Rắn thần Naga xuất hiện phổ biến trong nhiều Phật thoại và đa phần gắn liền với Đức Phật lịch sử.
Naga, gốc tiếng Phạn, chỉ một vị thần hay một sinh vật có hình dạng
là con rắn mang bành chúa được thấy trước hết trong truyền thống văn
hóa Hindu và sau đó rất phổ biến trong kinh văn, trong Phật thoại và
trong nghệ thuật tạo hình Phật giáo ở hầu hết các quốc gia châu Á.
Trong ngữ cảnh văn hóa Hán, Naga được phiên âm là Na-già, được đồng
nhất với rồng/ long và trong từng tọa độ địa lý - lịch sử, nó lại tích
hợp với những tín niệm bản xứ để trở thành những linh vật/ linh thần
hàm chứa nhiều đặc điểm và tính chất phồn tạp khó có thể nói cho cùng.
Theo kinh Maha sát đầu và đồ hình khắc trên đá về đề tài
vườn Lộc Uyển (ở Ấn Độ) thì lúc Đức Phật giáng sinh, Trời Đế Thích,
Phạm vương và Long vương dùng nước thơm tắm gội cho Phật.
Đó là căn cứ khởi phát cho tập tục dùng nước thơm tắm gội cho tượng
Phật đản sanh vào lễ Phật đản hàng năm - gọi là Quán Phật hội (hay Phật
sanh hội, Dục Phật hội...) phổ biến trong hầu hết các cộng đồng tín đồ
Phật giáo.
Cũng có thuyết cho rằng, lúc Phật giáng sinh có
chín con rồng hoặc con rồng chín đầu phun nước thơm tắm cho Đức Phật.
Đây là cơ sở của các quần tượng Cửu Long hay các tranh vẽ Cửu Long phun
nước.
Rắn thần Naga Mucalinda che chở cho Đức Phật
Truyện kể: Vào tuần thứ sáu, sau khi thành đạo, từ cây Ajapala Đức
Phật sang cây Mucalinda và ngự tại đây một tuần lễ để chứng nghiệm quả
vị giải thoát.
Bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến. Trời sẫm tối dưới lớp mây đen nghịt và gió lạnh thổi vùn vụt suốt nhiều ngày.
Vào lúc ấy, mãng xà vương Mucalinda, từ ổ chui ra, uốn mình quấn
quanh Đức Phật bảy vòng và khum đầu to che trên đầu Ngài. Nhờ vậy mà
mưa to gió lớn không động đến thân Đức Phật.
Đến cuối ngày thứ bảy, thấy trời quang mây tạnh trở lại, Mucalinda
tháo mình trở ra và bỏ hình rắn, hiện thành một thanh niên, chắp tay
đứng trước mặt Đức Phật. Đức Phật đọc bài kệ như sau:
“Đối với hạng người tri túc, đối với người đã nghe và đã thấy chân
lý thì sống ẩn dật là hạnh phúc. Trên thế gian, người có tâm lành, có
thiện chí, người biết tự kiềm chế, thu thúc lục căn đối với tất cả
chúng sanh là hạnh phúc. Không luyến ái, vượt lên khỏi dục vọng là hạnh
phúc. Phá tan được thành kiến “ngã chấp”quả thật là hạnh phúc tối
thượng.”
Cũng Phật thoại kể trên nhưng Phật giáo Miến Điện cho rằng vào tuần
lễ thứ sáu, Đức Phật đã thiền định sau khi đắc đạo ở bờ hồ Mucalinda,
cách cây bồ-đề không xa...
Tòa cửu long phún thủy
Rắn thần Naga bảo hộ các di vật Phật giáo
Ở Tây Tạng, Naga được biết đến dưới tên gọi Klu, giữ vai trò biểu
trưng cho Phật giáo vùng Hy Mã Lạp Sơn và trong thần thoại Tây Tạng.
Truyền thống tu viện Sera cho rằng khi Sakya Yeshe trên đường trở về
sau chuyến viếng thăm Trung Hoa, ông đã để kinh Tengyur được nhà vua
trao tặng rơi xuống nước khi lội qua sông.
Đoàn người hộ tống đã tìm kiếm chúng trong vô vọng mà vẫn không tìm
được kinh nên đành tiếp tục hành trình trở về Sera. Khi chư Tăng về
đến, các nhà sư ở tu viện đã nói với họ rằng: Trước khi họ trở về, có
một ông lão cùng những người hầu đã viếng thăm Sera và tặng một bộ kinh
Phật cho tu viện.
Ông lão nói rằng hãy giao nó cho Sakya Yeshe. Người ta tin rằng ông
lão là vua Naga, và khi những cuốn kinh được kiểm tra, nó vẫn còn ướt.
Câu chuyện cuộc đời truyền thống của Niguma, người vợ của Naropa,
trong thời kỳ đầu của Phật giáo, vùng đất mênh mông nước này được cai
trị bởi vua Naga. Vị vua Naga này vì thương cảm các môn đệ của Đức
Phật, đã rút cạn nước cho mục đích xây dựng chùa chiền và tu viện Phật
giáo.
Vùng đất này được gọi là vùng đất diệu kỳ. Đó là nơi Niguma được
sinh ra. Niguma hình thành nên 5 pháp Niguma. Một trong những học
thuyết đó được xem như là kim chỉ nam của dòng tu Shangpa Kagyu của
Phật giáo Tây Tạng.
Câu chuyện này khá tương đồng với truyền thuyết khai nguyên của dân
tộc Khmer. Ở đây, vua Naga đã hút cạn hồ nước để tạo nên xứ sở Cos
Thlot cho con gái của mình là “Long Nữ” Niêng Neak, kết hôn với Preah
Thong để thành lập vương quốc, tiền thân của nước Campuchia sau này.
Vua Naga cũng hiện diện khi di vật tro cốt Đức Phật được phân phát.
Trong kinh văn Phật giáo Ceylon, Naga thường xuất hiện khi Đức Phật
thực hiện một cuộc viếng thăm miền Bắc Ceylon để hòa giải các Naga
trong cuộc chiến giữa họ; khi nhánh cây bồ-đề được chở theo đường biển
đưa đến Ceylon.
Những Naga đều muốn giành nó cho mình, nhưng Naga vẫn bảo hộ cho tàu
thuyền mang nhánh cây đó. Khi một điện thờ lớn được xây dựng ở Ceylon
để cất giữ những di vật của Đức Phật, Naga đã góp những di vật mà chúng
sở hữu. Truyền thống Phật giáo Miến Điện thiết lập việc thờ cúng Naga
cùng với Đức Phật.
Chỗ ở của Nagaraja (gọi là Long vương hoặc Long thần) được gọi là
Long cung hay Long hồ ở dưới đáy biển lớn, Long vương dùng thần lực hóa
ra cung điện làm chỗ giữ gìn tài bảo, kinh điển khi Phật pháp ẩn mất.
Rắn thần Naga chứng đắc và sự thành đạo của Đức Phật
Một Phật thoại khác về Naga, theo The Chronicle of Gotama Buddha, Mingum Sayadaw như sau: “Sau khi nhận thức ăn cúng dường là bát cháo sữa ghana do Sujata dâng cúng.
Bồ-tát đã đưa ra quyết định trong khi giữ cái bát vàng: “Nếu ta
thành đạo, ngày hôm nay, hãy để chiếc bát này trôi ngược dòng; nếu ta
không thành đạo, ngày hôm nay, hãy để chiếc bát này trôi xuôi dòng”.
Rồi ngài để chiếc bát xuống lòng sông Neranjara. Chiếc bát vàng rẽ
nước đi thẳng đến giữa con sông và trôi ngược dòng với tốc độ nhanh như
ngựa phi và mất hút vào một xoáy nước.
Khi đến cung điện của vua Naga Kala, chiếc bát vàng rơi xuống va nhằm
những chiếc bát được dùng bởi ba vị Phật quá khứ là Kakusanda,
Konagamana và Kassapa vào ngày các vị Phật đó thành đạo, tạo nên âm
thanh “kili, kili” và đến dừng lại dưới ba chiếc bát vàng đó.
Khi nghe âm thanh đó, vua Naga Kala thốt lên rằng: “Mới chỉ ngày hôm
qua, một Đức Phật đã hiển hiện; thế mà ngày hôm nay, một Đức Phật nữa
đã thành đạo”. Và Kala cất lên những câu xưng tụng.
Phật thoại trên phổ biến trong các bích họa ở phần lớn các chùa Phật
giáo Nam tông. Chùa Khmer ĐBSCL là một ví dụ. Trong các bích họa đó,
bức tranh xuất sắc nhất là bức vẽ ở chùa Lu Đồng (Sóc Trăng).
Theo Bùi Hiền - KTO