SA DI GIỚI & SA DI NI GIỚI
Hòa Thượng Thích
Trí Quang Dịch Giải
LỜI HUẤN THỊ SA DI & SA DI NI
Thiện nam và thiện nữ, nay các người
lãnh thọ giới pháp rồi thì phải tôn kính mà vâng giữ, không được vi phạm
giới pháp cần phải phụng trì. Bằng cách hiến cúng Tam bảo, siêng trồng
ruộng phước. Đối với Hòa thượng Xà lê thì nhất luật y như giáo huấn đúng
với chánh pháp của các ngài, đối với thượng tọa trung tọa hạ tọa thì
lòng thường cung kính. Tinh tiến hành đạo, báo ơn mẹ cha. Áo cốt che
thân, không cần hoa mĩ; ăn đủ để sống, không được đam mê. Hoa hương phấn
sáp không cho dính mình, sắc đẹp tiếng tà toàn không nhìn nghe. Nói từ
tốn, giữ nghiêm chính, đừng rao lỗi người; nếu ai tranh chấp, nói cho
đôi bên hòa hợp. Trai gái phải khác biệt, cỏ cây cũng đừng tổn thương.
Không phải người hiền thì không thân làm bạn, không phải bậc
thánh thì không thờ làm thầy. Y và bát thường chung với mình. Phi
thời không ăn, phi pháp không nói. Tinh cần suy nghĩ nghĩa lý, ôn cũ
biết mới. Ngồi thì thiền tư, dậy thì đọc tụng. Đóng ba đường ác, mở cửa
niết bàn. Nương dựa vào pháp Tỷ kheo mà tăng trưởng những chánh nghiệp
trên đây, làm cho tâm bồ đề không thoái chuyển, trí bát nhã trong sáng
hoài. Quảng độ chúng sinh, cầu thành chánh giác. Dụng tâm như vậy mới
thật là đệ tử của Phật.
Người làm việc trích và chỉnh thành lời huấn dụ này là chính ngài
Bách trượng (Vạn 106/266). Lời nay có trong tất cả nghi thức truyền giới
Sa di và Sa di ni.
MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM
Thứ nhất, nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bịnh khổ, vì không
bịnh khổ thì dục vọng dễ sinh. Thứ hai, ở đời đừng cầu không hoạn nạn,
vì không hoạn nạn thì kiêu xa nổi dậy. Thứ ba, cứu xét tâm tánh thì đừng
cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo. Thứ
tư, xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma
chướng thì chí nguyện không kiên cường. Thứ năm, việc làm đừng mong dễ
thành, vì việc dễ thành thì lòng khinh thường, kiêu ngạo. Thứ sáu, giao
tiếp đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa. Thứ bảy, với
người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý
mình thì lòng tất kiêu căng. Thứ tám, thi ân thì đừng cầu đền đáp, vì
cầu đền đáp là thi ân mà ý có mưu đồ. Thứ chín, thấy lợi thì đừng
nhúng vào, vì nhúng vào thì si mê phải động. Thứ mười, oan ức
không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả.
Bởi vậy, Phật dạy lấy bịnh khổ làm thuốc thần, lấy hoạn nạn làm giải
thoát, lấy khúc mắc làm thú vị, lấy ma quân làm bạnđạo, lấy khó khăn làm
thích thú, lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy người chống đối làm nơi
giao du, coi thi ân như đôi dép bỏ, lấy sự xả lợi làm vinh hoa, lấy oan
ức làm cửa ngõ đạo hạnh. Nên chấp nhận trở ngại thì lại thông suốt, mà
cầu mong thông suốt thì sẽ bị trở ngại. Thế tôn thực hiện tuệ giác bồ đề
ngay trong mọi sự trở ngại. Ương quật hành hung, Đề bà quấy phá, mà
Ngài giáo hóa cho thành đạo cả. Như vậy há không phải chính sự chống đối
lại làm sự thuận lợi, và sự phá hoại lại làm sự tác thành, hay sao?
Ngày nay, những người học đạo, trước hết không dấn mình vào trong mọi sự
trở ngại, nên khi trở ngại ập đến thì không thể ứng phó.
Chánh pháp chí thượng vì vậy mất hết, đáng tiếc đáng hận biết ngần
nào?
Chú thích:
Trước đây 10 điều tâm niệm tôi dịch từ sự trích lục của 1 bộ sách.
Nay thì tìm ra và dịch theo nguyên văn, nằm trong Chính 47/373, tên sách
là Bảo vương tam muội niệm Phật trực chỉ, của ngài Diệu hiệp, 1 tác
phẩm mà ngài Vân thê muốn nhưng chưa thấy được (Chính 47/354). Mười điều
tâm niệm được mở đầu bằng những lời sau đây.
Tâm tánh bình đẳng, bản thể nguyên vẹn. Do đó mà chúng sinh tuy bị
ràng buộc trong nghiệp thức, nhưng không ai lại không có cái chí xuất
trần. Thế nhưng muốn tham cứu đạo lý thì ma chướng đã hiện ra, một việc
phiền lòng là vạn điều thiện mất cả, thành công thì nhỏ mà thất bại quá
lớn, nên người đắc đạo quả thật quá ít. Huống chi vật dục đua nhau
khuynh loát tâm trí, sống chết giành nhau đánh đổ sinh mạng, khiến ai
cũng như ai. Làm cho cái Pháp mà Phật đã trải qua 3 vô số kiếp, hy sinh
vô số đầu mắt tủy não, quốc thành thê tử, thân thịt tay chân, giữ giới,
nhẫn nhục, tinh tiến, phụng sự thiện hữu, không tiếc tính mạng trong
việc tu tập các nhân tố của tuệ giác bồ đề mới thực hiện được, cái Pháp
ấy nhất đán đến ta, gặp trở ngại mà thoái chí là mất tất cả, thật
đáng thống hận. Nay ta đã làm con Phật, vậy mà không nổ lực phấn
đấu, ngồi mà nhìn con mắt tuệ giác của pháp giới chúng sinh mù mất, thì
thật đau lòng còn hơn cắt da xả thịt. Do đó mà tôi y cứ kinh điển, lập
ra "10 hạnh trở ngại lớn lao", mệnh danh là "10 hạnh không cầu". Tình
đời dẫu chẳng ai muốn trở ngại, nhưng cố gắng chấp nhận thì những trở
ngại ấy hiện ra, thân tâm ta nhờ đã nung luyện trước trong đó, nên các
thứ ma, mọi thứ ác, hết thảy trở ngại không thể khuynh đảo hay cản trở
được nữa. Như vàng ở trong lò lửa, lửa nung vàng, nhưng vàng lại nhờ đó
mà thành vật dụng ...
Và "10 hạnh không cầu" ấy tôi đổi tên là "10 điều tâm niệm".
Trí
Quang
ĐỔI THAY VÀ NỘI DUNG
Sau khi làm việc cho Bồ tát giới, Tỷ kheo giới, Tỷ kheo ni giới, Thức
xoa giới, nay tôi làm việc cho Sa di giới và Sa di ni giới. Như vậy là 6
giới bản của xuất gia đã đủ cả. Làm việc cho Sa di giới và Sa di ni
giới như thế nào? Nguyên năm 2516 (1972) tôi đã biên tập bộ Luật sa di
và sa di ni, gồm có 3 tập. Nay tu chỉnh bộ ấy, tu chỉnh cho gọn gàng
hơn, và đổi ra tên Sa di giới và Sa di ni giới, chia làm 2 tập.
Cũng như sách cũ, sách mới này gồm có 9 tiểu phẩm: 1 là kinh Di giáo,
2 là kinh Bát đại nhân giác, 3 là văn Khuyến phát bồ đề tâm, 4 là Phát
bồ đề tâm (phụ cho số 3), 5 là Cảnh sách, 6 là Tỳ ni, 7 là Sa di luật
nghi, 8 là Sa di ni luật nghi, 9 là Sa di luật nghi lục yếu (phụ cho 2
số 7 và 8). Trong 9 tiểu phẩm này, 3 tiểu phẩm 5, 6, 7, thường gọi là
"luật tiểu", còn tiểu phẩm 8 là sao lục Vạn 106/349-355.
Tất cả 9 tiểu phẩm chia làm 2 loại: Một, loại "phù trì của Sa di giới
và Sa di ni giới", gồm các tiểu phẩm 1, 2, 3, 4, 5, 6 (loại này xưa chỉ
có 2 tiểu phẩm 5 và 6, nay tôi thêm các tiểu phẩm 1, 2, 3, 4). Hai, là
loại "chủ yếu của Sa di giới và Sa di ni giới". gồm các tiểu phẩm 7, 8,
9. Với 9 tiểu phẩm và 2 loại như vậy, sách này chia làm 2 tập.
Tập 1, chỉ để tụng, học thuộc lòng, gồm có 3 phần: Một, "phần kính
phụng Di giáo", chỉ dịch nghĩa kinh này. Hai, "phần dịch âm dịch nghĩa"
Tỳ ni, Cảnh sách, Sa di luật nghi, Sa di ni luật nghi. Ba, "phần sao lục
Hoa văn" của 4 tiểu phẩm trên. Trong 2 phần Hai và Ba, mỗi đoạn có đánh
dấu giả đặt để dễ dò.
Tập 2, chỉ để học ý nghĩa, gồm có 2 loại: Một, "loại phù trì của Sa
di giới và Sa di ni giới", là dịch nghĩa và chú giải 6 tiểu phẩm Di
giáo, Bát đại nhân giác, Phát bồ đề tâm văn, Phát bồ đề tâm, Cảnh sách,
Tỳ ni. Hai, "loại chủ yếu của Sa di giới và Sa di ni giới", là dịch
nghĩa và chú giải 2 tiểu phẩm Sa di luật nghi và Sa di ni luật nghi, phụ
lục tiểu phẩm 9. Khác với sách cũ, trọn tập 2 này không còn để phần
dịch âm của bất cứ tiểu phẩm nào.