Chương IX
CHỨNG NGỘ LIỄU GIÁC LÀ PHÁP CHƯỚNG NGẠI BỒ ĐỀ
Bấy giờ, Bồ Tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng trước đại chúng đứng dậy đảnh lễ Phật và chấp tay thưa:
Bạch đấng Đại bi Thế Tôn! Như Lai Thế Tôn vì chúng con chỉ dạy rõ về Nhơn Địa tu hành của chư Phật trong hằng sa kiếp, khiến cho đại chúng trong hải hội này được điều chưa từng có, chúng con hết sức thâm cảm vui mừng.
1. Kính bạch Thế Tôn! Tâm Viên Giác vốn thanh tịnh, vậy do duyên cớ gì lại có nhiễm ô, khiến cho chúng sanh mê mờ không được ngộ nhập. Cúi mong Thế Tôn khai ngộ cho hậu thế chúng sanh mối nghi lầm ấy ngõ hầu có được đạo nhãn tương lai?
Phật dạy: Tịnh Chư Nghiệp Chướng! Ông hãy thận trọng lưu tâm, nghe cho kỹ điều hệ trọng này. Như Lai sẽ vì ông mà chỉ dạy!
2. Này Tịnh Chư Nghiệp Chướng! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ kiếp vì vọng tưởng, khởi chấp nặng sâu về bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh và thọ mệnh. Bốn tướng đó, vốn không có cái ngã thể chơn thật. Thế mà chúng sanh điên đảo vọng chấp không rời. Từ vọng chấp sanh ra ý niệm ghét thương. Từ ghét thương chồng thêm vọng chấp khác. Vọng lại sanh vọng cứ thế mà nhân lên đến đỉnh cao cứu cánh, vọng thành tham, sân, si, mạn, các nghiệp hữu lậu. Từ đó vọng thấy có luân hồi sanh tử. Người khởi tâm nhàm chán sanh tử lại vọng thấy Niết bàn. Do vậy, chúng sanh không vào được cảnh giới Viên Giác thanh tịnh. Không vào được, không phải cảnh giới Viên Giác ngăn cản không cho mà tại chúng sanh đánh mất tiêu chuẩn, cho nên không đủ điều kiện để vào. Vào hay không do người, Viên Giác thanh tịnh không có tướng vào ra. Nên biết, chúng sanh khởi niệm hay ngưng niệm đều thuộc phạm trù mê muội! Bởi vì tất cả chúng sanh không có tuệ nhãn để cho vô minh sanh khởi từ vô thỉ làm chủ tề đời mình, cho nên thân tâm trở thành công cụ biểu hiện của vô minh, khó mà trừ diệt, ví như con người, không ai nở tự giết chế mệnh sống của mình. Vì vậy, nên biết! Có yêu bản ngã thì người ta nuông chìu theo bản ngã. Nếu ai không thuận chìu bèn sanh lòng oán ghét. Lòng yêu ghét lại nuôi lớn vô minh thêm, cho nên tu hành cầu đạo thì nhiều mà ít người thành Phật.
Ngã tướng là thế nào? Ngã tướng là cái tướng mà chúng sanh cho rằng do công tu hành của mình mà mình được CHỨNG. Ví như người thân thể khỏe mạnh, chợt quên lửng mình, chẳng màng để ý mình là ai. Một hôm trái gió trở trời, long y đến châm cứu, người bệnh có cảm nhận "ta" đau. Cho rằng mình được CHỨNG là lúc hành giả tỏ lộ "bản ngã" chấp mắc của mình.
Này, Tịnh Chư Nghiệp Chướng ! Khởi tâm cho rằng được CHỨNG là một "ngã tướng". Dù cho "chứng đắc" Vô thượng Bồ đề, Vô thượng Niết bàn cũng đều là một hình thức "ngã tướng" mà thôi.
Nhơn tướng là thế nào? Nhơn tướng là cái tâm NGỘ, cái tâm nhận thức rằng "ngã tướng" là cái không có thật, không nên chấp mắc "ngã tướng". Tâm tỏ ngộ đó chính là "nhơn tướng". Tâm tỏ ngộ đó, dù ngộ Niết bàn viên mãn cũng là bản chất từ ngã tướng, cho nên gọi đó là "nhơn tướng".
Chúng sanh tướng là thế nào? Chúng sanh tướng là cái vượt sâu hơn tướng "chứng" và "ngộ" trên. Nhận thức và phán đoán hai tướng "chứng" và "ngộ" đều phát xuất từ bản chất "ngã tướng" chưa đúng chân lý "ưng vô sở trụ". Chúng sanh tướng ở đây, tức là tướng LIỄU, vì tánh chất LIỄU TRI sâu sắc của nó, đối với quá trình CHỨNG, NGỘ.
Thọ mạng tướng là thế nào? Thọ mạng tướng là cái tâm thanh tịnh sáng soi tĩnh GIÁC. Tâm tĩnh GIÁC nầy sâu thẳm, có khả năng nhận thức cả tánh chất "LIỄU TRI" vi tế thuộc phạm trù "chúng sanh tướng" ở trên. Khả năng nhận thức thẳm sâu đó gọi là GIÁC. Vì vậy, thọ mạng tướng tức là tướng GIÁC vi tế thẳm sâu, ví như mạng căn trong một con người.
Tâm "tĩnh giác" sáng soi dù vi tế cũng vẫn chưa rời trần cấu. Bởi lẻ còn "giác" thì còn có "năng giác" "sở giác" hiển nhiên. Phải học cách tư duy chân lý, như người nhìn cảnh tượng băng tan trong vạc nước sôi. Băng tan hết rồi, không còn gì lưu lại. Nếu còn sót lại ý niệm biết băng tan, ý niệm đó còn lệch lạc chưa viên dung vào thực tướng. Tánh GIÁC để nhận biết CHỨNG, NGỘ, LIỄU là chưa phải chân lý, nhưng tánh Giác đó vẫn chưa hòa tan cùng chân lý. Vì vậy GIÁC là thọ mạng tướng trong tứ tướng. Nó vẫn là pháp chướng ngại khiến cho con người cần khổ tu hành nhiều kiếp mà không được thành Thánh quả. Vì nhận "ngã" là Niết bàn, vì cho rằng có CHỨNG có NGỘ, ví như người nhận giặc làm con, của cải trong nhà sẽ bị mất hết. Bởi vì có ái "ngã" thì cũng ái "Niết bàn", bởi vì Niết bàn do trừ diệt gốc "ái" mà hiển hiện. Ghét "ngã" thì cũng ghét sanh tử. Ghét sanh tử cũng không gọi là giải thoát. Chúng sanh không biết nguồn gốc sanh tử chính là "ái". Vì vậy, trong quá trình tu tập được thanh tịnh chút ít cho là "chứng đắc". Điều đó nói lên cái chất "ngã tướng" chưa được dứt trừ. Vì thế, cho nên nếu có ai khen thì vui mừng phấn khởi, nếu bị bài báng thì giận dữ hận thù. Dựa trên tâm lý và hành động ấy mà biết rằng "ngã tướng" của người nầy còn tiềm phục trong tàng thức, du hí qua các căn không lúc nào gián đoạn.
3. Nầy, Tịnh Chư Nghiệp Chướng! Người hành đạo mà không dứt trừ "ngã tướng"… thì không thể vào được biển Viên Giác tịch diệt Như Lai. Nếu người tỏ ngộ "ngã" vốn không thì sẽ không còn thấy người huỷ báng mạ nhục mình. Bằng ngược lại, thấy rằng ta là bậc tôn sư, là người thuyết pháp tế độ chúng sanh thì biết người đó chưa đoạn trừ "ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng".
Tịnh Chư Nghiệp Chướng ! Những người tu hành hậu thế thuyết bệnh mà cho là thuyết pháp. Cho nên Phật gọi là những kẻ đáng thương. Dù siêng năng tu hành khó nhọc, nhưng chỉ làm tăng thêm bệnh không thể vào được biển Giác thanh tịnh Như Lai.
Người tu hành không hiểu rõ tứ tướng, lấy kiến giải và pháp tu hành của Như Lai làm của mình, cho nên tu mãi mà chẳng được gì! Hoặc có hạng người chưa được nói được, chưa chứng nói chứng, thấy ai tu hành thắng tấn sanh tâm ganh ghét tị hiềm. Hạng người nầy cùng trong số chưa đoạn trừ "ngã ái" không thể vào nhà Viên Giác thanh tịnh.
Nầy, Tịnh Chư Nghiệp Chướng! Chúng sanh đời sau mong cầu chứng đắc mà không mong cầu tỏ ngộ chân lý, tu hành như thế chỉ tăng trưởng ngã mạn chồng chất cao thêm "ngã kiến". Riêng hạng người siêng năng hàng phục phiền não, khởi tâm đại dũng mãnh, chưa chứng khiến chứng, chưa đắc khiến đắc, chưa đoạn khiến đoạn, tham, sân, si, mạn… đối cảnh tâm không sanh ta, người, ân, oán tất cả đều vắng lặng, Phật nói người đó lần lần sẽ được thành tựu Bồ đề Niết bàn vô thượng.
Nầy, Tịnh Chư Nghiệp Chướng! Thiện tri thức là một trợ duyên trong đường tu tập. Tìm thiện tri thức phải tránh xa người tà kiến. Trong việc tìm cầu mà có xen tâm yêu ghét thì không thể vào được biển Viên Giác thanh tịnh.
Bấy giờ, Thế Tôn tuyên lại nghĩa trên bằng một bài kệ:
Tịnh Nghiệp! ông nên biết.
Tất cả các chúng sanh.
Đều do chấp ngã ái.
Vô thỉ vọng luân hồi.
Vì chưa trừ tứ tướng.
Không được thành Bồ đề.
Tâm thương ghét còn sanh.
Niệm lọc lừa chưa dứt.
Thì còn nhiều mê muội.
Khó vào đến Giác thành.
Muốn quay về bản giác.
Trước bỏ tham sân si.
Tâm ái pháp không còn.
Lần lần bèn thành tựu.
Thân ta còn không có.
Thương ghét chỗ nào sanh
Thiện hữu với người nầy.
Sẽ không rơi tà kiến.
Tâm nếu còn thương ghét.
Quả giải thoát xa vời.
TRỰC CHỈ
1. "Tâm Viên Giác vốn thanh tịnh, duyên cớ gì lại có nhiễm ô?"
Bồ Tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng nêu câu hỏi giá trị vô cùng. Một câu hỏi đem lại lợi ích lớn lao cho chúng sanh hậu thế. Là đệ tử Phật, muốn đi con đường giải thoát giác ngộ, theo vết chân Phật phải hết sức quan tâm, để một lần nữa xác định rằng: Tâm Viên Giác của tất cả chúng sanh cũng như tâm Viên Giác của chư Phật xưa nay vốn thanh tịnh. Vấn đề quan tâm ở đây là vấn đề "nhiễm ô" và duyên cớ "nhiễm ô".
Tư duy câu hỏi, ta thấy Bồ Tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng dụng ý vạch ra hai con đường cho người tu hành hậu thế: Hoặc các vị sẽ thắng, hoặc các vị bị thua, sau khi nghe Phật giải đáp. Ngoài ra không còn con đường nào khác. Khắc phục triệt tiêu được "duyên cớ" sẽ thắng. Không khắc phục triệt tiêu được "duyên cớ" sẽ bị thua, thì dù có cần khổ tu hành mà vẫn không thành Phật đạo.
Vấn đề nhiễm ô có thiên hình vạn trạng. Có thứ nhiễm ô hạ thấp con người khiến cho rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Có thứ nhiễm ô khiến cho con người không còn phẩm chấtt, tư cách, đạo đức giá trị của con người, làm mất hết lẽ sống hạnh phúc của con người. Có thứ nhiễm ô "chướng đạo" làm cho con người dù có ý chí cao thượng muốn vượt rasanh tử tầm thường, gắng công cần khổ tu hành mà không thành tựu như mong muốn.
2. Tất cả nhiễm ô, có nhiều, có ít, có nặng, có nhẹ khác nhau, theo lời Phật dayt thì nó phát xuất từ căn bản ở một chữ "CHẤP". Tất cả chúng sanh từ vô thỉ kiếp, vì vọng tưởng mà khởi CHẤP nặng sâu về bốn thứ. Đó là NGÃ TƯỚNG, NHƠN TƯỚNG, CHÚNG SANH TƯỚNG và THỌ MỆNH TƯỚNG.
Chấp có hai cách:
Một, chấp cụ thể. Lối chấp nầy biểu hiện qua các thứ nghi lễ, các tập quán lâu đời, xưa bày nay làm, dù nghi lễ tập quán đó phản tiến hóa đối với nhơn loại và phi chân lý.
Hai, chấp trừu tượng. Đây là lối chấp phát khởi từ tâm lý, từ khái niệm: Tin tưởng ở thần thánh vu vơ, tin có đấng thiêng liêng có quyền uy ban phước cho người nầy, giáng họa cho kẻ nọ. Chấp có QUẢ BỒ ĐỀ TA SẼ CHỨNG. Có CẢNH NIẾT BÀN TA SẼ NHẬP…
Tất cả kiến chấp như vậy đều phát sanh từ vọng tưởng sai lầm mà căn nguyên là "NGÃ TƯỚNG".
Từ cái TÔI, khởi niệm VÌ TÔI, CHO TÔI CỦA TÔI đó là biểu hiện NGÃ TƯỚNG lộ diện xuất đầu. Ý ngiệm về TÔI đã khởi thì ngay nơi đó đã vướng mắc đủ cả bốn tướng: NGÃ, NHƠN, CHÚNG SANH và THỌ MỆNH. Bởi vì bố tướng đó không thể tách rời ra.
Khởi niệm CHỨNG ĐẮC là vướng mắc vào NGÃ TƯỚNG rồi.
NGỘ, LIỄU, GIÁC ba tầng lý trí nhận xét phê phán và phủ định ý niệm CHỨNG ĐẮC ban đầu. Dù vậy, chúng vẫn chưa ly ngã tướng, cho nên chúng trở thành đối tượng của ngã tướng mà thôi.
Lục Tổ Huệ Năng bảo: Khởi niệm THƯƠNG là đã mắc vào "ngã tướng"… Mống khởi ý niệm THIÊN vẫn mắc vào "ngã tướng".
3. Văn nhi tư, tư nhi tu, phải học đạo rồi mới hành đạo. Không học đạo mà hành đạo, ví như lái phi cơ mà không có la bàn định hướng, có thể bay xa bay nhiều giờ mà không đến đích. Phải "ngộ" đạo rồi mới có ngày thành tựu đạo. Chúng sanh mong cầu "chứng đạo" mà không cầu tỏ "ngộ" chân lý là một sai lầm trầm trọng, cho nên tu thì nhiều mà ít có người thành Phật.
Diệt trừ bốn tướng chấp. Đối cảnh không động tâm. Phật nói người như thế không lâu sẽ đạt đến Bồ đề Niết bàn Vô thượng.