Hai câu chuyện về hai cuộc hành trình được hợp nhất một cách
tự nhiên trong “Thiên táng” đưa người đọc lạc bước vào những cánh đồng
cỏ bao la hoang sơ của Tây Tạng – một thế giới mà “chỉ sống được thôi
cũng đã là chiến thắng rồi”.
Câu truyện diễn ra trên nền chiến
tranh, thực chất là cuộc xung đột giữa những người Tây Tạng và Trung
Quốc. Chiến tranh là lí do khiến Khả Quân phải lên đường đến một vùng xa
xôi hẻo lánh - nơi các chiến sĩ đang từng ngày từng giờ đối mặt với cái
chết vì anh muốn làm tròn trách nhiệm của một người thầy thuốc.
Chiến tranh là lí do đầu tiên khiến
hành trình của Thư Văn trở nên vất vả khi cô phải ngồi chen chúc trong
các toa tàu chật ních người và chỉ có một cái cửa sổ bé xíu. Song, bóng
dáng cuộc chiến này hoàn toàn mờ đi khi Thư Văn đến sống cùng một gia
đình Tây Tạng. Cuộc sống của họ không hề vẩn lên không khí của cuộc đụng
độ về sắc tộc mà chỉ còn cuộc vật lộn với thiên nhiên để tồn tại.
Người Tây Tạng không đấu tranh với
thiên nhiên, họ sống hòa nhập vào thiên nhiên. Họ sùng kính người mẹ
thiên nhiên vĩ đại. Chính điều này sẽ dẫn đến những trang viết bi tráng
của Hân Nhiên về tục thiên táng của người Tây Tạng.
Trước hết Thiên
táng là câu chuyện của một cô gái xứ Tô Châu lên đường
quyết tìm ra bí ẩn đằng sau tấm giấy báo tử của người chồng mới cưới,
Khả Quân. Cú sốc đầu tiên ấy khiến cô gái mơ mộng Thư Văn nhận ra rằng "Ly
biệt không lãng mạn như tôi tưởng - nó gây đau đớn". Tây Tạng
hoang vu chắc chắn là một thách thức lớn đối với một cô gái trẻ đã quen
với cuộc sống êm đềm, yên ả. Tình yêu và niềm tin bất tận đã tiếp sức
cho Thư Văn vượt qua những thách thức đầy nguy hiểm và những diễn biến
bất trắc trong suốt cuộc hành trình đó.
Một cách tình cờ, Thư Văn cứu được
Zhouma, một cô gái Tây Tạng. Chính cô gái này là cánh cửa giúp Thư Văn
bước vào cuộc sống trên những đồng cỏ mênh mông của những người du mục.
Cũng từ lúc này, hành trình đi tìm kiếm Khả Quân song hành với cuộc khám
phá về văn hóa, phong tục và tín ngưỡng của một vùng đất còn đầy những
bí hiểm.
Với con mắt hoàn toàn lạ lẫm, Thư Văn
không lý giải những điều bí hiểm, kì lạ mà cô phát hiện ra. Thay vào
đó, cái chất Tây Tạng đã thấm vào cô từ lúc nào khiến cô nhanh chóng hòa
mình vào cuộc sống ở đây. Cô cầu nguyện khi có những điều không may
bằng câu thần chú khó hiểu. Cô đi tới những ngọn núi thiêng để truyền
gửi những thông điệp của mình. Sau bao nhiêu năm phiêu lãng băng qua
đồng cỏ, thảo nguyên, núi cao, sông lớn, mảnh đất ấy đã phủ bóng lên tâm
hồn Thư Văn.
Đỉnh cao trong những trang viết của
Hân Nhiên là miêu tả tục thiên táng của người Tây Tạng. Hình thức thiên
táng (hay cụ thể hơn là điểu táng) thể hiện quan niệm lâu đời của người
Tây Tạng rằng: Kền kền là sứ giả của thượng đế. Sau khi làm lễ thi thể
người chết được cắt thành những mẩu nhỏ cho kền kền. Khi đó, linh hồn
con người sẽ được siêu thoát. Nghi lễ ấy liên quan trực tiếp đến bí ẩn
về Khả Quân.
Sau khi Thư Văn đã tìm ra được câu
trả lời cho cuộc hành trình suốt 20 năm của mình là lúc bản thân cô cũng
như người đọc nhận ra sự thiêng liêng của tục thiên táng. Thay cho cảm
giác hãi hùng về một một điều bị coi là một hủ tục đã bị ruồng bỏ, chúng
ta nghiêng mình trước hành động lớn lao đầy nhân bản trong cách ứng xử
của Khả Quân khi anh chạm phải điều linh thiêng tột đỉnh của mảnh đất
này.
Sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua
cuộc hành trình của chính tác giả trong cuốn sách này. Khiêm tốn giữ
vai trò là một người kể lại những điều mình được nghe, Hân Nhiên như đã
tham gia vào một hành trình khác, hành trình của riêng cô trong việc
truyển tải những tâm sự của Thư Văn. Câu chuyện về một người phụ nữ kì
lạ: giống người Trung Quốc nhưng trang phụ và cách cư xử lại toát lên
khí chất của những người du mục, đã được Hân Nhiên ôm ấp trong rất nhiều
năm.
Để rồi chỉ khi chính nhà văn đặt chân
lên mặt đất này, chính nhà văn cảm thấy những từ "lạnh", "màu sắc", "cô
đơn" và "mất mát" có những sắc thái hoàn toàn mới mẻ, nhà văn mới có
thể đặt ngòi bút của mình để kể lại câu chuyện của Thư Văn. Cao hơn vai
trò của người kể lại, Hân Nhiên trở thành một nhân vật trong câu chuyện
của chính mình.
Khai phá một cách hoàn toàn khác để
nói về vấn đề lịch sử, văn hóa, chiến tranh, Hân Nhiên đã thể hiện được
phần nhân bản của con người trong mọi sự xung đột. Hòa bình trở lại từ
sự hi sinh thầm lặng và cao cả của những con người đã trở thành bất tử.
Lối văn nhẹ nhàng, tình cảm và trong
sáng của Thiên táng chứa đựng trong đó những
niềm tin và tình yêu vô hạn của những con người mà cuộc sống của họ là
những hành trình bất tận. Cuốn sách đã làm nên tên tuổi và khẳng định
phong cách của nhà văn Hân Nhiên như một nữ nhà văn thành công nhất của
văn học Trung Quốc đương đại.
Theo: Tuanvietnam.net