Giới thiệu & Giảng giải Luận tạng
Triệu Luận Lược Giải
Thích Duy Lực
22/11/2554 15:33 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GIẢI ĐỀ:

Hai chữ TÔNG BẢN là để tỏ rõ cái tông chỉ lập luận có căn bản. Vì bốn Luận chẳng phải soạn cùng một lúc, các Luận đã soạn xong mới soạn bài Tông Bản Nghĩa nầy để thuyết minh bốn Luận ấy đều có hệ thống đối với căn bản. Bởi vì sở lập tông chỉ đều căn cứ vào tâm để truy cứu nguồn gốc mê ngộ, phàm thánh và vạn pháp. Có pháp thì phải có nghĩa, nên gọi là Tông Bản Nghĩa.

CHÁNH VĂN:

Bổn Vô, Thật Tướng, Pháp Tánh, Tánh Không, Duyên Hội, năm danh từ trên vốn chỉ có một nghĩa.
Để vạch ra tông chỉ chánh pháp là căn bản của bổn Luận.

Hai chữ Bổn Vô chỉ ngay tâm tịch diệt vốn không một pháp, lìa tất cả tướng, dứt bặt thánh phàm, nên gọi là BỒN VÔ, chẳng phải có ý làm thành vô (1).

Vì tất cả pháp đều do vọng tâm tùy duyên biến hiện mà có, tâm vốn vô sanh, chỉ do nhân duyên hội hợp mà sanh nên gọi là DUYÊN HỘI. Vì duyên sanh ra các pháp, vốn không có thật thể, do nhân duyên sanh ra nên nói không, nên gọi là TÁNH KHÔNG, vì pháp thể là chơn như biến hiện nên gọi là PHÁP TÁNH. Do chơn như pháp tánh mà thành các pháp, chơn như không có tướng, nên bản thể các pháp tịch diệt, nên gọi là THẬT TƯỚNG.

Vì bổn vô là thể của tâm, duyên hội là dụng của tâm, thật tướng, pháp tánh, tánh không, đều là cái nghĩa do tâm tạo thành vạn pháp nên nói là một nghĩa vậy. Y theo tâm pháp lập bốn Luận nầy, lấy bài Vật Bất Thiên làm tục đế, bài Bất Chân Không làm chân đế, nhị đế là cảnh sở quán, Bát Nhã là tâm năng quán, ba bài Luận trước là nhân, Niết Bàn là quả, nên trước tiên lấy bài Tông Bản Nghĩa làm Tông thể (tông chỉ của bản thể) chung cho cả bộ luận.

Tại sao vậy? Tất cả các pháp đều do nhân duyên hội hợp mà sanh, duyên hội mà sanh thì khi chưa sanh không có, duyên lìa thì diệt, nếu mà thật có, có thì chẳng diệt. Theo đó mà suy ra thì biết, dù nay hiện ra có, cái có ấy tánh thường tự không, vì tánh thường tự không, nên gọi là TÁNH KHÔNG, bởi vì tánh không nên gọi là PHÁP TÁNH, pháp tánh chân thực như thế nên gọi là THỰC TƯỚNG,thật tướng vốn không có tự thể, chẳng phải do suy lường mà cho đó là không, nên gọi là BỒN VÔ.

Nói đến "chẳng có chẳng không" là nói cái có chẳng giống như "cái có" của người thường kiến chấp "thật có"; còn nói đến "cái không" cũng chẳng phải như người đoạn kiến, chấp "thật không". Nếu người lấy cái có làm có, thì lấy cái không làm không, nên chẳng lấy "có không" để quán các pháp mới có thể gọi là biết được thật tướng của các pháp vậy.

Dù quán "có" mà chẳng chấp lấy tướng có, dù quán "không" mà chẳng chấp lấy tướng không, vậy thì các pháp tướng là cái tướng của vô tướng, nên tâm của bậc thánh trụ nơi vô sở trụ vậy.
Tam thừa đều cùng quán tánh không mà đắc đạo, tánh không là thật tướng của các pháp nên gọi là chánh quán, nếu thấy có khác biệt tức là tà quán. Giả sử nhị thừa chẳng thấy lý nầy thì điên đảo giống như phàm phu rồi.

Cho nên tam thừa quán pháp chẳng có khác nhau, chỉ do tâm chấp có lớn nhỏ mà hình thành sai biệt. Phương tiện phải đi đôi với Bát Nhã thì mới được gọi là đại huệ, thật tướng của các pháp gọi là Bát Nhã. Đã quán được thật tướng mà không thủ chứng là nhờ công dụng của phương tiện; tùy theo căn cơ thích ứng của chúng sanh mà độ, gọi là phương tiện. Dù ra vào trong sanh tử mà chẳng nhiễm trần lao là nhờ sức trí huệ của Bát Nhã; vậy thì cái cửa của Bát Nhã là quán "không", cái cửa của phương tiện là vào "hữu". Vào "hữu" mà chưa từng mê chấp nên thường ở nơi "hữu" mà chẳng nhiễm, chẳng chán "hữu" mà quán "không" nên quán "không" mà không thủ chứng, ấy gọi là sức lực của một niệm, tức là quyền trí và thật trí đều đủ vậy.

Người dụng công tham cứu thì trong một niệm, quyền trí và thật trí đều đủ cả, do đó, tâm cảnh được hiện rõ ràng.

Nói "Niết Bàn Tận Đế" tức là cái trói buộc của phiền não đã hết, thì sanh tử vĩnh viễn tiêu diệt, nên gọi là TẬN thôi, chớ chẳng phải còn có chỗ nào để tận vậy.

GHI CHÚ:

(1) Có nghĩa là chẳng phải từ hữu mà biến thành vô, vì BỒN VÔ này vượt ngoài cái có và không tương đối.