Chương I
Phúc duyên làm người
Phẩm vị
đặc biệt của Ananda (A Nan Ða) trong hàng các vị đại Thanh Văn giác của đức
Phật đã bắt đầu từ xa xưa, trước khi bước vào kiếp chót.
Cũng như đức Phật, A Nan Ða đã
giáng sinh từ cõi trời Ðâu Suất (Tusita) và sinh ra cùng ngày, đầu thai vào
cùng giai cấp (hiệp sĩ) trong hoàng tộc Thích Ca, song song với đức Phật.
Hai thân phụ của đức Phật và của
A Nan Ða vốn là anh em, nên A Nan Ða đối với đức Thế Tôn đương nhiên ở vào địa
vị huynh đệ (chú bác). A Nan Ða có ba anh em là Anuruddha, Mahànàma, Pandu và
em gái là Rohini.
Anuruddha xuất gia như A Nan Ða,
rồi nghiêm trì giới luật, phát triển trí huệ giải thoát, đã đắc quả A La Hán,
một hạng Thánh Tăng cao nhất, Thánh A La Hán còn được gọi là Thánh Bất Lai, vì
bậc Thánh này, sau khi mạng chung sẽ được giải thoát, không còn luân hồi nữa.
Tiếp theo là Mahànàma, tuy ở
ngôi sư sĩ Thái Tử để duy trì Thích Ca (Sakya), nhưng cũng đắc quả A Na Hàm
(tức quả Nhất Lai, hay quả Thánh chỉ còn sinh lại một lần nữa, rồi được giải
thoát).
Trong khi đó thì Pandu, người
con trai còn lại trong gia đình, không thấy sử sách nói đến nhiều, chỉ ghi tóm
tắt rằng ông là người duy nhất sống sót của dòng họ Thích. Khi đức Phật thọ 80
tuổi.
Riêng người em gái duy nhất của
A Nan Ða là Rohini, vì dư quả của tính ganh tị từ tiền kiếp, đã chịu bệnh phong
lở ngoài da trầm trọng, đêm ngày khổ sở ẩn thân trong phòng kín cho đến khi đức
Phật độ, chỉ rõ ấy là quả xấu của ác nghiệp từ đời trước. Khi được Phật khai
ngộ, bà cũng thành tâm tu hành, về sau đạt tới Thánh quả Nhập Lưu Tu Ðà Hoàn
(Sotàpattimagga) tức là bước vào con đường chắc chắn sẽ giải thoát.
Kinh truyện chép: Rohini lúc
bước vào Thánh Lưu thì tự nhiên lành bệnh, và khi mãn tuổi thọ, chết sanh vào
cõi trời thứ 33 làm vợ vua trời Ðế Thích (Sakka)
Theo Cùla Vagga thuộc Tạng luật
(Vinaya Pitaka), quyển 8 chương 1 thì A Nan Ða được 37 tuổi, khi ông cùng
Anuruddha và người anh họ Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða) với một số thanh niên quý
tộc Thích Ca cùng bước vào đời sống xuất gia.
Vị thầy đã làm phép xuất gia cho
A Nan Ða là Thánh A La Hán Belatthasìsa. Nhưng Pháp Bảo của bậc Ðạo sư này lưu
lại trong tam tạng rất ít. Chúng ta chỉ tìm thấy vỏn vẹn có mấy câu kệ sau đây:
"Như thân phận làm trâu trong khổ cảnh,
Dù trên vai mang nặng một chiếc cày.
Nhưng vẫn cố tiến lên từng bước mạnh
Thì Sa môn xin chớ ngại gian nguy.
Ngày với tháng chính là tầm thước Thánh,
Ðo chiều cao công đức kẻ tu trì..."
(Thoát
dịch theo Theragathà Tôn Túc kệ ngôn số 16)
Chỉ bằng sự hướng dẫn đơn giản
và sâu xa của bài Thánh kệ đó, mà A Nan Ða đã mỗi ngày một trở nên thuần thục
trong giới luật phạm hạnh. Ông là một đệ tử chyên cần và luôn luôn cảnh giác,
nên chỉ trong mùa nhập hạ [1] đầu tiên, ông đã đạt được quả Nhập Lưu (theo Cùla
Vagga VII, 1).
Sau khi xuất gia, một hôm A Nan
Ða mách với các đồng đạo rằng: "Trưởng lão Punna Mantàliputta đã giúp cho
ông tiến bộ rất nhiều trong việc tu tập. Trưởng lão đã truyền pháp đến những Tỳ
khưu mới nhập môn, trong đó có ông, bằng cách giảng dạy cho họ hiểu rõ: Sự cố
chấp trong cái tôi chỉ sinh ra xuyên qua hai trợ nhân là Danh và Sắc (tư duy
hình tướng), tức là xuyên qua hình thức và cảm nghĩ. Nói cách khác là xuyên qua
trình độ của tư duy và tính trạng của sắc thái".
Ðể cho dễ hiểu hơn, Trưởng lão
Punna còn nêu lên một thí dụ: "Nếu một người muốn biết mặt mũi mình ra
sao, hay muốn nhìn thấy hình dạng của họ như thế nào, thì họ phải soi mặt vào
gương, hay trong hồ nước phẳng lặng. Tương tự như thế, khi năm uẩn (hay còn gọi
là ngũ uẩn [2] ) tạo thành một con người thì nó chỉ để lộ bộ mặt chấp ngã của
nó xuyên qua hình tướng và tư duy, tức DANH và SẮC mà thôi!".
Hễ sáu căn (hay gọi là lục căn),
tức là Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỹ căn, Thiệt căn Thân căn, và Ý căn, trong một cá
nhân mà còn cột chặt vào Danh và Sắc, tức là còn cấu kết với hình tướng và tư
duy, thì tất nhiên có cái "Tôi" hiện ra! Và khi nào sáu căn không còn
được nuôi dưỡng bằng hình tướng và tư duy nữa thì khi ấy cái "Tôi"
mới biến mất (theo Samyutta Nikàya 22, 83 - Tạp A Hàm số 22, 83)
A Nan Ða suy gẫm về sự so sánh
này một cách lập đi lập lại nhiều lần và càng lúc càng sâu sắc hơn, cho đến khi
ông giác ngộ được Khổ đế (Dukkhàriyasacca), lẽ Vô thường (Aniccà) và lý Vô ngã
(Anattà). Rồi ông không còn để cho nội tâm của mình bị "nuôi dưỡng"
bằng năm uẩn (hay Danh và Sắc) ấy nữa, để ông bắt đầu gặt hái kết quả của đời
sống phạm hạnh, trước tiên là phẩm Nhập Lưu Tu Ðà Hườn.
Từ đó A Nan Ða luôn luôn tri túc
và an tịnh với đời sống Sa Môn. Ông nhận rõ cái an lạc của hạnh chối bỏ (ám chỉ
sự đạm bạc trong đời sống xuất gia), và mạnh tiến trên Thánh đạo, ví như một kẻ
đang lênh đênh giữa biển cả, sung sướng tìm được hướng vào bờ chỉ nương vào cái
phao duy nhất là đức tính cảnh giác hay biết mình.
(Theo kinh Thập Ðộ La Mật:
Dasapàramitàsutta, thì dòng suối luân hồi chỉ bị chặn lại bằng ba cái bờ, là bờ
kia, bờ trên và bờ cao thượng. Các hàng xuất gia hay tại gia, mà đắc được hạnh
Tri túc, cắt cụt được lòng tham, tức là thấy được Bờ Kia vậy!).
Vào những năm đầu của đời sống
Sa Môn, A Nan Ða đã dành hết thì giờ vào việc thanh tịnh nội tâm. Ông đã hòa
mình rất dễ dàng vào cộng đồng Tăng lữ, rồi ông dần dần phát triển sức mạnh
tinh thần một cách nổi bật. Khi đức Thế Tôn và A Nan Ða cả hai được 55 tuổi,
một hôm Phật cho triệu tập Tăng chúng, và dạy rằng:
"Trong hai mươi năm trường
hướng dẫn cộng đồng phạm hạnh, Như Lai đã được nhiều đệ tử thay phiên thân cận,
nhưng chưa có một môn đồ nào tình nguyện trọn đời hầu Phật một cách dứt khoát.
Như Lai tự biết mình sẽ có một đệ tử như thế. Và giờ đây Như Lai đã 55 tuổi,
xác thân mà như cỗ xe đang bước vào giai đoạn hư hại, Như Lai cảm thấy cần nói
ra để vị hầu cận ấy tự động xuất hiện".
Ðức Phật vừa dứt lời thì lập tức
tất cả những đệ tử nhiều hạnh kiểm nhất liền tình nguyện được hầu Phật. Nhưng
đức Thế Tôn đã hiền hòa từ chối, rồi Ngài yên lặng.
Cử chỉ ấy của đức Phật biểu lộ
một ý nghĩa đặc biệt. Toàn thể những đệ tử có mặt liền nghĩ ngay đến A Nan Ða,
lúc đó đang ngồi ở một chỗ khiêm nhượng, phía sau các hàng trưởng lão, và ông
là người duy nhất chưa xung phong xin hầu Phật. Rồi họ đồng hướng về A Nan Ða,
yêu cầu ông bước lên phía trước.
Do hạnh duyên chín mùi, quy tụ
từ nhiều tiền kiếp, A Nan Ða là người duy nhất sẽ đóng vai trò vị tông đồ hầu
cận Phật. Nhưng có một số phàm Tăng, chưa đạt được huệ thanh tịnh, tỏ ra ngạc
nhiên đặt câu hỏi: "Tại sao A Nan Ða không có mặt trong số những đệ tử đầu
tiên xung phong hầu hạ Phật?".
A Nan Ða lễ phép trả lời:
- Ðức tin của tôi vốn trao trọn
vào sự sáng suốt hoàn toàn của đấng Toàn Giác. Tôi muốn được chiêm ngưỡng ý
Phật từ bi biểu lộ. Dù trong thâm tâm tôi vốn tình nguyện đảm nhận trách nhiệm
ấy từ lâu, vì một người trong dòng họ Thích Ca đóng vai hầu hạ vị Giáo chủ Phật
giáo, sẽ tránh cho người đời thuộc các giai cấp khác, bất mãn đức Phật. Nhưng
tôi không dám sỗ sàng như thế, bởi đức Thế Tôn là bậc thấu rõ mọi nhân duyên.
Chỉ có Ngài tự chọn lựa viên đệ tử hầu cận là chắc chắn nhất, và Ngài đã biểu
lộ.
Ðức Phật chờ cho A Nan Ða thốt
xong liền tuyên bố:
- A Nan Ða chính là đệ tử hầu
Phật mà Như Lai định chọn lựa. Và kể từ nay: Ngoài việc phục dịch Như Lai ra,
ông còn là một trong những đại diện Như Lai để ban bố giáo lệnh.
A Nan Ða khi nghe đức Thế Tôn
xác nhận địa vị của ông như thế, thay vì hãnh diện mình được Phật nâng lên hàng
đại đệ tử, A Nan Ða đã khiêm tốn yêu cầu đấng Giải thoát chấp thuận cho ông tám
điều kiện sau đây:
- Thứ nhất đức Thế Tôn đừng ưu tiên tặng đức y phục cho A
Nan Ða.
- Thứ hai đức Bổn Sư đừng khất thực cho ông ăn
- Thứ ba đức Bổn Sư đừng dành tịnh xá tốt cho ông ở.
- Thứ tư khi có thí chủ mới, đức Bổn Sư không ưu tiên tiến cử ông tham dự những
buổi Trai Tăng hay cúng dường.
- Thứ năm nếu có ai muốn thỉnh Phật thọ trai thì kẻ ấy chỉ cần nói với A Nan
Ða, rồi A Nan Ða thưa lại và Phật sẽ chấp thuận.
- Thứ sáu khi có người thiện tâm từ phương xa đến, muốn yết kiến đấng Như Lai,
thì A Nan Ða có đặc ân đưa họ vào hầu Phật.
- Thứ bảy nếu A Nan Ða gặp phải thắc mắc trong Pháp Bảo thì ông được phép hỏi
Phật bất cứ lúc nào.
- Thứ tám nếu Ðức Thế Tôn thuyết pháp trong lúc A Nan Ða vắng mặt, thì ông xin
đức Bổn Sư lặp lại bài pháp ấy cho ông nghe.
Rồi ông trình bày lý do ông yêu
cầu tám điều trên như sau:
- Bốn điều yêu cầu từ thứ nhất
đến thứ tư sẽ tránh cho các hạng phàm phu tục tử dị nghị rằng "A Nan Ða
tình nguyện hầu cận Phật chỉ vì lợi lộc!".
- Còn bốn điều yêu cầu tiếp theo
(từ thứ năm đến thứ tám) sẽ đánh tan sự phê phán của người đời: "A Nan Ða
tối ngày lo hầu hạ Phật thay thế Phật tiếp xúc với mọi người, còn đâu thì giờ
để học đạo, tu hành, phát triển phạm hạnh giải thoát...?!"
Ðức Phật dĩ nhiên đã chấp thuận
tám điều yêu cầu đáng khen ấy, bởi nó hoàn toàn phù hợp với nết hạnh của một vị
Sa Môn. Và kể từ đó, A Nan Ða luôn luôn là bạn đồng hành, là người hầu cận là
kẻ tiếp trợ của đức Thế Tôn trong suốt hai mươi lăm năm dài phạm hạnh. Cái khoảng
hai mươi lăm năm dài, mà danh thơm cũng như các đức tính tinh tấn, nhẫn nại và
bền bỉ trui rèn nội tâm của A Nan Ða, đã không suy giảm, hao hụt, so với mười
tám năm đầu, khi ông còn là một Sa Môn vô danh, chưa ai biết đến.
Và A Nan Ða đã tự trào bằng những
câu kệ sau đây:
"Hai mươi lăm năm hầu bên chân Phật,
Học lên cao, chân lý sáng như gương.
Một cuộc sống không tham lam khao khát,
Diệt vô minh, pháp Phật diệu vô lường! "
(Phỏng
dịch theo Theragàtha v. 1039 = Tôn Túc kệ ngôn số 1039)
Rồi trong hai đoạn kế của bài kệ
này, A Nan Ða cũng dùng một mạch văn tương tự, để diễn tả sự an ninh vô song
của một bậc Sa Môn đã diệt được lòng Sân hận và Si mê.
Quý vị độc giả có thể đọc lại
bốn câu thơ trên, chỉ thay thế bốn chữ "Tham lam, khao khát", hoặc
làm thay thế bốn chữ ấy bằng bốn chữ "Si mê, lầm lạc" thì quý vị sẽ
có ngay hai bài kệ tiếp theo như sau:
"Hai mươi lăm năm hầu bên chân Phật,
Học lên cao chân lý sáng như gương
Một cuộc sống không giận hờn hung ác...
Diệt vô minh, pháp Phật thật vô lường!".
và
"Hai mươi lăm năm hầu bên chân Phật
Học lên cao chân lý sáng như gương
Một cuộc sống không si mê lầm lạc
Diêt vô minh, pháp Phật diệu vô lường!"
Ý chính của bài kệ trên đây cũng
như những bài kệ tiếp theo trong Tôn Túc kinh (Theragàtha) là A Nan Ða đã ca
ngợi hạnh phúc bất cứ ai noi gương Phật mà dứt được tham lam, sân hận và si mê.
Mặt khác, "hai mươi lăm
năm" được nêu trong kệ ngôn vừa nhắc, chỉ diễn tả cái an lạc duy nhất
trong thời gian ông hầu hạ đức Phật, chứ không phải ám chỉ phẩm cách của một
đời ông làm Sa Môn.
Trong suốt hai mươi lăm năm ấy,
tuy ông vẫn còn phàm tính. Nói theo kinh điển: Ông là người cần học - Sekha
[3], nhưng A Nan Ða đã có nhiều lần tâm tư được lìa khỏi tham lam và sân hận,
nên ông đã tế nhị thốt lên rằng: "Dù chưa đắc quả giải thoát, kẻ nào được
hầu hạ một vị Phật, kẻ ấy cũng không bị khổ não vì tham lam và sân hận".
(Chú ý: Một bậc Tu Ðà Hườn là
bậc còn nhiễm phàm tính. Bậc này chỉ diệt trừ được ngã chấp, hoài nghi và mê
tín mà thôi.)
Quả thật A Nan Ða là người đã
hưởng được quả lành công đức hầu Phật.
Còn những kệ ngôn liên quan đến
những thiện pháp khác trong Tôn Túc kinh (Theragàthà) của A Nan Ða, mặc dù
không được trích dẫn ra đây, nhưng nói chung nội dung tất cả để ca ngợi các
phẩm cách cao thượng, mà ông với tư cách là một người bạn đồng hành của đức
Phật lúc tại tiền, đã chứng nghiệm.
Riêng đoạn đời A Nan Ða đã đắc
quả A La Hán, sau khi Phật nhập diệt ra sao, sẽ xin nói đến trong những phần
tiếp theo.
Ghi chú:
[1] Mùa nhập hạ là thời gian các
hàng đệ tử xuất gia của các đức Phật phải ở yên một chỗ để nghiêm trì giới hạnh
và hành thiền. đức Phật đã chế ra sự nhập hạ này đúng vào mùa mưa (tính theo
thời tiết Ấn Ðộ, khoảng từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 9 Dương lịch). Truyền
thống nhập hạ này đã được ghi vào trong Tạng luật và được mọi tông phái Phật
giáo thi hành cho đến ngày nay. (Tuy có sự chênh lệch thời tiết mùa mưa của
từng quốc gia).
[2] Ngũ uẩn: Sắc uẩn, Thọ uẩn,
Tưởng uẩn, Hành uẩn, và Thức uẩn. Năm uẩn này còn được gọi chung là Danh và
Sắc. Sắc gồm hai uẩn đầu (Sắc, Thọ). Danh gồm ba uẩn sau (Tưởng, Hành và Thức).
[3] Sekhà: cần học, chữ Pali:
Sekhà, có nghĩa là người còn học hỏi trong bốn chân lý giải thoát (Tứ Diệu Ðế).
Nhưng nhiều chỗ thuộc Tam Tạng kinh điển Pali thì từ ngữ Sekhà ám chỉ ba bậc
Thánh chưa hoàn toàn giải thoát là Tu Ðà Hườn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm. Còn bậc
Thánh cao nhất đã được hoàn toàn giải thoát - A la hán - được Phật gọi là bậc
"Hết Học", Asekhà. Nhiều dịch giả Phật giáo Việt Nam còn dịch Sekhà
là Hữu Học và Asekhà là Vô Học. Soạn giả xin mạn phép đưa vào đây để quý vị tùy
tiện nghiên cứu.