Truyện tích
Cao Tăng Dị Truyện
Hạnh Huệ dịch
13/06/2556 01:12 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Cao Tăng Dị Truyện
Mục lục

51. HÒA THƯỢNG HẢI ẤN TÍN

Hòa thượng hải Ấn Tín nối pháp ngài Lang Gia, người Quế Phủ, trụ chùa Ðịnh Huệ ở Tô Châu tuổi hơn tám mươi. Ngày thường được Chu Phòng Ngữ cúng dường, Sư cũng hay đến nhà này. Một hôm họ Chu hỏi:
- Hòa thượng đời sau có thể thác sanh trong nhà đệ tử chăng?
Sư cười nhẹ bằng lòng, rồi trở về chùa mắc bệnh mấy ngày mà chết. Hôm chôn cất, nhà họ Chu Sanh được một cô con gái. Thiền sư Viên Chiếu bổn khi đó ở Thụy Quang nghe được việc này bèn đến thăm. Cô bé vừa đầy tháng được ẵm ra, vừa thấy Ngài liền cười. Viên Chiếu nói:
- Hải Ấn! Ông lầm rồi. Cô bé khóc mấy tiếng rồi chết.

52. THIỀN SƯ QUY TÔNG TUYÊN

Thiền Sư Quy Tông Tuyên, người Hán Châu, nối pháp Ngài Lang Gia Quảng Chiếu kết thân với Quách Công Phủ. Chợt một hôm có quan trấn thủ Nam Khang đến, Sư sai người đem thơ cho Công Phủ lại dặn người đưa thơ chớ cho quan huyện trông thấy. Công Phủ đọc thơ thấy ủy thác rằng:
- Tôi còn sáu năm duyên đời chưa hết, hôm nay không chịu nổi áp bức muốn thác sanh vào nhà ông, mong ông chiếu cố cho.
Công Phủ vừa sợ vừa mừng, nửa đêm bà vợ mơ màng thấy Sư vào trong phòng ngủ, bất giác thất thanh nói:
- Ðây không phải là chỗ Hòa thượng đến.
Công Phủ hỏi duyên cớ, bà vợ kể lại. Công Phủ sai đốt đền, lấy thơ của Sư cho coi. Quả nhiên sau bà vợ có thai sanh con đặt là Tuyên Quang. Vừa đầy năm đã nhớ hỏi chuyện trước.
Ðến ba tuổi, Hòa thượng Bạch Vân Ðoan đi qua nhà này, Công Phủ kêu con ra tương kiến, vừa thấy kêu lên:
- Sư Ðiệt! (cháu).
Hòa thượng Ðoan nói:
- Cùng Hòa thượng từ biệt nhau đã mấy năm rồi?
Tuyên co ngón tay nói:
- Bốn năm.
Hòa thượng Ðoan nói:
- Tương biệt tại đâu?
- Tại Bạch Liên Trang.
- Lấy gì để chứng nghiệm?
- Cha mẹ tôi ngày mai sẽ mời Hòa thượng thọ trai.
Chợt có tiếng đẩy xe qua ngoài cửa. Hòa thượng Ðoan nói:
- Tiếng gì ngoài cửa vậy?
Tuyên làm thế đẩy xe. Hòa thượng Ðoan nói:
- Qua thế nào?
- Ðất bằng có một rãnh nước.
Ðến sáu tuổi không bệnh mà chết.

53. TĂNG DẠ ÐÀI

Tăng Dạ Ðài người đất Tây Thục. Thuở bé, Sư học thuật nhịn ăn. Sau gặp sư Ðại Trí ở núi Nga Mi, xin xuất gia, thọ giới. Rồi từ biệt thầy, đến với ngài Phục Ngưu ở núi Chung nam. Về sau Sư xuống núi Ngũ Ðài, ngày ngày thường chỉ uống nước, ngồi tĩnh tọa, ban đêm thì đi quanh Ðài Sơn. Người ta nhân đó gọi Sư là Dạ Ðài. Chu vi Ngũ Ðài khoảng 500 dặm, nổi tiếng gió mạnh, đá lớn, lừa ngựa bị thổi bay như quét là. Sư đi, áo mũ tung rơi, tay cầm gậy sắt, cứ gặp gió thì ngừng, hết gió lại đi. Có lúc trời tối mịt, Sư bị rơi xuống hố, gậy sắt cong vòng mà Sư chẳng sao hết. Gặp cọp, Sư đến trước nó nạp mình, nói:
- Ngươi ăn thịt ta, tức là cùng ta kết mối duyên nhỏ.
Gặp bọn cướp núi, Sư động gậy xuống đất, tiếng gậy vang dội. Bọn cướp kinh hãi bỏ chạy, la lớn:
- Bị Sư Dạ Ðài nhiếp phục!
Chúng chẳng dám động đến Sư. Có hôm tuyết lớn rơi đầy núi, mọi người vác xẻng đi kiếm; thấy Sư bị tuyết chôn đến thắt lưng, rét cứng. Họ khiêng Sư về hơ lửa, tắm nước nóng, chập lâu Sư mới hồi tỉnh. Vậy mà vẫn tiếp tục đi đêm như cũ. Sư thường gặp ánh đèn, lửa rừng, mãnh thú, quỷ quái trong đêm. Cũng có khi gặp được Văn Thù, hoặc hiện hình Tỳ kheo già, hoặc hiện làm phụ nữ đẹp ôm đứa con mới sinh còn trần truồng, chốc lát biến mất. Sư đi như thế đến hơn hai mươi năm.
Năm Quý Mão, Sư đến kinh đô. Thái hậu Từ Thánh ban cho Sư bình bát, tích trượng và một bộ Tử Lang Ca Sa, Sư bèn đến chùa Tháp Viện, lập hội Thiên Bàn (ngàn mâm) rồi đến chùa Long Tuyền lập hội Long Hoa bốn mươi chín ngày. Sau đến núi Ngũ Ðài, Nga Mi đúc một chuông u minh nặng một vạn ba ngàn cân, lại đến núi Phổ Ðà, Nga Mi thỉnh hai bộ Tạng kinh; đến núi Cửu Hoa lập đạo tràng Thủy Lục. Bao nhiêu tiền gạo còn dư, Sư đem phân phát cho các tịnh thất và những vị tăng nghèo, không hề bỏ túi riêng một mảy may. Cho nên tăng tục hết lòng tin cậy. Sau Sư trở lại bốn danh sơn lớn, tinh thần mỏi mệt. Từ đất Thục đến Quảng Lăng, Sư nhuốm bệnh. Có một đạo nhân chặt ngón tay nấu cháo cho Sư dùng, ý mong cầu Sư lành bệnh. Sư mắng ràng:
- Ngươi xuất thế, sao lại học theo thói đàn bà. Hạn ta đã gần đến rồi.
Khỏi bệnh, Sư mua một chiếc thuyền lớn bày tượng Thủy Lục miệng phun lửa không ngớt.
Tháng mười, năm Canh Tuất, từ Thông Châu dong thuyền ra biển. Ði ngang Phước Sơn, Sư vui vẻ muốn dừng lại. Sư giải tán đệ tử, chỉ giữ lại một đạo nhân già theo, rồi lên thuyền. Có hai người khách buôn ở Tấn An xin đi nhờ. Sư nói:
- Người này có duyên.
Bèn bằng lòng cho đi. Thuyền giưong buồm đi thật nhanh. Chợt Sư hỏi:
- Trưa chưa?
- Trưa rồi!
Sư sai làm cơm cho hai người khách cùng ăn. Họ lấy tiền cúng dường Sư, nhân đó lễ mười phương chư Phật, Sư nói:
- Ta muốn vào biển!
Mọi người kinh hãi thưa:
- Nay đã ở trong biển rồi, còn muốn vào đâu nữa?
Sư nói:
- Ta nghe bậc Bồ Tát giải thoát, khi tịch dặn các đệ tử chia thân làm ba phần: Một cho loài cầm thú, một cho tôm cá và một cho kiến trùng. Nay ta cũng thế.
Mọi người khóc lóc níu lại. Sư lấy một tờ giấy đưa cho khách, đó là lời của Bồ Tát giải thoát. Chúng vẫn buồn bã níu giữ không buông. Sư nói:
- Các ông hãy vì ta mà lễ Phật.
Mọi người liền cúi lạy, Sư nhảy xuống biển. Họ định lấy buồm, vớt Sư. Ngồi ngay sóng nước, Sư vẫy tay nói:
- Cất buồm đi! Các ông thua ta rồi!
Phút chốc, có một đám sương trắng vàng bao phủ quanh Sư, rồi cuốn đi. Ðó là ngày 25 tháng 10 năm Canh Tuất (1610) niên hiệu Vạn Lịch 38. Vị đạo nhân già trở về thuật lại. Hoa Ðình Trần Mi Công bèn ghi chép lại chuyện này.

54. TĂNG THU NGUYỆT

Thu Nguyệt là một vị sư già ở núi Huyền Cơ, Tô Châu. Sư tinh thông giới luật, lễ tụng chuyên cần, lấy uống trà làm Phật sự. Ai đi qua Huyền Cơ cũng đều ghé thăm Sư. Nhưng nếu không phải người cao nhã thì Sư chẳng tiếp, gặp mặt cũng chẳng mời trà nước.
Lúc ấy, đang có giảng tịch của Ngài Thiên Kỳ, người bốn phương rầm rộ kéo đến. Sư vẫn điềm nhiên như không hề hay biết. Có người khuyên Sư nên tùy hỷ ra một lần, Sư chỉ cười chẳng đáp.
Niên hiệu Thiên Khải cải nguyên (1612), Sư từ biệt bạn đạo trong núi, sáng sớm đi thuyền đến bể Liên Hoa ở Nam Hải, hốt nhiên đến đầu thuyền lễ bái, lớn tiếng niệm Phật rồi nhảy ùm xuống nước. Mọi người vội níu lại nhưng chẳng kịp. Sóng gió nổi lên rất mạnh, Sư nhấp nhô trên sóng, vẫn chắp tay niệm Phật. Tiếng Sư xa dần rồi mất hẳn.
Dạ Ðài khắp bốn núi lớn, vết chân in khắp nước. Thu Nguyệt tĩnh lặng đóng cửa thất, chẳng màng đến việc bên ngoài. Ðạ Ðài rộng tu phước nghiệp, Thu Nguyệt một việc cũng không làm. Hai Ngài bình sinh trái nhau như thế, đến lúc cuối lại giống hệt nhau. Dạ Ðài giấu cái tĩnh trong động. Thu Nguyệt gởi cái động trong tĩnh. Dấu vết động tĩnh của hai vị thoát khỏi mé sanh tử không mảy may chướng ngại. Tâm hai vị thật không thể so sánh ai hơn ai kém vậy.

55. THIỀN SƯ GIÁC TÔNG

Thiền sư Giác Tông, tự là Ðạo Huyền, biệt hiệu Tùng Khê, họ Nam quê ở Phù Phong. Nhà theo nghiệp Nho, mẹ họ Trần, kính tin Phật pháp. Cứ đầu năm, bà đến chùa Pháp Môn cúng dường trai tăng cho đại chúng. Một hôm ngủ trưa, bà mộng thấy Thản Công chùa Pháp Môn trao cho một tượng ngọc cao gần một tấc, bà nhận lấy rồi nuốt vào bụng. Tỉnh dậy, biết mình có thai, bà báo cho chồng hay. Chồng bà sai người đến chùa thăm dò, biết được Thản Công chết đúng ngày ấy. Hai vợ chồng liền dặn nhau:
"Nếu được con trai, sẽ cho cho xuất gia thờ Phật". Ðến ngày sanh, phòng bà có ánh sáng, trên hư không có tiéng Phạn âm, ai nghe cũng lạ lùng. Sư lúc còn bé đã không ăn mặn, không ưa đùa giỡn, chỉ thích ngồi thiền chỗ vắng. Cha mẹ biết rằng Sư không quên nhân cũ, bèn theo lời hứa cho vào chùa.
Gặp lúc quân Mông Cổ xâm lăng, cha con không bảo bọc nhau được. Sư bị bắt ở Vũ Xuyên, và bị đưa vào hầu hạ Quận chúa của quan Thái phó. Sư cẩn thận khác những người hầu khác, quan Thái phó thấy lạ, hứa cho xuất gia. Sư bèn đến chùa Thanh Sơn ở Quy Xuyên, cạo tóc với ngài Lâm Pháp Sư, nhân đó Sư khóc nói:
- Cha mẹ yên lòng, nay con đã được xuất gia rồi.
Chưa đến ba năm, Sư thông suốt các kinh. Sư theo ngài Anh Công ở Vũ Xuyên nghe sớ kinh Hoa Nghiêm, trong năm năm thông suốt chỗ uẩn áo, thâm nhập biển Hoa Tạng, tung hoành không ngại, là bậc long tượng dưới tòa. Sư không hề rời thầy, do đó danh tiếng vang xa. Nhưng Sư vẫn tự cho mình ăn chưa đến lúc no, nên đến chỗ ngài Thánh Nhơn. Thánh Nhơn là bậc cự phách trong nhà Thiền, thấy Sư liền hỏi:
- Nghe ông rành Hoa Nghiêm, sao không giảng kinh độ sanh, đến đây làm gì?
Sư thưa:
- Sanh tử là việc lớn.
Thánh Nhơn nói:
Từ ngày rõ nẻo Tào Khê ấy,
Mới hay sống chết chẳng tương can.
(Tự tùng thức đắc Tào Khê lộ,
Liễu tri sanh tử bất tương quan).
Ông hiểu thế nào?
Sư suy nghĩ, Thánh Nhơn hét, Sư đi ra. Thánh nhơn kêu lại:
- Thượng tọa!
Sư quay đầu nhìn. Thánh Nhơn nói:
- Rõ ràng nhận lấy!
Sư lãnh hội được ý chỉ này. Ngày hôm sau, Sư lên phương trượng thưa:
- Hôm qua được Hòa thượng hét một tiếng, con có chỗ thấy.
Thánh Nhơn nói:
- Thử đưa ra xem!
Sư phất ray áo đi ra. Thánh Nhơn cười mà chấp nhận.
Nguyên Hiến Tông năm đầu (1251); Phan Sơn sai người đưa thơ đến mời ngài Thánh Nhơn làm chủ pháp tịch Linh Sơn. Thánh Nhơn bảo:
- Không bằng Giác Tông!
Sau Sư vâng lời, lúc ra đi làm bài kệ:
Mười năm chí như sắt,
Cổng huyền đều thấu suốt
Nhảy khỏi rừng góc gai
Ðạp bể trang đầm vắng
Khéo hướng trên đỉnh cô phong
Linh quang riêng chiếu không thời tiết.
(Thập tải chí như thiết
Huyền quan giai thấu triệt
Khiêu xuất kinh cức lâm
Ðạp phá trừng đàm nguyệt
Hảo hướng cô phong đảnh thượng hành
Linh quang độc điệu vô thời tiết).
Sư lên tòa thuyết pháp trong khoảng mười năm, chúng có hơn vài ngàn. Cõi Phật rộng mở, vàng ngọc sáng ngời, chiếu soi đá suối, tòng lâm đầy đủ tiện nghi. Linh Sơn hưng thạnh một thời không kém những ngôi chùa lớn.
Niên hiệu Chí Nguyên năm thứ tư (1280), ngài Văn Công trụ trì chùa Long Tuyền ở Ðàm Giá, lui về ẩn ở Tây Ðường. Sư được bổ nhậm thay thế, pháp tịch cũng thịnh như ở Linh Sơn. Sư chấn chỉnh nghiêm túc, vào chúng rất nghiêm trang, ai thấy cũng đem lòng kính sợ. Môn đình của Sư cao vút, không bao giờ chấp nhận cho người mới hợp một lời, khế một cơ; trái lại xem xét kỹ lưỡng, rõ ràng không còn ngờ vực sau mới chịu. Nên hàng nạp tử thấy vách đứng mà thối lui cũng nhiều.
Cũng năm ấy, Sư ngồi tịch. Tháp ở Ðàm Giá.

56. TĂNG ÐỒNG TÂN

Ðồng Tân tự là Trọng Ích, biệt hiệu Nguyệt Tuyền, họ Quách quê ở Phòng Sơn, Yến Ðô. Sư thế phát với Kiên Công ở An Sơn, thường làm việc khổ nhọc để phụng sự đại chúng. Ban ngày làm việc, ban đêm tụng kinh, sự thông minh trí tuệ của Sư phát triển mau lẹ. Sư muốn đi tham học các nơi, bèn hỏi ý kiến của Ðồng Hành, Ðồng Hành cười nhạo, Sư bực mình viết một bài kệ dán lên vách rồi bỏ đi:
Ðại trượng phu chí khí ngất trời
Ngòi rãnh tầm thường há phải nơi
Tay nắm xuy mao ba thước kiếm
Hàm rồng, châu nọ đoạt như chơi.
(Khí trụ xung thiên đại trượng phu
Tầm thường câu độc khởi năng bào
Thủ đề tam xích xuy ma kiếm
Trực thủ ly long lãnh hạ châu).
Sư đến yết kiến ngài Phương Công ở Thanh An, Phương Công hỏi:
- Muốn đi ngàn dặm, một bước làm đầu. Thế nào là bước đầu tiên?
Sư chắp tay bước tới. Phương Công nói:
- Quả thật gót chân không chấm đất!
Sư phất tay áo, đi ra. Lại đến yết kiến Cảo Công ở Ðại Minh. Dưới cây trụ trượng, Sư phát tiết được nhiều vốn riêng. Cuối cùng vẫn cho trong ngực còn có chỗ ngại chưa bạch, Sư nuốn trở lại Thanh An, nhưng Cảo Công bảo không sao và dạy cứ mài dũa nhồi nặn. Thêm ba năm, Sư mới được rỗng rang. Ẩn dấu chưa lâu, các bậc kỳ túc lại ủng hộ Sư đưa về An Sơn. Thiền sư Giản ở Hải Vân nhận Sư vào làm Thủ chúng. Luận Công ở Long Tuyền hướng dẫn người đến quy y. Sư vừa cất tiếng, muôn người hoan hô. Vua Ðại Nguyên ngự đến, phân chúng của Sư thành tám nhóm, cử Sư làm chủ chùa Linh Nham ở Trai Nam. Lúc ấy, người khắp nơi kéo đến, Sư không cho họ toàn là người đạo đức, phân biệt rõ hiền ngu. Do đó, miệng tiếng dèm pha. Sư bỏ về An Sơn, nhưng mọi người không chịu, giữ lại. Sư nhớ đến kinh thành gặp nạn binh lửa, tạng kinh hư hao, người học không xem được đầy đủ, cho nên Sư tốn bao nhiêu là y bát, đề xướng kiếm người cùng chí hướng, đích thân đến Giang nam tìm thỉnh. Trải qua bao năm, chịu đủ nóng lạnh, gian nan khốn khó, mới được toàn văn dem về. Sư chạy ngược xuôi, xa gần, đến đâu cũng được người thấy nghe tùy hỹ. Thật là Bạch Mã không cánh ở phương Tây lại vậy. Ở Sơn Ðông, mọi người nói với quan Ðề Hình là Na Luật Công, dùng lễ Tổ mà đón Sư.
Sau Sư đến viện Quan Âm ở Trai Nam kiết hạ, rồi lâm bệnh, bèn kêu thị giả lại truyền pháp yếu, nói kệ:
Ôi! Ðãy da ngố
Ngu ngơ tương ưng
Chẳng biết khéo léo
Tư tưởng quên luôn
Ðến không chỗ theo,
Ði cũng không chốn
Sáu đục rỗng rang
Bốn đẽo mênh mang
(Ðốt! Hàm bì đại
Ngột để tương ưng
Kỹ lưỡng bất giải
Tư tưởng toàn vong
Lai vô sở tùng
Khứ diệc vô phương
Lục tạc không không
Tứ đạc hoàng hoàng)
Lại nói:
- Cái này không còn một chút ngại.
Im lặng giây lâu, Sư nói:
- Buông tay mà đi, mây trời mênh mông.
Kệ xong, nghiễm nhiên mà tịch, thọ 66 tuổi, 45 tuổi hạ. tánh tình Sư khoáng đạt, đạo nhân sáng trong, tiếp vận có cơ biến, Sư sở trường về thi văn, giỏi đàm luận. Phất tràn vừa đưa lên, thính chúng ngồi nghe mê mải, suốt ngày không chán, Sư lại hay biện luận khôi hài mà người không dám dể duôi xúc phạm. Nối pháp Sư là Tuyết Ðậu. Lúc trà tỳ hàng vạn người đưa, hương hoa rải nghẹt lối đi. Nếu không có sự hóa độ sâu xa vào lòng người, há được như thế. Sư thật là một nạp tử anh hùng của một thời.

57. THIỀN SƯ NGỌC TUYỀN

Thiền sư Tông Liễn, người quê Thạch Chiếu, Hạp Châu, họ Ðổng. Lúc nhỏ, có vị tăng đi ngang qua nhà, thấy Sư mặt mũi sáng sủa, bèn chỉ ngọn đèn hỏi thử rằng:
- Ðèn chiếu con hay con chiếu đèn?
Sưnói:
- Ðèn không chiếu con, con cũng chẳng soi đèn. Ở giữa không một vật, hai bên thấy công năng.
Tăng lấy làm lạ, khuyên nên đi tham phỏng các nơi. Sư trải qua khắp các pháp tịch, sau đến Nguyệt Am Quả Công, nghe một câu biết đường về.
Sư khai pháp ở Ngọc Tuyền, treo bảng thất là "Cùng Cốc". Lưu Kỷ làm quan trấn ở Hình Nam, đến phỏng vấn Sư ý nghĩa của tên này. Sư nói:
- Tâm hết là "cùng", tánh ngừng là "cốc". Tùy vang ứng tiếng, chẳng vội mà nhanh.
Cơ biện ứng đáp của Sư đại loại như thế, so với với Hạo Công chẳng kém. Sư thường nói:
- Việc này chẳng thuộc có lời hay không lời, chẳng ngại nói hay nín. Người xưa nói một lời, nửa câu đều như binh khí quốc gia, bất đắc dĩ mới dùng. Nói ngang nói dọc đều cốt mong người vào được đạo, kỳ thực đạo không ở trên chương cú. Người đời nay chẳng thể thẳng một đường mà chứng suốt cội nguồn, chỉ toàn dùng nói năng, chữ nghĩa mà cho là đến được đạo. Ðó giống như Trịnh Châu ra cửa của Tào. Theo như dưới hội của bậc Tông sư, thì đến đâu cũng lấy sự hành cước làm chính. Hễ có chỗ nghi, liền đối trước chúng mà quyết trạch, ngay dưới một câu thấy được rõ ràng. Vì tông Phật Tổ chỉ thẳng chẳng truyền, cùng các loài hữu tình mãi mãi đời sau, đồng đắc đồng chứng. Nếu chưa phải là chỗ bạc đầu, há mở suông hai miếng da môi ra nói Hồ nói Hán sao? ...
Sư khai thị như thế cũng đích đáng rõ ràng, tạo khí thế cho người. Chưa rõ cuối đời Sư thế nào!

58. HÒA THƯỢNG HÀ TỬ

Hòa thượng Hà tử (Tôm) tên Trí Nghiễm ở chùa Tĩnh Am, Hoa Ðình. Ngày rằm tháng Bảy, ngoài làng tổ chức lễ Vu Lan. Tăng chúng trong chùa được thỉnh đi gần hết, chỉ còn Sư ở lại chùa. Có cháu của thôn trưởng đến mời tăng, mà không có ai để mời, muốn kéo Sư đi, Sư bảo:
- Hãy về trước sắp đặt, ta sẽ đến sau.
Rồi lên thuyền đi. Giữa đường thấy người câu tôm. Sư bảo ghé lại mua một đấu, đòi nước mà ăn sống. Sư nuốt trọng không nhai. Ăn xong, bảo người bán tôm rằng:
- Ta đi dự đám, lúc về sẽ trả ông tiền.
Và hối chủ thuyền chèo mau kẻo trễ. Ðến làng, chủ thuyền nhịn không nổi, kể lại cho mọi người nghe. Chủ đám nghe được, khinh bỉ không mời ngồi mâm trên, trải chiếu xuống đất, có cơm mà không cúng dường để làm nhục. Sư vẫn tỉnh tuồng, vui vẻ nạp thọ. Lúc về, gặp người câu tôm, Sư cười nói:
- Xui quá! Hôm nay dự trai không có tiền, biết tính sao đây?
Người câu nói:
- Không tiền thì trả tôm lại cho tôi!
Sư đáp:
- Việc này dễ thôi!
Rồi đòi nước uống, mửa ra tôm sống đầy một đấu, đem trả lại. Mọi người lấy làm lạ, nhân đó gọi Hòa thượng Hà Tử.
Ðời Sư nhiều chuyện ly kỳ, những người ở bờ sông thường truyền tụng. Ðến lúc sắp tịch, Sư lượm cỏ bồ kết thành xâu hơn vạn dây, treo ở hiên nhà, nói với mọi người:
- Ta muốn gieo duyên với quí vị.
Bèn ngồi tịch. Mọi người tranh nhau đến cúng tiền, đầy hết các dây treo. Tiền này được dùng để xây dựng Phật Các ở trong chùa. Ðến nay, chùa vẫn được gọi là Ðạo Tràng Hà Tử.

59. TĂNG THANH TỦNG

Thanh Tủng người ở Phước Châu. Lúc đầu Sư tham vấn Thiền sư Pháp Nhãn. Pháp Nhãn chỉ mưa, bảo Sư rằng:
- Từng giọt, từng giọt rơi trong con mắt Thượng tọa.
Lúc ấy Sư không hiểu, sau đọc kinh Hoa Nghiêm mới ngộ được ý chỉ này. Nhân vào núi kiếm đất cất am, Sư đến Tứ Minh, lên cao xem bốn phía, ném một viên đá, nói:
- Ðá rơi chỗ nào, ta ở chỗ đó.
Rồi kết am. Ðến đời vua Trung Hiến Vương, vua nghe danh Sư mời về chùa Linh Ẩn, đặt hiệu là Thiền sư Liễu Ngộ.
Ma Ha Bát Nhã
Không phải thủ, xả
Nếu người chẳng hiểu
Gió lạnh tuyết rơi.
(Ma Ha Bát Nhã
Phi thủ phi xả
Nhược nhân bất hội
Phong hàn tuyết hạ).
Sư thuyết pháp như thế.
Một hôm vua xem kinh Hoa Nghiêm, biết ở Trung Hoa có núi Chi Ðề, Bồ tát Thiên Quan trụ ở đó. Vua bèn triệu tạp các vị kỳ đức ở các núi đến hỏi nhưng chẳng vị nào biết cả. Chỉ có Sư bảo rằng biết chỗ ấy rất rõ. Vua nói:
- Vậy nếu Sư không đi thì không ai đến được.
Rồi sai người cùng đi với Sư. Ðến mé biển, vết tích của cảnh Thánh hiện ra. Ði sâu vào núi ba ngày, bỗng nghe tiếng chuông ngân nga, có vượn trắng dẫn đường. Sư chí tâm đảnh lễ, thấy trong rừng rậm có một khoảng đất lớn, lầu các nguy nga, trên có biển đề chữ vàng: "Cảnh của Cổ Phật Ðại Hoa Nghiêm".
Sư vào chùa, thấy chúng tăng cả vạn người, ngàn vị Bồ tát, nghiễm nhiên ở trên, mùi hương lạ lan tỏa, hào quang chói lòa. Sư mặc tưởng chí thành, tùy hỷ trọn đêm. Ðến sáng, thấy mình vẫn ở giữa đám cỏ rừng, cảnh đã thấy chỉ là hóa cảnh. Sư về báo lại vua. Vua liền cho dựng chùa ở đấy, đúng như cảnh Sư đã thấy. Vua cho đúc tượng Thiên Quan ngàn thân đưa vào núi bằng thuyền. Ðến giữa dòng, sóng to gió lớn, thuyền nặng muốn chìm. Mọi người nhìn nhau không biết tính sao, bèn dìm một nửa tượng xuống nước. Nào ngờ nửa tượng này lại đến đất đó trước. Ðó là việc thật lạ lùng.

60. THƯỢNG TỌA HUỆ VIÊN

Thượng tọa Huệ Viên, họ Vu quê ở Toan Tảo, Khai Phong vốn làm nghề nông. Sau Sư xuất gia ở chùa Kiến Phúc, bản tánh chậm chạp, trì độn nhưng làm việc rất chăm chỉ, cẩn thận. Sư nghe Thiền đạo phương Nam rất hưng thạnh bèn xuất du đến chùa Ðông Lâm ở Giang Châu, bị tăng chúng trong chùa coi thường lắm. Một hôm Sư hỏi huynh đệ rằng:
- Thế nào là thiền?
Họ đùa:
- Ði hỏi xem! Cái gì kêu được là thiền (con ve)!
Sư không hiểu, bèn ngồi quay vào tường suy nghĩ mãi cứng cả lưng. Sau vài tháng, đi ra sân chùa, bỗng trợt chân té nhào, bèn khai ngộ. Sư nhờ một hành giả:
- Tôi không quen bút mực, muốn làm một bài tụng, nhờ ông viết giùm lên vách.
Hành giả cười bằng lòng. Ðề rằng:
Gặp lần này, gặp lần này!
Muôn lượng vàng ròng cũng tiêu ngay
Nón đội đầu, bao cột lưng,
Gió mát trăng trong đầu gậy quảy.
(Giá nhất giao, giá nhất giao.
Vạn lượng hoàng kim dã hợp tiêu
Ðầu thượng lạp, yêu hạ bao
Thanh phong minh nguyệt trượng đầu thiêu).
Ngay ngày đó Sư rời Ðông Lâm. Ðến khi Thiền sư Tổng thấy được bài kệ, giật mình nói:
- Có nạp tử chân tham đến đây! Kệ hay quá! Không thể thêm gì vào nữa!
Rồi cho người đi tìm, nhưng không ai biết Sư đã đi đâu.

61. NGÔN PHÁP HOA

Ngôn Pháp Hoa chẳng biết từ đâu đến, tướng Sư cổ quái, nói năng phóng khoáng, ẩn hiện không lường. Sư thường xăn quần vào chợ, hoặc có khi lấy tay vẽ trên không rồi đứng yên hồi lâu. Sư lại kết giao với bọn hàng thịt, ăn uống theo họ, đạo tục đều gọi Sư là Cuồng tăng.
Lúc Sư đến viện Thất Câu Chi ở chùa Cảnh Ðức. Thừa tướng Lữ Hứa Công hỏi về đại ý Phật pháp. Sư đáp:
- Xưa nay không một vật, nhất vị thảy đều chơn.
Tăng hỏi:
- Ðời có Phật không?
Sư đáp:
- Trong chùa có Văn Thù.
Hỏi:
- Sư là phàm hay Thánh?
Sư đưa tay lên nói:
- Ta không trụ nơi này.
Niên hiệu Chí Hòa năm thứ ba (1056), vua Nhân Tông ban đầu không được vui vì chưa có người nối ngôi. Thiên hạ buồn bã. Gián quan Phạm Trấn chủ trương làm một cuộc đại nghĩa, xin chọn người hiền trong hàng tôn thất, cho làm thái tử trong khi chờ đợi hoàng tử ra đời. Thông Phán Tinh Châu là Tư Mã Quang cũng nhân đó mà bàn, dâng sớ cho vua đến ba lần. Một đêm, vua thắp hương thầm khấn: "Ngày mai sẽ thiết trai ở điện Hóa Thành, kính thỉnh đại sĩ Pháp hoa đến dự, đừng chối từ.
Sáng sớm, vua sai Y Ngưng đứng đón. Lát sau, ông ta vào báo rằng sư Pháp Hoa đang vào cửa bên phải. Sư vào thẳng tẩm điện (phòng ngủ của vua), thị vệ hét đứng lại mà không được. Vua cười bảo:
- Sư đến theo lời trẩm thỉnh đó.
Sư leo luôn lên giường vua và ngồi xếp bằng, thọ trai xong bèn đi. Vua nói:
- Trẫm vì chưa lập được thái tử, đại thần bàn cố gắng kiếm con muộn, không biết có được không? Xin Sư định giùm việc này!
Sư đòi giấy bút, viết:
Thập tam, thập tam
Phàm số thập hành.
Rồi ném bút không nói thêm lời nào. Mọi người không hiểu nổi. Sau này Anh Tông lên ngôi . Vua là con thứ mười ba của An Hiển Vương, nghiệm lại đúng lời Sư đã viết.
***
Lữ Thần Công mong đúng vào ngày nhậm chức đốt sớ thỉnh Sư thọ trai. Sáng hôm sau Sư đến nhà ngồi. Công vừa bước ra, tự nghĩ không biết nên lễ hay không? Sư bèn kêu to:
- Già Lữ! Mau ra đây! Lễ cũng được, không lễ cũng được!
Lữ Công thất kinh bèn đến làm lễ. Thọ trai xong. Lữ Công hỏi việc vị lai thế nào? Sư viết hai chữ "Hào Châu".
Về sau nghĩ việc, đến Hào Châu mới rõ. trường hợp Thiên Y Nghĩa gặp Sư ở Cảnh Ðức. Sư vỗ lưng Nghĩa Hoài nói:
- Lâm Tế, Ðức Sơn đây!
Nghĩa Hoài nhân đó phấn khởi hành Thiền, Sư làm hưng thạnh đạo của Vân Môn, con cháu rõ ràng mới thấy lời Sư thật linh nghiệm.
Ngày 23 tháng 11 năm Canh Tý (1960), Sư thị tịch. Trước đó bảo với mọi người:
- Ta từ vô lượng kiếp đến nay, thành tựu rất nhiều quốc độ, phân thân hoàng hóa rộng rãi. Nay ta sẽ về phương Nam.
Nói xong nằm nghiêng bên phải mà tịch.
Có nơi nói: Sư họ Hứa quê ở Thọ Xuân. Ðến năm mười lăm tuổi, Sư dạo Ðông Ðô, xuất gia ở viện Câu Chi, qua lại giảng tứ rất lâu (nơi giảng kinh). Một hôm đọc ngữ lục Vân Môn, hốt nhiên khế ngộ, bèn được linh thông.
Hà Nam Chí nói: Chí Ngôn họ Hứa, từ Thọ Xương đến chùa Cảnh Ðức ở Ðông Kinh, bói việc cát hung cho người, viết chữ rất mau, nét cứng cỏi mạnh mẽ, thoạt xem khó hiểu, về sau ứng nghiệm. Ai dâng cúng thịt nem, Sư cũng ăn hết, đến sông mửa ra hóa thành cá nhỏ lội theo đàn. Khách đi biển gặp sóng gió sắp chìm, liền thấy Sư quăng dây kéo thuyền đưa đi. Ðến bến, khách bước xuống. Sư bảo rằng:
- Nếu không có ta, chẳng biết các ông ra sao!
Khách ghi nhớ dáng mạo của Sư chính là người đã dẫn thuyền. Sau Sư tịch, Nhơn Tống đem họa tượng chân thân của Sư thờ trong chùa, bảng đề Hiển Hóa Thiền sư.

62. HÒA THƯỢNG THIÊN TUẾ Ở TRUNG THIÊN TRÚC

Sư tên Bảo Chưởng, người ở Trung Ấn Ðộ. Ðời Ngụy Tấn, Sư đi về phương Ðông, tự bảo rằng mình đã sáu trăm bảy mươi ba tuổi, sanh vào đời Oai Liệt Vương nhà Chu năm thứ mười hai, tức năm Ðìnhh Mão. Lúc mới sanh bàn tay trái nắm chặt, gỡ ra có viên ngọc, nhân đó đặt tên. Ban đầu Sư đến Nga Mi, Ngũ Ðài rồi về phương nam đến Hành Lô; vào đất Kiến Nghiệp gặp Tổ Ðạt Ma ở triều Lương bèn hỏi đạo. Ngộ được vô sanh pháp nhẫn. Lương Vũ Ðế trọng vì tuổi đạo mời vào nội đình cúng dường. Chưa bao lâu Sư qua Ngô, thuật kệ:
Lương Thành ngộ đạo sư
Tham thiền rõ tâm địa
Phiêu linh dạo tam Triết
Khắp hết non nước đẹp.
Rồi đi thăm khắp danh sơn Lưỡng Triết, ưa thích cảnh Thiên Trúc đẹp đẽ, Sư liền cất am ở đến bốn mươi lăm năm. Rồi Sư đến Thiên Thai ở Tứ Minh, dạo khắp các danh sơn, du lịch nhiều nơi.
Niên hiệu Trịnh Quán thứ mười lăm (641) đời Ðường, Sư trở lại Trúc Phong. Khá lâu lại dời đến Bảo Nham, Phổ Giang. Niên hiệu Hiển Khánh thứ hai (657), ngày đầu năm, Sư bắt đầu đắp tượng, chín ngày hoàn thành, giống Sư như hệt. Xong, Sư bảo với đồ đệ:
-Ta ở tạm thế gian này ngàn năm. Từ lúc đến Trung Hoa, thấm thoát đã qua bốn trăm năm. Nay dư ra hết bảy mươi hai năm rồi.
Sư nói kệ xong liền tịch. Người đời gọi Sư là Hòa thượng Thiên Tuế. Sư có dặn rằng:
- Sau khi ta tịch, có vị tăng sẽ đến lấy xương ta, đừng cản.
Năm mươi bốn năm sau, trưởng lão Thích Phù đến đó làm lễ, cửa tháp mở ra, được xương của Sư, toàn bộ tỏa ánh sáng. Nhân đó Trưởng lão giữ lại làm một tháp khác để thờ, tôn Sư làm Thủy Tổ khai sơn ở Trung Trúc.
Tán rằng:
Người sống bao lăm
Sương sớm mất tăm
Sanh Chu đến Ðường
Vốn tạm thế thôi
Ðông đợi Ðạt Ma
Tâm ấn mới truyền
Ai bảo Phật pháp
Chỉ ở Ðông Thiên?
(Nhân thọ kỷ hà
Triêu lộ thệ xuyên
Sinh Chu, thiệp Ðường
Bổn tạm tắc nhiên
Ðông trì Ðạt Ma
Tâm ấn thủy truyền
Thục vân Phật pháp
Ðộc tại Ðông Thiên?)

63. THIỀN SU HOÀN TRUNGÐời ÐƯỜNG - Ở Núi ÐẠI TỪ

Sư tên Hoàn Trung, họ Lư, quê Bồ Phản, sanh ra dã có dị tướng, tiếng nói như chuông. Sư xuất gia tại chùa Ðồng Tử ở Tỉnh Châu, thọ tâm ấn với Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải, kết am tranh ở núi Nam Nhạc.
Một hôm Nam Tuyền đến hỏi:
- Thế nào là chủ trong am?
Sư đáp:
- Trời xanh, trời xanh!
Nam Tuyền nói:
- Trời xanh để đó, thế nào là chủ trong am?
Sư nói:
- Hội thì hội liền, chớ có nghĩ suy toan tính.
Nam Tuyền phất áo đi ra. Triệu Châu hỏi Sư:
- Bát Nhã lấy gì làm thể?
Sư nói:
- Bát Nhã lấy gì làm thể!
Triệu Châu cười to, bỏ đi.
Sáng hôm sau, Sư thấy Triệu Châu quét sân, bèn hỏi:
- Bát Nhã lấy gì làm thể?
Triệu Châu bỏ chổi, vỗ tay cười to. Sư liền về phương trượng.
Sau Sư trụ núi Ðại Từ ở Triết Giang, thượng đường dạy chúng rằng:
- Sơn tăng không biết đáp câu hỏi, chỉ hay biết bệnh.
Lại nói:
- Nói được một trượng, chẳng bằng hành một tấc.
Lúc người học quá đông, trên núi thiếu nước, Sư định dời chỗ. Ðêm mộng thấy thần nhân báo rằng:
- Xin Ngài chớ lo điều chi! Tôi sẽ sai đồng tử nhỏ ở Nam Nhạc đào suối để Sư dùng.
Sáng mai, thấy hai con cọp dùng móng bới đất, nước tự phun lên, ngọt như mạch nha. Có tăng từ Nam Nhạc đến nói:
- Tiểu đồng tử! Suối cạn vậy!
Do đó Ðông Pha có đề thơ rằng:
Tháp đá sừng sững trên đỉnh Ðông
Lão này mới đến, trăm thần mong
Hổ đời miệng suối cúng hành khước
Rồng làm hoa sóng dâng chân tăng
Ðến nay du nhân tắm rửa xong
Nằm nghe tiếng vang của diệu không
Nên biết lão này truyền như thế
Chớ nghĩ đến đi như nhân gian.
(Ðình đình thạch tháp đông phong thượng
Thử lão sơ lai bách thần ngưỡng
Hổ di tuyền nhãn sấn hành khước
Long tác lãng hoa cung vũ chưởng
Chí kim du nhân quán trạc bãi
Ngọa thinh không giai hoàn âm hưởng
Cố tri thử lão như thử truyền
Mạc tác nhân gian khứ lai tưởng).
Ngày 15 tháng 3 niên hiệu Hàm Thông thứ ba (862), Sư không bệnh mà tịch, thọ 83 tuổi, 54 tuổi hạ. Vua Y Tông ban thụy là Ðại Sư Tánh Không, tháp là Ðịnh Huệ.
Tán:
Tu hành chân thật
Tâm ngộ không bờ
Nam Tuyền, Triệu Châu
Ðối đáp nêu cao
Ở chốn hàn tuyền
Hổ đến giúp nhau
Ðức này cảm đấy
Gió mát trời trong.
(Lý tiễn chân thật
Tâm ngộ vô tế
Nam Tuyền, Triệu Châu
Kích dương thù đối
Cư chi hàn tuyền
Hổ bào dĩ tế
Duy đức tư ảnh
Phong thanh nhật lệ).

64. ÐẠI SĨ HẢI VÂN

Ấn Giảng người Ninh Viễn, Phong Cốc, Sơn Tây, họ Tống con của Vi Tử. Sư sanh niên hiệu Thái Hòa năm Nhâm Tuất đời Kim (1202), nhân phẩm cao quý, khôi vĩ. Thuở nhỏ Sư thông minh đỉnh ngộ. Năm bảy tuổi cha đưa chương Khai Minh Tông Nghĩa của Hiếu Kinh cho xem. Sư hỏi:
- Khai là tông gì? Minh là nghĩa gì?
Cha kinh dị, biết không phải là người thường, bèn đưa Sư đến thăm ngài Truyền Giới Nhan Công. Nhan Công muốn xem căn khí của Sư, mới trao bài Thảo Am Ca (Thảo Am Ca của ngài Thạch Ðầu Hy Thiên) cho Sư đọc. Ðến chỗ "Hoại cùng chẳng hoại, chủ vẫn đó". Sư hỏi rằng:
- Chủ ở đâu?
Nhan Công hỏi lại:
- Chủ nào?
Sư thưa:
- Người lìa hoại và bất hoại.
Nhan Công bảo:
- Ðây là khách vậy!
Sư nói:
- Chủ đấy!
Nhan Công trầm ngâm rồi thôi.
Sư tìm đến lễ ngài Trung Quán Chiểu Công làm thầy. Năm mười một tuổi, được thọ đại giới. Thượng tọa Hồng Ngạn mới hỏi Sư rằng:
- Nay thọ đại giới rồi, vì sao mà làm tiểu tăng?
Sư đáp:
- Vì tăng nhỏ nhưng giới lớn.
Sư hỏi thử lại:
- Thượng tọa giới lớn hay nhỏ.
Ðáp:
- Thân tôi dĩ nhiên đã già.
Nói chưa dứt lời, Sư lớn tiếng nói:
- Ðừng phân biệt nữa!
Một hôm Thượng tọa sai tăng đi ra ngoài. Sư vỗ lưng tăng, đợi vị tăng này quay đầu trở lại, Sư giơ một ngón tay lên. Tăng theo đó vỗ lưng Sư, Sư cũng giơ một ngón tay lên. Thượng toạ rất ngạc nhiên.
Năm mười hai tuổi, ngài Trung Quán nghe Sư tham vấn, bèn dạy:
- Hãy ngừng mọi tâm muốn biết về văn tự ngữ ngôn. Chỉ để tâm như cây cầu, như tro nguội. Hết sức dụng công cho thuần thục, ngộ giải cho chân thật. Một phen chết hẳn (đại tử), sạch mọi tập khí dư thừa. Ðến thời tiết đó tự nhiên rõ biết, lại cùng ta gặp gỡ. 
Sư kính cẩn nghe dạy.
Một hôm Sư theo ngài Trung Quán đi, Trung Quán hỏi:
- Thiền sư Pháp Ðăng nói: "Xem việc nhà người rộn ràng hãy nói nương sức ai?" Ông làm sao hội?
Sư liền kéo tay Trung Quán. Trung Quán bảo:
- Tên dã hồ tinh này!
Sư thưa:
- Vâng, vâng!
Năm mưòi ba tuổi, vua Thành Cát Tư Hãn thống trị thiên hạ, Sư ở Ninh Viễn, ngoài thành bị bao vây, nhiều người xúi Sư để tóc. Sư bảo:
- Nếu theo phép nước, thì mất tăng tướng.
Bèn giữ như cũ.
Năm mười tám tuổi, quân Nguyên lại chiếm Nam Thành. Tứ chúng giải tán, chạy trốn. Một mình Sư ở lại hầu ngài Trung Quán. Trung Quán nói:
- Ta tuổi đã già, con còn trai tráng. Ngày nay vàng đá đều bị đốt hết, thì có ích gì? Con nên đi đi!
Sư khóc thưa:
- Nhân quả không sai, sống chết có mạng. Làm sao con bỏ Thầy mà cầu thoát thân được? Nếu thoát được, cũng chẳng xứng làm người.
Trung Quán thấy Sư tâm thành, dặn dò:
- Ông có nhân duyên lớn ở Sóc Mạc. Ta với ông cùng đến phương Bắc vậy.
Hôm sau thành bị hạ. Nguyên soái Sử Thiên Trạch trông thấy Sư, tức giận hỏi:
- Ngươi là ai?
Ðáp:
- Tôi là Sa môn.
Sử hỏi:
- Có ăn thịt không?
Hỏi:
- Thịt gì?
- Thịt người.
Sư bảo:
- Người không phải thú vật. Thịt cọp beo còn chẳng nên ăn, huống gì là thịt người.
Sử Thiên Trạch nói:
- Ngày nay, ngươi ở dưới mũi thương của quân lính, có thể toàn mạng được sao?
Sư đáp:
- Ắt phải nhờ cậy Ngài giúp đỡ.
Sử Thiên Trạch rất hài lòng.Lại có Nguyên soái Lý Thất Ca hỏi:
- Ông đã làm tăng, vậy thuộc thiền hay giáo?
Sư đáp:
- Thiền giáo đều là lông cánh của tăng, như nước dùng người phải gồm cả văn võ.
Lý nói:
- Ðúng rồi, nhưng ông theo bên nào?
Sư nói:
- Chẳng theo cả hai.
Lý hỏi:
- Ông là gì?
- Thầy chùa.
Rồi tiếp:
- Thầy tôi cũng đang ở đây.
Hai vị này thấy Sư còn nhỏ tuổi mà chẳng sợ sệt, ứng đáp khác thường, liền cùng nhau đến gặp ngài Trung Quán. Nghe ngài chỉ dạy chí thiết, bèn rất vui vẻ thưa:
- Có cha này phải có con này vậy.
Rồi lễ Trung Quán làm thầy và cùng Sư kết nghĩa đá vàng.
Ðến đây, Quốc vương ban ân lớn, mời về viện Hương Tuyền, Hưng An, ban hiệu ngài Trung Quán là Từ Vân Chính Giác Ðại Thiền Sư, còn Sư là Tịch Chiếu Anh Ngộ Ðại Sư, mọi nhu yếu đều do quan chu cấp. Khi ngài Trung Quán thị tịch. Sư khất thực rồi về canh tháp cho Ngài. Một hôm nghe trên không có tiếng kêu tên mình, Sư chợt tỉnh, bèn dời về ở đạo viện Tam Phong. Lại hỏi Người, Người nói:
- Việc con muốn thành, nên đi chớ trệ ở đây.
Tờ mờ sáng, Sư về Yến Kinh. Qua Tùng Phô mắc mưa, phải núp dưới núi. Nhân sấm chớp mà đại ngộ. Sư tự rờ lên mặt nói:
- Hôm nay mới biết mày ngang mũi dọc, mới tin lời các lão Hòa thượng trong thiên hạ chẳng mê hoặc người.
Trước đây lúc ngài Trung Quán sắp tịch, Sư hỏi:
- Con nên nương theo ai để rõ việc lớn này?
Trung Quán bảo:
- Nương Khánh Tám Mươi!
Sư đến Yến Kinh vào chùa Ðại Khánh Thọ, mới tin lời ngài Trung Quán nói. Sư đến yết kiến lão nhân Trung Hòa Chương Công. Trước đó một hôm, lão nhân đêm mộng thấy một dị tăng cầm gậy đến phương trượng ngồi lên tòa sư tử. Hôm sau Sư đến, Trung Hòa cười bảo: 
- Người này đúng là người đêm qua đến mộng của ta.
Sư hỏi:
- Con không đến mà đến, làm thế nào gặp nhau?
Trung Hòa nói:
- Tham nên thực tham, ngộ nên thực ngộ. Chớ đánh chồn rừng!
Sư nói:
- Con nhân sấm chớp tơi bời, mới biết mày ngang mũi dọc.
Trung Hòa bảo:
- Chỗ này thì ta khác.
Sư hỏi:
- Thầy thế nào?
Trung Hòa nói:
- Răng là một miệng xương, tai là hai miếng da.
Sư thưa:
- Nên nói riêng có.
- Lầm!
Sư hét:
- Giặc cỏ đại bại!
Trung Hòa bèn thôi. Ngày sau, Trung Hòa lại đưa chuyện: "Thủ tọa lưỡng đường cùng hét" của Lâm Tế. Sư đưa nắm tay đấm một cái. Lúc ấy Trượng đường chấn động, Trung Hòa ấn ký cho Sư.
Lúc xuất thế, Sư thường ngồi đại đạo tràng theo lời mời của Thái sư, Quốc vương cùng các trọng thần. Trong thất, Sư thường dùng bốn lời "vô y" để khám nghiệm người học, chẳng ai đương nổi. Một hôm, Sư gặp vài vị tăng dưới hiên, liền hỏi mà không người khế hợp, Sư bèn đánh. Ðến vị cuối cùng, Sư hỏi:
- Ông đi đâu đây?
Tăng thưa:
- Tìm Hòa thượng.
- Tìm ông ta làm gì?
- Ðể đánh đau một trận.
Sư hỏi:
- Lấy cái gì đánh?
Tăng nhìn quanh nói:
- Không đem gậy theo!
Sư bèn đánh bốn roi nói:
- Cái tên đánh rỗng này!
Chúng bỏ chạy. Sư gọi lại:
- Các Thượng tọa!
Mọi người quay dầu. Sư bảo:
- Là cái gì?
***
Tháng Giêng, năm Ðinh Dậu, Sư được ban thêm hiệu Tiên Thiên Trấn Quốc Ðại Sĩ. Mùa Ðông năm Kỷ Hợi, Sư vâng mệnh làm trụ trì chùa Ðại Khánh Thọ. Năm Nhâm Dần, vua Hốt Tất Liệt mời Sư đến dưới trướng hỏi về đại ý Phật pháp. Vua rất vui, theo Sư thọ Bồ tát giới. Nhân đó Sư tâu rằng:
- Trong pháp Phật, bàn về việc Miếu Ðường, trong phẩm Vương Pháp Chính Luận có nói rõ, không khó không dễ, chỉ sợ vua không thể làm hết. Vua nên gặp các bậc đại hiền, thạc nho trong thiên hạ hỏi việc trị loạn, hưng vong xưa nay, có chỗ nên nghe vậy.
Vua vui lắm, ban cho Sư áo hoa dát châu, một đại y bằng kim tuyến không cần may, cung phụng Sư theo lễ thầy trò. Lúc sắp từ biệt vua, vua hỏi:
- Phật pháp từ đây thọ trì thế nào?
Sư nói:
- Lòng tin khó sanh, tâm Bồ đề khó phát, nay vua đã phát sanh được, cần phải hộ trì chuyên nhất chẳng quên. Không nên thấy lỗi của Tam Bảo, hằng nhớ sự bất an của dân chúng, khéo vỗ về họ, thưởng phạt cho rõ ràng. Ngài nên chấp chánh vô tư, nghe theo người hiền, nhận lời can gián. Trong mọi lúc, tất cả việc làm của Ngài sẽ thuận theo Phật pháp vậy.
Sư đi rồi, có một số người ác buông lời chê bai Phật pháp. Vua hạch tội họ và gia đình, đồng thời sai sứ báo cho Sư hay. Sư tâu lại:
- Gương sáng trên đài, tốt xấu tự hiện, mũi thần trong tay, thưởng phạt vô tư, cần được chánh niệm hiện tiền, có thể giết tà kiến, ngoại ma, nhưng nhà vua nên lấy lòng khoan thứ mới phải.
Vua càng thêm kính phục mời Sư về làm Tăng thống ban cho muôn lượng bạch kim. Nơi chùa Hạo Thiên, Sư lập hội lớn để cầu phước cho đất nước.

Hoàng đế Mông Ca lên ngôi lưu tâm mọi việc. Mùa hạ năm Bính Thìn (1256), Húc Oai Liệt Vương, ban cho gậy vàng, ca-sa kim tuyến, xin Sư dùng pháp ngữ khai thị. Tháng bảy, Sư họp các kỳ cựu, chọn vài vị tài giỏi, để coi sóc việc sau. Mùa hạ năm Ðinh Tỵ (1257), nói kệ xong, Sư bảo:
- Các ông chớ ồn náo, ta muốn nằm nghỉ.
Thị giả vội vàng kêu người chủ sự đến. Sư nằm theo thế kiết tường nhẹ nhàng mà tịch, thọ 56 tuổi. Trà tỳ được xá lợi vô số. Vua Hốt Tất Liệt xây tháp ở chùa Ðại Khánh Thọ, ban hiệu là Phật Nhật Viên Minh Ðại Sư, dòng Lâm Tế đời thứ mười sáu.

65. TUYỀN ÐẠI ÐẠO

Cốc Tuyền, người Tuyền Nam, lúc nhỏ rất thông minh, nhưng ăn ở nhơ bẩn, nói năng lớn lối, thiếu khiêm nhường, không ai ưa. Ông bỏ nhà làm Sa môn, mà không giữa giới luật, làm theo ý mình, tăng chúng gai mắt nên hễ Sư vào tòng lâm là bị đuổi đi, Sư cũng chẳng bận tâm. Sư đến Phần Dương, ngài Thiện Chiêu lấy làm lạ, ngầm thọ ký. Sư lại trở về Nam, sống phóng lãng, qua lại đôi lần trong vùng Hồ Tương, đến Ðạo Ngô gặp Từ Minh. Ở Ðạo Ngô có ao, độc long ẩn dưới đó. Dù chỉ lá rụng thôi, sóng cũng dấy động, rồi mưa giông sấm sét suốt ngày. Ði qua ao này không ai dám thở. Buổi chiều, Sư cùng Từ Minh trở về. Trời thu nóng bức, Sư nắm áo Từ Minh rủ:
- Dám tắm không?
Từ Minh giựt tay áo lại bỏ đi thẳng. Sư cởi áo nhảy xuống ao, sấm sét nổi dậy, gió tanh thổi đến, mưa như trút nước, cây cối ngã rạp. Từ Minh ngồi trong đám cỏ, nghĩ bụng Cốc Tuyền chắc chết. Lát sau mưa tạnh chợt thấy Sư trồi đầu lên thở khì.
Sau Sư trụ Nam Nhạc, hang Lại Toản. Rồi dời về am Ba Tiêu, rồi đến am Bảo Chân. Sư đề thơ trên vách Ba Tiêu rằng:
Am Ba Tiêu ta đây
Ẩn sau lớp lớp mây
Cảnh lạ quanh co chưa rảnh đếm
Trước thấy từng nhỏ ba bốn cây
Lạnh đến đốt sam khô
Ðói ăn củ khoai bự
Nay mà bỏ nó đi
Không biết ai đến ở?
(Dư thử Ba Tiêu am
U chiếm đôi vãn xứ
Bàn bàn dị cảnh vị hạ sổ
Tiên khán ải tùng tam tứ thọ
Hàn lai thiêu khô sam
Ngạ san đại tử dụ
Nhị kim khí chi khứ
Bất truy lai trụ).
Sư trụ Bảo Chân, đêm ngồi dưới ngọn Chúc Dung, bị một con trăn lớn quấn quanh mình. Sư lấy dây lưng cột ngang mình nó. Sáng ra chống gậy đi tìm, thấy dây lưng treo trên ngọn tùng, té ra tùng thành yêu. Sư thường đến huyện Hành Sơn, thấy hàng thịt đang xẻ thịt, liền đứng cạnh, điệu bộ thiểu não, chỉ thịt rồi chỉ vào miệng mình. Ðồ tể hỏi:
- Ông câm hả?
Sư gật đầu. Ðồ tể tội nghiệp cắt một miếng thịt bỏ vào bát Sư. Sư vui vẻ đi ra, rồi ngoái vào cảm ơn. Cả chợ đều cười ồ lên, Sư vẫn thản nhiên, treo bầu rượu lớn đầu gậy vào núi. Gặp người hỏi trong bầu có gì? Su trả lời:
- Tương đại đạo.
Rồi làm kệ:
Ta lại quản gì trời của anh,
Quản gì đất của anh,
Khoác cái áo giấy rách,
Cứ việc nằm ngủ khò.
Mặc kệ mặt trời lên phương Ðông,
Mặt trăng lặn phương Tây,
Vinh nhục ăn thua gì đến ta.
Hưng vong chẳng dính dáng
Một cây trụ trượng,
Một bầu hồ lô.
Chạy hết núi Nam qua núi Bắc
Nuôi một đầy tớ tên Ðiều Cổ (con trâu thuần)
Ta sai lượm củi, múc nước suối,
Hoặc gọi ngồi cùng trong núi đá.
Tặng hắn bài kệ rằng:
Ta có sơn đồng tên Ðiều Cổ,
Không tụng kinh, chẳng lễ Tổ.
Biết đốn cây ngừa đông lạnh
Áo quần tùy phận rách chẳng vá.
Biết trồng rau, hay cắm khoai
Ngàn núi muôn núi đi chẳng sợ
A ha ha!! Có chỗ yên ổn nào hơn nữa?
(Ngã hựu thùy quản nễ thiên
Thùy quản nễ địa,
Trước cá phá chỉ áo
Nhất vị công đả thùy
Nhất nhâm kim ô đông thượng
Ngọc thố tây đọa,
Vinh nhục hà dự ngã
Hưng vong bất tương quan
Nhất điều trụ trượng,
Nhất hồ lô gian
Tẩu nam Sơn dữ Bắc Sơn
Súc nhất nô danh Ðiều Cổ
Tự linh thập tân cấp giản
Hoặc hô đối tọa nham thạch gian
Tặng chi dĩ kệ viết:
Ngã hữu sơn đồng danh Ðiều Cổ
Bất tụng kinh, bất lễ Tổ
Giải bàn cốt đốt ngữ đông hàn
Tuỳ phận y thường phá bất bổ
Hội tài sơ, năng chủng dụ
Thiên sơn vạn sơn khứ vô cụ
A ha ha!
Hữu thậm thảo xứ ỷ?)
Có thượng tọa đến tham vấn hỏi:
- Am chủ ở đâu?
Sư hỏi:
- Ai đó?
Ðáp:
- Tăng hành khước.
Hỏi:
- Ðến làm gì?
- Lễ bái am chủ.
- Vừa lúc am chủ không có nhà.
- Chính là Ngài mà!
Sư bảo:
- Ðã nói không có nhà mà còn nói cái gì là ngài với ngày ...
Rồi vác gậy đuổi ra. Ngày kế ông lại đến, cũng bị đuổi ra. Một hôm lại đến, Sư nắm đứng lại hỏi:
- Chỗ ta ở đây, đầy phẩn tiểu của cọp beo qua lại. Con quỷ này ba lần đến, hai lần đi, ông muốn gì?
Tăng thưa:
- Người ta bảo am chủ từng thân gặp Phần Dương, nên tôi đến tìm.
Sư hớn hở cởi áo nói:
- Ông bảo ta đã gặp Phần Dương, xem có gì kỳ đặc không?
Sau Sư gặp Từ Minh, làm kệ rằng:
Xa nhau đã nửa năm,
Biết còn ai chuyện thiền với tôi!
Tương Sơn một dãy vời
Ông nuôi đồ chúng, tôi vùi giấc say.
(Tương biệt nhi kim hựu bán niên
bất tri thủy cộng đối dàm thiền!
Nhất ban tú sắc Tương Sơn lý
Nhữ tự khuông đồ, ngã tự miên).
Tự Minh cười mà thôi, rồi sai Nam Công (Huệ Nam) lại gặp Sư. Hai bên trò chuyện, Nam Công kinh hãi nói:
- Khắp trong năm châu mới có được đạo nhân méo này chăng?
Khoảng niên hiệu Gia Hựu, Sư vì người sàm báng nên đang ở Kinh Do, Thanh Tằng bị bắt giam vào ngục ở Xâm Châu. Trời nóng nực, Sư phải gánh đất, qua ngã tư đường. Sư buông gánh xuống nói:
Sáng nay 6 tháng 6
Cốc Tuyền bị bỏ cuộc
Không phải lên thiên đường
Ắt là xuống địa ngục.
(Kim triêu lục nguyệt lục
Cốc Tuyền bị chí khúc
Bất thị thướng thiên đường
Tiện thị nhập địa ngục).
Nói xong cười nhẹ, thản nhiên thoát xác. Trà tỳ xá lợi đếm không nổi. Người đất Xâm dựng khám thờ. Sư thọ 94 tuổi.

66. ÐỒ ÐỘC SÁCH

Sư tên Trí Sách, họ Trần ở Thiên Thai, tự hiệu là Ðồ Ðộc Nham Chủ. Sư thông minh đỉnh ngộ khác thường, phong cách cao vời, có chí xuất trần. Năm mười sáu tuổi, Sư cạo tóc, học tập kinh luật, thông suốt nghĩa lý hơn hẳn mọi người. Năm mười chín tuổi, Sư đến chùa Quốc Thanh, yết kiến ngài Tịch Thất Quang, hốt nhiên được tỉnh ngộ. Ngài Tịch Thất hứa khả cho Sư và nói với các Trưởng lão trong tòng lâm rằng không ai vượt qua nổi Sư. Ngài Vô Thị ở chùa Dục Vương, ngài Ðại Viên ở chùa Vạn Thọ là những bậc danh đức một thời đều kính phục Sư. Ðại Viên nói:
- Thợng nhơn Trí Sách là người "không dũa gọt mà đẹp, không cần đỡ mà thẳng".
Khi Sư từ giã, Ðại Viên đưa ra cửa, vỗ lưng Sư nói:
- Bảo sở gần đây, thành này chẳng thực.
Sư gật đầu. Sư đến Dự Chương yết kiến ngài Ðiển Ngưu, Vân Cư ở Dạo Do, đường bị tuyết lấp dầy, Sư phải ở lại bốn mươi hai ngày. Một hôm nghe tiếng bảng trưa. Su hoát nhiên đại ngộ. Ngài Ðiển Ngưu ấn khả rằng:
- Ông thật xuất cách, siêu vượt Phật Tổ, ngày sau dựng lập tông môn, chỉ cần một con lân như thế là đủ rồi. Sư Chơn Tịnh nếu còn, thấy ông cũng bái phục.
Ðiển Ngưu cơ biện cao vút, chẳng ai chạm nổi mũi nhọn này. Sư cùng Ngài bình uận kim cổ như gió cuốn suối tuôn, người nghe hết lòng khâm phục.
Sư từ biệt Ðiển Ngưu, cất am ở phía Tây sông Hoài. Khi ngài Ðại Viên dời về Ðại Khê, Sư được mời làm Ðệ nhất tòa. Sư hay đến phương trượng thăm hỏi, có hôm thấy Ðại Viên buồn bã gục đầu chẳng nói, Sư hỏi:
- Sao Thầy buồn vậy?
Ðại Viên nói:
- Chúng tuy đông đảo như hội Tuyết Phong, Quy Sơn mà toàn là những người nói chuyện trời đất, thành ra không có người kế thế. Ý ông thế nào?
Sư thưa:
- Tham học chỉ sợ không có gốc. Nếu có gốc rồi thì thuyết pháp cho tượng đất cũng bằng các bậc cao sơn khắp nơi.
Ðại Viên than;
- Con ta tri thức hơn người. Vị rượu ngon, canh ngọt không phải hạng tầm thường biết được.
Sư quay về phương Ðông, phân tòa ở chùa Quốc Thanh. Ngài Thử Am Nguyên Phương ở chùa Hộ Quốc nói với Sư rằng:
- Ông trở về đây như ngọn Tam Sơn (ba ngọn núi) to lớn, hay như ngọn hải triều.
Sư xuất thế ở chùa Phổ Trạch tại Hoàng Nham, vì ngài Ðiển Ngưu mà thắp hương. Sau trải qua các nơi như Thái bình ở Thai Châu, Tường Phủ ở Cát Châu, Ðẳng Từ ở Việt Châu và Ðại Năng Nhơn, Sư đến chỗ nào đạo pháp chỗ ấy hưng thạnh. Cuối cùng Sư trở về Hộ Quốc Hoa Tạng, đến ở Kính Sơn. Tuy đã già, Sư vẫn cố gắng hành Tổ đạo, chúng đông hơn ngàn người.Sắp tịch, Sư gọi môn nhơn đến dặn dò hậu sự, rồi nói:
- Các ông làm văn tế cho ta nghe!
Sư sửa áo ngồi nghe, đến chỗ"Thượng hưởng". Sư trợn mắt cười. Qua hai ngày sau, Sư an nhiên thị tịch, thọ bảy mươi sáu tuổi, sáu mươi tuổi hạ. Môn nhân xây tháp thờ toàn thân Sư ở chân núi Ðông Võng. Sư tánh tình ngay thẳng, cư xử nói nín nghiêm túc như thế, đặc biệt không thích giao du phù phiếm, kính mộ người lành, bằng không thì dù thân thích cũng tuyệt nhiên không tiếp xúc. Sư thuyết pháp độ người, quang minh lỗi lạc nổi tiếng một thời. Người ngưỡng vọng Sư mà hướng về như mây ùn, sóng bủa. Họ mong được gần gũi, nói cười một lần với Sư, cũng lấy làm hân hạnh.
Thực là bến bờ trong đời mạt pháp, rất hiếm hoi vậy!

67. THÁI ÚY LỮ HUỆ KHANH Thời NGŨ TỔ PHÁP DIỄN

Thường quán pháp giới Hoa Nghiêm. Nhân ngày rảnh rỗi, dạo núi Ngũ Ðài. Chợt mây mù bốn phía nổi lên, gió giông, sấm chớp, tiếng mưa chấn động núi rừng. Khanh khiếp sợ. Giây lát, trời mưa hơi ngớt, thấy một Ðồng tử áo vá, trùm tóc mà đến, tay cầm kinh đến hỏi:
- Quan nhân tìm gì ở đây?
- Mong gặp Ðại sĩ.
- Muốn gặp làm gì?
- Thường xem kinh Hoa Nghiêm, ý chỉ rất sâu rộng. Tôi muốn mong Ðại sĩ giảng dạy diệu giải. Ngõ hầu kinh điển được lưu hành, người có đại tâm được khai ngộ.
- Diệu ý của chư Phật rất giản dị minh bạch. Bậc Tiên Ðức chú giải có thể hiểu, như một phẩm Thập Ðịa, văn giải thích chẳng quá vài trang giấy. Ngày nay người ta chú giải loạn xạ gần trăm quyển, càng cách xa ý Thánh. Thật có thể nói phá nát đại đạo.
- Ðồng tử mặt mũi như thế mà dám quở trách tiền bối sao?
Ðồng tử cười nói:
- Quan nhân lầm rồi. Ở đây một ngọn cây, một cọng cỏ đều là cảnh giới Văn Thù. Ngay chỗ xúc sự hàng ngày của ông không bị mê mờ, đó thật là Văn Thù.
Khanh liền xuống lễ bái, vừa đứng dậy. Ðồng tử hiện thân Ðại sĩ, cưỡi sư tử ẩn hiện trong mây mà tan.

68. NAM AN VÂN PHONG tự VIÊN

Ðạo Viên, Người Nam Hùng, tánh tình thuần hậu. Thuở trẻ Sư đi du phương, tuy tham vấn nhiều nơi mà vẫn chưa thấu triệt. Sau Sư nghe danh Thiền sư Nam ở am Tích Thúy núi Hoàng Bá đến nương.
Một hôm, Sư đang ngồi yên dưới bảng, nghe hai ông tăng đưa ra nhân duyên Bách Trượng Dã Hồ.
Một tăng nói:
- Chỉ như "Không mờ nhân quả" cũng chưa thoát khỏi thân dã hồ.
Tăng kia lên tiếng:
- Thế thì "Chẳng rơi nhân quả" cũng từng đọa vào thân dã hồ sao?
Ðạo Viên sợ hãi, lạ lùng, bất giác đứng dậy khỏi am. Sư đi qua khe suối hốt nhiên đại ngộ. Gặp Nam Công, Sư trình bày mọi sự, nói chưa xong lệ đã tràn đầy má. Nam Công bảo hầu bên giường, Sư vùi xuống ngủ, thức dậy làm kệ:
Chẳng rơi, chẳng mờ
Chẳng tục vốn không úy kỵ
Trượng phu chí khí như vua
Ðâu chịu túi che, mền đậy.
Một cây lang lật mặc tung hoành
Chó rừng nhảy vào bầy sư tử.
(Bất lạc, bất muội
Tăng tục bốn vô kỵ húy
Trượng phu khí trụ như vương
Tranh thọ nang tàng bị cái
Nhất điều làng lật nhậm tung hoành.
Dã hồ khiêu nhập kim mao đội).
Nam Công cười to. Về sau, Sư lại làm bài kệ "Gió, phướn" như sau:
Chẳng phải gió hề chẳng phải phướn
Mây trắng như xưa che núi xanh
Năm đến lão già đà hết sức
Trong lúc lăng xăng trộm chút nhàn.
(Bất thị phong hề bất thị phan,
Bạch vân y cựu phú thanh san
Niên lai lão đại hồn vô lực
Thu đắc mang trung ta tử nhàn).
Lão nhân Vân Am thường sớ giải hai bài kệ này, hết lời khen ngợi, bảo rằng cơ phong của Sư không kém ngài Anh Thiệu Vũ. Sau Sư xuất thế ở chùa Ðại Dữu Vân phong. Không biết cuối đời Sư ra sao.

69. THƯỢNG TỌA THÁI NGUYÊN

Thượng tọa Thái Nguyên Phù, lúc đầu ở chùa Quang Hiếu Dương Châu. Sư giảng kinh Niết Bàn, hôm ấy có Thiền giả bị tuyết cản trở phải ở lại vùng này, nhân vậy đến nghe Sư giảng, đến chỗ "Tam nhân Phật tánh, tam đức Pháp thân". Sư bàn rộng về diệu lý Pháp thân. Vị thiền giả phá ra cười. Sư giảng xong, mời Thiền giả uống trà và thưa:
- Tôi vốn chí hẹp hòi, cứ y văn mà giải nghĩa. May nhờ Ngài thấy được mà cười. Mong Ngài chỉ dạy.
Thiền giả nói:
- Sự thật tôi cười vì tọa chủ không biết Pháp thân.
Sư thưa:
- Tôi hiểu như thế có chỗ nào không đúng?
Thiền giả nói:
- Mời Tọa chủ nói lại một lượt đi!
Sư bảo:
- Lý Pháp thân như bầu thái hư, dọc suốt ba đời, ngang trùm mười phương, cuốn gọn tám cực, bao quát âm dương, tùy duyên cơ cảm, không đâu chẳng khắp.
Thiền chủ nói:
- Không phải tôi bảo Thầy nói không đúng. Nhưng đó chỉ nói được bên cạnh Pháp thân, chứ thực chưa hề biết Pháp thân.
Sư nói:
- Ðã thế, xin Thiền đức cho tôi được nghe.
- Nhưng liệu Tọa chủ có chịu tin chăng?
- Tôi đâu dám chẳng tin.
Thiền giả nói:
- Tọa chủ thử ngưng giảng một tuần, đóng cửa ngồi yên, thu nhiếp tâm niệm, các duyên thiện ác một lúc buông hết.
Sư theo lời khuyên, từ đầu hôm đến canh năm, nghe tiếng đánh trống, hốt nhiên khế ngộ. Sư liền đến gõ cửa Thiền giả. Thiền giả hỏi:
- Ai đó?
Sư thưa:
- Tôi đây!
Thiền giả quát:
- Tôi bảo ông chuyên trì đại giáo, thay Phật thuyết pháp, sao giờ giữa đêm lại nằm say sưa giữa đường vậy?
Sư thưa:
- Thiền đức ! Từ trước đến giờ, tôi giảng kinh đều lấy lỗ mũi của cha mẹ sanh ra. Từ nay về sau, tôi trọn không dám thế nữa.
Thiền giả nói:
- Ông đi đi! Bữa khác gặp!
Sư bèn bãi giảng, đi khắp các nơi, danh vang khắp chốn. Sư dạo khắp vùng Chiết Giang, lên pháp hội Kính Sơn. Một hôm Sư đến trước đại Phật điện. Có tăng hỏi:
- Thượng toạ đã từng đến Ngũ Ðài chưa?
- Rồi.
- Có thấy Ngài Văn Thù chăng?
- Thấy.
- Thấy Ngài ở đâu?
- Thấy trước điện Phật ở Kính Sơn.
Vị tăng này sau đến Mân Châu, kể lại cho Tuyết Phong, Tuyết Phong nói:
- Sao chẳng bảo ông ta lại đây!
Sư nghe được liền đến. Vừa đến chân núi, Sư dừng nghỉ ở nhà nghỉ (giải viện), lấy cam chia cho mọi người. Trường Khánh hỏi:
- Ðem từ đâu đến?
Sư đáp:
- Từ ngoài núi.
- Lặn lội xa xôi, gánh được đến đây không phải dễ.
Sư kêu lên:
- Cam, cam!
Ngày hôm sau Sư lên núi, Tuyết Phong hay tin bèn nhóm chúng. Sư lên pháp đường quay nhìn Tuyết Phong, rồi nhìn xuống tri sự. Ngày mai mới lên lễ bái, thưa:
- Hôm qua con xúc phạm Hòa thượng.
Ngài Tuyết Phong nói:
- Biết là việc quanh co thì thôi.
Một hôm, Tuyết Phong thấy Sư liền chỉ mặt trời, Sư phất tay mà đi. Tuyết Phong nói:
- Ông không chấp nhận ta sao?
Sư nói:
- Hòa thượng lắc đầu, con vẫy đuôi. Có chỗ nào con không chấp nhận đâu?
Tuyết Phong nói:
- Rốt ráo cũng không kiêng tránh.
Một hôm chúng tăng vãn tham, Tuyết Phong nằm ngủ trong phòng. Sư bảo:
- Trong khắp năm châu, may có lão Hòa thượng này đáng nể chút ít.
Tuyết Phong liền ngồi dậy đi ra.
Ngài thường hỏi Sư:
- Nghe nói Lâm Tế có ba câu phải không?
- Dạ phải.
- Câu thứ nhất ra sao?
Sư đưa mắt nhìn Ngài. Tuyết Phong nói:
- Ðây vẫn còn là câu thứ hai. Thế nào là câu thứ nhất?
Sư xoa tay mà lui ra.
Từ đó, Tuyết Phong biết Sư là bậc đại pháp khí, vào thất ấn giải cho Sư. Sư nhờ đó khế hợp với đạo, bèn ở lại đây, trông coi nhà tắm.
Một hôm Huyền Sa lên thăm Tuyết Phong. Tuyết Phong nói:
- Ở đây có một con chuột già, đang ở trong nhà tắm.
Huyền Sa nói:
- Ðợi tôi khám nghiệm cho Hòa thượng!
Nói xong, Ngài đi xuống nhà tắm, gặp Sư đang xách nước, Huyền Sa nói:
- A! Gặp được Thượng tọa đây!
Sư nói:
- Ðã gặp nhau rồi.
Huyền Sa nói:
- Gặp nhau ở kiếp nào?
Sư nói:
- Nói mớ làm chi?
Huyền Sa bỏ về phương trượng, trình lại Tuyết Phong, nói:
- Tôi đã khám phá xong.
Tuyết Phong hỏi:
- Khám phá ra sao?
Huyền Sa kể lại, Tuyết Phong bảo:
- Ông thua rồi!
Cổ Sơn hỏi Sư;
- Lúc cha mẹ sanh, cái lỗ mũi ở chỗ nào?
Sư bảo:
- Lão huynh nói trước đi!
Cổ Sơn nói:
- Như đời nay vậy. Còn ông nói sao?
Sư không chấp nhận. Cô Sơn hỏi:
- Chứ làm sao?
Sư bảo:
- Ðưa giùm cái quạt lại đây!
Cổ Sơn đưa quạt rồi hỏi lại. Sư phe phẩy quạt không đáp. Cổ Sơn mờ mịt, đấm Sư một đấm.
Sau Cổ Sơn nhận lời mời của vua về kinh. Tuyết Phong đưa ra cửa, cùng đến pháp đường mới nói:
- Một mũi tên Thánh sắp bắn thẳng vào thành vua!
Sư nói:
Ông ta chưa được đâu!
Tuyết Phong nói:
- Ông ta thấu triệt rồi.
Sư nói:
- Không tin, để tôi đi khám nghiệm cho.
Rồi đuổi theo đến giữa đường, hỏi:
- Sư huynh đi đâu vậy?
- Vào thành vua.
- Lỡ khi gặp ba quân vây hãm thì sao?
- Tự có con đường thông khác.
- Vậy là đã bỏ cung mất điện rồi.
Cổ Sơn nói:
- Có chỗ nào mà không tôn quý?
Sư bèn phất áo trở về. Tuyết Phong hỏi thăm. Sư nói:
- Mũi tên ấy bị bẻ gẫy giữa đường rồí!
Rồi kể lại chuyện trên. Tuyết Phong nói:
- Ông bị thua rồi! Ông ta nói được đấy!
Sư nói:
- Lão già này máu lạnh mà cũng còn chút tình cố hương.
Sư đứng trước kho, có người hỏi:
- Thế nào là chạm mắt tức Bồ đề?
Sư đá con chó một cái, chó kêu ăng ẳng bỏ chạy. Tăng không hiểu, Sư bảo:
- Con chó nhỏ không tiêu được một đạp!
Bảo Phước đang xẻ dưa thấy Sư đến. Bảo Phước nói:
- Nói được thì cho ông ăn!
Sư nói:
- Ðưa đây!
Bảo Phước đưa Sư một miếng, Sư cầm lấy bỏ đi.
Sư không xuất thế, mọi người gọi Sư là Thượng tọa Thái Nguyên Phù. Sau Sư về Duy Dương, Thượng thư họ Trần lưu lại cúng dường. Một hôm Sư bảo Thượng thư rằng:
- Mai tôi sẽ giảng một biến kinh Ðại Niết Bàn để báo đáp tình của Thượng thư.
Ðúng hẹn, Thượng thư thiết trai. Sau khi trà nước xong, Sư thăng tòa, làm thinh hồi lâu, đập thước xuống bàn một một cái, nói:
- Tôi nghe như vầy.
Rồi gọi:
- Thượng thư!
- Dạ.
Sư nói:
- Nhất thời Phật tại.
Và tịch luôn.

70. ÐẠI TĨNH - TIỂU TĨNH

Thượng tọa Tĩnh ở chùa Quốc Thanh. Nhơn Hòa thượng Huyền Sa dạy chúng:
- Bọn các ông nếu có thể một đời như đưa ma mẹ, ta bảo đảm các ông sẽ tham cứu đến nơi đến chốn.
Sư bèn hỏi:
- Chỉ như trong kinh nói: "Không được đem tâm sở tri đo lường tri kiến vô thượng của Như Lai", lại là sao?
Huyền Sa nói:
- Ông cho rằng tham cứu được triệt để tâm sở tri, lại có thể đo lường được chăng?
Sư theo đó tin nhập (nhận được). Sau Sư trụ Thiên Thai hơn ba mươi năm không xuống núi, thông suốt tam học, giữ hạnh độc cư. Ngoài lúc thiền tịch, Sư thường xem Long Tạng,mọi người xa gần đều kính trọng Sư, gọi Sư là Thượng tọa Ðại Tĩnh.Có người hỏi:
- Ðệ tử mỗi lần ngồi thiền ban đêm, tâm niệm cứ bay nhảy, chưa biết phải nhiếp phục thế nào, xin Thầy thương xót chỉ dạy.
Sư đáp:
- Ông nên đem tâm bay nhảy tham cứu lại chỗ bay nhảy, sẽ thấy nó không chỗ nơi, lúc ấy tâm bay nhảy đâu còn! Rồi trở lại xem xét cái tâm tham cứu, tâm năng cứu bèn yên. Trí năng chiếu đã không, cảnh sở duyên cũng lặng lẽ. Lặng mà không lặng, vì chẳng có người năng lặng. Chiếu mà không chiếu vì không có cảnh bị chiếu. Cảnh và trí đều lặng, tâm tự nhiên an, ngoài không theo nhánh nhóc, trong không trụ vào định, hai đường đều dứt, một tánh an vui. Ðây cũng là yếu đạo về nguồn vậy.
Sư nhân thấy nghĩa huyễn hóa trong kinh bèn làm một bài kệ, để hỏi người học:
Nếu bảo các pháp đều huyễn có
Tạo các tội ác đâu có lỗi
Tại sao nghiệp tạo lại chẳng tiêu
Mà mượn lời Phật đem dạy dỗ.
(Nhược đạo pháp giai như huyễn hữu
Tạo chư quá ác ưng vô cữu
Vân hà sở tác nghiệp bất vong
Nhi tạ Phật từ hưng tiếp dụ?)
Lúc ấy có Thượng tọa Tiểu Tĩnh đáp rằng:
Nhân huyễn gây huyễn, huyễn xoay vần
Nghiệp huyễn hay vời quả báo huyễn
Chẳng rõ huyễn sanh các huyễn khổ
Biết rõ như huyễn, huyễn vô vi.
(Huyễn nhân hưng huyễn, huyễn luân vi
Huyễn nghiệp năng chiêu huyễn sở tri
Bất liễu huyễn sanh chư huyễn khổ
Giác tri như huyễn, huyễn vô vi).
Hai Thượng tọa Tĩnh cùng chết ở núi này. Ngày nay ở chùa Quốc Thanh còn có dấu tích.

71. TĂNG ÐÔNG TÙNG

Chẳng ai biết Sư là người như thế nào, chỉ biết Sư cơ biến khôn lường, đối đáp với ai như có cảm ứng, người nghe ngờ vực, về sau đều linh nghiệm. Nhạc Vũ Mục thường đem binh qua hỏi Sư rằng:
Tiếng róc rách đâu đây?
(Hà xứ hưởng quyên quyên?)
Sư tiếp đó trả lời:
Nối trúc suối trong xài
(Tiếp trúc dẫn thanh tuyền).
Nhạc bảo:
Xuân hạ thường như thế.
(Xuân hạ thường như thử).
Sư trả lời:
Thu Ðông cũng vậy thôi.
(Thu đông diệc tự nhiên).
Nhạc lấy làm lạ. Trước đó, Sư trồng khoai, rồi lấy ngói gạch chồng chất lên che lại, không cho ai thấy. Ðến lúc Nhạc đi qua, Sư mời để khao quân, rồi móc ngói gạch ra, moi khoai nấu canh, đủ cho quân ăn. Nhạc càng thêm lạ lùng. Sư lại biếu Nhạc miến, để tương ở dưới. Ðợi Nhạc đòi mới đưa cho và nói:
- Muốn ăn, khuấy đều lên, có tương.
Nhạc không hiểu, đề thơ lên vách mà đi. Sau gặp họa, mới hối hả đã không theo lời Sư.
Tần Cối cho là Sư thường cố vấn Nhạc, bèn sai Lý Cát đến giết Sư. Sư biết trước, viết một bài thơ:
Vội vàng tom góp cà sa rách,
Chuông trống lâu đài chẳng đoái hoài,
Mây trắng phất tay về động cũ,
Trăng trong quảy gậy đến ven trời.
Ngọn tùng thương hạc vừa làm tổ,
Bên rào nhớ cụm hoa năm rồi.
Phải đem mèo chó theo mình chạy,
Chớ để lưu lạc vào nhà người.
(Cấp mang thu thập phá cà sa,
Chung cổ lâu đài mạc quản tha,
Tụ phất bạch vân quy cổ động,
Trượng thiêu minh nguyệt đáo thiên nha.
Khả lân từng đảnh tân sào hạc,
Du ức ly biên cựu chủng hoa.
Hảo bả khuyển miêu tùy đới khứ,
Mạc giáo lưu lạc tha nhân gia).
Sư lại lấy một tượng Phật đặt giữa cầu phía Tây, đề thơ lên vách:
Lý Cát từ đông đến
Ta hướng tây chạy dài
Không nhờ Phật lực lớn
Có lẽ làm trò hôi.
(Lý Cát từng đông lai
Ngã hướng tay đầu tẩu
Bất thị Phật lực đại
Cơ hồ tác tràng xú).
Rồi trốn vào núi, cách am cũ không đến hai dặm. Lý Cát đến nơi, trông thấy thì muốn đuổi theo. Thấy tượng Phật, định dời đi. Ai ngờ, thoáng chốc biến thành cả ngàn vị Phật. Lý Cát luống cuống không biết làm sao bèn tán thán rồi trở về. Sau Sư ngồi tịch tại nơi ở ẩn. Cây cầu đặt tượng được gọi là cầu ngàn Phật.

72. TỀ TĂNG VIỄN

Tề Tăng Viễn trụ chùa Tiết ở Lương Châu, giao du vơi bọn ăn chơi, chẳng giữ luật hạnh. Một đêm mộng thấy thần nhân đến mắng rằng:
- Ông là người xuất gia, sao lại làm những việc xấu ác như thế, lấy gương soi mặt xem!
Tỉnh dậy, Sư đến vũng nước nhìn, thấy bên mắt có vệt đen, cho là vết bẩn, lấy tay chùi. Ai ngờ lông mi rụng theo. Sư kinh hãi, từ đó tự trách lỗi mình, thành tâm cải hối. Sư thường mặc áo xấu, mang giày rách, ăn ngày một bữa, sớm tối chí thành vừa sám hối, vừa khóc sướt mướt.
Hơn một tháng sau, lại mộng thấy vị thần hôm trước, vẻ mặt tươi cười bảo Sư:
- Biết lỗi có thể sửa được, đó là người trí. Nay ta tha cho ông đó!
Sư vừa sợ vừa mừng, mồ hôi tuôn khắp người. Trên mặt hai hàng mi mọc lại.
Sư đích thân trải qua hai quả báo, tin biết nhân quả ba đời chẳng hư dối. Từ đó thành tâm phụng trì giáo pháp, không hề lui sụt. Sau Sư trở thành một vị danh tăng.

73. SƯ PHỔ MINH

Sư Phổ Minh tự là Tịch Chiếu, ở am Diệu Thường, Gia Thiên. Từ lúc cạo dầu, thọ cụ túc giới, Sư ngày ngày tụng kinh Pháp Hoa không ngừng, muôn việc thế gian không hề bận tâm. Sư vào núi Cổ hàng đóng cửa đọc tụng, tụng xong ngồi tĩnh tọa mà thôi. Rắn, chuột, chim chóc ban ngày đùa giỡn trước mặt Sư. Gặp khách đến gõ cửa, chúng đều bỏ chạy và bay đi. Nếu chạy không kịp, Sư lấy tay ôm hết vào lòng, lấy y che lại. Khách về, chúng lại nhảy ra đùa giỡn như cũ.
Một hôm có người bệnh đến, Sư lấy tay xoa đỉnh đầu, người đó liền hết bệnh, bèn lạy Sư xin làm đệ tử. Ðược ít lâu, Sư bảo đệ tử:
- Ngày mười tám tháng năm ta thị tịch.
Ðệ tử thưa:
- Tháng năm không được tốt.
Sư nói:
Thế thì tháng tám vậy.
Sư dặn dò đệ tử rồi trở về Gia Thiện. Tháng tám, đệ tử đến tìm Sư, gặp Sư đang quét sân, Sư cười:
- Ông không đến thì ta quên mất!
Sư sai đánh chuông họp chúng, viết kệ:
Cái lão già này,
Tuyệt không tính toán
Thiền chẳng biết tham
Kinh chẳng biết xem
Một đời vụng về vô dụng
Dấu vết bờ núi rặng tùng
Tĩnh như bàn thạch Thái Sơn.
Ðộng như sấm rền điện chớp.
(Giá cá lão hán,
Toàn vô tư toán
Thiền bất hội tham
Kinh bất hội khán.
Sinh bình bá chuyết vô năng
Hối tích thanh tùng nham bạn.
Tĩnh như bàn thạch Thái Sơn
Ðông nhược lôi oanh xế điện).
Rồi ném viết, ngồi ngay mà tịch. Trà tỳ, ánh lửa năm màu xông lên cao, hương lạ suốt đêm không tan. Lưỡi Sư không bị cháy, gõ vào có tiếng. Sư tịch hơn một tuần, ở Cổ hàng người ta còn thấy ánh sáng tỏa trên trời cao.
Sư đi ở tự tại, thật là người trì tụng có kết quả.

74. THIỀN SƯ PHÁP KHÁNH

Thiền sư Pháp Khánh ở chùa Ðại Giác, phủ Hàm Bình. Sư ban đầu trụ ở chùa Phổ Chiếu, Tứ Châu. Sau dời đến chùa Thiếu lâm ở Tung Sơn, rồi lên phương Bắc, và đến ở Ðông Kinh. Một hôm thị giả Sư đọc ngữ lục của Ðộng Sơn, đến chỗ thiết trai ngu si. Thị giả bảo:
- Cổ nhân thật kỳ lạ!
Sư nói:
- Khi ta chết rồi, ông gọi thử xem. Nếu ta sống lại, là cũng có đạo lực vậy.
Sau biết trước giờ chết, làm bài tụng:
Năm nay mồng năm tháng năm
Tứ đại sắp rời chủ cũ
Xương trắng theo gió bay vèo
Khỏi chiếm dất đai thí chủ.
(Kim niên ngũ gnuyệt sơ ngũ
Tứ đại tương ly bổn chủ
Bạch cốt đương phong dương khước
Miễn chiếm đàn na địa thổ).
Sư đem vật dụng giao hết cho thị giả, cúng trai soạn cho tăng chúng. Vừa nghe tiếng chuông đầu hôm, Sư ngồi tịch. Thị giả nhớ lại việc cũ, bèn đến kêu. Sư mở mắt ứng tiếng nói:
- Thế nào?
Thị giả thưa:
- Hòa thượng tại sao lại mình trần chân trụi mà đi?
Sư bảo:
- Lúc mới sanh lại có những gì?
Thị giả ép Sư mặc áo. Sư bảo:
- Ðể lại cho người sau dùng.
Thị giả bảo:
- Ngay lúc ấy thế nào?
Sư nói:
- Cũng chỉ như thế.
Rồi Sư viết thêm bài kệ:
Bảy mươi ba năm như điện chớp
Lên đường vì anh thông một tuyến
Trâu sắt nhảy dựng qua Tân La
Ðập phá hư không bảy tầm mảnh.
(Thất thập tam niên như xế điện
Lâm hành vị quân thông nhất tuyến
Thiết Ngưu bột phá quá Tân La
Trãng phá hư không thất bát phiến).
Sư thọ 73 tuổi, tịch ngày 5 tháng 5 niên hiệu Hoàng Thống năm thứ ba (1143) nhà Tống.

75. ÐỘ

Huyện Hoàng mai phía Ðông tỉnh Hồ Bắc, có lưu truyền một câu truyện như vầy: "Tương truyền, Tứ Tổ Ðạo Tín, truyền pháp ở Hoàng Mai. Có cư sĩ Trương Hoai Hoài ờ làng Trương Ðộ, trồng tùng ở núi Hoàng Mai sau chùa Tứ Tổ suốt sáu năm. Ðược gọi là Tài Tùng Ðạo Giả".
Vào năm bảy mươi lăm tuổi, vị đạo nhân này đến Tổ Ðạo Tín cầu pháp, mong được y bát và đại pháp. Tứ Tổ trầm tư một lúc rồi nói:
- Tuổi của ông đã cao như thế, có thể gánh vác gia nghiệp của Như Lai sao? Chẳng bằng đổi kiếp hãy trở lại.
Tài Tùng Ðạo Giả đảnh lễ cáo từ. Tứ Tổ gọi lại, ban cho một bài kệ:
Trên Chu gia trang gặp cô gái,
Pháp y, thiền trượng ôm trong lòng
Hóa thành đào tiên chui vào bụng.
Sông đục theo dòng bỏ xác thân.
(Chu gia trang thượng ngộ quần sai {thoa}
Pháp y, thiền trượng quải tâm hoài
Vu hóa tiên đào đầu nhập phúc.
Trọc hà phó thủy thoát thi hài).
Sau khi từ giã Tứ Tổ mà đi, Tài Tùng Ðạo từ núi Phá Ngạch hướng về Nam, đi khoảng ba mươi dặm, thấy mặt trời lặn, trời đã hoàng hôn, gặp một thiếu nữ đang giặt áo và rửa chén bát bên bờ sông, bèn đến vái chào và hỏi thăm đây là đâu. Thiếu nữ đáp:
- Ðây là Chu gia trang, đất này tên là Trạc Cảng.
Tài Tùng Ðạo Giả nghe nói xong, liền nhảy xuống sông tự vận. Thần hộ pháp liền đem hồn phách của Tài Tùng Ðạo Giả hóa làm trái đào tiên, bỏ vào bát cơm mà thiếu nữ đang rửa.
Thiếu nữa tên Chu Phụng Thư, là con của Chu viên ngoại, thấy đào tiên mười phần ngon lành hấp dẫn, liền ăn ngay, chẳng ngờ từ đây có thai. Việc này vợ chồng viên ngoại sau khi biết được, cho rằng con gái không chồng mà chữa, làm bại hoại môn phong, nên nổi trận lôi đình, trục xuất Phụng Thư ra khỏi nhà. Phụng Thư có miệng khó thốt nên lời, đành phải xin ăn qua ngày. Không bao lâu cô sanh một đứa con, đời sống của hai mẹ con càng thêm khốn quẫn. Ðúa bé vì thiếu áo, thiếu cơm, từ bé thân thể đã mười phần ốm yếu, đến bảy tuổi mà chưa biết nói. Người mẹ đặt tên là Á Ðồng (bé Câm).
Ðời Tùy Dương Ðế niên hiệu Ðại Nghiệp thứ năm (609), gặp mùa gặt lúa, người mẹ dẫn Á Ðông đi xin ăn trở về quê, qua nông thôn lượm mót những hạt lúa rơi trên đất. Người làng chê cười người mẹ, Á Ðồng lớn tiếng hét thôi, trách mắng người làng không được vô lý. lần đầu tiên Á Ðông mở miệng nói, người mẹ vui mừng nước rơi như mưa. Rồi dắt đứa bé về quê Trạc Cảng. Nhân đây, Trạc Cảng đời xưa, hiện tại có tên là Tân Khai Khẩu, ghi việc Á Ðông mở miệng lần đầu.
Người mẹ dắt Á Ðông về quê nhà xin ăn. Ngày nọ đến chùa Tứ Tổ, người trong chùa thấy mẹ con quần áo lam lũ, rất chán ghét, định đuổi ra khỏi cửa, vừa may Tứ Tổ Ðạo Tín từ trong điện bước ra, thấy Á Ðồng thông tuệ khả ái, bèn nói:
- Ðáng tiếc con tuổi còn nhỏ quá, nếu không thì có thể theo ta xuất gia làm tăng.
Á Ðồng nghe xong nói:
- Lúc con già đến Sư chê con già, nhỏ đến lại chê con nhỏ.
Tứ Tổ sực nhớ chuyện cũ, biết đây là Tài Tùng Ðạo Giả, đổi đời trở lại, bèn thuật rõ cho người mẹ, rồi giữa Á Ðồng lại với mình, xuống tóc đặt pháp danh là Hoằng Nhẫn. Á Ðồng rời mẹ, theo Tứ Tổ Ðạo Tín học tập Phật pháp, về sau quả nhiên hoằng dương Phật pháp to lớn, thành Ngũ Tỗ thiền tông.
Vả lại chẳng cần truyền thuyết dân gian chân thật nhiều hay ít. "Ðường Kỳ Châu Ðông Sơn Hoằng Nhẫn Truyện" của Thích Tán Ninh ghi rằng: "Hoằng Nhẫn bảy tuổi, học pháp với ngài Ðạo Tín, tánh tình trung hậu, thường bị đồng bạn trêu cợt mà lặng thinh chẳng đáp, chỉ siêng năng làm việc, làm lụng hăng hái". Về sau Huyền Trách, đệ tử ngài Hoằng Nhẫn viết "Lăng Già nhân Vật Chí", lập truyện ngài hoằng Nhẫn, miêu tả Ngài là "hoài bão trinh thuần, ít nói chuyện thị phi, không buồn để ý cảnh có – không, bốn oai nghi đều là đạo tràng, ba nghiệp đều là Phật sự", "Sống không trau chuốt văn chương, mà nghĩa phù hợp với lý huyền", bảo trì thiền phong chân chất của Tứ Tổ Ðạo tín.
Chùa Tứ Tổ còn gọi là chùa Chính Giác, hoặc là nhân đất mà đặt tên chùa Song Phong, nằm ở lưng núi Song Phong, cách thành huyện Hoàng Mai 15 km về phía Tây. Núi Song Phong còn gọi là Tây Sơn, hoặc núi Phá Ngạch. Nhìn xa, hai ngọn núi này như hai lưỡi kiếm báu, vút thẳng lên mây. Nhìn gần lại giống như mọt giá bút, thật là núi non xanh đẹp, khí thế hùng vĩ.
Ðời Ðường năm đầu tiên, Tứ Tổ Ðạo Tín lúc truyền pháp ở đây, quy mô của chùa rất rộng lớn. Trương Hựu thi nhân đời Ðường, lúc dạo núi Song Phong, có làm một bài thơ, mô tả chùa Tứ Tổ rất sinh động:
Trăng sáng như nước, chùa đầu núi.
Ngước mặt nhìn trời, đá cũng đi.
Ðêm vắng hiên sâu lời người bặt,
Một cảnh tùng lau, tiếng hạc về.
(Nguyệt minh như thủy sơn đầu tự.
Ngưỡng diện khán thiên thạch dã hành.
Dạ tĩnh thâm lang nhân ngữ định.
Nhất chi tùng động hạc lai thanh).
Nhưng chùa Tứ Tổ hoang phế đã lâu, chẳng trở lại phong quang ngày cũ. gần đây vì nhu cầu tham quan, mới bắt đầu chỉnh trang. Chỉ có tháp Từ Vân vẫn còn, sừng sững đứng trên sườn núi phía Tây Bắc của chùa. Theo sách Ngũ Ðăng Hội Nguyên có ghi:
"Tứ Tổ Ðạo Tín vào ngày mồng 4 tháng 9 nhuận năm Tân Hợi (651), đời Ðường Cao Tông niên hiệu Vĩnh huy, chợt dạy môn nhân rằng:
- Tất cả các pháp, thảy đều giải thoát, mỗi người các ông hãy tự hộ niêm, lưu hóa vị lai.
Nói xong ngồi yên mà tịch, thọ 72 tuổi".
Ðồ chúng dựng tháp thờ phụng Tứ Tổ, nên gọi là tháp Chân Thân. Theo một ông già hơn 80 tuổi ở đất ấy nói, thì tháp này chưa bị phá hoại, trong tháp là chân thân của Tứ Tổ.
Tháp Từ Vân, vốn tên là tháp Tỳ Lô, cao 5m, làm bằng gạch xanh, kết cấu theo lối gỗ, tầng dưới là toà Ðại Tu Di, trên bốn vách có chạm trổ các thứ đồ án hoa chim. Vua Ðường Ðại Tông ban thụy hiệu cho tháp là "Tháp của Ðại Y Thiền sư Từ Vân", nên lại có tên là tháp Từ Vân.
Chùa Ngũ Tổ ở Ðông Sơn, cách huyện Hoàng Mai 16 km về phía Bắc, nên có tên chùa là Ðông Sơn. Theo lời ghi chép thì Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, bảy tuổi ở Tây Sơn, theo Tứ Tổ học thiền. Sau khi đắc pháp, bắt đầu giảng kinh thuyết pháp ở Ðông Thiền Tự, phía Tây thành Hoàng Mai, sau vì đạo tràng nhỏ hẹp, bèn xây cất chùa Ðông Sơn ở Ðông Sơn, từ đây pháp tịch hưng thạnh, người cầu pháp tấp nập trên đường. Chùa Ngũ Tổ Ðông Sơn, xây dựng vào đời Ðường, niên hiệu Hàm Hanh (670-673), đến đời Minh, niên hiệu Vạn Lịch (1573-1619) được xây cất lại. vào đời Thanh, niên hiệu Hàm Phong (1851-1886), bị binh lửa thiêu hủy, lại trùng tu lần nữa. Năm Dân Quốc thứ hai mươi bảy (1938), bị phi cơ Nhật Bản oanh tạc, Ðại Hùng Bảo Ðiện bị san bằng. Trong việc chỉnh tu chính ngay trước mắt, không cách gì tìm lại được phong quang ngày trước.
Trong chùa Ngũ Tổ có điện Ma Thành, hiện đổi thành phòng triển lãm, triển lãm những văn vật đào được ở Hoàng Mai bao năm qua. Tương truyền vào đời Minh, có một Hòa thượng ở chùa Ngũ Tổ xuống núi hóa duyên, không xin vật thực, không cần tiền bạc, chỉ cần ngói gạch xây dựng đại điện, thân sĩ và dân chúng nơi đó thấy vậy cảm động, rồi rủ nhau gánh đá, vác ngói lên chùa Ngũ Tổ. Ngày khánh thànhh chùa, để kỷ niệm dân chúng Ma Thành có tinh thần hộ trì Phật pháp nên đặt tên là điện Ma Thành.
Lại có điện Thánh Mẫu, thờ mẹ của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, bà Chu Thái phu nhân. Theo truyền thuyết, mẹ của Ngũ Tổ, lúc trẻ vì không chồng mà mang thai, không được cha mẹclàng xóm chấp nhận, nên phải mang Ngũ Tổ đi xin ăn qua ngày. Sau tuổi già, lại nương Ngũ Tổ mà sống, Ngũ Tổ để mẹ ở trong chùa, mỗi ngày gánh nước, vác củi, nấu cơm cho chúng, chịu đủ cực nhọc, Ngũ Tổ không chút thương tiếc. Không bao lâu bà vãng sanh. Sau khi bà chết, Ngũ Tổ liệm chôn sơ sài, khiến chúng trong chùa bất mãn, cho Ngũ Tổ là người bất hiếu, hoàn toàn không nhớ đến sự cực khổ mà mẹ Ngài phải chịu suốt đời vì mình, nên rủ nhau đòi đi, không muốn theo Ngũ Tổ nữa. Ngay lúc ấy, Chu Thái phu nhân chợt hiện trên không trung, nói kệ:
Quý Sư chẳng nên lui sụt tâm đạo
Con tôi đã vì tôi lo xong đời trước
Nghiệp chướng nhiều kiếp đã trừ sạch
Bồ đề như xưa chứng toàn thân.
(Chu sư bất tất thối đạo tâm
Ngô nhi vị ngã liễu tiền nhân
Lũ thế nghiệp chướng tất tanh trừ
Bồ đề y cựu chứng toàn thân).
Lúc này, đại chúng mới biết Ngũ Tổ vì hóa độ cho mẹ, đã khổ tâm mà làm thế, bèn rủ nhau góp tài sản dựng lên điện Thánh Mẫu, thờ mẹ hiền một đời. Ðiện này đến nay vẫn còn, tượng của Chu Thái phu nhân đã sớm bị phá hoại, hiện đã có tượng mới, để người cúng kiến.
Trong điện Chân Thân thờ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, có một bức đối rất đáng tôn sùng, không biết thủ bút của ai, vào đời nào.
Vế trên là:
Phật pháp hữu nhân, Phật pháp hữu duyên.
Hữu nhân, hữu duyên, giai thành Phật quả.
Vế dưới:
Tổ truyền nhất y, Tổ truyền nhất bát
Nhất y, nhất bát, nãi thị Tổ Sư.
Lúc đi thăm các chùa ở Ðại Lục, tôi rất nhiều cảm khái. Vì bị người phá hoại, cổ tích khó tìm; vì sự điêu linh của tăng tài, phần nhiều bị đơn vị văn vật quản lý. Trong chùa xưa, tiếng trống chiều hồi chuông sớm vắng tiếng, chẳng biết bao giờ huệ mạng lại được tiếp tục, chánh pháp lại trùng hưng!
(Chu Chí Mẫn - Dịch theo báo Phổ Môn)

76. CHÂN TƯỚNG

... Thiền sư Cảnh Hư, một đêm dẫn một cô gái về chùa, rồi đưa cô vào phòng mình, đóng cửa lại, cùng ăn ngủ với cô trong phòng, không cho ai quấy rối.
Ðồ đệ Mãn Không trong lòng rất bấn an, bèn làm gan đến tìm Thiền sư Cảnh Hư. Vừa đến trước cửa, rõ ràng thấy cô gái tóc xõa bờ vai đang nằm trên giưòng, dáng thon thả thướt tha, sau lưng cũng trắng trẻo mịn màng, mà Thiền sư lại ngồi bên giường mân mê thân thiếu nữ.
Nhìn tận mắt, trong lòng ông giận tức bội phần, không nhịn được liền to tiếng hỏi:
- Sư phụ! Thầy làm như thế lại cho là Bậc nhân thiên sư phạm sao? Thầy có xứng đáng với Phật Tổ, đại chúng mười phương không?
Thiền sư Cảnh Hư dừng tay lại, quay mình nhẹ nhàng từ tốn đáp:
- Ta sao lại không thể mô phạm cho đại chúng?
Mãn Không lấy tay chỉ cô gái trên giường, lớn tiếng nói:
- Thầy nhìn đó!
Thiền sư cũng ôn tồn nói:
- Ngươi xem đi!
Lúc thầy trò nói chuyện, cô gái trên giường đã từ từ quay mình lại. Chỉ thấy cô gái này có bộ mặt, lỗ mũi, lông mi đều vặn vẹo một đống rất đáng sợ, miệng cũng bị thối rữa méo mó hơn một nữa, đang ngước nhìn họ dở khóc dở cười.
Té ra cô gái nằm trên giường là một cô gái hủi.
Lúc ấy, Thiền sư Cảnh Hư lấy thuốc trong tay đưa ra trước mặt đồ đệ, thản nhiên nói:
- Ðúng vậy, bây giờ ngươi đến thật đúng lúc!
Ðồ đệ lúc này mới đại ngộ, vội vã quỳ xuống, xin thầy tha thứ.
(Vương Ngọc Bội – Trích dịch Tạp chí Phổ Môn Ðài Bắc)

PHỤ LỤC 33 VỊ TỔ


77. ƯU BA CÚC ÐA

Duyên khởi Vua A Dục tạo tháp
Quốc vương Tần Ðầu Bà La, vua nước Ba Liên Phất Ấp, sanh người con tên A Dục (Vô Ưu), thân hình thô xấu, khó coi. Khi vua láng giềng là Hằng Hưu Thi La làm phản, trong các người con, vua chỉ chọn A Dục đi chinh phạt nhưng cấp binh giáp hư nát và vài chục quân. Tùy tùng lo lắng thì A Dục cười nói:- Nếu ta có mạng làm vua thì tự nhiên sẽ có người đến giúp.
Vừa nói xong, binh giáp dưới đất bỗng vọt lên. A Dục liền đem quân đi đánh giặc. Dân chúng nước kia nghe trên không trung có tiếng truyền:
- Vương từ A Dục sẽ làm vua cõi này, các ngươi chớ dấy nghịch.
Do đó, các nước đều được bình định đến sát bờ biển. Lúc ấy, vua cha ngọa bệnh, quần thần bèn phò A Dục đến, muốn lập làm vua. Vua Tần Ðầu Bà La nghe được chẳng vui liền băng hà. A Dục nghĩ thầm:
- Ta xứng đáng làm vua thì chư Thiên tự nhiên sẽ làm lễ quán đảnh cho ta, lấy lụa trắng quấn đầu.
Nghĩ xong có thiết luân bay đến, A Dục làm vua Diêm Phù Ðề thống lãnh một thiên hạ. Vua theo phép tắc chôn cha rồi tức vị, A Dật Lâu Ðà làm đại thần. Khi ấy quần thần tự đem thẻ đến lập công, sanh tâm cao ngạo. Vua biết ý liền ra lệnh chặt những cây có hoa quả và trồng gai góc. Ra lệnh ba lần mà quần thần không theo, vua liền cầm gươm giết hết. A Dật Lâu Ðà khuyên vua: Nên lập người đao phủ. Khi đó có một người hung ác tên Lê Tử, tự khoe khả năng. Vua bèn lập một căn nhà chỉ mở một cửa, trong bày cách thức trị tội giống như địa ngục. Ðao phủ tâu vua:
- Nếu ai bước chân vào đây thì không cho ra.
Vua bằng lòng.
Một hôm có con một thương gia, chán khổ thế gian, xuất gia học đạo, rồi đi du hành qua các nước, lần lượt khất thực và bước lầm vào căn nhà ấy. Vị sa môn trông thấy trong nhà có xe lửa, lò than ... sợ hãi, dựng tóc gáy vội vàng quay ra, nhưng bị đao phủ chận lại và đón bắt. Vị Tỳ kheo trong lòng thương tiếc hối hận, mắt đẫm lệ van nài được gia hạn sống thêm một tháng để tu nhưng đao phủ không cho. Nằn nì cho đến còn bảy ngày thì ông ta bằng lòng. Tỳ kheo bèn nổ lực tinh tấn, tọa thiền, ngưng tâm. Ðến ngày thứ bảy, thì gặp lúc vua đem cung nữ tống vào giao cho đao phủ. Ðao phủ bèn cô ta bỏ vào cối, lấy chày giã, phút chốc thịt nát xương tan. Tỳ kheo trông thấy chán ghét cùng cực biết rằng thân mình chẳng còn bao lâu cũng sẽ như thế; ông dứt hết mọi kiết sử thành bậc A La Hán. Khi ấy, đao phủ bào ngài rằng:
- Kỳ hạn đã hết.
Tỳ kheo đáp:
- Tâm tôi được giải thoát, đã đoạn trừ hết các hữu. Nay thân hình này chẳng còn tiếc nuối.
Ðao phủ liền nắm Tỳ kheo quăng vào chảo dầu sắt, sai người đốt lửa. Lửa chẳng nóng. Ông ta liền tự tay đốt lửa phừng phừng lên. Rồi mở nắp chảo, thấy vị Tỳ kheo kia đang ngồi trên hoa sen. Ông ta thấy việc lạ liền báo nhà vua. Vua liền dẫn mọi người đến xem. Tỳ kheo bay lên không trung như cánh nhạn chúa rồi làm đủ phép biến hóa, hướng về nhà vua nói kệ:
Tôi là đệ tử Phật
Ðược các lậu đã dứt
Sanh tử khủng bố lớn
Nay tôi đã thoát được.
Vua A Dục nghe xong, sanh lòng kính tín đối với Phật, bạch Tỳ kheo rằng:
- Lúc Phật chưa diệt độ, có thọ ký điều gì chăng?
Tỳ kheo đáp:
- Phật thọ ký: "Sau khi ta diệt độ hơn một trăm năm, ở nước Ba Liên Phất Ấp có ba ức nhà. Vua nước ấy tên A Dục, sẽ làm Chuyển Luân Vương cõi Diêm Phù, dùng chánh pháp cai tri, sau lại phân chia xá lợi của ta, lập 84,000 tháp khắp cõi Diêm Phù Ðề". Nay vua tạo địa ngục này, giết hại vô lượng. Nên vâng theo lời Phật thọ ký, y pháp tu hành.
Vua A Dục chắp tay làm lễ:
- Tôi mắc tội lớn, cúi mong Phật tử cho tôi sám hối, chớ trách móc sự ngu si của tôi.
Tỳ kheo độ vua A Dục xong theo hư không mà đi. Khi ấy, vua muốn bước ra khỏi căn nhà, đao phủ chặn lại. Vua nói:
- Ngươi muốn giết ta chăng?
- Ðúng thế.
Vua bảo:
- Ai vào đây trước?
- Tôi.
Vua nói:
- Nếu vậy, người phải chết trước. Rồi sai tả hữu bắt đao phủ bỏ trong bồn keo, lấy lửa đốt và sai phá địa ngục này, khiến mọi người nhẹ nhõm. Vua đến thành Vương Xá đem xá lợi trong tháp Phật làm 84,000 hòm vàng, bạc, lưu ly, pha lê, lại làm bình báu, sai các quỷ thần tạo 84,000 tháp. Tôn giả Da Xá duỗi tay phóng 84,000 tia sáng, sai quỷ "mau lẹ" đặt khắp thôn xóm, thành ấp ở Diêm Phù Ðề cứ mỗi ức nhà đặt một tháp. Ở nước Chấn Ðán (Trung Hoa) có 19 tháp.
Xưa, Thế Tôn cùng các tỳ kheo đi theo thôn xóm khất thực, giữa đường gặp hai đứa bé, một tên Xà Da, một tên Tỳ Xà Da đang nghịch cát chơi. Từ xa trông thấy Thế Tôn, đầy đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm. Xà Da nghĩ thầm:
- Ta nên đem bột miến cúng Phật.
Rồi bền lấy tay vốc cát bỏ vào bình bát của Thế Tôn. Tỳ Xà Da cũng chắp tay tùy hỷ. Chú bé phát nguyện:
- Do công đức căn lành bố thí này xin được làm vua một thiên hạ, và ngay đời này được cúng dường chư Phật.
Thế Tôn mỉm cười bảo A Nan:
- Sau khi ta diệt độ một trăm năm. Ðứa bé này ở nước Ba Liên Phất Ấp làm Chuyển Luân Vương thống lãnh một thiên hạ, họ Khổng Tước, tên A Dục, dùng chánh pháp trị dân. Rồi lại phân phát xá lợi của ta, tạo 84,000 tháp. A Nan, ông đem cát trong bát này rải chỗ kinh hành của Như Lai. A Nan vâng theo lời Phật dạy.
Vua A DỤC tham lễ ƯU BA CÚC ÐA
Nước Ba Liên Phất Ấp có Thượng tọa tên Da Xá, vua A Dục rất kính lễ, lập tịnh xá Kê Tước, thỉnh Da Xá trụ trì. Ðến khi ấy, lại đến Kê Tước bạch Da Xá rằng:
- Có Tỳ kheo nào được Phật thọ ký để làm Phật sự không? Tôi sẽ đến đấy cúng dường, cung kính.
Da Xá đáp:
- Lúc Phật Bát Niết Bàn, du hành đến nước Ma Thâu La, bải ngài A Nan: "Sau khi ta Bát Niết Bàn một trăm năm, sẽ có con trưởng giả tên Ưu Ba Cúc Ða xuất gia học đạo, hiệu là Vô Tướng Phật.
Vua hỏi:
- Vậy đã xuất thế chưa?
Ðáp:
- Ðã xuất thế rồi, đang ở trong núi Ưu Bàn Trà.
Vua nghe xong liền muốn đến đó mới sai sứ giả báo trước. Ngài Ưu Ba Cúc Ða nghĩ, nếu vua đến thì thị tùng đi theo sẽ sát hại vô số côn trùng. Nên đáp sứ giả:
- Tôi sẽ tự đến chỗ vua.
Ưu Ba Cúc Ða đi đến vương cung, vua rất vui mừng đến trước Tôn giả cúi lạy, quì gối, chắp tay thưa:
- Nay con thống lãnh cõi Diêm Phù Ðề, làm Chuyển Luân Vương cũng chẳng vui bằng gặp Tôn giả, như được gặp Phật, sung sướng vô cùng. Ðệ tử Như Lai có khả năng như thế.
Vua lại hỏi:
- Tôn giả nhan mạo đoan chánh còn tôi hình dung thô xấu. Vì sao vậy?
Ngài Ưu Ba Cúc Ða nói kệ:
Lúc tôi hành bố thí
Tâm sạch, tài vật tốt
Chẳng như vua bố thí
Ðem cát cúng cho Phật.
Vua lại bạch:
- Xin Tôn giả chỉ cho chỗ Phật thuyết pháp, du hành và Phật thọ ký chỗ tháp các đại đệ tử nên lễ bái cúng dường.
Ưu Ba Cúc Ða đáp:
- Lành thay, lành thay!
Và dẫn vua đến các nơi ấy, chỉ từng chỗ một. Vua cúng dường xong, đến tháp A Nan, Tôn giả nói:
- Vị này là thị giả Phật, đa văn bậc nhất, tuyển tập kinh Phật.
Vua bèn truyền đem trăm ức trân bảo cúng dường tháp này và bảo quần thần rằng:
- Thân thể của Như Lai, tánh pháp thanh tịnh, Ngài đều có thể phụng trì, nên cúng dường nhiều hơn. Ngọn đèn chánh pháp thường còn ở đời, tiêu diệt sự ngu si tăm tối này, đều do từ Ngài mà ra, nên ta cúng dường nhiều hơn.
Vua lại đến dưới cây Bồ đề, tay bưng lò hương, hướng bốn phương làm lễ mong các bậc đệ tử hiền thánh của Như Lai ở các phương đều đến tụ hội. Khi ấy có ba vạn A La Hán tề tựu. Vua thấy tại tòa thứ nhất không có người, bèn hỏi lý do. Tôn giả Hải Ý nói:
- Ðây là chỗ dành cho ngài Tân Ðầu Lô. Vị này đã đích thân gặp Phật. Vua hỏi:
- Nay ở đâu?
Hải Ý nói:
- Hãy đợi chốc lát.
Nói xong ngài Tân Ðầu Lô từ hư không hạ xuống. Vua mời đến tòa ngồi và đảnh lễ. Ngài chẳng thèm nhìn. Vua bèn hỏi:
- Con nghe nói Tôn giả thân thấy Phật đến phải chăng?
Ngài Tân Ðầu Lô lấy tay vén lông mi lên hỏi:
- Hội chăng?
Vua đáp:
- Chẳng hội.
- Long vương ao A Nậu Ðạt từng thỉnh Phật thọ trai, lúc ấy tôi cũng dự trong số đó.
Ưu Ba Cúc Ða nhân một hôm đến nhà một lão Tỳ kheo ni vừa vào cửa liền đụng bể bát. Tỳ kheo ni nói:
- Lục quần Tỳ kheo hạnh rất thô, mấy lần đến nhà tôi, cũng chưa hề như vậy. Tôn giả nối vị Tổ sao hạnh thô thế!
Cúc Ða bèn thối đi.
Có người chấp thân kiến, cầu ngài Ưu Ba Cúc Ða độ cho. Ngài bảo:
- Pháp cầu độ cần phải tin lời ta, không được trái lời ta dạy.
Người ấy đáp:
- Ðã đến với Thầy, cố nhiên phải vâng lời.
Ngài bèn hóa ra một cây cao vút bên triền núi hiểm trở, bảo người ấy leo lên cây. Rồi dưới gốc cây, hóa ra một hầm lớn, sâu rộng ngàn khuỷu. Ngài bảo ông ta buông chân, ông ta vâng lời buông hai chân. Ngài khiến buông một tay. Ông ta đáp:
- Nếu buông tay nữa, rớt xuống hầm chết.
Ngài nói:
- Trước đã giao ước thọ giáo, sao lại trái ý ta?
Khi ấy người kia sự yêu mến thân liền tiêu diệt, ông ta buông tay rơi xuống. Chẳng còn thấy cây, thấy hầm, bèn chứng đạo quả.

78. PHỤC ÐÀ NAN ÐỀ

Gặp Nan Sanh (Hiếp Tôn giả). Ngày xuất gia, ánh sáng lành chiếu chỗ ngồi có hai mươi mốt viên xá lợi hiện lên.

79. HIẾP TÔN GIẢ

Phía Bắc Thiên Trúc có Vô Trước xiển dương tông giáo, em là Thiên Thân. Ban đầu người em theo Tiểu thừa, làm luận năm trăm bộ. Vô Trước thấy em căn duyên sắp thuần thục, bèn giả bệnh kêu đến. Khi gần tới, Ngài sai một đệ tử đi rước. Ðêm cùng ngủ trong quán trọ, đệ tử tụng kệ:
Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thế Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo.
Thiên Thân nghe, hoát nhiên khai ngộ, hối hận tội đã bài xích Ðại thừa khi xưa đều do lưỡi tạo. Liền ngồi dậy lấy dao bén định cắt lưỡi.
Ngài Vô Trước biết được, duỗi cánh tay, nắm lại dỗ ràng:
- Em vì ngộ Ðại thừa vì thời tiết đến, xưa dùng lưỡi hủy báng, nay nên dùng lưỡi tán thán. Nếu cắt lưỡi đi, thì còn lợi gì?
Thiên Thân bèn thôi, đội sao mà đi. Ðến chỗ ngài Vô Trước, lắng nghe từ chỉ rồi tạo luận Ðại thừa năm trăm bộ. Người đời gọi là Luận Sư Ngàn Bộ.
Một hôm Vô Trước nhập Pháp Quang định, ban đêm lên cung trời Ðâu Suất thỉnh vấn Bồ tát Di Lặc về nghĩa kinh Kim Cang. Ngài Di Lặc bèn thuyết tám mươi bài tụng, ngài Vô Trước phân mười tám trụ xứ, tạo luận hai quyển. Thiên Thân ước đoán hai mươi bảy nghi, tạo ba quyển luận. Thiên Thân lại giảng Bà Sa Luận cho chúng, đem bài giảng mỗi ngày làm một bài tụng nhiếp hết nghĩa. Lại đi khắp các nước, các luận sư các nơi không thể hiểu nổi. Do đó Ngài lại tự tạo trường hàng để giải thích bài tụng tức Câu Xá Luận.
Một hôm Thiên Thân từ nội cung của đức Di Lặc xuống. Vô Trước hỏi rằng:
- Nhân gian bốn trăm năm, trời kia chỉ có một ngày đêm. Ðức Di Lặc ở trong một thời (giờ) thành tựu cho năm trăm ức Thiên tử chứng Vô sanh pháp nhẫn, chưa rõ thuyết pháp gì?
Thiên Thân nói:
- Cũng chỉ thuyết pháp này. Chỉ là Phạm âm thanh nhã khiến người ưa nghe.

80. PHÚ NA DẠ XA

Tông Cảnh Lục nói: "Tây Thiên trong núi Vân Ðà Sơn có một La Hán tên Phú Lâu Na, Mã Minh đến gặp thấy ngồi yên trong rừng, chí khí cao vời không sanh lường được, Mã Minh bảo:
- Sa Môn thuyết pháp. Tôi có chỗ sáng tỏ muốn khuất phục ông. Tôi nếu không hơn sẽ chặt đầu tạ lễ.
La Hán làm thinh, mặt không lộ vẻ thua hay thắng; Mã Minh đến gõ mấy cái cũng không trả lời. Mã Minh bèn lùi suy nghĩ:
- Ta thua rồi! Ông ta đã thắng ta. Ông ta lặng thinh không nói, ta không thể khuất phục được. Ta dùng lời nói, tuy như lời có thể khuất phục mà tự ta chưa thể thoát khỏi lời. Thật đáng xấu hổ.
Ngài bèn xin xuất gia.
Thuyết này cùng Truyền Ðăng không đồng.

81. MÃ MINH

Dạ Xa bảo chúng: "Ðại sĩ này xưa là vua nước Tỳ Xá Lợi, vì nước ấy có một loại người khỏa thân, như ngựa lộ hình. Vua vận thần thông, phân thân làm tằm, những người ấy được áo mặc. Sau Ngài sanh vào Ấn Ðộ, Mã nhân cảm luyến kêu thương, nên gọi là Mã Minh, sau thuyết pháp dẹp các dị luận".
Có một ngoại đạo đến đòi luận nghĩa, nhóm các quốc vương, đại thần và bốn chúng tụ họp tại luận trường.
Mã Minh nói:
- Nghĩa của ông lấy gì làm tông?
Ngoại đạo đáp:
- Hễ có ngôn thuyết, tôi đều có thể phá.
Mã Minh bèn chỉ quốc vương nói:
- Hiện nay đất nước khang ninh, quốc vương trường thọ. Mời ông phá đi!
Ngoại đạo khuất phục.

82. LONG THỌ

Ngài được phó tháp, trong 90 ngày tụng thông kinh sách ở Diêm Phù Ðề, lại nghĩ:
- Kinh Phật cõi đời tuy diệu mà cú nghĩa chưa hết, ta nên phu diễn thêm để khai ngộ người sau.
Ngài liền dùng thần lực đến Long cung mở rương bảy báu lấy kinh điển Phương Ðẳng trong 90 ngày thông hiểu rất nhiều. Long Vương nói:
- Ngài xem kinh hết chưa?
Ngài đáp:
- Kinh của ông vô lượng chẳng coi hết được. Chỗ tôi đạt đủ gấp 10 lần ở Diêm Phù.
Long Vương nói:
- Các kinh trên trời Ðao Lợi hơn đây gấp trăm ngàn ức lần.
Ngài ở Long Cung tu hành, thâm nhập vô sanh. Rồng đưa Ngài ra khỏi cung, từ đây về sau Ngài hoằng dương Phật pháp rộng lớn, tạo các luận Ðại vô úy ... mấy mươi vạn kệ (Trung Quán Luận là một phẩm, Ðại Trí Ðộ Luận).
Kinh nói:
Sau khi Phật Niết Bàn,
Ðời vị lai sẽ có
Tỳ kheo Nam Thiên Trúc
Có hiệu là Long Thọ
Hay phá tông Hữu – Vô
Hiển pháp Ðại thừa ta
Ðắc sơ hoan hỷ địa
Vãng sanh An Dưỡng Quốc.
Ngài vào Long cung xem tạng kinh, thấy kinh Hoa Nghiêm có 3 bản.
Bản thượng có 13 thế giới vi trần số kệ, 1 tứ thiên hạ vi trần số phẩm.
Bản trung có 498,800 bài kệ, 1,200 phẩm.
Bản hạ có 100,000 bài kệ, 48 phẩm.
Bản thượng chỉ có Phật mới biết được.
Bản trung chỉ có Bồ tát trụ địa mới biết được. Ngài bèn ghi chép bản hạ, trở về Ấn Ðộ. Ấn Ðộ truyền đến Trung Hoa 80 quyển kinh, 39 phẩm. Phẩm chia ra làm bảy chỗ, chín hội.
Hội 1: Ở Bồ Ðề đạo tràng thuyết 6 phẩm, 11 quyển, ngài Phổ Hiền làm hội chủ.
Hội 2: Ở điện phổ Quang Minh thuyết 6 phẩm, 4 quyển, ngài Văn Thù làm hội chủ.
Hội 3: Ở trời Ðao Lợi, thuyết 6 phẩm, 3 quyển, Pháp Huệ làm hội chủ.
Hội 4: Ở trời Dạ Ma, thuyết 4 phẩm, 3 quyển, Công Ðức làm hội chủ.
Hội 5. Ở trời Ðâu Suất, thuyết 3 phẩm, 12 quyển, Kim Cang Tràng làm hội chủ.
Hội 6: Ở trời Tha Hóa, thuyết 1 phẩm, Kim Cang Tạng làm hội chủ.
Hội 7: Lại ở điện Phổ Quang Minh, thuyết 11 phẩm, 13 quyển. Phổ Hiền và Như Lai. Phẩm Phổ Hiền nói về nhân bình đẳng, phẩm Như Lai Xuất Hiện nói về quả bình đẳng.
Hội 8: Ba lần ở Phổ Quang Minh Ðiện, thuyết 1 phẩm, 7 quyển. Cũng ngài Phổ Hiền làm hội chủ.
Hội 9: Trong rừng Thệ Ða thuyết 1 phẩm, 21 quyển, thì Như Lai cùng Thiện hữu.
Ðây là bản hạ, phần trước 3 vạn 6 ngàn kệ. Còn 6 vạn 4 ngàn kệ, 9 phẩm ở Ấn Ðộ.

83. CA NA ÐỀ BÀ

Ðề Bà đắc pháp rồi, danh vang khắp nơi. Nhưng vẫn lo người không tin lời mình. Khi ấy ở Thiên Trúc có thờ tượng Trời Ðại Tự Tại, ai cầu gì được nấy.
Ðề Bà đến miếu xem, vạn chúng đi theo vào. Quả nhiên tượng trợn mắt như nổi giận. Ðề Bà nói:
- Thần thì phải xứng là thần, sao lại nhỏ nhen thế! Chính đáng là phải dùng oai linh để cảm hóa người, dùng trí đức để dạy dỗ vật, chứ sao lại mượn vàng làm thân, pha lê làm mắt để mê hoặc đời. Ðó chẳng phải chỗ người trông mong.
Rồi bắc thang vào vai tượng, leo lên đục con ngươi của tượng ra. Người xem sanh nghi nói:
- Trời Ðại Tự Tại lại bị một chú Bà Là Môn nhỏ bắt nạt sao?
Ðề Bà nói:
- Thần minh cao xa nên lấy việc gần để thử tôi. Tôi được tâm của Ngài nên mới dám làm thế.
Nói xong, bày các thứ cúng dường. Ðêm ấy trời Ðại Tự tại giáng xuống thọ nhận đồ cúng và nói:
- Ông được tâm tôi, người được hình tôi. Ông đem tâm cúng, người đem vật chất dâng. Người biết mà kính ta là ông. Người sợ mà vu oan ta là mọi người. Nhưng ông tuy cúng rất tốt đẹp, nhưng thiếu cái tôi cần.
Ðề Bà nói:
- Thần cần vật gì?
Trời Ðại Tự Tại nói:
- Tôi thiếu con mắt trái, cho ta được chăng?
Ðề Bà cười, móc mắt mình đưa ra. Càng móc càng sanh hoài không hết. Từ sáng đến chiều, mắt móc mấy vạn. Thần khen:
- Lành thay, Ma nạp! Thật là bố thí cao thượng nhất. Ông muốn cầu gì?
Ðề Bà nói:
- Tôi đã sáng tâm, không cần nhờ ở ngoài.
Sau Ðề Bà đến thành Ba Liên Phất, nghe các ngoại đạo muốn ngăn chướng Phật pháp, tính kế đã lâu. Ðề Bà bèn cầm tràng phan vào trong chúng kia, họ bèn hỏi:
- Sao ông không đi trước?
Ðề Bà nói:
- Sao ông không đi sau?
- Ông hình như người bần tiện?
- Ông giống người cao quý.
- Ông hiểu pháp gì?
- Ông trăm thứ chẳng hiểu.
- Tôi muốn được Phật.
- Tôi rõ ràng được Phật.
- Ông đâu đáng được.
- Tôi vốn đã được đạo, còn ông thực chẳng được.
- Ông đã chẳng được, tại sao nói được?
Ðề Bà nói:
- Ông có ngã do đó chẳng được. Còn ta không ngã nên ta đáng được.
Họ bèn chịu thua, hỏi Ðề Bà:
- Ông tên gì?
- Tôi tên Ca Na Ðề Bà.
Người kia trước đã nghe tên Ðề Bà, bèn hối lỗi đến tạ tội. Trong chúng còn thay nhau vấn nạn, Ðề Bà dùng biện tài vô ngại chiết phục hết.
* Bên Trung Hoa thời này nhằm đời Hán Cao Ðế năm Canh Thìn.
Hán Vũ Ðế, niên hiệu Nguyên Thú năm thứ hai (121 trước Công Nguyên). Tướng quân Phiêu Kỵ về phương Nam để dẹp Hung Nô, khi qua Cư Duyên bắt vua Hưu Ðồ, được một người vàng cao hơn một trượng. Vua cho là đại thần đặt ở cung Cam Tuyền, không tế tự, chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Ở đây đạo Phật lưu thông chậm.

84. LA HẦU LA ÐA

La Ða lấy tay phải nâng bát vàng lên đến Phạm cung lấy cơm thơm về thiết trai đại chúng. Ðại chúng chợt đem tâm chán ghét. La Ða nói:
- Chẳng phải lỗi của ta, mà do nghiệp của các ông.
Rồi bảo Nan Ðề cùng ăn, chúng lấy làm lạ, La Ða nói:
- Ông chẳng ăn được đều do đây vậy. Nên biết người chia tòa với ta tức là Phật thời quá khứ Ba La Thọ Vương, xót thương loài người mà thị hiện. Bọn ông cũng ở trong kiếp Trang nghiêm, đã chứng Tam quả mà chưa chứng vô lậu.
Chúng nói:
- Thần lực của thầy ta, điều này đáng tin. Còn nói ông ta là Phật quá khứ thì chúng con trộm ngờ.
Nan Ðề biết chúng sanh ngã mạn bèn nói:
- Thế Tôn lúc tại thế, thế giới bằng phẳng, chẳng có gò nỗng, sông suối, ngòi lạch, nước rất ngon ngọt, cây cối tươi tốt, đất nước hưng thịnh. Không có tám khổ, hành mười thiện. Từ khi ngài nhập diệt ở song thọ hơn 800 năm, thế giới gò trống, cây cối khô héo. Người không có lòng tin, chánh niệm nhỏ ít, chẳng tin chân như, chỉ thích thần lực.
Nói xong lấy tay phải ấn xuống đất cho đến mé Kim Cương luân, lấy nước cam lồ đựng vào bình lưu ly, đem vào hội. Ðại chúng vừa thấy, tức thời khâm mộ, hối lỗi làm lễ.

85. TĂNG GIÀ NAN ÐỀ

Ngài khi phó chúc xong, tay phải vịn cây mà tịch. Ðại chúng bàn luận:
- Quần chúng quy tịch dưới gốc cây là điềm che mát cho người sau.
Họ định đem toàn thân lên đất cao, dựng tháp. Nhưng chúng dùng toàn lực cũng không nâng lên được, bèn đem mấy voi tới kéo cũng không động. Bèn thiêu thân ngay tại gốc cây, cay càng thêm tươi tốt.
*
Niên hiệu Hồng Gia năm thứ hai. Quang Lộc đại phu là Lưu Hướng, tuyển truyện thần tiên, nói:
- Từ Hoàng đế trở xuống đến nay. Người đắc tiên đạo được 149 người mà 74 người đã thấy kinh Phật.
Lại nói:
- Xem khắp sách vở, thường thường thấy có kinh Phật.
Niên hiệu, Nguyên Thọ nguyên niên năm Kỷ Mùi (2 trước Công nguyên), Cảnh Hiến đi sứ nước Ðại Thị Nguyệt trở về được kinh Phù Ðồ, người đời ấy không ai biết.

86. CƯU MA ÐA LA

Cưu Ma Ða La là con Bà La Môn nước Ðại Nguyệt Thị, xưa là trời Tự Tại Thiên Dục giới lục thiên, thấy Bồ tát Anh Lạc, chợt khởi lòng tham ái, bị đọa xuống trời Ðao Lợi, nghe Kiều Thi Ca thuyết Bát nhã Ba la mật, do được pháp thù thắng nên lại sanh lên Phạm Thiên. Vì căn tánh lanh lợi, khéo thuyết pháp yếu, chư thiên tôn làm Ðạo sư. Thời tiết kế tục Tổ vị đến, Ngài giáng sanh nước Nguyệt Thị.

87. BÀ TU BÀN ÐẦU

Xưa Như Lai tu ở Tuyết Sơn có ổ Dã Thước ở trên đảnh. Phật thành đạo rồi, Dã Thước thọ báo làm vua nước Na Ðề. Phật thọ ký rằng:
- Ông đến 1,000 năm sau sanh trong nhà Tỳ Xá Khư ở thành La Duyệt, cùng một bào thai với Thánh.
Nay quả không sai.
Sau độ Ma Noa La con thứ hai vua nước Na Ðề. Trước, nước Na Ðề có voi dữ làm hại, Noa La sanh thì voi ngừng, ba mươi năm không ai biết lý do. Khi Tổ Bàn Ðầu thuật lại vua nghe thì có sứ giả đến báo có 10,000 voi lớn đang phá thành, vua lo lắng. Tổ nói đưa Ma Noa La ra thì yên. Vua thử sai Ma Noa La ra. Ma Noa La ra đến cửa thành phía Nam, vỗ bụng hét lớn, thành bị chấn động, bầy voi điên đảo, chạy tán loạn. Lúc ấy dân chúng mới biết nước được an nổn là nhờ Ma Noa La.

88. MA NOA LA 1

Khi được truyền kệ, bầy hạc bay lên vừa kêu vừa đi.
Ma Noa vọt lên hư không làm 18 phép thần biến trở về tòa chỉ xuống đất, phát ra một dòng suối thần. Ngài lại nói kệ:
Tâm địa thanh tịnh tuyền
Năng nhuận ư nhất thiết
Tùng địa ư dõng xuất
Biến mãn thập phương tế.
Hặc Lặc Na vui vẻ kính vâng phụng hành.
Ngài truyền pháp xong, ngay chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch. Chúng hỏa táng và lượm xá lợi xây tháp thờ.
Tháp xá lợi có bốn mặt:
Trước: Vua Thi Tỳ cắt đùi tặng ó để cứu bồ câu.
Sau: Vua Từ Lực chích thân đốt đèn.
Trái: Thái tử Tát Ðỏa nhào xuống bờ vực để hổ ăn thịt.
Phải: Vua Nguyệt Quang thí bỏ đầu báu, đều là tiền thân của Phật.
1 Xin xem Tiểu sử Ngài trong cuốn "33 vị Tổ Thiền Tông" của Hòa thượng Thích Thanh Từ, trang 122.

89. BỒ ÐỀ ÐẠT MA

Thuyết pháp Nam Ấn Ðộ:
Bát Nhã Ða La thị tịch, Bồ Ðề Ðạt Ma giáo hóa ở bổn quốc. Có hai sư là Phật Ðại Tiên và Phật Ðại Thắng Ða, vốn cùng Ðạt Ma đồng học Thiền quán Tiểu thừa. Sau Phật Ðại Tiên cùng Ðạt Ma gặp Bát Nhã Ða La, tu theo chánh pháp. Còn Phật Ðại Thắng Ða chia đồ chúng làm 6 tông:
1- Hữu tướng tông. 2- Vô tướng tông.
3- Ðịnh huệ tông.4- Giới hạnh tông.
5- Vô đắc tông . 6- Tịch tĩnh công.
Rồi triển hóa riêng.
Ðạt Ma than:
- Họ có một thầy đã là lọt vào vết chân trâu, huống là phân làm sáu tông. Ta nếu chẳng trừ, họ sẽ bị cột mãi trong tà kiến.
Nói xong, hiện chút thần lực, đến chỗ tông Hữu tướng hỏi:
- Tất cả các pháp, cái nào là thực tướng?
Trong chúng có một tôn trưởng là Tát Bà La đáp:
- Ở trong các tướng, không lẫn các tướng đó gọi là thực tướng.
- Ở trong các tướng mà không lẫn thì làm sao định được?
- Ở trong các tướng thật không có định; nếu nhất định các tướng sao gọi là thực?
- Các tướng chẳng định gọi là thực tướng, nay ngươi chẳng định, sẽ được thực tướng chăng?
- Tôi nói chẳng định chẳng phải nói các tướng. Nên nói các tướng, nghĩa của nó cũng thế.
- Ngươi nói bất định là thực tướng, thì định mà bất định vậy là chẳng phải thực tướng.
- Ðịnh đã bất định thì không phải thực tướng, nhưng cái biết tôi chẳng phải, cái đó bất định bất biến.
- Nay ông bất biến, thì cái gì là thực tướng? Ðã biến thì qua rồi, nghĩa này cũng vậy.
- Bất biến sẽ còn, còn mà không chỗ nơi nên biến là thực tướng để định cái nghĩa này.
- Thực tướng bất biến, biến thì chẳng phải thực. Ở trong có, không, sao gọi là thực tướng?
Tát Bà La thầm biết thánh sư huyền giải, thầm đạt ý chỉ. Bèn lấy tay chỉ hư không nói:
- Ðây là hữu tướng của thế gian, cũng có thể thành không. Nên thân này của con, có được như thế không?
- Nếu hiểu thực tướng, tức thấy không phải tướng. Nếu rõ không phải tướng thì sắc này cũng vậy. Nên ở trong sắc mà không mất sắc thể. Ở trong phi tướng mà chẳng ngại có. Nếu hiểu như thế, thì đây gọi là thực tướng.
Chúng kia nghe xong, tâm ý rỗng rang, đảnh lễ tín phục.
*
Bồ Ðề Ðạt Ma lại đến tông Vô tướng hỏi:
- Ngươi nói vô tướng, làm sao chứng được?
Trong chúng có Ba La Ðề đáp:
- Tôi gọi vô tướng là tâm không hiện.
- Tâm ngươi không hiện, làm sao rõ được?
- Tôi rõ vô tướng, tâm không thủ xả. Ngay lúc rõ cũng không có người đang (rõ).
- Ở các tâm có không, không có thủ xả, lại không có người đang (rõ). Thì các sự rõ biết là không.
- Nhập Phật tam muội còn không sở đắc, huống là vô tướng mà muốn biết nó.
- Tướng đã chẳng biết thì ai nói có không? Còn không sở đắc, sao gọi là tam muội?
- Tôi nói không tướng là chứng mà không chỗ chứng, chẳng phải tam muội nên tôi nói tam muội.
- Chẳng phải tam muội, làm sao có tên gọi? Ông đã chẳng chứng; không phải chứng thì chứng cái gì?
Ba La Ðề nghe xong, ngộ được bổn tâm, lễ tạ và sám hối những sai lầm cũ.
Ðạt Ma thọ ký:
- Ông sẽ đắc quả, không bao lâu sẽ tự chứng. Nước này có ma, chẳng bao lâu ông sẽ hàng phục chúng. Nói xong Ngài biến mất.
Ðến tông Ðịnh huệ hỏi:
- Ông học định huệ, là một hay hai?
Trong chúng có Bà Lan Ðà đáp:
- Ðịnh huệ của tôi, không một không hai?
- Ðã không một, hai sao lại gọi là định huệ?
- Tại định mà không phải định. Ở huệ mà không phải huệ, một mà không một, hai cũng chẳng hai.
- Ðáng một mà chẳng một, đáng hai mà chẳng phải hai, đã chẳng phải định huệ, thì theo định huệ nào?
- Chẳng một, chẳng hai, mà định huệ hay biết; chẳng phải định, chẳng phải huệ cũng lại như thế.
- Huệ chẳng phải định thì làm sao biết? Chẳng một, chẳng hai thì ai định, ai huệ?
Ba Lan Ðà nghe rồi, tâm nghi tan biến.
*
Ngài đến tông Giới hạnh hỏi:
- Cái gì gọi là giới? Thế nào gọi là hạnh? Giới hạnh này là một hay là hai?
Trong chúng có một hiền giả thưa:
- Mộ, hai hay hai, một đều do kia sanh. Y theo giáo không nhiễm. Ðậy gọi là giới hạnh.
- Ông nói y giáo tức có nhiễm, một hay hai đều phá, sao nói y giáo? Hai cái này trái ngược. Hành chẳng đến được, trong ngoài chẳng rõ, sao gọi là giới?
- Ta có trong ngoài, điều đó đã biết rõ, đã được thông đạt, thì đó là giới hạnh. Nếu nói trái ngược; đều phải hoặc đều trái. Còn nói đến thanh tịnh thì tức là giới, tức là hạnh.
- Ðều phải, đều trái sao nói là thanh tịnh?
Ðã được thông thì sao lại nói trong ngoài?
Hiền giả nghe xong, hổ thẹn chịu phục.
*
Ngài đến tông Vô đắc hỏi:
- Ông nói vô đắc là không đắc cái đắc nào?
Ðã không chỗ đắc thì cũng là đắc cái vô đắc.
Trong chúng có Bảo Tĩnh đáp:
- Tôi nói vô đắc, chẳng phải đắc cái vô đắc. Nên nói đắc đắc, vô đắc tức là đắc.
- Ðắc đã không đắc, đắc cũng chẳng phải đắc. Ðã nói đắc đắc, thì đắc đắc cái nào?
- Thấy đắc chẳng phải đắc, chẳng phải đắc là đắc. Nếu thấy không có đắc gọi là đắc đắc.
- Ðắc đã chẳng phải đắc, thì đắc đắc chẳng có đắc. Ðã không có chỗ đắc, thì lấy cái đắc nào để đắc?
Bảo Tĩnh nghe rồi, chóng trừ lưới nghi.
*
Ngài đến tông Tịch Tĩnh hỏi:
- Sao gọi là tịnh tĩnh? Ở trong pháp này?
Cái gì tịch? Cái gì tĩnh?
Có một tôn giả đáp:
- Tâm này bất động gọi đó là tịch, ở pháp không nhiễm gọi là tĩnh.
- Bổn tâm nếu không tịch, cần mượn tịch tĩnh; xưa nay đã tịch đâu cần tịch tĩnh?
- Các pháp vốn không, vì không nên không, ở cái không kia không nên gọi là tịch tĩnh.
- Không không đã không, các pháp cũng vậy. Tịch tĩnh không tướng, cái gì tĩnh? Cái gì tịch?
Người ấy nghe chỉ dạy, hoát nhiên khai ngộ. Rồi từ đó năm chúng đều quy y Ngài.

33 Bài tán Hình Tượng TỔ SƯ của ngài HÁM SƠN


Tổ thứ 1
TÔN GIẢ MA HA CA DIẾP
(Maha-Kasypa)

Thân hình sắc vàngKim chi sắc hình
Kim cang là tâmKim cang vị tâm
Vâng gìn huệ mạngPhụng trì tuệ mạng
Thường chuyển pháp luânThường chuyển pháp luân
Thế Tôn nâng hoaThế Tôn niêm hoa
Khẽ mỉm miệng cườiPhá nhan nhất tiếu
Ðến nay khiến ngưòiChí kim linh nhân
Nghĩ suy chẳng đến.Tư nghì bất đáo.

Tổ thứ 2
TÔN GIẢ A NAN
(Ananda)

Nghe nhiều như biểnÐa văn như hải
Uống dòng rượu phápẨm súc pháp lưu
Chư Phật còn mấtChư Phật xuất một
Chẳng rời đầu lưỡiBất ly thiệt đầu
Pháp êm dịu hóaCổ hoàng pháp hóa
Tiết phách thành lệnhTiết phách thành lệnh
Thế nên thầy taThị cố ngã sư
Là chánh trong thiênVi thiên trung chính.

Tổ thứ 3
TÔN GIẢ THƯƠNG NA HÒA TU
(Sanakavasa)

Căn linh Bát NhãBát Nhã linh căn
Kiếp trước đã chứngTúc sanh dĩ chứng
Nên Sư sắp sanhCố sư tương xuất
Cỏ lành ứng trướcThụy thảo tiên ứng
Dùng tâm ấn tâmDĩ tâm ấn tâm
Như lửa vào lửaNhư hỏa đầu hỏa
Ðường hẹp gặp nhauHiệp lộ tương phùng
Không có chỗ trốnÐịnh một xứ đóa.

Tổ thứ 4
TÔN GIẢ ƯU BA CÚC ÐA
(Upagupta)

Một người tâm khôngNhất nhân tâm không
Cung ma chấn độngMa cung chấn động
Cầm mũi kim cươngÁc kim cương phong
Ai dám đùa giỡnThùy cảm khinh lộng
Nếu chịu quay đầuNhược khẳng hồi quang
Tâm cuồng chóng hếtCuồng tâm đốn hiết
Lễ bái quy yLễ bái quy y
Các tội tiêu diệtChư tội tiêu diệt.

Tổ thứ 5
TÔN GIẢ ÐỀ ÐA CA
(Dhrtaka)

Ðã ngộ bổn tâmDĩ ngộ bổn tâm
Như trời soi đêmNhư nhật chiếu dạ
Mộng sanh tử nàyThị sanh tử mộng
Ánh sáng siêu việtQuang minh siêu việ
Pháp thầy vốn khôngSư pháp bổn vô
Tâm con chẳng cóNgã tâm bất hữu
Như không hợp khôngNhư không hợp không
Lưỡi không ra miệngThiệt bất xuất khẩu.

Tổ thứ 6
TÔN GIẢ DI GIÁ CA
(Miccaka)

Ðều do đây đếnÐô nhân thử lai
Chẳng vì việc khácBất vi biệt sự
Gặp nhau giữa chợNáo thị tương phùng
Tự bày pháp khíTự thị kỳ khí
Huyền kiến chưa đếnHuyền kiến vị nhiên
Sớm biết hôm nayTảo tri kim nhật
Cứ lo buôn bánÐương hành mãi mại
Chẳng kế giá cảBất luận giá trị.

Tổ thứ 7
TÔN GIẢ BÀ TU MẬT
(Vasumitra)

Từ đường nóng đếnTùng nhiệt lộ lai
Chợt gặp bạn thânHốt phùng thân hữu
Một lời luận nghĩaNhất ngôn luận nghĩa
Chóng biết chưa cóÐốn tri vị hữu
Xin vị cam lồKhất cam lồ vị
Chỉ pháp hư khôngThị hư không pháp
Nếu nói có đượcNhược vị hữu đắc
Rơi bảy rụng támLạc thất lạc bát.

Tổ thứ 8
TÔN GIẢ PHẬT ÐÀ NAN ÐỀ
(Buddhanandi)

Chẳng phải không nóiBất thị bất ngôn
Nói không đến đượcNgôn chi bất cập
Chẳng phải không điBất thị bất hành
Vốn không tung tíchBổn vô tung tích
Nay gặp người nàyKim ngộ kỳ nhân
Mới mở miệng đượcNãi khả khai khẩu
Từ đây liền điTùng thử tiện hành
Chẳng rơi hang ổBất đọa khòa cửu.

Tổ thứ 9
TÔN GIẢ PHỤC ÐÀ MẬT ÐA
(Buddhamitra)

Ở trong thai mẹTrụ mẫu thai trung
Qua sáu mươi nămKinh lục thập niên
Chỉ đợi thầy đếnChỉ đãi sư lai
Mới thỏa duyên trướcPhương toại tiền duyên
Trên đảnh quang minhÐảnh thượng quang minh
Nguyên là sẵn cóNguyên thị bổn hữu
Vừa vót liền thấuNhất quát tiện thấu
Như sư tử rống.Như sư tử hống.

Tổ thứ 10
HIẾP TÔN GIẢ
(Parsva)

Chỉ đất thành vàngChỉ địa biến kim
Theo tay mà hiệnTùy thủ nhi hiện
Thánh nhân liền đếnThánh nhân tức chí
Còn gì mau hơn?Hà đẳng khoái tiện
Tợ như hang trốngTợ hồ không cốc
Ứng tiếng đáp vangỨng thanh đáp hưởng
Thì biết tâm taThị tri ngã tâm
Vốn không qua lại.Bổn vô lai vãng.

Tổ thứ 11
TÔN GIẢ PHÚ NA DẠ XA
(Punyaysas)

Phật chẳng biết PhậtPhật bất thức Phật
Mắt chẳng thấy sắcNhãn bất kiến nhãn
Lại kiếm nơi khácCánh hướng tha mích
Nên bị kiểm điểmCố tao kiểm điểm
Toan nói vẹn toànTương vi hồn toàn
Sớm bị phá vỡTảo bị giải phá
Mãnh tỉnh đưa raMảnh tỉnh tương lai
Mới biết lời rụng.Phương tri thoại đọa.

Tổ thứ 12
TÔN GIẢ MÃ MINH
(Asvaghosha)

Ngựa kêu bình thươngMã chi bi minh
Sẵn tự có nhãnCố tự hữu nhân
Ðất vọt cô gáiÐịa dũng nữ tử
Nguyên chẳng phải ngườiNguyên phi kỳ nhân
Ma vốn không maMa phi bổn ma
Phật cũng chẳng PhậtPhật diệc phi Phật
Mắt chánh xem lạiChánh nhãn khán lai
Rốt là vật gì?Cánh thị hà vật.

Tổ thứ 13
TÔN GIẢ CA TỲ MA LA
(Kapimala)

Từ dị học đếnTùng dị trung lai
Ðược tri kiến chánhÐắc chánh tri kiến
Ðường gặp rắn độcLộ phùng độc xà
Tâm từ bi hiệnTừ bi tâm hiện
Lại hỏi rồng độcCánh vấn độc long
Ðều muốn điều phụcÐô yếu điều phục
Mắt thấy tâm hayNhãn kiến tâm tri
Như vang lìa hangNhư hưởng xuất cốc.

Tổ thứ 14
TÔN GIẢ LONG THỌ
(Nagarjuna)

Trong rồng dạy rồngLong trung hóa long
Lấy độc chống độcDĩ độc công độc
Tôn giả tay khéoTôn giả diệu thủ
Một lời điều phụcNhất ngôn điều phục
Phật tánh tam muội.Phật tánh tam muội
Thể như hư khôngThể ngược hư không
Trăm ngàn pháp mônBách thiên pháp môn
Ðều vào đây hết.Tận nhập kỳ trung.

Tổ thứ 15
TÔN GIẢ CA NA ÐỀ BÀ
(Kanadeva)

Bỏ kim vào bátDĩ châm đầu bát
Diệu khế mất lờiDiệu kế vong ngôn
Dạy nghĩa Phật tánhThị Phật tánh nghĩa
Trăng tròn hiện tiềnMãn nguyệt hiện tiền
Ðến nhà trưởng giảChí trưởng giả gia
Ðem kim kéo chỉTương châm dẫn tuyến
Mượn nhân duyên ngườiGiả tha nhân duyên
Làm phương tiện mình.Vi kỷ phương tiện.

Tổ thứ 16
TÔN GIẢ LA HẦU LA ÐA
(Rahulata)

Theo dòng được nguồnTầm lưu đắc nguyên
Suối cùng non tậnThủy cùng sơn tận
Chợt gặp người nàyHốt kiến kỳ nhân
Biết ngay là ThánhTri kỳ vi thánh
Bưng cơm thơm đếnHương phạn kình lai
Chia tòa dâng ănPhân tòa cung thực
Ðại chúng cùng uốngÐại chúng đồng ẩm
Cam lồ như mậtCam lồ như mật.

Tổ thứ 17
TÔN GIA TĂNG GIÀ NAN ÐỂ
(Saghanandi)

Chẳng thích cung vuaBất lạc vương vung
Trời mở một đườngThiên khai nhất lộ
Chạm thẳng cuối nguồnTrực để cùng nguyên
Chẳng biết lý doBất tri kỳ cố
Dưới đám mây tíaTử vân chi hạ
Chỗ nương của ThánhThánh giả sở y
Quả được đồng tửQuả đắc đồng tử
Hội cơ chư Phật.Hội chư Phật cơ.

Tổ thứ 18
TÔN GIẢ GIÀ DA XÁ ÐA
(Gayasata)


Bảy ngày chẳng sanhThất nhật bất sanh
Chẳng rơi các ấmBất đạo chư ấm
Thân thể thơm sạchKỳ thể hương khiết
Xưa nay thanh tịnhBổn lai thanh tịnh
Gõ cửa một lờiKhẩu môn nhất ngữ
Ðáp không là ai?Ðáp vô giả thùy
Mạnh mẽ gọi tỉnhMãnh nhiên hóan tỉnh
Ngay đó biết vềÐương hạ tri quy.

Tổ thứ 19
TÔN GIẢ CƯU MA LA ÐA
(Kumarata)

Ðã sanh thiên đườngKý sanh thiên thượng
Chẳng nên dục áiBất ưng khởi ái
Một niệm chưa quênNhất niệm vị vong
Liền chẳng tự tạiTiện bất tự tại
Do sức Bát NhãDĩ Bát Nhã lực
Lại thăng cõi PhạmPhục thăng Phạm thế
Nên đến truyền đăngCố lai truyền đăng
Là việc nhà mình.Thị kỳ gia sự.

 

Tổ thứ 20
TÔN GIẢ XÀ DẠ ÐA
(Jayata)

Vô sanh vốn đủVô sanh bổn cụ
Chẳng cần cầu chânBất dụng cầu chân
Gặp duyên thì phátNgộ duyên nhi phát
Như hoa gặp xuânNhư hoa phùng xuân
Cầu thì vội quáCầu chi thái cấp
Cách đạo càng xaKhứ đạo chuyển viễn
Ngay đó biết vềÐương hạ tri quy
Ðến đường quay lại.Tựu lộ nhi phả.

Tổ thứ 21
TÔN GIẢ BÀ TU BÀN ÐẦU
(Vasubandhu)

Sáng tối đồng thểMinh ám đồng thể
Thánh phàm một đườngThánh phàm nhất lộ
Chỗ đến sâu xaLai xứ u vi
Chẳng biết thế nào?Mạc trì kỳ cố
Người chỗ khó quênThục xứ nam vong
Lại cầu bạn lữCánh cầu bạn lữ
Chợt lại gặp nhauHốt nhĩ tương phùng
Chấp nhận tâm mình.Khẳng tâm tự hứa.

Tổ thứ 22
TÔN GIẢ MA NOA LA
(Manorhita)

Ðược thọ ký rồiTùng thọ ký lai
Chẳng làm việc khácBất vi biệt sự
Ðồng loại theo nhauÐồng loại tương tùng
Duyên gặp liền ngộDuyên hội tất ngộ
Ôi bầy hạc kiaTa bỉ hạc chúng
Bay kêu đã lâuPhi minh ký cửu
Chỉ ở một lờiNhất ngôn chi ngôn
Chóng biết sẵn có.Ðốn tri bổn hữu.

 

Tổ thứ 23
TÔN GIẢ HẶC LẶC NA
(Haklena)

Từ đảnh Tu DiTùng Tu Di đảnh
Cầm vòng vàng laiTrì kim hoàn lai
Ôi! Chúng hạc kiaTa bỉ hạc chúng
Tình cảnh đáng thươngKỳ tình khả ái
Gặp được sư tửÐắc sư tử nhi
Rống tiếng rống lớnTác đại hô hống
Có khí xuyên trờiHữu khí quán thiên
Thí nghiệm việc sau.Thí nghiệm kỳ hậu.

 

Tổ thứ 24
TÔN GIẢ SƯ TỬ
(Aryasimha)

Gặp nhau đòi châuTưong kiến sách châu
Mở tay liền cóKhai phủ tiện hữu
Vì trước đã giaoDĩ tiên sở phó
Từ biệt không lâuBiệt lai bất cửu
Biết thiếu nợ trướcTri hữu túc khiếm
Riêng đến đáp đềnÐặc lai phụng thù
Ðầu kề gươm nhậnTương đầu lâm nhận
Sữa trắng tuôn tràoBạch nhũ hoành lưu.


TÔN GIẢ BÀ XÁ TƯ ÐA
(Basiasita)

Cầm kiếm Bát NhãBỉnh Bát Nhã kiếm
Năm châu như ýÁc như ý châu
Tuy nói tạm đếnTuy vân tạm đáo
Hạnh này chẳng hưThử hạnh bất hư
Bỗng gặp người ácNgẫu ngộ ác nhân
Khéo được bạn tốtKháp đắc hảo bạn
Nhân tà đánh chánhNhân tà đả chánh
Tiện lợi cả hai.Lưỡng đắc kỳ tiện.

Tổ thứ 26
TÔN GIẢ BẤT NHƯ MẬT ÐA
(Punyamitra)

Từ dòng Sát lợiTùng sát lợi chủng
Tiếp ngọn truyền đăngTục truyền đăng diệm
Nối pháp chẳng rõChân tự bất minh
Cơ hồ mất hẳnCơ hồ thất hãm
Vào trong phố chợTùng náo thị trung
Chợt gặp cố nhânHốt phùng cố nhân
Nắp hộp vừa vặnHàm cái tương hợp
Bèn được rõ chân.Nãi đắc kỳ chân.

Tổ thứ 27
TÔN GIẢ BÁT NHA ÐA LA
(Prajnatara)

Chớ bảo không nhânMạc vị vô nhân
Gặp nhau liền thấyTương phùng tiện kiến
Chỗ đến tự nhiênLai xứ tự nhiên
Không nhờ phương tiệnBất giả phương tiện
Nay nhân châu nàyKim nhân kỳ châu
Bèn được người ấyNãi đắc kỳ nhân
Ðào ao được trăngKhai trì đắc nguyệt
Mua đá được (thêm) mây.Mãi thạch nhiêu vân.

Tổ thứ 28
TÔN GIẢ BỒ ÐỀ ÐẠT MA
(Bodhidharma)

Tâm sư thật gấpSư tâm thậm cấp
Ðến đây quá sớmKỳ lai thái tảo
Một lời chẳng hợpNhất ngữ bất đầu
Tâm này chẳng xong (rõ)Thử tâm bất liễu
Ngồi lạnh Thiếu LâmLãnh tọa Thiếu Lâm
May được Thần QuangHạnh đắc Thần Quang
Một tay rơi rụngNhất tí đọa lạc
Ðạo này thịnh hưng.Kỳ đạo đại xương.

 

Tổ thứ 29
ÐẠI SƯ HUỆ KHẢ

,p>
Vượt thuyền riêng đếnHàng hải đặc lai
Biết bao khổ tâmÐa thiểu khổ tâm
Trong nước Trung HoaChấn Ðán quốc lý
Chỉ được một ngườiKỳ đắc nhất nhân
Tìm không thể đượcMích bất khả đắc
Như nước tùy bìnhNhư thủy nhậm khí
Lấy đây trao truyềnDĩ thử truyền gia
Ðấy là đệ nhị.Thị vi đệ nhị.

Tổ thứ 30
ÐẠI SƯ TĂNG XÁN

Suốt thân là bệnhThông thân thị bịnh
Chẳng biết từ đâuBất tri lai xứ
Chợt gặp y vươngHốt phùng y vương
Tỉnh hẳn duyên cớMãnh tỉnh kỳ cố
Tâm rỗng xương cứngTâm không cốt cương
Lại đi hành cướcThả tiện hành cước
Gặp người có sứcNgộ hữu lực giả
Một gánh giao cho.Nhất đảm phó thác.

 

Tổ thứ 31
ÐẠI SƯ ÐẠO TÍN

Tuổi trẻ xuất giaThiếu niên xuất gia
Lợi căn nhậm lẹLợi căn tiệp tật
Hơn sáu mươi nămLục thập dư niên
Hông không dính chiếuHiếp bất chí tịch
Người học tụ tậpHọc lữ vân trăn
Ðâu tiếp trẻ conHà đãi tiểu nhi
Vì có hẹn xưaDĩ hữu túc ước
Người xem chẳng biết.Quán giả bất tri.

Tổ thứ 32
ÐẠI SƯ HOẰNG NHẪN

Lai lịch chẳng tỏLai lịch bất minh
Xuất thân đúng lúcXuất thân kháp hảo
Một việc chưa xongNhất kiện vị hoàn
Hai nhà đều rõLưỡng gia đô liễu
Trong núi Phá ÐầuPhá đầu sơn trung
Trên đường Hoàng MaiHoàng Mai lộ thượng
Qua lại tự doVãng lai tự do
Ðủ tướng đại nhân.Cụ đại nhân tướng.

Tổ thứ 33
ÐẠI SƯ HUỆ NĂNG

Búa tiều vừa némTiều phủ tài phao
Lấy đá cột eoDĩ thạch trụy yêu
Linh căn trồng lâuLinh căn cửu thực
Từ đây nảy nhánhTùng thử trừu điều
Nguồn từ Tào KhêNguyên xuất Tào Khê
Trôi khắp đại địaHoành lưu đại địa
Thẳng đến bây giờTrực chí vu kim
Không đâu chẳng phải.Vô xứ bất thị.