Không
chỉ trà trộn vào đám đông trộm cắp giày dép, giỏ xách của khách, táo
tợn hơn, trong tháng 6/2012, bọn trộm trong vai Phật tử vào chùa Đ.T.,
Q.7 xin lễ Phật. Khi nén hương chưa tàn, các ni cô trong chùa đã đồng
loạt ngất xỉu. Kẻ trộm đã cướp sạch tài sản trong chùa, lục túi các ni
cô lấy tiền lẫn điện thoại.
Dép, điện thoại, giỏ xách của Phật tử đến viếng chùa trong tích tắc
“không cánh mà bay”. “Đạo chích” còn lấy trộm cả lư hương, đồ đồng, bảo
vật, thậm chí khiêng luôn thùng công đức. Từ đầu năm đến nay, trộm
liên tục “viếng” nhiều chùa ở TP.HCM.
Từ trộm đến cướp
Ngày rằm, chị V.T.T.M. đến viếng chùa Hoằng Pháp, H.Hóc Môn. Vừa thắp
hương, quay lại chỗ ngồi cũ, chị M. phát hiện túi xách của mình bị mở,
ví đựng tiền đã biến mất. Từ loa thông báo của nhà chùa, chị M. nhận
được chiếc ví cùng giấy tờ tùy thân do trộm vứt trong nhà vệ sinh, số
tiền năm triệu đồng đã... ra đi. Thầy Thích Tâm Từ, Phó trụ trì chùa
Hoằng Pháp cho biết, những ngày rằm hoặc lễ tết, trộm trà trộn với Phật
tử lẻn vào chùa rất nhiều. Khi lấy được bóp, túi xách của khách viếng
chùa, bọn trộm thường vào nhà vệ sinh lục tiền rồi bỏ bóp, ví tại đó.
Ngoài việc trộm bóp, túi xách, “đạo chích” cũng không chừa cả giày dép.
Vào sảnh đốt nhang, khấn Phật trở ra, nhiều Phật tử phải đi chân đất về
nhà là chuyện thường. Chị T.N., nhân viên của một công ty truyền thông
tại Q.10 đã rơi vào tình huống dở khóc dở cười như vậy. Tranh thủ
trước giờ hẹn gặp với công ty đối tác tại thị trấn Hóc Môn, chị và một
đồng nghiệp ghé vào chùa để thắp hương cầu nguyện. Khi trở ra, đôi giày
hàng hiệu trị giá hơn hai triệu đồng của chị để ngoài sảnh đã “không
cánh mà bay”.
Từ đầu năm đến nay, chùa Như Lai (P.5, Q.Gò Vấp) bị trộm “viếng thăm”
cả ngày lẫn đêm. Mới đây, một băng trộm gồm ba, bốn tên đã vào chùa
lấy trộm tiền trong thùng công đức.
Không chỉ trà trộn vào đám đông, táo tợn hơn, bọn trộm còn đóng vai
Phật tử vào Tịnh thất Hoa Nghiêm - nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường
Lê Văn Lương, Q.7 - để lừa ni sư Chúc Hiệp, trụ trì Tịnh thất lấy hai
triệu đồng. Trong tháng 6/2012, bọn trộm trong vai Phật tử vào chùa
Đ.T., Q.7 xin lễ Phật. Khi nén hương chưa tàn, các ni cô trong chùa đã
đồng loạt ngất xỉu. Kẻ trộm đã lấy sạch tài sản trong chùa, lục túi các
ni cô lấy tiền lẫn điện thoại.
Sư thầy K.T., trụ trì tại một chùa ở Q.7 kể: “Thấy ngôi chùa xuống
cấp, các Phật tử đã đóng góp được 60 triệu để sửa chữa lại. Một buổi
sáng, khi tôi vừa lễ Phật xong, một thanh niên đến thắp hương rồi xin
phép đi tham quan chùa. Thấy khách ăn mặc lịch sự, nói năng bặt thiệp
và khoe làm trong lĩnh vực xây dựng nên tôi hỏi thăm về giá cả sửa
chùa. Người thanh niên nọ hứa sẽ tài trợ toàn bộ xi măng và kêu tôi
mang theo tiền đến cửa hàng của anh ta để mua vật liệu xây dựng. Tuy
nhiên, đi nửa đường, tên thanh niên dùng dao khống chế lấy toàn bộ số
tiền tôi mang theo”.
Mới đây, tên Nguyễn Bảo (Bảo “cà”) cùng đồng bọn ăn mặc lịch sự đến
chùa Trường Thọ (Phan Văn Trị, P.7, Q.Gò Vấp) đề nghị gặp sư thầy trụ
trì và ngỏ lời góp tiền xây chùa làm từ thiện. Khi sư thầy đưa hai tên
đi khảo sát, tham quan chùa, tên Bảo lẻn lên chánh điện lục thùng công
đức lấy 27 triệu đồng.
Thuê vệ sĩ bảo vệ chùa
Hòa thượng Thích Giác Thuận, Viện chủ chùa Như Lai cho biết: “Nhiều
tên trộm mặc đồ lịch sự, nhưng chỉ chờ sơ hở là chúng lấy cắp đồ của
Phật tử lẫn nhà chùa. Có lần chúng dùng băng keo hai mặt dán vào cây
sắt để “câu” tiền trong thùng công đức. Nhà chùa đã từng bắt một số tên
trộm giao công an”.
Trước sự lộng hành của bọn trộm, các chùa đã phải làm tấm bảng thông
báo “xin tự giữ dép” hoặc “xin tự bảo quản tài sản” nhằm nhắc nhở khách
viếng chùa. “Chẳng lẽ vừa đốt nhang, lạy Phật vừa ngoái cổ phía sau để
ý canh chừng giày, dép?”, nhiều Phật tử bức xúc.
Mới đây, các chùa đã lên kế hoạch tự bảo vệ, chủ động đề phòng trộm
cướp. Chùa Hoằng Pháp, ngoài việc dán thông báo, phát loa nhắc nhở Phật
tử cảnh giác kẻ gian, các thầy còn luân phiên tuần tra quanh khu vực
chùa để phát hiện kẻ gian trà trộn. Ni sư Chúc Hiệp cho biết: chùa là
nơi để khách thập phương đến thăm viếng nên không thể đóng cửa, nhưng
vào những đêm khuya hoặc trưa vắng, ni sư sẽ không mở cửa cho người lạ.
Vào những dịp lễ, rằm Phật tử đến đông, chùa đã nhờ chính các Phật tử
thân quen cảnh giác cho chùa.
Hòa thượng Thích Giác Thuận cho biết: “Rất khó phân biệt giữa bọn
trộm và khách viếng chùa nên nhà chùa phải cử người thường xuyên trông
coi chùa cả ngày lẫn đêm. Thậm chí vào các dịp lễ, tết, để khách đến
chùa yên tâm, nhà chùa cũng tính đến phương án thuê vệ sĩ, bảo vệ để
làm công tác an ninh trật tự. Ngoài ra, nhà chùa cũng đã nhờ lực lượng
công an phường thường xuyên tuần tra, canh gác để cửa chùa thật sự là
chốn bình yên”.
Theo Hồ Duyên - PNO