Giáo dục
Tịnh Tư Ngữ
Pháp Sư Chứng Nghiêm Thích Giải Hiền dịch
30/10/2554 07:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tịnh Tư Ngữ
Pháp Sư Chứng Nghiêm
Thích Giải Hiền
dịch
Sàigòn 2001 ; PL. 2545

PHẦN HAI

A.ĐỐI CẢNH TRẢ LỜI 

1.NÓI VỀ THIỆN MỸ

. Thiện là gì ?

Thiện là trí tuệ. Trí là phân biệt trí, năng lực hiểu biết phân biệt. Tuệ là bình đẳng tuệ, sự hiểu biết chẳng bị chi phối bởi cái tôi và tình cảm. Có trí tuệ thì có thiện và mỹ. Lại nữa : thiện không thể biểu hiện bằng oai quyền, không thể mượn danh nghĩa là vì lòng tốt, rồi ép người ta theo mình .

. Từ bi và thiện quan hệ ra sao ?

Có lòng từ bi mà không có trí tuệ thì đôi lúc sinh phiền phức. Ví dụ gần đây trong xã hội thường có chuyện những người có lòng tốt bị lừa đảo. Như thế, từ bi không những chẳng đạt tới cái thiện lý tưởng mà ngược lại giúp cho kẻ lừa đảo tạo tội. Mình phải dùnh trí tuệ để phát huy lòng từ bi, thì mới có cái thiện chân chính.

. Thế nào là đẹp nhất ? Thế nào là vui nhất ?

Yên tĩnh là đẹp nhất. An định thì vui nhất. Tập thiền, tu tâm, dưỡng tánh là tốt đẹp nhất mà cũng an vui nhất. Đây cũng là cảnh giới cao thượng nhất.

. Trên đời phải chăng thật có chuyện hoàn mỹ viên mãn sao ? Viên mãn có thể truy cầu chăng ?

Có đầu ắt có đuôi, có sinh ắt có diệt. Việc truy cầu vật chất và danh lợi chẳng những vừa cực khổ, vừa mất công, lại còn chẳng bao giờ ngừng, cũng không có gì bảo đảm. Chỉ nhìn vào đây cũng biết trên đời không có chuyện gì viên mãn. Song, mình có thể truy cầu sự viên mãn của nhân tánh. Đây là sự truy cầu trên quan niệm giá trị. Bởi vì nhân tánh, đạo đức thì ta có thể tu sửa nâng cao. Quay tìm nơi tự tánh, bằng cách tu dưỡng và nỗ lực, ta sẽ nhìn thấy cảnh giới thiện mỹ. Mình có thể tìm tới một phần giá trị viên mãn, đạt tới một thái độ hoàn mỹ về nhân sinh.

. Người như thế nào thì đẹp nhất ? Áo quần nào đẹp nhất ?

Khuôn mặt đẹp nhất luôn tươi cười. Mỉm cười là ngôn ngữ chung của thế giới, là biểu hiện của tình thương. Áo đẹp nhất là áo nhẫn nhục nhu hòa.

 

2 NÓI VỀ ĐỨC HẠNH

.Đức là gì ?

Đức là thực hành, là có chí hướng vào đạo. Có đức trong tâm rồi biểu hiện ra bên ngoài thì gọi là đức tướng. Giống như tướng đi cử chỉ,…có thể biểu hiện đức tướng của một người. Do đó đức là một thứ giáo dục cá nhân, do nội tâm thấu hiểu chân lý rồi biểu hiện ra ngoài bằng hành vi và quy củ.

.Một cô trẻ tuổi hỏi : Mặc quần áo ra sao mới phải ?

Tự nhiên là tốt nhất. Áo quần mặc để bảo vệ thân thể, mà cũng biểu hiện khí chất của một người. Mình thân phận ra sao, tuổi tác thế nào, trong hoàn cảnh gì, phải tùy nghi mà mặc mới tự nhiên. Lại nữa : Y phục cần phải thích hợp với người mặc thì mới đẹp; quá lộ liễu thiếu tự nhiên thì chẳng còn đẹp nữa.

. Người phụ trách trong hội ở một đại học nọ tới hỏi rằng : Thế nào là tạo khẩu nghiệp ?

Khi những điều ta nói, câu nào cũng chân thật, chuyện gì kể ra, câu nào ta cũng chịu trách nhiệm, thì đó là chính ngữ. Ngược lại như vậy thì tức là tạo khẩu nghiệp. Mở miệng nói năng, không đâu chẳng là nghiệp. Muốn đừng tạo nghiệp, ta cần dùng trí tuệ vô lậu thâu nhiếp lời nói. Nói đùa, nói giỡn hay trào phúng kẻ khác, cũng tạo ra nhân quả chẳng tốt đẹp gì. Lại nữa : Hòa và kính là việc tu hành tối trọng yếu. Do đó chớ để thân ta biểu hiện trái ngược với (tính tốt đẹp trong )cuộc sống sinh hoạt. Cộc cằn, thô lỗ nói láo, nói thêu dệt nói hai lưỡi với kẻ khác là tạo nghiệp với lời lẽ, hay chính là tạo khẩu nghiệp vậy.

.Vì sao người ta đối với kẻ thân thuộc lắm khi thiếu lễ độ, thiếu chu đáo so với kẻ xa lạ ?

Nhiều khi đối với kẻ xa lạ thì ai cũng ra vẻ khách sáo tiếp đãi, đầy đủ lễ tiết khách chủ, vui vẻ thân thiện. Nhưng đến khi biết nhau lâu rồi, vì quá quen thuộc nên không cần khách sáo, lễ mạo nữa. Do vậy có người nói : hận thù do tình ái mà ra. Lúc ban sơ ai cũng khách khí, kính trọng, thương mến nhau; đến lúc quen thuộc quá rồi thì mọi lễ tiết từ từ mất đi. Lúc ấy (nếu có xích mích, mất lòng) thì sẽ sinh khởi lòng oán hận ngay. Vì thế mình cần giữ thái độ lễ mạo khách khí thuở ban sơ, thủy chung không giảm bớt; đó mới là cách đối nhân xử thế.

. Nhiều người về thăm cố hương ở Trung Quốc, chứng kiến dân ở đó nghèo nàn, lạc hậu thì sinh lòng phân biệt khinh khi. Trong lời nói, cử chỉ họ biểu lộ thái độ kiêu ngạo.

Chúng ta về thăm nhà ở Trung Quốc thì tâm nên cung kính kiền thành, với quan điểm bình đẳng và đạo đức. Không nên làm họ đau lòng, không làm họ chướng mắt. Cuộc sống nghèo nàn ấy, há chẳng phải chúng ta đã từng trải qua, chẳng lẽ các bạn đã quên rồi sao ? không kềm chế, tự mình khoe khoang, thì không những làm đau lòng đồng bào ta mà còn tổn hại luôn chính mình.

3.NÓI VỀ SINH MẠNG

. Một học giả trẻ tuổi hỏi : Nhà Phật nói hữu lậu là khổ. Sinh mạng mình sinh ra lớn lên, tự nhiên sẽ phải chết đi. Phải chăng bản chất cuộc sống dính liền với sự đau khổ ?

Sống và chết vốn gắn bó nhau. Chết : kẻ đau khổ nhất chẳng phải là bản thân người chết, vì xác chết chẳng biết đau đớn gì. Đau khổ nhất chính là người còn sống : nghĩ đến cái chết thì tinh thần họ đau khổ bởi áp lực của tâm lý. Chẳng phải chỉ có nhục thể mới chết. Lại còn có ái biệt ly khổ : người mà ta thương yêu, chẳng muốn rời tay nhưng không thể không rời; đó thật là điều thống khổ dày vò nhất trên mặt tinh thần. Mình có ngày sinh ra thì cũng có ngày chết đi. Những khổ mà ta thường nói chính là xảy ra giữa khoảng thời gian sinh ra và chết đi này. Đời người đầy những chuyện thị phi đúng sai ; chuyện đúng thì tựa như sai, việc quấy thì tựa như đúng. Tuy biết chuyện gì cũng vô thường, nhưng ta khó tránh bị chuyện thị phi, nhân ngã trước mắt lôi kéo rồi sinh phiền não. Cần biết rằng mình sinh ra làm người, đời sống này thật đáng quý vô cùng. Mình nên bắt chước em bé Lâm Truyền Khâm :Khi có người hỏi rằng hai cái chân em bị cưa cụt rồi, em nghĩ thế nào ? Em nói :Tôi so với những người xương sống bị tổn hại còn đỡ hơn nhiều lắm ! Bạn nói em ấy khổ sở ? em chẳng khổ đâu.

.Có vị hội viên hỏi : Chúng tôi phải nhìn thế giới này sao cho đúng ?

Lấy một thí dụ để đáp : khi người ta xem một đóa hoa, một ngọn cỏ, họ xem chúng ta như hoa vẽ (hình vẽ trên trang giấy trắng). Nếu nhìn cho đúng thì phải xem hoa cỏ ấy đang ở trên tấm kính trong suốt. Hai cái nhìn ấy có gì khác biệt ? Hoa trên giấy thì chỉ là hình vẽ, nhìn nó ta chẳng thấy được nhân duyên của nó, bởi vì nó đơn độc, bị tách rời với sự sống động, chẳng có sinh mạng, chỉ để nhìn mà thôi. Khi nhìn đóa hoa trên tấm kính trong suốt, thì bối cảnh thiên nhiên, thiên địa vạn vật hỗ tương hiển lộ, hoa cỏ tự nhiên sống động vô cùng. Khi ấy bạn sẽ không thấy hoa cỏ chỉ đơn độc là hoa cỏ mà thôi.

. Có thanh niên hỏi : Con đường đời, ta nên chọn đường bình phàm êm dịu hay chọn đường mạo hiểm sôi nổi ?

Nên chọn đường bình phàm. Mạo hiểm là điều bất đắc dĩ, không phải vì bạn có tâm mạo hiểm rồi chọn đường mạo hiểm. Lại nữa : Cuộc sống của ta thật quá nhỏ so với vũ trụ bao la. So sánh như vậy, thì việc gì mới đúng thật là vĩ đại cao siêu ? Sao mới gọi là sôi nổi ? Chi bằng cứ bình dị thật thà mà làm người, làm việc.

4.NÓI VỀ LÒNG KHOAN DUNG, NHU HÒA

.Có người nói : Lý trực khí tráng (chỉ một người tính thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy).

Nên lý trực khí hòa(tính thẳng thắn nhưng phải giữ lời lẽ ôn hòa).

. Có người lại nói : khi mình đúng lý thì đừng nhường ai cả.

Vì mình đúng lý nên mới nhường người.

. Nếu cứ lý trực khí tráng thì có vấn đề gì chớ ?

Nếu cho rằng mình đúng lý, rồi chuyện gì cũng tranh thắng thì thật quá can cường. Khi quá can cường, bạn sẽ phá vỡ tính hòa khí với kẻ khác. Khi bạn đúng lý mà chẳng nhường ai, thì bạn sẽ tạo thành cuộc diện tranh chấp tới cùng. Nếu do chấp trước vào ý kiến của mình, bạn khiến người khác tạo ác nghiệp, thì đó là điều sai lầm. Mình phải nghĩ đến lợi ích của kẻ khác, lúc hành đạo nên làm chúng sinh vun bồi thiện nghiệp. Do đó mới cần : lý trực khí hòa, hễ càng có lý thì bạn phải càng phải hòa nhã.

. Lại hỏi : Lý trực khí hòa là thế nào ?

Con người ai cũng cần tình thương; quá nghiêm khắc, bạn sẽ mất đi tình thương. Khi bạn đúng lý, bạn phải giữ khí độ ôn hòa thì mới bao nạp được tình thương, sáng tỏ thêm chân lý. Do đó làm người, mình cần bên trong đúng đắn, bên ngoài hòa nhã.

. Có vị đệ tử hỏi : Làm sao viên dung việc làm người và làm việc ?

Viên nghĩa là đầy đặn vẹn toàn ; Khi đối đãi xử thế với người, mình phải làm cho trọn vẹn hết lòng. Không nên sắc bén, bởi vì quá sắc bén thì sẽ tổn thương kẻ khác, có thể đâm xóc vào tim người ta.

. Có cô phát biểu rằng : Hàng ngày làm việc tôi thường cảm thấy rất đau lòng.

Hãy cởi mở cõi lòng ! Nếu cửa lòng khai mở thì ai cũng có thể ra vào, chẳng hề chướng ngại. Nếu cửa quá hẹp, người ta ra vào chắc chắn sẽ đụng va vào cửa.

. Có những người thường nói rằng : Sư cô ! Khi tôi sắp nổi giận, nhớ lại lời cô dạy về lòng hoan hỷ, tôi liền đè lòng nóng nảy xuống, nhưng thật khó mà nhẫn quá.

Sư nói : Bởi vì bác còn muốn đè nó xuống nên mới cảm thấy khó chịu. Nếu bác mở rộng cõi lòng, dung nạp mọi thứ thì tự nhiên tâm sẽ mát mẻ vui vẻ. Chẳng cần đè nén cho khổ sở ! Đây, bác cần phải từng bước tu dưỡng, giống như nước chảy đá mòn vậy : Tính nóng nảy, lòng cố chấp cứng như đá sẽ bị lòng nhu hòa tùy thuận tốt lành cảm hóa.

. Có vị hội viên hỏi : Mỗi lần chúng tôi đi thăm những nhà nghèo, cấp nạn, chúng tôi thấy họ chẳng được giúp đỡ gì cả, không biết phải làm sao an ủi họ ?

Trước hết bạn nên dùng thái độ nhu hòa, lời lẽ hiền từ thương mến, để làm giải tỏa lòng khủng hoảng lo sợ của họ. Sau đó bạn từ từ xây dựng đức tin tôn giáo để tinh thần họ có nơi nương tựa đặng đối phó với khốn khổ trước mắt. Công việc của chúng ta nào phải giúp đỡ họ về mặt vật chất thiết thực mà thôi; giải cứu họ trên mặt tinh thần mới quan trọng. Cứu người tuy khẩn cấp nhưng cứu tâm còn gấp rút hơn.

.Sao gọi là vẻ nhu hòa khiêm nhường nơi khuôn mặt của Bồ tát ?

Đối với những chúng sinh bần cùng khốn khổ, mình phải có lời nói, ngữ khí nhu hòa, mềm dịu, thái độ khiêm tốn, thân thiết. Người nghèo khổ chẳng phải chỉ cần vật chất mà thôi, Họ cần tình thương nữa đó. Biểu hiện của tình thương là ở nơi nét mặt, cử chỉ thái độ. Do đó mình đừng tỏ vẻ ngạo mạn. Phải ôn hòa thân thiết với họ.

. Có người đệ tử hỏi ; Khoan dung tha thứ cho kẻ khác là sao ?

Toàn thiên hạ chẳng ai không phải là người để ta thương, người mà ta tín nhiệm, người để ta tha thứ. Nếu có cái nhìn như trên thì tâm mình sẽ lành mạnh, phát triển đàng hoàng. Tự nhiên mình sẽ có lòng khoan dung tha thứ, biết thương người, tín nhiệm kẻ khác.

5.NÓI VỀ SỰ THIẾU SÓT

. Có một vị hội viên khi rót trà bưng ra cho Sư, thấy chén trà bị mẻ một miếng, nên nói rằng : Thầy, con thật xin lỗi, cái chén bị mẻ một miếng.

Ngoại trừ chỗ mẻ nhỏ xíu ấy, cả chén đều lành lặn. Cũng vậy, mỗi người chúng ta ai cũng có chút khuyết điểm. Nếu mình đừng để ý tới khuyết điểm thì người ta ai ai cũng tốt cả.

. Làm sao đối xử với kẻ phạm lỗi ?

Nên bắt chước như Phật đối xử với chúng sinh có tội ác : Ngài tha thứ họ, thương xót họ, giúp đỡ họ. Bản tánh người ta ai cũng có nhân lành, gốc tốt. Kẻ phạm tội ác còn đau khổ hơn kẻ bị họ xúc phạm nhiều lắm.

. Kẻ làm ác phải chăng đều đau khổ ?

Kẻ làm ác là tù nhân trong địa ngục của chính mình. Nếu họ chẳng thừa nhận sự đau khổ của họ thì họ ở vào một trong hai tình huống : Một, là họ mạnh miệng nói cứng, nhưng nội tâm thì khủng hoảng lo sợ; kỳ thật lòng họ rất yếu đuối, họ không dám đối diện với nỗi đau khổ của chính mình. Hai, có thể họ là người bệnh thần kinh, tâm trí không bình thường; những người như vậy thì bệnh phải nặng lắm. Do đó họ càng cần được yêu thương, và cần được trị liệu.

. Những kẻ chưa sửa thói hư tật xấu cũ, lại cứ thường phạm lỗi hoài, mình nên tha thứ cho họ chăng ?

Tật xấu là quá trình tích lũy thói quen xấu mà ta chẳng ý thức. Nó khác với việc mưu mô phạm tội. Đối với họ, mình càng nên có lòng thương yêu và nhẫn nại hơn để dạy dỗ, hướng dẫn họ. Có một câu chuyện như sau ; Có một chú đồ đệ nhỏ tuổi, tuy nhất tâm hướng Phật nhưng chẳng sao sửa được thói quen ăn cắp vặt. Hơn nữa, đó đã trở thành thói quen rồi. Mỗi lần Thầy đều tha thứ cho chú. Một lần trong tình huống bức thiết, chú lại phạm giới. Đại chúng ai cũng bực bội nên mới trình lên vị sư phụ, rằng phải đuổi chú ta đi. Nếu không đuổi chú ấy, mọi người sẽ bỏ đi vì họ xấu hổ có chú ấy trong hàng ngũ đại chúng. Sư phụ dạy rằng : Bởi vì các con, người nào cũng chú ý tới việc tu hành đạo đức, nên tới chỗ nào các con cũng được hoan nghênh tiếp đón. Chỉ có chú nhỏ này, bởi có tật xấu nên chú đi đâu cũng chẳng có ai hoan nghênh. Bởi vậy làm sao tôi có thể giữ các con lại, nhưng bỏ rơi chú ta ? Đại chúng nghe vậy ai cũng cảm động. Chú đệ tử kia cũng hổ thẹn vô cùng, cảm kích đến rơi lệ. Từ đó chú ta quyết tâm sửa đổi, cuối cùng trở thành người tốt.

. Trên đời ai là kẻ sung sướng nhất ?

Ai có thể tha thứ cho kẻ khác thì người ấy là kẻ sung sướng nhất. Ngay lúc bạn khởi lòng tha thứ, thì phiền muộn trong lòng cũng lập tức tiêu tan.