Phật học cơ bản
Phật Pháp Cho Mọi Người
Nhiều Tác Giả Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn
27/09/2554 07:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

04. Quan điểm của đức Phật

 


 

Ngài Sokei Shigetsu Sakaki, một trong những thiền sư Nhật Bản đã đến truyền đạo từ rất sớm ở Mỹ, và đã hiến cả cuộc đời mình để giới thiệu về Thiền đốn ngộ (Sudden Awakening Zen) cho người Mỹ. Thiền sư bắt đầu thuyết giảng ở Manhattan từ những năm 1930. Khi thiền sư Sokei chuẩn bị sang Mỹ hoằng pháp, một người bạn đã hỏi ông,“Làm sao ông giáo huấn được những kẻ không biết gì đó?” Ngài Sokei trả lời: “Tôi giáo huấn họ bằng sự Im lặng”. Thiền sư mất vào tháng 5 năm 1945.

Bài này trích trong The Zen Eye (Con Mắt Thiền) là tổng hợp các bài giảng về Thiền của Thiền sư.

_________________

 

Trong Dighannikaya (Trường Bộ Kinh), cổ kính lâu đời nhất của Phật giáo, có nói về quan điểm của Đức Phật – niềm tin của chính Ngài.

Đức Phật trong những ngày cuối đời, khoảng 80 tuổi, đi về thành Kusinara, nơi Phật sẽ nhập Niết Bàn. Ở mảnh đất khô cằn đó, Ngài đã không thể giữ được 1250 đệ tử ở lại với Ngài, vì thế Ngài khuyên họ giải tán và tự đi kiếm sống. Sau đó Ngài đi đến vùng cây sala ở Kusinara với Ananda, vị đệ tử trung thành của Ngài.

Ngài Ananda bèn hỏi Đức Phật, “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sắp nhập Niết Bàn, sao Thế Tôn không tụ họp các đệ tử lại để giảng cho họ nghe bài Pháp cuối cùng?”.

Đức Phật trả lời: “Ta đã nói cho họ nghe tất cả Pháp của ta, và đã nói cho họ nghe tất cả những kinh nghiệm ta đã trải qua. Nhưng nếu họ không có kinh nghiệm tự thân, thì họ không thể nghe đặng lời của ta. Ta đã Giác Ngộ, ta đã đạt đạo. Họ cũng phải làm như ta. Ta không muốn nói với họ về những kinh nghiệm của riêng ta để họ giữ mãi bên mình, cho lợi ích của riêng ta. Có lần ta đã nói với họ về kinh nghiệm của mình và thế là đủ. Sao phải tụ hội họ lại để làm mất đi thời gian tu tập để đạt Giác Ngộ của họ? Những lời ta nói để họ hiểu, ta đã nói sao phải lặp lại lần nữa?”

Nếu bạn đã kinh nghiệm về vấn đề gì đó, thì khi người khác nói về kinh nghiệm của họ, bạn sẽ hiểu ngay. Nhưng nếu bạn chưa từng kinh qua một điều gì đó, thì dầu người khác có nói bao nhiêu lời, bạn cũng sẽ khó thấu hiểu.

Trong Phật giáo, hành giả phải tự mình tu tập, tự mình thực hành để khai sáng trí tuệ, để tự giải đáp cho mình những thắc mắc về cuộc đời, thiên nhiên, vũ trụ. Còn đâu thì giờ để nói về kẻ khác.

Vì thế, người ta đã cho rằng Phật giáo có thái độ ích kỷ, chỉ lo tu cho riêng mình - không để ý đến những đau khổ của người khác. Và kết tội các nhà sư luôn sống ẩn dật trong các nơi rừng núi hẻo lánh, không để ý đến cuộc sống ở thế giới bên ngoài.

Ngày nay, ở Nhật một số tu sĩ Phật giáo cũng bắt chước theo Thiên Chúa giáo dạy kinh điển cho trẻ con vào ngày Chủ Nhật. Số khác vẫn duy trì truyền thống cũ - không có những hoạt động bên ngoài xã hội.

Tông phái của tôi, Thiền tông, rất thụ động. Chúng tôi bận rộn với việc tu học để giác ngộ mình trước, rồi nếu còn thì giờ sau đó, chúng tôi mới giúp người khác như một cách để báo ân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng tôi coi việc tu truyền Phật giáo như là một cách để báo ân vì đã được uống “nguồn sữa của Pháp”. Giống như đứa bé đang đói, hành giả được uống nguồn sữa đạo luật từ vị Thầy của mình. Hành giả tự nuôi dưỡng thân tâm mình nhu thế, và tự mở mắt ra để nhìn thấy được những luật chân thật của vũ trụ, thiên nhiên và con người. Nhờ thế khi bước chân vào đời, hành giả không cảm thấy sợ hãi, bối rối, không thấy nghi ngại cuộc đời mình đang sống. Hành giả đầy tự tin. Đối với hành giả hình như thế giới bên ngoài không có bóng tối và thế giới bên trong thì rõ ràng, phân minh. Chúng ta mang ơn Thầy, vị Thầy Giác Ngộ Đức Phật Ca Mâu Ni, vì thế hành giả phải làm gì đó để báo ân Thầy. Truyền pháp cho người khác cũng là một cách để báo ân -không phải vì những mục đích khác như tiền bạc, danh lợi - hành giả chỉ báo ân trong khả năng của mình. Nếu không có nhân duyên để báo ân, hành giả cũng chỉ chờ chúng đến. Vì thế, nếu có ai đến với tôi, tôi sẽ dựa vào nhân duyên đó mà báo ân cho Phật.

Chúng ta hy vọng có thể truyền thừa những điều Phật dạy được lâu dài - qua những kiếp người và còn xa hơn nữa trong tương lai. Nhưng chúng ta không thể tạo ra sự giác ngộ cho người khác. Tôi không thể ăn giùm cho bạn. Đôi khi chúng ta băn khoăn không biết phải làm gì, truyền dạy điều gì, kêu gọi Phật tử như thế nào - nhưng tất cả những sự lo âu đó đều là vô ích. Hành giả chỉ cần quán tưởng và thực hành, và nếu có thì giờ thì hành giả báo ân thêm chút nữa. Nếu không có nhân duyên thì chỉ việc chờ đợi. Đó mới chính là quan niệm của các bậc thầy cũng như của người tu học chân chánh. Không cần thiết phải làm gì hơn thế nữa. Không cần thiết phải “quảng cáo” về sự Giác ngộ của chính mình, của quý thầy. Không cần phải chỉ trích ai hay chê bai chỗ này, chỗ kia. Hành giả chỉ cần giữ tâm mình cho sáng. Nếu vị thầy có được lòng tin đúng đắn và có khả năng giúp bạn hiểu được đạo một cách chân chính, đó là tất cả những gì bạn cần - rồi bạn sẽ đi đến đích thôi.

 Sokei Shigetsu Sasaki

(Trích Dịch theo The Zen Eye, NXB Weatherhill)