Phật pháp căn bản
Pháp & tợ pháp
Tâm Minh St
11/07/2013 00:38 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phải học đúng Pháp chứ không thể theo tợ Pháp (cái giống Pháp) để rồi biết về đâu giữa mù tăm dâu bể.

PHAT HOC.jpg

Lúc Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, Ngài đã khuyên đệ tử dựa theo 4 điều y cứ (tứ y) để tu hành liễu thoát sanh tử, trong đó điều đầu tiên là “Y pháp bất y nhân”. Pháp chính là kinh điển. Kinh điển cũng hiểu rộng ra là lời giảng kinh và khai thị của các bậc đã triệt ngộ. Không dựa vào kinh điển tu tập, người ấy có nguy cơ đi lệch đường đạo. Không thâm nhập kinh điển, có chút công phu dễ nhầm mình chứng đạo. Ở tầng trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, người ta dĩ nhiên “sống trong định” bèn tưởng mình là Phật, chẳng ngờ hết phước lại rớt xuống hạ giới như thường. Nói gì đến những vị ở hạ giới tĩnh tọa hàng tháng trời lại tưởng mình đã ra khỏi Tam giới. Ngay ở xứ Ấn và bên Tây Tạng, người người tham thiền đến râu tóc phủ kín mặt song đa phần giống như cốc nước để lâu nên lắng, lúc xả thiền tiếp xúc với nghịch duyên trần cảnh thì cấu cặn lại trỗi lên. 

Nhiều vị nhập định sâu, chỉ một chút sanh tâm tự mãn liền rơi vào “ấm ma”; ma tạo cảnh giới ảo và họ tha hồ vi vu khoái lạc, tha hồ gieo rắc nghiệp chướng. Đau xót nhất là hiện tượng tuyên bố mình chứng quả. Xưa nay trong nhà Phật, gần như ai chứng Thánh quả đều không hé lộ. Do duyên cơ nào đó “bị lộ”, họ sẽ bỏ xác phàm rời nhân gian. Cũng có trường hợp “khai” mình chứng quả, liền nhập Niết-bàn. Đây gần như là nguyên tắc chưa có ngoại lệ. Cho nên để nhận diện một ông Phật giả thật không quá khó. Trong kinh Đại bảo tích, Đức Phật hỏi đệ tử: Nếu như có một người cướp hết sản vật của chúng sanh Nam Diêm Phù Đề, tội ấy có nặng không? Đệ tử trả lời, rất nặng. Phật bảo: Nếu người nào chưa chứng ngộ lại xưng mình đắc Tu-đà-hoàn, tội kia không bằng. Thế mới biết gieo nhân xấu này ắt xuống địa ngục thọ quả.

Dẫu biết còn xa thẳm, nhưng Phật tử nào chẳng mong ngày Phật Di Lặc giáng thế. Kinh Vô lượng thọ nói rõ tương lai Ngài vẫn sẽ truyền giảng Tịnh độ - pháp môn được Phật Thích Ca nhắc nhở: Thời mạt pháp tu niệm Phật mới thù thắng diệu dụng. Khá nhiều trường hợp thuộc hàng ngu phu nhưng phát đại nguyện sanh về Tây phương Cực lạc; sống và làm bất cứ điều gì đều cốt “trang nghiêm Phật tịnh độ”, ngày đêm chuyên tâm niệm Phật đẩy lùi vọng tưởng - phân biệt - chấp trước, họ đã nhẹ nhàng đới nghiệp mà vãng sanh, sớm viên thành Phật đạo. Thế mới gọi pháp môn này “hoành siêu tam giới”. Chính sự “đi tắt” này nên dễ khiến đại chúng nghi ngờ. Không dễ tin chỉ nắm vững câu Phật hiệu, một lòng hướng nguyện trở về “bản quán” lại thành Phật; trong lúc các bậc chân tu muôn vàn khổ công đến bạc tóc vẫn chưa thể nhập vào dòng Thánh với quả vị thấp nhất.

Hòa thượng Quảng Khâm (bậc chân tu đại ngộ được cả giới tu Thiền và Tịnh kính ngưỡng) thậm chí còn bảo không nhất thiết phải học nhiều kinh điển, chỉ cần tâm không rời câu “A Di Đà Phật”. Ý muốn nói, một khi tin sâu Cực lạc thế giới, chuyên trì danh hiệu cầu vãng sanh thì mọi kinh luận đều... thừa. Người ta vẫn nghĩ Hòa thượng Tuyên Hóa tu thiền nhưng ngài chứng ngộ trước tiên nhờ công phu niệm Phật. Sau này do muốn qua Âu Mỹ rộng độ nên ngài mới giảng thiền, bởi họ luôn nghĩ mình tài giỏi, bị sở tri chướng ngại.

Nhiều bộ óc vĩ đại, thông hiểu sâu sắc kinh giáo, vẫn... không tu, vẫn chỉ đứng ngoài cửa đạo. Đó là “sự lạ”! Thế mới biết học Phật phải học bằng tâm, xem kinh như Phật. Một khi trong tâm “chưa có Phật” thì hết thảy kinh điển chỉ là triết học, là sách quý; hết thảy hình họa, tượng Phật, Bồ-tát chỉ là tác phẩm thuần túy. Một khi tâm Phật hiển lộ thì với tượng Phật liền một lòng cung kính như Phật bằng da bằng thịt trước mặt. Đó chính là cái bên trong tương ưng với sự bên ngoài. Rộng hơn, mọi chúng sanh kể cả động vật và khoáng vật đều là “Phật vị lai”, ta đều phải với tâm chí thành mà phụng sự. Người đời chửi mắng, trách móc, chê bai chính là đang dạy mình tu pháp nhẫn nhục. Từ đó xoay ý niệm ghi ơn, hồi hướng thiện lương về họ. Vị tiên vốn là kiếp trước của Phật Thích Ca phát nguyện độ người “tùng xẻo” mình là tấm gương chói sáng nhất. Nếu chưa vượt qua ải nhẫn nhục, tức tâm còn ngã kiến, biên kiến, sân khuể, còn có ý niệm đối lập với người khi dễ ta, đây là biểu hiện của tâm luân hồi. Tâm luân hồi thì thân luân hồi.

Giấc mơ, nhất là ác mộng không hẳn “giả”, đó là sự dồn nén hiện thực, dẫn nguồn từ hiện thực, hoặc một hiện thực mà nhục nhãn không thể nhìn thấy; hay nói đúng hơn là sự chiêu cảm nghiệp lực chưa được hóa giải. Có một Ni sư đêm mơ thấy mình tát người, sáng ra đã quán tưởng người đó mà sám hối, lễ và hồi hướng. Một người cha có đứa con bất trị thuộc hàng mafia chém giết tù tội, gây cho ông muôn vàn đau khổ. Biết rõ oan gia tương báo, ông đã nghe theo lời dạy của một vị thầy, về dán ảnh đứa con ấy trong phòng ngày nào cũng âm thầm lễ lạy, nguyện hóa giải oan khiên. Một thời gian lâu chưa thấy chuyển biến, vị thầy khuyên ông tiếp tục lễ. Cuối cùng đứa con “tự nhiên” chuyển tâm như một phép màu. Mối oan oan tương báo giữa cha con từ đời kiếp nào và một phần trong kiếp này được hóa giải. Chẳng những vậy, ngay cả đến những cao tăng đại đức cũng lễ lạy người “vô cớ vô sự” ganh ghét, oán thù mình, huống hồ người đời nghiệp chướng sâu dày.

Hễ oan gia trái chủ “đối đầu” mà ta chưa hề biết thì thôi, chứ nếu sờ sờ trước mắt dẫu chỉ một người luôn khiến ta bực dọc, khiến dấy lên cái suy nghĩ “giá không có người này...”, chừng đó nguy cơ ta ở lại với họ trong lục đạo là rất thực tế.

Dẫu lý thuyết kinh giáo trang bị đầy mình, lúc gặp sự cố chúng ta vẫn bủn rủn... Mọi chướng ngại, phiền não, hoặc đến như đi đứng vấp ngã, cảm bệnh... đều là khảo nghiệm tâm tính, đều là đề thi của Phật và Bồ-tát, ta cứ lần lữa và nộp bài với điểm trung bình ắt khó được “lên lớp” học với Phật. Khảo nghiệm tâm theo cách này cũng khá thú vị: Giả như niềm vui đến mà trên đường phóng xe về nhà hoặc lâu hơn ta vẫn lâng lâng (niệm Phật không vô hoặc quên luôn Phật hiệu), chính là tâm khí lao chao. Vui mà tâm không thanh tịnh, thì lúc nỗi buồn ập tới cũng khiến ta ưu sầu, mất thăng bằng và sụp đổ. Cho nên luyện tâm, trước hết phải bình lặng ở sự thành đạt hanh thông. Bởi những điều đó chung quy đều hướng chúng ta vào ma sự.

Tà giáo hay kẻ thù đều là những sinh mệnh lầm đường lạc lối. Người Phật tử tu theo tinh thần kinh điển chính là đang đi trên con đường sáng với đôi mắt sáng, thì phải phát tâm dẫn dắt người chưa sáng vào chánh đạo, sao lại đối lập, đẩy họ sâu thêm vào ngõ tối.

Ai kiếp này có học Chánh pháp (kể cả những tôn giáo gần với tinh thần của Phật), phần nhiều trong số đó chắc kiếp trước đã tu. Do sự thôi thúc của nghiệp quá khứ, kiếp này “mở mắt” chưa có cơ duyên gặp Phật, lại thấy cái gì na ná Phật pháp là chộp liền, mắc kẹt luôn trong đó. Thậm chí cho cái mình theo là phương tiện đệ nhất, không ngó vào kinh điển để mà đối sánh.

Nếu bảo kinh điển là “cổ tích”, không còn phù hợp với thời đại, mong họ cũng nên xem qua, lúc lâm nạn nên đưa ra soi xem thế nào. Còn không chính họ đang mua một cái vé giả. Có thể ta trễ tàu, có thể tàu hoãn chuyến, nhưng trong tay trước hết phải nắm chắc vé thật. Phải học đúng Pháp chứ không thể theo tợ Pháp (cái giống Pháp) để rồi biết về đâu giữa mù tăm dâu bể.  

Theo: www.giacngo.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch