Đời Đường có một vị hoàng đế tên là Văn Tông, rất nghiện ăn sò. Để thỏa
mãn ý thích của vua, các quan thường thúc ép dân chài phải nộp sò. Nhà
nào nộp ít hay nộp trễ, nhẹ thì phải đóng thêm thuế thóc gạo, nặng thì
bị bắt phu dịch để làm các công việc nặng nhọc nguy hiểm.
Đáng thương cho dân chài, già trẻ lớn bé đều phải xuống biển lặn lội
nhặt sò, không cần biết trời gió hay trời mưa, đông lạnh như cắt hay hạ
nóng như nung. Về lâu về dài, sò trở nên càng ngày càng khan hiếm, và
bọn lính lệ trở nên càng ngày càng hung dữ. Dân chài trăm họ sống không
nổi nữa, tiếng oán than nguyền rủa dậy cả đất trời.
Tin này truyền đến rừng trúc tím ở Phổ Đà Sơn, Quán Âm đại sĩ không thể
ngồi yên được, Ngài quyết tâm trừng trị hoàng đế một phen.
Một hôm bọn lính lệ thúc phải giao sò ở bến cảng Long Loan của Phổ Đà
Sơn. Một thiếu nữ toàn thân áo tím tiến đến ngăn lại cười chúm chím:
– Dân nữ có một con sò muốn hiến tặng Hoàng Thượng.
Bọn lính lệ nghe nói chỉ có một con sò mà thôi đã nổi giận tính làm dữ,
nhưng nhìn thấy con sò trên hai tay cô gái đưa ra bèn bất giác đứng
sững, ngây người ra nhìn, quên cả tiếp lấy sò: đó là một con sò rất lớn,
chiếu ánh sáng muôn màu óng ánh. Người thiếu nữ vờ như mất kiên nhẫn,
nói một cách bực dọc:
– Các ông có muốn lấy sò không, muốn thì mau tới lấy, không muốn thì
thôi!
Lúc ấy bọn lính lệ mới tỉnh hồn, vội vàng nói luôn mồm:
– Muốn, muốn, muốn!
Lấy sò xong họ bèn lên một chiếc thuyền nhẹ, chèo như bay trở về nha
môn.
Lão quan tri huyện từ mấy ngày qua thấy sò “ít thấy phát ghét, nhỏ thấy
phát tội”, sắp nổi cơn thịnh nộ, nhưng khi thấy con sò to lớn ngũ sắc
thì mừng rỡ như bắt được vàng, vội kêu lên “Hoàng thiên phù hộ!”, rồi
lên đường ngay lúc ấy, đi cả ngày liền đêm, tự tay đem sò về hoàng
thành.
Đường Văn Tông thấy sò ngũ sắc, quá yêu thích không đành lòng rời tay,
bèn đặt sò ngay trên bàn làm việc trong ngự thư phòng để có thể ngắm
nghía thưởng thức. Nhưng ông còn nghiện ăn sò hơn cả sinh mệnh của mình,
bèn gọi quan thái giám hầu bàn, bảo đem sò xuống nhà bếp. Nào ngờ vỏ sò
lại quá cứng, dao bén chặt không đứt, búa nặng đập không vỡ! Đường Văn
Tông rất kinh ngạc, tự tay dùng bảo kiếm chém mạnh xuống nhưng con sò
vẫn không mảy may suy tổn. Ông nghĩ rằng đây là một bảo vật kỳ lạ của
Long cung, bèn sai quan thái giám giữ kho đem vào kho tàng trân bảo giữ
cho kỹ.
Đêm ấy, Đường Văn Tông tự khắc phục mình, ngồi trong thư phòng phê duyệt
các tấu văn. Trong đêm mông lung, ông thấy cái nghiên mực bỗng biến
thành một bát canh sò thơm lừng lựng, khêu gợi tính tham ăn của ông
khiến ông thèm rỏ dãi, bèn bưng bát canh lên húp, húp tới đâu khen ngon
tới đó. Tới khi no cành hông rồi ông vẫn còn lớn tiếng gọi:
– Đem lên đây một bát nữa!
Quan thái giám thường trực lấy làm lạ, run rẩy quỳ xuống lết tới hỏi:
– Tâu bệ hạ, đem bát gì lên ạ?
Văn Tông ngạc nhiên, dụi mắt, xoa cái bụng căng tròn của mình rồi bỏ vào
phòng ngủ. Ai ngờ nửa đêm ấy ông đau bụng đi tháo dạ không ngừng, báo
hại các quan thái giám chạy tới chạy lui như thoi bưng bồn, rót nước,
các cung nga hoảng hốt quay cuồng như đèn kéo quân để lục rương, tìm
quần mới, các vị thái y cấp tốc như ra trận bắt mạch, sắc thuốc. Cứ như
thế ba ngày ba đêm, Văn Tông vẫn còn nằm trên giường rên hừ hừ.
Sáng sớm ngày thứ tư, một cung nữ toàn thân áo tím xin đến dâng một
phương thuốc bí truyền của tổ phụ. Thái y mừng rỡ đón lấy đơn thuốc,
nhưng trước khi bốc thuốc phải dâng đơn lên cho hoàng đế duyệt qua. Văn
Tông uể oải liếc nhìn, chỉ thấy trên đơn thuốc viết có tám chữ “Nghiện
sò cực dân, chừa ngay vĩnh viễn”. Vua nổi giận hạ chỉ đem cung nữ nọ ra
xử tội. Nhưng người cung nữ cười nhạt, chân đạp lên một đóa hoa sen, tay
đưa cao con sò ngũ sắc, vượt qua tường của cung điện mà bay đi mất.
Văn Tông kinh hoàng, vội vã cho mời quốc sư Duy Chính Hoà Thượng đến
tham vấn. Hoà thượng nghe chuyện từ đầu đến cuối xong xuôi, bèn dạy:
– Thế gian không có gì ngẫu nhiên, chuyện này xảy ra là vì muốn khơi dậy
tín tâm của bệ hạ, khiến bệ hạ thương người tiếc vật mà thôi!
Vua Đường Văn Tông lờ mờ suy nghĩ, cuối cùng bất đắc dĩ truyền chiếu
chỉ:
– Ta vĩnh viễn không ăn sò nữa, từ nay miễn việc triều cống!