Vấn đáp-Chia sẻ
Dựng tượng tôn giáo trong khuôn viên tư gia phải xin phép?
20/12/2017 16:19 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tòa soạn Báo Giác Ngộ thỉnh thoảng nhận được thông tin của bạn đọc là tín đồ Phật giáo ở một số nơi phản ánh về việc các cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tôn trí trong khuôn viên nhà, đất thuộc quyền sở hữu của mình để bày tỏ tín ngưỡng. Việc dựng tượng tôn giáo tại tư gia có phải xin phép và phải qua thủ tục như thế nào? 

soctrang1 (1 of 1).jpg
Quy hoạch tượng đài trong nhà của người dân là việc làm khó khả thi - Ảnh: Vũ Giang

Đó cũng là vấn đề được đặt ra tại buổi hội thảo góp ý xây dựng thông tư thay thế Thông tư số 18/2013 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên và ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì. Tại buổi hội thảo này, nhiều vấn đề về tượng đài được đưa ra thảo luận, trong đó có tượng tôn giáo. Nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến việc dựng tượng tôn giáo. 

Tượng tôn giáo có phải là tượng đài? 

Tại buổi hội thảo, khi vấn đề này được đưa ra, ông Vi Kiến Thành đã trả lời rằng: “Tượng tôn giáo vẫn là tượng đài, nên vẫn được điều chỉnh bởi Nghị định 113/2013/NĐ-CP về quy chế tượng đài, tranh hoành tráng…”. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 2, Nghị định 113 quy định: “Tượng đài, tranh hoành tráng là tác phẩm mỹ thuật có chất liệu bền vững, kích thước lớn, có tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng”. Và tại khoản 2, Điều 2, Thông tư 18/2013 hướng dẫn NĐ 113/2013 quy định: “Tượng đài, tranh hoành tráng bao gồm: tượng đài (bao gồm cả tượng tôn giáo được xây dựng ở ngoài trời nơi công cộng), phù điêu, khối biểu tượng, tranh hoành tráng bằng các chất liệu”. 

Như vậy, để hiểu thế nào là nơi công cộng? Thế nào là ngoài trời? Bởi vấn đề mà các Sở VH-TT&DL các tỉnh muốn làm rõ là khái niệm “tượng ngoài trời”. Bởi tượng tôn giáo đặt ở khuôn viên sân các cơ sở tôn giáo, tư gia của người có tín ngưỡng tôn giáo thì có được xem là “tượng ngoài trời” không? 

Trả lời vấn đề này, ông Vi Kiến Thành đã giải thích: “Nếu tượng đặt trong vườn nhà mà có tường bao kín chung quanh, nghĩa là không có sự tác động đến không gian công cộng thì không can thiệp được. Còn nếu khu vườn đó là một không gian mở, nghĩa là có sự tác động đến không gian công cộng thì xin phép Sở VH-TT&DL”. Như vậy, theo ông Thành thì tất cả các tượng tôn giáo đặt trong vườn nhà dù trước hay sau nhà, trên đất hay tầng nhà hoặc sân thượng, nếu không có tường quây kín, để không bị “tác động đến không gian công cộng” thì phải xin phép cấp có thẩm quyền. Và nếu để cho các bức tượng được xem là tượng đài trong khuôn viên nhà ấy “không có sự tác động đến không gian công cộng” thì tường sẽ xây “kín như bưng” cao bao nhiêu để những nhà hàng xóm không bị “tác động” và nếu tượng đặt tại tầng sân thượng thì phải xây tường thế nào để người đi ngoài đường không bị “tác động”? 

ó thể nói đây là sự đánh đồng, chuyển đổi một cách vô lý. Bởi không gian trong nhà, vườn nhà là không gian riêng, không thể vì dựng một bức tượng mà người đi đường, người đứng bên ngoài nhìn thấy thì nghiễm nhiên không gian riêng tư của ngôi nhà ấy liền biến thành không gian “công cộng”. Cách giải thích quy định này của ông Vi Kiến Thành liệu có hợp lý chăng? 

Chúng ta đều biết “công cộng” hay “không gian công cộng” tức là không gian chung, của mọi người sử dụng, không của riêng ai. Còn không gian cá nhân, tư hữu thì ngược lại. Với giải thích mang tính chuyển đổi như vậy thì khi một người có tín ngưỡng thờ tự, dựng một bức tượng mà không “bao kín chung quanh” thì mặc nhiên từ không gian riêng tư mang tính sở hữu bị quy chuyển thành không gian công cộng. 

Dựng tượng - thể hiện niềm tin tôn giáo, cấm hay không? 

Trước đây ở các địa phương, tùy theo sự dễ hay khó của chính quyền mà việc dựng tượng của tư gia Phật tử theo đó được hay không được thực hiện. Tại một số địa phương có những vấn đề nhạy cảm hoặc hơi khó khăn, việc dựng tượng thường bị cản trở hoặc bắt tháo dỡ. Gần đây, tại huyện Long Thành, một tư gia Phật tử dựng một bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm đã lâu năm trong vườn nhà, bỗng dưng một ngày chính quyền xã xuống yêu cầu chủ nhà phải hạ tượng. Người dân đã yêu cầu các cơ quan chức năng đưa các văn bản cấm dựng tượng, nếu đúng pháp luật thì sẽ thực hiện. Tuy nhiên chính quyền xã lúng túng không đưa ra được các văn bản cấm. Vài tháng trước đây, một Phật tử là một bạn đọc của Báo Giác Ngộ cũng phản ảnh với người viết về việc anh không được chính quyền cho dựng tượng vì lý do BTS Phật giáo tỉnh Tiền Giang có văn bản cấm tư gia Phật tử dựng tượng. Theo anh, đây là văn bản do HT.Thích Huệ Thông ký từ năm 1992 về việc không cho Phật tử tại gia dựng tượng. Chúng tôi tìm hiểu và được chư tôn đức trong BTS tỉnh Tiền Giang thừa nhận có văn bản đó. 

Trao đổi với chúng tôi, ĐĐ.Thích Trí Thuận - Chánh văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre cho biết, việc dựng tượng ở riêng tỉnh Bến Tre tùy vào địa phương nơi đó khó hay dễ. Trước đây nhiều huyện khó khăn nhưng giờ cũng đã thông thoáng hơn. Thông thường đối với tượng dưới 60cm nếu dựng ngoài trời thì không cần phải xin phép chính quyền, còn trên chiều cao ấy thì ở đây buộc phải xin phép. Tuy nhiên, như đã nói, tùy vào quan điểm lãnh đạo và địa phương xã hay huyện ấy mà có quy định dễ hay khó. Vài năm trở lại đây, BTS chưa thấy có những phản ảnh nào của Phật tử đến BTS về trở ngại trong việc dựng tượng ngoài trời, trong khuôn viên vườn nhà. 

Ở một số địa phương khác, qua trao đổi, chúng tôi được biết việc dựng tượng dưới sân nhà hay trên sân thượng cũng muôn hình vạn trạng. Đối với những nhà mặt phố, không có sân vườn thì đa số Phật tử đều dựng trên tầng sân thượng. Nơi thì không sao, nơi thì bị yêu cầu tháo dỡ. 

Cũng tại hội thảo trên, việc dựng tượng tôn giáo tại tư gia cũng được các cử tọa tham dự là đại diện các Sở VH-TT&DL các địa phương góp ý, cho rằng nhiều địa phương là nơi quy tụ của nhiều đồng bào theo tôn giáo là Phật giáo, Thiên Chúa giáo… nếu cấm không cho dựng tượng tôn giáo tại tư gia, hoặc quy định một cách máy móc, cứng nhắc sẽ đụng đến vấn đề “nhạy cảm tôn giáo”. Các cử tọa cho rằng Bộ VH-TT&DL nên tham khảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp. 

Nếu xin phép, áp dụng luật hiện nay ra sao? 

Trong trường hợp chính quyền bắt buộc tư gia muốn dựng tượng phải xin phép thì thủ tục sẽ phải tiến hành ra sao để việc dựng tượng được hoàn tất? Theo quy định, nếu tượng tôn giáo được xem là tượng đài, dựng ở nơi công cộng ngoài trời (dù rằng nơi đó trong vườn nhà mình, thuộc sở hữu không gian riêng) thì phải xin phép Sở VH-TT&DL để phù hợp với quy hoạch về tượng đài theo quy định của NĐ 113/2013 và TT 18/2013 (sẽ sửa đổi trong thời gian tới). 

Theo Điều 91 Luật Xây dựng, điều kiện để cấp phép xây dựng thì công trình xây dựng phải “phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt và phù hợp với mục đích sử dụng đất”. Điều quy định này đồng nghĩa với việc người dân muốn dựng tượng phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất 1m2 đất hoặc ít hơn để được cấp phép xây dựng bệ tượng đài. Vì theo Điều 89 của Luật Xây dựng thì bệ tượng không thuộc diện miễn giấy phép xây dựng. 

Các cán bộ phụ trách địa chính nhà đất mà người viết tham khảo ý kiến đều cho biết rằng, trong phân loại đất, không có loại đất nào để… xây tượng. Mặt khác, đất tôn giáo thì có công trình tôn giáo; không có loại đất thổ cư của người dân mà có thủ tục chuyển đổi vài m2 trong khuôn viên nhà người dân thành đất đặt tượng đài, đó là chưa nói đến diện tích bệ tượng dưới 1m2. Như vậy, quy định “phù hợp với mục đích sử dụng đất” khi xin cấp phép xây dựng tượng là không khả thi. Đây chính là điều mà một số tư gia Phật tử buộc phải xin phép dựng tượng không thể nào thực hiện được. Tư gia Phật tử muốn dựng tượng thì phải xin phép; xin phép thì cán bộ quản lý không giải quyết được. 

Tuy nhiên cũng có những cán bộ quản lý đô thị lại nêu ý kiến khác. Vị này cho rằng bệ tượng được dựng trong sân nhà không phải là công trình xây dựng làm phát sinh diện tích xây dựng, không lấn chiếm đất của ai nên không thuộc sự điều chỉnh của Luật Xây dựng và tất nhiên không cần xin phép. Vị này cũng cho rằng tượng đài hoành tráng là những công trình đặt nơi công cộng - nơi chiêm ngưỡng, thưởng lãm của nhiều người, chứ không phải những bức tượng tôn giáo đặt trong khuôn viên tư gia mà lại bị đánh đồng là tượng đài. 

Trong một lần trả lời báo Pháp Luật, ông Quách Hồng Tuyến, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói: “Các bức tượng mang ý nghĩa tâm linh tín ngưỡng hay mỹ quan của người dân, nằm trong khuôn viên nhà người dân thì làm sao áp dụng quy hoạch tượng đài, sao điều chỉnh bằng quy hoạch tượng đài được…”. Điều đó cho thấy, việc áp đặt một cách khiên cưỡng các bức tượng tâm linh tôn giáo trong khuôn viên nhà người dân thành tượng đài hoành tráng, ngoài trời nơi công cộng mà ông Vi Kiến Thành giải thích là điều khó chấp nhận. Bởi có muốn làm điều đó cũng khó mà thực hiện được. “Giả sử muốn quy hoạch tượng đài trong nhà của người dân cũng khó khả thi…”, ông Quách Hồng Tuyến nói.

Pháp Đăng

Giacngo.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch