Trước hết chúng ta phải hiểu Tâm là gì?
Trong tiếng Hán, Tâm là trái tim. Từ cái nghĩa tâm là trái tim, rồi sau
mới suy diễn ra tâm là tấm lòng, cho rằng tâm là tấm lòng suy nghĩ. Một
bài thơ chữ Hán nói về tâm theo nghĩa này như sau:
三點如星像
橫鉤似月斜
披毛從此得
做佛也由他
“Tam điểm như tinh tượng,
Hoành câu tợ nguyệt tà.
Phi mao tùng thử đắc,
Tố Phật dã do tha”
Bài thơ này ví von cũng rất hay. Chữ Tâm
心 trong chữ Hán được mô tả có ba chấm như ba ngôi sao (Tam điểm như
tinh tượng), còn móc câu nằm ngang như ánh trăng nghiêng (Hoành câu tợ
nguyệt tà). Phi mao tùng thử đắc, tố Phật dã do tha: Mang lông đội sừng
tức làm thân trâu, ngựa… là do tâm này, mà Phật cũng từ nó.
Định nghĩa tâm xét theo nghĩa tiếng Phạn
thì có khác. Theo tiếng Phạn, tâm (citta) có nghĩa là tích tập. Định
nghĩa này được thấy trong kinh Hoa Nghiêm, bản dịch chữ Hán của Bát-nhã
(quyển 6): tích tập danh tâm 積集名心. Nó do gốc động từ là CI (cinoti):
tích chứa, tích lũy, tăng trưởng và cũng có nghĩa là quán sát, tri nhận,
cảm nhận. Đây là định nghĩa đặc biệt trong thuật ngữ Phật giáo, đặc
biệt là Đại thừa. Nghĩa thông thường của nó, được nói là do gốc động từ
cit hay cint (cintayati): tư duy, suy tưởng. Tâm là cái tư duy.
Nói tâm là cái tích tập: tích tập gì?
Một cách tổng quát, đó là kinh nghiệm hay nhận thức được tích lũy. Vậy
tâm là kinh nghiệm đời sống; tất cả những gì đã từng trải, bằng hành
động và nhận thức, tích lũy lại thành tâm. Nếu diễn tả ra trong cuộc đời
con người, từ khi bắt đầu biết suy nghĩ, biết hành động và có ghi nhớ,
cho đến khi chết; tất cả những ghi nhớ trong óc não còn lại đó gọi là
tâm. Chính những ghi nhớ đó tác thành một con người hoặc thiện hoặc ác
tùy theo kinh nghiệm môi trường, hoàn cảnh. Vì thế, ta nói tâm hướng dẫn
đời sống con người. Như vậy, tâm đó chính là nghiệp, là hành vi của con
người, vì những năng lực tạo ra hành vi của con người không bao giờ
mất. Chúng ta không nói tới luật bảo tồn năng lượng, nhưng phải biết
rằng không có cái gì mất đi trong hành động của chúng ta. Kinh nói: bất
sanh bất diệt, bất tăng bất giảm. Thế giới này không sanh cũng không
diệt, không có cái gì xuất hiện hoàn toàn mới mẻ cũng không có cái gì
biến mất đi hoàn toàn. Chúng sanh luân hồi vô thủy, chỉ là sự biến đổi
từ trạng thái này sang trạng thái khác, như gạo biến thành cơm, cơm biến
thành những dưỡng chất trong dạ dày, tiêu hóa, rồi thải ra, thành da,
máu thịt,… khi chết, da máu thịt này biến thành phân tro, phân tro này
đem bón trở thành cây trái, rau cỏ…, trở lại làm thực phẩm cho người và
vật, theo một quá trình sanh diệt, sống chết nữa nữa. Như vậy, chúng ta
thấy rằng, thân này chết nhưng nó không mất mà trở thành những cái khác,
biến thành phân tro, đất…, những cái này cũng không mất mà trở thành
máu thịt của con người, tức là không có cái gì sanh và cũng không có cái
gì hủy diệt mà chỉ có sự biến thái. Tâm cũng vậy, nó tích lũy. Những gì
được làm, được nói năng, suy nghĩ, hoặc thiện, hoặc bất thiện, thảy đều
không mất; mà tự chúng là sự biến thái của tâm từ một trạng thái này
sang trạng khác. Nghiệp là nguồn năng lượng được tích chứa trong kho
chứa gọi là tâm, phát hiện ra ngoài thành hành vi của thân, khẩu; hướng
thân, khẩu đến mục tiêu, theo hướng được định bởi lực đẩy ban đầu từ
tâm. Kho chứa ấy không phải nằm im lìm bất động, vì nguồn năng lượng
trong nó, mà Duy thức gọi là chủng tử (hạt giống, tức hạt năng lượng;
cũng gọi là tập khí hay công năng sai biệt, tức một loại công năng hay
năng lượng có thế lực đặc biệt tác thành những hiện tượng sai biệt mà ta
biết đó là thân, tâm, thế giới), những hạt giống năng lượng này tồn tại
trong trạng thái sanh và diệt trong từng sát- na, tạo thành hình ảnh
như một dòng thác chảy liên tục. Kinh nói: Nhất thiết chủng tử như bộc
lưu.
Những hành vi của thân và khẩu chỉ là
những vận động tự nhiên của thân và khẩu, do tác động hỗ tương giữa
trong và ngoài, không mang giá trị đạo đức, không xác định thiện hay ác
gì. Nhưng khi có nguồn lực từ tâm điều khiển nó theo hướng thiện hay bất
thiện, bấy giờ hành vi của thân hay khẩu bị nhuốm màu hoặc thiện, hoặc
bất thiện, ta gọi là nghiệp thiện và nghiệp bất thiện. Hành vi ấy huân
tập trở lại tâm, nghĩa là tác động trở lại tâm và biến đổi nó. Đó là sự
tích lũy nghiệp. Theo ý nghĩa này mà ta hiểu câu kinh sau đây: “Tam giới
duy tâm”, ba cõi duy chỉ là một tâm. Ý nghĩa ấy cũng phù hợp với điều
mà Phật nói trong các kinh điển Nguyên thủy: “Chúng sanh là kẻ thừa tự
của nghiệp” tức hành vi của chính nó. Nói cách khác, thế giới được thành
hình tốt hay xấu, thảy đều là sự biến thái của những gì, của tất cả
hành vi, được tích lũy bởi tâm, chứa đựng trong tâm.
Chúng ta nhớ rằng, khi được phân tích,
tâm có ba tầng. Tầng trong cùng, ta hãy gọi là tầng đáy; thứ đến, tầng
hoạt động luôn luôn là chấp ngã và một tầng khác hoạt động bên ngoài, là
các hoạt động của ý thức cùng với các giác quan. Chúng ta không nhận
thức được tâm như là thấy sắc, nghe tiếng, nắm bắt ảnh tượng ý niệm, tư
duy; chỉ biết rằng nó tồn tại qua những hoạt động của nó gọi là tâm sở.
Điều đó có nghĩa, tuy rằng gọi tâm là
cái tích tập, nó cụ thể, nó tồn tại đó nhưng không thể nhận thức được nó
mà phải từ những hoạt động của nó thì mới biết nó là cái gì.
Ba tầng tâm thức có khi được gọi chung
thành một là tâm-ý-thức. Như trong kinh Trung A-hàm (kinh số 17), Phật
nói: “Người mà tâm-ý-thức luôn luôn được huân tập bởi tín, tinh tấn, đa
văn, bố thí, trí tuệ; người ấy do nhân duyên này tự nhiên thác sinh lên
cõi trên, sinh vào thiện xứ…”; hoặc Tạp A-hàm (kinh số 289):
“Tâm-ý-thức, trong một ngày đêm, từng thời khắc, thoáng chốc sinh,
thoáng chốc diệt, biến đổi không ngừng…”; hoặc như kinh Hoa Nghiêm
(Phật-đà-bạt-đà-la, quyển 23): “Các dòng nước dục, hữu, kiến, vô minh,
tiếp nối chảy liên tục, làm nảy sinh hạt giống của tâm-ý-thức trên mảnh
đất ba cõi…” Luận Câu-xá (quyển 4) nói: “Nó tập khởi nên được gọi là
tâm. Nó tư duy trù lượng nên được gọi là ý. Nó phân biệt nhận thức nên
được gọi là thức… Tâm, ý và thức, ba tên gọi cùng chỉ một nội hàm. Nghĩa
tuy khác nhau nhưng thể là một.”
Trong đó, về tầng đáy, Thượng tọa bộ Nam
phương gọi là thức Hữu phần hay Hữu chi (bhavaṅga); các nhà Du-già hành
hay Duy thức luận, gọi nó là thức A-lại-da (ālaya) hay thức thứ tám.
Không thể nhận thức được tự thể của nó đã đành, cho đến các hình thái
hoạt động của nó cũng không thể dễ dàng nhận biết. Duy chỉ có thể biết
rằng nó tồn tại là do quan sát sự tồn tại của thiên nhiên, của vũ trụ,
của thân và tâm. Khi nhìn cây, lá cây, mọi người đều biết rằng lá cây đó
là do nhiều phân tử hợp thành, nhưng cái gì kết các phân tử đó lại với
nhau được? Phải có một lực nào đó kết dính lại. Vậy, lá cây đó tồn tại
và lay động như một toàn thể do bởi một năng lực nào đó. Lực đó, trong
Phật giáo nói chung, được hiểu là tâm, tức kho chứa tích lũy nhiều đời
nhiều kiếp của vô số hạt giống năng lực của nghiệp, để rồi đến khi chín
muồi, nghĩa là sau một quá trình đã được xử lý, các hạt giống năng lực
hay năng lượng ấy biến chuyển, và biến thái thành thân, tâm và thế giới;
chúng được duy trì do lực tương tác, tức hỗ tương tác dụng theo quy
luật duyên khởi.
Chính qua hoạt động của lá cây và sự tồn
tại của lá cây mà chúng ta biết rằng có một cái tâm. Đây là cái nghĩa
mà chúng ta đã nói nhiều lần; chính cái nghĩa đó gọi là duy tâm, là do
tâm. Tâm như vậy gọi là tâm biến, nhưng nghĩa này chưa tận cùng.
Thân thể chúng ta, trong điều kiện nào
đó thì những cái như ngón tay, sợi tóc… gắn kết lại với nhau, nhưng tới
một lúc nào đó thì nó rã ra, cho dù có lấy keo dán nó cũng không dính
lại, như khi chết chẳng hạn. Vậy khi nào rã ra và sau khi rã ra thì nó
trở thành đất, thành bụi… vẫn còn đó nhưng qua trạng thái khác.
Tóm lại, có mấy vấn đề, chúng ta đi từ
từ: tâm là sự tích tập, tích lũy kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm là hoạt
động của nghiệp, nghiệp tạo ra thế gian, nhưng cái tâm thì chúng ta
không thể hiểu được, không thể biết được, vì không thấy được mà phải
nhìn qua những hiệu quả của nó, tức là những công dụng, tác dụng mà nó
gây ra trên mọi thứ tồn tại trong đời. Tác dụng của nó là duy trì sự tồn
tại, duy trì mối quan hệ của các sự vật, tồn tại của các pháp.
Muốn biết rõ tâm và tại sao gọi nó là
tâm thì phải qua một tầng nữa, tức là tại sao gọi là nó kho chứa của
nghiệp?
Muốn biết rõ tâm và tại sao gọi nó là
tâm thì phải qua một tầng nữa, tức là tại sao gọi nó là kho chứa của
nghiệp? Nên biết, đó là tầng thứ hai, gọi tên là ý. Tâm, có nghĩa là là
tích tập; còn ý thì có nghĩa là gì? Nói vắn tắt, ý là cái hoạt động tư
lương. Tư lương là gì? Những cái mà ta gọi là tư duy, tư tưởng… những
hoạt động của tâm lý, nói chung là suy lường, đắn đo ước lượng, phán
đoán, v.v., gọi là tư lương; đây là nói theo nghĩa rộng nên hơi mơ hồ,
không xác định. Thu gọn lại, tư lương là hoạt động của một cái tôi.
Chúng ta biết mình đang tồn tại, đang
hiện hữu, vì biết rằng có một cái tôi: Tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi… Từ
cái tâm tích lũy này, rõ ràng có thêm một tầng nữa, khiến nó lộ lên mặt
biểu hiện một chút, đó là cái (chủ thể) chấp ngã. Trong nhiều tín ngưỡng
tôn giáo, cái ngã hay tự ngã này được hiểu là linh hồn nằm trong thân,
hoặc nó lớn bằng thân, hoặc nhỏ như hạt cát. Lớn bằng cái thân cho nên
nếu vừa bứt một sợi tóc, vừa chích kim dưới bàn chân thì cả hai nơi đều
cảm giác đau cùng một lúc. Có cảm giác đó, là do có linh hồn. Khi hồn
lìa khỏi xác, xác chết nằm trơ không hay biết gì. Hoặc là linh hồn giống
như hạt cát, như một nguyên tử trong thân có vận tốc thật nhanh. Cả hai
nơi lại cùng đau một lúc, đó là do linh hồn vận chuyển rất nhanh. Trong
Phật giáo không có linh hồn như vậy được thừa nhận.
Bây giờ sang tầng thứ ba để sẽ hiểu rõ
hơn về hoạt động của thức. Nhưng tầng thứ ba này nếu không có hai tầng
đầu thì cũng không thể hiểu nó được, vì tất cả đều phải quan hệ với
nhau. Như do quan hệ với toàn thể xe mà cái khoanh tròn kia được gọi là
bánh xe.
Gọi nó là thức, vì nó nhận biết đối
tượng. Điều này ta có thể kinh nghiệm và chứng minh được bằng hoạt động
của sáu thức: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây là tầng ngoài cùng của
cơ cấu tâm thức, gọi là thức thường nghiệm tức là những hoạt động nhận
thức mà ta có thể kinh nghiệm được bằng giác quan thường nhật. Tầng này
được gọi chung là thức. Tầng thứ hai trung gian, như đã biết, gọi là ý,
hay là thức thứ bảy. Nó cũng được gọi là thức, vì nhận thức về sự tồn
tại của một tự ngã, một cái tôi. Tầng trong cùng, gọi là thức thứ tám,
mà nhận thức của nó là duy trì mối quan hệ tồn tại của thân, tâm và thế
giới. Hai tầng sau này thuộc về thức siêu nghiệm, tức không thể nhận
biết được bằng kinh nghiệm giác quan thường nhật. Chính yếu thường chỉ
là dựa trên chính hoạt động của sáu thức tầng ngoài để khám phá ra hai
tầng kia.
Đứng trước một cái gì đó mà biết rằng,
cái trước mắt mình là một cái cây hay một đóa hoa, nghĩa là đóa hoa xuất
hiện trong con mắt rồi cái biết khởi lên, cái biết qua con mắt thì cái
biết này gọi là nhãn thức, còn nghe những âm thanh trầm bỗng đô, rê, mi,
fa… mà biết âm thanh này cao thấp, hay dỡ thì cái biết qua lỗ tai này
gọi là nhĩ thức. Còn cái biết trong cùng như đọc sách mà biết rằng đây
là Nguyễn Huệ đánh Nam dẹp Bắc, đây là vua Lê Chiêu Thống chạy trốn sang
Tàu, thì đó cũng là cái biết. Cái biết này dựa trên ấn tượng quá khứ;
ấn tượng này do từ sách vở gợi lên hay do kinh nghiệm mà mình đã từng
trải. Cái biết này không do mắt thấy tai nghe mà là do sự ráp nối của
thức bên trong, gọi là ý thức. Tức là qua cái biết của con mắt, của lỗ
tai, để lại; tất cả những cái biết này ghi dấu trong tâm, được tích lũy
lại, rồi dựa trên đó mà ráp lại, thì cái biết đó gọi là cái biết của ý.
Thành ra, cái biết của ý thức phải dựa
trên nền tảng, là kinh nghiệm tích lũy; tức dựa trên cái tâm, là thức
thứ tám. Nhưng nó cũng phải y trên một cơ quan ráp nối, có thể gọi là
trung tâm xử lý dữ liệu, để ráp nối cái này với cái kia. Con bò ráp nối
dữ liệu tích lũy theo kiểu nó; con chuột ráp nối cảnh theo cách của nó,
để nó nhìn và hiểu thực tại theo cái cách khác nhau của mỗi loài; mặc dù
mắt tai mũi lưỡi giống nhau nhưng sự ráp nối khác nhau.
Ta hãy lấy thí dụ về máy vi tính. Các dữ
liệu được nhập thông qua bàn phím và con chuột là sáu thức. Chúng được
lưu trữ như là các chủng tử được tích chứa trong kho chứa thức thứ tám
(thức a-lại-da). Tại đó, chúng được đưa vào trung tâm xử lý để chờ xuất.
Trung tâm xử lý dữ liệu đó là thức thứ bảy. Từ đó, cũng thông qua bàn
phím và con chuột là sáu thức bên ngoài mà chúng được xuất, để cho ra
trên màn hình nhiều thứ khác nhau, tức là toàn thể thế giới, thân và tâm
của mọi loại chúng sanh.
Như vậy, ta hãy hỏi thêm lần nữa: thức
là gì? Thức là nhận thức, là nhận biết. Ban đầu, chỉ như là sự thấy biết
của con mắt: chỉ nhìn và thấy biết, nhưng không phân biệt cái được thấy
ấy là gì. Ta thường gọi đó là cái biết trực giác; thuật ngữ Phật học
gọi là thức hiện lượng vô phân biệt. Nhưng khi nói: “Tôi biết tôi đang
nhìn/ hay đang thấy” thì lúc đó rõ ràng có một cái tôi đang chủ trì sự
thấy. Song, tất cả mọi cái thấy và biết đều phải thấy, biết về một cái
gì. Con mắt thấy, tất phải có cái gì để mà thấy.
Theo cách hiểu thông thường, cái thấy
hay biết nào cũng là sự tích hợp của hai yếu tố: thức và cảnh, tức chủ
thể nhận thức và đối tượng tương ứng của nó. Nhưng chúng ta biết rằng,
thức không tự biết nó là cái gì cả, như lưỡi dao bén không thể tự cắt
đứt chính nó. Chỉ khi nào tự ngã hay cái tôi xuất hiện như là chủ thể
nhận thức, bấy giờ thức mới nhận biết được nó và đồng thời đối tượng của
nó. Thêm bước nữa, ta cũng không biết cái tôi ấy là gì, tồn tại như thế
nào. Nhưng do thấy kết quả, rồi suy luận ra có thức đang thấy, đang
biết; từ những kinh nghiệm được tích lũy bởi thức, người ta suy nghĩ ra
có cái linh hồn, như là chủ thể của sinh mạng và nhận thức. Thật ra đây
là một quá trình, một chuỗi quan hệ.
Cho nên, chúng ta nói rằng có một cái
thức để biết, và nghĩ nó là linh hồn, thì thật sự không bao giờ có cái
linh hồn thường hằng bất biến như được quan niệm trong nhiều tín ngưỡng,
tôn giáo. Ta biết có một cái tôi tồn tại, ấy là do quan hệ; quan hệ
giữa trong và ngoài, nội giới và ngoại giới; nói gọn, thức và cảnh, chủ
thể và đối tượng của nó. Nhưng nếu chỉ y nơi sự quan hệ của hai cái thôi
thì cũng không đủ để hiểu được hoạt động của nhận thức và quá trình
hình thành, xuất hiện cái tôi.
Cái mà ta gọi là cái biết thì thực sự ta
không biết nó là cái gì cả vì nó vô hình và không bao giờ chúng ta kinh
nghiệm được, mà chỉ biết được qua hành vi của nó. Vậy cái mà chúng ta
kinh nghiệm được, nắm bắt cụ thể được như nắm viên bi trong tay, và soi
vào trong gương mà thấy được, cái đó gọi là con mắt, tức là căn. Con mắt
mà ta thấy được, nắm được, đó là phù trần căn, tức khối thịt và các mô,
cùng thủy tinh thể, tạo thành nhãn cầu, con ngươi. Phù trần căn mà
hỏng, bấy giờ nhận thức con mắt không thể khởi lên vì khuyết duyên. Phù
trần căn chưa hư, sắc ngoại cảnh xuất hiện và được phản chiếu lên đó,
thuật ngữ duy thức gọi là đới bỉ tướng. Nhưng phù trần căn thì không bị
biến đổi theo cảnh sắc; do đó, đới bỉ tướng là ảnh tượng được ghi dấu
lên một loại sắc vi tế, minh tịnh, nhạy cảm, thuật ngữ gọi là tịnh sắc.
Chính loại tịnh sắc này mới có thể bị kích thích bởi ngoại cảnh. Như
vậy, khi cảnh phản chiếu lên phù trần căn, ghi ấn tượng lên tịnh sắc
căn, bấy giờ thức xuất hiện. Không có căn, không có cảnh, thì cũng không
có thức.
Căn, cảnh và thức, ba cái hòa hiệp thành
một tổ hợp ba, gọi là xúc. Giống như 2 O2 và 1 H liên kết thành một
phân tử nước H2O; Nếu thiếu một nguyên tử, thì cũng không thành phân tử
nước được. Từ xúc khởi lên thọ, cảm giác thích ý hay không thích ý. Tiếp
theo thọ là tưởng; các ấn tượng nhận thức được cấu trúc lại thành khái
niệm, thành ý tưởng, làm cơ sở cho tư duy và ngôn ngữ; rồi từ đó khởi
lên phán đoán, và nhận thức. Đó là quá trình nhận thức một đối tượng,
được phân chia thành nhiều giai đoạn.
Ba cái: căn, cảnh, thức hợp lại, quan hệ
tổng hợp với nhau, mới thành ra hiệu quả nhận thức. Khi chúng ta chia
ra thì đây là thức, đây là căn, đây là cảnh; còn nếu trong tự thể tồn
tại, chúng thảy đều là chủng tử như những dữ liệu được lưu trong bộ nhớ
của máy vi tính. Tự bản chất, chúng là những dạng xung điện có và không,
1 và 0, nhưng do kết cấu của hệ thống vi mạch để nhận xung điện; rồi
tùy theo lập trình mà chúng được đưa vào bộ vi xử lý để xử lý, cho ra
kết quả với nhiều hình thái khác nhau trên màn hình: núi, sông, nhân
vật; khóc, cười, yêu, ghét… đủ mọi cảnh đời.
Tất cả đều là do sự ghép nối. Thuật ngữ
Phật học gọi sự ghép nối ấy là phân biệt. Đôi khi nói thêm là phân biệt
vọng tưởng. Phân biệt, nghĩa là cấu trúc lại thực tại. Như ta gõ bàn
phím để nạp dữ liệu, đưa vào xử lý, rồi cho ra kết quả trên màn hình.
Trên đó, chỉ là hệ thống kết cấu của những cột đèn vi tính sắp thành
hàng ngang và dọc, mà mật độ được tính trên từng phần vuông. Mỗi cọc có
ba bóng đèn nhỏ bật sang ba màu căn bản. Tùy theo lệnh từ bàn phím, sau
khi đã được xử lý, các dữ liệu được bố trí theo một cấu trúc xác định,
theo đó, bóng đèn nào có xung điện để được thắp sáng. Mật độ xung điện
có và không tạo thành sự chớp nháy liên tục thay nhau của các bóng đèn,
với các màu được thắp sáng pha trộn, phản chiếu lẫn nhau, tạo thành vô
số hình ảnh và âm thanh. Như vòng hào quang sau tượng Phật tại các chùa.
Do sự chớp nháy liên tục thay nhau của các bóng đèn được bố trí thành
vòng tròn, ta thấy vòng hào quang sau tượng Phật đang xoay, mà thực tế
thì tất cả đều đứng im tại vị trí cố định của nó.
Như vậy, mối quan hệ kết cấu của căn,
cảnh và thức hiện hành từ chủng tử riêng biệt của chúng, hòa hiệp với
nhau tạo thành hình ảnh thế giới mà ta thấy, ta nghe, v.v… Thế giới xuất
hiện theo sự cấu trúc của căn, cảnh thức ấy là thế giới tồn tại do bởi
phân biệt. Tất cả tồn tại do phân biệt kết cấu đều có thể nói là vọng
tưởng, vì nó không phản ảnh trung thực tồn tại, nó như là nó.
Chúng ta học để hiểu được bản chất của
thực tại cũng giống như người kỹ sư hiểu rõ cấu tạo của vi tính, cơ bản
là hiểu rõ, trong một giới hạn nào đó, quy luật vật lý, nguyên tắc nhị
phân, nguyên tắc xung điện như thế nào… thì có thể xử lý công việc theo ý
của mình. Đó là do trình độ hiểu biết những nguyên tắc của tồn tại, của
quan hệ các hình ảnh như quan hệ của ánh sáng với những xung điện.
Tóm lại, nếu nhận thức được thực tại, thấy được thực tại, hiểu rõ được
chân lý thì có thể biến đổi được thế gian này, làm cho nó tồn tại hay
làm cho nó hủy diệt; đó chính là nói rằng Ma hay Phật cũng đều do tâm,
ba cõi duy chỉ một tâm, là nói theo ý nghĩa này.■