* * *
Đức Thế Tôn chế định giới luật để các đệ tử xuất gia có đầy đủ giới tướng, giới thể khi thực hành pháp học, pháp hành, trang nghiêm tự thân và góp phần vào sự nghiệp xương minh đạo pháp, trang nghiêm Giáo hội.
Thiết chế Giới luật là một trong các chánh nhân để hàng Phật tử xuất gia tu dưỡng, tịnh hóa thân tâm trên lộ trình tầm cầu giác ngộ giải thoát. Giới luật ngoài chức năng hoàn thiện đạo đức cá nhân, chính sự nghiêm trì giới luật của Tăng Ni đã đóng góp tích cực vào sự hoàn thiện đạo đức xã hội. Bởi vì, đạo đức xã hội có nhiều điểm tương đồng với đạo đức Phật giáo. Từ nội hàm là thiệu long thánh chủng, bạt tế tam hữu, dục báo tứ ân, báo Phật ân đức, đến ngoại diện là các Tăng Ni hậu học phải được truyền trao giới pháp, nghiêm trì giới luật mới có thể tinh cần trong tu học, đồng thời giới luật còn là thước đo tăng phong, phẩm hạnh, trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực của mỗi Tăng Ni.
Với trí tuệ của bậc đại giác ngộ, đức Thế tôn đã chế định giới luật để các đệ tử xuất gia y cứ vào đó tu dưỡng, tịnh hóa thân tâm, trở thành những người có đạo đức vẹn toàn, làm mô phạm cho trời người, hướng dẫn tinh thần cho Phật tử tại gia. Do đó, mọi việc làm trong tu học, sinh hoạt thường nhật đều phải lấy giới luật làm thầy và tuyệt đối phải tuân hành giới luật. Bởi vì, mọi vấn đề tu học, sinh hoạt không phù hợp với những quy định của giới luật đều đi ngược lại lời Phật ý Tổ. Trong cuộc sống, từ việc làm nhỏ nhất cũng không được trái với giới luật, nó phải phù hợp với tự nhiên giới, từ đó thiết lập một trật tự, kỷ cương, nề nếp trong tu học. Vì thế, giới luật có thể được nhận thức sâu rộng trên các phương diện: bản thể luận, đạo đức luận và phương pháp luận.
1/ Về phương diện bản thể luận :
a. Khi nghiên cứu giới luật ở thể tĩnh:
- Về bản chất : Giới luật là chánh nhân để phát sinh định, tuệ; là nguồn gốc để giải quyết các mối tương quan giữa Tăng Ni với Tăng Ni, giữa Tăng Ni với cộng đồng Tăng già, giữa Tăng Ni với cộng đồng xã hội. Dần dần trở thành quy tắc xử sự mà mỗi Tăng Ni phải tuân thủ khi giao tiếp với nhau hay giao tiếp xã hội. Cuối cùng, nó trở thành định chế buộc mọi Tăng Ni phải tuân thủ, nếu không sẽ bị trị phạt.
- Về bản thể : Nguyên thủy của giới luật là nghệ thuật chung sống trong cộng đồng Tăng già. Dần dần nó trở thành kỹ thuật bảo vệ sự thịnh suy của Giáo hội, sự xương minh đạo pháp, để cuối cùng trở thành khoa học bảo vệ và phát huy sự đoàn kết hòa hợp, thành tựu sở tu sở học của các Tăng Ni thành viên Giáo hội.
b. Khi nghiên cứu giới luật ở thể động:
Giới luật ban đầu có tính điều hòa các mối quan hệ trong cộng đồng Tăng lữ, về sau mang tính qui chuẩn buộc mọi Tăng Ni phải tuân thủ để xương minh Phật pháp, làm lợi mình lợi người, trang nghiêm tự thân và trang nghiêm giáo hội.
2/ Về phương diện đạo đức luận :
Mục đích cuối cùng của giới luật là đưa đến cái thiện, nhưng đó không phải là thiện vị kỷ mà là thiện vị tha, tạo điều kiện cho Tăng Ni có được cuộc sống thánh thiện, chân thiện mỹ giữa cuộc đời. Do đó, dù tu học theo Bắc tông hay Nam tông, muốn phát huy tăng phong, phẩm hạnh, đạo nghiệp, Tăng Ni không thể xa lìa giới luật.
3. Về phương diện phương pháp luận :
Giới luật là một khoa học, nhưng khi vận dụng giới luật lại là một nghệ thuật. Vì thể giới luật luôn chính xác, vì chính xác nên giới luật đã phục vụ tốt cho chân lý. Vì vậy, chân lý không đổi thay theo không gian và thời gian.
Qua đó, cho thấy những giới tướng của giới luật mà Tăng Ni giới tử lãnh thọ sẽ là thắng duyên, tăng thượng duyên để mỗi Tăng Ni đều được tịnh hóa thân tâm; thành tựu giới thể để trưởng dưỡng đạo tâm, phát huy sở tu sở học trở thành những trụ cột của Giáo hội sau này.
Ngoài ra, Đức Phật dạy: người nào nghiêm trì giới luật sẽ có 5 điều lợi ích:
1. Người có giới đức sẽ hưởng được gia tài pháp bảo nhờ tinh cần tinh tấn trong tu tập.
2. Được tiếng tốt đồn xa.
3. Không sợ hãi, rụt rè khi đến các hội chúng đông đảo.
4. Khi thân hoại mạng chung, tâm không rối loạn.
5. Sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cảnh giới an lành.
Khi hiểu đúng ý nghĩa của việc cầu thọ giới pháp, chúng ta cần phải hiểu chức năng của giới là ngăn chận và chấm dứt các tà hạnh, thành tựu các thánh hạnh và đạt được những điều lợi ích từ sự nghiêm trì giới luật. Như cổ đức dạy:
“Như cây bị chặt đốn
Gốc chưa hại vẫn bền
Ái tùy miên chưa nhổ
Khổ này vẫn sanh hoài”
(Kinh Pháp Cú, câu số 338)
Bí sô Quảng Nghiệp