời kỳ cực kỳ hưng thịnh.

Tóm lại, Một dân tộc muốn làm mới mình thì phải có tinh thần nhân văn, giá trị đạo đức. Muốn được như vậy thì phải có sự kết nối giữa nhân dân và chính quyền, nhà Lý đã chọn đạo Phật làm chỗ dựa tinh thần; mà cũng là điều cầu nguyện chung cho tất cả mọi người. Với các dữ kiện lịch sử lễ hội được ghi chép trong bia Sùng Thiện Diên Linh đánh dấu nét đẹp hoàn mỹ bước đầu nhà Lý xây dựng chế độ phong kiến độc lập tự chủ.

Việc vua chúa, quan lại, dân chúng, xuất gia, tại gia cùng nhau tổ chức những lễ hội Phật giáo ở thời kỳ này chứng tỏ rằng đất nước Đại Việt lúc bấy giờ rất giàu mạnh, mọi lĩnh vực kinh tế xã hội đều phát triển, dân chúng được ấm no hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà dưới triều đại nhà Lý mà đất nước cường thịnh, của cải phong túc, nội triều ngoại chính đều bình yên, vua quan mới có tầm để nghĩ đến việc thưởng thức văn hoá tinh thần, mới có thời gian để nhìn nhận những giá trị thiêng liêng to lớn mà văn hoá tinh thần mang lại cho đời sống của mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, dân chúng có an cư lạc nghiệp, có đủ cơm ăn áo mặc, mới có tâm tư để nghĩ đến việc gieo phúc, tạo đức, mới có thời gian để hòa mình vào lễ hội, sống và hành trì theo những giá trị cao cả pháp Phật.

Tác giả: Thích Thánh Phú – Thạc sĩ Phật học khóa III tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

[1] Hà Văn Tấn: Về ba yếu tố của Phật giáo Việt Nam : Thiền – Tịnh – Mật , in trong sách : Mấy vấn đề Phật giáo và lịch sử tư tưởng giáo qua bia tháp Sùng Thiện Diên Linh thời Lý, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2-2000, tr.31-36; Nguyễn Duy Hinh: Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, 1986, tr.81-96.
[2] Hội Nhân Vương: tức là hội tụng kinh Phật thuyết Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh, trong đó có đoạn nói rằng vua các nước cầu nguyện kinh này thì muôn dân tai qua nạn khỏi.
[3] Đinh Khắc Thuần, “ Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh của vua thứ tư nhà Lý nước Đại Việt”, Văn bia Hán Nôm Việt Nam từ khởi thủy đến đời Lý-Trần, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017, tr.187- 219; Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển III, tờ 24ab, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tr. 97. Nguyên văn: “丙午年,七年天符睿武,廣照燈會于龍墀詔占城使臣觀之” ( Năm Bính Ngọ, Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7, mở hội đèn Quảng Chiếu ở Long Trì, xuống chiếu cho sứ thần Chiêm Thành vào xem).
[4] Quốc Sứ quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa Huế, 2006, tr.305.
[5] Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, t1, bản ký , q.III, tờ 30b, tr. 259.
[6] Viện văn học, Thơ văn Lý –Trần, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 388-411. Nguyên văn: “中標一幹,外設七層”; (Trong nêu một cột; ngoài đặt bảy tầng).
[7] Viện văn học, Sđd. Nguyên văn: “其次則白銀二座”; (Thứ đến hai tòa bạch ngân).
[8] Viện văn học, Sđd. Nguyên văn: “更次則烏文二座”; (Thứ nữa lại có hai tòa điểu văn). Theo GS. Hà Văn Tấn khẳng định là chữ “ô” (烏) chứ không phải chứ không phải chữ “điểu” (烏). Mà phải chữ “ô văn” mới có nghĩa. Ô văn hay ô văn mộc là một loại gỗ quý màu đen, mà ta thường gọi là gỗ mun (tên khoa học là Diospyros mun). Như vậy là hai tòa tháp làm bằng gỗ mun mới đúng.
[9] Viện văn học, Sđd. Nguyên văn: “又次則象齒二座”; (Lại thứ nữa có hai tòa ngà voi nhưng chúng ta phải hiểu rằng : hai tòa tháp bằng ngà voi).
[10] W. E. Soothill and L. Hodous, A Dictionary of Chinese Buddhist Terus, bản in lại của Nxb Phật Quang, Đài Loan, 1961, tr. 209. Nguyên văn: 多寶(如來): “Prabhūtaratna, abundant treasures, or many jewels. The Ancient Buddha, long in nirvāna, who appears in his stūpa to hear the Buddha preach the Lotus doctrine, by his presence revealing, inter alia, that nirvāna is not annihilation, and that the Lotus doctrine is the Buddha-gospel” Lotus Sutra 寳塔品.; (Phật Đa Bảo: tức kho báu dồi dào, hoặc nhiều đồ trang sức. Đức Phật Cổ xưa, đã nhập Niết bàn từ lâu, người xuất hiện trong bảo tháp của mình để nghe Đức Phật thuyết giảng giáo lý trong kinh Diệu pháp liên hoa, bởi sự hiện diện của Ngài là để nói rằng, Niết bàn không phải là sự diệt vong, và giáo lý kinh Diệu pháp liên hoa là niềm tin đạo Phật). Trong kinh Diệu pháp liên hoa (Phẩm bảo tháp).
[11] Hà Văn Tấn , “Bệ tượng Phật chùa Hoàng Kim với nhà sư Trì Bát thời Lý”, Tạp văn kỷ niệm Phật thành đạo PL2531, tr. 6.
[12] Hà Văn Tấn, Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư, Nghiên cứu Lịch sử, số 76, 1965. Nghiên cứu tôn giáo, số 2, 2000.
[13] Viện văn học, Sđd. Nguyên văn: “會方袍之潔行;演覺帝之真詮。英聖凝旒,佇偈終而翹誠稽顙;仙姬劍袂。聽軸盡而獻舞供酥”; (Hội phương bào chi khiết hạnh; diễn giác đế chi chân thuyên. Anh thánh ngưng lưu, trữ kệ chung nhi kiều thành khể tảng, tiên cơ liễm duệ, thinh trục tận nhi hiến vũ cung tô)
[14] Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, t1, bản kỷ, q.II, tờ 6a, tr.196.
[15] 世尊告波斯匿王等諸大國王: 「一切國土若欲亂時,汝等諸王,應當受持,讀誦此般若波羅蜜多,請百法師解說此經。於諸座前燃種種燈,百師子座, 燒種種香,每日二時講讀此經,災難即滅」。《仁王護國般若波羅蜜多經》卷2〈護國品 5〉; (CBETA, T08, no. 246, p. 840, a11).
[16] Viện văn học, Sđd. Nguyên văn: “草偃多方,葵傾萬國。臣民愛戴;祖考匡昆。神道冥扶,天人成贊”。

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch