Lễ hội chùa Hương 2011: Sẽ dẹp nạn loa đài, thịt thú rừng
Võ Hải
17/01/2011 02:41 (GMT+7)

Ngày 8/2 (ngày 6 tháng Giêng), chùa Hương sẽ chính thức khai hội.

Theo ông Lê Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), đúng 5h ngày 4/2 (mùng 2 tháng Giêng năm Tân Mão) toàn bộ "guồng máy" của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2011 sẽ được vận hành.
 

Hàng nghìn chiếc đò nằm chờ khách. Ảnh: V.Hải

 
Gấp rút chuẩn bị
 
Lễ hội chùa Hương có thời gian tổ chức dài nhất, thu hút lượng du khách lớn nhất Việt Nam đang được khẩn trương hoàn thành các công tác chuẩn bị cuối cùng cho ngày khai hội.
 
Ngày 12/1, trong cái rét ngọt của Hà Nội, hàng chục công nhân ngành giao thông vẫn cần mẫn vệ sinh, sơn lại những cột mốc trên tuyến đường chính dẫn tới khu thắng cảnh di tích chùa Hương. Những điểm bong tróc, lồi lõm trên mặt đường cũng đang được sửa chữa, nâng cấp.
 
Tại khu vực bến đò (bến Yến), hàng nghìn chiếc đò đã "nằm chờ" dọc hai bên con suối. Theo quan sát của chúng tôi, có rất nhiều chiếc đò mới còn chưa kịp sơn, người dân vẫn tiếp tục vận chuyển thêm đò mới về bến. Giữa dòng suối Yến, công tác nạo vét cũng đang được tiến hành...
 
Ông Lê Văn Sang - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương năm 2011, bến Thiên Trù đã được mở rộng tiếp bên bờ phải khoảng 3.000m², đường bộ đi Thiên Trù được cải tạo nâng cấp, đảm bảo thuận tiện, an toàn cho du khách thăm quan thêm nhiều cụm pano, băng rôn khẩu hiệu giới thiệu và tuyên truyền đã được lắp đặt. Toàn bộ công tác chuẩn bị sẽ được hoàn thành trước ngày 25/1.
 
Nên thỏa thuận, tránh rắc rối
 
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó ban Thường trực Ban tổ chức lễ hội, Trưởng Ban quản lý khu  di tích cho biết, xã Hương Sơn có khoảng 2 vạn dân, trong đó hơn 1 vạn người sẽ tham gia vào công tác phục vụ cho lễ hội chùa Hương, do đó Ban tổ chức đã giáo dục, tuyên truyền để nâng cao văn hóa phục vụ cho người dân.
 
Về tình trạng bày bán thịt thú rừng tại lễ hội, ông Thanh cho biết: "Năm 2010, tôi thừa nhận là có 1 - 2 con hươu, mà hươu không thuộc loại thú quý hiếm, người ta nuôi lấy nhung nhưng không dùng  được nữa thì bán thịt. Còn  những con thú khác chỉ là vật nuôi nhưng người ta gắn mác thú rừng, thỏ giả làm cầy... Năm nay, chúng tôi cơ cấu cả kiểm lâm, cả cán bộ của rừng đặc dụng Hương Sơn vào tổ liên ngành để xử lý những trường hợp trên nên chắc chắn không còn hiện tượng đó. Chúng tôi cũng khuyến cáo du khách khi sử dụng các dịch vụ tại chùa Hương nói chung và dịch vụ ăn uống nói riêng nên phải thỏa thuận trước để tránh những rắc rối không cần thiết".
 
Cũng theo ông Thanh, việc sử dụng loa đài, tăng âm để quảng cáo, rao bán hàng sẽ bị nghiêm cấm. Ai cố tình sử dụng, lực lượng quản lý sẽ tịch thu ngay. Ban tổ chức đã lắp đặt hệ thống truyền tin đến du khách dọc theo tuyến du lịch. Điểm cúng bái tự phát cũng đã xử lý, việc "cò" bắt khách dọc đường cũng sẽ được xử lý nghiêm... "Thành phố đầu tư khu xử lý rác với giá  trị 5 tỉ đồng . Một Công ty cũng đã đề nghị cung tiến một dây truyền xử lý rác theo công nghệ Nhật Bản. Nên vấn nạn rác sẽ cơ bản được giải quyết", ông Thanh cho biết thêm.
 
"Chúng tôi mong du khách tới chùa Hương chấp hành nghiêm các quy định của Ban tổ chức, cộng đồng  trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, không tham gia vào các hủ tục mê tín di đoan, bói toán... để lễ hội chùa Hương diễn ra an toàn, lành mạnh" - ông Thanh nói.
 
Giá vé thăm quan thắng cảnh chung cho năm 2011
 
Theo thông tin từ Ban quản lý di tích Chùa Hương và Ban tổ chức lễ hội năm 2011, sẽ áp dụng mức vé thăm quan và thuyền đò như năm 2010, riêng giá vé cáp treo sẽ tăng. Cụ thể: Vé thăm quan chung cho toàn khu thắng cảnh là: 30.000đ/ khách; Giá vé thuyền, đò cho tuyến chính - tuyến Hương Tích:
 
Đối với đò chất lượng cao: 35.000đ/ khách; Đối với đò bình thường: 25.000đ/khách; Giá vé thuyền, đò tuyến Long Vân và tuyến Tuyết Sơn: Đối với thuyền đò chất lượng cao:25.000đ/khách: Đối với thuyền đò bình thường: 15.000đ/khách; Giá vé thuyền đò tuyến Thanh Sơn Hương Đài là : 15.000đ/khách; Giá vé cáp  treo (khứ hồi): 100.000đ/khách.
 
Theo: giadinh.net.vn

Các tin đã đăng: