Những nguyên nhân khiến người đời tôn kính đức Phật
Thích Hạnh Bình
31/10/2012 22:06 (GMT+7)

Nội dung đức Phật giác ngộ dưới cội cây Bồ đề là giáo lý Duyên khởi, nội dung và ý nghĩa giáo lý này giải thích sự hình thành và hoại diệt của mọi sự vật đều do nhiều nhân nhiều duyên, không có một pháp nào (cả tâm lý và vật lý) tự nó sinh ra mà không cần đến những nhân duyên yếu tố khác.

‘Kinh Tiễn Mao’ (A) số 207[1] trong “Kinh Trung A hàm” ghi lại câu chuyện giữa Thế Tôn và Dị học (ngoại đạo) Tiễn Mao (Ud?yi dịch âm là Ưu đà di) về những lý do vì sao đức Thế Tôn được các đệ tử cung kính tôn trọng. Nhận thấy các vị đạo sư của sáu phái ngoại đạo vẫn bị các đệ tử của họ chất vấn và không hài lòng về kiến giải của thầy nên đã bỏ ra đi, nhưng các đệ tử của Thế Tôn thì luôn luôn hài lòng về lời chỉ dạy của Ngài và tỏ thái độ một mực tôn kính, Tiễn Mao cho rằng, Thế Tôn có 5 yếu tố sau khiến mọi người cung kính tôn trọng:

1. Sa-môn Cù-đàm tri túc về thô y, lại khen ngợi tri túc về thô y.

2. Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm bạc, lại khen ngợi về tri túc đạm bạc.

3. Sa-môn Cù-đàm ăn ít, lại khen ngợi sự ăn ít.

4. Sa-môn Cù-đàm tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ, lại khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ.

5. Sa-môn Cù-đàm tĩnh tọa và ngợi khen tĩnh tọa.

Nội dung và ý nghĩa 4 yếu tố đầu là sự ca ngợi hạnh thiểu dục tri túc về những vật dụng cần thiết (y phục, ăn uống, giường chõng) cho vị tỷ kheo vào thời đức Phật còn tại thế. Yếu tố thứ 5 là ca ngợi về sự tĩnh tọa. Xét về góc độ tôn giáo, có thể nói 5 yếu tố này là tiêu chuẩn đạo đức cho người xuất gia, nếu ai có cuộc sống như thế không những làm gương mẫu cho tăng già, còn làm mô phạm cho cả xã hội. Cũng vậy, dưới cái nhìn của dị học Tiễn Mao, vì Thế Tôn có 5 yếu tố này, cho nên Ngài được các đệ tử cung kính tôn trọng. Đó là quan điểm của Tiễn Mao.

Tuy nhiên, quan điểm này không được Thế Tôn chấp nhận, với lý do trong phái Kỳ na giáo cũng có những vị tu sĩ chuyên tu tập khổ hạnh, thực hành đầy đủ hạnh thiểu dục tri túc đối với việc ăn, uống, tọa cụ… và cũng có những vị chuyên hành thiền định, nhưng không được đệ tử cung kính tôn trọng, ngược lại còn bị các đệ tử cật vấn và từ bỏ ra đi. Theo đức Phật, 5 yếu tố này không phải là mục đích xuất gia tu học trong đạo Phật, mà mục đích xuất gia tu học trong đạo Phật là giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ là nhân giải thoát là quả, quả do nhân mà sinh, do vậy trạng thái giải thoát trong đạo Phật được hình thành do giác ngộ (trí tuệ), nói cách khác không có giác ngộ thì sẽ không có giải thoát.

Như vậy, nếu ai dựa vào 5 yếu tố này cung kính tôn trọng Thế Tôn thì cũng sẽ có người cũng vì 5 lý do này mà chê bai không tôn trọng Ngài. Vì giới và thiền định không phải là mục tiêu của đạo Phật, nó chỉ có chức năng làm phát sinh trí tuệ, nhờ trí tuệ mới dẫn đến giải thoát, nếu như chỉ biết ca ngợi hạnh thiểu dục tri túc, tọa thiền, cố chấp vào những hình thức này, không mong cầu trí tuệ, thì hạnh thiểu dục tri túc và tọa thiền ấy lạc vào tà đạo. Đây chính là lý do tại sao đức Phật không chấp nhận 5 yếu tố này là nguyên nhân này khiến cho hàng đệ tử cung kính tôn trọng.

Thế thì nguyên nhân nào Thế Tôn được các đệ tử tôn kính tôn trọng?

Cũng trong kinh này, Thế Tôn khẳng định vì Ngài có 5 pháp khác khiến hàng đệ tử cung kính tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo không rời:

 

1. Thế Tôn là người nói và làm đi đôi với nhau

Liên quan đến vấn đề này ‘Kinh Tiễn Mao’ (A) đề cập:

“Thế Tôn có giới, đại giới, lời nói đúng theo việc làm, việc làm đúng theo lời nói’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân giới vô thượng mà khen ngợi Ta thì vị ấy nhân điều này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự thường theo Ta không rời.”

Yếu tố thứ nhất khiến các đệ tử tôn trọng theo Ngài suốt đời chính là: “Lời nói và việc làm của Ngài đi đôi với nhau”, nghĩa là sự thật như thế nào thì nói như thế ấy, không nói lời thêu dệt, thêm bớt, sai sự thật. Ví dụ, nhân quả nghiệp báo là định luật chung cho mọi người, ai làm việc ác thì người ấy phải thọ nhận quả ác, ai làm lành thì cũng chính người ấy hưởng quả lành, điều đó có nghĩa không ai có quyền định đoạt số mệnh hay ban phước giáng họa cho người khác. Với đạo lý này, Ngài ví mình như “người dẫn đường”[2] hay là “Vị lương y”[3] trong sự nghiệp cứu độ chúng sinh, Ngài không có quyền năng như Thượng Đế, không có quyền thưởng hay phạt bất cứ ai, Ngài chỉ hướng dẫn: đây là khổ, đây là nguyên nhân dẫn đến khổ, đây là an lạc hạnh phúc, đây là con đường dẫn đến an lạc, chúng sinh tự mình quyết định lựa chọn một trong hai con đường đó, Ngài rất thương chúng sinh sống trong đau khổ, nhưng Ngài không thể làm gì được khi chúng sinh luôn tạo các nhân tham sân si. Đây là một bằng chứng cụ thể để chứng minh câu: “lời nói đúng theo việc làm, việc làm đúng theo lời nói”. Tuy nhiên, quá trình giáo hóa, vì căn cơ và trình độ chúng sinh khác nhau nên Ngài phải sử dụng phương tiện dẫn dụ chúng sinh, nhằm mục đích thành đạt sự giác ngộ giải thoát. Ở đây cần chú ý, phương tiện nào cũng mang mục đích giác ngộ giải thoát, không phải lợi dụng tính phương tiện trong Phật pháp che mắt thế gian, để thỏa mãn ý đồ xấu xa đen tối của mình.

Ý nghĩa lời dạy này thật sâu sắc, không những nói lên tinh thần trách nhiệm của đức Phật, còn gợi ý cho chúng ta kiểm tra lại lời nói và việc làm của mình, có phù hợp với tinh thần Phật pháp không, chúng ta có chịu trách nhiệm trước lời nói của mình không, lời nói và hành động có đi đôi với nhau không. Dẫu biết rằng chúng ta chưa phải là Phật, nhưng chúng ta là đệ tử của Ngài, đang học theo lời dạy của Ngài, do vậy cần phải cẩn thận lời nói, và phải biết hổ thẹn khi phát hiện lời nói và việc làm của mình mâu thuẫn nhau.

 

2. Thế Tôn là người có trí tuệ ca ngợi trí tuệ

  Yếu tố thứ hai trong kinh này đề cập:

“Lại nữa, này Ưu-đà-di…‘Thế Tôn có trí tuệ, cực đại trí tuệ, nếu có ai đến bàn luận hay đối đáp, Ngài đều khuất phục được. Nghĩa là đối với Chánh pháp luật, họ không thể nói. Đối với điều chính mình nói, họ cũng không thể nói’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử nhân vô thượng trí tuệ, mà khen ngợi Ta, vị ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, theo Ta không rời.”

Không giống như những tôn giáo khác chỉ chú trọng vai trò ‘niềm tin’, đạo Phật chú trọng đến vai trò trí tuệ (pa��?), tức ‘thấy’ và ‘biết’. Như “Kinh Tất Cả Lậu Hoặc” nói: “Ta giảng sự diệt tận lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy” (“Kinh Trung Bộ” tập 1, trang 19-20) hoặc trong ‘Kinh Subha’ nói: “Này thanh niên Bà-la-môn, ở đây, Ta chủ trương phân tích; ở đây, Ta không chủ trương nói một chiều. Này Thanh niên Bà-la-môn, Ta không tán thán tà đạo của kẻ tại gia hay kẻ xuất gia.”(“Kinh Trung Bộ” tập 2, trang 794). Hoặc trong “Kinh Tạp A hàm” số 254 đức Phật dạy: “Nếu có người nào dựa vào một ít tín tâm mà bảo là ly dục giải thoát, thì điều này không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật ly dục giải thoát. Nếu có người nào lại chỉ dựa vào một ít việc trì giới mà bảo rằng ta được lìa nhuế giải thoát, thì điều này cũng không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật giải thoát.” Kinh điển Đại thừa cũng ca ngợi vai trò trí tuệ (pra-j��ap?ramit?). Ví dụ “Kinh Pháp Hoa” nói: “Sự ra đời của Phật nhằm mục đích, khiến cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”… Những đoạn kinh trích dẫn trên cho thấy Phật giáo là tôn giáo rất chú trọng vai trò trí tuệ, lấy trí tuệ giải quyết mọi khổ đau trong cuộc sống, là cơ sở cho sự giác ngộ giải thoát. Trí tuệ ở đây là sự hiểu biết đúng với sự thật, sự hiểu biết đúng chân lý, trong kinh gọi là: như lý tác ý, hoặc như thật tuệ tri, là cơ sở dẫn đến giải thoát. Sự hiểu biết – trí tuệ đó là phản ánh của chân lý, nên đức Phật có thể trả lời những nghi vấn của thế gian, phản bác ý kiến của thế gian, nhưng thế gian không thể phản bác ý kiến của Ngài.

Giáo lý của Phật là giáo lý nói lên sự thật, giáo lý ca ngợi về trí tuệ, thế thì chúng ta nhân danh là đệ tử của Ngài, cần phải biết tôn trọng sự thật, nói lên sự thật và ca ngợi vai trò trí tuệ, không nên lờ đi những điều phi sự thật hoặc ca ngợi tuyên truyền mê tín dị đoan.

 

3. Thế Tôn là người nói pháp có nhân có duyên

    Yếu tố thứ 3 trong kinh này ghi:

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do vô thượng tri kiến, khen ngợi Ta rằng, ‘Thế Tôn biết khắp chứ không phải không biết; thấy khắp chứ không phải không thấy. Ngài nói pháp cho đệ tử có nhân chứ không phải không nhân, có duyên chớ không phải không duyên, có thể (giải) đáp chứ không phải không thể (giải) đáp, có thể xả ly chứ không phải không thể xả ly’. Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân vô thượng tri kiến mà khen ngợi Ta, người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo ta không rời.”

    Nói có nhân có duyên là lời nói có căn cứ, dựa vào một sự kiện cụ thể nào đó trình bày lý giải, không phải nói một cách mông lung, vô căn cứ. Nếu như vấn đề được trình bày do nhân này duyên kia mà nói, thì đạo lý của nó chỉ có giá trị khi nhân duyên của nó vẫn còn, nhân duyên của nó không còn thì ý nghĩa của nó cũng không còn. Ví dụ, do nhân duyên bịnh cảm nên thuốc cảm có giá trị, nếu bịnh cảm không còn thì thuốc cảm sẽ không còn giá trị. Nói cách khác, thuốc cảm chỉ có giá trị đối với người bịnh cảm, không có giá trị đối với người không bịnh. Cũng vậy, lời Phật dạy được lưu lại cũng mang ý nghĩa như thế, muốn biết lời dạy ấy có giá trị như thế nào, cần phải biết bối cảnh đức Phật nói ra sao - đối tượng đức Phật nói là ai, sự hiểu biết của người ấy như thể nào. Nếu không căn cứ phương pháp này để lý giải vấn đề, lời Phật dạy trở nên khó hiểu, khó giải đáp. Không thể căn cứ những vấn đề của con người thuộc xã hội ngày nay lý giải những vấn đề thuộc quá khứ. Đây chính là lý do tại sao trong kinh này ghi: “(Lời Phật dạy) có thể (giải) đáp chứ không phải không thể (giải) đáp”. Nếu như lời Phật dạy có nhân có duyên, khi nhân duyên không còn thì giá trị của nó cũng theo đó biến mất, chúng ta cần phải xả bỏ, dù đó là lời Phật dạy, đây là ý nghĩa câu: “có thể xả ly chứ không phải không thể xả ly” hoặc “Chánh pháp còn phải bỏ đi huống là phi pháp” (Kinh Xà Dụ. Trung Bộ).

    Nội dung và ý nghĩa của yếu tố này cho thấy quan điểm đức Phật rất thoáng, không câu nệ vào hình thức, những gì không còn ý nghĩa, không giúp ích gì cho cuộc sống, nên xả bỏ, không nên cố chấp, dù đó là lời Phật dạy. Điều này cho phép chúng ta đánh giá và xem lại những vấn đề mà chúng ta gọi thực hành, có liên hệ gì với sự giác ngộ giải thoát, có giúp ích gì cho sự đoạn trừ khổ đau hay không.

 

4. Thế Tôn là người giảng dạy về Tứ đế

Yếu tố thứ tư được kinh này mô tả:

“Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử, do nhờm tởm mũi tên ái dục mà đến hỏi Ta về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ta liền trả lời về khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ưu-đà-di, nếu có đệ tử đến hỏi Ta được trả lời xứng ý, khiến được hoan hỷ, người đó nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời.”

Tứ đế là giáo lý giải thích về sự thật cuộc sống của đời người gồm hai khía cạnh: khổ đau và hạnh phúc. Hai khía cạnh này được mô tả bằng giáo lý Tứ đế, tức khổ, khổ tập, khổ diệtcon đường dẫn đến khổ diệt. Hai yếu tố đầu nói về đời sống bất hạnh và nguyên nhân dẫn đến khổ đau là do vô minh hay tham ái (khổ tập). Hai yếu tố sau mô tả về đời sống an lạc và con đường dẫn đến an lạc, là lối sống bắt nguồn từ trí tuệ hay Bát chánh đạo. Cả hai lối sống đó do chính mỗi người chúng ta quyết định, không phải ai khác.

Ý nghĩa giáo lý Tứ đế nói lên quan điểm giáo dục của đạo Phật, không ngoài mục đích giúp cho con người thấy rõ bản chất cuộc sống là khổ đau, để rồi từ bỏ khổ đau, vươn tới an lạc hạnh phúc bằng sự hiểu biết của chính mình, bất cứ ai thực hành đúng theo lời dạy của Ngài đều có thể thành đạt cuộc sống an lạc hạnh phúc đó.

 

5. Những người thực hành giáo pháp Thế Tôn đều đạt mục đích tối thượng

    Yếu tố thứ 5 được kinh này mô tả:

“Lại nữa,… Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta trong Chánh pháp luật này được thọ, được độ, được đến bờ bên kia, không nghi không hoặc, ở trong thiện pháp không có do dự. Người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, cúng dường, tôn trọng, phụng sự Ta, thường theo ta không rời”.

Nội dung và ý nghĩa đoạn này, khẳng định bất cứ ai sống đúng với pháp và luật của Ngài thì chắc chắn người ấy sẽ được giác ngộ giải thoát (đáo bỉ ngạn), và trong thời gian tu học, vị ấy không có sự nghi ngờ gì đối với giáo lý của Ngài, do vậy các đệ tử luôn cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Thế Tôn, không có ý niệm từ bỏ đời sống Phạm hạnh.

Nội dung và ý nghĩa đoạn kinh này gợi ý, một trong những nguyên nhân khiến người tu sĩ hoàn tục chính là không rõ được hướng đi của mình. Qua kinh nghiệm ta thấy, nếu làm một việc gì mà không biết kết quả của việc ấy như thế nào thì rất dễ sinh tâm lý nhàm chán, và nảy sinh tâm lý muốn từ bỏ. Cũng vậy, mục đích của người xuất gia là mong cầu sự giác ngộ giải thoát, nhưng nếu gặp phải cuộc sống trong chùa không được học tập những điều liên hệ đến giáo lý giác ngộ giải thoát của đức Phật, ngược lại phải học và làm những điều không liên hệ mục đích này, trong khi những thú vui ngũ dục (tiền tài, sắc dục, danh lợi, ngủ nghĩ, và ăn uống nhậu nhẹt) ngoài đời đang mời gọi, khi ấy đạo lý giải thoát bị lờ mờ, hướng đi bị chao đảo. Nghĩa là, nếu như niềm vui trong đạo không có thì trở về hưởng thụ những thú vui của cuộc sống thế tục trở thành lẽ tất nhiên, không có gì phải chê trách đối với người hoàn tục. Sự hoàn tục của một người đệ tử có phần lỗi lầm không nhỏ của người thầy. Vì người thầy đã không hướng dẫn Phật pháp, nói đúng hơn là không trang bị cho người đệ tử kiến thức Phật học chân chánh nên phải dẫn đến việc hoàn tục. Đây là trường hợp rất phổ biến ở Phật giáo Việt Nam. Theo tôi, đây là điểm mà chúng ta cần được nghiên cứu và thảo luận nghiêm túc.

    Trên đây là 5 lý do khiến chúng đệ tử luôn cung kính, tôn trọng và sống trọn đời với Thế Tôn được đức Phật trình bày trong ‘Kinh Tiễn Mao’ (A).

Ngoài ra, “Kinh Đại Điển Tôn” trong “Kinh Trường Bộ” cũng đề cập 8 điểm đặc thù của đức Phật: 1 Vì người khác phục vụ; 2. Giảng dạy những điều có lợi ích thiết thực hiện tại; 3. Chỉ rõ pháp thiện và pháp bất thiện; 4. Lời dạy của Thế Tôn có xu hướng mang đến hạnh phúc; 5. Đệ tử của Thế Tôn sống trong hòa hợp; 6. Sống thiểu dục tri túc, không kiêu mạn; 7. Nói và làm đi đôi với nhau; 8. Người có trí tuệ không còn nghi ngờ. Trong 8 đặc điểm này đặc điểm thứ 7 và 8 đã được đề cập ở trên, do vậy phần này tôi chỉ phân tích giải thích ý nghĩa 6 đặc điểm đầu.

 

1. Vì người khác phục vụ

Đặc điểm thứ nhất của Thế Tôn được “Kinh Đại Điển Tôn” ghi như sau:

“…Như Lai dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho loài Trời và lời Người. … một vị Ðại sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.”

    Thông thường, mọi hoạt động của con người nhằm củng cố xây dựng cho cái “tôi”, nếu không là cho “tôi” thì cũng là cho “chúng tôi’. Ý niệm này, thôi thúc con người hoạt động theo chiều hướng nỗ lực chiếm đoạt thâu tóm về cho cái tôi đó, cũng chính từ đó mang đến cho con người những khổ đau phiền muộn, muốn mà không thành tựu thành ra khổ đau là lẽ đương nhiên. Đức Phật cũng là một trong những con người, nhưng Ngài khác với mọi người là Ngài đã giác ngộ chân lý (Duyên khởi - nguyên lý vận hành của mọi vật, cả tâm lý và vật lý) nên Ngài ứng xử phù hợp với đạo lý, từ bi hỷ xả cũng theo đó xuất hiện, do đó mọi việc làm của Ngài không vì cái tôi mà xuất phát từ lòng từ bi hỷ xả đó. Việc làm nào xuất phát từ những yếu tố này thì việc làm đó không phải là vì mình mà vì chúng sinh, vì mọi người. Đây chính là lý do hình thành tính đặc thù thứ nhất của Thế Tôn.

Nếu như đức Phật vì mọi người mà làm, chúng ta nhân danh là đệ tử của Ngài cũng nên học theo đức tánh ấy. Hãy vì chánh pháp mà hành động, đừng vì một chút hư danh lợi lộc cá nhân mà quên đi chánh pháp, để cho Phật pháp suy tàn. Nên vì đại cuộc - nhu cầu chung của mọi người mà làm, đừng vì cái tôi mà quên đi cái lợi chung cho tập thể. Phật pháp có được phát triển ở Việt Nam hay không tùy thuộc vào tầng lớp Tăng già, nhất là những vị đang giữ quyền lãnh đạo của Phật giáo Việt Nam.

 

2. Giảng dạy những điều có lợi ích thiết thực hiện tại

Đặc điểm thứ hai của Thế Tôn được “Kinh Đại Điển Tôn” ghi như sau:

"Chánh pháp được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thượng, chỉ người có trí tự mình giác hiểu. Một vị Giảng sư thuyết pháp hướng thượng như vậy, một vị Ðạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.”

    Đây là lời biểu lộ sự vui mừng của những người ngoại đạo, sau khi nghe Thế Tôn khai thị, được ghi lại rất nhiều kinh trong A hàm hay Nik?ya. Nếu như các tôn giáo khác chuyên thảo luận về hệ thống triết học siêu hình nào đó, hứa hẹn một cõi trời xa xăm nào đó, thì giáo lý của Thế Tôn luôn có mối quan hệ thiết thân với đời sống hiện tại, có ích lợi ngay trong đời sống hiện tại. Nếu có đề cập đến tương lai thì cũng bắt nguồn từ hiện tại, lấy hiện tại làm gốc, xem hiện tại như là một thước đo bệ phóng cho tương lai, không phải là lý thuyết chối bỏ đời sống hiện tại hoặc chỉ mơ ước về tương lai. Nói như thế không đồng nghĩa giáo lý của Thế Tôn chỉ có giá trị trong hiện tại mà không có giá trị ở tương lai; hình thức của giáo lý có thể bị giới hạn theo thời gian, nhưng tinh thần giáo dục của Ngài vượt thời gian, tức ở thời gian nào cũng hợp lý, ví dụ giáo lý duyên khởi, vô thường, vô ngã… là giáo lý cho mọi con người, cho mọi thời đại, vì bất cứ ở đâu, con người nào, cũng có đạo lý này. Tuy nhiên, hệ thống giáo lý này không phải ai cũng hiểu được, kẻ phàm phu sống với lòng tham lam, sân hận và si mê khó có thể chấp nhận giáo lý này, vì họ không hiểu được sự sinh diệt của các pháp là duyên khởi, bản chất của chúng là vô thường, cố chấp vào các pháp, từ đó sinh khổ.

Mục đích của những người xuất gia tu học trong Phật pháp là mong cầu sự giải thoát, sự giải thoát đó phải được xây dựng trên cơ sở là giác ngộ. Nghĩa là, khi người nào giác ngộ nhận thức đạo lý duyên khởi, thấy được bản chất của các pháp là vô thường vô ngã thì mới có sự giải thoát. Đây chính là ý nghĩa câu: “đến để mà thấy”, câu này xác định đến đạo Phật là đến để tìm hiểu, giác ngộ, không phải đến để tin, nếu có niềm tin cũng chỉ là yếu tố đầu tiên để xây dựng trí tuệ, không phải chỉ có tin và dừng lại ở đó. Ai hiểu được giáo lý này và thực hành theo nó sẽ mang đến sự lợi lạc, nên trong kinh gọi là “có khả năng hướng thượng”. Không ai hành đúng theo lời dạy của Ngài mà lại có đời sống bê tha, hèn hạ, chỉ có những giả danh thiền tướng, mới có thể xảy ra điều này. Đây là đặc điểm thứ hai của Thế Tôn.

 

3. Chỉ rõ pháp thiện và pháp bất thiện

Đặc điểm thứ ba của đức Phật được “Kinh Đại Điển Tôn” ghi lại như sau:

Ðây là thiện, đây là bất thiện đã được Thế Tôn khéo giải thích. Ðây có tội, đây không tội, đây cần phải tuân theo, đây cần phải né tránh, đây là hạ liệt, đây là cao thượng, đây là đen trắng đồng đẳng, được Thế Tôn khéo giải thích. Một vị khéo giải thích các pháp thiện, bất thiện, có tội, không có tội, cần phải thuận theo, cần phải né tránh, hạ liệt, cao thượng, đen trắng đồng đẳng, một vị Ðại sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn”.

   Nội dung và ý nghĩa đoạn kinh vừa trích dẫn đã chứng minh cụ thể giáo pháp của Như Lai là giáo pháp phân biệt rõ ràng giữa hai pháp: thiện và bất thiện, pháp có tội và pháp không có tội, pháp cần phải thật hành và pháp cần phải né tránh, pháp hạ liệt và pháp cao thượng…Đối với hai loại pháp ấy, Ngài khuyên các đệ tử xuất gia lẫn tại gia nên phân biệt rạch ròi, không được mù mờ về hai pháp ấy. Những pháp nào là pháp thiện, pháp chân chánh… là những pháp mang ý nghĩa đoạn trừ tham sân si, tăng trưởng giới định tuệ, pháp ấy các ngươi nên thật hành; ngược lại những pháp nào là pháp bất thiện, pháp ác, phi chân chánh… là những pháp hạ liệt, diệt trí tuệ, tăng trưởng phiền não, thì các ngươi cần phải né tránh, không nên làm những pháp ấy, đó là lời khuyên hữu ích thiết thật đối với người phàm phu đầy phiền não như chúng ta. Cần chú ý rằng, Ngài chưa bao giờ khuyên những người phàm phu, chưa chứng quả từ bỏ chánh pháp hoặc không nên phân biệt giữa pháp thiện và bất thiện, giữa chánh pháp và phi pháp, giữa pháp có tội và pháp không có tội… Nếu ngài có đề cập đến quan điểm vô phân biệt, xả bỏ, không cố chấp, chánh pháp còn phải bỏ đi huống là phi pháp[4]… thì ý nghĩa này được giới hạn, trình bày trong trường hợp đối tượng là những tỷ kheo đã đến bờ bên kia, đã giác ngộ giải thoát, không phải là những người phàm phu nhưng chúng ta, chúng ta không nên nhầm lẫn bối cảnh khác nhau giữa hai câu nói này. Ví dụ đối với một người có bịnh, bác sĩ khuyên nên uống thuốc mỗi ngày, nhưng đối với một người không có bịnh mà lại sợ bịnh nên cứ uống thuốc thì bác sĩ sẽ khuyên người không có bịnh không nên uống thuốc. Hai lời khuyên này có bối cảnh khác nhau, nên có lời khuyên khác nhau, không nên cố chấp vào bất cứ trường hợp nào. Sự khác nhau về tư tưởng giữa Đại thừa và Tiểu thừa cũng mang ý nghĩa như vậy, chúng ta cần chú ý điểm này. Đây là nội dung và ý nghĩa của điểm đặc thù thứ 3 trong kinh này.

 

4. Lời dạy của Thế Tôn có xu hướng mang đến hạnh phúc

Đặc điểm thứ tư của đức Phật được “Kinh Đại Điển Tôn” ghi như sau:

Con đường đưa đến Niết-bàn cho các đệ tử, Niết-bàn và con đường phối hợp thành một, đã được Thế Tôn khéo giải thích như nước sông Hằng phối hợp và cùng chảy với nước sông Yamuna (Diệm-mâu-na). Cũng vậy con đường đưa đến Niết-bàn cho các đệ tử, Niết-bàn và con đường phối hợp thành một đã được Thế Tôn khéo giải thích. Một vị khéo giải thích con đường hướng đến Niết-bàn như vậy, một vị Ðạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn”.

    Bất cứ vị giáo chủ hay vị đạo sư nào cũng cho rằng giáo lý của họ là con đường dẫn đến Niết bàn, là cảnh giới an lạc và hạnh phúc, tuy nhiên quan điểm ấy có giá trị hay không, không phải chỉ là lời nói suông mà phải căn cứ vào kết quả của việc thực hành. Giáo lý nhà Phật cũng vậy, được kiểm tra qua phương pháp này. Ví dụ đức Phật dạy: ai thực hành Bát chánh đạo thì người ấy sẽ được hạnh phúc an lạc. Vậy thì chúng ta thử kiểm tra trong cuộc sống, có ai hành đúng Bát chánh đạo mà lại bị khổ đau không, và ngược lại những ai không hành Bát chánh đạo mà người đó lại được an lạc hạnh phúc không. Từ cuộc sống thực tế cho thấy, người nào sống đầy lòng tham sân hận và si mê thì cuộc sống người ấy khổ đau nhiều hơn là hạnh phúc. Đây là ý nghĩa của điểm đặc thù thứ tư của đức Phật.

 

5. Đệ tử của Thế Tôn sống trong hòa hợp

Đặc điểm thứ năm của đức Phật được ghi lại trong “Kinh Đại Điển Tôn” như sau:

Thế Tôn cũng đã đào tạo được chúng thiện hữu Hữu học đang đi trên nẻo đạo và các vị Lậu tận đã hoàn tất Thánh đạo. Ngài không di tản chúng nhưng sống cùng chung một niềm hòa hợp lạc trú. Một vị sống cùng chung một niềm hòa hợp lạc trú, một Ðạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.”

Rất nhiều kinh trong “Kinh Trường A hàm” hay “Kinh Trường Bộ” ghi lại sự tranh luận giữa Thế Tôn và những người ngoại đạo, tuy nhiên chúng ta không nên căn cứ vào những sự kiện này mà cho rằng đức Phật là người ưa cạnh tranh hay hiếu chiến. Phải nói rằng, đức Phật và quan điểm của Ngài rất bao dung và ôn hòa, yêu chuộng hòa bình và sống trong hòa ái. Nếu chúng ta nghiêm túc tìm hiểu sẽ thấy rằng những vấn đề tranh cãi đều phát xuất từ những người ngoại đạo tìm đến tranh cãi với Thế Tôn, không phải Thế Tôn tranh cãi với họ, như đức Thế Tôn từng nói: Này các Tỷ-kheo, Ta không tranh chấp với thế gian, chỉ có thế gian tranh chấp với Ta”. (Kinh Tương Ưng” tập 3, trang.138-140). Lý do tại sao những người ngoại đạo, các nhà triết học đương thời luôn tìm Thế Tôn khiêu khích tranh luận? Theo tôi đó là điều dĩ nhiên, vì học thuyết của đức Phật nói lên sự thật cuộc đời; nếu Bà la môn cho rằng, đấng Phạm Thiên là chúa tể của vạn vật, là vị sáng tạo ra con người và vạn vật, thì giáo lý của đức Phật lại cho rằng, sự sinh thành và hủy diệt của các pháp không phải do ai tạo ra, mà do đầy đủ nhân duyên các pháp hình thành, duyên hết các pháp hủy diệt; nếu như hàng ngoại đạo chủ trương: không có nhân quả nghiệp báo, cứ làm bất cứ chuyện gì mình thích, vì sau khi chết là hết, thì đức Phật lại cho rằng, có nhân quả nghiệp báo, ai làm ác người ấy chịu khổ quả, ai làm lành người ấy thọ quả lành… Đây chính là lý do tại sao các hàng ngoại đạo luôn tìm đức Phật tranh luận, tuy nhiên kết quả sự tranh cãi đó không dẫn đến sự xung đột, chống đối hay chiến tranh mà luôn dẫn đến sự hòa bình, chỉ là sự phân biệt giữa đạo lý đúng sai phải quấy, để cho ngoại đạo hiểu rõ chân lý. Ngài không chỉ đối đãi hài hòa bao dung đối với ngoại đạo, mà ngay với chúng tăng cũng vậy, Ngài không ỷ mình là vị thầy, là bậc Đạo sư mà hành xử cao ngạo. Cách cư xử của Ngài rất tế nhị tri thức, lấy pháp và luật làm nguyên tắc sống cho cộng đồng Tăng già. Đây là điểm đặc thù của đức Thế Tôn cũng là điểm đặc thù của đạo Phật.

 

6. Sống thiểu dục tri túc, không kiêu mạn

Đặc điểm thứ sáu của Thế Tôn được “Kinh Đại Điển Tôn” ghi lại như sau:

Lợi dưỡng cúng dường cho Thế Tôn đã được an bài chắc chắn, danh tiếng cũng đã được an bài chắc chắn, và con nghĩ rằng các vị Sát-đế-lỵ (Khattiyà) sống với gương mặt rất quý mến Ngài. Nhưng Thế Tôn sống thọ hưởng các lợi dưỡng với tâm không kiêu mạn. Một vị sống thọ hưởng các lợi dưỡng với tâm không kiêu mạn như vậy, một vị Ðạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.”

Sau khi Thế Tôn thành đạo, chẳng bao lâu uy danh của Ngài đã chinh phục vua chúa, các nhà triết học, ngay cả những người giàu có đương thời, như tôn giả Cấp Cô Độc, nhất là được dân chúng tôn trọng cung kính cúng dường. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà cuộc sống của Ngài biểu lộ sự cao ngạo, sống đời sống xa hoa phung phí, ngược lại cuộc sống của Ngài rất đơn giản, lấy tinh thần thiểu dục tri túc làm tiêu chuẩn, lấy thiền định giáo hóa chúng sinh làm vui, không phải như chúng ta ngày nay lấy vật chất làm vui. Tuy nhiên cần chú ý vấn đề, Phật giáo lấy tinh thần thiểu dục tri túc làm tiêu chuẩn cho cuộc sống vật chất, không đồng nghĩa với chủ trương sống khổ hạnh. Sống biết đủ là lối sống không đua đòi hưởng thụ khoe khoang, sống khổ hạnh là lối sống ép xác, từ chối vật chất, cho vật chất là nguyên nhân của khổ. Phật giáo cho rằng, bản thân vật chất không phải là khổ, khổ do tham, không biết kiềm chế lòng tham mà sinh, cho nên Phật giáo chỉ kiềm chế lòng tham, không phải từ chối vật chất. Đây chính là lý do tại sao đức Phật chỉ khuyên mọi người nên biết tri túc, không nên sống đời sống khổ hạnh. Đây là nội dung và ý nghĩa điểm đặc thù thứ sáu của đức Phật.

 

7. Nói và làm đi đôi với nhau

Đặc điểm thứ bảy của đức Phật được ghi lại “Kinh Đại Điển Tôn” là:

“Thế Tôn nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Một vị nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy, thành tựu các pháp và tùy pháp như vậy, làm gì thời nói vậy, thành tựu các pháp và túy pháp như vậy. Một vị đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn”.

Ý nghĩa của điểm đặc thù này như đã được trình bày ở trên, ở đây không cần giải thích thêm.

 

8. Thế Tôn là người có trí tuệ không còn nghi ngờ

Đặc điểm thứ tám của Thế Tôn được ghi “Kinh Đại Điển Tôn” là:

Thế Tôn đã vượt khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi suy tư được thỏa mãn về tâm nguyện và tối sơ phạm hạnh. Một vị đã vượt khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi suy tư được thỏa mãn về tâm nguyện và tối sơ phạm hạnh, một bậc Ðạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.”

   Trong A hàm và Nikaya đều ghi rằng, A la hán là người đã đoạn tận tham, sân và si, lẽ tất nhiên cũng đoạn tận 5 triền cái, tức: 1. Tham dục cái (abhijjh?-?varana); 2. Tham sân cái (dosa-?varana); 3. Hôn trầm thụy miên cái (th´na-middha-?varana); 4. Trạo cử hối quá cái (uddhacca-kukkucca-?varana); 5. Nghi cái (vicikicch?-?varana). Từ định nghĩa này, Thế Tôn là người đã thành tựu thánh quả A la hán, lẽ tất nhiên Ngài không còn nghi ngờ, hay do dự như trong kinh này vừa đề cập. Tuy nhiên, nội dung khái niệm này như thế nào, phải chăng mọi sự vật trên thế gian này A la hán đều thấy biết rõ ràng, hay chỉ thấy và biết những vấn đề liên quan đến đời sống Phạm hạnh, vấn đề này vẫn chưa được làm rõ. Do đó, vấn đề này đến thời kỳ Phật giáo bộ phái, kiến giải của các phái bất đồng, dẫn đến tranh cãi, cụ thể là Đại Thiên cho rằng: A la hán vẫn còn nghi ngờ và do dự; các Thượng tọa thì không đồng tình và cho rằng: A la hán không còn sự nghi ngờ[5]. Dù gì đi nữa, Thế Tôn đối với những việc có liên quan đến đời sống của mình (Phạm hạnh), việc gì nên làm việc gì không nên làm… Ngài không còn sự nghi ngờ.

    Tóm lại, qua nội dung của hai kinh chúng ta có thể rút ra một vài kinh nghiệm như sau:

1. Từ 5 yếu tố của dị học Tiễn Mao (Ud?yi), chúng ta có thể thấy phần nhiều người đời đánh giá người tu qua hình thức bề ngoài như: giữ giới, đời sống khổ hạnh…và xem đó như là người có tu, người có đạo đức. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này chưa đủ chứng minh cho người có tu trong Phật giáo. Theo Phật giáo, người có tu là người có trí tuệ, có khả năng đoạn trừ tham sân si, không phải chỉ dừng lại ở việc giữ giới, thiểu dục, hay ăn ít…, vì người ngoại đạo cũng có thể giữ giới rất tốt, hay một em bé mới sinh cũng đầy đủ yếu tố này, nhưng không được định nghĩa là người có đạo đức; lẽ tất nhiên trí tuệ không phải tự nhiên mà sinh, phải do giữ giới (nếp sống qui củ) và thực hành thiền định (là sự tập trung tư tưởng). Đó là lý do tại sao đức Phật không chấp nhận 5 yếu tố của dị học Ud?yi, đồng thời đưa ra quan điểm của Ngài, có nội dung đề cao vai trò trí tuệ và tinh thần bổn phận trách nhiệm.

2. Nếu như các tôn giáo khác ca ngợi lòng tin thì Phật giáo ca ngợi trí tuệ, vì nguồn gốc khổ đau của con người bắt nguồn từ vô minh, từ đó dẫn đến hai trạng thái tâm lý là tham lam và sân hận. Tham lam đối với những gì mà mình thích, tham mà không thành tựu tạo thành trạng thái tâm lý khổ đau; ngược lại đối với những gì mình không thích, mình muốn cái ấy mất đi, muốn mà không được cũng tạo thành nổi khổ. Tóm lại, cả hai nỗi khổ này đều xuất phát từ vô minh. Do vậy, muốn chấm dứt những tâm lý khổ đau, trước tiên cần phải chấm dứt vô minh. Đó là lý do tại sao đạo Phật đề cao vai trò trí tuệ.

3. Nội dung đức Phật giác ngộ dưới cội cây Bồ đề là giáo lý Duyên khởi, nội dung và ý nghĩa giáo lý này giải thích sự hình thành và hoại diệt của mọi sự vật đều do nhiều nhân nhiều duyên, không có một pháp nào (cả tâm lý và vật lý) tự nó sinh ra mà không cần đến những nhân duyên yếu tố khác. Cái gì đã do nhân duyên tạo thành, tự mình không làm chủ được thì sự sinh tồn của chúng đều tùy thuộc vào những yếu tố khác. Như vậy bản chất của chúng là vô thường; cái gì là vô thường thì cái ấy ta cũng không làm chủ được, đồng nghĩa là vô ngã. Như vậy, đạo lý duyên khởi là nguyên lý vận hành (sinh và diệt) của các pháp, vô thường là bản chất của các pháp, vô ngã là thái độ hợp lý đối với các pháp. Ba nguyên tắc này là chân lý cho cuộc sống, nó không chỉ có giá trị ở quá khứ, vị lai mà ngay cả trong hiện tại và bất cứ ở đâu, cho người nào. Như vậy, giáo lý của đức Phật là hệ thống giáo lý có liên hệ đến đời sống thực tại và hữu ích.

4. Theo tôi, một trong những định nghĩa về đức Phật hay nhất là: Như Lai là người nói sao làm vậy, làm sao nói vậy. Định nghĩa này có ý nghĩa nói lên tinh thần bổn phận trách nhiệm của Ngài đối với những gì mà Ngài đã nói. Nói cách khác, những lời Ngài giảng dạy là đạo lý nguyên tắc sống cho con người, hay cách đối xử với con người với xã hội và thế giới tự nhiên. Ngài chịu trách nhiệm trước lời nói ấy, chính Ngài đã hiểu như vậy và làm như vậy nên Ngài đã được giải thoát. Nếu chúng ta hiểu và làm đúng như lời Ngài đã chỉ dạy, thì chúng ta cũng sẽ được giác ngộ và giải thoát như Ngài.

5. Nếu như quan điểm của đức Phật và hệ thống giáo lý của Ngài đều chú trọng vai trò trí tuệ, đề cao tinh thần bổn phận trách nhiệm, thì Phật giáo chúng ta cũng nên xem lại cách sinh hoạt của mọi Tăng ni và phương pháp giáo dục của Phật giáo hiện nay như thế nào, có phù hợp với tinh thần giáo dục của đức Phật không? Cần chú ý, phương tiện là phương pháp giáo dục cần thiết khi giáo hóa chúng sinh, nhưng phương tiện đưa đến mục đích - giác ngộ và giải thoát không phải là loại phương tiện nhằm che đậy lòng tham lam của mình.

Nguồn: Tuệ Chủng

Các tin đã đăng: