Phật pháp ứng dụng
Phật dạy bốn việc chân chính cho người tại gia
Thích Đạt Ma Phổ Giác
25/11/2014 22:45 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đạo Phật ra đời là tuỳ bệnh cho thuốc hay nói đúng hơn là tuỳ theo căn cơ của chúng sinh mà đức Phật nói pháp, các tổ về sau muốn sắp xếp lại thứ tự cho người đọc dễ hiểu để áp dụng tu hành, đại khái giáo lý Phật đà chia ra làm hai loại như sau:

Giáo lý cho người xuất gia và người cư sĩ tại gia, nhưng chính yếu vẫn nhắm vào mục đích lợi ích cho số đông người tại gia. Chúng ta khảo sát từ kinh tạng và qua cuộc đời của những vị cư sĩ tiêu biểu thời Phật cho thấy, mẫu hình lý tưởng của người cư sĩ tại gia tức số đông quần chúng được đức Phật chỉ dạy khá đầy đủ, các chi tiết từ thấp đến cao. Theo lời Phật dạy trong các bản kinh, một người Phật tử chân chính trước tiên phải hoàn thiện bốn phẩm chất cơ bản:

Một là có đời sống kinh tế ổn định không phải bươn chải vất vả lo cơm áo gạo tiền, hai là quy hướng Tam bảo sống đời đạo đức, nguyện không làm các việc xấu ác mà hay làm các việc thiện lành tốt đẹp, ba là biết cách thăng bằng và điều hòa trong cuộc sống, bốn là hộ trì Tam bảo và làm lợi ích chúng sinh.

Người Phật tử có đời sống kinh tế ổn định

Đức Phật dạy: Vì hạnh phúc nhiều người, chúng ta hãy gầy dựng tài sản đúng pháp bằng đôi bàn tay và khối óc của mình. Này những người chủ trong gia đình, có năm lý do chính đáng để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm?

Ở đây, này gia chủ, được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an vui hạnh phúc. Đây là lý do thứ nhất để gầy dựng tài sản.

Lại nữa, này gia chủ, vị này làm cho bạn bè, thân hữu được an vui hạnh phúc. Đây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản.

Vị ấy biết cách chặn đứng các tai họa có thể khiến vị ấy trở thành trắng tay, vị ấy giữ được tài sản an toàn. Đây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản.

Vị ấy có thể hiến tặng cho bà con, thiết đãi bạn bè, tổ chức tiệc tùng chiêu đãi khách, cúng hương linh người quá cố, hiến cúng cho vua và cúng dường chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản.

Vị ấy cúng dường các bậc Sa môn, Bà la môn, sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.

Việc tạo ra của cải tài sản vật chất đã khó, quan trọng hơn nữa là việc gìn giữ và phát triển bền vững và lâu dài lại càng khó hơn. Đức Phật đã chỉ ra một số nguyên nhân để gây ra sự thất thoát, tiêu tán tài sản như sau:

Này gia chủ, có sáu nguyên nhân phung phí tài sản: Đam mê rượu chè là nguyên nhân phung phí tài sản. Thường xuyên đi chơi đêm hoặc ra ngoài trong giờ làm việc là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà hí viện đình đám  tức là những nơi vui chơi, đàn ca múa hát hoặc trà đình tửu điếm, lầu xanh. Ngày nay người ta gọi là quán bar, vũ trường và những nơi mua hương bán phấn, hưởng thụ trụy lạc...là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du với bạn ác là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói ăn không ngồi rồi, lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản.

Tất cả mọi người muốn phát triển và tồn tại là nhờ vào sự siêng năng làm việc và ăn uống để duy trì cơ thể. Muốn tồn tại con người cần phải lao động để làm ra của cải vật chất. Người cư sĩ phải có việc làm chân chính bằng sức lực và mồ hôi nước mắt của chính mình, nhằm làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.

Khi có một đời sống ổn định kinh tế vững vàng về lâu dài thì sẽ giúp cho chúng ta khỏi phải lo lắng về sự an sinh đời sống thiếu hụt, nhờ vậy ta có thời gian để làm phước và tu tập chuyển hoá. Người bất hạnh thiếu thốn khó khăn nghèo khổ thì khó bề dấn thân đóng góp, sẻ chia bản thân mình không đủ ăn, lấy gì giúp đỡ người khác.

Theo lời Phật dạy nghèo khổ và thiếu thốn khó khăn quá mức còn là  những nguy cơ sinh ra nhiều tội ác. Do đó nghèo khổ làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước, nghèo thì nợ nần chồng chất, bị chủ nợ hối thúc, bị truy đuổi, bị đe dọa tính mạng, bị hăm doạ cho nên cuộc sống đa phần phải chịu nhiều phiền muộn khổ đau. 

Để đảm bảo cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, những thành viên trong gia đình cần phải tích cực siêng năng trong việc làm ra của cải vật chất, biết chi tiêu phù hợp những nhu cầu cần thiết, và không để tài sản hao hụt thất thoát.

Khi gia đình được xây dựng và phát triển ổn định về mọi mặt, thì xã hội  mới hưng thịnh và bền vững lâu dài. Chính vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình cần phải có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau để đảm bảo an sinh đời sống, về vật chất lẫn tinh thần.

Để duy trì nề nếp sinh hoạt, tình cảm, văn hóa, đạo đức, kinh tế, tài chính, truyền thống gia đình, sự nghiệp của từng cá nhân và sự nghiệp chung của gia tộc, mỗi thành viên phải có trách nhiệm, bổn phận để làm thành cho nhau bằng sự siêng năng tinh cần.

Trước tiên để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, những thành viên trong gia đình cần siêng năng tháo vát trong việc tạo ra của cải vật chất, biết sử dụng tài sản một cách hợp lý và biết giữ gìn tài sản, không để cho tài sản thất thoát, tiêu tán bất hợp pháp.

Trong kinh Phật dạy có năm nghề nghiệp không nên làm, một là nghề đồ tể tức là nghề giết mổ các loài súc sinh. Hai là buôn bán vũ khí bao gồm các phương tiện giết người, gây khổ đau cho nhiều người khác. Ba là buôn bán con người bao gồm buôn bán nô lệ, nô tỳ lao động, phục dịch, mua bán trẻ em, mua bán phụ nữ làm nô lệ tình dục. Bốn là mua bán chất gây say, gây nghiện như rượu, xì ke ma túy. Và cuối cùng là mua bán các hóa chất độc hại hay thuốc độc để làm tổn hại con người. Đức Phật luôn khuyến khích mọi người sinh sống và nổ lực bằng đôi bàn tay và khối óc của mình.

Đây là những nghề nghiệp có thể làm tỗn hại nặng nề về người và vật, Phật vì lòng từ bi thương xót chúng ta nên mới chỉ bày như thế. Người khôn ngoan sáng suốt phải biết lựa chọn nghề nghiệp, việc làm có tính cách giúp ích cho xã hội mà không làm tổn thương người khác.

Những nghề cao quý là thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư, trồng trọt, vận chuyển hàng hóa và giúp con người mua bán trao đổi các phương tiện vật chất…đến tay người tiêu dùng.

Người cư sĩ tại gia được quyền thừa hưởng hạnh phúc về sở hữu vật chất của riêng mình, và có thể bố thí cúng dường giúp đỡ sẻ chia, dấn thân đóng góp, phục vụ vì lợi ích cộng đồng xã hội, cũng như phát tâm hộ trì Tam bảo.

Người Phật tử phải giữ gìn giới hạnh

Người cư sĩ tại gia sau khi phát tâm quy y Tam bảo nương tựa Phật pháp Tăng, phát nguyện dứt ác làm lành và gìn giữ năm điều đạo đức, như thế gọi là người Phật tử có giới hạnh trang nghiêm.

Người Phật tử chân chính được gọi là trang nghiêm về giới hạnh thì cần phải hoàn thiện những phẩm chất sau đây: không sát sanh hại vật để làm mình người đau khổ, không gian tham trộm cướp hay lừa đảo lường gạt của người khác, sống chung thuỷ một vợ một chồng để bảo đảm hạnh phúc gia đình mình và người, không nói dối hại người, không uống rượu mạnh hoặc uống quá say và sử dụng các loại xì ke ma tuý hoặc các chất độc hại khác.

Đây là năm nguyên tắc sống để làm một người tốt, là phẩm hạnh cao quý cần có của một người cư sĩ tại gia, để được làm người có nhân cách đạo đức trong hiện tại và mai sau.

Việc giữ giới cũng là một nghệ thuật sống, là hạnh nguyện của bậc Bồ tát đi vào cuộc đời, để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán.

Giới là chiếc bè quý báu đưa tất cả mọi người đến được bờ giác ngộ giải thoát. Giới như ngọn đèn sáng đưa mọi người ra khỏi chỗ tối tăm mờ mịt. Giới như áo giáp kiên cố giúp ta tránh được những lằn tên mũi đạn ba độc tham sân si, bởi tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều. Giới luật chính là những phương tiện thiện xão, bảo vệ mỗi hành giả trên bước đường tu tập giác ngộ, giải thoát.

Trước khi thọ trì giới pháp mọi người phải thành tâm sám hối để cho ba nghiệp được thanh tịnh rồi mới bắt đầu nhận lãnh giới pháp. Khi nhận lãnh giới pháp, chúng ta phải phát nguyện trọn đời gìn giữ giới luật như chúng ta giữ mạng sống của chính mình. Bởi Phật dạy: “Giới luật còn là Phật pháp còn”.

Giới chính là phương tiện giúp mọi hành giả được mau chóng đến bờ giác ngộ, giải thoát. Rất nhiều người cũng đã thọ tam quy và trân trọng giữ giới như giữ tròng mắt của chính mình, họ xem giới luật rất thiêng liêng cao quý, vì giới giúp ta không bị sa đọa vào chỗ xấu ác.

Giới luật như hàng rào che chắn không để những ác ma bên ngoài xâm nhập vào làm tỗn hại thân tâm mình. Nhưng nếu chúng ta cứ một bề cố chấp, dính mắc vào giới cứng nhắc thì sẽ tự làm khổ mình, mà sinh bệnh khinh lờn người khác.

Giới luật tuy rất đa dạng, nhưng chính là nền tảng cơ bản để người Phật tử tại gia giữ gìn nhằm không bị sa đọa vào việc xấu ác. Việc giữ giới cũng là một nghệ thuật sống, là hạnh nguyện của bậc Bồ-tát đi vào cuộc đời làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Đức Phật dạy: Giới là chiếc bè quý báu đưa lữ hành qua biển khổ sông mê, giới là ngọn đèn sáng đưa người ra khỏi chỗ tăm tối, giới là áo giáp kiên cố che chắn giúp chúng ta, không bị sa đọa vào chỗ xấu ác. Giới luật chính là phương tiện để bảo vệ người Phật tử, thăng tiến trên bước đường tu tập giác ngộ, giải thoát được an toàn.

Cho nên việc thọ trì giới luật đúng nghĩa, người Phật tử tại gia phải biết ứng dụng một cách linh hoạt nhằm giữ thân tâm mình được sáng suốt trong sạch. Khi người tại gia biết cách giữ giới trọn vẹn, rồi thời gian sẽ quen dần với nếp sống oai nghi, thân, miệng, ý đều thanh tịnh.

Người tại gia khi mới thọ giới phải nương giới mà tu tập, khi đã an nhiên tự tại với mọi oai nghi trong đi đứng nằm ngồi đã thuần thục rồi, tâm lúc đó đã an tịnh thì coi như giới pháp đã thành tựu.

Các bậc Bồ-tát phát nguyện giữ giới để đi vào đời, đem lợi ích và an lạc đến cho chúng sinh. Người hành trì giới luật cũng chính là phát triển tâm hạnh từ bi của mình ngày càng rộng lớn. Từ ở đây chính là ban vui, đem niềm vui đến cho muôn loài và sẵn sàng cứu khổ chúng sinh trong mọi trường hợp thì gọi là bi.

Bồ-tát khi vào đời cứu độ chúng sinh, nhìn thấy người an vui hạnh phúc, ngay khi đó giới luật chính là nghệ thuật sống, để giúp cho mọi người vượt qua biển khô sông mê. Trước hết chúng ta cần xác định mình giữ giới là vì lợi ích của bản thân, và rộng hơn nữa giúp cho người khác cùng sống tốt như mình.

Nếu một tập thể cùng sống chung mà không tuân thủ giới luật thì tập thể ấy sẽ không còn hòa hợp và nhanh chóng tan rã. Thứ nữa ta giữ giới là vì những người thân, đồng đạo, bà con Phật tử gần xa… hay nói rộng hơn là một cộng đồng xã hội.

Không những thế, ngoài việc thọ trì gìn giữ giới trọn vẹn trong thực tế đời sống, người cư sĩ tại gia cần phải phát huy thêm những đức tính khác như: khiêm tốn, biết hổ thẹn, sống trung thực, kiên định, không phóng dật, nhẫn nhục, biết ơn, buông xả, dấn thân và đạo đức.

Người cư sĩ tại gia ngoài việc lo tròn trách nhiệm bổn phận cho gia đình, phục vụ tốt xã hội và còn có nhiệm vụ quan trọng, là hộ trì Tam bảo để được trường tồn lâu dài ở thế gian này.

Nói tóm lại, ý thức được sự khổ đau do nhân sát sinh hại vật, gian tham trộm cướp lường gạt của người khác bằng nhiều hình thức, sống tà dâm, nói dối hại người và tác hại của các chất gây say, nghiện như rượu, xì ke ma túy, hóa chất độc hại….Chúng con, những người Phật tử chân chính xin nguyện tránh xa những điều xấu ác, giữ gìn giới pháp trang nghiêm để ngày càng sống tốt hơn, bằng trái tim thương yêu và hiểu biết.  

Người Phật tử biết cách điều hòa thân tâm

Thuở ấy Phật đang giáo hóa tại nước Xá-Vệ. Vua Ba Tư Nặc sau một thời gian đắm mình trong thú vui ngũ dục, do ăn uống quá nhiều nên chẳng mấy chốc thân thể ông béo phì! Cho nên trở ngại trong việc đi đứng chậm chạp và mệt nhọc. Một hôm vua đến Tịnh xá, khi đảnh lễ Phật  phải có lính hầu phía sau, giữ cho ông mới đứng vững được.

Kính Bạch Thế Tôn! Đã lâu lắm rồi con chẳng đến thăm Ngài bởi vì thân thể con quá béo phì, nên việc đi lại cũng khó khăn. Con thiệt hết sức khổ tâm vì cơ thể quá khổ này, chẳng biết Thế Tôn có phương cách nào giúp cho con trở lại hình dáng bình thường, như xưa không ạ?

Phật bảo ông ta: Ham ăn uống quá độ, mê ngủ nghỉ quá nhiều, ít vận động tay chân, làm biếng và không làm chủ bản thân.

Nếu đại vương muốn hết bệnh béo phì, thì chỉ có một biện pháp duy nhất là phải ăn ít lại. Ví dụ một bữa vua ăn sáu chén, thì hôm sau ráng bớt đi một chút, cứ như thế mà bớt từ từ cho đến khi nào trọng lượng cơ thể trở lại bình thường.

Ngoài ra vua không được ăn đồ có nhiều chất béo, mà phải ăn nhiều rau quả, ăn vừa đủ, ăn đúng thời và không nên ăn vặt nữa... như vậy mới mong ốm lại được. Ngoài ra bệ hạ phải siêng năng vận động, chịu khó đi bộ hay tập thể dục thường xuyên, có vậy mới giúp cho thân thể được khỏe mạnh và sống lâu...

Vua Ba Tư Nặc nghe Phật dạy xong, quay qua bảo người tùy tùng: Các ngươi phải nhớ kỹ lời Phật bảo, trước khi ta dùng bữa thì các ngươi sẽ nhớ đọc lên để nhắc nhở trẫm, nhé! Ai giúp ta làm chủ trong lúc ăn uống,  ta sẽ ban thưởng cho.

Thế là mỗi ngày, trước khi vua Ba Tư Nặc dùng bữa, các lính hầu liền đọc to những lời Phật dạy khiến vua Ba Tư Nặc dù có thèm ăn, muốn ăn thêm nữa, cũng cảm thấy xấu hổ với mọi người, nên đã ăn ít lại.

Sáng sớm ông còn cùng lính hầu chạy bộ, tập thể dục, ông còn sai hoạ sĩ vẽ hình các vóc dáng mập khủng khiếp treo khắp nơi, để răn mình và còn căn dặn đầu bếp không được dâng lên các thức ăn nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ. Ông có bốn lính hầu thường theo sát bên cạnh để nhắc ông bớt ngủ, bớt ăn, giựt dây, hỗ trợ giúp những khi ông mất tự chủ.

Nhờ vậy, nhà vua cố gắng tiết chế trong ăn uống, thực hành đúng theo lời Phật khuyên, vóc dáng ông lần hồi thon gọn trở lại bình thường. Ông trở nên mạnh khoẻ, đi đứng nhanh lẹ. Thế là một ngày đẹp trời, ông đến thăm Phật, vừa để tạ ơn, vừa để khoe thân thể tráng kiện của mình.

Phật hỏi: Vì sao hôm nay ông lại đi bộ đến đây? Vua Ba Tư Nặc hớn hở thưa: Bạch Thế Tôn! Từ khi rời Tịnh xá về cung, con đã thực hành theo đúng như lời Ngài dạy, nhờ vậy mà con hết bệnh béo phì. Chính vì thế con đi bộ đến đây để vừa tập thể dục và bái kiến tạ ơn Ngài luôn! Như vậy vẫn là tốt hơn, vì vừa đi vừa rèn luyện sức khỏe?

Phật mỉm cười, nói: Đúng vậy! Đại vương! Và Phật dạy tiếp:

Người đời không biết mạng sống vô thường
Nên si mê hưởng thụ, phóng túng sa đọa
Không lo gieo trồng phức đức
Sau khi chết thần thức lìa khỏi 
Bỏ thân xác hư hoại nằm một đống
Người trí thì lo bồi dưỡng tâm linh 
Người ngu chỉ biết vỗ béo cho thân
Người biết sống, phải khéo điều hòa thân tâm.

Vua Ba Tư Nặc nghe xong, rất hân hoan, tâm ý sáng tỏ, phát tâm Bồ-đề tu học đúng theo chánh pháp của Như Lai và phát nguyện làm người Phật tử chân chính, kêu gọi mọi người cùng vui vẻ thực hành theo.

Qua bài kinh trên Phật dạy về cách ăn uống hoạt động sau cho hài hòa. Ở đời thường có những việc cần thiết mà chúng ta không lo, chỉ cố tâm lo phần không quan trọng mà lãng quên phần lợi ích lâu dài.

Trong cuộc sống chúng ta thường chỉ lo ăn với uống cho đó là vấn đề chính yếu. Tối ngày chúng ta làm lụng vất vả chỉ để ăn với uống sao cho ngon miệng nên ta phải giết hại các sinh vật rồi tham đắm, dính mắc vào đó mà chịu quả báo xấu khi đủ nhân duyên.

Đối với thức ăn vật chất, Đức Phật dạy mọi người không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, không nên ăn những gì không thích hợp với cơ thể.

Người cư sĩ tại gia nên ăn nhiều rau và trái cây, ăn ít thịt nhiều cá nhưng phải biết chọn lựa loại nào ít nhiễm độc, vì một số lớn các bệnh tật phát xuất từ việc ăn uống không điều độ hay không biết chọn lựa thức ăn. Giảm bớt chất béo trong máu sẽ tránh được bệnh tim, huyết áp cao và ung thư gan.

Để quân bình trong cuộc sống ăn uống hằng ngày, cơ thể chúng ta cần có đủ chất bổ đến từ thịt, cá và chất xơ trong các thứ rau, đậu và trái cây. Chất xơ giúp tiêu hóa dễ dàng và loại bỏ các thứ mỡ không cần thiết cho cơ thể.

Nói chung, thức ăn kho và luộc tốt hơn là chiên, xào, nướng. Ngoài ra, chúng ta nên để ý cách dùng các gia vị âm dương trong nghệ thuật nấu nướng và ăn uống của người Việt Nam. Theo đó, các loại thịt cá thuộc loại âm thường được nấu nướng hay ăn với các thứ gia vị và rau thuộc loại dương và ngược lại.

Ta không biết trân quý sức khỏe sẽ làm tổn thương thân này. Rất nhiều bệnh tật phát xuất từ tình trạng máu huyết lưu thông không đều đặn do ít hoạt động chân tay. Do đó, một trong những cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là hay siêng năng hoạt động chân tay, tập thể dục, đi bộ, bơi lội, làm vườn, lau dọn nhà cửa và siêng năng lạy Phật-Bồ-tát mỗi ngày. 

Người Phật tử chân chính, phải biết chọn lựa những thức ăn và thức uống không làm ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Cho nên, người tu theo đạo Phật dù tại gia hay xuất gia cũng phải ý thức chỗ này mỗi khi thọ thực. Hoặc chúng ta chắp tay cầu nguyện cho tất cả chúng sinh ít ra cũng đều có những bữa cơm đạm bạc như mình vậy, vì sự ăn của mình không làm tổn hại đến các loài vật.

Bệnh có hai dạng là thân bệnh và tâm bệnh, nhưng phần nhiều thân bệnh là do tâm điều hành, sai sử. Thân chúng ta tại sao lại bệnh? Vì tâm tham ăn uống nên ta đưa nhiều các thức ăn uống nhiễm độc vào cơ thể. Do tâm tham muốn quá nhiều nên trở thành tâm bệnh, vì tham nên chúng ta muốn thân sung sướng, không ngờ cái sung sướng trong khoái khẩu lại là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật.

Tâm chi phối, tâm sai sử, tâm điều hành bởi người bệnh béo phì là do tâm tham ăn uống quá đáng, khi ăn đã no rồi còn ráng ăn thêm hỏi sau không bệnh, không béo phì.

Phật pháp đã lan rộng trên 2600 năm qua, đã giúp cho nhiều người thật sự giác ngộ, giải thoát. Còn lại đa phần sống bình thường, nên luôn phải đối mặt về những vấn đề thực tế như: cơm, áo, gạo, tiền, sức khỏe và bệnh tật,… để bảo tồn sự sống và mưu cầu hạnh phúc.

Những ai từng học hỏi, xem xét suy nghiệm và thực hành lời Phật dạy, họ đều cảm nhận được an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.  Trong khi sức khỏe, năng lực, hiểu biết của con người không phát triển tốt mà mỗi ngày họ đều phải xử lý một lượng lớn công việc, thông tin,… để duy trì nền kinh tế không bị lui sụt. Đó là chưa kể đến những trò vui chơi trác táng trong cuồng loạn, bởi tệ nạn xã hội tràn lan, tội phạm dưới nhiều hình thức đang làm cho xã hội phải đau đầu.

Người tốt, kẻ xấu cũng đều bị cuốn theo guồng máy phát triển thiếu cân bằng về nhu cầu đời sống con người, làm cho áp lực xã hội căng thẳng đến tột độ. Con người trở nên mất thăng bằng giữa thân và tâm, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh tật.

Phật dạy: Thân và Tâm luôn có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Thiền là một nguồn năng lượng dồi dào nhưng lại không tốn kém tiền bạc mà còn giúp con người có được một trí tuệ sáng suốt và một thân thể khỏe mạnh. Ngoài ra, Thiền cũng có khả năng chữa được rất nhiều bệnh tật mà nhiều khi y học hiện đại phải bó tay.

Thiền còn có khả năng thanh lọc thân và tâm, đem đến cho con người sự sáng suốt, thông minh, lanh lợi, nhạy bén, trí nhớ, sắc đẹp, chống lão hóa,…để họ có một đời sống an vui hạnh phúc, bằng tình người trong cuộc sống. Vì thân và tâm là một khối liên lạc không thể tách rời nhau, nếu tâm còn bệnh thì thân làm sao khỏe mạnh lâu dài được.

Trong tâm của mỗi người luôn luôn tồn tại những tâm niệm thiện và ác. Tâm niệm thiện như: tâm từ bi hỷ xả, khoan dung, độ lượng, giúp đỡ sẻ chia, khiêm tốn,… Một tâm trong sáng, sâu lắng,… cũng làm cho thân của ta trang nghiêm, quý phái, đẹp đẽ hơn rất nhiều.

Ngược lại, những tâm niệm xấu ác như: tham, sân, si, ganh ghét, tật đố, chấp trước, phiền não, hận thù, kích động, hủy diệt,…làm cho đầu óc căng thẳng,… làm cho thân uể oải, mệt mỏi, mất năng lực đề kháng, nên cơ thể suy yếu, dễ sinh nhiều bệnh tật.

Thiền là biết cách điều hòa hơi thở, thở vô ta biết ta đang thở vô, thở ra ta biết ta đang thở ra, bao nhiêu tâm niệm phải quấy, tốt xấu, đúng sai tự nhiên bị tan hòa vào hơi thở, do ta làm chủ được vọng niệm. Chính vì vậy, hơi thở làm nên chất liệu sống, giúp ta chuyển hóa những thói hư tật xấu mà sống bình yên, hạnh phúc.

Tóm lại, người Phật tử tại gia đã có một đời sống ổn định về vật chất, kế đến là phải biết cách điều hòa thân, tâm. Thân và tâm liên quan mật thiết với nhau, chúng không thể tách rời nhau, thân khoẻ mạnh và hoạt động lợi ích cho nhiều người thì tâm mới dễ dàng an định, không bị phiền muộn khổ đau chi phối.

Người Phật tử trong vai trò hộ pháp và hoằng pháp

Người cư sĩ tại gia ngoài trách nhiệm làm tròn bổn phận đối với gia đình người thân, đóng góp lợi ích cho xã hội, kế đến là hộ trì Tam bảo và hoằng pháp lợi sinh tuỳ theo hoàn cảnh sống của mình.

Trước tiên trong vai trò hộ pháp để cho Phật pháp được trường tồn ở thế gian này, người tại gia cần phải hỗ trợ vật chất để đảm bảo đời sống an sinh trong nhà chùa, ổn định bền vững và ngày càng phát triển lâu dài. Trong kinh Bổn phận người gia chủ, Đức Phật đã khẳng định với Anathapindika rằng, muốn trở thành người Phật tử chân chính, thì phải hộ trì gìn giữ cúng dường Tam bảo để chư Tăng, Ni có thời gian tu hành và duy trì Phật pháp.

Vai trò hộ pháp đầu tiên của người cư sĩ, chính là góp phần đảm bảo đời sống tối thiểu cho người xuất gia. Kế tiếp của người Phật tử tại gia là sự hỗ trợ về điều kiện tu hành cho chư Tăng, Ni và mọi người.

Hộ pháp còn được hiểu là sự phòng hộ, gìn giữ về các phương diện liên quan đến Tam bảo như chùa chiền, Tăng sĩ, kinh điển, băng đĩa và thanh danh của Giáo hội các cấp. Ngoài ra, người Phật tử chân chính cần phải chung tay hộ trì Tam bảo bằng khả năng sẵn có của mình, phát nguyện dấn thân, đóng góp vì lợi ích chung.

Người xuất gia từ bỏ đời sống gia đình, chuyên tâm học hỏi và tu sửa, nhằm đạt được giác ngộ, giải thoát và giáo hóa chúng sinh. Việc trợ duyên của hàng cư sĩ, giúp cho người xuất gia có thời gian tu hành, được gọi là hộ pháp chân chính. 

Ngày nay, sự hộ pháp của hàng cư sĩ tại gia càng đa dạng hơn với nhiều hình thức khác nhau từ bố thí, cúng dường vật thực cho đến thực hành pháp và hướng dẫn Phật pháp sâu rộng đến mọi tầng lớp. Hộ pháp vừa có nghĩa là người ủng hộ Phật pháp, vừa có nghĩa là sự che chở bảo vệ chánh pháp được phổ biến khắp mọi nơi.

Theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy, Đức Phật và Tăng đoàn sống nhờ vào sự cúng dường của hàng cư sĩ. Ngày xưa, đức Phật chỉ cho phép hàng xuất gia sở hữu ba y, một bình bát và một vài vật dùng cá nhân khác. Trong sinh hoạt hàng ngày, họ được phép dùng bốn thứ cần thiết là thức ăn, y áo, thuốc men và chỗ ở.

Với truyền thống sống bằng cách khất thực, hàng xuất gia không tự túc sản xuất ra vật chất để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày mà phải nhờ vào sự hiến cúng của hàng cư sĩ. Họ cần sự hộ pháp của hàng cư sĩ từ thức ăn, vật dụng cho đến chỗ ở. Hàng ngày họ khất thực để được thức ăn duy trì mạng sống. Họ nhận y áo cúng dường từ hàng cư sĩ vừa đủ để che thân khi trời nắng mưa, nóng lạnh.

Tóm lại, hàng xuất gia thời Phật không được phép chất chứa thức ăn hay của cải vật chất, không bận tâm việc xây cất chùa tháp hay Tịnh xá. Công việc của họ là tu tập để được giác ngộ, giải thoát và hướng dẫn cho nhiều người biết Phật pháp.

Theo truyền thống Phật giáo Bắc tông hay còn gọi là Phật giáo phát triển trong thời đại hôm nay, đời sống của hàng xuất gia không dựa trên pháp khất thực như ngày xưa nữa, mà phải tự túc sinh hoạt dựa trên sự cúng dường của hàng cư sĩ tại gia.

Chùa chiền ở các nơi phải bắt đầu tích trữ của cải vật chất để phục vụ đời sống Tăng Ni và thậm chí nhiều chùa còn chia sẻ của cải ấy cho nhiều gia đình đang gặp hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn. Cư sĩ không phải cúng thức ăn hàng ngày mà thường hộ pháp qua việc cúng dường tài vật để chùa tự sắp xếp lo liệu.

Sự hộ pháp của hàng cư sĩ tại gia ngày hôm nay cũng tùy theo phước duyên của mọi nơi. Thứ nhất, hộ pháp về đời sống sinh hoạt của Tăng Ni thường phụ thuộc vào mối quan hệ giữa chùa và cư sĩ hơn là nhu cầu thực tế của chùa ấy. Ở chùa nào thầy trụ trì có năng lực và biết cách thu hút Phật tử, thì chùa ấy sung túc đầy đủ hơn về mọi mặt.

Thứ hai, hộ pháp thông qua sự cúng dường xây dựng chùa tháp, tượng Phật, Bồ tát. Có nhiều nơi xây dựng chùa to Phật lớn với quy mô hoành tráng trong thời gian ngắn, ngược lại một số chùa xây dựng đã nhiều năm mà vẫn không thể hoàn thành. Đó là do phước duyên của nơi đó, không thể luận bàn chính xác được.

Thứ ba, hộ pháp bằng cách truyền bá lời Phật dạy thông qua dịch kinh, giảng dạy, xuất bản kinh sách, băng đĩa… trên thực tế chưa được phổ biến rộng rãi. Xa hơn nữa là nghiên cứu phương cách đưa đạo Phật đến các vùng xa xôi của đất nước bằng phương tiện giảng dạy, ấn tống kinh sách, băng đĩa.

Hội đồng Liên Hiệp Quốc tôn vinh đạo Phật và công nhận ngày Đản sanh của Đức Phật là ngày lễ quốc tế bởi sự đóng góp to lớn của Đức Phật vào trong đời sống con người.

Để đảm bảo việc hộ pháp và hoằng pháp đạt được kết quả tốt đẹp, lòng tin đối với Tam bảo là yếu tố quan trọng đối với người Phật tử tại gia, đó là chất liệu sống làm nền tảng cho sự học hỏi, nghiệm xét và thiền tập. Người có niềm tin chân chính đối với Tam bảo, thích gặp thầy lành bạn tốt học hỏi và tu sửa, để ngày càng hoàn thiện chính mình.

Niềm tin của những người Phật tử, theo tuệ giác của Thế Tôn, luôn song hành với hiểu biết và trí tuệ. Muốn tin sâu, và có niềm tin chân chính chúng ta phải học hỏi, suy nghiệm xem xét và áp dụng hành trì, nhờ vậy mới phát sinh trí tuệ thấy biết đúng như thật.

Khi chúng ta có hiểu biết chân chính, thấy được chân lý cuộc đời biết rõ thật giả phân minh, nên chúng ta dùng trí tuệ để soi sáng chuyển hoá tham lam luyến ái, sân giận, ganh ghét, tật đố, ích kỷ và ngu si. Sống là cho đi, là giúp đỡ, là đóng góp, để mọi người cùng thương yêu nhau bằng trái tim hiểu biết.

Trên phương diện hoằng pháp độ sinh giúp đỡ người khác thấm nhuần Phật pháp, trước tiên người cư sĩ phải văn, tư, tu nghe rồi quán chiếu suy nghiệm lời Phật dạy để rồi ứng dụng tu hành. Bản thân mình ứng dụng Phật pháp được an vui hạnh phúc và lấy đó làm hành trang để hướng dẫn gia đình người thân, cùng tất cả mọi người là trách nhiệm của hàng cư sĩ tại gia.

Phương thức hoằng pháp của người cư sĩ tùy theo hoàn cảnh, khéo uyển chuyển linh động, không nhất thiết là phải thăng tòa thuyết giảng. Với người cư sĩ tại gia, nếu chúng ta biết vận dụng tứ nhiếp pháp như bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự vào trong đời sống hằng ngày, thì lợi ích rất lớn trong lãnh vực hoằng pháp lợi sinh.

Chúng ta ai cũng biết, hoằng pháp là đem lời dạy của Phật-đà lưu truyền khắp mọi nơi để mọi người, tin sâu nhân quả mà biết làm lành lánh dữ nhằm hoàn thiện bản thân mình.

Người Phật tử tại gia trong thời hiện đại dễ hoằng pháp hơn thời xa xưa,  nhờ thông tin Phật pháp rộng rãi được biên soạn dịch thuật đầy đủ. Tuy nhiên, muốn hoằng pháp lợi sinh, người cư sĩ tại gia cần phải thông hiểu Phật pháp.

Người Phật tử chân chính phải biết chung vai gánh sức với chư Tăng, Ni làm cho ngôi nhà Phật pháp được phát triển bền vững và lâu dài, bằng niềm tin sâu sắc về nhân quả, phá bỏ những tập tục mê tín có tính cách làm tổn hại con người.

Sau khi biết rõ kinh sách, băng đĩa nào đúng chánh pháp thì ta phải phát tâm ấn tống, đến với những người có duyên lành với chúng ta. Hộ trì Tam bảo và hoằng pháp là việc làm chân chính và quan trọng của người Phật tử tại gia, giúp cho chùa chiền được phát triển và lời dạy của Phật-đà được phổ biến rộng rãi trong nhân gian.

Trách nhiệm của người hộ pháp và hoằng pháp, là để giúp cho mọi người tin sâu nhân quả, làm thiện tránh ác, giữ tâm ý trong sạch và cuối cùng là thành Phật viên mãn.

thuvienhoasen.com

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch