Nam truyền
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
10/07/2554 13:56 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG SÁU
SÁU PHÁP

I. Phẩm Ðáng Ðược Cung Kính

(I) (1) Ðáng Ðược Cung Kính (1)

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthì, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". - "Thưa vâng, bạch Thế Tôn".

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

2. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác; khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.

Thế Tôn thuyết như vậy. Các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

(II) (2) Ðáng Ðược Cung Kính (2)

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính... là vô thượng phước điền ở đời. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chứng được các loại thần thông: một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không, độn thổ trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước, đi trên nước không chìm như trên đất liền, ngồi kiết già hay đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến Phạm thiên.

3. Với thiên nhĩ thuần tịnh siêu nhân, nghe được hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người ở xa và gần.

4. Sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài Người với tâm của mình, vị ấy rõ biết như sau: "Tâm có tham, rõ biết là tâm có tham, hay tâm ly tham... hay tâm có sân... hay tâm ly sân... hay tâm có si... hay tâm ly si... hay tâm chuyên chú... hay tâm tán loạn... hay đại hành tâm... hay không phải đại hành tâm... hay tâm chưa vô thượng... hay tâm vô thượng... hay tâm Thiền định... hay tâm không Thiền định... hay tâm giải thoát... hay tâm không giải thoát, rõ biết là tâm không giải thoát".

5. Nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời; nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp; vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

6. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, ngữ, ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, ngữ, ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các cõi thiện, cõi trời, cõi đời này. Như vậy, vị ấy với Thiên nhãn, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Do đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.

(III) (3) Các Căn

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính... là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

2. Với tín căn, với tấn căn, với niệm căn, với định căn, với tuệ căn, do đoạn tận các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, ngay trong hiện tại chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính... là vô thượng phước điền ở đời.

(IV) (4) Các Lực

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính... là vô thượng phước điền ở đời. Thế nào là sáu?

2. Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực, do đoạn tận các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, ngay trong hiện tại, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính... là vô thượng phước điền ở đời.

(V) (5) Con Ngựa Thuần Chủng (1).

1- Thành tựu sáu chi phần, này các Tỷ-kheo, một con ngựa hiền thiện, thuần chủng của vua, xứng đáng cho vua dùng, là tài sản của vua, và được xem là một biểu tượng của vua. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần chủng của vua kham nhẫn các sắc, kham nhẫn các tiếng, kham nhẫn các hương, kham nhẫn các vị, kham nhẫn các xúc, và đầy đủ dung sắc.

Thành tựu sáu chi phần này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa hiền thiện, thuần chủng của vua, xứng đáng cho vua dùng, là tài sản của vua, và được xem là một biểu tượng của vua. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu sáu pháp, Tỷ-kheo đáng được cúng dường... là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn các sắc, kham nhẫn các tiếng, kham nhẫn các hương, kham nhẫn các vị, kham nhẫn các xúc, kham nhẫn các pháp.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính... là ruộng phước vô thượng ở đời.

(VI - VII) (6 - 7) Con Ngựa Thuần Chủng (2)

(Như kinh trên, số 5, chỉ thay đổi "đầy đủ dung sắc", với "đầy đủ sức mạnh" cho số 6, và với "đầy đủ tốc lực" cho số 7).

(VIII) (8) Vô Thượng

1. - Có sáu vô thượng này, này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu?

2. Kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi đắc vô thượng, học vô thượng, hành vô thượng, tùy niệm vô thượng. Này các Tỷ-kheo, có sáu vô thượng này.

(IX) (9) Tùy Niệm Xứ

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu tùy niệm xứ này. Thế nào là sáu?

2. Tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm Giới, tùy niệm Thí, tùy niệm Thiên.

Này các Tỷ-kheo, có sáu tùy niệm này.

(X) (10) Mahànàma

1. Một thời, Thế Tôn trú giữa các vị Thích - ca, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

- Vị Thánh đệ tử này, bạch Thế Tôn, đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, đời sống gì vị ấy sống một cách sung mãn?

- Này Mahànàma, Thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, với nếp sống này, sống một cách sung mãn.

2. Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai: "Ðây là Thế Tôn... Phật, Thế Tôn". Khi nào, này Mahànàma, Thánh đệ tử niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Như Lai. Và này Mahànàma, một Thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: "Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật".

3. Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những bậc trí tự mình giác hiểu!". Này Mahànama, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, nhờ dựa vào Pháp. Và này Mahànama, Thánh đệ tử với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này được nói như sau: "Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Pháp".

4. Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. ng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử Thế Tôn này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời". Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm chúng Tăng, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối... tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: "Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Tăng".

5. Lại nữa, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm các Giới của mình: "Giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không có uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định". Này Mahànàma, trong khi Thánh đệ tử tùy niệm Giới, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối... tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: "Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Giới".

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tự mình niệm Thí của mình: "Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi cho ta, vì rằng với quần chúng bị cấu uế xan tham chi phối, ta sống trong gia đình, với tâm không bị cấu uế của xan tham chi phối, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí". Này Mahànàma, trong khi vị Thánh đệ tử tùy niệm bố thí, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối... tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: "Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm bố thí".

7. Lại nữa, này Mahànama, Thánh đệ tử tu tập tùy niệm Thiên: "Có chư Thiên bốn Thiên vương Thiên, có chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, có chư Thiên Yàma, có chư Thiên Tusità (Ðâu - suất), có chư Thiên Hóa lạc Thiên, có chư Thiên Tha hóa Tự tại, có chư Thiên Phạm chúng, có chư Thiên cao hơn nữa. Ðầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Ðầy đủ với giới như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Giới như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Ðầy đủ với nghe pháp như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Nghe pháp như vậy cũng có đầy đủ nơi ta. Ðầy đủ với Thí như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Thí như vậy cũng có đầy đủ ở nơi ta. Ðầy đủ với Tuệ như vậy, chư Thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng đầy đủ nơi ta". Khi vị ấy niệm Tín, Giới, nghe Pháp, Thí và Tuệ của tự mình và chư Thiên ấy; trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào chư Thiên. Và này Mahànàma, Thánh đệ tử với tâm chánh trực được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sanh. Người có hỷ nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Này Mahànàma, về vị Thánh đệ tử này, được nói như sau: "Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Thiên".

Này Mahànàma, vị Thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, vị ấy sống một cách sung mãn với nếp sống này.



II. Phẩm Cần Phải Nhớ

(I) (11) Cần Phải Nhớ (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp cần phải ghi nhớ này. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú thân làm từ đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú lời nói từ đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú ý nghĩ từ đối với các đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các lợi dưỡng đúng pháp, nhận được đúng pháp, cho đến những đồ vật nhận được chỉ trong bình bát, vị ấy không phải là người không san sẻ các đồ vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các đồng Phạm hạnh có giới đức. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các Giới Luật không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đi đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu Giới Luật trong các Giới Luật ấy đối với các đồng Phạm hạnh trước mặt lẫn sau lưng.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các tri kiến thuộc bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chơn chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo sống thành tựu tri kiến với các tri kiến như vậy đối với các đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng.

Này các Tỷ-kheo, đây là sáu pháp cần phải ghi nhớ.

(II) (12) Cần Phải Nhớ (2)

1. - Có sáu pháp cần phải ghi nhớ này, này các Tỷ-kheo, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú thân làm từ đối với các vị đồng Phạm hạnh, trước mặt lẫn sau lưng. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo an trú lời nói từ... ý nghĩ từ đối với các vị đồng Phạm hạnh cả trước mặt lẫn sau lưng. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các lợi dưỡng đúng pháp, nhận được đúng pháp, cho đến những đồ vật nhận được chỉ trong bình bát, vị ấy không phải là người không san sẻ các đồ vật nhận được như vậy, phải là người san sẻ dùng chung với các vị đồng Phạm hạnh có giới đức. Ðây là pháp cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các Giới Luật không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không bị uế nhiễm, giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đi đến Thiền định, Tỷ-kheo sống thành tựu Giới Luật trong các Giới Luật ấy đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các tri kiến thuộc bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, khiến người thực hành chơn chánh diệt tận khổ đau, Tỷ-kheo sống thành tựu tri kiến với các tri kiến như vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh, cả trước mặt lẫn sau lưng?

Ðây là sáu pháp cần phải ghi nhớ, này các Tỷ-kheo, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp, nhất trí.

(III) (13) Xuất Ly Giới

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp xuất ly giới này. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nói như sau: "Ta đã tu từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, sân tâm vẫn ngự trị tâm ta". Vị ấy cần phải được nói như sau: "Chớ có như vậy, Hiền giả chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy, trường hợp không phải như vậy. Ai tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, sân tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện như vậy không xảy ra, này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát sân tâm, tức là từ tâm giải thoát".

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nói như sau: "Ta đã tu tập, bi tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, hại tâm vẫn ngự trị tâm ta". Vị ấy cần phải được nói như sau: "Chớ có như vậy, Hiền giả chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Ai tu tập bi tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, hại tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát hạt tâm, tức là bi tâm giải thoát".

4. Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo nói như sau: "Ta đã tu tập hỷ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, bất lạc tâm vẫn ngự trị tâm ta". Vị ấy cần phải được nói như sau: "Chớ có như vậy. Hiền giả chớ nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy thật không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Nếu tu tập hỷ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, bất lạc tâm vẫn ngự trị, an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát bất lạc tâm, tức là hỷ tâm giải thoát".

5. Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nói như sau: "Ta đã tu tập xả tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, tham tâm vẫn ngự trị tâm ta". Vị ấy cần được nói: "Chớ có như vậy, Hiền giả chớ nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy thật không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Nếu tu tập xả tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, tham tâm vẫn ngự trị an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát tham tâm, tức là xả tâm giải thoát".

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nói như sau: "Ta đã tu tập vô tướng tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, tuy vậy, thức của ta vẫn tùy niệm tướng". Vị ấy cần phải được nói như sau: "Chớ có như vậy, Hiền giả chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy thật không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Nếu tu tập vô tướng tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ, an trú, chất chứa và khéo léo tinh cần, thức vẫn sẽ tùy niệm tướng, an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát tất cả tướng, tức là vô tướng tâm giải thoát".

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nói như sau: "Tôi đã từ bỏ tư tưởng "Tôi là". Tôi không có tùy quán "Cái này là tôi", tuy vậy, mũi tên nghi ngờ, do sự xâm chiếm tâm tôi và an trú". Vị ấy cần được nói như sau: "Chớ có như vậy, Hiền giả chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn như vậy thật không tốt. Thế Tôn không nói như vậy. Này Hiền giả, sự kiện không phải như vậy. Trường hợp không phải như vậy. Với ai đã từ bỏ tư tưởng "Tôi là", với ai không có tùy quán "Cái này là tôi", tuy vậy, mũi tên nghi ngờ, do dự xâm chiếm tâm người ấy và an trú; sự kiện không xảy ra như vậy. Này Hiền giả, cái này có khả năng giải thoát mũi tên nghi hoặc do dự, tức là sự nhổ lên kiêu mạn "Tôi là"".

Này các Tỷ-kheo, đây là sáu pháp xuất ly giới.

(IV) (14) Hiền Thiện

1. Tại đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo: "Này các Hiền giả Tỷ-kheo" - "Thưa Hiền giả".

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sàriputta. Tôn giả Sàriputta nói như sau:

2. - Này các Hiền giả, vị Tỷ-kheo nếu sống nếp sống như vậy, như vậy, do sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung không được hiền thiện, khi mệnh chung không được hiền thiện! Và như thế nào, này các Hiền giả, Tỷ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung không được hiền thiện, khi mệnh chung không được hiền thiện?

3. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo ưa công việc, thích thú công việc, chuyên tâm ưa thích công việc; ưa nói chuyện, thích thú nói chuyện, chuyên tâm ưa thích nói chuyện; ưa ngủ, thích thú ngủ, chuyên tâm ưa thích ngủ; ưa hội chúng, thích thú hội chúng, chuyên tâm ưa thích hội chúng; ưa liên lạc giao thiệp, thích thú liên lạc giao thiệp, chuyên tâm ưa thích liên lạc giao thiệp; ưa hý luận, thích thú hý luận, chuyên tâm ưa thích hý luận. Như vậy, này các Hiền giả, Tỷ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung không được hiền thiện, khi mệnh chung không được hiền thiện. Này các Hiền giả, đây được gọi là Tỷ-kheo ái lạc có thân, không từ bỏ có thân để chân chánh chấm dứt khổ đau.

4. Này các Hiền giả, Tỷ-kheo nếu sống nếp sống như vậy, như vậy, do sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung được hiền thiện, khi mệnh chung được hiền thiện. Và như thế nào, này các Hiền giả, Tỷ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung được hiền thiện, khi mạng chung được hiền thiện?

5. Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo không ưa công việc, không thích thú công việc, không chuyên tâm ưa thích công việc; không ưa nói chuyện, không thích thú nói chuyện, không chuyên tâm ưa thích nói chuyện; không ưa ngủ, không thích thú ngủ, không chuyên tâm ưa thích ngủ; không ưa hội chúng, không thích thú hội chúng, không chuyên tâm ưa thích hội chúng; không ưa liên lạc giao thiệp, không thích thú liên lạc giao thiệp, không chuyên tâm ưa thích liên lạc giao thiệp; không ưa hý luận, không thích thú hý luận, không chuyên tâm ưa thích hý luận. Như vậy, này các Hiền giả, Tỷ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung được hiền thiện, khi mệnh chung được hiền thiện. Này các Hiền giả, đây được gọi là Tỷ-kheo ái lạc Niết-bàn, từ bỏ có thân để chân chánh chấm dứt khổ đau.

Ai chuyên ưa hý luận,
Như thích thú hý luận,
Ði ngược lại Niết-bàn,
Nơi an ổn vô thượng.
Ai từ bỏ hý luận,
Ưa thích không hý luận.
Thuận hướng đến Niết-bàn,
Nơi an ổn vô thượng.

(V) (15) Không Hối Hận

1. Ở nơi đây, Tôn giả Sàriputta gọi các Tỷ-kheo:

- Này chư Hiền, Tỷ-kheo nếu sống nếp sống như vậy, như vậy, do nếp sống như vậy, khi lâm chung có hối hận, khi mệnh chung có hối hận. Và như thế nào, này các Hiền giả, Tỷ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung có hối hận, khi mệnh chung có hối hận?

2.... (Giống như kinh số 14, chỉ khác là thay thế không hiền thiện bằng có hối hận, thay thế có hiền thiện bằng không hối hận)...

(VI) (16) Cha Mẹ Của NakuLa (1)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, gia chủ, cha của Nakula bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi nữ gia chủ, mẹ của Nakula nói với cha của Nakula như sau:

2. -Thưa Gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu ái luyến. Thưa Gia chủ, đau khổ là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cấu ái luyến. Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa". Thưa Gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, tôi khéo léo dệt vải và chải lông cừu. Thưa Gia chủ, sau khi Gia chủ mệnh chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, này Gia chủ, là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cấu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ Gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ đi đến một gia đình khác". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, Gia chủ cũng đã biết, trong mười sáu năm chúng ta sống làm người gia chủ, tôi đã sống thực hành Phạm hạnh như thế nào. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không còn muốn yết kiến Thế Tôn, sẽ không còn muốn yết kiến chúng Tăng". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Sau khi gia chủ mệnh chung, tôi sẽ muốn yết kiến Thế Tôn nhiều hơn, sẽ muốn yết kiến chúng Tăng nhiều hơn. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, này Gia chủ, là người khi mệnh chung, còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, sẽ không giữ giới một cách đầy đủ". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn giữ Giới Luật một cách đầy đủ, tôi là một trong những người ấy. Nếu ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay, Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula không có chứng được nội tâm tịnh chỉ". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn còn chứng được nội tâm tịnh chỉ, tôi sẽ là một trong những vị ấy. Nếu ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung, tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

Thưa Gia chủ, Gia chủ có thể suy nghĩ như sau: "Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, trong Pháp và Luật này không đạt được thể nhập, không đạt được an trú, không đạt được thoải mái, không vượt khỏi nghi hoặc, không rời được do dự, không đạt được vô úy, còn phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư". Thưa Gia chủ, chớ có suy nghĩ như vậy! Thưa Gia chủ, cho đến khi nào, các nữ đệ tử gia chủ mặc áo trắng của Thế Tôn, trong Pháp và Luật này đạt được thể nhập, đạt được an trú, đạt được thoải mái, vượt khỏi nghi hoặc, rời được do dự, đạt được vô úy, không phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư, tôi sẽ là một trong những người ấy. Nếu có ai có nghi ngờ hay phân vân, hiện nay Thế Tôn đang ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesakàla, vườn Lộc Uyển, người ấy hãy đi đến Thế Tôn và hỏi. Do vậy, thưa Gia chủ, chớ có mệnh chung với tâm còn mong cầu ái luyến! Ðau khổ, thưa Gia chủ, là người khi mệnh chung, tâm còn mong cầu ái luyến. Thế Tôn quở trách người khi mệnh chung tâm còn mong cầu ái luyến.

3. Rồi cha của Nakula được nữ gia chủ, mẹ của Nakula giáo giới với lời giáo giới này, bệnh hoạn liền khi ấy được khinh an và gia chủ, cha của Nakula thoát khỏi bệnh ấy. Ðược đoạn tận như vậy là bệnh ấy của gia chủ, cha của Nakula. Rồi gia chủ, cha của Nakula được lành bệnh, sau khi lành bệnh không bao lâu, chống gậy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ, cha của Nakula đang ngồi xuống một bên:

4. - Thật lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Ðược nữ gia chủ, mẹ của Nakula với lòng từ mẫn, vì muốn hạnh phúc, đã giáo giới, đã khuyên dạy Ông. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng gìn giữ Giới Luật viên mãn, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng chứng được nội tâm tịnh chỉ, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Cho đến khi nào, này Gia chủ, Ta còn có những đệ tử gia chủ mặc áo trắng, trong Pháp và Luật này đạt được thể nhập, đạt được an trú, đạt được thoải mái, vượt khỏi nghi hoặc, rời được do dự, đạt được vô úy, không còn phải nhờ người khác sống trong lời dạy đức Bổn Sư, nữ gia chủ, mẹ của Nakula là một trong những vị ấy. Thật lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Thật khéo lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ, được nữ gia chủ, mẹ của Nakula với lòng từ mẫn, vì muốn hạnh phúc, đã giáo giới, đã khuyên dạy Ông.

(VII) (17) Cha mẹ Của Nakula (2)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthì, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến giảng đường; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Tôn giả Sàriputta vào buổi chiều, sau khi từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến giảng đường; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Mahàmoggallàna, Tôn giả Mahàkassapa, Tôn giả Mahàkaccàna, Tôn giả Mahàkotthita, Tôn giả Mahàcunda, Tôn giả Mahàkappina, Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Revata, Tôn giả Ananda vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy đi đến giảng đường; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn, sau khi ngồi như vậy đến quá phần lớn của đêm, từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tinh xá. Các Tôn giả ấy, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi về tinh xá của mình. Nhưng tại đấy, các Tỷ-kheo tân học xuất gia không bao lâu, đi đến Pháp và Luật này chưa nhiều thời gian, ngáy và ngủ tại chỗ cho đến sáng. Rồi Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân thấy các Tỷ-kheo ấy ngáy và ngủ tại chỗ cho đến sáng, thấy vậy liền đi đến giảng đường; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo ấy:

2. - Này các Tỷ-kheo, Sàriputta ở đâu? Mahàmoggallàna ở đâu? Mahàkassapa ở đâu? Mahàkaccàna ở đâu? Mahàkotthita ở đâu? Mahàcunda ở đâu? Mahàkappina ở đâu? Anuruddha ở đâu? Revata ở đâu? Ananda ở đâu? Này các Tỷ-kheo, các đệ tử trưởng lão ấy đã đi đâu?

- Bạch Thế Tôn, các Tôn giả ấy, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đi về tinh xá của mình.

- Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy không có các Tỷ-kheo trưởng lão, các tân học Tỷ-kheo ngáy và ngủ cho đến trời sáng!

Các Thầy nghĩ thế nào? Này các Tỷ-kheo! Các Thầy có thấy và có nghe như sau: "Một vua Sát-đế-ly đã làm lễ quán đảnh, sống chuyên tâm hưởng thọ cho đến thỏa thích lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghĩ, có thể cai trị cả nước cho đến trọn đời, được quốc dân ái mộ và ưa thích"?

- Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: Này các Tỷ-kheo, một vua Sát-đế-ly đã làm lễ quán đảnh, sống chuyên tâm hưởng thọ cho đến thỏa thích lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ, có thể cai trị cả nước cho đến trọn đời, được quốc dân ái mộ và ưa thích.

Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Người thôn quê sống trên đất trại của người cha, vị tướng quân trong quân đội, vị thôn trưởng ở làng, vị tổ trưởng các tổ hợp sống chuyên tâm hưởng thọ cho đến thỏa thích lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ, có thể trọn đời làm tổ trưởng các tổ hợp và được các tổ viên ái mộ, ưa thích"?

- Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau, này các Tỷ-kheo: Một người thôn quê sống trên đất trại của người cha, vị tướng quân sống trong quân đội, vị hôn trưởng ở làng, vị tổ trưởng các tổ hợp sống chuyên tâm hưởng thọ lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ có thể trọn đời làm tổ trưởng các tổ hợp và được các tổ viên ái mộ và ưa thích.

Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có hay có nghe như sau: "Vị Sa-môn hay Bà-la-môn sống chuyên tâm hưởng thọ cho đến thỏa thích lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ, không phòng hộ các căn môn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm cảnh giác, không quán các thiện pháp, đầu đêm cuối đêm không sống chuyên tâm tu tập các pháp giác chi, do đoạn tận các lậu hoặc, có thể tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát"?

- Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau, này các Tỷ-kheo: Một vị Sa-môn hay Bà-la-môn sống chuyên tâm hưởng thọ cho đến thỏa thích lạc về giường nằm, lạc về nằm dài, lạc về ngủ nghỉ, không phòng hộ các căn môn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm cảnh giác, không quán các thiện pháp, đầu đêm cuối đêm không sống chuyên tâm tu tập các pháp giác chi, do đoạn tận các lậu hoặc, có thể tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau:

3. Với căn môn được phòng hộ, ăn uống có tiết độ, chuyên tâm cảnh giác, quán các thiện pháp, đầu đêm cuối đêm không sống chuyên tâm tu tập các pháp giác chi, do đoạn tận các lậu hoặc, có thể tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

(VIII) (18) Con Cá

1. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Trong khi đi giữa đường, Thế Tôn thấy tại một chỗ nọ, một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá. Thấy vậy, Ngài bước xuống đường và ngồi xuống trên chỗ đã sửa soạn dưới một gốc cây. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

2. - Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy người đánh cá kia, sau khi bắt cá, giết cá, giết cá, đang bán cá?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, hay được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người đánh cá ấy với ác ý nhìn các con cá bị giết, bị đem đi giết hại, vì vậy, người ấy không được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, không được thọ hưởng các tài sản, hay không được sống giữa tài sản lớn và tài sản chất đống.

Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người đồ tể, sau khi giết các con bò, giết các con bò rồi đi bán; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa các tài sản lớn hay tài sản chất đống"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: "Một người đồ tể, sau khi giết bò, giết bò rồi đem bán; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, hay được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống"? Vì sao? Người đồ tể giết bò ấy với ác ý nhìn các con bò bị giết, bị đem đi giết hại, vì vậy, người ấy không được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, không được thọ hưởng các tài sản, hay không được sống giữa các tài sản lớn và tài sản chất đống.

Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy hay có nghe như sau: "Một người giết dê... một người giết heo... một người giết chim... hay một người giết các loài thú rừng, sau khi giết các thú rừng, giết các thú rừng rồi đem bán; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy được cưỡi voi... hay được sống giữa các tài sản lớn và tài sản chất đống"?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Lành thay, này các Tỷ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe... Vì sao? Người giết các loài thú rừng ấy, với ý nhìn các con thú rừng bị giết, bị đem đi giết hại; vì vậy người ấy không được cưỡi voi, không được cưỡi ngựa, không được cưỡi xe, không được cưỡi cỗ xe, không được thọ hưởng các tài sản, hay không được sống giữa các tài sản lớn hay tài sản chất đống.

Thật vậy, này các Tỷ-kheo, ai với ác ý nhìn các loài bàng sanh bị giết, đem đi giết hại; vì vậy, người ấy không được cưỡi voi, không được cưỡi ngựa, không được cưỡi xe, không được cưỡi cỗ xe, không được thọ hưởng các tài sản, hay không được sống giữa các tài sản lớn hay tài sản chất đống. Còn nói gì về người với ác ý nhìn các loài Người bị giết, bị đem đi giết hại! Thật vậy, này các Tỷ-kheo, như vậy là bất hạnh, đau khổ lâu dài cho người ấy, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

(IX) (19) Niệm Chết (1)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasattha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo" - "Thưa vâng, bạch Thế Tôn".

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. - Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy tu tập niệm chết.

3. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con có tu tập niệm chết.

- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

4. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.

- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

5. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.

- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

6. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.

- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

7. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.

- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

8. Một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con cũng tu tập niệm chết.

- Này Tỷ-kheo, Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

- Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Cho đến khi nào, sau khi thở vào, ta thở ra, hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn". Con đã làm nhiều như vậy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con tu tập niệm chết.

9. Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với các vị Tỷ-kheo ấy:

- Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống ngày và đêm, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này tu tập niệm chết như sau: "Mong rằng cho đến khi nào sau khi thở vào, ta thở ra hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy". Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo ấy được gọi là những vị sống không phóng dật, tu tập rất sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc. Do vậy, này các Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải tu học như sau:

10. "Hãy sống không phóng dật! Ta sẽ tu tập một cách sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc".

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

(X) (20) Niệm Chết (2)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasatha. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ-kheo:

2. - Niệm chết, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn thời có quả lớn, có lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Tu tập niệm chết như thế nào, làm cho sung mãn niệm chết như thế nào thời đưa đến quả lớn, lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi ngày vừa tàn và đêm vừa an trú, suy tư như sau: "Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: "Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ trở ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy xét như sau: "Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta", thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Ví như, này các Tỷ-kheo, áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung đêm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đêm vừa tàn và ngày vừa an trú, suy tư như sau: "Các nhân duyên đem đến cái chết cho ta rất nhiều: "Con rắn có thể cắn ta, con bò cạp có thể cắn ta, hay con rít có thể cắn ta. Do vậy, ta có thể mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta. Ta có thể vấp ngã và té xuống. Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, hay đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy xét như sau: "Nếu ta còn có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung trong ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi suy xét như vậy, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta", thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các pháp ác bất thiện ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Ví như, này các Tỷ-kheo, áo bị cháy hay đầu bị cháy, thời để dập tắt áo ấy hay đầu ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, để đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy, cần phải tận lực tác động ước muốn, tinh tấn, tinh cần, nỗ lực, không có thối chuyển, chánh niệm và tỉnh giác. Nếu Tỷ-kheo ấy, trong khi suy xét, biết được như sau: "Ta có những pháp ác bất thiện chưa được đoạn tận, nếu ta lỡ mệnh chung ngày hôm nay, chúng có thể là chướng ngại cho ta". Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải sống hoan hỷ, hân hoan, ngày đêm cần phải học tập trong các thiện pháp.

Này các Tỷ-kheo, niệm chết, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy thời được quả lớn, được lợi ích lớn, thể nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử.



III. Phẩm Trên Tất Cả

(I) (21) Tại Sàmagàma

1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Sàmagàma, gần hồ sen. Rồi một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng hồ sen, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn:

- Có ba pháp này, bạch Thế Tôn, đưa đến Tỷ-kheo thối đọa. Thế nào là ba? Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ. Ba pháp này, bạch Thế Tôn, đưa đến Tỷ-kheo thối đọa.

Vị Thiên nhân ấy nói như vậy. Bậc Ðạo Sư chấp nhận. Vị Thiên nhân ấy, với ý nghĩ: "Bậc Ðạo Sư đã chấp nhận ta", đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ.

2. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, gọi các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, đêm nay, một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng hồ sen, đi đến Ta; sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy nói với Ta: "Bạch Thế Tôn, có ba pháp này, bạch Thế Tôn, đưa đến Tỷ-kheo thối đọa. Thế nào là ba? Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ. Ba pháp này, bạch Thế Tôn, đưa đến Tỷ-kheo thối đọa". Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy. Nói như vậy xong, vị ấy đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ. Này các Tỷ-kheo, thật không được gì cho các Thầy, thật không khéo được gì cho các Thầy, vì rằng các Thiên nhân ấy biết được các pháp dắt dẫn các Thầy thối đọa trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng ba pháp khác đưa đến thối đọa, hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3. - Này các Tỷ-kheo, thế nào là ba pháp đưa đến thối đọa? Ưa hội chúng, ác ngôn, ác bạn hữu. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo đưa đến thối đọa.

4. Này các Tỷ-kheo, những ai trong quá khứ đã thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều vì sáu pháp này, sẽ bị thối đọa trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, những ai trong tương lai sẽ bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều vì sáu pháp này, sẽ bị thối đọa trong các thiện pháp. Này các Tỷ kheo, những ai trong hiện tại bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều vì sáu pháp này, bị thối đọa trong các thiện pháp.

(II) (22) Không Thối Ðoạ

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp không thối đọa này, Ta sẽ thuyết, hãy lắng nghe.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu pháp không thối đọa?

Không ưa công việc, không ưa nói chuyện, không ưa ngủ nghỉ, không ưa hội chúng, thiện ngôn, thiện bạn hữu.

Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp không thối đọa này.

3. Này các Tỷ-kheo, những ai trong thời quá khứ không bị thối đọa, trong các thiện pháp, tất cả đều nhờ sáu pháp này, không bị thối đọa trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, những ai trong thời vị lai sẽ không bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều nhờ sáu pháp này, sẽ không bị thối đọa trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, những ai trong thời hiện tại không bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều nhờ sáu pháp này, không bị thối đọa trong các thiện pháp.

(III) (23) Sợ Hãi

1. - Sợ hãi, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với các dục. Khổ, này các Tỷ-kheo, là đồng nghiệp với các dục. Bệnh, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với các dục. Cục bướu, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với các dục. Tham dính, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với các dục. Bùn lầy, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với các dục.

2. Và này các Tỷ-kheo, vì sao sợ hãi là đồng nghĩa với các dục?

Này các Tỷ-kheo, say đắm bởi tham dục, bị trói buộc bởi các tham ước muốn, ngay trong hiện tại không thoát khỏi sợ hãi, đời sau cũng không thoát khỏi sợ hãi. Do vậy, sợ hãi là đồng nghĩa với các dục.

3. Này các Tỷ-kheo, vì sao khổ... bệnh... cục bướu... tham dính... bùn lầy là đồng nghĩa với các dục?

Này các Tỷ-kheo, say đắm bởi tham dục, bị trói buộc bởi tham dục, ngay trong hiện tại không thoát khỏi bùn lầy, đời sau cũng không thoát khỏi bùn lầy. Do vậy bùn lầy là đồng nghĩa với các dục.

Sợ hãi và khổ đau,
Bệnh hoạn và cục bướu,
Cả hai tham dính bùn,
Ðược gọi là các dục,
Tại đấy kẻ phàm phu,
Tham đắm và chấp trước,
Thấy sợ trong chấp thủ,
Nguồn gốc của tử sanh,
Không chấp thủ, giải thoát,
Ðoạn tận được sanh tử,
Chúng đạt được an ổn,
Ðược hiện tại tịnh lạc,
Vượt sợ hãi oán thù,
Mọi đau khổ vượt qua.

(IV) (24) Núi Tuyết Sơn

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể phá vỡ vua núi Tuyết sơn, còn nói gì vô minh hạ liệt. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thiện xảo nhập được Thiền định, thiện xảo trú được Thiền định, thiện xảo xuất khỏi Thiền định, thiện xảo trong sự an lạc Thiền định, thiện xảo trong cảnh giới Thiền định, thiện xảo trong sự dẫn khởi đến Thiền định.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể phá vỡ vua núi Tuyết sơn, còn nói gì vô minh hạ liệt.

(V) (25) Tùy Niệm Xứ

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu Tùy niệm xứ này. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán... Phật, Thế Tôn". Khi nào, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục trương dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ-kheo, ở đây một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết... được người trí tự mình giác hiểu". Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực... các loài hữu tình được thanh tịnh.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử niệm Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn... là ruộng phước vô thượng ở đời". Khi nào, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử niệm Tăng... các loài hữu tình được thanh tịnh.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm giới: "Giới không bị bể vụn... đưa đến Thiền định". Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử tùy niệm giới, trong khi ấy tâm không bị tham chi phối... các loài hữu tình được thanh tịnh.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tự mình tùy niệm thí của mình: "Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi cho ta... trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối... các loài hữu tình được thanh tịnh".

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Thiên: "Có bốn Thiên vương, có chư Thiên cõi Trời Ba mươi ba, có chư Thiên Yàma, có chư Thiên Tusità (Ðâu-suất), có chư Thiên Hóa Lạc Thiên, có chư Thiên Tha hóa Tự tại, có chư Thiên Phạm chúng, có chư Thiên cao hơn nữa. Ðầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ ở nơi ta. Ðầy đủ với giới, với nghe pháp, với thí, với tuệ như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng có đầy đủ ở nơi ta". Khi vị ấy niệm tín, giới, nghe pháp, thí và tuệ của tự mình và chư Thiên ấy, trong khi ấy, tâm không bị tham, chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ-kheo là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ-kheo, ở đây, một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

Này các Tỷ-kheo, đây là sau Tùy niệm xứ.

(VI) (26) Kaccàna

1. Tại đấy, Tôn giả Mahàkaccàna gọi các Tỷ-kheo:

- Chư Hiền giả Tỷ-kheo!

- Thưa vâng, Hiền giả.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahàkaccàna. Tôn giả Mahàkaccàna nói như sau:

2. - Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hy hữu thay, chư Hiền giả! Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, đã chứng ngộ và đạt được sự mở rộng khỏi bị trói buộc, nhờ vậy, các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt khỏi sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là sáu Tùy niệm xứ. Thế nào là sáu?

3. Ở đây, này các Hiền giả, Thánh đệ tử niệm Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán... Phật thế Tôn". Này chư Hiền, trong khi Thánh đệ tử niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân hận chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này chư Hiền, là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Thánh đệ tử ấy, này chư Hiền, trong tất cả thời, sống với tâm đồng đẳng với hư không, rộng lớn quảng đại, vô lượng, không hận, không sân. Này chư Hiền, lấy cái này làm đối tượng, ở đây một số loài hữu tình được thanh tịnh.

4. Lại nữa, này chư Hiền, vị Thánh đệ tử niệm Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết... được các người có trí tự mình giác hiểu". Này chư Hiền, trong khi Thánh đệ tử niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này chư Hiền, là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Thánh đệ tử ấy, trong tất cả thời, sống với tâm đồng đẳng với hư không, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân. Này chư Hiền, lấy cái này làm đối tượng, ở đây một số loài hữu tình được thanh tịnh.

5-8. Lại nữa, này chư Hiền, vị Thánh đệ tử niệm Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn... là ruộng phước vô thượng ở đời... niệm các giới... niệm thí... niệm chư Thiên..." Thánh đệ tử, này chư Hiền, trong khi niệm chư Thiên, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này chư Hiền, là đồng nghĩa với các dục trưởng dưỡng. Thánh đệ tử ấy, trong tất cả thời, sống với tâm đồng đẳng với hư không, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân. Này chư Hiền, lấy tư tưởng này làm đối tượng, ở đây, một số loài hữu tình được thanh tịnh.

Thật vi diệu thay, này chư Hiền! Thật hy hữu thay, này chư Hiền, Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, đã chứng ngộ và đạt được sự mở rộng khỏi bị trói buộc, nhờ vậy các loài hữu tình được thanh tịnh vượt khỏi sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là sáu Tùy niệm xứ.

(VII) (27) Các Thời Gian (1)

1. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Có bao nhiêu thời gian để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý?

2. - Có sáu thời gian, này Tỷ-kheo, để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Thế nào là sáu?

3. Ở đây, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị dục tham chi phối, bị dục tham ám ảnh, vị ấy không như thật rõ biết dục tham đang khởi lên, trong khi ấy, sau khi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: "Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị dục tham chi phối, bị dục tham ám ảnh, tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi dục tham. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận dục tham". Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn tham. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ nhất để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

4. Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị sân chi phối, bị sân ám ảnh, không như thật rõ biết xuất ly khỏi sân được khởi lên, trong khi ấy, sau khi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: "Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị dục sân chi phối, bị dục sân ám ảnh, tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi sân. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận sân". Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn sân. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ hai để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

5-7. Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị hôn trầm thụy miên chi phối, bị hôn trầm thụy miên ám ảnh... bị trạo hối chi phối, bị trạo hối ám ảnh... bị nghi chi phối, bị nghi ám ảnh, không như thật rõ biết xuất ly khỏi nghi được khởi lên, trong khi ấy, sau khi đến, Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: "Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị nghi chi phối, bị tâm bị nghi ám ảnh. Tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi nghi. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận nghi". Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn tận nghi. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ năm để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

8. Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo y cứ nơi tướng nào, do tác ý tướng ấy, các lậu hoặc được đoạn diệt, không có gián đoạn, vị ấy không biết, không thấy tướng ấy, trong khi ấy, sau khi đi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: "Thưa Hiền giả, y cứ nơi tướng nào, do tác ý tướng ấy các lậu hoặc được đoạn diệt, không có gián đoạn, tôi không biết không thấy tướng ấy. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn diệt các lậu hoặc". Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn diệt các lậu hoặc. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ sáu để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

Ðây là sái thời gian, mày Tỷ-kheo, để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

(VIII) (28) Các Thời Gian (2)

1. Một thời, rất nhiều Tỷ-kheo trú tại Bàrànasi, chỗ chư Thiên đọa xứ, vườn Lộc Uyển. Sau khi ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, các vị Tỷ-kheo ngồi tụ họp lại trong căn nhà hình tròn, và câu chuyện sau đây được khởi lên:

- Này chư Hiền, thời giờ nào để đi đến yết kiến vị Tỷ-kheo đã được tu tập về ý?

2. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo bạch với các Tỷ-kheo trưởng lão:

- Thưa chư Hiền, khi nào vị Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, sau buổi ăn trưa, trên con đường khất thực trở về, sau khi rửa chân, đã ngồi xuống, kiết-già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt, đấy là thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

3. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác nói với Tỷ-kheo ấy:

- Thưa Hiền giả, đây không phải thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Này Hiền giả, trong khi Tỷ-kheo được tu tập về ý, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, sau khi rửa chân, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, bị mệt mỏi vì đi bộ, trong khi ấy, không cảm thấy khinh an, bị mệt mỏi vì ăn uống, trong khi ấy, không cảm thấy khinh an. Do vậy, không phải thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo được tu tập về ý. Này Hiền giả, trong khi Tỷ-kheo được tu tập về ý, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, dưới bóng của tịnh xá, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, thời ấy chính là thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

4. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác nói với vị Tỷ-kheo ấy:

- Thời ấy không phải thời để đi yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Thưa Hiền giả, trong khi Tỷ-kheo được tu tập về ý, vào buổi chiều từ Thiền tịnh đứng dậy, dưới bóng ngôi tịnh xá, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, định tướng gì vị ấy tác ý ban ngày, định tướng ấy trong khi ấy được hiện hành. Do vậy, đây không phải là thời để đi yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Này Hiền giả, Tỷ-kheo được tu tập về ý, sau khi đêm vừa mãn, mới thức dậy, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Khi ấy là thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

5. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác nói với Tỷ-kheo ấy:

- Khi ấy không phải thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo được tu tập về ý. Này Hiền giả, trong khi Tỷ-kheo được tu tập về ý, sau khi đêm đã mãn, thức dậy, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, trong khi ấy, thân thể đầy nhựa sống, vị ấy cảm giác thoải mái, tác ý đến lời dạy của các Đức Phật. Do vậy, khi ấy không phải là thời để yết kiến Tỷ-kheo được tu tập về ý.

6. Ðược nói vậy, Tôn giả Mahà Kaccàna nói với các Tỷ-kheo trưởng lão ấy:

- Thưa các Hiền giả, tôi tự thân nghe từ Thế Tôn, tự thân lãnh thọ như sau: Có sáu thời này, Tỷ-kheo nên đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Thế nào là sáu?

7-8. Mahà Kaccàna(lặp lại kinh 27 ở trên).

- Thưa chư Hiền, chính tôi tự thân nghe từ Thế Tôn, tự thân lãnh thọ như sau: Có sáu thời này, Tỷ-kheo cần đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

(IX) (29) Udàyi

1. Rồi Thế Tôn gọi Tôn giả Udàyi:

- Này Udàyi, có bao nhiêu chỗ để tùy niệm?

Ðược nói vậy, Tôn giả Udàyi giữ im lặng. Lần thứ hai, Thế Tôn bảo Tôn giả Udàyi:

- Có bao nhiêu chỗ để tùy niệm?

Lần thứ hai, Tôn giả Udàyi giữ im lặng. Lần thứ ba, Thế Tôn bảo Tôn giả Udàyi:

- Có bao nhiêu chỗ để tùy niệm? Lần thứ ba, Tôn giả Udàyi giữ im lặng. Rồi Tôn giả Ananda nói với Tôn giả Udàyi:

- Này Hiền giả Udàyi, Thế Tôn gọi Hiền giả!

- Thưa Hiền giả Ananda, tôi có nghe Thế Tôn gọi. Bạch Thế Tôn, khi Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời trước ở quá khứ như một đời, hai đời... vị ấy nhớ nhiều đời trước với các nét đại cương và các chi tiết. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm.

Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:

- Ta đã biết, này Ananda, kẻ ngu Udàyi này không sống chuyên tâm vào tăng thượng tâm. Này Ananda, có bao nhiêu chỗ để tùy niệm?

- Bạch Thế Tôn, có năm chỗ để tùy niệm. Thế nào là năm?

2. Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện... chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú.

3. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo tác ý với tưởng ánh sáng, trú vào tưởng ban ngày. Ngày như thế nào thời đêm như vậy. Ðêm như thế nào thời ngày như vậy. Như vậy, với tâm rộng mở, không có hạn chế, vị ấy tu tập tâm với ánh sáng, chiếu sáng. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm, tu tập như vậy, làm cho sung mãn, đưa đến chúng đắc tri kiến.

4. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo quán sát thân này từ bàn chân trở lên trên, từ đảnh tóc trở xuống, được da bọc và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mũ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm, tu tập như vậy, làm sung mãn như vậy, đưa đến đoạn tận tham dục.

5. Lại nữa, bạch Thế Tôn, ví như vị Tỷ-kheo thấy một bài thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, một ngày hay hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh ứ lại, thối ra mủ chảy. Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Ví như vị ấy thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loại quạ ăn; hay bị các loài diều hâu ăn; hay bị các chim kêu ăn; hay bị các loài chó ăn; hay bị các loài dã can ăn; hay bị các loài côn trùng ăn. Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Ví như vị ấy thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, với các xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt, nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại; với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; chỉ còn xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây, là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là đầu. Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: "Thân này bản chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Hay ví như vị ấy thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc, chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm, chỉ còn là xương thối trở thành bột. Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau:: "Thân này bản chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Ðây là chỗ để tùy niệm, bạch Thế Tôn, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, đưa đến nhổ tận gốc kiêu mạn "Tôi là".

6. Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo bỏ lạc, bỏ khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Ðây là chỗ để tùy niệm, bạch Thế Tôn, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, đưa đến sự thể nhập hoàn toàn các giới sai khác nhau.

Bạch Thế Tôn, đây là năm chỗ để tùy niệm.

- Lành thay, lành thay, này Ananda! Ðây là chỗ tùy niệm thứ sáu, hãy thọ trì ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo chánh niệm đi ra, chánh niệm đi vào, chánh niệm ngồi, chánh niệm nằm, chánh niệm trong khi làm việc. Này Ananda, đây là chỗ để tùy niệm, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, được đưa đến chánh niệm tỉnh giác.

(X) (30) Trên Tất Cả

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp vô thượng này. Thế nào là sáu?

2. Thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng, phục vụ vô thượng, tùy niệm vô thượng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thấy vô thượng?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi xem voi báu, đi xem ngựa báu, đi xem châu báu, hay đi xem các vật lớn nhỏ, hay đi xem Sa-môn, hay Bà-la-môn có tà kiến, có tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có phải là thấy không? Ta nói rằng: Ðây là không thấy". Sự thấy ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, hà hèn hạ, là phàm phù, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai đi yết kiến Thế Tôn hay đệ tử Thế Tôn, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín thời này, các Tỷ-kheo, đây là thấy vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là đi yết kiến Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thấy vô thượng, đây là thấy vô thượng. Còn nghe vô thượng là gì?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi nghe tiếng trống, đi nghe tiếng sáo, đi nghe tiếng ca, hay đi nghe tiếng cao thấp khác nhau, hay đi nghe pháp các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có phải là nghe không? Ta nói rằng: "Ðây là không nghe". Sự nghe ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, hà hèn hạ, là phàm phù, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai đi để nghe pháp của Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín thời này, các Tỷ-kheo, đây là sự nghe vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là đi nghe pháp của Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghe vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng. Còn lợi đắc vô thượng là gì?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được con, được vợ, được tài sản, được các vật cao thấp khác nhau, được lòng tin vào các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có lợi đắc hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không lợi đắc". Lợi đắc ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, hà hèn hạ, là phàm phù, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai được lòng tin vào Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín thời này các Tỷ-kheo, đây là đắc lợi vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là được lòng tin vào Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đắc lợi vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, đắc lợi vô thượng. Còn học tập vô thượng là gì?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người học tập về voi, học tập về ngựa, học tập về xe, học tập về cung pháp, học tập về kiếm pháp, học tập về các nghề cao thấp sai biệt hay học tập theo các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có học tập hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không học tập". Học tập ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, hà hèn hạ, là phàm phù, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai học tập Tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, đây là học tập vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là học tập Tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là học tập vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng. Còn phục vụ vô thượng là như thế nào?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người phục vụ Sát-đế-ly, phục vụ Bà-la-môn, phục vụ gia chủ, phục vụ các người cao thấp sai biệt hay phục vụ Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có phục vụ hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không phục vụ". Phục vụ ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, hà hèn hạ, là phàm phù, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai phục vụ Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, đây là phục vụ vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là phục vụ Như Lai hay đệ tự Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phục vụ vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng, phục vụ vô thượng. Và thế nào là tùy niệm vô thượng?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tùy niệm được con, tùy niệm được vợ, tùy niệm được tài sản, tùy niệm được cao thấp sai biệt hay phục vụ Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có tùy niệm hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không tùy niệm". Tùy niệm ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, hà hèn hạ, là phàm phù, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai tùy niệm Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, tùy niệm ấy là vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là tùy niệm Như Lai hay đệ tự Như Lai, với lòng tin được an trú, với lòng ái mộ được an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tùy niệm vô thượng.

Này các Tỷ-kheo, có sáu tùy niệm này:

Ai được thấy tối thắng,
Và được nghe vô thượng,
Ðược lợi đắc vô thượng,
Vui học tập vô thượng,
An trú trong phục vụ,
Tu tập chuyên tùy niệm,
Liên hệ đến viễn ly,
Ðạt an ổn, bất tử,
Hoan hỷ, không phóng dật,
Thận trọng, hộ trì giới,
Khi thời đã chín muồi
Ðau khổ được đoạn tận.



IV. Phẩm Chư Thiên

(I) (31) Hữu Học

1. - Sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa Tỷ-kheo hữu học đến thối đọa. Thế nào là sáu?

2. Ưa công việc, ưa nói chuyện, ưa ngủ, ưa hội chúng, các căn không phòng hộ, ăn uống không tiết độ.

Sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa Tỷ-kheo hữu học đến thối đọa.

3. Sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa Tỷ-kheo hữu học đến thối đọa. Thế nào là sáu?

4. Không ưa công việc, không ưa nói chuyện, không ưa ngủ nghỉ, không ưa hội chúng, các căn có phòng hộ, ăn uống có tiết độ.

Sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không đưa Tỷ-kheo hữu học đến thối đọa.

(II) (32) Không Thối Ðọa (1)

1. Rồi một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn: "Có sáu pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến thối đọa. Thế nào là sáu? Kính trọng Ðạo Sư, kính trọng Pháp, kính trọng chúng Tăng, kính trọng học pháp, kính trọng không phóng dật, kính trọng tiếp đón. Sáu pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến thối đọa.

Thiên nhân ấy nói như vậy, Bậc Ðạo Sư chấp nhận. Rồi Thiên nhân ấy nghĩ rằng: "Bậc Ðạo Sư đã chấp nhận ta", đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ.

2. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, gọi các Tỷ-kheo:

- Ðêm nay, này các Tỷ-kheo, có một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta; sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói với Ta: "Có sáu pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến thối đọa. Thế nào là sáu? Kính trọng Ðạo Sư, kính trọng Pháp, kính trọng chúng Tăng, kính trọng học pháp, kính trọng không phóng dật, kính trọng tiếp đón. Sáu pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến thối đọa". Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy. Nói như vậy xong, vị ấy đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.

Tỷ-kheo kính Ðạo Sư,
Cung kính Pháp và Tăng,
Học pháp không phóng dật,
Cung kính nghinh tiếp đón,
Không thể bị thối đọa,
Nhất định gần Niết-bàn.

(III) (33) Không Thối Ðọa (2)

1. - Ðêm nay, này các Tỷ-kheo, một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jatavana, đi đến Ta; sau khi đến đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy thưa với Ta: "Có sáu pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến thối đọa. Thế nào là sáu? Kính trọng Ðạo Sư, kính trọng Pháp, kính trọng chúng Tăng, kính trọng học pháp, kính trọng hổ thẹn, kính trọng sợ hãi. Sáu pháp này, bạch Thế Tôn, không đưa Tỷ-kheo đến thối đọa". Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy. Nói như vậy xong, vị ấy đảnh lễ Ta, thân bên hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.

Cung kính bậc Ðạo Sư,
Cung kính lớn Pháp Tăng,
Ðầy đủ tàm và quý
Kính nhường và cung kính,
Không thể bị thối đọa,
Nhất định gần Niết-bàn.

(IV) (34) Ðại Mục Kiền Liên

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Jetavana, chỗ khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna trong khi độc cư thiền tịnh, những suy nghĩ như sau được khởi lên: "Có bao nhiêu chư Thiên có trí như sau: "Ta là bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc đạt được giác ngộ?" "

Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo Tissa mệnh chung không bao lâu, được lên một Phạm thiên giới. Tại đấy, họ biết vị ấy là: "Phạm thiên Tissa, có đại thần lực, có đại uy lực".

2. Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna, ví như người lực sĩ duỗi bàn tay đang co lại hay co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy biến mất ở Jetavana và hiện ra ở Phạm thiên giới ấy. Phạm thiên Tissa thấy Tôn giả Mahà Moggallàna từ xa đi đến; sau khi thấy, nói Tôn giả Mahà Moggallàna:

- Hãy đến, bạn Moggallàna! Thiện lai, bạn Moggallàna! Ðã lâu, bạn Moggallàna, mới tạo cơ hội này, tức là đến đây. Này bạn Moggallàna, hãy ngồi trên chỗ đã soạn này!

Tôn giả Mahà Moggalàna ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Phạm thiên Tissa đảnh lễ Tôn giả Mahà Moggallàna, rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Mahà Moggallàna nói với Phạm thiên đang ngồi một bên:

- Có bao nhiêu Thiện nhân, này Tissa, có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ"?

- Này bạn Moggallàna, bốn Thiên vương có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ".

- Này Tissa, có phải tất cả Bốn Thiên vương đều có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ"?

- Này bạn Moggallàna, không phải tất cả Bốn Thiên vương đều có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc đạt đến giác ngộ". Này bạn Moggallana, Bốn Thiên vương nào không thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Đức Phật, không thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, không thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Tăng, không thành tựu các Giới Luật được các bậc Thánh ái kính, Bốn Thiên vương ấy không có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ". Và này bạn Moggallàna, Bốn Thiên vương nào thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, thành tựu lòng tịnh tín đối với Pháp, thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Tăng, thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với các Giới được bậc trí ái kính, Bốn Thiên vương ấy có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ".

- Này Tissa, có phải chỉ có Bốn Thiên vương mới có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ", hay các chư thiên ở cõi trời Ba mươi ba... hay các chư Thiên Dạ-ma... hay các chư Thiên ở cõi Tusità (Ðâu-suất)... hay chư thiên Hóa lạc hay chư Thiên tha hóa Tự tại... cũng có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ"?

- Này bạn Moggallàna, chư Thiên Tha hóa Tự tại có trí như sau: "Chúng ta là bậc dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ".

- Này Tissa, có phải tất cả chư Thiên Tha hóa Tự tại đều có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu, không còn bị đọa lạc, quyết chắc đạt đến giác ngộ"?

- Này bạn Moggallàna, không phải tất cả chư Thiên Tha hóa Tự tại đều có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ". Này bạn Moggallàna, chư thiên Tha hóa Tự tại nào không thành tựu lòng tịnh tín bất động với Đức Phật, không thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, không thành tựu lòng tịnh tín bất động với Tăng, không thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với các Giới được các bậc Thánh ái kính, các chư Thiên ấy không có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dư lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ". Và này bạn Moggallàna, chư thiên Tha hóa Tự tại nào thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Đức Phật, thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Tăng, thành tựu các Giới được các bậc Thánh ái kính, chỉ những chư Thiên ấy mới có trí như sau: "Chúng ta là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến giác ngộ".

3. Rồi Tôn giả Mahà Moggalàna sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói của Phạm thiên Tissa, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy, biến mất tại Phạm thiên giới và hiện tại Jetavana.

(V) (35) Minh Phần

1. - Có sáu pháp này thuộc về minh phần. Thế nào là sáu?

2. Tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham, tưởng đoạn diệt.

Sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, là thuộc về minh phần.

(VI) (36) Gốc Rễ Của Ðấu Tranh

1. - Có sáu gốc rễ đấu tranh này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo phẫn nộ và hiềm hận.

Này các Tỷ-kheo, ở đây, vị Tỷ-kheo phẫn nộ, hiềm hận. Này các Tỷ-kheo, ai phẫn nộ, hiềm hận, vị ấy sống không cung kính, không tùy thuận bậc Ðạo Sư, sống không cung kính, không tùy thuận Pháp, sống không cung kính, không tùy thuận Tăng, không thành tựu đầy đủ các Học pháp. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống không cung kính, không tùy thuận bậc Ðạo Sư, không cung kính, không tùy thuận Pháp, không cung kính, không tùy thuận Tăng, không thành tựu đầu đủ các Học pháp, vị ấy khởi lên tranh luận giữa chư Tăng. Tranh luận như vậy khiến nhiều người không hạnh phúc, khiến nhiều người không an lạc, khiến nhiều người không lợi ích, khiến chư Thiên và loài Người không hạnh phúc và đau khổ. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy thấy ác tránh căn ấy giữa các Thầy hay ngoài các Thầy, này các Tỷ-kheo, các Thầy phải cố gắng đoạn trừ ác tránh căn ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy không ác tránh căn ấy giữa các Thầy hay ngoài các Thấy, này các Tỷ kheo, các Thầy hãy tác động đừng cho ác tránh căn ấy có cơ hội làm hại trong tương lai. Như vậy là đoạn tận ác tránh căn ấy. Như vậy là ngăn chận nguy hại ác tránh căn ấy trong tương lai.

3. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, vị Tỷ-kheo giả dối và não hại... tật đố và xan tham... lừa đảo vá man trá... ác dục và tà kiến... chấp trước sở kiến, kiên trì gìn giữ, rất khó rời bỏ. Này các Hiền giả, Tỷ-kheo chấp trước sở kiến, kiên trì gìn giữ rất khó rời bỏ, vị ấy sống không cung kính, không tùy thuận bậc đạo Sư, không cung kính, không tùy thuận Pháp, không cung kính, không tùy thuận Tăng, không thành tựu đầy đủ các Học pháp. Này các Hiền giả, Tỷ-kheo không cung kính, không tùy thuận bậc Ðạo Sư... Pháp... Tăng... không thành tựu đầy đủ các Học pháp, vị ấy khởi lên tranh luận giữa chư Tăng. Tranh luận như vậy khiến nhiều người không hạnh phúc, khiến nhiều người không an lạc, khiến nhiều người không ích lợi, khiến chư Thiên và loài Người không hạnh phúc và đau khổ. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy thấy được ác tránh căn ấy giữa các Thầy hay ngoài các Thầy, các Thầy phải cố gắng đoạn trừ ác tránh căn ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy không thấy ác tránh căn ấy giữa các Thầy hay ngoài các Thầy, các Thầy hãy gìn giữ đừng cho ác tránh căn ấy có cơ hội làm hại trong tương lai. Như vậy là sự đoạn tận ác tránh căn ấy. Như vậy là ngăn chặn nguy hại ác tránh căn ấy trong tương lai.

Này các Tỷ-kheo, đây là sáu tránh căn.

(VII) (37) Bố Thí

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Jetavata, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Velukandaki làm một thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ-kheo Tăng, cầm đầu là Sariputta và Moggallàna. Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, thấy mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Velukandaki làm một thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ-kheo Tăng, cầm đầu là Sàriputta và Moggallàna. Sau khi thấy vậy Thế Tôn liền bảo các Tỷ-kheo:

- Có mẹ của Nanda, nữ gia chủ người Velukandaki làm một thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ-kheo Tăng, cầm đầu là Sàriputta và Moggallàna. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ-kheo Tăng?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có ba phần thuộc người bố thí và có ba phần thuộc người nhận đồ bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Ðây là ba phần của người bố thí. Thế nào là ba phần của người nhận bố thí? Ở đây, này các Tỷ-kheo, những người nhận vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Ðây là ba phần của những người nhận vật bố thí. Như vậy là ba phần của người bố thí và ba phần của những người nhận được vật bố thí. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là thí vật gồm có sáu phần.

3. Như vậy, này các Tỷ-kheo, thực không dễ gì nắm được số lượng về công đức một thí vật gồm có sáu phần như vậy: "Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn an lạc, thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc"; vì rằng cả khố công đức lớn được xem là vô số, vô lượng. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong biển lớn, thật không dễ gì nắm lấy một số lượng nước và nói rằng: "Có chừng ấy thùng nước, hay có chừng ấy trăm thùng nước, hay có chừng ấy ngàn thùng nước, hay có chừng ấy trăm ngàn thùng nước"; vì rằng, cả khối lượng lớn nước được xem là vô số, vô lượng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì để nắm được số lượng về công đức của một thí vật gồm sáu phần như vậy: "Có chừng ấy nguồn sanh phước, nguồn sanh thiện, món ăn lạc. thuộc Thiên giới, là quả lạc dị thục, dẫn đến cõi Trời, đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc an lạc"; vì rằng cả khối công đức lớn được xem là vô số, vô lượng.

Trước bố thí, ý vui,
Khi bố thí, tâm tín.
Sau bố thí, hoan hỷ,
Ðây lễ thí đầy đủ.
Ly tham và ly sân,
Ly si, không lậu hoặc,
Vị Phạm hạnh chế ngự
Là ruộng phước lễ thí.
Nếu tự thanh tịnh mình,
Tự tay mình bố thí,
Tự mình đến đời sau,
Lễ thí vậy, quả lớn.
Lễ thí vậy, bậc trí,
Với tín, tâm giải thoát,
Không hận thù, an lạc,
Bậc Hiền sanh ở đời.

(VIII) (38) Tự Làm

1. Rồi một vị Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

2. - Thưa Tôn giả Gatama, tôi nói như sau, có tri kiến như sau: "Không có tự mình làm, không có người khác làm".

- Này Bà-la-môn, Ta không bao giờ thấy, không bao giờ nghe lời nói như vậy, tri kiến như vậy. Sao người ta có thể tự mình bước tới, hay tự mình bước lui, lại có thể nói rằng: "Không có tự mình làm, không có người khác làm"? Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn, có phát khởi giới hay không? (Có vấn đề khởi sự bắt đầu không? )

- Thưa có, thưa Tôn giả.

Nếu đã có sự khởi sự, thời các loài hữu tình có được nêu rõ là có khởi sự không?

- Thưa có, thưa tôn giả.

- Này Bà-la-môn, đã có khởi sự, các loài hữu tình có được nêu rõ là có khởi sự, thời đây là tự mình làm, đây là người khác làm của các loài hữu tình. Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn, có sự khởi xuất giới... có sự khởi nhập giới... có sự nỗ lựa giới... có sự kiên trì giới... có sự dõng tiến giới hay không?

- Thưa có, thưa Tôn giả.

- Này Bà-la-môn, nếu đã có sự dõng tiến giới, thời các loài hữu tình có được nêu rõ có sự dõng tiến giới không?

- Thưa có, thưa Tôn giả.

- Này Bà-la-môn, đã có sự dõng tiến giới, các loài hữu tình có được nêu rõ là có sự dõng tiến giới, thời đây là tự mình làm, đây là người khác làm của các loài hữu tình. Này Bà-la-môn, Ta không bao giờ thấy, không bao giờ nghe nói như vậy, tri kiến như vậy. Sao người ta lại có thể tự mình bước tới, tự mình bước lui lại có thể nói rằng: "Không có tự mình làm, không có người khác làm".

- Thật vi diệu thay, Thưa Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama... Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(IX) (39) Nhân Duyên

1. - Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp khởi lên. Thế nào là ba?

2. Tham là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên. Sân là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên. Si là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên. Này các Tỷ-kheo, không phải từ tham, không tham khởi các Tỷ-kheo, không phải từ tham, không tham khởi lên. Này các Tỷ-kheo, chính từ tham, chỉ có tham khởi lên. Này các Tỷ-kheo, không phải từ sân, không sân khởi lên. Này các Tỷ-kheo, chính từ sân, chỉ có sân khởi lên. Này các Tỷ-kheo, không phải từ si, không si khởi lên. Này các Tỷ-kheo, chính từ si, chỉ có si khởi lên. Này các Tỷ-kheo, không phải do nghiệp từ tham sanh, không phải do nghiệp từ sân sanh, không phải do nghiệp từ si sanh, chu Thiên được nêu rõ, loài Người được nêu rõ, hay những loài khác đang ở trong thiện thú. Này các Tỷ-kheo, chính do nghiệp từ tham sanh, chính do nghiệp từ sân sanh, chính do nghiệp từ si sanh, địa ngục được nêu rõ, các loài bàng sanh được nêu rõ, các loại ngạ quỷ được nêu rõ, và các loài khác đang ở trong ác thú.

Ðây là ba nhân duyên, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp khởi lên.

3. Có ba nhân duyên này, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp khởi lên. Thế nào là ba?

4. Không tham là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên, không sân là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên, không si là nhân duyên khiến các nghiệp khởi lên. Không phải từ không tham, tham khởi lên. Này các Tỷ-kheo, chính từ không tham, chỉ có không tham khởi lên. Này các Tỷ-kheo, không phải từ không sân, sân khởi lên. Này các Tỷ-kheo, chính từ không sân, chỉ có không sân khởi lên. Này các Tỷ-kheo, không phải từ không si, si khởi lên. Này các Tỷ-kheo, chính từ không si, si khởi lên. Này các Tỷ-kheo, chính từ không si, chỉ có không si khởi lên. Này các Tỷ-kheo, không phải do nghiệp từ không tham sanh, không phải do nghiệp từ không sân sanh, không phải do nghiệp từ không sân sanh, địa ngục được nêu rõ, loài bàng sanh được nêu rõ, cõi ngạ quỹ được nêu rõ, và các loài khác đang ở trong ác thú. nhưng này các Tỷ-kheo, chính do nghiệp từ không tham sanh, chính do nghiệp từ không sân sanh, chính do nghiệp từ không si sanh, chư Thiên được nêu rõ, loài Người được nêu rõ, và các loài khác đang ở trong thiện thú.

Ðây là ba nhân duyên, này các Tỷ-kheo, khiến các nghiệp khởi lên.

(X) (40) Tôn Giả Kimbila

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbila, tại rừng Trúc. Rồi Tôn giả Kimbila đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kimbila bạch Thế Tôn:

2. - Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, sau khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp không còn tồn tại lâu dài?

3. - Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không cung kính, không tùy thuận bậc Ðạo sư, sống không cung kính, không tùy thuận Pháp; sống không cung kính, không tùy thuận chúng Tăng; sống không cung kính, không tùy thuận học pháp; sống không cung kính, không tùy thuận không phóng dật; sống không cung kính, không tùy thuận tiếp đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên khiến cho khi Như Lai nhập diệt, Diệu pháp không tồn tại lâu dài.

4. - Do nhân gì, do duyên gì khi Như Lai nhập diệt, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?

5. Ở đây, này Kimbila, khi Thế Tôn nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính tùy thuận bậc Ðạo Sư; sống cung kính tùy thuận Pháp; sống cung kính tùy thuận chúng Tăng; sống cung kính tùy thuận học pháp; sống cung kính tùy thuận không phóng dật; sống cung kính tùy thuận tiếp đón. Ðây là nhân, đây là duyên, khi Như lai nhập diệt, Diệu pháp được tồn tại lâu dài.

(XI) (41) Ðống Gỗ

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Ràjagaha, tại núi Gijjhakùta. Rồi Tôn giả Sàriputta, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát cùng với số đông Tỷ-kheo, từ núi Gijjhakùta đi xuống. Tôn giả thấy tại một chỗ nọ, một đống gỗ to lớn, thấy vậy liền nói với các Tỷ-kheo:

- Này các Hiền giả, các Hiền giả có thấy đống gỗ to lớn ấy không?

- Thưa Hiền giả, có thấy.

2. - Nếu muốn, này các Hiền giả, một Tỷ-kheo có thần không, đạt được tâm sự tại có thể quán (Tập Sớ Sallakkheyya: Thắng giải, thiên về, hướng về) đống gỗ ấy thành địa đại. Vì cớ sao? Vì rằng có địa giới trong đống gỗ lớn ấy, y tựa theo đó, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm sự tại có thể quán đống gỗ ấy thành địa đại.

3. Nếu muốn, này các Hiền giả, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm tự tại, có thể quán đống gỗ lớn ấy thành nước... thành lửa... thành gió... thành tịnh... thành bất tịnh. Vì cớ sao? Vì rằng có bất tịnh trong đống gỗ lớn ấy, y tựa theo đó, Tỷ-kheo có thần thông, đạt được tâm sự tại, có thể quán đống gỗ ấy thành bất tịnh.

(XII) (42) Tôn Giả Nagita

1. Như vậy tôi nghe:

Một thời thế Tôn đang bộ hành giữa các người Kosala, cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến một làng Bà-la-môn tên là Icchànangala. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Icchànangala, trong khóm rừng Icchànangala. Các Bà-la-môn gia củ ở Icchànangala được nghe: "Tôn giả Gotama là Thích tử, xuất gia từ gia đình họ Thích, đã đến Icchànangala, trú ở Icchànangaka trong khóm rừng Icchànagala. Về Tôn giả Gotama ấy, tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chúng ngộ thế giới này cũng với Thiên giới, Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và Người. Sau khi đã chúng ngộ, Ngài tuyên thuyết điều Ngài đã chúng ngộ, Ngài thuyết pháp điều Ngài đã chúng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch". Tốt đẹp thay, sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy! ". Rồi các Bà-la-môn gia chủ ở Icchànangala, sau khi đêm ấy đã mãn, cầm theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, đi đến khóm rừng Icchànangala, sau khi đến, đứng ở ngoài cổng vào, cao tiếng và lớn tiếng.

2. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nàgita là thị giả của Thế Tôn. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Nàgita:

- Này Nàgita, những ai đã cao tiếng và lớn tiếng như những người đánh cá đang giết hại cá?

- Các người ấy, bạch thế Tôn, là các Bà-la-môn gia chủ trú ở Icchànangala đang đứng ở khu viên cổng ngoài, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm cho Thế tôn và chúng Tăng.

- Này Nàgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng và danh vọng không có liên hệ gì với Ta, Này Nàgita, những ai tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, mà Ta đã tìm được không khó khăn, tìm được không mệt nhọc, tìm được không phí sức, hãy để họ thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc.

- Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy chấp nhận! Thiện Thệ hãy chấp nhận! Nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy các Bà-la-môn gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ cũng sẽ đi đến với tâm hướng về cúng dường. Ví như trời mưa nặng hột, và nước được chảy tùy theo chiều dốc; cũng vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào. tại chỗ ấy các Bà-la-môn gia chủ ở thị trấn và ở quốc độ cũng sẽ đi đến, với tâm hướng về cúng dường. Vì cớ sao? Bạch Thế Tôn do vì giới hạnh và trí tuệ của Thế Tôn!

- Này Nàgita, Ta không vó liên hệ gì với danh vọng và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nàgita, những ai tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc mà Ta đã tìm được không khó khăn, tìm được không mệt nhọc, tìm được không phí sức, hãy để họ thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc.

3. Ở đây, này Nàgita, Ta thấy một Tỷ-kheo ngồi Thiền định tại trú xứ ở cuối làng. Này Nàgita, về vị ấy, Ta suy nghĩ như sau: "Nay có người coi khu vườn hay người Sa-di phá phách vị Tỷ-kheo này, làm cho vị này xuất khỏi thiền định". Do vậy, này Nàgita, Ta không có hoan hỷ với trú xứ của vị ấy.

4. Ở đây, này Nàgita, Ta thấy một Tỷ-kheo đang ngồi ngủ ngục ở trong rừng. Này Nàgita, Ta suy nghĩ về vị ấy như sau: "Nay vị Tỷ-kheo này, sau khi đoạn trừ ngủ nghỉ và mệt nhọc, sẽ tác ý tưởng về rừng đạt được nhất tâm". Do vậy, nầy Nàgita, ta hoan hỷ với trú xứ tại rừng của Tỷ-kheo ấy.

5. Ở đây, này Nàgita, Ta thấy Tỷ-kheo sống ở rừng, ngồi không Thiền định trong rừng. Này Nàgita, đối với vị ấy, Ta suy nghĩ: "Nay Tỷ-kheo này sẽ Thiền định được tâm không Thiền định, hay sẽ bảo vệ tâm đã được Thiền định". Do vậy, này Nàgita. Ta hoan hỷ về trú xứ tại rừng của Tỷ-kheo ấy.

6. Ở đây, này Nàgita, Ta thấy Tỷ-kheo sống ở rừng ngồi với tâm Thiền định ở rừng. này Nàgita, đối với vị ấy, Ta suy nghĩ: "Nay Tỷ-kheo này sẽ giải thoát, tâm chưa được giả thoát hay sẽ bảo vệ tâm se được giải thoát". Do vậy, này Nàgita, Ta hoan hỷ về trú xứ tại rừng của Tỷ-kheo ấy.

7. Ở đây, này Nàgita, Ta thấy Tỷ-kheo sống ở cuối làng, nhận được vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, thích thú với các lợi dưỡng, cung kính, danh văn ấy, bỏ phế thiền tịnh, bỏ phế các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng, đi xuống làng, thị trấn, kinh đô để lo nuôi sống. Do vậy, này Nàgita, Ta không có hoan hỷ về trú xứ cuối làng của Tỷ-kheo ấy.

8. Ở đây, này Nàgita, Ta thấy Tỷ-kheo sống ở rừng nhận được các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng chận đứng các lợi dưỡng, cung kính, danh văn ấy, không bỏ phế Thiền tịnh, không bỏ phế các Trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Do vậy, này Nàgita, Ta hoan hỷ về tú xứ tại rừng của Tỷ-kheo ấy.

Nhưng khi Ta đang bước đi trên con đường, trước mặt, Ta không thấy ai; sau lưng, Ta không thấy ai; trong khi ấy, Ta cảm thấy an ổn, này Nàgita, cho đến vấn đề đi đại, tiểu tiện.



V. Phẩm Dhammika

(I) (43) Con Voi

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvavatthì để khất thực. Khất thực ở Sàvavatthì xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Ngài gọi Tôn giả Ananda:

- Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Ðông Viên, giảng đường Mẹ của Migàra để nghỉ trưa.

- Thưa vâng, bạch thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với Tôn giả Ananda đi đến Ðông Viên, chỗ giảng đường Mẹ của Migàra. Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ thiền tịnh đứng dậy, gọi tôn giả Ananda:

- Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Pubbakotthaka để rửa tay rửa chân.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với Tôn giả Ananda đi đến Pubbkotthaka để rửa tay rửa chân. Sau khi rửa tay rửa chân ở Pubbakotthaka xong, Thế Tôn lên đứng trên bờ, đắp một tấm y, phơi tay chân cho khô.

2. Lúc bấy giờ, Seta, con voi của vua Pasenadi nước Kosala, từ Pubbokatthaka đi ra, với nhiều tiếng các loại trống và nhạc lớn tiếng, dân chúng thấy vậy liền nói: "Ôi đẹp đẽ thay, thưa các Ngài, con voi của vua! Ðáng nhìn thay, thưa các Ngài, con voi của vua! Thoải mái thay, thưa các Ngài, con voi của vua! Thân thể đầy đủ thay, thưa các Ngài, là con voi của vua! Con voi, thưa các Ngài, thật xứng đáng là con voi! "Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, quần chúng, do thấy con voi to lớn, đồ sộ, thân thể đẩy đà nói như sau: "Con voi, thưa các Ngài, thật xứng đáng là con voi! ". Hay là thấy một cái gì khác to lớn, đồ sộ, thân thể đẩy đà nên họ nói như vậy: "Con voi, thưa các Ngài, thật xứng đáng là con voi! "?

- Này Udàyi, quần chúng do thấy con voi to lớn, đồ sộ, thân thể đẩu đà nên nói như sau: "Con voi, thưa các Ngài thật xứng đáng là con voi! "

Này Udàyi, thấy con ngựa... Này Udàyi, thấy con bò... Này Udàyi, thấy con rắn... Này Udàyi, thấy cây... này Udàyi thấy con người to lớn, đồ sộ, với thân thể đẩy đà nên nói như sau: "Con voi, thưa các Ngài, thật xứng đáng là con voi! "Nhưng Ta tuyên bố rằng, này Udàyi, trong thế giới chư Thiên này với Ma giới, Phạm thiên giới, và trên thế giới này các Sa-môn. Bà-la-môn, chư Thiện và loài Người, ai không phạm một tôi về thân, về lời, về ý nghĩ, người ấy Ta nói rằng: "Người ấy là con voi".

- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch thế Tôn. Thế Tôn đã khéo nói như sau: "Này Udàyi, trong thế giới chư Thiện này, với Ma giới, Phạm thiên giới, và trên thế giới này với các Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài Người, ai không phạm một tội lớn về thân, về lời, về ý, người ấy Ta nói rằng: "Người ấy là con voi"".

Bạch Thế Tôn, lời nói tốt đẹp này của Thế Tôn, con xin tùy hỷ với những câu kệ như sau:

Là con người tự giác,
Tự nhiếp phục, được định,
Ðang đi đường Phạm thiên,
Tâm tịnh tín, hoan hỷ,
Cùng tận tất cả Pháp,
Vị ấy, loài người kính,
Vị ấy, chư thiên trọng.
Vị ấy, con được nghe,
LA bậc A-la-hán.
Mọi kiết sử vượt qua,
Thoát rừng, đến Niết-bàn,
Hoan hỷ sống an ổn,
Rời khỏi các dục vọng,
Như vàng thoát đá sỏi.
Voi ấy rực chói sáng,
Chiếu sáng khắp tất cả,
Như ngọn núi Tuyết sơn,
Cao hơn mọi núi đá.
Vị đạt chân, vô thượng,
Vượt tất cả loài voi,
Ta sẽ khen vị voi,
Không làm các tội phạm,
Nhu hòa và thất bại,
Là hai bàn chân trước,
Khổ hạnh và Phạm hạnh,
Là hai bàn chân sau.
Lòng tin là vòi voi,
Trú xả đôi ngà trắng,
Niệm là cô của voi.
Nếu có suy tư gì
Là suy tư Chánh pháp
Bụng là chỗ chứa pháp,
Ðuôi là sống viễn ly,
Vị ấy tu Thiền định,
Hoan hỷ trong hơi thở,
Với nội tâm định tĩnh,
Khéo định tâm Thiền định.
Voi đi là hành Thiền,
Voi đứng là hành Thiền,
Voi nằm là hành Thiền,
Voi ngồi là hành Thiền
Voi hộ trì tất cả,
Ðây viên mãn của voi.
Voi ăn, không phạm lỗi,
Có phạm lỗi không ăn.
Nhận được cơm và áo,
Quyết từ bỏ chất chứa,
Các kiết sử lớn nhỏ,
Cắt đứt mọi trói buộc.
Chỗ nào vị ấy đi,
Vị ấy đi không cầu
Giống như bông hoa sen,
Sanh và lớn trong nước,
Không bị nước uế nhiễm,
Hương thơm đẹp ý người.
Cũng vậy là Đức Phật,
Khéo sanh, vượt khỏi đời,
Không bị đời uế nhiễm,
Như sen không dính nước,
Như lửa lớn cháy đỏ,
Không nhiên liệu, tự tắt,
Ai lắng dịu các hành,
Ðược gọi bậc Tịch tịnh.
Ví dụ này nhiều nghĩa,
Do bậc trí thuyết giảng
Bậc voi lớn được biết
Lấy voi dạy cho voi.
Bậc ly tham, ly sân,
Ly si, không lậu hoặc,
Voi này từ bỏ thân,
Nhập diệt, không lậu hoặc.

(II) (44) Migasàlà

1. Rồi Tôn giả Ananda vào buổi sáng đắp y, cầm y vát, đi đến trú xứ của nữ tu sĩ Migasàlà; sau khi đến, ngồi trên ghế đã soạn sẵn. ngồi xuống một bên, nữ cư sĩ Migasàlà thưa với Tôn giả Ananda:

2.- Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): "Cả hai sống Phạm hạnh và sống không phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai? "Puràna, thân phụ của con, thưa Tôn giả, sống Phạm hạnh, sống biệt lập, tránh xa dâm dục hạ liệt, khi mệnh chung được Thế Tôn trả lời: "Là bậc Dự lưu sanh với thân ở Tusità ( Ðâu-suất)". Còn Isidatta, cậu của con, thưa Tôn giả, sống không Phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung được Thế Tôn trả lời: "Là bậc Dự lưu, sanh với thân ở Tusità". Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): "Cả hai sống Phạm hạnh và sống không Phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai"?

- Này Chị, như vậy là câu trả lời của Thế Tôn.

3. Tôn giả Ananda sau khi nhận đồ ăn khất thực tại nhà của nữ cư sĩ Migasàlà, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi. Rồi Tôn giả Ananda, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng con đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của nữ cư sĩ Migasàlà, sau khi đến, con ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Nữ cư sĩ Migasàlà đi đến con, sau khi đến, đảnh lễ con rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn, nữ cư sĩ Migasàlà thưa với con: "Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết (nói rằng): "Cả hai sống Phạm hạnh và sống không Phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai". Puràna thân phụ con, thưa Tôn giả, sống Phạm hạnh, sống biệt lập, tránh xa dâm dục hạ liệt, khi mệnh chung, được Thế Tôn trả lời: "Là bậc Dự lưu, sanh với thân ở Tusità". Còn Isidatta, cậu của con, thưa Tôn giả, sống không Phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung, được Thế Tôn trả lời: "Là bậc Dự lưu, sanh với thân ở Tusità". Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ananda, cần phải hiểu pháp này do Phạm hạnh và sống không Phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai"? "Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con nói với nữ cư sĩ Migasàlà: "Này Chị, như vậy là câu trả lời của Thế Tôn".

- Nhưng này Ananda, ai là nữ cư sĩ Migasàlà lại ngu si, kém thông minh, với thân như bà mẹ, với trí như bà mẹ, để có thể hiểu biết sự thắng liệt giữa các người? Này Ananda, có sáu hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là sáu?

4.- Ở đây, này Ananda, có người khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị ấy nghe Pháp có tác động, học nhiều có tác động, có thể nhập vào tri kiến, không chứng đắc thời giải thoát. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi về thù thắng.

5. Ở đây, này Ananda, có người khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị ấy nghe Pháp có tác động, học nhiều có tác động, có thể nhập vào tri kiến, có chứng đắc thời giải thoát. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi về thối đọa. Ở đây, này Ananda, những kẻ đo lường đo lường như sau: "Những pháp ấy của vị này là như vậy, những pháp ấy của vị kia là như vậy; làm sao trong những hạng người này, có người hạ liệt, có người là thắng diệu? Và do sự đo lường ấy, này Ananda, đối với những người đo lường là không hạnh phúc, là đau khổ lâu dài. Ở đây, này Ananda, hạng người này, khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị này nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, thể nhập được vào tri kiến, chứng được thời giải thoát. Hạng người này. này Ananda, so sánh với hạng người trước là tiến bộ hơn, là thắng diệu hơn. Vì cớ sao? Vì dòng pháp đưa người này ra phía trước. Nhưng ai ngoài Như Lai có thể biết được sự khác biệt? Do vậy, này Ananda, chớ có là người đo lường các hạng người. Chớ có lấy sự đo lường của các hạng người. Này Ananada, tự đào hố cho mình là người đi lấy sự đo lường của các hạng người. Chỉ có ta, này Ananda, mới có thể lấy sự đo lường của các hạng người, hay là người như Ta.

6. Ở đây, này Ananda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng các tham pháp khởi lên; với người này, nghe pháp không có tác động, học nhiều không có tác động, không thể nhập tri kiến, không chứng được thời giải thoát. Hạng người này sau khi thân hoại mạng chung hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi về thù thắng.

7. Ở đây, này Ananda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng các tham pháp khởi lên; với người này, nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, có thể nhập tri kiến, có chứng được thời giải thoát. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi đến thối đọa...

8. Nhưng ở đây, này Ananda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng khẩu hành khởi lên; với người này, nghe pháp không có tác động, học nhiều không có tác động, không thể nhập tri kiến, không chứng được thời giải thoát. Hạng người này sau khi thân hoại mạng chung hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi đến thù thắng.

9. Ở đây, này Ananda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng khẩu hành khởi lên. Với người này, nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, có thể nhập tri kiến, chứng được thời giải thoát. Hạng người này sau khi thân hoại mạng chung hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi đến thối đọa. Ở đây, Này Ananda, những kẻ đo lường đo lường như sau: "Những pháp ấy của vị này là như vậy; những pháp ấy của vị kia là như vậy. Làm sao trong những hạng người là hạ liệt, cò người là thắng diệu? "Và sự đo lường ấy, này Ananda, đối với những người đo lường là không hạnh phúc, là đau khổ lâu dài.

Ở đây, này Ananda, hạng người này khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị này nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, thể nhập được vào tri kiến, chứng được thời giải thoát. Hạng người này, này Ananda, so sánh với hạng người trước là tiến bộ hơn, là thắng diệu hơn. Vì cớ sao? Vì dòng pháp đưa người này ra phía trước. Nhưng ai ngoài Như Lai có thể biết được sự khác biệt? Do vậy, này Ananda, chớ có làm người đo lường các hạng người. Chớ có lấy sự đo lường của các hạng người. Này Ananda, tự đào hố cho mình là người đi lấy sự đo lường của các hạng người. Chỉ có Ta, này Ananda, mới có thể lấy sự đo lường của các hạng người này hay là người như Ta.

Và này Ananda, ai là nữ cư sĩ Migasàlà, lại ngu si, kém thông minh, với thân như bà mẹ, với trí như bà mẹ, để có thể biết sự thắng liệt giữa các người? Này Ananda, có sáu hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Giới như thế nào, này Ananda, Puràna được thành tựu, giới ấy Isidatta chưa thành tựu. Do vậy ở đây, Puràna có sanh thú khác với sanh thú của Isidatta. Tuệ như thế nào, này Ananda, Isidatta được thành tựu, tuệ ấy Puràna chưa thành tựu. Do vậy ở đây, Isidatta có sanh thú khác với sanh thú của Puràna. Như vậy, này Ananda, cả hai người này đều có thiếu sót một chi phần.

(III) (45) Nghèo Khổ

1. - Sự nghèo khổ, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Khi một người khổ không có sở hữu, sống túng thiếu, phải mắc nợ, mắc nợ ấy, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Khi một người nghèo khổ không có sở hữu, sống túng thiếu, sau khi mắc nợ, phải chấp nhận tiền lời. Tiền lời, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

- Khi một người nghèo khổ, này các Tỷ-kheo, không có sở hữu, sống túng thiếu phải chấp nhận tiền lời, và khi thời hạn đến, không trả được tiền lời, người ta hối thúc, đốc thúc người ấy. Sự thối thúc, đốc thúc, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch thế Tôn.

- Khi một người nghèo khổ, này các Tỷ-kheo, không có sở hữu, sống túng thiếu, bị hối thúc, không trả được, người ta theo sát gót truy tìm người ấy. Bị theo sát gót, bị truy tìm, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Khi một người nghèo khổ, này các Tỷ-kheo, không có sở hữu, sống túng thiếu, bị theo sát gót, bị truy tìm, không trả nợ được, người ta bắt trói người ấy. Sự bắt trói, này các Tỷ-kheo, có phải là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Này các Tỷ-kheo, như vậy, nghèo khổ là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; mắc nợ cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; tiền lời cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị hối thúc, đốc thúc cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị theo sát gót, bị truy tìm cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời; bị bắt trói cũng là một sự đau khổ cho người có tham dục ở đời.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ai không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng hổ thẹn trong các thiện pháp, không có lòng sợ hãi trong các thiện pháp, không có tinh tấn trong các thiện pháp, không có trí tuệ trong các thiện pháp; người này, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu trong Luật của bậc Thánh.

2. Nay chính người ấy, này các Tỷ-kheo, nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu, không có lòng tin trong các thiện pháp, không có lòng hổ thẹn trong các thiện pháp, không có lòng sợ hãi trong các thiện pháp, không có tinh tấn trong các thiện pháp, không có trí tuệ trong các thiện pháp, làm ác hạnh về thân, làm ác hạnh về lời, làm ác hạnh về ý nghĩ. Ta gọi người ấy là người mắc nợ. Người ấy do nhân che giấu thân ác hạnh, khởi lên ác dục, muốn rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", suy nghĩ rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", nói rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", cố gắng với tác động về thân, nghĩ rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm". Người ấy, do nhân che giấu ác hạnh về lời... ác hạnh về ý, khởi lên ác dục, muốn rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", suy nghĩ rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", Nói rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm", cố gắng với tác động về thân, nghĩ rằng: "Mong rằng không ai biết ta làm". Ðây Ta gọi rằng: "Tiền lời gia tăng". Và các đồng Phạm hạnh thuần thành nói về người ấy như sau: "Tôn giả này có làm như vậy, có sở hành như vậy". Ðây Ta nói rằng, người ấy bị hối thúc, đốc thúc, rồi đi đến rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, các ác bất thiện tầm, câu hữu với hối lỗi hiện hành. Ðây Ta gọi là bị theo sát gót, bị truy tìm.

3. Nay chính người ấy, này các Tỷ-kheo, nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu, sau khi làm ác hạnh về thân, sau khi làm ác hạnh về lời, sau khi làm ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung, bị trói buộc trong trói buộc của Ðịa ngục, bị trói buộc trong trói buộc của loài bàng sanh. Và này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một trói buộc nào khác lại khắc nghiệt như vậy, lại ác liệt như vậy, lại làm chướng ngại như vậy cho sự chứng đắc vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, này các Tỷ-kheo, giống như sự trói buộc Ðịa ngục hay sự trói buộc các loài bàng sanh.

Nghèo khổ và mắc nợ,
Ðược gọi khổ ở đời!
Kẻ bần cùng mắc nợ,
Thọ dụng, bị tổn hại,
Rồi bị người truy lùng,
Cho đến bị trói buộc.
Trói buộc vậy là khổ,
Cho người cầu được dục.
Như vậy trong Luật Thánh,
Ai sống không lòng tin,
Không xấu hổ, sợ hãi,
Quyết định chọn ác nghiệp.
Sau khi làm ác hạnh,
Về thân, lời và ý.
Lại mong muốn được rằng:
"Chớ ai biết ta làm".
Người ấy khéo che giấu,
Với thân, lời và ý,
Làm tăng trưởng ác nghiệp,
Tại đây, đó, làm nữa.
Người ác tuệ, ác nghiệp,
Biết việc ác mình làm,
Như kẻ nghèo mắc nợ,
Thọ dụng, bị tổn hại.
Những tư tưởng khổ đau
Sanh ra từ hối hận
Vẫn truy tìm người ấy,
Ở làng hoặc ở rừng.
Người ác nghiệp, ác tuệ,
Biết việc ác mình làm,
Hoặc rơi vào bàng sanh,
Hoặc bị trói Ðịa ngục.
Trói buộc này là khổ.
Bậc trí được giải thoát,
Ai tâm tịnh bố thí,
Với vật dụng đúng pháp,
Gieo cầu may hai đường,
Tín tại gia tìm cầu,
Hiện tại được hạnh phúc,
Ðời sau được an lạc.
Như vậy tại gia thí,
Tăng trưởng các công đức.
Như vậy trong Luật Thánh
Tín tâm được an trú.
Có xấu hổ, sợ hãi,
Có trí, bảo hộ giới,
Bậc ấy, trong Luật Thánh,
Ðược gọi: "Sống an lạc".
Ðược lạc không vật chất,
An trú trên tánh xả.
Từ bỏ năm triền cái,
Thường siêng năng, tinh cần,
Chứng Thiền định, nhứt tâm,
Thận trọng, giữ chánh niệm.
Biết như thật là vậy,
Ðoạn diệt mọi kiết sử,
Hoàn toàn không chấp thủ,
Chơn chánh, tâm giải thoát,
Với chánh giải thoát ấy,
Nếu trí như vậy khởi:
"Bất động ta giải thoát,
Ðoạn diệt hữu kiết sử".
Trí này, trí tối thượng,
Lạc này, lạc vô thượng,
Không sầu, không trần cấu,
Ðược an ổn, (giải thoát),
Trạng thái không nợ này,
Ðược xem là tối thượng.

(IV) (46) Mahàcunda

1. Như vậy tôi nghe:

Một thời, Tôn giả Mahàcunda trú ở Cetì, tại Sahajàti. Tại đấy, Tôn giả Mahàcunda gọi các Tỷ-kheo:

- Này các Hiền giả Tỷ-kheo!

- Thưa Hiền giả!

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahàcunda. Tôn giả Mahàcunda nói như sau:

2. - Ở đây, này chư Hiền, một số Tỷ-kheo chuyên tâm về Pháp không ưa thích các Tỷ-kheo tu Thiền, nói như sau: "Các người này nói: "Chúng tôi tu Thiền, chúng tôi tu Thiền". Họ tu Thiền, họ hành Thiền. Những người này Thiền cái gì? Những người này Thiền có lợi ích gì? Những người này Thiền như thế nào? "". Ở đây, các Tỷ-kheo chuyên tâm về Pháp không hoan hỷ, và các Tỷ-kheo tu Thiền cũng không hoan hỷ; hành động như vậy không đưa lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, không đưa lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.

3. Ở đây, này chư hiền, một số Tỷ-kheo tu thiền không ưa thích c ác Tỷ-kheo chuyên tâm về Pháp, nói như sau: "Các người này nói: "Chúng tôi chuyên tâm về Pháp, chúng tôi chuyên tâm về Pháp". Họ tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng. Những người này chuyên tâm về Pháp cái gì? Những người này chuyên tâm về Pháp có lợi ích gì? Những người này chuyên tâm về Pháp như thế nào? "". Ở đây, này các Tỷ-kheo tu Thiền không có hoan hỷ, và các Tỷ-kheo, chuyên tu về Pháp cũng không hoan hỷ; hành động như vậy không đưa lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, không đưa lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.

4. Nhưng ở đây, này chư Hiền, có những Tỷ-kheo chuyên tâm về Pháp, chỉ tán thán các Tỷ-kheo chuyên tâm về Pháp, không tán thán các Tỷ-kheo tu Thiền. Và ở đây, các Tỷ-kheo chuyên tâm về Pháp không được hoan hỷ; các Tỷ-kheo tu Thiền không được hoan hỷ. Hành đông như vậy không đưa lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, không đưa lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài Người.

5. Nhưng ở đây, này chư Hiền, có những Tỷ-kheo tu Thiền chỉ tán thán các Tỷ-kheo tu Thiền, không tán thán các Tỷ-kheo chuyên tâm về Pháp. Và ở đây, các Tỷ-kheo tu Thiền không được hoan hỷ; các Tỷ-kheo chuyên tâm về Pháp không được hoan hỷ. Sở hành như vậy không đưa lại hạnh phúc cho nhiều nguời, an lạc cho nhiều người, không đưa lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài người.

6. Do vậy, này chư Hiền, cần phải học tập như sau:

"Chúng ta là những người chuyên tâm về Pháp, chúng ta sẽ tán thán các Tỷ-kheo tu Thiền ". Này chư Hiền, chư Hiền cần phải học tập như vậy. Vì cớ sao? Thật vậy, này chư Hiền, các người vi diệu ấy khó tìm được ở đời, những người cảm giác bất tử giới với thân và an trú.

7. Do vậy, này chư Hiền, cần phải học tập như sau:

"Chúng ta là những người tu thiền, chúng ta sẽ tán thán các Tỷ-kheo chuyên tâm về Pháp". Này chư Hiền, chư Hiền cần phải học tập như vậy. Vì cớ sao? Thật vậy, này chư Hiền, các người vi diệu ấy khó tìm được ở đời, những người với trí tuệ thể nhập và thấy con đường thâm sâu hướng dẫn đến đích.

(V) (47) Cho Ðời Này (1)

1. Rồi du sĩ ngoại đạo Moliyasìvaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, său khi nói lên những lời hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ ngoại đạo Moliyasìvaka bạch Thế Tôn:

-Pháp là thiết thực hiện tại, Pháp là thiết thực hiện tại, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu?

2.- Vậy này Sìvaka, ở đây Ta sẽ hỏi Ông; nêu Ông có thể kham nhẫn thời hãy trả lời. Ông nghĩ thế nào, này Sìvaka? Nội tâm có tham, Ông có biết: "Nội tâm ta có tham"? Nội tâm không có tham, Ông có biết: "Nội tâm ta không có tham"?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Này Sìvaka, nội tâm có tham, Ông có biết: "Nội tâm ta có tham". Nội tâm không có tham, Ông có biết: "Nội tâm ta không có tham". Như vậy này Sìvaka, pháp là thiết thực hiện tại... Ông nghĩ thế nào, này Sìvaka? Nội tâm có sân...( Như trên)...Ông nghĩ thế nào, này Sìvaka? Nội tâm có si, Ông có biết: "Nội tâm ta có si"? Hay nội tâm không si, Ông có biết: "Nội tâm ta không si"?

-Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Này Sìvaka, nội tâm có si, Ông có biết: "Nội tâm ta có si", hay nội tâm không có si, Ông có biết: "Nội tâm ta không si". như vậy, này Sìvaka, pháp là thiết thực hiện tại... Ông nghĩ thế nào, này Sìvaka? Nội tâm có tham pháp,... hay nội tâm có sân pháp..., hay nội tâm có si pháp..., Ông có biết: "Nội tâm ta có si pháp"?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Hay nội tâm không có si pháp. Ông có biết: "Nội tâm ta không có si pháp"?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Này Sìvaka, nội tâm có si pháp, Ông có biết: "Nội tâm ta có si pháp", hay nội tâm không có si pháp, Ông có biết: "Nội tâm ta không có si pháp. "Như vậy, này Sìvaka, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu.

- Thật vi diệu thay! ... Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(VI) (48) Cho Ðời Này (2)

1. Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vị Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

- Pháp là thiết thực hiện tại, pháp là thiết thực hiện tại, thưa Tôn giả Gotama, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu?

2.- Vậy này Bà-la-môn, ở đây Ta sẽ hỏi Ông. Nếu Ông có thể kham nhẫn thời hãy trả lời; Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn? Nội tâm có tham ái, Ông có biết: "Nội tâm ta có tham ái"? Hay nội tâm không có tham ái. Ông có biết: "Nội tâm ta không có tham ái"?

- Thưa có, thưa Tôn giả.

- Này Bà-la-môn, nội tâm có tham ái, Ông có biết: "Nội tâm ta có tham ái". Hay nội tâm không có tham ái, Ông có biết: "Nội tâm ta không có tham ái. "Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại... Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn? Nội tâm ta có si"? Hay nội tâm không có si, Ông có biết: "Nội tâm ta không có si"?

-Thưa có, thưa Tôn giả.

- Này Bà-la-môn, nội tâm có si, Ông có biết: "Nội tâm ta có si." Hay nội tâm không có si, Ông có biết: "Nội tâm ta không có si. "Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại...Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn? Nội tâm có thân uế..., hay nội tâm có khẩu uế...hay nội tâm có ý uế, Ông có biết: "Nội tâm ta có ý uế"? Hay nội tâm không có ý uế, Ông có biết: "Nội tâm ta không có ý uế..."?

- Thưa có, thưa Tôn giả.

- Này Bà-la-môn, nội tâm có ý uế, Ông có biết: "Nội tâm ta có ý uế". Hay nội tâm không có ý uế, Ông có biết: "Nội tâm ta không có ý uế". Như vậy này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm để tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(VII) (49) Khema

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, Jetavana, tại khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sumana trú ở Sàvavatthì, tại rừng Andha. Rồi Tôn giả Khema và Tôn giả Sumana đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Khema bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, Phạm hạnh đã thành, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí giải thoát. Vị ấy không nghĩ rằng: "Có người tốt hơn ta" hay "Có người giống như ta" hay "Có người hạ liệt hơn ta".

Tôn giả Khema nói như vậy, Bậc Ðạo Sư chấp nhận. Rồi Tôn giả Khema nghĩ rằng: "Thế Tôn đã chấp nhận ta". Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Tôn giả Sumana, khi Tôn giả Khema ra đi không bao lâu, liền bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, Phạm hạnh đã thành, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí giải thoát. Vị ấy không nghĩ rằng: "Có người tốt hơn ta", hay "Có người giống như ta", hay "Có người hạ liệt hơn ta".

Tôn giả Sumana nói như vậy, bậc Ðạo Sư chấp nhận. Rồi tôn giả Sumana nghĩ rằng: "Thế Tôn đã chấp nhận ta". Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

2. Rồi Thế Tôn, sau khi Tôn giả Khema và Tôn giả Sumana ra đi không bao lâu, liền bảo các Tỷ-kheo:

- Như vậy, này các Tỷ-kheo, các thiện nam tử nói lên chánh trí, có nói đến mục đích, nhưng không đề cập đến tự ngã. Tuy vậy, ở đây một số kẻ ngu nói lên chánh trí một cách ngạo mạn đắc chí. Họ về sau rơi vào nguy hại.

Không thắng, không hạ liệt,
Không ai đồng đẳng Ta,
Những tư tưởng như vậy
Không chi phối các vị.
Sanh khởi đã chấm dứt,
Phạm hạnh được viên thành,
Họ lìa bỏ kiết sử,
Hoàn toàn được giải thoát.

(VIII) (50) Các Căn

1. - Với căn không phòng hộ, này các Tỷ-kheo, với người khiếm khuyết phòng hộ các căn giới đi đến hủy hoại; với giới không có, có ai khiếm khuyết về giới, chánh định đi đến hủy hoại. Với chánh định không có, với ai khiếm khuyết chánh định, trì kiến như thật đi đến hủy hoại. Với tri kiến như thật không có, với ai khiếm khuyết tri kiến như thật, nhàm chán ly tham đi đến hủy hoại. Với nhàm chán, ly tham không có, với ai khiếm khuyết nhàm chán, ly tham, giải thoát tri kiến đi đến hủy hoại.

2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây, với cành và lá khiếm khuyết, thời các chồi non không đi đến viên mãn, vỏ cây không đi đến viên mãn, giác cây không đi đến viên mãn, lõi cây không đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với căn không phòng hộ, với người khiếm khuyết phòng hộ các căn... giải thoát tri kiến đi đến hủy hoại.

3. Với các căn được phòng hộ, này các Tỷ-kheo, với người đầy đủ các căn được phòng hộ, giới đi đến đầy đủ. Với giới có mặt, với người đầy đủ giới, chánh định đi đến đầy đủ. Với chánh định có mặt, với người đầy đủ chánh định, tri kiến như thật đi đến đầy đủ. Với tri kiến như thật có mặt, với người đầy đủ tri kiến như thật, nhàm chán ly tham đi đến đầy đủ. Với nhàm chán, ly tham có mặt, với người đầy đủ nhàm chán ly tham, giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ.

4. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây với cành và lá đầy đủ, thời chồi non đi đến viên mãn, vỏ cây đi đến viên mãn, giác cây đi đến viên mãn, lõi cây đi đến viên mãn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với căn được phòng hộ, với người đầy đủ phòng hộ các căn, giới đi đến đầy đủ... giải thoát tri kiến đi đến đầy đủ.

(IX) (51) Ananda

1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thưa với Tôn giả Sàriputta:

2. - Cho đến như thế nào, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo nghe pháp trước kia chưa được nghe, với pháp đã được nghe, không đi đến rối loạn, còn đối với các pháp trước kia tâm đã từng cảm xúc, chúng vẫn được hiện hành, và vị ấy biết được điều trước kia chưa biết?

- Tôn giả Ananda là vị nghe nhiều, Tôn giả hãy nói lên!

- Vậy thưa Hiền giả Sàriputta, hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói!

- Thưa vâng, hiền giả.

Tôn giả Sàriputta vâng đáp Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda nói như sau:

3. - Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo học thông suốt pháp, tức là Khế kinh, ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, bản sanh, Vị tăng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Vị ấy thuyết pháp cho các người khác một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Vị ấy khiến cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Vị ấy tụng đọc pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Tại trú xứ nào các Tỷ-kheo trưởng lão trú ở, các vị nghe nhiều, được trao truyền các tập Agama, bậc Trì pháp, Trì luật, Trì toát yếu, tại các chỗ ấy, vị ấy an cư vào mùa mưa, thỉnh thoảng đến các Tôn giả ấy; sau khi đến, phỏng vấn, đặt các câu hỏi: "Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì? "Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác, còn có chỗ nghi ngờ, các tôn giả ấy giải thích các sự nghi ngờ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả Sàriputta, Tỷ-kheo nghe pháp chưa được nghe, với pháp đã được nghe, không đi đến rối loạn, còn đối với các pháp trước kia tâm đã từng cảm xúc, chúng vẫn được hiện hành, và vị ấy biết được điều trước kia chưa biết.

4. - Thật vi diệu thay, thưa Hiền giả! thưa Hiền giả! Thật hy hữu thay, thưa Hiền giả! Khéo nói cho đến như vậy, chính là điều đã được Tôn giả Ananda nói lên. Và chúng tôi thọ trì rằng Tôn giả Ananda đã được thành tựu sáu pháp:

5. Tôn giả Ananda học thông suốt pháp, tức là Khế kinh, ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bản sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Tôn giả Ananda thuyết pháp cho các người khác một cách rộng rãi như đã nghe, như đã được học thông suốt. Tôn giả Ananda khiến cho các người khác nói lên pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thông suốt. Tôn giả Ananda đọc tụng pháp một cách rộng rãi, như đã được nghe, như đã được học một cách thông suốt. Tôn giả Ananda với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Tôn giả Ananda, tại trú xứ nào các Tỷ-kheo trưởng lão trú ở, các vị nghe nhiều, được trao truyền các tập Agama, bậc Trì pháp, Trì luật. Trì toát yếu, tại các chỗ ấy, Tôn giả Ananda an cư vào mùa mưa, thỉnh thoảng đến các vị ấy, sau khi đến, phỏng vấn, đặt các câu hỏi: "Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì? "Các Tôn giả ấy mở rộng những gì chưa được mở rộng, phơi bày những gì chưa được phơi bày, và đối với những đoạn sai khác, còn có chỗ nghi ngờ, các vị ấy giải thích các sự nghi ngờ.

(X) (52) Vị Sát Ðế Lỵ

1. Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:

2. - Ðối với Sát-đế-lỵ, thưa Tôn giả Gotama, vị ấy mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?

- Ðối với Sát-đế-lỵ, này Bà-la-môn, tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, sức mạnh là điểm tựa, xu hướng là trái đất, cứu cánh là tự tại.

- Nhưng đối với Bà-la-môn, thưa Tôn giả Gotama, mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?

- Ðối với Bà-la-môn, này Bà-la-môn, tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, chú thuật là điểm tựa, tế tự là xu hướng, cứu cánh là Phạm thiên giới.

- Nhưng đối với gia chủ, thưa Tôn giả Gotama, mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?

- Ðối với gia chủ, này Bà-la-môn, tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, nghề nghiệp là điểm tựa, công việc là xu hướng, thành tựu công việc là cứu cánh.

- Nhưng đối với nữ nhân, thưa Tôn giả Gotama, mong muốn cái gì, cận hành tận cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?

- Ðối với nữ nhân, này Bà-la-môn, đàn ông là mong muốn, trang điểm là cận hành, điểm tựa là con cái, không có địch thù là xu hướng, tự tại là cứu cánh.

- Nhưng đối với người ăn trộm, thưa Tôn giả Gotama, mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?

- Ðối với người ăn trộm, này Bà-la-môn, đồ lấy được là mong muốn, rừng rậm là cận hành. đao trượng là điểm tựa, tối tăm là xu hướng, không bị thấy là cứu cánh.

- Nhưng đối với Sa-môn, thưa Tôn giả Gotama, mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?

- Ðối với Sa-môn, này Bà-la-môn, nhẫn nhục nhu hòa là mong muốn, trí tuệ là cận hành, giới hạnh là điểm tựa, không có sở hữu là xu hướng, Niết-bàn là cứu cánh.

3. - Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama. Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama rõ biết mong muốn, cận hành, điểm tựa, xu hướng và cứu cánh của các Sát-đế-lỵ, Tôn giả Gotama rõ biết mong muốn, cận hành, điểm tựa, xu hướng, cứu cánh của các Bà-la-môn... của các gia chủ... của các nữ nhân... của các người ăn trộm... của các Sa-môn. Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! ... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung con xin trọn đời quy ngưỡng!

(XI) (53) Không Phóng Dật

1. Rồi một Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

2. - Có một pháp nào, thưa Tôn giả Gotama, được tu tập, được làm cho sung mãn, pháp ấy bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai?

- Có một pháp, này Bà-la-môn, được tu tập, được làm cho sung mãn bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai.

- Một pháp ấy là gì, thưa tôn giả Gotama được tu tập, được làm cho sung mãn, pháp ấy bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai?

3. - Không phóng dật, này Bà-la-môn là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai. Ví như, này Bà-la-môn, phàm có những dấu chân của các loại bộ hành nào, tất cả dấu chân ấy đều được thâu nhiếp trong dấu chân voi. Dấu chân voi được gọi là tối thắng trong các dấu chân ấy, cũng vậy, này Bà-la-môn, không phóng dật là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai. Ví như này Bà-la-môn, trong một ngôi nhà có nóc nhọn, tất cả rui kèo đều hướng về nóc nhọn, thiên về nóc nhọn, quy tụ về nóc nhọn, nóc nhọn được gọi là tối thắng trong các vậy ấy. Cũng vậy, này Bà-la-môn, không phóng dật... Ví như, này Bà-la-môn, người cắt cỏ, trong khi cắt cỏ, sau khi túm lấy đầu các ngọn cỏ, liền lùa cỏ qua lại, dặc cỏ lên xuống và đập cỏ. Cũng vậy, này Bà-la-môn... Ví như, này Bà-la-môn, nhánh cây có chùm xoài bị chặt đứt, tất cả trái xoài dính với nhánh ấy đều bị chung một số phận với nhánh kia. Cũng vậy, này Bà-la-môn... Ví như, này Bà-la-môn, phàm có các tiểu vương nào, tất cả đều tùy thuộc vua Chuyển Luân. Vua Chuyển Luân được gọi là tối thắng trong các vị vua ấy. Cũng vậy, này Bà-la-môn... Ví như, này Bà-la-môn, ánh sáng của các vì sao, tất cả ánh sáng các ngôi sao không bằng giá trị một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng của mặt trăng được gọi là tối thắng trong tất cả ánh sáng. Cũng vậy, này Bà-la-môn, không phóng dật là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai. Ðây là một pháp, này Bà-la-môn, được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai.

- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! ... Xin Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(XII) (54) Dhammika

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại núi Gijihakùta (Linh Thứu).

Lúc bấy giờ, Tôn giả Dhammika trú tại chỗ sanh trưởng của mình và có tất cả bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng ấy. tại đấy, Tôn giả Dhammika đối với các khách Tỷ-kheo, mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, khiến họ tức giận với những lời nói. Và các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, khiến họ tức giận, liền bỏ đi, không có an trú và từ bỏ trú xứ. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng, suy nghĩ như sau: "Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo Tăng các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú và từ bỏ trú xứ. Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ? "Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: "Có Tôn giả Dhammika này mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với những lời nói, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Vậy chúng ta hãy mời Tôn giả Dhammika đi chỗ khác." Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng đi đến Tôn giả Dhammika; sau khi đến, thưa với Tôn giả Dhammika: "Thưa Tôn giả, Tôn giả Dhammika hãy từ bỏ trú xứ này. Tôn giả trú ở đây đã vừa đủ rồi."

2. Rồi Tôn giả Dhammika từ bỏ trú xứ ấy, đi đến một trú xứ khác. Tại đấy, Tôn giả Dhammika mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với các lời nói. Và các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với các lời nói, liền bỏ đi, không an trú, và từ bỏ trú xứ. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ như sau: "Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không an trú, từ bỏ trú xứ. Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ? "Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: "Có Tôn giả Dhammika này mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận, nên bỏ đi, không có n trú, từ bỏ trú xứ. Vậy chúng ta hãy mời Tôn giả Dhammika đi đến chỗ khác". Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng đi đến Tôn giả Dhammika; sau khi đến, thưa với tôn giả Dhammika: "Thưa Tôn giả, Tôn giả Dhammika hãy tử bỏ trú xứ này. Tôn giả trú ở đây đã vừa đủ rồi".

3. Rồi Tôn giả Dhammika từ bỏ trú xứ ấy, đi đến một xứ khác . Tại đấy, Tôn giả Dhammika mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm tức giận với lời nói. Và các khách tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với lời nói, liền bỏ đi, không có an trú và từ bỏ trú xứ. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ như sau: "Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không an trú, từ bỏ trú xứ. Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ? ". Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: "Có Tôn giả Dhammika này mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm tức giận với những lời nói, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Vậy chúng ta hãy mời Tôn giả Dhammika rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng". Rồi các cư sĩ tại chỗ đất sanh trưởng đi đến Tôn giả Dhammika; sau khi đến, nói với Tôn giả Dhammika: "Thưa Tôn giả, Tôn giả Dhammika hãy rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng".

4. Rồi Tôn giả Dhammika suy nghĩ: "Ta đã bị các cư sĩ tại chỗ đất sanh trưởng mời rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng. Nay ta sẽ đi tại chỗ nào? Ta hãy đi đến Thế Tôn". Rồi Tôn giả Dhammika cầm y bát, ra đi, hướng đến Ràjagaha (Vương Xá), dần dần đi đến núi Gijihakùta (Linh Thứu) tại Ràjagaha; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Dhammika đang ngồi xuống một bên:

- Này Bà-la-môn Dhammika, Ông đi từ đâu đến?

- Bạch Thế Tôn, con bị các cư sĩ tại chỗ đất sanh trưởng mời rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng!

- Thôi vừa rồi, này Bà-la-môn Dhammika! Sự việc này, đối với Ông có hề hấn gì! Dầu họ có mời Ông từ bỏ tại chỗ nào, chỗ nào, sau khi đã từ bỏ chỗ ấy, chỗ ấy, Ông đã đi đến gần Ta!

5. Trong quá khứ, này Bà-la-môn Dhammika, các nhà buôn đường biển đem theo một con chim để tìm bờ, khi họ đi tàu ra biển. Khi chiếc tàu ra xa, không thấy bờ, họ thả con chim đi tìm bờ. Con chim bay về hướng Ðông, bay về hướng Tây, bay về hướng Bắc, bay về hướng Nam, bay về hướng Trên, bay về hướng Gió. Nếu nó thấy bờ xung quanh, nó liền bay luôn. Nếu nó không thấy bờ xung quanh, nó bay trở lui về tàu. Cũng vậy, này Bà-la-môn Dhammika, dầu họ có mời Ông từ bỏ tại chỗ nào, chỗ nào, sau khi đã từ bỏ chỗ ấy, chỗ ấy, Ông đã đi đến gần Ta.

6. Thuở xưa, này Bà-la-môn Dhammika, vua Koravya có một cây bàng chúa tên là Suppatittha, cây này có năm cành, có bóng mát dịu, rất là khả ý. Này Bà-la-môn Dhammika, cây bàng chúa Suppatittha tỏa rộng ra đến mười hai do tuần, các rễ mọc lan rộng đến năm do tuần. Này Bà-la-môn Dhammika, cây bàng chúa Suppatittha có những trái cây to lớn, lớn như những cái nồi con; những trái cây ngọt lịm như vậy, trong sáng và ngọt như mật ong. Này Bà-la-môn Dhammika, vua với các cung nữ hưởng thụ một cành cây của cây bàng chúa Suppatittha; quân đội hưởng thụ một cành; các Sa-môn, Bà-la-môn hưởng thụ một cành; các loài thú, loài chim hưởng thụ một cành. Này Bà-la-môn Dhammika, không có ai phòng hộ các trái của cây bàng chúa Suppatittha, và không có ai hại nhau vì trái cây. Rồi này Bà-la-môn Dhammika, một người sau khi đã ăn hết cho đến thỏa thích những trái của cây bàng chúa Suppatittha, liền bẻ gãy một cành rồi bỏ đi. Rồi này Bà-la-môn Dhammika, vị Thiên trú ở cây bàng chúa Suppatittha suy nghĩ như sau: "Thật là vi diệu, thưa Tôn giả! Thật là hy hữu, thưa Tôn giả, con người lại ác cho đến như vậy! Sau khi ăn cho đến thỏa thích các trái của cây bàng chúa Suppatittha, lại bẻ một cành rồi bỏ đi! Vậy cây bàng chúa Suppatittha hãy đừng sanh trái nữa trong tương lai! "Rồi này Bà-la-môn Dhammika, cây bàng chúa Suppatittha không sanh trái nữa trong tương lai. Rồi này Bà-la-môn Dhammika, vua Koravya đi đến Thiên chủ Sakka; sau khi đến, thưa với Thiên chủ Sakka: "Tôn giả có biết không? Cây bàng chúa Suppatittha không sanh trái nữa! "Rồi này Bà-la-môn Dhammika, Thiên chủ Sakka thực hiện thần thông, khiến cho mưa to gió lớn khởi lên, làm cây bàng chúa Suppatittha ngã xuống và bậc gốc rễ. Này Bà-la-môn Dhammika, vị Thiên trú ở cây bàng chúa Suppatittha khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc lóc, đứng một bên. Này Bà-la-môn Dhammika, rồi Thiên chủ Suppatittha đi đến vị Thiên trú ở cây bàng chuá Suppatittha, sau khi đến, nói với vị Thiên trú ở cây bàng chúa Suppatittha như sau:

"- Vì sao, này vị Thiên kia, Ông lại khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc lóc, đứng một bên?

"- Thưa Tôn giả, có cơn mưa to gió lớn khởi lên, và làm cho chỗ trú xứ của con bị ngã xuống và bật gốc rễ lên.

"- Này vị Thiên kia, có phải Ông đang gìn giữ cây pháp, nhưng cơn mưa to lớn ấy khởi lên, làm trú xứ của Ông bị ngã xuống và bật gốc rễ lên?

"- Làm thế nào, thưa Tôn giả, một cây... được gìn giữ như một cây pháp?

"- Ở đây, này vị Thiên kia, những người cần rễ đến lấy rễ cây đi, những người cần vỏ đến lấy vỏ cây đi. Những người cần lá đến lấy lá đi. Những người cần bông đến lấy bông đi. Những người cần trái đến lấy trái đi. Như vậy, không có gì để khiến cho một vị Thiên phải không hoan hỷ, không vui vẻ. Như vậy, là một cây được gìn giữ như một cây pháp.

"- Thưa Tôn giả, con không gìn giữ một cây pháp, khi cơn mưa to lớn ấy khởi lên, làm chỗ trú xứ của con ngã xuống và bật gốc rễ lên!

"- Này vị Thiên kia, nếu Ông gìn giữ cây pháp, thời trú xứ của Ông sẽ trở lại như xưa.

Thưa Tôn giã, con sẽ gìn giữ cây pháp, mong rằng trú xứ cuả con trở lại như xưa.

Rồi Thiên chủ Sakka thực hiện thần thông khiến cho mưa to gió lớn đến dựng đứng lại cây bàng chúa và chữa lành những rễ cây

Cũng vậy, này Bà-la-môn Dhammika, Ông có gìn giữ Sa-môn pháp, khi các người cư sĩ tại chỗ sanh trưởng mời Ông đi khỏi bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng không?

- Như thế nào, thưa Tôn giả, là một Sa-môn gìn giữ Sa-môn pháp?

- Như thế này, này Bà-la-môn Dhammika, ở đây, một Sa-môn không có mắng nhiếc lại người đã mắng nhiếc mình, không có tức giận người đã tức giận mình, không có quở trách người đã quở trách mình. Như vậy, này Bà-la-môn Dhammika, là vị Sa-môn gìn giữ Sa-môn pháp.

- Thưa Tôn giả, con không gìn giữ Sa-môn pháp khi những người cư sĩ ở tại chỗ sanh trưởng mời con đi khỏi hoàn toàn bảy trú xứ trong chỗ được sanh trưởng.

7. - Thuở xưa, này Bà-la-môn Dhammika, có một ngoại đạo sư tên là Sunettto (Diệu Nhãn) đã viễn ly các dục. Này Bà-la-môn Dhammika, ngoại đạo sư Sunetto có hàng trăm đệ tử. Ngoại đạo sư Sunetto thuyết pháp về cộng trú tại Phạm thiên giới cho các người đệ tử. Những ai nghe ngoại đạo sư Sunetto thuyết giảng về cộng trú tại Phạm thiên giới, này Bà-la-môn Dhammika, tâm không được hoan hỷ, các người ấy sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những ai, này Bà-la-môn Dhammika, nghe ngoại đạo sư Sunetto thuyết giảng về cọng trú tại Phạm thiên giới, tâm được hoan hỷ, các người ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Thuở xưa, này Bà-la-môn Dhammika, có ngoại đạo sư tên là Mugapakkha... có ngoại đạo sư tên là Aranemi... có ngoại đạo sư tên là Kuddàlaka... có ngoại đạo sư tên là Hatthipàla... có ngoại đạo sư tên là Jotipàla đã viễn ly các dục... được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn Dhammika? đối với sáu ngoại đạo sư này đã viễn ly các dục, hay đối với chúng đệ tử hàng trăm hội chúng của những vị ấy, ai với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, như vậy có sanh khởi ra nhiều vô phước không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

8. - Thật vậy, này Bà-la-môn Dhammika, đối với sáu ngoại đạo sư này đã viễn ly các dục, hay đối với chúng đệ tử hàng trăm hội chúng của những vị ấy, ai với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, có sanh khởi ra nhiều vô phước. Còn ai, đối với bị đầy đủ chánh kiến, với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, như vậy sanh khởi ra nhiều vô phước hơn nữa. Vì cớ sao? Ta tuyên bố rằng, này Bà-la-môn Dhammika, sự tổn hại đối với các ngoại đạo sư như vậy không bằng sự tổn hại nếu đối xử với các vị đồng Phạm hạnh. Do vậy, này các Bà-la-môn Dhammika, cần phải học tập như sau:

9. Chúng tôi sẽ không có tâm uế nhiễm đối với vị đồng Phạm hạnh". Này Bà-la-môn Dhammika, các Ông cần phải học tập như vậy.

Các vị Bà-la-môn,
Như Sư Sunetto,
Sư Mugapakkha,
Và Aranemi,
Sư Kuddalaka,
Và Hatthipàla,
Sư Jotipàla,
Và Sư Govinda,
Là quốc sư thứ bảy.
Sáu Sư bạn vị này,
Là những vị danh tiếng,
Quá khứ không hại ai,
Thoát hôi hám, từ bi,
Giải thoát dục kiết sử,
Thoát ly tham ái dục,
Ðạt được Phạm thiên giới.
Và các hàng đệ tử,
Con số lên hàng trăm,
Thoát hôi hám, từ bi,
Giải thoát dục kiết sử,
Thoát ly tham ái dục,
Ðạt được Phạm thiên giới.
Ẩn sĩ ngoại đạo ấy,
Ly tham, tâm Thiền định,
Nếu với tâm uế nhiễm,
Có ai mắng nhiếc họ,
Người như vậy tạo ra,
Rất nhiều sự vô phước.
Ðối một đệ tử Phật,
Tỷ-kheo có chánh kiến,
Nếu với tâm uế nhiễm,
Có ai mắng vị ấy,
Người như vậy tạo ra,
Nhiều vô phước hơn nưã
Chớ Phật lòng bậc thiện,
Hãy từ bỏ kiến xứ,
Tối thượng trong Thánh chúng,
Vị ấy được gọi vậy.
Ai chưa ly các dục,
Năm căn còn mềm dịu,
Tín, niệm và tinh tấn,
Với chỉ và với quán,
Nếu phật ý vị ấy,
Trước hết tự hại mình,
Sau khi tự hại mình,
Lại hại đến người khác,
Ai tự bảo vệ mình,
Bề ngoài cũng bảo vệ,
Do vậy, bảo vệ mình,
Bậc trí không tổn hại.



VI. Ðại Phẩm

(I) (55) Sona

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú tại Ràjagaha (Vương Xá) núi Gijjhakùta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ Tôn giả Sona trú ở Ràjagaha, tại rừng Sìta. Rồi Tôn giả Sona, trong khi độc cư Thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Những ai là đệ tử Thế Tôn, sống tinh cần tinh tấn, ta là một trong những vị ấy. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc. Gia đình ta có tài sản, và ta có thể hưởng thọ tài sản và làm điều công đức. Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức". Rồi Thế Tôn với tâm của mình biết được tâm của Tôn giả Sona, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay đang duỗi ra, biến mất từ núi Gijjhakùta, hiện ra trước mặt Tôn giả Sona, ở rừng Sìta. Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Tông giả Sona đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sona đang ngồi một bên:

- Này Sona, có phải trong khi thầy độc cư Thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Những ai là đệ tử Thế Tôn, sống tinh cần tinh tấn, ta là một trong những vị ấy. Nhưng ta còn chấp thủ, tâm chưa giải thoát các lậu hoặc. Gia đình ta có tài sản, ta có thể hưởng thọ tài sản ấy và làm các công đức. Vậy ta hãy từ bỏ học pháp, hoàn tục, thọ hưởng tài sản và làm các công đức"?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Có phải thuở trước, khi còn là gia chủ, Thầy giỏi đánh đàn tỳ-bà có dây?

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy quá căng thẳng, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Thầy nghĩ thế nào, này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy quá trùng, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Nhưng này Sona? Khi những sợi dây đàn tỳ-bà của Thầy không quá căng thẳng, không quá trùng xuống, nhưng vặn đúng mức trung bình, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của Thầy có phát âm hay sử dụng được không?

- Thưa được, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, này Sona, Thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng, rồi tại đấy nắm giữ tướng.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Sona vâng đáp Thế Tôn. Rồi Thế Tôn sau khi giáo giới Tôn giả Sona với lời giáo giới, như một nhà lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy, Thế Tôn biến mất tại rừng Sìta và hiện ra ở núi Gijjhakùta.

2. Rồi Tôn giả Sona, sau một thời gian an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng và tại đấy nắm giữ tướng. Rồi Tôn giả Sona sống độc cư, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu, do mục đích gì các thiện nam tử chơn chánh xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ và chứng đạt vô thượng cứu cánh Phạm hạnh. Vị ấy rõ biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái nay nữa". Tôn giả Sona trở thành một vị A-la-hán. Sau khi chứng được A-la-hán, Tôn giả Sona suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, ta sẽ nói lên ý nghĩa này với Thế Tôn". Rồi Tôn giả Sona đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sona bạch Thế Tôn:

3. - Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, Phạm hạnh đã thành, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã trừ diệt, đã được giải thoát nhờ chánh trí; vị ấy có sáu chỗ để xu hướng, xu hướng xuất ly, xu hướng viễn ly, xu hướng vô sân, xu hướng ái diệt, xu hướng thủ diệt, xu hướng vô si.

4. Bạch Thế Tôn, có thể ở đây, một số Tôn giả suy nghĩ như sau: "Có Tôn giả này hoàn toàn chỉ y cứ trên tín, có xu hướng xuất ly". Vị Tôn giả ấy chớ có quan điểm như vậy! Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, bạch Thế Tôn, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn thấy trong mình còn cái gì cần làm, hay còn cái gì cần phải làm thêm; do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng xuất ly; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng xuất ly; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng xuất ly.

5. Bạch Thế Tôn, có thể ở đây một số Tôn giả suy nghĩ như sau: "Tôn giả này do tham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh tiếng nên hướng tâm về xu hướng viễn ly". Tôn giả ấy chớ có quan niệm như vậy! Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, không còn thấy trong mình còn cái gì cần làm hay còn cái gì cần phải làm thêm; do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng viễn ly; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng viễn ly; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng viễn ly.

6-9. Bạch Thế Tôn, có thể đây một số Tôn giả suy nghĩ như sau: "Do đi ngược trở lại tối thắng giới cấm thủ, Tôn giả này hướng tâm đến xu hướng vô sân". Tôn giả ấy chớ có quan điểm như vậy! Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, không còn thấy trong mình còn cái gì cần phải làm hay còn cái gì cần phải làm thêm; do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô sân; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô sân; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô sân... Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng ái diệt; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng ái diệt; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng ái diệt... Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng thủ diệt; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng thủ diệt; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng thủ diệt. Do đoạn diệt tham ái, do viễn ly tham ái, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô si; do đoạn diệt sân, do viễn ly sân, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô si; do đoạn diệt si, do viễn ly si, vị ấy hướng tâm đến xu hướng vô si.

10. Như vậy, với Tỷ-kheo có tâm chơn chánh giải thoát, bạch Thế Tôn, nếu nhiều sắc do mắt nhận thức đi vào trong giới vức của mắt, chúng không chinh phục tâm vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng. Nếu nhiều tiếng do tai nhận thức... nếu nhiều hương do mũi nhận thức... nếu nhiều vị do lưỡi nhận thức... nếu nhiều xúc do thân nhận thức... nếu nhiều pháp do ý nhận thức đi vào trong giới vực của ý, chúng không chinh phục tâm của vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng.

11. Ví như, bạch Thế Tôn, một hòn núi đá, không có rạn nứt, không có trống bọng, một tảng đá lớn, nếu từ phương Ðông mưa to gió lớn đến, không có làm rung động, rung chuyển, chuyển động mạnh núi đá ấy. Nếu từ phương Tây mưa to gió lớn đến... nếu từ phương Bắc mưa to gió lớn đến.... nếu từ phương Nam mưa to gió lớn đến không có làm rung động, rung chuyển, chuyển động mạnh núi đá ấy.

Cũng vậy, bạch Thế Tôn, với Tỷ-kheo có tâm chơn chánh giải thoát, nếu nhiều sắc do mắt nhận thức đi vào trong giới vức của mắt, chúng không chinh phục tâm vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng. Nếu nhiều tiếng do tai nhận thức... nếu nhiều hương do mũi nhận thức... nếu nhiều vị do lưỡi nhận thức... nếu nhiều xúc do thân nhận thức, nếu nhiều pháp do ý nhận thức đi vào trong giới vực của ý, chúng không chinh phục tâm vị ấy, và tâm vị ấy không lộn xộn, an trú, đạt được không dao động, quán thấy tánh diệt của chúng.

Với ai hướng xuất ly,
Tâm xu hướng viễn ly,
Với ai hướng vô sân,
Tâm xu hướng thủ diệt,
Với ai hướng ái diệt,
Tâm xu hướng vô si,
Có thấy xứ sanh khởi,
Tâm được chánh giải thoát.
Với vị chánh giải thoát,
Vị Tỷ-kheo tâm tịnh,
Không cần làm thêm gì,
Không có gì phải làm.
Như hòn núi đá tảng,
Gió không thể dao động,
Cũng vậy, toàn thể sắc,
Vị, tiếng, và hương, xúc,
Cho đến tất cả pháp,
Khả ái, không khả ái,
Không có thể dao động,
Một vị được như vậy,
Tâm kiên trú, giải thoát,
Thấy tánh diệt của chúng.

(II) (56) Phagguna

1. Lúc bấy giờ, Tôn giả Phagguna bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Phagguna bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn đi đến Tôn giả Phagguna, vì lòng từ mẫn.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ chỗ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Phagguna. Tôn giả Phagguna thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy, muốn rời khỏi giường. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Phagguna:

- Thôi được rồi, Phagguna! Thầy chớ có rời khỏi giường. Ðã có những chỗ ngồi đã soạn từ trước, Ta sẽ ngồi tại các chỗ ấy.

Rồi Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Phagguna:

- Này Phagguna, mong rằng Thầy có thể kham nhẫn! Mong rằng Thầy có thể chịu đựng! Mong rằng các khổ thọ được giảm thiểu, không tăng trưởng! Mong rằng triệu chứng giảm thiểu được thấy rõ, không tăng trưởng!

- Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn. Con không có thể chịu đựng. Khổ thọ của con tăng trưởng, không có giảm thiểu. Triệu chứng tăng trưởng được thấy rõ, không có giảm thiểu! Bạch Thế Tôn, ví như một người lực sĩ chém đầu (một người khác) với một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, bạch Thế Tôn, những ngọn gió kinh khủng thổi lên, đau nhói trong đầu con. Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu, triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu. Bạch Thế Tôn, như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi siết chặt; cũng vậy, bạch Thế Tôn, con cảm thấy đau đầu một cách kinh khủng. Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng, khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu. Triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu. Bạch Thế Tôn, như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với một con dao cắt thịt bò sắt bén; cũng vậy, bạch Thế Tôn, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của con. Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu, triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu. Bạch Thế Tôn, ví như hai người lực sĩ, sau khi nắm cánh tay của một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng; cũng vậy, bạch Thế Tôn, một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân của con. Bạch Thế Tôn, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thọ của con gia tăng, không có giảm thiểu, triệu chứng gia tăng được thấy rõ, không có giảm thiểu.

Rồi Thế Tôn, với pháp thoại, nói lên cho Tôn giả Phagguna biết, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỉ, từ chỗ ngồi, đứng dậy và ra đi.

2. Rồi Tôn giả Phagguna, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, liền mệnh chung. Trong khi Tôn giả lâm chung, các căn được sáng chói. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Phagguna, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, đã mệnh chung. Trong khi Tôn giả mệnh chung, các căn được sáng chói.

- Này Ananda, tại sao các căn của Tôn giả Phagguna lại không sáng chói chứ? Này Ananda, với Tỷ-kheo Phagguna, tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Sau khi nghe pháp, tâm vị ấy được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Có sáu lợi ích này, này Ananda, nếu nghe pháp đúng thời, và thẩm sát ý nghĩa đúng thời. Thế nào là sáu?

3. Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, vị ấy trong khi mạng chung, được thấy Thế Tôn. Thế Tôn thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Sau khi nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Ðây là lợi ích thứ nhất, này Ananda, khi được nghe pháp đúng thời.

4. Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, vị ấy trong khi mệnh chung, không được thấy Thế Tôn, nhưng chỉ được thấy đệ tử Như Lai. Ðệ tử Như Lai thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Sau khi nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Này Ananda, đây là lợi ích thứ hai khi được nghe pháp đúng thời.

5. Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm chưa được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, vị ấy trong khi mệnh chung, không được thấy Như Lai, cũng không được thấy đệ tử của Như Lai. Nhưng với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học một cách thông suốt; do vị ấy, với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học một cách thông suốt, nên tâm được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử. Này Ananda, đây là lợi ích thứ ba khi thẩm sát ý nghĩa đúng thời.

6. Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm đã được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, nhưng tâm chưa giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y, vị ấy trong khi mệnh chung được thấy Như Lai. Và Như Lai thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Sau khi được nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y. Này Ananda, đây là lợi ích thứ tư khi được nghe pháp đúng thời.

7. Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm đã được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, nhưng tâm chưa giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y, vị ấy trong khi mạng chung không được thấy Như Lai, chỉ được thấy đệ tử của Như Lai. Ðệ tử Như Lai thuyết pháp cho vị ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Sau khi được nghe thuyết pháp, tâm vị ấy được giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y. Này Ananda, đây là lợi ích thứ năm khi được nghe pháp đúng thời.

8. Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo với tâm được giải thoát khỏi năm hạ phần kiết sử, nhưng tâm chưa giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y, vị ấy trong khi mệnh chung không được thấy Như Lai, cũng không được thấy đệ tử Như Lai. Nhưng với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được học thông suốt, do vị ấy với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thông suốt, nên tâm được giải thoát đối với vô thượng đoạn diệt sanh y này. Này Ananda, đây là lợi ích thứ sáu khi được thẩm sát ý nghĩa đúng thời.

Có sáu lợi ích này, này Ananda, khi được nghe pháp đúng thời, và khi được thẩm sát ý nghĩa đúng thời.

(III) (57) Sáu Sanh Loại

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràijagaha (Vương Xá), tại núi Gijjhakùta (Linh Thứu). Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

2. - Bạch Thế Tôn, Tôn giả Pùrana Kassapa trình bày sáu sanh loại: sanh loại đen, sanh loại xanh, sanh loại đỏ, sanh loại vàng, sanh loại trắng, sanh loại hết sức trắng. Ở đây, bạch Thế Tôn, đây là loại sanh đen do Pùrana Kassapa trình bày: "Kẻ giết cừu, kẻ giết heo, kẻ giết chim, kẻ săn thú, kẻ hung bạo, người đánh cá, kẻ ăn trộm, kẻ ăn trộm giết người, kẻ ngục tốt và những người khác theo nghề tàn ác". Ở đây, bạch Thế Tôn, đây là các sanh loại xanh do Pùrana Kassapa trình bày: "Các Tỷ-kheo sống như cỏ gai đâm bên hông, và tất cả những ai khác chủ trương nghiệp nhân luận, nghiệp quả luận". Ở đây, bạch Thế Tôn, đây là các sanh loại đỏ do Pùrana Kassapa trình bày: "Các Ni-kiền-tử và những kẻ mặc một tấm vải". Ở đây, bạch Thế Tôn, là các sanh loại vàng do Pùrana Kassapa trình bày: "Các gia chủ và đệ tử những người ở trần truồng". Ở đây, bạch Thế Tôn, đây là các sanh loại trắng do Pùrana Kassapa trình bày: "Các tà mạng ngoại đạo và đệ tử của họ". Ở đây, bạch Thế Tôn, đây là các sanh loại hết sức trắng do Pùrana Kassapa trình bày: "Nanda Vaccha, Kisa Sankicca và Makkhali Gosàla". Bạch Thế Tôn, sáu sanh loại này do Pùrana Kassapa trình bày.

3. - Này Ananda, có phải toàn thế giới đều đồng ý chấp nhận sự trình bày thành sáu sanh loại này của Pùrana Kassapa không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Ví như này Ananda, một người nghèo khổ, không có sở hữu, sống túng thiếu, dầu miễn cưỡng, không muốn, người ta quăng cho người ấy một miếng thịt và nói: "Hãy ăn miếng thịt này, này Người kia, và trả tiền luôn". Cũng vậy, này Ananda là lời tuyên bố của Pùrana Kassapa về sáu sanh loại này cho những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, không được họ đồng ý, như bởi một kẻ ngu si, không thông minh, không biết thích ứng, bất thiện. Này Ananda, Ta tuyên bố có sáu sanh loại, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

- Này Ananda, thế nào là sáu sanh loại?

4. Ở đây, này Ananda, có một số sanh loại đen, sanh ra các pháp đen. Nhưng ở đây, này Ananda, có một số sanh loại đen sanh ra pháp trắng. Ở đây, này Ananda, có một số sanh loại đen sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng. Ở đây, này Ananda, có một số sanh loại trắng sanh ra pháp đen. Ở đây, này Ananda, có một số sanh loại trắng sanh ra pháp trắng. Ở đây, này Ananda, có một số sanh loại trắng sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng. Và này, Ananda, thế nào là một số sanh loại đen sanh ra pháp đen?

5. Ở đây, này Ananda, có một số người sanh ra trong gia đình thấp kém, gia đình người đổ phân hay gia đình người thợ săn, hay gia đình người đan tre, hay gia đình người đóng xe, hay gia đình người quét rác, hay trong gia đình một người nghèo khổ, khó tìm được đồ ăn uống để sống, khó tìm cho được đồ ăn đồ mặc. Và người ấy xấu xí, khó nhìn, lùn thấp, nhiều bệnh hoạn, đui một mắt, tàn tật, còm, què, hay đi khấp khểnh, không có được đồ ăn, đồ uống, đồ mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ ở và đèn. Người ấy làm ác hạnh về thân, làm ác hạnh về lời, làm ác hạnh về ý. Người ấy do làm ác hạnh về thân, về lời, về ý, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy, này Ananda, là hạng sanh loại đen sanh ra pháp đen. Và này Ananda, thế nào là hạng sanh loại đen sanh ra pháp trắng?

6. Ở đây, này Ananda, có hạng người sanh ra trong gia đình thấp kém... chỗ nằm, chỗ ở và đèn. Người ấy làm thiện hạnh về thân, làm thiện hạnh về lời, làm thiện hạnh về ý. Người ấy do làm thiện hạnh về thân, về lời, về ý, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi lành, Thiên giới, thế giới này. Như vậy, này Ananda, là hạng sanh loại đen sanh ra pháp trắng. Và này Ananda, thế nào là hạng sanh loại đen sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng?

7. Ở đây, này Ananda, có hạng người sanh ra trong gia đình thấp kém... và người ấy xấu xí, khó nhìn, lùn thấp. Người ấy, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, sau khi đoạn tận năm triền cái, làm cho muội lược các kiết sử về tâm với trí tuệ, trú tâm trên Bốn niệm xứ, như thật tu tập Bảy giác chi, sanh ra Niết-bàn không đen không trắng. Như vậy, này Ananda là hạng sanh loại đen sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng. Và này Ananda, thế nào là sanh loại trắng sanh ra pháp đen?

8. Ở đây, này Ananda, có hạng người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú, hay trong gia đình Bà-la-môn đại phú, hay trong gia đình gia chủ đại phú, phú hào, có tiền của lớn, tài sản lớn, có nhiều vàng bạc, có nhiều tài sản, vật dụng, nhiều tiền của, ngũ cốc. Người ấy lại đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, mỹ miều. Người ấy lại được ăn đồ ăn, đồ uống, áo mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy làm ác hạnh về thân, làm ác hạnh về lời, làm ác hạnh về ý. Người ấy do làm ác hạnh về thân, do làm ác hạnh về lời, do làm ác hạnh về ý, sau khi thân hoại mạng chung sanh, sanh vào cõi dữ, ác thú, đạo xứ, địa ngục. Như vậy, này Ananda, là hạng sanh loại trắng sanh ra pháp đen. Và này Ananda, thế nào là hạng sanh loại trắng sanh ra pháp trắng?

9. Ở đây, này Ananda, có hạng người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú... chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy làm thiện hạnh về thân, làm thiện hạnh về lời, làm thiện hạnh về ý. Người ấy do làm thiện hạnh về thân, do làm thiện hạnh về lời, do làm thiện hạnh về ý, sau khi thân hoại mạng chung sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, này Ananda, là hạng sanh loại trắng sanh ra pháp trắng. Và này Ananda, thế nào là hạng sanh loại trắng sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng?

10. Ở đây, này Ananda, có hạng người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ đại phú... chỗ trú, đèn đuốc. Vị ấy, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy xuất gia như vậy, sau khi đoạn tận năm triền cái, làm cho muội lược các kiết sử về tâm với trí tuệ, trú tâm trên Bốn niệm xứ, như thật tu tập Bảy giác chi, sanh ra Niết-bàn không đen không trắng. Như vậy, này Ananda là hạng sanh loại trắng sanh ra Niết-bàn, không đen không trắng.

Này Ananda, đây là sáu sanh loại.

(IV) (58) Các Lậu Hoặc

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

2. Ở đầy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các lậu hoặc phải do phòng hộ mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do phòng hộ; đối với các lậu hoặc phải do thọ dụng mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do thọ dụng; đối với các lậu hoặc phải do kham nhẫn mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do kham nhẫn; đối với các lậu hoặc phải do tránh né mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do tránh né; đối với các lậu hoặc phải do trừ diệt mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do trừ diệt; đối với các lậu hoặc phải do tu tập mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do tu tập. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do phòng hộ mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ do phòng hộ?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chơn chánh giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Vị chơn chánh giác sát, sống phòng hộ với sự phòng hộ nhĩ căn... sống phòng hộ với sự phòng hộ tỷ căn... sống phòng hộ với sự phòng hộ thiệt căn... sống phòng hộ với sự phòng hộ thân căn... sống phòng hộ với sự phòng hộ ý căn. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ ý căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ ý căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, nếu sống không phòng hộ với sự phòng hộ các căn, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu sống phòng hộ với sự phòng hộ các căn, như vậy các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không có thể khởi lên.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do phòng hộ mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ phòng hộ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do thọ dụng mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ thọ dụng?

4. Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo chơn chánh giác sát thọ dụng y phục chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ với mục đích che đậy sự hổ thẹn. Vị ấy chơn chánh giác sát thọ dụng món ăn khất thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn. Vị ấy chơn chánh giác sát thọ dụng sàng tọa chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, chỉ giải trừ nguy hiểm của thới tiết, chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh. Vị ấy chơn chánh giác sát thọ dụng những dược phẩm trị bệnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác thống khổ đã sanh để được ly khổ hoàn toàn. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không chơn chánh giác sát khi thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy có chơn chánh giác sát khi thọ dụng như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do thọ dụng mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ thọ dụng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ kham nhẫn?

5. Này các Tỷ-kheo, ở đây có Tỷ-kheo chơn chánh giác sát kham nhẫn lạnh nóng, đói khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, kham nhẫn những cách nói mạ lỵ phỉ báng, vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối không sung sướng, không thích thú, chết điếng người. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não có thể khởi lên. Nếu vị ấy kham nhẫn như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do kham nhẫn mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ kham nhẫn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ tránh né?

6. Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo chơn chánh giác sát, tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Những chỗ ngồi không xứng đáng nếu ngồi, những trú xứ không nên lai vãng nếu đến, những bạn bè ác độc, nếu giao du bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghi ngờ khinh thường. Vị chơn chánh giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn bè độc ác ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do tránh né mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ tránh né. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do trừ diệt mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ trừ diệt?

7. Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo chơn chánh giác sát không chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại dục niệm ấy; không chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại sân niệm ấy; không chấp nhận hại niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại hại niệm ấy; không chấp nhận các ác bất thiện pháp luôn luôn khởi lên, từ bỏ, trừ khử, diệt tận, không cho tồn tại các ác bất thiện pháp ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không trừ khử như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy trừ khử như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do trừ diệt mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ trừ diệt. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tu tập mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ tu tập?

8. Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo chơn chánh giác sát tu tập niệm giác chi, niệm giác chi này y xuất y, y ly tham, y diệt tận, đưa đến từ bỏ, chơn chánh giác sát tu tập trạch pháp giác chi... (như trên)... tu tập tinh tấn giác chi... tu tập hỷ giác chi... tu tập khinh an giác chi... tu tập định giác chi... tu tập xả giác chi; xả giác chi này y xuất ly, y ly tham, y diệt tận, đưa đến từ bỏ. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc phải do tu tập mà được đoạn trừ, chúng đã được đoạn trừ nhờ tu tập.

Này các Tỷ-kheo, thành tựu sáu pháp này, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(V) (59) Người Bán Củi

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn ở Nàdika, tại giảng đường bằng gạch. Bấy giờ có gia chủ bán củi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với người bán củi đang ngồi xuống một bên:

2. - Này Gia chủ, trong gia đình Ông có bố thí không?

- Bạch Thế Tôn, trong gia đình con có bố thí. Những Tỷ-kheo là vị sống ở rừng, theo hạnh khất thực, mặc áo lấy vải lượm từ đống rác, bậc A-la-hán, hay thực hành A-la-hán đạo, những Tỷ-kheo như vậy, bạch Thế Tôn, đều được bố thí.

3. - Nhưng chắc chắn, này Gia chủ, đây thực là một sự khó khăn cho Ông, một người tại gia thọ dụng các dục, bị con cháu trói buộc, được dùng hương chiên đàn từ Kàsi, được đeo và thoa với vòng hoa, hương, hương liệu, được tiêu dùng vàng và bạc để có thể nói ai là bậc A-la-hán, ai là bậc thực hành A-la-hán đạo. Tỷ-kheo trú tại rừng núi, này Gia chủ, nếu tháo động, kiêu căng dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng, thời vị ấy về phương diện này đáng bị chỉ trích. Này Gia chủ, nếu Tỷ-kheo trú ở rừng núi, không tháo động, không kiêu căng, không dao động, không lắm mồm, lắm miệng, không lắm lời, chánh niệm, tỉnh giác, định tĩnh, nhất tâm, với các căn được phòng hộ, thời vị ấy về phương diện này đáng được tán thán. Nếu Tỷ-kheo sống ở cuối làng, này Gia chủ, tháo động, kiêu căng... các căn thả lỏng; vị ấy về phương diện này đáng bị chỉ trích. Nếu Tỷ-kheo sống ở cuối làng, này Gia chủ, không tháo động, không kiêu căng... các căn được phòng hộ, thời vị ấy về phương diện này đáng được tán thán. Nếu vị Tỷ-kheo theo hạnh khất thực, này Gia chủ, nhưng còn tháo động, kiêu căng... đáng bị chỉ trích. Nếu Tỷ-kheo theo hạnh khất thực, này Gia chủ, nhưng không tháo động, không kiêu căng... đáng được tán thán. Nếu Tỷ-kheo nào nhận lời mời, này Gia chủ, nhưng còn tháo động... đáng bị chỉ trích. Nếu Tỷ-kheo nào nhận lời mời, này Gia chủ, nhưng không tháo động... đáng được tán thán. Nếu Tỷ-kheo nào mặc áo lấy vải lượm từ đống rác, này Gia chủ, nhưng còn tháo động... đáng bị chỉ trích. Nếu Tỷ-kheo nào mặc áo lấy vải lượm từ đống rác, này Gia chủ, nhưng không tháo động... đáng được tán thán. Nếu Tỷ-kheo nào mang y từ người Gia chủ cúng, nhưng không tháo động... đáng được tán thán. Tuy vậy, này Gia chủ, hãy cúng dường chúng Tăng. Nếu Ông cúng dường chúng Tăng, tâm sẽ được định tín. Nếu Ông có tâm định tín, lúc thân hoại mạng chung, sẽ được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.

- Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, con sẽ bố thí cúng dường chúng Tăng.

(VI) (60) Hatthisàriputta

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, nhiều vị Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà hình tròn và thuyết về Thắng pháp luận. Tại đấy, Tôn giả Hatthisàriputta, trong khi các tỷ-kheo trưởng lão đang thuyết về Thắng pháp luận, lại nói xen vào chặng giữa. Rồi Tôn giả Mahàkotthita nói với Tôn giả Hatthisàriputta:

- Tôn giả Citta Hatthisàriputta, trong khi các tỷ-kheo trưởng lão đang thuyết về Thắng pháp luận, chớ có nói xen vào chặng giữa! Tôn giả Citta hãy chờ cho đến cuối câu chuyện.

Ðược nghe nói vậy, các Tỷ-kheo bạn bè của Tôn giả Citta Hatthisàriputta nói với Tôn giả Mahàkotthita:

- Tôn giả Kotthita chớ có bất mãn Tôn giả Citta Hatthisàriputta! Tôn giả Citta Hatthisàriputta là bậc Hiền trí. Tôn giả Citta Hatthisàriputta có thể nói chuyện về Thắng pháp luận với các Tỷ-kheo trưởng lão và thật rất khó lòng cho các Hiền giả để biết được tâm tư của người khác.

2. Ở đây, thưa các Hiền giả, có hạng người, khi còn sống gần vị Bổn sư hay sống gần một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, trong khi ấy, là người nhu hòa nhất trong những người nhu hòa, là người khiêm tốn nhất trong những người khiêm tốn, là người an tịnh nhất trong những người an tịnh. Khi người ấy rời khỏi bậc Ðạo Sư, rời khỏi các vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, vị ấy sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, các đại thần của vua, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, này các Hiền giả, một con bò ăn lúa, bị dây cột lại, hay bị nhốt trong chuồng. Này Hiền giả, nếu có ai nói như sau: "Con bò ăn lúa này sẽ không bao giờ đi xuống ruộng lúa nữa", nói như vậy, thưa các Hiền Giả, là nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả, sự kiện này, thưa Hiền giả, có xảy ra: Con bò ăn lúa ấy, sau khi bứt dây, hay phá sập chuồng, có thể xuống ruộng lúa nữa.

Cũng vậy, này các Hiền giả, ở đây, một số người khi còn sống gần vị Bổn Sư, hay sống gần một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, trong khi ấy, là người nhu hòa nhất trong những người nhu hòa, là người khiêm tốn nhất trong những người khiêm tốn, là người an tịnh nhất trong những người an tịnh. Khi người ấy rời khỏi bậc Ðạo Sư, rời khỏi vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, vị ấy sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, các đại thần của vua, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục.

3. Ví như có hạng người ly dục..., chứng và trú sơ Thiền. Với tư tưởng: "Ta đã được sơ Thiền", vị ấy sống giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, này các Hiền giả, một cơn mưa to lớn xảy ra tại ngã tư đường, khiến cho bụi bặm biến mất và bùn hiện ra. Này các Hiền giả, nếu có ai nói như sau: "Nay tại ngã tư đường này, bụi sẽ không hiện ra nữa". Người ấy nói như vậy có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có xảy ra, thưa Hiền giả: "Tại ngã tư đường này, có người đi qua, hay có trâu bò đi qua, hay gió và nóng có thể làm cho khô khí ẩm ướt và bụi sẽ hiện ra trở lại.

- Cũng như vậy, thưa các Hiền giả, ở đây có hạng người ly dục... chứng và trú Thiền thứ nhất. Vị ấy, với ý nghĩa: "Ta đã chứng sơ thiền", sống giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục.

4. Ở đây, này các Hiền giả, có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ hai. Vị ấy, với ý nghĩa: "Ta đã chứng được Thiền thứ hai", giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, thưa các Hiền giả, một hồ nước lớn gần một làng hay thị trấn. Tại đấy, một cơn mưa to xảy đến, khiến cho các loài sò ốc, các đá sỏi biến mất.

Thưa các Hiền giả, nếu có ai nói như sau: "Nay tại hồ nước này, các loại sò ốc, các đá sỏi sẽ không xuất hiện ra nữa". Người ấy nói như vậy có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có xảy ra, thưa Hiền giả: Tại hồ nước này, loài Người có thể uống, hay loài trâu bò có thể uống, hay gió và sức nóng có thể làm cho khô khí ẩm ướt, và các loài sò ốc, các đá sỏi có thể xuất hiện ra lại.

- Cũng vậy, thưa các Hiền giả, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ hai. Vị ấy với ý nghĩ: "Ta đã chứng được Thiền thứ hai", giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục.

5. Ở đây, thưa các Hiền giả, có hạng người từ bỏ hỷ... chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy với ý nghĩ: "Ta đã chứng được Thiền thứ ba", giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, thưa các Hiền giả, có người đã ăn đồ ăn thượng vị, không ưa thích các đồ ăn hôm qua để lại. Thưa các Hiền giả, nếu ai nói như sau: "Nay người này không còn ưa thích đồ ăn nữa", thưa các Hiền giả, người ấy nói như vậy có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện có xảy ra: Người này, thưa Hiền giả, khi ăn đồ ăn thượng vị, cho đến khi nào chất dinh dưỡng còn tồn tại trong thân, cho đến khi ấy, không có một món ăn nào khác sẽ làm vị ấy ưa thích. Cho đến khi chất dinh dưỡng tiêu mất, khi ấy món ăn có thể làm cho vị ấy ưa thích.

- Cũng vậy, này các Hiền giả, ở đây có hạng người từ bỏ hỷ... chứng và trú Thiền thứ ba, vị ấy với ý nghĩ: "Ta đã chứng được Thiền thứ ba", giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục.

6. Ví như, này các Hiền giả, có hạng người từ bỏ lạc, từ bỏ khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy với ý nghĩ: "Ta đã chứng được Thiền thứ tư", giao thiệp với các Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, này các Hiền giả, một hồ nước trong khe núi, không có gió, không có sóng. Rồi thưa các Hiền giả, nếu có ai nói như sau: "Nay trong hồ nước này sẽ không hiện ra sóng nữa", người ấy, thưa các Hiền giả, có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có thể xảy ra: Nếu từ phương Ðông, mưa to gió lớn đến, mưa to gió lớn ấy làm cho hồ nước ấy khởi sóng; nếu từ phương Tây... nếu từ phương Bắc... nếu từ phương Nam, mưa to gió lớn đến, mưa to gió lớn ấy làm cho hồ nước ấy khởi sóng.

- Cũng vậy, này các Hiền giả, ở đây có hạng người từ bỏ lạc, từ bỏ khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy với ý nghĩ: "Ta đã chứng được Thiền thứ tư", giao thiệp với Tỷ-kheo... từ bỏ học pháp và hoàn tục.

7. Ở đây, này các Hiền giả, có hạng người không tác ý tất cả các tướng, chứng đạt và an trú vô tướng tâm định. Vị ấy, với ý nghĩ: "Ta đã chứng đạt được vô tướng tâm định", sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, đại thần các vua chúa, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, nên tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục. Ví như, thưa các Hiền giả, một vị vua, hay đại thần của vua, đang đi giữa đường cùng với bốn loại binh chủng, đến trú ở một đêm tại một khóm rừng. Ở đấy, do tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng bộ binh, tiếng trống lớn, trống nhỏ, tiếng tù và, nên tiếng của con dế biến mất. Rồi này các Hiền giả, có người nói như sau: "Nay trong khóm rừng này, tiếng kêu của con dế không hiện ra nữa". Người ấy nói như vậy, thưa các Hiền giả, có nói một cách chơn chánh không?

- Thưa không, thưa Hiền giả. Sự kiện này có xảy ra, thưa Hiền giả: Khi nào vua hay vị đại thần của vua ra đi khỏi khóm rừng này, khi ấy tiếng con dế kêu sẽ hiện hữu.

- Cũng vậy, thưa các Hiền giả, ở đây, có hạng người do không tác ý tất cả các tướng, chứng đạt và an trú vô tướng tâm định. Vị ấy, với ý nghĩ: "Ta đạt được vô tướng tâm định", sống giao thiệp với các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ, với các vua chúa, các đại thần của vua, với các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo. Do vị ấy sống giao thiệp, phóng túng, thô lỗ, đam mê nói chuyện, nên tham ái tấn công tâm vị ấy. Vị ấy, với tâm bị tham ái tấn công, liền từ bỏ học pháp và hoàn tục.

8. Rồi Tôn giả Citta Hatthisàriputta sau một thời gian từ bỏ học pháp và hoàn tục. Rồi các Tỷ-kheo, bạn của Tôn giả Citta Hatthisàriputta đi đến Tôn giả Mahàkotthita, sau khi đến nói với Tôn giả Mahàkotthita:

- Có phải Tôn giả Mahàkotthita biết được tâm của Citta Hatthisàriputta với tâm của mình: "Citta Hatthisàriputta đã chứng quả chứng này, quả chứng này, hay là chư Thiên báo cho biết về vấn đề này; tuy vậy, vị ấy sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục"?

- Thưa chư Hiền, tôi biết được tâm của Citta Hatthisàriputta với tâm của tôi, rằng Citta đã chứng được quả chứng này, quả chứng này, và chư Thiên cũng báo cho biết về vấn đề này: "Thưa Tôn giả, Citta Hatthisàriputta đã chứng được quả chứng này, quả chứng này, nhưng vị ấy sẽ từ bỏ học pháp và hoàn tục".

Rồi các bạn bè của Citta Hatthisàriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, Citta Hatthisàriputta đã chứng được quả chứng này, quả chứng này, nhưng đã từ bỏ học pháp và hoàn tục.

- Này các Tỷ-kheo, Citta không bao lâu sẽ nghĩ đến xuất ly.

9. Rồi Citta Hatthisàriputta không bao lâu cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Rồi Tôn giả Citta Hatthisàriputta sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chân chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hướng đến. Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vị ấy ngay trong hiện tại đã tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ rằng: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

Và Tôn giả Citta Hatthisàriputta trở thành một vị A-la-hán.

(VII) (61) Con Ðường Ði Ðến Bờ Bên Kia

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo trưởng lão, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà hình tròn, và câu chuyện sau đây được khởi lên:

- Này chư Hiền, Thế Tôn đã nói như sau trong "Con đường đến bờ bên kia" trong câu hỏi của Metteyya:

Ai biết hai cực đoan,
Giữa bậc Trí không nhiễm,
Ta gọi bậc Ðại nhân,
Ðây, vượt người dệt vải.

- Thưa Hiền giả, thế nào là một cực đoan? Thế nào là cực đoan thứ hai? Thế nào là chặng giữa? Thế nào là người dệt vải?

2. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

- Thưa chư Hiền, xúc là một cực đoan. Xúc tập khởi là cực đoan thứ hai. Xúc diệt là chặng giữa. Ái là người thợ dệt; vì rằng ái dệt, nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này. Cho đến như vậy, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo thắng tri được điều có thể thắng tri, liễu tri được điều có thể liễu tri. Do thắng tri được điều có thể thắng tri, do liễu tri được điều có thể liễu tri, ngay trong hiện tại, vị ấy có thể chấm dứt khổ đau.

3. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

- Quá khứ, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Tương lai là cực đoan thứ hai. Hiện tại là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt, nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này. Cho đến như vậy, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo thắng tri được điều có thể tri... vị ấy có thể chấm dứt khổ đau.

4. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

- Lạc, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Khổ là cực đoan thứ hai. Không khổ không lạc là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt, nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này... có thể chấm dứt khổ đau.

5. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

- Danh, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Sắc là cực đoan thứ hai. Thức là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt... có thể chấm dứt khổ đau.

6. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

- Sáu nội xứ, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Sáu ngoại xứ là cực đoan thứ hai. Thức là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt... có thể chấm dứt khổ đau.

7. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

- Thân, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Thân tập khởi là cực đoan thứ hai. Thân kiến diệt là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt... có thể chấm dứt khổ đau.

8. Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

- Thưa chư Hiền, tất cả chúng tôi đã trả lời tùy theo sự hiểu biết của chúng tôi. Thưa chư Hiền, chúng ta sẽ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, chúng ta sẽ hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ thọ trì như vậy.

- Thưa vâng, thưa Hiền giả.

Các Tỷ-kheo trưởng lão vâng đáp Tỷ-kheo ấy. Rồi các trưởng lão đi đến Thế Tôn, sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ -kheo trưởng lão thuật lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện đã xảy ra và thưa:

- Bạch Thế Tôn, ai là người đã khéo nói?

- Tất cả các Thầy, này các Tỷ-kheo, đều khéo nói theo phương pháp của mình. Nhưng, đây là vấn đề Ta nói về con đường đi đến bờ bên kia trong các câu hỏi của Metteyya.

Ai biết hai cực đoan,
Giữa bậc Trí không nhiễm,
Ta gọi bậc Ðại nhân,
Ðây, vượt người dệt vải.

Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo trưởng lão vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

- Xúc, này các Tỷ-kheo, là cực đoan. Xúc tập khởi là cực đoan thứ hai. Xúc diệt là chặng giữa. Ái là người dệt vải; vì rằng ái dệt nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thắng tri được điều có thể thắng tri, liễu tri được điều có thể liễu tri. Do thắng tri được điều có thể thắng tri, liễu tri được điều có thể liễu tri, ngay trong hiện tại, vị ấy có thể chấm dứt khổ đau.

(VIII) (62) Lời Cảm Hứng

1. Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến một thị trấn của dân chúng Kosala tên là Dandakappaka. Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, ngồi xuống trên chỗ đã được sửa soạn dưới một gốc cây; còn các Tỷ-kheo ấy đi vào Dandakappaka để tìm chỗ ở. Bấy giờ Tôn giả Aụnanda cùng với một số đông Tỷ-kheo, đi đến sông Aciravatì để rửa tay chân, sau khi rửa tay chân ở sông Aciravatì xong, ra khỏi sông, đứng trên bờ đắp một y để phơi tay chân cho khô.

2. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, thưa với Tôn giả Ananda:

- Có phải Thế Tôn tập trung tất cả tâm, thưa Tôn giả Ananda, để tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được" hay có phải nhờ một Thiên nhân?

- Thật đúng như Thế Tôn đã tuyên bố.

Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, với một số đông Tỷ-kheo, con đi đến sông Aciravatì để rửa tay chân, sau khi rửa tay chân ở sông Aciravatì xong, ra khỏi sông, đứng trên bờ đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô. Rồi bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo đi đến con, sau khi đến thưa với con: "Có phải Thế Tôn tập trung tất cả tâm, thưa Tôn giả Ananda, để tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu độ được" hay có phải nhờ một Thiên nhân? "

Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời Tỷ-kheo ấy: "Thưa Hiền giả, thật đúng như Thế Tôn đã tuyên bố".

- Này Ananda, hoặc Tỷ-kheo ấy là vị tân nhập, xuất gia chưa được bao lâu, hay vị ấy là Tỷ-kheo trưởng lão ngu si, không thông minh. Làm sao khi ta đã tuyên bố một chiều, ở đây lại có thể có trường hợp thứ hai được? Ta không thể thấy về một người nào khác, này Aụnanda, sau khi tập trung tất cả tâm, Ta đã tuyên bố như vậy, trừ với Devadatta! Cho đến khi nào, này Ananda, Ta thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Devadatta, thời Ta đã không tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu độ được". Cho đến khi nào, này Ananda, Ta không thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Davadatta, cho nên Ta đã tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được". Ví như, này Ananda, một hố phân cao hơn đầu người, đầy cả phân, và một người rơi vào hố phân cho đến cả đầu. Rồi một người khác đi đến, muốn lợi ích, muốn hạnh phúc, muốn người ấy an ổn khỏi các khổ ách, muốn kéo người ấy ra khỏi hố phân ấy. Người này đi vòng quanh hố phân và không thấy cho đến một điểm nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở người ấy mà không bị dính phân, để có thể nắm lấy chỗ ấy và kéo lên. Cũng vậy, này Ananda, cho đến khi nào, Ta thấy một pháp trắng nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa ở Devadatta, thời Ta đã không tuyên bố về Devadatta như sau: "Devadatta phải sanh vào đọa xứ, phải sanh vào địa ngục cho đến một kiếp, không thể cứu hộ được". Nếu thầy muốn nghe, này Ananda, Như Lai sẽ phân tích về căn trí của con người.

- Nay đã đến thời, bạch Thế Tôn! Nay đã đến thời, bạch Thiên Thệ, để Thế Tôn phân tích các căn trí của con người, sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

- Vậy này Ananda, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3. - Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người khác: "Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện". Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đang hiện hữu, nhưng còn có cội gốc thiện chưa bị cắt đứt. Và pháp thiện sẽ khởi lên từ cội gốc thiện ấy". Như vậy người này sẽ không bị thối đọa trong tương lai. Ví như, này Ananda, các hột giống chưa bị bể vụn, chưa bị hư thối, chưa bị gió và sức nóng phá hoại, còn giữ được sức sống bám sâu trong cánh đồng, được gieo trên mảnh đất khéo sửa soạn. Này Ananda, Thầy có thể biết những hột giống này sẽ được lớn lên, được tăng trưởng, được lớn mạnh không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy, này Ananda, ở đây, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người khác: "Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện". Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đang hiện hữu. Nhưng còn có cội gốc thiện chưa bị cắt đứt. Và thiện pháp sẽ khởi lên từ cội gốc thiện ấy". Như vậy người này sẽ không bị thối đọa trong tương lai. Như vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình biết được tâm của loài Người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

4. Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người khác: "Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện". Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Trong người này, các pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện đang hiện hữu, nhưng còn có cội gốc bất thiện chưa bị cắt đứt và các pháp bất thiện sẽ khởi lên từ cội gốc bất thiện ấy". Như vậy người này sẽ bị thối đọa trong tương lai. Ví như, này Ananda, các hột giống chưa bị bể vụn, chưa bị hư thối, chưa bị gió và sức nóng phá hoại, còn giữ được sức sống, được bám sâu trong cánh đồng, được gieo trên mảnh đất đầy sỏi đá. Này Ananda, Thầy có thể rõ biết những hột giống này sẽ không có thể được lớn lên, được tăng trưởng, được lớn mạnh không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy, này Ananda, ở đây, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác: "Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện". Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Trong người này, các pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện đang hiện hữu, nhưng cội gốc của pháp bất thiện chưa được cắt đứt và các pháp bất thiện sẽ khởi lên từ cội gốc bất thiện ấy. Như vậy người này sẽ bị thối đọa trong tương lai". Như vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình, đã biết được tâm của loài Người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

5. Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác: "Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện". Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Người này không có pháp trắng cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp bất thiện, chỉ một mặt màu đen, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục". Ví như, này Ananda, các hột giống bị bể vụn, bị hư thối, bị gió và sức nóng phá hoại, được bám sâu trong cánh đồng, được gieo trên mảnh đất khéo sửa soạn. Này Aụnanda, Thầy có thể rõ biết những hột giống này không thể được lớn lên, được tăng trưởng, được lớn mạnh không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác: "Trong người này, có những pháp thiện, và những pháp bất thiện". Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Người này không có pháp trắng cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp bất thiện, chỉ một mặt màu đen, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục". Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình biết được tâm của loài Người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, có thể tuyên bố ba hạng người khác đồng loại với ba người này hay không?

- Có thể được, này Ananda.

Thế Tôn nói như sau:

6. - Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: "Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện". Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đang hiện khởi; và cội gốc thiện chưa bị cắt đứt và nhưng đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ đi đến thối đọa trong tương lai". Ví như, này Ananda, các cục than cháy đỏ, rực cháy, cháy lửa ngọn, được quăng trên đất sỏi. Này Ananda, Thầy có biết không, đống than này không có thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

Ví như, này Ananda, vào buổi chiều, mặt trời đang lặn, Thầy có thể biết được chăng, này Ananda, biết rằng: "Ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện"?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

Ví như, này Ananda, khi đêm đã qua một phần, trong thời gian ăn cơm, Thầy có biết chăng, này Ananda, biết rằng: "Ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện"?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy, này Ananda, ở đây với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: "Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện". Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy, biết rằng: "Trong người này, các pháp thiện đã biến mất, các pháp bất thiện đã hiện khởi. Và cội gốc thiện chưa bị cắt đứt, đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ đi đến thối đọa trong tương lai". Cũng vậy, này Aụnanda, Như Lai biết được tâm của loài Người, với tâm của mình. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

7. Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: "Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện". Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Trong người này, các pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện hiện khởi; cội gốc bất thiện chưa bị cắt đứt, nhưng đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ không phải bị thối đọa trong tương lai". Ví như, này Ananda, đống than cháy đỏ, rực cháy, cháy lửa ngọn, quăng trên một đống cỏ khô, hay trên đống củi khô. Này Ananda, Thầy có biết chăng, đống than này sẽ được lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Ví như, này Ananda, đêm đã gần mãn, mặt trời đang mọc; này Ananda, Thầy có biết chăng bóng tối sắp sửa biến mất, ánh sáng sẽ hiện ra"?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Ví như, này Ananda, trong một thời gian sau, vào giữa trưa, vào giờ ăn cơm, Thầy có biết chăng, này Ananda, bóng tối đã biến mất, ánh sáng đã hiện ra"?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Cũng vậy, này Ananda, ở đây, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: "Trong người này, có những pháp thiện, có những pháp bất thiện". Sau một thời gian khác, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Trong người này, pháp bất thiện đã biến mất, các pháp thiện được hiện khởi; cội gốc bất thiện chưa bị cắt đứt, nhưng đi đến hoàn toàn bị nhổ lên bởi người ấy. Như vậy, người này sẽ không phải bị thối đọa trong tương lai". Cũng vậy, này Ananda, Như Lai biết được tâm của loài Người với tâm của mình. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được các căn trí của người. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

8. Ở đây, này Ananda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: "Trong người này, có những pháp thiện, cũng có những pháp bất thiện". Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Trong người này không có pháp bất thiện cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp thuần túy trắng, những pháp không có lỗi lầm, ngay trong hiện tại, sẽ được nhập Niết-bàn". Ví như, này Ananda, những cục than nguội lạnh, đã dập tắt, bị quăng trên đống cỏ hay trên đống củi khô. Này Ananda, Thầy có biết chăng, đống than này không thể lớn lên, tăng trưởng, lớn mạnh?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

Cũng vậy, ở đây này Aụnanda, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người khác như sau: "Trong người này, có những pháp thiện, cũng có những pháp bất thiện". Sau một thời gian, cũng vậy, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của người ấy: "Trong người này không có pháp bất thiện cho đến nhỏ như đầu sợi lông đuôi ngựa. Người này thành tựu với những pháp thuần túy trắng, những pháp không có lỗi lầm, ngay trong hiện tại, sẽ được nhập Niết-bàn". Như vậy, này Ananda, Như Lai biết được tâm của loài Người với tâm của mình. Cũng vậy, này Ananda, Như Lai với tâm của mình đã biết được căn trí của mình, biết được pháp sanh khởi trong tương lai.

Ở đây, này Ananda, ba hạng người trước, một trong ba người ấy không phải bị thối đọa, một phải bị thối đọa, một bị rơi vào đọa xứ, địa ngục. Ở đây, này Ananda, trong ba hạng người sau, một trong ba hạng người này không phải bị thối đọa, một phải bị thối đọa, một được nhập Niết-bàn.

(IX) (63) Một Pháp Môn Quyết Trạch

1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Thầy pháp môn thể nhập, pháp môn pháp. Hãy nghe và tác ý, Ta sẽ giảng.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. - Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn thể nhập (quyết trạch), pháp môn pháp?

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các dục, cần phải biết duyên khởi các dục, cần phải biết các dục sai biệt, cần phải biết các dục dị thục, cần phải biết các dục đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các dục đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết cảm thọ, cần phải biết các cảm thọ duyên khởi, cần phải biết các cảm thọ sai biệt, cần phải biết các cảm thọ dị thục, cần phải biết các cản thọ đoạn diệt, cần phaỉ biết con đường đưa đến các cảm thọ đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các tưởng, cần phải biết các tưởng duyên khởi, cần phải biết các tưởng sai biệt, cần phải biết các tưởng dị thục, cần phải biết các tưởng đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc, cần phải biết các lậu hoặc duyên khởi, cần phaỉ biết các lậu hoặc sai biệt, cần phải biết các lậu hoặc dị thục, cần phải biết các lậu hoặc đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết nghiệp, cần phải biết duyên khởi các nghiệp, cần phải biết các nghiệp sai biệt, cần phải biết các nghiệp dị thục, cần phải biết các nghiệp đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ duyên khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt.

3. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các dục, cần phải biết các dục duyên khởi, cần phải biết các dục sai biệt, cần phải biết các dục dị thục, cần phải biết các dục đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các dục đoạn diệt, đã được nói như vậy. Và do duyên gì được nói như vậy?

Này các Tỷ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này: Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả ý, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức... khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, dầu chúng không phải dục, chúng được gọi là dục trưởng dưỡng trong giới luật của bậc Thánh.

Các tư duy tham ái,
Là dục của con người,
Các hoa mỹ ở đời,
Chúng không phải là dục,
Các tư duy tham ái
Là dụccủa con người,
Các hoa mỹ an trú
Như vậy ở trên đời,
Ở đây những bậc Trí,
Nhiếp phục được lòng dục.

4. Này các Tỷ-kheo, thế nào là các dục duyên khởi? Xúc, này các Tỷ-kheo, là các dục duyên khởi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các dục sai biệt? Này các Tỷ-kheo, dục trên các sắc là khác, dục trên các tiếng là khác, dục trên các hương là khác, dục trên các vị là khác, dục trên các xúc là khác. Này các Tỷ-kheo, đây là các dục sai biệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các dục dị thục? Này các Tỷ-kheo, khi muốn một cái gì, sanh khởi một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phần phước đức, hay để dự phần không phước đức, Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các dục dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các dục đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỷ-kheo là dục đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các dục đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các dục như vậy, rõ biết các dục sanh khởi như vậy, rõ biết các dục sai biệt như vậy, rõ biết các dục dị thục như vậy, rõ biết các dục đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các dục đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thế nhập này như là các dục đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các dục... cần phải biết con đường đưa đến dục đoạn diệt, Ðoạn diệt đã được nói như vậy. Chính do duyên này, đã được nói như vậy.

5. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các cảm thọ... cần phải biết con đường đưa đến các cảm thọ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Do duyên gì đã được nói như vậy?

Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này: lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ.

6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các cảm thọ sanh khởi? Xúc, này các Tỷ-kheo, là các cảm thọ sanh khởi. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các cảm thọ sai biệt? Này các Tỷ-kheo, có các lạc thọ liên hệ đến vật chất có các lạc thọ không liên hệ đến vật chất; có các khổ thọ không liên hệ đến vật chất, có các khổ lạc thọ không liên hệ đến vật chất; có các cảm thọ không khổ không lạc liên hệ đến vật chất, có các cảm thọ không khổ không lạc không liên hệ đến vật chất. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các cảm thọ sai biệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các cảm thọ dị thục? Này các Tỷ-kheo, khi nào cảm thọ cái gì, sanh khởi một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phần phước đức, hay để dự phần không phước đức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các cảm thọ dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các cảm thọ đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là các cảm thọ đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các cảm thọ đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Và khi nào, này các Tỷ kheo, vị thánh đệ tử đã biết các cảm thọ như vậy, rõ biết các cảm thọ sanh khởi như vậy, rõ biết các cảm thọ sai biệt như vậy, rõ biết các cảm thọ dị thục như vậy, rõ biết các cảm thọ đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các cảm thọ đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các cảm thọ... cần phải biết con đường đưa đến các cảm thọ đoạn diệt, đã nói như vậy. Chính do duyên này, đã được nói như vậy.

7. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các tưởng...cần phải biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt, đã được nói như vậy. Do duyên gì đã được nói như vậy?

Này các Tỷ-kheo, có sáu tưởng này: Sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng.

8. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng sanh khởi? Này các Tỷ-kheo, xúc là các tưởng sanh khởi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các tưởng sai biệt? Này các Tỷ-kheo, các tưởng trong các sắc là khác, các tưởng trong các hương là khác, các tưởng trong các vị là khác, các tưởng trong các xúc là khác, các tưởng trong các pháp là khác. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các tưởng sai biệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các tưởng dị thục? Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng các tưởng là kết quả của thói quen, khi nào người ta biết sự vật như thế nào, như thế nào, người ta nói sự vật ấy như sau, như sau: "Như vậy tôi tưởng". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các tưởng dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các tưởng đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là tưởng đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến các tưởng đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Khi nào này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các tưởng như vậy, rõ biết các tưởng sanh khởi như vậy, rõ biết các tưởng sai biệt như vậy, rõ biết các tưởng dị thục như vậy, rõ biết các tưởng đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các tưởng đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các tưởng... cần phải biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này đã được nói như vậy.

9. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc... cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên nào đã được nói như vậy? Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc sanh khởi? Vô minh, này các Tỷ-kheo, là các lậu hoặc sanh khởi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc sai biệt? Này các Tỷ-kheo, có các lậu hoặc đưa đến địa ngục, có các lậu hoặc đưa đến bàng sanh, có các lậu hoặc đưa đến ngạ quỷ, có các lậu hoặc đưa đến thế giới loài người, có các lậu hoặc đưa đền thế giới chư Thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc sai biệt.

Và này các Tỷ Kheo, thế nào là các lậu hoặc dị thục? Này các Tỷ kheo, khi nào vì vô minh cái gì sanh khởi, một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phấn phước đức, hay để dự phấn không phước đức. Này các Tỷ kheo, đây gọi là các lậu hoặc dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc đoạn diệt? Vô minh đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là các lậu đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các lậu hoặc là như vậy, rõ biết các lậu hoặc sanh khởi như vậy, rõ biết các lậu hoặc sai biệt như vậy, rõ biết các lậu hoặc dị thục như vậy, rõ biết các lậu hoặc đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các lậu hoặc đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc... cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này đã được nói như vậy.

11. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các nghiệp... cần phải biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt được nói như vậy. Do duyên gì được nói như vậy?

Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý.

12. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các nghiệp sanh khởi? Này các Tỷ-kheo, xúc là các nghiệp sanh khởi.

- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các nghiệp sai biệt? Này các Tỷ-kheo, có nghiệp đưa đến cảm thọ ở địa ngục, có nghiệp đưa đến cảm thọ loài bàng sanh, có nghiệp đưa đến cảm thọ cõi ngạ quỷ, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới loài Người, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới chư Thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các nghiệp sai biệt. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các nghiệp dị thục? Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng có ba loại nghiệp dị thục: Ở ngay đời hiện tại, hay ở đời sau, hay ở một đời sau nữa. Này các Tỷ-kheo, đây là các nghiệp dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là nghiệp đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành, con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt. Ðó là chánh tri kiến... chánh định. Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các nghiệp như vậy, rõ biết các nghiệp sanh khởi như vậy, rõ biết các nghiệp sai biệt như vậy, rõ biết các nghiệp dị thục như vậy, rõ biết các nghiệp đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các nghiệp đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các nghiệp... cần phải rõ biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này đã được nói như vậy.

13. Này các Tỷ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ sanh khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên gì đã được nói như vậy?

Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ.

14. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ sanh khởi? Ái, này các Tỷ-kheo, là khổ sanh khởi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ sai biệt? Này các Tỷ-kheo có khổ lớn, có khổ nhỏ, có khổ chậm biến, có khổ mau biến. Này các Tỷ-kheo, đây là khổ sai biệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ dị thục? Này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc, ưu sầu, bi thảm, than van, đập ngực, khóc lóc, đi đến bất tỉnh; do bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc, nên đi tìm phía bên ngoài xem có ai biết được một câu, hai câu thần chú đề đoạn diệt khổ này.

Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng khổ đem lại kết quả mê loạn, đem lại kết quả tìm kiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là khổ dị thục.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?

Ái đoạn diệt, này các Tỷ-kheo, là khổ đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến khổ đoạn diệt. Ðó là chánh kiến... chánh định. Này các Tỷ-kheo, khi nào Thánh đệ tử rõ biết khổ như vậy, rõ biết khổ sanh khởi như vậy, rõ biết khổ sai biệt như vậy, rõ biết khổ dị thục như vậy, rõ biết khổ đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là khổ đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ sanh khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này, đã được nói như vậy.

Này các Tỷ-kheo, đây là thể nhập pháp môn, pháp pháp môn.

(X) (64) Tiếng Rống Con Sư Tử

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu Như Lai lực của Như Lai, do thành tựu các lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị ngư vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, chuyển bánh xe pháp. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết xứ là xứ, phi xứ là phi xứ, như vậy là Như Lai lực của Như Lai. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, chuyển bánh xe pháp.

3. Lại nữa, này các Tỷ kheo, Như Lai như thật rõ biết quả báo tùy thuộc sở do, tùy thuộc sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại. Này các Tỷ kheo , Như Lai như thật rõ biết quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại, như vậy là Như Lai lực của Như Lai.... chuyển bánh xe pháp.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của những thành đạt về Thiền, về giải thoát, về định. Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật biết... và chuyển bánh xe pháp.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời... Như vậy, Như Lai nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết... và chuyển bánh xe pháp.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh... Này các Tỷ-kheo, Như Lai như thật rõ biết... và chuyển bánh xe pháp.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, chứng ngộ thành tựu và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, thành tựu và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị ngư vương, rống tiếng con sư tử trong các hội chúng và chuyển bánh xe pháp.

Này các Tỷ-kheo, có sáu Như Lai lực này của Như Lai, do thành tựu các lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị ngư vương, rống tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, chuyển bánh xe chánh pháp.

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ, này các Tỷ-kheo, tùy theo, tùy theo như thật trí hiểu biết của Như Lai về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ.

9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại, này các Tỷ-kheo, tùy theo, tùy theo như thật trí hiểu biết của Như Lai về quả báo tùy thuộc sờ do, tùy theo sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về quả báo tùy thuộc sở do, tùy thuộc sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại.

10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của những thành đạt về thiền, về giải thoát, về định, này các Tỷ-kheo; tùy theo, tùy theo như thật trí hiểu biết của Như Lai về sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của thành tựu về Thiền, về giải thoát, về định; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của những thành đạt về Thiền, về giải thoát, về định.

11. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác đến hỏi Như lai các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về nhớ đến các đời sống quá khứ, này các Tỷ-kheo, tùy theo, tùy theo như thật trí hiểu biết của Như Lai, về nhớ đến các đời sống quá khứ; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về nhớ đến các đời sống quá khứ.

12. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về sự sanh diệt của các chúng sanh, này các Tỷ-kheo, tùy theo, tùy theo như thật trí hiểu biết của Như Lai về sự sanh diệt của các chúng sanh; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về sự sanh diệt của các chúng sanh.

13. Ở đây, này các Tỷ-kheo nếu có những người khác đến hỏi Như Lai các câu hỏi liên hệ đến như thật trí... về sự đoạn diệt các lậu hoặc; hiểu biết của Như Lai về sự đoạn diệt các lậu hoặc; tùy theo như vậy, tùy theo như vậy, Như Lai trả lời các câu hỏi liên hệ đến như thật trí về sự đoạn diệt các lậu hoặc.

14. Ở đây, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến như thật trí này, về xứ là xứ, phi xứ là phi xứ, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không Thiền định. Liên hệ đến như thật trí về quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các thọ nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không có Thiền định. Liên hệ đến như thật trí về sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của những thành đạt về Thiền, về giải thoát, về định, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không có Thiền định. Ở đây, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến như thật trí, nhớ đến các đời sống quá khứ, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không thiền định. Liên hệ đến như thật trí về sự sanh diệt của chúng sanh, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định. Ở đây, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến như thật trí về sự đoạn diệt các lậu hoặc, Ta tuyên bố rằng trí ấy chỉ có đối với người có Thiền định, không phải với người không có thiền định . Như vậy, này các Tỷ-kheo, định là chánh đạo, không định là tà đạo.



VII. Phẩm Chư Thiên

(I) (65) Vị Bất Lai

1. - Do không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng được quả Bất lai. Thế nào là sáu?

2. Bất tín, không tàm, không quý, biếng nhác, thất niệm, ác tuệ. Do không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng được quả Bất lai.

3. Do đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, có thể chứng được quả Bất lai. Thế nào là sáu?

4. Bất tín, không tàm, không quý, biếng nhác, thất niệm, ác tuệ. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận sáu pháp này, có thể chứng được quả Bất lai.

(III) (66) A-La-Hán

1. - Do không đoạn tận sáu pháp, này Tỷ-kheo, không có thể chứng được quả A-la-hán. Thế nào là sáu?

2. Hôn trầm, thụy miên, trạo cử, hối quá, bất tín, phóng dật. Này các Tỷ-kheo, do không đoạn tận sáu pháp này, không có thể chứng được quả A-la-hán.

3. Do đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, có thể chứng được quả A-la-hán. Thế nào là sáu?

4. - Hôn trầm, thụy miên, trạo cử, hối quá, bất tín, phóng dật. Này các Tỷ-kheo, do đoạn tận sáu pháp này, có thể chứng quả A-la-hán.

(III) (67) Những Người Bạn

1. - Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, là ác thân hữu, ác bằng hữu, ác bạn bè, thân cận, hầu hạ, tôn kính ác thân hữu, chấp nhận tà kiến của họ, sẽ làm cho viên mãn hành trì pháp, sự kiện này không xảy ra. Không viên mãn hành trì pháp, sẽ có thể làm cho viên mãn hữu học pháp, sự kiện này không xảy ra. Không viên mãn hữu học pháp, sẽ viên mãn các giới luật, sự kiện này không xảy ra. Không viên mãn các giới luật, sẽ từ bỏ dục tham, sắc tham, hay vô sắc tham, sự kiện này không xảy ra

2. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy, là thiện thân hữu, thiện bằng hữu, thiện bạn bè, thân cận, hầu hạ, tôn kính thiện thân hữu, chấp nhận chánh kiến của họ, sẽ làm cho viên mãn hành trì pháp, sự kiện này có thể xảy ra. Sau khi viên mãn hành trì pháp, sẽ có thể làm cho viên mãn hữu học pháp, sự kiện này có thể xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn hữu học pháp, sẽ làm cho viên mãn các giới luật, sự kiện này có xảy ra. Sau khi làm cho viên mãn các giới luật sẽ từ bỏ dục tham, sắc tham, hay vô sắc tham, sự kiện này có xảy ra.

(IV) (68) Hội Chúng

1. - Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy ưa thích hội chúng, vui thích hội chúng, chuyên tâm ưa thích hội chúng, ưa thích đồ chúng, vui thích đồ chúng, chuyên tâm ưa thích đồ chúng, vui thích đồ chúng sẽ hoan hỷ sống một mình, sống viễn ly, sự kiện này không xảy ra. Không hoan hỷ sống một mình, sống viễn ly, vị ấy sẽ nắm giữ tướng của tâm, sự kiện này không xảy ra, Không nắm giữ tướng của tâm, sẽ làm cho viên mãn chánh kiến, sự kiện này không xảy ra. Không làm cho viên mãn chánh kiến, sẽ làm cho viên mãn chánh định, sự kiện này không xảy ra. Không làm cho viên mãn chánh định, sẽ từ bỏ các kiết sử, sự kiện này không xảy ra. Không từ bỏ các kiết sử, sẽ chứng ngộ Niết-bàn, sự kiện này không xảy ra.

2. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không ưa thích hội chúng, không vui thích hội chúng, không chuyên tâm ưa thích hội chúng, không ưa thích đồ chúng, không vui thích đồ chúng, không chuyên tâm ưa thích đồ dùng, không vui thích đồ dùng, không chuyên tâm ưa thích đồ dùng, sẽ hoan hỷ sống một mình, sống viễn ly, sự kiện này có xảy ra. Hoan hỷ sống một mình, sống viễn ly, vị ấy sẽ nắm giữ tướng của tâm, sự kiện này có xảy ra. Nắm giữ tướng của tâm, sẽ làm cho viên mãn chánh kiến, sự kiện này có xảy ra. Làm cho viên mãn chánh kiến, sẽ làm cho viên mãn chánh định, sự kiện này có xảy ra. Làm cho viên mãn chánh định, sẽ từ bỏ các kiết sử, sự kiện này có xảy ra. Từ bỏ các kiết sử, sẽ chứng ngộ Niết-bàn, sự kiện này có xảy ra.

(V) (69) Vị Thiên Nhân

1. Bấy giờ có một Thiên nhân, sau đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn:

- Có sáu pháp này, bạch Thế Tôn, dắt dẫn vị Tỷ-kheo đi đến không thối đọa. Thế nào là sáu? Tôn kính Ðạo Sư, tôn kính Pháp, tôn kính Tăng, tôn kính học pháp, tôn kính thiện ngôn, tôn kính thiện bằng hữu. Sáu pháp này, bạch Thế Tôn, dắt dẫn vị Tỷ-kheo đi đến không thối đọa.

Thiên nhân ấy nói như vậy, bậc Ðạo Sư chấp nhận. thiên nhân ấy, với ý nghĩ: "Bậc Ðạo Sư đã chấp nhận ta", đảnh lễ Thế tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.

2. Rồi Thế Tôn sau khi đêm ấy đã mãn, gọi các Tỷ-kheo và nói:

- Này các Tỷ-kheo, đêm nay có một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta, rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy bạch với Ta: "Có sáu pháp này, bạch Thế Tôn, dắt dẫn vị Tỷ-kheo đi đến không thối đọa. Thế nào là sáu? Tôn kính bậc Ðạo Sư, tôn kính Pháp, tôn kính Tăng, tôn kính học pháp, tôn kính thiện ngôn, tôn kính thiện bằng hữu. Sáu pháp này, bạch Thế Tôn, dắt dẫn Tỷ-kheo đi đến không thối đọa". Này các Tỷ-kheo, vị Thiên nhân ấy nói như vậy, nói như vậy xong, đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.

3. Ðược nói như vậy, Tôn giả Sàriputta đảnh lễ Thế Tôn và thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vầy: Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo tự mình tôn kính bậc Ðạo sư và nói lời tán thán sự tôn kính bậc Ðạo Sư. Ðối với các Tỷ-kheo khác không tôn kính bậc Ðạo Sư, họ được khích lệ trong sự tôn kính bậc Ðạo Sư. Và đối với các Tỷ-kheo khác có tôn kính bậc Ðạo Sư, vị ấy nói lên lời tán thán với họ, như chân, như thật, đúng thời. Tự mình tôn kính Pháp... tự mình tôn kính thiện ngôn... tự mình tôn kính thiện bằng hữu và nói lời tán thán sự tôn kính thiện bằng hữu. Ðối với các Tỷ-kheo khác không tôn kính thiện bằng hữu, họ được khích lệ trong sự tôn kính thiện bằng hữu, vị ấy nói lên lời tán thán với họ, như chân, như thật, đúng thời. Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

- Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Lành thay này Sàriputta, Thầy đã hiểu lời noi vắn tắt này của Ta một cách rộng rãi như vậy. Ở đây, này Sàriputta, Tỷ-kheo tự mình tôn kính bậc Ðạo Sư, và nói lời tán thán sự tôn kính bậc Ðạo Sư.

Ðối với các vị Tỷ-kheo khác không tôn kính bậc Ðạo Sư, họ được khích lệ trong sự tôn kính bậc Ðạo Sư. Và đối với các vị Tỷ-kheo khác có tôn kính bậc Ðạo Sư, vị ấy nói lên lời tán thán với họ như chân, như thật, đúng thời. Tự mình tôn kính Pháp... tự mình tôn kính Tăng... tự mình tôn kính học pháp... tự mình tôn kính thiện ngôn... tự mình tôn kính thiện bằng hữu và nói lời tán thán sự tôn kính thiện bằng hữu. Ðối với các Tỷ-kheo khác không tôn kính thiện bằng hữu, họ được khích lệ trong sự tôn kính thiện bằng hữu. Và đối với các Tỷ-kheo khác có tôn kính bằng hữu, vị ấy nói lên lời tán thán với họ như chân, như thật, đúng thời. Này Sàriputta lời nói vắn tắt này của Ta cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi.

(VI) (70) Thần Thông

1. - Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không có Thiền định, tịch tĩnh, không đạt được khinh an thù diệu, không chứng đắc nội tĩnh nhứt tâm, sẽ chứng được nhiều loại thần thông. Một thân hiện ra nhiều thân... nhiều thân hiện ra một thân... có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên, sự kiện này không xảy ra. Với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân sẽ nghe hai loại tiếng chư Thiên và loài Người, xa và gần, sự kiện này không xảy ra. Sau khi đi sâu vào tâm của các chúng sanh, của loài Người với tâm của mình, vị ấy sẽ rõ biết được: "Tâm có tham, biết là tâm có tham... tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát" sự kiện này không xảy ra. Sẽ nhớ đến các Ðời sống quá khứ, như một đời, hai đời. Sẽ nhớ đến các đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết, sự kiện này không xảy ra. Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, sẽ thấy được các chúng sanh... vị ấy sẽ rõ biết các chúng sanh tùy theo hạnh nghiệp của họ, sự kiện này không xảy ra. Do đoạn diệt các lậu hoặc... sau khi chứng ngộ, chứng đạt và an trú, sự kiện này không xảy ra.

2. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy có Thiền định tịch tĩnh, đạt được sự khinh an thù diệu, chứng đắc nội tĩnh nhứt tâm, sẽ chứng được nhiều loại thần thông. Một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân... có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên, sự kiện này có thể xảy ra. Với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, sẽ nghe hai loại tiếng chư Thiên và loài Người, xa và gần, sự kiện này có xảy ra. Sau khi đi sâu vào tâm của các chúng sanh, của loài Người với tâm của mình, vị ấy sẽ rõ biết: "Tâm có tham, biết được là tâm có tham... tâm không giải thoát, biết được là tâm không giải thoát", sự kiện này có xảy ra. Vị ấy sẽ nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời... sẽ nhớ đến đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết, sự kiện này có xảy ra. Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, sẽ thấy được các chúng sanh... vị ấy sẽ rõ biết các chúng sanh tùy theo hạnh nghiệp của họ", sự kiện nào có xảy ra. Do đoạn diệt các lậu hoặc... sau khi chứng ngộ, chứng đạt và an trú, sự kiện này có xảy ra.

(VII) (71) Chứng Nhân

1- Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể đạt được địa vị chứng nhân, quả chứng này hay quả chứng khác, dầu thuộc loại xứ nào. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không như thật rõ biết: "Những pháp này dự phần vào thối đọa", không như thật rõ biết: "Những pháp này dự phần vào an trú", không như thật rõ biết: "Những pháp này dự phần vào thắng tiến hay thù thắng", không như thật rõ biết: "Những pháp này dự phần vào thể nhập", làm việc không chu toàn và làm việc không có lợi ích.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được địa vị một chứng nhân, quả chứng này hay quả chứng khác, dầu thuộc loại xứ nào.

3. Thành tựu sáu pháp này, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật rõ biết: "Những pháp này dự phần vào thối đọa", như thật rõ biết: "Những pháp này dự phần vào an trú", như thật rõ biết:" Những pháp này dự phần vào thắng tiến", Nhu thật rõ biết "Những pháp này dự phần vào dự phần vào thể nhập", làm việc có chu toàn, làm việc có lợi ích.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể đạt được địa vị chứng nhân, qua chứng này hay qua chứng khác, dầu thuộc loại xứ nào

(VIII) (72) Sức Mạnh

1. - Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể đạt được sức mạnh trong Thiền định. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không thiện xảo đạt được thiền định, không thiện xảo an trú được Thiền định, không thiện xảo xuất khỏi thiền định, làm việc không chu toàn, làm việc không kiên trì và làm việc không có lợi ích.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể đạt được sức mạnh trong Thiền định.

3. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo có thể đạt được sứ mạnh trong Thiền định. Thế nào là sáu?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thiện xảo đạt được Thiền định, thiện xảo an trú được Thiền định, thiện xảo xuất khỏi Thiền định, làm việc có chu toán, làm việc có kiên trì, làm việc có lợi ích.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có thể đạt được sức mạnh trong Thiền định.

(XI) (73) Thiền (1)

1. - Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được an trú sơ Thiền. Thế nào là sáu?

2. Dục tham, sân, hôn trầm, thụy miên, trạo hối, nghi, không như thật khéo thấy với chánh trí tuệ các nguy hại trong các dục. Không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được và an trú sơ thiền.

3. Ðoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, có thể đạt được và an trú sơ Thiền. Thế nào là sáu?

4. Dục tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi, như thật khéo thấy với chánh trí tuệ các nguy hại trong các dục. Ðoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đạt được và an trú sơ Thiền.

(74) Thiền (2)

1. - Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được và an trú sơ Thiền. Thế nào là sáu?

2. Dục tâm, sân tâm, hại tâm, dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng. Không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được và an trú sơ Thiền.

3. Ðoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, có thể đạt được và an trú sơ Thiền. Thế nào là sáu?

4. Dục tầm, sân tầm, hại tầm, dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng. Ðoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đạt được và an trú sơ Thiền.



VIII. Phẩm A-La-Hán

(I) (75) Khổ

1.- Thành tựu với sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, hiềm hận, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú. Thế nào là sáu?

2. Với dục tầm, với sân tầm, với hại tầm, với dục tưởng, với sân tưởng, với hại tưởng. Thành tựu với sáu pháp này, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống đau khổ, hiềm hận, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú.

3. Thành tựu với sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không hiềm hận, không ưu não, không nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là thiện thú.

4. Với xuất ly tầm, với vô sân tầm, với bất hại tầm, với xuất ly tưởng, với vô sân tưởng, với bất hại tưởng. Thành tựu với sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống an lạc, không hiềm hận, không ưu não, không nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là thiện thú.

(II) (76) A-La-Hán Quả

1. - Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng ngộ quả A-la-hán. Thế nào là sáu?

2. Mạn, ty mạn, quá mạn, tăng thượng mạn, cố chấp, ty liệt mạn. Không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng ngộ quả A-la-hán.

3. Ðoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng ngộ quả A-la-hán. Thế nào là sáu?

4. Mạn, ty mạn, quá mạn, tăng thượng mạn, cố chấp, ty liệt mạn. Ðoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng ngộ quả A-la-hán.

(III) (77) Thượng Nhân Pháp

1. - Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng ngộ các pháp thượng nhân tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Thế nào là sáu?

2. Thất niệm, không tỉnh giác, không phòng hộ các căn, không có thể tiết độ trong ăn uống, ngụy trá, hư đàm. Không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng ngộ các pháp thượng nhân tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.

3. Ðoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, có thể chứng ngộ các pháp thượng nhân tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Thế nào là sáu?

4. Thất niệm, không tỉnh giác, không phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, ngụy trá, hư đàm. Ðoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng ngộ các pháp thượng nhân tri kiến thù thắng xứng đánh bậc Thánh

(VI) (78) Lạc Hỷ

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, đối với vị ấy nguyên nhân đã được hình thành để đoạn trừ các lậu hoặc. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ưa thích pháp, ưa thích tu tập, ưa thích đoạn trừ, ưa thích viễn ly, ưa thích không có sân hận, ưa thích không có hý luận. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, đối với vị ấy, nguyên nhân đã được hình thành để đoạn trừ các lậu hoặc.

(V) (79) Chứng Ðắc

1. - Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo không có thể chứng đắc thiện pháp chưa chứng đắc, hay không có thể tăng trưởng thiện pháp đã được chứng đắc. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không thiện xảo khi đi vào, không thiện xảo khi đi ra, không thiện xảo khi đến gần, không khởi lên ý nghĩa muốn đạt được những thiện pháp chưa đạt được, không phòng hộ các thiện pháp đã được chứng đắc, không có cố gắng để kiên trì tiếp tục.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể chứng đắc thiện pháp chưa chứng đắc, hay không có thể tăng trưởng thiện pháp đã được chứng đắc.

3. Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể chứng đắc thiện pháp chưa chứng đắc, hay có thể tăng trưởng thiện pháp đã được chứng đắc. Thế nào là sáu?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thiện xảo khi đi vào, thiện xảo khi đi ra, thiện xảo khi đến gần, khởi lên ý muốn đạt được những thiện pháp chưa đạt được, phòng hộ các thiện pháp đã được chứng đắc, có cố gắng để kiên trì tiếp tục.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể chứng đắc thiện pháp chưa chứng đắc, hay có thể tăng trưởng thiện pháp đã được chứng đắc.

(VI) (80) Lớn Mạnh

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu chứng đạt sự lớn mạnh, sự tăng trưởng trong các thiện pháp. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhiều ánh sáng, nhiều quán hạnh, nhiều hoan hỷ, nhiều không tự bằng lòng, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp, đi thẳng đến bờ kia.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu chứng đạt sự lớn mạnh, sự tăng trưởng trong các thiện pháp.

(VII) (81) Ðịa Ngục

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là sáu?

2. Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, ác dục và tà kiến. Thành tựu sáu pháp này, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

3. Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là sáu?

4. Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, không ác dục và chánh tri kiến. Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

(VIII) (82) Ðịa Ngục (2)

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là sáu?

2. Nói láo, nói hai lưỡi, nói lời ác ngữ, nói lời phù phiếm, tham dục, ăn nói táo bạo, trắng trợn. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục

3. Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là sáu?

4. Từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phì phiếm, không tham dục và không nói lời táo bạo, trắng trợn. Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.

(IX) (83) Pháp Tối Thượng

1- Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể chứng ngộ pháp tối thượng A-la-hán. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có lòng tin, không có lòng xấu hổ, không có lòng sợ hãi, biếng nhác, ác tuệ, thân và mạng nhiều ước vọng

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể chứng ngộ pháp tối thượng A-la-hán.

3- Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể chứng ngộ pháp tối thượng A-la-hán. Thế nào là sáu?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có lòng tin, có lòng xấu hổ, có lòng sợ hãi, tinh cần tinh tấn, có trí tuệ, thân và mạng không có ước vọng

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể chứng ngộ pháp tối thượng A-la-hán.

(X) (84) Ngày và Ðêm

1. - Nếu Tỷ-kheo thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, thời bất luận đêm hay ngày, chờ đợi là sự thối đọa trong các thiện pháp, không có tăng trương. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có dục lớn, có hiềm hận, không bằng lòng với bất cứ những vật dụng cần thiết nào như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, các dược phẩm trị bệnh, không có lòng tin, ác giới, biếng nhác, thất niệm, ác tuệ.

Nếu Tỷ-kheo thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, thời bất luận đêm hay ngày, chờ đợi là sự thối đọa trong các thiện pháp.

3. Nếu Tỷ-kheo thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, thời bất luận đêm hay ngày, chờ đợi là sự tăng trưởng trong các thiện pháp, không có thối đọa. Thế nào là sáu?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có dục lớn, không hiềm hận, bằng lòng với bất cứ vật dụng cần thiết nào, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, các dược phẩm trị bệnh, có lòng tin, thiện giới, tinh cần tinh tấn, có niệm, có trí tuệ.

Nếu Tỷ-kheo thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, thời bất cứ đêm hay ngày, chờ đợi là sự tăng trưởng trong các thiện pháp, không có thối đọa



IX. Phẩm Mát Lạnh

(I) (85) Mát Lạnh

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể chứng ngộ vô thượng thanh lương. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi nào tâm cần hạn chế, khi ấy không hạn chế tâm; khi nào tâm cần phải phấn chấn, khi ấy, lại không phấn chấn tâm; khi nào tâm cần phải làm cho hoan hỷ, khi ấy lại không làm tâm hoan hỷ; khi nào tâm cần phải trú xả, quán sát, khi ấy lại không làm cho tâm trú xả, quán sát; xu hướng về hạ liệt; hoan hỷ thân kiến.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thể chứng ngộ vô thượng thanh lương.

3. Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể chứng ngộ vô thượng thanh lương. Thế nào là sáu?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi nào tâm cần phải hạn chế, khi ấy hạn chế tâm; khi nào tâm cần phải phấn chấn, khi ấy phấn chấn tâm; khi nào tâm cần phải làm cho hoan hỷ, khi ấy làm cho tâm hoan hỷ; khi nào tâm cần phải trú xả, quán sát khi ấy làm tâm trú xả, quán sát; xu hướng về thù thắng; hoan hỷ Niết-bàn.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể chứng ngộ vô thượng thanh lương.

(II) (86) Chướng Ngại

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, dầu có nghe diệu pháp, không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu?

2. Thành tựu nghiệp chướng, thành tựu phiến não chướng, thành tựu dị thục chướng, không có lòng tin, không có ước muốn, và ác tuệ.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, dầu có nghe pháp, không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp.

3. Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, nếu có nghe diệu pháp, có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu?

4. Không thành tựu nghiệp chướng, không thành tựu phiền não chướng, không thành tựu dị thục chướng, có lòng tin, có ước muốn, và có trí tuệ.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, nếu có nghe diệu pháp, có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp.

(III) (87) Nghiệp Chướng

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, dầu có nghe diệu pháp, cũng không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu?

2. Ðoạn mạng sống của mẹ; đoạn mạng sống của cha; đoạn mạng sống của A-la-hán; với ác tâm làm Như Lai chảy máu; phá hòa hiệp Tăng; ác tuệ, si mê, câm ngọng.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, dầu cho có nghe diệu pháp, không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp.

3. Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, được nghe diệu pháp, có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu?

4. Không đoạn mạng sống của mẹ; không đoạn mạng sống của cha; không đoạn mạng sống của A-la-hán; không với ác tâm làm Như Lai chảy máu; không phá hòa hợp Tăng; có trí tuệ, không si mê, câm ngọng.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, nếu được nghe diệu pháp, có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp.

(IV) (88) Không Ưa Nghe

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, dầu được nghe diệu pháp, cũng không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu?

2. Khi Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng, không ưa nghe, không có lóng tai, không có an trú tâm liễu giải, nắm giữ điều không lợi ích, bỏ qua điều lợi ích, không thành tựu tùy thuận nhẫn nhục.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, dầu cho có nghe diệu pháp, không có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp.

3. Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, nếu được nghe diệu pháp, có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp. Thế nào là sáu?

4. Khi Pháp và Luật được Như Lai thuyết giảng, có ưa nghe, có lóng tai, có an trú tâm liễu giải, nắm giữ điều lợi ích, bỏ qua điều không lợi ích, thành tựu tùy thuận nhẫn nhục.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, nếu được nghe diệu pháp, có thể bước vào quyết định tánh trong các thiện pháp.

(V) (89) Cần Phải Ðoạn Tận

1. - Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng tri kiến đầy đủ. Thế nào là sáu?

2. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham đưa đến đọa xứ, sân đưa đến đọa xứ, si đưa đến đọa xứ. Không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng tri kiến đầy đủ.

3. Ðoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, có thể chứng tri kiến đầy đủ. Thế nào là sáu?

4. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham đưa đến đọa xứ, sân đưa đến đọa xứ, si đưa đến đọa xứ. Ðoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể chứng tri kiến đầy đủ.

(VI) (90) Chứng Ðược Ðoạn Tận

1. - Sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, được người đầy đủ tri kiến đoạn tận. Thế nào là sáu?

2. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham đưa đến đọa xứ, sân đưa đến đọa xứ, si đưa đến đọa xứ. Sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, được người đầy đủ tri kiến đoạn tận

(VII) (91) Làm Cho Sanh Khởi

1. - Một người đầy đủ tri kiến, này các Tỷ-kheo, không có thể làm cho sanh khởi sáu pháp. Thế nào là sáu?

2. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham đưa đến đọa xứ, sân đưa đến đọa xứ, si đưa đến đọa xứ. Một người đầy đủ tri kiến, này các Tỷ-kheo, không có thể làm cho sanh khởi sáu pháp này.

(VIII) (92) Bậc Ðạo Sư

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu trường hợp không thể xảy ra. Thế nào là sáu?

2. Người đầy đủ tri kiến không thể sống không tôn kính, không tùy thuận bậc đạo Sư; người đầy đủ tri kiến không thể sống không tôn kính, không tùy thuận chánh pháp; người đầy đủ tri kiến không thể sống không tôn kính, không tùy thuận chúng Tăng; người đầy đủ tri kiến không thể sống không tôn kính, không tùy thuận học pháp; người đầu đủ tri kiến không thể rơi trở lại vào những vấn đề không nên trở lại; người đầy đủ tri kiến không thể làm cho sanh khởi hữu thứ tám.

Này các Tỷ-kheo, đây là sáu trường hợp không thể xảy ra.

(IX) (93) Hành

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu trường hợp không thể xả ra. Thế nào là sáu?

2. Người đầy đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là thường còn; người đầu đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là lạc; người đầy đủ tri kiến không thể chấp nhận bất cứ hành nào là ngã; người đầy đủ tri kiến không thể làm hành động vô gián; người đầy đủ tri kiến không thể làm cho thanh tịnh với những lễ nghi đặc biệt; người đầy đủ tri kiến không thể đi tìm các vị đáng được cúng dường ngoài chư Tăng.

Này các Tỷ-kheo, đây là sáu trường hợp không thể xảy ra.

(X) (94) Mẹ

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu trường hợp này không thể xảy ra. thế nào là sáu?

2. Người đầy đủ tri kiến không thể đoạn mạng sống của mẹ; người đầy đủ tri kiến không thể đoạn mạng sống của cha; người đầy đủ tri kiến không thể đoạn mạng sống của vị A-la-hán; người đầy đủ tri kiến không thể với ác tâm làm Như Lai phải chảy máu; người đầy đủ tri kiến không thể phá hòa hợp Tăng; người đầy đủ tri kiến không thể đề cử một vị Ðạo Sư khác.

Này các Tỷ-kheo, có sáu trường hợp này không thể xảy ra.

(XI) (95) Tự Làm

1. - Này các Tỷ-kheo, có sáu trường hợp này không thể xảy ra. Thế nào là sáu?

2. Người đầy đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ do tự mình làm; người đầu đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ do người khác làm; người đầy đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ do tự mình làm, do người khác làm; người đầy đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ không do tự mình làm, do tự nhiên sanh; người đầy đủ tri kiến không thể trở lui lại quan điểm lạc khổ không do tự mình làm và không do người khác làm, do tự nhiên sanh. Vì cớ sao?

Này các Tỷ-kheo, đối với người có đầy đủ tri kiến, nhân và các pháp do nhân sanh đã khéo thấy.

Này các Tỷ-kheo, có sáu trường hợp này không thể xảy ra.



X. Phẩm Lợi Ích

(I) (96) Sự Xuất Hiện

1. - Này các Tỷ-kheo, sự xuất hiện của sáu sự kiện khó tìm được ở đời. Thế nào là sáu?

2. Sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác khó tìm được ở đời; sự xuất hiện của người thuyết giảng Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết khó tìm được ở đời; sự tái sanh trong Thánh xứ khó tìm được ở đời; không khiếm khuyết các căn khó tìm ở đời; không si mê, không câm ngọng khó tìm ở đời; ước muốn thiện pháp khó tìm được ở đời.

Này các Tỷ-kheo, sự xuất hiện của sáu sự kiện khó tìm được ở đời.

(II) (97) Các Lợi Ích

1. - Có sáu lợi ích, này các Tỷ-kheo, khi chứng ngộ quả Dự lưu. Thế nào là sáu?

2. Sự quyết định đối với diệu pháp không có bị thối đọa; không có bị đau khổ; làm các việc bị sanh tử hạn chế; thành tựu trí tuệ; không cùng chia sẻ với các dị sanh; nguyên nhân và các pháp do nhân sanh được khéo thấy.

Có sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, khi chứng ngộ quả Dự lưu.

(III) (98) Vô Thường

1. - Thật vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là thường còn, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không xảy ra. Không thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này không thể xảy ra. Không nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, hay quả Nhất Lai, hay quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này không xảy ra.

2. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là vô thường, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này có xảy ra. Thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này có xảy ra. Nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này có xảy ra.

(VI) (99) Khổ

- Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là lạc, sẽ thành tựu... (như trên với những thay đổi cần thiết).

(V) (100) Vô Ngã

- Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là ngã, sẽ thành tựu... (như kinh 98 với những thay đổi cần thiết).

(VI) (101) Niết Bàn

- Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy Niết-bàn là khổ, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không xảy ra... (như kinh 98 với những thay đổi cần thiết).

(VII) (102) Không Có Hạn Chế (1)

1. - Thấy được sáu lợi ích, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng vô thường, không có hạn chế trong tất cả hành. Thế nào là sáu?

2. Tất cả hành hiện ra với tôi, không có an trú; ý của tôi không ưa thích tất cả thế giới; ý của tôi sẽ xuất khỏi tất cả thế giới; ý của tôi sẽ nghiêng về Niết-bàn; các kiết sử của tôi đi đến đoạn diệt; và tôi sẽ thành tựu tối thượng Sa-môn hạnh.

Thấy được sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng vô thường, không có hạn chế trong tất cả hành.

(VIII) (103) Không Có Hạn Chế (2)

1. - Thấy được sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng khổ, không có hạn chế trong tất cả hành. Thế nào là sáu?

2. Trong tất cả hành, tưởng Niết-bàn sẽ được an trú trong tôi, ví như kẻ giết người đang đưa dao lên chém; ý của tôi sẽ xuất khỏi tất cả thế giới; tôi sẽ trở thành một người thấy được tịnh lạc trong Niết-bàn; các tùy miên trong tôi sẽ được nhổ lên; tôi sẽ là người đã làm các việc nên làm; tôi sẽ với từ tâm hầu hạ bậc Ðạo Sư.

Thấy được sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng khổ không có hạn chế trong tất cả hành.

(IX) (104) Không Có Hạn Chế (3)

1. - Thấy được sáu lợi ích, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng vô ngã không có hạn chế trong tất cả hành. Thế nào là sáu?

2. Trong tất cả thế giới, tôi sẽ không dự phần vào trong ấy; cái gì tạo ra cái "tôi" trong tôi sẽ được chận đứng; cái gì tạo ra cái "của tôi" trong tôi sẽ được chận đứng; tôi sẽ thành tựu trí; không cùng chia sẻ với người khác; nguyên nhân và các pháp do nhân sanh được tôi khéo thấy.

Thấy được sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng vô ngã không có hạn chế trong tất cả hành.

(X) (105) Hữu

1. - Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này cần phải đoạn tận, cần phải được học tập trong học tập trong ba học pháp. Thế nào là ba hữu cần phải đoạn tận?

2. Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Ba hữu này cần phải đoạn tận.

Trong ba học pháp nào, cần phải học tập?

3. Tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Trong ba học pháp này, cần phải học tập.

4. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đã đoạn tận ba hữu này, đã học tập trong ba học pháp này, Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã giải tỏa kiết sử do chơn chánh hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.

(XI) (106) Khát Ái

1. - Này các Tỷ-kheo, ba khát ái và ba mạn này cần phải đoạn diệt. Thế nào là ba khát ái cần phải đoạn diệt?

2. Dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Ba khát ái này cần phải đoạn diệt.

Thế nào là ba mạn cần phải đoạn diệt?

3. Mạn, tùy mạn, quá mạn. Ba mạn này cần phải đoạn diệt.

4. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đã được tận ba khát ái và ba mạn này, vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã giải tỏa kiết sử, do chơn chánh hiện quán mạn kiêu, đã đoạn tận khổ đau.



XI. Phẩm Ba Pháp

(I) (107) Tham

1. - Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?

2. Tham, sân, si. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

3. Ðể đoạn tận tham, bất tịnh cần phải tu tập. Ðể đoạn tận sân, từ tâm cần phải tu tập. Ðể đoạn tận si, trí tuệ cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

(II) (108) Ác Hành

1. - Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?

2. Thân ác hành, khấu ác hành, ý ác hành. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

3. Ðể đoạn tận thân ác hành, thân thiện hành cần phải tu tập. Ðể đoạn tận khẩu ác hành, khẩu thiện hành cần phải tu tập. Ðể đoạn tận ý ác hành, ý thiện hành cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải được tu tập.

(III) (109) Suy Tầm

1.- Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?

2. Dục tầm, sân tầm, hại tầm. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

3. Ðể đoạn tận dục tầm, xuất ly tầm phải tu tập. Ðể đoạn tận sân tầm, vô sân tầm cần phải tu tập, Ðể đoạn tận hại tầm, bất hại tầm cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

(IV) (110) Tưởng

... (Như kinh trên, chỉ có tưởng thế cho tâm).

(V) (111) Giới

... (Như kinh (109), chỉ có giới thế cho tâm).

(VI) (112) Thỏa Mãn

1. - Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?

2. Thỏa mãn kiến, tùy ngã kiến, tà kiến. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

3. Ðể đoạn tận thỏa mãn kiến, tưởng vô thường cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tùy ngã kiến, tưởng vô ngã cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tà kiến, chánh kiến cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này phải tu tập.

(VII) (113) Bất Lạc

1. - Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?

2. Bất lạc, hại, phi pháp hành. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

3. Ðể đoạn tận bất lạc, hỷ cần phải tu tập. Ðể đoạn tận hại, bất hại cần phải tu tập. Ðể đoạn tận phi pháp hành, pháp hành cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

(VIII) (114) Biết Ðủ

1. - Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?

2. Không biết đủ, không tỉnh giác, có nhiều dục. Này các Tỷ-kheo, có bao pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập. Thế nào là ba?

3. Ðể đoạn tận không biết đủ, biết đủ cần phải tu tập. Ðể đoạn tận không tỉnh giác, tỉnh giác cần phải tu tập. Ðể đoạn tận có nhiều dục, ít dục cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

(IX) (115) Ác Ngôn

1.- Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?

2. Ác ngôn, ác bằng hữu, tâm dao động. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập. Thế nào là ba?

3. Ðể đoạn tận ác ngôn, thiện ngôn cần phải tu tập. để đoạn tận ác bằng hữu, thiện bằng hữu cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tâm dao động, niệm hơi thở vào hơi thở ra cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

(X) (116) Trạo Cử

1. - Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?

2. Trạo cử, không bảo vệ, phóng dật. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

3. Ðể đoạn tận trạo cử, chỉ cần phải tu tập. Ðể đoạn tận không bảo vệ, bảo vệ cần phải tu tập. Ðể đoạn tận phóng dật, không phóng dật cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập.



XII. Phẩm Các Kinh Không Nhiếp Trong Phẩm

(117) Quán (1)

1. - Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể trú quán thân trên thân. Thế nào là sáu?

2. Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ, ưa thích hội chúng, không phòng hộ các căn, không tiết độ trong ăn uống. Này các Tỷ-kheo, không đoạn tận sáu pháp này, không thể trú quán thân.

3. Ðoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, có thể trú quán thân trên thân. Thế nào là sáu?

4. Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ, ưa thích hội chúng, không phòng các căn, không tiết độ trong ăn uống. Ðoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể trú quán thân trên thân.

(118) Quán (2)

1. - Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể quán thân trên nội thân... trên ngoại thân... trên nội ngoại thân... trên các cảm thọ... trên các nội thọ... trên các ngoại thọ... trên các nội ngoại thọ... trên tâm... trên nội tâm... trên ngoại tâm... trên các nội ngoại tâm... trên các pháp... trên các nội pháp... trên các ngoại pháp... trên các nội ngoại pháp. Thế nào là sáu?

2. Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ, ưa thích hội chúng, không phòng hộ các căn, không tiết độ trong ăn uống. Ðoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể trú quán pháp trên nội ngoại pháp.

(119) Thấy Bất Tử

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, gia chủ Tapussa đi đến cứu cánh nơi Như Lai, sống thấy được bất tử, chứng ngộ bất tử. Thế nào là sáu?

2. Với lòng tịnh tín bất động đối với Phật, vời lòng tin tín bất động đối với Pháp, với lòng tịnh tín bất động đối với Tăng, với Thánh giới, với Thánh trí, với Thánh giải thoát.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, gia chủ Tapussa đi đến cứu cánh nơi Như Lai, sống thấy được bất tử, chứng ngộ bất tử.

(120) Thấy Ðược Bất Tử

1. - Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, gia chủ Bhallika... gia chủ Sudatta Anàthapindika... gia chủ Citta Macchikàsandika... Hatthaka Alavaka... Mahànàma Sakka... gia chủ Ugga người Vesàlì... gia chủ Uggata... Sùra Ambattha... Jivaka Komàrabhacca... gia chủ Nakulapità... gia chủ Tavakannika...gia chủ Pùrana... gia chủ Isidatta... gia chủ Sandhàna... gia chủ Vijaya... gia chủ Vajjiyamahito... gia chủ Mendaka... cư sĩ Vàsettha... cư sĩ Arittha... cư sĩ Sàragga đi đến cứu cánh nơi Như Lai, sống thấy được bất tử, chứng ngộ được bất tử. Thế nào là sáu?

2. Với lòng tịnh tín bất động đối với Phật, với lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, với lòng tịnh tín bất động đối với Tăng, với Thánh giới, với Thánh trí, với Thánh giải thoát.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, cư sĩ Sàragga đi đến cứu cánh nơi Như Lai, sống thấy được bất tử, chứng ngộ được bất tử.

(121) Tham (1)

1. - Ðể thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, sáu pháp cần phải tu tập. Thế nào là sáu?

2. Thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học pháp vô thượng, phục vụ vô thượng, tùy niệm vô thượng. Ðể thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, sáu pháp này cần phải tu tập.

(122) Tham (2)

1. - Ðể thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, sáu pháp cần phải tu tập. Thế nào là sáu?

2. Tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm Giới. tùy niệm Thí, tùy niệm Thiên. Ðể thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, sáu pháp này cần phải tu tập.

(123) Tham (3)

1. - Ðể thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, sáu pháp cần phải tu tập. Thế nào là sáu?

2. Tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham, tưởng đoạn diệt. Ðể thắng tri tham, này các Tỷ-kheo, sáu pháp này cần phải tu tập.

(124) Tham (4)

1. - Này các Tỷ-kheo, để liễu tri tham... để đoạn diệt... để đoạn tận... để trừ diệt, để làm cho tàn tạ, để ly tham, để đoạn diệt, để trừ bỏ, để từ bỏ tham, sáu pháp cần phải tu tập. Thế nào là sáu?

(Xem kinh 121-123).

2. Này các Tỷ-kheo, để thắng tri sân... si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, lừa đảo, man trá, phản trắc, ngoan cố, bồng bột, nông nỗi, mạn, thượng mạn, kiêu, phóng dật... để liễu tri, để đoạn diệt, để trừ diệt, để làm cho tàn tạ, để ly tham, để đoạn diệt, để trừ bỏ, để từ bỏ... sáu pháp này cần phải tu tập.

Thế Tôn thuyết như vậy, các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy

Tiêu điểm:
Các tin đã đăng: