Chương 5.
Đạo Phật trong các lĩnh vực sinh hoạt
III. TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC
Sự nghiệp trí thức của nhân loại
là một sự khám phá liên tục về thực tại và trao truyền những kết quả khám phá
ấy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thực tại đây là thực tại tâm linh cũng như
thực tại vật lý và xã hội. Chân lý bất cứ khám phá được từ đâu cũng mang tính
cách nhân bản và vì vậy có liên hệ mật thiết với chủ thể nhận thức của con
người. Bởi vì chân lý vừa linh động vừa không có tính cách thuần túy khách quan
cho nên vai trò của giáo dục không thể là vai trò của một cái máy truyền đạt
kiến thức: vai trò của người giáo dục phải là vai trò của thực thể sinh động và
tràn đầy ý thức.
Khi một nhà thám hiểm nổi danh
trao truyền kinh nghiệm và kiến thức của mình cho một người sắp lao đầu vào
cuộc thám hiểm đầu tiên trong đời người đó, thì nhà thám hiểm không nghĩ rằng
mình đang làm một việc đáng được trả tiền thù lao. Động cơ giáo dục ở đây là
tình thương, là sự lo sợ cho tính mạng người khác, là niềm thao thức muốn trao
truyền kinh nghiệm và kiến thức linh động đang cần được trao truyền. Do đó khi
nhìn một người học trò đem tiền học hàng tháng nạp cho một vị giáo sư, ta thấy
có một cái gì bất nhẫn và tủi hổ, tuy rằng sự thật lặp đi lặp lại nhiều lần đã
khiến cho cảm tưởng ấy lờn đi rất nhiều. Thà rằng người giáo sư đóng vai trò
làm một cái máy truyền đạt kiến thức thì sự thù lao sỗ sàng như thế còn có thể
chấp nhận được. Nhưng nếu tất cả các giáo sư trên trái đất này đều làm những
cái máy truyền đạt kiến thức thì thật bất hạnh cho nhân loại: bởi vì những cái
máy thì chỉ có thể truyền đạt được một phần nhỏ của kho tàng kiến thức nhân
loại: đó là những mảnh kiến thức về khoa học, kỹ thuật - những mảnh kiến thức
mà nếu đứng riêng thì sẽ đưa con người tới một nếp sống thực sự duy vật.
Sự truyền đạt những ý chết không phải là mục đích của giáo
dục. Những ý chết không có ích lợi gì cho ai cả mà lại làm hại cho trí óc của
lớp người đang phải chịu đựng để chuyên chở chúng. Trí óc của người ta không
bao giờ là một cái hầm chứa những kiến thức khô chết. Nếu bắt nó phải làm công
việc của một cái hầm chứa tức là chúng ta bức bách nó, dày vò nó, thống trị nó
và như thế là tiêu hủy nó. Trong phạm vi giáo dục, kiến thức phải được trí óc
tiếp nhận như những gì linh động để có thể được nẩy nở tươi tốt và biến thành
chất liệu cho sự sống. Cho nên nhà giáo dục phải sống những gì mình dạy và dạy
những gì mình sống. Người thu nhận giáo dục phải được trao truyền những kiến
thức sống. Khi người giáo sư dạy những điều mà chính mình đã sống, đã cảm, đã
chiêm nghiệm thì sức truyền cảm sẽ được tạo nên một cách dễ dàng và do đó người
sinh viên sẽ tiếp nhận được những kiến thức và kinh nghiệm kia như là những
chân lý linh hoạt mà không phải là những ý chết nữa. Trong đạo Phật, sự lặp đi
lặp lại những công thức và cái biết chữ nghĩa bề ngoài được coi là những chướng
ngại lớn lao trên con đường tu học. Người Phật tử phải coi trọng thực chứng,
thực nghiệm. Trong các học phái Duy Thức, Bát Nhã, và nhất là trong học phái
Thiền, thứ kiến thức khô chết luôn luôn bị đả phá, lên án. Uy quyền của một
thiền sư không là ở chỗ học rộng nghe nhiều mà là ở chỗ thực chứng. Trong số
các môn đệ của đức Phật, không ai nghe nhiều nhớ nhiều bằng A Nan tôn giả,
nhưng địa vị của A Nan đối với các vị khác như Ca Diếp, Xá Lợi Phất v.v… còn
thấp kém xa bởi vì trình độ thực chứng của A Nan trong sinh thời của Phật còn
chưa có gì đáng kể. Dù là thực chứng tâm linh hay thực chứng chân lý của cuộc
đời, tính cách thực chứng của giáo dục phải được xem như là căn bản của một nền
giáo dục tốt đẹp và hữu hiệu. Khi mà tôi đã từng ăn trái sầu riêng, đã biết
hương vị trái sầu riêng rồi thì tôi mới diễn tả được trái sầu riêng cho người
khác được. Cái đó chính là thực chứng. Những gì ta không thực chứng thì ta
không thể diễn tả linh động được. Trong mọi lĩnh vực văn học, triết học, xã
hội, những cái biết thực chứng thật là cần thiết cho giáo dục. Sở dĩ ta chỉ
tiếp nhận và truyền đạt những kiến thức khô chết là vì ta không sống, không suy
tư, không thấy được những liên hệ giữa các kiến thức ấy với đời sống tâm lý,
sinh lý và xã hội của ta.
Uy quyền của nhà giáo không phải
được quy định bởi những điều lệ của một học đường mà chính là ở nơi tính cách
thực chứng của các kiến thức. Khi mà một thầy giáo không tỏ vẻ trân trọng và
sốt sắng trong sự trao truyền kiến thức - cố nhiên là kiến thức thực chứng – mà
chỉ vụ làm cho xong công việc dạy giờ ăn tiền của mình thì chính thầy giáo đã
tự mình đánh mất uy quyền của mình. Những thầy giáo đó có thể ví với một ông
thợ vẽ, thay vì một họa sĩ. Họa sĩ trong khi vẽ đem hết tâm hồn mình để vẽ,
trong khi ông thợ vẽ chỉ cần chút kỹ thuật khéo léo của mình thôi.
Giáo dục mới thường tự hào là để
cho trẻ em tự do phát triển khả năng mình bằng cách thầy giáo chỉ đóng vai trò
hướng dẫn, giúp đỡ. Một ít nước Tây phương, nhất là nước Mỹ, đã đi quá đà trên
chủ trương này. Uy quyền của giáo sư bị đánh đổ và học sinh trở thành thần
tượng trong phạm vi giáo dục. Thầy giáo, trong quan niệm giáo dục này, không có
quyền chi phối học sinh bằng quan điểm và nhận thức của mình. Người học trò rất
ý thức điều đó, cho nên chỉ trong phạm vi khoa học và kỹ thuật mới chịu cúi đầu
khuất phục. Còn những nhận thức khác, dù đã từng được mua bằng kinh nghiệm của
cả một cuộc đời, cũng không được tiếp nhận đúng với tầm quan trọng của chúng.
Cho nên một nền giáo dục thực chứng sẽ mang lại sinh khí và hiệu quả tốt đẹp
cho sự trao truyền kiến thức đồng thời tái lập uy quyền của nhà giáo, uy quyền
đã được tạo dựng bởi chính sự thực chứng chứ không phải bởi một quan niệm phong
kiến độc tài. Thực chứng bao giờ cũng tôn trọng thực chứng từ người giảng dạy với
sự phát triển kiến thức thực chứng cho nên sự tiếp nhận kiến thức thực chứng
nơi người sinh viên sẽ không thể có mâu thuẫn và hỗ tương chướng ngại.
Thực chứng là hoa trái của dòng
sinh hoạt kinh nghiệm vì vậy luôn luôn có một giá trị thực dụng và nhân bản. Sở
dĩ tất cả những gì được thực chứng trong địa vực tâm linh, cũng như trong mọi
địa vực khác của sinh hoạt con người, đều mang tính chất thực dụng và nhân bản
là vì các kiến thức và kinh nghiệm kia đều được rút ra từ sinh hoạt con người
mà không phải là từ những giả định hoặc những tín ngưỡng siêu hình.
Con người hay làm khổ nhau vì
không chịu đứng trên miếng đất thực nghiệm, vì cứ muốn chụp vào đầu kẻ khác
những giả định hoặc tín ngưỡng siêu hình của mình. Thái độ đó dễ đưa đến cuồng
tín và độc tài. Một nền giáo dục biết đặt đúng vị trí của giả thiết và siêu
hình, một nền giáo dục căn cứ trên thực chứng thực nghiệm sẽ khiến cho kho tàng
kiến thức sinh động của con người được truyền đạt vĩnh cửu và phát triển thêm
mãi để phục vụ cho con người. Tính cách nhân bản được nhận thấy rõ ràng trong
một nền giáo dục như thế, bởi vì chỉ có con người và kiến thức thực chứng của
con người trong địa hạt tâm linh, vật lý và xã hội mới là nguồn gốc và cứu cánh
cho sự sống của con người, chứ không phải là thần linh hay hệ thống sản xuất
kinh tế. Tính cách thực chứng của giáo dục do đó bao gồm tính chất sinh động,
nhân bản, thực dụng và phi siêu hình.
Đặc điểm thứ hai của một nền
giáo dục theo quan điểm Phật giáo là tính
cách phá chấp. Tính cách này thật là yếu tố căn bản cho phương pháp
nhận thức Phật học. Chấp có nghĩa là ôm
chặt, kẹt vào, vướng vào, làm nô lệ cho những gì mình thờ lạy như
chân lý tuyệt đối và nhất định không chịu mở rộng nhận thức để đón nhận những
hiến dâng của kinh nghiệm mới cũng như của sự trao đổi quan điểm với kẻ khác. Cố chấp tức là tự mãn, tự túc, tức làm
chấm dứt sự tìm kiếm học hỏi, tức là tự giam mình trong một cái vỏ cứng chủ
quan nhỏ bé. Phương pháp Thiền học chú trọng nhiều nhất đến sự phá chấp; những
người nhiều cố chấp nhất theo đạo Phật, là những người khó đạt đạo nhất. Cố
chấp thì sẽ không còn khiêm cung, không còn khách quan, không còn cơ hội để xúc
tiếp với sự thực. Cố chấp thường đưa đến cuồng tín, cuồng tín nơi đức tin cũng
như nơi chủ nghĩa. Cố chấp tức là tự mình đánh mất tự do rộng lớn của mình, cái
tự do của người đang được bơi lội thỏa thích trong biển thực nghiệm chân lý. Cố
chấp cũng đưa tới khuynh hướng tước đoạt tự do ấy nơi những kẻ khác. Trong mười
năm qua, ở xứ ta miền Nam
cũng như miền Bắc, con người Việt Nam đã bị nhồi sọ một cách sỗ sàng
trong địa vực tuyên truyền và giáo dục. Chứng liệu nằm sờ sờ ra đó, sẵn sàng để
cho lịch sử phê phán. Hãy nói chuyện với các bạn trẻ vừa bước qua ngưỡng cửa Tú
tài ta sẽ thấy một phần đáng kể là nạn nhân cho sự nhồi sọ. Họ là những chứng liệu
linh động cho sự vi phạm tự do của con người phát sinh từ cố chấp và cuồng tín.
Một nền học vấn giúp cho con người thái độ phá chấp sẽ bảo tồn được tự do, được
sự thao thức thường xuyên trong bước đường học hỏi sẽ tạo được niềm thông cảm
rộng lớn giữa người với người, sẽ tiêu diệt mầm mống của tự hào và chia rẽ. Một
nền học vấn phá chấp sẽ giúp điều kiện thuận lợi nhất để cho con người thiết
lập những cuộc đối thoại chân thật rất cần thiết cho sự hiểu nhau, thương nhau
để đoàn kết xây dựng. Thái độ phá chấp sẽ tự nhiên đưa đến kết quả điều hợp các
quan điểm và nhận thức để tạo nên nhận thức tổng hợp. Khai phóng, nếu chỉ được
hiểu theo nghĩa mở cửa để thâu hóa văn hóa quốc tế thì phạm vi vẫn còn nhỏ hẹp.
Học hỏi phải là một quá trình nhận thức trong đó những kiến thức và kinh nghiệm
mới được thường xuyên đón nhận để hoặc chỉnh lý hoặc bổ túc hoặc thay thế cho
những kiến thức và kinh nghiệm trước còn thô sơ hơn và non yếu hơn. Nhờ có tinh
thần cởi mở, nhờ có niềm thao thức của con người biết rằng mình đang đi trên
con đường tìm sự thực chứ chưa phải đã giữ độc quyền về sự thực mà con người mở
rộng được cánh cửa nhận thức phía trước mình. Điều kiện của tiến bộ là ở đấy,
mà điều kiện của tự do, của cảm thông, của điều hợp và đoàn kết cũng là ở đấy.
Đặc điểm thứ ba của một nền giáo
dục theo quan điểm Phật giáo là tính cách
khế cơ. Giáo dục phải là để phục vụ cho con người, vì vậy phải kết
hợp với điều kiện và tình trạng của con người. Khế cơ như vậy có nghĩa là thực
tế, hữu hiệu, và cũng do đó mà nền giáo dục sẽ phải có tính cách dân tộc. Dân
tộc tính nơi con người và nơi xã hội Việt Nam là một cái gì hiện thực không
thể không chú ý đến, nếu nền giáo dục không muốn thất bại. Đề cao tính cách dân
tộc không phải là đề cao một cái ngã, nuôi dưỡng tự hào tự phụ, mà là để nhắc
nhở rằng giáo dục luôn luôn phải là giáo dục cho
ai và phải giáo dục như thế nào để có thể thích hợp. Truyền thống
văn hóa Việt Nam đã nuôi
dưỡng người Việt Nam,
và do đó một nền giáo dục và bản chất phản lại với nếp truyền thống đó sẽ dễ
dàng chuốc lấy thất bại. Cố nhiên không phải truyền thống nào của Việt Nam cũng là tốt
đẹp. Nói đến dân tộc tính Việt Nam
là nói đến những gì có thể làm rung động được trái tim Việt Nam, là nói đến
tình cảm tốt đẹp đã nuôi dưỡng người Việt và tạo nên được đồng nhất tính của
dân tộc. Ý niệm khế cơ tuy bao gồm ý niệm khế dân tộc tính, nhưng rộng rãi hơn
nhiều. Giáo dục cần được đặt trên cơ sở nhận thức về bốn sự thực, và bởi vì
giáo dục trước tiên phải nhắm đến hướng thực dụng - thực dụng hiểu theo nghĩa
rộng – nên đường hướng của nó phải được soi sáng bằng thực trạng con người và
xã hội. Chênh lệch xã hội, cơ cực lầm than, tật bệnh, chiến tranh, du đãng,
phạm pháp, cuồng tín, độc tài…. tất cả những sự thực ấy của xã hội cần được
nghiên cứu một cách chính xác và với tất cả sự tỉnh thức để nền giáo dục của
chúng ta có thể khế cơ một cách đích thực.
Nếu quả một nền giáo dục có thể
có thể lay tỉnh được con người Việt Nam tới sự nhận thức thấm thiết về
những thảm trạng đó của xã hội và con người thì bản chất của giáo dục cũng bao
hàm lòng xót thương và ý chí phụng sự. Học hành mà chỉ để giật lấy một mảnh
bằng và kiếm cho mình một địa vị trong lòng xã hội để phó mặc các vấn đề của
cuộc đời cho kẻ khác thì quả thực đó là một thứ giáo dục phản bội. Người Việt Nam không nên
tự mình sa vào vũng lầy đó. Nếu đã sa vào thì phải vùng vẫy với tất cả sức lực
mình để thoát ra. Không thể học đòi bắt chước các nước khác. Người Phật tử biết
giác ngộ điều đó nên liên kết lại và dùng tất cả mọi biện pháp để xoay giáo dục
về hướng khế cơ và thực dụng.
Giáo dục phải là một phương tiện
cải tạo sự sống, lấp bằng những hố bất công chia rẽ, bồi đắp tình thương và
tinh thần liên đới trách nhiệm về những khổ đau của dân tộc.
Trong Giáo Hội, phải có cả một
Tổng vụ giáo dục chuyên môn lo về tất cả những công trình đóng góp của Giáo Hội
về phương diện giáo dục, Tổng vụ phải phổ biến một lý thuyết giáo dục, một kế
hoạch giáo dục trong viễn tượng cải thiện nếp sống xã hội, tạo nên một cuộc
cách mạng thực sự trong lĩnh vực giáo dục, một cuộc cách mạng thực chứng, phá
chấp và khế cơ.
Giáo dục thôn ấp hiện giờ phải
được xem như là công tác lớn lao nhất để cải thiện đời sống nghèo khổ tật bệnh
của dân quê. Để thực hiện tính cách khế cơ, chương trình giáo dục bậc tiểu học
nhất định là phải được cải thiện để được đơn giản hơn và thực dụng hơn. Song
song với giáo dục trẻ em trong thôn ấp phải có giáo dục căn bản cho tráng niên
để giáo dục thôn ấp có thể đóng vai trò xây dựng thôn ấp một cách thiết thực.
Nền giáo dục thôn ấp phải nhắm
đến đối tượng thiết thực nhất tức là những vấn đề liên hệ đến sự sống của con
người trong thôn ấp. Địa lý và lịch sử trước hết phải là địa lý và lịch sử của
địa phương. Thảo mộc, thú vật, bệnh tật và kinh tế trước hết phải là thảo mộc,
thú vật, bệnh tật và kinh tế của địa phương. Tìm hiểu rõ rệt những gì ở các
tỉnh và các nước xa trong khi mù tịt về thực trạng của địa phương mình tức là
làm uổng phí thì giờ, tức là thiếu tinh thần khế cơ và thực dụng. Ta nên xét
qua về ý niệm giáo dục căn bản. Ở các nước mà mức sống đã cao, người ta đòi hỏi
một con người phải có những kiến thức căn bản khá rộng rãi để có thể xứng đáng
là người. Nhà giáo dục John Daniel Wild nói: “Có một số kiến thức căn bản mà
mỗi con người phải đạt tới nếu muốn sống một đời sống cho ra người trong gia
đình, trong quốc gia và trong nhân loại…”. Rồi ông kể ra: a/ ngôn ngữ, tức là
khí cụ của tri thức, nhất là tiếng mẹ đẻ, phương pháp suy luận và toán học sơ
đẳng; b/ phương pháp của vật lý, hóa học, sinh vật học và những thực hiện căn
bản mà các khoa học ấy đã khám phá ra được; c/ sử học và nhân văn; d/các tác
văn chương giá trị nhất trong nước, văn học thế giới và nghệ thuật; đ/ triết
học. Nếu ta đòi hỏi như thế trong trường hợp giáo dục nông thôn tức là ta tham
lam quá và không biết khế cơ chút nào. Mục tiêu của giáo dục thôn ấp trong giai
đoạn hiện tại, là làm cho trẻ con và dân làng hiểu biết và yêu mến địa phương
họ, giúp cho họ có khái niệm căn bản về các vấn đề sinh hoạt xã hội để họ có
thể tự cải thiện và nâng cao đời sống của họ. Và như thế thì kiến thức về y tế
và kinh tế là những kiến thức quan trọng nhất.
Cố nhiên con người cần đạt tới
nhiều loại kiến thức; nhưng nếu nhìn vào thực trạng sinh hoạt thôn xóm hiện
nay, ta thấy không thể không tập trung giáo dục vào một số các chủ điểm quan
trọng nhất. Giáo dục nông thôn phải cung cấp cho người nông thôn khả năng tiếp
nhận văn hóa – nghĩa là thanh toán nạn mù chữ - trao truyền một cách cẩn thận
những kiến thức thực tiễn về y tế, vệ sinh, canh nông, kỹ thuật canh tác mới,
hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ v.v… Ngoài ra còn phải bài trừ óc bảo thủ, mê
tín, bài trừ cờ bạc rượu chè và củng cố nền tảng gia đình. Một trường Thanh
Niên Phụng Sự Xã Hội của Giáo Hội cần được tổ chức ngay để đào tạo những thanh
niên và thanh nữ thiện chí đi về nông thôn và bằng kiến thức và lý tưởng của
họ, thổi vào một luồng sinh khí mới cho sinh hoạt thôn ấp. Tình thương và ý
thức mới sẽ giúp họ từ công tác giáo dục nông thôn đi đến sự thực hiện một cuộc
cách mạng xã hội đích thực.
Những con số thống kê cho biết
là bốn mươi phần trăm trẻ em đến tuổi mà không được vào trường, và năm mươi
phần trăm trẻ em vào trường chỉ học được nửa chừng, nghĩa là vào khoảng lớp ba,
rồi bỏ học vì những điều kiện sinh hoạt gia đình và kinh tế. Các nhà giáo dục
đều đồng ý rằng cái học nửa vời như thế không có hiệu lực. Hiệu lực của giáo
dục phải được xây dựng ít nhất là bằng năm năm tiểu học mới được lâu dài. Như
vậy, bổ túc cái học thiếu sót cho những trẻ em chưa học hết tiểu học, thanh
toán nạn mù chữ cho tráng niên và thực hiện giáo dục căn bản cho mọi người là
những việc to lớn phải làm song song với việc cung cấp giáo dục cho hằng triệu
trẻ em đến tuổi chưa được vào trường và việc khế cơ hóa chương trình tiểu học.
Giáo Hội Phật Giáo có thể đóng góp rất nhiều vào các công việc này bởi vì số
thanh niên thanh nữ Phật tử tình nguyện phục vụ cho chương trình sẽ không phải
là ít nếu chương trình được thực hiện hợp lý và cung cấp cho những người thanh
niên thiện chí những điều kiện sinh hoạt vật chất tối thiểu. Ngân sách quốc gia
và viện trợ văn hóa của các nước sẽ cần ủng hộ cho chương trình.
Ở các thành phố lớn, vấn đề
thiếu nhi phạm pháp và thanh niên du đãng đã trở nên một trong những vấn đề lớn
lao của giáo dục. Nguyên do của hiện tượng phải được tìm ở gia đình, ở những
điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, ở tiểu thuyết, phim ảnh, ở sự chán nản và ở
chiến tranh liên miên từ hai mươi năm nay. Bà Odette Philipin trong cuốn La
jeunesse coupable vous accuse (1950) cho biết rằng 81,88 phần trăm các trường
hợp thiếu nhi phạm pháp có nguyên nhân từ gia đình. Đó là những gia đình không
bình thường, hoặc thiếu cha mẹ, hoặc thiếu tình thương, hoặc thiếu giáo dục.
Trong xứ ta, Giáo Hội Phật giáo có thể đóng góp nhiều cho sự xây dựng cơ sở gia
đình và giáo dục gia đình nếu số lượng những nhà tu tiếp hiện trở thành đáng
kể. Giáo Hội phải chú trọng về việc cung cấp tài liệu giáo dục gia đình, không
phải chỉ là những cuốn sách khô khan nói về giáo lý mà những cuốn sách đề cập
tới mọi khía cạnh sinh hoạt của gia đình như vấn đề giáo dục con cái, vấn đề
sinh hoạt tôn giáo, vấn đề tổ chức ngân quỹ gia đình, vấn đề bảo tồn hạnh phúc
gia đình. Tổ chức Gia đình Phật tử phải được nâng đỡ và có tự do để có thể tự
phát triển và lan rộng thêm mãi, nhất là ở thôn quê các tỉnh miền nam. Biện
pháp hay nhất để bài trừ nạn du đãng và phạm pháp không phải là biện pháp trừng
trị mà là biện pháp ngăn ngừa. Ngăn ngừa bằng cách làm cho thanh thiếu niên say
mê lý tưởng. Trong rất nhiều trường hợp, người thanh thiếu niên trở thành du
đãng và phạm pháp là vì chán nản, thiếu lý tưởng, thiếu tin tưởng, không thấy
được một cái gì hay đẹp để mà tôn thờ, phụng sự. Lý tưởng đồng sự và lợi hành
của đạo Phật là một lý tưởng đẹp: Giáo Hội cần phải khai thị cho người thanh
niên thời đại để cho họ có thể tìm thấy ở đấy một đời sống biết thương yêu biết
phụng sự. Phải chứng minh bằng thực tế rằng đạo Phật không phải chỉ là một nền
tín ngưỡng. Tín ngưỡng chỉ là một phương tiện của đạo Phật. Đạo Phật là một lý
tưởng phụng sự căn cứ trên trí tuệ phá chấp và trên tình thương lợi hành. Những
trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội
vì thế cần được tạo dựng gấp để đào tạo thanh thiếu niên thành những con người
biết phụng sự lý tưởng Bồ tát.
Về phương diện học đường, Phật
giáo nên lập thêm nhiều trường tiểu học và trung học nữa để một mặt góp sức với
chính quyền trong việc giáo dục, một mặt thực hiện tinh thần thực chứng, phá
chấp và khế cơ. Rất không nên nghĩ rằng lập trường học là để mà giữ người, để
mà có thêm tín đồ, hoặc để mà huấn luyện cho trẻ em sau này trở thành Phật tử
trung kiên sùng đạo. Tinh thần thực chứng, phá chấp và khế cơ của nền giáo dục
mới sẽ tạo nên những Phật tử trong bản chất - Đạo Phật không thấy sự cần thiết
của một số lượng Phật tử hình thức. Thiển nghĩ trong các học đường của Phật
giáo chủ trương rất không nên tuyên truyền cho đạo Phật. Không cần đọc kinh hay
niệm Phật trước giờ học, cũng không cần giờ giáo lý hàng tuần. Bắt học sinh đọc
kinh hay niệm Phật trước giờ học và học giờ giáo lý hàng tuần, theo thiển ý,
không có lợi gì cả mà chỉ thêm mang tiếng là nhồi sọ giáo lý cho trẻ em. Các em
có thể tới chùa để học lớp giáo lý chủ nhật, hay có thể gia nhập Gia đình Phật
tử để học chương trình Phật pháp do các huynh trưởng dạy. Ý kiến bỏ lệ đọc kinh
và giờ lý tại các trường có thể bị một số đông Phật tử cho là sai lạc, nhưng
trong tương lai sẽ được chấp nhận. Chúng tôi biết thế, bởi vì điều đó phù hợp
với tinh thần tự do và dân chủ. Mà đạo Phật thì bao giờ cũng sẵn sàng chấp nhận
tinh thần đó.
Hiện nay có rất nhiều trường
tiểu học và Trung Học Bồ Đề tại các tỉnh. Số lượng cần tăng thêm gấp mấy mươi
lần. Tuy nhiên, sự hiện diện của những trường Bồ Đề không hẳn là sự hiện diện
của nền Giáo dục Phật giáo, dù tại trường Bồ Đề có giờ giáo lý đi nữa. Tổ chức
của các trường Bồ Đề phải nói lên được một cái gì độc đáo của tinh thần đạo
Phật và giáo sư Bồ Đề trước hết phải được thấm nhuần tinh thần đạo Phật và nắm
vững phương pháp giáo dục Phật giáo. Hiện trạng các trường Bồ Đề trong toàn
quốc không cho phép chúng ta lạc quan. Do đó những chứng chỉ sư phạm Phật giáo
mở tại Viện Cao Đẳng Phật Học cần được tổ chức ngay để cung cấp giáo sư cho các
trường Bồ Đề. Những trường Bồ Đề và những gia đình Phật tử cần gửi mỗi năm một
số giáo sư và huynh trưởng về để ghi tên học các chứng chỉ ấy, trong khi chờ
đợi có một trường Sư Phạm do Giáo hội chủ trương. Có như thế các trường Bồ Đề
mới có được bản chất của Bồ Đề và mới có được lý do để tồn tại. Các trường Đại
học và Cao Đẳng Phật học cần chú trọng đến sự tinh luyện và bồi đắp ý thức hệ
mới của đạo Phật và nắm lấy vai trò hướng dẫn sự thực hiện nền văn hóa Phật
giáo. Những đặc tính của nền giáo dục Phật giáo như thực chứng, phá chấp và khế
cơ cần được biểu lộ rõ rệt tại các cơ sở giáo dục cao đẳng ấy để làm mẫu mực
cho các ngành giáo dục khác của Giáo hội. Cuối cùng, vấn đề giáo dục có liên hệ
đến vấn đề kinh tế. Tuy vậy ta phải phân biệt ranh giới giữa giáo dục và công
tác từ thiện. Giáo dục tự nó cũng là một hành động phụng sự và do đó phải giữ
được tính chất, lập trường và giá trị của nó. Do đó xem giáo dục như một công
tác từ thiện, ta có thể vô tình làm mất hiệu lực của giáo dục. Một ngôi trường mở
ra để dạy miễn phí cho học trò nghèo mà không chú trọng đến đường lối kỹ thuật
giáo dục thì chỉ có thể làm thỏa mãn ý niệm từ thiện nhưng lại phản bội sứ mạng
giáo dục vậy.
IV. TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ VÀ XÃ HỘI
Ý niệm về quyền tư hữu cần được
tìm hiểu trước nhất nếu ta muốn biết quan điểm Phật giáo về vấn đề kinh tế. Do
hành động (karma) của mình mà con người tạo cho mình một chính báo và một y báo. Chính báo là thân thể, sức khoẻ,
kiến thức và tình cảm, nói tóm lại là tâm sinh lý của mình. Còn y báo là những
điều kiện xã hội trong đó mình đang sống, kể cả đất nước, không khí, gia đình,
bè bạn, chính thể, tài sản v.v… của mình. Con người toàn diện là kết quả của
tất cả các nghiệp nhân do chính con người tạo ra ( cũng giống như Sartre nói rằng l’homme est la somme de ses actes). Vậy
thì con người chịu trách nhiệm về cả hai phần chính báo và y báo của mình, và
do đó được hưởng quyền tư hữu về sức khỏe, kiến thức và tài sản của mình.
Tuy nhiên, ý niệm về nghiệp báo (nghĩa thực của hai chữ
nghiệp báo là những hoa trái của hành động mình) phải được soi sáng bằng ý niệm
biệt nghiệp và cộng nghiệp (karma individuel và karma collectif). Nguyên lý
nhân duyên sinh trong đạo Phật không cho phép ta tách rời một hiện tượng ra
khỏi những hiện tượng khác trong khi tìm hiểu chân tướng của hiện tượng kia, vì
vậy hiện tượng một nghiệp báo bao giờ cũng cần được đặt trong liên hệ nhân
duyên của nó với những hiện tượng khác. Con người sống trong xã hội không thể
chỉ nghĩ đến mình: luân lý đạo Phật dạy con người nghĩ đến những kẻ khác. Những
cơ cực lầm than của những kẻ khác không thể không có liên hệ nhân duyên với bản
thân mình: trong ý thức ấy, quyền tư hữu theo quan niệm đạo Phật không thể nào
tuyệt đối được. Nếu người Phật tử công nhận luật nghiệp báo cộng đồng (cộng
nghiệp) tức là người Phật tử thấy được trách nhiệm của mình đối với những khổ
đau cơ cực của kẻ khác. Thêm vào đó, ý thức về Sự Thực Thứ Nhất nhắc nhở người
Phật tử đừng bao giờ quên đi những khổ đau cơ cực ấy của kiếp người. Vậy thì
không có lý do gì mà người Phật tử có thể sống an lành trong sự lãng quên và
trong sự hưởng thụ vô tư những chính báo và y báo của mình. Người Phật tử, nói
một cách khác hơn, có quyền làm giàu nhưng đồng thời không có quyền lãng quên
những cơ cực của kẻ nghèo. Nói như thế không có nghĩa là người Phật tử chỉ cần
bỏ ra một ít của cải giúp người nghèo để có thể an tâm hưởng thụ những gì mình
có mà không sợ lương tâm cắn rứt. Nói như thế chỉ để nêu rõ rằng quyền tư hữu
không thể là một thứ quyền tuyệt đối, thế thôi. Đem của cải mình để bố thí cho
kẻ khác chưa hẳn là một hành động luân lý, nhất là trong trường hợp mua lấy sự
an tâm hưởng thụ. Làm thế nào để có thể đóng góp phần mình vào công cuộc xây
dựng công bình xã hội, bằng tình nguyện, bằng sự xót xa, bằng tình thương yêu,
đó là vấn đề đặt ra cho người Phật tử, giàu cũng như nghèo. Và như thế, không
phải là chỉ người giàu mới có thể đóng góp.
Đạo Phật không bao giờ có thể
chấp nhận được những giải pháp độc tài, bắt buộc. Nhưng đạo Phật cần phải tìm
đủ mọi cách thuần từ để giác ngộ những con người chỉ biết đến mình, biết đến
quyền lợi mình mà quên lãng những khổ đau cơ cực của sự sống. Phải khai thị Sự
Thực Thứ Nhất cho họ, để đánh thức tình thương và lòng xót xa nơi họ. Những
người vô tình nhất và ích kỷ nhất cũng có một trái tim. Sự đe dọa lắm khi không
lay chuyển được họ nhưng đạo đức chân thực, tình thương, sự hy sinh, ái ngữ và
sự kiên nhẫn sẽ làm họ rung động. Trước một phong trào xã hội lớn mạnh khơi mở
bằng tình thương, bằng tự nguyện, dìu dắt bởi những người biết sống khổ hạnh và
biết hy sinh thì không ai sẽ có thể trơ như đá vững như đồng được, nhất là khi
mà mọi khả năng văn học, nghệ thuật và giáo dục đều hướng về sự khai thị Chân
Lý Thứ Nhất. Dù trong lĩnh vực phát triển kinh tế hay tái phân lợi tức, người
Phật tử cũng phải hành động trên căn bản tự nguyện. Mà tự nguyện là một hình
thái của tự do. Một kế hoạch phát triển kinh tế muốn được khế cơ, cần phải kêu
gọi đến sự thắt lưng buộc bụng
của mọi người công dân. Nhận thức được tình trạng chậm tiến của kinh tế nước
nhà, người dân cần tự nguyện hy sinh bớt sự tiêu thụ những sản phẩm không cần
thiết lắm và tích cực tham dự vào các kế hoạch phát triển kinh tế mà mình đã
chấp nhận là cần áp dụng để có thể thực hiện được mau chóng sự giải phóng của
dân tộc trên bình diện kinh tế.
Cố nhiên người Phật tử không thể
chấp nhận được một nền kinh tế chỉ huy độc tài trong đó mình chỉ có giá trị như
một công cụ sản xuất hay như một cái bánh xe răng cưa vô tri trong cái guồng
máy kinh tế cũng vô tri vô giác. Người Phật tử có thể hy sinh, có thể thắt lưng
bóp bụng, nhưng chỉ trên căn bản tự nguyện chân thành mà thôi. Tự nguyện là vì
thấy rằng nếu không làm như thế thì không hy vọng gì giải phóng được cho dân
tộc và cố nhiên người Phật tử cũng biết rằng trên tinh thần khế cơ, một chế độ
kinh tế tư bản tự do không thể nào được áp dụng trong một xã hội như xã hội
Việt Nam bây giờ, bởi vì một chế độ như thế chỉ có thể càng lúc càng đào sâu
cái hố giữa người giàu và người nghèo để rồi khiến cho những bất công xã hội
càng ngày càng trở nên trầm trọng.
Kinh tế phải phục vụ cho con
người, vì thế dù có thi hành phương pháp hạn chế, cố gắng, con người vẫn phải
luôn luôn ý thức rằng tất cả những hạn chế và cố gắng ấy đều do tự nguyện. Một
nền kinh tế theo quan niệm Phật giáo là một nền kinh tế tự nguyện. Bất cứ một kế hoạch kinh tế
nào cũng chỉ được thực hiện khi quần chúng tham dự đông đảo. Trong một chính
thể thực sự có tự do, không có sự bắt buộc quần chúng phải theo, mà chỉ có thể
có sự tự nguyện tham dự vì lý tưởng. Chính ở điểm này mà ta thấy rằng trong viễn
tượng giải phóng dân tộc về phương diện kinh tế đạo Phật có thể đóng góp rất
nhiều. Ta đã không chấp nhận được sự độc tài thì ta chỉ còn có thể tạo được sức
mạnh bằng chất liệu lý tưởng. Giáo Hội Phật Giáo gồm có một quần chúng đông đảo
có thể là động lực chính yếu để hưởng ứng tham dự và thực hiện những kế hoạch
kinh tế nào mà Giáo hội nhận định là phù hợp với tinh thần đạo Phật. Trong tình
trạng phân tán của xã hội Việt Nam hiện tại, một chính phủ dù tài giỏi bao
nhiêu cũng phải cần đến sự ủng hộ của các tôn giáo. Vì vậy nói rằng tôn giáo
phải rút lui vào địa vực thuần túy tôn giáo mình tức là nói một điều vô nghĩa.
Vai trò và năng lực đóng góp của các tôn giáo lớn tại Việt Nam là một yếu tố quyết định sự thành bại của
công cuộc cách mạng xã hội tại Việt Nam. Đối với đạo Phật, không có cái
gì có thể được gọi là địa vực thuần túy tôn giáo. Nếu nghĩ rằng địa vực thuần
túy tôn giáo là sự cúng lễ, sám hối và tụng kinh tức là không hiểu gì hết về
đạo Phật. Đạo Phật mà rút vào cái vỏ ốc ấy thì không còn là đạo Phật nữa mà chỉ
còn là một hình thức lễ bái. Công việc hiện là công việc chung: nhà chính trị
phải ngồi lại với nhà lãnh đạo tôn giáo để đàm luận, để thiết lập kế hoạch xây
dựng, để thấy rằng mình không thể thành công nếu không có sự tham dự xây dựng
của các tôn giáo và cũng để tìm biết các tôn giáo có thể và phải đóng góp những
gì với tư cách tôn giáo của mình.
Các tôn giáo, trong hiện tình
của đất nước, là yếu tố duy trì và bồi đắp xã hội tính của dân tộc. Mọi kế
hoạch nếu đã không thể thực hiện bằng sự ép bức độc tài thì chỉ có thể thực
hiện bằng một sự đoàn kết. Mà chất liệu của sự đoàn kết ấy trong trường hợp
chúng ta hiện nay là lý tưởng tôn giáo. Cho nên một sự phân công hợp tác giữa
nhà chính trị và nhà tôn giáo không chỉ là một sự hợp lý mà còn là một sự tất
yếu. Trong mục đích phụng sự dân tộc và nhân loại và trên nhận thức thực nghiệm
về những dữ kiện xã hội, các tôn giáo sẽ dễ dàng thực hiện được vấn đề phân
công hợp tác với nhau và với chính quyền. Tôn giáo sẽ phải gánh vác những gì mà
chính quyền không đủ sức gánh vác, bởi vì quyền bính không phải là một chiếc
đũa phép vạn năng mà ai có nó trong tay thì có thể thực hiện được bất cứ điều
gì mình mơ ước. Có thể nói rằng trong hiện tình đất nước không có sự đóng góp
của các tôn giáo thì chính quyền cũng không thể làm được gì đáng kể.
Để bênh vực cho nền kinh tế tư
bản, người ta thường nói rằng nếu không có tự do kinh doanh thì không thể có sự
hăng say trong công việc sinh lợi, đầu tư, sản xuất, và vì vậy, tư lợi là yếu
tố kích thích khả năng và ý chí kinh tế rất cần thiết cho một xã hội đương tiến
bước trên đường phát triển kinh tế. Lẽ dĩ nhiên là ta không chấp nhận một nền
kinh tế chỉ huy độc tài nhưng ta cũng phải công nhận rằng tư lợi trong khi kích
thích ý chí kinh tế của con người cũng là nguồn gốc của tham vọng tàn ác và
chia rẽ. Không phải độc tài và tham vọng là những sức mạnh duy nhất trên cuộc
đời. Chúng ta phải nhớ rằng sức mạnh do tình thương và do lý tưởng tôn giáo
cũng là những sức mạnh lay thành chuyển núi và chúng bám vào niềm tin đó mà con
người còn có đủ ý chí đứng dậy đối phó với độc tài và tham vọng. Đạo Phật tin
nơi khả năng tình thương và ý chí diệt khổ của con người. Người Phật tử phải
cương quyết tố cáo những khổ đau, những bất công, cơ cực, lầm than của xã hội,
tố cáo những trò dối gạt và mê hoặc lòng người, nói tóm lại, phải làm cho mình
và mọi người có ý thức thâm thiết về Đệ Nhất Khổ Đế. Bằng giáo dục học đường,
bằng văn học, nghệ thuật và bằng mọi phương tiện khác có thể có, Giáo hội khai
thị cho mọi người thấy thực chất đau khổ của cuộc đời để làm phát sinh niềm xót
xa thương cảm, ý chí và lý tưởng phụng sự. Tri túc vốn không phải là một giáo
lý khuyến khích sự tự mãn tự nguyện với những gì ít ỏi mình có mà chính là một
thái độ biểu lộ sự thao thức của mình đối với khổ đau chung của dân tộc và nhân
loại. Chính vì thông cảm với nỗi khổ đau ấy mà người Phật tử chân chính không
an tâm thâu góp riêng cho mình những tài lợi những tiện nghi mà mình có thể có
và có quyền thâu góp. Chính vì thông cảm với nỗi khổ đau ấy mà người Phật tử
quên bớt mình đi và nghĩ đến người, cho rằng những điều kiện vật chất của mình
đang có là có thể tạm đủ cho mình rồi, để mà có thì giờ tâm lực lo cho kẻ khác.
Chính nhờ tự nguyện tri túc như vậy mà người Phật tử có thể hạn chế được sự
tiêu thụ những xa xí phẩm và có thể tình nguyện tham dự vào những kế hoạch cần
đòi hỏi một ít hy sinh, một ít thắt lưng bóp bụng và một ít sự hạn chế hưởng
thụ. Cho nên nói rằng tri túc làm tê liệt ý chí kinh tế là một điều lầm lớn. Có
thêm vài mẫu ruộng để cày cấy, có thêm một tủ lạnh, có thêm một chiếc xe hơi,
điều đó không có gì trái chống với giáo lý đạo Phật cả. Đạo Phật không bắt ai
phải tri túc để cứ nghèo khổ mãi, cũng không cấm ai mua sắm những thức nói trên
trừ khi phương tiện để đạt đến những thức ấy là những phương tiện bất chính.
Đạo Phật chỉ nhắc rằng trong lúc người khác đang thiếu thốn cơ cực mà mình chỉ
biết lo cho sự sung sướng riêng tư của mình thì là mình cố tình bịt mắt bịt tai
trước Sự Thật Thứ Nhất. Tri túc do đó là tri túc cho mình để có thể hy sinh mà
phụng sự cho người. Ý chí kinh tế nếu được nuôi dưỡng bằng tư lợi thì sẽ đưa
đến những hậu quả không tốt đẹp về phương diện đạo đức luân lý. Biết bao nhiêu
hợp tác xã đã thất bại – mà hợp tác xã chính là một phương tiện thần diệu để
đạt tới những tiến bộ kinh tế - là vì dục vọng và óc tư lợi cá nhân. Nếu ý chí
kinh tế mà được phát sinh và nuôi dưỡng bằng lòng xót thương và lý tưởng phụng
sự chung thì sẽ tránh được những tệ hại đó. Và do đó cuộc cách mạng kinh tế cần
được dẫn đầu bằng cả một cuộc cách mạng tư tưởng: tình thương và lý tưởng phải
đến thay thế cho độc tài và óc tư lợi để dẫn đạo cho tiến bộ xã hội. Sự đoàn
kết dài lâu sẽ dựa trên căn bản nhận thức thực nghiệm, trên lý tưởng, trên tình
thương mà không phải dựa trên sự hỗ tương lợi dụng.
Đạo Phật dạy người Phật tử rằng
vì tình thương, vì lý tưởng, con người có thể chấp nhận được sự gian khổ, và do
đó với tinh thần tự nguyện người Phật tử có thể chấp nhận những kế hoạch đòi
hỏi ở mình một ít hy sinh và khổ hạnh. Cũng như cậu học trò phải biết tự khép
vào những kỷ luật nào đó để có thể hoàn tất chương trình đèn sách, người Phật
tử tự nguyện tham dự vào những kế hoạch phản chiếu được lý tưởng mình mà không
có cảm giác rằng mình bị bắt buộc. Chỉ có với tâm trạng đó với thái độ đó chúng
ta mới có thể vượt ra khỏi giai đoạn khó khăn này của lịch sử dân tộc mà thôi.
Chúng ta hãy thử xét lại vấn đề
qua khía cạnh nhu yếu kinh tế. Ngày nhân loại còn trong buổi sơ khai, nhu yếu
kinh tế chỉ là những gì hết sức đơn giản: ăn lấy no, mặc lấy ấm. Dần dần các
nhu yếu ấy biến thành phiền tạp: ăn không những phải no mà còn phải ngon nữa,
mặc không những phải ấm mà còn phải đẹp nữa. Và vì cái ngon và cái đẹp không
biết tới đâu là hết giới hạn cho nên nhu yếu càng ngày càng tăng và sự cố gắng
để thỏa mãn những nhu yếu ấy cũng tăng. Cái ngon và cái đẹp cũng tùy thuộc từng
trường hợp. Những thức ăn sang trọng không chắc là những thức ăn ngon. Những
chiếc áo sang trọng chưa phải là những chiếc áo đẹp. Một người có làm việc tay
chân, có bộ máy tiêu hóa tốt thì ăn thức ăn đạm bạc cũng thấy ngon. Nếu không
quan tâm đến những điều ấy mà cứ đi tìm sự thỏa mãn những nhu yếu cảm giác càng
ngày càng phức tạp càng khó khăn thì ta sẽ tự tạo cho ta một sự thèm khát
thường xuyên không bao giờ có thể thỏa mãn được. Dục vọng không có biên giới và
cái khát khao của dục vọng không bao giờ được thỏa mãn cả. Kinh Phật nói rằng
con người muốn được thỏa mãn yên ổn bằng dục vọng thì cũng giống như khát nước
mà cứ tìm rượu uống, càng uống thì càng khát. Tiêu chuẩn tri túc có lẽ cần được
đối chiếu với tiêu chuẩn bảo vệ sự sống: những nhu yếu căn bản của con người ít
nhất phải thiết lập trên căn bản những gì bảo đảm được sức khỏe và sự an lạc
của con người, về thân thể cũng như về tinh thần. Ăn thế nào, mặc thế nào để
giữ gìn được sức khỏe của thân thể và của tâm hồn, đó là tiêu chuẩn quy định
những nhu yếu căn bản.
Ta có thể nói chắc rằng những
nhu yếu căn bản này là những nhu yếu chính đáng và tất yếu. Còn những nhu yếu
tới sau các nhu yếu căn bản ấy có chính đáng hay không, đó là tùy theo trường
hợp. Những sản phẩm kinh tế nào giúp cho ta bớt được sức lao động nặng nhọc,
cung cấp cho ta thêm tiện nghi, sung sướng mà không tập cho ta tính lười biếng,
ỷ lại, không tàn phá sức khỏe và sự an lạc của tâm hồn ta thì ta cũng có thể
gọi đó là những nhu yếu chính đáng. Trong tinh thần tri túc, cố nhiên người
Phật tử có thể hạn chế bớt sự tiêu thụ những sản phẩm nhằm thỏa mãn những nhu yếu
tới sau các nhu yếu căn bản (và hạn chế như thế để mà có thể có thêm điều kiện
tham dự vào kế hoạch phát triển kinh tế chung), nhưng người Phật tử cũng cương
quyết bài trừ những sản phẩm tập cho mình tính lười biếng, ỷ lại và tàn phá sức
khỏe tinh thần cũng như thể chất của mình.
Thuốc phiện, rượu mạnh, phim ảnh
sách báo âm nhạc khiêu dâm chẳng hạn, là những sản phẩm thuộc loại tàn phá sức
khỏe tinh thần và vật chất. Một xã hội muốn tiến tới trên con đường thực hiện
công bình xã hội như xã hội ta phải cương quyết tạo cho mình một sức khỏe tinh
thần và vật chất, những điều kiện khắc khổ tối thiểu để thực hiện một chương
trình. Với sự ủng hộ triệt để của các tôn giáo, quốc hội có thể ban hành những
đạo luật liên hệ đến sự sản xuất, nhập cảng và tiêu thụ tất cả những sản phẩm
có công dụng tạo nên sự lười biếng và sự phá sản của sức khỏe thể chất cũng như
tinh thần. Một dân tộc trong lúc nguy vong muốn đứng dậy để tự cường phải biết
tự mình đặt quy luật khổ hạnh cho mình, điều đó trong chúng ta không ai là
không trông thấy. Không thể vừa muốn thực hiện những tiến bộ kinh tế vượt bực
vừa muốn thỏa mãn những nhu yếu không chính đáng. Nhận thức được thực trạng khổ
đau, ta không thể ngồi yên để cho những người cơ cực càng ngày càng xa cách với
giới giàu có chỉ biết mỗi ngày mỗi tìm cách tăng thêm những nhu yếu mới để mà
có những khoái lạc mới. Nghệ thuật quảng cáo đã đi sát với sự kinh doanh sản
xuất, và trong rất nhiều trường hợp đã nhắm đến sự kích thích dục vọng, tạo ra
những nhu yếu kinh tế mới càng ngày càng phiền tạp và ám ảnh được giới tiêu
thụ. Quảng cáo đã quá lợi dụng phần dục vọng trong con người và cần phải được
quốc hội đặt thành vấn đề. Dân tộc ta muốn thực hiện cách mạng xã hội thì phải
thực sự có một đạo đức cách mạng. Không ai không biết rằng một kế hoạch lớn chỉ
có thể được thực hiện bằng rất nhiều thiện chí và một ít khổ hạnh - thứ khổ
hạnh có công dụng lành mạnh hóa nếp sống dân tộc - kế hoạch phải nhắm về hướng
sản xuất những gì đáp ứng với những nhu yếu căn bản và lành mạnh nhất trước đã.
Vốn liếng sẽ được dồn vào công việc nghiên cứu những chương trình thực hiện có
tính cách khoa học và dài lâu, đào tạo chuyên viên, trang bị máy móc v.v… thay
vì để đầu tư sản xuất những xa xí phẩm. Giáo hội có thể có ảnh hưởng rất lớn
trên vấn đề kinh doanh sản xuất của tư nhân bằng cách hưởng ứng một đường lối
giáo dục quần chúng để thực hiện đạo đức trong phạm vi tiêu thụ sản phẩm kinh tế.
Trong khi ấy một chính quyền lành mạnh, được sự ủng hộ của Giáo hội, sẽ đánh
thuế rất nặng vào những sản phẩm xa xí để ngăn chặn chúng lại, áp dụng quyền
bính pháp trị để ngăn ngừa sự lạm dụng, sự lấn áp, sự gian thương và sự thao
túng thị trường. Giáo hội có thể, bằng mọi hình thái hoạt động của đức trị,
giáo hóa và khuyến cáo những cá nhân nào trong Giáo hội chỉ nghĩ đến tư lợi mà
đi ngược lại với quyền lợi của đại đa số quần chúng, làm giàu trên mồ hôi nước
mắt của người nghèo. Nếu những biện pháp đức hóa không thành, chính quyền có
thể nhân danh đạo đức cách mạng để mà áp dụng biện pháp trưng dụng hoặc truất
hữu, hoặc nhất phần hoặc đa phần tư sản của đương sự - hành động ấy sẽ được xem
như là biện pháp thích hợp với ý niệm liên đới trách nhiệm về những khổ đau của
dân tộc và do đó được người Phật tử và Giáo hội Phật giáo ủng hộ. Cố nhiên
chính quyền phải là một chính quyền trong sạch, vô tư, và Giáo hội chỉ có thể
ủng hộ những hành động pháp trị cứng rắn đó khi Giáo hội biết chắc rằng chính
quyền là trong sạch và vô tư.
Giáo hội không đứng ra đầu tư
kinh doanh, nhưng Giáo hội phải biết ủng hộ và xây dựng cho những ngành kinh
doanh nào phù hợp với tình trạng kinh tế dân tộc hơn hết và cũng phải biết phản
đối những sự làm giàu trắng trợn, những ngành sản xuất nhắm tới sự đánh thức
dậy những lười biếng và dục vọng của con người. Đứng về phương diện chính trị,
Giáo hội không đứng ra tham chính nhưng Giáo hội phải biết ủng hộ xây dựng cho
một chính phủ lành mạnh biết thuận theo ước vọng thực sự của đại chúng, và cũng
phải biết phản đối những chính phủ tham nhũng, tệ lậu. Khi đã có một chính phủ
tin cậy, các Giáo hội cũng như quần chúng sẽ ủng hộ cho chính phủ trong việc
thực thi các kế hoạch kinh tế khế hợp với tình trạng và nguyện vọng quần chúng,
và trong công việc đứng ra đầu tư kinh doanh trong những ngành then chốt nhất
của nền kinh tế quốc gia. Thực ra trong tình trạng xã hội ta, nếu có một chính
quyền tốt được các tôn giáo ủng hộ, thì việc hạn chế hoặc cấm đoán những kinh
doanh của tư nhân là một việc cần được thực hiện. Có như thế thì kế hoạch kinh
tế mới được chặt chẽ. Nếu một kế hoạch kinh tế đã chứng tỏ trước mắt mọi người
là một kế hoạch thiết thực, khế cơ và khả hành thì cần được thực hiện một cách
nghiêm chỉnh và chặt chẽ. Như thế nghĩa là, sau khi nhận định và thừa nhận kế
hoạch ấy, người dân phải thực sự tham dự và do đó chính quyền có thể động viên
quần chúng để thực hiện kế hoạch mà không còn sợ mang tiếng chỉ huy hay độc
tài. Giáo hội có thể đóng góp phần ủng hộ tinh thần tối đa của mình.
Tuy nhiên dù kế hoạch có chặt
chẽ, dù tình trạng có đòi hỏi hy sinh và gian khổ, con người phụng sự dân tộc
trong phạm vi kinh tế phải được mãi mãi còn là một con người, phải được đối xử
như một con người mà không phải là một bánh xe, một công cụ hay một con vật sản
xuất. Con người phải phụng sự bằng óc thông minh và trái tim biết thương yêu
của mình chứ không phải chỉ bằng sức lao động của mình. Con người phải có tự do
phát biểu ý kiến, phải có những quyền hạn để cho một con người có thể là một
con người. Những guồng máy lớn máy nhỏ đều là vô tri cả, không lý gì ta thoát
ra một guồng máy lớn để lăn vào chết trong một guồng máy nhỏ. Công tác lao động
dù trí óc hay chân tay cũng phải được phân phối thế nào để bảo vệ được con
người. Một người thợ máy làm luôn tám tiếng đồng hồ trong xưởng máy, không có
dịp dùng trí óc, chỉ cần làm những cử động tay chân cho đều và cho kịp: người
thợ máy ấy quả thực đang là một chiếc máy, lâu ngày sẽ trở nên mệt mỏi, mụ
người. Một ngày kia nếu không đủ sức khỏe, anh có thể bị sa thải bởi vì không
theo kịp với nhịp của máy. Một người chỉ biết có lao động trí óc cũng có thể
trở nên bạc nhược, ốm yếu, ho hen. Tại sao một giáo sư lại không thể làm việc
ba tiếng mỗi ngày ngoài vườn để cho công tác trí óc và chân tay được thăng
bằng, và tại sao người thợ máy không thể chỉ làm việc bốn giờ đồng hồ mỗi ngày
bên cạnh cái máy, còn bốn giờ còn lại thì để làm việc ở một nơi khác?
Đã đành là giải phóng con người,
ta phải thực hiện công cuộc phát triển kinh tế, nhưng không nên vì công việc
phát triển kinh tế mà ta lại giết con người bằng những guồng máy. Một chủ nghĩa
độc tài là một guồng máy lớn, mà tính cách phi nhân bản của chủ nghĩa cơ khí
hợp lý hóa cũng lại là một thứ độc tài đáng sợ.
Trong tình trạng hiện thời của
đất nước đạo Phật có thể đóng góp một cách đáng kể cho công việc thực hiện công
bình xã hội, bởi vì Giáo hội Phật giáo hàm chứa trong tự thân rất nhiều tiềm
lực xây dựng tràn đầy xã hội tính. Đây chính là lúc mà đạo Phật phải đem tình
thương và tự do vào trong cuộc đời để thực hiện lý tưởng Phật giáo. Những gì
chính quyền không làm được hoặc chưa làm được thì Giáo hội ủng hộ cho chính
quyền, bằng tất cả khả năng văn hóa và đạo đức của mình. Những gì cần thiết cấp
bách mà chính quyền không làm, Giáo hội phải cương quyết đứng ra thực hiện, cố
nhiên là bằng những phương tiện trong lĩnh vực tôn giáo của mình.
Trong Viện Hóa Đạo, một phòng
nghiên cứu về các vấn đề kinh tế và xã
hội phải được thiết lập, với sự tham dự của những học giả, những
chuyên viên về kinh tế và xã hội. Các nhà Phật học sẽ làm việc chung với các
nhà khảo cứu và chiếu rọi ánh sáng Phật học vào những vấn đề như thế, dựa trên
một nhận thức Phật học về các vấn đề kinh tế và xã hội, Giáo hội mới có thể có
thái độ rõ rệt đối với các kế hoạch kinh tế và mới có thể quyết định ủng hộ hay
không ủng hộ một kế hoạch được nêu ra. Không có lý do gì mà Giáo hội lại không
ủng hộ những kế hoạch khế cơ, khế thời, thiết thực và đáp ứng lại được ước vọng
của đa số quần chúng, nhất là quần chúng Phật tử. Phật giáo đi vào cuộc đời thì
phải hiểu biết những vấn đề của cuộc đời. Giáo hội không thể nói rằng: “làm sao
đó thì làm, miễn là đừng trái với giáo lý đạo Phật là được”. Giáo hội phải nói
rằng: “Phải làm như thế này thì mới phù hợp với giáo lý đạo Phật”. Không những
thế Giáo hội phải có phần đóng góp tích cực của mình trong công việc thực hiện
công bằng xã hội – đóng góp bằng những phương tiện Giáo hội có thể có, những
phương tiện phản ảnh được tinh thần và sinh lực đạo Phật. Phòng nghiên cứu về
các vấn đề kinh tế và xã hội sẽ tinh luyện nên những kế hoạch mà tăng sĩ cũng
như cư sĩ trong Giáo hội có bổn phận thực hiện và thực hiện một cách có phương
pháp, và bằng động cơ lý tưởng.
Để đạt tới mục đích ấy, các
trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội phải được thành lập ở các đô thị lớn trong
toàn quốc để đào tạo những thanh niên thiếu nữ muốn đem tâm lực trí lực của
mình mà phụng sự cho lý tưởng đạo Phật. Các thanh niên ấy sẽ là những sứ giả
của tình thương và của sự cảm thông mà đạo Phật gửi đến tận những nẻo đường xa
xôi nhất của xứ sở. Những thanh niên thiếu nữ học lực khoảng đệ tứ trở lên là
đã có thể theo học các trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội rồi. Tốt nghiệp họ sẽ
được gửi đi về các miền quê, trước hết là các vùng tương đối có an ninh, để
phụng sự. Phòng nghiên cứu về các vấn đề kinh tế và xã hội cố nhiên phải có kế
hoạch thực tế và phải phân phối bổ dụng các nam nữ thanh niên tốt nghiệp ấy một
cách hợp lý. Cơ sở tài chính của Giáo hội phải được mở mang, bằng sự đóng góp
tùy tâm của Phật tử, nhất là các Phật tử giàu có, bằng sự hoạt động của những
cơ quan chuyên lo về các việc kinh tài cho Giáo hội, bằng sự trợ cấp của quốc
gia và bằng sự giúp đỡ của các nước bạn như Nhật Bản, Tây Đức, v.v… để có thể
đài thọ lương hướng tối thiểu cho những thanh niên đã tốt nghiệp và đang phụng
sự. Cố nhiên là làm việc cho lý tưởng, người thanh niên sẽ không đòi hỏi lương
bổng phải đúng theo tiêu chuẩn lương bổng quốc gia.
Chương trình học tập sẽ gồm
những môn học áp dụng thiết thực: xã hội học, tâm lý học, chính trị học, phát
triển cộng đồng, Phật học, giáo dục, y tế, kinh tế, v.v… Tất cả những môn đó
đều nhắm đến sự trao truyền cho người thanh niên những kiến thức căn bản cần
thiết nhất để phụng sự mà không phải là những môn học có tính cách bác học.
Trong thời hạn học tập, vấn đề thực tập được xem là rất quan trọng, nhất là về
các môn giáo dục, y tế, kinh tế. Môn Phật học được xem như là để trao truyền
những nguyên lý căn bản của một chủ nghĩa xã hội Phật giáo. Các nam nữ thanh
niên sẽ tìm hiểu về triết học hành động của đạo Phật để có thể thực sự đem đạo
Phật vào cuộc đời bằng những phương tiện giáo dục, y tế và kinh tế. Họ phải học
và thực tập ái ngữ, đồng sự, lợi hành; họ phải thực tập nhận thức bằng tứ diệu
đế. Họ phải tập tươi cười, tập nhẫn nại, tập tham thiền. Những điều đó quyết
định sự thành công của họ. Chúng ta ai cũng đã từng gặp những cán bộ hoặc y tế
hoặc giáo dục hoăc kinh tế với nét mặt nhăn nhó khó thương. Sở dĩ như vậy là
tại họ thiếu lý tưởng, thiếu nhẫn nại. Chắc là ban đầu họ cũng có thiện chí
đấy, nhưng sau khi tiếp xúc hàng ngày với những bực dọc, lợi dụng và khó khăn
trong một thời gian khá lâu, thiện chí ấy bị phá sản. Thương yêu được người
nghèo quả thực không phải dễ như người trẻ tuổi tưởng. Rất nhiều khi vì nghèo
mà người ta phải khó khăn, phải biết lừa dối, phải biết lợi dụng. Nhiều khi vì
nghèo mà trở thành cộc cằn, thiếu lễ nghĩa. Một người thanh niên đã học và đã
được huấn luyện, thực tập thì có thể thương yêu họ dễ dàng hơn và không vì
những khó khăn bực dọc mà chán nản. Những thanh niên này sẽ về trường sau mỗi
sáu tháng phụng sự để tu nghiệp và trao đổi kinh nghiệm; trong thời gian ấy cần
phúc trình lại tất cả những gì đã thấy đã nghe và đã nhận định để phòng nghiên
cứu có thể có thêm dữ kiện mà cải tiến chương trình phụng sự chung. Do đó kế
hoạch sẽ càng ngày càng sát với thực tại và nhờ đó tính cách địa phương được
tôn trọng trong kế sách chung.
Chương trình học tập sẽ có hai:
chương trình đoản kỳ và chương trình bình thường. Trong chương trình đoản kỳ,
người thanh niên sẽ học theo đa nhiệm, nghĩa là phải học cả ba ngành kinh tế, y
tế và giáo dục để có thể lâm vào trường hợp nào cũng có thể phụng sự được.
Chương trình này, trong giai đoạn hiện thời, chỉ nên thu lại trong một năm. Tốt
nghiệp, người thanh niên có một kiến thức thực tiễn về các hoạt động kinh tế, y
tế và giáo dục ở hương thôn. Anh có thể dạy tại trường tiểu học theo phương
pháp và tiêu chuẩn đã được huấn luyện, hoặc anh có thể làm những công việc phổ
thông thuộc phạm vi y tế và vệ sinh, hoặc anh có thể giúp đỡ dân làng về các
vấn đề về kinh tế như vấn đề giúp ý kiến mở các hợp tác xã sản xuất tiêu thụ,
phổ biến những phương pháp mới về canh tác, chăn nuôi v.v… Sau một thời gian
phụng sự anh cũng có thể trở về để học chương trình bình thường với các bạn
khác. Chương trình này thì đơn nhiệm, nghĩa là chỉ đi chuyên môn về một trong
ba ngành hoạt động xã hội mà thôi, hoặc giáo dục, hoặc kinh tế, hoặc y tế. Kiến
thức chuyên môn vì thế sẽ sâu sắc hơn, vững chãi hơn và do đó, năng lực phụng
sự sẽ to tát hơn.
Mười tháng trước đây chúng tôi
đã cùng với một số thanh niên khởi đầu làm vài “làng thí nghiệm” theo phương
thức phụng sự với tinh thần thuần túy Phật học và đã thâu thập được nhiều kết
quả đẹp, xứng đáng với niềm ước mong. Chúng tôi chọn những xóm quê sống bằng
nông nghiệp và ngư nghiệp và gọi những địa điểm thí nghiệm ấy là “làng”. Phương
châm của chúng tôi là phụng sự với tinh thần đạo Phật mà không phải là với danh
nghĩa đạo Phật. Không ai về làng mà tự xưng là Phật tử cả. Hôm đầu thì có hai
người trẻ tuổi về, ăn mặc hết sức đơn giản, lấy cớ hỏi thăm để làm quen với trẻ
con trong làng. Khi hai người tới thăm “làng” lần thứ ba thì ngỏ ý muốn tìm chỗ
ở lại vài ba tháng để học ôn, kẻo Sài Gòn chật chội, nóng nảy và ồn ào quá,
trong khi kỳ thi đã đến gần. Hai người thuê được một cái chái nhà rất nghèo nàn
mỗi tháng trả một trăm bạc, và dọn sách vở về học. Buổi chiều vài ba trẻ em
thấy lạ đến chơi. Hỏi thăm về các em, giải cho các em về một bài toán ở trường,
cắt móng tay cho các em, tập cho các em hát vài câu hát: những việc làm nhỏ bé
đó chiếm được tình cảm các em hết sức mau chóng. Vài ngày sau các em bé đến
đông đảo, và tuần sau thì cả làng đều biết đến hai cậu con trai dễ thương vừa
về ở lại trọ học trong làng. Các em mà mến thì cha mẹ các em cũng sẽ mến theo:
em nào cũng muốn mời hai anh về chơi. Trong tuần thứ ba, sau khi đến thăm các
xóm, hai người đã biết được khá rõ rệt về sinh hoạt trong làng: người lớn trẻ
em trong làng thường hay đau ốm về các bệnh gì; mỗi tháng thì trung bình có một
hay hai em bé chết vì bệnh đi sông; dân làng sống về nghề gì và gặp những trở
ngại nào; chừng bao nhiêu trẻ em không được đi học; người lớn uống rượu và say
sưa như thế nào; v.v… Một căn nhà trong xóm lập tức được thuê để làm trường học
nghèo cho các em đến tuổi hay quá tuổi mà không được đi học. Một tủ thuốc nhỏ
được kê trong gian phòng của hai người để chận đứng những bệnh tật tầm thường
có thể làm cho trẻ con chết như bệnh đi chảy, bệnh cảm cúm, v.v… Một sinh viên
y khoa năm thứ sáu về làng mỗi tuần hai lần để khám bệnh cho thuốc. Trong tháng
thứ ba, nhờ sự ủng hộ của dân làng và “những người bạn của làng” căn nhà thuê
đã trở thành một nếp trường sáng sủa có ba lớp, và tủ thuốc trở thành một trạm
y tế, hoạt động hữu hiệu trăm lần hơn trạm địa phương vốn thiếu thốn rất nhiều
từ ý thức phận sự đến phương tiện và đức tin của quần chúng.
Trường học biến thành trung tâm
văn hóa của làng, và giáo viên cũng như học sinh có bổn phận phát động những
phong trào bài trừ các đống rác, bài trừ bệnh đau mắt hột, tổ chức học tập quốc
ngữ và y tế vệ sinh cho tráng niên và dân làng. Một sinh viên nông lâm súc về
làng hàng tuần và chỉ dẫn phương pháp mới để nuôi gà, chất nấm rơm, ghép cây
mãng cầu trên gốc cây bình bát. Một anh sinh viên Luật về làng mỗi tuần và giúp
dân làng về các vấn đề giấy tờ đất đai, giấy tờ khai sinh cho các em học sinh,
và trình bày dự án thành lập các hợp tác xã. Giai đoạn thứ nhất, giai đoạn cộng
tác với dân làng để cung cấp giáo dục và y tế tối thiểu, được thực hiện trong
vòng vài tháng và gây được niềm tin tình thương giữa người làng với nhau cũng
như giữa người làng với những người “bạn của làng”. Giai đoạn thứ hai là giai
đoạn cố gắng giúp người dân trong làng nâng cao mức sống kinh tế, trong khi đem
giáo dục từ học đường ra đến dân làng - những điều cần biết về pháp luật, y tế,
canh tác mới, v.v… được giảng bày trong những khung cảnh gặp gỡ đơn sơ, thân
mật, bằng những lời lẽ hết sức đơn giản. Đến giai đoạn thứ hai này mối tình
giữa người làng và những người bạn của làng đã thâm sâu lắm rồi. Giai đoạn thứ
ba là giai đoạn giải quyết những cơ cực của một số nhỏ các gia đình nghèo khổ
nhất trong làng trên tinh thần liên đới trách nhiệm. Trong một khung cảnh đã
được cải thiện rõ rệt, trong một niềm tin yêu, những người trong làng không còn
có thể làm ngơ mà không tìm cách giải quyết chung để giúp cho mấy gia đình kia
một vài phương tiện để họ có thể thoát ra khỏi cảnh túng quẩn hiện tại. Sự đóng
góp và hy sinh của những người dân làng để giúp đỡ người cơ cực không được thực
hiện bằng sự đe dọa hay ép buộc mà là bằng động cơ tình thương và ý thức trách
nhiệm.
Acharya Vinoba ở Ấn Độ
đã theo phương pháp kêu gọi tình thương để làm cảm động những người giàu, khiến
họ lấy bớt ruộng đất giúp cho người nghèo canh tác và sinh sống. Vinoba đi bộ hàng chục ngàn cây số, từ
miền này sang miền khác, tìm tới các địa chủ và nói tương tợ như sau: “ông bà
có năm người con. Xin ông bà xem tôi như là người con thứ sáu của ông bà và
chia ruộng đất cho tôi. Tôi nhân danh những người cơ cực không có tấc đất nào
để xin phần đất ấy”. Có nhiều địa chủ cảm động hưởng ứng và tặng cho tổ chức
Sarvodaya ấy ruộng đất, có khi năm ba mẫu, có khi hàng ngàn mẫu hay hàng chục
ngàn mẫu. Phong trào được gọi là phong trào Bhudan (tặng đất). Sau này chuyển
sang giai đoạn tổ chức những làng mới tiến bộ, giống những nước cộng hòa bé nhỏ
trong đó mọi sinh hoạt xã hội được tổ chức theo kiến thức mới hướng dẫn bằng
tình thương và sự hợp tác cộng đồng. Nhiều thôn xóm tự nguyện biến thành những
làng mới như thế và vì vậy có danh từ Gramdan. Có những địa chủ không đáp ứng
lại lời cầu xin của Vinoba nhưng Vinoba vẫn kiên nhẫn trong niềm tin rằng một
ngày mai trái tim họ sẽ rung động. Vinoba không muốn dùng áp lực của dư luận
quần chúng và do đó nhất định không nhận tấc đất nào của những người cho một
cách bất đắc dĩ. Ông nói rằng việc thực hiện tặng đất đưa tới hai kết quả đẹp:
người nghèo có đất cày cấy và người giàu tiếp nhận một sự thay đổi trong trái
tim. Điều thứ hai Vinoba cho là còn quan trọng hơn điều thứ nhất. Tại sao một
cuộc cách mạng chính trị có thể thực bằng phương pháp bất bạo động (bất hại,
ahimsa) mà một cuộc cách mạng kinh tế lại không?
Hiện nay có tới vào khoảng hai
ngàn làng cả mới cả cũ trong phong trào Gramdan và Tây phương đã nói nhiều đến
công việc của Vinoba. Việc làm của ông được căn cứ trên niềm tin có thể làm cảm
động được con người. Và trong một xã hội phân tán như xã hội Ấn Độ (bao nhiêu
là khuynh hướng tôn giáo, giai cấp) một thân một mình khởi xướng thi hành mà có
thể làm được từng ấy việc thì kể ra đã là một thành công rất lớn. Không có lý
do gì mà Giáo hội Việt Nam,
một giáo hội đông đảo và có cơ sở tại mọi nơi, lại có tính cách thuần nhất hơn
cả Giáo hội Phật Giáo các nước mà không thể đạt tới thành công rực rỡ trong
việc lấp bớt đi sự chênh lệch về tài sản trong xã hội. Giáo hội Phật giáo Việt
Nam có cơ hội và điều kiện một ngàn lần nhiều hơn Vinoba để làm công việc ấy.
Vinoba sở dĩ vấp phải nhiều khó khăn là vì đã không nghĩ đến sự chuẩn bị đức
tin và niềm thông cảm, những yếu tố cần thiết của tâm lý để tạo tình thương và
sự phát tâm tự nguyện. Trong phong trào làm Làng của đạo Phật, các thanh niên
tốt nghiệp Trường Phụng Sự Xã Hội sẽ không đột ngột thực hiện ngay giai đoạn
thứ ba như Vinoba đã làm đâu - tức là giai đoạn giải quyết vấn đề của những gia
đình khổ đau thiếu thốn nhất trong làng trong tinh thần liên đới trách nhiệm về
những cơ cực của hiện hữu. Mới tới mà đi ngay vào việc xin đất hay xin sự giúp
đỡ của những người giàu có thì quả là đột ngột thực. Phải sống, phải hoạt động
tại chỗ, phải hy sinh tận tụy trong giai đoạn thứ nhất (cung cấp giáo dục y tế
tối thiểu) và giai đoạn thứ hai (cải thiện và nâng cao mức sống kinh tế, văn
hóa) để chứng minh sự có mặt của tình thương chân thành và của thiện chí chân
thực, làm rung động trái tim của mọi người và lấy được niềm tin của mọi người
trước khi đề cập đến vấn đề liên đới trách nhiệm về những hiện tượng cơ cực
trong làng trong xóm.
Dân Việt Nam chúng ta đã
sống quá lâu trong sự hứa hẹn lừa gạt và trong không khí chiến tranh nên bây
giờ thiếu niềm tin về mọi điều tốt đẹp có thể thực hiện. Bây giờ hiệu quả của
những bài thuyết pháp không còn đáng kể nữa. Bây giờ phải hành động, hành động
để chứng tỏ rằng tình thương và thiện chí là những gì có thực chứ không phải
chỉ là những danh từ hoa mỹ chỉ có ở văn chương và ở đầu môi chót lưỡi. Nói một
cách khác, Giáo hội phải thực hiện bài thuyết pháp cao hơn hết trong các bài
thuyết pháp, đó là bài thuyết pháp bằng hành động – hành động để thực hiện và
chứng tỏ sự có mặt của Từ, của Bi, của Trí, của Dũng. Mà như vậy, lớp thanh
niên phải mang đạo Phật đi vào cuộc đời. Các nhà lãnh đạo Phật giáo phải chịu
trách nhiệm hết sức lớn lao về giai đoạn này của lịch sử đạo Phật. Lớp thanh
niên và trí thức Phật tử đang nhìn vào Giáo hội, sẵn sàng hưởng ứng tham dự kế
hoạch phụng sự của Giáo hội. Ít ra cũng là có hàng chục ngàn thanh niên nam nữ
sẽ tình nguyện tham dự cuộc cách mạng xã hội bất bạo động, cuộc cách mạng xã
hội bằng tình thương và thiện chí. Niềm tin của thanh niên đối với đạo Phật
đang còn – các nhà lãnh đạo Phật giáo không có quyền làm tiêu hao chất liệu quý
giá đó.
Công việc đòi hỏi rất nhiều nỗ
lực ở cấp lãnh đạo. Kế hoạch phải là một kế hoạch chung cho toàn quốc nhưng tùy
theo địa phương mà có sự gia giảm để được khế cơ và đừng đi ngược lại những đòi
hỏi của người dân địa phương. Vì các tôn giáo chính thức làm việc xã hội nên
ngân sách quốc gia phải dành những khoản đặc biệt đáng kể để phụ cấp, với sự dự
kiến sáng suốt của cơ quan hành pháp quốc gia trong quá trình thực hiện. Tình
trạng chúng ta nhất định là không bi thảm: nước ta là một nước dồi dào về tài
nguyên căn bản – cao nguyên, rừng và biển lại là những nguồn lợi tức bất tuyệt
và dồi dào. Giáo hội, trong tinh thần Quán
Thế Âm (nghe ngóng tiếng kêu thương của cuộc đời) và tinh thần đồng
sự, phải đạt đến sự hiểu biết mỗi ngày mỗi tường tận về tình trạng và khả năng
đặc biệt về kinh tế của từng vùng, từng địa phương, từng tỉnh. Như thế chương
trình toàn quốc là một chương trình gồm có nhiều chương trình nhỏ hợp lại, tạo
nên một hòa điệu dẫn tới sự phát triển cộng đồng. Có bốn mươi tỉnh chẳng hạn sẽ
có bốn mươi chương trình sát với địa phương và như thế kế hoạch lớn sẽ không
vướng vào những khó khăn địa phương mà lại được hoan nghênh bởi tất cả các địa
phương nữa.
Có nhiều khó khăn chờ đợi các
nam nữ thanh niên tình nguyện làm bạn của nông thôn, của làng. Người ta đã nghi ngờ nhiều rồi,
chia rẽ quá rồi. Chiến tranh cản ngăn và tàn phá. Người dân quê lại cứ quan
niệm rằng chính quyền thì vạn năng, muốn làm gì cũng được, muốn làm gì để ích
quốc lợi dân cũng được, chỉ vì họ không muốn làm đấy thôi. Người dân quê chờ
đợi chính quyền mà không tự động đứng lên xây dựng. Mà nếu có người cán bộ của
chính quyền về thì cũng bị nghi ngờ. Mà nghi ngờ lắm khi cũng đúng. Cán bộ về
làm việc theo kiểu tắc trách, việc quan, thiếu lý tưởng, thiếu thương yêu. Còn
một trở lực lớn nữa là họ quá tin ở kinh nghiệm cổ truyền, y tế cũng như kinh
tế. Họ không dễ dàng chấp nhận thuốc Tây (chúng tôi có gặp một bà mẹ trẻ sắp
sinh cháu bé thứ hai, nhất quyết không chịu uống thuốc Tây vì lo sợ cho đứa con
trong bụng), không sẵn sàng chấp nhận kỹ thuật canh tác và chăn nuôi mới. Phải
kiên nhẫn và khiêm nhượng lắm mới có thể chinh phục được họ.
Trong sáu tháng đầu tiên, Giáo
hội có thể gửi các “thanh niên dựng làng” về làm việc trong một số độ chừng năm
sáu mười làng trên toàn quốc sau khi đã có kế hoạch cẩn thận. Ít nhất phải có
năm người cho mỗi làng và những người này ở thường trú trong làng, đơn giản như
mọi người. Trong việc làm quen, tìm hiểu, thống kê, thiết lập kế hoạch làm
làng, những người thanh niên ấy tỏ ra giản dị, không quan trọng, tự xem là con
cháu của làng. Mỗi địa phương có những sắc thái và những vấn đề đặc biệt, vì
vậy vấn đề học hỏi về thực trạng địa phương rất là quan trọng. Nếu có thấy gì
khó khăn, họ phải nhờ đến những chuyên viên trung ương. Cơ quan trung ương sẽ
theo dõi hết sức tỉ mỉ những bản tường thuật và báo cáo để giúp đỡ họ trong
công việc giải quyết những vấn đề khó khăn vượt quá khả năng họ. Những làng như
thế một khi được hoàn thành sẽ đưa về trung ương một kho kinh nghiệm phong phú,
và do đó, trong đợt thứ hai, phong trào sẽ tránh được những lỗi lầm và thực
hiện được dễ dàng hơn trước. Ở thôn quê Việt Nam nơi nào mà không có chùa. Giáo
hội sẽ gửi thông bạch về để các vị trụ trì địa phương giúp đỡ bằng mọi cách cho
những thanh niên phụng sự xã hội.
Với tiềm lực hiện có, đạo Phật
Việt Nam có thể hoàn thành nhiệm vụ cách mạng xã hội bằng tình thương và chí
nguyện. Trong vòng năm năm chắc chắn xã hội Việt Nam sẽ mang một bộ mặt mới, sẽ
tràn đầy những sinh lực mới. Chúng ta mong rằng điều đó sẽ được thực hiện và
những người Phật tử muốn thực sự làm sống dậy sinh khí đạo Phật phải đứng dậy
cương quyết thực hiện nếu không muốn cho đạo Phật trở thành những hồ sơ cũ nát
và dính bụi.
Nhưng liệu Giáo hội có thể thực
hiện những gì ước muốn không nếu không có một chính quyền biết tán thành công
việc của Giáo hội mà chỉ luôn luôn muốn gây khó dễ cho Giáo hội? Có phải vấn đề
tiên quyết là dồn lực lượng vào việc vận động cho có một chính quyền tốt hay
không? Và như thế có phải là nên bắt đầu bằng chính trị hay không? Những nghi
vấn ấy trước sau gì cũng phải được giải đáp. Đức Tăng Thống dạy: người Phật tử
cũng phải biết tán thành những chính sách tốt và phản đối những chính sách
không tốt. Điều đó thật là dĩ nhiên rồi. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tập
đoàn nhân dân được đúc kết bằng lý tưởng đạo Phật, một truyền thống quần chúng,
một yếu tố quan trọng trong xã hội tính của dân tộc Việt Nam. Vậy thì sự phản
đối hay tán thành của Giáo hội – trên cương vị tôn giáo – có thể có một giá trị
quyết định đáng kể. Nhưng mà phản đối hay tán thành không đủ. Cần xây dựng nữa.
Mà phương pháp xây dựng hay nhất là chỉ bày con đường của dân tộc một cách rõ
rệt theo quan điểm Phật giáo. Không thể chỉ nói: chính sách này không tốt, mà
phải nói: chính sách này mới tốt và ta hãy làm theo. Mà chính sách này là chính
sách nào? Chính là con đường sáng, chính là lý thuyết, chính là phương châm và
kế hoạch thực tiễn để thực hiện giải phóng dân tộc. Những điều đó không thể mơ
hồ. Những điều đó phải được kết tinh bằng tâm não, bằng khổ đau, bằng máu và
nước mắt, bằng công phu tu tập, quán cơ và tinh luyện.
Đạo Phật có mặt trong cuộc đời
không có nghĩa là Giáo hội có thể đứng ra đầu tư kinh doanh như một nhà tư bản
- về phương diện kinh tế - hoặc đứng ra vận động đưa người vào quốc hội lập
pháp và chính quyền hành pháp - về phương diện chính trị - Thực ra khi đạo Phật
mà còn phải hiện tồn dưới hình thức một Giáo hội (bởi vì đạo Phật có thể hiện
tồn ở mọi nơi, dưới cây bút họa sĩ, trên chiếc đũa của nhạc sĩ, trong túi thơ
của thi sĩ, đầu lưỡi cày của nông phu…). Chúng tôi xin nhắc lại, khi đạo Phật
mà còn phải hiện tồn dưới hình thức một Giáo hội (hội tôn giáo) trong nhiều
giáo hội trên thế giới, thì giới lãnh đạo tôn giáo không thể tham dự vào chính
trị. Không phải vì tham dự vào chính trị thì sẽ bị hoen ố đâu. Lắm khi không
tham dự chính trị mà vẫn hoen ố như thường. Với lại chính trị không phải là một
cái gì hoen ố. Nhưng mà nói đến chính trị, người ta hay nghĩ đến uy quyền thế
lực, mà uy quyền thế lực cũng như danh lợi, là những gì hoen ố. Nhưng mà nói
đến chính trị, người ta hay nghĩ đến uy quyền thế lực, mà uy quyền thế lực cũng
như danh lợi, là những gì hoen ố. Cho nên trong lúc chính trị chưa được được
chính và đại chúng còn nghi ngờ ở cái gọi là đạo đức chính trị thì quả thực tôn
giáo mà xen vào chính trị thì bị nghi ngờ ngay, mất đức tin của quần chúng ngay
và như thế dễ đi đến sự phá sản. Có lẽ một số Phật tử có thể kết hợp nhau thành
một thực lực chính trị để mà giữ gìn và bảo vệ cho chính quyền đừng sai lạc vào
nẻo đàn áp và gây khó dễ cho Giáo hội trong lúc Giáo hội thực hiện cuộc cách
mạng xã hội từ bi của mình, chứ Giáo hội không thể bao giờ nhân danh Giáo hội
để đi vào chính trị. Giáo hội sẽ im lặng khi lực lượng chính trị của những
người Phật tử theo đúng tinh thần đạo Phật (cũng như sẽ không bao giờ phản đối
những đoàn thể chính trị nào phản chiếu được ý hướng và nguyện vọng quần chúng)
và im lặng có nghĩa là để họ làm việc. Nhưng khi lực lượng kia mà đi sai lạc,
vướng vào danh lợi địa vị thì Giáo hội phải lên án ngay, dù là lực lượng kia có
thể ủng hộ được Giáo hội. Giáo hội sẽ không cần một sự ủng hộ như thế, bởi vì
để yên cho họ ủng hộ Giáo hội sẽ mang tiếng là lợi dụng tán thành và tùy hỷ
hoạt động trái với tinh thần đạo Phật.
Như thế, người Phật tử có thể có
mặt trong lĩnh vực chính trị để cố thực hiện việc bảo vệ xây đắp cho một chính
quyền tốt đẹp mà Giáo hội vẫn giữ được tính cách phi chính trị của mình, tính
cách thực ra không phải đẹp đẽ gì nhưng cần thiết trong căn cơ của thế kỷ.