Tinh thần Phật giáo hiện nay chính là thái độ sống nhập thế tích cực theo hướng
chuyển hóa tư duy và hành động của con người trở thành cao thượng - Ảnh minh họa Để có giải pháp thỏa đáng cho những vấn nạn như khủng bố, kỳ thị, phá hại, chiến tranh, môi trường, bệnh tật, nghèo đói, v.v... đang bức bách nhân loại trên toàn cầu, thiết nghĩ không gì tốt đẹp hơn là thực hiện tinh thần Phật dạy. Thật vậy, tinh thần căn bản của Phật dạy rằng mọi việc làm đều vì sự an lạc, hạnh phúc chung của loài người, không kỳ thị quốc gia, tôn giáo, sắc tộc…; điều đó mới có thể hóa giải tình trạng bất an của con người hiện nay và đem đến sự bình an cho thế hệ tương lai.
Ngày nay, trong một cộng đồng thế giới đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa, văn minh, những bản sắc riêng biệt cần được tôn trọng trong sự giao lưu, hội nhập đa phương. Muốn thể hiện sự hiểu biết và tôn trọng như vậy, đòi hỏi con người phải sáng suốt, khoan dung và từ bi. Lịch sử truyền bá Phật giáo trải qua năm châu bốn biển trong suốt chiều dài hơn hai mươi lăm thế kỷ đã thể hiện sâu sắc ba đặc tính này. Trong kinh điển Phật giáo, không hề có chỗ cho sự xung đột trong tư duy hay trong hành động, thậm chí đối với sự chống đối, phá hại của những người cuồng tín thuộc tôn giáo khác. Và trên lộ trình giáo hóa độ sanh, Đức Phật cùng giáo đoàn của Ngài đến bất cứ nơi nào, đều là tấm gương điển hình cao quý nhất, vận dụng tinh thần từ bi, đoàn kết, hòa hợp, tôn trọng sự thật, để chuyển hóa mọi người đi theo con đường thánh thiện.
Sự hiện hữu và những ảnh hưởng tốt đẹp của đạo Phật trên thế gian này trải qua hơn hai ngàn năm trăm năm đã là sự khẳng định đúng đắn rằng Phật giáo chính là chất liệu nuôi dưỡng và duy trì đời sống hòa bình, an lạc, phát triển và thăng hoa tâm linh cho nhân loại. Có thể nói Phật giáo hôm nay đáp ứng cho con người ở thời đại mới một nhu cầu tâm linh mới, chẳng những không bị giáo điều ràng buộc, mà giúp cho tinh thần con người luôn được vững chãi trước mọi đổi thay của nhịp sống mất phương hướng trong vòng xoáy của nền văn minh vật chất hiện đại.
Thật vậy, tinh thần Phật giáo hiện nay chính là thái độ sống nhập thế tích cực theo hướng chuyển hóa tư duy và hành động của con người trở thành cao thượng, vì nhân sinh, vì sự phát triển an bình cho xã hội, cho cộng đồng nhân loại, cho ngôi nhà chung toàn cầu. Đạo Phật đi vào đời bằng rất nhiều phương tiện khác nhau, nhưng luôn hài hòa và thích nghi theo từng quốc gia, từng phong tục tập quán địa phương, giúp cho con người nhận chân được thế nào là cuộc sống có ý nghĩa, hiểu được mối tương quan tồn tại mật thiết giữa mình với tha nhân, với cuộc đời, với muôn loài, để từ đó xây dựng nếp sống lợi ích cho mình, cho người và cho tất cả các loài hữu tình và vô tình trên trái đất này.
Con người ở thời Phật tại thế cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm và con người thời hiện đại đều có những nỗi khổ chung về vật chất và tinh thần của kiếp người; nếu không muốn nói là con người thời nay gánh chịu nhiều khổ đau hơn, vì ngoài một số dữ kiện khách quan thì nguyên nhân chính yếu gây ra tình trạng bất an bắt nguồn từ “Tâm”, tâm tham lam vô hạn, tâm sân hận vô cùng và tâm mê muội của chính con người. Yếu nghĩa này đã được Đức Phật tóm gọn trong một câu của kinh Hoa nghiêm “Muôn pháp duy tâm tạo”. Và kinh Pháp cú cũng dạy rằng: “Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ tạo tác. Nếu nói hay hành động. Với tâm niệm bất tịnh. Khổ não liền theo sau. Như xe theo bò vậy. Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ tạo tác. Nếu nói hay hành động. Với tâm niệm thanh tịnh. An lạc liền theo sau. Như bóng chẳng rời hình.”
Tuy nhiên, trong các pháp nói về tâm, nổi bật hơn cả đối với cả hai hệ thống Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo là giáo pháp Tứ vô lượng tâm. Pháp Tứ vô lượng tâm được Đức Phật nhắc đến rất nhiều và đó cũng là pháp hành của tất cả các vị đại Bồ-tát sử dụng để cảm hóa chúng sanh, là hạt nhân tất yếu mà Bồ-tát cần thành tựu để tiến đến quả vị Phật, là pháp hành của các vị Thanh văn thể nghiệm để thanh tịnh hóa tâm mình, tạo được cuộc sống an lạc, giải thoát cho bản thân.
Và hiện nay, pháp Tứ vô lượng tâm cũng được nhiều Tăng Ni, Phật tử ở khắp năm châu dù theo Thiền tông, hay Mật tông, Tịnh độ tông… đều thể nghiệm trên bước đường đi theo dấu chân Phật. Đặc biệt là pháp Tứ vô lượng tâm có giá trị rất lớn, có công năng giải quyết ổn thỏa nhiều vấn đề bức xúc nhân loại hiện nay. Trên danh tự, bốn pháp vô lượng là tâm từ, tâm bi, tâm hoan hỷ (khoan dung) và tâm xả, nghe có vẻ đơn giản; nhưng sự thật nếu thực hiện được tinh ba của pháp này, thì thực trạng bất an của con người và xã hội sớm được giải quyết.
Tinh thần từ bi, hỷ xả đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các tổ chức, giữa các quốc gia; đó là sự tôn trọng mọi hình thái khác biệt, hoan hỷ đối thoại và chấp nhận sự khác biệt của nhau để cùng tìm ra một hướng đi chung, củng cố thêm mối quan hệ hỗ tương được lâu dài, cùng được hưởng sự lợi lạc.
Đức Phật khi giáo hóa chúng sanh, đối diện với những người không cùng quan điểm, Ngài không bao giờ dùng quyền lực để áp đặt buộc người nghe theo. Trái lại, mặc dù là bậc Thiên nhơn sư, Đức Phật vẫn luôn tôn trọng, lắng nghe và nhẹ nhàng giảng giải cho mọi người thông hiểu được việc nên làm, điều nên tránh: “Ta chủ trương phân tích. Ta không chủ trương nói một chiều” (Kinh Subha số 99). Đó là phương cách tốt nhất để có được sự hiểu biết tốt đẹp cho các mối quan hệ trong xã hội hay trong bang giao quốc tế.
Ngoài ra, trong cuộc sống hiện đại, ý thức cần bảo vệ sự sống và môi trường sinh thái mới được thế giới báo động trong những năm gần đây; nhưng đối với Phật giáo, đó là một điều luật căn bản mà Đức Phật đã đặt ra từ hai mươi lăm thế kỷ trước cho hàng đệ tử phải tuân thủ. Đức Phật dạy những ai muốn đi cùng lộ trình như Ngài, nhất định phải thể hiện tâm từ bi. Chẳng những không được sát hại, phải tôn trọng sự sống của loài người, loài vật, cho đến cỏ cây, mà còn phải bảo vệ tất cả muôn loài. Với trí giác toàn hảo của Đức Phật, Ngài thấy muôn loài trong vũ trụ đều đồng nhau ở dạng thể tánh và trên hiện tượng giới, sự sống muôn vật cùng cộng hưởng, cộng tồn, không thể tách rời. Mối tương quan tương duyên chằng chịt, mật thiết giữa muôn sự, muôn vật trong vũ trụ đã được kinh Hoa nghiêm nêu ra rằng cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt. Vì thế, làm hại người khác, làm hại các loài khác, là làm hại chính mình.
Môi trường bên ngoài ô nhiễm trầm trọng chính vì môi trường trong tâm con người hư hỏng nặng nề. Lòng tham không đáy đã thúc đẩy con người đòi hỏi sự hưởng thụ vượt quá những nhu cầu cần thiết và kéo họ lao vào những cuộc tranh giành bất tận, đưa đến tiêu diệt lẫn nhau và phá hư môi trường sống.
Không tham lam, xấu ác, người thể nghiệm giáo pháp Phật sống thiểu dục, tri túc. Cách sống thiểu dục, tri túc không có nghĩa là sống hèn hạ, an phận, thiếu hiểu biết, thiếu nỗ lực vươn đến sự phát triển; trái lại, đó là cách sống sáng suốt và cao thượng, hạn chế lòng vị kỷ, sống hài hòa với thiên nhiên, không làm hư môi sinh, vì nhận biết được những gì nên khai thác và khai thác đến mức độ nào, những gì cần bảo vệ để cho con em thế hệ kế tiếp của chúng ta khai thác. Ngược lại, tham muốn quá nhiều gom về cho cá nhân hay phe nhóm, khiến con người trở thành mù quáng, tàn bạo một cách phi lý. Họ sẵn sàng giao chiến, gây chết chóc, bệnh tật, nghèo đói, tiêu hủy mầm sống của các loài, khiến cho môi sinh trên quả địa cầu ngày càng xấu thêm. Hoặc bằng mọi cách, họ chiếm cho được món lợi khổng lồ, không quan tâm, hay không biết đến sự tác hại của việc khai thác bừa bãi, làm cạn kiệt tài nguyên, xả những chất độc hại vào không khí, vào dòng nước, vào lòng đất, làm ô nhiễm môi sinh, mất cân bằng sinh thái.
Thiết nghĩ chưa phải là trễ để mọi tôn giáo, mọi tầng lớp xã hội và mọi quốc gia chung nhau bảo vệ môi trường sống của tất cả các loài trên hành tinh này theo mô hình mà Phật giáo đã thành công.
Tinh thần căn bản của Phật dạy rằng mọi việc làm đều vì sự an lạc, hạnh phúc chung của loài người
Phát huy tính tích cực của giáo lý Tứ vô lượng tâm, vừa chuyển hóa được đời sống tâm linh thăng hoa theo hướng chân thiện mỹ, đồng thời áp dụng tinh ba của pháp này vào việc phục vụ cộng đồng xã hội thông qua các hoạt động chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội, v.v… Chỉ có tinh thần cởi mở, từ ái, khoan dung, sáng suốt theo Phật giáo mới giúp cho con người giải quyết được những vấn nạn hiện tại và thiết lập được cho cộng đồng nhân loại một tương lai hòa bình, hòa hợp, phát triển, an lạc lâu dài. Và thành quả của việc thực hiện Tứ vô lượng tâm sẽ tạo nên sự đoàn kết, tương trợ, cũng như mở ra một giá trị đạo đức vĩnh hằng trong cuộc sống con người, đó là tình thương yêu cho muôn loài, mọi giới cùng chung sống hạnh phúc dài lâu trong ngôi nhà chung trong lành, tươi đẹp.
Tóm lại, những lời chỉ dạy của Đức Phật luôn tỏa sáng rực rỡ trong suốt hai mươi lăm thế kỷ qua. Và hơn bao giờ hết, sự thể nghiệm giáo lý của Ngài trở nên vô cùng cần thiết trong thời hiện đại, giúp con người rũ bỏ tâm hẹp hòi, ích kỷ, cố chấp, sân hận, si mê, để nhận chân được khả năng hướng thiện, phát triển năng lực tiềm tàng tốt đẹp trong mỗi người chúng ta, để cuộc sống con người có ý nghĩa.
Mừng Phật đản sanh, người đệ tử Phật nỗ lực tạo được sức mạnh của tiếng nói chung, tiếng nói phát xuất từ những tâm hồn từ bi hỷ xả, sáng suốt, vị tha, để tập hợp được nhiều người, nhiều tổ chức, nhiều tôn giáo khác nhau, tất cả đều đồng tình với những phương hướng hoạt động theo Phật dạy để xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, mọi loài, ở khắp mọi nơi trên quả địa cầu này, xây dựng thế giới Cực lạc ngay tại cuộc sống nhân gian này.