Hói đáp phật học
14/02/2014 15:58 (GMT+7)

Hỏi:

 

Cúng dường chư Phật mười phương không bằng cúng dường một đạo nhân vô tâm. Tại sao? Vì người vô tâm là không tất cả tâm, thể như như, trong như cây đá không động không lay, ngoài như hư không chẳng bít chẳng ngại, không năng sở, không chỗ nơi, không tướng mạo, không được mất. Người thú hướng mà không dám vào pháp này, sợ lạc vào không, không có chỗ nơi nương tựa, trông thấy mé rồi thối lui. 

      

Đáp:

 

Đây là dẫn kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật nói cúng dường chư Phật mười phương không bằng cúng dường một đạo nhân vô tâm. Có người thắc mắc cúng dường chư Phật mười phương nhiều như vậy sao không bằng cúng dường đạo nhân vô tâm? Ở đây chỉ cho chúng ta thấy, người phát tâm cúng dường chư Phật mười phương là xoay ra ngoài tìm Phật cầu Phật, còn đạo nhân vô tâm là chính mình đi tới chỗ vô tâm, đó là chỗ cúng dường tuyệt đỉnh. Trở về để thấy ông Phật nơi mình còn hơn ra ngoài làm trăm ngàn Phật sự, gọi là cúng dường Phật không bằng trở về mình nhận chân được mình. Nhận chân được mình là vô tâm, vô tâm là đạo, đạo tức là Phật. Nên nhớ người học đạo là trở về mình, chớ không phải chạy ra ngoài.

Vì người vô tâm là người không tất cả tâm, thể như như, trong như cây đá không động không lay, ngoài như hư không chẳng bít chẳng ngại, không năng sở, không chỗ nơi, không tướng mạo, không được mất. Người thú hướng mà không dám vào pháp này, sợ lạc vào không, không có chỗ nơi nương tựa, trông thấy mé rồi thối lui. Chỗ này nói chúng ta có hai cái khó. Thứ nhất là làm sao cho được không tâm, tức không tất cả tâm. Không tất cả tâm rồi lại bị cái khó thứ hai là sợ lạc vào không, đâm ra hoảng hốt. Đó là hai cái khó của người tu.

Khó thứ nhất chúng ta có thể qua được, vì tin lặng hết tất cả niệm sẽ giác. Khi hết tất cả niệm, sao không thấy gì hết, sợ rơi vào không, đâm ra hoang mang. Nhưng họ quên không có gì hết tức là không tất cả vọng niệm, không tất cả lăng xăng mà thường biết rõ ràng. Thường biết rõ ràng làm sao lạc về không được? Nếu không biết như cây như gỗ thì lạc về không là phải. Nhưng không tất cả niệm, còn vẫn thấy biết rõ ràng mà nói lạc về không thì vô lý. Nhiều người tu tới đây muốn thối lui, tưởng thấy hào quang mới thích thú, chớ không thấy gì hết thì tu làm chi. Hiểu như vậy thật là lầm to. Chỗ đó vô nhất vật, rỗng thênh, làm sao thấy cái gì? Khi tâm chúng ta trong sáng nên biết nó rỗng thênh. Tâm đang biết rỗng thênh làm sao nói không biết gì hết!

Chỗ này quí vị tu lâu phải chú ý, nếu không tới đây giật mình, sao lâu nay mình tu nhiều quá mà không còn gì hết, đâm ra hoang mang. Không còn tất cả niệm, tất cả dấy động, chớ tâm thênh thang vẫn còn. Song có nhiều người thích tới đó có hào quang hoặc thấy Phật sờ đầu mới vừa ý, không thấy Phật sờ đầu, không thấy hào quang, họ hoảng hốt sợ tu tới đây thành không ngơ. Như vậy để biết chúng ta tu tới đây không còn tất cả niệm sanh diệt, chỉ còn cái biết rỗng lặng, trùm khắp không nơi chốn. Cái biết rỗng lặng đó là tâm thể, là Phật thật của mình, chớ không phải gì lạ. Nhận được như thế rồi, tu thuần thục mới có diệu dụng vô cùng, cho nên nói chân không mà diệu hữu. Đi tới đó Phật mới có tam minh, lục thông v.v… Còn chúng ta chưa tới đó mà đã hoảng muốn thối lui, làm sao được? Chỗ này hết sức quan trọng, người tu không biết rất dễ lầm lẫn.

HT. Thích Thanh Từ

Các tin đã đăng: