Bắc truyền
Kinh Tứ Thập Nhị Chương
Thích Viên Giác dịch và giảng
10/07/2554 14:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương 26-37

-oOo-

Chương 26

I. Chánh Văn

Thiên thần dâng cho Ðức Phật một ngọc nữ với ý đồ phá hoại tâm ý của Phật. Phật bảo: "Túi da ô uế, người đến đây làm gì? Ði đi, ta không dùng đâu".Thiên thần càng thêm kính trọng, do đó mà hỏi về ý của Ðạo. Ðức Phật vì ông mà giảng pháp. Ông nghe xong, đắc quả Tu Ðà Hoàn.

II. Ðại Ý

Chương này nói về thái độ dứt khoát của Ðức Phật đối với nữ sắc.

III. Giảng Nghĩa

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ:

Thiên: tiếng Phạn là Deva, dịch âm là Ðề Bà. Nghĩa là Quang Minh, Tự Tại, Tối Thắng.

Thiên thần: những chúng sinh ở cõi thù thắng vui sướng hơn cõi người.

Ngọc nữ: chỉ người con gái đẹp.

2. Giải thích nội dung:

Từ chương 21 cho đến chương này, đề cập đến cái nguy hiểm của sự đam mê danh lợi, tài sắc. Ðối với sắc dục, Ðức Phật đặc biệt chú trọng qua các chương 23, 24, 25. Ðến chương này, tiêu biểu cho thái độ của người tu hành đối với nữ sắc, hay nói cách khác, là tiêu biểu cho phương pháp quán chiếu để đoạn trừ lòng ham muốn nữ sắc. Khi một vị thiên thần dâng cho Ðức Phật một cô gái đẹp với ý định nhiễu loạn tâm của Phật, cũng có thể là thử ý của Ðức Phật. Khi nhìn cô gái đẹp, Ngài liền bảo: "Cái túi da chứa những ô uế đến đây mà làm gì?" Qua đó, ta nhận thấy quan điểm của Ðức Phật đối với đối tượng sắc đẹp, cái mà làm cho nhân loại đảo điên, Ðức Phật thấy chỉ là túi da chứa đụng đồ ô uế. Trong các kinh tạng Nikaya, A Hàm cũng thống nhất phương pháp quán chiếu để đối trị lòng mê sắc là phương pháp quán bất tịnh. Ví dụ, khi nhìn một cô gái đẹp thì tâm hỷ lạc khởi lên, khi đó quán chiếu rằng người con gái đẹp kia sẽ bị xấu, răng rụng, tóc bạc, thân thể hôi hám ... tức nhìn thấy được mặt trái của cô gái đẹp.

Tâm tham đắm nữ sắc, do không thấy rõ bản chất của sắc đẹp là ô uế, khi thấy được sự thực ấy, tâm liền tỉnh ngộ. Trong Kinh Tạng, còn đưa ra một số phương pháp đoạn trừ tâm tham ái nữ sắc như: Quán nữ sắc là vô thường, quán nữ sắc là nguy hiểm, quán người nữ như là mẹ, là chị, là em gái, hoặc khi bị hình ảnh của nữ sắc chi phối thì hướng tâm vào các đối tượng khác... Phương pháp trực tiếp là phương pháp quán thẳng vào thân thể của nữ sắc để thấy thân thể của nữ sắc là ô uế, bất tịnh.

Ðối với một người không bị nữ sắc làm cho dao động là một người đáng kính, nên vị thiên thần mới tỏ lòng tôn kính hỏi về Ðạo, nhờ đó mà giác ngộ.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Thái độ của Ðức Phật đối với nữ sắc là thấy rõ được bản chất của nữ sắc là ô uế.

2) Phương pháp đoạn trừ tâm tham ái nữ sắc là quán thân thể của nữ sắc là bất tịnh.


Chương 27

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Người thực hành theo Ðạo như khúc gỗ trên mặt nước trôi theo dòng nước. Nếu không bị người ta vớt, không bị quỷ thần ngăn trở không bị nước xoáy làm cho dừng lại và không bị hư nát, ta đảm bảo rằng khúc cây ấy sẽ ra đến biển. Người học Ðạo nếu không bị tình dục mê hoặc, không bị tà kiến làm rối loạn, tinh tấn tu tập đạo giải thoát, ta bảo đảm người này sẽ đắc Ðạo".

II. Ðại Ý

Ðức Phật dạy không chấp trước các duyên thì đắc Ðạo.

III. Giảng Nghĩa

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ:

Tà kiến: Pali gọi là Ditthi, từ ngữ căn Dis là thấy, nhận thức Ditthi là thấy, nhận thức không đúng với thể tánh, ý kiến sai lạc, sai lầm.

Tinh tấn: (Viriya) còn gọi là tinh cần là một trong những tâm lý thiện, là siêng năng chuyên cần hướng thiện.

2. Giải thích nội dung:

Chương này có xuất xứ trong kinh Tương ưng, phần khúc gỗ nội dung như sau: "Ðức Thế Tôn ngụ ở Kosambi trên bờ sông Hằng, ngài thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước liền bảo các Tỳ kheo rằng: "Các thầy có thấy khúc gỗ không? Nếu khúc gỗ không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước. không bị mục ở bên trong thì khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, ra đến biển. Cũng vậy các Tỳ kheo, nếu không bị đâm vào bờ bên này... thì vị Tỳ kheo ấy hướng về Niết bàn, nhập vào Niết bàn" ... "Bờ bên này đồng nghĩa với 6 nội xứ, bờ bên kia đồng nghĩa với 6 ngoại xứ. Bị chìm giữa dòng đồng nghĩa với lòng tham. Bị mắc cạn trên miếng đất nổi đồng nghĩa với ngã mạn. Bị người nhặt lấy là Tỳ kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, bị trói buộc mình vào công việc của họ. Bị phi nhân nhặt lấy là Tỳ kheo tu tập với ước nguyện sinh lên cõi trời. Bị mắc vào nước xoáy là hưởng thụ 5 dục. Bị mục nát từ bên trong là Tỳ kheo sống theo tà giới, ác pháp, đáng nghi ngờ, không phải Sa môn mà hiện tướng Sa môn, lợi dụng hình dáng Sa môn để mưu cầu danh lợi".

Lúc bấy giờ, người chăn bò là Nanda đứng cạnh đó không xa, bạch Phật là sẽ không bị đâm vào bờ bên này ... (như trên) và xin xuất gia theo Phật.

So sánh giữa Kinh Tứ Thập Nhị Chương với kinh Tương Ưng, ta thấy như sau:

1- Kinh Tứ Thập Nhị Chương tóm gọn có 5 điều, trong khi đó kinh Tương Ưng đến 8 điều.

2- Kinh Tương Ưng thêm 2 là chìm giữa dòng và mắc cạn trên miếng đất nổi, điều 1 và điều 2 chỉ là 1 mà thôi, giống như bên Kinh Tứ Thập Nhị Chương, điều 11 chẳng tấp hai bên bờ.

3- So sánh giữa khúc gỗ và người tu hành trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương chỉ đưa ra 3 điều mang tính tổng quát chứ không ăn khớp với từng điều của khúc gỗ. Ba điều đó là không bị tính dục mê hoặc và không bị tà kiến làm rối loạn, tinh tấn tu đạo giải thoát.

4- Kinh Tương Ưng đưa ra 8 điều kiện của khúc gỗ ra đến biển, song song 8 điều kiện một vị Tỳ kheo đến Niết bàn, những điều này khá rõ.

Tóm lại, chương này trình bày những điều kiện để một vị xuất gia đạt đến Niết bàn. Ðó là những tiêu chuẩn tu tập để đo lường tà chánh và trình độ tu tập của một vị Tỳ kheo. Mặt khác, kinh cũng nói lên sự khó khăn là điều tất yếu của con người tu tập cần phải vượt qua mới đắc Ðạo. Luận bảo Vương Tam Muội đã nói: "Ðối với sự nghiệp giải thoát đừng mong không bị chướng ngại, vì không bị chướng ngại thì chí nguyện không kiên cường".

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này có xuất xứ trong Tạng A Hàm và Niyaka (phẩm Khúc gỗ).

2) Người xuất gia với mục đích giải thoát sinh tử phải biết hướng đi của mình và điều quan trọng là phải tinh tấn nỗ lực vượt qua các chướng ngại.

3) Nên biết rằng con đường nào cũng có trở ngại, vì vậy khi chướng ngại đến đừng sợ hãi mà bỏ cuộc.


Chương 28

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Phải thận trọng đừng chủ quan với tâm ý của ông. Tâm ý của ông không thể tin được, (vì vậy) hãy thận trọng đừng gần nữ sắc ; gần gũi nữ sắc thì tai họa phát sinh. Khi nào chứng quả A La Hán rồi mới có thể tin vào tâm ý của ông".

II. Ðại Ý

Người tu hành chưa đoạn tận ái dục thì phải cảnh giác đối với nữ sắc.

III. Giảng Nghĩa

Mặc dù các chương trước phân tích những khía cạnh nguy hiểm khác nhau của tình dục, nhưng chương này vẫn tiếp tục đặt vấn đề đối với nữ sắc. Ðiểm đặc biệt của chương này là cảnh giác, những người tu tập thường chủ quan, ỷ lại vào khả năng của mình, chưa thấy hết sự nguy hiểm tế nhị của nữ sắc. Hai mục đích của chương này là:

1- Cảnh giác các bậc Thánh hữu học (Tu Ðà Hoàn cho đến A Na Hàm) có thể rơi vào chủ quan khi có những tiến bộ tâm linh cao, vội vã cho rằng mình đã vượt qua uy lực của nữ sắc. Sự đoạn tận ái nhiễm phải là A La Hán.

2- Cảnh giác những người tu tập còn ở địa vị phàm phu, đừng tự cao, tự đại, tự mãn, với một chút ít công phu mà coi thường nữ sắc, sẽ bị lôi cuốn bởi nữ sắc, uổng phí công phu tu tập.

Ngoài ra, chương này cho thấy tâm ý của chúng sinh khó chế ngự, khó làm chủ, nhất là đối với nữ sắc. Bản năng dục tính của con người chi phối tâm ý rất mạnh, khuynh hướng đi theo tiếng gọi của bản năng làm chướng ngại lộ trình giải thoát. Về mặt nổi, mặt thô, tâm ý có tu tập có thể làm lắng dịu dục tình, nhưng dục tình sẽ lén lút hoạt động trong tư thế tiềm ẩn tế nhị, khó nắm bắt, chỉ cần có cơ hội là nó bộc phát. Cơ hội đó là khi gần gũi đụng chạm với nữ sắc. Vì vậy, rất nhiều hành giả thất bại vì xem thường nữ sắc và các mối quan hệ với nữ sắc.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này cảnh giác người tu hành đứng chủ quan đối với tâm ý của mình, nhất là đối với nữ sắc.

2) Cần phải chánh niệm tĩnh giác đối với hoạt động của tâm ý. Ðể giúp cho sự chánh niệm có hiệu quả nên tránh xa các đối tượng hấp dẫn như nữ sắc.


Chương 29

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: " Phải thận trọng đừng nên nhìn ngắm nữ sắc, cũng đừng nói chuyện với nữ nhân. Nếu (bắt buộc) phải nói chuyện với họ thì phải giữ tâm chánh trực và suy nghĩ rằng: "Ta làm Sa môn sống giữa cuộc đời ô nhiễm, phải như hoa sen không bị bùn làm ô nhiễm. Nghĩ rằng người (nữ) già như mẹ, người (nữ) lớn tuổi (hơn mình) như chị, người (nữ) nhỏ (hơn mình) như em gái, đứa bé (gái) như con, sinh khởi tâm cứu độ họ được giải thoát. Như vậy liền diệt được ý niệm xấu đối với nữ nhân

II. Ðại Ý

Ðức Phật dạy phương pháp đề phòng niệm xấu và diệt trừ ý niệm xấu đối với nữ nhân.

III. Giảng Nghĩa

Tiếp theo chương 28, chương này Ðức Phật vẫn cảnh giác người tu hành đề phòng nữ sắc, nhưng khác với chương trước, chương này đề cập đến cách thức đối phó với người nữ, có 2 phần:

1- Ðối với người nữ, không nên nhìn ngắm và nói chuyện. Ðây là phương pháp tiêu cực, nhưng có hiệu quả đối với những tâm tư yếu đuối. Ðiều tốt cho một người dễ phạm tội là cách ly môi trường phạm tội. Thường thì không có cảnh (đối tượng) thì tâm không được kích thích, gợi ý nên ít bị lôi cuốn, giao động. Nếu tâm ý tác ý mà không có đối tượng thực tế, cũng đễ chế ngự hơn.

2- Khi phải tiếp xúc với người nữ, thì phải giữ tâm ngay thẳng và suy nghĩ rằng:

- Giống như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm mùi bùn, ta là Sa môn giữa cuộc đời ô trược không bị nhiễm ô. Ðây là cách tự kỷ ám thị để nâng cao tâm hồn, rũ bỏ niệm xấu.

- Quán tưởng thân thuộc, coi người già như mẹ, lớn như chị, nhỏ như em, bé như con. Ðây là phương thức chuyển hóa tư tưởng mang tính tích cực; coi họ là đối tượng thân thuộc cần được giúp đỡ, cần được cứu khổ.

Trong kinh Trung Bộ (Kinh An Trú Tâm) cũng có đề ra phương pháp quán tưởng để chuyển hóa dục tâm, gồm 5 cách:

1- Khi có tư duy liên hệ đến dục... khởi lên, cần phải tác ý đến một đối tượng khác, hướng tư duy qua một đối tượng khác để xóa đối tượng dục. Ví như người thợ mộc dùng một cái nêm nhỏ đánh bật một cái nêm khác (ra khỏi khúc cây).

2- Nếu không có kết quả, tư duy dục vẫn đeo bám thì cần phải quán sát đến sự nguy hiểm của các dục đó. Ví như một người bị một xác rắn, một xác chó hay một xác người đeo vào cổ, người ấy ghê tởm vứt ra.

3- Quán sát nguy hiểm của các dục vẫn không có kết quả, thì nên bỏ qua, đừng nên nghĩ đến đối tượng dục đó nữa; giống như người không muốn nhìn một vật, họ quay mặt đi chỗ khác.

4- Nếu vẫn không có kết quả, thì quan sát hành tướng của dục, sự sinh khởi, sự an trú của dục, dần dần dục niệm tan biến, như người đang đi tự hỏi sao ta đi mau? nên đi chậm lại, người ấy đi chậm lại ...

5- Nếu vẫn không có kết quả, dục niệm vẫn khởi lên, phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, dùng tâm chế ngự tâm, nhờ vậy dục niệm được đoạn trừ tức là sử dụng ý chí tối đa.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Phương thức đề phòng niệm xấu đối với nữ nhân là không nên nhìn ngắm, nói chuyện với người nữ.

2) Phương thức chuyển hóa tư duy khi quan hệ với người nữ là:

- Tự ví mình như hoa sen gần bùn mà chẳng nhiễm mùi của bùn.

- Quán tưởng người nữ như là thân nam của mình, là đối tượng để mình cứu độ.

Phương pháp diệt trừ niệm xấu đối với nữ nhân như trên, tích cực và hiệu quả đối với con đường tu tập.


Chương 30

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Là người tu hành phải coi mình giống như kẻ mang cỏ khô, thấy lửa đến phải tránh, người học Ðạo thấy các đối tượng dục lạc phải tránh xa".

II. Ðại Ý

Người tu hành phải tránh xa dục lạc.

III. Giảng Nghĩa

Chương này Ðức Phật đề cập một thí dụ mang tính cảnh giác cao, là người tu hành như kẻ mang cỏ khô thấy lửa phải tránh. Cũng vậy, khi thấy lửa dục lạc cần phải tránh xa, nếu không sẽ bị cháy một cách nhanh chóng. Thí dụ này gây ấn tượng mạnh và rõ về mối nguy hiểm của dục lạc.

Người tu hành từ bỏ ái dục, xuất gia học Ðạo, tâm ái dục bị trấn áp, bị ức chế. Ðiều đó không có nghĩa là ái dục đã được đoạn trừ. Ngược lại, tâm ái dục hoạt động tiềm ẩn, càng ức chế nó càng có sức mạnh sẵn sàng bộc phát, cho nên rất nguy hiểm. Nếu người gần gũi với môi trường ái dục thì sẽ khó kiềm chế tâm ái dục. Giống như người mang cỏ khô mà đứng gần lửa thì họa cháy thân tất xảy ra.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

Thí dụ người mang cỏ khô phải tránh xa lửa vừa đúng về mặt thực tế vật chất và thực tế tâm lý. Cảnh giác sự nguy hiểm của dục lạc đối với người tu hành như vậy là rất cao và rất chính xác.


Chương 31

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Có người lo lắng vì lòng dâm dục không dứt nên muốn đoạn âm". Phật dạy rằng: "Ðoạn âm không bằng đoạn tâm. Tâm như vị công tào, công tào nếu ngừng thì kẻ tùng sự đều ngừng, tâm tà không ngưng thì đoạn âm có ích lợi gì? Phật vì Ông mà nói kệ: "Dục sinh từ nơi ý. Ý do tư tưởng sinh, hai tâm đều tịch lặng, không mê sắc cũng không hành dâm". Phật dạy: "Bài kệ này do Ðức Phật Ca Diếp nói".

II. Ðại Ý

Ðức Phật dạy: "Dâm dục do nơi tâm sinh, tâm ngưng thì dục ngưng, không nên đoạn sinh dục bên ngoài, không có hiệu quả".

III. Giảng Nghĩa

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ:

Ðoạn âm: chặt dứt dương vật, bộ phận sinh dục.

Công tào: người đứng đầu một nha quan công sở.

Phật Ca Diếp: là một Ðức Phật trong 7 Ðức Phật quá khứ. Phật Ca Diếp là Phật thứ 6, Phật Thích Ca là Phật thứ 7.

2. Giải thích nội dung:

Chương này nói lên sự kiện độc đáo là có người tu hành thấy được cái nguy hiểm của dục, nhưng dục tâm vẫn cứ tiếp diễn, sinh lý vẫn đòi hỏi; vì vậy, họ nghĩ rằng phải chấm dứt sự đòi hỏi sinh lý mới tu hành được. Họ nghĩ đến nguyên nhân trực tiếp là bộ phận sinh dục cần phải đoạn trừ. Coi đó như là một phương pháp đoạn trừ lòng dâm dục. Ðức Phật phản đối phương pháp này, vừa nguy hiểm, vừa vô ích.

Sai lầm căn bản của người áp dụng phương pháp đoạn âm là dục tâm do tác động bên ngoài. Thực ra, tâm mới là chủ nhân của dục, chứ không phải vật. Mặc dù trong Phật giáo nói đến mối quan hệ mật thiết giữa tâm và vật, nhưng để cải tạo hoàn cảnh trước hết phải cải tạo tâm lý.

Người đoạn âm mà tâm không đoạn sẽ xảy ra mâu thuẫn nội tại với thực tế. Mặt khác, người đoạn âm thường bắt đầu mặc cảm tội lỗi, có cái nhìn lệch lạc về sinh lý. Cuối cùng sinh lý sẽ làm lệch lạc tâm lý và trở thành bệnh lý.

Người chủ trương đoạn âm là kết quả của giáo dục một chiều và cực đoan. Sự lo lắng thái quá, sự hiểu biết về tâm sinh lý hạn chế và cuối cùng là áp lực của một ý tưởng cực đoan.

Như bài kệ kết luận: Lòng dục sinh từ nơi ý, tức là do tâm ý phân biệt ngã chấp mà sinh ra tham muốn. Ý do tư tưởng sinh, tức là do tâm sở tư và tưởng sinh. Tác dụng chấp ngã và bản năng dục tính do nghiệp tạo tác (tư) và vọng tưởng (tưởng) hay tri giác mà phát triển. Hai tâm đều tĩnh lặng là tâm sở Tư và Tưởng đều tĩnh lặng thì không còn bị sắc đẹp làm cho rung động và cũng không còn hành vi dâm dục, nghĩa là không còn tạo nghiệp.

Có đối tượng hấp dẫn, có chú ý tạo tác thì mới có chướng ngại, mâu thuẫn nội tại. Nếu tâm đã tịch tịnh thì không cần phải đoạn âm hay đối tượng bên ngoài.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này điều chỉnh sự lầm lẫn của một số đệ tử tích cực trong vấn đề đoạn dục bằng cách đoạn âm.

2) Ðoạn âm là một phương pháp đoạn trừ dục, nhưng không phải phương pháp của Phật giáo, và ít có hiệu quả

3) Tâm mới là chủ nhân của dục. Thanh lọc tâm, tu tập tâm, tăng thượng tâm mới là con đường của Phật giáo.


Chương 32

I. Chánh Văn

Con người do ái dục mà sinh sầu ưu, do sầu ưu mà sinh sợ hãi. Nếu thoát ly ái dục, thì có gì mà sầu ưu, có gì mà sợ hãi.

II. Ðại Ý

Ái dục sinh phiền não, hết ái dục thì phiền não diệt. Phiền não diệt là Niết bàn.

III. Giảng Nghĩa

Chương này gần như dẫn nguyên văn trong Kinh Pháp Cú kệ thứ 215-215 Phẩm Hỷ Ái: "Dục ái sinh sầu ưu, Dục ái sinh sợ hãi, ái thoát khỏi dục ái, không sầu, đâu sợ hãi?".

Thật vậy con người do ái dục về tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, miếng ăn, giấc ngủ, mà phải lo âu phiền muộn, tranh đấu chật vật. Có được rồi thì sợ mất, sợ cướp. Các đối tượng của ái dục là mục tiêu của sự đấu tranh, chém giết, hãm hại nhau. Ðiều đó đúng với thực tế của cuộc đời.

Mặt khác về mặt tâm lý, người chứa nhiều lòng ái thì thường lo buồn. Khi mình thương một người, người ấy có điều gì bất trắc lòng ta bất an rối rắm, từ lo sinh sợ, sợ mất đi người mình thương. Rốt cuộc cả cuộc đời luẩn quẩn trong vòng lo âu và sợ hãi. Thoát khỏi sự ràng buộc của sợi dây tham ái, ta mới được tự do tự tại.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này tương đồng với kinh Pháp cú, kệ thứ 213-216, Phẩm Hỷ Ái.

2) Tiến trình tâm lý bắt đầu từ ái dục là sinh sầu ưu, từ sầu ưu sinh sợ hãi, là tiến trình khổ đau. Ngược lại không dục ái không sầu ưu, không sợ hãi là tiến trình giải thoát.


Chương 33

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Người tu hành theo Ðạo như một người chiến đấu với vạn người. Mặc áo giáp ra cửa, tâm ý hoặc khiếp nhược, hoặc đi nửa đường thối lui, hoặc chiến đấu đến chết, hoặc đắc thắng mà về. Người Sa môn học Ðạo (cũng vậy) phải có ý chí kiên cường, dũng mãnh tiến lên, không sợ cảnh tượng trước mắt (làm chướng ngại) phá tan các loài ma để đắc Ðạo thành đạo quả".

II. Ðại Ý

Người tu hành giống như người chiến sĩ, phải chiến đấu với phiền não ma, phải tinh tấn mới mong thành Ðạo quả

III. Giảng Nghĩa

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ:

Các loài ma: tiếng Phạn gọi là Mara, nghĩa là Giết hại, làm não hại thân tâm, tổn hại công đức, phá hoại trí tuệ. Có 4 loại ma:

1. Ma phiền não: Tham, Sân, Si... não hại thân tâm.

2. Ma năm ấm (ngũ ấm ma): chấp thủ sắc thân, cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức là ngã, nên bị năm ấm trói buộc.

3. Ma chết (tử ma): tử thần cắt đứt mạng sống con người làm gián đoạn sự tu tập.

4. Ma trời (thiên ma): là tha hóa tự tại thiên, cõi trời thứ 6 của Dục giới, còn gọi là ma vương, ma ba tuần, chuyên làm trở ngại cho việc tu hành và làm việc thiện.

2. Giải thích nội dung:

Chương này Ðức Phật lấy thí dụ một người chiến sĩ ra mặt trận chiến đấu với vạn người để nói lên:

- Tinh thần quyết thắng , sự nỗ lực vô biên của một người tu hành.
- Nói lên sự khó khăn trở ngại mà người tu hành phải vượt qua.
- Nói lên sự vinh quang của một hành giả đắc đạo.

Có 4 hạng chiến sĩ mà chương này đề cập:

1- Hạng ý chí khiếp nhược: chưa đánh đã thua, đầu hàng từ trong ý thức, là hạng người tu hành không lập chí nguyện, không có lý tưởng và niềm tin. Hạng người này không có gì để bàn.

2- Hạng nửa đường thối lui: là hạng người bỏ cuộc nửa chừng, có công hạnh tu tập, nhưng bị cám dỗ bởi danh lợi, không phát triển những gì đã đạt được để đi đến đích cuối cùng.

3- Hạng chiến đấu đến chết: là hạng người có ý chí, có lý tưởng nỗ lực tiến lên, nhưng thiếu phương pháp tu tập tốt, do đó không thành công. Cũng có thể nói rằng, những người chấp thủ vào phương pháp, bảo thủ theo thói quen hay truyền thống cũng thuộc hạng này, tức là tu hành nghiêm chỉnh, nhưng không thành công.

4- Hạng đắc thắng trở về: là người thành công, có ý chí quyết tâm, có phương pháp, có trí tuệ, vượt qua mọi chướng ngại để thành tựu mục đích tối hậu.

Tương đương chương này, trong kinh Tăng Chi, phẩm Người chiến sĩ, Ðức Phật dạy có 5 hạng người chiến sĩ:

a) Hạng chiến sĩ chỉ thấy bụi mù dấy lên thì chùn chân, nhụt chí, mất hết can đảm, không thể tham gia chiến trận. Tương đương với người tu hành mà khi nghe nói đến cô gái đẹp đẽ, khả ái... tâm dao động và rời bỏ giáo pháp.

b) Hạng chiến sĩ khi thấy cờ xí của địch quân dựng lên, thì chùn chân, nhụt chí, mất hết can đảm. Tương đương với người tu hành khi thấy người con gái đẹp đẽ dễ thương, tâm dao động, thoái lui, rời bỏ giáo pháp.

c) Hạng chiến sĩ nghe tiếng la hét của địch quân thì chùn chân, nhụt chí, mất hết can đảm. Tương đương với người tu hành khi gặp cô gái đẹp đẽ dễ thương cười nói, mơn trớn ... tâm dao động, thoái lui, rời bỏ giáo pháp.

d) Hạng chiến sĩ khi bị thương lúc xáp trận, liền thất kinh thất đởm. Tương đương với người tu hành khi gặp cô gái đẹp đẽ dễ thương đến ngồi sát một bên, nằm xuống một bên, vuốt ve, mơn trớn, không từ bỏ học tập, không biểu lộ sự yếu kém trong học tập, hành dâm với cô gái ấy.

e) Hạng người chiến sĩ chịu đựng được bụi mờ dấy lên, cờ xí dựng lên, tiếng la hét, chịu đựng cuộc xáp chiến và vị ấy chiến thắng. Tương đuơng với người tu hành vượt qua cám dỗ của cô gái, bỏ cô gái, đi vào nơi thanh vắng an trú, thiền định, đoạn diệt tham, sân, si.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Bốn hạng người chiến sĩ của chương này tương tự như 5 hạng người chiến sĩ trong kinh Tăng Chi về mặt hình thức.

2) Kinh Tứ Thập Nhị Chương nêu ra đối tượng chiến đấu một cách tổng quát, và phương thức chiến đấu là giữ vững tâm chí, tinh tấn tiến lên, đừng sợ sệt để diệt trừ chướng ngại.

3) Kinh Tăng Chi thì chú ý đến đối tượng cụ thể là cô gái đẹp, thắng được cám dỗ của cô gái đẹp, dọn đường cho sự tu tập thiền quán, thì sẽ diệt trừ mọi chướng ngại.

4) Người tu hành như một người chiến sĩ ra mặt trận, nếu không có ý chí vững vàng, không tinh tấn nỗ lực thì chắc chắn sẽ thất bại.


Chương 34

I. Chánh Văn

Có một vị Sa môn ban đêm tụng kinh Di giáo của Ðức Phật Ca Diếp, tiếng ông ấy buồn bã, như tiếc nuối muốn thoái lui. Ðức Phật mới hỏi: "Xưa kia, khi ở nhà ông thường làm nghề gì?". Ðáp rằng: "Thích chơi đàn cầm". Ðức Phật hỏi: "Khi dây đàn chùng thì sao?". Ðáp rằng: "Không kêu được". "Dây đàn căng quá thì sao?". Ðáp rằng: "Tiếng bị mất". "Không căng không chùng thì sao?". Ðáp: "Các âm thanh đầy đủ". Ðức Phật dạy: "Người Sa môn học đạo cũng như vậy, tâm lý được quân bình thì mới đắc Ðạo. Ðối với sự tu Ðạo mà căng thẳng quá làm cho thân mệt mỏi, khi thân mệt mỏi thì tâm ý sẽ sinh phiền não. Tâm ý đã sinh phiền não thì công hạnh sẽ thoái lui. Khi công hạnh đã thoái lui, thì tội lỗi tăng trưởng. Chỉ có sự thanh tịnh và an lạc, Ðạo mới không mất được".

II. Ðại Ý

Người tu hành phải giữ quân bình trong sự tu tập, đừng quá căng thẳng, cũng đừng quá lười biếng, mới có thể thành tựu Ðạo quả.

III. Giảng Nghĩa

Theo kinh A Hàm, trong đời quá khứ, trước Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã có 6 vị Phật ra đời, mà Phật Ca Diếp (Kasyapa) là vị thứ 6, thứ 7 là Phật Thích Ca, trong chương này đề cập đến kinh Di Giáo của Phật Ca Diếp, có thể là bài kệ ở phần sau của luật Tỳ Kheo: "Tất cả điều ác đừng có làm đến; tất cả điều Thánh thiện kính cẩn mà làm; tự mình làm sạch tâm trí của mình, những điều như vậy là Chư Phật dạy". (TỲ KHEO GIỚI, TRÍ QUANG DỊCH).

Phần duyên khởi của chương này là một thầy Sa môn ban đêm tụng kinh tiếng nghe sầu thảm như muốn thoái chí, Ðức Phật nghe được, biết ông đang nỗ lực một cách sai lầm nên dạy cho ông phương pháp tu của một người tu Ðạo. Ðức Phật sử dụng ví dụ về chiếc đàn cầm, nếu không quá căng, không quá chùng, thì âm thanh mới đầy đủ, hay ho. Người tu hành nỗ lực một cách quân bình mới có thể thành tựu Ðạo quả.

Trong kinh Tăng Chi, phần Ðại phẩm có câu chuyện tương tự: Tôn Giả Sona trú ở Vương Xá Thành, trong khi ngồi thiền thì tư tưởng sau đây nổi lên: "Những ai là đệ tử Thế Tôn, đều sống tinh cần, tinh tấn, riêng ta còn chấp thủ, chưa thoát khỏi lậu hoặc, gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng thụ và làm điều công đức. Vậy, ta hãy từ bỏ con đường tu hành này". Ðức Phật biết được tư tưởng thoái chí của Sona nên đến giảng pháp tu tập quân bình. Ðức Phật hỏi: "Có phải khi còn tại gia ngươi giỏi đánh đàn tỳ bà 16 dây?" "Thưa phải". Phật hỏi: "Khi những sợi dây tỳ bà của ngươi quá căng thẳng ngươi có thể sử dụng được không?" "Thưa không, Bạch Thế Tôn". "Khi sợi dây đàn tỳ bà của ngươi quá chùng ngươi có thể sử dụng được không?" "Thưa không, Bạch Thế Tôn". "Khi sợi dây đàn tỳ bà của ngươi không quá căng, không quá chùng, vặn đúng vừa mức trung bình, ngươi sử dụng được không?" "Bạch Thế Tôn, được". "Cũng vậy, này Sona khi tinh thần quá căng thẳng sẽ đưa đến dao động, khi tinh cần quá thụ động sẽ đưa đến biếng nhác. Do vậy, này Sona, người phải an trú tinh thần một cách bình ổn điều hòa..."

Qua đoạn kinh trên của kinh Tăng Chi, chúng ta thấy 2 bài kinh có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau. Mối liên hệ của 2 bài kinh này được thấy rõ ràng nhất là thí dụ về cây đàn tỳ bà và cây đàn cầm. Cần chú ý đến phần kết của bài kinh, chương này thì nói: "Quá căng thẳng đưa đến thân mệt mỏi, thân mệt mỏi đưa đến công hạnh thoái lui. Công hạnh thoái lui thì tội lỗi gia tăng". Cách nói như vậy khá rõ lộ trình của sự gia căng thẳng quá mức.

Kinh Tăng Chi đơn giản hơn "Tinh cần quá mức đưa đến dao động (tương đương với phiền não), dao động đưa đến biếng nhác (tương đương với hạnh thoái lui).

Ðiều khác nhau chỉ có ở phần duyên khởi, không đáng kể.

Qua so sánh trên, ta thấy 2 bài đều có chung cội nguồn. Ý thú của chương này đề cao sự thăng bằng về:

1) Thăng bằng về sinh lý: ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, học hành, tu tập, đừng để cho thân quá mệt, cũng đừng để cho thân biếng nhác.

2) Thăng bằng về tâm lý: sự nôn nóng mong cầu mau được kết quả có thể điên loạn hoặc dao động, biếng nhác, ủ rũ không cầu tiến đưa đến buông thả.

3) Thăng bằng về tình cảm: quá giận, quá thương, quá xúc động, nhạy cảm đều gây ra mất quân bình, ảnh hưởng cho sự tu tập.

4) Thăng bằng về tu tập: pháp môn tu tập phải phù hợp với căn cơ trình đ? của mình, thời khóa tu tập phải được sắp xếp hợp lý.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương 24 này có sự tương đồng với phẩm Ðại phẩm, phần Sona trong kinh Tăng Chi II.

2) Giải đãi lười biếng thì đạo nghiệp không thành. Nỗ lực quá mức sẽ mệt mỏi và thoái chí. Phải biết lượng sức mình, đừng ép uổng thân tâm quá mức, cũng đừng buông thả thì con đường tu tập chắc chắn có kết quả.


Chương 35

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Như người luyện sắt gạn lọc phần cặn bã, còn lại sắt tinh luyện, chế tạo đồ dùng một cách tinh xảo. Người học đạo phải loại bỏ tâm lý ô nhiễm đi thì công hạnh trở nên thanh tịnh".

II. Ðại Ý

Phải gạn lọc tâm lý ô nhiễm thì hành vi mới thanh tịnh.

III. Giảng Nghĩa

Chương này Ðức Phật sử dụng ví dụ người luyện sắt để nói lên hướng đi chính của người tu hành là phải gạn lọc tâm lý ô nhiễm, như người luyện sắt phải loại trừ các tạp chất trong sắt mới có thể luyện thành vật dụng tốt.

Tất cả mọi hành động đều do động cơ trong tâm. Tâm như là nguồn của dòng suối. Nếu nguồn suối đục thì dòng suối sẽ đục, nguồn suối trong thì dòng suối sẽ trong, nguồn suối lúc trong lúc đục thì dòng suối chảy về sẽ lúc đục lúc trong.Tâm chưa gạn lọc các tâm lý ô nhiễm thì hành động, hành vi sẽ có lỗi lầm. Vậy cho nên có người nói: "Chỉ có Thánh mới không sai lầm".

Sự gạn lọc tâm lý phải có phương pháp, như người luyện sắt phải có phương pháp, các công đoạn tuần tự. Người tu hành cũng vậy, từ từ loại bỏ phần thô, phần dễ thấy của tâm lý ô nhiễm, dần dần loại bỏ đến tâm lý ô nhiễm tế nhị hơn. Ðiều đó có nghĩa là sự kiểm soát đối với tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi thô tháo cần phải chặt chẽ và gạn lọc một cách dứt khoát và triệt để.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Ví dụ về người luyện sắt bỏ các cặn bã để sắt thành tinh luyện rất phù hợp với quá trình gạn lọc phiền não của người tu hành.

2) Phải gạn lọc loại trừ tâm lý ô nhiễm, bắt đầu từ thô cho đến tế, làm cho tâm trong sạch thì các hoạt động của thân và khẩu trở nên trong sạch.


Chương 36

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Kẻ thoát được ác đạo được sinh làm người là khó. Ðược làm người mà thoát được thân nữ làm thân nam là khó. Làm được thân nam mà sáu giác quan đầy đủ là khó. Sáu giác quan đầy đủ mà sinh vào xứ trung tâm là khó. Sinh vào xứ trung tâm mà được gặp thời Phật là khó. Ðã gặp thời Phật mà gặp được Ðạo là khó. Khởi được niềm tin mà phát tâm Bồ đề là khó. Phát tâm Bồ đề mà đạt đến chỗ vô tu vô chứng là khó".

II. Ðại Ý

Ðức Phật nêu 9 điều khó để khích lệ tinh thần tu tập của người tu hành.

III. Giảng Nghĩa

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ:

Ác đạo: địa ngục (Niraya), nơi không có cái gì là an ổn, hạnh phúc. Ngạ quỷ (Peta-yoni) là loài chúng sinh đau khổ vì không có thực phẩm nuôi thân. Súc sinh hay bàng sinh (Tina echannayoni) khổ vì tranh đấu và không có điều kiện giác tỉnh và thăng hoa.

6 căn (lục căn): là 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm ý.

Trung quốc: trung tâm văn hóa văn minh, trái với trung quốc là chốn biên cương hẻo lánh.

Tín tâm (Sadha): niềm tin đối với Tam bảo, với Chánh pháp.

Bồ Ðề Tâm (Bodhi- Citta): đã nói ở chương 19, ở đây nói thêm: Tâm có Bồ đề gọi là Bồ đề tâm, tức là các loại tâm ý tương ứng với Trí tuệ.

Bồ đề là Tâm gọi là Bồ đề tâm, tức là tâm thức luôn luôn sẵn có hạt giống Bồ đề.

Vô tu vô chứng: đã đề cập ở chương 11, ở đây xác định lại đơn giản là quả vị Phật.

2. Giải thích nội dung:

Chương 12 có đề cập đến 20 điều khó, chương này nói thêm 9 điều khó bổ sung cho đầy đủ hơn. Sắc thái của 9 điều khó này mang tính khách quan vật lý hơn, trong khi có 20 điều khó chương 12 có tính tâm lý hơn, mặc dù những điều cuối cùng của chương 36 này chuyển hướng vào nội tâm, nội chứng:

* Thứ nhất, được làm thân người là khó: chúng sinh trong 3 ác đạo sống trong môi trường không có thiện nghiệp, phước thiện, duyên lành nên không có điều kiện để thoát khỏi cảnh khổ. Khi gặp duyên lành mà sinh ra cõi người, chẳng khác nào khát quá có nước uống, đói quá có cơm ăn. Trong kinh Tương ưng diễn tả sự khó này bằng hình ảnh con rùa mù nằm dưới biển 100 năm mới nổi lên mặt nước một lần; trên biển có một bộng cây trôi lang thang, con rùa mà gặp được bộng cây rất khó. Con người từ ác đạo mà được sinh vào cõi người cũng vậy.

Môi trường ác sẽ nuôi dưỡng cái ác, cơ hội cải thiện khó vô cùng.

* Thứ hai, tránh được thân nữ làm thân nam: thân phận người nữ có nhiều hạn chế, nhất là về mặt giải thoát ; về sinh lý ; người nữ cũng có nhiều khốn đốn nặng nề ; về tình cảm dễ thỏa mãn trong tình ái; về xã hội, nhất là xã hội Á Ðông, người nữ bị coi là thấp kém. Trong A Hàm cũng có đề cập đến sự hạn chế của người nữ là khó làm Phật, Chuyển luân Thánh Vương, Phạm Thiên, Ðế Thích và Ma Vương.

Phật giáo không xem thường phụ nữ, mà chỉ nói sự thực rằng người nữ có nhiều điều bị hạn chế hơn phái nam. Thật ra, trong Giáo đoàn nữ đệ tử Phật, vẫn đầy đủ các bậc Thánh A La Hán. Vấn đề trọng yếu là tâm lý, thái độ và trình độ giải thoát mới quan trọng, làm thân nữ mà đắc Ðạo còn hơn làm thân nam mà ngu muội.

* Thứ ba, sáu giác quan đầy đủ là khó: làm người hoàn hảo về thể xác đã là khó rồi, mắt không chột, không viễn hay cận thị, không bệnh; mũi, lưỡi, thân cũng vậy. Tâm lý không điên loạn, không mất thăng bằng; não bộ, hệ thần kinh lành mạnh là hạnh phúc vô cùng. Người này ở đời thâu hoạch được nhiều hạnh phúc hơn. Ở đạo thì có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tu hành. Hơn nữa, điều kiện để trở thành vị tỳ kheo là 6 giác quan đầy đủ. Ðiều này không phải dễ.

* Thứ tư, sinh ở trung tâm văn minh văn hóa của một nước: có 6 giác quan đầy đủ mà không có môi trường sống tốt, con người khó mà thăng hoa đời sống, có điều kiện tìm kiếm hạnh phúc là điều ước mơ của nhiều người, ở xa trung tâm văn hóa, con người trở nên thô bạo thấp kém, khó phát triển trí tuệ. Ðó là nói về nguyên tắc chung. Ðối với người tu hành, chốn phồn hoa đôi khi trở thành cạm bẫy làm tan vỡ sự nghiệp tu tập. Nếu xét một cách thoáng rộng thì ở trong biên địa cũng có trung quốc, ở trong trung quốc cũng có biên địa.

Tư tưởng về sinh vào trung quốc, có lẽ xuất phát từ Trung Hoa, trong bài kinh Quy mạng nói: "Sinh phùng trung quốc, tưởng ngộ minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chân nhập Ðạo".Tóm lại, có điều kiện để sống cao hơn về mặt tinh thần là khó.

* Thứ năm, gặp Phật ra đời là khó: là được sinh vào thời có Phật xuất hiện là khó. Ðiều này có 2 ý:

- Ý như trên (chương 12).
- Thời kỳ Phật pháp còn lưu truyền, có điều kiện văn hóa hướng thượng, hướng thiện.

* Thứ sáu, gặp được Phật pháp là khó: tức là tìm hiểu, học hỏi giáo pháp của Ðức Phật, thích thú trong chánh pháp, hướng đến chánh pháp.

* Thứ bảy, phát khởi tín tâm là khó: gặp được giáo pháp nhưng không phát khởi niềm tin, nên không phát triển tâm linh được, khởi tín tâm là có niềm tin đối với Chánh pháp, đi theo Chánh pháp, quy y Tam bảo, thực hành các giới luật ... Chỉ có niềm tin, có lý tưởng thì công đức, tâm linh mới được phát triển.

* Thứ tám, Pháp Bồ Ðề tâm là khó: có được niềm tin, có lý tưởng, có tu tập giáo pháp nhưng trí tuệ không phát triển thì niềm tin đó trở nên hạn hẹp và thui chột. Tâm Bồ Ðề là tâm trí tuệ, là tâm mong muốn thành tựu Phật quả, hóa độ chúng sinh.

* Thứ chín, đạt được quả vị Phật là khó: mục tiêu của Phát Bồ đề tâm là Phật quả, đi đến tận cùng. Phát huy tận cùng của Bồ đề tâm là Phật, hoàn thành mục tiêu tối hậu là sự nghiệp lớn lao và khó khăn.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chín điều khó Ðức Phật dạy trong chương này, 5 điều đầu thuộc về nghiệp lực, 4 điều sau thuộc về khả năng tâm linh.

2) Phần khó về khả năng Giác ngộ mới quan trọng. Tâm linh sáng suốt, có tu, có chứng thì ác đạo biến thành thiện đạo, nữ thành nam, biên địa thành trung quốc. Mắt mù mà thấy hết , tai điếc mà nghe khắp ...


Chương 37

I. Chánh Văn

Ðức Phật dạy: "Ðệ tử của ta tuy ở xa ta vài nghìn dặm, luôn nghĩ đến giới pháp của ta thì chắc chắn sẽ chứng được đạo quả. Ở gần bên ta, tuy thường gặp mà ta không thực hành theo giới pháp của ta, cuối cùng vẫn không chứng được Ðạo.

II. Ðại Ý

Người đệ tử Phật, điều quan trọng nhất là thực hành giới pháp của Phật, có vậy mới tu hành có kết quả.

III. Giảng Nghĩa

Chương này có mối tương quan với câu chuyện trong kinh Pháp cú thí dụ, phẩm "Hộ giới", chuyện "Gần Phật với xa Phật": Bấy giờ, ở nước La Duyệt Kỳ, có 2 tỳ kheo muốn đến yết kiến Ðức Phật, trên đường đi gặp lúc hạn hán, không có nước uống, gặp một vũng nước nhỏ, nhưng đầy những sinh vật nhỏ, không uống được. Một người vì giữ giới, quyết định không uống dù phải chết khát. Người kia chủ trương uống để sống và để gặp Phật, dù phạm giới sát sanh. Người không uống mà chết được sinh lên cõi trời Ðao Lợi, xuống hầu thăm Ðức Phật, đứng một bên Phật. Người kia uống nước được sống đến gặp Ðức Phật, và báo cho Phật bạn mình đã mạng chung. Ðức Phật chỉ vị Tiên nhân đang đứng bên cạnh bảo: "Ðây là bạn của ngươi nhờ giữ giới nên gặp ta trước người". Sau đó, Phật dạy: "Ngươi tuy thấy hình ta mà không giữ giới pháp của ta, thì tuy thấy ta mà ta không thấy ngươi. Người kia, tuy cách ta ngàn dặm, nhưng giữ giới luật thì người ấy như đứng truớc mặt ta".

Rõ ràng chương này đề cao vai trò của giới luật, coi giới luật như là Ðức Phật.Trong kinh Di giáo, Ðức Phật cũng đã dạy tương tự: "Sau khi ta diệt độ, thì phải trân trọng giới luật như người mù thấy được ánh sáng, như người nghèo gặp được châu báu. Nếu ta có ở đời cũng không khác giới luật này vậy".

Nhấn mạnh về giới luật là vì mục đích của Phật giáo là đoạn trừ khổ đau, thành tựu hạnh phúc tối thượng. Sự hạnh phúc phải được xây dựng trên cơ sở đạo đức. Ðạo đức là nền tảng của hạnh phúc, của sự giải thoát giác ngộ. Ðạo đức chính là Giới luật. Giới luật không phải giáo điều, mà là những điều kiện tất yếu để dẫn đến hạnh phúc tối thượng, tức giác ngộ Niết bàn.

Trong kinh Tương ưng, phẩm "Rắn Ðộc", phần con rùa, kể rằng: "Có một con rùa đi giữa đường gặp một con giã can đang đi kiếm mồi, con rùa liền thụt 4 chân và cái đầu vào trong mai rùa của mình. Con giã can trông thấy con rùa, nghĩ rằng: "Khi con rùa này thò chân nào hay cái đầu ra, ta sẽ chộp lấy". Nhưng con rùa kiên nhẫn ở trong mai rùa của mình, nên con Giã can bỏ đi". Người tu hành cũng vậy, phải sống với sự hộ trì các giác quan, sự tuân thủ giới luật sẽ không bị ác ma não hại. Công dụng của Giới luật rất lớn đối với người học Phật. Vì vậy, không thể coi thường giới luật.

IV. Nhận Xét Và Kết Luận

1) Chương này có tương đồng với câu chuyện "Gần Phật với xa Phật"trong kinh Pháp cú thí dụ.

2) Giới luật rất cần thiết đối với người tu hành theo Phật, vì đó là những nguyên tắc đạo đức, là điều kiện của hạnh phúc và giải thoát.

-oOo-

Tiêu điểm: