Này các
tỳ kheo, một tỳ kheo
phải đối diện cái chết của mình bằng
chánh niệm và thấu triệt rõ ràng.
Ðó là huấn thị của ta cho các ngươi.
Ðức Phật
PHẢI CHẾT THANH THẢN
Tất cả
chúng ta một ngày nào đó sẽ phải chết. Chúng ta phải chết thanh thản và an
bình. Cho nên, một người sắp phải chết chúng ta nên cố gắng làm cho cái chết
càng thanh thản và đẹp đẽ cho ông ấy hay bà ấy càng tốt. Vâng, bạn ngạc nhiên
cái chết có thể lại đẹp đẽ ư? Nếu bạn ngạc nhiên, đó là vì chúng ta thường ác
cảm đối với cái chết. Nỗi sợ về đau đớn và cái bấp bênh thường đến sau cái
chết. Rồi có sự gắn bó với người thân của chúng ta phát sinh nhiều đau đớn
trong tâm của chúng ta khi phải lìa bỏ họ.
Tuy nhiên chúng ta nên nhận thức
rằng sự hiểu biết và thái độ sai lầm của chúng ta là nguyên nhân của khổ đau.
Chúng ta không hiểu Pháp đủ sâu xa. Chúng ta không hiểu và thâm nhập bản chất
của tâm và thân là vô thường, khổ đau và vô ngã. Chúng ta không biết cách buông
bỏ một cách uyển chuyển, cách cam chịu với cái không tránh được.
Khi bà mẹ kế của Ðức Phật Maha
Pajapati Gotami sắp chết vào lúc ở tuổi 120 già lão, A Nan và những nhà sư nữ
khóc. Maha Pajapati Gotami nhẹ nhàng quở trách họ: "Tại sao các ngươi
khóc, con trai và con gái của ta. Các ngươi không trông thấy thân ta đã trở nên
già nua và hom hem sao? Nó giống như nơi rắn thường lui tới của bệnh tật, nơi
nghỉ ngơi của tuổi già và cái chết, cái nhà của khổ đau. Ta mệt mỏi đã phải lớn
lên trong cái xác thân này. Nó chẳng là gì cả nhưng là một gánh nặng cho ta. Ðã
từ lâu ta mong mỏi sự giải thoát Niết Bàn. Và ngày hôm nay điều mong ước của ta
sắp thành hiện thực. Thật ra cái chết của ta là hạnh phúc. Ðó là lúc cho ta
đánh trống mãn nguyện và sung sướng. Tại sao các ngươi lại khóc?"
Ðức Phật, khi Ngài sắp chết giữa
môi trường thiên nhiên dưới hai cây sala (tha la) trong rừng, cũng bảo Ðức A
Nan đừng khóc vào lúc Ngài chết. Ngài nói người có trí tuệ và trầm tĩnh phải
chấp nhận sự thật về cái chết và chia ly cùng tất cả những gì mà chúng ta
thương yêu là không thể tránh được. Ðức Phật nhắc chúng ta phải tu tập thiền
chánh niệm để đạt được trí tuệ giúp ta đối đầu với cái chết bằng sự thanh thản.
Ngài nói với các tỳ kheo: "Bởi vậy các con phải tự rèn luyện. Chúng ta
phải chấp nhận cái chết bằng chánh niệm và tự tại." Và lời dặn dò cuối
cùng của Ðức Phật là: "Tất cả những gì do duyên hợp đều phải tan rã. Các
con phải phấn đấu chuyên cần."
Người sống một cuộc đời đẹp đẽ
có thể chết một cách đẹp đẽ. Một ngày nọ tôi tình cờ đọc mấy dòng hồi tưởng rất
cảm động trong một tờ báo. Khi bà trút hơi thở cuối cùng và đi vào cõi bất
diệt, mặt bà sáng ngời và môi bà nở một nụ cười. Chị F, trông thấy vậy, thốt
lên: "Hãy nhìn kìa, bà đang nhìn thấy Thượng Ðế". Việc này xẩy ra như
vậy, tôi biết bà là một người Cơ Ðốc Giáo, đã chết một cái chết đẹp như vậy. Bà
có tính dịu dàng, tử tế và lúc nào cũng quan tâm đến phúc lợi của người khác.
Tôi được biết bà là một nhà giáo thường tìm các học trò yếu kém để dạy thêm và
khuyến khích chúng. Bà được thương yêu sâu xa và trân quý bởi gia đình và tất
cả những người đã tiếp xúc với bà. Tôi được biết bà bao giờ cũng là một người
dễ thương và thương yêu tất cả mọi người quả thật đời bà giống như một vị
thánh.
Vì đã sống một cuộc đời đẹp như
vậy, thảo nào bà đã chết một cái chết đẹp. Tôn giáo của chúng ta có thể khác
nhau nhưng Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, người được giải Hòa Bình Nobel, nói rằng:
"Từ bi là cốt lõi của tất cả tôn giáo." Niềm tin sắt đá của tôi là
nếu chúng ta đã sống một cuộc đời tốt đẹp, thì khi chúng ta chết chúng ta sẽ
chết một cái chết đẹp dù chúng ta là Phật Tử, Cơ Ðốc Giáo, Ấn Giáo, Hồi Giáo
hay của bất cứ quan điểm nào hay niềm tin nào. Như Ðức Phật nói, chính hành vi
tạo thành con người. Trong phương diện này, tôi thường nói với người Phật tử:
thà là một người Cơ Ðốc Giáo, một người Hồi Giáo tốt còn hơn là một Phật tử
xấu. Bởi vậy, người Cơ Ðốc Giáo tốt khi họ chết họ có thể thấy Thượng Ðế của họ
hay ánh sáng. Người Phật tử có thể thấy những hình ảnh tinh thần của Ðức Phật,
a la hán, thiên nhân, hay cảnh thiên đường và ánh sáng rực rỡ.
Jack Kornfield, một vị thầy
thiền Minh Sát người Mỹ, có lần kể trong tờ báo Inquiring Mind khi ông viếng
thăm Howard Nudleman, một bác sĩ phẫu thuật và là một người tu thiền một ngày
trước khi ông chết về ung thư ra sao. Ông nhớ lại rằng khi ông đi vào phòng ông
Howard giống như ông đi vào một ngôi chùa như thế nào. Và khi ông nhìn vào ông
Howard, ông Howard nhìn ông mỉm cười, một nụ cười ngọt ngào không thể tưởng
tượng được, một nụ cười mà ông Kornfield không bao giờ có thể quên được trong
quãng đời còn lại của ông.
Vâng, tôi tin chắc có rất nhiều
chuyện cảm động về những cái chết đẹp của những người con người đẹp. Cho nên,
chính cái chết có thể là một sự kinh qua đẹp. Khi chúng ta sống một cuộc đời
lương hảo, và thân này trở nên yếu ớt và suy sụp, chúng ta có thể đối mặt với
cái chết một cách tao nhã khi biết rằng chúng ta đã sống một cuộc đời thiện và
bây giờ đã đến lúc chúng ta tiến tới.
Cho nên khi một người thân yêu
sắp phải chết, chúng ta nên hiểu biết và để cho người ấy ra đi an bình. Chúng
ta cố gắng làm điều đó vì người đó càng thanh thản và đẹp đẽ càng tốtõ. Rõ
ràng, chúng ta không nên khóc lóc than van. Than khóc chỉ gây khó khăn thêm cho
người sắp chết. Ðương nhiên nếu người ấy là một người Phật tử hiểu biết và còn
đủ sức để nói thì người ấy, giống như Ðức Phật, sẽ nhẹ nhàng quở trách: Này các
người thân yêu, tại sao các người phải khóc? Ðức Phật chẳng đã dạy ta bằng
nhiều cách là chia ly không thể tránh được trong đời sống đó sao? Làm sao có
thể là cái mà phải tan rã lại không tan rã? Ðiều đó không thể được. Cho nên
chúng ta phải suy ngẫm sâu xa về Pháp. Này người thân yêu của tôi, thân này
không phải của chúng ta. Tâm này cũng không phải của chúng ta. Chúng sinh diệt
theo duyên hợp. Chúng ta phải tu tập chánh niệm sâu xa để thấy việc này, cho
nên, đừng bám víu nữa, chúng ta có thể giải thoát khỏi sinh tử. Người thân yêu
của ta, hãy mạnh lên. Dù tôi phải cáo từ bạn, tôi muốn nhắc nhở các bạn về
những lời dặn cuối cùng của Ðức Phật: "Tất cả những hiện tượng do duyên
hợp đều phải tan rã. Cho nên, ta kêu gọi các con, hãy phấn đấu chuyên cần."
Vâng, tất cả Phật tử nên nhớ lời
dặn cuối cùng của Ðức Phật cho chúng ta là hãy phấn đấu không mệt mỏi để đạt
được trí tuệ hầu giải thoát chúng ta khỏi sinh tử. Một người tu thiền định phải
thiền về cái chết. Người ấy có thể quán hơi thở, thở ra hít vào của mình hay
bụng phồng lên và xẹp xuống do hít vào thở ra. Nếu gặp phải khó khăn gì, người
ấy có thể nhận thức về chúng, ghi nhận chúng là thế không sợ hãi lo lắng mà
bình tĩnh và vững tâm. Người ấy có thể quán thấy những cảm giác đau đớn, chịu
đựng chúng dù chúng lên cao độ. Người ấy có thể tự nhắc nhở mình, chúng chỉ là
những cảm giác, mặc dù là cảm giác khó chịu. Người ấy cũng thấy chúng vô
thường, chúng không ngừng sinh rồi diệt. Người ấy sẽ hiểu và không bám víu hay
bị ràng buộc vào thân. Người ấy biết cả tâm lẫn thân cũng sinh và diệt theo
duyên hợp. Người ấy có thể suy ngẫm: "Thân này và tâm này không phải của
tôi. Chúng chẳng bao giờ thuộc về tôi cả. Chúng sinh vì duyên hợp, và theo
duyên hợp, chúng sẽ diệt. Cho nên, mắt này không phải của tôi, tai này không
phải của tôi, mũi này không phải của tôi... Thân này được tạo thành bởi bốn yếu
tố, đất, lửa, nước và gió, chúng tượng trưng cho những đặc tính của vật chất,
những đặc tính về tính cứng, tính mềm, sức ép, sức căng, nóng và lạnh vân
vân... Chừng nào năng lượng của nghiệp còn kéo dài kiếp sống của tôi trong cỡi
đời này, thân này còn sinh tồn. Khi năng lượng của nghiệp cho đời này hết, thì
thân này chết và một cái tâm mới được duyên hợp bởi cái tâm cũ vào lúc chết.
sinh ra trong thân mới. Nếu tôi đạt được a la hán quả, không cần phải tái sinh
nữa. Nếu tôi không có a la hán quả, tuy nhiên, đã sống cuộc đời thiện, tôi
không sợ tái sinh. Tôi có thể có một cuộc sống mới làm người được phú cho mọi
điều tốt đẹp và thông minh hay một chúng sinh ở cảnh trời và từ đấy tôi tiếp
tục con đường phát triển cho đến khi tôi đạt được Niết Bàn tối hậu, sự chấm dứt
sinh tử."
Suy ngẫm như vậy, người tu thiền
sẽ trở nên rất bình tĩnh và vững vàng. Người ấy sẽ trở nên rất an lạc. Người ấy
có thể mỉm cười ngay cả trước cái đau đớn và với những người tập hợp chung
quanh. Với tâm rất an lạc, cảm giác đau đớn của thân có thể chấm dứt. Người ấy
có thể chết thanh thản và an lành, nhẹ nhàng chút hơi thở cuối cùng.
NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT SUNG SƯỚNG
Khi Cấp Cô Ðộc, người nhân đức
và đại ân nhân của Ðoàn Thể Tăng Già sắp chết, Xá Lợi Phất, người Ðệ Tử lớn
nhất của Ðức Phật, thuyết giảng về sự không quyến luyến cho ông. Xá Lợi Phất
nhắc Cấp Cô Ðộc là đời sống chỉ là một tiến trình tùy thuộc vào duyên hợp, và
tâm và thân tạm bợ này không có gì đáng để bám víu vào. Xá Lợi Phất đưa ra một
bản danh sách toàn bộ những cái mà đời sống cấu thành, cho thấy tất cả đều là
duyên hợp phù du không thể bám víu vào được. Ngài giảng: "Cho nên Cấp Cô
Ðộc không nên hiểu theo những dạng thức nhìn thấy và mắt, âm thanh và tai, mùi
và mũi, vị và lưỡi, xúc và thân, và ý thức tùy thuộc vào tất cả những thứ này.
Cấp Cô Ðộc không nên hiểu theo nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân
thức và ý thức. Ông nên hiểu bản chất vô thường của chúng và quan sát sự sinh
diệt của chúng, không bám víu vào chúng và hay không thích chúng.
"Tương tự như vậy, Cấp Cộ
Ðộc không nên hiểu theo sự tiếp xúc tùy thuộc vào mắt và hình dạng, tai và âm
thanh và vân vân... Ông không nên hiểu theo cảm nghĩ dù thích thú hay không
thích thú, cảm nghĩ nảy sinh tùy thuộc vào sự tiếp xúc. Ông phải xem xét tất cả
chúng bằng trầm tĩnh, hiểu biết thực chất của vô thường, bất toại nguyện và vô
ngã. Thân được tạo thành bởi bốn yếu tố giãn nở, dao động, cố kết, và nhiệt độ.
Tâm được tạo thành bởi cảm nghĩ, nhận thức, hoạt động tinh thần và thức. Tất cả
chúng đều vô thường và lúc nào cũng thay đổi. Xá Lợi Phất khuyến khích Cấp Cô
Ðộc không nên luyến chấp vào một trong những thứ đó. Không có gì trong thế giới
này có thể gọi là cái ngã thường còn. Trong ý nghĩa tối hậu, không có cái ngã
trong tâm và thân. Và cho nên không có gì để Cấp Cô Ðộc bám víu vào."
Khi nghe được Pháp sâu xa này,
một niềm an lạc và sung sướng lớn lao bao trùm Cấp Cô Ðộc. Và ông ta đã khóc.
Thị Giả của Ðức Phật, Ngài A Nan có mặt lúc ấy tiến lại gần và hỏi Cấp Cô Ðộc
tại sao ông khóc. "Có phải vì ông đã không chịu nổi cơn đau?"
"Không phải", Cấp Cô Ðộc trả lời. Không phải là như thế. Mà đúng hơn
là vì bài thuyết giảng của Xá Lợi Phất quá đẹp đến nỗi đã làm cho ông xúc động
sâu xa. "Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ cảm xúc như thế. Cho nên đó là lý
do tại sao tôi khóc," ông nói với A Nan và Xá Lợi Phất. Những giọt nước
mắt của ông không phải là nước mắt phiền não mà là những giọt nước mắt vui
sướng – vui sướng vì nghe và hiểu được Pháp sâu xa như thế.
Cấp Cô Ðộc hỏi tại sao Pháp như
thế không được thường thuyết giảng cho các cư sĩ. Xá Lợi Phất trả lời vì người
cư sĩ thường thấy khó lĩnh hội Pháp sâu xa như thế, họ đều bị luyến ái vào rất
nhiều lạc thú sẵn có trong đời sống. Cấp Cố Ðộc phản đối là có những người có
thể hiểu và lĩnh hội Pháp sâu xa này, và những ai không được nghe sẽ bị thiệt
thòi. Ông thúc giục Xá Lợi Phất thường xuyên thuyết giảng về không luyến chấp
cho những người khác như bài giảng mà ông vừa được thuyết giảng.
Ít lâu sau, Cấp Cô Ðộc chết. Vì
lúc cuối cùng của ông rất an lạc và đã sống một cuộc đời lương hảo, theo lời
Ðức Phật, ông được tái sinh ở cung trời Ðâu-xuất. Khi một người đã đạt được bậc
thứ nhất của thánh quả (Tu-đà-hoàn) người ta tin rằng Cấp Cô Ðộc có thể, trong bảy
kiếp, sẽ đạt giác ngộ hoàn toàn và do đó sẽ giải thoát khỏi tái sinh.
Cũng có những câu chuyện về
những thầy tỳ kheo đắc quả A la hán (giác ngộ hoàn toàn) trên giường lúc sắp
chết. Cho nên những hành giả du già ngày nay có thể thiền định đến lúc cuối cùng,
họ biết họ có thể thực hiện kiến thức tuệ giác, hiểu thấu về vô thường, khổ đau
và vô ngã, và thậm chí đạt được thánh quả vào lúc chết.
Một hành giả du già có thể trải
tâm từ, thương yêu-khả ái. Cả đến lúc sắp chết, người ấy có thể trải những ý
nghĩ thương yêu-khả ái đến tất cả chúng sinh. "Nguyện cho tất cả chúng
sinh đều hạnh phúc. Nguyện cho chúng sinh thoát khỏi tai họa và nguy hiểm.
Nguyện tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau tinh thần .... khổ đau thể chất...
Nguyện cho họ quan tâm lẫn nhau trong hạnh phúc". Chết với những tư tưởng
thương yêu cho tất cả chúng sinh là một cách chết cao thượng. Trong cuốn
Visuddhimaga, một cuốn sách thiền kinh của Phật Giáo, có nói rằng một người có
thói quen trải tâm từ, sẽ chết rất an lạc, như thể là ngủ thiếp đi một cách dễ
chịu. Và nếu người ấy không đạt được thánh quả A la hán, và phải tái sinh thì
cũng tái sinh vào cõi trời.
Vâng, một người du già không sợ
chết. Người ấy có thể từ bỏ một cách thanh nhã thân và tâm vì biết rằng sống
hay chết chỉ là hai mặt của một vấn đề, vì hiểu rằng trong khi chúng ta còn
sống chúng ta đang chết từng chập một, chết vào mỗi lúc qua đi, và bị tái sinh
vào mỗi lúc mới đến. Các hiện tượng tinh thần và thể chất không ngừng sinh và
diệt. Không có gì đứng nguyên dù chỉ một giây. Ðiều này cũng đã chứng minh được
trong vật lý lượng tử nơi người ta thấy rằng các hạt hạ nguyên tử triệt tiêu
năng lượng với mức 10 tới 22 lần chỉ trong một giây. Ðức Phật cũng nói các hiện
tượng tinh thần và thể chất không ngừng sinh ra và tan biến. Chừng nào mà chúng
ta chưa loại bỏ được năng lượng nghiệp-tái sinh bằng cách nhổ tận gốc rễ những
ô nhiễm của tham sân và si, thì chúng ta vẫn tiếp tục phải tái sinh. Chết trong
sự sống này chỉ là sự chấm dứt của tuổi thọ cho thân và tâm trong sự sống này.
Nhưng ngay lúc mãn hạn của tâm vào lúc chết, không có khoảng cách nào, một tâm
mới nảy sinh nhập vào một thân mới theo nghiệp hay những hành vi của chúng sinh
ấy trong đời trước. Cho nên người du già hiểu tâm lúc chết căn bản không khác
gì tâm ở mọi lúc nên không sợ hãi. Người ấy chấp nhận cái chết trong chánh niệm
và tự tại phù hợp với chỉ dẫn của Ðức Phật.
LÀM CHO BẦU KHÔNG KHÍ THANH THẢN
Khi tạo bầu không khí thanh thản
cho một người sắp chết, chúng ta phải biết sở thích của người đó, những gì
thích, những gì không thích của người ấy. Thí dụ, người ấy thích hoa. Chúng ta
nên có hoa trong phòng bệnh cạnh giường. Người ấy có thể thích chết trong căn
phòng ấm cúng của mình, trong môi trường quen thuộc và thanh bình với mình. Cho
nên nếu có thể người ấy thích chết ở nhà hơn là ở bệnh viện. Nhưng nếu không
thể được và cần để bệnh viện săn sóc, chúng ta nên cố gắng làm cho cảnh chung
quanh trong bệnh viện càng riêng tư, ấm cúng và thanh bình càng tốt. Một phòng
riêng thì tốt nhất, nhưng không phải tất cả mọi người có thể có đủ khả năng để
trả tiền. Dù bất cứ ở chỗ nào, chúng ta cũng cố gắng làm cho bầu không khí càng
thanh bình càng tốt.
Có thể có một hình ảnh nhỏ của
Ðức Phật mà người ấy thích ngắm. Nếu như vậy, chúng ta có thể để bức hình bên
cạnh hoa ở bên cạnh giường. Thái độâ nghiêm trang thanh thản ở hình Ðức Phật có
thể làm cho an tâm. Nhìn vào bức hình này, ta nhớ đến trí tuệ và lời dạy của
Ðức Phật. Việc đó có thể cho nhiều an ủi và an lạc, nhất là những lúc cần
thiết. Căn phòng phải được sạch sẽ và ấm cúng. Người sắp chết có thể thích cái
giường của mình hướng về của sổ để có thể nhìn được cây cối có thể làm cho tâm
an tịnh. (Thí dụ, Ðức Phật đã chọn cái chết trong thiên nhiên giữa hai cây sala
(tha la) đang nở hoa tại rừng Câu Thi Na)
Nếu chẳng may người sắp chết mất
bình tĩnh và lộ vẻ sợ hãi, lo âu hay đau đớn, thân nhân nên làm cho người ấy an
tâm. Thí dụ như người thân có thể cầm tay người sắp chết trong tay hay vuốt nhẹ
vào trán, nói năng ngọt ngào để người ấy an tâm. Người vợ có thể nhắc nhở nhẹ
nhàng người sắp chết về Pháp, sự cần thiết phải giữ tâm bình tĩnh và hành
thiền. Bà ấy cũng có thể an tâm người sắp chết hãy đừng lo lắng gì về bà hay
con cái, rằng đã có giáo lý của Ðức Phật và sẽ sống nương nhờ vào giáo lý ấy.
Bà ấy biết cách săn sóc cho mình và những đứa con. Bà cũng có thể nhắc người
sắp chết là tài sản, người thân yêu và tâm và thân rốt cuộc cũng không phải là
của chúng ta. Chỉ có những hành vi của chúng ta mới là tài sản thực sự theo
chúng ta. Bà cũng nhắc nhở ông ấy về cuộc đời lương thiện của ông, sự săn sóc
của ông cho gia đình, và tất cả những hành động thiện mà ông đã làm. Nhớ như
vậy và hiểu rõ Pháp, người ấy có thể trở thành mạnh mẽ. Người ấy có thể mỉm
cười và thanh thản. Cái chết không còn làm cho người ấy sợ hãi.
Ðương nhiên những gì chúng ta đã
nói chỉ là một thí dụ cho một diễn tiến có thể xẩy ra. Ðến lúc đó, không thể có
kịch bản nào được sửa soạn cho việc này. Nhưng nếu ta hiểu Pháp ta có thể phản
ứng Pháp theo trực giác và theo hoàn cảnh lúc ấy, nói và làm điều phải để giúp
đỡ người ra đi một cách an bình.
Vào thời Ðức Phật, Nakulamata,
vợ của Nakulapita chỉ làm như sau: Bà đã an tâm người chồng khi ông này sắp
chết. Bà ta nói với chồng: "Anh thân yêu, đừng chết với bất cứ nuối tiếc
nào hay luyến chấp bất cứ thứ gì. Giáo chủ của chúng ta, Ðức Phật đã nói chết
theo cách như vậy thật không khôn ngoan chút nào."
Hiểu tính chồng, bà tiếp tục:
"Anh thân yêu, anh có thể nghĩ rằng khi anh đi rồi, em không thể nuôi nấng
con cái và giữ gia đình êm ấm. Nhưng đừng nghĩ như vậy, em rất khéo tay về cuốn
bông và chải len. Em có thể nuôi nấng con cái và giữ gia đình êm ấm. Cho nên,
hãy thanh thản."
Và bà ta đã an tâm người chồng
là bà sẽ giữ đức hạnh và tu tập Phật Pháp cho đến khi đạt được giác ngộ. Và nếu
ai nghi ngờ việc này, hãy để cho họ đi hỏi Ðức Phật là người mà bà ta chắc chắn
là sẽ bầy tỏ lòng tin tưởng ở nơi bà. Nghe thấy những lời bảo đảm như vậy, thay
vì chết, Nakalapita cảm thấy khỏe hơn rất nhiều và đã khỏi bệnh! Sau này, khi
cặp vợ chồng thắm thiết này đến gặp Ðức Phật, Ðấng Thế Tôn đã nói với
Nakulapita rằng Nakulapita đã rất may mắn có một người vợ như Nakulamata:
"Ông thật hết sức may mắn có người vợ như Nakulamata đã hết sức thương yêu
và từ bi với ông, bà đã mong muốn ông được hạnh phúc và có thể khuyên nhủ ông
trong lúc cấp thiết"
Thân quyến cũng nên ủng hộ triệt
để những gì có thể cho người sắp chết. Như đã nói trước đây họ không nên khóc
vì khóc sẽ gây khó khăn cho người chết. Nhưng nếu họ thấy khó kìm hãm nổi mình
thì hãy suy ngẫm về Pháp. Họ có thể suy ngẫm rằng cái chết không thể tách rời
sự sống. Khi có sự sống ắt phải có cái chết. Ðó là điều chúng ta phải chấp nhận
một cách tế nhị. Ngoài ra khi thân đã hư hoại và bệnh nặng, thì thật là mừng để
"thoát khỏi" nó. Nhận lấy một cuộc kiếp sống mới, người ấy sẽ khá
hơn. Suy nghĩ một cách khôn ngoan, thân quyến có thể giành lại được sự tự tại
và giúp đỡ người sắp chết ra đi xứng đáng và thanh thản.
CHẬP TƯ TƯỞNG CUỐI CÙNG
Chập tư tưởng cuối cùng hay lúc
chết được cho là rất quan trọng. Nếu ta chết vì sợ hãi, giận dữ, tham lam hay
bất cứ với trạng thái tinh thần bất thiện nào, thì tái sinh xấu sẽ nảy sinh.
Nếu ta chết trong thanh thản, hiểu biết, với chánh niệm và trầm tĩnh, tái sinh
tốt sẽ xảy ra. Thường thường nếu ta có một cuộc sống thiện thì chập tư tưởng
cuối cùng đương nhiên sẽ là chập tư tưởng thiện. Những hành vi thiện ta đã làm
có thể xuất hiện trước tuệ nhãn. Hay ta có thể có những ảo giác về định mênh
sắp tới, như nhìn thấy quang cảnh ngoạn mục ở cõi trời và những người rất đẹp.
Trái lại nếu ta sống một cuộc đời tội lỗi thì những hành vi ác đã làm có thể
xuất hiện trước mắt ta hay có những ảo giác về lửa địa ngục hay có thể nhìn
thấy những điềm xấu khác. Trong đời sống tuy nhiên chúng ta không hẳn là tốt
hay cũng không hẳn là xấu, có một sự pha trộn xấu và tốt trong chúng ta. Nhưng
nếu xếp toàn bộ chúng ta là tốt thì chúng ta tin là sẽ có một tái sinh tốt.
Nếu chúng ta có một sự hiểu biết
rõ ràng về sống và chết, chúng ta có thể chết với sự vững vàng và trầm tĩnh.
Chúng ta có thể, như đã nói, hành thiền cho đến lúc cuối cùng, giữ vững chánh
niệm và tự tại. Vì đã sống một cuộc đời thường là thiện và hơn nữa có thể giữ
chánh niệm trong lúc trực diện với cái chết, chúng ta chắc chắn được bảo đảm
một tái sinh tốt – lại là người tốt – hay chư thiên, một chúng sinh ở cõi trời.
Cũng có hy vọng là chúng ta có thể nhanh chóng, dù bất cứ tái sinh nào đã xẩy
ra, chấm dứt luân hồi, vòng sinh tử, cho nên không còn phải tái sinh, chúng ta
sẽ giành được an lạc của Niết Bàn.
Ðôi khi có câu hỏi sau đây: Cái
gì sẽ xảy ra nếu không giữ được chánh niệm, nhất là khi người ấy không trải qua
sự rèn luyện hành thiền nào? Chẳng hạn nếu người ấy chết trong trường hợp hôn
mê thì sao? Hoặc người ấy đột nhiên bị chết đột ngột trong một tai nạn xe cộ
thì sao? Theo sự hiểu biết của tôi về kinh sách được dạy của Ðức Phật, tôi có
thể nói rằng nếu ai đã sống một cuộc đời lương thiện, thì những cơ may là chập
tư tưởng tốt sẽ xuất hiện vào lúc chết và một tái sinh tốt sẽ nảy sinh. Nghiệp
của chúng ta là nơi nương tựa đích thực của chúng ta (nghiệp quả), cho nên theo
tổng số sức nặng về những hành động thiện mà chúng ta đã làm sẽ dẫn chúng ta
đến một tái sinh tốt. Ðó là lý do tại sao chúng ta phải sống một cuộc đời thiện
trong lúc còn sống, và không chờ đến lúc gần chết thì đã quá muộn. Nhưng vì
trong đời sống chúng ta đã làm cả xấu lẫn tốt, có khả năng là chúng ta có thể
vụng nhớ đến những hành vi xấu thay vì những hành vi tốt vào lúc chết. Cho nên
giữ chánh niệm quan trọng hơn tất cả; chánh niệm giúp ích nhiều. Với chánh
niệm, những tư tưởng xấu không thể thâm nhập tâm chúng ta và chúng ta có thể
chết bình tĩnh, thanh thản. Chánh niệm là một đức tính tuyệt vời – có thể giúp
chúng ta trong cả sống và chết – tại sao chúng ta không trau dồi và phát triển
nó trong khi chúng ta còn sống?
Một tỳ kheo chuyên tâm chánh
niệm về cái chết thì lúc nào cũng siêng năng. Vị tỳ kheo ấy nhận thức được sự
tan vỡ ảo tưởng của tất cả các loại đang trở thành (sự sống). Thắng được sự
luyến ái vào đời sống, vị tỳ khéo ấy lên án tội lỗi. Vị ấy tránh tích trữ
nhiều. Vị ấy không bợn chút tham lam nào về vật dụng cần thiết. Nhận thức về vô
thường phát triển trong mình, theo sau là xuất hiện sự nhận thức về khổ đau và
vô ngã. Nhưng trong khi chúng sinh không phát triển chánh niệm về cái chết
không tránh nổi sợ hãi, khủng khiếp, và bối rối vào lúc chết như thể đột nhiên
bị bắt bởi thú rừng, ma quỷ, rắn, trộm cướp, hay kẻ giết người thì vị tỳ kheo
ấy không một chút sợ hãi, và không bi rơi vào bất kỳ tình trạng nào như vậy. Và
nếu vị ấy không đạt được cái bất tử, thì ít nhất vị ấy cũng đi về một định mệnh
hạnh phúc khi thân tan rã.
Thanh Tịnh Ðạo
(Visuddhimaga)
SUY NGẪM VỀ CÁI
CHẾT
Khi sống, thỉnh thoảng suy ngẫm
về cái chết là tốt. Thực ra suy ngẫm hàng ngày càng tốt. Ðức Phật dặn chúng ta
thường xuyên suy ngẫm về cái chết vì có rất nhiều lợi lạc đạt được từ sự suy
ngẫm này.
Trước nhất chúng ta phải hiểu rõ
rằng suy gẫm về cái chết không phải là chúng ta phải trở nên rầu rĩ, sợ hãi,
không lành mạnh hay ngã lòng, hay cảm thấy như tự giết mình. Không, chắc chắn
là không, chúng tôi muốn nói rằng chúng ta nên suy ngẫm về cái chết một cách
khôn ngoan, có thể sống một cách khôn ngoan và từ bi hơn.
Thí dụ, bất cứ lúc nào tôi bị
khó chịu hay nản lòng, tôi phải (nếu tôi không quá vô tâm) suy ngẫm theo những
hàng chữ sau đây: Ðời sống ngắn ngủi, chảng bao lâu chúng ta đều sẽ chết.
Cho nên cãi nhau hay tranh giành có ích gì? Giận dữ có ích gì? Không có ý nghĩa
chút nào cả. Tốt hơn là tôi giữ sự an lạc của tôi. Tranh cãi hay giận dữ không
giải quyết được vấn đề. Nó chỉ gây ra thêm thù oán và bực mình. Nghĩ như vậy
tôi có thể bình tĩnh lại, kiềm chế mình để khỏi bị kích động bởi những cảm nghĩ
mạnh mẽ, và liên hệ với người khác một cách lịch sự và khéo léo hơn. Ðương
nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đôi khi (có lẽ là nhiều lần) tôi
đã quên và bị kích thích của tài hùng biện và xúc cảm, nhưng khi tôi tự nhớ lại
về sự ngắn ngủi của đời sống và cái vô nghĩa của nóng giận đùng đùng, tôi có
thể bình tĩnh lại một chút và nói năng một cách lịch sự và thận trọng hơn.
Tương tự như thế, khi tôi bị dao
động hay lo lắng về một việc gì đó, tôi sẽ nghĩ rằng tất cả những lo lắng và
băn khoăn có ích gì. Cuộc đời cứ tuần tự vi tiến, cái chết chờ đợi mỗi người
chúng ta. Không ai trong thế giới này có thể thoát chết. Tử thần là người thực
thi bình đẳng vĩ đại, và là người san bằng chênh lệch trong xã hội. Cho nên,
trong khi tôi còn sống, tốt hơn là phải sống tốt hết sức mình, và điều đó có
nghĩa là sống theo Pháp, sống trong chánh niệm, từ lúc này đến lúc khác, từ
ngày này đến ngày khác, chỉ làm những điều tốt nhất mà tôi có thể, cứ thế mỗi
ngày. Suy nghĩ khôn ngoan như vậy, tôi có thể kiểm soát những lo lắng, sống nhẹ
nhàng và sung sướng hơn.
Hơn nữa, chúng ta có thể suy xét
rằng có hay không lo lắng tất cả chúng ta đều phải già và chết. Cho nên chúng
ta có thể già mà không lo lắng! Làm điều đó sẽ là khôn khéo hơn. Không ai là
người không đồng ý là chúng ta chắc chắn sung sướng hơn nếu không lo lắng. Mặt
khác, tất cả những lo lắng làm tổn thọ, khiến cho chúng ta phát bệnh sớm và
chết. Cũng bằng cách nghĩ này, chúng ta có thể kiểm soát lo lắng và sống một
cuộc đời hạnh phúc hơn. Bởi vậy, suy nghĩ về cái chết một cách khéo léo khiến
cho chúng ta rộng lượng và nhẫn nại hơn, tử tế và lịch sự hơn, cho cả chính
chúng ta và người khác.
Rồi chúng ta có thể trở nên ít
bị ràng buộc vào của cải vật chất, ít tham lam. Vâng, khi chúng ta nhận thức
sâu xa cái ngắn ngủi của cuộc đời, và không thành vấn đề chúng ta có thể có bao
nhiêu nhưng chúng ta không thể mang theo chỉ một xu khi chết chúng ta sẽ trở
nên ít keo kiệt hơn. Khi chúng ta rộng rãi một chút thì bắt đầu vui trong việc
chia sẻ và cho đi, thương yêu và quan tâm. Lúc đó chúng ta sẽ nhận thức ra rằng
đời sống không chỉ là chỉ gom góp và tích trữ của cải. Chúng ta sẽ thích rộng
lượng hơn, chia sẻ và mang niềm vui và hạnh phúc vào cuộc đời của những người
khác. Mang niềm vui và hạnh phúc cho người khác là làm cái cho đời sống có ý
nghĩa và đẹp đẽ. Ðiều đó mới đáng kể. Tình thương yêu và từ bi nảy nở và thăng
hoa trong chúng ta giống như hoa nở đẹp của cây. Chúng ta trở nên thành những
người thực sự đẹp, đắm mình trong từ bi, đáp lại bằng tấm lòng không có bất cứ
sự kỳ thị giống nòi, giáo phái, tôn giáo, địa vị xã hội vân vân... Ðời sống của
chúng ta sẽ có một luồng sáng mới và chúng ta có thể nói chúng ta thực sự hạnh
phúc và đầy tình người. Và khi cái chết đến, chúng ta không có gì nuối tiếc.
Chúng ta có thể mỉm cười với cái chết một cách hạnh phúc và an bình.
KHI BỐN TRÁI NÚI ÐỔ XUỐNG
Ðức Phật có lần nói dùng lối so
sánh để gây ấn tượng cho chúng ta sự cần thiết sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Ngài đặt câu hỏi này với Hoàng Ðế Pasenadi: "Này Hoàng Ðế, Ngài làm gì khi
Ngài được biết bốn trái núi lớn, một từ hướng Bắc, một từ hướng Nam, một từ
hướng Ðông và một từ hướng Tây, đang tiến về hướng vương quốc của Ngài, nghiền
nát mọi vật sống và không có gì thoát khỏi?"
Hoàng Ðế Pasenadi trả lời:
"Bạch Ðức Thế Tôn, trong một thảm họa lớn lao như vậy, sự hủy diệt đời
sống con người quá lớn, và tái sinh làm người rất khó đạt được, tôi có thể làm
gì để cứu vãn mà sống một cuộc đời ngay thẳng và làm những hành vi thiện?"
Ðức Phật đã làm cho vua hiểu vấn đề: "Thưa Hoàng Ðế, tôi nói để Ngài biết
– tuổi già và cái chết đang lăn vào Ngài. Vì tuổi già và cái chết đang lăn vào
Ngài, Ngài phải làm gì?" Hoàng Ðế trả lời rằng trong hoàn cảnh như thế tất
cả việc cấp thiết là phải sống một cuộc đời lương thiện và thực hiện hành vi
tốt. Nhà vua thừa nhận tất cả uy quyền, uy thế, của cải và lạc thú mà nhà vua
hưởng như một hoàng đế, có thể khi đứng trước cái chết chỉ là con số không.
Ví thế khi chúng ta suy nghĩ một
cách khôn ngoan về cái chết, chúng ta sẽ nhận ra rằng của cải, uy quyền, uy tín
và những lạc thú nhục dục không phải là mọi thứ. Chúng không thể bảo đảm hạnh
phúc cho chúng ta. Nhiều người có chúng nhưng vẫn sống một cuộc đời sóng gió và
bất hạnh. Một số người hối tiếc đã hành hạ, áp bức và làm hại người khác trong
khi theo đuổi điên cuồng những tham vọng trần tục của họ. Sau khi đã tiến được
tới đỉnh, họ thấy là thành quả rốt cuộc không phải là thỏa mãn mà thậm chí
trống rỗng và vô nghĩa. Ðôi khi họ ước ao phải chi họ đã có nhiều thì giờ hơn
để sống với thân quyến và bạn bè và bộc lộ sự quan tâm và trìu mến hơn. Họ nuối
tiếc đã lơ là với người thân yêu. Một số người đã đạt được mức đô khá thành
công, đã thay đổi thái độ giữa chừng. Họ đã dành nhiều thì giờ hơn cho người
thân, bạn bè và xã hội và sửa soạn vì điều thiện cao cả hơn, bỏ những tham vọng
cao nhất để bằng lòng với cái ít hơn.
Nếu chúng ta biết được một số
người giàu có và thành công đã xáo trộn đời họ ra sao, chúng ta sẽ học được một
bài học từ sự lầm lẫn của họ. Một hôm tôi đọc cuốn sách với tựa đề "Những
Người Giầu Có Nhất Trên Thế Giới Thua Cuộc" .Tôi thấy đây là một cuốn sách
giáo dục. Tựa đềù hoàn toàn thích đáng. Họ là những người thua cuộc trong đời
sống bất chấp của cải của họ. Vâng, tôi đã học được khá nhiều Phật Pháp trong
cuốn sách đó, làm sao mà tiền bạc và thành công không bảo đảm hạnh phúc riêng
cho họ. Thay vì họ đã không hạnh phúc bất chấp của cải và thành công của họ.
Ðọc biết về những người giàu có và nổi tiếng như Howard Huges, Mario Lanza,
Elvis Presley, Marylyn Monroe và Aristotle Onassis, đã sống và chết ra sao, tôi
không thèm muốn như họ.
Những nhân vật đầy quyến rũ như
Elvis và Monroe
chết vì ma túy quá độ, sống qua câu châm ngôn: "Từ nghèo khổ đến giàu có,
và từ giàu có đến rỗng không". Tất cả của cải và thành công của họ không
mang lại hạnh phúc mà họ tìm kiếm. Hạnh phúc vẫn tránh né họ. Họ có vẻ khá tệ
héo hon vì nóng giận cao độ, phiền muộn, sợ hãi và trống rỗng. Lấy trường hợp
của một người phụ nữ thừa kế một gia tài vô cùng to lớn, lấy chồng bẩy lần mà
không tìm thấy hạnh phúc. Bà nói với người viết tiểu sử của bà: "Tôi thừa
hưởng mọi thứ trừ tình yêu. Tôi lúc nào cũng tìm kiếm nó vì không biết nó là
cái gì". Sáu cuộc hôn nhân đầu kết thúc bằng ly dị và cuộc hôn nhân cuối
kết liễu bằng ly thân. Chung cuộc, mặc dù của cải lớn lao, người ta nói bà chỉ
là một người đàn bà đau khổ dễ bị thương tổn bị ảnh hưởng bởi cô đơn. Bà chết
vào năm 66 tuổi với một vài người bạn bên giường mà không có người chồng nào
đến. Những chuyện bi thảm như vậy, tôi chắc chắn, có thể cũng tìm thấy ở phương
Ðông.
Ðương nhiên, đề cập đến những
người khác, chúng tôi không có ý xem thường một cách tự cho là đúng. Nhưng
chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng về việc có những giá trị thích đáng
trong đời sống, hiểu bản chất của tình thương và từ bi thực sự. Chúng tôi cũng
không có ý lên án sự giàu có và thành công hay nói rằng bạn không nên phấn đấu
vì chúng. Không, chúng tôi không nói như vậy. Chúng tôi hiểu rõ là chúng ta
phải thực tế và hiện thực. Chúng tôi hiểu rằng nếu các bạn đang làm việc trên
thế giới này thì lý đương nhiên bạn cố gắng hết mình để kiếm được càng nhiều
của cải càng tốt. Sau hết, nếu bạn muốn làm điều thiện và giúp đỡ người khác,
như xây dựng cơ sở từ thiện, bệnh viện và trung tâm hành thiền, và cúng dường
thực phẩm cho các nhà sư và người nghèo túng, bạn cần phải có tiền. Cho nên
chúng tôi không nói là bạn không nên cố gắng làm một cư sĩ để làm giàu cho
chính bạn. Nhưng đương nhiên, trong việc kiếm của cải, bạn nên làm bằng phương
tiện lương thiện, không làm hại người khác.
Nói một cách khác, điều chúng
tôi nhấn mạnh là sự đúng mức về luân lý. Chúng ta cần có những giá trị tinh
thần, nhận thức sâu sắc là hạnh phúc không phải là sự ham mê lạc thú mà là chia
sẻ và quan tâm. Khi chúng ta có những giá trị đúng, chúng ta có thể sống có ý
nghĩa và mang niềm vui và hạnh phúc đến tất cả những người ở trong môi trường
đời sống của chúng ta. Khi chúng ta hiểu Pháp nhất là chân lý về vô thường, khổ
đau và vô ngã, chúng ta không bám víu vào danh vọng hay lợi lạc. Chúng ta có
thể sống khiêm nhường và từ bi, chia sẻ của cải và thành công, và tìm thấy niềm
vui trong việc làm cho người khác hạnh phúc. Nhưng khi chúng ta không hiểu thấu
sâu xa về những gì cấu thành hạnh phúc – mà hạnh phúc thực sự đến từ cái tâm đã
thoát khỏi tham, sân và si – rồi thì chúng ta không hiểu chúng ta có thể làm
điều sai lầm, chúng ta nhất định bị chìm vào vũng bùn nhục dục đi đến sự kết
liễu thống khổ. Cho nên điều quan trọng là chúng ta hãy suy ngẫm cẩn thận về sự
sống và cái chết, và lái vào đúng hướng, con đường thích hợp.
Ý THỨC CẤP BÁCH
Suy ngẫm về cái chết cũng có thể
mang lại cái được gọi là Samvega bằng tiếng Pali – một ý thức cấp bách
có thể tiếp sức cho chúng ta làm tất cả các điều thiện mà chúng ta có thể làm
được trước khi chết và đặc biệt là hành thiền để trải nghiệm được chân lý sâu
xa hơn và sự hiểu biết. Ðức Phật nói hầu hết mọi người tất tưởi vội vã ở bờ bên
này; họ không tìm cách vượt sang bờ bên kia. Ý Ðức Phật muốn nói chúng ta tất
cả đều bị vướng mắc vào những mưu cầu khoái cảm trong những lạc thú trần tục
của đời sống. Chúng ta không tìm cách vượt khỏi phàm trần – vượt qua sinh tử,
để nếm rượu thần tiên của hạnh phúc bất tử, Niết Bàn bất tử.
Niết Bàn là gì? Niết Bàn không
thể mô tả được mà mỗi người phải trải nghiệm nó cho chính mình. Nhưng Ðức Phật
đã cố gắng đưa ra một số ý niệm về Niết Bàn là thế nào. Thí dụ, Ngài mô tả Niết
Bàn là cái bất sinh, không nguồn gốc, không hình dáng, không điều kiện, bất tử,
hạnh phúc cao nhất, an lạc to lớn nhất. Niết Bàn tượng trưng một trạng thái bất
sinh bất diệt, không sinh hay tử. Nó được mô tả như ngọn gió thổi tắt những
ngọn lửa của tham, sân và si, sự chấm dứt của tâm và vật, sự dập tắt khổ đau.
(Ðể đọc thêm về Niết Bàn, hãy đọc cuốn "Bản Chất Của Niết Bàn",
tác giả Mahasi Sayadaw, phát hành bởi Tổ Chức Buddha Sasana Nuggaha, Rangoon,
Miến Ðiện)
Một người đạt được trạng thái
Niết Bàn, trạng thái này có thể thực hiện được trong quá trình thiền định, được
gọi là giác ngộ. Một người giác ngộ có thể là bậc A La Hán hay Ðức Phật. Sự
khác biệt giữa A La Hán và Ðức Phật là A La Hán đạt giác ngộ, bằng cách lắng
nghe một người giác ngộ khác trong khi Ðức Phật đạt giác ngộ bởi chính mình.
Người giác ngộ là người có thể
trực diện với những nỗi thăng trầm của cuộc đời bằng cái tâm điềm đạm. Qua
những thăng trầm, như thua và được, thành công và thất bại, khen và chê, đau
đớn hay thích thú, nổi tiếng hay mang tiếng, người giác ngộ vẫn thanh thản và
không lay chuyển. Họ tiếp tục lối sống ấy không phải là bị lừa dối hay không
cảm thấy mà vì đã được giác ngộ và khôn ngoan; hiểu rõ bản chất thực sự của
cuộc sống, bản chất của hiện tượng vật chất và tinh thần, bản chất vô thường,
bất an cửa chúng và không có một hạt nhân hay cốt lõi nào có thể gọi là cái ngã
trong ý nghĩa tối hậu. Nếu họ không tham đắm vào lạc thú, và thích đau đớn,
không phải là họ không cảm thấy chúng. Họ cảm thấy chúng nhưng hiểu rõ bản chất
thực sự của chúng nên họ không bị áp đảo bởi chúng. Họ có thể chấp nhận cả đau
đớn lẫn lạc thú khi chúng tới bằng trí tuệ và trầm tĩnh.
Cũng vậy đối với những hoàn cảnh
trần thế khác như khen chê, thua được. Nếu họ được khen họ không kiêu căng hay
tự cao tự đai. Họ không hãnh diện. Nếu họ bị chê, họ không buồn phiền hay ngã
lòng. Ðiều ấy không thành vấn đề với họ. Họ vững vàng và không xao xuyến vì
biết mình đã hành động đúng – không một vết nhơ của tham sân và si, động cơ
thúc đẩy họ là thương yêu-khả ái và từ bi. Họ cũng không có ý thích làm hại đến
con kiến hay con muỗi. Lương tâm của họ trong sáng, tâm trí họ nhẹ nhàng và tự
do. A La Hán sống kiếp sống cuối cùng trên trái đất và khi chết không bị tái
sinh nữa. A La Hán chấm dứt như một ngọn đèn, đạt nirodha – sự chấm dứt. Người
ây đạt Parinibbana (vô dư Niết Bàn) – có nghĩa là người ấy đạt Niết Bàn
tối hậu, sự chấm dứt tất cả cuộc sống, đạt được yếu tố an lạc tối thượng của
Niết Bàn. Bởi vậy, A La Hán trong thời Ðức Phật có câu sau:
Tôi thích thú không phải trong sự sống
Tôi thích thú không phải trong cái chết
Mà tôi chờ lúc ra đi của tôi trong chánh niệm và tự tại.
Một bài kệ khác như sau:
Vô thường là những thứ duyên hợp
Có bản chất sinh ra và mất đi
Ðã nẩy sinh rồi phải chết đi
Bình lặïng và chấm dứt là hạnh phúc thực sự.
Suy ngẫm về cái chết có thể giải
thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của cám dỗ nhục dục. Chúng ta sẽ không bị lừa
dối bởi của cải vật chất mà hướng nguồn vui của chúng ta vào một cuộc đời đáng
hài lòng và bổ ích vì sự phát triển trí tuệ và từ bi. Chúng ta được khuyến
khích hành thiền hoặc, nếu chúng ta đã thực hành rồi, hãy tăng gấp đôi nỗ lực
đạt mục tiêu tối hậu giải thoát khỏi tất cả khổ đau.
SUY NGẪM DẪN ÐẾN HIỂU BIẾT VÀ
CHẤP NHẬN
Suy ngẫm thường xuyên về cái
chết – về làm sao không thể tránh được và tài sản đích thực của ta là những
hành vi – có thể khuyến khích chúng ta sống một cuộc đời lương thiện đến mức
khi chết chúng ta sẽ không sợ hãi cái chết.
Hơn nữa khi một người thân của
chúng ta chết, không thể tránh khỏi là tất cả chúng ta đều phải chết, phiền
muộn không làm đau đớn chúng ta khi chúng ta hiểu biết và chấp nhận. Ðó không
phải là vì chúng ta không động lòng hay vô tâm. Không, chúng ta có một con tim,
một con tim dễ xúc cảm. Chúng ta có thể cảm động sâu xa nhưng chúng ta cũng
biết bản chất của sự sống, và có thể chấp nhận cái chết đan dệt thành sự sống.
Giải thích người trí chấp nhận
cái chết ra sao, Ðức Phật nói: "Thấy bản chất của thế giới, người trí
không than van. Khóc lóc, rên rỉ sẽ chỉ dẫn đến khổ đau và đau đớn hơn. Nó
không thể làm người chết trở lại. Người than khóc trở nên xanh xao và ốm yếu. Người
ấy đã làm ngược với chính mình và sự than khóc của mình không đem lại gì
cả." Ðức Phật nói người khôn ngoan đã thực sự nắm vững bản chất của cuộc
sống, đã "rút ra mũi lao phiền muộn và thất vọng". "Người ấy
không có sự bám víu. Vì đã đạt được an lạc trong tâm, người ấy đã vượt qua tất
cả phiền não. Người ấy tự do."
Cho nên chúng ta nên suy ngẫm về
những khía cạnh sâu xa hơn trong những lời dạy của Ðức Phật để chúng ta có thể
trực diện với cái chết không bị phiền não mà hiểu biết. Người ra đi cũng không
muốn chúng ta mất tự chủ. Họ cũng không muốn chúng ta bị đau lòng mà hãy chấp
nhận sự ra đi của họ một cách thoải mái. Vì đã tái sinh, họ đâu còn hiện diện
để nhìn chúng ta khóc than. Khóc than và phiền muộn của chúng ta không giúp gì
cho họ cả. Cho nên cái đó thật phù phiếm. Nếu chúng ta suy xét sâu xa hơn,
chúng ta có thể thấy phiền não của chúng ta là do luyến chấp. Chúng ta không
chịu nổi sự chia ly. Nhưng nếu chúng ta suy ngẫm sâu xa hơn, và trở nên khôn
ngoan hơn, chúng ta có thể chấp nhận cái không thể tránh được. Thay vì phiền
não, chúng ta can đảm. Chúng ta có thể phản ứng một cách có nghĩa lý, giả thử
quyết định sống một cuộc đời cao thượng và gương mẫu để tưởng niệm hay tưởng
nhớ người thân. Một người khôn ngoan chắc chắn không muốn chúng ta than khóc cho
người ấy. Trái lại người ấy muốn nói: "Nếu bạn thực sự muốn tưởng niệm hay
tưởng nhớ đến tôi, xin hãy sống cuộc đời thiên, làm những hành vi thiện, hãy tử
tế với đồng loại... Ðó là tất cả những gì tôi đòi hỏi".
Khi Ðức Phật sắp nhập diệt,
người ta nói hoa trời và phấn hương gỗ đàn hương từ trên trời rải xuống khắp
thân Ngài để vinh danh Ngài. Và nhạc trời cũng trỗi dậy. Nhưng Ðức Phật cho
thấy tất cả những thứ vinh danh Ngài như vậy không phải là điều Ðức Phật muốn.
"Không phải như vậy mà Như Lai được vinh danh đến tột độ," Ngài nói.
"Nhưng này A Nan, ai tôn trọng Pháp, sống đúng Pháp, bước đúng con đường
của Pháp, đó chính là cách để vinh danh Như Lai đến mức cao nhất. Cho nên này A
Nan, các ngươi phải tự rèn luyện: Chúng ta
phải tôn trọng Pháp, sống đúng Pháp, bước theo con đường của Pháp." Và tuy
chúng tôi đã nói trước đây, chúng tôi muốn nói lại lần nữa: - Lời dặn dò cuối
cùng của Ðức Phật là: "Vayadhama sankhara. Appammadena sampadetha.- Tất
cả những gì duyên hợp đều phải tan rả. Hãy gắng lên chuyên cần (để giải
thoát)."
THAN VAN KHÔNG THỂ TÁC ÐỘNG ÐẾN
TRO CỐT CỦA NGƯỜI CHẾT
Trong những kiếp trước, Ðức Phật
là một vị Bồ Tát (một vị Phật sẽ thành), cũng không biểu lộ phiền não trước cái
chết của những người thân. Ðức Phật có thể bằng tâm linh nhớ lại những tiền
kiếp của Ngài, và được biết rằng có một kiếp Ngài là một nông dân, ngài không
phiền não khi mất một đứa con trai duy nhất. Trái lại, Ngài suy ngẫm: "Cái
gì phải tan rã sẽ tan rã và cái gì phải chết sẽ chết. Tất cả đời sống chỉ là
tạm bợ và phải chết." Khi một người Bà La Môn hỏi tại sao Ngài không khóc
– phải chăng Ngài có trái tim sắt đá, Ngài không cảm động vì đứa con của Ngài –
vị Bồ Tát trả lời rằng Ngài rất quí đứa con của Ngài, nhưng phiền não không thể
mang đứa con trở lại được. "Không có than van nào có thể tác động đến tro
cốt của người chết. Làm sao tôi phải phiền não? Nó đi theo con đường mà nó phải
đi".
Trong một kiếp khác Ngài không
khóc trước cái chết của người anh và đã bị buộc tội là vô tâm, Ngài trả lời
những nguời đó không hiểu tám hoàn cảnh trần thế mà tất cả chúng sinh phải đối
diện, tức là, được và thua, hạnh phúc và bất hạnh, khen và chê, nổi tiếng và bị
mang tiếng. "Vì ông không hiểu tám hoàn cảnh trần thế, nên rên rỉ, khóc
than. Tất cả mọi thứ hiện hữu chỉ là tạm bợ và cuối cùng phải chấm dứt. Nếu ông
không hiểu điều này và vì cái vô minh của ông cho nên ông khóc và than van, tại
sao tôi phải theo ông than khóc?"
Trong một kiếp khác nữa, Vị Bồ
Tát không khóc trước cái chết của người vợ trẻ và đẹp. Trái lại, Ngài suy ngẫm:
"Cái gì có bản chất tan rã thì phải tan rã. Tất cả những gì hiện hữu đều
vô thường", và ngồi xuống một cái ghế gần đấy, Ngài dùng cơm như thường
lệ, cho thấy khả năng tuyệt vời lúc nào cũng sống trong chánh niệm. Những người
tụ tập chung quanh Ngài hết sức ngạc nhiên và hỏi làm sao Ngài có thể giữ bình
tĩnh vào lúc như thế này. Phải chăng Ngài không yêu vợ Ngài, một người rất đẹp
đến nỗi kể cả những người không biết bà cũng không cầm được nước mắt? Vị Bồ Tát
trả lời bằng bài kệ:
Vì sao tôi phải nhỏ lệ với em
Sammilllabhasini xinh đẹp kia ơi?
Em đi về cõi chết
Từ nay ta mất em .
Vì sao chàng trai yếu đuối than van
Những gì đối với hắn chỉ là vay mượn?
Hắn cũng hít vào hơi thở tử vong
Bị tước đi từng giờ bởi cái chết.
Lúc hắn đứng, hắn ngồi, đi lại hay nghỉ ngơi
Trong cái nháy mắt,
Cái chết xẩy tới ngay.
Ðời sống tôi cho là thứ không vững chắc
Mất bạn bè là chuyện không tránh được
Hãy trân quý tất cả những gì còn sống
Buồn phiền em cũng chẳng sống lại đâu.
(Lược dịch ý)
Những chuyện rất ngạc nhiên như
vậy về sự tự chủ của Bồ Tát rất đáng kính sợ. Nó cũng dạy chúng ta phải suy
ngẫm kỹ và sâu xa về giáo lý để hiểu rõ chân lý của vô thường và chấp nhận sự
thật về cái chết. Có lẽ khi chúng ta đau khổ vì mất người thân, chúng ta sẽ suy
ngẫm như vị Bồ Tát này và giữ được sự điềm tĩnh.
CÁI CHẾT KHÔNG CÓ GÌ XA LẠ VỚI
CHÚNG TA
Một cách suy ngẫm khác về cái
chết để khắc phục được sợ hãi cái chết, là coi cái chết không có gì xa lạ với
chúng ta. Nổi trôi đằng đẵng trong luân hồi, vòng sinh tử bất tận, Ðức Phật nói
chúng ta đã chết đi và tái sinh nhiều lần không kể xiết – quá nhiều đến nỗi nếu
chúng ta gom tất cả xương khô lại cùng nhau, thì mỗi đống xương đó có thể cao
hơn quả núi cao nhất! Cũng vậy, Ðức Phật nói nước mắt chảy trong luân hồi vì
mất người thân nhiều hơn nước của bốn đại dương.
Ðúng, Ðức Phật nói, chúng ta đã
đủ đau khổ nhiều, để hoàn toàn mỏi mệt về đời sống, hãy tìm kiếm con đường để
ra khỏi cái mê cung khổ đau, con đường để đi đến Niết Bàn bất diệt. Nhưng không
may, chúng ta ít trí nhớ nên không nhớ được kiếp nào trong quá khứ. Làm sao mà
đôi khi chúng ta không thể nhớ nổi những gì chúng ta đã làm ngày hôm qua! Cho
nên chúng ta cứ tiếp tục sống một cách tự mãn, không có ý thức khẩn cấp gì để
trau dồi trí tuệ để giải thoát chúng ta khỏi khổ đau. Tuy nhiên trong thời Ðức
Phật, có nhiều thầy tỳ kheo, kể cả Ðức Phật dã có thể nhớ lại được tiền kiếp
của mình. Ở thời nay cũng có những chuyện của những người có khả năng kỳ lạ nhớ
lại tiền kiếp của họ. Francis Story và Bác Sĩ Ian Stevenson đã viết những cuốn sách,
đưa ra tài liệu về một số những trường hợp này.
Khi chúng ta suy ngẫm về tái
sinh chúng ta lợi trên hai phương diện:
Tóm lại chúng ta có thể coi cái
chết không có gì xa lạ với chúng ta. Chúng ta đã gặp nó nhiều lần trước đây.
Cho nên chúng ta không cần đối đầu nó bằng sợ hãi. Chúng ta có thể coi nó chỉ
là một chuyển tiếp, sự thay đổi từ cuộc sống này đến một cuộc sống khác.
Chúng ta sẽ có động cơ tìm cách
ra khỏi luân hồi, vòng sinh tử. Chúng ta có thể nghiên cứu giáo lý của Ðức Phật
sâu xa hơn. Chúng ta có thể phấn đấu mạnh hơn nữa và thực hành những lời dạy
của Ðức Phật, để phát triển lòng vị tha, đạo đức và thiền định.
CÁI CHẾT NHẤT THỜI
Trong một đường lối khác nhìn
cái chết là cái mà ta trải nghiệm hết lần này đến lần khác. Vì trong ý nghĩa
tuyệt đối, sinh và diệt liên tiếp xảy ra. Theo Ðức Phật, thức lúc nào cũng sinh
ra và chết đi. Khi thức này tan rã thì lập tức thức khác nảy sinh và cứ thế
tiếp diễn, vô tận, cho đến khi và trừ phi chúng ta thực hiện được Niết Bàn tối
hậu. Những hiện tượng về thân thể cũng sinh diệt không ngừng. Cho nên cái mà
chúng ta có chỉ là sự sinh diệt không ngừng của các hiện tượng thể chất và tinh
thần. Ở một mức độ nào đó hồ như sinh và tái sinh luôn luôn xảy ra. Trong tiếng
Pali, nó được gọi là khanika-maranam - cái chết nhất thời. Trong cuốn
Thanh Tịnh Ðạo, nó được nói đến như sau:
"Theo tuyệt đối, chúng sinh
chỉ có một thời gian sống rất ngắn ngủi, đời sống chỉ tiếp tục chừng nào mà
thức còn. Giống như cái bánh xe, dù chạy hay ngừng luôn luôn dựa vào một điểm
trên chu vi của nó, dù vậy đời sống của chúng sinh chỉ kéo dài trong lúc thức
còn. Chừng nào mà lúc này chấm dứt, thì chúng sinh cũng chấm dứt. Vì người ta
nói rằng: ‘Chúng sinh thuộc về chập quá khứ của thức đã tồn tại, nhưng không
tồn tại trong hiện tại, và cũng chẳng tồn tại trong tương lai. Chúng sinh thuộc
về chập tương lai không tồn tại, cũng chẳng tồn tại trong hiện tại, nhưng nó sẽ
tồn tại trong tương lai. Chúng sinh thuộc về chập hiện tại đã không tồn tại, nó
chỉ tồn tại trong hiện tại, nhưng nó sẽ không tồn tại trong tương lai.’"
(chuyển ngữ bởi ngài Nyanatikola theo cuốn Tự Ðiển Phật Giáo)
Trong phạm vi này, chúng sinh
chỉ là thuật ngữ qui ước. Phân tích đến cùng, nó chỉ là một chuỗi thức sinh ra
và chết đi. Thức này chết đi thì thức kia nảy sinh - tất cả là như thế. Và
chúng ta gọi tiến trìnhï tiếp tục này là một chúng sinh. Nhưng trong ý nghĩa
tuyệt đối, không có chúng sinh – không có sự thay đổi của linh hồn hay tâm, mà
chỉ có một chuỗi thức sinh ra và chết đi, thức này tạo điều kiện cho sự sinh ra
của thức kia.
Hơn nữa cái chết thông thường mà
chúng ta trải qua vào lúc chấm dứt của tuổi thọ không chỉ là cái chết tối hậu.
Một thức khác tức khắc sinh ra nhưng trong một thân mới hay cảnh giới mới theo
tái sinh mà ta đi vào. Chỉ khi ta đã loại bỏ được những dấu vết tinh thần của
tham, sân và si, thì mới không có tái sinh. Suy ngẫm như vậy, chúng ta cũng có
thể đánh giá đúng bản chất của vô thường, khổ đau và vô ngã. Và chúng ta có thể
vượt qua cái sống và chết dễ dàng.
VẤN ÐỀ ÐÁNG SUY NGHĨ
Mỗi lần bạn nhìn vào tờ báo và
gặp mục lời cáo phó hay những thông báo về cái chết, bạn có suy nghĩ về cái
chết không? Bạn có dừng lại và suy ngẫm sự thật về cái chết của chính bạn
không? Bất cứ lúc nào cái chết đến với những người khác, chúng ta không cảm
thấy nhiều về việc đó. Người chết có thể là người xa lạ với chúng ta. Khổ đau
không phải là của chúng ta, ngoài ra chúng ta đã trở nên hoàn toàn tê liệt
trước những chuyện về cái chết – Chúng được đăng trên báo hàng ngày. Ðọc tin
người ta bị giết ra sao, nhất là trong chiến tranh,sự sống dường như rẻ mạt.
Dường như không có sự tôn trọng gì đối với sự sống. Nhưng khi cái chết đánh vào
người thân của chúng ta, chúng ta chịu đựng ra sao? Và khi chúng ta trực diện
cái chết của chính chúng ta, chúng ta có sợ chết điếng không? Vâng, mặc dầu
chúng ta biết chết và các thảm kịch xẩy ra chung quanh chúng ta, nhưng chúng ta
sững sờ kinh ngạc và không thể chấp nhận nó khi nó thực sự xẩy ra cho chúng ta.
Khi chúng ta đọc "mục tưởng
nhớ" trong báo chí, chúng ta có thể thấy tuy một người đã chết mấy năm qua
rồi, nhưng người thân vẫn còn khổ vì đau đớn bởi chia ly như thể nó mới giáng
xuống ngày hôm qua. Ðôi khi trong những thông diệp, người hôn phối hay thân
nhân công khai bầy tỏ buồn phiền mà họ vẫn còn cảm thấy và nước mắt vẫn nhỏ xuống
bởi người thân. Chúng ta hiểu đó là tình người cảm thấy như vậy. Nhưng Ðức Phật
dạy chúng ta rằng con người chúng ta có thể tự tiếp thu bằng trí tuệ và sức
mạnh để chấp nhận sự mất mát và chịu đựng một cách kiên cường. Không phải là
Ðức Phật muốn chúng ta vô tâm mà Ngài muốn chúng ta có trí tuệ để chấp nhận sự
mất mát và hiểu biết sự phù phiếm của phiền não. Nhất định Ngài không muốn
chúng ta héo hon vì phiền não, trở nên gầy gò và yếu đuối, mất tất cả lợi ích
trong đời. Ðặc biệt những người Phật Tử nên hiểu điều này và do đó chấp nhận sự
mất mát một cách kiên cường.
Nếu người Phật tử cần thiết đưa
ra thông điệp với lời cáo phó hay để tưởng nhớ trên báo, tại sao không để những
lời Pháp như: Vô thường là tất cả mọi thứ duyên hợp. Hãy phấn đấu không mệt
mỏi cho Niết Bàn vôvi; hay suy ngẫm một caùch có ý nghĩa về cái chết: Giống
như hạt sương trên ngọn cỏ chẳng mấy chốc vào lúc mặt trời mọc sẽ biến mất và
không tiếp tục tồn tại được lâu; giống như vậy đời sống của con người giống như
hạt sương rơi rất ngắn ngủi và phù du. Ta nên hiểu điều này một cách khôn
ngoan, hãy làm những hành vi thiện và sống một cuộc đời đạo đức, không ai có
thể thoát chết.
Hay nếu ta muốn có tính cách
riêng tư, sao không để một thông điệp như sau: "Anh thân yêu, nếu anh có
thể biết được, anh sẽ hài lòng biết rằng con cái lớn lên rất tốt đẹp. Em đã dạy
kỹ chúng về Pháp, quý trọng những giá trị quý báu của tình thương yêu và lòng
tốt, trí tuệ và hiểu biết. Em cũng dạy kỹ chúng đừng bắt chước bạo lực và tham
lam thường thấy qua truyền thông như truyền hình và phim ảnh. Kết quả, chúng
rất hòa nhã và thân thương với mọi người. Về phần em, em vẫn giữ giới và hành
thiền. Em đang thực hành chánh niệm hàng ngày và ẩn tu một hay hai lần một năm.
Em rất an lạc và phát triển trong Pháp. Em cố gắng không phiền não, vì anh và
em đã hiểu một chút điều Phật dạy – đó là phiền não thật phù phiếm: Nó không có
ích gì. Và em biết anh cũng chẳng muốn em phiền não, mà là sống một cuộc đời
thiên và gương mẫu.
"Tuy nhiên có những lúc, em
phải công nhận, khi em cảm thấy đau đớn, khi em thấy nhớ anh kinh khủng, nhất
là khi nghĩ đến những lúc vui cùng nhau, hạnh phúc mà chúng ta cùng chia sẻ, nụ
cười ngọt ngào và ánh mắt sáng ngời của anh, cách anh cười và chòng ghẹo. Vâng,
khi em lạc vào trong cái nhớ nhung quá khứ ấy, em phải công nhận em cảm thấy
nước mắt muốn trào ra. Nhưng anh thân thương, em có thể tự kiềm chế được. Em có
thể có chánh niệm. Em có thể quan sát cái đau đớn và chấp nhận nó. Em có thể
quan sát tư tưởng và tâm trạng em. Em có thể suy ngẫm giáo lý của Ðức Phật và
hiểu sự phù phiếm của phiền não. Em có thể hạnh phúc và trông vào các phước báu
– ít nhất chúng ta đã có những giờ phút hạnh phúc bên nhau và bây giờ chúng ta
có con cái để sống vì chúng. Em hiểu sự đau đớn đến từ sự luyến chấp và thiếu
sự hiểu biết sâu xa về bản chất của tất cả cuộc sống. Cảm ơn Ðức Phật đã dạy
chúng ta về chánh niệm, dạy chúng ta sống trong hiện tại, phải luôn luôn hạnh
phúc, trông mong vào phước báu, tắm mình trong hạnh phúc của một cuộc đời đã
sống lương thiện.
"Vậy thì, em biết lời nhắn
nhủ này đã dài rồi. Em cũng biết rằng anh không ở đâu đây để nghe. Nhưng nó làm
cho em cảm thấy dễ chịu được bầy tỏ theo cách này. Em cảm ơn anh về hạnh phúc
mà anh đã cho em, và em dành tất cả những hành vi thiện mà em đã làm, và đời sống
thiện mà nay em đã cố gắng sống, tất cả em dành cho kỷ niệm ngọt ngào và thân
thương của anh. Em cũng chúc anh, dù tái sinh tốt thế nào, cầu nguyện anh hãy
tiếp tục tu tập Pháp cho đến khi anh đạt được Niết Bàn, sự chấm dứt tất cả khổ
đau, vân vân... và vân vân..."
Thừa nhận đây là một một thông
điệp khá dài mà tôi đã hơi say mê một chút. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh nơi
đây là chủ đề của thông điệp, một chủ đề về hiểu biết và chấp nhận. Ðó chỉ là
đưa ra ý niệm về lời nhắn nhủ cách diễn đạt Phật Giáo. Nó có thể được rút ngắn
lại và viết đơn giản hơn. Hay ngoại trừ mục đích giáo dục của nó (có nghĩa dạy
dỗ), lời nhắn nhủ có thể là không cần thiết. Những cảm nghĩ như vậy có tính
cách cá nhân và có thể được giữ riêng tư. Khi ta hiểu thấu Pháp, ta có thể tiếp
tục sống một cuộc đời thiện và mãn nguyện.
MỘT THẾ GIỚI KHÁC THƯỜNG
Ðọc báo và tạp chí có thể cho
chúng ta nhiều cái đáng suy ngẫm. Bên cạnh những cáo phó, có những chuyện ác
liệt nhắc tới khổ đau trên khắp thế giới, dẫu cho chúng ta có thể chết lặng đi
vì nó. Có những vụ giết người, trộm cướp, hiếp dâm và chiến tranh, những vụ
xung đột tôn giáo, sắc tộc, xã hội và chính trị, ô nhiễm, bệnh tật, chết đói,
nghèo túng, tra tấn, áp bức, khủng bố, tai nạn, tự tử và những thiên tai như
động đất, hỏa hoạn, lụt lội và bão tố. Quả là một bản liệt kê dài và đáng buồn
cứ tiếp tục.
Ðồng thời bên cạnh những tin tức
có những bức tranh và quảng cáo trình bày những người hạnh phúc đang hưởng thụ
cuộc sống như thể không quan tâm gì đến thế giới. Họ cười và chụp hình đằng sau
các xe sang trọng, những lâu đài đồ xộ, những căn phòng khách sạn lộng lẫy,
những chai rượu, thuốc lá, nước hoa, mỹ phẩm, đồ trang phục trình bày quyến rũ,
và đồ trang sức lộng lẫy. Họ đắm mình trong những tiệc tùng, cuộc thi sắc đẹp
và biểu diễn thời trang với những người kiểu mẫu đẹp và sành điệu diễu hành
trên lối đi của bục trình diễn. Sự tương phản đặc biệt thật mỉa mai, khi bạn
nhìn thấy một cuộc biểu diễn thời trang lớn bên cạnh một bức tranh não lòng của
những trẻ em Phi Châu đáng thương chỉ còn da bọc xương gần chết đói.
Người ta nói chúng ta là người
văn minh ghê tởm bạo lực và sự gây đau đớn điên rồ cho người khác. Tuy nhiên
chúng ta có những trận đấu tranh tài vô địch quyền Anh của hai võ sĩ khỏe mạnh,
vì món tiền lớn, cố hết sức giã vào đầu nhau giữa những tiếng la hét tán thưởng
rầm rộ của người xem, không phải là không giống thời dã mãn của người La Mã khi
những đấu sĩ đánh nhau với sư tử hay với nhau để giải trí cho những khán giả
khát máu. Chúng ta có những người đấu bò, điên lên, hành hạ và giết con bò chỉ
để mua vui. Và mọi người, hay ít nhất những khán giả đông nghẹt tại đấu trường,
dường như nghĩ rằng đó cũng là trò vui.
Hút thuốc và uống rượu đã gây
thiệt hại rất lớn cho sức khỏe của con người, tuy nhiên các hãng thuốc lá và
làm rượu vẫn cứ cung cấp bằng mọi cách, thậm chí thông qua các võ đài thể thao,
những sản phẩm chết người của họ. Hút thuốc được mô tả một cách lố bịch là
"gặp gỡ sự dịu hiền" và uống rượu ngang bằng với thành công và uy tín
giữa nhiều việc khác! Cái gọi là các nước phát triển bán hạ giá thuốc lá và
những sản phẩm có hại khác cho các nước Thế Giới thứ ba, trong khi kiềm chế sự
tiêu thụ các sản phẩm ấy trong dân chúng của họ. Trong sự tham lam quá quắt của
cải của họ, các hãng xưởng sẵn sàng làm bất cứ cái gì, dường như không có một
chút băn khoăn nào về tất cả những gì họ nói hay làm trong việc cung cấp các
sản phẩm như vậy. Các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí và tạp
chí, chấp nhận và phát hành quảng cáo vì tham lam số tiền lớn mà họ mang đến,
không thể tự tha trách nhiệm của mình. Họ có nhân quyền cơ bản để thi hành
lương tâm xã hội bằng cách từ chối những quảng cáo có hại nhưng họ chọn cách
không làm thế.
Nhìn vào một tạp chí hàng không
bóng loáng, bức ảnh ông chủ tịch già một hãng bia ở Thái Lan đã khiến tôi lưu
ý. Mặc com lê và với mớ tóc hoa râm, ông ta hãnh diện trình bày, trong phòng
họp sang trọng của ông, một dẫy chai bia sản xuất bởi hãng của ông. Ngay đàng
sau ông là một cái bàn thờ với hình ảnh Ðức Phật chiếu sáng lấp lánh. Ta có thể
nhìn thấy bàn thờ đã được bầy ở giữa phòng một cách rất ấn tượng. Vì chúng ta
đều biết Ðức Phật dạy về sự cấm rượu, giới thứ năm mà tất cả người Phật tử tán
thành nói rằng: "Tôi nguyện giữ giới không uống rượu hay dùng ma túy, vì
nó là nguyên nhân làm mất sự lưu tâm". Cho nên người giữ giới khó có thể
thỏa hiệp với sự sản xuất và phân phối rượu hàng loạt, được coi như một cách
sống sai lầm trong Ðạo Phật, với hình ảnh của Ðức Phật, được trình bày một cách
trang trọng trong phòng.
Sulak Sivaraksa, một nhà hoạt
động và phê bình xã hội Thái, viết trong cuốn sách của ông, "Những hạt
giống của Hòa Bình": "Sự thật đáng buồn là Thái Lan có khoảng
250,000 nhà sư nhưng gái mãi dâm nhiều gấp đôi. Ðiều này phát ngôn cho một hệ
thống không hữu hiệu và phải thẩm xét lại từ cội nguồn. Nếu chúng ta có thể
quay về nguồn gốc tốt đẹp của truyền thống Á Châu, chúng ta có thể tạo ra một
kiểu sống lành mạnh và hữu hiệu". Kể ra hai thí dụ sau cùng, chúng tôi
không có ý chỉ trích Thái Lan, mà chỉ là nhấn mạnh vào cái dị thường. Thật ra,
dị thường hiện hữu ở khắp nơi. Giống như ở Thai Lan, những việc đó cũng thấy ở
Phật Giáo Miến Ðiện, Phật Giáo Sri Lankha, xứ sở của chúng tôi và ở bất kỳ một
xứ nào khác. Không ai có độc quyền.
Vâng, chúng ta có thể tiếp tục
dài dài với bản liệt kê những mâu thuẫn trên thế giới mà chúng ta sống, chúng
ta tin chỉ điều này cũng đủ để thấy vấn đề. Vâng, phải chăng hồ như chúng ta
không phải là một xã hội có một trạng thái tâm lý bị chia rẽ hay loạn tinh
thần? giống như một Bác Sĩ Jekyll và ông Hyde. Chúng ta biết cái gì là bất
thiện, tuy nhiên chúng ta tha thứ và thậm chí còn khuyến khích sự tăng trưởng
của nó. Rõ ràng, dù muốn dù không chúng ta bị vương mắc vào đấy, và chúng ta
lao vào theo ngọn thủy triều. Ðược lập trình và bị tác động bởi những người có
thế lực trong phương diện truyền thông quảng cáo đại chúng, chúng ta đáp ứng
điều khiển và thông điệp của họ. Mua cái này, mua cái kia. Ăn cái này, ăn cái
nọ. Mặc cái này, mặc cái kia. Làm cái này, đừng làm cái đó. Cái này thô kệch và
cái đó có tính chất đàn bà. Cái này đúng mốt và cái kia không. Ðây là lối sống
tuyệt vời; đó là xã hội giàu sang đi đây đi đó bằng máy bay phản lực, một thế
giới vui nhộn và tiêu khiển tuyệt vời.
Xin thứ lỗi cho tôi nếu tôi có
vẻ giống một người chỉ trích, một trò thể thao xấu, một nhà sư giận dữ đứng
trên bục diễn giả ngoài trời cao giọng tuyên bố rằng ngày tận thế gần kề và đe
dọa một xã hội suy đồi bằng lửa địa ngục. Nhưng bạn có thể đồng ý với tôi rằng
có lẽ đó không phải là một ý kiến xấu, nếu thỉnh thoảng, chúng ta lùi lại một
phút và nhìn vào tình hình thế giới, trạng thái tâm chúng ta và tình trạng cuộc
đời chúng ta. Một số trí tuệ có thể nẩy sinh từ sự suy ngẫm đó. Chúng ta có thể
đánh giá lại lập trường của chúng ta và hướng đi mà chúng ta muốn theo. Chúng
ta theo đám đông hay chúng ta bỏ hàng ngũ? Và giả dụ tôi xin mượn một vần thơ
của Robert Frost: Hai con đường rẽ ra hai ngả trong rừng rậm và tôi – tôi đi
con đường ít người qua lại. Và việc đó đã làm cho sự thể thay đổi hoàn
toàn. Vâng, khi hai con đường rẽ hai ngả trong đường đời, bạn đi con đường nào?
Con đường ít người đi – con đường của chánh niệm và trí tuệ, con đường của tình
thương và từ bi? Xin hãy nghĩ về việc này, vì nó có thể làm sự thể hoàn toàn
thay đổi.
Nơi đất và nước
Lửa và gió không tìm được duyên hợp,
Dòng thủy triều đang tắt dần
Vòng luân hồi không còn xoáy tít nữa
Tâm và vật sẽ ngừng không còn gì lại nữa
Ðức Phật
MỘT NỤ CƯỜI NGỌT
NGÀO NHẤT
Khi chúng ta đã đi đến phần cuối
cùng trong việc bàn luận về Thương Yêu và Cái Chết, tôi phải nói rõ ràng tôi
không chút nào tự nhận là chuyên gia về sự sống, tình thương yêu hay cái chết.
Nhưng tôi cố gắng chia sẻ một số suy nghĩ về vấn đề này với quý vị, những suy
nghĩ về cách sống và chết bằng tình thương yêu và hiểu biết trên đường đời.
Chính là đề tài tôi đã đưa ra, và tôi còn tiếp tục đưa ra, nhiều suy nghĩ về
nó. Chính đề tài mà tôi tin rằng sẽ đem lợi ích cho tất cả chúng ta – vấn đề sự
sống, tình thương yêu và cái chết. Ðương nhiên tôi không tự nhận là khôn ngoan
và tôi biết tôi cũng có nhiều nhược điểm. Ðúng là giống như người có ý định tốt
đấy nhưng vẫn còn vụng về trên đường đời. Tôi cũng vụng về và vấp ngã trên
đường đời. Nhưng mỗi lần tôi tự đứng lên, phủi bụi đi, cố gắng không than van
hay khóc lóc, một lần nữa hướng mắt về đỉnh núi cao tít trên bầu trời, và tiếp
tục với cuộc hành trình của sự sống.
Tôi hy vọng rằng một số suy nghĩ
tôi chia sẻ nơi đây có thể giúp ích một phần nào cho quý vị, chúng có thể soi
sáng chút ít cho con đường của quý vị. Nếu chúng có thể cho quý vị một chút gợi
ý và quyết tâm sống và chết bằng tình thương yêu và hiểu biết nhiều hơn, thì
tôi sẽ rất sung sướng. Nếu chẳng may, những phần trong bài có thể làm mếch lòng
quý vị trên bất cứ mặt nào, tôi cũng xin quý vị lượng thứ cho. Là con người,
chúng ta có thể chỉ cố gắng – để phục vụ và chia sẻ. Chúng ta có ý định tốt, và
cái nhỏ nhoi mà chúng ta có thể, bất chấp những hạn chế, tìm cách đóng góp cho
một xã hội tốt đẹp hơn, đó là một điều hạnh phúc. Bất cứ lúc nào tôi nhìn lại,
nó cũng cho tôi một niềm vui và an ủi khi biết rằng ít nhất tôi đã cố gắng làm
nhiều mặc dầu nó chỉ có thể là một chút thôi.
Và khi tôi chết, có lẽ tôi có
thể nói với Thần Chết: Này Thần Chết, bây giờ ngươi cứ thử làm đi, vì ta đã
sống và thương yêu, và ta đã làm được chút gì cho đồng loại của ta". Và
trước khi tôi lẳng lặng lẻn vào đêm tối, bạn có thể nhìn thấy vết tích mờ nhạt
của một nụ cười trên môi tôi.
Tôi sẽ mỉm cười.
Một nụ cười ngọt ngào nhất lúc này
Bạn sẽ thấy
Tôi ra đi rất an bình
vào đêm tối.
Bạn có thể mỉm cười
Với tôi không?
Và nói --
Chào Thần Chết
Tạm biệt cuộc đời.
CHÀO THẦN CHẾT, VĨNH BIỆT CUỘC ÐỜI
Khi cái chết đến, vì nó phải
đến, bạn làm thế nào để đối đầu với nó? Bạn có thể cười, nụ cười ngọt ngào nhất
lúc đó: "Chào mi - Thần Chết, Tạm biệt cuộc đời"?
Vâng, bạn có thể gặp thần chết
không chút sợ hãi mà còn can đảm và hiểu biết không? Bạn có thể chào nó như bạn
gặp lại một người bạn xa nhau từ lâu, như thể một người nào đó gọi bạn đã lâu
rồi và bây giờ bạn nhìn thấy, từ nơi xa đến? Rốt cuộc, chết không xa lạ gì với
chúng ta; chúng ta đã sống và chết nhiều lần không kể siết, gặp hết tái sinh
này đến tái sinh khác, sống đi sống lại trong luân hồi, cái vòng bất tận của tử
và sinh. Vâng, cái chết, chúng ta có thể nói, chỉ là sự thay đổi của sự tốn tại,
chỉ là tiếp tục chuyển động một lần nữa.
Cuốn sách này nhìn vào sống và
chết từ khung cảnh Phật giáo - làm sao chúng ta có thể sống đẹp và chết đẹp,
làm sao chúng ta có thể làm đẹp đời sống bằng những giá trị đẹp của tình yêu
thương, trí tuệ và từ bi, những thứ đó dẫn ta đến một chung cuộc đẹp, một cái
chết đẹp.
Tác giả, một nhà sư Phật giáo Mã
Lai, đưa ra cách giải quyết và thái độ Phật Giáo với giá trị chung và phổ quát
trước những câu hỏi muôn thuở về đời sống. Ông hy vọng những lời của ông có thể
cho quý vị một số gợi ý về sự sống, tình thương yêu và cái chết.
---*---
"Nơi nào Phật Pháp đã thăng hoa
dù ở thành thị hay thôn quê,
người ta sẽ có những lợi ích phi thường,
Ðất đai và con người được bao trùm trong hòa bình.
Mặt trời và mặt trăng trong sáng và rực rỡ.
Gió và mưa sẽ đến thuận hòa,
và không có thiên tai
Các quốc gia sẽ phồn thịnh và
không cần dùng đến binh sĩ và khí giới.
Con người sẽ tuân theo đạo đức và hòa hợp với qui luật.
Họ sẽ lịch sự và khiêm nhường,
Và mọi người đều thỏa mãn vì không có bất công.
Không có kẻ trộm cướp hay bạo lực.
Người mạnh không bắt nạt người yếu
và ai ai cũng có được phần của mình"
Ðức Phật nói trong kinh
Vô Lượng Thọ về
sự trang nghiêm, thanh tịnh, bình đẳng và sự giác ngộ,
theo tông phái Ðại Thừa.