Giới thiệu & Giảng giải Luận tạng
Câu Xá Luận
HT Thích Thiện Siêu
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phẩm Phân Biệt Giới

A. BA PHẦN CỦA LUẬN

Trừ phẩm Phá ngã, Luận có 600 bài tụng và văn trường hàng, gồm trong 8 phẩm 29 quyển, được chia làm ba phần: phần Tự, phần Chánh tông và phần Lưu thông.

- Phần Tự, từ câu "Chư nhất thiết chủng chư minh diệt" cho đến hết ba bài tụng thất ngôn đầu sách và văn trường hàng.

- Phần Chánh tông, từ câu "Hữu lậu vô lậu pháp" cho đến hết 600 bài tụng căn bản và văn trường hàng.

- Phần Lưu thông, từ câu "Ca-thấp-di-la nghĩa lý thành" cho đến hết bài tụng thất ngôn cuối sách.

Ở đây, lược giảng luận này chỉ dựa vào văn trường hàng để lần lượt giải thích một số bài tụng chủ yếu trích trong 600 bài tụng căn bản và các bài tụng thất ngôn ở đầu và cuối sách mà thôi.
 
 

B. PHẦN TỰA (4 tiết)
 
 

* TIẾT 1: QUY KÍNH VÀ PHÁT KHỞI.

Quy kính bậc hữu đức và phát khởi phần Chánh tông như thế nào? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn Hán:

"Chư nhất thiết chủng chư minh diệt,
Bạt chúng sanh xuất sanh tử nê,
Kính lễ như thị như lý sư,
Ðối pháp tạng luận ngã đương thuyết". (I)
* Dịch nghĩa:

Các đấng đã diệt trừ nhất thiết chủng minh và chư minh, cứu vớt chúng sanh ra khỏi bùn sinh tử. Kính lễ bậc thầy Như lý như thế, tôi sẽ nói luận Ðối pháp tạng.
 
 

* Giải thích:

Trong bài tụng này, ba câu đầu là phần quy kính, câu thứ tư là phần phát khởi.
 
 

Chư: Chỉ các đức Phật.
 
 

Nhất thiết chủng chư minh diệt:Hai chữ "minh diệt" gồm tán thán hai phương diện: nhất thiết chủng minh diệt và chư minh diệt. Vì minh (sự mờ ám) có hai thứ:

1. Nhất thiết chủng minh:tức liệt tuệ. Liệt tuệ này đối với sự lý không hiểu biết rõ ràng, nó thường làm cho tư tưởng chúng ta hôn ám. Ðối với sự vật, lẽ ra chúng ta có thể hiểu biết trọn vẹn, nhưng vì không có trí tuệ viên mãn cao thượng, nên chúng ta không hiểu, hoặc hiểu biết mù mờ. Sở dĩ như thế vì chính liệt tuệ làm chướng ngại.

2. Chư minh: tức phiền não. Phiền não chính là động cơ làm nhiễu loạn thân tâm, khiến chúng ta mờ ám đối với tất cả sự lý.

Nhất thiết chủng minh còn được gọi là "bất nhiễm ô vô tri"; chư minh còn được gọi là "nhiễm ô vô tri". Sự khác nhau giữa bất nhiễm ô vô tri và nhiễm ô vô tri như thế nào?

Tánh chất của tâm có hai cách chia: chia làm ba tánh thì có thiện, ác vô ký; chia làm hai tánh thì có nhiễm ô bất nhiễm ô. Nhiễm ô chính là tánh ác và hữu phú vô ký trong ba tánh; bất nhiễm ô là tánh thiện và vô phú vô ký trong ba tánh. Nhất thiết chủng minh là tánh thiện vì là liệt tuệ, nhưng có một phần vô ký, nên gọi là nhiễm ô vô tri. Chư minh tức phiền não, tánh chất là ác và cũng có một phần vô ký, nên gọi là nhiễm ô vô tri. Ðức Phật đã diệt trừ tất cả liệt tuệ, tức dứt hết nhất thiết chủng minh, chứng đắc trí tuệ vô thượng viên mãn, hiểu biết cùng tột các pháp một cách như thật, nên thành tựu trí đức. Ngài lại đoạn trừ tất cả phiền não, tức dứt hết chư minh nên thành tựu đoạn đức. Trí đức, đoạn đức là phần tự lợi.
 
 

Bạt chúng sanh xuất sanh tử nê:Chúng sanh bị chìm đắm trong sinh tử thật khó ra khỏi, như người bị sa trong bùn lầy, nê gọi là bùn sinh tử. Ðức Phật thương xót truyền trao Chánh pháp để cứu độ. Ðó là đức lợi tha của Ngài, nói cách khác, Ngài là ân nhân của chúng sanh, đã thành tựu được ân đức.

Kính lễ như thị Như lý sư:Ðức Phật khéo léo nói pháp đúng như lý để cứu vớt chúng sanh. Ngôn giáo như lý ấy nhằm chỉ cho chúng sanh sự thật không điên đảo; lại hợp lý, hợp thời, hợp cơ, làm lợi lạc hữu tình. Vì vậy, để nhớ ân Phật, để chứng tỏ việc làm không quên gốc và để cầu Phật trợ lực cho việc tạo luận được viên mãn, hợp lý, hợp thời, hợp cơ như Phật, nên cúi đầu đảnh lễ bậc thầy như lý và đầy đủ ba đức như thế.
 
 

Ðối pháp tạng luận ngã đương thuyết: Câu này là phần phát khởi. Lý do ở đây kính lễ Phật là gì? Là để nói luận Câu-xá, tức Ðối pháp tạng.
 
 

* TIẾT 2: DANH VÀ THỂ CỦA ÐỐI PHÁP

Ðối pháp là gì? Thể của nó ra sao? Tụng đáp:

* HÁN VĂN:

"Tịnh huệ tùy hành danh đối pháp,
Cập năng đắc thử chư huệ luận".(II)
* Dịch nghĩa:

Tịnh huệ, tùy hành gọi là Ðối pháp, và các huệ các luận có công năng đưa đến tịnh huệ và tùy hành ấy cũng đều gọi là Ðối pháp.

* Giải thích:

Chữ Ðối có hia nghĩa: đối quánđối hướng. Ðối quán là tâm và cảnh đối nhau, tức đem tâm chủ quan quan sát cảnh khách quan. Ðối hướng là nhân và quả đối nhau, tức từ nguyên nhân này hướng đến kết quả kia để tiến bước tu hành.

Chữ Pháp có hai nghĩa: nhậm trì tự tánh quỹ sanh vật giải. Bất cứ một tồn tại nào, hữu hình hay vô hình, hiện tượng cụ thể hay tư duy trừu tượng, đều có tự tánh riêng, không mảy may lẫn lộn. Nhờ nó giữ gìn khuôn khổ, quy cách nhất định của nó, nên khi tiếp xúc nó, ta biết đó là vật gì. Ðó là nghĩa quỹ sanh vật giải. Nhưng chữ Pháp ở đây được nói là lý pháp: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo và quả pháp: Niết-bàn. Lý pháp Tứ đế là tánh và tướng của tất cả pháp, nên được gọi là "pháp tướng pháp"; quả pháp Niết-bàn có tánh là thiện, là thường nên gọi là thắng; và vì có thật thể nên gọi là nghĩa; gọi chung là Thắng nghĩa pháp.

Nhưng cái khả năng đối quán lý Tứ đế và đối hướng quả Niết-bàn ấy như thế nào? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

"Tịnh huệ tùy hành danh đối pháp
Cập năng đắc thử chư huệ luận".(II)
Ðây là hai câu nêu lên thể của đối pháp. Thể ấy có hai: 1. Thắng nghĩa đối pháp thuộc vô lậu (tức câu: Tịnh huệ tùy hành danh đối pháp). 2. Thế tục đối pháp thuộc hữu lậu (tức câu: Cập năng đắc thử chư huệ luận).
 
 

Tịnh huệ: Trí huệ vô lậu thanh tịnh, có thể giản trạch sự lý các pháp một cách rõ ràng.
 
 

Tùy hành: Tâm, tâm sở, đắc, tứ hướng hữu vi (sanh, trụ, dị, diệt) và vô biểu sắc tương ứng với tịnh huệ mà sanh khởi. Tịnh huệ ví như chủ; tùy hành ví như tớ. Khi chủ dấy khởi thì tớ cũng dấy theo. Bộ phận tôi tớ ấy được gọi là tùy hành. Tịnh huệ và tùy hành được gọi chung là Thắng nghĩa đối pháp.

Nhưng không phải chỉ tịnh huệ và tùy hành mới được gọi là đối pháp, mà các phương tiện tư lương cần có như các huệ và các luận để đạt tịnh huệ ấy cũng gọi là đối pháp, đó là thế tục đối pháp.
 
 

Các huệ là sanh đắc huệ, văn huệ, tư huệ, tu huệ; còn các luận là chỉ cho luận Lục túc và luận Phát trí, được liệt kê dưới đây:
 
 

* Lục túc:

1) Tập Dị Môn Túc luận (Sangtiparyaya-pada), thời Phật, Xá-lợi-phất tạo, Huyền Trang dịch, 20 cuốn.
2) Pháp Uẩn Túc luận (Dharma-Skandha-pada), thời Phật, Mục-kiền-liên tạo, Huyền Trang dịch, 12 cuốn.
3) Thi Thiết Túc luận (Prajnapati-pada), thời Phật, Ca-chiên-diên tạo, Huyền Trang đem về chưa dịch
4) Thức Thân Túc luận (Vijnanakaya-pada), 100 năm sau Phật Niết-bàn, Ðề-bà-thiết-na tạo, Huyền Trang dịch, 16 cuốn.
5) Phẩm Loại Túc luận (Prakarama-pada), 300 năm sau Niết-bàn, Thế Hữu tạo, Huyền Trang dịch, 18 cuốn.
6) Giới Thân Túc luận (Dhatukaya-pada), 300 năm sau Niết-bàn, Thế Hữu tạo, Huyền Trang dịch, 3 cuốn.
* Phát Trí luận (Jnanaprasthana), 300 năm sau Niết-bàn, Ca-đa-diễn-ni Tử tạo, Huyền Trang dịch, 20 cuốn.

Lục túc là sáu bộ luận làm chân; Phát trí là bộ luận làm thân, nên cũng gọi là Thân luận. Bởi do luận Phát Trí mà Hữu bộ bộc phát, tách khỏi bộ phái mẹ là Thượng tọa bộ.
 
 

Các huệ và các luận không phải là đối pháp của thắng nghĩa vô lậu, mà là phương tiện tư lương cần có để đạt thắng nghĩa đối pháp, cho nên gọi chúng là thế tục đối pháp. Hai loại thắng nghĩa và thế tục đối pháp này nếu phân tích tỉ mỉ thì có bốn loại:

1. Tự tánh đối pháp: tức tịnh huệ (huệ tâm sở).
2. Tùy hành đối pháp: tức quyến thuộc của tịnh huệ (các tâm sở cùng khởi).
3. Phương tiện đối pháp: tức bốn huệ hữu lậu (sanh đắc huệ, văn huệ, tư huệ, tu huệ).
4. Tư lương đối pháp: Tức các lậu (lục túc, phát trí).
Trên đây chỉ mới giải thích khái quát về tụng văn, còn thể của tùy hành, tức là tâm, tâm sở, đắc, bốn tướng hữu vi và vô biểu sắc của đạo cọng giới tương ưng với tịnh huệ như thế nào? Bởi vì tịnh huệ không thể sanh khởi một mình mà còn phải có tâm vương, tâm sở... cùng khởi theo nữa. Xem bản đồ biểu dưới đây:

TÙY HÀNH (bốn nhóm):

1. Sắc pháp: đạo cọng giới vô biểu.

2. Tâm pháp: Ðệ lục ý thức.

3. Tâm sở pháp:

Chín đại địa pháp: thọ, tưởng, tư, xúc, dục, niệm, tác ý, thắng giải, tam-ma-địa.
Mười đại thiện địa pháp: tín, cần, hành, xả, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, bất hại, khinh an.
Hai bất định địa pháp: tầm, tứ.
4.Tâm bất tương ưng hành pháp: đắc, sanh, trụ, dị, diệt.
* TIẾT 3: GIẢI THÍCH CHỮ TẠNG

Từ Ðối pháp đã giải thích, còn Ðối pháp tạng là gì? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Nhiếp bỉ thắng nghĩa y bỉ cố
Thử lập Ðối pháp Câu-xá danh.(III)
* Dịch nghĩa:

Vừa thâu (nhiếp) thắng nghiã kia, vừa căn cứ vào đó. Vì thế bản luận được mệnh danh là "Ðối pháp tạng".

Như vậy, chữ tạng có hai nghĩa:

1. Năng nhiếp: Luận này bao hàm, thâu chứa giáo nghĩa đặc thù (thắng nghĩa) của đối pháp như đã được thuyết minh trong các luận Lục Túc và Phát Trí, nên gọi là tạng. Ví như cái hầm, cái kho, có công năng chứa giữ các giống lúa và tài sản.

2. Sở y: Giáo nghĩa Ðối pháp được thuyết minh trong các luận Lục Túc và Phát Trí là chỗ dựa, là nơi căn cứ cho luận này, mặc dù có vài chỗ bị bài bác nhưng nguyên văn vẫn là chỗ dựa. Ví như cái bao đựng gươm là chỗ dựa của gươm, nên gọi là bao gươm.

Nếu căn cứ nghĩa năng nhiếp thì "Ðối pháp tạng" là chỉ riêng cho luận này. Theo văn pháp Sanskrit, đây là giải thích tập hợp danh từ theo luật y chủ thích (Tat-purusa). Nhưng nếu cứ theo nghĩa sở y thì " Ðối pháp tạng" cũng chỉ chung cho các luận Lục Túc và Phát Trí chứ không riêng cho luận này... Ðây là giải tập hợp danh từ theo luật hữu tài thích (Bahuvrihi).
 
 

* TIẾT 4: Ý NÓI VÀ NGƯỜI NÓI

Danh từ Ðối pháp tạng đã giải thích xong. Song, vì sao cần phải có Ðối pháp? Và trước đó đã có ai đề cập đếïn chưa? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Nhược ly trạch pháp định vô dư,
Năng diệt chư hoặc thắng phương tiện.
Do hoặc thế gian phiêu hữu hải,
Nhân thử truyền Phật thuyết Ðối pháp.(IV)
* Dịch nghĩa:

Nếu lìa trạch pháp thì nhất định không còn phương tiện thù thắng nào có khả năng diệt trừ mê hoặc. Do mê hoặc mà thế gian trôi nổi trong biển hữu. vì vậy mà truyền thuyết cho rằng chính Phật đã nói Ðối pháp.
 
 

* Giải thích:

- Trạch pháp: Là trí tuệ, vì trí tuệ có khả năng giản trạch các pháp, cũng có nghĩa của chữ Ðối pháp nói trên.

- Chư hoặc: Phiền não làm phát sinh và tăng trưởng các nghiệp, chính là loại phiền não mê lý và mê sự, chỉ có địa vị Kiến đạo và Tu đạo mới đoạn trừ được.

-Thế gian: Có hai nghĩa là hữu tình thế gian và khí thế gian. Ở đây đề cập đến hữu tình thế gian, tức chúng sanh trong thế giới mê vọng.

- Hữu hải: Biển sanh tử của ba cõi. Sự xoay vần trong ba cõi, nhân quả không mất, nên gọi là Tam hữu. Chúng sanh sống và chết trong đó nên gọi là biển sanh tử.

Ðoạn này ý nói, nếu lìa trí tuệ có công năng giản trạch các pháp, quyết định không có cách nào khác hơn để đoạn trừ phiền não. Nếu phiền não chưa đoạn trừ thì sức mạnh của nó làm cho chúng sanh trôi lăn trong biển sanh tử ba cõi. Ở đây, vì muốn chúng sanh đạt được trí tuệ vô lậu có công năng biện biệt các pháp để dứt trừ phiền não, ra khỏi biển sanh tử nên nói Ðối pháp.

Song, Ðối pháp này trước đã có ai nói chưa? Có. Ðức Phật đã nói rải rác trong các kinh. Về sau các đệ tư íkết tập thành Kinh tạng truyền lại cho đời. Chẳng hạn vào khoảng 300 năm sau Phật, có ngài Ðạt-ma-đa-la (Dharmatrata, Hán dịch là Pháp Cứu) kết tập những bài tụng rải rác của Phật nói về vô thường thành phẩm Vô thường, về không, vô ngã thành phẩm Không, Vô ngã.

-ooOoo-
 
 

BỐ CỤC PHẦN CHÁNH TÔNG

Phần chánh tông có sáu trăm bài tụng và văn trường hàng, biện giải nghĩa lý, trong ấy tuy bao la nhưng tóm tắt có thể thu vào hai phần lớn:

1. Trình bày tổng quát toàn bộ luận, gồm ba bài tụng đầu của phẩm Giới (từ câu "Hữu lậu vô lậu pháp" đến câu: "Biệt đắc phi trạch diệt").

2. Giải thích riêng về ý nghĩa và tông chỉ trong phần tổng quát ấy, gồm 597 bài tụng (từ câu "Hựu chư hữu vi pháp" ở đầu phẩm Giới cho đến câu "Do thử trú thế gian" ở cuối phẩm Ðịnh).

Trong ba bài tụng đầu:

- Câu1, nói tổng quát về pháp hữu lậu, sẽ được quảng diễn trong hai phẩm Giới (42 tụng) và Căn (74tụng). Trong đó phẩm Giới thuyết minh về bản thể của pháp hữu lậu và vô lậu; Phẩm Căn thuyết minh tổng quát về tác dụng của pháp hữu lậu và vô lậu.

- Ba câu kế, (từ"Trừ đạo dư hữu vi...Cố thuyết danh hữu lậu" thuyết minh riêng về pháp hữu lậu, sẽ được quảng diễn trong ba phẩm: Thế gian (39tụng), Nghiệp (131tụng) và Tùy Miên (69 tụng). Trong đó phẩm Thế gian nói chi tiết về quả của pháp hữu lậu, phẩm Nghiệp nói chi tiết về nhân và phẩm Tùy Miên nói chi tiết về duyên của pháp hữu lậu.
 
 

- Hai bài tụng sau thuyết minh riêng về pháp vô lậu, sẽ được quảng diễn trong ba phẩm: Hiền Thánh (83 tụng), Trí (61 tụng) và Ðịnh (93 tụng).

A. PHẦN CHÁNH TÔNG (2 phần)
 
 

I. PHẦN TỔNG NÊU ÐẠI CƯƠNG

Như giải thích trong phần tựa, trí tuệ giản trạch là phương tiện thù thắng để đoạn trừ mê hoặc, nên rải rác khắp nơi, Phật đã thuyết minh về Ðối Pháp, tức thuyết minh trí tuệ vô lậu. Vậy những pháp nào là đối tượng của trí tuệ giản trạch đó? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Hữu lậu vô lậu pháp.
Trừ đạo, dư hữu vi,
Ư bỉ lậu tùy tăng,
Cố thuyết danh hữu lậu.
Vô lậu vị Ðạo đế,
Cập tam chủng vô vi,
Vị hư không nhị diệt.
Thử trung không vô ngại,
Trạch diệt vị ly hệ,
Tùy hệ sự các biệt,
Tất cảnh ngại đương sanh
Biệt đắc phi trạch diệt. (V)
* Dịch nghĩa:

Các pháp gồm hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu là các pháp hữu vi, trừ Ðạo đế, vì nơi các pháp này, lậu hoặc tùy thuận tăng trưởng, nên gọi là hữu lậu. Vô lậu là Ðạo đế và ba pháp vô vi, tức hư không và hai thứ diệt. Trong ba pháp vô vi, hư không vô vi có nghĩa là vô ngại (tụng 2); trạch diệt vô vi có nghĩa là ly hệ, tùy theo hệ sự mà có sai khác; do các pháp hoàn toàn bị chướng ngại, nên không thể sanh khởi mà đặc biệt đắc phi trạch diệt (tụng3).

Từ bài tụng này về sau là phần chánh tông, có 600 tụng căn bản. Theo phân định của chương trên, chia làm hai phần tổng tiêu (giới thiệu tổng quát) và biệt thích (giải thích chi tiết), thì ba tụng này là phần tổng tiêu. Tám phẩm tiếp theo phần này, như phẩm Giới, phẩm Căn v.v...là phần biệt thích. Vậy nên, luận Câu-xáQuang ký 1 gọi phần này là tổng tiêu cương yếu. Những pháp làm đối tượng giản trạch cho trí tuệ có phạm vi vô cùng rộng rãi, bao gồm tất cả các pháp mê, ngộ, nhân, quả; nhưng kết lại chúng không ngoài các pháp hữu lậu và vô lậu. Vì thế câu đầu của bài tụng nói: "Các pháp hữu lậu và vô lậu".

Trong Tứ đế, trừ Diệt đế còn lại là pháp hữu vi. Trong các pháp hữu vi đó, trừ Ðạo đế còn lại là Khổ đế và Tập đế là thuộc pháp hữu lậu, vì rằng Khổ, Tập và Ðạo đế là những pháp có biến dịch, có sanh diệt nên đều thuộc hữu vi (Samskrità); chỉ có Diệt đế tức Niết-bàn là pháp thường trụ, bất biến nên thuộc vô vi (Asamskrità).

Vì sao nói Khổ đế và Tập đế là hưũ lậu? Lậu (Asravà), nghĩa là rỉ chảy, chỉ cho phiền não, như sự rỉ chảy của nước, nó xoi mòn đê điều, ngập tràn ruộng lúa, làm tổn hại giống mạ. Phiền não cũng vậy, nó phá hoại đê điều thân tâm, làm tổn hại giống mạ thiện căn. Những phiền não này theo thuận duyên mà tăng trưởng. Nơi các tâm, tâm sở, cảnh sở duyên đều thuận theo nó tăng trưởng đều được gọi là hữu lậu (Sàsravà). Trường hợp này, khi phiền não cùng tương ứng với tâm và tâm sở tùy thuận tăng trưởng thì gọi là "tương ưng tùy tăng", khi phiền não cùng với cảnh sở duyên tùy thuận tăng trưởng thì gọi là "sở duyên tùy tăng".
 
 

Luận Chánh Lý 4 nói về tướng trạng của hai thứ tùy tăng như sau. Như ở ngoài thành ấp có một đống uế tạp do phẩn, đất và nước tạo thành. Trong đống uế tạp ấy, vì có phẩn nên đất nước trở thành dơ bẩn. Ðồng thời,cũng vì pha trộn với đất và nước nên phẩn càng dơ bẩn thêm.Ví dụ muốn nói, phẩn phiền não thường làm cho đất, nước tâm, tâm sở trở thành dơ bẩn và đất, nước tâm, tâm sở cũng tùy thuận phiền não càng làm cho nó trở thành dơ bẩn thêm. Ðây là tướng trạng của "tương ưng tùy tăng".

Lại nữa, như con heo ở trong đống uế tạp. Những con heo ăn, ngủ, đùa giỡn trên đó, thì không những toàn thân của chúng trở thành dơ bẩn,vì toàn thân bám đầy phẩn uế mà đống uế tạp kia cũng vì chúng mà trở nên càng dơ nhớp hơn. Ví dụ muốn nói, uế phiền não làm cho heo sở duyên trở thành dơ bẩn, đồng thời heo sở duyên cũng làm cho uế phiền não trở thành càng dơ bẩn hơn. Ðây là tướng trạng của "Sở duyên tùy tăng".

VÌ rằng, nếu chấp nhận nghĩa "tùy sanh" là pháp hữu lậu thì khi duyên các pháp vô lậu như Ðạo đế hay Diệt đế mà sanh phiền não thì Ðạo đế và Diệt đế đó cũng phải được gọi là pháp hữu lậu hay sao? Thế nhưng, khi duyên Ðạo đế, Diệt đế dù có sanh phiền não, cũng vẫn không thể gọi Ðạo đế và Diệt đế là hữu lậu pháp, vậy nên nghĩa "tùy sanh" là không đúng.

Ngược lại, theo nghĩa tùy tăng, khi duyên dù có sanh phiền não, nhưng đối tượng sở duyên đó không làm tăng thêm, thì gọi là pháp hữu lậu. Ví như ruộng phì nhiêu thường sanh lúa mạ, và cũng làm cho lúa mạ tăng trưởng, nên gọi là ruộng lúa. Còn ruộng muối dù có sanh lúa mạ, cũng không thể làm cho lúa mạ tăng trưởng, nên không được gọi là ruộng lúa.

Tóm lại, vì tùy thuận tăng trưởng theo các sở duyên tương ưng của Khổ đế và Tập đế, nên Khổ đế và Tập đế được gọi là pháp hữu lậu (Sàsravà).
 
 

Pháp vô lậu (aàsravà) là Ðạo đế trong Tứ đế và ba pháp vô vi. Ba pháp vô vi (Asamskrità) là hư không vô vi, trạch diệt vô vi và phi trạch diệt vô vi, nên tụng văn nói: "Vô lậu là Ðạo đế và ba pháp vô vi: hư không và hai thứ diệt (vô lậu vị Ðạo đế cập tam chủng vô vi, vị hư không nhị diệt"). Ðạo đế và ba pháp vô vi vì sao được gọi là vô lậu? Vì đối với các pháp này phiền não không tùy thuận tăng trưởng.

Bây giờ hãy nêu rõ về hư không vô vi và hai thứ diệt:

-Hư không vô vi: (àkàsa- asamskrità) tụng văn dịch là vô ngại (anàvrti), vì lấy sự không chướng ngại làm tánh. Thế nào là không chướng ngại? Ðối với bất kỳ vật nào trong không gian, dù tồn tại hay không tồn tại, pháp vô vi này vẫn trải khắp trong mọi sự mọi vật mười phương thế giới, mà không làm chướng ngại vật khác, cũng không bị vật khác làm chướng ngại, nên vạn vật trong hư không khi sanh thì hiện đến, khi diệt thì bỏ đi, tuy hiện tượng tùy thời gian mà biến hóa, vị trí tùy không gian mà thay đổi, nhưng hư không ấy không hề bị biến đổi chuyển dời, nó thường trú bất động. Do đó, nói hư không là vô vi. Hư không trong quan niệm thông thường, tuy tương tự với hư không này, nhưng thật ra đó chỉ là sắc pháp hiện hữu trong không gian mà thôi, không những nó làm ngăn ngại vật khác, mà trên mặt hiện tượng nó vẫn chịu sự thay đổi. Ví như ném viên đá vào nước, nước chướng đá, nhường chỗ cho đá chiếm cứ rồi bao quanh phía ngoài viên đá, nên thuộc hưũ vi, khác với hư không vô vi này.

Làm thế nào để biết được trong pháp vô vi có hư không vô vi? Vạn vật trong vũ trụ mỗi cái đều có thể phô bày tướng dạng của nó theo một trình tự nhất định, không hề rối loạn. Cố nhiên, ấy là nhờ năng lực nhân duyên của chúng, nhưng cũng nhờ vào cái "không" (không chướng ngại) để hoàn thành tự thể. Nhân duyên hòa hợp thì hốt nhiên mà sanh, nhân duyên tan rã thì hốt nhiên mà diệt. Khi sanh thì đến mà không bị chướng ngại, khi diệt thì đi cũng không bị ngăn cản. Như thế ắt phải có pháp hư không vô vi không chướng ngại này mới có thể dung chứa vạn vật để cho tự tánh của chúng được hiển nhiên. Vì vậy, văn trường hàng giải thích: "Nhờ vô ngại nên sắc pháp luân lưu trong đó".
 
 

- Trạch diệt vô vi: (Pratisamkhyànirodha), được tụng văn định nghĩa là ly hệ (Visamyoga), do xa lìa các hệ phược, trói buộc của phiền não vô minh mà hiển bày chân lý các tướng. Chân lý này là diệu lý không tịch của các tướng được chứng đắc bởi trí lực có khả năng giản trạch để diệt trừ hệ lụy. Vậy nếu nói đủ thì phải nói: "trạch lực sở sắc diệt" (sự diệt trừ phiền não hệ lụy được thành tựu bởi năng lực giản trạch), và nói tắt là "trạch diệt".
 
 

Trạch (Pratisamkhyarodha) là trí tuệ, nhân của khả năng chứng đắc diệt lý. Diệt (nirodha) là diệt lý, là quả của trí tuệ có khả năng chứng đắc diệt lý đó. Diệt lý này phải do xa lìa các hệ phược của phiền não vô minh mới được hiển bày. Thoạt nhìn, tưởng chừng như xưa không mà nay có. Nhưng khảo sát một cách kỹ càng hơn thì không phải như vậy. Ví như mây tan trăng hiện. Trăng vẫn sẵn ở trên hư không chứ không phải bây giờ nhờ mây tan mới có. Mặt trăng diệt lý cũng vậy, chỉ vì từ vô thỉ đến nay bị mây mù phiền não vô minh che khuất, nên không thể thấy được. Một khi gió lớn chân trí thổi tan mây mù phiền não thì mặt trăng diệt lý sáng tỏ. Diệt lý sẵn có tự nhiên chiếu hiện nên chúng ta thấy được. Cái diệt lý do chúng ta chứng đắc diệt lý mà thấy đó, thật ra không phải xua không mà nay có, mà là xưa nay vẫn thường hằng bất biến, bất sanh, bất diệt, là pháp vô vi. Nếu vậy, diệt lý được nói trong Tiểu thừa có khác với chân như được nói trong Ðại thừa chăng? Chân như được nói trong Ðại thừa thể tánh của nó bình đẳng, không h? sai khác, không hai cũng không ba. Còn diệt lý được nói trongTiểu thừa đây thì không phải như vậy. Diệt lý này do xa lìa sự trói buộc của các pháp hữu lậu mà chứng đắc, tùy theo số lượng bất đồng của các pháp hữu lậu trói buộc (hệ sự) được xa lìa mà sự chứng đắc diệt lý cũng có khác nhau. Vì thế, tụng văn nói:"tùy hệ sự các biệt", tức tùy theo số lượng sai biệt của các hệ sự mà số lượng của sự ly hệ cũng khác nhau. Ðó chính là hiển bày cái thể sai khác của nó. Cho nên, có thể biết trạch diệt của Tiểu thừa và chân như của Ðại thừa không giống nhau.

- Phi trạch diệt vô vi (Apratisamkhyà): Nếu chuẩn theo lý trạch diệt được nói ở trên, lẽ đáng phải nói đủ là "phi trạch lực sở đắc diệt "(diệt lý được chứng đắc không do sức giản trạch). Tức không như trạch diệt vô vi phải nhờ trí lực giản trạch mới chứng đắc. Phàm vật được sanh ra đều bắt đầu từ vị lai để đến hiện tại, rồi từ hiện tại đi về quá khứ. Ðó là thứ lớp tất yếu. Không vật nào là không từ vị lai mà đến. Nhưng cũng có vật vì bị thiếu duyên, nó phải dừng lại ở vị lai, không thể sanh đến hiện tại. Nếu vĩnh viễn thiếu duyên thì nó vĩnh viễn ở vị lai, hoàn toàn không sanh khởi. Không sanh khởi tức không có, đồng nghĩa với cái đã sanh khởi mà bị diệt đi. Pháp không sanh như bị diệt này đạt được không phải bằng trí tuệ giản trạch, nên được gọi "phi trạch diệt". Nó đã vĩnh viễn không sanh thì cũng vĩnh viễn không diệt. Pháp không sanh không diệt chính là tương phản với pháp hữu vi có sanh có diệt nên gọi là vô vi. Vì thế, tụng nói: "Rốt ráo làm ngăn ngại các pháp sẽ sanh, nên gọi là phi trạch diệt".
 
 

II. PHẦN BIỆT THÍCH

Sau phần tổng tiêu đại cương ở trên, cần có phần biệt thích. Phần biệt thích này lấy phẩm Giới làm đầu, và các phẩm kể tiếp.
 
 

* TIẾT I: DANH VÀ THỂ CỦA PHÁP HỮU VI

Pháp hữu vi lấy gì làm thể? Và những dị danh của nó là gì? Tụng đáp:
 
 

*Nguyên văn:
 
 

Hựu chư hữu vi pháp
Vị sắc đẳng ngũ uẩn
Diệc thế lộ, ngôn y
Hữu ly, hữu sự đẳng. (VI)
*Dịch nghĩa:
Lại nữa các pháp hữu vi,
Là năm uẩn, gồm sắc uẩn ...
Cũng còn gọi là thế lộ,
Ngôn y, hữu ly, hữu sự...
Trong tụng văn này hai câu đầu nêu thể của pháp hữu vi, hai câu sau đề cập các dị danh của nó.

Thể của pháp hữu vi chính là năm uẩn (Skandhapancakam) sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong 75 pháp, năm uẩn bao hàm hết 72 pháp, trừ ba vô vi, đó là:

1. Sắc uẩn, 11 pháp (5 căn, 5 cảnh và vô biểu sắc)
2. Thọ uẩn, 1 pháp là hai tâm sở thọ và tưởng
3. Tưởng uẩn, 1 pháp trong 46 tâm sở.
4. Hành uẩn, 58 pháp (44 tâm sở và 14 pháp bất tương ưng hành).
5.Thức uẩn, 1 pháp, tức tâm vương.
Chữ vi (Krtà) trong hữu vi (Samskrtà) có nghĩa là tạo tác. Pháp do các duyên tạo tác mà có gọi là hữu vi. Nhưng trong ba đời: quá khứ, hiện tại, và vị lai, các pháp quá khứ và hiện tại, do các duyên tạo tác mà có, nên gọi là hữu vi đã đành. Còn các pháp ở vị lai chưa có sự tạo tác, sao cũng gọi là hữu vi? VÌ những pháp ở vị lai đồng loại với các pháp trong quá khứ và hiện tại, nên cũng được gọi là hữu vi. Như gỗ bị lửa đốt thì gọi là củi, còn những cỏ cây chưa bị lửa đốt nhưng vì đồng một loại với thứ đã bị đốt nên cũng được gọi là củi.

Pháp hữu vi còn có các dị danh dưới đây:
 
 

1.Thế lộ (Adhvà): Theo văn trường hàng, có hai cách giải thích:

-Thế là tam thế, lộ là chỗ dựa, đường đi. Các pháp hữu vi là cứ điểm chỗ dựa cho ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai đi qua. Ðây là giải thích tập hợp danh từ theo luật Y chủ thích(Tat-purusa).

Trong Câu xá luận ký của ngài Phổ Quang có hai lối giải thích tập hợp danh từ này, theo luật Hữu tài thích và luật Y chủ thích. Câu-xá Luận Sớ của Pháp Bảo thì theo luật y chủ thích.Ở đây dùng luật Y chủ thích của ngài Phổ Quang.

-Thế, chỉ cho các pháp hữu vi đều bị hoại diệt, lộ, là nó làm cứ điểm cho luật vô thường. Vậy, thế tức lộ. Ðây là giải thích tập hợp danh theo luật Trì nghiệp thích (Karma-dhàraya). Câu xá luận sớ của Pháp Bảo theo Y chủ thích. Ở đây theo cách giải thích của Câu xá luận ký.

2. Ngôn y (Kàthàvastu) theo giải thích trong văn trường hàng: ngôn là ngôn ngữ. Thể của nó là âm thanh, chỗ dựa của nó là danh và nghĩa. Theo đó, danh là khả năng diễn tả, nghĩa là cái được diễn tả. Cả hai đều là cứ điểm cho âm thanh và ngôn ngữ dựa vào. Bởi vì các pháp hữu vi cùng với danh và nghĩa trên đây cũng hiện hành trong ba thời gian, nên được gọi là ngôn y. Như nói: Tùng, trúc, thì danh với khả năng diễn tả và thể nghĩa được diễn tả của chúng đều có sanh diệt, biến ho?i và cũng hiện hành trong ba thời gian, nên gọi là hữu vi.

Pháp vô vi mặc dù cũng có danh để diễn tả, nhưng thể của nó không có sanh diệt như danh. Như nói: Trạch diệt vô vi, thì cái danh xưng để diễn tả là pháp hữu vi có sanh diệt, nhưng diệt lý được diễn tả trong đó thì thường trú bất biến, nên không thuộc về pháp hữu vi như danh xưng của nó. Vì thế, ba chữ danh câu nghĩa trong văn trường hàng cũng có để giải thích theo hai cách: -Danh và nghĩa kia nói lên bản thể mà ngôn ngữ y cứ.

- Nghĩa và danh kia là để tách biệt với nghĩa trong pháp vô vi, không đồng tính chất với danh.
 
 

3. Hữu ly (Sanihsàra): Ly là vĩnh ly tức Niết-bàn.Tất cả các pháp hữu vi đều có tính chất vĩnh ly đó, nên gọi là hưũ ly. Như có của cải thì gọi là hữu tài.
 
 

4. Hữu sự (Savastu): Sự là nguyên nhân. Tất cả các pháp hữu vi đều có nguyên nhân để sinh ra, do đó chúng được gọi là hữu sự.

Nói đẳng, tức vân vân, vì pháp hữu vi còn có nhiều biệt danh khác nữa, như hữu quả, v.v...
 

* TIẾT 2: DỊ DANH CỦA HỮU LẬU

Từ hữu lậu đã giải thích trước kia, còn dị danh của là nó là gì? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Hữu lậu danh thủ uẩn
Diệc thuyết vi hữu tránh.
Cập khổ tập thế gian,
Kiến xứ, tam hữu đẳng. (VII)
* Dịch nghĩa:

Hữu lậu còn có tên khác là thủ uẩn, cũng gọi là hữu tránh, và khổ tập thế gian, kiến xứ, tam hữu,v.v...
 
 

* Giải thích:

Thủ uẩn (Upàdàna-skandha): Thủ (Upàdàna), tức phiền não, vì phiền não là công năng mê vọng chấp thủ trong ba cõi sanh tử. Thủ uẩn, theo văn trường hàng có ba cách giải thích: Vì uẩn do chấp thủ mà sanh, vì hệ thuộc nơi thủ, và vì có công năng sanh ra thủ, nên được gọi là thủ uẩn.
 
 

Hữu tránh (Saragà): Tránh tức phiền não. Phiền não quấy động thiện căn, gây tổn hại cho mình và người. Phiền não cùng các pháp hữu lậu khác tác động hổ tương để tăng trưởng nên gọi là hữu tránh.
 
 

Khổ tập thế gian (Dhukkam-samudaya-loka): Khổ là quả của mê vọng. Tập là nhân của mê vọng. Cả hai đều là pháp hữu lậu. Ðã là pháp hữu lậu thì không thoát khỏi lậu thiên lưu dời đổi qua bốn tướng trạng: Sinh, trụ, dị, diệt. Các pháp này là đối tượng đối trị của Thánh đạo vô lậu nên gọi là thế gian.
 
 

Kiến xứ (Drstisthana): là môi trường cho sự thủ trước của tri kiến. Kiến có nghĩa là suy cầu theo sự thúc đẩy của ác tuệ tà kiến, gồm có thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ.

Thân thể của chúng sanh vốn do hai yếu tố tâm và vật tụ hợp mà thành, và gọi đó là "năm uẩn hòa hợp". Ðối với thân do ngũ uẩn cấu thành ấy, mê chấp cho rằng có cái ngã thường hằng, chủ tể. Ðó gọi là thân kiến. Từ thân kiến sinh ra thiên chấp cho rằng con người sau khi chết hoặc mất hẳn, hoặc còn mãi, như vậy gọi là biên kiến. Do nhận thức sai lầm mà phủ định luật nhân quả, đó gọi là tà kiến. Cũng do nhận thức sai lầm mà chấp rằng ba loại kiến trên là đúng, là thật, là hơn hết, như vậy gọi là kiến thủ kiến. Do nhận thức sai lầm mà đối với cái không phải nhân cho là nhân, không phải đạo cho là đạo, tà giới của ngoại đạo mà cho là chánh giới, đó là giới thủ kiến.

Tam hữu (Bhava): dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Pháp hữu lậu là nhân của ba cõi, là điểm tựa của chúng, và không vượt được ra ngoài chúng.
 
 

Ðẳng: Vân vân, chỉ cho các dị danh khác nữa của hữu lậu, như hữu nhiễm,v.v...
 
 

* TIẾT 3: ÐOẠN 1: GIẢI THÍCH SẮC UẨN

Năm uẩn (sắc, thọ...) đã là pháp hữu vi. Như vậy, sắc uẩn gồm những gì? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Sắc giả duy ngũ căn
Ngũ cảnh cập vô biểu. (VIII)
* Dịch nghĩa:

Sắc gồm năm căn, năm cảnh, và vô biểu. Về vô biểu sắc tướng trạng của nó như thế nào?
 
 

Tụng đáp:

* Nguyên văn:

Loạn tâm vô tâm đẳng
Tùy lưu, tịnh bất tịnh.
Ðại chúng sở tạo tánh
Do thử thuyết vô biểu. (IX)
* Dịch nghĩa:

Loạn tâm, vô tâm,v.v...tùy lưu, tịnh và bất tịnh, có tánh chất là do đại chủng tạo thành nên gọi là vô biểu.

Trong bài tụng này, câu đầu chỉ vị trí của vô biểu. Tùy lưu (anubandha) chỉ tướng trạng của vô biểu. Tịnh và bất tịnh chỉ tánh chất của vô biểu. Câu thứ ba nói cái nguyên nhân của vô biểu để tránh sự lầm lẫn. Câu thứ tư là câu kết, gọi vô biểu sắc là một loại trong sắc pháp, nhưng không phải là vật cụ thể như năm căn hay năm cảnh. Tuy xưa nay, Ðại thừa và Tiểu thừa đều sử dụng, nhưng có nhiều giải thích dị biệt. Ðây nói khái quát về vô biểu trước, rồi sẽ giải thích tụng văn sau:
 
 

Vô biểu sắc: (Avijnatirupa) là sắc pháp không biểu thị cho người khác thấy, trái với loại sắc pháp có biểu thị thấy được. Lúc chúng ta cử động thân thể, nói năng, làm việc thiện hay ác, thì đối với kẽ khác, có sự biểu thị cụ thể, khiến họ biết đó là làm thiện hay ác. Sự biểu thị cụ thể đó gọi là biểu sắc hay biểu nghiệp. Nhưng sự phát hiện của biểu nghiệp thiện hay ác ấy hoàn toàn nằm trong định luật nhân quả. Bởi lẽ thấy rõ nguyên nhân thế nào, tương lai chiêu cảm kết quả sẽ như thế ấy. Do lẽ đó, có sự kích động trong tâm của mình. Nguyên nhân kích động này không hình tướng, không biểu thị cho người khác thấy được, gọi là vô biểu sắc. Thể của vô biểu sắc không phải do tổng hợp các cực vi, mà chỉ do động tác của thân thể và sự phát động của ngôn ngữ để kích thích phát khởi. Vì tùy theo thân thể và ngôn ngữ, khả năng phát động tạo thành ra nó là vật chất, nên nó được gọi là sắc. Vả lại nếu căn cứ vào lẽ vô biểu sắc là sắc không chuyển động lệ thuộc theo tâm, thì quả thật vô biểu sắc ấy nương vào bốn đại chủng mà có. Vì nương vào bốn đại chủng nên gọi là sắc.

Lại nữa, vô biểu sắc có nhiều loại, như luật nghi vô biểu, bất luật nghi vô biểu, phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu.
 
 

1. Luật nghi vô biểu: Tánh chất của nó là thiện, gồm ba loại:

a. Biệt giải thoát luật nghi vô biểu: Do xa lánh tội lỗi nơi thân, khẩu của riêng từng giới mà đạt được thể vô biểu. Như đệ tử Phật nhờ thọ trì các phẩm trật giới luật: 5 giới, 10 giới, 250 giới, 348 giới...mà đạt được thể vô biểu.

b. Tịnh lự luật nghi vô biểu: Tịnh lự là định, khi nhập định, tất nhiên xa lìa được tội lỗi nơi thân, khẩu, cho nên đạt được thể vô biểu.

c. Vô lậu luật nghi vô biểu: Khi phát khởi thiện tâm vô lậu, tự nhiên xa lìa được tội lỗi của thân, khẩu nên đạt được thể vô biểu

Hai loại vô biểu sau tức loại b và c còn gọi là vô biểu tùy tâm chuyển. Ngoài ra, các loại khác được gọi là vô biểu không tùy tâm chuyển.

2. Bất luật nghi vô biểu: Do hành động thô ác của thân, khẩu, nên phát sinh thể vô biểu thuộc ác tánh.
 
 

3. Phi luật nghi phi bất luật nghi vô biểu: Ðây là lọai vô biểu mà tánh chất không nghiêng về thiện hay ác, cũng không dứt khoát là thuộc về luật nghi vô biểu hay bất luật nghi vô biểu.

Tụng nói, loạn tâm vô tâm đẳng là muốn nói đến địa vị của thể vô biểu. Chữ đẳng (vân vân) có thể đọc là: "loạn tâm đẳng, vô tâm đẳng" vì trong đó còn gồm cả bất loạn tâm và hữu tâm.
 
 

Loạn tâm đẳng (Viksiptàpi): Từ các tâm thiện, ác, vô ký đối chiếu với vô biểu của thiện và ác, hễ cái nào có tánh chất tương đồng thì gọi là bất loạn tâm, còn cái nào bị diệt thì gọi là loạn tâm (iksipta). Như vậy đối với vô biểu thiện thì gọi ác tâm và vô ký tâm là loạn tâm, và gọi thiện tâm là bất loạn tâm; còn đối với vô biểu ác thì gọi thiện tâm và vô ký tâm là loạn tâm, gọi ác tâm là bất loạn tâm.
 
 

Xem biểu đồ sau:



Vô biểu
Thiện
ác tâm loạn tâm
vô ký tâm
thiện tâm bất loạn tâm
Ác
thiện tâm loạn tâm
vô ký tâm
loạn tâm bất loạn tâm

Vô tâm đẳng (Acittapi): Vô tâm chỉ cho vô tưởng định và diệt tận định. Khi nhập các định này, tâm không hiện khởi, nên gọi là vô tâm. Ngược lại nghĩa này là hữu tâm.

Sự hiện hữu và tồn tại của vô biểu sắc thông cả bốn vị: loạn tâm, bất loạn tâm, vô tâm và hữu tâm, nên nói loạn tâm vô tâm đẳng. Nhưng loạn tâm, bất loạn tâm cũng chính là hữu tâm, thế thì cần gì phải thiết lập thêm hữu tâm? Loạn tâm và bất loạn tâm căn cứ vào tán địa ở Dục giới và lập ra; hữu tâm và vô tâm căn cứ định địa ở thượng giới mà lập ra, cho nên không phải là trùng lập.

Như thế, tại sao trong tụng văn không nêu bất loạn tâm và hữu tâm? Bởi vì thiện vô biểu tồn tại nơi thiện tâm và hữu tâm, còn ác vô biểu tồn tại nơi ác tâm và hữu tâm. Ðó là lý thông thường, không có gì lạ. Nhưng thiện ác vô biểu vẫn tồn tại nơi tánh tương phản của chúng. Nói cách khác thông cả thiện tâm và vô tâm; ác vô biểu thông cả ác tâm và vô tâm. Ðây mới chính là chỗ dị biệt. Ðể chỉ rõ sự dị biệt đó, ở đây đặc biệt nêu lên loạn tâm và bất loạn tâm...
 
 

Tùy lưu (Anubandha): Tùy: tùy thuận; lưu: lưu chuyển. Có nghĩa là tương tợ, tương tục. Chính là vô biểu sắc ở nơi bốn vị: loạn tâm, bất loạn tâm, hữu tâm và vô tâm; nó có tính cách tùy thuận tương tợ, lưu chuyển tương tục. Tuy vô biểu sắc tùy thuận lưu chuyển với bốn vị, nhưng cần có sự phân biệt, vì nó không trọn vẹn. Chẳng hạng, biệt giải thoát luật nghi vô biểu thì chắc chắn thông cả bốn vị, còn tịnh lự luật nghi và vô lậu luật nghi vô biểu chỉ hiện hành nơi mỗi một vị hữu tâm mà thôi. Lại nữa, bất luật nghi vô biểu cũng chỉ hiện hành ở hai vị loạn tâm và bất loạn tâm, vì chúng dựa vào vô biểu mà có sai khác.
 
 

Tịnh - Bất tịnh (Subhàsubha): Hiển thị thể của vô biểu, thể của nó chỉ có hai tính: thiện và ác, không có tánh vô ký. Vì thiện nên gọi là tịnh (Subha), và vì ác nên gọi là bất tịnh (Asubha).
 
 

Ðại chủng sở tạo tánh: Ðại chủng là bốn đại: đất, nước, lửa, gió. Các pháp khác, có pháp tuy thông cả bốn vị để tùy thuận tương tợ và lưu chuyển tương tục, nhưng tánh chất của chúng không do bốn đại tạo ra. Chỉ có vô biểu sắc này tùy thuận lưu chuyển nơi bốn vị, lại là tánh chất do bốn đại ch?ng tạo. Vì chúng không đồng nhau, nên ở đây nêu ra nhân của vô biểu sắc để khỏi lẫn lộn.
 
 

Do thử thuyết vô biểu, kết luận về sự thành lập danh từ vô biểu. Chữ "thuyết" là thuyết của các luận sư Tỳ-bà-sa, còn ý luận chủ thì không tin vô biểu sắc có thực thể riêng biệt. Những điều khác, theo đây có thể biết .

Thể tánh của vô biểu sắc được tạo thành bởi bốn đại chủng. Vậy bốn đại chủng là gì? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Ðại chủng vị tứ giới,
Tức địa, thủy, hỏa, phong (tên).
Năng thành trì đẳng nghiệp (dụng),
Kiên, thấp, noãn, động tánh (thể) . (X)
* Dịch nghĩa:

Ðại chủng là bốn giới: đất, nước, lửa, gió; có khả năng thành tựu các nghiệp trì, nhiếp, thực, trưởng. Tính chất của chúng là cứng, ẩm, nóng, động.

Ðại có ba nghĩa:
 
 

1. Thể đại: Bốn đại này phổ biến khắp các sắc, không vật nào không do chúng tạo thành, nên thể của chúng rất bao quát.
 
 

2. Tướng đại: Ðất rộng, núi cao là tướng địa đại tăng thạnh; sông ngòi, biển cả là tướng thủy đại tăng thạnh; gió to, bảo lốc là tướng phong đại tăng thạnh; lò lửa phừng phừng là tướng hỏa đại tăng thạnh. Bốn đại tăng thạnh như vậy là hành tướng của bốn đại.
 
 

3. Dụng đại: Ðịa đại có khả năng nâng đỡ, duy triì mọi vật; thủy đại có khả năng thấm dính, làm nổi thuyền bè; hỏa đại có khả nấu chín, đốt cháy cây cỏ; phong đại có khả năng tăng trưởng hoặc quật ngã cây cối. Ðó là tác dụng đại.
 
 

Chủng: Bốn đại là chỗ nương tựa của tất cả các pháp do chúng tạo ra (pháp sở tạo). Như hư không phổ biến khắp nơi, tuy có thể là đại, nhưng không gọi là chủng. Lại nữa, như hạt giống cây cỏ, tuy có thể sanh mầm nhánh mà được gọi là chủng, nhưng không thể gọi là đại. Nay ở đây đất, nước, lửa, gió, không những thể, tướng và dụng đều đại mà còn là chủng tử của tất cả sắc pháp, nên gọi là đại chủng.
 
 

Giới: Trì giữ. Bốn đại chủng có khả năng giữ gìn tự thể và các sở tạo sắc của chúng, vì thế chúng cũng được gọi là bốn giới.
 
 

* TIẾT 3: ÐOẠN 2: GIẢI THÍCH THỌ, TƯỞNG, HÀNH UẨN:

Trong 5 uẩn, đã giải thích sắc uẩn, còn ba uẩn thọ, tưởng và hành uẩn như thế nào? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Thọ lãnh nạp tùy xúc.
Tưởng thủ tượng vi thể.
Tứ dư danh hành uẩn.
Như thị thọ đẳng tam,
Cập vô biểu vô vi,
Danh pháp xứ pháp giới . (XI)
* Dịch nghĩa:

Thọ là sự lãnh nạp tùy theo xúc. Tưởng lấy sự chấp thủ ảnh tượng làm thể. Ngoài bốn uẩn ra là hành uẩn. Thọ, tưởng và hành như thế, và vô biểu vô vi gọi là pháp xứ pháp giới.

Một bài tụng rưỡi này nhằm thuyết minh về các uẩn thọ, tưởng và hành; và cũng cho thấy trong mười hai xứ, chúng thuộc về pháp xứ; và trong mười tám giới chúng thuộc về pháp giới.
 
 

Thọ lãnh nạp tùy xúc: Thọ là sự lãnh nạp tùy theo xúc. Ðây là giải thích về thọ uẩn. Có hai giải thích.

1. Thọ là sự lãnh nạp tùy theo cảnh của xúc.
2. Thọ là lãnh nạp tùy theo xúc của thọ.
Câu-xá 10 nói: "Vì sao nói xúc là hành tướng được lãnh nạp bởi thọ?. Vì y cứ nơi hành tướng của thọ rất tương tự với xúc, và vì thọ y cứ nơi xúc mà sanh vậy". Chánh Lý Luận 20 nói, "Tùy xúc mà sanh, lãnh nạp những cái xúc đáng ưa, và cả hai gọi đó là thọ". Cũng Chánh Lý Luận quyển 2 nói, "Lại nữa, các thọ tóm lược có hai thứ: chấp thủ thọ và và tự tánh thọ. Chấp thủ thọ là khả năng lãnh nạp cảnh sở duyên của riêng mỗi tâm tâm sở. Tự tánh thọ là khả năng lãnh nạp các xúc mà chúng nó đi theo. Cho đến, cái sở duyên được nhận lãnh bởi thọ, với một pháp làm cảnh đối tượng nào đó của xúc, tướng trạng sai biệt của chúng rất khó mà nhận thấy. Cho đến, tuy thọ cũng có khả năng lãnh nạp cảnh giới, nhưng tự tánh của sự lãnh nạp này cũng khó biết được. Cho nên, lãnh nạp xúc là tự tánh thọ. Tự tánh thọ này cùng tánh chất với các tâm, tâm sở khác, sự sai biệt ấy dễ biết. Hiển Tông Luận cũng nói "Thọ lãnh nạp tùy xúc đó là thế nào? Vì thọ là quả gần của xúc vậy". Chữ "tùy xúc" theo luật biến cách danh từ, chỉ cho ý nghĩa về nguyên nhân, vì thọ là tác duyên tùy thuận vậy. Thọ có khả năng tùy thuận xúc, lấy xúc làm nhơn nên nói "thọ lãnh nạp tùy xúc", sự lãnh nạp tùy xúc được gọi là thọ.

Dựa vào các đoạn văn trên, cách giải thích thứ hai được coi là đúng. Ở đây, theo cách giải thích này.

Thọ là một trong bốn mươi sáu tâm sở. Tâm sở này, quả thọ (thọ như là quả) như thế nào? Ðó là sự lãnh nạp tùy thuận nơi xúc của riêng nó. Theo nghĩa này, thọ được chia làm ba loại:

1. Khổ thọ: Lãnh nạp cái xúc khổ không vừa ý.
2. Lạc thọ: Lãnh nạp cái xúc vừa ý.
3. Bất khổ bất lạc thọ: Lãnh nạp xúc trung dung.
Lại nhân vì sáu căn là chỗ dựa của tâm sở thọ, nên theo đó mà khai triển thành sáu thọ:


1. Thọ phát sinh bởi nhãn xúc
2. Thọ phát sinh bởi nhĩ xúc
3. Thọ phát sinh bởi tỷ xúc
4. Thọ phát sinh bởi thiệt xúc
5. Thọ phát sinh bởi thân xúc
thuộc thân thọ
6. Thọ phát sinh bởi ý xúc thuộc tâm thọ

Tưởng thủ tượng vi thể: Ðây là giải thích tưởng uẩn. Tưởng cũng là một trong bốn mươi sáu tâm sở. Tâm sở này là sự thủ trước cảnh duyên sai biệt, như khổ, vui, thương, ghét, nam, nữ... làm thể tánh. Lại nữa, nương vào các căn tưởng cũng có 6 loại: Tưởng phát sinh từ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý.
 
 

Tứ dư danh hành uẩn: Ngoài bốn uẩn ra còn lại là hành uẩn. Nghĩa là trong năm uẩn, trừ sắc, thọ,ü tưởng và thức uẩn ra, còn lại là hành uẩn. Các pháp ngoài bốn uẩn ấy là, trong 46 tâm sở pháp, trừ thọ và tưởng ra, còn lại 44 pháp, cộng với 14 pháp tương ưng hành, tất cả thành 58 pháp. 58 pháp này đều là những hành vi tạo tác, lưu chuyển, biến đổi nên gọi là hành. Nhưng không phải chỉ 58 pháp này mới có tạo tác biến đổi còn các pháp không có, chẳng qua ở đây vì so với các pháp khác, 58 pháp này đặc biệt hơn, nên dùng tên hành uẩn đặc cho chúng.

Trong đây, ba câu tụng từ "Như thị thọ đẳng tam" trở xuống là đoạn văn thành lập xứ và giới. Nghĩa là ba uẩn thọ, tưởng và hành và vô biểu sắc trong sắc pháp cùng với các pháp vô vi, trong mười hai xứ và mười tám giới, chúng đều thuộc về pháp xứ và pháp giới. Sở dĩ gọi là pháp, vì thọ, tưởng, hành cùng các pháp vô biểu, vô vi đều là đối tượng nhận thức của đệ lục ý thức.
 
 

* TIẾT 3 - ÐOẠN 3: GIẢI THÍCH TƯỞNG UẨN

Ðã giải thích bốn trong năm uẩn, còn uẩn thứ năm là thức uẩn thì như thế nào? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Thức vị các liễu biệt.
Thử tức danh ý xứ,
Cập thất giới ưng tri.
Lục thức chuyển vi ý. (XII)
* Dịch nghĩa:

"Thức là sự liễu biệt theo từng đối tượng riêng. Thức đó gọi là ý xứ, và bảy tâm giới. Nên biết ý căn là do sáu thức chuyển thành".

Thức uẩn là chỉ ý xứ trong mười hai xứ hoặc bảy tâm giới trong mười tám giới. Trong mười tám giới, ý căn giới do ở sáu thức thân vô gián diệt chuyển hóa thành ra. Thức và ý có ba sự khác nhau: 1. Do thời gian, thức sinh trong hiện tại trôi về quá khứ là ý. 2. Do năng sở y, lục thức thân là cái nương tựa, ý là nơi nương tựa. 3. Do năng sở sinh, từ ý sinh là thức, sinh ra thức đó là ý.

Thức là tâm vương trong 75 pháp, gồm sáu thứ là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Sáu tâm vương này, tuy mỗi cái đối trước cảnh sở duyên đều sinh ra tác dụng phân biệt, nhưng tác dụng phân biệt đó có ba loại khác nhau, đó là tùy niệm phân biệt, kế đạt phân biệt và tự tánh phân biệt.

- Tùy niệm phân biệt là phân biệt theo sự nhớ lại cảnh quá khứ.
- Kế đạt phân biệt, là không những chỉ phân biệt theo sự nhớ lại quá khứ mà còn nghĩ đến cảnh hiện tại và suy đoán về tương lai nữa.
- Tự tánh phân biềt thì không giống hai loại trên. Nó chỉ do tự tánh của tâm thức khi đối với cảnh hiện tại thì tự nhiên phân biệt một cách hồn nhiên thế thôi.
Trong ba loại phân biệt này, năm thức trước, từ nhãn đến thân, chỉ có tự tánh phân biệt. Ðệ lục ý thức thì ngoài tự tánh phân biệt ra còn có tùy niệm phân biệt và kế đạt phân biệt nữa. Từ đó suy ra, tác dụng của năm thức trước rất đơn giản, chỉ phân biệt cảnh hiện tại mà thôi. Và trong cảnh hiện tại đó, chúng chỉ trực nhận hữu chất cảnh của ngoại giới chứ không có tác dụng suy lường, so sánh... Khác thế, đệ lục ý thức phân biệt các cảnh một cách rộng rãi, suốt cả ba thời (quá, hiện, vị), và bất luận là cảnh hữu hình hay vô hình, bên trong hay bên ngoài, cùng khắp tất cả.

Khi đối trước cảnh sở duyên, sáu thức này sinh ra tác dụng phân biệt, so với tác dụng phân biệt của các tâm sở khác nhau thế nào? Theo Quang ký 1, có bốn thuyết:

1. Tâm vương chỉ duyên tổng tướng, Tâm sở chỉ duyên biệt tướng.
2. Tâm vương duyên tổng tướng và biệt tướng, Tâm sở chỉ duyên biệt tướng.
3. Tâm vương chỉ duyên tổng tướng, Tâm sở duyên cả tổng tướng lẫn biệt tướng.
4. Tâm vương duyên tổng tướng là chính, còn duyên biệt tướng là phụ.
Ở đây, thuyết thứ ba đúng hơn cả Ðại, Tiểu thừa công nhận. Tâm vương và tâm sở đều là tâm chủ quan duyên cảnh khách quan. Trong đó cái nào duyên tổng tướng thì chính là tâm vương. Thí dụ, khi mắt ta nhìn thấy màu, duyên lấy toàn thể màu để phân biệt là tác dụng của tâm vương. Nhưng trong lúc đó, không những chỉ duyên lấy màu đơn thuần, mà đồng thời ở nơi màu ấy, còn duyên lấy cái tướng sai biệt của nó nữa, như xanh, vàng, xanh đậm, xanh lạt v.v... nếu thích ý thì sanh mong cầu, không thích ý thì sanh nhàm chán. Ðó là tác dụng của tâm sở. Tác dụng của tâm vương và tâm sở khác nhau ở chỗ đó.

Thức uẩn, chỉ sáu thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức. Ngoài sáu thức này còn có ý căn giới. Vậy, xét cho cùng, pháp gì gọi là ý giới? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Do tức lục thức thân,
Vô gián diệt vi ý. (XIII)
* Dịch nghĩa:

Do chính sáu thức thân vô gián diệt làm ý. Chữ "thân" có nghĩa là "thể", tức chỉ cho thể của sáu thức. Vì có khả năng làm chỗ nương cho thức sau phát sinh, giữa sáu thức quá khứ và hiện tại không có sự gián cách, gọi đó là ý căn giới.

Trên đây chỉ nói về năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới. Như vậy chúng dung nhiếp được tất cả các pháp như thế nào? Nay đây, căn cứ vào thuyết phổ thông nhất, là năm vị và 75 pháp, để biểu thị cái tướng tương nhiếp của chúng, như biểu đồ sau:

ÐỒ BIỂU ÐỐI CHIẾU 5 VỊ / 75 PHÁP

* 11 sắc pháp: sắc uẩn
* 1 tâm pháp: thức uẩn
* 46 tâm sở pháp: thọ, tưởng uẩn
* 14 bất tương ưng hành: hành uẩn
* 3 vô vi pháp.
* TIẾT 3: ÐOẠN 4: TỔNG NHIẾP

Như trên, cả năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới đều khả dĩ tổng nhiếp được tất cả các pháp. Vậy sự tổng nhiếp đó như thế nào? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Tổng nhiếp nhất thế pháp,
Do nhất uẩn, xứ, giới.
Nhiếp tự tánh phi dư,
Dĩ ly tha tánh cố. (XIV)
* Dịch nghĩa:

Tổng nhiếp tất cả các pháp, do một uẩn, một xứ, một giới. Chỉ nhiếp những gì cùng tánh chất, vì những gì không cùng tánh chất thì tách rời nhau.

Trong tụng văn trên, hai câu trước nói về sự hỗ tương dung nhiếp; hai câu sau nói về giới hạn của sự dung nhiếp đó.

Sự tổng nhiếp tất cả các pháp (hai câu tụng đầu) chính là sắc uẩn trong năm uẩn, ý xứ trong mười hai xứ và pháp giới trong mười tám giới. Vì sao vậy? Mặc dù giới hạn của tất cả các pháp vô cùng mênh mông, nhưng vẫn có thể được thu gọn trong 5 vị và 75 pháp. Trong đó, sắc uẩn tổng nhiếp tất cả sắc pháp, ý xứ tổng nhiếp tất cả tâm pháp, và pháp giới tổng nhiếp tất cả tâm sở, bất tương ưng hành và vô vi pháp. Do đó, trong ba khoa: uẩn, xứ, giới, chỉ đặc biệt nêu lên sắc uẩn, ý xứ và pháp giới.

Vì sao như vậy? Vì mặc dù sắc, ý và pháp nói trên chỉ mới là 1 uẩn, 1 xứ và 1 giới, nhưng mỗi loại vẫn có thể tự nhiếp được nhiều pháp khác, nên được đặc biệt nêu ra. Bởi trong 5 vị, sắc pháp vốn có 11 thứ: 5 căn, 5 cảnh và vô biểu sắc, tất cả đều thuộc về sắc uẩn. Còn như sắc xứ hay sắc giới, tuy cũng đồng gọi là sắc, nhưng phạm vi hẹp, chúng chỉ nhiếp được phần nào trong sắc cảnh, chứ không thể thông nhiếp tất cả sắc pháp. Kế đến, ý xứ và thức uẩn đều có thể thâu nhiếp được tất cả tâm pháp, nhưng với sắc pháp đã nêu ra sắc uẩn, nên ở đây đối với tâm pháp cũng chỉ nêu ý xứ mà thôi. Còn về pháp giới thì cùng với pháp xứ, có một phạm vi như nhau, nghĩa là đều bao trùm cả tâm sở, bất tương ưng hành và vô vi pháp. Nhưng ở đây, vì muốn nói lên sự kiện uẩn, xứ, giới có thể tổng nhiếp tất cả pháp, nên ở đây đặc biệt chỉ nêu ra pháp giới mà không nêu pháp xứ dù pháp xứ cũng tổng nhiếp được tất cả pháp.

Về giới hạn của sự hỗ tương dung nhiếp (hai câu tụng sau) theo Hóa địa bộ, các pháp dù có những tính khác biệt, cũng vẫn có thể hỗ tương dung nhiếp. Song ở đây, ngược lại sự dung nhiếp đó chỉ có thể có trong những pháp nào đồng tính chất mà thôi, còn dị biệt nhau thì không thể dung nhiếp được. Sắc uẩn, nhãn giới, nhãn xứ chẳng hạn, cả ba đều là sắc pháp nên mới có thể dung nhiếp nhau; còn sắc đối với tâm hay ngược lại, vì có tính chất dị biệt nhau nên tách xa nhau, không thể dung nhiếp được. Nên tụng văn nói, "Dĩ ly tha tánh cố" là chỉ nghĩa này.
 
 

GIẢI THÍCH DANH TỪ BA KHOA: UẨN, XỨ, GIỚI

Tại sao gọi là uẩn, xứ, giới? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Tụ, sanh môn, chủng tộc,
Thị uẩn, xứ, giới nghĩa. (XV)
* Dịch nghĩa:
Tụ, sanh môn và chủng tộc,
Ðó là nghĩa của uẩn, xứ, và giới.
* Giải thích:

Tụ: Tích tụ, tức là nghĩa của uẩn. Vì các pháp hữu vi phẩm loại sai biệt, nên có thể nhóm họp được. Như sắc pháp, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong ngoài thân, thô tế, thắng liệt, xa gần v.v...phẩm loại tuy sai biệt, nhưng có thể tóm lược thành một nhóm, gọi là sắc uẩn. Thọ, tưởng, hành, và thức cũng như vậy. Nói tóm lược thành một nhóm là chỉ tóm lược cái danh, chứ không phải tóm lược cái thể. Vì thể của các pháp hữu vi thông suốt và tồn tại trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, chứ chẳng phải tích tụ các pháp trong ba thời về một nơi, cho nên gọi là lược.
 
 

Sanh môn: Tức căn cứ, cưả ngõ sanh khởi, là nghĩa của xứ. Sao gọi là sanh trưởng? Vì 12 xứ, 6 căn và cảnh, là chỗ nương và chỗ duyên của tâm và tâm sở, có khả năng phát sinh tâm và tâm sở, nên gọi là sanh khởi. Nhưng pháp thể thì hằng hữu trong ba thời nên đây nói sanh khởi là sanh khởi tác dụng, chứ không phải sanh khởi bản thể.
 
 

Chủng tộc: Là nghĩa của Giới. Tự tánh chủng loại của mời tám thứ (sáu căn, sáu cảnh, sáu thức) riêng biệt không đồng nhau nên gọi là giới. Hay nói cách khác là mười tám lãnh vực của tất cả pháp.

Tóm lại, tích tụ nhiều phẩm loại sai khác gọi là uẩn; căn, cảnh, là nơi phát sinh tâm, tâm sở, nên gọi là xứ; tự tánh các pháp sai biệt nên gọi là giới.

Ba khoa uẩn, xứ, giới này theo Tát-bà-đa bộ chúng đều là thật hữu. Kinh lượng bộ nói uẩn, xứ là giả, giới mới là thật. Luận chủ không chấp nhận cả hai thuyết trên. Năm uẩn chứa nhóm các phẩm loại riêng biệt, như trong ngoài, thô tế, thắng liệt, xa gần v.v...trong ba thời, nên đều là giả. Còn mười hai xứ, mười tám giới dù là sở duyên hay năng duyên, cũng đều có thật thể, thật dụng nên gọi nó là thật. Ðây là lý do luận chủ chủ trương: Uẩn giả, xứ và giới thật.

NHÂN DUYÊN THUYẾT GIÁO

Vì lý do gì mà đức Thế Tôn nói đủ ba khoa uẩn, xứ và giới này? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Ngu, căn, lạc tam cố,
Thuyết uẩn xứ giới tam. (XVI)
* Dịch nghĩa:

Vì ngu si, vì căn tánh và vì sự ưa thích, mỗi loại đều có ba hạng, nên Thế Tôn nói ba khoa: uẩn, xứ, giới.

Ngu: Tức ám muội, đối với cảnh sở duyên không có nhận thức sáng suốt rõ ràng. Thể của nó là vô minh. Có 3 loại ngu si:
 
 

1. Ngu chấp tâm sở là thật ngã: Ðối với tâm sở không có sự nhận thức rõ ràng, nên Thế Tôn nói pháp năm uẩn để phá trừ. Vì trong năm uẩn, sắc và tâm vương, mỗi thứ chỉ một uẩn, còn tâm sở có đến ba uẩn. Vậy nên đối với tướng của tâm sở quán sát kỹ càng thử xem nó có chi là thật ngã?
 
 

2. Ngu chấp sắc pháp là thật ngã: Ðây là hạng người đối với các sắc pháp không có sự nhận thức rõ ràng, nên Thế Tôn nói mười hai xứ để phá trừ. Vì trong mười hai xứ, trừ ý và pháp, còn lại mười xứ kia đều là sắc pháp. Do đó, có thể quán sát kỹ càng xem thử nó có phải chăng là thật ngã?
 
 

3. Ngu chấp sắc tâm làm thật ngã: Hạng người này đối với các sắc lẫn tâm đều không có sự nhận thức rõ ràng, nên Thế Tôn nói mười tám giới để phá trừ. Vì trong mười tám giới có mười giới (năm căn, năm cảnh) cùng với một phần pháp giới, tức vô biểu sắc, đều thuộc sắc pháp; còn bảy giới kia là một phần pháp giới đều thuộc tâm pháp, nên đối với hai nghĩa sắc, tâm, Ngài hợp lại để giảng thuyết ra mười tám giới khiến quán sát nó có phải là thật ngã chăng?
 
 

Căn: là căn tính của hữu tình, cũng chia làm ba:

1. Lợi căn: là hạng người căn tánh rất thông minh thoáng nghe đã hiểu nên Phật giáo hóa họ bằng năm uẩn.
2. Trung căn: hạng này kém thông minh hơn hạng lợi căn, nên Phật giáo hóa họ bằng 12 xứ.
3. Ðộn: căn hạng này căn tánh tối tăm, chậm lụt cần nghe nhiều mới lãnh hội được, nên Phật giáo hóa họ bằng 18 giới.
Lạc: là sự ưa thích của hữu tình, cũng có ba hạng:
1. Hạng người ưa nghe nói lược: Ðối với hạng này Phật nói pháp năm uẩn để giáo hóa họ.
2. Hạng người ưa nghe nói vừa: Ðối với hạng người này Phật đã nói pháp 12 xứ để giáo hóa họ.
3. Hạng người ưa nghe nói rộng: Ðối với hạng người này Phật nói pháp 18 giới để giáo hóa họ.
Tóm lại, giống như vị lương y tùy bệnh cho thuốc, Phật thuyết giáo thích hợp với căn cơ sai khác từng hạng với chúng sanh, để khiến họ được nhiều lợi ích. Do đó Ngài phân biệt nói có ba khoa.

ÐỒ BIỂU NÓI BA KHOA & CÁC HẠNG NGƯỜI


Ba khoa NGU CĂN LẠC
UẨN Tâm sở Lợi Thích gọn
XỨ Sắc pháp Trung Thích vừa
GIỚI Sắc và tâm Ðộn Thích rộng

LẬP VÀ PHẾ CÁC UẨN.

Trong bốn mươi sáu tâm sở, tại sao trong hành uẩn gồm 44 món mà lại tách hai tâm sở thọ và tưởng lập riêng thành hai uẩn? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Tránh căn, sanh tử nhân.
Cập thứ đệ nhân cố,
Ư chư tâm sở pháp,
Thọ, tưởng biệt vi uẩn. (XVII)
* Dịch nghĩa:

"Vì là nhân của tánh căn, của sanh tử, và vì nguyên nhân thứ tự, cho nên từ nơi các tâm sở, lập riêng thọ và tưởng thành hai uẩn".
 
 

* Giải thích:

Bài tụng trên nhằm giải thích lý do lập riêng hai tâm sở thọ và tưởng thành hai uẩn, có ba lý do:
 
 

1. Vì là gốc của tánh: Tánh tức phiền não. Căn là cội rễ. Vì thọ và tưởng là cội rễ của phiền não mê lầm, nên gọi là tánh căn. Có hai loại:

a. Những người tại gia đối với cảnh ngũ dục thư?ng sanh làm tham đắm (ái).
b. Những người xuất gia thường móng khởi những vọng kiến chấp trước (kiến).
Hai sự ái và kiến trên do đâu mà có? Do có tâm sở thọ thọ lãnh cảnh ngũ dục nên sanh tham ái. Do tâm sở tưởng móng khởi những tư tưởng điên đảo nên phát sanh vọng kiến. Vậy chính thọ và tưởng là nguyên nhân chủ yếu sanh ra các phiền não như thế, nên từ trong 46 tâm sở, tách thọ và tưởng riêng lập thành hai uẩn.
 
 

2. Vì nguyên nhân của sanh tử: Sanh tử là kết quả của mê lầm. Cái nguyên nhân chủ yếu đưa đến k?t quả mê lầm đó chính là thọ và tưởng. Chúng sanh chìm đắm và lưu chuyển trong sanh tử do và tham ái đắm say hưởng thọ khoái lạc, và do vì móng khởi tư tưởng điên đảo. Căn cứ vào nguyên nhân chủ yếu của tho và tưởng như thế, nên chúng được riêng lập thành hai uẩn.
 
 

3. Do nguyên nhân thứ tự: Vì căn cứ theo thứ tự thô, nhiễm, khí và giới biệt nên lập riêng thọ và tưởng thành hai uẩn, để tạo thành thứ lớp của năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Tại sao năm uẩn chỉ thâu tóm các pháp hữu vi mà không bao gồm các pháp vô vi? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Uẩn bất nhiếp vô vi
Nghĩa bất tương ưng cố. (XVIII)
* Dịch nghĩa:
Uẩn không bao gồm các pháp vô vi,
Vì ý nghĩa không tương ưng.
* Giải thích:

Bởi vì thể của pháp vô vi không có cái nghĩa biến hoại và biến ngại như sắc pháp, và không có tác dụng liễu biệt cảnh như thọ, tưởng,... cho nên không xếp vào năm uẩn. Lại nữa, các pháp vô vi không tương ưng với hành và thức nên không được xếp vào năm uẩn.

Vậy, sao không lập thêm uẩn thứ sáu để thâu nhiếp chúng? Như đã giải thích, uẩn có nghĩa là tích tụ. Các pháp hữu vi hoặc quá, hoặc hiện tại, hoặc tương lai, hoặc trong, hoặc ngoài..., dù có nhiều thứ loại sai khác, nhưng đều có thể được thâu tóm thành một nhóm, và nhóm thứ nhất gọi là sắc uẩn, cho đến nhóm thứ năm gọi là thức uẩn. Còn các pháp vô vi không có quá khứ, hiện tại, vị lai... không có phẩm loại sai khác, và không có nghĩa tích tụ, thì làm sao mà lập thành uẩn được?
 
 

THỨ LỚP DANH TỪ NĂM UẨN

Thứ lớp của năm uẩn:

Thứ lớp của năm uẩn như thế nào? Tụng đáp:
 
 

* Nguyên văn:

Tùy thô, nhiễm, khí đẳng,
Giới biệt thứ đệ lập. (XIX)
* Dịch nghĩa:
Tùy theo tính cách thô, nhiễm, vật khí và giới biệt mà thành lập thứ lớp.
* Giải thích:

Ðây là trình bày thứ lớp năm uẩn. Có bốn thứ lớp:
 
 

1. Thứ lớp tùy thô: Tức thứ lớp trước thô sau tế, sắc uẩn có ngại, có đối, so với bốn uẩn sau đều vô hình, nên sắc uẩn thô hơn, và vì thế nó được nói trước hết. Trong bốn uẩn kế, thọ có khổ, lạc...đối với thân có sự cảm nhận khổ, lạc, hành tướng của nó thô hơn ba uẩn sau, nên được xếp hàng thứ nhì. Trong ba uẩn sau, tưởng uẩn là tưởng về các tướng sai biệt nam nữ, v.v... so với hai uẩn còn lại, nó dễ nhận biết hơn, nên xếp vào hàng thứ ba. Trong hai uẩn cuối, hành uẩn bao gồm các phiền não tham sân... so với thức uẩn hành tướng của nó rõ ràng hơn, nên xếp vào hàng thứ tư. Cón thức uẩn là tâm vương, tóm thâu hết các cảnh tướng, hành tướng của nó rất là vi tế, khó phân biệt, nên xếp vào hàng sau cùng.
 
 

2. Thứ lớp tùy nhiễm: Nhiễm tức là phiền não nhiễm ô. Căn cứ vào thứ lớp sanh khởi nhiễm ô này mà lập ra năm uẩn. Từ vô thỉ đến nay, kẻ nam người nữ yêu thương lẫn nhau đầu tiên là do các hiển hình sắc, như nhan sắc, dung mạo. Ðối với các hiển hình sắc đó mà phát sinh ái, lạc, do ái lạc mà mong cầu được lạc thọ sắc đó. Thọ ấy là do ý tưởng điên đảo mà sanh ra. Ý tưởng điên đảo lại sanh khởi từ nghiệp phiền não (nghiệp phiền não được xếp vào hành uẩn), và nghiệp phiền não thì lại lấy thức làm chổ nương tựa. Do đó có thứ lớp từ sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
 
 

3. Thứ lớp tùy khí: Ðây là thứ lớp theo vật khí. Lấy vật đựng món ăn, đồ ăn, gia vị, người đầu bếp và thực khách để thí dụ. Muốn đãi khách trước hết cần phải chuẩn bị vật đựng món ăn, kế đó tìm kiếm đồ ăn như gạo, bún... tiếp theo là đồ gai vị như muối, dấm,... rồi sau mới giao cho người đầu bếp nấu nướng, để cuối cùng mang ra đãi khách. Ðó là thứ lớp tự nhiên. Nay đây, thử đem sắc, thọ, tưởng, hành, thức phối hợp với thứ lớp của năm ví dụ trên xem thế nào. Sắc uẩn là chổ nương của thọ, so với vật dụng đựng món ăn, là chỗ nương của đồ ăn, giống nhau. Còn lạc thọ trong thọ uẩn hay làm lợi ích cho người, khổ thọ hay làm tổn hại cho người, chính là đồng với ví dụ đồ ăn hay làm lợi ích cũng như làm tổn hại cho người. Trong tưởng uẩn, nếu sanh ý tưởng thân ái, thì được lạc thọ, cũng y như muối, giấm làm tăng thêm hương vị món ăn. Nghiệp phiền não trong hành uẩn hay tạo ra quả dị thục, có thể ví với người đầu bếp biến chế món ăn, còn thức uẩn thì cảm nhận quả báo không khác gì người khách được thết đãi.
 
 

4. Thứ lớp giới biệt: Giới có ba: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Sắc ở cõi Dục hình tướng rất rõ rệt, nên sắc được nói trước. Còn thọ nhận sự mừng vui thì ở cõi Sắc thù thắng hơn, nên nói thọ uẩn thứ nhì. Ba xứ không vô biên, thức vô biên và vô sở hữu trong cõi Vô sắc, các tưởng về không v.v... thù thắng hơn, nên xếp vào hàng thứ ba. Còn phi tưởng, phi phi tưởng trong cõi Vô sắc, ở đó, nghiệp lực cảm thọ quả báo đến tám vạn đại kiếp, tư nghiệp thuộc hành uẩn là tối thắng, nên xếp hàng thứ tư. Bốn uẩn trước là sở trú, thức uẩn là năng trú, làm chổ trú cho chủng tử, nên thức uẩn được xếp hàng cuối cùng.

Tóm lại căn cứ vào bốn nghĩa: tùy thô, tùy nhiễm, tùy khí và tùy giới biệt mà lập thành ra thứ lớp của năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức như thế. Từ đây đến hết phẩm Giới, còn một đoạn dài bàn về sự thứ lớp thành lập xứ và giới. Dùng hai mươi hai nghĩa để giải thích rất tỉ mỉ về mười tám giới, nêu rõ sự tương quan rộng rãi của 18 giới từ Dục giớïi đến Vô săc giới, hữu lậu, vô lậu, kiến phi kiến v.v...