. NỘI DUNG MI-TIÊN VẤN ĐÁP
(Gồm 244 Câu Hỏi)
165-175
165. Năng lực của thiện và ác nghiệp, cái nào mạnh hơn?
- Thưa đại đức! Năng lực của thiện nghiệp và năng lực của ác nghiệp, cái nào mạnh hơn?
- Tâu, năng lực của thiện nghiệp bao giờ cũng mạnh hơn năng lực của ác nghiệp!
- Thưa, trẫm không tin như vậy. Đại đức xem! Trên đời này, những kẻ giết người, cướp của, trộm heo, trộm gà; những kẻ tà hạnh vợ người, lường gạt, tước đoạt gia sản của người v.v... họ bị trả báo tức thì. Pháp luật của trẫm sẽ xử phạt những người ấy. Tùy theo mức tội nặng nhẹ mà trẫm sẽ căng nọc ra đánh bằng gậy, giam cầm, đôi khi cắt tay, cắt chân hoặc chém đầu nữa. Như vậy là rõ ràng ác nghiệp sẽ trổ quả nhanh do năng lực của nó mạnh. Có người bị trả quả tội báo ngay ngày hôm sau, có kẻ trả quả sau một tuần, nửa tháng, một hoặc hai năm v.v..., nghĩa là trước sau cũng sẽ trổ quả, ngay chính trên đời này!
Còn những người làm việc thiện thì sao nhỉ? Họ bố thí, trai tăng, làm phước, cúng dường ngày này sang ngày khác, đến một vị tỳ khưu, hai vị, bốn vị, một trăm vị, đến một ngàn vị...; ngoài ra, họ còn thọ trì tam quy, ngũ giới, bát giới, hành thập thiện... mà sao không thấy ai được quả báo trong hiện tại? Các vị tỳ kheo trong hàng ngũ của đại đức, bao giờ cũng nói, kiếp sau, kiếp sau nữa! Như vậy, chứng tỏ gì? Chứng tỏ năng lực của thiện nghiệp rất yếu, không có khả năng cho quả trong hiện tại, phải đợi đến bao nhiêu kiếp sau mới đủ sức trổ !
Đại đức hãy chứng minh đi! Rõ là sức mạnh của nghiệp thiện thua sức mạnh của nghiệp ác rất xa vậy!
- Hãy từ từ, đại vương! Hãy nhẫn nại, đại vương! Không bao giờ sức mạnh của thiện nghiệp lại thua ác nghiệp được. Và không phải không có trường hợp người làm thiện được quả báo ngay trên đời này!
- Xin cho nghe!
- Nói về người bố thí, trì ngũ giới hoặc bát quan trai giới, được quả báo nhãn tiền, có bốn người là:
Đức vua Sakkamandhàtu,
Đức vua Nemi,
Đưc vua Sàdhina,
Chàng Tinapàla.
Đại vương có nghe đến tên họ không?
Đức vua Mi-la-đà lắc đầu:
- Thưa, không biết. Hoặc giả đại đức kể tên những người thuộc đời nảo, đời nao... ai mà biết được! Đại đức hãy kể tên những người hồi Đức Phật tại tiền, may ra trẫm có thể nhớ được chăng?
- Tâu, vâng! Vậy thì thuở Phật tại thế có sáu người làm lành, được quả báo nhãn tiền, như sau:
Thứ nhất, người giúp việc tên là Punnakedàso;
Thứ hai là mẹ của người chăn bò;
Thứ ba, cận sự nữ Suppiyà;
Bốn là bà hoàng hậu Mallikà;
Năm, người làm tràng hoa tên là Sumana;
Thứ sáu, người bà-la-môn tên là Ekasàtaka.
Cả sáu người này đều được tài sản, chức tước, địa vị ngay trên đời đó, tâu đại vương!
- Thưa, xin đại đức cho biết rõ nhân quả của từng vụ việc như thế nào?
- Tâu, vâng, đại vương hãy nghe đây:
Trước hết, chàng giúp việc Punnakedàso dâng vật thực đến cho Tôn giả Xá-lợi-phất bèn được chức vị bá hộ giàu sang ngay chính trong ngày ấy.
Tiếp đến, mẹ của người chăn bò có đức tin trong sạch đối với thiện pháp, vì nghèo khổ quá nên đã tự cắt mớ tóc của mình, bán được tám xu tiền vàng, mua vật thực dâng cúng đến ngài Đại-ca-chiên-diên (Mahà Kacchàyam); bèn được đức vua Udena thương mến, kính trọng, phong cho làm hoàng hậu ngay trong ngày ấy.
Thứ ba, nàng cận sự nữ Suppiyà cắt lấy thịt bắp chân của mình, nấu cháo dâng đến cho một vị tỳ khưu bị bệnh; sáng sớm ngày hôm sau, nàng không còn tìm thấy dấu vết thương của mình.
Thứ tư, nàng Millikà chỉ dâng một cái bánh đậu đến Đức Phật, được trả quả báo ngay hôm ấy là làm hoàng hậu của đức vua Kosala.
Thứ năm, người thợ làm tràng hoa Sumana dâng tám nắm hoa lài, tung rãi cúng dường Đức Thế Tôn, được quả báo tức thì do nhà vua tặng rất nhiều của cải, tài sản.
Cuối cùng, ông bà-la-môn Ekasàtaka chỉ có một thước vải mặc, lấy tấm vải duy nhất ấy cúng dường Đức Phật, được phước quả hiện tiền, là tất cả đồ dùng, mỗi loại tám cái.
Đấy là nhân, là quả, năng lực thiện nghiệp trổ quả ngay hiện tại, tâu đại vương!
- Chỉ có bấy nhiêu thôi sao, đại đức?
- Vâng, theo những gì bần tăng có thể nhớ được, chỉ có sáu người ấy thôi!
Đức vua Mi-lan-đà bèn nói to:
- Đại đức dám bảo là năng lực thiện nghiệp có sức mạnh vĩ đại hơn năng lực của ác nghiệp, mà đại đức chỉ đưa ra được có sáu ví dụ, sáu người; trong lúc sức mạnh của ác nghiệp, có khả năng cho quả tức thời... thì trẫm có thể mang ra dẫn chứng nhiều không kể xiết, nào phải chỉ có hai mươi, năm mươi, một trăm, hai trăm mà thôi đâu!
Lại có khi sức mạnh của ác nghiệp trả quả tức khắc khi nhân vừa gây ra. Ví dụ như quan đại thần Bhaddapàla, hô đội quân dũng mãnh của mình chiến đấu với đội quân của vua Cadagutta! Hai bên vừa ra quân, đao vừa vung lên, đầu bèn rụng xuống...; và cứ thế, gươm giáo tung ngang xẻ dọc làm cho hằng trăm hằng người bỏ mạng. Trận chém giết ấy rõ là trả quả ngay tức khắc, chứng tỏ nghiệp ác có sức mạnh dường bao!
Thế là rõ! Thế là luận cứ của đại đức đã bị bẻ gãy rồi!
- Chưa đâu, tâu đại vương! Năng lực của ác nghiệp vẫn không mạnh bằng năng lực của thiện nghiệp. Sở dĩ ác nghiệp trả quả nhanh là vì quả ấy ít; còn thiện nghiệp trả quả chậm vì quả báu rất nhiều! Ví như có một loại lúa ở ngoài biên địa quốc độ của đại vương, lúa ấy nhẹ, hạt nhỏ, vãi xuống trong ruộng một tháng là chín ngay, nhưng năng suất kém. Trái lại, lúa Sàli đến năm, sáu tháng mới chín nhưng năng suất rất lớn. Ví dụ này như thế nào thì thiện nghiệp, ác nghiệp trổ quả ít nhiều như thế ấy, tâu đại vương!
- Trẫm vẫn chưa đồng ý đâu. Ác trả quả mau nhưng ít, thiện trả quả chậm nhưng nhiều - nghe vẫn chưa thuyết phục. Cái trổ quả nhanh chính là do năng lực lớn, mạnh. Cái trổ quả nhanh mới là điều quan trọng. Vì sao? Ví như một chiến sĩ can trường, mới vào trận đã xông xáo tìm bắt tên thủ lãnh. Y đã hàng động rất nhanh, nhờ nhanh tay bắt được tên thủ lãnh nên sớm quyết định thắng, bại ở chiến trường. Ví như một người bị rắn độc cắn được dẫn đến nhà thầy rắn để chữa trị. Người thầy rắn chẳng chần chờ phút giây nào, tức khắc tìm cách hút nọc rắn, nhanh tay cho thuốc uống, thuốc đắp. Nhờ lanh lẹ như thế, người bị rắn cắn thóat khỏi tử thần.
Còn nữa, ví như hai người cùng đang đếm một số lượng hàng hóa. Người nào đong lẹ, đếm nhanh người ấy chắc hẳn được hưởng phần lương cao hơn. Mà nếu phần lương không cao hơn thì y cũng còn được khoảng thời gian dư dã để làm công việc khác. Ai lợi hơn ai hẳn không cần phải trả lời.
Còn nữa, ví như hai tay đô vật vào cuộc. Có một tên chậm chạp, tay kia nhanh hơn, đã tìm cách quật ngã đối phương rất nhanh nên dành được chiến thắng lớn! Vậy đó, có sức mạnh thì bao giờ cũng nhanh. Ac có sức mạnh hơn thiện nên sẽ trổ quả mau hơn cũng là định luật tất yếu thôi, đại đức. Xin đại đức đừng đem chuyện nhiều và chuyện ít vào đây, nó không tương hợp đâu!
Đại đức Na-tiên mỉm cười:
- Tất cả những ví dụ của đại vương nghe thì có vẻ hay nhưng đều không áp dụng được. Vì sao? Vì tất cả những ví dụ ấy đều không tương hợp với định luật nhân quả.
Người chiến sĩ can trường ra tay nhanh, người thầy thuốc chữa bệnh rắn cắn nhanh, người đong đếm nhanh, người đô vật sức mạnh quật ngã đối thủ nhanh. Cái nhanh ấy là tốt, tốt cho nên trổ quả nhanh mới đúng chứ, sao đại vương nêu ra để chứng minh cho cái ác?
Có người ăn uống nhanh bị nghẹn họng, cạo đầu nhanh bị đứt da đầu, viết chữ nhanh khiến chữ xấu v.v... Ở đây, cái nhanh ấy lại là xấu, ác; thế thì phải nói cái ác trả quả nhanh sao?
Lại nữa, những ví dụ khác của đại vương về tội cướp của, giết người v.v... bị pháp luật của đại vương xử trị ngay, đại vương y cứ vào đó để bảo rằng ác trổ quả nhanh! Thế rõ là đại vương đang nắm trong tay định luật nhân quả đó chăng? Định luật nhân quả phải xảy ra một cách lạnh lùng, không thiên vị. Ở đây, đại vương đã nghiêng về phía trừng trị kẻ ác rồi! Còn người làm điều thiện trong quốc độ của đại vương thì sao nào? Đại vươngsẽ trả quả báo chậm cho họ hay sao? Hay là đại vương lý luận, để chứng tỏ người làm thiện không được phước báu gì hết?
Ác thì đại vương chặt đầu, treo cổ; còn những người giữ ngũ giới, bát giới, chẩn bần người đói khổ, cứu giúp người hoạn nạn... đại vương đã ra luật định ban thưởng cho họ như thế nào chăng? Không à? Chưa à? Thế ra đại vương không phải là người nắm định luật nhân quả, chi phối trọn vẹn vận mệnh con người ở trong quốc độ của đại vương hay sao? Đại vương hãy trả lời đi!
Những câu hỏi dồn dập của đại đức Na-tiên làm cho đức vua Mi-lan-đà bối rối không ít.
Đức vua đáp:
- Trẫm biết trẫm sai rồi, cái nhìn của trẫm ngắn và gần quá, chỉ ở trước mắt, hay chỉ từ những điều mà trẫm suy nghĩ được!
- Tâu đại vương! Cho chí các bậc thượng thủ A-la-hán như ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, cũng không có khả năng thấy rõ sự vận hành của lý nhân quả, ngoại trừ bậc Toàn Giác. Việc trổ quả nhanh hay chậm của thiện và ác, các bậc đại A-la-hán cũng không thấy rõ được. Nhân quả nó xảy ra ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ là nhân, hiện tại là quả. Hiện tại là nhân, vị lai là quả. Trong chừng mực nào đó, chúng ta hiểu vậy - nhưng thật sự chúng ta không dám xác quyết cái gì là nhân, cái gì là quả chắc chắn đâu. Cái nhân bây giờ đôi khi chỉ là cái quả của quá khứ, và quả từ quá khứ đôi khi lại là nhân từ hiện tại. Nó trùng trùng duyên khởi, không thấy đầu, không thấy đuôi, đại vương ạ!
Lại nữa, bần tăng nói, năng lực thiện nghiệp có sức mạnh hơn năng lực của ác nghiệp, điều ấy không còn hồ nghi, tuy nhiên, ta cũng phải hiểu trong ý nghĩa tương đối. Vì sao vậy? Vì có những kẻ làm ác, như phạm vào ngũ nghịch đại tội [*], thì kẻ ấy có khi phải bị trả quả báo nhãn tiền, tâu đại vương!
[*] Giết cha, giết mẹ, chích máu Phật, giết A-la-hán, chia rẽ Tăng.
- Vâng, trẫm rõ rồi!
- Lại nữa, ví như tướng cướp Angulimàla là tay khét tiếng giết người, sau vào tu trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, chứng ngộ đạo quả. Đáng ra, tội giết người kinh khiếp của Angulimàla sẽ bị ác báo nặng nề! Nhưng không, Angulimàla nhờ chứng ngộ đạo quả cao siêu, pháp xuất thế gian, là tối thượng thiện pháp - nhờ năng lực ấy nâng đỡ nên trả quả rất nhẹ. Thế điều này không chứng tỏ năng lực của thiện mạnh hơn năng lực của ác sao, đại vương?
- Chính thị! Thôi cảm ơn đại đức đã xua tan sự u tối cho trẫm.
166. Hồi hướng phước có hiệu quả không?
- Thưa đại đức! Khi người cư sĩ làm được một phước sự như trai Tăng, bố thí, cúng dường, rồi họ hồi hướng đến cho ân nhân, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã quá vãng từ nhiều đời, không biết quả lành của sự hồi hướng đó có kết quả gì không?
- Có số được, có số không, tâu đại vương!
- Xin cho biết nguyên cớ?
- Tâu, vâng! Nếu cha mẹ, ân nhân, thân bằng quyến thuộc... sau khi chết, sanh vào các cõi trời, đọa sanh địa ngục, sanh làm muông thú... thì quả lành của sự hồi hướng không đến với họ được.
Còn nữa, các loại a-tu-la, ngạ quỷ đói, ngạ quỷ bị lửa thiêu cháy... cũng không hưởng được phần phước. Chỉ có loại quỷ Paradattù pajìvì - tức là loại ngạ quỷ sống nhờ vào sự bố thí của người khác - mới thọ hưởng được quả lành của sự hồi hướng ấy. [*]
[*] Thật ra, có một số chư thiên, thọ thần hoan hỷ phước, tùy hỷ phước - thì sự hồi hướng vẫn có hiệu quả (Dịch giả).
- À, hóa ra là vậy. Thế thì nếu cha mẹ, ân nhân, thân bằng quyến thuộc của mình không sanh làm ngạ quỷ Paradattù pajìvì thì sự bố thí, cúng dường, tốn tiền bạc, tốn công sức sẽ trở nên vô ích, phải vậy không, đại đức?
- Không, vẫn có lợi ích. Phước báu ấy sẽ không tiêu mất. Chính người làm phước được hưởng phước báu ấy.
- Xin đại đức giảng cho nghe.
- Tâu, vâng! Ví như có người sửa soạn một mâm vật thực gồm có rượu thịt cơm bánh v.v... để đãi đằng bà con quyến thuộc của mình. Vì một lý do nào đó, những người kia không đến, thì mâm vật thực ấy sẽ thuộc về phần ai, đại vương?
- Hoàn về cố chủ.
- Lại nữa, ví như có người đi vào cửa trước của ngôi nhà, tìm đến cửa sau để đi sang một chỗ khác. Cửa sau không tìm thấy, thì người kia đi trở ra bằng lối nào hở đại vương?
- Lối cũ thôi!
- Cũng tương tự thế. Phước báu gởi đi các nẻo không được, không ai thọ nhận thì phải trở về lối cũ, trở về chủ của nó, đại vương!
- Rõ lắm rồi. Sàdhu!
167. Hồi hướng "ác" có được không?
- Thưa đại đức! Hồi hướng thiện báo, thiện quả thì trẫm thông rồi. Nhưng còn ác báo, ác quả thì sao? Ví như có người tạo ngũ nghịch đại tội như giết cha, giết mẹ v.v... rồi hồi hướng đến cho cha mẹ, ân nhân, quyến thuộc... hoặc cho kẻ thù nghịch đã quá vãng từ nhiều đời, có được không, đại đức? Người được hồi hướng có nhận được ác quả, ác báo ấy chăng?
Đại đức Na-tiên ngạc nhiên:
- Thật là câu hỏi lạ lùng, bần tăng chỉ mới nghe lần đầu. Tuy nhiên, bần tăng sẽ trả lời ngay: việc ác không thể hồi hướng được, tâu đại vương!
- Tại sao lại không được? Thiện hồi hướng được thì ác cũng phải hồi hướng được chứ! Thiện có nơi nhận được thì ác cũng phải có nơi nhận được chứ? Pháp vốn bình đẳng mà!
- Câu hỏi tại sao này, thật khó trả lời! Và có lẽ đại vương cũng không nên đặt những câu hỏi như thế.
- Tại sao?
- Vì câu hỏi ấy cũng tương tự như những câu hỏi sau đây: Chanh, tại sao mày chua? Ớt, tại sao mày cay? Những câu hỏi ấy có thể trả lời được không, đại vương?
- Đã trả lời không được, mà còn vô ích nữa.
- Cũng tương tự như thế là câu hỏi của đại vương!
- Trẫm thấy chúng chẳng có gì giống nhau cả! Thật ra, trẫm không cố ý tìm câu hỏi hiểm hóc để bắt bí đại đức. Sở dĩ trẫm hỏi như thế là vì thế gian sẽ có người đặt những câu hỏi tương tự. Mục đích mà trẫm muốn nhắm đến là lợi ích cho phần đông và lợi ích cho các thế hệ hậu lai. Đại đức nên thông cảm.
Đại đức Na-tiên mỉm cười:
- Bây giờ đại vương thử trả lời những câu hỏi của bần tăng xem sao! Rồi từ những câu hỏi ấy, chúng ta sẽ trở lại vấn đề, được chăng?
- Thưa vâng.
- Có người lấy ống nước - nghĩa là bên trong có lỗ bộng - để thổi nước đi xa; họ có làm được không, đại vương?
- Được chứ!
- Vậy nếu có một hòn núi - bên trong cũng có lỗ bộng -có thể thổi nước đi xa được không, đại vương?
- Không thể được!
- Còn nữa, người ta thường đốt đèn bằng dầu, có người bắt chước, lại thay dầu bằng nước, thế có đốt đèn được không, đại vương?
- Không được!
- Ví như có người nông phu khai nước thông từ hồ vào ruộng, làm được vụ mùa phát tài; có người bắt chước, dẫn nước biển vào ruộng, thế y có thu hoạch được gì không, đại vương?
- Lúa chết hết còn gì!
Đến đây, đại đức Na-tiên trầm ngâm giây lát rồi mới cao giọng nói:
- Mỗi loài, mỗi vật, mỗi pháp trên thế gian này đều có những đặc tính, tính chất khác nhau, không ai có thể trả lời tại sao chúng có hình dáng, tính chất ấy. Chanh có vị chua, mít có vị ngọt. Chua, ngọt là đặc tính, tính chất của chanh, của mít. Cũng tương tự thế, ống hút nước có công dụng, chức năng của ống hút nước, cái ngọn núi bộng kia không thể làm chức năng của ống hút nước được. Dầu dùng để đốt vì nó có tính chất dẫn cháy, nước không thể thay thế dầu được. Nước ngọt giúp cho việc trồng lúa, nhưng nước mặn lại làm lúa chết! Tất cả những điểm mà bần tăng đưa ra ở trên, nghe có đúng không, đại vương?
- Không sai!
- Trở lại vấn đề đầu tiên, là thiện và ác. Thiện, ác là hai pháp, mỗi thứ có một tính chất, một đặc tính, công dụng và chức năng khác nhau. Tương tự như mít thì ngọt mà khế thì chua: người làm việc thiện thì tâm mát mẻ, người làm điều ác thì tâm nóng nảy. Mát mẻ hay nóng nảy là phản ứng tất yếu của thiện và ác; chúng không thể trao đổi trạng thái và phản ứng cho nhau được. Pháp nào bảo tồn và duy trì tính chất của pháp ấy! Đại vương đã nắm vững điều này chưa?
- Trẫm còn lờ mờ lắm đấy!
- Dầu thì đốt được, còn nước không đốt được vì dầu mang tính chất của vật dẫn cháy. Cũng tương tự thế, thiện hồi hướng được, ác không hồi hướng được là do tính chất của nó như vậy, chúng không thể làm khác tính chất của chúng, ta cũng không thể áp đặt bảo chúng phải khác đi!
Nói rộng hơn tí nữa, bản chất của thiện là lan tỏa, càng thắp càng sáng, càng hồi hướng thì càng được nhiều. Bản chất của ác là co rút, cô đặc, không lan tỏa, người nào làm thì người ấy chịu thôi, chẳng thể chia xẻ được cho ai! Đại vương nghĩ thế nào?
- Thưa, đã bắt đầu sáng ra rồi đấy.
- Thiện có quả nhiều, ác có quả ít; đó là bản chất, tính chất của nó, là một cái gì cố hữu, tất yếu vậy, đại vương!
- Nhiều và ít ấy như thế nào, đại đức?
- Một giọt nước có thể rơi thấm được mười sào đất, hai mươi sào đất không, đại vương?
- Không thể.
- Thế một trận mưa to, rất lớn, rất lâu - thì sao đại vương?
- Không những thấm nhuần cả một vùng mà còn đầy giếng, khe, suối, sông, rạch... nữa là khác!
- Cũng tương tự như thế! Việc thiện mà người nào đã làm thì có thể thấm nhuần, chia sớt đến cho rất nhiều người, vì thiện vốn có quả nhiều. Còn ác thì không thể như vậy vì nó có quả rất ít, tâu đại vương!
- Vâng!
- Khi làm việc lành, tốt thì tâm người ta hoan hỷ, mát mẻ, phỉ lạc. Khi làm việc xấu thì tâm người ta nóng nảy, ăn năn, hối hận. Cái tâm hoan hỷ, mát mẻ, phỉ lạc ấy sẽ được lan tỏa, tươi nhuần, tuôn chảy đến nhiều người. Cái tâm nóng nảy, ăn năn, hối hận ấy sẽ co rút, cô đặc, khô cháy nên không thể tuôn chảy đến đâu được. Đấy là lý do thiện quả, thiện báo thì hồi hướng được, còn ác báo, ác quả thì không hồi hướng được, tâu đại vương!
- Thật là kiến giải của bậc thông tuệ, trẫm xiết bao tâm phục.
168. Tại sao có chiêm bao?
- Thưa đại đức, hôm nay chúng ta bàn về giấc mộng nhé! Tại sao có người mộng lành, có người mộng dữ? Tại sao có người chiêm bao thấy cảnh, người hay vụ việc đã có từ trước? Có người lại chiêm bao thấy cảnh, người hay vụ việc chưa hề có? Lại có người nằm thấy chuyện hạnh phúc, vui tươi; có người nằm thấy chuyện sợ hãi, khiếp đảm? Lại có người thấy một việc mình đã làm, người khác lại thấyviệc mình chưa hề làm? Rồi lại còn mộng thấy gần, thấy xa; có kẻ lại thấy chuyện đâu như hằng ức kiếp? Tất cả các loại chiêm bao ấy - nguyên cớ do đâu, đại đức?
- Tâu đại vương! Tất cả các loại chiêm bao ấy đều do từ những lý do sau đây:
Thứ nhất, do chất gió (phong đại) trong cơ thể dấy động.
Thứ hai, do mật tác động.
Thứ ba, do đàm tác động.
Thứ tư, do bệnh, nóng (sốt) hay lạnh (hàn) tác động.
Thứ năm, do chư thiên, quỷ hay ma tác động.
Thứ sáu, những chủng tử có sẵn trong tâm do mình đã tạo tác từ quá khứ.
Trong sáu nguyên nhân kể trên, chỉ có nguyên nhân thứ sáu là thật. Chiêm bao do nhân thứ sáu này tác động là chiêm bao có thật. Còn ngoài ra, các giấc chiêm bao do những nguyên nhân khác đều không thật.
- Ý đại đức muốn nói, chiêm bao có thật này do cảnh, vật, người hay vụ việc mình đã tạo trữ từ trước hiện tồn trong dòng tâm hữu phần (Bhavangacitta) hay sao?
- Tâu, đúng thế! Đúng là nó được tàng trữ trong hữu phần tâm. Tuy nhiên, nói tâm tạo ra nó là không đúng, mà nói nó tự hiện ra cũng không phải.
- Thưa đại đức! Đã bắt đầu khó hiểu rồi đây!
- Không khó đâu, ví dụ là đại vương hiểu ngay. Ví như cái hình và bóng ở trong gương, nói cái gương tạo ra bóng là không được mà nói bóng tự hiện ra cũng không được. Tuy nhiên, muốn có bóng thì phải có hình, hình soi vào gương mới có bóng. Trước đây, chúng ta làm một việc gì đó (hình), việc đó lưu bóng ở trong tâm (gương). Chiêm bao chính là thấy lại cái bóng ấy ở trong gương (bhavangacitta). Đơn giản chỉ có vậy.
- Vâng, trẫm hiểu rồi! Nhưng có khi nào người nằm mộng thấy chiêm bao này là tốt, chiêm bao kia là xấu không, đại đức?
- Người chiêm bao không thể biết chiêm bao ấy xấu hay tốt. Có thể kể lại chiêm bao ấy cho những người đoán mộng nghe, họ có thể biết được. Nó ví như những nốt ruồi đen hay đỏ ở trong cơ thể, chúng ta không thể biết được chúng mọc ở chỗ nào là tốt, chỗ nào là xấu, chỗ nào có tiền tài, chỗ nào nghèo khổ, chỗ nào họa hại, chỗ nào may mắn. Chỉ có những ông thầy tướng pháp mới có thể biết được điều đó, tâu đại vương!
- Thế thì lúc chiêm bao, người ấy ngủ hay thức?
- Ngủ hay thức đều không thể chiêm bao. Nói rõ hơn, ngủ say quá hoặc tỉnh táo quá đều không thể chiêm bao được; chỉ khi nào nửa tỉnh, nửa mê, nghĩa là ngủ mà không say đắm, tỉnh nhưng mà mơ mơ màng màng; chính ở giữa trạng thái ấy, chiêm bao mới xuất hiện.
- Vâng!
- Nói có tính giáo nghĩa, kinh điển, thì khi ngủ say, ngủ thật ngon, tất cả lục căn (mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý) đều đóng cửa, hoàn toàn không hay biết gì về lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) bên ngoài. Lúc ấy chỉ còn duy trì sự sống qua sự trôi chảy của hữu phần tâm (bhavangacitta). Ý thức (ý), lúc ấy cũng chìm vào hữu phần tâm này, nên hoàn toàn không hay biết gì cả. Lúc này không thể chiêm bao!
Còn khi ngủ mà giấc ngủ chưa sâu, chưa ngon - thì ý thức lúc ấy chưa chìm vào hữu phần tâm - nên nửa tỉnh, nửa mê! Ngũ căn lúc ấy, nếu bị thế giới ngũ trần tác động mạnh, họ có thể tỉnh lại, hoặc có thể nhận biết! Chính đấy là thế giới mà chiêm bao hiện hữu.
- Đại đức có thể nêu ví dụ chăng?
- Tâu, vâng. Trở lại cái gương soi hồi nãy. Nếu cái gương để ở chỗ tối thì có thể thấy bóng một cách dễ dàng không?
- Không thể.
- Khi ý thức chìm vào dòng hữu phần tâm,như chìm hoàn toàn vào bóng tối, thì ta không thấy bóng; chiêm bao cũng y như thế.
- Vâng!
- Cũng y như có phần đất trên quả địa cầu này, mặt trời không rọi đến được, giấc ngủ sâu không hay biết gì, không thấy gì - là thế!
- Những ai có được giấc ngủ sâu này, đại đức?
- Người vô tâm, vô tư, người mà thế giới ý thức ít làm việc... thường có được giấc ngủ sâu này. Ngoài ra, những người có thiền định, các bậc thánh nhân thường có giấc ngủ ngon lành như thế!
- Còn trạng thái tâm nửa tỉnh nửa mê, nghĩa là đang còn mơ mơ màng màng - tại sao chiêm bao lại xuất hiện?
- Tâu, khi đó, người ấy không còn ghi nhận rõ những hình ảnh thực của ngoại trần; nói cách khác, nó hiện ra nửa thực, nửa hư, mà đa phần hư nhiều hơn thực. Chính trong lúc ấy, những điều được lưu giữ trong ký ức tiền kiếp hoặc được lưu giữ từ quá khứ lại hiện ra, cọng với hình ảnh hư hư thực thực trong hiện tại, chúng tương tác, trộn lẫn... mà làm nên giấc chiêm bao.
- Vâng, thế sao họ lại chiêm bao?
- Giấc chiêm bao có nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng đa phần phản ảnh ước mơ thầm kín của chủ nhân. Trong đời sống thường nhật, họ có những nguyện vọng, những ước mơ, những mong muốn không thể thực hiện được. Chính bởi những ràng buộc áo cơm, sự cấm đoán của luân lý, đạo đức xã hội, những thực tế khó khăn không đáp ứng được trong đời sống... mà chúng được tái hiện trong giấc mơ, tâu đại vương!
- Hay lắm, giấc ngủ sâu quá thì không biết gì, tỉnh quá thì giao tiếp với thế giới thường nhật rồi. Vậy chiêm bao chỉ xảy ra ở khoảng giữa hai tình trạng ấy, điều này rất đúng!
- Đại vương đã lãnh hội rất tốt.
- Vâng. Nói tóm lại, khi thức, tâm ý lăng xăng chuyện này chuyện kia nên chiêm bao không thể đến được.
- Đúng vậy. Ví như một tỳ khưu phá hủy chánh mạng thanh tịnh giới, không nuôi mạng chơn chánh, sống thân cận với bạn ác, chuyên hành trược hạnh, rời khỏi sự tinh cần; lười biếng, ham ăn, mê ngủ - thì pháp trợ bồ đề sẽ không bao giờ đến được với họ. Tương tợ như thế, người có làm việc ác hoặc tâm ý lăng xăng, nghĩ ngợi lung tung, hoặc thế giới óc não làm việc nhiều, hoặc lo toan, hoặc mưu tính - thì đêm đêm thường khó ngủ, cứ chiêm bao mộng mị - thật khó khăn để có được giấc ngủ ngon, giấc ngủ sâu, đóng trọn vẹn sáu cửa để cho ý thức được chìm vào hữu phần tâm, tâu đại vương!
- Rất rõ vậy. Và dường như đại đức cố ý phân chia giấc ngủ ra làm ba giai đoạn: đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối?
- Đúng thế!
- Đại đức có thể giảng giãi rõ ràng chăng?
- Vâng. Đoạn đầu là lúc chuyển từ giai đoạn đang thức sang giấc ngủ. Đấy là tâm trạng lờ đờ, mệt mỏi, ngáp, cơ thể mệt nhừ, muốn nằm và muốn ngủ.
Đoạn thứ hai, tuy nằm ngủ mà vẫn còn nhận biết thế giới xung quanh, nghĩa là có ngủ nhưng vẫn còn chút thức, ngủ mà ý thức chưa hoàn toàn đóng cửa.
Giai đoạn cuối là lúc ngủ ngon, ngủ sâu, ý thức chìm hẳn vào dòng Bhavanga!
- Cảm ơn đại đức! Thế trạng thái ngủ chút chút ấy, nói cụ thể là như giấc ngủ của con khỉ, nó làm cho phát sanh chiêm bao. Và rõ ràng sự kiện chiêm bao ấy là không tốt. Vậy người tu hành - ý nói bậc chân tu có tinh cần, có giới hạnh - sẽ đối trị với nó ra sao?
- Câu hỏi hay lắm! Muốn đối trị với nó, cần thiết phải trang bị những thứ khí giới sau đây: tỉnh thức, chánh niệm, kiên trú trong pháp. Khi làm được thế, hành giả không bị chi phối bởi ngoại cảnh bên ngoài và những tư tưởng, ý niệm khởi động bên trong, tâm được an chỉ. Tuy nhiên, từ an chỉ dễ đưa đến nhất hành (ekagggatà) - nhất hành này tương tự như nhập vào dòng bhavanga- vị ấy không nhập vào nhất hành mà quán chiếu để thấy rõ vô thường, khổ não, vô ngã để đắc Thánh quả! Như thế, rõ ràng vị ấy không phải ngủ mà cũng chẳng phải thức, cũng chẳng phải ngủ như giấc ngủ con khỉ , tâu đại vương!
- Khi chánh niệm, tỉnh thức, kiên trú trong pháp, rõ ràng vị ấy đang còn thức mà!
- Tâu, thức, nhưng không như cái thức của phàm nhân là bị chi phối bởi mọi cái ồn ào, phức nhiễu ở xung quanh, nên không thể gọi là thức bình thườngđược!
- Nếu vị ấy không nhập vào bhavanga, tức là còn đang ở giai đoạn thứ hai - nghĩa là ngủ chút chút như con khỉ - thì rõ là vị ấy sẽ chiêm bao!
- Tuy không nhập vào dòng bhavanga nhưng vị ấy không mơ mơ màng màng, không ngủ chút chút như con khỉ, vì ý thức đã yên lặng, tâm đã an lạc. Do vậy, vị ấy không có chiêm bao, tâu đại vương!
- Thế còn giai đoạn cuối, các vị ấy ngủ ngon, ngủ sâu chứ?
- Dĩ nhiên rồi. Các ngài chánh niệm, tỉnh thức ở giai đoạn một; an lạc, vắng lặng ở giai đoạn hai nên đi vào giấc ngủ ở giai đoạn ba rất dễ dàng!
- Thế có khác giấc ngủ ngon của phàm nhân không?
- Không khác. Nhưng phàm nhân lâu lâu mới có được giấc ngủ ngon như thế, vì họ còn mộng mị, chiêm bao; còn các bậc Thánh nhân bao giờ cũng ngủ ngon và không bao giờ còn chiêm bao nữa!
- Hay thật! Khi thức không phải thức, khi ngủ không phải ngủ, ở chỗ chiêm bao mà không phải chiêm bao; bao giờ cũng an lạc, vắng lặng, ngủ lúc nào cũng ngon - thì thật là hạnh phúc tuyệt vời trên cõi trần này, thưa đại đức!
- Chí phải!
169. Chết đúng thời và chết không đúng thời
- Thưa đại đức! Sinh ra trên đời ai cũng phải chết. Nhưng có người lại chết trẻ, có người lại chết già, tại sao như thế?
- Tâu, vì có người chết đúng thời và có người chết không đúng thời!
- Xin đại đức giảng cho.
- Vâng, ví như xoài ra hoa rồi kết trái. Đúng lý ra, đúng thời, đúng tiết, đúng độ thì xoài chín vàng mới rụng. Nhưng đại vương không từng thấy có trái đang non đã rụng, trái còn xanh đã rụng, trái mới hườm hườm đã rụng, hay sao?
- Trẫm có thấy.
- Xoài rụng khi chưa đúng thời có nhiều lý do khác nhau. Có trái do sâu đục, trái do chim mổ, trái do gió thổi mạnh. Gẫm con người sinh ra ở đời cũng như thế nào có khác gì?
- Ý đại đức muốn nói đến các sự chết, nhiều cách chết của con người khi chưa đến tuổi thọ phải không?
- Đúng thế. Con người sống cho đến già, có bệnh, bệnh nhẹ hoặc vô bệnh mà chết, ấy gọi là chết đúng thời. Còn những người do hành trình của nghiệp, tác động của nghiệp, do phản ứng đoạn lìa của nghiệp - mà chết khi chưa hết tuổi thọ - đều gọi là chết phi thời, tâu đại vương!
- Điều ấy nghe thì có lý - nhưng lấy đâu làm mốc, làm căn cứ để biết tuổi thọ của mỗi người là bao nhiêu? Giả dụ đứa bé đang còn trong bụng mẹ mà chết, có thể nói rằng, tuổi thọ của nó chỉ chừng đó thì sao? Tương tự thế, năm tuổi, mười tuổi, hai mươi tuổi mà chết - thì phải được hiểu tuổi thọ ngang chừng đó, nên gọi là chết đúng thời, không được sao? Suy từ luận cứ đó, tất cả mọi người chết ở độ tuổi nào cũng đúng thời cả, chứ không thể có cái gọi là chết phi thời, thưa đại đức!
Đại đức Na tiên mỉm cười:
- Đại vương, những người mà năm tuổi, mười tuổi, hai mươi tuổi... chết... là những người chết thọ nhỉ?
- Không, họ chết yểu!
- Thế những người tám mươi, chín mươi mới chết thì gọi là chết sao nhỉ?
- Gọi là chết thọ!
- Thế là đại vương đã tự xác nhận cái mốc "chết thọ" của đời người là bảy mươi, tám mươi, chín mươi v.v... Vậy chúng ta có thể hiểu rằng, chết đúng thời là chết thọ. Còn tất cả những ai chưa đến tuổi thọ, chết đang còn thanh niên, còn ấu thơ, chết bằng cách này hay cách khác - thì đều gọi là chết phi thời cả, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà cười:
- Không sai được. Thế đại đức có thể tóm lược cho nghe có bao nhiêu cách chết phi thời ấy, ví như trái xoài rụng do sâu đục, do chim mổ, do gió thổi?
Đại đức Na tiên lắc đầu:
- Nhiều lắm, tâu đại vương! Thật là không thể kể hết tất cả những cách, những kiểu, những trường hợp chết vào loại phi thời này. Nó thiên hình vạn trạng. Tuy nhiên, hằng trăm hằng ngàn cách chết phi thời - đều có thể quy về một chữ, đó là nghiệp. Do nhân quả, báo ứng của Nghiệp mà tạo nên phi thời tử, tâu đại vương!
- Vâng, thế đại đức có thể kể cho nghe một số trường hợp tượng trưng được chăng?
- Tâu, có thể được! Bần tăng xin nêu ra đây một số cách chết không đúng thời:
Chết do đói,
Chết do khát,
Chết do rắn cắn,
Chết bởi độc dược,
Chết cháy,
Chết nước,
Chết bởi khí giới v.v...
Ở đây đa phần là nghiệp dữ, nghiệp nặng...! Ngoai trừ chết đói, chết khát xẩy ra từ từ, còn năm cách chết sau, đều là chết dữ tợn, chết có đổ máu, chết bị hành thân hoại thể, chết tức khắc - nên người đời thường gọi là chết bất đắc kỳ tử đó, tâu đại vương!
- Vâng, cũng đều là nghiệp nhưng do tội báo quá nặng, phải chăng? Đại đức trình bày đại lược cho nghe một vài ví dụ liên hệ về nhân và quả của các cách chết ấy?
- Tâu vâng! Kiếp này có người chưa đến tuổi thọ mà chết, do đói, nguyên nhân là bởi một quá khứ lâu xa đã bắt bỏ đói một chúng sanh nào đó, hoặc do cướp giật thực phẩm, hoặc do phá hoại mùa màng, nương rẫy của kẻ khác, hoặc do thù oán mà đốt lương thực, thực phẩm v.v... - Do nhân như vậy nên người kia đã bị chết đói nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm trong bốn đường ác. Nghiệp còn dư sót, tuy được sanh làm người nhưng quả báo vẫn còn chạy theo! Nếu quả nghiệp theo kịp lúc thiếu niên thì bị chết đói lúc thiếu niên. Quả nghiệp theo kịp lúc trung niên thì bị chết đói lúc trung niên. Nhân quả vận hành một cách chính xác, không thiên vị, thiên lệch bao giờ!
Tương tự như thế, do nhân từng làm cho chúng sanh bị chết, chết do độc dược, do đốt cháy, do dìm nước, do đâm chém giết hại v.v... nên sau khi bị quả báo đau khổ trong bốn ác đạo, sanh làm người, vẫn bị trả quả báo dữ, bị đoạn lìa sanh mạng khi chưa đến tuổi thọ!
Phi thời tử là vậy, tâu đại vương!
- Chung quy là do nghiệp ác nặng, trẫm đã hiểu. Nhưng nếu chết do bệnh thì sao? Có người bệnh lương ương cả đời không chết? Có người bạo bệnh chết. Có người bệnh nặng, chạy thầy chạy thuốc hết cả gia sản mới lành. Có người bệnh sơ sơ, dưỡng vài ngày là khỏi. Tất cả những bệnh ấy, chết và không chết có phải là do nghiệp không?
- Có cái do nghiệp, có cái không do nghiệp. Tâu đại vương!
- Tại sao?
- Tâu, nghiệp phải được hiểu là do hành động đã làm, đã tạo tác từ kiếp trước gọi là nghiệp nhân, kiếp này bị trả quả gọi là nghiệp quả. Định luật báo ứng nhân quả ấy gọi là nghiệp. Vậy những người chết do nhân quá khứ đã làm gọi là chết bởi nghiệp. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp do tạo nhân từ kiếp này mà chết - nên không được gọi là bởi nghiệp, tâu đại vương!
- Xin đại đức cho thí dụ.
- Vâng, ví dụ như có một người không biết giữ gìn cơ thể đối với thời tiết bất thường xảy ra ở xung quanh. Đại loại như trời nóng quá, trời lạnh quá, gió nhiều quá; hay nói cách khác, phong đại, thủy đại, hỏa đại... ở bên ngoài thịnh quá, tác động vào tứ đại của con người mà sinh bệnh... Cái ấy không bởi nghiệp quá khứ mà do nhân hiện tại, tâu đại vương!
- À, trẫm hiểu rồi.
- Ví dụ như có người làm việc quá độ, do thức ngủ quá độ, do lười biếng quá độ... làm cho tứ oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm... không điều hòa, mà sinh bệnh; ấy cũng là do nhân hiện tại, tâu đại vương!
- Vâng!
- Ví dụ có người ăn uống bất thường, hoặc dùng thứ này nhiều, thứ kia không có, hoặc quá ít mà sinh bệnh tiêu chảy, táo bón, ung thư - hoặc mật nhiều, đàm nhiều, hoặc thiếu máu hoặc dư máu... đều là bệnh mà mình tự tạo trong kiếp này - nên không thể gọi là nghiệp, tâu đại vương!
Cơ thể con người sinh bệnh còn do nguồn nước uống, không khí để thở, các định luật tự nhiên xung quanh tác động, ảnh hưởng nữa; đều là nhân của kiếp này cả, tâu đại vương!
- Thế là quá rõ. Đối với những bệnh không chết thì không nói. Còn tất cả bệnh mà chết, dù nhân quá khứ hay nhân hiện tại cũng đều gọi là phi thời tử cả sao?
- Đúng thế. Đúng tuổi thọ mới chết gọi là đúng thời, chưa đến tuổi thọ mà chết, do nhân thế nào đều gọi là chết không đúng thời cả!
- Những điều này có ví dụ cụ thể không nhỉ? Đại đức!
- Có chứ. Ví như đốt một đống củi khô, bổi khô, lá khô... Khi lửa cháy hết đống củi khô, bổi khô, lá khô ấy, lửa tự động tắt - ấy gọi là lửa tắt đúng thời, tâu đại vương!
- Đây chỉ cho trường hợp những người sống hết tuổi thọ của mình mới chết, là chết đúng thời!
- Vâng. Còn đống củi khô, bổi khô, lá khô ấy... đang cháy nửa chừng, bị một trận mưa ập xuống làm tắt lửa; ấy gọi là lửa tắt không đúng thời, tâu đại vương!
- Đây chỉ trường hợp những người bị nghiệp nặng hay bệnh nặng đến phải chết khi họ sống chưa hết tuổi thọ của mình, gọi là phi thời tử đây?
- Đúng vậy.
- Nghiệp nặng hoặc bệnh nặng giống như mưa đổ ập xuống làm tắt lửa, dứt sanh mạng; còn trường hợp mưa ấy bị gió thổi tan đi, hoặc mưa sơ sơ không đủ tắt lửa thì sao, đại đức?
- Những người sống hết tuổi thọ mà vô bệnh hoặc bệnh nhẹ thì như trời quang mây tạnh, không có mưa! Những người cũng sống hết tuổi thọ nhưng bệnh nặng rồi lành, hoặc bệnh liên miên - như trời có mưa, nhưng gió thổi tan mưa đi, hoặc có mưa nhỏ không đủ tắt lửa. Những người nghiệp nhẹ hoặc có bệnh nhưng không chấm dứt tuổi thọ đều y như thế!
- Vâng!
- Những người bị rắn cắn, chất độc mạnh, bị hành thân xác, nhưng thầy rắn chữa lành, không đoạn mạng sống được, cũng y như thế.
- Vâng!
- Ví như tên lìa khỏi giây cung, không bị chướng ngại cản trở sẽ đến được mục tiêu, nếu bị chướng ngại cản trở sẽ không đến được mục tiêu. Mũi tên đến được mục tiêu là đúng thời, mũi tên bị cản trở, rớt giữa chừng, gọi là phi thời, tâu đại vương!
- Nghe rõ!
- Ví như một người đánh trống đồng, âm vang đi rất xa - là đúng thời; nhưng vừa đánh lên, có kẻ đưa hai tay bịt mặt trống, ngăn lại, âm thanh ngưng dứt, không vang đi được - ấy gọi là không đúng thời, tâu đại vương!
- Trẫm đã hiểu rồi!
- Những người không bị nghiệp nặng đoạn lìa sanh mạng, nhưg bị bệnh do thời tiết tác động, do ăn quá độ, do làm việc quá độ, do ảnh hưởng nước và không khí ở xung quanh... thuốc thang không chữa được...đều phải được hiểu là phi thời tử y như thế, không khác.
- Vâng!
- Lúa cấy trong đám ruộng mưa thuận gió hòa, chăm sóc chu đáo, đến mùa gặt hái được dồi dào lương thực. Nhưng nếu đám ruộng ấy bị trời nắng hạn, thiếu nước, thiếu phân, chắc hẳn lúa sẽ khô chết hoặc thâu hái chẳng được bao nhiêu hạt, phải thế không đại vương.
- Vâng.
- Lúa khô chết ấy là đúng thời hay phi thời?
- Tất là phi thời!
- Nếu do hạn hán mà chết, do sâu đục thân, do chuột cắn nát, do châu chấu tàn hại... thì có phi thời chăng?
- Dĩ nhiên là phi thời.
- Đám ruộng phân nước đầy đủ, sâu không ăn, chuột không phá, châu chấu không làm hại, nhưng nếu bị một trận mưa đá dập xuống thì sao?
- Cũng tiêu luôn. Cũng là phi thời!
- Nói tóm lại, những ai vô bệnh, thiểu bệnh, bệnh nặng mà chữa lành; nghiệp nặng mà do phước bảo trợ được vượt qua, nhiều tai nạn nhưng may mắn thoát chết - sống hết tuổi thọ của mình mới lìa đời - gọi là hợp thời tử! Những ai bị bắt đắc kỳ tử, bị ác nghiệp quá khứ còn dư sót, bị nhân quá khứ hoặc nhân hiện tại tác động mà sinh bệnh, đoạn lìa mạng sống khi còn non trẻ, trung niên v.v... Tất cả đều được gọi là phi thời tử, tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà tán thán:
- Thật thiện xảo, phong phú thay là những ví dụ của đại đức; sự giải đáp nhiều mặt của đại đức, trên thế gian này, ai mà không hiểu được, quả là cô phụ tấm lòng của bậc đại trí vậy.
170. Tại sao nhập Niết bàn lại có hiện tượng phi thường?
- Thưa đại đức! Tất cả các vị A-la-hán khi Niết bàn, thi thể hỏa táng của các ngài đều có hiện tượng phi thường xảy ra phải chăng?
- Có vị có thần thông phép lạ xuất hiện, có vị không có gì cả, tâu đại vương!
- Tại sao lại như thế, đại đức?
- Tâu đại vương! Thần thông phép lạ hay là hiện tượng phi thường xảy ra nơi thi thể hỏa táng của các bậc A-la-hán Niết bàn, là do một trong ba điều kiện sau đây:
Thứ nhất, có vị A-la-hán sắp Niết bàn, vì muốn đem đến lợi ích cho những người đến lễ bái, cúng dường; nên chú nguyện rằng: "Xin cho thi thể này hiện ra những năng lực phi thường." Nguyện như thế xong, Niết bàn, thi thể hỏa táng của vị ấy sẽ xảy ra thần thông phép lạ.
Thứ hai, một số chư thiên có thần thông biết rằng, lễ bái, cúng dường thi thể hỏa táng của các bậc A-la-hán được rất nhiều phước báu cao thượng. Các vị chư thiên ấy muốn làm cho chư thiên trong các cõi và nhân loại phát sanh tín tâm trong sạch; nên họ đến nơi hỏa đài phát lời chú nguyện: "Xin cho thi thể hỏa táng của bậc A-la-hán này hiện ra những năng lực phi thường để tăng trưởng đức tin cho phần đông." Chư thiên nguyện thế xong, sau đó, thần thông phép lạ sẽ xảy ra ngay nơi chỗ hỏa táng ấy.
Thứ ba, có những nam, nữ cư sĩ là bậc trí thức, có trí tuệ, giàu đức tin... họ cúng dường vật thơm, tràng hoa hay vải vóc đến lễ đài hỏa thiêu rồi phát nguyện: "Mong cho thi thể hỏa táng của bậc A-la-hán này phát sanh năng lực mầu nhiệm vì lợi ích cho chư thiên và loài người."
Lời cầu nguyện ấy sẽ được ứng nghiệm.
Nghe xong đức vua Mi-lan-đà hỏi:
- Nếu không có ba trường hợp chú nguyện ấy thì sẽ không có phép lạ sao, đại đức?
- Tâu, vâng!
- Đến các vị đại A-la-hán thuần thục lục thông, nếu không chú nguyện cũng không có hiện tượng phép lạ xuất hiện sao?
- Tâu, vâng.
- Như vậy rõ ràng là trường hợp nào cũng vì lợi ích cho chư thiên và loài người cả. Đáng ngưỡng mộ làm sao!
171. Chúng sanh nào có khả năng đắc đạo?
- Thưa đại đức! Tất cả chúng sanh bất cứ cõi nào, nếu có đức tin trong sạch, có sự thực hành chơn chánh và tinh cần - thì thảy đều có thể đắc thánh quả cả chứ?
- Có loài, có loại đắc, có loài, có loại không thể đắc, tâu đại vương!
- Những chúng sanh nào không thể đắc, xin đại đức kể cho nghe.
- Tâu đại vương, có mười lăm loài, loại chúng sanh không thể đắc đạo quả cao siêu được, đó là:
Súc vật, cầm thú;
Loài khẩn-na-la (Kinnara) - chúng sanh phi cầm, có đầu giống người;
Các loài rồng;
Ngạ quỷ;
Người tà kiến;
Trẻ chưa đủ bảy tuổi;
Người phạm tội giết cha;
Người phạm tội giết mẹ;
Người phạm tội giết A-la-hán ;
Kẻ chích máu Phật ;
Người chia rẽ Tăng;
Người phạm giới trộm mạo Tăng tướng hoặc tỳ khưu hành theo ngoại đạo;
Kẻ hãm hiếp tỳ khưu ni hoặc tỳ khưu phạm Tăng tàn mà không thọ lãnh hình phạt;
Người bán nam bán nữ;
Người có hai sanh thực khí.
Mười lăm hạng chúng sanh này dù đức tin trong sạch, thực hành chơn chánh, tiến tu chỉ tịnh, quán minh cũng không thể vào dòng Thánh chủng được.
Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:
- Trẫm không hề nghi ngờ về điều ấy, chỉ thắc mắc một điểm nhỏ thôi!
- Đại vương cứ tự nhiên hỏi.
- Vâng! Ở nơi điểm thứ sáu, trẻ dưới bảy tuổi, không thể đắc quả, trẫm rất nghi ngờ. Tại sao vậy? Vì trẻ dưới bảy tuổi, tâm hồn rất trong trắng, chẳng ngã chấp, tà kiến, chẳng tư duy về ái dục, chẳng độc ác, sân hận, chẳng đố kỵ, kiêu căng, chẳng buông lung, phiền não. Với nhân tố tốt đẹp như vậy, nếu chăm chuyên thực hành chánh pháp, tại sao lại không đạt đạo?
- Đại vương! Với sức mạnh bình thường của con người, có thể bưng được núi Tu di không?
- Hẳn nhiên là không thể.
- Tại sao thế?
- Tại núi Tu di quá to mà sức người thì có hạn!
- Cũng như thế đó, tâu đại vương! Đạo quả là pháp xuất thế gian, nó quá vĩ đại, quá cao siêu so với trí tuệ bình thường của con người. Trẻ dưới bảy tuổi, thể xác non yếu, kiến thức và tư duy đều chưa được chín chắn, đức tin chưa vững mạnh, trí tuệ còn quá non nớt - thì làm thế nào đủ điều kiện, năng lực để thực hành và thâm ngộ đạo lớn được hở đại vương!
- Ồ! Có thể là vậy lắm.
- Ví như một giọt nước nhỏ có thể thấm ướt cả quả đất được chăng, đại vương?
- Dĩ nhiên là không thể rồi!
- Tại sao như thế?
- Vì quả đất lớn quá.
- Cũng như thế đó, đại vương hãy hiểu cho, mảnh đất của đạo quả cũng rộng lớn mênh mông; tất cả hiểu biết, đức tin, trí tuệ của trẻ dưới bảy tuổi đều nhỏ nhít, tí tẹo thì làm sao có thể thâm nhập cảnh giới của Thánh nhân được hở đại vương?
- Thưa vâng!
- Lại nữa, ví như có người lấy cây đèn nhỏ mà muốn rọi sáng cho thấy cả quốc độ, y có thể làm thế được không, đại vương?
- Thật không thể.
- Tại sao?
- Vì vùng chiếu sáng của ngọn đèn chỉ trong một giới hạn nhỏ, còn quốc độ thì to lớn quá.
- Cũng như thế đó là trí tuệ non nớt của trẻ dưới bảy tuổi so với thế giới giác ngộ của bậc Thánh nhân.
- Vâng!
- Ví như có loại sâu Kini chuyên đục thân lúa Sàlì, con sâu ấy có thể nào ăn một con voi cao bốn thước không, đại vương?
- Chẳng thể nào!
- Vì sao?
- Vì khả năng con sâu không thể làm việc ấy.
- Cũng như thế đó là tổng cộng mọi năng lực của trẻ dưới bảy tuổi, nó không có khả năng thành tựu được Thánh đạo đâu, đại vương!
- Cảm ơn đại đức đã ân cần giảng giải.
172. Niết bàn có xen lẫn khổ?
- Thưa đại đức! Niết bàn là duy nhất an lạc hay có lẫn sự khổ?
- Sao lại khổ được, đại vương hỏi chi lạ lùng!
- Thưa, không lạ lùng mà là sự thật. Đại đức không thấy sao? Những người tu hành để tìm kiếm Niết bàn như đại đức, không biết bao nhiêu là khổ thân và khổ tâm. Này nhé! Thứ nhất là hành thân cho khổ. Đi đứng nằm ngồi đều phải tỉnh thức, chánh niệm. Nói cách khác, đi cũng rán giữ đề mục thiền, đứng cũng không dám lơ là đề mục thiền, ngồi cũng phải chăm chăm đề mục thiền, nằm cũng không dám quên đề mục thiền. Thế không khổ thân là gì?
Thứ hai, nói rộng ra một tí - là ăn cũng phải quán tưởng từ miếng một, uống nước cũng phải quán tưởng từng hớp. Thế nhưng, có dám ăn no đâu, sợ Phật quở. Ngủ cũng thế, ngủ chỉ được chút ít thôi, chẳng no mắt. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều được xiềng xích cột chặt, không cho sờ đụng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp! Cái ấy gọi là sống à? Có chút vui nào đâu hay chỉ là khổ thôi? Rồi còn bỏ cha me, thân quyến, bạn bè; đi xin ăn chỗ này, chỗ kia, mặc y vải bó tử thi, vào rừng, vào nghĩa địa hoang vắng để sống cô độc hiu quạnh một mình. Thế chưa đủ gọi là khổ sao?
Đại đức Na tiên trầm tĩnh nói:
- Đại vương cứ tiếp tục cho.
- Vâng! Những người trên thế gian này họ đâu dại gì mà chịu khổ như thế, họ sống vui thích, sướng khoái là khác. Đại đức hãy nghe đây:
Thứ nhất, họ ở nhà cao cửa rộng, trang trí vật dụng bằng vàng, bằng bạc, tất cả tiện nghi thứ gì cũng thích mắt. Họ chọn vợ đẹp, nàng hầu xinh xắn, mủm mỉm dễ thương. Họ sống khoái lạc, thỏa mãn trong thế giới sắc tướng đầy quyến rủ ấy.
Thứ hai, họ đắm chìm, mê man trong thế giới đàn ca xướng hát, âm thanh trầm bỗng, dìu dặt mê ly như đưa hồn người vào cõi hoan lạc của thiên đường.
Thứ ba, họ ướp trầm, xông hương, trăm loại hoa hương tỏa ngát đêm ngày, những hương liệu nồng nàn được tỏa ra từ các loại chiên đàn, già la; từ mái tóc, áo quần, từ da thịt nõn nà; từ bột hương, nhụy hương, từ khăn thơm, chăn màn, gối, đệm v.v... Đâu đâu cũng thơm mê ly như đưa con người vào cõi hương bồng bềnh, vi diệu.
Thứ tư, họ còn thụ hưởng bao nhiêu thứ ngon vật lạ, sơn hào hải vị, của cây cỏ, sông hồ! Biết bao nhiêu là vị béo bùi, bỗ dưỡng, ngọt thanh cao, cay dễ chịu, nồng váng vất say, ngon trôi vào cổ họng v.v...
Thứ năm, họ thụ hưởng biết bao nhiêu là xúc chạm vừa lòng, êm ái từ thân thể nữ nhân; từ gối, nệm, từ chỗ ngồi, chỗ nằm, từ kiệu xe nhún nhẩy, mịn màng, mượt như tơ, láng như ngọc chuốt v.v...
Tất cả năm loại dục ấy họ đều thỏa mãn no đủ, khoái lạc. Còn ý dục của họ luôn nghĩ đến năm loại thỏa thích sung sướng kia! Ồ! Sống như vậy mới sống chứ?
Còn các ngài thì sao nhỉ? Các ngài muốn Niết bàn đâu phải dễ dàng gì. Cả sáu loại dục ở trên các ngài thèm lắm, muốn lắm - nhưng vì tu hành là cao thượng nên các ngài cắn răng, bịt mắt giả vờ không ngó tới. Nhưng nội tâm của các ngài thì sao nhỉ? Tâm các ngài như lửa đốt, lòng các ngài bứt rứt, khó chịu! Vậy cũng đúng thôi. Các ngài tự rào bít mình lại, tự làm cho khô héo sự sống, tự cắt đi mạch tiến hóa tự nhiên của trời đất, của chúng sanh có thức giác hữu tình! Ôi thật đúng làm sao khi kẻ ngoại đạo tên là Màgandiya đã chê trách Đức Bổn Sư và giáo hội rằng:"Đấy là một tôn giáo không thỏa hiệp với sự sống, cắt đứt dòng tiến hóa."
Lời phê phán ấy quả là không ngoa, thưa đại đức! Niết bàn của quí ngài không thấy an lạc đâu mà chỉ thấy đi ngược dòng đời, đâm đầu vào sự khổ, xa lìa các niềm vui trên trần thế!
Sau câu hỏi ấy mọi người đều im lặng. Đại đức Na tiên tự nghĩ: "Đức vua minh triết này, có lẽ vì lợi ích cho phần đông, vì muốn lợi lạc cho các thế hệ học Phật mai sau - mới đặt những câu hỏi ngớ ngẩn cùng với những lý lẽ sặc mùi tục lụy như thế! Bản thân của đức vua vốn biết sự nguy hiểm của ngũ dục, ở đó vui ít khổ nhiều, tối tăm, uế trược, chỉ để dành cho hạng chúng sanh ngu si, thiểu trí, hạ liệt! Âu ta cũng vì phương tiện, vì tấm lòng bao la như trời biển của đức vua mà thuyết giảng cho rành rẽ ngọn ngành vậy!"
Nghĩ thế xong, đại đức Na-tiên bèn nói:
- Tâu đại vương! Những điều mà đại vương nói, ví như nói rằng: Đạo giác ngộ đi ngược dòng đời, sống phải thu thúc lục căn, chánh niệm trong từng bước đi, hơi thở, quán tưởng tứ vật dụng; đi đứng ngồi nằm đều chú tâm vào đề mục thiền; ít ngủ, ít ăn, sống hạnh khất thực, ở nghĩa địa cội cây, rừng v..v... đều hoàn toàn đúng với sự thật. Tuy nhiên, Niết bàn là một cái gì đó ở ngoài, ở xa dự niệm phác tưởng của đại vương! Nói Niết bàn là an lạc chỉ là cách nói cho người trần thế dễ lãnh hội, chứ nó đâu có phải là thế. Sự tìm kiếm Niết bàn cũng phải trải qua công phu hành trì, tinh cần, nỗ lực ngày đêm... Dĩ nhiên phải gian lao, vất vả; quả thật là khổ vậy. Đại vương nói không sai. Tuy nhiên, tầm cầu là khác, lên đường là khác - nhưng chứng đạt Niết bàn, an trú Niết bàn lại hoàn toàn khác nữa, tâu đại vương!
- Xin đại đức giảng cho nghe.
- Tâu, vâng! Chỉ lấy đại vương làm thí dụ thôi. Hiện tại, đại vương đang làm vua, ngôi vị ấy có đem đến an vui, hạnh phúc cho đại vương chăng?
- Phải nói là hạnh phúc tuyệt vời!
- Chắc có lẫn sự khổ chứ?
- Vâng, có khổ là khi quân thù đem quân xâm lược, chém giết dân chúng, đốt phá xóm làng, cướp bóc của cải, tài sản của mọi người ở vùng biên địa. Thế là phải kêu gọi thanh niên trai tráng đầu quân, bỏ vợ, bỏ con lên đường tòng chinh chiến đấu.
Chiến tranh thì có khi thắng, khi bại; nhưng thắng hay bại đều hao binh tổn tướng, máu xương phơi đầy núi, đầy sông. Ồ! Khổ thì quả thật là khổ đấy, nhưng khi thái bình an lạc thì khác rồi, thưa đại đức!
- Ý đại vương nói là khi quốc độ nguy vong, không những muôn dân đều khổ mà chính đức vua cũng phải hao tổn tâm cơ, ngày đêm nhăn trán, nhíu mày tìm phương kế đối phó...
- Vâng.
- Và khi xung quanh không còn kẻ thù quấy nhiễu nữa thì đại vương hoàn toàn sung sướng, hạnh phúc?
- Chính thế!
- Thế thì con đường tìm kiếm, cần cầu Niết bàn vô thượng cũng phải trải qua, vượt qua gian khổ; phải đánh bại tất cả thù địch, ma quân cả bên trong, bên ngoài chứ nào khác gì? Vậy, có những vị tỳ khưu sống đời thu thúc lục căn, ít ngủ, ít ăn, chấp nhận đời sống bần hàn vô sản; tinh cần chỉ tịnh, quán minh, xa lìa ngủ dục thấp hèn - cũng nhằm đến mục đích an lạc như ngôi vua chí tôn của ngài vậy - thì sự khổ ấy cũng thường tình, như là một cái gì tất yếu vậy, phải thế không đại vương?
- Có lý lắm.
- Một người muốn học nghề thành tài để sau này khả dĩ nuôi sống được vợ con - thì hắn phải lập tâm, lập hạnh như thế nào, hở đại vương?
- Tâm phải kiên trì, kiên quyết; hạnh phải hiền thục, ngoan ngoãn, dễ dạy. Ngoài ra còn phải biết tôn sư trọng đạo, phải biết lễ nghĩa, hầu hạ thầy. Những việc lặt vặt như nấu trà nước, nấu nước tắm, tăm xỉa răng và nước súc miệng, đấm bóp chân tay cho thầy v..v...cũng phải quan tâm chăm sóc cho chu đáo. Khi học, khi thực hành phải chú tâm quan sát lắng nghe v.v...Nói tóm lại, là muốn thành tài, cũng phải biết chịu đựng và vượt qua rất nhiều gian khổ vậy.
- Niết bàn là cái tối thượng, hy sinh chút ít, chịu khổ chút ít, để đem đến cho mình một thứ hạnh phúc ngoài thời gian, vô điều kiện - thì sự đánh đổi ấy quá rẻ, tâu đại vương!
- Vâng!
- Lập ngôn của đại vương: "Niết bàn lẫn lộn sự khổ" không đứng vững được rồi!
Đức vua Mi-lan-đà cất tiếng cười sảng khoái:
- Đứng còn không được thì lấy đâu mà vững, đại đức?
Đại đức Na tiên cũng cười vui.
173. Tại sao không diễn tả Niết bàn một cách cụ thể?
Hôm đó, khi vừa gặp đại đức Na tiên, không biết trong tâm của đức vua nghĩ ngợi gì mà ngài cứ mỉm cười hoài! Sau đó, đức vua không mở đề như thường lệ, mà buông lời như trống không, vô nghĩa.
- Gẫm cũng thú vị quá, đại đức nhỉ?
- Ý đại vương muốn nói gì?
- Ô! Đức Phật đó! Giáo hội đó! Chư Tăng đó! Tất cả sa môn trong hàng ngũ của đại đức đấy!
- Bần tăng vẫn không hiểu gì!
- À, là thế này! Niết bàn ấy mà! Ai cũng nói Niết bàn là vô thượng, tối thượng, là hạnh phúc, là an lạc. Nhưng khi diễn tả Niết bàn cho mọi người cùng thấy, cùng biết... thì quý vị cứ ởm ờ, trả lời vòng quanh, trườn uốn như con lươn! Này nhé, đại đức hãy nghe đoạn đối thoại sau đây:
"- Thưa đại đức, Niết bàn có sắc tướng không?"
- Không, không có sắc tướng, không phải kết hợp do tứ đại.
- Thế ra nó phải có một diện tích, một cảnh, một cõi, một xứ, một nơi chốn nào đó?
- Không, hoàn toàn không phải là như vậy!
- Cũng không có bộ phận, chi tiết gì cả sao?
- Không, không có!
- Có thể nào đưa ra một sự ước lượng, một sự độ chừng được không?
- Thưa, không thể.
- Có thể đưa ra một ví dụ chăng?
- Chẳng thể nào!
- Thế Niết bàn chắc phải có nhân gì chứ?
- Nó không nhân!
- Thế thì duyên?
- Cũng không!
- Chẳng có cách thức, phương pháp gì để chứng thực, để diễn đạt sao?
- Không có!
"
Đấy! Đoạn đối thoại như vừa rồi là cách trả lời phổ thông nhất của quý ngài đấy! Nếu trường hợp đại đức thì đại đức sẽ trả lời sao?
- Tâu đại vương! Nếu được hỏi như thế thì bần tăng cũng chỉ trả lời được như thế thôi!
- Thế không có cách gì cụ thể để cho mọi người dễ lãnh hội hơn sao?
- Tâu, có thể trả lời cụ thể, nhưng cụ thể ấy không phải là Niết bàn. Có thể từ ví dụ cụ thể ấy khơi mở cho ta thấy "bóng dáng" của Niết bàn!
- Ồ! Vậy là hay lắm!
- Thế gian nói có biển lớn, và đại vương không biết đã thấy biển lớn chưa?
- Thưa, có thấy rồi!
- Quả thật có biển lớn chứ?
- Vâng, có thật.
- Đại vương đã thấy biển lớn rồi và xác định biển lớn ấy có thật. Vậy thì xin hỏi đại vương, biển lớn ấy rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu, sâu bao nhiêu? Và trong biến ấy ước chừng bao nhiêu lượng nước, bao nhiêu loài cá, mỗi loại như thế số lượng được bao nhiêu con?
- Không ai nói được điều đó, không ai biết được điều đó. Vả lại, đây là loại câu hỏi không nên đặt ra, đại đức!
- Tại sao thế? Biển cả có thật, nước có thật, cá có thật - mà tại sao đại vương không chịu trả lời? Hay là đại vương chưa hề thấy biển?
- Trẫm thấy thật chứ - nhưng bề dài, rộng, sâu, bao nhiêu cá thì quả thật trẫm chịu; trẫm chưa đủ kiến thức về hải dương học, nếu có, trả lời cũng không chính xác đâu!
- Biển cả là cái cụ thể, đại vương đã từng thấy bằng mắt, thế mà hỏi về dài, rộng, sâu, bao nhiêu cá... đại vương cũng không độ chừng được, ước lượng được... Thế mà đại vương bảo bần tăng độ chừng, ước lượng, đưa ra bộ phận, chi tiết... về Niết bàn, là pháp siêu thế sao?
- Ồ!
- Giả dụ như có người có thần thông, có kiến thức uyên bác, có trí nhớ tuyệt hảo; y có thể độ chừng bề dài, rộng, sâu, nước và cá trong biển lớn; nhưng đối với Niết bàn y cũng không thể nói được, trình bày được!
- Tại sao?
- Vì sao thì đại vương biết rồi đó chứ! Vì Niết bàn ở ngoài mọi ước lượng, mọi nhân, duyên, ví dụ, so sánh..., tâu đại vương!
Đức vua Mi-lan-đà nóng nảy:
- Nhưng đại đức có nói, là có thể có ví dụ cụ thể, từ đó khơi mở cho người khác thấy "bóng dáng" của Niết bàn kia mà! Trong tâm của trẫm đang có một lò lửa thiêu đốt đấy!
Đại đức Na tiên nói:
- Vậy thì đại vương hãy nghe cho kỹ đây! Đây là những ví dụ cụ thể, từ đó ta sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng của Niết bàn:
Một là, hoa sen có một đức tính tương tợ Niết bàn.
Hai là, nước có hai đức tính tương tợ Niết bàn.
Ba là, thuốc trị độc rắn có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
Bốn là, biển lớn có bốn đức tính tương tợ Niết bàn.
Năm là, vật thực có năm đức tính tương tợ Niết bàn.
Sáu là, hư không có mười đức tính tương tợ Niết bàn.
Bảy là, ngọc ma ni có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
Tám là, chiên đàn đỏ có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
Chín là, sữa Sappi (tức sữa chua, bơ lỏng) có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
Mười là, đỉnh núi có năm đức tính tương tợ Niết bàn.
Nghe xong mười điều, đức vua Mi-lan-đà hoan hỷ nói:
- Hay lắm! Vậy thì đại đức bi mẫn cho nghe từng điểm một.
- Vâng, đây là điều thứ nhất. Hoa sen có một đức tính khả dĩ từ đó chúng ta hình dung ra Niết bàn. Đức tính ấy là gì? Ấy là hoa sen không dính nước, không thấm nước. Niết bàn cũng như hoa sen vậy, có đặc tính là, nước cấu uế, nước phiền não không dính được, không thấm vào đấy được!
- Vâng, cho xin nghe tiếp hai đức tính của nước?
- Khi trời nóng nực, nước giúp ta tắm rửa mát mẻ, đồng thời, tẩy sạch tất cả những dơ dáy bụi bặm. Cũng tương tự thế, Niết bàn làm lắng dịu hận tâm, sân tâm; làm mát mẻ tất cả sự bực tức, bực bội, nóng nảy, ngoài ra còn tẩy rửa tất cả tâm tư, ý niệm dơ dáy, bất tịnh - tâu đại vương!
- Đúng là như vậy, thế cho nghe ba đức tính của thuốc trị độc rắn.
- Vâng. Điều thứ nhất, thuốc ấy uống vào là tan độc tính. Thứ hai, uống vào là hết bệnh. Thứ ba, uống vào là ngăn được sự chết. Tương tợ như thế, Niết bàn làm tiêu vong phiền não, thứ nữa là diệt tận khổ đau, chấm dứt tham sân si; cuối cùng là ngăn giữ cho chúng sanh khỏi rơi vào sanh gìa bệnh chết!
- Điều thứ tư, bốn đức tính của biển lớn là như thế nào?
- Vâng!
Thứ nhất, biển lớn luôn giữ gìn sự trong sạch của mình, không dung chứa những xác tử thi bất tịnh; cũng vậy, Niết bàn bao giờ cũng thanh khiết, không dung chứa bất cứ sự cấu uế, bất tịnh nào.
Thứ hai, biển lớn rộng mênh mông; bao nhiêu con sông lớn ngày đêm tuôn chảy vào cũng không đầy. Tương tự như thế, Niết bàn mênh mông không thấy mé bờ; nếu vô lượng chúng sanh đời này, đời kia vào an trú, không vì thế mà Niết bàn đầy hơn.
Thứ ba, biển lớn là nơi sinh sống của hằng trăm triệu thủy tộc, tha hồ cho chúng bơi lội vẫy vùng. Tương tự thế, Niết bàn là cảnh giới của vô lượng bậc Thánh nhân vô lậu cư trú, tha hồ sống đời hạnh phúc, an lạc chơn thường.
Thứ tư, biển cả là nơi chôn dấu, sinh trưởng của biết bao nhiêu loài, giống, loại quý báu. Không kể ngọc, kim cương, xà cừ, pha lê, trân châu... mà còn hương liệu, tinh chất được lấy ra từ các loại thảo mộc chưa có tên gọi. Tương tự thế, Niết bàn là nơi hội tụ của mọi loài hương hoa thơm ngát được chiết ra từ các pháp thanh tịnh; biết bao trí đức, tuệ đức quý báu; vô lượng đức tính toàn mỹ, toàn thiện không đếm xiết được.
Đại vương thấy thế nào? Bốn đức tính của biển có tương ưng, tương hợp với Niết bàn chăng?
- Quả là vậy. Xin đại đức cho nghe tiếp năm đức tính của vật thực?
- Vâng.
Thứ nhất, vật thực nuôi dưỡng sanh mạng chúng sanh, Niết bàn cũng nuôi dưỡng đời sống bất tử của chúng sanh không cho tiêu hoại bởi già và chết.
Thứ hai, vật thực cho chúng sanh sức lực và sức mạnh, Niết bàn cũng là nơi cho chúng sanh thần lực và năng lực.
Thứ ba, vật thực làm cho tươi sắc da, Niết bàn cũng làm tươi đẹp thêm màu sắc của giới.
Thứ tư, vật thực dứt sự quằn quại xót xa do đói - thì Niết bàn cũng chấm dứt tất cả sự thống khổ, sầu muộn do phiền não.
Thứ năm, vật thực giúp chúng sanh giải quyết sự đói thèm - thì Niết bàn cũng làm cho tất cả sự khao khát, tham muốn thảy đều yên lặng.
- Ví dụ ấy thật là sít sao! Đại đức cho nghe tiếp.
- Vâng, bây giờ là mười đức tính của hư không.
Thứ nhất, hư không và Niết bàn đều không già.
Thứ hai, hư không và Niết bàn đều không chết.
Thứ ba, hư không và Niết bàn đều không rời đi, rớt đi.
Thứ tư, hư không và Niết bàn đều không tái sanh.
Thứ năm, hư không và Niết bàn không ai áp chế được.
Thứ sáu, hư không và Niết bàn không ai trộm cắp hoặc sở hữu được.
Thứ bảy, hư không và Niết bàn đều không có gì dính mắc được.
Thứ tám, hư không là nơi đi lại của chim, chư thiên, người và dạ xoa có thần thông- Niết bàn là nơi đi lại của bậc Thánh.
Thứ chín, hư không và Niết bàn không có gì ngăn ngại.
Thứ mười, hư không và Niết bàn là nơi mênh mông không có chỗ cuối cùng.
- Hay vậy thay! Xin cho nghe về ngọc ma ni?
- Vâng, ngọc ma ni có ba đức tính:
Một là, ngọc ma ni và Niết bàn làm cho thành tựu sở nguyện.
Hai là, ngọc ma ni và Niết bàn làm cho hoan hỷ
Ba là, ngọc ma ni và Niết bàn làm cho an lạc.
- Cho nghe thêm về ba đức tính về chiên đàn đỏ.
- Vâng, chiên đàn đỏ và Niết bàn đều có ba đức tính tương tợ nhau.
Trước hết, nó là cái khó tầm cầu, khó được
Thứ hai, có mùi thơm không gì sánh bằng.
Sau nữa, chiên đàn đỏ được thế gian ưa thích thì Niết bàn là nơi bậc thánh ưa thích.
- Thế còn ba đức tánh của bơ lỏng?
- Vâng.
Đầu tiên, nếu bơ lỏng có màu sắc đẹp thì Niết bàn có vô lượng đức tính đẹp.
Tiếp đến, bơ lỏng có vị ngon đặc biệt thì Niết bàn cũng có vị ngon đặc biệt (diệt phiền não, được an vui).
Cuối cùng, bơ lỏng có mùi thơm đặc biệt thì Niết bàn cũng có mùi thơm đặc biệt (ấy là tuệ hương, giải thoát hương...)
- Bây giờ còn năm đức tính của núi nữa, đại đức?
- Vâng!
Một là, đỉnh núi là điểm cao nhất - Niết bàn cũng là cõi cao nhất.
Hai là, đỉnh núi không hề rung chuyển, lay động thì Niết bàn cũng thế.
Ba là, đỉnh núi người lên một cách khó khăn - Niết bàn người đắc cũng rất khó khăn.
Bốn là, trên đỉnh núi đá không cây gì mọc được, ở Niết bàn, tham sân si, phiền não cũng không mọc được.
Năm là, đỉnh núi và Niết bàn đều xa lìa sự thương và ghét.
Tâu đại vương! Đấy là tất cả các ví dụ tạm thời nhằm so sánh với Niết bàn - mà trình độ của bần tăng có thể nói được. Mong đại vương suy gẫm, may ra có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của Niết bàn chăng?
- Vậy là đã quá nhiều rồi! Có gì chưa thông suốt, trẫm sẽ xin hỏi lại vào một dịp khác.
- Tâu, vâng.
174. Làm cho rõ Niết bàn?
- Thưa đại đức! Hôm qua đại đức đã nêu ra hằng chục đức tính cao quý vô thượng của Niết bàn do nhờ hình tượng của sự vật nói lên. Hiện tại, trẫm đã hình dung ra được Niết bàn ấy. Tuy nhiên, theo trẫm được học hiểu thì Niết bàn không phải quá khứ, Niết bàn không phải vị lai, Niết bàn không thể là hiện tại. Lại nữa, Niết bàn ấy cũng không phải cái mà mọi người làm cho nó sanh lên. Quả thật trí óc phàm phu chẳng thể nào mà nắm bắt được!
Vậy thì sao ạ, thưa đại đức, những người thực hành đúng đắn chánh pháp, tinh cần chỉ tịnh và quán minh thì sẽ làm cho tỏ lộ Niết bàn? Hay cứ thực hành cho rõ con đường ấy tất là làm cho rõ Niết bàn? Hoặc là cứ tu tập như thế thì Niết bàn sẽ tự tỏ lộ, sau đó mới làm cho rõ hơn nữa.
- Tâu đại vương! - Khi mà thực hành đúng đắn chánh pháp rồi thì sẽ làm cho tỏ lộ Niết bàn hoặc là Niết bàn tự tỏ lộ, rồi làm cho rõ rệt thêm lên đều được cả. Cách nói nào cũng đúng cả! Chỉ đừng nên hiểu sai là Niết bàn được sanh lên bởi một nhân nào đó. Có lẽ khi mình thấy rõ Niết bàn, chứng nghiệm Niết bàn rồi - thì sự diễn tả, phát ngôn của mình mới chính xác hơn, phải thế chăng?
- Đúng vậy!
Nhưng... nhưng hiện tại, trẫm và thính chúng nơi này, và mai sau nữa, đều là kẻ phàm phu; nên vẫn mong những kiến giải đầy trí tuệ của đại đức, những ví dụ sống động và cụ thể của đại đức, để đem ánh sáng cho phần đông, thưa đại đức!
- Tâu, vâng! Như đại vương biết rồi, người nào theo lời giáo huấn của Đức Toàn Thắng - mà thực hành tốt, thực hành đúng đắn, dùng trí tuệ quán xét pháp hành, thì sẽ tỏ lộ được Niết bàn tối thượng lạc ấy. Ví như người học trò tìm thầy để học nghề nghiệp. Nhờ tin tưởng vào thầy, thực hành tốt, thực hành đúng đắn lời chỉ dạy của thầy, người học trò ấy nắm được bí quyết thiện xảo của nghề nghiệp. Như thế, có thể nói, là nhờ đức tin, nhờ theo lời chỉ dạy của thầy, nhờ thực hành đúng đắn, người học trò kia nắm bắt được nghề nghiệp, mà trước đây y chưa có? Nói thế được không đại vương?
- Có thể được.
- Niết bàn trước đây chưa có, nhưng nhờ trí tuệ làm cho tỏ lộ Niết bàn cũng y như thế, tâu đại vương!
- Hay lắm! Vậy thì tỏ lộ làm cho ta thấy được rõ, phải thế chăng? Niết bàn có thể thấy rõ, ta có thể thấy rõ như thế nào hả đại đức?
- Tâu đại vương! Niết bàn có thể thấy rõ được do sự chứng nghiệm ở trong tâm. Ta chứng nghiệm được những trạng thái như: mát mẻ, thanh khiết, an lạc, hòa bình trường cửu v.v... và rõ ràng như vừa xa lìa được sự nóng bức, sự ô nhiễm, sự thống khổ, sự bất an dao động vậy, tâu đại vương!
- Sự xa lìa ấy là như thế nào, đại đức? có ví dụ cụ thể chăng?
- Được chứ! Ví như có người ở trong một căn nhà bị lửa thiêu cháy xung quanh, người ấy hốt hoảng, sợ hãi, dao động... Sau một hồi bình tĩnh, người ấy tìm được đường thoát ra - sau khi bị thiêu cháy gần chết - đến một nơi an toàn, mát mẻ. Đấy là hình ảnh rõ ràng cho ta thấy rõ thế nào là sự xa lìa thống khổ, tìm đến chỗ an vui, tâu đại vương!
- Vâng!
- Chúng sanh ở cõi đời này cũng giống như thế, nào có khác gì? Cả ba đống lửa lớn là tham, sân, si hằng thiêu đốt chúng sanh trong ba cõi. Nếu biết nghe lời Đức Đạo Sư để thực hành chánh pháp - như lý tác ý - rồi cũng sẽ tìm được đường thoát ra, đến chỗ mát mẻ, an vui, thanh khiết, hòa bình trường cửu là Niết bàn đấy, tâu đại vương!
- Rõ ràng lắm!
- Lại nữa, ví có người thấy được nơi nghĩa địa nọ bốc mùi những xác chết, nào người, nào rắn, nào chó, nào chuột,v..v... Muốn thoát ra được sự nhiễm ô, người ấy vào rừng kiếm củi, tấp lên những xác chết để đốt. Đốt xong, người ấy thở dài khoan khoái, không còn thấy hôi, không còn sợ lây lan ô nhiễm nữa. Tâu đại vương! Những kẻ tu hành như chúng ta có khác gì những người đi kiếm củi để đốt những xác chết hôi hám ấy? Đi kiếm củi khó khăn vất vả thì tầm cầu chánh pháp nào có dễ gì? Những xác chết ví cho ngũ dục cùng tấm thân bất tịnh này? Chánh pháp phải được nhen lên, tỏa bùng ngọn lửa trí tuệ để thiêu cháy những ham muốn thấp hèn, ô uế và tục lụy. Đốt xong, người kia thở dài khoan khoái, không còn thấy hôi hám, không còn sợ lây nhiễm nữa - thì có giống như bậc Thánh nhân chứng nghiệm hạnh phúc Niết bàn vô cấu, vô uế không, đại vương?
- Quả vậy!
- Lại nữa, ví như có người sắm chiếc thuyền nhỏ, vượt biển sang bờ bên kia; người ấy sợ sóng to, sợ bão lớn, sợ cá dữ, sợ lạc phương hướng. Sau khi lên bến người ấy thoát khỏi bốn sợ hãi. Cũng vậy, chúng sanh trôi nổi giữa biển đời, bốn nỗi sợ hãi là sanh, gìà, bịnh, chết thường trực bủa vây. Sau khi tìm được Niết bàn, người ấy thoát khỏi bốn nỗi sợ hãi ấy, được lạc, được vui, tâu đại vương!
- Chính vậy!
- Lại nữa, tâu đại vương! Ví như có kẻ bộ hành đi qua quãng đường lầy lội, trơn trợt, bị té lên té xuống mình mẩy lắm lem dơ bẩn. Nhưng sau khi sang khỏi đoạn ấy, là đại lộ cao ráo, phong quang; người bộ hành tắm rửa sạch sẽ rồi lên đường một cách thoải mái, dễ dàng. Người tu hành bước qua thế giới bùn lầy uế trược, té xiêu, vấp ngã, lấm lem ngũ trần, vẫn cương quyết lên đường; hướng tâm đúng, tinh tấn đủ thì có lúc sẽ đến được cõi an vui, thanh khiết, vô nhiễm!
- Cảm ơn đại đức! Trẫm đã hiểu những ví dụ xa lìa chỗ này để đến chỗ kia. Nhưng còn cái gọi là làm cho Niết bàn tỏ lộ hay làm cho Niết bàn rõ rệt - xin đại đức giảng thêm.
- Vâng, tâu đại vương! bần tăng xin được hầu chuyện với đại vương. Ví như có người tu hành chơn chánh, thường quán chiếu để mong thấy rõ các pháp hành, tức là pháp hữu vi ở trong tâm, hiện ra tam tướng: vô thường, khổ não, vô ngã. Và pháp hữu vi nào cũng nằm trong định luật sanh, trụ, dị, diệt. Nhưng sự quán chiếu, trực thị, thấy rõ ấy chưa được trọn vẹn. Nói cách khác, có kẻ thấy được vô thường nhưng chưa thấy khổ và vô ngã. Có kẻ thấy khổ mà chưa liễu ngộ được vô thường v.v...vì thế Niết bàn chưa rõ rệt đối với vị ấy. Nghĩa là họ còn đắm say hoặc chấp trước ở một chỗ nào đó, chưa thật sự xả ly, buông bỏ hết. Tương tự như một thanh sắt được nung đỏ từ đầu đến đuôi, chúng sanh không ai cảm giác gì - nhưng người tu hành thấy rõ là nóng. Có kẻ thấy nóng ở đằng đuôi nên cầm ở đằng đầu. Có kẻ thấy nóng ở đằng đầu nhưng cho ở đuôi là mát. Có kẻ đầu đuôi đều nắm được nhưng chỉ sợ ở giữa ! Chỉ có người quán chiếu trọn vẹn mới thấy lửa đốt ở ba nơi, xa lìa cả ba điểm nóng , đấy mới chính là làm cho Niết bàn rõ rệt, tâu đại vương!
- Xin đại đức giảng thêm về điều ấy.
- Vâng, vì chưa thấy Niết bàn rõ rệt nên xem thế gian này còn chỗ vui, còn chỗ để bám víu. Đến bao giờ thấy rõ thanh sắc nóng từ đầu đến đuôi, mới chịu buông bỏ, chịu xa lìa. Nghĩa là khi ấy mới thật sự nhàm chán cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc; chẳng còn một chấp thủ, dính mắc ở cõi nào nữa.
- Trẫm đã hiểu.
- Nói sâu hơn một tí nữa, quán chiếu để thấy rõ pháp hành (hay pháp hữu vi) là thấy rõ sự sanh, trụ, diệt của tâm, nó là đầu mối của cấu sanh tương tục, là luân hồi sanh tử. Tất cả đều là vô thường, khổ và vô ngã. Thấy rõ "hành" ấy tất Niết bàn tỏ lộ, chấm dứt vô minh và ái dục, tận diệt phiền não, nhiễm ô, được vô sanh bất tử.
- Trẫm hiểu.
- Ví như kẻ bộ hành lạc đường, đã tìm lại đúng phương hướng; tinh tấn, kiên trì, nỗ lực, lên đường, đến lúc sẽ vượt khỏi thế gian; cõi xuất thế gian càng ngày càng tỏ lộ trước tầm mắt, Niết bàn càng lúc càng rõ rệt hơn, tâu đại vương.
Đức vua Mi-lan-đà vui vẻ:
- Thế ra, tỏ lộ Niết bàn và làm choNiết bàn tỏ lộ, chỉ khác nhau cách nói, lối diễn đạt - chứ thật ra nó chẳng khác nhau là bao, phải không đại đức?
- Tâu, vâng!
- Trẫm còn muốn hỏi về Niết bàn nữa đấy, mà không phải hỏi cho trẫm đâu, xin hẹn bậc đại trí tuệ hôm khác nhé!
- Bần tăng đồng ý.
175. Niết bàn không ở đâu cả!
- Bây giờ chúng ta trở lại đề tài Niết bàn! Đại đức nói rằng có Niết bàn và trẫm cũng tin như thế - Nhưng nó ở đâu đại đức? Nó ở đông, tây, nam, bắc, thượng, hạ, trung?
- Ở một nơi nào đó, một chỗ nào đó thì không phải Niết bàn, tâu đại vương!
- Thế là đã rõ!
- Đại vương rõ sao ạ?
- Thưa, rõ là không có Niết bàn; Niết bàn chỉ là hư vô, không tưởng! Niết bàn đã không có thì làm gì có chuyện tỏ rõ Niết bàn, tỏ ngộ Niết bàn? Và lại càng không có cái gọi là an trú Niết bàn? Tại sao lại như thế? Vì khái niệm "trú" là gì đại đức biết chăng? Trú có nghĩa là phải có một địa cư, một vùng đất, một nơi chốn, một miền, một xứ, một cõi, một cảnh...để ở đấy, nương gá đấy, trụ ở đấy! Ví dụ như người ta nói rằng, ruộng là nơi trú của rất nhiều chủng loại lúa: lúa Sàlì, lúa thơm, lúa ngắn ngày, lúa dài ngày v..v... Ví như người ta nói biển là nơi trú của vô lượng loài thủy tộc, vô lượng trân châu, bảo ngọc v.v...Ví như quả đất làm nơi nương trú của người, vật, chim muông, cây cỏ v.v....
Vậy thì nếu Niết bàn không có một chỗ nào cả - thì chữ "trú" này không được thành lập, trú không được thành lập thì tỏ rõ, tỏ ngộ Niết bàn cũng không được thành lập; tỏ rõ, tỏ ngộ Niết bàn không được thành lập thì người chứng đạt Niết bàn cũng không thành lập? Vậy Niết bàn ấy chỉ là khoảng không, không có gì cả. Tất cả không! Thưa đại đức.
Đại đức Na tiên nói:
- Thật là hùng hồn! Tuy nhiên, tâu đại vương! Có một chỗ nào đó, dù là "khoảng trống không" để Niết bàn trú ở đấy cũng không được. Niết bàn là pháp vô vi, xa lìa hữu vi thì làm sao có chỗ trú được? Ví như "lửa" có chỗ trú không, hở đại đức? Đại vương có thể chỉ cho bần tăng thấy rõ lửa nó ở hướng đông, tây, nam, bắc, chỗ này, chỗ kia không?
- Không thể chỉ được!
- Vậy là lửa không có rồi. Chính đại vương nói đấy nhé!
- Không, lửa có. Tuy lửa không ở chỗ nào, không thể chỉ được; nhưng ta lấy hai thanh gỗ cọ xát vào nhau thì lửa sẽ hiện ra, thưa đại đức!
- Cũng vậy, tâu đại vương! Niết bàn tuy không ở chỗ nào cả, không thể chỉ được; nhưng khi hàng giả quan sát thấy rõ sự sanh diệt của pháp hành (Sankhàra) thì Niết bàn sẽ hiện ra, tâu đại vương!
- Có lý lắm, nhưng cũng không thể thuyết phục được trẫm, tại sao? Lửa là pháp hữu vi, là điệu kiện sanh, do nhân duyên sanh; trong lúc Niết bàn là pháp vô vi, không có điều kiện, không bị chi phối bởi định luật nhân quả. Đem lửa mà ví dụ cho Niết bàn, đại đức có thấy mình rơi vào luận thuyết của ngoại đạo tà giáo chăng?
- Hay lắm! Thật ra, phải từ ví dụ này để hiểu chuyện khác. Đại vương đã không hiểu lại còn bắt bẻ bần tăng rất hợp lý nữa. Vậy ta có thể tìm ví dụ khác nhé!
- Vâng!
- Đại vương có biết Đức Chuyển luân Thánh vương có bảy loại ngọc, là: bánh xe ngọc, voi ngọc, ngựa ngọc, mani ngọc, nữ ngọc, gia chủ ngọc, tướng quân ngọc không?
- Thưa, có biết từ kinh điển, từ truyền thuyết.
- Trước khi bảy loại ngọc vi diệu ấy hiện đến do phước báu của Đức Chuyển luân, nó ở từ đâu không?
- Không biết nó ở đâu!
- Vậy chắc nó không có rồi.
- Nó có đấy, thưa đại đức! Khi một vị vua tài đức vô song, phước báu cao quí không thể nghĩ nghì - thì bảy thứ ngọc vi diệu ấy đồng hiện đến, như là chứng cứ tôn xưng vị vua ấy thành đức Chuyển luân Thánh vương!
- Cũng tương tự thế, đại vương! Khi quán chiếu pháp hành (Sankhàra), thấy rõ pháp hành là sanh diệt; pháp hành là vô thường, khổ não, vô ngã; pháp hành là bất tịnh, là sầu bi, khổ ưu, phiền não, lúc ấy Niết bàn cũng tự hiện ra. Nó không phải là một chỗ nào đó để mà đến đâu, tâu đại vương!
- Chí lý lắm! Nhưng nếu đi sâu vào lĩnh vực luận lý, thì luận cứ của đại đức vẫn chưa trôi, vẫn còn dính mắc ở một chỗ, đại đức có biết không?
- Xin cho nghe, ấy là chỗ nào?
- Là cái chỗ mà từ đó Niết bàn hiện ra! Ví như đức vua có tài đức, có phước báu vô song; chính từ "địa vị" ấy, "chỗ ấy" thì bảy loại ngọc báu mới hiện ra. Trong trường hợp Niết bàn hiện ra, thì địa vị ấy, cái chỗ ấy là cái gì hở đại đức?
- Câu hỏi vi tế lắm, thâm sâu lắm! tâu đại vương! Địa vị ấy, chỗ ấy có - đó chính là giới định tuệ! Bất cứ hành giả nào nếu giới thanh tịnh, định thanh tịnh, tuệ thanh tịnh; kiên trú vững chắc vào giới định tuệ thanh tịnh ấy, địa vị ấy, chỗ ấy - thì Niết bàn sẽ hiện ra; không kể người ấy ở đâu, trú xứ nào!
- Bắt đầu tỏ lộ rồi đấy, thưa đại đức! Ngài hãy bi mẫn cho nghe tiếp.
- Tâu, vâng! Nhưng đại vương đã suốt thông chỗ "địa vị" ấy rồi chứ? Đã "trôi" điều ấy rồi chứ?
Đức vua Mi-lan-đà vui vẻ:
- Trẫm nhận tội rồi, đừng nên trả đũa nữa, đại đức.
- Ô! Vậy thì ta tiếp tục.
- Thưa vâng!
- Đại vương! Bất cứ ai kiên trú vững chắc nơi giới định tuệ rồi, người ấy sẽ tỏ lộ Niết bàn giống nhau, chẳng hề sai khác!
- Giống nhau như thế nào hở đại đức?
- Giống nhau như "hư không", đại vương! Ví như có người trú trong rừng Sakàya thấy được hư không, người trú trong quốc độ Alasandana..., quốc độ Kàsìkosala, quốc đô Kasinara..., quốc độ Ganchàra... cõi trời Phạm thiên, tầng trời tịnh cư v..v... thấy được hư không! Những hư không kia giống nhau như thế nào thì Niết bàn sẽ giống nhau y như thế đó, đại vương!
- Trẫm hiểu rồi.
- Chúng lại còn giống nhau như "phương đông" nữa, đại vương! Tất cả chúng sanh ở bất cứ cảnh giới nào, xa gần, cao thấp khác nhau - nhưng phương đông mà chúng nhìn thấy, đều giống nhau, tâu đại vương!
- Đại đức đã dựng đứng, đã nêu cao cây cờ Pháp làm cho trẫm khả dĩ cắt đứt được sự nghi ngờ về "trú xứ" của Niết bàn. Trẫm rất hoan hỷ vậy.