... "Ðại Ðức NÀRADA, Mahà
Thera là một vị Tỳ Khưu trứ danh người Tích Lan. Ngài là một vị cao tăng đã nắm
vững chắc phần giáo lý cao siêu nhà Phật. Thêm vào đó Ngài đã hấp thụ được phần
uyên thâm hoằng đại của nền văn hóa Tây Phương, về triết học cũng như về khoa
học tối tân hiện đại.
"Do cái thiên tư hiếm có ấy
Ngài đã giúp cho hàng học giả Âu Tây thấu hiểu rõ ràng những điểm rất tế nhị
trong Tam Tạng Pali về vũ trụ quan và tâm linh quan. Cũng nhờ sở năng đặc biệt
đó mà Ngài trình bày dễ dàng và rành mạch, ai cũng hiểu được, bao nhiêu tài
liệu căn bản trong kinh sách Phật Giáo mà đúng ra những ai không phải là nhà
chuyên môn khó lòng lãnh hội..."
Bác sĩ
MIGOT
LỜI TỰA
Trong ba
tháng kiết hạ tại chùa Kỳ Viên, Chư Tăng Việt Nam và Ðại đức NÀRADA Mahà Thera
đã sống một nếp sống gương mẫu. Quý Ngài đã tận dụng thì giờ quý báu vào công
trình xây dựng đạo pháp và tỏ ra rất xứng đáng với chú nguyện giải thoát và
nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần của hàng Tăng Bảo.
Ngoài sự trau dồi Giới - Ðịnh -
Tuệ, các Ngài nỗ lực khảo cứu Tam Tạng, giảng đạo, thuyết pháp, soạn thảo,
trích dịch những tài liệu Phật học và tích cực gia công đào tạo các thầy Sadi
gương mẫu để giao phó nhiệm vụ hoằng pháp trong tương lai.
Chư vị Tỳ
Khưu cũng như Ðại đức NÀRADA Mahà Thera đã thực hiện tròn đủ tôn chỉ tự độ, độ
tha. Ban đêm tham thiền minh sát, ban ngày vừa tiếp rước khách thập phương, vừa
chia thì giờ viết sách, sửa bản in, dạy kinh, giảng đạo và huấn luyện các em
Thanh Thiếu Niên Phật tử, các Ngài còn tổ chức những công tác xã hội như giúp
đỡ người nghèo nàn thiếu thốn, tại chùa tại các trại dưỡng lão, các cô nhi viện
v.v... Các Ngài luôn luôn sẵn sàng đem lòng bác ái xoa dịu mọi niềm đau khổ.
Chẳng biết lấy chi đền đáp ân
đức cao dầy của Chư Tăng và Ðại đức NÀRADA Mahà Thera giới cư sĩ chúng tôi
chung cùng ấn tống quyển "Chuyện ngụ ngôn Bốn Con Rắn" trong dịp các
Ngài ra Hạ, mong tạo phước lành hồi hướng đến các Ngài và cầu nguyện oai lực
Tam Bảo hộ trì các Ngài dồi dào sức khỏe để phụng sự Phật pháp và sớm thành đạt
đạo quả Niết Bàn.
Công phu tạo phần pháp thí này
do đạo hữu Phạm Kim Khánh đã lưu tâm ghi chép các bài pháp của Ðại đức NÀRADA
Mahà Thera cùng sưu tập những tài liệu quý giá trong kinh sách, nhất là quyển
VI DIỆU PHÁP (Abhidhamma) và cố gắng mô tả phần nào những pháp vô hình cấu tạo
con người, mong giúp chư độc giả ý thức tính cách vô thường của kiếp sống, hầu
nông trang theo dõi Ðức Phật trên đường tiến hóa đến nơi Vô Sanh Bất Diệt. Âu
cũng là một sự đóng góp hữu hiệu của một Phật tử chân thành trong công trình
hoằng dương Phật pháp. Dĩ nhiên công tác Phật sự này vừa đem lại cho tác giả
một nguồn phước báu vô biên vừa là một tiến bộ vững chắc của đạo hữu Phạm Kim
Khánh trên đường giác ngộ.
Cầu xin quả phúc do sự ấn tống
quyển kinh này sớm đem lại hòa bình cho quê hương tổ quốc và hạnh phúc an vui
cho dân tộc.
Tín đồ
Phật Giáo Nam Tông
Kỳ Viên Tự, Sài gòn, 1964
Tích chuyện
Một ông
Vua kia có nuôi bốn con rắn độc. Con thứ nhất tên "Rắn mỏ cây"
(Kattha mukha) vì có cái mỏ cứng như cây, mổ đau lại có nọc độc. Rắn thứ nhì tên
"Rắn mỏ thúi" (Puti Mukha) vì mỗi lần cắn ai thì thân thể người ấy
sình thúi và tan rã ra nước. Thứ ba là "Rắn mỏ lửa"vì ai bị rắn này
cắn thì nghe trong mình nóng như bị lửa thiếu đốt đến chết. Thứ tư là "Rắn
mỏ khí giới" (Sattha Mukha) vì có răng thật bén, mỗi lần cắn ai thì cũng
như dùng khí giới gây tử thương người đó. Vua giao phó việc chăm nom bốn con
rắn ấy cho một ông quan cận thần. Khi nào có ai phạm trọng tội thì bị cho rắn
cắn. Lúc có chiến tranh thì Vua thả rắn ra diệt trừ quân địch.
Hôm nọ có một tên trộm đáng bị
tử tội. Vua truyền đem tội nhân cho rắn cắn. Ông quan dẫn tên tử tội đến chuồng
rắn và mở nắp ra. Một trong bốn con rắn bò ra, quấn tay mặt tội nhân và gác đầu
bên vai trái. Con thứ nhì quấn mình quanh tay trái và gác đầu lên vai mặt. Con
thứ ba quấn ngang bụng. Con thứ tư quấn cổ và gác mỏ lên đầu tên trộm. Bị rắn
quấn đầy mình mà anh không tỏ vẻ lo sợ chút nào. Vừa lúc ấy có một vị hiền nhân
giàu lòng bác ái đi ngang qua thấy vậy hỏi:
- Anh không sợ chết hay sao?
Anh vừa chỉ rắn vừa đáp:
- Ðây là các vật trang sức của
tôi. Tay tôi đeo neo, bụng thắt dây lưng, cổ
có kiềng và dây chuyền, đầu lại đội mão.
- Không phải đâu, đó chỉ là bốn
con rắn độc.
- Tôi có thấy đâu là rắn độc. Nó
có vẻ hiền lành lắm và đeo trên mình tôi thế này là đẹp lắm đấy chớ!
- Bạn nên suy nghĩ lại kỹ càng
và hãy bắt đầu lo từ bây giờ. Không nên lãng quên. Một ngày kia một con rắn sẽ
bảo bạn đứng dậy nếu không thì nó không chịu. Nếu bạn làm theo thì ba con rắn
kia bất bình. Rồi con thứ nhì sẽ bảo bạn đi tới. Rồi con thứ ba bảo bạn nằm,
con thứ tư bảo bạn ngồi. Bạn không thể nào thoát khỏi ách nô lệ của chúng nó và
bạn luôn luôn bị tai họa.
- Vậy bây giờ tôi phải làm thế
nào?
- Bạn hãy lén lén bỏ rắn vào
chuồng và mau chạy thoát ra khỏi chốn này.
Tên tội nhân làm y theo lời dạy.
Khi ông quan hay được thì vào
triều tâu lại tự sự cho Vua. Vua truyền thả rắn ra rượt theo. Bốn con rắn cố
sức chạy theo tên tội. Cùng một lúc ấy vua truyền năm tên binh sĩ theo phụ sức
với rắn bắt cho được tên trộm, nếu thành công sẽ được trọng thưởng.
Vua cũng truyền gọi một người
bạn chí thân của tội nhân đến dạy phải rượt bắt. Nếu bắt được tội nhân, vua sẽ
phong cho làm đại tướng.
Nói về tên trộm, khi thoát ra
khỏi chỗ nguy hiểm thì có ý dễ duôi hưởn đãi. Vị hiền nhân xuất hiện và nhắc nhở
anh rằng tuy đại nạn vừa thoát khỏi nhưng anh chưa được châu toàn đâu. Hãy cố
gắng, cố gắng tìm phương thoát nạn.
Anh vâng lời ráng sức chạy. Ðược
một đỗi thì đến một làng nọ. Bụng đói, sức đuối, anh chạy riết vào làng tìm
thức ăn và chỗ nghỉ nhưng đó chỉ là một làng bỏ hoang. Trong làng có sáu cái
nhà mà nhà nào cũng vắng tanh. Chén dĩa nồi niêu đều trống không. Anh đâm ra
chán nản, tìm một gốc cây dựa lưng vào nghỉ.
Vị hiền nhân lại xuất hiện và
khuyên anh chớ nên trì hưỡn vì có thêm sáu tướng cướp đang chạy vào làng cùng
bắt anh. Anh hoảng sợ bỏ chạy nữa. Một lúc sau anh đến trước một con sông rộng
lớn. Từ bờ bên này qua bờ bên kia xa xa có một cù lao, có tất cả ba cù lao.
Trong lòng sông, bốn giòng nước lũ gặp nhau xoay tròn thành một cái xoay rộng lớn.
Bên kia bờ cỏ cây có vẻ yên tĩnh, nhàn lạc và an toàn. Còn bờ bên này thì chông
gai đầy dẫy, phía sau lại có bốn con rắn, năm tên lính, người bạn thân trở mặt
và sáu tên cướp đang rượt theo.
Nhưng làm sao qua sông? Không có
cầu. Thuyền cũng không. Anh liền tìm cây và dây trong rừng kết lại làm một
chiếc bè và hết sức cố gắng dùng cả tay lẫn chân bơi cho bè mau tách xa bờ. Khi
đến cù lao thứ nhất anh ngoảnh nhìn lại phía sau thì thấy rắn, lính, người bạn
và tướng cướp tất cả đều đến ven sông. Nhìn ra phía trước thấy còn hai cù lao
và bờ bên kia. Anh lại nỗ lực bơi riết qua cù lao thứ nhì, thứ ba và rốt cùng
đặt chân lên bờ bên kia, trên giải đất an lành tươi đẹp. Anh nghe trong người
khoan khoái nhẹ nhàng, sẵn sàng bỏ lại sau lưng chiếc bè và bao nhiêu gian lao
nguy khổn.
Bốn con rắn, năm tên lính, người
bạn thân và sáu tên cướp biết rằng không thể nào bắt được tên tội nên buồn rầu.
kẻ trước người sau, tất cả đều chết.
* * *
Trong chuyện ngụ ngôn kể trên,
ông vua tượng trưng cho Nghiệp. Tên trộm là chúng sanh. Bốn con rắn tượng trưng
bốn yếu tố (tứ đại) cấu thành phần vật chất của con người. Năm tên lính là ngũ
uẩn. Người bạn thân trở mặt làm thù là cái gọi là "bản ngã" của con
người. Sáu cái nhà bỏ không là lục căn. Sáu tên cướp lùng bắt tên trộm là lục
trần. Rắn, lính, bạn, tướng cướp, tất cả mười sáu điều đó là những pháp làm cho
chúng sanh phải đắm đuối trong vòng luân hồi. Sự tham dục, sự luyến ái theo đời
sống, tà kiến và vô minh là bốn giòng nước lũ. Chiếc bè là Bát Chánh Ðạo, và ba
cù lao là ba đạo quả thánh Tu Ðà Hườn, Tư Ðà Hàm và A Na Hàm. Khi đắc đạo quả
thứ tư - A la Hán - là bước chân lên bờ bên kia, bờ giải thoát của Niết Bàn
vậy.
PHẦN CHÚ GIẢI
Ông Vua
tượng trưng cái Nghiệp. Nghiệp (Kamma), tiếng Bắc Phạn là Karma, là hành động.
Ðịnh nghĩa cùng tột của Nghiệp
là tác ý, tốt hay xấu (Kusala, Akusala Cetàna). Mỗi tư tưởng, lời nói hay việc
làm của ta đều do ý muốn làm động cơ thúc đẩy. Ta gọi ý muốn hay ý chí ấy là
tác ý (Cetàna). Tác ý có thể tốt hay xấu. Tác ý thiện (Kusala) hay bất thiện
(Akusalà) đều tạo Nghiệp.
Ðức Phật dạy: "Này hỡi các
Tỳ Khưu Như Lai tuyên bố rằng chính Tác ý là Nghiệp. Có ý muốn mới có hành
động, bằng thân, khẩu, hay ý".
Ngoại trừ những hành động của
chư Phật và chư vị A La Hán, mỗi hành động có tác ý đều gọi là Nghiệp. Mặc dầu
chư Phật và chư vị A La Hán vẫn còn phải chịu ảnh hưởng của những nhân đã gieo
trong quá khứ, các Ngài không còn tạo Nghiệp mới nữa vì đã hoàn toàn đoạn tuyệt
mọi tham vọng. Các Ngài đã thoát ra ngoài cái lành hay cái dữ. Hành động của
các Ngài không thiện (Kusala), cũng không ác (Akusala), mà hành (Kiriya), nghĩa
là tuyệt đối không gây quả, không tạo Nghiệp.
Chính Tâm tạo ra Nghiệp. Nếu
không có Tâm trong việc làm thì không có Nghiệp. Cây cỏ không tạo Nghiệp vì
không có Tâm. Cây cỏ không tạo Nghiệp vì không có Tâm, mặc dầu có cử động.
Những vật vô tri vô giác như kim đồng hồ, cánh quạt, mặc dầu có cử động không
tạo Nghiệp vì không có Tâm tức là không có ý muốn. Một hành động vô tình nghĩa
là không do một ý muốn thúc đẩy thì không tạo Nghiệp bởi vì Nghiệp tùy thuộc
nơi ý muốn hay tác ý dẫn đến hành động. Vậy một hành động không có tác ý không
tạo Nghiệp.
Có một vài hệ thống tín ngưỡng
cũng nhìn nhận rằng mọi sự chênh lệch trong xã hội đều do nơi Nghiệp, nhưng khi
đề cập đến Nghiệp lại chủ trương rằng mọi hành động, có tác ý cùng không, đều
tạo Nghiệp. Theo chủ trương ấy thì một người giết cha giết mẹ, dầu cố tâm hay
vô ý, đều phạm trọng tội như nhau. Người sát nhân hay đối xử tàn ác với một
chúng sanh khác, dầu vô tình hay cố ý, đều phạm tội bằng nhau cũng như thò tay
vào lửa là bị nóng. Dầu cố tình hay vô ý, thọc tay vào lửa thì cũng bị phỏng
như nhau, không hơn không kém.
Một lập luận như vậy dĩ nhiên sẽ
đưa đến một kết luận phi lý. Ðứa bé vô tội trong bào thai vô tình làm cho mẹ
đau đớn, bà mẹ vô ý làm đau con trong lòng hẳn cũng phạm tội ác? Vả lại nêu ra
một sự kiện để giải thích một sự kiện tương tợ như trường hợp của người thọc
tay vào lửa và người hành động ác là một luận cứ không thể đứng vững. Thí dụ
theo luận cứ trên, nếu ông A sai ông B đi giết người thì chính ông B phạm tội
sát nhân mà ông A thì không sao cả vì chỉ có ông B thọc tay vào lửa. Hơn nữa
cũng theo luận cứ trên, một hành động ác không có tác ý có thể còn tai hại hơn
là hành động ác có tác ý. Nói một cách khác cố ý làm ác bị hại ít hơn là vô
tình vì theo thí dụ người thọc tay vào lửa, biết rằng lửa nóng người cố tâm tất
phải dè dặt hơn nên ít bị nóng, người vô tình, vì không định ý trước, không kịp
ngăn ngừa ắt bị phỏng nhiều hơn [1].
Theo Phật Giáo, trong sự báo ứng
của Nghiệp, Tâm là yếu tố quan trọng. Tất cả những việc làm, lời nói và tư
tưởng đều do nơi Tâm. Không kềm chế Tâm tức nhiên không kềm chế được việc làm,
lời nói và tư tưởng. Kềm chế Tâm tức là kềm chế thân, khẩu, ý.
"Chính Tâm dẫn dắt thế
gian. Chính Tâm lôi kéo thế gian. Và tất cả mọi người đều làm chủ cái
Tâm".
Kinh Pháp Cú cũng có câu:
"Tâm dẫn đầu mọi hành động.
Tâm là chủ. Tâm tạo tác tất cả. Nếu ta nói hay làm với Tâm ác thì sự đau khổ sẽ
theo ta như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe".
và:
"... Nếu ta nói hay làm với
Tâm trong sạch, hạnh phúc sẽ theo ta như bóng theo hình".
Ta lại thắc mắc vì sao một vật
vô hình như Tâm lại có thể gây ra những sự xáo trộn cho thế gian vật chất. Thật
ra không có gì lạ mà cũng không có gì khó hiểu. Chính những bộ máy cực kỳ hùng
mạnh và có khả năng làm đảo lộn thế gian hiện đại chỉ là sản phẩm của những bộ
óc phong phú.
Tên trộm là cái được gọi là
chúng sanh. Tất cả chúng sanh trong dục giới và sắc giới [2] đều là sự
cấu thành của hai yếu tố danh và sắc (nàma rùpa). Nói một cách khác trong con
người có hai phần:
1. Phần vật chất hữu hình, biểu hiện ra ngoài bằng hình
thể mà ngũ quan có thể nhận thức được; và
2. Phần tinh thần, vô hình, nằm bên trong.
Hai phần, hữu hình và vô hình,
cùng phát sanh một lượt và phối hợp mật thiết để sinh hoạt.
Mặc dầu tất cả mọi người đều do
danh và sắc hợp thành, không thể có hai người hoàn toàn giống nhau về mặt vật
chất cũng như về phương diện tinh thần.
Sự khác biệt ấy có phải do giới
thân cận không? Hay do luật truyền thống? Cả hai đều không hoàn toàn đúng vì
không giải thích được tại sao hai đứa trẻ sinh đôi, cùng một huyết thống, cùng
trưởng thành trong một nhà, mà tánh tình lại khác nhau.
Chắc chắn rằng giới thân cận và
huyết thống có một ảnh hưởng quan trọng trong bản tính con người. Nhưng hai yếu
tố ấy không đủ tạo nên một người.
Thuyết truyền thống không thể
giải thích vì sao trong một gia đình có tiếng là hiền lương trong sạch từ mấy
đời lại sanh ra một đứa con ngỗ nghịch, sát nhân, hay vì sao một đứa trẻ hiền
lành đạo đức lại là con của một tên cướp tàn ác hung tợn.
Nếu đi ngược giòng thời gian và
dò lần trở lên nguồn gốc một kiếp sống ta sẽ đến tế bào đầu tiên của bào thai
và tế bào này là sự phối hợp của hai yếu tố: tinh trùng và minh châu của cha
mẹ.
Hai yếu tố ấy có đủ để tạo một bào
thai không? Nếu cho rằng đủ thì ta không thể hiểu được vì sao một ông A lại có
diễm phúc lọt vào bào thai của nhà đại phú gia kia còn ông B thì vào bào thai
người cùng đinh nọ.
Phật Giáo chủ trương phải có một
yếu tố thứ ba, rất quan trọng, để tạo thành bào thai. Nếu không có yếu tố này,
tinh trùng và minh châu chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn rồi tiêu diệt và
chính do yếu tố thứ ba mà có sự khác biệt tế nhị giữa chúng sanh. Yếu tố ấy là
"thức tái sanh" (Patisandhi-vinnàna) hay là Tâm Thức nối liền hai
kiếp sống.
Ðức Phật dạy: "Này hỡi các
Tỳ Khưu! nơi nào có ba yếu tố ấy phối hợp lại là mầm sống phát sinh. Nếu cha và
mẹ gặp nhau mà không nhằm thời kỳ sanh sản của mẹ và không có một "chúng
sanh đi tái sanh" (Gandhabba) thì không có mầm sống. Nếu cha mẹ gặp nhau
trong thời kỳ sanh sản của mẹ mà không có một "chúng sanh đi tái
sanh" thì cũng không có mầm sống. Nếu cha mẹ gặp nhau nhằm thời kỳ sinh
sản của mẹ và có một "chúng sanh đi tái sanh" thì có mầm sống, do sự
phối hợp của ba yếu tố" [3].
Một "chúng sanh đi tái
sanh" ở chỗ này tức nhiên phải có một chúng sanh chết ở một nơi nào khác.
Có sanh ở một kiếp này tức có tử ở một kiếp trước. Sanh và tử chỉ là hai giai
đoạn của một tiến trình. Sanh rồi tử, tử rồi sanh, sự luân lưu bất tận sanh tử,
tử sanh của chuỗi dài những kiếp sống gọi là luân hồi (Samsara, Ta-bà).
Vậy, tế bào đầu tiên của bào
thai không phải là khởi điểm của sự sống. Nhưng ngũ quan và luận lý hạn định
của ta không thể đi xa hơn đó nữa và cũng không thể nhận thức được nguồn gốc
của "thức tái sanh".
Ðức Phật đã trau dồi trí tuệ đến
mức tuyệt đỉnh. Ngài thông suốt những cảnh giới ngoài phạm vi hiểu biết do ngũ
quan ta và thấu triệt rành mạch nguồn gốc của "thức tái sanh". Ðức
Phật dạy rằng thức tái sanh làm khởi điểm một kiếp sống mới tùy thuộc nơi chập
tư tưởng cuối cùng của kiếp sống quá khứ và tiến trình sanh tử, tử sanh luôn
luôn biến đổi, luôn luôn trở thành là kết quả của Nghiệp tức là của hành động [4].
Tóm tắt, cái được gọi là chúng
sanh là sự phối hợp của hai yếu tố, danh và sắc. Và Nghiệp là nguyên do.
Phật Giáo không chủ trương có
một đấng Tạo Hóa toàn tri toàn năng tạo ra muôn loài vạn vật, cũng không tin có
một linh hồn trường cửu, bất di bất dịch. Ðức Phật dạy rằng chính ta tạo ra ta.
Chính hành động (Nghiệp) của ta trong quá khứ tạo thể xác hiện tại của ta. Mà
cũng chính ta tiêu diệt ta. Ta tạo thiên đàng cho ta. Ta tạo địa ngục cho ta.
Chính cái nghiệp của ta, tức là hành động của ta trong dĩ vãng, làm cho ta hôm
nay giàu hay nghèo, sang hay hèn, thông minh hay ngu dốt v.v... Thay vì tin
rằng có một thần linh tối thượng sanh ra ta và cho ta một số mạng, ta tin nơi
Nghiệp. Nói một cách khác, thay vì đổ lỗi cho người khác, chúng ta hoàn toàn
nhận lấy trách nhiệm và bổn phận xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Lời mẹ dạy con: "Nếu con
ngoan thì mẹ cưng. Nếu con nghịch thì mẹ đánh" là giáo lý Nghiệp Báo của
nhà Phật. Gieo giống nào thì gặt giống nấy. Gieo lành thì gặt lành. Gieo dữ thì
gặt dữ.
1. TỨ ÐẠI
Bốn con rắn, "mỏ cây",
"mỏ thúi", "mỏ khí giới", và "mỏ lửa" tượng trưng
bốn nguyên tố Ðất, Nước, Lửa, Gió cấu thành vật chất. Ta gọi là Tứ Ðại.
Trong 45 năm hoằng pháp Ðức Phật
gặp rất nhiều hạng người. Ðể cho mỗi người đều có thể lãnh hội giáo lý, lắm lúc
Ngài thuyết những bài pháp sâu xa tế nhị, đôi khi Ngài cũng dùng ngôn ngữ thông
thường giản dị, tùy trường hợp, tùy căn cơ của người thính pháp.
Trong tạng Luật và tạng Kinh Ðức
Phật dùng danh từ ước định (conventionnel) thông thường, như người, thú, chúng
sanh v.v... trái lại trong tạng. Luận mỗi sự vật đều phải được phân tách tỉ mỉ
đến mức cùng tột nên Ðức Phật dùng những danh từ trừu tượng (abstrait).
Có hai thực tế. Một biểu hiện ra
ngoài mà ngũ quan ta có thể thâu nhận và một thực tế cùng tột. Thực tế bề ngoài
là những chân lý ước định, (Samuti Sacca, vérité conventionnelle). Thực tế cùng
tột (Paramattha Sacca, vérité abstraite) là những chân lý trừu tượng, tuyệt
đối.
Thí dụ như cái bàn, cái quạt,
con người, con vật v.v... là những thực tế ước định, bề ngoài. Bằng một cách
ước định, chúng ta chấp nhận danh từ bàn, quạt, người v.v... để chỉ những vật
ấy. Nhưng phân tách cái bàn ta thấy rằng cái mà ta gọi là bàn chỉ là sự kết hợp
của những tế bào và tế bào chỉ là sự kết hợp của những năng lực (force) và bẩm
tính (qualité). Vậy, phân tách đến mức cuối cùng, vật chất chỉ là sự cấu thành
của những năng lực và bẩm tính. Năng lực và bẩm tính ấy là thực tế cùng tột,
chân lý trừu tượng.
Một thí dụ khác: Khi nói chuyện
với mọi người, nhà bác học gọi nước là nước. Nhưng trong phòng thí nghiệm, để
chỉ nước, nhà bác học gọi là H2O mà không gọi nước. Nước là danh từ ước định,
phổ thông. H2O là danh từ trừu tượng, chuyên môn.
Tứ Ðại là bốn thành phần căn bản
trong vật chất, "bất khả phân tán". Mỗi bản thể vật chất, từ vật vi
tế nhất đến vật to lớn nhất đều do bốn yếu tố này cấu hợp. Danh từ Ðất, Nước,
Lửa, Gió dùng ở đây không phải là đất như ta thường biết, nước, lửa, gió cũng
vậy mà dùng theo nghĩa trừu tượng. Ðất, Nước, Lửa, Gió ở đây là những chân lý
cùng tột. (Paramattha Sacca) [5].
Cách đây không bao lâu khoa học
còn chủ trương rằng đơn vị nhỏ nhất và bất khả phân tán của vật chất là nguyên
tử. Nhưng đến mấy năm sau này thì các nhà bác học đã phân tán được nguyên tử và
khám phá rằng trong nguyên tử còn có điện tử, dương tử v.v..
Ở Ấn Ðộ, vào thời Ðức Phật, danh
từ Paramanu có nghĩa tương đương như danh từ nguyên tử của thời đại hiện kim.
Một hột bụi rất nhỏ mà ta thấy vởn vơ trong làn ánh sáng, gọi là Ratharenu, có
thể phân làm 16 Tajjàris. Một Tajjàri chia làm 16 Anus, và một Anu chia làm 16
Paramanus. Vậy, nếu ta chia hột bụi làm 4096 phần thì Paramanu là 1 phần nhỏ
ấy. Theo quan niệm thời bấy giờ thì Paramanu là đơn vị vi tế nhất của vật chất,
không thể phân tách được nữa.
Trí tuệ siêu thế của Ðức Phật
phân paramanu ra làm những thực thể cùng tột (paramatthas), không thể phân tán.
Những thực thể cùng tột ấy là:
- Nguyên tố Ðất (Pathavi-Dhàtu)
- Nguyên tố Nước (Àpo-Dhàtu)
- Nguyên tố Lửa (Teyo-Dhàtu)
- Nguyên tố Gió (Vàyo-Dhàtu )
NGUYÊN TỐ ÐẤT (Pathavi Dhàtu)
Phạn ngữ Dhàtu có nghĩa là cái
gì giữ đặc tính riêng biệt của mình. Pathavi là Ðất. Pathavi Dhàtu là thành
phần đất trong vật chất làm nền tảng cho các phần tử khác. Pathavi (Do căn
nguyên puth) còn có nghĩa là lan rộng ra, duỗi ra. Vậy Pathavi Dhàtu là phần tử
trong vật chất có tánh cách duỗi ra, nở ra, lan rộng ra để chiếm không gian.
Tánh cách cứng rắn hay mềm mại -
hoàn toàn tương đối - cũng do nguyên tố Ðức (Pathavi Dhàtu ). Trong tất cả mọi
hình thức vật chất (trong đất, trong nước, lửa hay trong không khí) đều có
nguyên tố Ðất. Cũng như trong tất cả mọi hình thức vật chất đều có ba nguyên tố
Nước, Lửa, Gió. Nhưng trong một thể chất, nguyên tố này có thể nhiều hơn nguyên
tố kia. Trong gỗ chẳng hạn, nguyên tố Ðất trội hơn ba nguyên tố kia. Trong dầu
thì nguyên tố nước trội hơn v.v...
Trong một ly nước, do tánh cách
duỗi ra của nguyên tố Ðất hợp với tánh cách chuyển động của nguyên tố Gió, lớp
nước ở dưới tạo một áp lực để nâng đỡ lớp trên. Tánh cách nóng hay lạnh của ly
nước là do nguyên tố Lửa. Chính nguyên tố Nước tạo nên thể lỏng.
NGUYÊN TỐ NƯỚC (Àpo Dhàtu)
Ðúng nghĩa là phần tử lỏng. Phạn
ngữ Àpo do căn nguyên Ap nghĩa là đến hay là do hai căn nguyên ã và pãy nghĩa
là lớn lên trưởng thành, thêm lên. Nguyên tố Nước (Àpo Dhàtu) là phần tử trong
vật chất có tánh cách dính liền hay kết hợp lại. Theo Phật Giáo, chính nguyên
tố này kết hợp các phần tử vi tế rời rạc trong không gian và cho ta ý niệm
"hình thể" (corps). Khi một "hình thể" ở thể đặc - như các
loài kim khí - mà biến ra thể lỏng, nguyên tố Nước trở nên trội hơn ba nguyên
tố kia. Khi ta nghiền vật chất ra thành bột nhuyễn, trong mỗi hột bột vi tế kia
cũng có đủ bốn nguyên tố.
Tánh cách lỏng và tánh cách teo
lại cũng do nguyên tố Nước.
Ta nên ghi nhớ rằng lạnh không
phải là một đặc tánh của nguyên tố Nước.
Hai nguyên tố duỗi ra và kết hợp
lại (Ðất và Nước) liên quan với nhau mật thiết đến đỗi khi một trong hai mất
thì nguyên tố kia cũng tiêu.
NGUYÊN TỐ LỬA (Tejo Dhàtu)
Là thành phần trong vật chất có
tánh cách nóng. Phạn ngữ Tejo do căn nguyên Tij, có nghĩa là làm cho bén
nhọn, hay làm cho chín mùi. Nguyên tố Lửa (Tejo Dhàtu) tạo sinh lực cho vật
chất, làm cho vật chất biến đổi, trở nên già, chín. Giữ cho vật chất tồn tại
hay hủy hoại vật chất đều do nguyên tố Lửa. Ðặc tánh của nguyên tố này là làm
cho vật chất tự hồi sinh.
Nóng và lạnh đều là đặc tánh của
nguyên tố Lửa. Nguyên tố Lửa nhiều là nóng, ít là lạnh. Ta không nên hiểu lầm
rằng lạnh là đặc tánh của nguyên tố Nước và nóng là đặc tánh của nguyên tố Lửa.
Nếu hiểu như vậy thì cả hai, nóng và lạnh, tồn tại chung trong một hình thể
cùng một lúc.
NGUYÊN TỐ GIÓ (Vàyo Dhàtu )
Là thành phần trong vật chất có
tánh di động, luôn luôn dính liền với nguyên tố lửa. Phạn ngữ Vàyo do căn
nguyên Vày có nghĩa là di chuyển hay rung động. Mọi sự di chuyển mọi dung động,
mọi áp lực của vật chất đều do nguyên tố Gió.
Chính sự chuyển động là năng lực
hay là động lực phát sanh hơi nóng. Chuyển động và hơi nóng trong địa hạt vật
chất có thể so sánh với Tâm và Nghiệp trong lãnh vực tinh thần.
Bốn nguyên tố Ðất, Nước, Lửa,
Gió luôn luôn dính liền với nhau trong vật chất.
Trong chuyện ngụ ngôn kể trên,
bốn con rắn là bốn nguyên tố cấu thành vật chất, ám chỉ tấm thân tứ đại của
chúng ta.
Thể xác này ví như rắn độc vì
nếu ta lơ đỉnh, không kiểm soát được nhục dục thì chính thân này là mối nguy cơ
vô cùng tai hại vậy. Trái lại, nếu ta thận trọng xem xác thân này như những con
rắn độc thì ta sẽ không bám bíu vào nó, không chú trọng đến nó, tức nhiên ta sẽ
không thèm thuồng, ước mong được có một thân hình đẹp đẽ hơn, cũng không thất
vọng nếu ta không có sắc đẹp. Ta sẽ không phung phí thì giờ quý báu và ít oi của
ta để sửa soạn, chăm nom, săn sóc thể xác và luôn luôn cung phụng đầy đủ để
thỏa mãn những sự đòi hỏi của nó. Hiểu như vậy ta sẽ hết sức cố gắng tránh xa
những điều kiện nào khả dĩ tạo cho ta những con "rắn độc mới".
2. NGŨ UẨN
Cái được gọi là chúng sanh là sự
kết hợp của hai phần: Danh (Nàma) và Sắc (Rùpa).
Danh và Sắc cùng phát sanh một
lượt và cùng phối hợp mật thiết để sinh hoạt. Kinh sách thường so sánh Danh và
Sắc với hai người, một mù một què. Riêng rẽ từng người thì người mù không thấy
đường, người què thiếu chân, cả hai cùng không thể di chuyển. Nhưng nếu phối
hợp lại, người mù cõng người què, người què chỉ đường cho người mù thì cả hai
đều di chuyển được. Cùng một thế ấy Sắc, vật chất, chỉ là vô tri vô giác. Danh
là vô hình, không thể hoạt động riêng rẻ. Nhưng phối hợp lại, Danh và Sắc có
thể hoạt động. Một thí dụ: muốn có sự thấy cần phải có ba yếu tố, nhãn quan,
nhãn trần và nhãn thức. Mắt, vật để thấy (đối tượng của sự thấy) và thức, phối
hợp hoạt động tạo nên sự thấy. Như muốn thấy cái bàn thì cần phải có cái bàn
(nhãn trần), cặp mắt (nhãn quan) và nhãn thức [6].
Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma),
Sắc (Rùpa) gồm các đơn vị căn bản, những năng lực (Tứ Ðại) và những biến đổi,
bẩm chất. Có tất cả 28 loại vật chất.
Danh gồm các tâm sở (Cetasika)
và thức (Vinnàna) [7] . Có tất cả 52 tâm sở. Thọ (Vedanà) là một. Tưởng
(Sannà) là một tâm sở khác. 50 tâm sở còn lại được gọi chung là Hành
(Sankhàra). Nơi tập trung các tâm sở ấy là thức (Vinnàna). Theo sự phân tách
trên, chúng sanh là sự kết hợp của năm yếu tố gọi là Ngũ Uẩn: Sắc (Rùpa), Thọ
(Vedanà), Tưởng (Sannà), Hành (Sankhàra) và Thức (Vinnàna).
SẮC (Rùpa), tức là vật chất.
Các nhà khoa học cho rằng rất
khó mà định nghĩa danh từ "vật chất" một cách chính xác. Một vài
triết học gia định nghĩa "Vật chất là cái gì trong đó có sự biến đổi gọi
là chuyển động và sự chuyển động là các biến đổi trong vật chất (Ouspensky,
Tertium organum, trang 8).
Trong Phạn ngữ, vật chất là
Rùpa. Danh từ Rùpa do căn nguyên rup là bể ra, tiêu diệt (nasa).
Theo kinh Vibhàvini Tikà, Rùpa
là cái gì biến hình hay có một hình thái khác do những điều kiện vật lý như
nóng, lạnh v.v...
Theo Phật Giáo, vật chất (Rùpa =
sắc) không những luôn luôn biến đổi mà còn tiêu diệt nữa (khaya - vaya). Một
đơn vị vật chất chỉ tồn tại trong thời gian của 17 chập tư tưởng [8].
Vật chất biến thay nhanh chóng đến nỗi ta không thể gõ trên bàn hai cái gõ hoàn
toàn giống hệt nhau [9].
Vật chất thay đổi, thời gian
thay đổi, không gian cũng đổi vì trong khoảng thời gian ấy, vị trí của ta trong
không gian, theo sự xoay chuyển của quả địa cầu, cũng đã thay đổi rất nhiều.
Ðề cập đến vật chất trong quyển
sách "Ý nghĩa của đời sống" (Meaning of Life), C.E.M. Joad viết:
"Như vậy thì vật chất hiển nhiên tự phân tán dưới mắt ta. Vật chất không
còn ở thể đặc nữa. Không còn tồn tại bền vững nữa..."
Cách đây không bao lâu, nguyên
tử được coi là đơn vị nhỏ nhất của vật chất, không thể phân chia được nữa và
không thể tiêu diệt. Nhưng khoa học hiện đại phát minh rằng trong nguyên tử còn
có điện tử, dương tử, quan tử v.v...
Phạn ngữ Rùpa (sắc, vật chất) có
khi cũng được định nghĩa là cái gì tự, mình biểu hiện (Rùpakàsane)
Phật Giáo không chủ trương tìm
hiểu nguồn gốc của vật chất mà xem vật chất như một vật sẵn có và dạy rằng vật
chất gồm những năng lực và những bẩm chất. Những năng lực là bốn nguyên tố căn
bản: Ðất, Nước, Lửa, Gió, rất hùng hậu, luôn luôn dính liền nhau và liên quan
với nhau rất mật thiết. Từ vật vi tế như hột cát hột bụi cho đến vật to lớn như
quả địa cầu hay các hành tinh đều do bốn nguyên tố ấy cấu thành.
Bẩm chất của Sắc (Rùpa) hay là
những tính chất phát xuất từ Tứ Ðại, gòm có 24 loại. Vậy, theo Phật Giáo, có 28
loại vật chất kể cả Tứ Ðại. Năng lực và bẩm chất của Sắc (Rùpa) phát sanh cùng
một lượt, cùng nhau tồn tại và trưởng thành và cũng cùng tiêu diệt một lúc.
Tóm tắt, vật chất gồm những năng
lực và những bẩm chất luôn luôn biến đổi, không thể giữ y một trạng thái trong
hai khoảnh khắc kế tiếp. Vật chất chỉ tồn tại trong thời gian 17 chập tư tưởng.
Các nhà khoa học giải thích rằng
vật chất tồn tại trong một phần rất ngắn của giây đồng hồ [10].
Theo các nhà sinh lý học, tế bào
đầu tiên mà con người thọ hưởng của cha mẹ thật là vi tế, bằng phần rất nhỏ của
một phân Anh [11].
Theo kinh sách tế bào đầu tiên
của con người rất vi tế, sánh như một giọt dầu vi tế dính nơi chót một sợi lông
sau khi rảy bảy lần.
Khoảng thời gian 9 tháng trong
bào thai tế bào ấy trở nên 15.000 triệu lần lớn hơn (Sir Charles Shermington,
"Life Unfolding", trang 32)
THỌ (Vedanã)
Phạn ngữ "Vedanà" do
căn nguyên "Via" là kinh nghiệm. Thọ (Vedanà) phát sanh do Xúc
(Phassa). Thọ là một cảm giác khách quan có ý thức nhưng không có sự hiểu biết
và không có sự hình dung đối tượng. Khi sờ một vật ta ý thức rằng vật ấy nóng
hay lạnh, cứng, mềm v.v... nhưng không biết vật ấy là cái gì và cũng không biết
hình dáng vật ấy ra sao. Ðó là Thọ (Vedanà), tức là cảm giác.
Cũng như Xúc (Phassa) Thọ là một
tánh chất chánh yếu của tất cả các tâm. Nói một cách khác, trong các loại Tâm
Vương (Citta) đều có tâm sở Thọ. Thọ có năm:
1. Cảm giác vui thích về tinh thần,
hạnh phúc (Somanassa) như khi nhận được một tin lành, nghe một bài pháp hay
v.v...
2. Cảm giác đau khổ về tinh thần
(Domanassa), như khi nhận được tin dữ, hay nghe những lời nói hung tợn v.v...
3. Cảm giác khoái lạc về vật
chất (Sukha) như khi dùng bữa cơm ngon, ngủ trong phòng lạnh có nệm êm v.v...
4. Cảm giác đau đớn về vật chất
(Dukkha), thiếu tiện nghi, như ngồi chật hẹp trên một chiếc xe cũ, đi ngoài
nắng, uống thuốc đắng v.v...
5. Cảm giác vô ký (Upekkhà),
không vui, không buồn, không khoái lạc, không đau đớn. Như đi nghe Pháp mà
không quan tâm đến thành ra không vui thích mà cũng không bực mình.
Chính Thọ thâu nhận quả lành hay
dữ của những hành động trong quá khứ. Ngoài tâm sở Thọ không có một linh hồn
hay một bản ngã nào hưởng quả lành hay chịu quả dữ.
Ta nên ghi nhận rằng đạo quả
Niết Bàn là một hạnh phúc không có liên quan gì đến Thọ hết. Ðức Phật dạy rằng
đạo quả Niết Bàn là hạnh phúc cao thượng nhất trong các hạnh phúc (Sukha) nhưng
đó không phải là sự thọ hưởng những cảm giác vui thích hay khoái lạc. Ðạo quả
Niết Bàn là hạnh phúc giải thoát khỏi vòng đau khổ.
Thọ (Vedanà) biến đổi cảnh trạng
Tâm. Thọ là một năng lực có thể nâng đỡ mà cũng có thể hủy hoại đời sống. Hạnh
phúc nâng đỡ, sự đau khổ làm trở ngại đời sống. Vậy, Thọ thủ một vai trò quan
trọng trong đời sống con người.
Ý thức được hương vị của một vật
là tác dụng của Thọ (Vedanà). Cảm giác hạnh phúc hay khoái lạc làm cho ta ưa
thích. Cảm giác đau khổ làm cho ta ghét. Sự ưa thích hay ghét bỏ phần nhiều tùy
thuộc nơi ngoại cảnh và đến với ta một cách hồn nhiên. Thí dụ như nằm trên nệm
ta ý thức được sự êm dịu và ưa thích nằm nệm. Còn đi ngoài trời trưa nắng ta
nghe nóng bức và ghét, khó chịu. Sự ưa thích nằm nệm cũng như sự ghét đi ngoài
nắng tùy thuộc nơi ngoại cảnh và đến với ta một cách hồn nhiên, máy móc, không
có sự suy luận.
Tuy nhiên, đôi khi ý chí của một
người có thể áp đảo ảnh hưởng của ngoại cảnh và quyết định được Thọ. Thí dụ như
gặp một người thù nghịch thường ta có cảm giác không vui. Nhưng một người hiểu
biết chánh đáng trái lại, rải tâm Từ của mình đến người thù ấy và tự nhiên
hưởng được cảm giác hạnh phúc.
Nhà hiền triết Hy Lạp Socrate
xưa kia, bị bắt buộc phải uống thuốc độc, cạn ly độc dược một cách vui vẻ và
vui vẻ nhận cái chết.
Một vị Bà la Môn, một hôm nọ,
mắng chửi Ðức Phật thậm tệ. Nhưng Ðức Phật thản nhiên. Ngài rải tâm Từ đến
người ấy để đáp lại những lời nguyền rủa.
Vị đạo sĩ Khantivàti mặc dầu bị
hành hung tàn nhẫn, vẫn thành thật ước mong cho ông vua say rượu ác độc đã ra
lịnh hại Ngài được sống lâu và khỏi bị quả dữ của hành động ấy.
Trái lại, một người ngoại đạo
cuồng tín có thể có những tư tưởng thù hận khi gặp Ðức Phật. Cảm giác của người
ấy lúc đó là đau khổ mặc dầu ngoại cảnh đáng lẽ phải tạo cảm giác hạnh phúc,
cũng như một Phật tử cuồng tín có thể có những cảm giác tương tợ khi gặp giáo
chủ của một tôn giáo khác. Một vật thực rất bổ ích cho người này có thể gây tai
hại cho người khác. Khoái lạc vật chất thường được người đời ưa thích và yêu
chuộng nhưng đối với nhà tu ẩn sĩ có trí tuệ, đó chỉ là những trở ngại trên
đường thu hành và sẵn sàng từ khước đời sống sung túc để tình nguyện sống nghèo
nàn và cô độc. Thật vậy, thiên đàng của một hạng người có thể là địa ngục cho
một hạng người khác. Chính chúng ta tạo thiên đàng cho ta, chính chúng ta tạo
địa ngục cho ta. Và, ít nhiều, chính Tâm tạo tác tất cả.
TƯỞNG (Sannà)
Phạn ngữ Sannà do hai căn nguyên
Sam và Na là hiểu biết (giống như chữ la-tinh cognoscere)
Ðặc tánh của Tưởng (Sannà) là
nhận thức một vật nhờ dấu hiệu riêng. Tỷ như khi có cảm giác lạnh và mềm ta
biết là nước. Sự nhận ra nước là Tưởng. Chính do Tưởng (Sannà) mà, xuyên qua
lục căn và thức, ta nhận ra một vật đã từng biết rồi.
Anh thợ mộc muốn tạo một cái
sườn nhà phải chuẩn bị dọn cây, cây nào làm cột, cây nào làm đòn dông, cây nào
là kèo v.v... rồi đánh dấu trên những khúc ấy. Ðến khi ráp, anh nhìn vào những
dấu hiệu ấy. Sự nhận ra những dấu hiệu trên các khúc gỗ là Tưởng (Sannà).
Vậy Tưởng (Sannà) là tri giác,
tức là sự nhận thức một vật như cây cối, nhà cửa, bàn ghế v.v... khi giác quan
bị kích thích.
Ðể hiểu danh từ Tưởng (Sannà) rõ
ràng hơn, ta thử so sánh ba Phạn ngữ Sannà (Tưởng), Vinnàna (Thức) và Pannà
(Trí Tuệ).
Một em bé thấy một đồng tiền.
Nhờ màu trắng, hình tròn và kích thước của vật thấy, em biết đó là một đồng
tiền. Nhưng không biết giá trị của đồng tiền ấy. Ðó là Tưởng (Sannà), chỉ nhận
ra một vật đã biết rồi mà thôi.
Một người lớn, thấy đồng tiền
thì phân biệt đồng ấy với những đồng khác, biết đó là một đồng bạc và biết rằng
với đồng bạc ấy có thể mua một cái bánh. Nhưng anh không biết đồng tiền ấy làm
bằng những chất gì. Ðó là Thức (Vinnàna).
Một người rành về hóa học phân
tách đồng tiền ấy, biết tận tường những loại kim khí nào đã được dùng để làm ra
đồng tiền ấy và mỗi kim khí có đặc tánh nào v.v... Ðó là Trí Tuệ (Pannà).
HÀNH (Sankhàra)
Sankhàra là một Phạn ngữ có rất
nhiều nghĩa. Trong Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppàda) danh từ Hành
(Sankhàra) là tất cả những hành động có tác ý, những tư tưởng tốt và xấu.
Ðể chỉ những gì chịu biến đổi,
đau khổ v.v... thì danh từ Sankhàra là "pháp hữu lậu", những gì có
một hoặc nhiều nguyên nhân tạo điều kiện để phát sanh.
Kể như một trong năm uẩn (Pancà
Khanda) Hành (Sankhàra) là danh từ gọi chung 50 trong 52 tâm sở. Hai tâm sở kia
là Thọ và Tưởng.
THỨC (Vinnàna)
Thức nơi tụ hội các tâm sở, là
sự hiểu biết, sau Thọ và Tưởng. Trong Ngũ Uẩn, kinh sách thường ví Sắc như cái
nồi để nấu cơm, Thọ như gạo, Tưởng như các món gia vị như cà ri, Hành như người
nấu ăn và Thức như người ăn.
Tóm tắt, năm yếu tố, Sắc, Thọ,
Tưởng, Hành, Thức phối hợp lại cấu thành cái được gọi là chúng sanh. Nói một
cách khác, con người cấu thành do Ngũ Uẩn tức là do Danh và Sắc, phần tinh thần
và phần vật chất.
Vật chất gồm những năng lực và
những bẩm chất luôn luôn biến đổi, không thể tồn tại trong hai khoảnh khắc kế tiếp.
Phần tinh thần, tâm, là sự ý
thức một việc. Ngoài ra không có một cá nhân hay một linh hồn nào điều khiển
các hành động. Tâm gồm những tâm sở nhất thời, sanh rồi diệt, vô cùng nhanh
chóng. Tâm cũng như một dòng sông bắt nguồn từ chỗ sanh chảy một mạch ra cửa
biển, là chỗ chết, luôn luôn thâu nhận những luồng nước từ các rạch ngòi của
lục căn chảy đến.
Ta nên ghi nhận rằng tâm không
phải là sự nối tiếp liên tục của những chập tư tưởng riêng biệt không liên quan
với nhau, như những vòng khoen trong một sợi lòi tói.
Mỗi chập tư tưởng luôn luôn đổi
mới của đời sống tinh thần, trước khi diệt, chuyển tất cả năng lực cùng với tất
cả những ấn tượng đã thâu nhận cho chập tư tưởng kế. Như vậy, một chập tư tưởng
gồm có những tiềm năng do chập trước chuyển sang và những gì khác nữa. Chập tư
tưởng sau không hoàn toàn khác chập trước mà cũng không hoàn toàn giống.
Bởi vì tất cả những ấn tượng đều
được thâu nhận trong một cái tâm luôn luôn đổi mới và bởi vì tất cả tiềm năng
của chập tư tưởng trước đều được chuyển sang chập sau, từ kiếp này đến kiếp kế,
mặc dầu vật chất đã tan rã, ta có thể giải thích được tại sao người trong một
kiếp có thể nhớ được những sự kiện đã xảy ra trong một kiếp trước. Nếu trí nhớ
chỉ do nơi bộ óc vật chất thì làm thế nào giải thích được sự kiện đó.
Cũng như điện, tâm là một năng
lực có thể xây dựng mà cũng có thể tàn phá. Tâm là một loại khí giới có thể
dùng trong việc lành cũng như trong điều ác. Chỉ một tư tưởng, dầu vô hình,
cũng có thể cứu vãn hay tiêu diệt thế gian. Chính tâm tạo thiên đàng. Cũng
chính tâm tạo địa ngục.
3. NGƯỜI BẠN THÂN
Bản ngã là gì? Người bạn chí
thân trở mặt làm thù, rượt theo bắt tên tội nhân tượng trưng cái gọi là bản ngã
của chúng sanh.
Vậy, bản ngã là gì? Cái mà chúng
sanh chấp là "Ta" là gì?
Nhìn mặt bàn với cặp mắt thường
ta thấy trơn láng. Nếu nhìn mặt bàn ấy xuyên qua kính hiển vi thì ta không còn
thấy nó trơn láng nữa mà những sớ cây nổi lên ghồ ghề, có góc có cạnh. Bây giờ,
nếu dùng một ống kính hiển vi thật mạnh để nhìn mặt bàn ta sẽ không thấy những
sớ cây nữa mà dưới mắt ta là sông, núi, rạch ngòi, thung lũng, đồng bằng v.v...
Cả ba trạng thái của mặt bàn đều là thực tế vì chính mắt ta chắc chắn đã trông
thấy. Vậy ta phải tin thế nào?
Cũng cái bàn ấy, đối với nhà
khoa học, chỉ là sự phối hợp những nguyên tử, điện tử, dương tử, quan tử v.v...
Một cách ước định, ta nói rằng
mặt bàn trơn láng vì mọi người, với cặp mắt thường đều nhận thấy như vậy.
Cùng một thế ấy, Ðức Phật dùng
những danh từ ước định thông thường như người, thú, bàn, ghế v.v... trong tạng
Luật và tạng Kinh. Nhưng khi phân tách tỷ mỷ những yếu tố cấu thành con người
thì Ðức Phật chỉ còn thấy những năng lực, những bẩm chất, những cảm giác, tri
giác v.v... luôn luôn biến đổi, cũng như nhà khoa học, trong phòng thí nghiệm
không còn thấy nước là nước mà chỉ thấy hai phần Hydro và một phần Oxy (H2O).
Ta nhận thức sự vật xuyên qua
ngũ quan và tìm cái gì ngũ quan thâu nhận. Một em bé thường ngày thấy mặt trời
mọc ở hướng Ðông và lặn về hướng Tây thì tin chắc chắn rằng mỗi sáng mặt trời
mọc lên và mỗi chiều lặn xuống. Nếu có ai bảo em bé rằng không phải mặt trời
mọc và lặn mà chính quả địa cầu chuyển động quay tròn và vòng quanh mặt trời
thì em bé sẽ cười và không tin.
Bậc thánh nhân đã diệt mọi ảo
kiến và thấy chân tướng sự vật.
Ðức Phật dạy rằng phân tách đến
mức cùng tột thì không thể có một bản ngã trường tồn bất biến. Mọi yếu tố cấu
thành con người đều ở trong trạng thái luôn luôn biến đổi. "Không có người
làm mà chỉ có việc làm". Không có người thấy mà chỉ có sự thấy. Tóm tắt
con người chỉ là sự phối hợp của năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong con
người không có cái chi có thể gọi là một bản ngã vững bền tồn tại, không biến
đổi.
Về điểm này triết học gia
Descartes có viết "Cogito, Ergo Sum", tôi suy tưởng, tức là có tôi.
Nhà triết học Pháp căn cứ luận lý của ông trên sự "tôi suy tưởng"
nhưng không chứng minh rằng có cái "Tôi" để suy tưởng.
Trên 2500 năm sau Ðức Phật,
triết gia William James cũng có một quan điểm như Phật Giáo. Ông chủ trương
"Không có người suy tưởng mà chỉ có sự suy tưởng".
Theo Phật Giáo cái bản ngã hay
là cái Ta chỉ là sự kết hợp của những yếu tố luôn luôn biến đổi. Ngoài ra không
có cái gì có thể gọi là một linh hồn vĩnh cửu hay một bản ngã trường tồn. Phật
Giáo không nhìn nhận có những nguyên do huyền bí tạo nên một bản ngã bất diệt.
Về điểm này ta nên phân biệt
thuyết tái sanh của Phật Giáo với thuyết "đầu thai" tức là sự thoát
xác của một linh hồn để nhập vào một xác khác cũng như người bỏ một căn nhà cũ
nát để ở trong một căn nhà mới.
Một linh hồn trường cửu tất
nhiên phải bất biến. Nếu có một linh hồn bất diệt làm bản ngã cốt yếu của con
người thì tất nhiên linh hồn ấy không phát sanh, không biến đổi và cũng không
tiêu diệt. Ngoài ra ta cũng không thể hiểu tại sao từ lúc mới tạo ra, các linh
hồn lại khác biệt với nhau dường ấy.
Quan sát đến mức cùng tột người
Phật tử hiểu biết không thể quan niệm được một linh hồn bất biến bên trong một
vị Chư Thiên, trong con người hay trong một loài cầm thú nào. Những hình thể
người, thú hay Chư Thiên chỉ là sự biểu hiện bề ngoài của luồng Nghiệp lực.
"Chúng sanh" chỉ là một khái niệm và danh từ người, thú, hay Chư
Thiên chỉ là một sự ước định. Nói một cách chính xác, chúng sanh chỉ là sự phối
hợp của Danh và Sắc.
Ðể biện minh rằng có đời sống
tối đại hạnh phúc trên một thiên đàng trường cửu và có những cực hình vô tận
trong một địa ngục vĩnh viễn, một linh hồn bất di bất dịch là tối cần. Nếu
không có một linh hồn trường tồn bất diệt thì cái gì làm tội trên thế gian và
cái gì phải chịu khổ hình ở địa ngục?
Nhà học giả trứ danh, ông
Bertrand Russel có viết: "Ðúng lý ra ta phải nói rằng sự phân biệt cũ kỹ
giữa linh hồn và thể xác từ lâu đã tiêu tan như mây khói vì vật chất đã mất dần
đặc tánh cứng rắn và vững bền, mà linh hồn cũng đã mất một phần thần tính của
nó. Tâm Lý
Học vừa bắt đầu trở thành một
ngành khoa học và trong tình trạng hiện hữu của Tâm Lý Học sự tin tưởng nơi một
linh hồn trường cửu không thể đòi hỏi khoa học tán trợ.
Theo nhà học giả uyên bác, tác
giả quyển "The Riddle of Universe" (Sự bí ẩn của vũ trụ) "Biện
chứng Thần Linh Học chủ trương có một đấng Tạo Hóa thổi vào con người một linh
hồn bất diệt (linh hồn của con người thường được xem là một phần của một Ðại
hồn của tạo hóa). Ðó là một câu chuyện thần thoại.
"Biện chứng Vũ Trụ Luận cho
rằng muốn tạo một thế gian điều hòa trong vòng trật tự tinh thần đạo đức cần
phải có một linh hồn trường tồn bất diệt. Ðó là một giáo điều vô căn cứ.
"Biện chứng Chung Quả Luận
chủ trương rằng do sự tiến triển không ngừng của con người để cải thiện vận
mạng mình những khuyết điểm của linh hồn phải được cải tiến mãi mãi trong đời
sống và sau kiếp sống. Ðó là một lối hiểu sai lầm của Sinh thuyết Vật Ðồng Nhân
(Anthropomorphisme) cho rằng tất cả sinh vật đều có những hành động và tư tưởng
như người.
"Theo biện chứng Ðạo Ðức
Luận những khuyết điểm và những tham vọng chưa được thỏa mãn trong đời sống
phải được bổ khuyết và đền bù một cách công bình và vĩnh viễn sau đời sống. Ðó
chỉ là một điều mong ước cuồng nhiệt.
"Biện chứng Nhân Chủng Luận
cho rằng sự tin tưởng nơi tính cách bất diệt của linh hồn cũng như sự tin tưởng
nơi một đấng Tạo Hóa là một chân lý cố hữu trong toàn thể nhân loại. Ðó hiển
nhiên là một sai lầm.
"Biện chứng Bản Thể Luận
chủ trương rằng linh hồn đã là một thực thể vô hình và bất khả phân chia tất
không thể bị liên quan đến sự vong hoại do cái chết gây ra. Ðiều này căn cứ
trên quan niệm sai lạc của hiện tượng tâm linh một ảo mộng của Duy Thần Luận.
"Tất cả những biện chứng kể
trên cũng như tất cả những giả thuyết tương tợ về bản ngã đã lâm vào tình trạng
nguy ngập trong vòng mười năm nay và đã bị khoa học chỉ trích và bác bỏ hoàn
toàn".
Một nhà bác học khác, ông Hume,
sau khi gia công tìm kiếm một linh hồn bất diệt đã viết trong quyển
"Religion and Science" (Tôn Giáo và Khoa Học) như sau: "Có vài
triết gia tưởng tượng rằng trong mỗi chập tư tưởng chúng ta mật thiết nhận thức
cái gọi là Ta và chúng ta cảm giác rằng cac "Ta" có thật và thật sự
tồn tại. Các triết gia ấy, ngoài sự hiển nhiên của mọi luận chứng, cũng quả
quyết rằng cái Ta hoàn toàn không biến đổi và không thể phân chia.
"Riêng về phần tôi, khi
thâm nhập mật thiết vào cái mà tôi gọi là "Tôi" thì luôn luôn tôi vấp
phải một cảm giác đặc biệt như nóng hay lạnh, sáng hay tối, thương hoặc ghét,
vui hoặc buồn, sáng hay tối, thương hoặc ghét, vui hoặc buồn. Tôi chưa từng bắt
được cái "Tôi" ngoài những cảm giác ấy và tôi chưa hề chiêm nghiệm
được cái gì ngoài cảm giác..."
Về vấn đề linh hồn, Giáo sư
William James có viết trong quyển "Principles of Psychology" (Những
Nguyên Tắc về Tâm Lý Học trang 351) "... Cái Ta (dùng như một túc từ, complément)
là một sự kết hợp do kinh nghiệm cấu tạo với sự vật đã được biết một cách khách
quan. Vậy cái Ta (dùng như một chủ từ sujet) biết được sự vật ấy không thể là
một sự kết hợp. Không thể dùng cái Ta ấy trong những mục tiêu thuộc về Tâm Lý
và xem nó như một thực thể siêu hình không biến đổi, một linh hồn trường tồn
bất biến. Cũng như không thể xem nó như một nguyên lý, một bản ngã siêu việt
vượt ra ngoài thời gian. Cái "Ta" chỉ là một tư tưởng biến đổi từng
chập. Không một tư tưởng nào giống chập tư tưởng trước kế đó, nhưng luôn luôn
thuận ứng theo chập tư tưởng trước để cùng chung hợp lại thành một tư tưởng
riêng biệt".
Trên hai ngàn năm trăm năm về
trước Ðức Phật Gotama đã từng thuyết minh những điều này khi ngài châu du hoằng
pháp trong lưu vực sông Hằng (gange).
Phật Giáo dạy một thứ Tâm Lý Học
trong đó khong có tâm linh. Phật Giáo giải thích rằng con người do Danh (Nàma)
và Sắc (Rùpa) cấu tạo và hai phần này ở trong một trạng thái luôn luôn biến đổi
như một dòng suối trường lưu bất tức.
Ðể cho mọi người được hiểu dễ
dàng, đôi khi Ðức Phật gọi toàn thể tiến trình của những hiện tượng tâm vật lý
ấy là cái Ta (Atta) vì đó là một danh từ ước định đã được thông dụng. Thực ra
trong biến đổi của danh và sắc chỉ có sự tiến trình là đồng nhất (không biến đổi)
mà không có vật đồng nhất (không có cái chi là trường tồn bất biến).
* * *
Về mặt tâm lý học, thuyết vô ngã
(Anatta) là một chân lý. Ðứng về phương diện luân lý thuyết ấy là một lợi ích
quan trọng.
Bao nhiêu tội lỗi đã gây ra chỉ
vì ta chấp ngã. Ta luôn luôn nói rằng đây là Ta cái này "Của Ta"và
tận dụng tất cả năng lực và thì giờ để phụng sự cái "Ta". Cái nào
thuận chiều với nó thì ta luyến ái tức là tham (Lobha). Vật nào hay sự việc nào
nghịch lại thì ta bất mãn tức là Sân (Dosa). Tham với Sân vì bị lớp Si (Moha)
bao phủ như đám mây mờ. Ta nhận ảo là thực, chấp cái ta huyền ảo và luôn luôn
biến đổi là một thực thể trường tồn.
Theo Phật Giáo, Tham, Sân, Si là
nguồn gốc của tất cả tội lỗi. Vi Diệu Pháp dạy rằng hành động ác là những hành
động do các loại tâm bất thiện (Akusala citta) làm động cơ thúc đẩy. Và tâm bất
thiện là những loại tâm bắt nguồn từ Tham (Lobha), Sân (Dosa) và Si (Moha). Vì
thế người Phật tử phải luôn luôn chiến đấu để diệt cái "Ta" cái ngã
chấp.
"Hãy dứt bỏ cái gì không phải của con.
"Sự dứt bỏ ấy sẽ đem lại cho con Hạnh Phúc và An Vui.
"Cái gì không phải của con?
"Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức không phải của con.
"Con hãy dứt bỏ Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức
"Ðó là một sự dứt bỏ sẽ tạo cho con Hạnh Phúc và An Vui"
-- Tạp A
Hàm, XXII, 33
4. LỤC CĂN VÀ LỤC
TRẦN
Sáu cái nhà bỏ không trong làng
là Lục Căn. So sánh như vậy vì khi người trí tuệ quan sát ngũ quan và cái tâm
của mình thì chỉ thấy sự trống không. Không dấu vết nào của một cái gì - vật
chất hay tinh thần - có thể gọi là của mình. Không thể tìm ra một linh hồn hay
một yếu tố nào vững bền tồn tại, khả dĩ gọi là bản ngã.
Lục căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt,
thân, ý. Nên hiểu rằng nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, v.v... ở đây không có nghĩa là con
mắt hay lỗ mũi bằng da bằng thịt v.v... Nhãn đây là nhãn căn nhãn quan, phần
nhạy trong con mắt, cái khả năng thấy trong con mắt. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý
cũng thế. Ý ở đây có nghĩa là nơi xuất phát ra tư tưởng. [12]
Tất cả chúng sạnh trong dục giới
(Kàmaloka) đều có đủ lục căn, trừ hững người câm, điếc, mù từ lúc lọt lòng mẹ.
Theo Vi Diệu Pháp, chúng sanh
trong sắc giới (Rùpaloka) không có tỷ căn, thiệt căn và thân căn. Như vậy có
nghĩa là các vị ấy cũng có mũi, lưỡi và thân nhưng không có khả năng hửi, nếm
và xúc vì các Ngài, ở trên một tầng cao, đã diệt trừ mọi luyến ái trong dục
giới (Kàmaraga). Tuy nhiên các Ngài vẫn còn nhãn căn và nhĩ căn để dùng trong
các việc thiện.
Chúng sanh trong vô sắc giới, vì
không có sắc, không có lục căn. Do ý chí của các Ngài và năng lực của Thiền,
tâm các Ngài không cần phải nương tựa nơi một loại sắc nào để tồn tại.
Sáu tên cướp chạy vào làng lùng
bắt tên tội là Lục Trần. Lục căn luôn luôn bị lục trần xâm nhập và lôi cuốn.
Lục trần là Sắc, Thinh, Hương,
Vị, Xúc, Pháp.
Sắc (Rùpa) là đối tượng của sự
thấy, vật thấy, cái gì có hình thể mà mắt nhận thấy được. Nói một cách khác,
sắc là nơi nương tựa, phạm vi, khu vực có màu, là hiện thân của màu sắc.
Thinh (Sadda), âm thanh, hay là
tiếng động, phát sanh do sự cọ sát của yếu tố đất trong vật chất.
Hương (Gandha) và Vị (Rasa) phát
sanh do cả bốn yếu tố của vật chất (Tứ Ðại).
Xúc (Phottobbàrammana) là vật có
thể sờ đụng được (tangible), là đối tượng của thân căn. Nên ghi nhận rằng xúc
(phottabbàrammana) không phải chỉ là sự đụng chạm (contact). Trong vật chất, ba
yếu tố Ðất, Lửa, Gió có thể sờ đụng được. Ngũ quan không thâu nhận được nguyên
tố Nước.
Pháp (Dhammàrammana) là tất cả
những đối tượng của tâm. Pháp (Dhamma) có thể là những hiện tượng vật chất hay
tinh thần.
Tên cướp thứ nhất là Sắc. Ðức
Phật dạy rằng trên đời không có chi làm cho tâm một người đàn ông rung động
bằng hình dáng của người đàn bà. Và không có chi làm cho tâm một người phụ nữ
rung động bằng hình dáng của người đàn ông.
Rất khó mà kiểm soát và thu thúc
được nhãn căn vì bao nhiêu hình sắc đẹp đẽ của ngoại cảnh luôn luôn sẵn sàng
làm cho ta xao xuyến. Lịch sử nhân loại đã chứng tỏ rằng bao nhiêu cơ đồ đã sụp
đổ và bao nhiêu công nghiệp đã phải suy tàn chỉ vì sắc đẹp. Kinh sách có ghi
lại chuyện tích một vị Bồ Tát đã đắc được nhiều thần thông, chỉ vì không tự kềm
chế được, để tâm rung động trước hình dáng một phụ nữ mà bao nhiêu công đức tu
tập phải tiêu ban như bọt nước. Chuyện kể ra như sau:
Một vị Bồ Tát kia đã đắc được
nhiều thần thông, thường ngày được vua thỉnh vào cung điện để dâng cúng vật
thực. Một hôm, từ xa đằng vân tới hoàng thành, vừa hạ xuống hậu cung, Bồ Tát
chợt thấy Hoàng Hậu từ phòng tắm bước ra chỉ khoác một tấm choàng mỏng. Bất
hạnh cho Bồ Tát, trong một phút xúc động đã mất hết các phép thần thông.
Ta nên ghi nhớ rằng đây là một
câu chuyện xảy đến, không phải cho một người thường, mà cho một vị Bồ Tát là
người đã trong sạch phát tâm tự nguyện cố gắng trở thành một vị Phật. Ðã là Bồ
Tát và có nhiều thần thông Ngài hẳn đã vượt qua năm chướng ngại tinh thần
(Nivaranà) mà còn phải bị sa ngã trước hình dáng yêu kiều của một phụ nữ. Vậy
chúng ta, còn phàm phu, phải hết sức cố gắng kềm chế nhãn căn.
Cũng vì lẽ ấy mà Ðức Phật hằng
khuyên nhủ hàng tín đồ nên luôn luôn thận trọng từng ly từng tý trong việc kiểm
soát nhãn quan, như người lính gác cửa thành từng giây từng phút canh chừng
quân địch. Một khoảnh khắc lơ đỉnh có thể ảnh hưởng rất tai hại. Bởi thế ai là
cha mẹ thầy cô, những người có trách nhiệm dạy dỗ trẻ em, phải hết sức chú
trọng đến vấn đề nam nữ và luôn luôn ngăn ngừa hậu quả của sự thân cận giữa đôi
bên, người Phật tử thuần thành cũng phải thận trọng kiểm soát mọi Ái Dục phát
sanh do nhãn quan.
Tuy nhiên, Ðức Phật không khi
nào cố ý khuyên tất cả chúng ta từ khước mọi lạc thú vật chất để vào rừng tìm
nơi thanh vắng tu hành.
Chúng ta không tìm cách xa lánh
những hạnh phúc vật chất, tuy là tạm bợ nhưng cũng không làm nô lệ cho thể xác.
Ta cảm thấy có hạnh phúc khi một điều mong mỏi được thỏa mãn. Nhưng bản chất
của chúng sanh là không khi nào biết là đủ. Ðược thỏa mãn một điều là mong muốn
điều khác, không khi nào hoàn toàn mãn nguyện. Bởi thế ta cần phải cố gắng luôn
luôn giữ tâm trong sạch và thận trọng thu thúc dục vọng.
Một tích chuyện ghi rằng một ni
cô đang hành thiền trong rừng. Một người đàn ông đi ngang qua, thấy ni cô phải
lòng, mãi theo ve vãn dụ dỗ, Ni cô hỏi: "Tại sao ông lại thương tôi?"
- "Vì Ni cô có cặp mắt hết
sức đẹp". Người đàn ông trả lời.
Ni cô liền thò tay móc tròng mắt
ra, đặt trong lòng bàn tay, đưa cho người đàn ông và nói: "Ðây là con mắt
của tôi, ông còn thấy đẹp nữa không?".
Muốn giảm bớt bám bíu vào hình
sắc chúng ta nên niệm về sự ô trược của thể xác là một phương pháp rất hiệu
nghiệm. Quán tưởng thấy xác thân cấu hợp bởi một bộ xương, nhiều bắp thịt đắp
bên ngoài, tất cả bao bọc trong một lớp da mỏng. Thật không đáng cho ta quý mến
chút nào. Vào thời Ðức Phật có nhiều vị Tỳ Khưu đã đắc quả A La Hán nhờ tham
thiền với đề mục này.
Một hôm có vị Tỳ Khưu vừa đi bên
đàng vừa quán tưởng đề mục xương. Một người phụ nữ mới giận chồng đi ngược
chiều, gặp vị Tỳ Khưu lại hả miệng cười. Một chập sau chồng của cô chạy theo
tìm cô, thấy vị Tỳ Khưu đi bên đàng thì dừng lại lễ phép hỏi có thấy một người
đàn bà đi trên đường này không. Vị Tỳ Khưu thản nhiên trả lời: "Bần tăng
không đặng rõ là đàn bà hay đàn ông, bần tăng chỉ thấy có một đống xương vừa đi
qua".
Vị Tỳ khưu trả lời như vậy vì
trong lúc quán tưởng đề mục xương, mắt vừa thấy hàm răng thì ấn tượng của toàn
thể bộ xương của người phụ nữ phát sanh ra trong nhãn thức ngay.
Mắt bị rung động vì hình sắc,
thì tai bị cảm xúc vì âm thanh, mũi bị kích thích vì hương, lưỡi vì vị. Về điểm
này ta cũng nên hết sức thận trọng vì mùi ngon ngọt của những vật thực có chất
độc, chất say như rượu mạnh, thuốc phiện v.v... Một vài hớp rượu mạnh không
phải là một trọng tội, tuy nhiên đó là một khởi điểm nhỏ nhen để đưa ta đến
thói quen chấm chút có chừng mực và cuối cùng tha hồ say sưa vô đội. Một câu
chuyện ngụ ngôn thuật lại như sau:
Một chàng kia, sau khi ăn học
thành tài, từ phương xa về quê nhà, đi ngang qua một thành phố nọ, nghe tiếng
đồn có một đền đài vô cùng đẹp đẽ, bên trong lại có nhạc kịch tuyệt trần. Anh
lần mò tìm đến và xin vào. Ở một cửa nọ người ta bảo anh rằng muốn vào chỉ cần
phải giết một con vật sẵn có phía trong. Anh nghĩ thầm: "Xem cung điện và
nghe âm nhạc thì rất là thích thú, nhưng phải giết một sinh mạng để mua vui thì
anh không đành". Anh tìm đến cửa khác thì được biết rằng muốn vào phải
trộm cắp. Anh không chịu. Qua cửa thứ ba, người ta buộc anh làm điều tà dâm,
cửa thứ tư phải nói dối. Anh cũng từ chối luôn. Cửa thứ năm, nhỏ hơn các cửa
kia, anh được biết rằng muốn vào phải uống rượu. Anh không chịu. Nhưng người
gác cửa nài nỉ rắng uống chút rượu thì cũng không hại gì mà được xem cung điện
và nghe âm nhạc thì thật là thú vị và mời anh nếm một giọt thôi. Anh nghĩ thầm:
"Uống rượu là một tật xấu, nhưng nếm thử một giọt nghĩ cũng không đến đỗi
là một lỗi lầm trọng đại. Ta hãy thử nếm một chút xem sao". Anh chàng liền
bằng lòng nếm thử. Thấy ngon và không có chi hại, anh liền nhắm một hớp, rồi
một hớp nữa. Ngon miệng anh uống một hơi quá chén, và đến lúc bấy giờ thì, mất
bình tĩnh, kém sáng suốt, không tự kềm chế được, anh hăng hái lần lượt làm
những điều xấu xa mà trước kia anh đã can đảm quyết tâm từ chối. Anh phạm bao
nhiêu lỗi lầm chỉ vì xem thường một giọt rượu.
Thân của ta cũng là một nhịp cầu
để cho ngoại trần xâm nhập và làm cho ta say mê, sa đọa.
Tâm cũng bị ảnh hưởng của những
tư tưởng xấu xa.
5. BỐN DÒNG NƯỚC
LŨ
Chúng sanh bị lôi cuốn trong bốn
dòng nước lũ (Oghà) hùng mạnh và xoay tròn thành một cái xoáy vĩ đại, vô cùng
nguy hiểm, tràn ngập ba giới bốn loài.
Bốn dòng nước ấy là:
- Tham Dục (Kàma),
- Bám bíu vào đời sống (Bhàva),
- Kiến (Ditthi), và
- Vô Minh (Avijja).
Bốn dòng nước lũ này nhận chìm
và lôi cuốn chúng sanh vào khổ cảnh.
Dòng nước lũ đầu tiên là Tham
Dục (Kàma), Sự thỏa thích, ham muốn, luyến ái, đeo níu theo nhục dục ngũ trần.
Phần trên đã đề cập đến mối nguy
cơ của sự dễ duôi để cho lục trần lôi cuốn. Trong kinh (Potaliya Sutta, M. 54)
Ðức Phật so sánh lòng tham dục với:
1. Một khúc xương khô, không
dính chút thịt, không còn chút máu mà người ta vứt cho con chó đói. Chó gậm
xương mà vẫn đói. Cùng một thế ấy chúng sanh đeo níu theo nhục dục nhưng không
được thỏa mãn.
2. Một miếng thịt mà những loại
chim như kên kên, quạ, ó, cắn đá nhau để dành ăn. Nếu một con ngậm được mà dành
lấy một mình thì những con kia bay lại vừa mổ vừa đá, không chết thì cũng chịu
đau đớn. Lòng tham dục cũng đưa chúng sanh vào những cuộc cạnh tranh huynh đệ
tương tàn như vậy thật vô cùng nguy hiểm.
3. Một cây đuốc cháy để phía
trên gió. Nếu không cẩn thận chạy tránh thì ắt bị tàn đuốc bay đến làm phỏng
da. Cũng dường thế ấy, tham dục đốt cháy những ai không chịu suy tưởng, không
thận trọng chạy tránh, nhắm mắt lao mình vào những khoái lạc vật chất với lòng
tin tưởng rằng nó sẽ đem lại ánh sáng và hạnh phúc.
4. Một hầm than đang cháy đỏ, và
chúng sanh như người kia, bị đám người khác kéo lôi đến. Nếu không mau chân
chạy thoát đám người hung tợn nọ thì ắt bị xô đẩy vào hầm lửa. Tham dục không
khác nào một bể lửa khổng lồ (Mahàbhitàba) và nạn nhân là những ai bị lục trần
lôi cuốn. Lòng tham dục đưa chúng sanh đến sự tái sanh trong khổ cảnh.
5. Một giấc mộng đẹp. Nằm mơ
thấy phong cảnh đẹp đẽ hữu tình. Lòng nhẹ nhàng khoan khoái. Nhưng khi tỉnh
giấc, cảnh đẹp đều tan đâu mất. Cùng một thế ấy, tham dục là một ảo kiến ngắn
ngủi (Ittarapaccupathàna), không khác một giấc mộng. Khi tỉnh giấc mơ, trở về
với thực tế, với những lo âu, phiền não hằng ngày, nạn nhân lấy làm thất vọng
và đau khổ.
6. Một món đồ vay mượn mà người
cuồng sĩ lấy làm hãnh diện khoe khoang với hàng xóm láng giềng. Khi món đồ bi
đòi lại thì người hàng xóm chỉ coi anh là người nói khoác. Tham dục là lòng ham
muốn những thú vui tạm bợ, huyền ảo.
7. Một trái cây. Chàng kia thèm
thuồng, trèo cây bẻ trái. Một người khác, cũng ham muốn trái ấy mà không trèo
được, sanh lòng ganh tỵ, chặt ngã cây nếu không nhanh chóng tuột xuống thì anh
trèo cây phải bị té, không gãy chân gãy tay thì cũng mang thương tích. Người có
lòng tham dục, nhắm mắt chạy theo nhục dục ngũ trần cũng bị gãy tay gãy chân như
vậy và thương tích đây có thể là những thương tích vật chất lẫn tinh thần.
Dòng nước lũ thứ nhì là sự luyến
ái, bám chặt vào đời sống (Bhàva). Chính Bhàva tạo điều kiện để tái sanh. Bhàva
là dòng nước lũ nguy hiểm lôi cuốn chúng sanh mãi mãi lặn hụp trong vòng luân
hồi.
Tà kiến (Ditthi) là dòng nước lũ
thứ ba. Phạn ngữ (Ditthi) do căn nguyên "dis" có nghĩa là thấy, trông
thấy. Ditthi là quan điểm, sự tin tưởng, ý kiến v.v... Sammà Ditthi là chánh
kiến. Miccha Ditthi là tà kiến. Ðứng lẻ loi một mình Ditthi có nghĩa là tà
kiến.
Tà kiến (Ditthi) không đồng
nghĩa với S, (Moha). Si (Moha) như đám mây mờ bao phủ che án, không cho tâm
trông thấy sự vật. Tà kiến (Ditthi) quả là một quan điểm rõ ràng. Tà kiến gồm
hai giai đoạn: nhận xét sai lầm và hiểu biết theo quan điểm sai lầm ấy. Người
có tà kiến nghĩ: "Thực tế phải như vầy, thế này mới đúng, tất cả đều
sai". Tà kiến nghịch nghĩa với trí tuệ. Trí tuệ nhận xét thực tướng của sự
vật. Tà kiến gạt bỏ chân tướng và chấp nhận một quan điểm sai lầm.
Người tà kiến hiểu rằng đây là
"Ta". Cái này "của Ta" và do đó bao nhiêu lỗi lầm phát
sanh.
Có mười tà kiến:
1. Tin rằng không có cái gì gọi
là "để bát" (dinnan) (câu này có nghĩa để bát chư Tăng không đem lại
cho ta lợi ích nào).
2. Tin rằng không có cái gì gọi
là "Cúng dường" (ittham), hay
3. Tin rằng không có cái gì gọi
là "Dâng tặng" (butan).
(Hai câu này có nghĩa là cúng
dường Ðức Phật và Chư Tăng, bố thí vật thực và dâng tặng vật dụng đến những
người cần đến không đem lại cho ta lợi ích gì).
4. Tin rằng không có nhân quả.
Hành động thiện hay ác đều không gây hậu quả nào.
5. Tin rằng không có cái gì gọi
là "thế gian này", hay
6. Tin rằng không có cái gì gọi
là "Thế gian tới".
(Những người sanh ở đây không
chấp nhận có kiếp sống quá khứ và những người sống ở đây không chấp nhận một
đời sống vị lai).
7. Tin rằng không có
"mẹ", hay
8. Tin rằng không có
"Cha".
(Hai câu này ngụ ý rằng đối xử
với cha mẹ như thế nào cũng không có hậu quả).
9. Tin rằng không có chúng sanh
chết và tái sanh (Opapàtika).
10. Tin rằng không có những bậc
tu sĩ xa lánh chốn phồn hoa đô hội để tìm nơi vắng vẻ tham thiền và những bậc
thiện trí thức, đức độ cao thượng, đạo hạnh trang nghiêm đã thành tựu đạo quả
(ám chỉ chư Phật và chư vị A La Hán).
Dòng nước lũ thứ tư là Vô Minh
(Avijja) không hiểu biết. Vô Minh là không hiểu biết Tứ Diệu Ðế. Vô Minh dẫn
dắt chúng sanh đi mãi trong vòng luân hồi.
6. CHIẾC BÈ - BÁT
CHÁNH ÐẠO
Chiếc bè tượng trưng Bát Chánh
Ðạo, con đường duy nhất dẫn chúng sanh đến Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của
người tu Phật. Bát Chánh Ðạo là: Chánh Kiến (Sammà Ditthi), Chánh Tư Duy (Sammà
Sankappa). Chánh Ngữ (Sammà Vacca), Chánh Nghiệp (Sammà Kammanta), Chánh Mạng
(Sammà Ajiva), Chánh Tin Tấn (Sammà Vàyàma), Chánh Niệm (Sammà Sati) và Chánh
Ðịnh (Sammà Samàdhi).
Trong tám yếu tố này Chánh Kiến
và Chánh Tư Duy thuộc về Trí Tuệ; Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng thuộc
về Giới; Chánh Tin Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh thuộc về Ðịnh.
Giới (Sila):
Chánh Ngữ
Chánh Nghiệp
Chánh Mạng
Ðịnh (Samàdhi):
Chánh Tinh Tấn
Chánh Niệm
Chánh Ðịnh
Tuệ (Pannà):
Chánh Kiến
Chánh Tư Duy
Theo thứ tự, Giới, Ðịnh, Tuệ là
ba giai đoạn của "con đường" dẫn dắt đến Niết Bàn.
Một hôm, Ðức Phật dạy các Tỳ
Khưu như sau:
"Hỡi này các Tỳ Khưu, thí
dụ như có một người đi trên đường, thấy trước mặt có một con sông rộng lớn. Bờ
bên này thì hiểm nghèo đáng sợ còn bờ bên kia thì an toàn và không nguy hiểm.
Ngó quanh quẩn, anh không tìm đâu ra được thuyền bè hay cầu để sang bên kia bờ.
Khách đi đường mới nghĩ: "Ðây là một con sông rộng lớn. Bờ bên này thì
hiểm nghèo đáng sợ. Bờ bên kia thì an toàn và không nguy hiểm. Ðể sang sông lại
không có thuyền bè, cầu cũng không. Tại sao ta lại không tìm lau, sậy, cây,
nhánh, lá để kết lại làm một chiếc bè?". Nghĩ vậy anh liền gom góp lau,
sậy, cây, nhánh, lá, kết lại thành bè. Ngồi trên chiếc bè ấy, anh dùng cả tay
lẫn chân, hết sức cố gắng bơi riết, băng sông qua bờ bên kia. Ðến bờ an toàn
anh lại nghĩ: "Chiếc bè này thật hữu ích. Nhờ nó mà ta vượt qua được con
sông rộng lớn. Vậy, bây giờ ta có nên đội nó trên đầu hay khiêng trên vai để luôn
luôn đem nó theo ta không?" Các vị Tỳ Khưu nghĩ thế nào? Người đi đường có
nên vác chiếc bè theo bên mình không?
- Bạch Ðức Thế Tôn, không.
- Vậy anh phải làm thế nào với
chiếc bè?
Và Ðức Phật nói tiếp: "Hỡi
này các Tỳ Khưu, khi đã vượt con sông rộng lớn và bước chân lên bờ bên kia,
người đi đường nghĩ: "Chiếc bè này quả thật hữu ích. Nhờ nó và nhờ sự cố
gắng dùng cả tay lẫn chân để bơi, ta đã vượt qua sông và đến bờ an toàn. Bây
giờ ta kéo nó lên bờ rồi bỏ đi hay để nó trôi theo dòng nước, còn ta thì thong
thả nhẹ nhàng đi đâu tùy thích. Như vậy có nên không?" Hỡi này các Tỳ
Khưu, người đi đường có nên hành động như thế không?
Cùng một thế ấy, những lời dạy
của Như Lai cũng như chiếc bè: Mục đích của nó là đưa ta vượt sông chớ không
phải để ta bám vào nó".
* * *
Bát Chánh Ðạo (Magga Ariya
Sacca) chỉ là những phương tiện đưa đến Niết Bàn.
Tất cả các pháp hữu lậu đều là
VÔ THƯỜNG, KHỔ NÃO, VÔ NGÃ. Người sáng suốt nhận thức như vậy và sẽ chán chê
thân Ngũ Uẩn. Ðó là Thanh Tịnh Ðạo. -- (Kinh Pháp Cú)
Bố thí vì lòng từ bi...
Cho những người thiếu thốn với tấm lòng thương xót...
Ðó là mầm giống quý báu, cao thượng hơn tất cả những gì rực rỡ huy hoàng mà vô
bổ.
Với tấm lòng thành kính, dâng cúng đến bậc thầy tổ, mẹ cha, đến bậc ân nhân và
bậc thiện trí thức... lại càng cao quý.
Cho ra để gieo duyên lành, truyền bá chân lý và mở đường dẫn lối đến Giới,
Ðịnh, Tuệ.
Ðó là bố thí cao thượng!
* * *
Hạnh phúc thay Chư
Phật giáng sinh!
Hạnh phúc thay Giáo Pháp cao minh!
Hạnh phúc thay Tăng Già Hòa hiệp!
Hạnh phúc thay Tứ Chúng đồng tu!
-- (Kinh Pháp Cú)
Chú thích:
[1] Poussin. "The Way to
Nirvana" trang 68.
[2] Theo Phật giáo có ba giới:
1. Dục giới (Kàmaloka), chia làm 11 cảnh là 4 cảnh
khổ (Apàya) 1 cảnh người (Manussaloka) và 6 cảnh trời dục giới (Sagga).
2. Sắc giới (Rùpaloka) gồm 16 cảnh mà những người đắc thiền sắc giới
(Rùpaijhànas) tái sanh vào đó.
3. Vô sắc giới (Arùpaloka). Do nhờ năng lực thiền định, hành giả thọ sanh trong
cảnh vô sắc, chỉ có tâm (danh) mà không có hình thể (sắc).
Theo thường, danh và sắc cùng
phát sanh một lượt và phối hợp mật thiết để sinh hoạt, không thể bị phân tán.
Nhưng trong những trường hợp đặc biệt, do nơi ý chí dõng mãnh trong lúc tham
thiền, hành giả có thể tách rời danh và sắc, như ở cõi vô sắc, thể xác không
còn là một yếu tố cần thiết để tâm tồn tại.
[3] Majjhima Nikaya (Trung A
Hàm) - Mahatanhà Samkhaya Sutta, Kinh Đoạn Tận Ái, số 38.
[4] Có thể nói thức tái sanh này
là điểm kết hợp (point de liaison) hoặc là một hình thức di chuyển của giòng
nghiệp lực từ một chúng sanh vừa tắt thở qua một thai bào thích ứng khác để thể
hiện một chúng sanh tương xứng với sức phản động của hành vi thiện ác quá khứ
(nghiệp lực).
[5] Parama là cái gì
không thể thay thế (aviparita) trừu tượng (nibbattita). Attha là vật. Paramattha
là vật không thể thay thế, vật trừu tượng, thực tế trừu tượng.
[6] Trong sự thấy, mắt, vật để
thấy và thức là 3 yếu tố cần thiết. Ánh Sáng là môi vật (medium). Cũng như
không khí là môi vật của sự nghe và sự ngửi.
[7] Theo Vi Diệu Pháp, Vinnàna
(Thức) đồng nghĩa với Citta (tâm vương).
[8] Trong một chớp nhoáng có
hằng triệu triệu chập tư tưởng.
[9] Vì trong khoảng thời gian
giữa hai cái gõ thì bao nhiêu triệu tế bào đã tiêu diệt và được thay thế trong
ngón tay cũng như trong chất gỗ của bàn.
[10] Nếu phân một giây đồng hồ
ra làm 1.000.000.000.000.000.000.000.000.000. Vật chất tồn tại trong 1 phần ấy.
[11] Phân Anh (inch), bằng 2,54
cm. Chia 2,54 cm ra làm 30 triệu lần. Tế bào đầu tiên của con người lớn bằng 1
phần.
[12] Có thuyết chủ trương rằng
tư tưởng xuất phát từ trái tim, khoa học chủ trương rằng tư tưởng xuất phát từ
bộ óc. Ý ở đây chỉ có nghĩa là nơi xuất phát của tư tưởng.