CHƯƠNG II: THỜI KỲ THỨ HAI
(TỪ ĐẦU CÔNG NGUYÊN ĐẾN NĂM 500)
1. PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA Ở ẤN ĐỘ
Vào khoảng đầu Công nguyên, một chiều hướng mới hình thành trong Phật
giáo, được biết với tên là Phật giáo Đại thừa,1 nghĩa đen là “cỗ xe
lớn”.2 Bộ phái này được hình thành do sự suy kiệt của nguồn động lực cũ
trong giáo lý, khiến cho ngày càng có ít người chứng quả A-la-hán hơn
trước, do những mâu thuẫn căng thẳng trong nội dung giáo lý đã phát
triển cho đến lúc bấy giờ, và do những đòi hỏi của hàng cư sĩ muốn có
được những quyền bình đẳng hơn với giới tăng sĩ. Những ảnh hưởng từ nước
ngoài cũng có tác động rất lớn đến sự hình thành này.
Đại thừa phát triển ở miền Tây Bắc và Nam Ấn Độ, hai vùng mà Phật giáo
chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những tư tưởng từ bên ngoài Ấn Độ, và ảnh
hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật Hy Lạp dưới những hình thức mô phỏng theo
Hy Lạp và La Mã, và cả ảnh hưởng của những tư tưởng từ Địa Trung Hải và
Iran. Sự pha trộn lẫn lộn này, thật tình cờ lại giúp cho Phật giáo Đại
thừa trở nên thích hợp cho việc truyền bá ra bên ngoài Ấn Độ.
Để có thể truyền ra bên ngoài, Phật giáo trước hết phải thay đổi phần
nào theo với ảnh hưởng của các tư tưởng ngoại quốc, và phải trải qua
giai đoạn đầu của việc xóa bỏ một số tính chất thuần Ấn Độ. Trước khi có
thể được các nền văn hóa xa lạ chấp nhận, Phật giáo thoạt tiên phải
nhận lấy một dấu ấn từ những nền văn hóa ấy. Hay nói cách khác, chỉ với
hình thức đã được thay đổi như Đại thừa, Phật giáo mới có thể tồn tại
được bên ngoài Ấn Độ.
Thời gian trôi qua, Đại thừa dần dần chinh phục trọn vẹn cả một nửa phía
bắc của Phật giáo toàn thế giới, và tín đồ Phật giáo ở các nước như
Népal, Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản hầu hết đều
là thuộc Đại thừa.
Đại thừa phát triển với hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, dưới hình
thức không có hệ thống, diễn ra vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất trước
Công nguyên, cho đến năm 150, và giai đoạn thứ hai khởi đầu từ sau năm
150, dưới hình thức hệ thống hóa, dẫn đến sự hình thành hai trường phái
riêng biệt là phái Trung luận1 và phái Du-già.2
Trước hết chúng ta cần phải giải thích một số những điểm chính của Đại
thừa lúc sơ khởi. Khoảng năm 100 trước Công nguyên, một số tín đồ Phật
giáo cảm thấy những lời dạy trong giáo lý đã trở nên quá xưa cũ và không
còn mang lại lợi ích nữa. Với quan niệm rằng giáo pháp đòi hỏi sự cải
cách liên tục để đáp ứng những nhu cầu của thời đại mới, của những con
người mới và hoàn cảnh xã hội mới, họ bắt đầu tạo ra một loại kinh văn
mới.
Sự sáng tạo kinh văn mới này là một trong những bộc phát phi thường nhất
của năng lực sáng tạo trong lịch sử nhân loại, và được duy trì trong
khoảng 4 đến 5 thế kỷ. Họ tin rằng, chỉ riêng việc lặp lại kinh văn xưa
cũ không thể duy trì sức sống của một tôn giáo. Trừ phi có được một lực
cân bằng qua việc đổi mới thường xuyên, bằng không thì tôn giáo sẽ trở
nên chai lỳ và mất đi những phẩm chất để tạo thành nguồn sinh khí.
Đến đây thì quan điểm Đại thừa dường như là hoàn toàn hợp lý. Điều khó
hiểu hơn là họ muốn trình bày những tác phẩm mới như chính những lời
Phật dạy, trong khi chúng rõ ràng là được hình thành nhiều thế kỷ sau
khi Phật nhập diệt.
Để tạo chỗ đứng cho một bộ phái mới, họ đã làm theo cách của Đại chúng
bộ là giảm nhẹ tầm quan trọng của đức Phật dưới góc độ một con người có
thật trong lịch sử, và thay vào đó là một đức Phật Pháp thân. Trong kinh
Diệu pháp liên hoa, chúng ta được nghe rằng, rất lâu sau khi đức Phật
đã thành đạo dưới cội cây Bồ-đề – có thể là khoảng năm 500 trước Công
nguyên – ngài vẫn luôn tồn tại trong suốt thời gian vô tận, và lúc nào
ngài cũng thuyết giảng giáo pháp ở khắp mọi nơi với vô số hóa thân.
Trong kinh Kim Cang có bài kệ nổi tiếng như sau:
“Những ai dùng hình sắc để thấy ta,
Hoặc dùng âm thanh mà tìm ta,
Những người ấy đều theo pháp sai lầm,
Không thể thật sự nhìn thấy ta.”1
Nếu người ta do Pháp thân mà nhìn thấy Phật, thì chính Pháp thân ấy sẽ
dẫn đường cho họ.2 Quan niệm xem đức Phật như là hiện thân vĩnh cửu của
tất cả chân lý đã cho phép sự tiếp tục phát lộ ra chân lý của ngài vào
những thời điểm khác nhau.
Vẫn chưa hài lòng với điều này, những người Đại thừa còn cố gắng liên
những kết kinh văn mới với đức Phật có thật trong lịch sử bằng một số
huyền thoại. Họ xác nhận rằng họ đã được nghe Phật thuyết pháp lúc ngài
còn tại thế, rằng song song với việc Hội nghị các Trưởng lão kết tập
kinh điển Tiểu thừa ở thành Vương Xá, kinh điển Đại thừa cũng được kết
tập bởi một số các vị Bồ Tát nhóm họp trên núi Thiết Vi,3 và rằng các
bản kinh đã được gìn giữ một cách kỳ diệu trong năm thế kỷ, cất giấu
trong những cung điện dưới lòng biển của Long Vương, hoặc với sự gìn giữ
của vua Càn-thát-bà, hoặc vua trời Đế-thích. Và rồi, theo như cách nói
của ngài Long Thọ là, “năm trăm năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, Chánh
pháp sau khi đã dần dần suy đồi, đang trong lúc lâm nguy”, những pháp
bảo này từ trong quá khứ được phát lộ và truyền dạy cho mọi người để làm
hồi sinh Phật pháp.
Vậy những cách tân chủ yếu về giáo lý của Đại thừa là gì? Có thể tóm lược dưới 5 đề mục như sau:
1. Về mục đích, có sự thay đổi từ lý tưởng A-la-hán sang lý tưởng Bồ Tát;
2. Một phương thức giải thoát mới được vạch ra, trong đó từ bi được xếp
ngang với trí huệ, và được đánh dấu bởi sự tiến bộ dần qua 6 ba-la-mật;1
3. Đức tin được đặt vào những đối tượng mới, bằng cách đưa ra một loạt các vị thánh, hoặc tin vào con người hơn là thần thánh;
4. Phương tiện thiện xảo2 là một đức tính hoàn toàn mới, trở nên thiết
yếu cho hàng thánh giả và thậm chí còn được xem trọng hơn cả trí huệ,
vốn trước kia vẫn được xem là đức tính cao quý nhất;
5. Một phần giáo lý mạch lạc về bản thể được vạch ra, giải quyết những vấn đề như tánh không, chân như .v.v...
Giờ đây chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng điểm một trong năm điểm mới này.
1. Mục tiêu đạt đến thánh quả A-la-hán, vốn đã từng là động lực của Phật
giáo trong thời kỳ đầu, nay được đưa xuống hàng thứ nhì. Vị thánh theo
Đại thừa nỗ lực để trở thành một Bồ Tát, hay Bodhisattva
(Bồ-đề-tát-đỏa), – do từ chữ bodhi, nghĩa là giác ngộ, và sattva, nghĩa
là hữu tình. Một vị Bồ Tát có ba đặc điểm nổi bật là:
a. Trong bản chất hiện hữu của mình, vị Bồ Tát luôn khao khát đạt đến sự
giác ngộ hoàn toàn như đức Phật, mà theo quan điểm này có nghĩa là bậc
Nhất thiết trí, nghĩa là thấu biết tất cả mọi việc trong suốt mọi thời
gian với hết thảy mọi chi tiết và khía cạnh khác nhau của chúng.
b. Vị Bồ Tát có đủ hai diệu lực là từ bi và trí huệ, với mức độ như
nhau. Nhờ lòng từ bi, ngài quên bản thân mình mà hoãn lại việc nhập
Niết-bàn để cứu giúp chúng sanh đang đau khổ. Nhờ trí huệ, ngài nỗ lực
đạt đến sự nhận biết trong bản tâm về tánh không của vạn vật. Và ngài
luôn giữ vững tấm lòng từ bi kiên định với tất cả chúng sanh, cho dù với
trí huệ ngài thấy rõ rằng chúng sanh và những nỗi thống khổ của họ đều
là ảo mộng.
c. Mặc dù chú tâm hướng đến sự thuần khiết, vị Bồ Tát vẫn duy trì mối
quan hệ với những người bình thường, và có cùng những cảm xúc rung động
như họ. Tuy nhiên, những cảm xúc này không hề gây ảnh hưởng hay làm vẩn
đục tâm trí ngài.
2. Lòng từ bi của một vị Bồ Tát được gọi xem là “vĩ đại”, vì lòng từ bi
ấy là vô hạn và không phân biệt. Vị Bồ Tát quyết tâm trở thành người cứu
độ tất cả chúng sanh, cho dù là giá trị của chúng sanh ấy như thế nào,
hoặc có đòi hỏi đến sự chú ý của ngài hay không. Thời kỳ đầu chỉ hoàn
toàn nấn mạnh vào trí huệ của các vị thánh, nhưng giờ đây tâm nguyện vị
tha mong muốn mang lại hạnh phúc cho người khác được cho là cũng có giá
trị tương đương như trí huệ. Giác ngộ là sự hiểu biết tường tận và hoàn
toàn về bản chất và ý nghĩa của đời sống, về những sức mạnh chi phối tạo
thành đời sống, về phương pháp để chấm dứt đời sống, và về thực tại
hiện hữu vượt trên đời sống. Những người Đại thừa đồng ý rằng sự giác
ngộ không tự nó đưa đến tâm nguyện cứu độ chúng sanh. Họ phân biệt có ba
bậc giải thoát: 2 bậc thuộc về tự lợi và 1 bậc là lợi tha. Bậc giải
thoát tự lợi là những vị A-la-hán và Bích Chi Phật, được xem như đại
diện cho quan điểm của Tiểu thừa, cho loại “cỗ xe nhỏ”. Họ được mô tả
như là thờ ơ trước những mối lo nghĩ của thế gian, và chú tâm trước hết
đến sự giải thoát của chính mình. Bậc giải thoát lợi tha là các vị Phật,
và sự theo đuổi con đường lợi tha của một vị Bồ Tát để đạt đến giác ngộ
được gọi là Phật thừa, hay Đại thừa.1
Vị Bồ Tát phải là một người kiên nhẫn. Vị này muốn thành Phật, nhưng
khoảng cách giữa ngài với sự toàn hảo siêu việt của đức Phật - người
hiểu biết và là hiện thân của tất cả - là vô tận. Không thể nào vượt qua
được khoảng cách ấy trong một đời sống này. Phải cần đến thời gian kéo
dài vô số kiếp, và vị Bồ Tát phải chuẩn bị tinh thần để vượt qua thời
gian vô số kiếp ấy trước khi đạt được mục đích. Tuy vậy, sự ngăn cách
giữa vị Bồ Tát với quả Phật lại chỉ là một sự ngăn ngại nhỏ. Đó là sự
vướng mắc vào tự ngã, tự cho mình là một cá nhân riêng biệt, và giữ lấy
khuynh hướng cố hữu về các khái niệm “tôi làm”, “của tôi làm...”.1 Thoát
được chính mình là nhiệm vụ trên hết của một vị Bồ Tát. Bằng vào 2
phương pháp, Bồ Tát có thể loại trừ được sự chấp ngã của chính mình. Thứ
nhất là, về mặt hành động, người hy sinh chính mình và phục vụ với lòng
vị tha. Thứ hai là, về mặt nhận thức, người quán xét nội tâm về sự
không hiện hữu khách quan của tự ngã. Phương pháp thứ nhất là do lòng từ
bi của người, và phương pháp thứ hai là do trí huệ, được định nghĩa như
là khả năng thâm nhập vào thực tại chân thật, vào tự tánh của sự vật,
vào sự hiện hữu trong tự thân của sự vật. Sự hành động và nhận thức được
tin là phải đi đôi với nhau mới có thể mang lại được những thành quả
tâm linh.
Sự nhất quán giữa từ bi và trí huệ được thể hiện bởi sáu phép tu hoàn
thiện, hay sáu ba-la-mật, tức là sáu “phương pháp có thể giúp vượt qua
được bờ bên kia”. Một người bình thường trở thành Bồ Tát khi người ấy
lần đầu tiên phát nguyện sẽ đạt đến sự giác ngộ hoàn toàn vì lợi ích của
tất cả chúng sanh.2 Sau khi phát nguyện, từ đó cho đến khi đạt được quả
Phật, vị Bồ Tát dành trọn tâm lực trải qua vô số kiếp để thực hành sáu
ba-la-mật. Điều này quan trọng đến mức Đại thừa thường tự ví mình là
“Lục độ thừa”. Và Lục độ, hay sáu ba-la-mật ấy là: bố thí, trì giới,
nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.
Bố thí ba-la-mật đòi hỏi một sự hào phóng, sẵn lòng cho đi tất cả những
gì mình có, ngay cả thân mạng. Trì giới ba-la-mật là nghiêm trì giới
luật, ngay cả khi phải liều đi mạng sống của mình. Đại thừa chú trọng
đến nhẫn nhục ba-la-mật nhiều hơn Tiểu thừa, và mở rộng từ nhẫn nhục hơn
so với ý nghĩa thông thường của nó. Về mặt đức hạnh, nhẫn nhục có nghĩa
là nhẫn nhục chịu đựng tất cả những khổ đau và sự đối nghịch mà không
có chút giận dữ hay bất bình nào. Thêm vào đó, nhẫn nhục ở đây còn được
xem như một đức tính của trí huệ, và về mặt này nó có nghĩa là sự chấp
nhận bằng vào trực giác trước khi hiểu thấu được cặn kẽ về sự sâu xa của
những giáo lý bản thể, thường gây ra sự lo sợ rất khó tin nhận của Đại
thừa, chẳng hạn như sự không hiện hữu của tất cả mọi sự vật. Tinh tấn
ba-la-mật có nghĩa là vị Bồ Tát kiên trì không mệt mỏi trong công hạnh
của mình, trải qua vô số kiếp vẫn không bao giờ chán nản. Sự thành tựu
về thiền định giúp cho vị Bồ Tát đạt được sự điêu luyện trong việc xuất
thần hóa hiện “nhiều như số cát sông Hằng”. Và cuối cùng, trí huệ toàn
hảo là khả năng hiểu được những tính chất quan yếu nhất của tất cả mọi
tiến trình và hiện tượng, mối quan hệ tương tác của chúng, những điều
kiện mang lại sự sinh khởi và diệt mất, cùng với tính chất hoàn toàn
không thật có của chúng khi tồn tại riêng biệt. Ở mức độ cao nhất, trí
huệ đưa đến tánh không, vốn là thực tại duy nhất.
3. Một đóng góp nổi bật nữa của Đại thừa là sự phân biệt mười giai đoạn
mà vị Bồ Tát thường phải vượt qua trên con đường tiến đến quả vị Phật.
Phần giáo lý này được hoàn chỉnh vào thế kỷ 3 trong kinh Thập Địa. Sáu
giai đoạn đầu tương ứng với sáu ba-la-mật, mỗi giai đoạn được phân biệt
rõ bởi sự thực hành tích cực một ba-la-mật. Do đó, giai đoạn thứ sáu
tương ứng với sự thành tựu trí huệ, và nhờ đó, với sự hiểu biết về tánh
không, vị Bồ Tát tiến đến chỗ đối diện với chính thực tại.1 Ở địa vị
này, Bồ Tát có thể thoát khỏi những nỗi sợ hãi của thế giới sinh tử, và
nếu muốn có thể nhập vào Niết-bàn. Tuy nhiên, vì lòng từ bi ngài không
làm như vậy mà vẫn ở lại thế gian này trong một thời gian dài để cứu
giúp chúng sanh. Mặc dù ở trong thế gian, nhưng Bồ Tát giờ đây không còn
thuộc về thế gian nữa.
Trong bốn địa vị sau, Bồ Tát đạt đến điều mà kinh văn gọi là “dung nhiếp
pháp giới”, và trở thành một thực thể siêu nhiên có nhiều diệu lực khác
nhau. So với các vị Bồ Tát bình thường như trong sáu địa vị đầu tiên,
những vị Bồ Tát đã vượt lên đến bốn địa vị sau cùng có khác biệt ở chỗ
là các ngài có thể tùy ý hóa hiện thành rất nhiều đối tượng tín ngưỡng.
Chẳng bao lâu, đức tin ngày càng gia tăng đối với các hóa thân khác nhau
của các vị Bồ Tát, như Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ
Tát Di-lặc, Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Phổ Hiền và nhiều vị khác nữa. Mặc
dù được hình thành ở Ấn Độ, một số trong những vị Bồ Tát này cho thấy có
những ảnh hưởng mạnh mẽ từ nước ngoài, đặc biệt là ảnh hưởng từ Iran.
Sự phát triển các vị Bồ Tát hóa thân được kèm theo, và thậm chí là đã có
trước, bởi các vị Phật hóa thân, được tin là hiện hữu khắp mười phương
thế giới. Về phương Đông có Phật A-súc, tức là vị Phật không bao giờ xao
động.1 Về phương Tây là quốc độ của Phật Vô Lượng Quang,2 thường được
xem giống như Phật Vô Lượng Thọ,3 là vị Phật có đời sống kéo dài vô
tận.4 Hình tượng của Phật Vô Lượng Thọ là tương ứng với hình tượng
Zurvan Akaranak5 của Iran. Tương tự như vậy, hình tượng của Phật Vô
Lượng Quang có rất nhiều tương đồng với thần mặt trời của Iran, và có lẽ
có nguồn gốc từ đế quốc Kushana ở vùng biên giới giữa Ấn Độ và Iran.
Còn có nhiều vị Phật hóa thân khác nữa, và trong thực tế là nhiều đến
mức không thể xác định được, và hầu hết các vị đều có quốc độ riêng của
mình, một thế giới không thuộc về thế giới này, một cõi tịnh độ trong
sạch, bởi vì không còn những điều uế trược và phiền não nữa.
4. Tiếp đến, chúng ta phải nói đôi điều về phương tiện thiện xảo, một
đức tính luôn luôn không thể tách rời đối với vị Bồ Tát, nhưng phải đến
địa vị thứ bảy trong Thập địa thì mới phát huy được tối đa đức tính này,
sau khi sự thành tựu về trí huệ đã giúp Bồ Tát nhận ra được tánh không
thật sự của tất cả mọi sự vật mà có vẻ như đang hiện hữu. Phương tiện
thiện xảo là khả năng phát huy được năng lực tinh thần tiềm ẩn của những
con người khác nhau,1 bằng vào những lời nói và việc làm được điều
chỉnh theo đúng với nhu cầu và phù hợp theo với khả năng nhận thức riêng
của mỗi người. Nếu sự thật là như vậy, thì tất cả những gì mà cho đến
lúc này chúng ta đã miêu tả như là các yếu tố cấu thành giáo lý Đại thừa
chỉ toàn là phương tiện thiện xảo, và không có gì khác hơn nữa. Đó là
một loạt những điều tưởng tượng được khéo léo bày ra chỉ nhằm thúc đẩy
sự giải thoát của chúng sanh. Thực sự mà nói là không có chư Phật, không
có các vị Bồ Tát, không có sự chứng quả và cũng không có các địa vị tu
chứng. Tất cả những điều này chỉ là được tưởng tượng ra, được điều chỉnh
cho phù hợp, và tùy thuận theo với nhu cầu của chúng sanh mê tối, với
mục đích là đưa họ vượt qua đến bến bờ giải thoát.2 Trừ ra một thực tại
duy nhất, cũng còn gọi là tánh không hoặc chân như, còn thì tất cả mọi
sự việc khác đều không thực sự hiện hữu, và cho dù có nói đến bất cứ
điều gì cũng chỉ là hoàn toàn không thật, giả tạo và vô giá trị. Nhưng
cho dù như vậy, chẳng những là những điều ấy có thể được phép nói ra, mà
thậm chí còn là hữu ích nữa, bởi vì sự giải thoát của chúng sanh cần
đến chúng.
5. Cho đến lúc này, chúng ta đã nói về những phương thức để đạt đến
giải thoát. Bây giờ, chúng ta sẽ đề cập đến chính sự giải thoát đó.
Những thuyết giảng sáng suốt về bản thể, hay bản chất của thực tại, đã
tạo nên phần cốt lõi của giáo lý Đại thừa. Những thuyết giảng này vô
cùng tinh tế, khó hiểu, khó nắm bắt và không thể nào tóm lược, bởi vì
chúng không phải là những phát biểu dứt khoát về những sự kiện cụ thể,
và bởi vì về mặt diễn đạt chúng không giải thích bất cứ điều gì, không
nói ra điều gì cụ thể, vì thực tại tối thượng không ngăn ngại được cho
là vượt quá khả năng nắm bắt của tri thức và sự diễn đạt của ngôn từ.
Cho dù có là gì đi nữa, những giáo lý chuyên biệt về bản thể của Đại
thừa đã phát triển hợp lý từ triết lý của Đại chúng bộ, đối nghịch một
cách trực tiếp và có ý thức với giáo lý của Nhất thiết hữu bộ.
Bốn luận đề cơ bản sau đây là những điểm chung của tất cả những người theo Đại thừa:
a. Tất cả các pháp đều là không, theo ý nghĩa mỗi pháp không là gì cả
trong tự thân chúng, và tự thân chúng cũng không là gì cả. Do vậy, bất
cứ pháp nào cũng không thể phân biệt được với các pháp khác. Và vì thế,
tất cả các pháp đều hoàn toàn không thực và giống như nhau.
b. Tánh không này có thể được gọi là chân như, khi người ta nhận thức
mỗi sự vật hoàn toàn đúng như thực có, không thêm, không bớt bất cứ điều
gì. Chỉ có một chân như duy nhất, và thế giới đa dạng chỉ là được dựng
lên bằng trí tưởng tượng của chúng ta.
c. Nếu tất cả là một và như nhau, vậy thì cái tuyệt đối cũng sẽ giống
với cái tương đối, cái vượt ngoài nhận thức giống với cái được nhận
thức, và Niết-bàn cũng như luân hồi.
d. Hiểu biết chân thật phải vượt lên trên tính cách hai mặt của cả chủ thể lẫn khách thể, cũng như của sự xác định và phủ định.
Bốn luận đề này đưa đến gần sự giải thoát, nhưng không thực sự đạt đến.
Chỗ thâm sâu nhất của toàn bộ giáo lý là không có gì khác hơn ngoài sự
yên lặng.
Bây giờ chúng ta nói đến Phật giáo Đại thừa được hệ thống hóa, vốn được
chia thành hai trường phái triết học chính: phái Trung luận và phái
Du-già.
Phái Trung luận được thành lập bởi ngài Long Thọ (vào khoảng năm 150),
người miền Nam Ấn, là một trong những bộ óc vĩ đại nhất của xứ Ấn Độ.
Trường phái này tồn tại qua nhiều thế kỷ và cũng đã phát triển mạnh mẽ ở
Trung Hoa và Tây Tạng. Triết lý Trung luận chủ yếu là một học thuyết
biện luận nhắm đến sự hoài nghi bao trùm tất cả, bằng cách chỉ ra rằng
mọi phát biểu đều giống nhau ở điểm là tất cả đều không thể đứng vững
được. Điều này cũng đúng ngay cả khi nói về cái tuyệt đối. Tất cả mọi sự
việc tất yếu đều là giả tạo, duy chỉ có cái “im lặng sấm sét” của đức
Phật mới có thể nói lên đầy đủ về điều đó. Về mặt giải thoát, tất cả mọi
sự việc phải được buông bỏ hết, cho đến khi chỉ còn duy nhất cái tánh
không tuyệt đối, và khi ấy giải thoát sẽ được đạt đến.
Sự khởi đầu mờ nhạt của tư tưởng Du-già có thể đã được nhận ra vào thời
của ngài Long Thọ, nhưng phải đến thế kỷ 4 triết lý này mới được hình
thành rõ nét. Ở đây, hai vị Thế Thân1 và Vô Trước2 là những tên tuổi vĩ
đại nhất, và sự nghiên cứu của lịch sử cận đại cho đến nay vẫn chưa
thành công trong việc phân loại, sắp xếp rất nhiều dữ kiện mâu thuẫn
hiện có về niên đại, tác phẩm và hành trạng của họ.
Phái Du-già đưa ra một lý thuyết chủ yếu về mặt tâm lý, và tin rằng cái
tuyệt đối, về mặt thực dụng, có thể được mô tả như là tâm, ý hay là
thức.
Lý thuyết của họ là một thứ chủ nghĩa duy tâm siêu hình,3 theo đó thì
tâm thức sáng tạo ra đối tượng của nó nhờ vào chính những năng lực tiềm
ẩn nội tại. Tuy nhiên, tâm thức có thể tự nó hiện hữu mà không cần có
bất cứ đối tượng nào. Về mặt giải thoát, phái Du-già nhắm đến một nhận
thức không chạy theo đối tượng. Sự giải thoát được đạt đến khi chúng ta
có thể tạo ra được một nhận thức thuần túy, nghĩa là chỉ thuần có tâm
thức, và hoàn toàn vượt qua ranh giới giữa chủ thể và đối tượng.
Hai trường phái Trung luận và Du-già rõ ràng là hoàn toàn khác biệt nhau
về những gì họ quan tâm cũng như mục tiêu nhắm đến. Vì thế, những cuộc
tranh luận thỉnh thoảng xảy ra giữa đôi bên đã không có mấy ảnh hưởng,
và rất ít được nói đến trong các tác phẩm của họ. Nói chung, mỗi trường
phái đều hài lòng với việc vạch ra giáo lý của riêng mình, không chú ý
lắm đến trường phái kia. Đối với những người theo phái Trung luận, giáo
lý của phái Du-già có vẻ như là một sự sai lầm hoàn toàn không thể hiểu
được. Trong khi đó, phái Du-già xem giáo lý Trung luận như là giai đoạn
ban đầu của chính họ, tuy nhiên, đã đi chệch hướng chân lý và cốt lõi bí
truyền của Phật giáo.
Trường phái Du-già còn đáng chú ý hơn ở chỗ là đã sáng tạo ra phần cuối
cùng của giáo lý về Tam thân Phật. Đức Phật được cho là hiện hữu trên ba
mức độ khác nhau. Khi là Pháp thân,1 ngài là Tuyệt đối, là Chân lý, là
chính bản thân Thực tại. Khi là Báo thân,2 ngài thị hiện chính mình cho
các vị Bồ Tát và hàng thánh giả được nhìn thấy, và thuyết pháp cho họ
nghe ở các cõi trời, tạo ra sự vui thú và ưa thích đối với Pháp. Sau
cùng, khi là Hóa thân,3 ngài là thân mà chúng sanh có thể nhìn thấy thị
hiện vào những thời điểm nhất định nơi thế gian, vốn là thân hư ảo do
Phật hóa hiện ra để thực hiện công việc hóa độ trên thế gian. Bằng vào
sự tinh luyện về mặt tri thức, nhiều người thuộc phái Du-già còn thêm
vào một thân thứ tư nữa, đó là Tự tánh thân,4 là căn bản của cả ba thân
kia.
Nhưng ở đây cần phải hết sức lưu ý thận trọng. Giáo lý Tam thân Phật này
thường được nhiều người cho là do những người thuộc phái Du-già đề ra
trước tiên vào khoảng năm 300, nhưng về cơ bản không có gì thật sự mới
trong đó. Cả ba thân này đều đã được biết đến từ nhiều thế kỷ trước.
Việc đồng nhất một khía cạnh của đức Phật với Pháp thể1 đã được đưa ra
từ thời kỳ đầu, và thuộc về phần cốt yếu của Phật giáo. Về Báo thân, đã
có một truyền thống lâu đời nói về ba mươi hai tướng tốt của bậc vĩ
nhân. Những tướng tốt này rõ ràng là không thuộc về phần thân xác mà ai
ai cũng có thể nhìn thấy được, mà là gắn liền với một loại thân thể mầu
nhiệm chỉ có thể nhìn thấy được bằng đức tin, và chỉ tự hiển lộ ra trước
hàng thánh giả.
Mặc dù một sự giả định về loại thân thể mầu nhiệm như thế đã được đưa ra
từ rất lâu, nhưng mãi cho đến khoảng năm 300, tất cả những gì được nói
về điều này vẫn còn mơ hồ và khó nắm bắt. Rất có thể là phần giáo lý về
đề tài này chưa được phát triển đầy đủ trước thế kỷ 3. Nhưng cũng có thể
là phần giáo lý này được xem như đặc biệt thiêng liêng, và vì thế được
giữ kín, chỉ có thể trực tiếp khẩu truyền cho những ai có đủ phẩm chất
tâm linh để tiếp nhận, còn những người khác phải tự hài lòng với một số
ít những đề cập mơ hồ. Về sau, có thể là sự suy thoái liên tục mà chúng
ta đã có lần nói đến trước đây đã đi kèm theo với sự trần tục hóa phần
giáo lý đó.
Trong thời kỳ đầu, như chúng ta đã biết, một tăng sĩ không được phép
trực tiếp truyền dạy kinh điển cho cư sĩ. Và chúng ta nghe nói về ông
Cấp Cô Độc, một trong những đại thí chủ lớn nhất thời ban đầu của Giáo
hội, rằng chỉ đến lúc lâm chung, sau nhiều năm kính ngưỡng đức Phật và
ủng hộ Tăng-già, mới được nghe ngài Xá-lợi-phất giảng về tính chất không
thỏa mãn của sáu trần.2 Bởi vì, theo lời ngài Xá-lợi-phất, những vấn đề
như vậy chỉ dành cho tăng sĩ áo vàng, thường không được giảng dạy cho
hàng cư sĩ áo trắng. Về sau, trước tiên là kinh điển nói chung không còn
được giữ kín nữa, và tiếp theo, những phần giáo lý ẩn mật hơn cũng dần
dần được bộc lộ ra từng điểm một. Và thực tế là trường phái Du-già luôn
cho rằng tất cả những gì họ làm chỉ là giải thích những ý nghĩa mật
truyền đã có từ lâu, nhưng chưa bao giờ được phổ biến rộng khắp cho tất
cả mọi người.
Nếu quả đúng như vậy, thì những gì mà trong lịch sử tư tưởng Phật giáo
có vẻ như đổi mới về giáo lý thường rất có thể chỉ là sự chuyển đổi dần
dần đường ranh giới phân vạch giữa phần giáo lý mật truyền và phần giáo
lý công truyền. Ban đầu, ngay cả cho đến thời vua A-dục, phần lớn giáo
lý đều là mật truyền, trừ ra một số chuẩn mực đạo đức hoặc những điều
tương tự. Cho đến thời đại Tan-tra,1 vào thời kỳ thứ ba, thì ngay cả
những giáo lý bí truyền nhất cũng đã được ghi chép. Tiến trình này có
thể được hiểu như để bù đắp lại sự thất bại được thừa nhận ngày càng gia
tăng trong việc đạt đến những thành quả tâm linh đã đặt ra. Những vị
tăng không thể tự mình đạt đến sự chứng ngộ trong tự tâm, thường lao vào
những hoạt động hướng ngoại, truyền bá rộng rãi giáo lý của họ trong
đại chúng. Từ thực tế là mỗi ý tưởng đưa ra chỉ có thể được xác nhận vào
một thời gian về sau, nên chúng ta không thể đưa ra bất cứ kết luận nào
có tính cách thuyết phục về việc ý tưởng ấy có thật sự vừa được nghĩ ra
vào lúc nó được công bố hay không. Bởi vì, rất có thể chỉ là vào lúc đó
ý tưởng này mới thôi không dành riêng cho một số người chọn lọc, mà
phần nào được đưa ra cho tất cả mọi người.
2. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TIỂU THỪA Ở ẤN ĐỘ
Bất chấp sự phát triển của Đại thừa, những trường phái Tiểu thừa cổ
xưa vẫn duy trì được sự phát triển của riêng họ. Những sự phát triển mới
tất nhiên là đã có phần nào ảnh hưởng đối với họ. Họ điều chỉnh theo
một vài giáo lý của Đại thừa, hoặc là từ sự vay mượn trực tiếp, hoặc là
vì họ cùng chịu ảnh hưởng giống như những gì đã hình thành nên Đại thừa.
Quan niệm về Bồ Tát giờ đây đã trở nên nổi bật trong những câu chuyện
tiền thân kể về nhiều đời sống trước đây của đức Phật, vốn rất được ưa
chuộng rộng rãi. Nguồn gốc ban đầu của những câu chuyện này là những
chuyện ngụ ngôn, thần thoại, những chuyện kể truyền miệng... được rút từ
trong kho tàng truyện dân gian phong phú của Ấn Độ. Những câu chuyện
đang lưu hành này, sau đó được sửa đổi cho phù hợp với việc sử dụng
trong Phật giáo, bằng cách trình bày như những sự việc xảy ra trong cuộc
đời thật của đức Phật. Trong một thời gian dài, những câu chuyện này
được đưa ra để minh họa các giới luật do Phật chế định, hoặc với mục
đích ca ngợi tâm hồn cao quý của đức Thế Tôn. Chỉ về sau này, chúng mới
được kể lại dưới hình thức chuyện kể về Bồ Tát. Liên quan đến những câu
chuyện tiền thân của đức Phật, một loạt 10 pháp ba-la-mật1 được kể ra,
song song với 6 ba-la-mật của Đại thừa. Thêm nữa, lòng từ bi trong những
câu chuyện trước đây chỉ là một đức tính phụ thuộc và nhỏ nhặt, nhưng
đã trở nên nổi bật hơn trong những câu chuyện về hành trạng của Bồ Tát.
Bồ Tát bao giờ cũng là tiền thân trong những kiếp sống trước đây của đức
Phật. Ngoài ra, giáo lý về tánh không lúc này được nhấn mạnh hơn trước
đó. Một sự thừa nhận rằng thời đại bấy giờ đã xấu đi, không còn là thời
của các vị A-la-hán, đã đưa đến sự coi trọng hơn đối với mong muốn theo
đuổi những mục đích thứ yếu, chẳng hạn như tái sanh về cảnh giới của chư
thiên, hoặc cảnh giới của đức Di-lặc, vị Phật tương lai hiện đang ở cõi
trời Đâu-suất.2
Nhưng nói chung thì những sự nhượng bộ này được thực hiện một cách khá
miễn cưỡng. Những nguồn tư liệu hiện có của chúng ta về Tiểu thừa hầu
như chẳng bao giờ đề cập đến những người theo Đại thừa, cho dù là theo
cách tích cực hay tiêu cực. Những người Tiểu thừa có phần nào hoài nghi
đối với tất cả những cách tân của Đại thừa. Về tuyên bố cho rằng những
kinh điển mới của Đại thừa chính là lời Phật dạy, họ đã từ chối không
chịu tiếp nhận một cách nghiêm túc. Trong thực tế, họ phủ nhận những
kinh điển này, cho rằng chúng cũng giống như quá nhiều những sự bịa đặt
khác, và không đáng để xem xét một cách nghiêm túc. Sự im lặng hoàn toàn
của các học giả Tiểu thừa về vấn đề Đại thừa là bằng chứng mạnh mẽ cho
chúng ta biết rõ họ đã nghĩ gì về bộ phái đồ sộ này.
Không nao núng bởi Đại thừa, những người Tiểu thừa tiếp tục phát triển
giáo lý riêng của mình, chủ yếu là làm rõ thêm những hàm nghĩa hợp lý
trong bộ A-tỳ-đạt-ma của họ.1 Việc biên soạn và hệ thống hóa bộ luận này
phải mất hết bốn thế kỷ đầu Công nguyên. Sau đó, bộ luận này được hoàn
tất cho hai trường phái chính. Về việc này, chúng ta có được phần nào
hiểu biết chính xác, chẳng hạn như ngài Thế Thân hoàn thành bộ luận của
Nhất thiết hữu bộ, và ngài Phật Âm2 hoàn thành bộ luận của Thượng tọa
bộ.
Vào khoảng năm 400, Tiểu thừa đạt đến mức hoàn thiện nhất trong khả năng
của họ. Sau đó, không còn có thêm gì mới, và mặc dù tồn tại thêm 800
năm nữa, Phật giáo Tiểu thừa Ấn Độ để lại cho chúng ta rất ít dấu vết
của những hoạt động sáng tạo tri thức tiến xa hơn. Chính ngài Thế Thân
đã cảm thấy mình đi đến đoạn cuối của một thời đại, và ngài kết thúc bộ
luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá3 bằng những dòng nổi tiếng sau đây:
“Thời đã đến,
Với sự tràn ngập sóng vô minh dâng cao
Phật giáo dường như thở hơi cuối cùng.”
Sự sáng tạo bộ luận A-tỳ-đạt-ma là một trong những thành tựu vĩ đại nhất
của trí huệ con người. Trong phần 3 của Chương I đã giải thích phần nào
một số ý nghĩa được dùng của danh từ pháp. Trong thời kỳ thứ hai, người
ta đã cố xác định một cách có hệ thống xem có bao nhiêu loại pháp, hay
thành phần cơ bản của kinh nghiệm, cần phải được thừa nhận. Nhất thiết
hữu bộ đạt được một danh sách 75 pháp. Trong khi đó, Thượng tọa bộ tin
rằng cần phải nêu đến 174 pháp. Nhưng sự khác biệt giữa hai con số này
ít nghiêm trọng hơn nhiều so với vẻ ngoài. Danh sách của Thượng tọa bộ
tuy dài hơn rất nhiều, nhưng chủ yếu là vì họ chia nhỏ pháp thứ 14
(tưởng) của Nhất thiết hữu bộ thành 89 loại thức. Ngoài ra, hai danh
sách này khác nhau ở sự sắp xếp, thứ tự liệt kê và cách dùng từ, cũng
như một số các chi tiết vụn vặt, quá phiền toái để kể hết ra đây. Những
yếu tố cơ bản vốn đã được giải quyết xong trước đó, vào lúc mà hai
trường phái vẫn còn thống nhất với nhau, và chỉ có những chi tiết cuối
cùng là được thêm vào sau này.
Phạm vi đáng kinh ngạc của những nghiên cứu trong bộ luận A-tỳ-đạt-ma có
thể được nhận rõ khi chúng ta nhìn vào những đề tài mà ngài Thế Thân
bàn đến trong bộ luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá. Bộ luận có 8 chương, bàn về
những hiện tượng trong tự nhiên, về những sức mạnh và bản năng tự nhiên,
về vũ trụ học... nghĩa là nguồn gốc, sự sắp xếp và hủy diệt của vũ trụ,
và bàn về nghiệp báo, những dục vọng, các bậc thánh giả khác nhau và
những phương pháp dẫn đến giải thoát, và chấm dứt bằng một khảo sát về
năng lực nhận thức thiêng liêng và những thành tựu của thiền định. Thêm
vào đó còn có một phần phụ lục dành để bác bỏ quan điểm của những người
thừa nhận sự hiện hữu tự ngã, kể cả những tín đồ Phật giáo. Việc loại
trừ và xóa bỏ tất cả những quan điểm như vậy là mục tiêu chính của ngài
Thế Thân trong việc biên soạn bộ luận của mình.
Trước phần tổng kết cuối cùng là những bài luận thuyết rất dài và bao
quát, trong đó chúng ta có được một số tư liệu về Nhất thiết hữu bộ.
Trong thế kỷ thứ nhất, bộ phái này đã san định lại kinh tạng của họ.
Khoảng năm 100, có bộ Tỳ-bà-sa,1 một bộ luận giải của bộ A-tỳ-đạt-ma, và
vào khoảng năm 200, ra đời bộ luận đồ sộ Đại Tỳ-bà-sa,2 được biên soạn
bởi 500 vị A-la-hán ở Kashmir, và đã hình thành tên gọi Tỳ-bà-sa bộ3 cho
bộ phái chính thống nhất thành lập từ Nhất thiết hữu bộ. Danh xưng
Tỳ-bà-sa có nghĩa là “sự lựa chọn”, và tên gọi của những tác phẩm vừa đề
cập trên xuất phát từ thực tế là rất nhiều ý kiến khác nhau của các bậc
luận sư hàng đầu đều được ghi nhận cẩn thận, để người đọc có thể lựa
chọn những ý kiến nào tỏ ra phù hợp nhất với mình.
Trường phái đối nghịch chủ yếu của Tỳ-bà-sa bộ là Kinh lượng bộ. Họ
không tin rằng bảy cuốn A-tỳ-đạt-ma cơ bản là do chính đức Phật truyền
dạy, và cho rằng chỉ có những gì trong bộ A-tỳ-đạt-ma được trích dẫn rải
rác từ Kinh tạng là những nền tảng có thể tin cậy được.
Giáo lý của Kinh lượng bộ thường đơn giản hơn và rõ ràng là hợp lý hơn
giáo lý của Nhất thiết hữu bộ. Sự mâu thuẫn giữa hai trường phái này
liên quan đến những vấn đề chẳng hạn như khả năng tự tỉnh giác, hoặc là
sự nhận thức trực tiếp đối tượng, hay tranh luận về việc trong ý nghĩa
nào thì một đối tượng khách quan thực sự hiện hữu, hoặc cái gì thực hiện
hành vi thấy: là con mắt, là ý thức hay là tâm. Họ cũng tranh luận về
việc sự hủy diệt có nguyên nhân của nó, hay xảy đến một cách tự nhiên
như là bản chất vốn có của sự vật.
Ngài Thế Thân đã có nhiều nhượng bộ đối với quan điểm của Kinh lượng bộ,
và vì thế, bộ luận của ngài bị bộ phái chính thống Tỳ-bà-sa công kích.
Ngài Thế Thân khi ấy đã nhận ra ngài Chúng Hiền1 là một luận sư đối
nghịch có năng lực mạnh mẽ, đã phê phán bộ luận của ngài theo quan điểm
truyền thống. Mặc dù vậy, bộ luận này vẫn ngày càng được nhiều người
thừa nhận như là kết luận cuối cùng về đề tài này, và việc có rất nhiều
luận sư chú giải cho bộ luận đã chứng minh được sự phổ biến rộng rãi của
nó kéo dài đến nhiều thế kỷ sau đó.
Tuy nhiên, những hoạt động sáng tạo của Tiểu thừa không chỉ hoàn toàn
giới hạn ở bộ luận A-tỳ-đạt-ma. Những chuyện kể về sự đản sinh của đức
Phật và những chuyện kể có tính cách giáo dục liên tục được gia tăng.
Cuộc đời và nhân cách của đức Phật đã thu hút nhiều sự chú ý của tín đồ.
Bồ Tát Mã Minh,2 vốn cũng là một nhà thơ tài hoa, đã dùng hình thức thi
ca của tiếng Sanskrit để truyền bá rộng rãi thánh sử của đức Phật qua
tác phẩm Phật sở hạnh tán,1 trong đó được đưa vào rất nhiều kiến thức
của đạo Hindu. Tác phẩm của ngài nổi bật lên với sự nhiệt tình cống
hiến, nhưng không có lý do nào để cho rằng ngài là một người theo Đại
thừa, dù hiểu theo bất cứ nghĩa chính xác nào của danh từ này, và những
quan điểm của ngài cho thấy có nhiều sự đồng cảm với quan điểm của Đại
chúng bộ hơn là với bất cứ trường phái đã được biết nào khác.
Ngài Thế Thân cũng viết kịch nữa. Từ thời đại của ngài trở đi, kịch nghệ
đã trở thành một phương tiện được ưa chuộng hơn hết để truyền bá rộng
rãi những quan điểm của Phật giáo.
Ở Miến Điện và Tây Tạng, một số những câu chuyện dài hơn về tiền thân
đức Phật hiện nay vẫn còn là đề tài ưa chuộng trong kịch nghệ, chẳng hạn
như câu chuyện Vessantara nổi tiếng, kể về một người đã bố thí tất cả
những gì mình có. Vào thế kỷ 5, lịch sử đức Phật được biên soạn ở Tích
Lan dưới hình thức mở đầu cho quyển truyện tiền thân bằng tiếng Pli.
Thánh sử này kể về đức Phật từ thời xa xưa trong quá khứ, khi ngài bắt
đầu phát tâm Bồ-đề quyết định sẽ thành Phật, cho đến lúc ngài bắt đầu
giáo hóa sau khi thành đạo. Chúng ta còn có quyển “150 bài tụng ca” của
Matrceta (khoảng năm 150), ca ngợi công đức cao cả và sâu xa của đức
Phật. Tập sách này được giảng dạy cho tất cả tăng sĩ. Mục đích nhắm đến
của thể loại văn chương này là đức tin chứ không phải là trí huệ.
3. NEPAL VÀ KASHMIR
Phật giáo dường như đã có từ lâu ở Nepal, có lẽ ngay từ lúc khởi đầu
của Phật giáo. Tuy nhiên, từ thế kỷ 7 trở về trước hầu như chúng ta
không biết được gì nhiều. Và Phật giáo Nepal có nhiều khả năng là không
khác biệt đáng kể so với Phật giáo ở Bắc Ấn. Trong truyền sử
Svyambhupurna, ngài Văn-thù được dành cho một vị trí quan trọng, từng
đi từ Trung Hoa đến Svyambhu, làm biến mất một hồ nước lớn lúc đó chiếm
cả vùng thung lũng, và lập nên thành phố Kathmandu, và đặt vua
Dharmikara, người được ngài mang theo từ xứ Đại Trung Hoa1 đến, làm
người cai trị ở đó. Chính đức Phật đã đản sanh tại vườn Lam-tỳ-ni2 ở
Nepal, và vua A-dục được biết là đã đến chiêm bái thánh tích này và có
dựng lên một trụ đá khắc chữ.
Trước thời đại của vua A-dục, có lẽ Phật giáo đã được biết đến ở
Kashmir, nhưng chỉ đến giai đoạn cầm quyền của vị vua này thì Phật giáo
mới có ảnh hưởng, khi Kashmir trở thành một phần lãnh địa của ông.
Tỳ-kheo Madhyantika đã được phái đến để giáo hóa tại xứ này. Vua A-dục
đã xây 500 tinh xá cho các vị A-la-hán và cúng dường vùng thung lũng này
cho Tăng-già. Sau đó, vận mệnh Phật giáo thường xuyên thay đổi theo với
chính sách của mỗi nhà cai trị.
Dưới thời vua Kanishka, một Hội đồng trưởng lão được thành lập để san
định phần kinh điển của Nhất thiết hữu bộ. Từ đó về sau, kinh điển của
phái này thường được viết bằng tiếng Sanskrit, và chỉ riêng sự kiện này
cũng đã làm tăng thêm tầm quan trọng của những người Bà-la-môn về theo
Phật giáo, vì chỉ có họ mới hoàn toàn am hiểu sự phức tạp của loại ngôn
ngữ này.
Sau triều đại của các vua dòng Kushana, một phản ứng của những người đạo
Hindu bắt đầu. Dưới triều vua Kinnara, nhiều tự viện bị phá hủy. Các vị
vua giờ đây nói chung đều theo đạo Shiva, và vì thế sự bảo trợ từ phía
hoàng gia không còn nữa.
Trong suốt thời kỳ thứ hai này, Kashmir nổi tiếng là một trung tâm
nghiên cứu Phật giáo. Gần như tất cả những học giả Phật giáo từ thời
ngài Mã Minh cho đến ngài Vô Trước đều đã từng cư ngụ một thời gian nào
đó ở đây. Vào khoảng năm 250, ngài Ha-lê-bạt-ma3 soạn bộ Thành thật
luận,4 một sự tổng hợp lý thú các quan điểm Đại thừa và Tiểu thừa. Các
vị tăng Kashmir đã có đến Khotan, Trung Hoa và xứ Andhra, và chính một
vị tăng Kashmir là Gunavarman đã giáo hóa thành công ở xứ Java vào hồi
đầu thế kỷ 5.
4. TÍCH LAN
Vào đầu thời kỳ này, một cuộc tranh luận đáng kể nhất đã diễn ra về
việc so sánh giữa trau giồi tri thức và công phu hành trì thì điều nào
là quan trọng hơn. Phái Dhammakathikas nhấn mạnh vào việc trau giồi tri
thức hơn là sự thực hành nhận thức, và đã giành được phần thắng. Kết quả
là toàn bộ tính cách của Phật giáo Tích Lan đã thay đổi. Các vị tăng có
học thức rất được kính trọng, và vì thế tất cả những tăng sĩ có trí
thông minh đều chuyên tâm vào việc đọc sách. Việc dành trọn thời gian
cho công phu thiền định thường chỉ được thực hiện bởi các vị tăng lớn
tuổi, trí óc kém minh mẫn và thể trạng yếu ớt. Không bao lâu, việc trau
giồi tri thức không chỉ bao gồm kinh điển Phật giáo, mà còn được mở rộng
với các môn học như ngôn ngữ, ngữ pháp học, sử học, luận lý học, y học
v.v... Các tự viện Phật giáo trở thành những trung tâm học thuật và văn
hóa, và còn có thêm cả sức hấp dẫn về mặt nghệ thuật nữa.
Vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Saddhatissa, một vị hoàng đệ, đã
đề nghị các vị tăng sĩ thử nêu tên, dù chỉ một vị thánh tăng xứng đáng
với sự sùng kính của ông ta.1 Nhưng mặt khác, những bài luận giải bằng
tiếng Tích Lan lại cho rằng vào thời đó đảo quốc này có rất nhiều vị
A-la-hán, và rất lâu sau đó vẫn còn nhiều vị tăng duy trì nếp sống
nghiêm trì giới luật, khắc khổ và theo đuổi về tâm linh. Theo các ngài
Pháp Hiển và Huyền Trang, Tích Lan đã từng nổi tiếng trong các nước theo
Phật giáo.
Trong thế kỷ 5, có ba học giả đã dịch những bộ luận giải Tích Lan cổ xưa
ra tiếng Pli. Tất cả đều đến từ Nam Ấn, không phải người Tích Lan. Đó
là các vị Phật-đà Đạt-đa,2 Phật Âm và Pháp Hộ.3 Người nổi tiếng nhất
trong cả ba là ngài Phật Âm, đã trình bày phần khảo sát tuyệt vời của
ngài về giáo lý Phật giáo trong quyển luận Thanh tịnh đạo.4 Quyển luận
này là bản tổng quan về Tam tạng kinh điển, và là một trong những kiệt
tác vĩ đại của nền văn chương Phật giáo, trong đó trình bày một cách xác
thực, rõ ràng và chi tiết những phương pháp thực hành thiền quán chính
yếu của các vị tăng Du-già.
Vào cuối thế kỷ 5, một hội đồng đã xem xét san định lại các bản kinh
điển một lần nữa. Từ đó trở về sau, giáo lý và truyền thống của Thượng
tọa bộ đã được cố định dứt khoát. Và khoảng năm 400, kinh điển bằng
tiếng Pli lần đầu tiên được dịch sang tiếng Tích Lan.
Để duy trì sức sống của mình, Phật giáo Tích Lan tiếp tục phụ thuộc vào
mối quan hệ với Ấn Độ. Nhưng tính chất của mối quan hệ này đã thay đổi
vào thời kỳ thứ hai. Sự liên lạc với các cảng ở miền Tây đã bị bãi bỏ,
và được thực hiện qua các cảng ở cửa sông Hằng. Như vậy, ảnh hưởng của
các vị tăng vùng Ma-kiệt-đà1 tự nhiên được bộc lộ.
Trong thời kỳ này có nhiều sự bất hòa và mâu thuẫn giữa hai tự viện chính: Mah-vihar2 và Abhayagiri-vihar.3
Abhayagiri-viharā được thành lập từ năm 24 trước Công nguyên. Chư tăng ở
đây có một thái độ cởi mở hơn đối với cư sĩ, tiếp xúc nhiều hơn với Ấn
Độ, có quan điểm tự do, đón nhận những tư tưởng mới từ bên ngoài và cấp
tiến hơn so với những vị tăng bảo thủ ở Mah-vihar. Ngay sau khi thành
lập, họ tiếp nhận các vị tăng thuộc phái Độc tử bộ từ Ấn Độ sang. Về
sau, họ còn thêm vào giáo lý căn bản của Thượng tọa bộ những phần mở
rộng gồm giáo lý và kinh điển Đại thừa. Vào cuối thế kỷ 3, chúng ta nghe
nói đến một trường phái mới xuất phát từ phái này, gọi là Phương đẳng
bộ.4 Đây có lẽ là một hình thức của Đại thừa. Và vào thế kỷ 4, họ tiếp
nhận một vị ni sư Đại thừa Ấn Độ là Tăng-già-mật-đa,5 thông thạo phép
trừ tà, được nhà vua ủng hộ, và tự viện Mah-vihar bị đóng cửa một thời
gian. Nhưng không bao lâu sau, Tăng-già-mật-đa bị một người thợ mộc giết
chết, và sau năm 362 Mah-vihar bắt đầu hoạt động trở lại. Vào năm 371,
một chiếc răng hàm trái của đức Phật được mang đến Tích Lan từ vùng
Dantapura ở Kalinga, và phần xá-lợi quý giá này được giao cho
Abhayagiri-viharā, vì khuynh hướng Đại thừa ở đây sẵn lòng hơn trong
việc khuyến khích sự sùng bái. Vào đầu thế kỷ 5, Ngài Pháp Hiển tính
được có 60.000 vị tăng ở Tích Lan. Trong số đó có 5.000 vị thuộc
Abhayagiri-viharā và 3.000 vị thuộc Mah-vihar. Khuynh hướng chính thống
của Tích Lan đã thành công trong việc ngăn chặn hoàn toàn các tác phẩm
văn chương của những người ở Abhayagiri-viharā, nhưng một trong những
tác phẩm của họ được giữ lại trong bản dịch tiếng Trung Hoa. Đó là cuốn
Giải thoát đạo luận của ngài Ưu-ba-để-sa,1 có cùng chủ đề như cuốn Thanh
tịnh đạo luận của ngài Phật Âm và đã được viết ra trước đó. Thật lạ
lùng khi có thể nhận ra là quyển sách ấy không bắt nguồn từ bất cứ nền
tảng nào trong giáo lý của Thượng tọa bộ.
5. SỰ MỞ RỘNG SANG ĐẠI Á
Phải mất năm thế kỷ trôi qua trước khi Phật giáo được thấm nhuần khắp
tiểu lục địa Ấn Độ, tương đương với khoảng thời gian La Mã chinh phục
bán đảo Ý. Khoảng 500 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, Phật giáo đã có
thể bắt đầu mở rộng sang Đại Á. Gandhara, thuộc vùng tây bắc Ấn Độ, được
xem là cái nôi của Phật giáo thế giới. Chính từ nơi đây, các vị tăng sĩ
trong màu y vàng đã dần dần thâm nhập vào Trung Á, và từ đó tiến vào
Trung Hoa rồi tiến xa hơn nữa. Và bộ phái Phật giáo phát triển được bên
ngoài Ấn Độ chủ yếu chính là Đại thừa.
Chúng ta cần giải thích đôi chút về việc tại sao những người Đại thừa đã
thành công hơn nhiều trong việc truyền bá Phật giáo ra nước ngoài so
với Tiểu thừa. Không phải là những người Tiểu thừa thiếu nhiệt tình
trong việc truyền đạo, nhưng khiếm khuyết chính của họ là sự cứng nhắc,
thiếu linh hoạt, uyển chuyển. Trong khi đó, những người Đại thừa phóng
khoáng hơn nhiều trong việc giảng giải kinh văn. Điều này đúng cả về mặt
giới luật cũng như về giáo lý. Chẳng hạn như, nếu giới không ăn thịt
được hiểu theo một cách nghiêm ngặt, thì những người dân du mục sẽ không
thể tiếp nhận được những xoa dịu từ Phật pháp, bởi vì họ không thể giữ
giới luật được một cách nghiêm ngặt. Các vị tăng Đại thừa đã nhanh chóng
tìm cách tránh né đi những điều luật không thể thực hiện như thế, bằng
cách diễn giải lại cho thích hợp với hoàn cảnh. Điều đặc biệt quan trọng
trong sự thành công của họ còn là thái độ đối với điều luật cấm tăng sĩ
làm công việc chữa bệnh. Lịch sử các đoàn truyền giáo của Thiên Chúa
giáo trong những thế kỷ vừa qua đã chứng tỏ rằng, trừ ra việc sử dụng
bạo lực, thì các đoàn truyền giáo có kết hợp việc trị bệnh đã đạt được
nhiều kết quả giáo hóa hơn hết. Bạo lực là phương thức mà những người
Phật giáo chê bỏ không dùng đến, nhưng những phương thức trị bệnh bằng
dao mổ, thảo dược, thuốc nước... đã giúp những người Đại thừa đến được
với mọi nhà, nghèo hèn cũng như giàu có. Họ tự nhủ với mình rằng, lòng
từ bi và trách nhiệm đối với đồng loại có giá trị hơn là một điều luật
tốt đẹp nhưng dùng không đúng chỗ. Họ dành trọn nhiệt tình cho việc
nghiên cứu và thực hành y học. Môn học này đã trở thành một phần trong
chương trình đào tạo chính thức, chẳng hạn như ở đại học Nlanda, và khắp
các tự viện ở Tây Tạng.
Thái độ cởi mở tương tự như vậy cũng được áp dụng đối với các vấn đề
giáo lý. Sự giảm thiểu những khác biệt giữa quan điểm Phật giáo với các
quan điểm không thuộc Phật giáo rất được coi trọng, nhằm có thể tiếp thu
tối đa những quan điểm đã có từ trước của những người mới tin theo Phật
giáo, cho dù đó là những quan điểm của Lão giáo, Tây Tạng giáo, Thần
giáo, Cảnh giáo hay phép trừ tà... Sự mở rộng này dĩ nhiên có nguy cơ
trở thành sự buông thả về giới luật và những suy diễn tùy tiện về giáo
lý. Và nói chung, những chệch hướng về giáo lý có thể được ngăn ngừa
hiệu quả hơn là sự buông thả về giới luật. Những trước tác giá trị của
Đại thừa đều chứa đựng rất ít, nếu có, những gì có thể xem là không
chính thống đối với một tín đồ Phật giáo khách quan. Có một yếu tố đã
giới hạn và kiểm soát sự mở rộng “tùy duyên” của các tác giả, đó là việc
trước khi viết sách, tâm ý họ đã được hun đúc và uốn nắn bởi nhiều năm
tu tập thiền định theo các khuynh hướng truyền thống.
Trung Hoa là nước lớn đầu tiên được tư tưởng Phật giáo thâm nhập vào.
Cũng giống như ở Nhật Bản và Tây Tạng sau này, Phật giáo trải qua năm
giai đoạn mà chúng ta sẽ sắp xếp các tư liệu dựa theo đó.
1. Mở đầu là thời kỳ củng cố nền tảng, được đánh dấu bằng sự phiên dịch các kinh căn bản.
2. Thời kỳ này được nối tiếp bởi một cố gắng sơ khởi nhằm đi đến chỗ
thích hợp với thực tiễn. Phật giáo không phải truyền bá vào những nơi
chưa có chỗ dựa tinh thần, mà thật ra là phải đối mặt khắp nơi với những
con người đã hun đúc từ những truyền thống trước đó, như Lão giáo ở
Trung Hoa, Thần giáo ở Nhật, Tây Tạng giáo1 ở Tây Tạng...
3. Giai đoạn thứ ba được đánh dấu bởi một sự nhận hiểu thuần thục hơn về
giáo lý, nhưng phần lớn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào những mẫu mực của
Ấn Độ. Chẳng hạn như, ở Trung Hoa điều này được biểu lộ qua việc những
bản chú giải đa dạng, thường là ngắn gọn, hoặc những bộ luận giảng về
giáo lý, được ngụy tạo như những bản dịch từ tiếng Sanskrit. Có hai
trong số những trường hợp này được nhiều người biết đến. Một là văn bản
Khởi tín luận,2 được cho là của ngài Mã Minh nhưng không đúng. Hai là
một bản văn gọi là “Kinh Thủ Lăng Nghiêm”,3 được cho là đã mang từ đại
học Nālandā về, nhưng thật ra là viết ở Trung Hoa.
4. Giai đoạn thứ tư, có lẽ là giai đoạn quan trọng nhất và thường phải
mất khoảng 600 năm để đạt đến. Những hình thức Phật giáo Trung Hoa, Phật
giáo Nhật Bản và Phật giáo Tây Tạng đã có thể tồn tại độc lập,1 không
còn xung đột với dân tộc tính của mỗi nước, biểu hiện ở Trung Hoa là
Thiền tông, ở Nhật Bản là thời kỳ Liêm Thương,2 và ở Tây Tạng là Hồng
phái,3 Hoàng phái.4
5. Giai đoạn thứ năm là giai đoạn suy yếu dần.
Như chúng ta đã thấy, giai đoạn đầu hoàn toàn chỉ là một sự sao chép nguyên bản từ Phật giáo Ấn Độ5 sang bản địa.
Giai đoạn thứ hai, Phật giáo bản địa bắt đầu sự tồn tại độc lập của
mình, đã phần nào đó có tính chất tự quyết, giống như đứa trẻ lên hai.
Giai đoạn thứ ba, Phật giáo bản địa đạt đến một mức độ độc lập thật sự,
tuy vậy không phải là hoàn toàn tự quyết, giống như trong tuổi thiếu
niên.
Giai đoạn thứ tư là khi bản năng dân tộc cuối cùng đã có thể tự hòa nhập
để cùng tồn tại.6 Đứa trẻ đã trưởng thành. Giai đoạn sáng tạo này của
Phật giáo được kéo dài trong nhiều thế kỷ, như thời kỳ sau khi trưởng
thành của một con người.
Và giống như tuổi già phải đến sau thời kỳ đã trưởng thành, năng lực
sáng tạo của Phật giáo mờ nhạt dần đi trong giai đoạn thứ năm.
6. TRUNG Á
Được truyền đi từ vương quốc Bactria7 thuộc Ấn-Hy, vào thế kỷ 2 trước
Công nguyên Phật giáo đã được thiết lập vững vàng tại Trung Á. Những
vùng Khotan, Kuchan, Turfan ... vào lúc đó là những trung tâm văn hóa
phát triển mạnh, nhờ những tuyến đường đi lại ngang qua đó. Việc thiết
lập của Phật giáo trên những con đường tơ lụa lớn này là một sự kiện có
tầm quan trọng quyết định cho sự phát triển tương lai ở vùng Đông Á.
Trong số các bộ phái, Nhất thiết hữu bộ và Đại thừa tỏ ra mạnh mẽ nhất.
Họ đã mang theo những kinh điển của bộ phái mình, và trong thế kỷ 20
nhiều người châu Âu đã có những phát hiện quý giá trong vùng sa mạc xứ
Turkestan, tìm thấy những kinh sách của Ấn Độ được đưa vào Trung Á và cả
những bản dịch kinh điển ra các thổ ngữ như tiếng Khang Cư,1 tiếng
Khotan, hay tiếng Kucha. Chúng ta cũng có được nhiều tác phẩm viết ra
tại Kucha bằng tiếng địa phương, phỏng theo lối viết của các kinh điển
tiếng Sanskrit của Ấn Độ, nhưng không có tác phẩm nguyên bản thực sự nào
có nguồn gốc tại chỗ được truyền lại đến nay.
Thêm vào đó, những cuộc tìm kiếm này, được thực hiện trong khoảng từ năm
1900 đến năm 1915, còn khám phá ra một nền nghệ thuật Phật giáo cực kỳ
đa dạng, cho thấy một sự pha trộn kỳ lạ giữa những ảnh hưởng Phật giáo
Hy Lạp từ miền Gandhara2 với những ảnh hưởng khác từ đế quốc La Mã, từ
nghệ thuật Ba Tư và nghệ thuật Trung Hoa. Thông qua đó, nghệ thuật Phật
giáo mang tính chất Hy Lạp của vùng Gandhara đã truyền sang Trung Hoa,
hình thành nghệ thuật đời Ngụy thế kỷ 5.
Trong những trung tâm thương mại nối liền các lục địa theo kiểu đa quốc
gia này, Phật giáo lần đầu tiên đã tiếp cận với những ảnh hưởng tôn giáo
mới. Phật giáo không những gặp Thiên Chúa giáo ở Trung Hoa dưới hình
thức Cảnh giáo,3 mà còn gặp những người theo giáo phái Mani4 vốn hoạt
động rất tích cực trong vùng đó, nhất là với người Sogdian. Giáo phái
này vẫn còn lưu lại một vài dấu tích trong những giáo lý Phật giáo ở nơi
đây.
500 Ấn Độ
400 Nepal
300
200 Kashmir Tích Lan Trung
100 Trung Quốc
100
200
300 Triều Tin
400 Java Sumatra
500 Nhật Bản
600
700 Thi Lan Ty Tạng
800
900 Miến Điện
1000
1100
1200
1300
1400
1500 Mơng Cổ
1600
1700
1800
1900
500 India
400 Nepal
300
200 Kashmir Ceylon Central Asia
100 China
100
200
300 Korea
400 Java Sumatra
500 Japan
600
700 Siam Tibet
800
900 Burma
1000
1100
1200
1300
1400
1500
1600 Mongolia
1700
1800
1900
7. TRUNG HOA
Từ Trung Á, Phật giáo được truyền vào Trung Hoa một cách tự nhiên, vì
Trung Hoa đã chinh phục vùng này trong thế kỷ thứ nhất trước Công
nguyên, và chiếm giữ cho đến cuối đời Hán, vào năm 220. Điểm khởi đầu
được cho là trong khoảng thời gian từ năm 70 đến 50 trước Công nguyên,
và Phật giáo dưới đời nhà Hán dần dần được truyền rộng ra các nơi. Nhưng
thoạt đầu Phật giáo bị xem là một tôn giáo ngoại lai của những dân tộc
không thuộc Trung Hoa, cư trú ở những vùng biên giới bên ngoài nước này.
Vào năm 148 một cao tăng người xứ An Tức1 tên là An Thế Cao2 đến Trung
Hoa.3 Rồi năm 170 có một vị tăng Ấn Độ là Trúc Đại Lực4 và một người xứ
Nguyệt Chi5 tên là An Huyền,6 từ Trung Á đến Trung Hoa và lập một tự
viện ở Lạc Dương, kinh đô của nhà Hán.
Nhưng chỉ đến giai đoạn loạn lạc sau khi nhà Hán sụp đổ, (221-589) Phật
giáo mới tự mình thực sự trở thành một lực lượng chính ở Trung Hoa. Và
phải đến năm 355, lần đầu tiên người Trung Hoa mới được phép trở thành
tu sĩ, ít ra là trong phạm vi lãnh thổ của các vua triều Đông Tấn. Vào
thế kỷ 2, những người ngoại quốc từ Trung Á đến – người An Tức, người
Sogdian, người Ấn Độ v.v... đã dịch một số kinh điển. Vào thế kỷ 3 và 4,
Phật giáo đã tạo được một đà phát triển trong dân chúng và cả trong
triều đình, và có một số vị vua đã tỏ rõ sự ủng hộ Phật giáo. Cho đến
năm 400, có 1300 bản kinh văn đã được dịch. Rồi ngài Cưu-ma-la-thập đến.
Với sự giúp sức của giới học giả Trung Hoa, ngài thực hiện những bản
dịch mẫu mực mà cho đến nay vẫn còn được sử dụng. Đến năm 500 thì Phật
giáo đã được thiết lập vững chắc trên khắp nước Trung Hoa, và đang trong
một điều kiện phát triển thuận lợi với vô số tự viện, đền thờ và nhiều
động đá được trang trí bằng những công trình điêu khắc làm chỗ cho chư
tăng tu tập.
Đây là một sự thành công đáng kể cho một tôn giáo có khá nhiều bất đồng
với quan niệm chính thống được thừa nhận của người Trung Hoa. Chẳng hạn
như, Phật giáo không quan tâm đến việc nối dõi tông đường, hoặc không
chú trọng mấy đến lòng trung thành với đất nước, và có vẻ như khuyến
khích việc đặt niềm tin không hoàn toàn dựa vào lý luận.1 Các vị tăng
sĩ, vì đã dứt bỏ đời sống thế gian nên không thực hiện những nghi thức
lễ kính đối với nhà vua và triều thần như những người khác. Thực tế,
trong suốt lịch sử của mình, Phật giáo có khuynh hướng phát triển một
cách độc lập trong phạm vi quốc gia. Những người chống đối cho rằng tăng
sĩ đã hưởng ơn vua lộc nước mà không làm được gì để đền đáp lại. Nhưng
ngược lại, tín đồ Phật giáo cho rằng, nếu có ai đã ban phát ra một cách
vô cùng rộng lượng, thì đó chính là chư tăng, bởi vì những lợi lạc mà
các ngài mang lại cho toàn xã hội qua việc thực hành nếp sống theo lời
Phật dạy là vô cùng to lớn. Trong thực tế, những điều lợi được hưởng từ
nhà vua chỉ là một giọt nước nhỏ nhoi khi so sánh với sức hộ trì mà chư
tăng Phật giáo mang lại cho khắp cả nhân loại.
Tuy nhiên, triều đình vẫn luôn muốn kiểm soát tăng đoàn Phật giáo thông
qua bộ Lễ, và trong một chừng mực nào đó cũng lưu ý xem chư tăng có làm
đúng theo lời nguyện hiến thân vì sự an lành của mọi người hay không.
Những người giữ theo truyền thống cũng nhấn mạnh đến nguồn gốc ngoại lai
của Phật giáo, cho là tôn giáo này đã đến từ những xứ man rợ,2 và
thuyết luân hồi đối với những người này dường như không thể tin được,
bởi vì họ cho rằng khi một người chết thì linh hồn cũng mất đi.
Vấn đề sự tồn tại sau khi chết đã gợi lên nhiều quan tâm mạnh mẽ vào
thời đó. Trong những cuộc tranh cãi, các tín đồ Phật giáo Trung Hoa có
khuynh hướng giữ khoảng cách với sự phủ nhận theo giáo lý chính thống về
một linh hồn riêng của mỗi cá nhân, và thừa nhận sự hiện hữu của một
“phần tâm linh tinh tế nhất” lưu chuyển từ đời sống này sang đời sống
khác. Họ trích dẫn lời của Lão Tử hoặc của Hoàng Đế1 đã từng nói rằng
“Thân xác có hủy diệt, nhưng linh hồn bất biến. Với sự bất biến đó, linh
hồn đi theo những sự thay đổi, và vì thế luân chuyển qua vô số kiếp.”
Điều này không thực sự phù hợp với Phật giáo, theo như được hiểu cho đến
thời điểm đó.
Dĩ nhiên, sự thành công phần lớn là nhờ vào việc Phật giáo hàm chứa một
thông điệp mà các bậc thầy bản xứ không thể đưa ra. Bởi vì, như Tăng
Hựu2 đã diễn đạt vào thế kỷ 5, “không có ai trong bọn họ đo lường được
cõi trời hoặc hiểu thấu được tâm ý thánh nhân”. Cả giai cấp cai trị và
nhân dân đều ủng hộ tôn giáo mới này. Các vị vua thường hài lòng muốn
thấy số tín đồ Phật giáo yêu chuộng hòa bình trong thần dân của mình gia
tăng càng nhiều càng tốt, vì xã hội Trung Hoa chưa từng biết đến việc
trưng binh tập thể, và luôn luôn coi trọng hòa bình.
Tầng lớp thống trị xã hội thường thấy rằng các vị tăng sĩ Phật giáo dễ
hòa hợp hơn là những người theo Lão giáo đối nghịch với họ – những người
liên tục xúi giục các cuộc khởi nghĩa ở miền quê, và những nơi thờ cúng
của họ được xây dựng bởi sự đóng góp của chính thành viên ở những nơi
ấy. Còn tín đồ Phật giáo thì ngược lại, dựa vào sự hiến cúng của những
người giàu có, và do đó có thể tin được là không theo đuổi những mục
đích chính trị riêng mà giới cầm quyền không mong muốn. Sau cùng, quần
chúng bị thu hút mạnh mẽ bởi lý tưởng Bồ Tát, mở ra những khả năng được
lợi lạc to lớn nhất, ngay cả cho những hạng người thấp kém trong xã hội.
Đền thờ Phật giáo với các vị thánh đầy lòng từ bi như đức Quán Thế Âm
và những vị khác đã mang đến cho họ sự phấn khởi và thanh thản. Nhờ sự
cúng dường Phật và chư tăng, họ hy vọng sẽ được hưởng phước lành vào
kiếp sau.
Một niềm tin phổ biến rộng rãi ở Trung Hoa là con người có thể ảnh hưởng
đến Diêm Vương, vị vua của cõi âm. Một số tăng sĩ, chẳng hạn như ngài
Buddha Matanga vào thế kỷ 3 đã thực hiện phép lạ và đưa ra những lời
tiên tri, cũng như chữa bệnh bằng chú thuật.
Sự phát triển của tư tưởng Phật giáo Trung Hoa được quyết định phần lớn
bởi sự chọn lựa kinh điển để dịch sang chữ Hán. Trong số những kinh được
dịch đầu tiên và có ảnh hưởng lớn nhất là kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Người Trung Hoa được cho là có đầu óc duy lý, thực nghiệm, điềm tĩnh và
chống lại siêu hình học. Nhưng đó chỉ là một phần trong tính cách của
dân tộc này, như có thể thấy rõ qua sự nồng nhiệt tiếp nhận bản kinh văn
Bát-nhã vốn rất siêu hình, ngay từ đời nhà Hán trở đi. Những người châu
Âu theo Tin Lành cũng không nghiên cứu Kinh Thánh một cách nhiệt tình
hơn là người Trung Hoa khi nghiên cứu phần kinh điển rất trừu tượng về
trí huệ chứng ngộ và tánh không này.1
Còn có những kinh điển khác cũng được phổ biến rộng rãi và thường trở
thành hạt nhân cho các bộ phái riêng biệt. Đó là bộ kinh Diệu pháp liên
hoa (được bắt đầu dịch từ năm 250), thu hút người Trung Hoa bởi những
cảnh giới đầy ấn tượng và nhiều mẩu chuyện lý thú; kinh Duy-ma-cật (bắt
đầu dịch từ năm 188), lôi cuốn bởi hình tượng cao quý của một vị cư sĩ
xem mọi bệnh khổ của thế gian như là của chính mình; và kinh Đại Bát
Niết-bàn (được dịch vào năm 423), có vẻ như được quan tâm vì dạy về Phật
tánh nằm ngay trong mỗi chúng ta.
Khoảng từ năm 200 đến 450, đã có sự quan tâm mạnh mẽ đến các phương pháp
thiền định, và nhiều sách hướng dẫn được phiên dịch trong suốt thời
gian này.
Sự phát triển của Phật giáo trùng hợp với sự hồi phục của Lão giáo, và
nhiều người Trung Hoa nhấn mạnh đến sự tương tự giữa hai khuynh hướng tư
tưởng này. Hầu hết đều tin chắc rằng đức Phật và các bậc thánh nhân của
Trung Hoa – cụ thể như Lão Tử và Trang Tử – đã nhận ra cùng một chân lý
giống như nhau. Mãi đến thế kỷ 5, nhiều người theo Lão giáo vẫn xem
Phật giáo như một phương pháp được vận dụng thêm để đạt đến những mục
đích của Lão giáo. Vào thế kỷ 3, Vương Phù1 viết một cuốn sách khá nổi
tiếng, trong đó ông trình bày Phật giáo như là kết quả của “sự giáo hóa
những người man rợ” do Lão Tử thực hiện.
Các thuật ngữ Lão giáo thường được cố ý sử dụng để diễn đạt những khái
niệm của Phật giáo. Bao giờ cũng vậy, nhiều từ Hán tương đương với các
thuật ngữ Sanskrit được sử dụng trước hết với ý nghĩa trong Lão giáo, và
điều này trong một chừng mực nào đó cũng ảnh hưởng đến cách dùng của
chúng trong Phật giáo. Chẳng hạn như chữ đạo2 khi được dùng để dịch chữ
mrga trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là con đường, liền tự nhiên được
thêm vào nhiều hàm nghĩa theo Lão giáo, vượt ra ngoài những ý nghĩa diễn
đạt trong nguyên bản tiếng Sanskrit, một sự khác biệt không thể ngờ
trước và cũng không hề được tính đến. Từ niệm xứ3 là tương đương với chữ
satipatthna, thường được xem là giống như chữ niệm xứ của Lão giáo, có
nghĩa là sự duy trì sinh khí. Từ nairtmya được dịch với nghĩa như “không
có sắc thân”, dễ bị hiểu sai thành sự hiện hữu không có thân xác, hay
trong một linh hồn. Và tánh không được nhận hiểu giống như thái hư,4 hay
trạng thái “hỗn mang vô vật” của Lão Tử, tức là cái không từ khởi
nguyên, cái không bao trùm cả vũ trụ, giống như một bào thai cưu mang
hết thảy vạn hữu. Với một nhà tư tưởng tiêu biểu như Huệ Viễn thì pháp
thân tương đương với thực tại cao nhất, là sự thể hiện tự tính, là bậc
thánh hiền hay vĩ nhân của những người theo Lão giáo cải cách, là đức
Phật, là phần tinh túy trong trung tâm của vạn hữu, và là linh hồn của
thế giới. Những ý tưởng của Phật giáo thường được tự do diễn dịch bằng
cách dùng những từ ngữ trích ra từ tác phẩm của Lão tử, Trang tử hoặc
Kinh Dịch, và rất thường khi thế giới quan Lão giáo được hiểu như thuộc
về hệ thống tư tưởng Phật giáo.
Ảnh hưởng của Khổng giáo ít được nói đến, mặc dù vậy vẫn được thấy rõ
trong việc phiên dịch kinh điển. Suốt trong giai đoạn này, bất kỳ ý
tưởng hay từ ngữ nào không phù hợp với những chuẩn mực của Khổng giáo
trong các vấn đề như đạo đức gia đình, quan hệ nam nữ, sự tôn kính đối
với bề trên trong quan hệ xã hội... đều được hết sức quan tâm thay thế
bằng những cách diễn đạt hoặc từ ngữ khác.
Vấn đề chính mà tín đồ Phật giáo Trung Hoa quan tâm trong suốt giai đoạn
này xuất phát từ truyền thống Lão giáo và liên quan đến mối quan hệ
giữa hữu1 và vô,2 vốn sau này được xem như đồng nghĩa với “tánh không”3
trong các bản văn tiếng Sanskrit. Sự tranh luận về vấn đề này dẫn đến
việc hình thành bảy bộ phái. Trong đó, trường phái “bản lai không” của
ngài Đạo An4 dạy rằng cái không có trước hết thảy mọi hình thức của sự
tiến hóa, và tánh không là sự khởi đầu của vô số hình tượng vật thể.
Giáo thuyết do ngài giảng dạy được vận dụng thay đổi khác đi để hình
thành một trường phái thứ hai.
Trường phái thứ ba tập trung vào vấn đề tánh không của vật chất. Trường
phái thứ tư dạy về sự vô tâm, nghĩa là khi bậc thánh không chú tâm vào
vạn vật, điều đó không có nghĩa là chúng không hiện hữu. Như vậy dẫn đến
yêu cầu là chúng ta phải dừng mọi suy nghĩ trong tâm tưởng và không để
cho ngoại cảnh tác động vào. Điều này về sau được nhắc lại rất nhiều lần
trong Phật giáo Trung Hoa.
Trường phái thứ năm nói về những ấn tượng được chất chứa, cho rằng tất
cả mọi hiện tượng đều là những ảo ảnh như trong một giấc mộng, gây ra
bởi tâm thức, và sẽ chấm dứt cùng với nguồn gốc của chúng khi chúng ta
tỉnh mộng. Khi ấy, thế giới này được nhìn thấy như trống rỗng, và mặc dù
tâm đã diệt, nhưng không có gì mà tâm lại không tạo tác được.
Trường phái thứ sáu là trường phái ảo giác hiện tượng, dạy rằng tất cả
các pháp đều chỉ là ảo giác như nhau, và ảo giác ấy hợp thành những gì
gắn liền với sự thực thông thường. Nhưng thần thức là chân thật và không
phải trống rỗng, và do vậy gắn liền với chân lý cao nhất. Bởi vì nếu
như ngược lại, thần thức là trống không, thì giáo lý Phật giáo có thể
truyền dạy cho ai, và ai là người theo đuổi đạo Phật, từ bỏ thế gian và
chứng đắc thánh quả? Do nơi đó, chúng ta biết rằng thần thức không phải
là trống không.
Trường phái thứ bảy nói về sự kết hợp các nguyên nhân, xác định dứt
khoát rằng sự hiện hữu, hay những thực thể của thế gian, đều là do sự
kết hợp của những nguyên nhân, và sự cắt đứt mối quan hệ của chúng dẫn
đến sự không hiện hữu, là chân lý cao nhất.
Khoảng 400 công trình học thuật của Ngài Cưu-ma-la-thập đã củng cố thêm
cho Phật giáo và tạo ra một uy tín lớn lao. Ngài là người xứ Quy Tư,1
sinh vào năm 344. Cha ngài là người Ấn Độ. Năm 384, ngài được mang về
Trung Hoa như một chiến lợi phẩm.2 Ngài sống ở Lương châu,3 tỉnh Cam Túc
cho đến năm 402 thì được đón về thủ đô Trường An. Nơi đây, ngài được
tôn xưng là Quốc sư, và mất vào năm 413.
Ngài được sự bảo trợ của Hoàng đế Diêu Hưng và dịch rất nhiều kinh điển.
Ban đầu ngài theo Nhất thiết hữu bộ, nhưng về sau, ngay lúc vẫn còn ở
Quy Tư, ngài chuyển sang theo giáo lý của ngài Long Thọ.
Hai đệ tử quan trọng nhất của ngài là Tăng Triệu (384–414) và Đạo Sinh (vào khoảng năm 360–434).
Các tác phẩm của Tăng Triệu được thu góp lại trong bộ Triệu luận, cho
thấy sự kết hợp lý thú giữa Phật giáo và Lão giáo cải cách. Vào giai
đoạn này, những đối kháng cơ bản trong tư tưởng Phật giáo được xem như
tương đương với trong phái Lão giáo cải cách. Sự tương phản giữa cái
tuyệt đối1 và chuỗi sinh diệt tạm bợ dường như tương ứng với cái không
và cái có; sự tương phản giữa cái thường và vô thường là tương ứng với
cái tĩnh và cái động; và sự tương phản giữa Niết-bàn và luân hồi là
tương ứng với vô vi và hữu vi. Tăng Triệu bàn luận về triết lý Phật giáo
Đại thừa trên cơ sở những sự tương ứng này, và những quan điểm của ông
là những quan điểm đầu tiên hình thành nên hệ thống triết học Phật giáo
Trung Hoa truyền lại cho đến nay.
Đạo Sinh tỏ ra là một trong những cốt lõi của Phật giáo Trung Hoa khi
ông nói: “Từ khi kinh điển được truyền qua phía Đông (Trung Hoa), những
người phiên dịch đã liên tục gặp phải những trở ngại, và nhiều người bị
trói buộc bởi việc bám chặt lấy văn từ, kết quả là chẳng mấy ai có thể
hiểu được trọn vẹn ý nghĩa. Chỉ khi nào họ chịu quên đi những chuyện vặt
vãnh mà nắm lấy điều cốt yếu, lúc ấy mới có thể bắt đầu luận bàn về
Đạo.”
Một trong những vấn đề làm bận tâm các tín đồ Phật giáo Trung Hoa vào
thời đó là vấn đề số phận của những kẻ gọi là nhất-xiển-đề.2 Liệu có
chúng sanh nào có thể gọi là nhất-xiển-đề, vĩnh viễn không đạt đến quả
Phật hay không? Ngược lại với phần đông các học giả khác, Đạo Sinh khẳng
định rằng nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh, và do đó có thể thành Phật.
Ngay trong đời ông, trọn bộ kinh Đại-bát Niết-bàn đã đến được Trung Hoa,
xác nhận cho sự đúng đắn của quan điểm này.
Đạo Sinh cũng dạy rằng: “Phật tánh chỉ được thành tựu qua sự đốn ngộ.”
Đối với những người đương thời với ngài, đây là một giáo lý có vẻ mới
mẻ, nhưng rồi sự phủ nhận việc tiệm ngộ1 từ đó tiếp tục là một trong
những đặc điểm của Phật giáo Trung Hoa.
Vào thế kỷ 5, một vị học quan là Lu-cheng (425-494)2 cho rằng khác biệt
này cần chú ý nhiều vào đặc điểm tâm lý dân tộc. Ông nói: “Người Trung
Hoa có khả năng nhận hiểu chân lý bằng trực giác, hay là sự phản hồi
chân lý, nhưng họ lại thấy khó khăn khi thu thập tri thức. Bởi đó họ
khước từ việc góp nhặt kiến thức nhưng sẵn sàng chấp nhận chân lý tối
thượng. Ngược lại, người Ấn Độ có khả năng học hỏi dễ dàng, nhưng lại
khó khăn trong việc hiểu được chân lý bằng trực giác. Bởi vậy họ phủ
nhận ý tưởng về sự đốn ngộ mà chấp nhận việc tiệm ngộ.”
Thật ra, tín đồ Phật giáo Ấn Độ đã có phân biệt giữa tiệm ngộ và đốn
ngộ, nhưng vẫn xem đốn ngộ là giai đoạn cuối cùng theo sau tiệm ngộ, và
không ai nghĩ đến việc chọn lựa giữa đốn hay tiệm. Ngài Đạo Sinh vào
thời ấy biện luận rằng bởi vì tánh không tuyệt đối của Niết-bàn chắc
chắn là hoàn toàn khác biệt với tất cả những sự việc tương đối khác, cho
nên sự giác ngộ phản ánh Niết-bàn cũng phải hoàn toàn khác so với tất
cả những giai đoạn tinh thần nào hướng đến những sự việc khác. Theo như
vậy thì sự giác ngộ, nếu như có thể đạt đến, chỉ có thể là đạt đến một
cách hoàn toàn trọn vẹn, chứ không thể theo cách dần dần hoặc từng phần.
Dĩ nhiên là cần phải có nhiều giai đoạn chuẩn bị trước khi có được sự
đốn ngộ cuối cùng. Nhưng những giai đoạn đó nên gọi là phần kiến giải,
vẫn nằm trong thế giới hiện tượng và không thuộc về chính kinh nghiệm
chứng ngộ thực sự. Bởi vì khi sự giác ngộ duy nhất được đạt đến thì hết
thảy mọi trở ngại đều đồng thời chấm dứt. Cái nhìn cuối cùng là sự trừ
diệt tất cả những mối ràng buộc, giải thoát hoàn toàn ra khỏi chúng, bởi
vì cái chân thật thì thường tồn, nên những gì không bền vững tức là giả
tạo.
Từ thời của ngài Đạo Sinh về sau, vấn đề này liên tục gây tranh luận ở
Trung Hoa, và các học giả đã phân chia thành hai phái ủng hộ cho hai
quan điểm đốn ngộ và tiệm ngộ.
Chúng ta đã bàn qua về những giáo lý siêu hình. Trong khi đó, về phần
tín ngưỡng bình dân thì chỉ hoàn toàn quan tâm đến việc được vãng sanh
về cõi Phật. Vào thời đó, có ba cõi Phật chính – một là cõi Phật Dược Sư
ở phương Đông, hai là cõi Phật A-di-đà ở phương Tây, và ba là cõi Phật
Di-lặc1 trong tương lai ở thế giới này.
Sự thờ kính Phật Bất Động được xác nhận là có từ đời Hán. Những người
tin theo được khuyên là nên học theo ngài, không bao giờ có ý thù hằn
hay giận tức với ai, để có thể được vãng sanh về cõi nước Điều Hỷ2 của
ngài, nằm ở rất xa về phương Đông. Dần dần, sự sùng bái đức Phật A-di-đà
trở nên phổ biến hơn. Điều này được khởi xướng đầu tiên nhờ vào các bản
dịch kinh điển và sự giáo hóa của một vị hoàng tử nước An Tức là ngài
An Thế Cao vào khoảng năm 150.
Vào cuối thế kỷ 4, ngài Huệ Viễn (334-416) là một người trước kia theo
Lão giáo, và ngay cả sau khi tin theo Phật giáo vẫn còn dùng những tác
phẩm của Trang Tử để diễn giải về Phật giáo, đã biến ngôi chùa ở Lư
Sơn,3 Hồ Bắc thành trung tâm thờ phụng lớn. Năm 402, ngài quy tụ một
nhóm 124 người cùng cầu nguyện để được vãng sanh về cõi Phật A-di-đà.
Nhóm này được gọi là Bạch Liên Xã, và là hình thức đầu tiên của phong
trào Tịnh Độ sau này.
Cũng giống như các bộ phái khác của Trung Hoa, Tịnh độ tông chỉ thật sự
được thành lập sau năm 500. Phật Dược Sư và Phật A-di-đà là những vị
Phật hóa thân chỉ được biết đến bởi tín đồ theo Đại thừa. Trong khi đó,
Phật Di-lặc là vị Phật tương lai sẽ xuất hiện nơi thế giới này thì được
cả Đại thừa và Tiểu thừa biết đến. Những kinh điển mô tả sự uy nghiêm
của thế gian vào lúc ngài hạ sanh đều được dịch ra chữ Hán vào thời kỳ
thứ hai này. Nhưng niềm tin tưởng đối với ngài phổ biến nhất ở Trung Hoa
là vào khoảng những năm 400 đến 650, và sự sùng bái ngài dường như phần
lớn là được khuyến khích bởi phái Du-già.