Bắc truyền
Kinh Na Tiên Tỳ Kheo
Cao Hữu Đính (Dịch)
02/08/2554 11:14 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Kinh Na Tiên Tỳ Kheo
Mục lục

 

PHẦN III

31. Lửa địa ngục

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, các Sa môn trong hàng ngũ của Ðại Ðức thường dạy; lửa thế gian không nóng bằng lửa địa ngục. Các ngài ấy còn nhấn mạnh thêm rằng: ném một cục đá nhỏ vào lửa thế gian, dù lửa ấy cháy từ sáng đến tối, đá kia cũng không tiêu nhưng một tảng đá lớn ném vào lửa địa ngục, chỉ trong chốc lát là tiêu mất. Ðó là một điều mà trẫm khó thể tin được. Các ngài ấy còn dạy rằng: người làm điều ác, khi đọa vào địa ngục, bị lửa địa ngục thiêu đốt cả ngàn vạn năm, người ấy vẫn không chết mất tiêu. Ðó là điều thứ hai mà trẫm thấy càng khó tin hơn nữa.

-- Tâu Ðại Vương, hẵn Ðại Vương có nghe nói dưới nước có các loài thủy tộc như sấu, trạnh, cua, thuồng luồng, và những con cái của các loài thủy tộc nầy khi có chửa vẫn ăn sạn sõi mà sống?

-- Thưa, có. Chúng nó dùng sạn sỏi làm thức ăn.

-- Thế thì một khi vào bụng chúng, sạn sỏi ấy có tiêu không?

-- Thưa, hẳn phải tiêu hết.

-- Trứng chửa trong bụng chúng có tiêu không?

-- Thưa, không.

-- Vì sao vậy?

-- Theo thiển ý, có lẽ tại ảnh hưởng của cái nghiệp.

-- Con người trong lửa địa ngục cũng giống như thế. Bị thiêu đốt cả ngàn vạn năm mà vẫn không tiêu, ấy là bởi ảnh hưởng của nghiệp. Hễ khi nào tội lỗi đã tạo chưa trả xong thì chưa thể chết mất tiêu.

-- Xin cho ví dụ khác.

-- Những ác thú như sư tử cái, cọp cái, beo cái, chó sói cái, trong lúc đương có chửa, vẫn ăn xương thịt của các loài thú khác. Xương thịt ấy sau khi vào bụng chúng, có tiêu đi không?

-- Thưa có.

-- Thế thì cái thai chúng mang trong bụng có tiêu đi không?

-- Thưa, không.

-- Tại sao vậy?

-- Có lẽ cũng tại ảnh hưởng của cái ngiệp.

-- Con người trong lửa địa ngục cũng giống như thế. Bị thiêu đốt cả ngàn vạn năm mà vẫn không tiêu, ấy là bởi nghiệp báo chưa trả xong tội lỗi chưa đền hết. Cho nên chưa thể chết mất tiêu được.

-- Xin cho ví dụ khác.

-- Bò cái, ngựa cái, lừa cái, nai cái, trong lúc đang có chửa, vẫn ăn cây cỏ mà sống. Cỏ cây ấy vào trong bụng chúng có tiêu đi không?

-- Thưa có.

-- Cái thai chúng đang mang trong bụng thế nào?

-- Không tiêu.

-- Sao vậy?

-- E cũng tại ảnh hưởng của cái nghiệp.

-- Con người trong lửa địa ngục, cũng giống như thế.

-- Xin cho ví dụ khác.

-- Trong hàng phụ nữ như quí phu nhân sang trọng và vợ của các trưởng giả giàu có, thường dùng cá thịt sơn hào hải vị làm thức ăn. Các thức ăn ấy vào trong bụng họ có tiêu đi không?

-- Thưa, có.

-- Khi họ mang thai, cái thai ấy có tiêu đi không?

-- Thưa, không.

-- Sao vậy?

-- Chắc cũng tại ảnh hưởng của cái nghiệp.

-- Con người trong lửa địa ngục cũng giống như thế. Bị lửa địa ngục thiêu đốt cả ngàn vạn năm nhưng vì tội lỗi chưa trả xong, nghiệp báo chưa dứt hết nên vẫn chưa chết mất tiêu được. Sanh ra trong sự thiêu đốt, họ cũng sẽ già trong sự thiêu đốt, cho đến một ngày nào đó, nghiệp báo dứt trừ, họ mới mất tiêu.

-- Hay thay! Hay thay!

32. Nước dựa trên không khí

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, các Sa môn trong hàng ngũ của Ðại Ðức dạy rằng đất dựa vào nước, nước dựa vào không khí, không khí dựa vào hư không. Những điều nói đó, trẩm khó thể tin được!

Nhân có cái đãy lọc nước mang theo bên mình, Na Tiên dơ cao cái đãy ấy lên, tâu lại vua rằng:

-- Tâu Ðại Vương, nước trong đãy này không dựa trên không khí là gì?

33. Niết Bàn

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, phải chăng Niết Bàn là tịch diệt, là ngưng nghĩ vĩnh viễn?

-- Thưa phải.

-- Xin giải thích cho trẫm hiểu.

-- Kẻ mê muội, từ trong tâm ra đến ngoài thân, mải mê chạy theo ham muốn của giác quan. Trôi giạt trong sự ham muốn ái ân, hụp lặn trong sự ham muốn ái ân, kẻ kia không có cách gì thoát ra khỏi khổ đau của sanh, già, bịnh, chết. Bậc trí giả nhờ có tu hành nên từ trong tâm họ đến ngoài thân, không say đắm một cái gì hết. Không ham muốn, cũng chẳng vui thích. Không trìu mến ái ân thì không tham dục. Không tham dục thì không có bào thai. Không có bào thai thì không tái sanh. Không tái sanh thì không già, không bịnh, không chết, không sanh già bịnh chêt thì ngoài không sầu lụy hiện ra, trong không bi thống nung nấu. Cho nên nói Niết Bàn là tịch diệt, trong đó khổ đau ngưng nghỉ vĩnh viễn và hoàn toàn.

-- Như vậy, phải chăng các nhà tu hành đều chứng đắc Niết Bàn hết?

-- Thưa, chưa chắc. Ai nhứt tâm hướng thiện đi trên con đường đúc hạnh, học hết những điều chánh chân, luyện tập những gì đáng luyện tập, gạt ra ngoài những gì đáng xả ly, nhớ nghĩ những gì đáng nhớ nghĩ, vứt bỏ những gì không đáng gắn ghi, người nào làm được như thế mới có thể chứng đắc Niết Bàn.

-- Người chưa chứng đắc Niết Bàn có biết rằng Niết Bàn là cảnh giới sung sướng không?

-- Thưa biết.

-- Chưa chứng đắc Niết Bàn, làm sao biết được là sướng?

-- Thế thì những người chưa từng bị chặt tay chân có biêt rằng bị chặt tay chân là khổ không?

-- Thưa biết.

-- Chưa bị chặt tay chân, làm sao biết được là khổ?

-- Nghe tiếng kêu la than khóc của những người bị chặt tay chân thì biết rằng bị chặt tay chân khổ lắm.

-- Cũng giống như thế, tuy chưa chứng đắc Niết Bàn, nhưng nghe các nhà chân tu đắc đạo nói lại và thấy phong thái nhàn lạc của họ thì biết rằng cảnh Niết Bàn sướng lắm.

34. Phật có ra đời

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, Ðại Ðức đã thấy Phật lần nào chưa?

-- Tâu Ðại Vương, chưa.

-- Lệnh Tôn sư có thấy không?

-- Thưa, cũng không.

-- Nếu thế thì chắc gì đã có Phật ra đời? Vì chính mắt Ðại Ðức không thấy, mà lệnh Tôn sư cũng chẳng thấy!

-- Tâu Ðại Vương, Ðại Vương đã thấy con sông U Há (Uha) trên núi Hy Mã Lạp Sơn chưa?

-- Thưa chưa.

-- Lệnh Vương phụ va lệnh Thái phụ có thấy không?

-- Thưa, cũng không.

-- Nếu thế thì chắc gì đã có sông U Há đương chảy trên núi Hy Mã? Vì chính mắt Ðại Vương không trông thấy, mà lệnh Vương phụ cũng như lệnh Thái phu đều chẳng hề trông thấy!

-- Thưa, quả thật có con sông U Há. Tuy đời Trẫm chưa trông thấy và gia tiên cũng chẳng hề trông thấy, nhưng nhiều người đã đến tận trên đó về nói và sông ấy chính là nguồn tiếp nước cho sông cái chảy về đồng bằng.

-- Tâu Ðại Vương, cũng như thế đó, tuy bần tăng không thấy Phật, và Tôn Sư bần tăng cũng chưa hề thấy Phật, nhưng Phật vẫn thật có ra đời mới có giáo pháp của Ngài truyền thọ cho đến ngày nay.

35. Phật là tối thắng

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, Phật là bậc cao quý nhất trên đời, có đúng như thế không?

-- Tâu Ðại Vương, đúng. Phật là tối thắng, không ai trên đời này sánh kịp.

-- Làm sao Ðại Ðức biết được? Ðại Ðức đã từng xác nhận tự mình chưa từng thấy kia mà!

-- Ví như chưa có người chưa hề thấy biển, nhưng đã thấy năm con sông lớn (1) là các sông Hằng Hà, Tín Tha, Thư Tha, Bác Xon, và Thi Phi Di ngày đêm đổ nước ra biển không ngừng mà mặt biển vẫn không vì thế mà cao thêm thì người đó có tin rằng biển sâu thẳm mênh mông không?

-- Thưa, tin.

-- Cũng như thế đó, vì có rất nhiều đại đệ tử đắc đạo, thảy đều nói rằng không ai hơn Phật nên bần tăng tin rằng Phật là tối thắng.

-- Có thể biết được Phật tối thắng như thế nào không?

-- Ðược.

-- Bằng cách nào?

-- Ðọc sách, Ðại Vương có biết người ghi chép những lời Phật dạy thành sách là ai không?

-- Vị ấy tên là Chất (2).

-- Thế Ðại Vương đã từng thấy mặt đại đức Chất chưa?

-- Chưa hề thấy, vì Ðại Ðức ấy đã tịch lâu rồi.

-- Chưa từng thấy đại đức Chất, làm sao biết rằng đại đức ấy viết sách?

-- Vì có sách và nét chữ của Ngài để lại.

-- Cũng như thế đó, ai thấy giáo pháp của Phật tức là thấy Phật. Vì chính Phật đã truyền giáo pháp của Ngài lại cho toàn thể tín đồ. Giáo pháp ấy thật là thậm thâm vi diệu. Bằng vào đó, bần tăng biết rằng Phật là tối thắng, là cao quý nhất trên đời này.

-- Hay thay! Hay thay!

(1) Bấy giờ, vua Di Lan Ðà và ngài Na Tiên đương ở tại thủ đô Sakala trong vùng Ngũ Hà (Pendjab) . Ðáng lý năm con sông lớn nói đây phải là các sông: Indus (Tàu dịch là Ấn Hà, Tín Hà, Tín Tha), Vitasta, Askini, Parusni và Sutudri. Vì đây là tên năm con sông lớn trong hệ thống Ngũ Hà. Còn hệ thống Hằng Hà (Gange) thì ở Ðông Ấn và số sông lớn nhiều hơn con số 5 rất xa. Ðó là các sông: Gange, Yamunà, Carmarvati, Sona, Sarayù, Aciravati, Hiranyavati v.v. Phải chăng có sự lầm lẫn trong các bản Hán dịch?

(2) Tissa. Nói đủ là Maggaliputta Tissa.

36. Thân cũ không tái sanh

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, con người sau khi chết có trở lại mang thân cũ mà tái sanh không?

-- Tâu Ðại Vương, sau khi chết rồi, con người bỏ thân cũ mà mang thân mới.

-- Xin cho ví dụ.

-- Vi như người ta châm đuốc. Hết đuốc này, lửa lan qua cháy sáng đuốc kia. Con người ta cũng thế. Cái thân cũ không đem đi theo. Phải thọ lãnh một thân mới.

Na tiên trở ngược lại hỏi vua:

-- Ðại Vương hồi nhỏ có theo thầy học chữ không?

-- Thưa có. Và ngày nay, trẫm vẫn còn nhớ.

-- Những kinh sách của Ðại Vương học, sau khi phụ đạo dạy xong và Ðại Vương đã thông hiểu, phụ đạo còn nhớ gì không, hay Ðại Vương đã tóm thâu hết sạch rồi?

-- Thưa không, phụ đạo vẫn nhớ và thông hiểu như trước khi chưa dạy trẫm.

-- Con người ta cũng thế, lìa bỏ thân cũ thì liền nhận thân mới.

37. Thân mất , việc làm còn

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, có cái thần hồn để nhớ không?

-- Tâu Ðại Vương, không.

-- Thế thì trong con người cái gì ghi lại các việc làm đã qua?

Na Tiên trở hỏi ngược lại nhà vua rằng:

-- Ví như có người hái trộm xoài của kẻ khác thì có chịu tội không?

-- Dĩ nhiên là có tội.

-- Khi mới trồng, cây xoài mầm đâu đã có trái? Ðây chỉ là hái trái, đâu có trộm cây xoài mầm mà cũng chịu tội?

-- Nhưng nếu không trồng cây xoài mầm thì lấy đâu ra xoài trái để người kia hái trộm?

-- Con người cũng giống như thế. Với cái thân hiện tại, người ta làm các việc lành dữ. Các việc lành dữ này không có tướng trạng gì hết, nhưng trong khoảng "minh minh chi trung" ấy, đương tựu thành một thân mới, để đời sau tái sanh mà thành thọ quả báo.

-- Theo trẫm nghĩ, không phải con người đời sau chịu quả báo, mà nó dựa vào thân mới ấy để tiếp tục làm điều thiện điều ác khác.

-- Thế thì những việc lành dữ của nó trước kia đi đâu?

-- Như vậy, xoài mầm của Ðại Vương đâu có kết trái? Làm sao kết tội người hái trộm xoài trái được?

-- Vậy theo Ðại Ðức, những việc lành dữ trước kia đi đâu?

-- Chúng không đi đâu hết. Chúng theo sát gót kẻ đã tạo tác ra chúng, như bóng theo hình. Người chết chỉ mất cái thân, không bao giờ đánh rời những việc đã làm. Ví như đêm tối đốt đèn viết sách, khi sách viết xong và đèn đã tắt, chữ vẫn tiếp tục tồn tại trên giấy. Vì vậy cho nên, những việc thiện ác đã làm trong đời này, đời sau đương nhiên phải thành tựu kết quả, và kết quả ấy cũng chính tác giả phải tự thọ lãnh lấy.

38. Không thể biết quả báo về sau.

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, có thể chỉ rõ kết quả của việc lành việc dữ sẽ tựu thành ra sao trong đời sau được không?

-- Tâu Ðại Vương, không.

-- Sao vậy? Xin cho ví dụ.

-- Ví như trẻn một thân cây chưa ra trái, Ðại Vương có cách gì biết được trái sẽ kết tụ ở cành nào và tại chỗ nào nhất định trên cây không?

-- Thưa không.

-- Cũng như thế đó, trong vòng sanh tử vô thủy vô chung vô cùng vô tận, người chưa đắc đạo không thể nào biết những việc thiện ác sẽ thành tựu ra sao và ở đâu một cách chính xác.

-- Nhưng người còn tái sanh có biết được rằng mình sẽ phải tái sanh không?

-- Biết.

-- Bằng cách nào?

-- Ví như người làm ruộng gieo trồng đúng thời tiết thì có biết được rằng mình sẽ có lúa mà gặt không?

-- Thưa biết.

-- Cũng giống như thế, con người còn phải sanh trở lại cũng biết được rằng mình sẽ tái sanh.

39. Niết Bàn ở đâu?

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, thật có Niết Bàn không?

-- Tâu Ðại Vương, có.

-- Ðại Ðức có thể cho biết hiện Ðức Phật đang an trú ở chỗ nào trong cõi Niết Bàn ấy không?

-- Phật đã vào Niết Bàn, mà Niết Bàn là tịch diệt thì làm sao chỉ được!

-- Xin cho ví dụ.

-- Ví như có người đốt lên một đám lửa lớn. Sau khi lữa tắt, có thể chỉ ngọn lửa ấy hiện đương ở chỗ nào không?

-- Thưa không, vì ngọn lửa đã dứt.

-- Cũng như thế đó, làm sao chỉ được Ðức Phật hiện đang an trú ở chỗ nầy hay ở chỗ kia trong Niết Bàn. Duy chỉ có pháp thân của Ngài, tức giáo pháp do Ngài truyền lại là có thể chỉ được mà thôi.

40. Vì sao Sa môn săn sóc cái thân?

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, chư Sa môn các ngài có nưng niu cái thân của mình không?

-- Tâu Ðại Vương, không.

-- Không nưng niu thân mình, thế thì vì sao khi nằm nghỉ, các ngài cũng chọn chỗ êm ấm, khi ăn uống các ngài cũng thích ăn những thức ăn ngon lành? Vì sao vậy?

-- Ðại Vương tùng cầm quân ra trận nhiều lần rồi đấy chứ?

-- Thưa vâng.

-- Và cũng từng nhiều phen bị thương rồi đấy chứ?

-- Thưa, vâng.

-- Mỗi khi bị thương như thế, Ðại Vương có chữa vết thương không? và chữa ra sao?

-- Lấy thuốc cao mà đắp lên, và lấy bông gòn và giẻ sạch mà rịt vết thương lại.

-- Phải chăng vì Ðại Vương yêu mến và nưng niu vết thương nên săn sóc nó cẫn thận như vậy?

-- Thưa, không phải vì yêu mến vết thương.

-- Nếu không phải vì yêu mến vết thương, thế thì vì cớ gì mà Ðại Vương lại săn sóc kỹ lưỡng như vậy?

-- Ấy là vì trẫm muốn cho nó mau lành mà thôi.

-- Cũng như thế đó, sa môn không yêu mến cũng không nưng niu thân mình, nhưng phải săn sóc nuôi dưỡng nó. Tuy vẫn ăn uống nhưng không lấy việc ăn uống làm vui. Không cầu ăn sang. Không mong ăn ngon. Nhưng cũng không thể để cho nó đói. Mục đích ăn uống cốt là chỉ cốt để duy trì cái thân và dùng nó mà hành đạo. Ðức Phật có dạy rằng: "Con người ta có chín lỗ (cửu khổng) ví như chín cái ung nhọt ngày đêm thường tiết rỉ ra những chất xú uế tanh hôi". Vì vậy mà phải săn sóc nó, giống như Ðại Vương săn sóc vết thương vậy.

41. Tại sao Phật không giống cha mẹ?

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, Ðại Ðức có chắc rằng Ðức Phật có ba mươi hai phước tướng trang nghiêm , tám mươi vẻ đẹp tùy thuộc, toàn thân nước da vàng rực và có vừng hào quang tỏa chiếu chung quanh không?

-- Tâu Ðại Vương, quả có như thế.

-- Vương phụ và Vương mẫu Phật có các tướng phước như thế không?

-- Thưa, không.

-- Nếu cha mẹ không có thì làm sao con có được? Con không giống cha thì giống mẹ, hoặc giống bà con nội ngoại gần nhất. Căn cứ theo lời Ðại Ðức, cả Vương phụ lẫn Vương mẫu Phật đều đã không có các phước tướng như thế, thì quyết định Phật cũng không thể có được!

-- Tuy Vương phụ và Vương mẫu Phật không có các phước tướng ấy, nhưng Phật thì chắc chắn có. Ðại Vương đã thấy cây sen chưa?

-- Thưa, có.

-- Cây sen sanh ra trong bùn, lớn lên giữa nước bẩn. Thế mà khi trổ hoa thì sắc tuyệt đẹp, hương tuyệt thơm. Sắc ấy, hương ấy, có giống gì với sắc hương của nước đục bùn dơ không?

-- Thưa, không.

-- Ðức Phật cũng như thế đó. Tuy Vương phụ và Vương mẫu Ngài không có các phước tướng, nhưng Ngài thì chắc chắn là có. Giống như hoa sen, Phật sanh ra giữa thế gian , lớn lên giữa thế gian, nhưng không giống với bất cứ ai giữa thế gian.

--Hay thay! Hay thay!

42. Chơi chữ

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, phải chăng Ðức Phật là bậc chuyên tu phạm hạnh, không giao hội với phụ nữ, giống như vua trời Phạm Thiên trên tầng trời thứ bảy?

-- Tâu Ðại Vương, đúng như thế. Ngài sa lìa nữ giới, giới hạnh Ngài rất thanh tịnh, không mảy may tỳ vết.

-- Sở hành của Ngài giống như sở hành của vua Trời Phạm Thiên, như vậy thì Ngài là đệ tử của Phạm thiên chứ?

-- Tâu Ðại Vương, vua trời Phạm Thiên có bồ đề tâm (tức tâm Phật) không?

-- Thưa có.

-- Thế thì chúa Trời Phạm Thiên và chư thiên trên thượng giới là đệ tử của Phật chứ gì?

Na Tiên tiếp hỏi:

-- Tiếng chim kêu như thế nào?

-- Giống như tiếng chim nhạn.

-- Như thế Ðại Vương có cho rằng tất cả các loài chim thảy đều là nhạn, hoặc là đệ tử của nhạn cả không?

-- Thưa không.

-- Cũng giống như vậy, Phật không phải là đệ tử của vua Trời Phạm Thiên.

-- Hay thay!

43. Ai truyền giới cho Phật?

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, hẳn là Phật phải có biết rồi mới theo đó mà phụng hành giới luật chứ?

-- Tâu Ðại Vương, vâng.

-- Ai là Thầy truyền giới cho Phật?

-- Phật không có Thầy. Ngài không học với ai hết. Ngài tự mình tu học cho đến khi đắc đạo dưới gốc cây bồ đề, thì hoát nhiên đại ngộ mà tự biết các giới luật. Ngài không giống như các đệ tử của Ngài phải học nơi Ngài rồi mới biết mà phụng hành giới luật cho đến già. Vì vậy Phật mới là bậc vô thượng giác vương.

44. Giọt nước mắt lành

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, ngưòi ta khi có cha mẹ chết thì ưu sầu khổ, gào khóc thảm thê, nước mắt ràn rụa. Lại có người khi mới nghe được Pháp Phật và nhờ đó mà tỉnh ngộ, cũng lại nước mắt đầm đìa, lệ tuôn lả chả. Cả hai trường hợp đều có lệ rơi. Vậy hai dòng lệ ấy có khác nhau không?

-- Tâu Ðại Vương, nước mắt tuông ra khi cha mẹ chết là nước mắt của sầu ưu khổ thống, do niệm ân ái gây nên. Ðó là chất độc của ngu si tiết rỉ ra. Còn nước mắt ứa trào ra khi nghe được pháp Phật là nước mắt của lòng từ tâm, vì nhớ nghĩ đến khổ đau của thế gian mà tuông ra. Ðây là loại nước mắt an lạc, thanh tịnh. Cũng đồng thời là nước mắt nhưng một bên thì nóng bức đố hiêu, một bên lại mát mẻ an lành và tăng thêm phước đức.

-- Hay thay! Hay thay!

45. Mê ngộ khác nhau

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, người đã giải thoát và người chưa giải thoát khác nhau chỗ nào?

-- Tâu Ðại Vương, hạng trước không còn lòng tham dục, còn hạng sau thì nặng trĩu lòng tham dục. Người nặng trĩu lòng tham dục thì suốt đời và bất cứ ở đâu cũng đuổi bắt miếng cơm manh áo, lo toan cho mạng sống được sung sướng mà thôi.

-- Trẩm thấy trong thế gian này, bất cứ là ai dù xuất gia hay tại gia, thảy đều cho là mình sung sướng, thảy đều muốn ăn ngon ăn bổ mà chẳng bao giờ biết nhàm chán.

-- Hai đằng đều cần ăn như nhau. Vì có ăn mới duy trì được thân mạng, Nhưng với kẻ chưa giải thoát thì thú vui tối thượng là được ăn no và ăn ngon. Ăn được càng nhiều món sang vật lạ bao nhiêu càng vui thích bấy nhiêu. Với bậc đã giải thoát thì ăn chỉ là ăn. Ăn cốt để nuôi sống mà tiến tu. Ăn, không chú ý tới sự ngon dở. Ngon càng tốt, nhưng dở cũng chẳng sao. Miễn là được sống để lo độ mình và độ đời.

-- Hay thay! Hay thay!

46. Trí Nhớ

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, người ta trong khi có việc đang làm, có nhớ được những việc xa xưa không?

-- Tâu Ðại Vương, khi rầu lo, người ta hay nhớ đến những việc xa xưa hơn.

-- Dùng cái gì để nhớ? Phải chăng là dùng óc tưởng tượng? hay dùng trí nhớ?

-- Những điều Ðại Vương đã học và đã biết, về sau Ðại Vương có nhớ lại được không?

-- Có điều nhớ mà cũng có điều về sau bỗng nhiên quên đi.

-- Lúc quên đi đó, là vì Ðại Vương không có óc tưởng tượng chăng?

-- Thưa không, Chính lúc đó, trẫm không có trí nhớ.

-- Thế thì không đúng với lời Ðại Vương vừa nói rằng người ta nhớ được là nhờ có óc tưởng tượng!

Vua lại hỏi:

-- Ai đã có làm thì đều có nhớ được. Như trước kia hay ngày nay, hễ có làm là đều có thể dùng trí nhớ mà biết được chăng?

-- Vâng.

-- Như vậy, người ta chỉ nhớ được những việc đã qua, chứ không thể nhớ được việc mới?

-- Những việc mới ấy, nếu đã từng làm rồi mà nay không nhớ ra thì cũng chỉ tại không có trí nhớ.

-- Nếu vậy thì những người học chữ hay học mỹ nghệ là luống công vô ích sao?

-- Không, những người mới học chữ hay học vẽ đều có nhớ. Bằng chứng là họ dạy lại cho học trò và khiến học trò cũng biết như họ. Vì vậy mà nói rằng dùng trí để nhớ.

47. Mười sáu cách nhớ

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, có bao nhiêu trường hợp khiến con người phát khởi được trí nhớ?

--Tâu Ðại Vương, có mười sáu trường hợp:

01) Nhớ là vì việc đã làm từ xa xưa.
02) Nhớ vì mới vừa được học hỏi
03) Nhớ vì một dịp vinh quang.
04) Nhớ vì nghĩ đến điều thiện.
05) Nhớ vì từng bị khổ đau.
06) Nhớ vì tự mình suy tư.
07) Nhớ vì có nhiều yếu tố xen lộn.
08) Nhớ vì được nghe nhắc lại.
09) Nhớ vì thấy dấu hiệu.
10) Nhớ vì được thôi thúc nhắc nhở.
11) Nhớ vì quen tay.
12) Nhớ vì quen tánh.
13) Nhớ vì thuộc lòng.
14) Nhớ vì nhứt tâm.
15) Nhớ vì đọc sách.
16) Nhớ vì đã cất dấu nay thấy lại.

Như trên là 16 trường hợp khiến con người phát khởi được trí nhớ.

-- Thế nào là nhớ vì việc đã làm từ xa xưa?

-- Như đệ tử Phật là Ðức A Nan (Ananda) và nữ đệ tử là Ưu bà di Cưu thù đan la (Khujjuttarã) cùng nhiều thánh tăng, đều nhớ được các kiếp trước của mình.

-- Thế nào là nhớ vì mới được học hỏi.?

-- Như có người đã học và biết rồi, nhưng sau đó quên đi, thấy người khác học bỗng nhớ lại.

-- Thế nào là nhớ vì một dịp vinh quang?

-- Như nhà vua nhớ ngày đăng quang , người xuất gia nhớ ngày thọ giới. Ðó là những việc trọng đại vinh quang của đời mình, cho nên nhớ dai.

-- Thế nào là nhớ vì nghĩ đến điều thiện?

-- Như nhân có một dịp may nào đó, mình được đãi ngộ xứng ý. Do đó tự nghĩ rằng kiếp trước hẳn mình đã có gây nhiều phước đức nhân duyên mới được hưỡng quả báo tốt đẹp như thế này.

-- Thế nào là nhớ vì từng bị khổ đau?

-- Như những người từng bị lao lung khốn đốn, thường nhớ mãi những đau khỗ mình đả chịu đựng.

-- Thế nào là nhớ vì tự mình suy tư?

-- Như những gì mình đã thấy quen mắt trong gia đình, bất cứ là cha mẹ, anh chị em, hoặc vườn nhà, gia súc v.v., nay thấy những hình ảnh khác hao hao giống như thế, thì tự mình tư duy rồi liên tưởng từ cái nọ sang cái kia.

-- Thế nào là nhớ vì nhiều yếu tố xen lộn?

-- Như tên người, tên vật cùng là tự loại của chúng và màu sắc hương vị thơm hôi đắng ngọt .v.v.. của từng vật một; nương nơi sự xen lộn của các yếu tố sai khác ấy tạo thành sự vật mà nhớ được chúng thì gọi là nhớ vì được tạo bởi nhiều yếu tố xen lộn.

-- Thế nào là nhớ vì được nghe nhắc lại?

-- Như người có tánh hay quên, nhờ kẻ khác nhắc lại mới nhớ.

-- Thế nào là nhớ vì thấy dấu hiệu?

-- Như trâu có dấu hiệu riêng của trâu, bò có dấu hiệu riêng của bò, v.v.. Người ta nhớ từng sự vật, nương nơi các dấu hiệu riêng của chúng.

-- Thế nào là nhớ vì được thôi thúc nhắc nhỡ?

-- Như trong hoàn cảnh của người hay quên, phải có kẻ đứng bên nhắc nhở, hoặc tự người ấy phải luôn luôn tâm niệm để tránh khỏi quên.

-- Thế nào là nhớ vì quen tay?

-- Như người học chữ, phải tự mình viết đi viết lại mới nhớ mặt chữ được.

-- Thế nào là nhớ vì quen tính?

-- Như người học toán, học đến mức thành thục thì tính toán phân minh mau lẹ, có thể nhớ được những con số rất lớn.

-- Thế nào là nhớ vì thuộc lòng?

-- Nhờ thuộc lòng, người ta nhớ được nhiều bản văn rất dài và rất khó nhớ. Ðây giống như luật trả vay. Có vay thì có trả, có thuộc lòng thì có nhớ.

-- Thế nào là nhớ vì nhứt tâm?

-- Nhứt tâm đạt được là nhờ tham thiền. Nhờ tu hành, nhờ nhứt tâm, mà nhớ được những sự việc đã xảy ra trong mỗi đời.

-- Thế nào là nhớ vì đọc sách?

-- Vua chúa ai cũng có sử sách ghi chép lại những việc làm của triều đại mình. Nay muốn biết một đời vua nào có làm được những việc gì trong năm nào, chỉ cần lật sách ra đọc là biết. Như thế gọi là nhớ vì đọc sách.

-- Thế nào là nhớ vì cất dấu?

-- Vật gì mình đã dụng ý cất dấu kỹ lưỡng cẩn thận, đến khi thấy trở lại thì nhớ rõ mồn một từng chi tiết.

-- Hay thay!

48. Phật là Ðấng Toàn Giác

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, Ðức Phật có biết hết tất cả các việc quá khứ và vị lai không?

-- Tâu Ðại Vương, có, Ðức Phật biết hết.

-- Nếu Phật biết hết, vì sao Ngài không truyền trao giới luật và giáo pháp cho đệ tử trong cùng một lúc mà phải đợi dịp ban bố dần dần?

Na Tiên hỏi ngược lại nhà vua rằng;

-- Trong quốc độ của Ðại Vương có vị lương y nào không?

-- Thưa có.

-- Vị lương y ấy có biết hết cả các vị thuốc trong thiên hạ không?

-- Thưa, biết hết.

-- Khi vị lương y ấy trị bịnh, ông ta có cho bệnh nhân uống tất cả các vị thuốc cùng một lúc không? Hay ông ta cho uống dần dần, hết vị này sang vị khác?

-- Phàm cho uống thuốc thì phải ứng với bệnh. Bệnh nào uống thuốc ấy.

-- Cũng như thế đó, Ðức Phật là đấng toàn giác, Ngài biết tất cả quá khứ, hiện tại, vị lai, nhưng không thể cùng một lúc mà Ngài truyền trao hết giáo pháp và giới luật cho đệ tử được. Phải chờ dịp để ban bố đúng lúc thì mới khiến đệ tử nhớ mà phụng hành trọn đời.

-- Hay thay! Hay thay!

49. Nhân it, quả nhiều

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, các sa môn trong hàng ngũ của Ðại Ðức bảo rằng những kẻ trọn đời làm ác nhưng đến khi lâm chung biết tưởng nghĩ đến Phật thì được sanh lên các cõi trời. Quả thật Trẫm không tin được điều đó. Các ngài lại còn bảo rằng những kẻ trọn đời làm lành, nhưng nếu phạm tội giết một sinh mạng thì sau khi chết, đều phải đọa địa ngục. Ðiều này Trẫm lại cũng không thể tin được.

Na Tiên hỏi ngược lại nhà vua:

-- Giả sử có kẻ cầm một cục đá nhỏ ném xuống nước, cục đá ấy nổi hay chìm?

-- Thưa chìm.

-- Bây giờ, có kẻ đem một trăm viên đá lớn chất vào một chiếc ghe bự đủ sức chở hàng ngàn tảng đá lớn, thì trăm viên đá ấy có chìm không?

-- Thưa không.

-- Ðá không chìm là nhờ ghe chở. Cũng giống như thế, người làm ác khi chết biết tưởng nhớ đến Phật, được Phật lực nâng đỡ nên không đọa vào địa ngục mà lại được sanh lên các cõi trời. Hễ ai tin Phật và tưởng nhớ đến Phật thì khi lâm chung đều được Phật tiếp độ.

50. Ngừa giặc khi chưa đến

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, các sa môn trong hàng ngũ Ðại Ðức vì sao phải học đạo tu hành? Ðể làm gì?

-- Tâu Ðại Vương, Ðại Vương không thấy quá khứ đầy đau khổ, hiện tại đầy đau khổ, và tương lai đầy đau khổ sao? Vì muốn tiêu diệt đau khổ, muốn thoát khỏi đau khổ, nên chúng tôi mới học đạo tu hành làm sa môn.

-- Nếu là đau khổ của đời sau thì cần gì phải lo trước.

Na Tiên hỏi lại:

--Có nước cừu địch nào lăm le xâm chiếm nước của Ðại Vương không?

-- Thưa có.

-- Thế thì Ðại Vương có chờ cho đến khi giặc quân đến công phá ngoài thành rồi mới lo rèn đúc binh khí, luyện tập binh mã, hay phải lo toan dự phòng các việc ấy từ trước?

-- Phải lo dự phòng từ trước.

-- Giặc chưa đến thì dự phòng làm gì?

-- Vì giặc đến bất thình lình.

-- Cũng thế, khổ đau đến với kiếp sống không thể nào lường trước được. Nếu không chuẩn bị thì không kịp thời đối phó.

Na Tiên lại hỏi:

-- Tâu Ðại Vương, đợi đói mới trồng, khát mới đào giếng, hay phải làm các việc ấy từ khi chưa đói, chưa khát?

-- Phải lo từ trước.

-- Cũng thế, việc diệt trừ khổ đau nếu không lo toan từ trước thì không cách gì ứng phó kịp thời. Vì vậy mà chúng tôi xuất gia học đạo tu hành.

51. Thần thông chẳng quản xa gần

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, từ mặt đất lên tới cõi trời Phạm Thiên (1) đường dài phỏng độ bao xa?

-- Tâu Ðại Vương, rất xa. Giả sử có người cầm một tảng đá lớn bằng tòa cung điện của nhà vua đây mà đứng nơi tầng trời ấy rồi buông tay ra cho đá rơi xuống thì phải mất sáu tháng đá ấy mới rơi tới mặt đất.

-- Mặt khác các sa môn trong hàng ngũ Ðại Ðức lại dạy rằng những ai chứng đắc đạo quả A La Hán đều có phép thần thông, bay từ mặt đất lên tới cõi trời Phạm Thiên, mau bằng khoảng thời gian của người lực sĩ co duỗi cánh tay. Quả thật trẫm không thể nào tin được điều đó. Vượt qua cả ngàn muôn ức dặm, sao lại có thể lẹ đến như thế được?

-- Thưa, Ðại Vương quê quán ở đâu?

-- Ở ốc đảo A Lệ Tán nước Ðại Tân (2)

-- Từ đây đến đó bao xa?

-- Hai ngàn do tuần (3)

-- Có khi nào Ðại Vương tưởng nghĩ đến những sự việc xảy ra ở quê cũ không?

-- Có. Trẩm tưởng nhớ đến luôn.

-- Bây giờ, Ðại Vương thử nhớ lại một việc đã làm tại đấy.

-- Trẩm nhớ lại rồi.

-- Sao Ðại Vương vượt qua tám vạn dặm vừa đi vừa về, mà lại mau đến thế?

-- Hay thay! Hay thay!

Ghi chú:

(1) Cõi trời Phạm Thiên: tầng trời thứ bảy, sau khi vượt khỏi tầng trời của cõi dục.

(2) Nước Ðại Tân cũng gọi là nước Ðại Hạ, tức nước Batriane, ở về phía tây Trung Á, và phía Bắc nước Ba Tư ngày nay. Nước nầy do một tướng lãnh người Hy Lạp tên là Diodotos thành lập. Ông vốn là tổng trấn xứ nầy, do triều đình Séleucides bổ nhiệm, đến năm 200 trước TL thì tự tách ra vương hiệu của ông là Diodotos i, vua nước Batriane. Truyền đến đời con là Diodotos II (235 225 trước TL) bị mất vào tay một tướng lãnh làm phản tên là Euthydème de Magnesie là Démétrios kế nghiệp cha, cất quân đánh chiếm Ấn Ðộ, tiến xuống tới vùng lưu vực sông Hằng và vây hảm thành Ba Liên Phất (Pataliputra). Bãy giờ cũng là lúc đế quốc Khổng Tước (Maurya) sụp đổ (187 trước TL). Trên đường về, ông giao vùng tây Ấn lại cho rể ông cai trị. Ðó là vua Di Lan Ðà (Milinda) nói trong kinh nầy.

Ốc đảo A Lệ Tán tức Alasanda, một thị trấn do A Lịch Sơn đại đế thành lập, nguyên gọi là Alexandrie sous caucase ở về phía tây cuối rặng Thông Lãnh (Hindukush), trên con đường giao thông giữa Bắc Trung Hoa và Tiểu Á Tế Á, quẹo xuống Ấn Ðộ, thị trấn nầy trước khi chưa thành lập nguyên là một ốc đảo.

(3) Do tuần: Ðơn vị đo bề dài của Ấn Ðộ xưa. Một do tuần bằng 40 dặm của Trung Hoa, phỏng non 10Km

52. Cùng đến một lượt

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, giả sử có hai người cùng chết ở đây, một người sanh lên cõi trời Phạm Thiên, một người đi đầu thai tại nước Kế Tân (Kashmir) cách đây mười hai do tuần, thế thì ai là kẻ đến trước?

-- Tâu Ðại Vương, cùng đến một lượt.

-- Ðường đi xa gần không đồng nhau, vì sao lại cùng đến một lượt?

-- Ðại Vương thử nhớ nghĩ đền xứ A Lệ Tán đi.

-- Rồi.

-- Bây giờ, Ðại Vương thử nhớ nghĩ đến xứ Kế Tân đi.

-- Rồi.

-- Ðại Vương nhớ nghĩ đến xứ nào mau hơn?

-- Hai bên mau như nhau.

-- Cũng như thế đó, người sanh lên cõi trời Phạm Thiên và người đi đầu thai ở xứ Kế Tân, cả hai cùng đến một lượt.

Na Tiên hỏi lại:

-- Nếu có một cặp chim cùng bay, nhưng một con đến đậu trên một gốc đại thọ, và một con đến đậu trên một cành cây con, cả hai con cùng đậu, bóng con nào in xuống mặt đất trước?

-- Cùng một lượt.

-- Người chết sanh lên cõi trời Phạm Thiên và người chết đầu thai ở xứ Kế Tân cũng như thế đó.

53. Bảy sự việc tựu thành giác ngộ.

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, muốn thành tự giác ngộ, cần phải tu học bao nhiêu việc?

-- Tâu Ðại Vương, cần phải tu học bảy việc.

-- Xin nói cho nghe.

-- Một là phân biệt điều thiện điều ác. Hai là cố gắng tinh tấn xông tới. Ba là an vui trong niềm đạo. Bốn là chế phục tâm ý để làm lành. Năm là luôn luôn nhớ nghỉ đạo lý. Sáu là quy nhứt cái tâm trong đại định. Bảy là bình thản chấp nhận mọi cảnh ngộ.

-- Ai cũng phải học đủ bảy việc ấy mới đưọc giác ngộ chăng?

-- Không hẳn. Thường thường chỉ cần làm một việc là đủ. Như dã đắc trí tụ rồi thì tất nhiên cũng phân biệt được thiện ác.

-- Nếu chỉ cần tu học một việc mà biết đủ hết thì hà tất phải nói đến bảy việc?

-- Ví như người cầm con dao cất dấu trong bao da mà đứng dựa bên vách, con dao ấy tự nó có cắt đứt được vật gì không?

-- Thưa không.

-- Tâm con người cũng thế. Tuy tâm ấy đã bừng sáng, nhưng phải hội đủ sáu việc hiệp lại mới tựu thành trí tuệ giác ngộ được.

54. Làm việc lành nhỏ được phước lớn.

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, phải chăng người làm điều lành thì được phước lớn, còn người làm điều dữ thì bị họa lớn?

-- Tâu Ðại Vương, hẳn nhiên là người làm điều lành thì được phước lớn. Nhưng người làm điều dữ chỉ bị họa nhỏ thôi.

-- Tại sao vậy?

-- Tại vì ngưòi làm điều dữ thỉ suốt ngày đêm lòng thường hối hận nên điều ác càng ngày càng vơi bớt. Còn người làm điều lành thì suốt ngày đêm lòng thường hoan hỷ nên phước đức càng ngày càng gia tăng. Thuở trước, hồi Phật còn tại thế, một hôm Ngài gặp một tội nhân bị chặt hết hay chân đem đến dâng cúng Ngài một cành hoa sen. Phật liền quay lại bảo các tỳ kheo rằng: "Nhờ phước đức này, suốt trong chín mươi mốt kiếp sắp tới, người cụt tay chân kia không những khỏi bị đọa vào ba đường dữ là đia ngục, ngạ quỷ và súc sanh, mà lại còn được sanh lên cõi trời cho đến khi hưởng hết phước ấy mới trở lại làm người". Do đó nên biết rằng làm việc lành nhỏ vẫn được hưởng phước lớn. Còn người làm việc dữ mà lòng biết ăn năn hối hận thì dần dần tội lỗi sẽ giảm thiểu tiêu trừ hết. Vì vậy mà bần tăng biết rằng người làm điều dữ chỉ bị họa nhỏ thôi.

55. Kẻ trí làm điều dữ ít bị tai vạ hơn người ngu.

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, giả sử có kẻ trí và người ngu cùng làm điều dữ, ai bị tai vạ nhiều hơn?

-- Tâu Ðại Vương, người ngu.

-- Sao vậy? Theo luật pháp trong nước của trẩm, thì một vị đại thần phạm tội phải bị xử phạt rất nặng. Cũng tội ấy, chưng nếu ngu dân phạm vào thì xử phạt nhẹ hơn. Như vậy, kẻ trí làm điều dữ hẳn phải bị tai vạ nhiều hơn người ngu chứ?

-- Tâu Ðại Vương, giả sử có một hòn sắt cháy đỏ mà có hai người cùng cầm. Một người biết đó là sắt đương cháy đỏ, còn người kia thì không hay biết gì hết. Trong hai người ấy ai là người bị phỏng tay nhiều hơn?

-- Người không biết.

-- Cũng giống như thế. Người ngu làm điều dữ thì đâu có biết ăn năn hối hận cho nên bị tai vạ lớn. Còn kẻ trí làm điều dữ thì tự biết lẽ đáng không nên làm, cho nên lòng luôn luôn hối hận. Biết hối hận như thế cho nên tai vạ sẽ giảm thiểu đi rất nhiều.

-- Hay thay!

56. Bay lên trên không

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, có ai cất nổi mình bay lên đến cõi trời Phạm Thiên hoặc cõi Bắc câu lô châu hay một cõi nào khác mà mình muốn được không?

-- Tâu Ðại Vương, được.

-- Làm sao có thể bay lên như thế?

-- Ðại Vương hãy nhớ lại hồi còn nhỏ có khi nào Ðại Vương nhảy cao đến một trượng không?

-- Có. Lúc nô đùa, Trẫm nhảy cao hơn một trượng.

-- Làm thế nào để nhảy?

-- Trẩm nghĩ trong trí rằng "phải nhảy cao đến đó", nhờ vậy mà thân hình bỗng trở nên nhẹ nhàng mà nhảy lên được.

-- Cũng giống như thế. Bậc tu hành đắc đạo cũng nhờ tâm niệm tưởng nghĩ và tự mình làm chủ được mình mà cái thân trở nên nhẹ nhàng, do đó bay lên được trên không.

57. Xương dài bốn ngàn dặm

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, các sa môn trong hàng ngũ của Ðại Ðức có những đốt xương dài đến bốn ngàn dặm. Thân hình như thế nào mà xương dài đến như thế?

-- Tâu Ðại Vương, Ðại Vương đã từng nghe dưới biển có loài cá tên là Chất, mình dài hai vạn tám ngàn dặm chưa?

-- Thưa có.

-- Một con cá mình dài hai vạn tám ngàn đặm thì xương hông của nó dài bốn ngàn dặm, đâu có gì là lạ!

58. Ngừng hơi thở

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, các sa môn trong hàng ngũ của Ðại Ðức bảo rằng họ có thể ngưng hơi thở. Làm sao ngưng được?

-- Thưa có. Tâu Ðại Vương, Ðại Vương đã từng nghe người ngũ ngáy chưa?

-- Thưa có.

-- Khi trở mình người ấy ngưng ngáy, phải không?

-- Thưa phải.

-- Ðấy Ðại Vương thấy chưa? Người thường chưa từng học đạo, chưa chế phục được tác động của thân và khẩu, mà chỉ bằng một cái trở mình cũng đủ ngưng được tiếng ngáy. Huống là người đã dày công tu luyện, từng khắc phục được tác động của thân và khẩu, đã quy nhứt được cái tâm, đã chứng được phép tứ thiền, mà lại không ngưng được hơi thở hay sao?

59. Biển

Vua hỏi:

-- Tâu Ðại Ðức vì sao gọi là biển? Nước là biển chăng?

-- Tâu Ðại Vương, sở dĩ gọi là biển vì trong đó có nửa phần nước và nửa phần muối.

-- Vì sao nước biển lại mặn?

-- Vì bị chứa đựng lâu ngày, cộng thêm có xác cá, rùa, cua, ốc v.v. tan rã và tiết rỉ ra, thấm vào nước khiến nước ấy trở nên mặn.

60. Trí tuệ soi thấu tất cả.

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, người đắc đạo có thể tư duy mà thấu hết được sự vật sâu kín chăng?

-- Tâu Ðại Vương, được. Pháp Phật sâu xa mầu nhiệm phân tích đủ hết mọi sự, nhưng không thể cân nhắc suy lường được mọi sự. Chỉ có trí tuệ mới làm được việc đó.

61. Thần hồn, trí và thức

Vua hỏi:

-- Bạch Ðại Ðức, cái thần hồn cái trí và cái thức có giống nhau không?

-- Tâu Ðại Vương, cái thức thì nhận biết sự vật, cái trí thì phán đoán mà hiểu được đạo, còn cái thần hồn thì không có.

-- Nếu không có thần hồn thì ai thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mủi, nếm bằng lưỡi, sờ mó bằng thân, suy nghĩ bằng ý?

-- Nếu Ðại Vương cho rằng phải có cái thần hồn thấy bằng mắt, nghe bằng tai vv. thì trong khi người ta khoét con mắt cho to, cái thần hồn có trông thấy rõ và xa hơn không? Trong khi người ta banh lỗ tai ra cho lớn, cái thần hồn có nghe được rõ và xa hơn không? v.v.

-- Thưa không.

-- Như thế thì đâu có cái thần hồn?

62. Phật làm được việc khó làm

Na Tiên nói:

-- Phật làm được việc rất khó làm và pháp Phật rất huyền diệu.

-- Việc gì mà khó làm và huyền diệu?

-- Lời Phật nói soi rõ tận tim gan con ngưòi. Ngài phân biệt được hết các pháp vô hình vô tướng ở trong mỗi giác quan của con người, từ việc mắt thấy, tai nghe đến những ý nghĩ thầm kín sâu xa nhất.

-- Xin cho ví dụ.

-- Ví như có người ngậm một ngụm nước biển vào miệng. Thử hỏi người ấy có phân biệt được trong ngụm nước đương ngậm ấy có mấy phần là nước suối, mấy phần là nước khe, mấy phần là nước sông nọ, mấy phần là nước sông kia không?

-- Các thứ ấy hợp thành một, quả thật khó mà nhận ra.

-- Ðối với việc trước mắt mà còn khó như thế, huống nữa là đối với các pháp vô hình vô tướng trong con người, từ tâm niệm đến mắt thấy, từ tâm niệm đến tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân sờ, ý nghĩ? Vậy mà Phật đều phân biệt và giảng giải rõ ràng từng pháp một. Vì vậy cho nên bần tăng mới nói rằng pháp Phật rất huyền diệu và Phật đã làm được việc rất khó làm.

-- Hay thay! Hay thay!

Lời cuối cùng

 

Ðến đây, Na Tiên tâu với vua rằng:

-- Tâu Ðại Vương, bây giờ đã nửa đêm rồi. Bần tăng muốn trở về chùa.

Vua Di Lan Ðà liền truyền thị vệ lấy vải và dạ quấn lại, bên trong tẩm đầy dầu, đốt lên làm đuốc để tiển đưa Na Tiên ra về. Nhà vua phán:

-- Các ngươi phục vụ trẩm như thế nào thì cũng phục vụ Ðại Ðức như thế ấy.

Xong ông quay ra bạch Na Tiên:

-- Có Thầy như Ðại Ðức và có đệ tử như trẩm thì hẳn là người đời mau thông hiểu đạo lý lắm .

Tất cả các câu hỏi của nhà vua đều được Na Tiên ứng đáp rành rẽ và mau lẹ, cho nên ông hết sức hài lòng. Ông liền truyền mở kho lấy ra một cây gấm đáng giá mười vạn đồng dâng cúng cho Na Tiên và bạch rằng:

-- Bạch Ðại Ðức, từ nay về sau, trẫm nguyện cúng dường tám trăm đại đức sa môn ngay tại cung điện này, chư Ðại Ðức cần dùng những gì thì xin cứ tùy thích. Của trong kho có sẵn.

-- Tâu Ðại Vương, xin đa tạ, bần tăng và huynh đệ là những kẻ tu hành, không ham muốn gì hết.

-- Trẫm vẫn biết như vậy. Nhưng Ðại Ðức nên tự bảo vệ và đồng thời bảo vệ luôn cho trẩm nữa.

-- Vì sao vậy?

-- Vì nếu Ðại Ðức từ khước thì e dư luận sẽ cho rằng, một là trẩm là người keo lẫn, được Ðại Ðức dạy bảo và cởi mở hết mọi hoài nghi thắc mắc mà không chịu đền ơn, hai là Ðại Ðức không đủ sức giải đáp thắc mắc của trẩm cho nên trẩm không ban thưởng gì hết. Ngược lại, nếu Ðại Ðức không từ khước thì điều đó khiến trẩm được phước mà chính Ðại Ðức cũng vẹn toàn tiếng thơm.

-- Xin lãnh ý Ðại Vương.

Nhà vua ngùi ngùi tâm sự rằng:

-- Trẩm ngày nay như con sư tử bị nhốt trong lồng vàng thường nghểnh cổ ra ngoài mơ ước một cuộc đời phóng khoáng. Thân tuy làm quốc vương nhưng lòng chẳng bao giờ thơ thới. Lắm lúc trẩm muốn từ bõ ngôi vua để xuất gia cầu đạo mà không được.

Sau câu tâm tình cũa nhà vua, Na Tiên đứng dậy cáo từ và trở về chùa. Ngài đi rồi, nhà vua nằm thao thức ôn lại và tự hỏi: "Ta đã hỏi Na Tiên những gì? Ngài đã đáp ta những gì? "Ông thầm xét rằng: "Ừ, những gì ta hỏi, Na Tiên đều đã giải đáp thỏa đáng. Ta đã hỏi hết rồi. Ngài cũng đã đáp hết rồi." Ông thao thức như thế cho đến lúc trời sáng.

Về phần Ðại Ðức Na Tiên khi đã về đến chùa, củng nằm ôn lại và tự hỏi: "Nhà vua hỏi ta những gì? Ta đã đáp ông những gì?" Rồi cũng thầm tự xét: "Ứ, những gì vua hỏi, ta đều giải đáp thỏa đáng. Vua đã hỏi hết rồi. Ta cũng đã đáp hết rồi." Na Tiên nằm thao thức ôn lại như thế cho đến lúc trời sáng. Sáng sớm hôm ấy, Na Tiên lại choàng cà sa, ôm bình bát, trở lại cung vua, ngồi nơi chỗ đã dành sẵn cho Ngài hôm trước. Vua Di Lan Ðà đãnh lễ, rồi ngồi né bên cạnh và bạch rằng:

-- Bạch Ðại Ðức, chắc Ðại Ðức không ngờ trọn đêm trẩm không ngủ được vì lòng hết sức hân hoan được nghe những lời dây bảo của Ðại Ðức. Tất cả các mối nghi ngờ của trẩm đều đã được giãi tỏa.

-- Tâu Ðại Vương, chắc Ðại Vương cũng không ngờ rằng trọn đêm bần tăng cũng chẳng ngủ được vì lòng hết sức hân hoan đã giãi đáp cặn kẽ hết các nghi vấn của Ðại Vương.

Sau khi chúc tụng nhau, Na Tiên cáo biệt. Di Lan Ðà đứng dậy hành lễ và tiễn chân ra khỏi cung.

-- Hết --

Tiêu điểm: