Nếu phu tướng chưa đem lòng tin
rằng phương pháp của đạo Phật cao siêu hơn phép thuật của đạo Tiên, xin cho
phép thiếp nhắc lại sự tích của một người khác, trước tu Tiên rồi sau trở lại
tu Phật, cho phu tướng nghe.
Nguyên ông Lữ Đồng Tân là người
ở xứ Kinh Triệu, đời nhà Đường, hiệu là Thuần Dương Tứ.
Ban sơ, ông học Nho, đã thi ba
lần không đậu. Sẵn dịp ông gặp Ngài Hớn Chung Ly, Ngài dẫn ông về non Chung Nam
ở trọn bảy năm và truyền cho đủ các phép Tiên thuật.
Một bữa kia, ông Lữ Đồng Tân
muốn đi đến cả miền thế gian mà độ người, bèn vào xin phép thầy. Ngài Hớn Chung
Ly bằng lòng, lại lấy gươm báu trao cho ông và dạy rằng: “Gươm này của thầy
ta là Đông Họa Đế Quân truyền lại cho ta. Muốn sát hại người nào thì phải biết
trước tên họ và chỗ ở của người ấy, rồi niệm một câu chú, gươm đó hóa ra rồng
xanh bay đến chỗ đó mà chém đầu. Nay ta giao cho ngươi đem theo mà hộ thân,
song ngươi phải nhớ ba điều này: Một là đừng chọc ghẹo thầy chùa, hai là đừng để
mất gươm báu này và ba là ngươi đi mãn ba năm rồi phải trở về đây. Nếu ngươi
cãi lời thì ta không dung thứ”.
Ông Lữ Đồng Tân phụng mạng, lạy
thầy mà lãnh gươm, rồi từ từ hạ san.
Ông đi đủ các xứ, đã mãn kỳ ba
năm mà không độ được người nào. Một bữa kia, ông đi ngang qua xứ Huỳnh Long,
nghe nói tại nhà quan Phó Công tên là Vĩnh Thiện có thiết một cuộc chay để làm
lễ trai tăng cúng dường các nhà sư.
Ông bèn vào chơi và muốn dự lễ
trai ấy, nhưng ông Phó Công nói rằng: “Ta cúng dường đệ tử của Phật, chớ không
phải cúng dường đệ tử của Tiên. Vậy ngươi không được phép vào dự tiệc này!”.
Ông Lữ Đồng Tân bèn hỏi: “Phật
nhà ông có đạo đức gì mà ông trọng như thế?”.
Ông Phó Công trả lời: “Thôi,
đừng nói chi đến chuyện các Phật sống thuở trước! Hiện nay, có hòa thượng Huệ Nam ở
chùa Huỳnh Long thường thuyết pháp độ người được mấy chục ngàn rồi. Còn đạo
Tiên của ngươi lâu nay có độ được người nào chưa?”.
Ông Lữ Đồng Tân nghe hỏi như
vậy, lấy làm thẹn, quên lời thầy căn dặn, liền đi đến núi Huỳnh Long quyết tìm
hòa thượng Huệ Nam mà đấu phép.
Khi đến nơi, ông vừa gặp sư cụ
đang lên nhà giảng đường. Ông bèn lén xen vào hàng đại chúng, ngờ đâu hòa
thượng biết trước, bèn nói rằng: “Hôm nay ta không thuyết pháp! Ta có một lời
chuyển ngữ hỏi đại chúng …”.
Sư cụ vừa mới nói tới đó thì
thầy một người (tức là ông Lữ Đồng Tân) ở trong hàng đại chúng bước ra, cười
rồi hỏi rằng: “Hòa thượng có câu chi, xin nói mau mau!”.
Sư cụ nói tiếp:
Lão tăng năm nay lớn gan
Đóng trai dưới núi rồng vàng
Tay áo tuốt ra roi sắt
Đánh tan Thế Giới ba ngàn
Ông Lữ Đồng Tân vỗ tay cười và
đáp lại: “Hòa thượng năm trước chẳng lớn gan, năm ngoái chẳng lớn gan, sang năm
chẳng lớn gan, chỉ có năm nay lớn gan. Xin hòa thượng cho phép tôi trả lời:
Gan ta lúc này to đại
Chuyên sự hơn thua cướp trại
Giật quách roi sắt trong tay
Để lại ba ngàn Thế Giới
Ông Lữ Đồng Tân bèn nói tiếp:
“Bốn câu của hòa thượng tầm thường, không lạ chi! Tôi có một lời chuyển ngữ
này, như hòa thượng trả lời được thì chém tôi, còn như không trả lời được thì
tôi chém hòa thuợng”.
Sư cụ bằng lòng, rồi ông Lữ
Đồng Tân đọc bài kệ như sau:
Thiết vàng cày đất trỉa kim tiền
Thằng đá con con xỏ chuỗi liên
Hột lúa chứa xong bầu thế giới
Nửa nồi nấu đủ cuộc sơn xuyên
Mấy ông Lão Tử khi thùy địa
Tay của Hồ tăng lúc chỉ thiên
Huyền ấy chớ rằng chưa hết lực
Trong huyền, huyền ấy lại không huyền
Hòa thượng Huệ Nam
liền đáp lại:
Sẵn lò hồng để trĩa kim tiền
Mãnh sáng kia, ai xỏ đặng liền
Hột lúa hóa đặng ba ngàn giới
Biển lớn thâu về đủ bách xuyên
Tháng hạ đầu lò phun mãnh hỏa
Trời đông đáy nước nạp lương thiên
Chân như ai tỏ trong thiền ấy
Trong thiền, thiền ấy có sanh thiền
Ông Lữ Đồng Tân nghe mấy câu
kệ, biết mình đã thua, nhưng ông còn gượng hỏi: “Hòa thượng nói rằng hột lúa
hóa ra ba ngàn thế giới, hòa thượng thua rồi!”.
Sư cụ bảo rằng: “Ngươi muốn điều
chi thì lại gần đây mà nói, chớ ta đã điếc mà ngươi còn đứng xa nói thì ta nghe
không đặng”.
Ông Lữ Đồng Tân tưởng thật, bèn
bước lại gần bên, ngờ đâu thình lình sư cụ nhanh tay chụp đầu ông níu lại mà
hỏi: “Ngươi nói rằng một hột lúa chẳng hóa đặng ba ngàn thế giới thì ngoài cái
nồi nửa cân của ngươi còn nấu những vật gì?”.
Ông Lữ Đồng Tân nghe hỏi như
vậy, bèn nghẹn họng, không đáp lại được.
Sư cụ liền hỏi tiếp: “Nếu y
theo lời giao ước của ngươi, ta phải chém đầu ngươi. Nhưng vì đạo Phật của ta
cấm sát sanh nên ta tha cho ngươi đó”.
Nói rồi, sư cụ lấy cái giải
xích mà đánh trên đầu ông Lữ Đồng Tân một cái, làm cho ông mắc cỡ đỏ mặt, liền
lui ra ngoài, nghênh mặt lại ngó trộm sư cụ, rồi cười ba tiếng, lắc đầu ba cái,
vỗ tay ba hiệp và mang gươm đi thẳng vào núi.
Đến chỗ vắng vẻ không người,
ông bèn rút gươm báu ra, họa bùa niệm chú, rồi dặn gươm bay tới chùa Huỳnh Long
mà giết hòa thượng Huệ Nam.
Dặn dò xong, ông bèn hét lên một tiếng, gươm ấy liền hóa ra con rồng xanh bay
thẳng đến nhà phương trượng của sư cụ.
Khi ấy, hòa thượng Huệ Nam thấy
con rồng xanh bay liệng trên hư không, liền lấy ngón tay chỉ lên, tức thì con
rồng xanh bèn hóa lại gươm, rồi rơi xuống cắm dưới ao bùn.
Ông Lữ Đồng Tân ngồi trên núi
trông đợi hơn nửa ngày mà không thấy con rồng xanh trở về, bèn niệm chú thâu
gươm lại mà không thấy gì!
Lúc ấy, hồn vía của ông sảng
lạc, không biết tính sao, phải liều mạng chạy xuống chùa Huỳnh Long để tìm gươm
báu.
Đến nơi, ông gặp Ngài Huệ Nam và
hỏi rằng: “Xin hòa thượng trả gươm lại cho tôi”.
Sư cụ đáp: “Ai mượn gươm của
ngươi mà ngươi đến đòi? Nó cắm dưới ao bùn kia, ngươi ra đó mà lấy!”.
Ông Lữ Đồng Tân nghe nói, liền
chạy ra ao, cúi xuống nắm gươm, ráng hết sức bình sinh mà nhổ lên, nhưng gươm
chẳng nhúc nhích!
Sư cụ thấy vậy, bèn nói: “Ngươi
muốn giết ta, ta chẳng trả gươm ấy lại cho ngươi. Ngươi có giỏi thì tự nhổ lấy!”.
Ông Lữ Đồng Tân bèn năn nỉ sư
cụ: “Hòa thượng dùng phép thuật mà cắm trụ gươm ấy rồi, tôi làm sao nhổ lên nổi!
Vậy xin hòa thượng có lòng từ bi, muốn trả gươm cho tôi thì xin nhổ lên giùm!”.
Sư cụ bèn đáp: “Ta có bốn câu
kệ, nếu ngươi hiểu được thì ta trả gươm lại cho ngươi”.
Nói rồi, Ngài lấy một tờ giấy,
vẽ một cái vòng. Trong vòng ấy, có chấm một điểm, rồi dưới cái vòng lại đề bốn
câu kệ như sau:
Đầu gươm có đơn hẳn
Lòng đơn sẵn gươm rồi
Bằng ai hiểu nhơn ấy
Ắt thoát khỏi luân hồi.
Ông Lữ Đồng Tân xem đi xem lại
một hồi lâu mà không hiểu chi cả. Hòa thượng thấy vậy, bèn niệm chú rằng: “Án
Hộ Pháp thần linh tốc tốc hiện hình”. Niệm xong, ông Hộ Pháp hiện đến. Sư cụ
bèn bảo rằng: “Ngài phải đem tên này giam cầm trong núi Khổn Ma Nham, mỗi ngày
chỉ cho ăn một cái bánh thôi. Chừng nào nó tỏ ngộ được thiền cơ, Ngài dẫn nó
tới đây cho ta hỏi”.
Ông Hộ Pháp phụng mạng, bảo ông
Lữ Đồng Tân đi, ông dùng dằng không chịu đi. Ông Hộ Pháp bèn nói lớn rằng: “Đi
mau, kẻo cái bảo xử của ta đây nặng hơn tám vạn bốn ngàn cân xán xuống một cái
thì thịt xương ngươi nát như bùn!”.
Ông Lữ Đồng Tân nghe nói thất
kinh hồn vía, bèn riu ríu đi theo, không dám cãi nữa!
Một hôm, nhân lúc ông Hộ Pháp
đi khỏi, ông Lữ Đồng Tân ở trong hang đá bèn tự nghĩ rằng: “Khi mình hạ san,
thầy có căn dặn đừng có chọc ghẹo thầy chùa. Bởi vì mình dại, không nghe lời
thầy, cho nên mới bị nạn như vậy! Còn ông hòa thượng nói rằng chừng nào mình tỏ
ngộ được thiền cơ thì mới tha tội cho mình, mà biết đời kiếp nào mình mới tỏ
ngộ được thiền cơ? Cổ nhân nói rằng: Tam thập lục kế dĩ đào vi thượng. Ở đây
khổ cực lắm, chịu không nổi! Vậy mình tính việc trốn đi thì tiện hơn”.
Ông Lữ Đồng Tân tự nghĩ như
vậy, rồi lén bò ra cửa hang, cởi mây bay về núi Chung Nam, vào quỳ trước mặt
thầy mà thọ tội.
Ngài Hớn Chung Ly thấy ông trở
về mà không có gươm báu của mình, nghe ông kể hết đầu đuôi tự sự, Ngài nổi giận
mà mắng rằng: “Ta đã dặn dò ba chuyện mà ngươi đều phạm cả, lại còn bị người ta
đánh u đầu, làm xấu hổ cho đạo. Ngươi còn mặt mũi nào mà về đây nữa?”.
Ông Lữ Đồng Tân cứ lạy hoài và
thưa rằng: “Tội của con đã đáng rồi! Trăm lạy thầy dung thứ cho con và xin thầy
dùng phương pháp chi mà thâu gươm báu về, chớ ông hòa thượng đã cắm dưới bùn
rồi, con đọc chú thâu về không được!”.
Ngài Hớn Chung Ly quở mắng một
hồi lâu, rồi viết một bức thư trao cho ông Lữ Đồng Tân, bảo đem đến chùa Huỳnh
Long mà đưa cho hòa thượng Huệ Nam.
Sư cụ tiếp lấy thư và xé ra
xem, thấy có vẽ một cái vòng, ở trên vòng thì chấm một điểm, ở dưới vòng thì có
đề bốn câu kệ như sau:
Đơn vẫn là gươm
Đặng đơn biết gươm
Gươm vẫn là đơn
Đặng gươm biết đơn.
Sư cụ xem thơ xong, bèn nói với
ông Lữ Đồng Tân: “Ta vì tưởng thầy của ngươi nên mới trả gươm ấy. Thôi, ngươi
ra lấy đi!”.
Ông Lữ Đồng Tân bước ra ao mà
nhổ gươm, thấy nhẹ bổng, cầm gươm trở vào lạy sư cụ và xin cho biết cái lý
huyền diệu trong thơ.
Sư cụ hỏi: “Ngươi có chịu quy y
Tam Bảo, ta sẽ truyền cho”.
Ông Lữ Đồng Tân liền đáp: “Tôi
xin tình nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và nguyện làm đệ tử của hòa
thượng”.
Sư cụ bảo ông quỳ xuống và hiệp
chương tịnh tâm mà nghe mấy lời này: “Hôm trước, ngươi nói rằng một hột lúa
đựng cả thế giới, ấy là nhỏ mà hàm lớn, nên ngoài cái vòng có một chấm. Còn ta
thì nói rằng một hột lúa hóa ba ngàn thế giới, ấy là lớn mà hàm nhỏ, nên trong
cái vòng có một chấm”.
Ông Lữ Đồng Tân nghe xong, liền
hiểu được cái nhân tánh, tức thì làm một bài kệ và trình cho sư cụ xem:
Quăng bầu, ném dây, đập luôn đơn
Cái thuốc trường sanh cũng chán lờn
Từ gặp Huỳnh Long truyền phép Phật
Mới hay ngày trước lỗi đường chân.
Nàng Kỷ thị nói tiếp: “Đó là
thiếp đã dẫn lại cho phu tướng biết hai sự tích, đủ chứng rằng phương pháp của
Phật cao siêu huyền diệu hơn phương pháp của Tiên và đủ chứng rằng có nhiều người
trước tu Tiên, rồi sau trở lại tu Phật”.
Chồng hỏi: “Những chuyện đó là
trong sách chép lại, nên không có bằng cớ làm cho ta đem lòng tin. Khi những sự
mầu nhiệm của đạo Phật hiện ra trước mắt ta thì ta mới tin. Còn hiền thê tụng
kinh niệm Phật có ích gì không?”.
Vợ đáp: “Có ích lắm chứ! Bởi vì
vọng tâm của con người không thể nào mô tả được hết, như muốn giàu sang, ham
danh lợi, đua chen vào ảo tưởng phù hoa, ham muốn điều hư danh giả vị và thiên
hình vạn trạng không có giới hạn bờ bến. Nếu nương theo giáo pháp của Phật,
trước phải quy y ngôi Tam Bảo, rồi thọ pháp ngũ giới, thường mỗi đêm thọ trì
tụng đọc một biến kinh để thâu phóng cái tâm lại và để có chỗ quy nhất. Nếu để
cho vọng tâm thắng chân tâm thì càng lừng lẫy tạo ra muôn điều ác mà không hay
biết. Còn niệm Phật thật là một phương thuốc vô hình cũng để thâu phóng cái tâm
lại. Tiếng chuông, tiếng mõ đánh thức hạng người tranh danh đoạt lợi và đang
đắm đuối nơi ái hà. Câu kinh hiệu Phật kêu tỉnh những kẻ sống say chết ngủ
trong vòng khổ hải”.
Chồng nói: “Người tu theo chánh
pháp của Phật, đến ngày kết thì ra thế nào?”.
Vợ đáp: “Nếu ai một lòng tin
giáo pháp của Đức Như Lai để được hoàn toàn chánh niệm, đến ngày kết quả, tùy
theo công phu nhiều ít mà hưởng phước ở cõi nhân thiên. Người tu về quả hữu
lậu, hoặc bắt cầu bồi lộ, hoặc bố thí cúng dường, hoặc trùng tu chùa miếu thì
ngày sau sanh lên cõi thế trần này, được làm công - hầu – khanh – tướng, hoặc
làm sĩ – nông - công - thương, sang cả vô cùng! Còn nếu người tu về quả vô lậu,
hoặc tham thiền nhập định, hoặc dưỡng tánh tồn thần, hoặc trì trai giữ giới và
dứt hết nghiệp duyên thì linh thức sẽ được tiêu diêu tự tại nơi cõi lạc bang,
chẳng sanh chẳng diệt và hết luân hồi trong lục đạo. Đó là kết quả hữu tình và
vô tình của Phật giáo, thật đúng là huyền diệu, không chút nào thiên ỷ cả!”.
Chồng hỏi: “Còn người không tu
hành, kết quả thế nào?”.
Vợ đáp: “Nếu người không tu
hành thì vọng tâm càng lừng lẫy, tạo ra biết bao tấn tuồng bi ai thảm khốc.
Song hễ tạo nhân nào thì bị quả nấy, không sai chạy mảy may!”.
Hai vợ chồng đàm luận như thế,
chàng Các Tế vì bị tiêm nhiễm cái lý thuyết “trường sanh” của Tiên thuật đã
sâu, nên nàng Kỷ thị biện bạch đúng đắn như thế nào thì chàng cũng không thức
tỉnh và trong lòng còn hoài nghi mãi.
Một ngày kia, nàng Kỷ thị đang
ngồi xem kinh, ngửa mặt nhìn lên không trung, thấy trời trong thanh bạch, thoạt
có lọng báu phất phơ, phước tàng rực rỡ, từ phía Tây bay đến, có Phật ngồi kiết
già, hào quang sắc vàng chói sáng và lằn kim quang thấu khỏi ngoài mây. Nàng
liền ngưng xem kinh, ra vẻ vui mừng và tự nghĩ rằng: “Chánh pháp nói: Vô lượng
thọ Phật. Quả thật rõ ràng chẳng sai!”. Nàng bèn cúi đầu đảnh lễ, rồi kêu chồng
ra mà chỉ chỗ Phật phóng hào quang cho chàng xem. Các Tế chỉ thấy nửa thân mình
của Phật, lọng báu phất phơ và phước tàng rực rỡ mà thôi, vì khi ấy mọi thứ đã
lặn gần hết!
Cũng trong khoảng Phật phóng
kim quang, hế t thảy kẻ già người trẻ trong chốn thôn lý đều thấy một lượt rõ
ràng như vậy. Thật linh cảm vô cùng!
Từ đó về sau, chàng Các Tế mới
hồi tâm hướng đạo, bỏ hẳn các lý thuyết của Tiên mà phát nguyện quy y theo Phật
giáo và hết lòng tín ngưỡng.
Vì nguyên nhân cảm cách ấy,
thiện nam tín nữ trong quận Tri Xuyên cùng quy y theo Phật rất đông và tinh tấn
thành kính vô cùng.
Nói tóm lại, nhờ nàng Kỷ thị có
lòng tín ngưỡng Phật pháp, nên mới cảm hóa được người chồng khỏi lạc vào nẻo
thiên ma ngoại đạo và cũng ảnh hưởng luôn những người trong quận quy về đường
chân chánh.
Thật là chàng Các Tế có một
người nội trợ như thế, sự hạnh phúc trong gia đình còn chi hơn nữa!
Còn một người đàn bà như nàng
Kỷ thị thì cũng đáng bia danh muôn đời cho kẻ hậu lai rõ biết.
KẾT LUẬN
Trong ba đời (1. Quá khứ là đời
đã qua – 2. Hiện tại là đời ta đây – 3. Vị lai là đời chưa đến như đời sau),
chúng ta ở về khoảng giữa, nên nhìn những việc trước đã qua thì không biết, còn
nhìn lại những việc sau chưa đến thì không tin.
Bởi vậy, sự làm lành và sự làm
dữ của chúng ta biết sao là tội là phước, mà nếu không biết được tội hay phước
thì đâu biết được “nhân quả”!
Sự nhân quả xưa nay rất có bằng
cớ và rất có suy nghiệm mà không biết vì sao trong nhân quần phần nhiều đều
không tin, cứ nói rằng con người sanh ra là chỉ lo cho xong công việc trong một
đời mà thôi, ngoài việc ấy thì không ai cần phải suy nghĩ gì nữa!
Vì vậy, họ ngày đêm cứ lo lường
trăm phương ngàn chước, những sự nọ điều kia, đành đem tư tưởng tin tưởng tinh
thần vùi lấp trong trường danh lợi, chẳng biết tìm đường kiếm nẻo để thoát ra
ngoài cõi nhân thiên. Thật là thương tâm ái tích cho những kẻ ấy!
Có nhiều người khác thấy kẻ
hiền lành mà chịu khổ cực, còn nhiều người hung dữ mà lại được giàu sang thì
tưởng rằng không có “nhân quả”.
Những người nghĩ như vậy là vì
họ chưa hiểu thấu cái mục đích của “nhân quả” có ba cách khác nhau mà cần phải
xét đủ ba đời thì mới thấy rõ được:
Cách tạo nghiệp đời này mà phải
chịu liền quả báo trong đời này
Cách tạo nghiệp đời này mà qua
đời sau mới chịu quả báo
Cách tạo nghiệp đời này mà qua
đến mấy đời sau mới chịu quả báo
Theo ba cách “nhân quả” nói
trên, người kiếp này hiền lành mà khổ cực là bởi kiếp trước làm nhiều điều độc
ác, cho nên kiếp này phải chịu khổ cực như vậy! Còn những việc làm lành của
người ấy trong kiếp này thì sẽ được hưởng trong kiếp sau.
Những người hung dữ mà giàu
sang là do kiếp trước có làm lành, cho nên kiếp này được hưởng phước ấy. Còn
những việc hung dữ của người ấy trong kiếp này thì phải chịu trả báo ở kiếp
sau, như sự trồng cây vậy: Cây trồng lúc trước thì ngày nay mới được ăn trái,
còn cây trồng ngày nay thì ngày sau mới có trái mà ăn.
Lại có nhiều kẻ khác nói rằng: “Người
chết thì mất biệt, không thấy về nói lại thì làm sao biết được có luân hồi?”.
Sự nghi ấy cũng không lầm, như
nấu quặng thành sắt, rồi đúc sắt thành vật dụng. Trong khi sắt đá thành vật
dụng thì có thể trở lại làm quặng được không? Chắc là không được!
Nếu biết như thế thì con người
lúc chết, thần thức theo nghiệp cảm làm thân trung ấm; cũng như quặng đã thành
sắt nói trên, khi thần thức tùy theo nhân duyên mà nhập vào thân khác thì cũng
như sắt đã thành vật dụng, hình trước đã tiêu, thân sau lại khác nên không thể
về được mà nói lại, đó là lẽ như vậy!
Có nhiều kẻ khác lại nói rằng: “Người
còn sống thì hồn nương theo xác, khi chết thì xác rã hồn tiêu. Không lẽ nào
linh hồn còn lại mà chịu luân hồi về kiếp sau!”
Những người nghi tưởng như vậy
thật là không suy xét lại, nên chẳng những làm hại mình mà lại còn làm hại kẻ
khác nữa!
Nếu người chết mà linh hồn thật
tiêu mất thì xưa nay các tôn giáo cũng không ra đời mà dạy con người xả tà quy
chánh và cả nhân loại trong thế gian cũng không ai lo tu nhân tích đức làm gì!
Có phải sự nghi thuyết ấy làm
cho nhân tâm ngã lòng nản chí về sự phước thiện và nứt mầm nảy nhánh về điều
tội ác không?
Chúng ta thử nghĩ xem! Trong
giấc ngủ, chiêm bao thấy những sự vinh quy làm cho ta vui mừng, chiêm bao thấy
sự khốn cùng làm cho ta sợ hãi, hoặc đi xứ khác, hoặc gặp người quen, v.v…
Xác người nằm trơ trơ không
hiểu gì, lại còn cái gì vui, cái gì sợ, cái gì đi, cái gì gặp, v.v… Có phải là
cái hồn ly xác mà ứng lấy các cảnh ngộ ấy không?
Nếu biết được khi xác người ngủ
mà hồn ly như vậy thì khi xác người chết rồi, hồn có lẽ nào tiêu mất! Nếu hồn
đã không tiêu mất thì phải tùy theo cái nghiệp thiện nhân hoặc cái nghiệp ác
nhân của người đã tạo ra ngày trươc mà phải chịu lấy quả báo ngày sau, tránh
sao khỏi được!
Lại thử nghĩ xem! Cũng thời
người ta mà sao có kẻ giàu sang, còn người lại nghèo khó? Sao có kẻ làm vua làm
quan, còn người lại làm dân làm mướn? Sao có kẻ tốt đẹp hoàn toàn, còn người
lại tật nguyền đói khát? Sao có kẻ thông minh trí huệ, còn người lại dốt nát
ngu si? Tất cả mọi việc đều phô bày giữa xã hội nhân quần làm cho loài người
càng ngày càng thống khổ.
Đó có phải là tại người này
kiếp trước tạo nhân lành nên kiếp này được hưởng phước báo và tại kẻ kia kiếp
trước tạo nhân ác nên kiếp này phải chịu khổ báo hay không?
Những điều thí dụ nói trên đủ
làm cho chúng ta bỏ sự nghi ngờ, đem lòng tin thật, cúi đầu trước cửa Phạm, nép
mặt dài sen, đem hai chữ “nhân quả” của Phật nói ra làm gương, hàng ngày xem đi
xét lại, nhắm trước nhìn sau xem thử hành động của ta đối với tự tâm ra thế
nào. Quang minh hay ám muội, công lý hay tư tình?
Nếu quan sát cho cùng như vậy,
kết quả của ta về sau tự nhiên sẽ được hiểu biết rõ ràng, không có cái gì che
khuất được nữa!
(Trích trong Tục Tạng kinh)