Tịnh độ
Từ Pháp Môn Tịnh Độ Nói Đến Đại Thừa Và Tiểu Thừa
28/09/2010 08:57 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ Pháp Môn Tịnh Độ Nói Đến
Đại Thừa Và Tiểu Thừa
Nguyên tác: Trương Huệ Minh
Việt dịch: Thích Tâm An

Phật pháp là pháp bình đẳng hoàn toàn không có cao thấp, tu tập bất kỳ pháp môn Phật pháp nào, cũng có công đức và cũng có thể thành Phật. Phật pháp vốn không có phân biệt Tiểu thừa và Đại thừa. Phật dạy vô lượng pháp môn, chẳng qua là tùy bệnh mà cho thuốc. Vì chúng sinh nghiệp lực không giống nhau, tâm lượng lại có lớn nhỏ. Phật phương tiện dẫn đạo chúng sinh nên nói Tiểu thừa và Đại thừa. Tất cả các pháp, vốn là không hai, không khác, đồng về một thật tướng.

 

Trong các pháp môn, chỉ có pháp môn Tịnh độ là đầy đủ phương tiện nhiếp độ tất cả các căn chúng sinh, thượng, trung, hạ. Từ kẻ ngu dốt cho đến người trí, trên các bậc Thánh nhân, dưới cho đến phàm phu nếu người nào có tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên, phát nguyện vãng sinh, đều có thể thành tựu. Vì pháp môn Tịnh độ, lấy bốn chữ “A Di Đà Phật” làm cương yếu tu trì, phương pháp đơn giản, dễ thực hành, lại thực tiễn, đầy lý nghĩa thâm sâu. Vì thế từ xưa đến nay, các bậc Thánh nhân thường nói : “Một câu A Di Đà Phật là vua các pháp”.

 

Pháp môn Tịnh độ đã thù thắng như vậy rồi, tại sao Như Lai lại sáng lập thêm tám vạn bốn nghìn pháp môn nữa làm gì ? Vì Như Lai thấy được căn cơ chúng sinh phần lớn đều không giống nhau, nhân duyên lại thiên sai vạn biệt. Nếu như không phương tiện tạo nên nhiều pháp môn thì không thể nào độ hết tất cả chúng sinh được. Chẳng qua các pháp môn khác cũng từ pháp môn Tịnh độ mà lưu xuất, tu các pháp môn khác chung quy cũng trở về pháp môn Tịnh độ. Người tu pháp môn Tịnh độ nếu đạt đến tu trì cao, thì không có pháp môn nào mà không đắc.

 

Phật nói Tịnh độ ở phương Tây, chúng ta có tin hay không là một vấn đề, cũng không chấp trước làm gì, chẳng qua đó cũng là một thí dụ, vì mặt trời vốn mọc phương Đông và lặn ở phương Tây. Phật lấy phương Tây làm thí dụ để cho chúng sinh quy túc về đó, thật ra thế giới Tịnh độ không chỉ có giới hạn ở phương Tây, mà bao trùm khắp cả hư không pháp giới. Như vậy, các vị trí Đông Tây có cố định hay không ? Chẳng qua chúng sinh căn cơ có lợi độn. Đối với người có căn tính chậm chạp, tâm lượng nhỏ hẹp, không thông hiểu tự tâm, chỉ tham cầu Phật ở bên ngoài, Đức Phật phương tiện, tùy bệnh mà cho thuốc, nên chỉ cho họ thế giới Tịnh độ ở phương Tây. Đối với người có căn tính lanh lợi, tâm lượng rộng lớn, Phật dạy thế giới Tịnh độ ở tự tâm, tâm tịnh thì Phật độ tịnh, tâm nhiễm thế giới Tịnh độ cũng trở thành ô trược. Do đó, có thể thấy được Tịnh độ Tây phương cũng do tâm mà sở hiện. Nếu tự tâm chúng ta không thanh tịnh thì thế giới Tịnh độ cách xa mười cõi ức Phật, ngược lại tâm thanh tịnh, thì thế giới Tịnh độ chỉ trong một niệm, một khảy móng tay. Thế nhưng, luận về việc vãng sinh thì ngày nay đa số người được vãng sinh là ông già bà cả, những người có căn tính thấp kém, trong khi đó ít thấy người trí thức hay học giả vãng sinh là phát xuất từ nguyên nhân nào ? Vì các bậc học giả trí thức phần lớn bị mắc vào sở tri chướng, họ chấp lý mà quên sự, cứ cho Phật tại tâm, tâm thanh tịnh thì Phật độ tịnh, từ đó bỏ quên sự, rồi không thực hành. Vì vậy, các bậc Tổ sư sợ chúng ta bỏ lý mà quên sự, cho nên có nói : “Lý tuy đốn ngộ, nhưng sự phải lần lượt tu hành” là vậy. Người tu Tịnh độ phải có lý sự viên thông, không được chấp lý mà quên sự.        

 

Như vậy tóm lại, thế giới Tịnh độ cứu cánh là có thật hay không ? Xin thưa ! Như chúng ta hiện nay đang ở thế giới Ta Bà, đều nhận thức thế giới này là thế giới đầy ô trược là có thật, thì thế giới Tịnh độ bằng bảy báu trang nghiêm cũng chính xác là có thật. Điều đó đã được Phật nói trong các kinh Tịnh độ như Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh và Kinh Di Đà, ngoài ra các kinh Đại thừa, cũng như lịch đại Tổ sư cũng đều tán thán và khuyên răn chúng sinh nên về thế giới đó mà tu hành. Chư Tổ, nhất là chư Phật và chư đại Bồ Tát không lẽ lại nói dối chúng ta, do đó đối với thế giới Tịnh độ chúng ta phải nên tin sâu, không nên có nghi ngờ gì hết. Người tu Tịnh độ có bốn phương pháp thực hành là : 1. Trì danh niệm Phật, 2. Quán tượng niệm Phật, 3. Quán tưởng niệm Phật, 4. Thật tướng niệm Phật. Trong bốn phương pháp đó thì trì danh niệm Phật là thịnh hành hơn cả. Vì người tu trì danh niệm Phật, nếu đạt được đến nhất tâm bất loạn thì nghìn người tu, nghìn người được vãng sinh. Do đó, hành giả đang tu trì danh niệm Phật nên có tin sâu, nguyện thiết, niệm cho đến ngày lâm chung, nếu giữ cho tâm không có tạp loạn mà chỉ có thuần một niệm niệm Phật thanh tịnh, liền có cảm ứng Phật A Di Đà hiện ra tiếp dẫn vãng sinh Tịnh độ. Điều đó là hoàn toàn có thật không có chi mà nghi ngại. Bình thường có một hạng người, tuy không có biết đạo niệm Phật, thế nhưng đến phút lâm chung, gặp được thiện hữu tri thức khai thị, do túc nghiệp thiện căn nhiều đời gieo hạt giống niệm Phật, nên phát khởi tâm tha thiết niệm Phật cũng được vãng sinh.

 

Người vãng sinh Tây phương còn gọi là đới nghiệp vãng sinh. Vì sao ? Vì một khi chúng ta khởi tâm động niệm đã là tạo nghiệp rồi. Song, người vãng sinh Tây phương đến lúc lâm chung, các tư tưởng thiện ác hiện đời cũng như quá khứ chưa khởi hiện hành, mà chỉ có thuần một niệm thanh tịnh là niệm Phật, mà một niệm thanh tịnh cũng gọi là nghiệp, vì thế tu Tịnh độ còn được gọi tu tịnh nghiệp, hay người vãng sinh Tây phương còn gọi là đới nghiệp vãng sinh là vậy.

 

Người muốn đới nghiệp vãng sinh, cần phải gia công tu hành. Nếu như bình thường miệng niệm Phật, mà tâm nhớ nghĩ chuyện thế gian thì đến lúc lâm chung nói đến việc vãng sinh thật khó. Vì sao ? Vì đến lúc lâm chung, một mặt do tâm niệm Phật hằng ngày không tha thiết, mặt khác bị bệnh khổ nghiệp chướng hiện hành, thì biết dựa vào đâu mà phát khởi tâm niệm Phật. Đó cũng chính phần giải đáp cho câu hỏi, tại sao người niệm Phật lại nhiều mà chỉ có số ít được vãng sinh.

 

Phương pháp quán tưởng và quán tượng niệm Phật chỉ là phương tiện giúp hành giả thu nhiếp vọng tâm, chứ không có cứu cánh. Vì sao ? Kinh Kim Cang có nói : “Phàm những vật có hình tướng tất cả đều hư vọng”, nghĩa là bất kỳ sự việc gì đã có hình tướng hoàn toàn đều là hư vọng, do đó quán tưởng hay quán tượng đều nằm trong phạm vi hư vọng. Vì vậy không được gọi là cứu cánh. Chỉ có ngộ đến “vô sinh” mới được coi là chứng được thật tướng; chứng được thật tướng mới được xem là cứu cánh. Thật tướng là đối với tướng hư vọng mà giả lập, thật tướng vốn là vô tướng, đã là vô tướng thì có thể quán và tưởng được không ?

 

Vì vậy, chỉ có thật tướng niệm Phật là không có dính mắc vào tướng Phật, cũng như tướng niệm, đạt đến chỗ niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, đó là niệm Phật tam muội. Khi niệm đạt đến trình độ “năng” là người niệm Phật, “sở” là câu niệm Phật không hai, thì thật tướng hiện tiền. Không cần phải chờ đến phút lâm chung nhờ Phật tiếp dẫn nữa mà hiện đời đã thân hành chứng Bồ đề vô tướng, đó mới là cứu cánh tối thượng.

 

Căn cứ những điều đã nói, cho chúng ta thấy được rằng, tuy cũng đồng là một pháp môn Tịnh độ thế nhưng cũng có phân chia thành Đại thừa và Tiểu thừa. Người niệm Phật mà chỉ cầu vãng sinh là Tiểu thừa, thật tướng niệm Phật là Đại thừa. Phương pháp niệm Phật thì pháp nào vốn cũng rất tốt, chẳng qua một bên cầu vãng sinh Tây phương là thuộc về hữu tướng, hữu tướng thì có chỗ trụ, mà còn chỗ để trụ là đã có giới hạn, có giới hạn nên gọi là Tiểu thừa. Còn thật tướng niệm Phật, niệm đến trình độ toàn thể chân tâm hiển lộ, liền chứng được thật tướng. Thật tướng thì không có hình tướng, không có hình tướng thì không có giới hạn, cho nên gọi là Đại thừa. Hơn nữa, người tu được đới nghiệp vãng sinh, luôn luôn phải trở lại Ta Bà hành Bồ Tát đạo. Trong khi đó người đạt được thật tướng niệm Phật, niệm Phật là Phật, thân là thân Phật, hiện đời có thể độ sinh, điều đó rất thù thắng.

Chỗ cứu cánh của việc học Phật là chuyển hóa tâm thành thanh tịnh. Tất cả pháp môn đều có thể làm cho tâm hành giả tu hành trở nên thanh tịnh. Vì thế có nói “Pháp môn tuy vô lượng, nhưng chỗ cứu cánh không hai” ý là vậy. Pháp môn Tịnh độ thống nhiếp tất cả các pháp môn, tất cả các pháp môn cũng thống nhiếp pháp môn Tịnh độ. Thí như, Thiền tông trọng ở minh tâm, học giả Thiền tông thường nói, tu hành Phật pháp nếu tự tâm không thông, thì không thể thành tựu một pháp gì, vì ngoài tâm không có một pháp nào có thể đắc. Đối với pháp môn Tịnh độ, tu pháp trì danh, nếu có thể trì đến nhất tâm bất loạn, thì cảnh giới nhất tâm đó không phải là thiền chứ là cảnh giới gì ? Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phật có nói : “Tâm làm Phật thì tâm là Phật”, đó chính là thiền chứ cái gì ? Lại nữa, tu thật tướng niệm Phật, nếu đạt đến tam muội hiền tiền liền nhập vào chánh định. Nhập vào chánh định là cảnh giới thiền, ngoài ra không có cảnh giới nào khác. Vì thế, trong Kinh Đại Tập có nói : “Nếu người nào niệm Phật thì người đó được gọi là tu thiền vô thượng thậm thâm vi diệu”. Đã nói là niệm Phật rồi, tại sao lại còn nói tu thiền ? Qua đó, cho chúng ta thấy được niệm Phật chính là thiền vậy.

 

Tịnh độ và Mật tông cũng không có sai biệt gì, bốn chữ “A Di Đà Phật” chính là tổng trì tất cả các kinh điển, mà tổng trì cũng là ý nghĩa của mật chú. Niệm Phật mà không tác ý và mong muốn thành Phật, thì chính là mật chú. Bốn phương pháp niệm Phật của Tịnh độ và sơ quán tưởng trì chú của Mật tông hoàn toàn giống nhau. Chẳng qua tu Tịnh độ, trong bốn phương pháp niệm Phật, chọn lấy một pháp rồi chuyên tu, trong khi đó tu mật phải theo thứ lớp mà tiệm nhập. Chỉ có điểm khác nhau như vậy.

 

Do đó có thể thấy được, Thiền chính là Tịnh, Tịnh chính là Mật, một là tất cả, tất cả là một. Tại sao lại có phân biệt đại tiểu ? Chỉ vì hàng hậu học chúng ta, chỉ nghiên cứu một pháp, đối với các pháp còn lại không thông, từ đó cho pháp mình là lớn, là Đại thừa, có ai chấp trước cũng sẵn sàng tranh biện. Do chấp trước sự tướng nên tư tưởng bị sự tướng trói buộc. Thật ra chỗ cứu cánh của Phật pháp không đại, tiểu, mà tất cả các pháp môn chung cuộc đều quy về một thừa. Niệm Phật đạt đến tam muội hiện tiền, tu Thiền đạt được minh tâm kiến tính, tu Mật đạt đến tam mật nhất như, tất cả không ngoài mục đích chuyển hóa tâm thức trở thành thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì thành Phật có gì là khác nhau.

 

Pháp môn tu học của Phật giáo tuy nhiều, thế nhưng trì giới được xem là quan trọng nhất. Giới cũng có nhiều loại khác nhau, nhưng cũng không ngoài hai loại giới : Giới tâm và giới thân. Thân là không vọng động, tâm là không vọng tưởng. Không luận là Đại thừa hay Tiểu thừa, nếu có trì giới thì được xem là Phật pháp, không có trì giới thì không phải là tu theo Phật pháp. Đại thừa hay Tiểu thừa phải xem trọng giới luật, có khác nhau ở chỗ xem trọng giới này hay giới nọ. Tu Đại thừa, thường thường vì hằng thuận theo chúng sinh, tùy duyên làm lợi ích cho tha nhân, tự lợi lợi tha, cho nên trọng ở giới tâm. Tu theo Tiểu thừa, vì phải giữ gìn gia nghiệp Như Lai, trong bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi, cần phải giữ gìn thanh tịnh trang nghiêm, để cho người đời kính trọng Phật pháp, vì thế coi trọng ở giới thân. Bất luận là Tiểu thừa hay Đại thừa, ngũ giới vẫn là giới điều căn bản. Bất kỳ một loại giới luật nào, chỉ cần chúng ta tha thiết trì giữ, không những có công đức rất lớn mà còn tạo nên niềm tin, dẫn người khác vào đạo. Bằng ngược lại, đã thọ giới mà không giữ gìn, chẳng những mang tội mà còn tạo cơ hội cho ngoại đạo phỉ báng Phật pháp, đồng thời làm mất chánh kiến đối với những người sơ học. Qua đó, cho chúng ta thấy được rằng, nếu có trì giới thì Tiểu thừa cũng tốt, Đại thừa cũng tốt, mục đích cứu cánh đều đưa đến thành Phật. Nếu không có trì giữ giới luật, dù tu Tiểu thừa hay Đại thừa, chẳng những không thành tựu được gì, mà lại còn bị đọa lạc nữa là khác.

 

Giới Đại thừa không trụ ở tướng, giới Tiểu thừa thì trụ ở tướng. Trụ tướng thì dễ thấy, dễ phát hiện, không trụ tướng thì khó thấy khó biết, người khác không thể nhìn thấy được, do đó phải giữ gìn, so với giới tướng thì khó giữ hơn nhiều.

 

Đứng trên mặt giới tướng và giới tính, tuy có phân biệt khó dễ như thế, thế nhưng công đức trì giới cả hai hoàn toàn giống nhau, do đó chúng ta phải tự mình giữ giới không nên nói lỗi của người. Trong Kinh Duy Ma Cật có nói : “Tự mình nên giữ giới, đừng nên chê trách lỗi người”, có như thế mới thích hợp với tông chỉ của Phật pháp. Có rất nhiều người, do không thông hiểu lý sự, tự mình đặt ra rồi phân biệt môn này môn khác, hủy báng người này chê bai người kia, thật là đáng tiếc vô cùng. Cụ thể lấy giới đoạn dâm, giới này là giới trọng căn bản của người học Phật. Theo Tiểu thừa là đoạn dâm, vì đó là cội gốc liễu sinh thoát tử. Thế nhưng đối với Đại thừa Bồ Tát, tâm không trụ tướng, tâm không lìa tướng, Bồ Tát tại gia chỉ đoạn tà dâm, không đoạn chánh dâm. Tại sao ? Vì Bồ Tát tùy căn cơ mà thị hiện, hòa mình vào thế tục, để giáo dục chúng sinh, nên nhất thời phải đồng sự, có hành dâm. Tuy nhiên, họ hành động với tâm vô nhiễm, không có tâm tham ái như chúng sinh. Bồ Tát thị hiện nhiều thuận cảnh, nghịch cảnh khác nhau, phàm phu chúng sinh không thể đo được. Trong Kinh Viên Giác, Bồ Tát Di Lặc hỏi Phật : “Thưa Thế Tôn ! Những hàng Bồ Tát muốn vào trần lao, phải dùng những phương tiện nào ?”. Phật đáp : “Bồ Tát phải dùng tâm đại bi, thị hiện thuận cảnh, nghịch cảnh, đồng sự làm phương tiện nhập thế”. Bồ Tát Phổ Giác lại hỏi Phật : “Thưa Thế Tôn, chúng sinh đời mạt pháp, nên cầu những người nào, nên y theo pháp gì để không rơi vào tà kiến ?”. Phật đáp : “Chúng sinh phải cầu tất cả người có chánh tri kiến, tâm không trụ tướng, chẳng chấp vào cảnh Thanh Văn, Duyên Giác, tuy hiện trong trần lao mà tâm hằng thanh tịnh, dù có thị hiện những lỗi lầm mà vẫn tán thán hạnh thanh tịnh…”. Phật còn nói : “Bồ Tát tuy thị hiện các thứ tội lỗi, mà tâm không kiêu mạn, huống nữa là tài sản vợ con quyến thuộc”. Qua đó cho chúng ta thấy rằng, tu theo pháp Đại thừa là không trụ tướng, tuy Bồ Tát thị hiện các hành động bất chính tà vạy, thuận cảnh, nghịch cảnh, thế nhưng tâm vẫn thanh tịnh vô sự, không đắm trước chấp thủ, nhiễm ô như chúng sinh. Nếu người tâm không thanh tịnh, mạo miệng xưng ta đây là Đại thừa, không trụ tướng, rồi hành động các nghịch cảnh Bồ Tát, thì người này không tránh được A Tỳ địa ngục, vì luật nhân quả vốn không sai khác. Vì thế, đã là người học Phật, chúng ta phải luôn luôn có chánh tri kiến, phải luôn luôn nhận thức đâu là tà, đâu là chánh, pháp nào phù hợp hay không phù hợp với mình, không nên chê bai phỉ báng pháp môn này hay, pháp môn kia dở. Có như thế mới không đắc tội với chư Phật, chư Tổ, phù hợp với tông chỉ của người học Phật.

 

Phật pháp chú trọng ở chỗ giải ngộ. Song, thực chứng vẫn là quan trọng hơn hết. Cho nên, Lục Tổ có nói : “Thấy nghe tụng đọc là Tiểu thừa”; vì tụng đọc, chỉ là học rộng nghe nhiều, chỉ tăng thêm phần tri kiến, đối cảnh tâm vẫn khởi niệm, tâm còn vọng động, cho nên gọi là Tiểu thừa. “Ngộ pháp liễu nghĩa là trung thừa”; vì Phật pháp vốn có ý nghĩa thậm thâm, cho nên hiểu được ý nghĩa đã có công đức, thế nhưng tuy có hiểu, mà không tu hành thì sự hiểu biết vẫn không đạt đến hiện thực, cho nên gọi là trung thừa. “Y Phật pháp tu hành là Đại thừa”; vì Phật pháp, Pháp pháp vốn bình đẳng, vốn không có đại, tiểu. Tất cả các pháp môn đều lấy tu hành làm căn bản. Nếu có thể y Phật pháp tu hành từ đầu chí cuối, thì có thể thành tựu đạo quả, cho nên gọi là Đại thừa. “Muôn pháp trọn thông, muôn pháp đầy đủ, tất cả không nhiễm, ly các pháp tướng, một cũng không có, gọi là tối thượng thừa”. Nếu có thể ngộ được thật tướng vốn là vô tướng, thông đạt tất cả các Pháp, không lìa các Pháp, ở trong các Pháp mà không bị các Pháp làm ô nhiễm, chuyển đổi, không có sở cầu, cũng không có sở đắc, lìa ngôn thuyết gọi là tối thượng thừa. Qua bốn thừa mà Lục Tổ đã trình bày ở trên thì hai thừa đầu, không có thực hành, không có thân chứng, cho nên đối với cảnh giới hiện thực và thực tiễn của Phật pháp không có kinh nghiệm. Vì vậy, y Phật pháp tu hành là điều căn bản của người học Phật, giả như có hiểu biết Phật pháp mà không thực hành, hoặc tu hành mà không y theo Phật pháp, thì có hiệu quả gì.

 

Đã là người học Phật, không luận là theo tông phái nào, đều được gọi là đệ tử Phật. Thế nhưng, có người tự mình đã không y theo Phật pháp tu hành, lại còn phân biệt đại tiểu. Hiện tại chánh pháp suy vi như thế, cũng là do hạng người này. Đã là đệ tử Phật, chúng ta phải trừ khử hạng người này ra khỏi Giáo hội, nhằm mục đích Phật pháp sương minh, chúng ta phải luôn y theo Pháp và giới luật mà tu hành, không luận là tâm giới hay thân giới, chỉ cần chúng ta trì giữ là chánh đạo, không trì giữ không phải là chánh đạo. Lục Tổ có nói : “Muốn được thấy đạo chân chính, phải hành đạo chân chính”, hành động chân chính là phải xuất phát từ tâm chân chính. Đối với hay dở cũng không nên phân biệt, vì các pháp vốn bình đẳng. Đối với người cũng không nên hủy báng, với chính mình cũng không được ca ngợi. Ngay thời Phật còn tại thế, Phật còn bị người hủy báng, huống hồ gì là hàng phàm phu chúng ta. Hơn nữa, bị người hủy báng chính là cơ hội cho chúng ta tiêu nghiệp, không lợi cũng không có hại gì. Nên xem những lời hủy báng đó như pháp vị cam lồ, đón nhận nó một cách vui vẻ, không nên có tâm sân hận. Chúng ta tu pháp môn tâm địa, lấy lợi tha, vô ngã làm tâm niệm, cần gì phải chú ý đến việc khen chê của người khác.

 

Tóm lại, có thể thấy được rằng, người được gọi là Đại thừa, người đó phải có tâm nguyện lớn, trí tuệ lớn hạnh nguyện lớn, công đức lớn, không chấp tướng. Bằng ngược lại, tâm lượng nhỏ hẹp, hạnh nguyện nhỏ, trí tuệ nhỏ, lại hoan hỷ chấp trước sự tướng. Tuy tu Đại thừa cũng trở thành Tiểu thừa.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch