PG & Thời đại
Mái trường chùa giữa Sài Gòn
Trần Nguyễn Anh
20/07/2012 06:52 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiếng nói rộn vang sau cửa sắt, từng bức vẽ với hình thù kỳ dị rực rỡ. Những ấn tượng từ mái trường dành cho trẻ em thiểu năng trí tuệ “xã hội hóa” làm dịu mát một góc phố phường lầm lụi Sài Gòn trong mùa hè rực lửa.

Bảy lớp Sen

Năm 1989, Viện chủ Linh Quang Tịnh Xá, một ngôi chùa Nam Tông nhỏ bé trong quận 4 TPHCM, đã đứng ra lập một mái trường nhỏ dành cho các em thiểu năng. Cho tới giờ, đây vẫn là mái trường duy nhất trong quận dành cho các em.

 

Không doanh nghiệp nào tài trợ. Phật tử của chùa ủng hộ gạo, chợ đầu mối thì cho rau. Tháng 5-2012, tổng kết lại thấy các nguồn hỗ trợ được 37 triệu, chi 46 triệu. Hết tiền, lại chạy qua chùa, xin thầy giúp.

Cô Lợi, trực tiếp phụ trách Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật quận 4 (tên gọi hành chính của mái trường) nói: “Có 90 cháu đang theo học trong 6 lớp dành cho trẻ chậm phát triển và 1 lớp dành cho trẻ câm điếc”.

Quận 4, TPHCM, bao quanh cảng, kênh rạch, nhiều dân lao động, thậm chí nhiều băng đảng đâm chém khét tiếng. Với diện tích 4,2 km2, quận có diện tích bé nhất TPHCM.

Một quận với 15 phường, nhưng cũng như không ít quận huyện khác, quận 4 không có trường học dành cho các em thiểu năng trí tuệ. Những trẻ em thiểu năng mà dân gian thường gọi là bệnh đao, được trông giữ trong nhà, rất hiếm khi đến trường học. Hiếm khi thấy mặt trời nên da dẻ bọn trẻ trắng bệu cả.

Mái trường do nhà chùa dựng lên, như vườn hoa giữa những khu nhà ổ chuột bên sông. Tất cả các lớp đều gọi là “lớp sen”.

Cô Điệp - Phụ trách lớp Sen Ngọc chỉ vào lớp học của cô chừng chục học sinh, với độ tuổi chênh nhau cả giáp, cô cười bảo: Một lớp, ba trình độ: Nhà trẻ, mẫu giáo, lớp một. Các lớp chia theo khả năng tiếp nhận chứ không phải độ tuổi. 12 tuổi vẫn học lớp nhà trẻ, cô Điệp nói.

Lớp nhà trẻ rèn luyện những kỹ năng đầu tiên của con người, như tự đi vệ sinh, hiểu được một số cử chỉ của người lớn. Học sinh trình độ văn hóa cao nhất, anh này “có khả năng viết được như trẻ em lớp một” năm nay đã 17 tuổi.

Tôi ngạc nhiên khi thấy Minh Huy, cậu bé nom lanh lợi, hiền lành, không rời mắt khỏi những hình vẽ để dưới sàn nhà. Bố cậu đã bỏ nhà đi mất tích, mẹ nghèo khổ, thuê nhà kiếm sống mưu sinh. Khi vào lớp Sen Ngọc, Huy mù chữ. Bây giờ Huy vẽ được vài hình ảnh theo trí tưởng tượng đơn giản, cậu còn khiến thầy cô trầm trồ khi trổ tài làm được mấy bài toán.

Một cánh cửa cho bé thơ

“Không có nhiều các trường dành cho các em bị bệnh đao, lúc tới đây các em mới được học hành. Một số rất ít cháu từng được gia đình đưa gửi vào trường phổ thông, nhưng học mấy năm không biết gì nhiều nên đành bỏ dở và về với chúng tôi”. Cô Lợi, phụ trách nhà trường kể.

 

Tình bạn ở lớp
Tình bạn ở lớp.

Câu chuyện của cô Lợi làm tôi nhớ đến tâm sự của một bậc phụ huynh trong thành phố. Chị này đưa đứa con bệnh đao yêu quý của mình sang Singapore “du học”.

Chị nói: “Người Việt Nam còn định kiến nặng nề với trẻ em thiểu năng, rất tội nghiệp cho các cháu khi tới trường và ra ngoài xã hội. Chúng tôi thương con quá nên phải đưa qua nước ngoài học. Các nước phát triển họ không kỳ thị với trẻ em khiếm khuyết trí tuệ”.

Thầy Hiếu 20 năm làm việc tại ngôi trường là ngôi nhà riêng vô chủ sau 1975. Thầy là lương y, chuyên về vật lý trị liệu! Thầy Hiếu cho biết: “Nhiều trẻ em thiểu năng đã quen với việc nằm dài và ngồi lỳ cả ngày trong những ngôi nhà đóng kín, đến mức các em nguy cơ bị hoại tử ở mông và lưng”. Việc đầu tiên khi tới trường, các em được dạy cách ngồi, cách tự đi lại, vận động, xoa bóp cho bản thân.

Múa hát, một thú vui dễ dàng đối với trẻ em bình thường nhưng Minh Thư (sinh năm 1988) đã phải học và rèn luyện suốt 10 năm trời. Nhiều cháu phải mất hàng năm mới tự mình đánh răng được.

Nhiều học sinh ở các lớp sen đã 25 tuổi, không dưới một thập kỷ miệt mài “tầm sư học đạo” nơi đây, mới đạt được trình độ lớp hai.

Ánh sáng trí tuệ chỉ có thể đến với những trẻ em yếu ớt tinh thần giữa một cuộc sống thấm đẫm tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Học, không chỉ để tích lũy kiến thức, mà trước hết là để tìm thấy một tuổi thơ hạnh phúc cho con người.

Trình độ văn hóa không phải là tất cả. Tuấn Khanh sinh năm 1984, sau nhiều năm kiên trì tụng kinh và học hành đã đạt trình độ lớp 1, nhưng cậu rất lạc quan vui vẻ. Bảo Thi (1984) thậm chí có thể đánh được văn bản bằng computer. Bảo Thi rất vui vì thành quả ấy.

Thật sai lầm với suy nghĩ các em tới trường đều tiếp nhận tốt tri thức mà nhà trường muốn truyền tải như trường hợp Bảo Thi. Công Hậu (1988) bị bệnh rất nặng, học lâu năm nhưng “đại sĩ tử” này chỉ dừng ở trình độ biết đặt dép đúng chỗ.

 

Bé Vy vui khi được đến trường. Ảnh: T.N.A
Bé Vy vui khi được đến trường. Ảnh: T.N.A .

Khác với các ngôi trường khác, “miễn Hậu và các bạn của mình còn vui vẻ học tập, các em vẫn có một chỗ ở lớp sen cùng các bạn nhỏ hơn mình”.

Cô Lợi cho biết cánh cửa từ bi của nhà chùa luôn rộng mở: “Ban đầu chúng tôi chỉ nhận học sinh tối đa 15 tuổi, nhưng giờ các em đã lên tới 25 mà vẫn tiếp tục được học tập”.

Những người bạn thông minh hơn, học giỏi hơn, thậm chí có thể đút cơm cho Hậu vào bữa trưa. Sau đó Hậu được bạn đồng môn nhưng khác lứa vỗ về vào giấc ngủ trưa yên bình.

Nổi trôi con thuyền tri thức

“Mỗi năm ngân sách quận cấp cho 15 triệu, năm nay cấp được 20 triệu, nhưng mỗi tháng trung tâm phải chi 40 triệu đồng” – cô Lợi nói.

15 giáo viên, cấp dưỡng, hành chính, chỉ nhận 1,5 triệu đồng mỗi người một tháng. Thậm chí giáo viên thuê nhà để ở, dạy cho các cháu. Cuộc sống đạm bạc, công việc tối mắt cả ngày.

Không doanh nghiệp nào tài trợ. Phật tử của chùa ủng hộ gạo, chợ đầu mối thì cho rau. Tháng 5-2012, tổng kết lại thấy các nguồn hỗ trợ được 37 triệu, chi 46 triệu. Hết tiền, lại chạy qua chùa, xin thầy giúp.

Bên hội phụ huynh, thu mỗi tháng một nhà 50.000 đồng làm quỹ thăm các cháu lúc ốm đau, nhưng nhiều phụ huynh không đóng nổi.

Nằm bên bờ sông, Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật quận 4, TPHCM, tựa như một con thuyền lẻ loi, chở đầy trẻ thơ ngơ ngác và hiền lành, giữa dòng sông đời cuồn cuộn âu lo. “Từ năm 1989 tới nay, chúng tôi cứ chạy vạy từng tháng để tồn tại như thế” - cô Lợi kể, đôi mắt người cán bộ về hưu thấp thoáng nếp nhăn in hằn.

Tháng 7 - 2012

Theo: Tiền Phong

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch