Chương II: Giải Thoát Luận
TIẾT THỨ NHẤT
GỢI Ý
Tất cả tôn giáo, bất luận thuộc hình thái nào, đều lầu yêu cầu giải thoát làm bối cảnh. Dĩ nhiên không phải tôn giáo nào cũng chủ trương hết thảy là ý thức. Nếu chủ trương yêu cầu giải thoát xuất phát từ ý thức thì sinh hoạt quan của nhân loại sẽ trở thành một vấn đề hết sức phức tạp và nan giải. Tư tưởng giải thoát là đặc trưng của nền tôn giáo cao đẳng, bởi lẽ thời thái sơ những tôn giáo tự nhiên mà loài người sản sinh ra chỉ là những tôn giáo tự nhiên nên chưa có được tư tưởng đó. Song đứng về mặt biểu tượng mà nói, có phải tất cả tôn giáo đều đồng nhất về giải thoát và nội dung của giải thoát không? Trên căn bản, tuy cũng có điểm cộng thông, nhưng về mặt hình thức biểu tượng, giữa các tôn giáo có nhiều điểm bất đồng. Nghĩa là các tôn giáo tuy cũng chủ trương chủ nghĩa giải thoát, nhưng phần nhiều đứng trên các lập trường khác nhau: đó là điều rất rõ ràng. Xa hơn nữa, cũng có tôn giáo tuy chủ trương chủ nghĩa giải thoát, nhưng khi khảo sát người ta không hiểu rõ nội dung của giải thoát đó là gì, nó chỉ là một danh từ suông không thôi.
Bên Tây phương cũng có những tôn giáo hay triết học chủ trương giải thoát. Điển hình là các nhà triết học Hy lạp như Pythagoras và Plato. Cơ Đốc giáo dĩ nhiên là xây dựng trên nền tảng giải thoát chủ nghĩa. Trong số các tư tưởng gia người Đức, trước hết phải kể đến Tiêu Bá Nội, cũng có rất nhiều người chủ trương thuyết giải thoát. Nói tóm lại, chủ nghĩa giải thoát và yêu cầu giải thoát ta có thể thấy nó biểu hiện dưới nhiều hình thái và khắp nơi trên thế giới, nhưng nếu muốn tìm đến chỗ xuất phát của tư tưởng giải thoát thì ta không thể không tìm đến Ấn Độ từ thời đại Áo Nghĩa Thư (Triết học Upanish-ads) trở về sau, tất cả tư tưởng Ấn Độ, không những chỉ đứng trên lập trường giải thoát chủ nghĩa mà còn tận tâm tận lực phấn đấu để giải thoát, ta có thể nói điều đó ngoài Ấn Độ ra ta không thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Do đó, nếu muốn hiểu rõ chủ nghĩa giải thoát trên toàn thế giới, ta không thể không tìm hiểu giải thoát quan của Ấn Độ.
Ở đây chúng tôi gọi là Giải thoát luận là có ý muốn tìm hiểu tất cả các loại giải thoát quan của Ấn Độ để có được một khái niệm đầy đủ, đồng thời mong tìm ra cái ý nghĩa cộng thông giữa các giải thoát quan đó. Đương nhiên, nếu khảo sát cho tường tận, thì đây là một vấn đề vô cùng phức tạp và khó khăn, không thể một sớm một chiều có thể nói hết, cho nên ở đây chúng tôi cũng xin thanh minh trước là chỉ có thể cố gắng trình bày vấn đề một cách khái quát và đơn giản mà thôi, và trước tiên chúng tôi xin trình bày toàn bộ tư tưởng Ấn Độ về giải thoát quan. Sau đó ở Tiết thứ ba, chúng tôi sẽ đặc biệt đề cập đến nội dung của giải thoát quan Phật giáo.
TIẾT THỨ HAI
Ý NGHĨA VÀ CÁC LOẠI GIẢI THOÁT QUAN ẤN ĐỘ
1- Nguồn gốc của Tư tưởng Giải thoát:
Trước đây, trong cuốn sách nổi tiếng của mình, cuốn “Phật giáo Nguyên lý luận” bác sĩ Muraue đã nhận định rằng các tông phái Phật giáo đều nhất quán về lý tưởng Niết bàn, do đó mà thảo luận về khả năng thống nhất Phật giáo. Quan điểm này rất đúng, song nói đúng ra lý tưởng đó không phải chỉ hạn cục trong các tông phái Phật giáo, mà nói rộng ra nó là toàn bộ tư tưởng của các giáo phái Ấn Độ nữa, vì cái gọi là Niết bàn (Nirvana) hay Giải thiát (Moksa) thật ra cũng chỉ cùng một ý nghĩa là đã giải phóng được sinh hoạt cá thể mà lập dựng nên cuộc sinh hoạt tinh thần tự chủ và độc lập.
Nhưng cái tư tưởng giải thoát đó đã phát xuất ở Ấn Độ từ thời kỳ nào? Dĩ nhiên nó đã ngấm ngầm manh nha từ rất sớm rồi, nhưng thật sự trở thành một tư trào rõ rệt thì đại khái vào thời kỳ mà các tư trào Ấn Độ đang dần dần tiến đến chỗ giác ngộ Tự Ngã trở về trước. Nếu chiếu theo văn hiến, theo chỗ tôi tận lực nghiên cứu, thì vào thời đại Lê Câu Vệ Đà (Rg-Veda), đại biểu tư tưởng tối cổ của Ấn Độ, nghĩa là vào khoảng 1500-1000 năm trước Công Nguyên, tư tưởng giải thoát hầu như vẫn chưa biểu hiện một cách rõ ràng. Vào thời đại đó, người Ấn Độ cổ đại (nếu có) định cư tại khu vực Ngũ Hà, tính tình còn thuần phác và thanh thản, về mặc ý thức, vẫn chưa cảm thấy những mâu thuẩn khổ đau của cuộc sống, nhưng từ khu dân tộc Aryan di chuyển về phía Đông Nam thượng lưu sông Hằng Hà, khai thác nền văn minh tại đây, đồng thời cũng dần dần tiến đến bản chất sinh hoạt trầm mặc, do đó tư tưởng giải thoát cũng đã dần dần nảy nở. Tư tưởng này đã thấy tản mát trong Phạm Thư (Bràhmanas), tức từ khoảng 1000-800 trước Công nguyên, vậy ta có thể coi là tư tưởng giải thoát đã manh nha bắt đầu từ thời kỳ đó, và đặc biệt đến cuối thời kỳ này đã trở nên rất rõ rệt. bắt đầu từ thời kỳ đó, các nhà tư tưởng Ấn Độ dần dần đi tìm bản chất của Tự Ngã và cho bản chất đó là một linh thể bất diệt, và lấy việc phát hiện cái linh thể đó làm lý tưởng cứu kính của con người. Ô Da bái Lỗ nói:
“Nguồn gốc của tư tưởng giải thoát và tư tưởng luân hồi đều phát xuất song song với nhau”. Rồi đến ông Đốc Y Tác Âm nói: “Do sự hình thành tư tưởng Tự Ngã mà đã phát sinh ra tư tưởng luân hồi”, nhưng theo chỗ tôi hiểu thì tư tưởng luân hồi vẫn là kết quả của tư tưởng giải thoát, cho nên ý kiến của hai ông nói trên có điểm đồng nhất. Nghĩa là đối với vạn hữu, đặc biệt là tự thân con người, người ta cảm thấy cần phải so sánh đối chiếu giữa cái chân tướng và giả tướng của vạn vật, và do cái ý hướng muốn xa lìa giả tướng để trở về với chân tướng mà đã phát sinh ra tư tưởng giải thoát. Song, tại Ấn Độ cái thời đại mà sự đối chiếu giữa chân tướng và giả tướng được bộc lộ một cách rõ ràng, đồng thời, vấn đề giải thoát được luận cứu rộng rãi, dĩ nhiên là thuộc thời đại U Ba Ni Sát Đàm (Upanishads). Do đó, vấn đề giải thoát được thiên hạ đặc biệt chú ý và đưa ra thảo luận vẫn là thuộc thời đại Upanishads (800-500 trước Kỷ nguyên). Đến thời kỳ này giải thoát quan mới thật sự được quy định thành hình. Upanishads nói: “Cái bản tính của Tự Ngã cùng với thật tại của vũ trụ tức Phạm Thiên là đồng nhất, bản lai thanh tịnh, không nhơ nhớp, là cảnh giới diệu lạc, vĩnh viễn bất biến, nhưng vì mê mờ không thấy được cái chân tướng ấy nên con người đã bị tách khỏi cái tính đồng nhất kia để rồi phải lăn lộn trôi dạt trong bể khổ sinh tử, bị đắm chìm và trói buộc mất hết tự do”. Cũng vì thế mà cái lý tưởng cứu kính của con người là làm thế nào để thoát ly được cảnh giới sinh tử trói buộc này để trở về với bản tính đồng nhất của Phạm Thiên. Nền giáo lý của Upanishads tuy rất mông mênh, nhưng cái quy kết tối hậu thì không ngoài tư tưởng này, mà một khi đã tin như thế rồi thì một mặt miêu tả cái cảnh giới lý tưởng đó càng tốt đẹp và sung sướng bao nhiêu, thì nhìn lại hiện thực giới người ta càng cảm thấy mất sinh thú bấy nhiêu. Do đó mà tư tưởng yếm thế cũng dần dần nảy mầm và yêu cầu giải thoát cũng mỗi ngày một tăng. Như vậy là tư tưởng triết học của Upanishads dù có không thừa nhận học phái A Đốc Ma đi nữa, cũng đã lấy giải thoát làm lý tưởng tối cao, và như đã nói ở trên kia, nguồn gốc và sự thành lập tư tưởng giải thoát là cái lý tưởng đích thực cộng thông của mọi học phái.
2- Các loại giải thoát quan:
Như vừa được lần lượt trình bày ở trên, các phái từ thời đại Upanishads trở về sau, vì tất cả đều lấy giải thoát quan làm trung tâm, nên giải thoát quan cũng trở về sau khi giải thoát và phương pháp thực hiện giải thoát, do chỗ nhận xét bất đồng của các học phái mà cũng có những sự trình bày khác nhau. Nếu nói một cách cực đoan thì mặc dầu các phái đều lấy giải thoát làm trung tâm, nhưng chỉ vì giáo lý của các phái bất đồng cho nên giải thoát quan dĩ nhiên cũng có những điểm sai biệt. Song, muốn cho tiện lợi, và nếu phân loại một cách đơn giản những tính chất hay khuynh hướng giải thoát thì đại khái có bốn loại có thể thâu tóm toàn bộ. Thứ nhất, giải thoát do nhờ nơi Nhân cách thần. Thứ hai giải thoát do nơi tinh thần độc lập cá nhân. Thứ ba, giải thoát do sự phủ định ý chí sinh tồn và thứ tư, giải thoát do tự kỷ thể hiện thực tại của vũ trụ, Phật tức tâm.
Thứ nhất giải thoát nhờ nơi nhân cách thần. Người gây nghiệp thiện, sau khi chết được sinh lên cõi trời Dạ Ma mà hưởng mọi phúc báo: đó là tín ngưỡng đã có từ thời đại Lê Câu Vệ Đà (Rg-Veda). Đến thời đại Upanishads, tín ngưỡng đó được coi là chưa cứu kính, hơn nữa còn cho rằng cõi trời vẫn chưa là cảnh giới giải thoát. Tuy nhiên, tín ngưỡng đó vẫn được một thế lực phi thường vì nó đã được phổ biến rộng rãi trong xã hội. Chẳng hạn, khi nói về sự luân hồi của linh hồn thì Upanishads nói nó đi trong Tổ đạo, Thiên đạo thì Thiên đạo đây cũng có nghĩa là cõi Trời. Thế nhưng, tại nơi này tuy coi đó là một cảnh giới luân hồi, song tại nơi khác lại vẫn chưa có là cảnh giới cứu kính. Đến thời đại học phái, thuyết hữu thần của Nhất Thần giáo nảy nở và tín ngưỡng đó càng ngày càng thịnh đạt thì người ta coi vị Thần duy nhất ấy là lý tưởng giải thoát. Giải thoát quan của các phái Tỳ Nữu Noa và Thấp Bà hoàn toàn xây dựng trên lòng tin đó. Hình như tín ngưỡng Vãng sinh Phật quốc của Phật giáo cũng thuộc hệ thống này, vì giải thoát quan này có tính cách phổ thông và đầy hương vị tôn giáo nên đã được đón nhận một cách rộng rãi trong xã hội, mà đặc trưng của giải thoát quan này là ở phương diện tha lực. Người ta có thể thoát khỏi sự ràng buộc của hiện thế mà đạt đến cảnh giới tự do nếu người ta được Thần ban cho ân sủng đó. Nếu giải thoát quan của Tây phương được nói đến ở đây thì lập trường của Cơ Đốc giáo có thể nói cũng thuộc loại này.
Thứ hai, giải thoát quan do tinh thần độc lập cá nhân. Tinh thần của mọi người là cái linh thể tự thân vốn thuần khiết bất hoại, nhưng vì sự chướng ngại của vật chất nên linh thể đó trở thành mất tự do không trong sạch. Bởi vậy, nếu muốn đạt đến cảnh giải thoát, người ta chỉ cần xóa bỏ những chướng ngại vật chất đó để tinh thần cá nhân ra không có thật tại vũ trụ hoặc một vị Thần biệt lập, do đó, ngoài bản tính của chính mình ra không cần có một trạng thái nào khác để chuyển hướng, cũng như lau sạch bụi trên một tấm gương, chỉ cần tẩy trừ những lớp bụi vật chất che lấp tâm tính là tức khắc cảnh giới lý tưởng sẽ hiển hiện. Giải thoát quan này đã tiềm tàng trong Upanishads, nhưng thật sự được biểu hiện rõ ràng thì phải chờ đến phái Số luận và phái Du già. Vạn hữu sở dĩ có là do sự kết hợp giữa tinh thần tính của Tự ngã và tự tính của vật chất tính, và đó chính là cái nguyên lý trói buộc, vậy đoạn tuyệt được sự cấu kết giữa những yếu tố đó tức là đã đạt đến giải thoát, giải thoát quan của Kỳ Na giáo cũng gần tương tự như lập trường của phái Số luận, nghĩa là lấy việc diệt trừ những ràng buộc vật chất khỏi tinh thần làm lý tưởng tối hậu. Trong Phật giáo, từ khi các học giả thuộc Đại chúng bộ hệ xướng thuyết Tâm tính Bản Tịnh đến Đại thừa chủ trương thuyết Tất Hữu Phật Tính tức là cái Linh thể của các phái kể trên, cho đến lập trường diệt trừ khách trần phiền não để đạt giải thoát Niết bàn, thì chủ trương đó cũng có thể được coi là thuộc hệ thống này. Tóm lại, giải thoát quan thuộc bộ loại này là sản phẩm của tư tưởng triết học có khuynh hướng Nhị nguyên luận, vì nó lấy sự đối lập giữa tự ngã và phi ngã làm điều kiện và cái phương pháp thực hiện giải thoát không phải dựa vào tín ngưỡng mà xây dựng trên trí tuệ, lấy sự tự lực tu hành làm thông lệ. Quan niệm của Plato cho rằng nhục thể là nhà tu giam hãm tinh thần và muốn được giải thoát, người ta phải phá vỡ ngục tù nhục thể: quan niệm đó cũng có thể được liệt vào bộ loại giải thoát quan này.
Thứ ba, giải thoát quan do phủ định ý chí sinh tồn.
Giải thoát quan trên đây thuộc Nhị nguyên luận, một mặt bảo tồn bản tính bất động, một mạt diệt trừ yếu tố bất định, nhưng quan niệm giải thoát thứ ba này lại cho sinh hoạt hiện thực là mê vọng và muốn được tự do giải thoát, người ta phải hoàn toàn chối bỏ sự sống mê vọng đó: đây là lý tưởng của Tiểu thừa Phật giáo. Tiểu thừa Phật giáo đại biểu của chủ nghĩa vô thần, vô ngã, lấy vô thường và khổ làm cương yếu của nhân sinh quan. Do đó lý tưởng cứu kính của con người không thể thấy ở những cái vô thường, những cái khổ, mà trái lại phải hoàn toàn chối bỏ những cái đó, nghĩa là phải diệt cho tuyệt cái ý muốn sinh tồn mới hy vọng đạt đến cảnh giới giải thoát yên vui, và cảnh giới đó được mệnh danh là Niết bàn (Nirvana). Dĩ nhiên danh từ Niết bàn, theo cách dùng ở thời đại Phật giáo Nguyên thủy, tuy có bao hàm ý nghĩa tích cực, nhưng nếu theo ý nghĩa “dập tắt”, “tiêu diệt” thì trong trường hợp này nó đã được dùng đúng với ý nghĩa của nó. Theo chủ nghĩa này, ít ra về mặt biểu tượng giải thoát có nghĩa là tiêu diệt hoàn toàn sự sinh tồn hiện thực, cũng vì thế mà nhiều người đã cho Niết bàn là một cảnh giới tuyệt diệu hư vô. Trong các phái Tiểu thừa, như kinh Lượng Bộ chẳng hạn, đại khái đã theo giải thích đó. Dĩ nhiên, trên thực tế cái cõi tuyệt đối hư vô ấy không thể là lý tưởng của người ta được, cho nên tuy các học giả Tiểu thừa nhận đó là hư vô, người sau Niết bàn họ vẫn thừa nhận một cảnh giới quang minh vĩ đại và thường còn, đó là một sự thật, mà cảnh giới này chỉ khi nào phủ định hoàn toàn ý chí sinh tồn mới có thể đạt đến được. Bên Tây phương, giải thoát quan của Schopenhauer cũng rất tương tự với quan niệm giải thoát trên đây, có lẽ đã chịu ảnh hưởng của hệ thống tư tưởng dó chăng?
Thứ tư, giải thoát quan do tự mình thể hiện thực tại.
Trong ba bộ loại giải thoát quan kể trên, loại thứ nhất, thứ nhì có thể nói là thuộc khuynh hướng Nhị Nguyên hoặc Đa Nguyên, loại thứ ba có khuynh hướng hư vô, còn loại thứ tư này có thể nói giải thoát quan Nhất Nguyên tích cực. Quan niệm này cho rằng bản thể của vũ trụ và tự ngã của con người vốn là đồng nhất, chỉ vì vô minh nên thấy như có cách biệt, nhưng nếu diệt trừ được vô minh thì tức khắc con người sẽ trở thành bản thể toàn diện. Vậy từ cái thân nhỏ bé cách biệt, giả tạm và bất định, bị phiền não trói buộc này mà vận dụng để đạt đến cảnh giới phổ biến, vĩnh hằng, thanh tịnh và tự do, tức là đã đạt đến cảnh giới giải thoát. Chủ thuyết này đã được đề xướng bởi các học phái Upanishads, Vedanta, và Phật giáo Đại thừa. Lập trường hình nhi thượng của giải thoát quan này là chủ nghĩa thực thể nhất nguyên của Quan niệm luận, hay là vạn hữu thần giáo, lấy bản thể của vũ trụ làm sự tồn tại duy nhất của tinh thần, vạn hữu đều do tinh thần đó khai triển hoặc hiển hiện. Phái Vedanta gọi là Phạm hay Đại Ngã, Đại thừa Phật giáo mệnh danh là Chân như, Pháp Thân v.v... tức là tinh thần đó, vì vậy mà cảnh giới giải thoát theo quan niệm này, về mặt biểu tượng cũng rất phong phú, hơn nữa, rất hoạt động, không cần phải chối bỏ hiện thực, mà trái lại hiện thực tức là bản thể, vậy hiện thực tức cũng là giải thoát. Trong Upanishads nói: “Tất cả đều là Phạm”. Thiên Thai Tông nói: “Nhất sắc, nhất hương đều là Trung Đạo”. Đứng trên lập trường giải thoát mà nói thì vạn hữu đều biểu hiện cái tướng vĩnh hằng, tất cả đều tự do, vô ngại. Hoa Nghiêm Tông lập thế giới quan Sự Sự Vô Ngại, Thiền Tông nói Sinh Tử tức Niết bàn, Chân Ngôn Tông nói Tức Thân thành Phật v.v... đều căn cứ trên lập trường đó phát triển cả. Đến đây, giải thoát quan của Ấn Độ, ít ra là về mặt lý luận, có thể nói đã đạt đến chỗ điều hòa giữa quan niệm yếm thế và quan niệm lạc thiên, đã đến điểm dung thông giữa thử ngạn và bỉ ngạn, giữa động và tịnh, giữa thực tại và hiện tượng để mà khoáng đại cái phạm vi tự tại.
Trở lên, chúng tôi đã tạm chia giải thoát quan của Ấn Độ thành bốn bộ loại. Nói đúng ra, trong các học phái dĩ nhiên cũng còn nhiều phái chủ trương giải thoát quan khác nữa, nhưng bất luận là chủ trương khuynh hướng nào đi nữa, trên đại thể, vẫn không ngoài bốn bộ loại trên đây. Nói cách khác, bốn bộ loại trên đây có thể bao gồm tất cả khuynh hướng giải thoát trong tư tưởng Ấn Độ.
3- Ý nghĩa của sự thể nghiệm giải thoát:
Tuy cùng lấy giải thoát làm lý tưởng, người vì sự tranh luận về những điểm chân, ngụy, ưu, liệt cho nên giữa các học phái cũng có nhiều điểm bất đồng điều đó không có gì là lạ cả. Song theo chỗ chúng tôi nhận xét thì đó chỉ là trên vấn đề lý luận mà thôi, chứ về ý nghĩa sự giải thoát thì đại khái các học phái đều có những điểm tương đồng. Bất cứ biện luận theo chiều hướng nào, cái ý nghĩa chân chính của sự giải thoát là phải làm sao cho tinh thần thanh thản trước mọi cảnh khổ, vui, thật, giả, động, tĩnh: tóm lại đưa ý chí đạt đến một cảnh giới tuyệt đối giải phóng. Nói theo lý luận hình nhi thượng thì chẳng qua lấy sự đưa ý chí đến cảnh giới tuyệt đối giải thoát làm mục tiêu vậy, và dĩ nhiên do cái mục tiêu đó ra sao mà có sự bất đồng về tính cách và phong thái của sự giải thoát. Bởi thế, nếu đứng trên lập trường thể nghiệm để luận xem loại giải thoát nào là thật, loại nào là giả thì e rằng ta sẽ làm một việc không đâu, vì lẽ bất luận theo phương pháp nào, hễ đã đưa tinh thần đến được một cảnh giới tuyệt đối giải phóng đó thì đều có thể được coi là sự giải thoát chân thực. Nếu nhận xét theo lý luận và thực tế thì chỗ kiến giải có những điểm bất đồng. Chẳng hạn, về lý luận thì có Nhất nguyên luận, Nhị nguyên luận, Hữu thần thuyết, Vô thần thuyết, không dung hòa được nhau. Song nếu xét theo sự thể nghiệm thực tế về giải thoát thì trong những thuyết mâu thuẫn đó người ta vẫn thấy có điểm cộng thông. Do đó, bất luận là Nhất nguyên, Nhị nguyên hoặc Hữu thần, Vô thần chủ trương khác nhau, nhưng khi ý chí đã đạt đến cảnh giới tuyệt đối giải thoát thì quan điểm ở đây không còn dị biệt nữa. Đó cũng là cách giải thích chung của các nhà sáng lập tôn giáo, các bậc hiền triết cổ, kim, đông, tây, tuy có những giáo lý khác nhau, ở vào những bối cảnh bất đồng, nhưng vẫn có những điểm cộng thông, điều này thiết tưởng không phải một sự ngẫu nhiên vậy.
TIẾT THỨ BA
ĐẶC CHẤT CỦA GIẢI THOÁT QUAN PHẬT GIÁO
Phạm vi của Phật giáo quá rộng cho nên về giải thoát quan cũng có những chủ trương khác nhau, Nói một cách tổng quát thì như chúng tôi đã trình bày ở tiết trước toàn bộ bốn loại giải thoát quan. Để khỏi phải nhắc đi nhắc lại, ở đây chúng tôi chỉ đặc biệt đề cập đến loại thứ ba mà thôi, theo tôi có thể đại biểu cho đặc chất của giải thoát quan Phật giáo, mà trong lịch trình phát triển của Phật giáo, thế giới quan “không” của Bát Nhã có thể bảo tồn được hệ thống đó, nhưng cũng đã bị coi như tư tưởng được triển khai. Cho nên, ở đây, một mặt phải đi sâu vào ý nghĩa đó, mặt khác phải luận qua về chân nghĩa của Niết bàn.
Lập trường chủ yếu của giải thoát quan Phật giáo là vượt ra ngoài cõi Dục (Dục giới). Phật giáo không thừa nhận thế giới quan thần quyền lại cũng không thừa nhận cái “Ngã” cá nhân bất biến, mà chủ trương hết thảy đều do nhân duyên hòa hợp mà hiển hiện, và sở cứ của nhân duyên là ý chí của chúng ta. Do đó, nếu muốn được giải thoát, con người phải cắt đứt mọi nhân duyên, nghĩa là diệt hết dục vọng của ý chí. Theo các học phái khác, giải thoát tức là đưa cái tiểu ngã của cá nhân trở về với Đại ngã của một đấng sáng tạo ra vũ trụ. Nhưng Phật giáo vì không thừa nhận thần quyền, nên gọi giải thoát là Niết bàn, mà Niết bàn theo nghĩa đen là “dập tắt”, nghĩa là dập tắt hết dục vọng tồn tại và lấy đó làm lý tưởng cứu kính. Các kinh điển Đại thừa, nhất là kinh Bát Nhã, đặc biệt thuyết minh về điểm này và mệnh danh là “không”, “không không” rốt ráo là “không”. Đó là chân tướng của vũ trụ, và khi đã đạt được chân tướng ấy tức là đạt đến giải thoát, đến Niết bàn.
Trong các giải thoát quan Ấn Độ, giải thoát quan của Áo Nghĩa Thư cao siêu hơn cả, xây dựng trên lòng tin: Tiểu Ngã và Đại Ngã là đồng nhất, Tiểu Ngã là sự thể hiện của Đại Ngã muốn giải thoát người ta phải hủy bỏ Tiểu Ngã để về Đại Ngã. Bởi vậy người ta thường có khuynh hướng “tuẩn thế”, nghĩa là xa lánh hẳn cuộc sống hoạt động ồn ào, ở những nơi tham sơn cùng cốc, cố giữ cho tâm hồn vắng lặng. Giải thoát quan của phái Số luận cũng vô cùng tinh diệu. Họ lấy cái Chân Ngã bất biến bất động làm giải thoát, lấy sự thoát ly hết thảy mọi sự ràng buộc vật chất, chỉ sống với tinh thần luôn luôn thanh thản làm giải thoát. Nếu đứng trên lập trường hoạt động mà nhận xét thì quan niệm giải thoát này mang nặng tính chất tiêu cực, hành giả chỉ là một vị tiên xa lạ hẳn với đời sống thực tế. Trong thời kỳ Đức Phật tại thế cũng vậy, tuy có những quan niệm giải thoát khác nhau, nhưng tựu trung, người ta cũng đều lấy sự xa lánh xã hội, sống trong cảnh tịch mịch của núi rừng làm phương châm để tự thể nghiệm cảnh giải thoát cho chính mình. Do đó mà tất cả các bậc hiền triết đương thời đều được kêu là Mâu Ni, nghĩa là những bậc ưa sự vắng lặng, chính Đức Phật cũng được gọi là Mâu Ni sống cuộc đời tịch mịch trong rừng sâu núi thẳm.
Sáu trăm khổ hạnh, Đức Phật cũng đã từng sống cuộc đời vắng lặng đượm màu tiêu cực ấy; nhưng sau khi thành đạo dưới gốc cây Bồ đề. Ngài đã bắt đầu sống cuộc đời cực kỳ hoạt động. Lấy các đô thị lớn thời bấy giờ làm trung tâm, Đức Phật đã đi khắp nơi để giáo hóa độ sinh, và cứ như thế, nay đây mai đó, ròng rã bốn mươi lăm năm trời, ta có thể coi là tấm gương hoạt động chói lọi vậy.
Các học phái khác lấy siêu nhân làm chủ nên không quá coi trọng đạo đức thế gian, nhưng Phật thì lấy từ bi làm chủ, chuyên đứng về phương diện đạo đức để giáo hóa người đời, đó là tiếng nói giải thoát. Tại Ấn Độ có nhiều tôn giáo, nhưng chỉ có Phật giáo là lấy toàn thể nhân loại làm đối tượng để truyền giáo, và cũng chỉ có Phật giáo mới có những giáo lý làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mọi hạng người. Nguyên nhân tại sao Phật giáo được bành trướng khắp toàn cầu cũng chính là ở điểm đó.
Tiến thêm một bước nữa mà khảo sát thì Phật theo một ý nghĩa nào đó, có thể được coi là một nhà đề xướng hiện thực chủ nghĩa. Cái gọi là “giải thoát”, là “Niết bàn”, nếu không có ích lợi gì đối với cuộc sống thực tế, thì tự nó cũng không có một ý nghĩa nào cả. Giải thoát hay Niết bàn, theo Phật, không phải chỉ có thể đạt được sau khi chết, mà trái lại, có thể có thể được những chứng nghiệm ngay ở hiện tại, ngay trong giây phút. Nghĩa là bất cứ trong giờ phút nào ta cắt đứt được mọi mối ràng buộc của tham lam, của dục vọng, khiến cho tâm hồn thanh thản, lâng lâng, tự tại, tự do, thì ngay giờ phút ấy ta đã đến cảnh giải thoát chân thực rồi. Các nhà học phái khác chủ trương chỉ khi nào con người hòa đồng được Tiểu ngã của mình với Đại Ngã của vũ trụ thì lúc ấy mới có giải thoát, chứ không thể có giải thoát trong thế giới hiện thực. Đó là điểm sai khác giữa giải thoát quan của các phái và giải thoát quan Phật giáo và cũng là đặc trưng của giải thoát quan Phật giáo.
Do đó trong Phật giáo, nếu nói đến giải thoát mà phủ nhận giá trị của thế giới hiện thực thì không những trái với đạo lý mà còn làm hại cho chính pháp rất nhiều, nhưng đây cũng lại là điểm vô cùng khó khăn, bởi lẽ vẫn sống trong thế giới hiện thực mà làm cách nào để đừng bị mê hoặc, lôi cuốn theo, để tìm cầu giải thoát khỏi hiện thực là một việc mà có lẽ không ai dám tự phụ làm một cách dễ dàng. Trong hàng ngũ đệ tử Phật, có những người chỉ muốn xa lìa cuộc đời để được giải thoát, những người này đại biểu cho khuynh hướng Nam Tông hay Tiểu thừa Phật giáo, nhưng vì khuynh hướng đó không đúng với chân lý của Phật nên lại có một số đứng lên vận động phản kháng, và số này đại biểu cho khuynh hướng Bắc Tông hay Đại thừa Phật giáo, và trong số này, Bát Nhã giáo thuộc thời kỳ đầu và cũng là thuần túy nhất, mà lập trường của Bát Nhã là chủ trương diện nào đó mà nhận xét thì có vẻ như thanh thản, lâng lâng, phủ định hết thảy, Phật cũng không, chúng sinh cũng không, thế giới không, mê không, mà ngộ cũng không: tất cả đều là không, nhưng khi đã đến tuyệt đỉnh của cái “không không”, rồi trở lại khẳng định tất cả để thích ứng với hoàn cảnh thiên sai vạn biệt mà hoạt động một cách tự do, tự tại, không chấp trước, không đam mê, thái nhiên tự nhược (xem chương nói về Chân như quan của Bát Nhã).
Coi đó ta thấy chủ nghĩa giải thoát của Phật giáo, nếu chỉ nhìn bề ngoài, có vẻ như một chủ nghĩa “không tịch”, nhưng nếu căn cứ vào nhân cách hoạt động của Đức Phật, do nhân cách đó mà tìm hiểu ý nghĩa chân thực của giáo lý Ngài, ta thấy Phật giáo quyết không phải lấy hư vô làm lý tưởng, đó là điều không một nhà học Phật chân chính nào phủ nhận.
Trái lại, đặc chất của chủ nghĩa giải thoát của Phật giáo có thể nói là một chủ nghĩa hoạt động cụ thể nhất. Trong số các học giả Tây phương một thiểu số khi nghiên cứu đạo Phật thường cho Phật giáo là tiêu cực, đó chẳng qua chỉ phê bình một mặt mà không lý giải được cái tinh thần căn bản của đạo Phật. Đại thừa Phật giáo lập nên nhiều nguyên lý tích cực, hoặc nói là Phật, là Chân như, là Như lai tạng v.v... nhưng đến mục tiêu giải thoát thì tuyệt nhiên không thêm một nguyên lý nào. Thảng hoặc trong lịch trình phát triển tư tưởng, đời sau có thêm thắt điều gì chăng nữa thì chẳng qua cũng không ngoài cái chân tinh thần của Đức Phật. Đây là điểm chúng ta không nên bỏ qua khi nghiên cứu về lịch sử của Phật giáo.
Tóm lại, đứng về một phương diện nào đó mà nhận xét thì Phật giáo là chủ nghĩa phủ định. Thế giới hiện thực chỉ là cái thực ngã là thần, hoặc là thực thể của lý niệm. Phủ định tất cả để đi đến : “không”, nhưng đặc chất của Phật giáo là một khi đã đạt đến cái không tuyệt đối hay Niết bàn vắng lặng rồi, thì lại trở về mà khẳng định tất cả để tạo thành Phiếm thần quan của Đại thừa Phật giáo. Song điểm khế cơ này chưa chắc đã được Đức Phật thuyết minh trong lúc Ngài còn tại thế. Căn cứ trên lịch sử, điểm Đức Phật đã chỉ rõ là: vượt thế giới hiện thực để đến cái không rồi từ không trở lại hiện thực giới hoạt động, chỉ bày phương châm đi đến không. Kế thừa phương châm đó để lập nên các thuyết về giải thoát, tuy cũng xây dựng trên căn bản không, song tiến thêm một bước nữa mà khẳng định hết thảy: đó là Phật giáo Đại thừa.
Như thế chung cục nhận Phật là vị Nhân cách thần, nhận Như lai tạng là Chân ngã, rồi từ lập trường hiện tượng tức thật tại mà xướng lên thuyết “tức thân thành Phật", cứ như thế giáo lý Phật giáo bắt đầu triển khai, mà cái đặc trưng nhất quán của chủ nghĩa giải thoát của Phật giáo ở chỗ tự mình tuyệt đối mãn túc, rồi vì hạnh phúc của thế giới, vì sự tiến bộ của nhân loại, đem hết sức mình ra làm việc với một tâm hồn thái nhiên tự nhược, nghĩa là không đam mê, không cố chấp, luôn luôn thanh thản tự do trước mọi hoàn cảnh.