Về hiện tượng Duy Tuệ và "thiền minh triết":
“Cái kim bọc trong giẻ lâu ngày cũng lòi ra”
25/03/2012 11:35 (GMT+7)


Duy Tuệ (trái) - Ảnh st
GN - Thêm góc nhìn cùng tìm hiểu cái gì đằng sau hiện tượng “Duy Tuệ và thiền minh triết”.

Duy Tuệ cạo đầu, mặc y phục na ná với tu sĩ Phật giáo, cũng bàn luận về Phật học, tu thiền, đôi khi choàng cả “y hậu” màu đỏ làm chủ lễ... Với hình thức của ông ta, khiến không ít người nhầm lẫn cho rằng ông ta là Tăng sĩ Phật giáo, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhầm cho rằng “thiền minh triết” là thiền Phật giáo, “sách viết về lối sống” của ông ta là triết lý sống nhà Phật... như một số cơ quan truyền thông, đài truyền hình đã từng giới thiệu. Tiếp theo những bài viết trên Giác Ngộ Online (www.giacngo.vn), Câu chuyện trong tuần kỳ này giới thiệu bài viết của tác giả Thái Nam Thắng, góp thêm góc nhìn cùng tìm hiểu cái gì đằng sau hiện tượng “Duy Tuệ và thiền minh triết”.

“Đạo sư” Duy Tuệ cũng có một xuất phát điểm như “Vô thượng sư” Thanh Hải, đó là tiếp cận các nhà sư và tìm hiểu giáo lý đạo Phật, sau đó tuyên bố mình đã “chứng ngộ”, rồi nhanh chóng lập pháp môn, lập phái để truyền “đạo”. Tuy nhiên, “Vô thượng sư” Thanh Hải được xem là một dạng tà đạo biến tướng thì Duy Tuệ lại có một vỏ bọc kỹ hơn, an toàn hơn khi núp dưới danh xưng “Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam” do chính ông ta làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập.

Cả Thanh Hải và Duy Tuệ đều học lỏm các giáo lý của đạo Phật, mượn vào các nội dung, hình thức Phật giáo để phổ biến những thứ “pháp môn” đã được gia công nhào nặn. Duy Tuệ, một người thế tục, bỗng một hôm, cạo trọc đầu, mặc áo tràng tay thụng màu đỏ boọc-đô có viền đen, trông giống như các nhà sư, khiến cho mọi người hiểu lầm rằng nó thuộc về đạo Phật hay thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều đáng nói, ban đầu cả Duy Tuệ và Thanh Hải đều thuyết giảng khá hay về giáo lý Phật giáo, sau một thời gian chiếm được niềm tin của những người có cảm tình với Phật giáo, họ liền chuyển sang chống phá Phật giáo như xuyên tạc kinh điển, phủ nhận những giáo lý căn bản của đạo Phật, kêu gọi mọi người rời xa “Tam bảo” (Phật - Pháp - Tăng), không cần phải tìm đến chùa chiền hay lễ tụng, chỉ cần làm theo những điều họ “phát minh” ra là sẽ đạt đạo.

Nhưng nếu chỉ xuyên tạc, chống phá Phật giáo thì mọi người sẽ nghi ngờ động cơ không trong sáng đó, nên họ mới lồng ghép những việc như kêu gọi bảo vệ môi trường, kêu gọi tình yêu thương; phong cho những người tu theo là “hiền giả minh triết”, “doanh nhân minh triết”; gọi những người trẻ là “niềm tự hào dân tộc”; lập các quỹ từ thiện…, rồi nhân đó “khai ngộ” bằng một mớ những giáo lý pha tạp, lẫn lộn giữa Phật tính và Tiên thiên, Thượng đế, đồng thời sử dụng các thuật ngữ Phật giáo, các hình thức như ngồi thiền, quán niệm, khai mở ánh sáng, minh triết…

Duy Tuệ xuất hiện trong khoảng chục năm nay, tuy nhiên không có cách gì để chính danh hoạt động như một tổ chức gắn với danh nghĩa “Phật giáo Việt Nam”. Đúng lúc ấy, có một nhóm trí thức quan tâm và bàn đến “Minh triết Việt”, Duy Tuệ nhanh nhảu chớp thời cơ để lập ra cái gọi là “Thiền Minh triết”, để nhập nhằng với Thiền Minh Sát - một phương pháp thiền căn bản trong đạo Phật. Phật giáo chính thống ở các quốc gia dù có phát triển nhiều dòng thiền, nhiều pháp môn, nhưng vẫn phải dựa trên căn bản của quá trình tu học Giới, Định, Tuệ (Giới sinh Định, Định sinh Tuệ, trong Giới có Định, Tuệ, trong Định có Giới, Tuệ, trong Tuệ có Giới, Định).

Sự đại vọng ngữ khi tự xưng là “Đạo sư” của Duy Tuệ đã phản lại với những phương pháp tu tập Giới, Định, Tuệ. Đáng nói, do thiếu lương thiện ngay từ động cơ ban đầu, nên Duy Tuệ đã nhào nặn các phương pháp thiền của Phật giáo để lập ra cái gọi là “Thiền Minh triết”. Đến khi thấy mọi người quan tâm đến tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Duy Tuệ cũng nhanh nhảu tiếp cận và  mượn vào “Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam” để trao tặng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cho Trung tâm Phật giáo Quốc tế của Thái Lan nhằm tìm cho mình những mối quan hệ mang tính “quốc tế” (sic). Sau đó, Duy Tuệ dùng chính những ảnh hưởng này để tuyên truyền chống phá Phật giáo. Những giáo lý căn bản của Phật giáo như “Nhân quả”, “Nghiệp báo”, “Tứ đế”, “Bát Chánh đạo”… đều bị Duy Tuệ đem ra xuyên tạc. Duy Tuệ ra sức bác bỏ giáo lý “Bát Chánh đạo” (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định) chỉ vì bản thân việc làm của Duy Tuệ không những không có “chính danh” mà còn không có bất kỳ chữ “chánh” nào như tám chữ “chánh” đã nêu.

Duy Tuệ đang cố gắng lập nhóm để sinh hoạt, và rất có thể đây là sẽ một biến tướng khác giống như “đạo” của Thanh Hải trong một tương lai không xa. Một khi nó mọc chân rết và bám chắc ở Việt Nam dưới những vỏ bọc an toàn hơn là “Phật học Việt Nam”, “UNESCO”, “Trần Nhân Tông” gì gì đó mang dáng dấp của “Đạo học phương Đông”, Dân tộc, thì sẽ rất nguy hại cho đất nước, nhất là khi người dân không còn biết tin Nhân quả. Bài học về một “giáo sư Phật học”, “nhà sư chém gió” Thích Minh Tâm với tôn chỉ “Chấn hưng nước Việt” vẫn còn đó. Chỉ mất khoảng 6 tháng “tu tập”, Nguyễn Thiếu Văn đã “biến hóa” thành “Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Tâm”, rồi lọt vào làm chủ tọa điều khiển trong một hội nghị quốc tế về Phật học tại Việt Nam.

Xin hãy cảnh giác khi sử dụng lý trí và niềm tin của mình. Bởi bất cứ khi chọn lựa một điều gì, chúng ta cũng phải kiểm tra nó kỹ càng. Với một điều quan trọng như thực hành giáo lý đạo Phật, chúng ta càng phải xem xét cho cẩn thận, trước khi tìm đến một vị thầy. Xã hội đang tràn lan và gần như mất kiểm soát đối với những thứ giả giá trị, đặc biệt khi chúng biết làm giả như thật, từ đó chống phá các tôn giáo chân chính để trục lợi cho riêng mình.

Duy Tuệ cũng chỉ là một dạng trùng biến hình, nhưng chúng ta không thể không nói đến những người quản lý vô trách nhiệm, tiếp tay cho ông ta để làm hại đến thanh danh của Phật pháp. Điều này còn nguy hiểm hơn là phê phán một Giáo hội, vì ra sức xuyên tạc Phật giáo từ bên trong những giáo lý căn bản như Nhân quả, Nghiệp báo, Bát chánh, Tứ đế… thì sẽ gây ra những hệ quả tiêu cực đến đời sống con người, nhất là khi chủ nghĩa thực dụng, tôn sùng vật chất lên ngôi.

Nếu đây là một âm mưu trá hình, chống phá Phật giáo bằng các phương tiện thông tin chính thống như đài phát thanh, đài truyền hình quốc gia, nhà xuất bản uy tín thì sẽ vô cùng nguy nan cho Phật giáo Việt Nam. Những phát biểu xuyên tạc của Duy Tuệ xúc phạm nghiêm trọng Phật pháp, tạo ra những vết thương tinh thần khó lành cho những người tìm đến giáo lý đích thực, lừa gạt những người sơ cơ đang có cảm tình tìm đến với đạo Phật.  Để mọi người không tiếp tục bị lừa gạt, mong Giáo hội Phật giáo Việt Nam có tiếng nói trước dư luận về hiện tượng này.

Ông Duy Tuệ tự xưng là “đạo sư” trái với tinh thần của đạo Phật, dùng tà thuyết để phỉ báng giáo lý đạo Phật. Nhưng với hình thức của ông ta, khiến không ít người nhầm lẫn với Phật giáo, với Tăng sĩ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ngoại trừ những Tăng Ni, Phật tử nằm trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khi chưa được phép, không ai có quyền nhân danh các tổ chức núp dưới danh xưng “Phật giáo Việt Nam” hay “Phật học Việt Nam” để hoạt động. Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam, không phù hợp để tồn tại một khi nó xuất hiện để nhằm mục đích đánh phá Phật giáo. Đặc biệt, Giáo hội không thể tiếp tục để những con người hủy báng Chánh pháp như vậy được phép tiếp cận hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông, một đấng anh minh của dân tộc, sau khi rời bỏ ngôi vua, xuất gia và đi khắp hang cùng ngõ hẻm để khuyên dân chúng giữ gìn mười điều lành, xiển dương Chánh pháp.

Các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, xuất bản, truyền thanh, truyền hình cần phải rõ ràng và minh bạch về vấn đề này. Bởi nếu thuyết giảng, truyền bá những nội dung trái với đạo Phật, công khai đánh phá Phật giáo, thì phải chăng Duy Tuệ đang muốn xây dựng một tổ chức “Giáo hội” trá hình? Thật ngược ngạo, khi ông Duy Tuệ hủy báng Chánh pháp và không có liên hệ gì với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng tại sao có thể đại diện liên lạc với các tổ chức Phật giáo quốc tế để trao tặng những biểu tượng của Phật giáo Việt Nam?

Các nhà xuất bản cho in những sách chống phá Phật giáo của “đạo sư” Duy Tuệ không biết có ý định gì? Điều đáng nói, việc quản lý các ấn phẩm Phật giáo không nằm trong tay Giáo hội, mà ở những người không có đủ kiến thức chuyên môn về Phật giáo, nên những sách chống phá Phật giáo một cách công khai của Duy Tuệ mới lọt ra thị trường. Ngạc nhiên hơn, Duy Tuệ còn có cả một chương trình phổ biến “Thiền Minh triết” trên sóng phát thanh quốc gia.

Cá nhân ông Duy Tuệ có thể tự do giảng đạo, truyền bá một pháp môn gọi là “Thiền Minh triết”, vậy ông ta thuộc tổ chức Giáo hội nào, ai cho phép thành lập? Phải chăng ai cũng có quyền tự lập hội, lập giáo phái, lập pháp môn và tự do truyền giảng dưới danh nghĩa tôn giáo khi chính thức được một số cơ quan thông tin uy tín “lobby” cho? Rõ ràng điều này hoàn toàn trái với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo của Chính phủ.

Người Việt có câu “Cái kim bọc trong giẻ lâu ngày cũng lòi ra”. Giá trị giả mãi mãi vẫn chỉ là giá trị giả. Quả báo nhãn tiền mà “Vô thượng sư” Thanh Hải đã gặp phải càng củng cố cho mọi người thấy một hoạt cảnh tương tự sẽ diễn ra cho “đạo sư” Duy Tuệ. Mọi người vẫn hy vọng đó chỉ là một mánh khóe để trục lợi cá nhân của Duy Tuệ, không phải là chủ trương từ những người có trách nhiệm trong quản lý tôn giáo.


Thái Nam Thắng (GNO)

Các tin đã đăng: