Vài thông tin về văn bia chùa Huế
Đoàn Trung Hữu
04/10/2014 07:42 (GMT+7)

       Đặc điểm về số lượng và phân bố

     Huế vẫn được biết đến như vùng đất nhiều chùa chiền, cao tăng và người dân mộ đạo. Ngoài các nghiên cứu của tác giả trong nước, còn phải kể đến Hải ngoại kỷ sự của Thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán, các bài nghiên cứu của Hội Những người bạn cố đô Huế… Những tư liệu quý hiếm như vậy, dưới góc nhìn khách quan đã mô tả sự hưng thịnh của đạo Phật xứ Huế.

Bia đá tại chùa Phổ Quang - TP.Huế

       Di sản Hán Nôm về Phật giáo ở nước ta bị thất thoát nhiều do chính sách đốt phá, hủy hoại qua những lần bị đô hộ bởi phong kiến phương Bắc. Nhiều sử liệu cho thấy kinh sách của các cao tăng người Việt biên soạn hầu như bị phá hủy để thay thế bằng kinh sách của Trung Hoa. Động thái này nằm trong chuỗi hoạt động cai trị, đồng hóa văn hóa, con người nước Nam.

      Hiện nay, trên địa bàn Thừa Thiên Huế ước tính có khoảng trên 300 ngôi chùa, tập trung chủ yếu ở thành phố Huế và phụ cận. Tuy nhiên, số chùa có bia chỉ có 23 chùa (khoảng 8%). Số văn bia chùa chúng tôi sử dụng ở đây dựa trên kết quả sưu tầm của: E.F.E.O và Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số nhà nghiên cứu khác. Tổng số văn bia chùa của Thừa Thiên Huế là 226 bia, chiếm 51,7% so với tổng số văn bia khảo sát. Sự phân bố văn bia chùa Thừa Thiên Huế, cụ thể trong một số ngôi chùa ở đây như sau:

TT

Tên chùa

SL bia

Tỉ lệ %

TT

Tên chùa

SL bia

Tỉ lệ %

1

An Phước

6

2,7%

24

Thanh Lương

2

0,9%

2

Ba La Mật

1

0,4%

25

Thiên Giang

1

0,4%

3

Bác Vọng Tây

1

0,4%

26

Thiên Hòa

1

0,4%

4

Báo Quốc

15

6,7%

27

Thiên Hưng

3

1,3%

5

Bảo Sơn

1

0,4%

28

Thiên Mụ

6

2,7%

6

Châu Lâm

6

2,7%

29

Thiên Thai

1

0,4%

7

Diệu Đế

4

1,8%

30

Thiền Tôn

8

3,6%

8

Diệu Đức

8

3,6%

31

Thiên Ứng

1

0,4%

9

Diệu Hỉ

1

0,4%

32

Thụ Đức

1

0,4%

10

Đông Thiền

1

0,4%

33

Tịnh Giác

2

0,9%

11

Hải Đức

1

0,4%

34

Tra Am

2

0,9%

12

Hòa Viện

1

0,4%

35

Trúc Lâm

6

2,7%

13

Kim Quang

2

0,9%

36

Trường Xuân

5

2,2%

14

Kim Tiên

7

3,1%

37

Từ Hàng

1

0,4%

15

Linh Quang

4

1,8%

38

Từ Hiếu

14

6,2%

16

Mật Sơn

23

10,2%

39

Từ Quang

4

1,8%

17

Pháp Hải

4

1,8%

40

Tuệ Vũ

1

0,4%

18

Phổ Quang

1

0,4%

41

Tùng Sơn

1

0,4%

19

Quán Thánh

1

0,4%

42

Tường Vân

43

19,1%

20

Quốc Ân

20

8,9%

43

Vạn Phước

1

0,4%

21

Sơn Tùng

1

0,4%

44

Viên Thông

4

1,8%

22

Tây Thiên

2

0,9%

45

Chưa rõ tên

4

1,8%

23

Thánh Duyên

2

0,9%

 

 

 

 

      Đặc điểm văn bản

      * Về tác giả: đội ngũ sáng tác văn bia chùa gồm các thành phần:

     - Vua chúa ngự bút: Văn bia loại này đều do các chúa Nguyễn, hoặc các vua triều Nguyễn đích thân viết, sai thợ khắc lên đá và dựng tại chùa. Văn bia loại này thường có hai chữ “Ngự chế” đứng đầu bia, vị trí ở trên và trước dòng thứ nhất, kể từ phải qua. Bên cạnh đó còn có bia do người hoàng tộc (vương) soạn. Nhóm tác giả này gồm có: chúa Nguyễn Phúc Chu, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Hồng Thiết, Khải Định. Nhóm văn bia này gồm có 10 văn bia. Trong đó vua Thiệu Trị soạn bia nhiều nhất, với 6 bia.

    - Các danh nho viết:  Mối quan hệ giữa lớp nho sĩ trí thức và các Tăng sĩ rất mật thiết. Do đó, mỗi khi trùng tu chùa xong, vị Hòa thượng trú trì thường mời một nhà nho giỏi Phật lý, viết cho bài văn bia, đem khắc để dựng tại chùa. Nhóm bia này gồm có 18 bia. Cụ thể như: Nguyễn Thuật, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Đăng Giai, Nguyễn Khoa Tân… Thậm chí còn có cả tác giả là danh nho Trung Quốc là Tử Vân Giai trong văn bia Tùng Sơn tự minh 松山寺銘

     - Do cao tăng hoặc nhóm đệ tử viết: Bia loại này phản ánh hành trạng, công đức của một cao tăng, tổ sư… Giá trị nội dung rất sâu sắc, là nguồn tư liệu quý về lịch sử Phật giáo. Nhóm bia này gồm có 15 bia (15/226).

     * Kết cấu văn bia

      Bài văn khắc ở bia chùa Huế thường có ba phần sau:

     - Bên phải một dòng đề hiệu bia để cho người đọc biết đó là bia loại gì; trùng tu chùa hay tiểu sử một vị Tổ, một cao tăng đã tịch.

    - Phần chính văn có hai phần nhỏ: văn trường hàng, viết theo thể tứ lục; một bài minh theo thể hành, thường gieo độc vận để tóm tắt ý trên, và nêu ý truyền đạo nêu là bia chùa; tán thán đạo phong của vị Tổ hay vị cao tăng được đề cập.

    - Phần cuối là vài dòng lạc khoản. Niên hiệu vua đương triều, ngày tháng tốt để soạn, khắc văn; tên người soạn và lập bia.

     Hình thức chữ viết ở văn bia chùa Huế là lối chữ chân và chữ triện. Nghệ thuật viết văn bia chùa này đã làm cho thể loại văn này thêm phong phú và có thể gọi là một thể loại văn học Phật giáo. Ngoài ra, bia chùa ở các chùa Huế còn góp phần mở rộng từ ngữ rất phong phú. Có loại từ khó hiểu vì ý mới lạ, hoặc phiên âm tiếng Sanskrit.

      * Trang trí bia:

       Nghệ thuật trang trí bia chùa Huế là đặc sắc hơn so với bia nhiều địa phương khác. Có lẽ, đây là vùng đất kinh kỳ nên trình độ, thị hiếu mỹ thuật có phần sắc sảo, tinh tế, kiểu cách hơn, góp phần làm cho tổng thể tấm bia có thể xem như một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc nhỏ. Nhiều tấm bia có phần trán bia chạm hình đầu rồng lớn, trực diện uy nghi được chạm ngay chính giữa, xung quanh là mây lá uốn quanh; cũng có khi đó là hình ảnh lưỡng long chầu thái cực, lưỡng long chầu nguyệt với nét chạm rất sắc sảo, thân rồng nhỏ nhắn, mềm mại, uyển chuyển cuộn trong mây hoặc chầu hỏa châu, ít vẻ dữ dằn. Ở hầu hết các bia thì phần dưới trán bia hoặc diềm bia đều có họa tiết hoa sen, sen cánh phượng là họa tiết đặc trưng của mỹ thuật Phật giáo. Diềm bia cũng thường chạm hoa văn hoa lá, hồi văn chữ “Vạn”, dải thủy ba, rồng uốn lượn. Phần thân bia hình các ấn triển vuông, tròn, thuẫn, chữ triện, chữ phù. Nếu là chùa sắc tứ thì có hai chữ “Sắc tứ” lớn chạm nổi được chạm ở phần trên của thân bia, kèm dấu triện. Có một vài bia trang trí khá đơn giản, chỉ có phần thân mà lược bỏ phần trán, không chạm hoa lá mà chỉ vài đường hồi văn chữ Vạn rất đơn sơ.

      Bia thường được dựng trên lưng rùa lớn, hoặc bệ đá chạm hình cái kỹ chân quỳ, hoặc giản dị hơn, chỉ một khối hình chữ nhật. Ngoài ra, kiến trúc bi đình (nhà chứa bia) của bia chùa Huế cũng có nhiều nét đặc sắc. Những đặc điểm, chi tiết trang trí trên bia sẽ góp phần cho việc nghiên cứu thời đại ra đời của các hoa văn ấy, đem so sánh với các bia nơi khác như ở lăng tẩm, đình, đền, văn miếu, võ miếu… để tìm ra nét đặc trưng của mỹ thuật Phật giáo Huế.

***

       Văn bia chùa Huế với số lượng 226 văn bia phân bố trên 24 chùa trong tổng số hơn 300 chùa trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Các chùa có bia là các chùa có lịch sử lâu đời, các chùa được xây dựng về sau không dựng văn bia. Công tác sưu tầm, khảo cứu văn bia nhìn chung chưa được quan tâm nhiều. Các bia bị mất, phá hủy, hư nát so với thác bản cảnh báo công tác bảo tồn lưu giữ là cấp thiết. Bởi đây là nguồn tư liệu văn bản quan trọng giúp chúng ta hiểu hơn về nhiều lĩnh vực của lịch sử của đất Huế - nơi từng là kinh đô của đất nước, từ đó giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn về lịch sử dân tộc qua các thời kỳ phát triển.

Đoàn Trung Hữu 
(Nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học Xã hội 
thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Các tin đã đăng: