Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Kinh Tăng Nhất A-Hàm
Việt dịch: Hòa thượng Thích Thanh Từ Hiệu đính: Hòa thượng Thích Thiện Siêu Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam PL 2541 - TL 1997
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

XXXIV. Phẩm Chín nơi cư trú của chúng sanh

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có chín nơi cư trú của chúng sanh, là chỗ chúng sanh ở. Thế nào là chín? Hoặc có chúng sanh, bao nhiêu thân bấy nhiêu tư tưởng. Ðó là cõi Trời và cõi Người.

Hoặc có chúng sanh bao nhiêu thân một tư tưởng. Ðó là cõi trời Phạm-ca-di, xuất hiện trước nhất.

Hoặc có chúng sanh một thân bao nhiêu tư tưởng. Ðó là cõi trời Quang Âm.

Hoặc có chúng sanh một thân một tư tưởng. Ðó là cõi trời Biến Tịnh.

Hoặc có chúng sanh vô lượng hư không. Ðó là cõi trời Không xứ.

Hoặc có chúng sanh vô lượng thức. Ðó là cõi trời Thức xứ.

Hoặc có chúng sanh không dùng xứ. Ðó là cõi trời Bất dụng xứ.

Hoặc có chúng sanh có tưởng, không tưởng. Ðó là cõi trời Hữu tưởng vô tưởng.

Các nơi sanh ra có chín tên. Các Tỳ-kheo, đó là chín chỗ cư trú của chúng sanh, các loài chúng sanh đã ở, sẽ ở. Cho nên, các Tỳ-kheo! Nên tìm phương tiện xa lìa chín nơi này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy xong liền vui vẻ vâng làm.

*

2. Tôi nghe như vầy:

Một thời đức Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ta sẽ nói về chín đức của nguyện bố thí, các Thầy khéo suy nghĩ đó, Ta sẽ diễn bày nghĩa ấy.

Khi ấy các Tỳ-kheo vâng lãnh lời Phật dạy, Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Thế nào là chín đức của nguyện bố thí? Tỳ-kheo nên biết, đàn việt cúng thí thành tựu ba pháp, vật được thí cũng thành tựu ba pháp, người nhận vật thí cũng thành tựu ba pháp.

Thế nào là thí chủ đàn việt thành tựu ba pháp? Ở đây, thí chủ đàn-việt được thành tựu lòng tin, thành tựu thệ nguyện, cũng không sát sanh. Ðó gọi là thí chủ đàn-việt thành tựu ba pháp.

Thế nào là vật được thí thành tựu ba pháp? Ở đây, vật thí thành tựu sắc, thành tựu hương, thành tựu vị. Ðó là vật thí thành tựu ba pháp.

Thế nào là người nhận thí thành tựu ba pháp? Ở đây, người được thí thành tựu giới, thành tựu trí tuệ, thành tựu chánh định. Ðó là người nhận thí thành tựu ba pháp.

Như thế, bố thí thành tựu chín pháp này, được quả báo lớn, đến chỗ cam lồ, diệt tận. Phàm thí chủ muốn cầu được phước ấy thì nên tìm phương tiện thành tựu chín pháp. Như thế, các Tỳ-kheo nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có sự việc gọi là thành tựu chín pháp. Thế nào là chín? Là sắc mặt cứng cỏi, không hạ mình, tâm tham, bỏn sẻn, tâm niệm không xả ly, chóng quên, lười suy nghĩ, che giấu việc dâm, không biết đền ơn. Ðó là chín pháp. Này Tỳ-kheo! Ðó gọi là thành tựu chín pháp này.

Tỳ-kheo ác cũng thành tựu chín pháp. Thế nào là chín? Ở đây, Tỳ-kheo ác sắc mặt cứng cỏi, không hạ mình, tâm tham, bỏn sẻn, chóng quên, lười suy nghĩ, che giấu việc dâm, không biết đền ơn, tâm niệm không xả ly. Ðó là chín pháp.

Thế nào là Tỳ-kheo ác sắc mặt cứng cỏi? Ở đây, Tỳ-kheo ác tìm cầu điều không nên tìm cầu, trái với hạnh Sa-môn. Tỳ-kheo như thế gọi là sắc mặt cứng cỏi.

Thế nào là Tỳ-kheo ác chịu nhục? Ở đây, Tỳ-kheo ác ở nơi các Tỳ-kheo hiền thiện mà tự khen mình, hủy báng người khác. Tỳ-kheo như thế gọi là chịu nhục.

Thế nào là Tỳ-kheo sanh tâm tham? Ở đây, Tỳ-kheo ác, thấy tài vật của người khác đều sanh tâm tham. Ðây gọi là tham.

Thế nào là Tỳ-kheo bỏn sẻn? Ở đây, Tỳ-kheo ác, được y bát không cho người dùng chung, thường tự cất giấu. Như thế gọi là bỏn sẻn.

Thế nào là Tỳ-kheo hay quên? Ở đây, Tỳ-kheo ác, phần lớn thường để rơi mất những lời diệu thiện, cũng chẳng suy nghĩ phương tiện tu, bàn luận chuyện quốc gia binh chiến. Như thế gọi là Tỳ-kheo ác thành tựu sự chóng quên này.

Thế nào là Tỳ-kheo ác lười suy nghĩ? Ở đây, Tỳ-kheo ác đối với pháp cần suy nghĩ mà không suy nghĩ. Như thế gọi là Tỳ-kheo ác ít suy nghĩ.

Thế nào gọi là Tỳ-kheo ác che giấu việc dâm? Ở đây, Tỳ-kheo ác có việc dâm mà che giấu, không nói với người: 'Nay tôi hành dâm chớ để người biết'. Như thế gọi là Tỳ-kheo ác che giấu việc dâm.

Thế nào là Tỳ-kheo ác không biết đền ơn? Ở đây, Tỳ-kheo ác không có tâm cung kính, không hầu hạ thầy và các bậc đáng tôn trọng. Như thế gọi là Tỳ-kheo ác không biết đền ơn.

Nếu Tỳ-kheo ác thành tựu chín pháp này, ghi nhớ không bỏ, thì trọn không thành đạo quả. Cho nên,này các Tỳ-kheo, đối với các pháp ác nhớ nên xa bỏ. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe xong lời Phật dạy, liền vui vẻ vâng làm.

*

4. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Chim khổng tước thành tựu chín pháp. Thế nào là chín ? Ở đây, chim khổng tước dáng dấp đoan chánh, tiếng kêu thanh tao, bước đi khoan thai, làm đúng thời, ăn uống vừa chừng, thường nhớ tri túc, niệm không phân tán, ít ngủ nghỉ, ít muốn, biết đền ơn. Này các Tỳ-kheo, đó là chim khổng tước thành tựu chín pháp này.

Tỳ-kheo hiền triết cũng thành tựu chín pháp. Thế nào la chín? Ở đây, Tỳ-kheo hiền thiện dung mạo đoan chánh, tiếng nói thanh tao, bước đi khoan thai, làm đúng thời, ăn uống chừng mực, thường nghĩ biết đủ, niệm không phân tán, ít ngủ, cũng lại ít muốn, biết đền ơn.

Thế nào là Tỳ-kheo hiền thiện, dung mạo đoan chánh? Nghĩa là Tỳ-kheo ấy những oai nghi ra vào, đi đứng, trọn không mất tư cách. Như thế là Tỳ-kheo hiền thiện, dung mạo đoan chánh.

Thế nào là Tỳ- kheo tiếng nói thanh tao? Ở đây, Tỳ-kheo phân biệt nghĩa lý, trọn không lầm đoạn. Như thế là Tỳ-kheo tiếng nói thanh tao.

Thế nào là Tỳ-kheo bước đi khoan thai? Ở đây, Tỳ-kheo biết thời hành động không mất thứ tự, lại biết có thể tụng biết tụng, có thể tập biết tập, có thể im lặng biết im lặng, có thể đứng dậy biết đứng dậy. Như thế là Tỳ-kheo biết thời tiết.

Thế nào là Tỳ-kheo làm đúng thời? Ở đây, Tỳ-kheo cần đi liền đi, cần dừng liền dừng, tùy thời nghe pháp. Như thế là Tỳ-kheo là đúng thời.

Thế nào là Tỳ-kheo ăn uống vừa chừng? Ở đây, Tỳ-kheo được thức ăn dư, đem chia cho người cùng ăn, không tham tiếc. Như thế là Tỳ-kheo ăn uống vừa chừng.

Thế nào là Tỳ-kheo ít ngủ nghỉ? Ở đây, Tỳ-kheo vào đầu hôm tập tỉnh thức, tu tập Ba mươi bảy đạo phẩm không để rơi mất. Thường dùng cách đi kinh hành, nằm tỉnh giác để tịnh ý mình, lại vào giữa đêm suy nghĩ về pháp sâu xa, đến cuối đêm thời nằm nghiêng hông bên mặt, hai chân duỗi thẳng xếp lên nhau, tư duy suy tưởng về ánh sáng, rồi đứng dậy kinh hành để tịnh ý mình. Như thế là Tỳ-kheo ít ngủ nghỉ.

Thế nào là Tỳ-kheo ít muốn, biết đền ơn? Ở đây, Tỳ-kheo hầu hạ phụng sự ba ngôi báu, kính vâng sư trưởng. Như thế là Tỳ-kheo ít muốn, biết đền ơn.

Như thế, Tỳ-kheo hiền thiện thành tưụ chín pháp. Nay chín pháp này nên ghi nhớ vâng làm. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Người nữ thành tựu chín pháp ràng buộc người nam. Thế nào là chín? Là ca, múa, đàn, hát, cười, khóc, thường tìm cách thích hợp, tự dùng nhan sắc hình dung, huyễn thuật mê hoặc. Họ toan tính trong bao nhiêu việc ấy, chỉ thích ràng buộc người nam chặt chẽ; trăm lần ngàn lần không thể so sánh.

Nay Ta quán sát các việc như vậy, người nữ thích ràng buộc người nam chặt chẽ, không cho thoát khỏi là như thế. Theo đó, người nam bị ràng buộc trong lao ngục.

Cho nên, các Tỳ-kheo nên nhớ nghĩ trừ bỏ chín pháp này. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

6. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở trong vườn trúc Ưu-ca-la, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay Ta sẽ nói diệu pháp cho các Thầy phần đầu, phần giữa, phần cuối đều lành, nghĩa lý sâu kín, thanh tịnh tu hành Phạm hạnh. Kinh này tên là 'Cội gốc của tất cả các Pháp'. Các thầy nên khéo suy nghĩ ghi nhớ.

Các Tỳ-kheo thưa:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Khi ấy, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy. Phật bảo:

- Thế nào gọi là 'Cội gốc của tất cả pháp ?'.

đây, này các Tỳ-kheo, người phàm phu không gặp giáo lý Hiền Thánh, cũng không vâng giữ lời dạy của Như Lai, không gần gũi Thiện tri thức, không nghe lời dạy cuả Thiện tri thức.

Họ quán sát đất này, biết một cách như thật rằng: đây là đất, quán sát đất này như là đất thật; đây là nước; đây là lửa; đây là gió. Bốn thứ ấy hợp lại thành con người. Ðây là sự vui thích của ngu. Trời tự biết là Trời, thích ở cõi trời. Trời Phạm thiên tự biết là Phạm thiên. Trời Ðại phạm tự biết là Ðại phạm. Không thể ra khỏi trời Quang Âm lại tự biết cho cõi trời Quang Âm đến. Trời Biến Tịnh tự biết là Biến Tịnh. Trời Quảng Quả tự biết là Quảng Quả không lầm lẫn. Trời A-tỳ-da-đà tự biết là trời A-tỳ-da-đà. Trời Không xứ tự biết là trời Không xứ. Trời Thức xứ tự biết là trời Thức xứ. Trời Bất tưởng vô tưởng xứ tư biết là trời Hữu tưởng vô tưởng xứ.

Thấy tự biết là thấy, nghe tự biết là nghe, muốn tự biết là muốn, trí tự biết là trí, một loại tự biết là một loại, bao nhiêu loại tư biết là bao nhiêu loại, thảy đều đầy đủ tự biết là thảy đều đầy đủ, Niết-bàn tự biết là Niết-bàn, tự vui thích trong đó. Vì sao? Vì chẳng phải là lời nói của bậc Trí.

Nếu là đệ tử bậc Thánh thì đến gặp gỡ bậc Thánh, vâng thọ pháp của bậc Thánh, theo Thiện tri thức làm việc, thường gần gũi bậc Thiện tri thức; quan sát đất, thảy đều biết chỗ đến của nó rõ ràng, cũng không đắm trước nơi đất, không có tâm nhiễm ô; nước, lửa, gió cũng lại như thế. Trời, Người, Phạm Vương, Quang Âm, Biến Tịnh, Quảng Quả, trời A-tỳ-da-đà, Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Hữu tưởng vô tưởng xứ đều thấy, nghe, nhớ biết; một loại, bao nhiêu loại, cho đến đối với Niết-bàn cũng chẳng đắm trước Niết-bàn, không khởi tưởng Niết-bàn. Vì sao? Ðều do khéo phân biệt, khéo quan sát.

Nếu Tỳ-kheo ấy là bậc A-la-hán lậu tận, việc làm đã xong, đã bỏ gánh nặng, cùng tận cội nguồn sanh tử, giải thoát bình đẳng thì người ấy có thể phân biệt đất đai, quán sát không khởi tưởng đắm trước về đất; Người, Trời, Phạm vương cho đến Hữu tưởng vô tưởng xứ, cũng lại như thế; cho đến đối với Niết-bàn không đắm trước Niết-bàn, không khởi tưởng Niết-bàn. Vì sao? Ðều do trừ khử dâm, nộ, si mà được như thế.

Tỳ-kheo nên biết! Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác khéo hay phân biệt về đất, cũng không đắm trước nơi đất. Vì sao? Ðều do diệt trừ lưới ái mà được vậy. Nhân hữu nên có sanh, nhân sanh nên có già, chết, thảy đều trừ hết. Cho nên Như Lai thành Vô Thượng Chánh Giác.

Khi Phật nói lời này, lúc ấy các Tỳ-kheo không nghe lời dạy nầy. Vì sao? Vì do ma Ba-tuần làm bế tắc tâm ý.

Kinh này tên 'Cội gốc của Tất cả Pháp'. Nay Ta nói đầy đủ như vậy. Ðiều cần tu hành của Chư Phật, nay Ta đã làm đầy đủ. Các thầy nên ghi nhớ, ở chỗ vắng, dưới cội cây, tâm ý đoan nghiêm tọa Thiền, tư duy nghĩa thâm diệu. Hôm nay không làm, sau hối hận vô ích. Ðây là lời giáo của Ta.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

7. Tôi gnhe như vầy:

Một thời Phật ở tại thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.

Bấy giờ, trong thành La-duyệt có một Tỳ-kheo đau nặng đến nguy kịch, nằm một chỗ, đại tiểu tiện, không thể tự ngồi dậy, cũng chẳng có Tỳ-kheo nào đến thăm hỏi chăm sóc. Ngày đêm Thầy xưng danh hiệu Phật: 'Sao Thế Tôn chẳng thương xót ta?'

Khi ấy, Thế Tôn dùng Thiên nhĩ nghe Tỳ-kheo ấy kêu than, hướng về Như Lai. Thế Tôn bèn bảo các Tỳ-kheo:

- Ta với các Thầy đi thăm các phòng liêu, xem xét chỗ ở.

Các Tỳ-kheo thưa:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Khi ấy, Thế Tôn bèn cùng các Tỳ-kheo vây quanh trước sau, đi thăm qua các liêu phòng. Tỳ-kheo bệnh xa thấy Thế Tôn đến, liều muốn ngồi dậy mà không cử động nổi. Thế Tôn đến bên chỗ Tỳ-kheo ấy, bảo rằng:

- Thôi, thôi! Này Tỳ-kheo, đừng tự cử động. Ta tự có chỗ ngồi sẵn.

Khi ấy, Tỳ-sa-môn Thiên vương biết ý nghĩa của Như Lai, từ thế giới Dạ-mã ẩn, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, đứng qua một bên.

Thích-đề-hoàn-nhân biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, từ cõi Phạm thiên ẩn, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui qua một bên.

Trời Tứ thiên vương biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, bèn đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui đứng một bên.

Khi ấy, Phật hỏi Tỳ-kheo bệnh:

- Hôm nay bệnh khổ của Thầy có thuyên giảm chăng?

Tỳ-kheo thưa:

- Bệnh khổ của đệ tử tăng chứ không giảm, rất ít được nhờ cậy.

Phật hỏi các Tỳ-kheo:

- Người khám bệnh hiện ở đâu? Người nào đến thăm bệnh?

Tỳ-kheo bạch Phật:

- Nay mắc phải bệnh này, không có ai trông nom.

Phật bảo Tỳ-kheo:

- Trước kia, khi Thầy chưa bệnh, có đến thăm hỏi người bệnh chăng?

Tỳ-kheo bạch Phật:

- Không đến hỏi han các người bệnh.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Nay Thầy không có lợi lành ở trong Chánh pháp. Vì sao? Vì không đến hỏi thăm bệnh. Nay Tỳ-kheo chớ lo sợ, Ta sẽ đích thân cung dưỡng cho Thầy, không để thiếu. Như hiện nay, Ta là người trong cõi Trời, cõi Người, riêng một mình không bạn bè, mà cũng có thể thăm hỏi tất cả người bệnh. Người không ai giúp đỡ, Ta vì họ làm người giúp đỡ. Với người mù Ta làm mắt cho họ, cứu giúp các người bệnh.

Khi ấy, Thế Tôn tự đổ đồ bất tịnh, lại trải tọa cụ cho người bệnh. Tỳ-sa-môn Thiên vương và Thích-đề-hoàn-nhân bạch Phật:

- Chúng con tự sẽ săn sóc thầy Tỳ-kheo bệnh nầy, xin Thế Tôn chớ nhọc sức.

Phật bảo các Thiên tử:

- Các Ông hãy ngừng. Như Lai tự biết thời. Như Ta tự nhớ lại, thuở xưa khi chưa thành Phật, tu hạnh Bồ-tát, vì hai con chim bồ câu nên bỏ mạng sống, huống gì ngày nay đã thành Phật, lại bỏ Tỳ-kheo nầy ư? Trọn không có việc ấy. Lại, trước đây Thích-đề-hoàn-nhân không thăm nom Tỳ-kheo bệnh này, Tỳ-sa-môn Thiên vương là vị chủ hộ thế gian cũng không đến thăm.

Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân và Tỳ-sa-môn Thên vương đều im lặng không trả lời. Bấy giờ, Thế Tôn cầm chổi quét dọn đất dơ, rồi sắp đặt tọa cụ, lại giặt giũ ba y, đỡ Tỳ-kheo bệnh bảo ngồi trong bồn nước sạch tắm rửa. Có các vị Trời ở trên lấy nước thơm rưới vào đó.

Khi ấy, Thế tôn tắm rửa cho Tỳ-kheo kia xong, đỡ lại giường, tự tay cho ăn. Thế Tôn thấy Tỳ-kheo ấy ăn xong, đem bát rửa và bảo Tỳ-kheo ấy:

- Nay Thầy nên bỏ bệnh khổ của ba đời. Vì sao? Tỳ-kheo nên biết, sanh có khổ ách trong thai, nhân sanh có già. Khi già, hình thể gầy yếu, khí lực kiệt. Nhân già có bệnh, khi bệnh nằm ngồi rên rỉ, bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh đến một lúc. Nhân bệnh có chết, khi chết thì hình hài, thần thức phân tán đi theo đường lành dữ. Nếu người nhiều tội sẽ vào địa ngục núi đao, cây kiếm, xe lửa, lò than, ăn nuốt nước đồng sôi. Hoặc người ấy làm súc sanh bị người sai khiến, ăn toàn rơm cỏ chịu khổ vô lượng. Lại không thể tính kể trong vô số kiếp người ấy làm thân ngạ quỷ, thân cao mười do-tuần, cổ nhỏ như cây kim, lại có nước đồng rót vào miệng. Trải qua vô số kiếp được làm thân người, người ấy bị đánh đập khảo tra không tính kể. Lại trong vô số kiếp được sanh lên trời, người ấy cũng trải qua ân ái hội họp, lại gặp ân ái biệt ly, tham muốn không chán đủ. Ðược đạo Hiền Thánh bấy giờ người ấy mới lìa khổ.

Nay có chín hạng người được lìa khổ hoạn. Thế nào là chín? Ðó là người hướng A-la-hán, đắc A-la-hán; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn; và chủng tánh Người là chín.

Thế nên, này Tỳ-kheo! Như Lai ra đời rất là khó gặp, thân người khó được, sanh trưởng vào trung tâm của nước cũng khó được, gặp bậc Thiện tri thức cũng lại như thế. Nghe nói pháp cũng không thể được. Các pháp cùng sanh với nhau, đúng thời mới có. Tỳ-kheo nên biết, ngày nay Như Lai hiện ở tại thế gian, được nghe Chánh pháp, các căn không thiếu, có thể kham nghe Chánh pháp kia. Hôm nay không siêng năng sau hối không kịp. Ðây là lời dạy của Ta.

Bấy giờ, Tỳ-kheo bệnh ấy nghe Như lai dạy xong, được thấy tôn nhan, liền ngay tại chỗ ngồi được Tam minh, lậu tận ý giải. Phật bảo Tỳ-kheo:

- Thầy đã rõ được cội nguồn của bệnh chăng?

Tỳ-kheo bạch Phật:

- Con đã hiểu cội nguồn của bệnh, xa lìa sanh, lão, bệnh, tử này, đều là uy thần của Như Lai gia hộ, dùng Tứ đẳng tâm che chở cho tất cả, không lường, không gằn mé, không thể xưng kể. Thân, miệng, ý thanh tịnh.

Khi ấy, Thế Tôn nói pháp đầy đủ rồi, liền từ tòa đứng dậy đi ra.

Bấy giờ Thế Tôn bảo A-nan:

- Thầy mau đánh kiền chùy, để các vị Tỳ-kheo có mặt trong thành La-duyệt này cùng đến nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội.

A-nan vâng theo lời Phật, liền nhóm các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ Hội, và đến trước Phật bạch:

- Các Tỳ-kheo đã nhóm họp, cúi xin Thế Tôn biết đúng thời.

Bấy giờ Thế Tôn đi đến giảng đường, lên tòa ngồi. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy học đạo là vì sợ quốc vương, giặc cướp mà xuất gia chăng? Tỳ-kheo, hay là vì lòng tin vững chắc, tu Phạm hạnh vô thượng, muốn được xả bỏ sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não, cũng muốn xa lìa Mười hai nhân duyên?

Các Tỳ-kheo thưa:

- Ðúng vậy, thưa Thế Tôn.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy sở dĩ xuất gia đồng một Thầy, hòa hợp như nước sữa, mà không chăm nom lẫn nhau. Từ nay về sau nên lần lượt chăm sóc thăm nom nhau. Nếu Tỳ-kheo bệnh không có đệ tử, trong chúng nên cử người lần lượt làm khán bệnh. Vì sao? Ngoài việc này ra, không thấy có việc gì hơn phước của người chăm sóc bệnh. Người chăm sóc bệnh như chăm sóc Ta không khác.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:

Nếu có cúng dường Ta,
Và chư Phật quá khứ,
Phước đức cúng thí Ta,
Không khác chăm nom bệnh.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy lời ấy xong, bảo A-nan:

- Từ nay về sau, các Tỳ-kheo mỗi mỗi chăm nom bệnh lẫn nhau. Nếu có Tỳ-kheo biết mà không làm thì các Thầy nên căn cứ theo luật. Ðây là lời giáo giới của Ta.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

8. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở taị nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có chín hạng người đáng kính, đáng quý, cúng dường những vị ấy được phước. Thế nào là chín? Ðó là những vị hướng A-la-hán, đắc A-la-hán; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tu-đà-hàm, hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn, và hạnh chủng tánh Người là chín.

Này các Tỳ-kheo, đó là chín hạng người, cúng dường cho các vị ấy được phước trọn không mất.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ làm.

*

9. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.

Khi ấy, vương tử Mãn-hô đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Vương tử Mãn-hô bạch đức Phật:

-Con từng nghe Thầy Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc cùng bàn luận với Phạm chí Lư-ca-diên, nhưng Tỳ-kheo ấy không thể đối đáp. Con lại từng nghe trong hàng chúng đệ tử của Phật, người mà các căn ám độn, không có trí tuệ sáng, không ai hơn Tỳ-kheo này.

Trong hàng Ưu-bà-tắc tại gia của Thế Tôn, dòng họ Cồ-đàm trong thành Ca-tỳ-la-vệ các căn ám độn, tình ý bế tắc.

Ðức Phật bảo Vương tử:

- Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc có sức thần túc, được pháp hơn người, không tập theo cách đàm luận thế gian. Lại, Vương tử nên biết, Tỳ-kheo này rất có diệu nghĩ.

Khi ấy, vương tử Mãn-hô bạch Phật:

- Tuy Phật nói như thế, song trong ý con vẫn còn sanh niệm này: Vì sao có đại thần lực mà không thể cùng luận nghi với ngoại đạo dị học kia? Nay con thỉnh Phật và Tỳ-kheo Tăng, chỉ trừ một mình Châu-lợi-bàn-đặc.

Khi ấy, đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Vương tử thấy Thế Tôn đã nhận thỉnh rồi, bèn đứng dậy, cúi đầu lạy chân Phật, đi quanh về hướng tay mặt ba vòng rồi lui ra. Liền trong đêm ấy, vương tử sửa soạn các thức ăn uống ngon, trải tọa cụ tốt đẹp. Sáng sớm vương tử đến bạch Phật:

- Ðã đến giờ, nay là đúng thời.

Bấy giờ, Thế Tôn đưa bát cho Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc giữ ở lại sau, Ngài dắt chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau đi vào thành La-duyệt, đến chỗ của vương tử, theo thứ lớp an tọa. Bấy giờ, vương tử bạch Phật:

- Cúi xin Thế Tôn trao bát cho con.

Hôm nay con muốn tự dâng thức ăn cho Thế Tôn.

Phật bảo vương tử:

- Bát ở tại chỗ của Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc, không mang đến đây.

Vương tử bạch Phật:

- Xin thế Tôn bảo một vị Tỳ-kheo về mang bát đến đây.

Phật bảo vương tử:

- Nay Ông hãy tự đi lấy bát Như Lai đến đây.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc hóa làm năm trăm cội cây, dưới mỗi cội cây đều có Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc ngồi. Vương tử nghe lời Phật dạy, đi về lấy bát, xa thấy dưới năm trăm cội cây đều có Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc ngồi Thiền, buộc niệm ở phía trước không tán loạn. Thấy rồi, vương tử liền nghĩ: 'Người nào là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc?' Vương tử Mãn-hô bèn trở lại chỗ Thế Tôn bạch rằng:

- Con đến vườn ấy, đều thấy toàn là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc, không biết người nào là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc. Phật bảo vương tử:

- Ông trở lại bên đó, đến ngay chỗ người ngồi chính giữa vườn khảy móng tay nói rằng: 'Ðây thật là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc, xin mời đứng lên'.

Vương tử Mãn-hô nghe lời Phật dạy, lại đi vào vườn, đến chỗ người ngồi giữa nói:

- Ðây thật là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc, xin mời đứng lên.

Vương tử nói lời ấy xong, năm trăm Tỳ-kheo hóa hiện kia tự nhiên biến mất, chỉ còn lại một Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc. Khi ấy, vương tử Mãn-hô cùng Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui qua một bên.

Vương tử Mãn-hô bạch Phật:

- Cúi xin Thế Tôn, nay con tự hối hận, trách mình không tin lời dạy của Như Lai. Vị Tỳ-kheo này có thần túc oai lực rất lớn.

Phật bảo vương tử:

- Cho phép Ông sám hối, Như Lai nói ra không hai lời. Lại ở thế gian này có chín hạng người đối xử qua lại. Thế nào là chín? Một là biết trước nhơn tình, hai là nghe rồi mới biết, ba là xem tướng rồi sau mới biết, bốn là quan sát nghĩa lý rồi sau mới biết, năm là biết vị rồi sau mới biết, bảy là không biết nghĩa không biết vị, tám là học hỏi nơi sức thần túc tư duy, chín là hiểu nghĩa rất ít. Này Vương tử, đó là chín hạng người xuất hiện ở đời. Như thế, này Vương tử, người xem tướng kia trong tám hạng người bậc nhất, không lầm lỗi.

Nay Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc này học tập về thần túc, không học các pháp khác. Tỳ-kheo này thường dùng thần túc thuyết pháp cho người, còn Tỳ-kheo A-nan của Ta xem tướng liền biết, đoán biết nhơn tình, biết Như Lai cần điều này, không cần điều này, cũng biết Như Lai cần nói việc này, lìa việc này, thảy đều rõ ràng. Hiện nay không ai hơn Tỳ-kheo A-nan, đọc rộng các kinh nghĩa, thảy đều khắp hết.

Lại, Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc này có thể hóa hiện một thân hình làm bao nhiêu thân hình, lại trở về hiệp làm một mình. Tỳ-kheo ấy ngày sau sẽ ở trong hư không mà diệt độ. Ta lại không thấy người nào diệt độ có thể so sánh như Tỳ-kheo A-nan và Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc.

Khi ấy, Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

- Tỳ-kheo bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta, có thể biến hóa thân hình ra lớn, ra nhỏ, không ai có thể so sánh với Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc.

Khi ấy vương tử Mãn-hô, tự tay mang thức ăn, nước uống cúng dường chúng Tăng; rửa bát xong, ngồi bên ghế nhỏ phía trước đức Phật, chắp tay bạch Phật:

-Cúi xin Thế Tôn, cho phép Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc thường đến nhà con, tùy theo chỗ cần dùng theo y phục, mền nệm, các vật linh tinh của Sa-môn, đều đến nhà con lấy. Con sẽ cung cấp những vật cần thiết suốt đời.

Phật bảo vương tử:

- Nay vương tử nên hướng về phía Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc sám hối, đích thân mời thỉnh. Vì sao? Người không có trí muốn biết người trí, việc này khó làm. Còn người trí biết được người trí, có thể được.

Khi ấy, vương tử Mãn-hô liền hướng về Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc, đảnh lễ xưng tên họ, xin sám hối:

- Bạch Tỳ-kheo đại thần túc, con sanh tâm khinh mạn, từ nay về sau không dám tái phạm. Cúi xin nhận sự sám hối của con, không dám phạm lại.

Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc đáp:

- Cho phép Ông hối lỗi, sau chớ phạm lại, Cũng chớ phỉ báng Hiền Thánh. Vương tử nên biết, nếu có chúng sanh phỉ báng Thánh nhơn thì sẽ phải đọa ba đường ác, sanh trong địa mgục. Như thế, Vương tử nên học theo điều này.

Bấy giờ, Phật thuyết pháp rất vi diệu cho Vương tử Mãn-hô, khuyến khích cho phát sanh hoan hỷ, liền tại chỗ ngồi, nói lời chú nguyện này:

Tế tự, lửa trên hết,
Sách kinh, tụng trên hết,
Cõi người, vua trên hết,
Các dòng, biển là trên,
Các sao, trăng trước nhất,
Ánh sáng, trời bậc nhất,
Trên dưới và bốn phương,
Những loài có hình tướng,
Trời và Người trong đời,
Phật là bậc tối tôn,
Người muốn cầu phước báu,
Cúng dường Phật ba đời.

Bấy giờ, Phật nói kệ này rồi, liền rời tòa đứng dậy. Khi ấy, vương tử Mãn-hô nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

10. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thiện tri thức, tức là người có phạm hạnh phân nửa, sẽ hướng dẫn đường lành đến vô vi.

Phật bảo A-nan:

- Chớ nói lời như thế. Nói rằng: 'Bậc Thiện tri thức là người Phạm hạnh phân nửa'. Vì sao? Phàm là bậc Thiện tri thức, tức là người Phạm hạnh trọn vẹn mới dẫn dắt chỉ bảo cho người theo mình con đường lành. Ta cũng do Thiện tri thức mà thành Vô Thượng Chánh Chơn Ðẳng Chánh Giác. Do thành đạo quả, nên độ thoát chúng sanh không thể tính kể, thảy đều khỏi được sanh, lão, bệnh, tử. Do phương tiện này, nên biết bậc Thiện tri thức là người Phạm hạnh trọn vẹn.

Lại nữa, A-nan, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn, kính vâng theo Thiện tri thức thì lòng tin được tăng nhiều, văn, thí, tọa, đức, thảy đều đầy đủ. Thí như trăng càng tròn, ánh sáng càng tăng hơn ngày thường gấp bội. Ðây cũng lại như vậy, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn gần gũi Thiện tri thức, thì lòng tin, chỗ học hỏi, sự ghi nhớ, trí tuệ của người ấy thảy đều tăng lên. Do phương tiện nên biết bậc Thiện tri thức là người Phạm hạnh trọn vẹn.

Nếu ngày xưa Ta không kính vâng theo Thiện tri thức thì trọn vẹn sẽ không được Phật Ðăng Quang thọ Ký. Do đã kính vâng bậc Thiện tri thức, nên Ta được Phật Ðăng Quang thọ ký. Do phương tiện này nên biết, bậc Thiện tri thức là người Phạm hạnh trọn vẹn.

Này A-nan, nều thế gian không có bậc Thiện tri thức thì sẽ không có thứ tự tôn ti về phụ mẫu, sư trưởng, huynh đệ, tông thân, ắt sẽ giống như loài heo chó, tạo các duyên ác, gieo trồng tội duyên trong địa ngục. Có Thiện tri thức nên phân biệt có cha mẹ, sư trưởng, huynh đệ, tông thân.

Lúc ấy, Thế Tôn bèn nói kệ:

Thiện tri thức chẳng ác,
Vì pháp, không vì ăn,
Dắt dẫn nơi đường lành,
Ðích thân bậc Tôn nói.

Cho nên, này A-nan, chớ lại nói lời: 'Bậc Thiện tri thức là người Phạm hạnh phân nửa'.

Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

11. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở lại tại thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.

Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân từ cõi trời Ba mươi ba ẩn, bay đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên và bạch Phật:

- Loài Người và Trời có những tưởng niệm gì? Ý mong muốn điều gì?.

Phật bảo:

- Thế gian trôi giạt, tánh ý không giống nhau, con đường của mỗi loài mỗi khác, tưởng niệm chẳng phải một. Thiên đế nên biết, khi xưa, trải qua bao số A-tăng-kỳ kiếp, Ta cũng sanh ý nghĩ này: 'Loài Trời và chúng sanh ý niệm thú hướng việc gì? Cầu nguyện điều gì?' Từ kiếp đó đến ngày nay, Ta không thấy có một người âm cùng giống nhau. Thích-đề-hoàn-nhân nên biết, chúng sanh ở thế gian khởi tưởng điên đảo. Vô thường thì khởi tưởng là thường, vô lạc thì khởi tưởng là lạc, vô ngã thì khởi tưởng là hữu ngã, bất tịnh thì tưởng là tịnh, đường chánh tưởng là đường tà, điều ác tưởng là điều phước, điều phước tưởng là điều ác.

Do phương tiện này nên biết, các loài chúng sanh, căn tánh của chúng khó lường, tánh hạnh mỗi mỗi khác nhau. Nếu khiến chúng sanh hết thảy đồng một tư tưởng, không có nhiều tư tưởng, ắt không thể biết chín nơi cư trú của chúng sanh, cũng khó phân biệt chín nơi cư trú của chúng sanh. Nơi dừng trụ của thần thức cũng khó hiểu biết rõ, cũng lại không biết có tám đại địa ngục, đường dẫn đến súc sanh cũng khó biết, không phân biệt có địa ngục khổ, không biết sự hòa quý của bốn dòng họ, không biết con đường dẫn đến A-tu-la, cũng không biết cõi trời Ba mươi ba, nếu như hết thảy đồng một tâm. Nên biết cõi trời Quang Âm là do chúng sanh có bao nhiêu loài, tưởng niệm cũng bấy nhiêu thứ.

Cho nên biết có chín nơi cư trú của chúng sanh, có chín nơi thần thức dừng trụ; biết có tám đại địa ngục, ba ác đạo, cho đến cõi trời Ba mươi ba cũng lại như thế. Do phương tiện này biết các loại chúng sanh, căn tánh của họ không đồng nhau, việc làm mỗi người cũng khác.

Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân bạch Phật:

- Lời nói của Như Lai rất là kỳ diệu. Căn tánh của chúng sanh, hành động không giống nhau, tưởng niệm mỗi khác. Do chúng sanh kia hành động không giống nhau, cho đến xanh, vàng, trắng, đen, dài, ngắn không đồng.

Bạch Thế Tôn, chư Thiên nhiều việc, con muốn trở về cõi Trời.

Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhân:

- Nên biết đúng thời.

Thích-đề-hoàn-nhân liền từ tòa đứng dậy, cúi đầu lễ chân Phật, lui ra.

Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Chín nơi, thí, khổng tước,
Hệ phước, cội gốc pháp,
Bệnh, cúng dường, Bàn-đặc,
Phạm hạnh, bao nhiêu tưởng.


XXXXV. Phẩm Mã vương

1. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà cùng chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.

Bấy giờ, trong thành có Bà-la-môn tên Ma-ê-đề-lợi, biết rành rẽ các kinh ngoại đạo, thiên văn địa thuật thảy đều thông suốt, tất cả các pháp cư xử giao thiệp trên thế gian thảy đều rõ thấu. Con gái của Bà-la-môn tên Ý Ái, rất thông minh, dung mạo đoan chánh, ít có trên đời.

Khi ấy, Bà-la-môn bèn khởi nghĩ rằng: 'Kinh điển Bà-la-môn có nói, có hai hạng người ra đời rất khó gặp. Thế nào là hai hạng người? Ðó là bậc Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác và Chuyển luân Thánh vương. Nếu khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện, bèn có thất bảo tự nhiên hưởng ứng. Nay ta có con gái quý, nhan sắc tuyệt diệu, bậc nhất trong các ngọc nữ. Như nay không có Chuyển luân Thánh vương, ta lại nghe có bậc vương tử Chân Tịnh tên là Tất-đạt, xuất gia học đạo, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Người ấy nếu ở nhà sẽ là bậc Chuyển luân Thánh vương, nếu xuất gia học đạo liền thành Phật đạo. Nay ta có thể đem con gái ta cho Sa-môn ấy'.

Khi ấy, Bà-la-môn bèn dẫn con gái đến trước chỗ Phật, thưa rằng:

- Cúi xin Sa-môn nhận ngọc nữ này.

Phật bảo Bà-la-môn:

- Thôi, thôi, Phạm chí! Ta không cần người đắm trước dục vọng này.

Bà-la-môn ba phen bạch Phật:

- Sa-môn! Hãy nhận ngọc nữ này, so sánh trên đời, nàng này không bằng.

Phật bảo:

- Phạm chí! Ta đã hiểu ý Ông, nhưng Ta đã xuất gia, không tập theo dục lạc.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo trưởng lão đứng sau Như Lai, đang quạt hầu Phật, Tỳ-kheo ấy bạch Phật:

- Cúi xin Như Lai, nhận người nữ nầy, nếu Như Lai không cần thì để cho chúng con sai khiến.

Phật bảo Tỳ-kheo trưởng lão:

- Thầy thật ngu si mới ở trước Như Lai thổ lộ ý xấu này. Vì sao Thầy để tâm ý bị trói buộc nơi người nữ ấy?

Phàm là người nữ thì có chín điều xấu. Thế nào là chín? Một là người nữ hôi hám không sạch, hai là người nữ ác khẩu, ba là người nữ không biết đền ơn, bốn là người nữ tật đố, năm là người nữ bỏn xẻn, sáu là người nữ ưa thích rong chơi, bảy là người nữ nhiều sân nhuế, tám là người nữ nhiều vọng ngữ, chín là ngưòi nữ lời nói khinh suất. Như thế này Tỳ-kheo, người nữ có chín hạng tội ác như thế.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:

Thường ưa cười, khóc la,
Như thân mà chẳng thân,
Hãy tìm phương tiện khác,
Chớ nên khởi ý loạn.

Khi ấy, Tỳ-kheo trưởng lão bạch Phật:

- Người nữ tuy có chín pháp tệ ác như thế. Nhưng hôm nay con quán sát cô gái này không có tỳ vết gì.

Phật bảo Tỳ-kheo:

- Nay Thầy thật là người ngu, không tin lời từ miệng của Như Lai ư? Nay ta sẽ nói:

Về thuở quá khứ rất xa, trong thành Ba-la-nại có một nhà buôn tên Phổ Phú, dẫn năm trăm khách buôn vào biển tìm kho báu. Song biển ấy ắt có quỷ La-sát cư trú, thường ăn thịt dân chúng. Lúc ấy trong biển nổi gió, thổi tàu buôn kia trôi vào trong thành của quỷ La-sát. La-sát xa thấy khách buôn tới vui mừng vô cùng, liền ẩn hình quỷ La-sát mà hiện hình người nữ, đoan chánh không ai bằng, nói với các khách buôn rằng:

- 'Chư Hiền khéo đến đây. Trên bãi cát quý này được xây cung điện trời cho quý khách, có trăm ngàn thứ trân bảo, nấu các món ăn ngon, lại có các cô gái đẹp chưa chồng. Các vị có thể cùng chúng tôi vui thích'.

Tỳ-kheo nên biết! Trong số các nhà buôn ấy, những người ngu muôi thấy cô gái ấy rồi, liền khởi tâm đắm trước. Khi đó, thương chủ Phổ Phú liền khởi nghĩ rằng: 'Trong biển lớn nầy là chỗ ở của loài phi nhơn, làm sao các cô này ở được, đây chắc là La-sát, không nghi ngờ gì'. Thương chủ liền bảo các cô gái rằng:

- 'Thôi, thôi, các Cô! Chúng tôi không tham nữ sắc'.

Lúc ấy, vào những ngày mùng tám, mười bốn, rằm mỗi tháng, có ngựa chúa bay qua lại trên hư không kêu rằng:

- 'Ai muốn qua khỏi ách nạn của biển lớn, ta có thể cõng qua'.

Tỳ-kheo nên biết! Lúc ấy vị thương chủ kia leo lên cây cao, xa thấy ngựa chúa và nghe tiếng kêu, vui mừng hớn hở không thể tự kềm, bèn đến chỗ ngựa chúa. Ðến rồi nói với ngựa chúa rằng:

- 'Chúng tôi là năm trăm khách buôn bị gió thổi giạt, nay rơi vào chỗ cực kỳ nguy hiểm này, muốn được qua biển, xin đưa giúp chúng tôi qua'.

Ngựa chúa bảo khách buôn rằng:

- 'Các Ông đến hết đây, ta sẽ đưa sang bờ biển'.

Thương chủ Phổ Phú bèn bảo các khách buôn rằng:

- 'Nay ngựa chúa ở gần đây. Mọi người nên đến đó, cùng qua khỏi nạn biển'.

Khi ấy, các khách buôn trả lời:

- 'Thôi, thôi! Thưa thương chủ, chúng tôi ở lại chỗ này, tự vui thích với nhau. Vì ở Diêm-phù-đề khổ nhọc, muốn tìm nơi khoái lạc. Ở đây có đủ các vật quý báu trân kỳ và các cô gái đẹp. Có thể ở lại chỗ này vui chơi với ngũ dục, rồi sau dần dần gom góp của cải, sẽ cùng qua biển'.

Thương chủ bảo các khách buôn:

- 'Thôi, thôi, các Người ngu! Ở đây không có người nữ, giữa biển lớn làm sao có chỗ người ở?'

Các khách buôn đáp:

- 'Hãy thôi, thưa Thương chủ! Chúng tôi không thể bỏ đây mà đi'.

Khi ấy, thương chủ Phổ Phú bèn nói kệ:

Chúng ta gặp nạn nầy,
Ðừng tưởng có nam, nữ,
Ðây là loài La-sát,
Sẽ ăn dần chúng ta.

'Nếu như các Ông không cùng đi với tôi, mỗi người nên tự giữ gìn. Nếu thân, khẩu, ý tôi có phạm điều gì, thảy đều xin tha lỗi chớ để tâm'.

Lúc ấy, các khách buôn cùng nói kệ từ biệt:

Thay chúng tôi thăm hỏi,
Bà con trong làng xóm,
Ở lại đây vui chơi,
Không đợi lúc trở về.

Khi ấy, thuơng chủ lại dùng kệ đáp:

Các Ông thật gặp nguy,
Lầm lạc không chịu về,
Như thế chẳng bao lâu,
Thảy bị quỷ ăn hết.

Nói kệ ấy rồi, liền bỏ đi, thương chủ đến chỗ ngựa chúa, cúi đầu lễ dưới chân, liền cỡi ngựa mà đi. Khi ấy, những khách buôn xa thấy chủ của họ đã cỡi ngựa chúa, trong số đó có người kêu lên, hoặc có người rất sợ hãi. Chúa quỷ La-sát hướng về phía các La-sát, nói kệ rằng:

Ðã vào miệng sư tử,
Thoát ra rất là khó,
Huống gì vào nước ta,
Muốn ra thật khó.

Chúa quỷ La-sát liền hoá thân hình người nữ, rất đoan chánh, lấy tay chỉ vào bụng, nói: 'Nếu ta không ăn thịt các Ngươi, trọn không là La-sát'. Khi ấy, ngựa chúa cõng thương chủ bay đến bờ biển, còn lại năm trăm khách buôn thảy đều chịu tai nạn.

Bấy giờ trong thành Ba-la-nại có vị vua tên Phạm-ma-đạt trị hoá nhân dân. Khi ấy, La-sát đuổi theo sau thương chủ kêu lên 'tôi mất chồng'. Thương chủ trở về nhà, La-sát hóa hiện bồng theo đứa con trai, đến trước chỗ vua Phạm-ma-đạt tâu nhà vua rằng:

- 'Thế gian thật là tai quái, ắt sẽ diệt hoại'.

Nhà vua hỏi:

- 'Thế gian có việc gì tai quái mà diệt hoại?'.

La-sát tâu vua:

- 'Tôi bị chồng bỏ, nhưng tôi không có lỗi gì đối với chồng'.

Vua Phạm-ma-đạt thấy thiếu phụ này rất tuyệt đẹp, liền khởi ý đắm trước, bảo nàng rằng:

- 'Chồng nàng là kẻ không có nhân nghĩa mới bỏ nàng'.

Khi ấy, vua Phạm-ma-đạt sai người gọi thương chủ đến hỏi:

- 'Có thật Ông bỏ cô vợ đẹp này chăng?'

Thương chủ tâu:

- 'Ðó là La-sát, không phải là nữ nhơn'.

La-sát nữ liền tâu vua:

- 'Người này không có nghĩa vợ chồng. Nay đã bỏ tôi, còn mắng tôi là La-sát'.

Nhà vua hỏi:

- 'Ông thật không dùng, ta sẽ thâu dùng nàng ấy'.

Thương chủ tâu vua:

- 'Ðây là La-sát, xin tùy thánh ý'.

Khi ấy, vua Phạm-ma-đạt vào trong cung cấm, tùy thời tiếp nàng không để cho phiền oán.

Loài La-sát phi nhơn ấy bèn ăn thịt nhà vua, chỉ còn lại bộ xương, rồi bỏ đi.

Này Tỳ-kheo, đừng nghĩ ai khác! Thương chủ lúc ấy chính là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. La-sát lúc ấy nay là cô gái này. Vua Phạm-ma-đạt thuở ấy, nay là Tỳ-kheo trưởng lão. Ngựa chúa lúc ấy, nay là thân Ta. Năm trăm khách buôn lúc ấy, nay là năm trăm Tỳ-kheo. Do phương tiện này nên biết, ái dục là ý tưởng bất định, nay cố ý khởi tưởng đắm trước sao?

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng:

- Cúi xin nhận cho con sám hối lỗi nặng này. Từ nay về sau không dám tái phạm.

Khi ấy, Tỳ-kheo kia nghe lời Phật dạy xong, liền ở chỗ vắng, tự khắc phục mình tu tập những gì mà dòng dõi hào tộc, siêng tu Phạm hạnh, muốn được tu Phạm hạnh Vô thượng. Tỳ-kheo kia bèn thành A-la-hán.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

2. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại Thích-sí, vườn cây Am-bà-lợi, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên sau khi nhập hạ xong, dẫn năm trăm Tỳ-kheo đi du hóa nhân gian, dần dần đi đến làng Thích-sí. Bấy giờ Tỳ-kheo mới đến và Tỳ-kheo tại chỗ cùng nhau nói năng, hỏi han, âm thanh to ồn. Thế Tôn nghe âm thanh to ồn của các Tỳ-kheo, bèn hỏi A-nan:

- Nay trong vườn này có tiếng gì to ồn thế đến thế? Như là tiếng đập phá cây, đá?.

A-nan bạch Phật:

- Hôm nay có Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên dẫn năm trăm Tỳ-kheo đến đây. Các Tỳ-kheo mới đến và Tỳ-kheo tại chỗ cùng hỏi thăm nhau, nên có tiếng như thế.

Phật bảo A-nan:

- Thầy mau đuổi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, không cần ở đây.

A-nan vâng lời dạy, liền đến chỗ Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, thưa rằng:

- Thế Tôn có dạy, hãy mau rời khỏi đây, không nên ở lại.

Xá-lợi-phất đáp:

- Xin vâng lời dạy.

Bấy giờ, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên ra khỏi vườn, dẫn năm trăm Tỳ-kheo theo đường mà đi.

Bấy giờ, các người họ Thích nghe tin Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên bị Phật đuổi, liền đến chỗ Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, cúi đầu lễ dưới chân, bạch với Xá-lợi-phất:

- Chư Hiền! Các Vị muốn đi đâu?

Xá-lợi-phất đáp:

- Chúng tôi bị Thế Tôn đuổi, nay tìm chỗ ở.

Những người họ Thích bạch với Xá-lợi-phất:

- Chư Hiền chớ lo, chúng tôi sẽ đến Nư Lai sám hối.

Khi ấy, các người họ Thích bèn đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên và bạch Phật rằng:

- Cúi xin Thế Tôn tha lỗi cho các Tỳ-kheo từ xa đến. Cúi xin Thế Tôn để thời giờ chỉ dạy, trong số những Tỳ-kheo từ xa đến, có người mới học đạo, vừa vào cửa pháp, chưa được gần tôn nhan Như Lai, e có tâm thay đổi. Ví như mầm mạ không gặp mưa thấm ướt không thể thành tựu; nay các Tỳ-kheo này cũng lại như thế, chưa gần Như Lai mà đi, e rằng có tâm thay đổi.

Khi ấy, Phạm thiên vương biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, trong khoảng lực sĩ duỗi cánh tay, từ cõi Phạm thiên ẩn, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui đứng một bên. Phạm thiên vương bạch Phật:

- Cúi xin Thế Tôn tha lỗi cho các Tỳ-kheo từ xa đến, dùng thời giờ chỉ dạy. Trong đây, hoặc có Tỳ-kheo chưa rốt ráo, liền sanh tâm thay đổi, người ấy không thấy tôn nhan Như Lai, bèn đổi ý, trở về nghiệp cũ. Cũng như bò con mới sanh bị lạc mẹ, lo buồn không ăn; đây cũng như thế, nếu hàng Tỳ-kheo tân học không được thấy Như Lai, bèn sẽ xa lìa Chánh pháp.

Bấy giờ, Thế Tôn nhận lời can thiệp của những người họ Thích và thí dụ bò con của Phạm thiên vương. Khi ấy, Thế Tôn quay lại nhìn, Tôn giả A-nan bèn khởi ý nghĩ: 'Như lai đã nhận lời xin của dân chúng và chư thiên'. A-nan đến chỗ Tỳ-kheo Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên bảo rằng:

- Như Lai muốn gặp chúng Tăng. Trời và nhân dân cùng trình bày điều này.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy chỉnh đốn y bát, cùng đến chỗ Thế Tôn. Như Lai đã nhận cho chúng ta sám hối.

Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên dẫn năm trăm Tỳ-kheo Ðến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên.

Lúc đó, Phật hỏi Xá-lợi-phất:

- Trước đây Ta đuổi các Tỳ-kheo, ý Thầy thế nào?.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

- Trước đây, Như Lai đuổi chúng Tăng, con bèn khởi nghĩ: 'Như Lai chỉ ưa ở một mình chỗ vắng, không thích nơi ồn náo, nên đuổi chúng Tăng đi'.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

- Sau đó Thầy lại khởi niệm gì? Thánh chúng khi ấy ai là giềng mối?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Lúc ấy con lại khởi ý nghĩ này: 'Ta cũng nên ở chỗ vắng, đi riêng, không ở chỗ ồn náo'.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

- Chớ nói như vậy, cũng đừng khởi ý nghĩ như thế, rằng: 'Ta nên ở chỗ vắng'. Như nay, giềng mối của Thánh chúng há chẳng phải nương vào hai Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên ư?

Bấy giờ, đức Phật hỏi Mục-kiền-liên:

- Ta đuổi chúng tăng, Thầy có ý niệm gì?

Mục-kiền-liên bạch Phật:

- Như Lai đuổi chúng Tăng, con bèn khởi niệm này: 'Như Lai muốn ở riêng chỗ vô vi, nên đuổi chúng Tăng vậy'.

Phật hỏi Mục-kiền-liên:

- Sau đó Thầy lại khởi niệm gì?

Mục-kiền-liên bạch Phật:

- Nay Như Lai đuổi chúng Tăng, chúng ta nên tập hợp chúng lại, khiến đừng phân tán.

Phật bảo Mục-kiền-liên:

- Lành thay! Mục-kiền-liên, như lời Thầy nói, giềng mối trong chúng chỉ có Ta và hai Thầy. Từ nay về sau, Mục-kiền-liên nên dạy dỗ các Tỳ-kheo hậu học, khiến hằng ở chỗ an ổn, dài lâu, đừng để thối tâm nửa chừng, rơi trong sanh tử.

Nếu có Tỳ-kheo thành tựu chín pháp, ở trong hiện pháp không được lớn mạnh. Thế nào là chín? Cùng gần gũi thừa sự ác tri thức; không việc thường ưa đi dạo; thường bị tai họa. Ưa cất chứa tài vật, tham đắm y bát; thường nói nhiều lời dối gạt, trống rỗng; ý tán loạn không định; không có trí tuệ; không hiểu nghĩa thú; không tùy thời nghe chỉ dạy.

Thế nên, này Mục-kiền-liên! Nếu tỳ-kheo thành tựu chín pháp này, ở trong hiện pháp không được lớn mạnh, có sự thấm nhuần.

Nếu có Tỳ-kheo có thể thành tựu chín pháp thì sẽ được thành tựu xong việc. Thế nào là chín? Cùng theo Thiện tri thức; tu hành Chánh pháp không đắm trước nghiệp tà; thường ở chỗ yên vắng không thích nhơn gian; ít bệnh không hoạn nạn; không chứa nhiều tài vật báu, không tham trước y bát; siêng năng tinh tấn; không có tâm tán loạn; nghe nghĩa liền hiểu, không cần lập lại; tùy thời nghe pháp không chán đủ.

Thế nên, này Mục-kiền-liên! Nếu có Tỳ-kheo thành tựu chín pháp này, ở trong hiện pháp được nhiều lợi ích. Cho nên, này Mục-kiền-liên, nên nhớ siêng năng dạy bảo các Tỳ-kheo, khiến đến chỗ vô vi lâu dài.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:

Thường nhớ tự giác ngộ,
Chớ đắm nơi phi pháp,
Sự tu nên chánh hạnh,
Ðược khỏi nạn sanh tử.
Làm việc này được vậy,
Làm như thế được phước.
Chúng sanh trôi lăn lâu,
Dứt được già, bệnh, chết.
Việc xong, lại không tập,
Trở lại tạo phi hạnh,
Người phóng dật như thế,
Thành tựu hạnh hữu lậu.
Nếu có tâm siêng năng,
Thường để lại đầu tâm,
Lần lượt cùng dạy bảo,
Bèn thành người vô lậu.

Thế nên, Mục-kiền-liên! Nên vì các Tỳ-kheo mà dạy điều này, nên nhớ nghĩ học điều này!

Khi ấy, Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói pháp vi diệu, khiền chư vị phát tâm hoan hỉ. Khi các tỳ-kheo nghe pháp xong, trong chúng có hơn sáu mươi Ttỳ-kheo được lậu tận ý giải.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

3. Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

- Nếu có Tỳ-kheo ở nơi làng xóm, mà pháp lành tiêu diệt, pháp ác tăng trưởng thì Tỳ-kheo ấy nên học thế này: 'Nay ta ở trong làng này, mà pháp ác tăng trưởng, pháp lành dần dần tiêu diệt, ý niệm không chuyên nhất, không chấm dứt được hữu lậu, không đến chỗ vô vi an ổn. Ta được y phục, mền nệm, thức ăm uống, giường nằm, toạ cụ, thuốc men, cực khổ mới có'.

Tỳ-kheo ấy nên học thế này: 'Nay ta ở trong làng này, pháp ác tăng trưởng mà pháp lành tiêu diệt. Ta cũng không vì y phục, ăn uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men mà làm Sa-môn. Ðiều mong muốn của ta nay không đạt kết qủa'. Tỳ-kheo ấy nên rời làng đi.

Nếu lại có Tỳ-kheo ở nơi làng xóm, pháp lành tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt, y phục, thức ăn uống, tọa cụ, thuốc men, do siêng năng mà được thì Tỳ-kheo ấy nên học thế này: 'Nay ta ở tại làng xóm này, pháp lành tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt, đồ vật được cúng dường do siêng năng khổ nhọc mới có. Ta không vì y phục mà xuất gia học đạo, tu Phạm hạnh. Ðiều mong muốn của ta khi học đạo thảy đều thành tựu, nên suốt đời vâng kính cúng dường'.

Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ này:

Áo, mền, ăn uống,
Giường nằm và chỗ ở,
Không nên tưởng tham trước,
Cũng chớ trở lại đời.
Không vì y, áo, mền,
Mà xuất gia học đạo,
Sở dĩ học đạo ấy,
Ðạt kết quả sở nguyện.
Tỳ-kheo thích hợp thời,
Suốt đời ở thôn kia,
đó nhập Niết-bàn,
Chấm dứt gốc mạng căn.

đây, Tỳ-kheo kia nếu ở chỗ vắng trong nhân gian, làng xóm, pháp lành tăng trưởng, pháp ác tự tiêu diệt thì Tỳ-kheo ấy nên suốt đời ở tại làng kia, không nên đi xa.

Khi ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:

- Chẳng phải Như Lai thường nói thân tứ đại tại ăn uống mà được tồn tại, cũng nhờ pháp tâm niệm tưởng sở, các pháp lành nương vào tâm mà sanh. Lại, Tỳ-kheo ấy nương ở nơi làng xóm, tình thần khổ nhọc mới được y phục, thức ăn. Người ấy làm thế nào để sanh pháp lành, ở nơi làng kia không đi xa?.

Phật bảo A-nan:

- Những vật dụng như y phục, mền nệm, thức ăn, giường nằm, tọa cụ, thuốc men, có ba loại. Nếu Tỳ-kheo chuyên nhớ nghĩ tứ sự cúng dường, điều mong ước không đạt kết quả, thì vật dụng đó là khổ. Nếu có tâm biết đủ, không khởi tưởng tham trước thì chư Thiên, loài hoan hỉ với vị ấy. Lại, Tỳ-kheo nên học như thế. Do đó, Ta nói nghĩa này. Thế nên, này A-nan! Tỳ-kheo nên nhớ nghĩ vế ít muốn, biết đủ. Như thế, A-nan, nên học điều này bây giờ, A-nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

4. Tôi nghe như vậy:

Một thời Phật ở tại vườn Bà-la.

Bấy giờ, Thế Tôn đến thời đắp y mang bát vào trong làng Bà-la khất thực. Lúc đó tệ ma Ba-tuần liền khởi ý nghĩ: 'Nay Sa-môn này muốn vào làng khất thực, ta sẽ dùng cách bảo các người nam nữ đừng cúng dường thức ăn'.

Tệ ma Ba-tuần bèn bảo khắp các dân chúng trong làng, khiến đừng bố thí thức ăn cho Sa-môn Cù-đàm. Bấy giờ, Thế Tôn đi vào làng khất thực, tất cả mọi người đều không nói chuyện với Ngài, cũng không ai đến thừa sự cúng dường. Rốt cuộc Như Lai khất thực không được, bèn đi khỏi làng. Khi ấy tệ ma Ba-tuần đi đến chỗ của đức Thế Tôn, hỏi rằng:

- Sa-môn! Khất thực chẳng được phải chăng?.

Thế Tôn bảo:

- Do Ma xúi sử, khiến ta không nhận được thức ăn, chẳng bao lâu Ngươi sẽ chịu quả báo ấy. Nay Ngươi hãy nghe Ta nói: Trong thời Hiền kiếp, có đức Phật hiệu là Câu-lưu-tôn Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật,Thế Tôn, xuất hiện ở đời.

Lúc đó, đức Phật kia cũng ở tại làng, cùng với bốn mươi vạn chúng. Bấy giờ, tệ ma Ba-tuần bèn khởi ý nghĩ rằng. 'Nay ta tìm cách đối phó với Sa-môn này, trọn không đựơc kết quả'. Ma lại khởi nghĩ: 'Nay ta sẽ bảo khắp hết dân chúng trong làng Bà-la, khiến họ đừng bố thí thức ăn cho Sa-môn'.

Khi ấy, Thánh chúng đắp y mang bát vào làng khất thực, rốt cuộc các Tỳ-kheo không được thức ăn, bèn ra khỏi làng trở về. Bấy giờ, đức Phật Câu-lưu-tôn dạy các Tỳ-kheo pháp vi diệu này:

- 'Phàm quán thức ăn có chín loại, là bốn loại thức ăn của người xuất thế.

Thế nào là bốn loại thức ăn của người thế gian ? Một là đoàn thực, hai là cánh lạc thực, ba là niệm thực, bốn là thức thực. Ðó là thế gian có bốn loại thức ăn.

Thế nào là năm loại thức ăn tiêu biểu của xuất thế ? Một là thiền thực, hai là nguyện thực, ba là niệm thực, bốn là bát giải thoát thực, năm là hỉ thực. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là năm loại thức ăn tiêu biểu của xuất thế gian. Nên cùng chuyên nghĩ, nhớ trừ bỏ bốn loại thức ăn thế gian, tìm cách thành tựu năm loại thức xuất thế. Như thế, Tỳ-kheo nên học điều này'.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy rồi, liền tự mình khắc phục, thành tựu xong năm loại thức ăn. Lúc ấy, Ba-tuần kia không phá được, bèn nghĩ rằng: 'Nay ta không thắng được Sa-môn này, ta sẽ tìm cách qua các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý được tiện lợi chăng ?'.

Khi ấy, hàng đệ tử Thanh văn của đức Phật đó, đến thời đắp y mang bát vào làng khất thực. Dân chúng trong làng Bà-la cung cấp cho các Tỳ-kheo y phục, mền nệm, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men không để thiếu thốn. Họ đều đến trước nắm y Tăng-già-lê, đem vật cưỡng ép thí cho.

Khi ấy, đức Phật đó vì chúng Thanh văn nói pháp này: 'Phàm lợi dưỡng là rơi vào đường ác, khiến cho không thể đến chỗ vô vi. Tỳ-kheo các Thầy chớ hướng về tâm niệm đắm trước, với lợi dưỡng nên nghĩ lìa bỏ. Nếu có Tỳ-kheo tham trước lợi dưỡng thì sẽ không thành tựu năm phần pháp thân, không đầy đủ giới đức.

Cho nên, này các Tỳ-kheo, tâm lợi dưỡng chưa sanh nên khiến không sanh, tâm lợi dưỡng đã sanh nên mau trừ diệt. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này !

Khi ấy, ma Ba-tuần liền ẩn hình mà đi.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

5. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Kỳ-kheo:

- Nên thực hành tâm từ, lưu truyền rộng lớn tâm từ. Do thực hành tâm từ, tâm sân nhuế sẽ tự tiêu diệt. Vì sao? Tỳ-kheo nên biết ! Xưa có một ác quỷ rất xấu xí hung bạo đến chỗ của Thích-đề-hoàn-nhân, leo lên tòa ngồi. Khi ấy chư Thiên cõi trời Ba mươi ba rất là sân giận: 'Tại sao ác quỷ này ngồi trên tòa của Thiên chủ ta ?'. Khi ấy, chư Thiên vừa khởi tâm sân, ác quỷ kia liền đổi sắc mặt đoan chánh thù thắng hơn thường.

Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân đang ngồi tại giảng đường Phổ tập, cùng vui chơi với ngọc nữ. Có vị trời đến chỗ Thích-đề-hoàn-nhân, thưa Ðế thích rằng:

- 'Cù-dực nên biết ! Hiện nay có một ác quỷ ngồi trên tôn tòa, chư Thiên cõi trời Ba mươi ba rất giận dữ. Chư Thiên vừa khởi sân nộ, quỷ kia bèn biến đổi dung mạo đoan chánh đẹp hơn bình thường'.

Thích-đề-hoàn-nhân bèn khởi nghĩ rằng: 'Quỷ này ắt là quỷ thần diệu'. Thích-đề-hoàn-nhân bèn đi đến chỗ quỷ ấy, cách nhau không xa, tự xưng tánh danh:

- 'Tôi là Thích-đề-hoàn-nhân, chủ của chư Thiên'.

Lúc Thích-đề-hoàn-nhân tự xưng danh tánh, thì ác quỷ kia bèn biến thành hình thù xấu xí, sắc mặt khả ố. Ác quỷ ấy lập tức tiêu diệt.

Này các Tỳ-kheo! Do phương tiện này nên biết, thực hành lòng từ không lìa bỏ, đức kia cũng như thế.

Này các Tỳ-kheo ! Xưa kia, khi Ta vừa bảy tuổi, thường tu lòng từ, trải qua bảy kiếp thành, bảy kiếp hoại, không qua lại chốn sanh tử. Lúc kiếp sắp hoại, Ta liền sanh lên trời Quang Âm. Khi kiếp sắp thành, Ta liền sanh lên cõi trời Vô Tưởng, hoặc làm Phạm thiên thống lãnh chư Thiên, cai quản mười ngàn thế giới. Ta lại ba mươi bảy lần làm. Thích-đề-hoàn-nhân, lại có vô số lần làm Chuyển luân Thánh vương.

Này Tỳ-kheo! Do phương tiện này nên biết, thực hành lòng từ thì đức kia như thế. Lại nữa, người thực hành lòng từ thì khi thân hoại mạng chung được sanh lên Phạm thiên, lìa ba đường ác, rời bỏ tám nạn. Lại nữa, người thực hành lòng từ sanh trong quốc độ trung chánh. Lại nữa, người thực hành lòng từ dung mạo đoan chánh, các căn không thiếu, thân thể toàn vẹn. Lại nữa, người thực hành lòng từ đích thân được gặp Như Lai, thừa sự chư Phật, không ưa ở tại gia, muốn xuất gia học đạo, mặc ba pháp y, cạo bỏ râu tóc, tu theo pháp Sa-môn, tu Phạm hạnh vô thượng.

Tỳ-kheo nên biết! Cũng như người nuốt kim cang, trọn không thể tiêu hóa, phải lọt ra. Người thực hành lòng từ cũng lại như thế. Nếu Như Lai ra đời, cần phải hành đạo, tu Phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã hết, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không thọ thân lại, biết một cách như thật.

Khi ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu khi Như Lai không xuất hiện ở đời, thiện nam tử kia không ưa ở tại gia, phải thú hướng về đâu?

Phật bảo A-nan:

- Nếu khi Như Lai không xuất hiện, kẻ thiện nam tử ấy không ưa ở nhà thì tự cạo râu tóc ở chỗ vắng, tự khắc phục mình để tu tập. Vị ấy ngay ở chỗ ấy chấm dứt các hữu lậu, thành tựu hạnh vô lậu.

Khi ấy, A-nan bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu người kia tự tu Phạm hạnh, hạnh tam thừa thì người ấy thú hướng nơi nào?

Phật bảo A-nan:

- Như lời thầy nói. Ta thường dạy hạnh Tam thừa, chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều nói về pháp Tam thừa.

A-nan nên biết! Hoặc có lúc các loài chúng sanh, dung mạo, thọ mạng dần dần giảm thiểu, hình thể xấu xa yếu ớt, không có oai thần; nhiều sân nộ, tật đố, nghi ngờ, gian ngụy, huyễn hoặc, việc làm không chơn chánh. Hoặc lại có người mạnh mẽ lanh lợi, lần lượt đấu tranh, cùng nhau nghinh chiến; hoặc dùng tay cầm ngói, gạch, dao, gậy giết hại, làm tổn thương cho nhau. Lúc ấy các loài chúng sanh cầm cọng cỏ liền biến thành dao kiếm giết mạng sống. Trong đó, có những chúng sanh thực hành lòng từ, không sân nộ, thấy những sự thay đổi quái dị này, đều sợ hãi, tất cả cùng chạy xa khỏi chỗ ác độc này. Họ vào trong rừng núi, tự nhiên cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, tu Phạm hạnh vô thượng, tự mình khắc phục tu hành, chấm dứt tâm hữu lậu, được giải thoát, bèn vào cảnh giác vô lậu. Mỗi người đều nói với nhau rằng: 'Chúng ta đã thắng được oan gia'.

A-nan nên biết! Người ấy gọi là tối thắng.

Khi ấy, Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

- Người ấy ở tại bộ nào? Thanh văn bộ, Bích-chi bộ hay Phật bộ?

Phật bảo A-nan:

- Người ấy là chính ở tại Bích-chi bộ. Vì sao? Do người làm các công đức, tạo các gốc lành, tu Tứ đế thanh tịnh, phân biệt các pháp. Phàm thực hành pháp lành tức là lòng từ vậy. Vì sao? Lòng nhân trùm khắp, thực hành lòng từ, đức ấy rộng lớn. Xưa kia Ta mặc giáp nhân từ này, hàng phục quyến thuộc quân ma, dưới cội đạo thọ thành đạo vô thượng.

Do phương tiện này nên biết, lòng từ là tối thượng bậc nhất, từ là pháp tối thắng. A-nan nên biết, cho nên gọi người thực hành, lòng từ tối thắng, đức kia như thế, không thể tính kể, nên tìm phương tiện tu hành lòng từ. Như thế, A-nan, nên học điều này!

Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong vui vẻ vâng làm.

*

6. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất, sáng sớm từ tịnh thất đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Khi ấy, Phật bảo Xá-lợi-phất:

- Hôm nay, các căn của Thầy thanh tịnh, vẻ mặt khác người, nay Thầy dạo trong tam-muội nào?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Con thường dạo trong Không tam-muội.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

- Lành thay, lành thay! Xá-lợi-phất có thể dạo trong Không tam-muội. Vì sao? Trong các tam-muội, Không tam-muội là bậc nhất. Tỳ-kheo dạo trong Không tam-muội, không chấp ngã, nhơn, chúng sinh, thọ mạng cũng không thấy có gốc ngọn các hành. Ðã không thấy thì cũng không tạo các hành, đã không thì không nhận có thân. Ðã không thọ thân thì chẳng thọ quả báo khổ vui.

Xá-lợi-phất nên biết! Xưa kia Ta chưa thành Phật, ngồi dưới cội cây, liền khởi ý nghĩ nầy: 'Các chúng sanh do không được pháp gì mà lưu chuyển sanh tử không giải thoát?' Khi ấy Ta lại khởi ý nghĩ nầy: 'Vì chẳng có Không tam-muội nên lưu chuyển sanh tử, không được đến chỗ giải thoát rốt táo. Có Không tam-muội này, nhưng chúng sanh chưa khắc phục được, khiến chúng sanh khởi tưởng đắm trước. Do khởi tưởng thế gian bèn chịu phận sanh tử. Nếu được Không tam-muội này, cũng không sở nguyện, liền được Vô nguyện tam-muội, đã được Vô nguyện tam-muội, không mong cầu chết đây sanh kia, hết thảy đều không tưởng niệm. Khi ấy, hành giả kia lại được Vô tưởng tam-muội, có thể tự vui thích. Chúng sanh do không được ba tam-muội ấy nên lưu chuyển sanh tử'.

Ta quán sát các pháp xong, liền được Không tam-muội. Ðã được Không tam-muội liền thành đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Bấy giờ, đang khi Ta được Không tam-muội, suốt bảy ngày bảy đêm Ta ngồi quan sát dưới cội đạo thọ, không chớp mắt.

Xá-lợi-phất! Do phương tiện này nên biết, đối với các tam-muội, Không tam-muội là tam-muội đệ nhất. Vua trong các tam muội chính là Không tam-muội vậy. Xá-lợi-nhất! Nên tìm phương tiện thành tựu Không tam-muội. Như thế, Xá-lợi-phất, nên học điều này!

Bấy giờ, Xá-lợi-phất nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

*

7. Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, trong thành La-duyệt có trưởng giả tên Thi-lợi-quật, giàu có nhiều vàng bạc trân bảo, xa cừ, mã não, không thể tính kể. Ông lại không gần gũi Phật pháp, chỉ phụng sự ngoại đạo Ni-kiền Tử, vua quan đại thần thảy đều biết rõ.

Khi ấy, những người tại gia, xuất gia trong nhóm ngoại đạo Ni-kiền Tử bàn luận với nhau rằng: 'Có ta, chấp có thân ta'. Họ nhóm họp với Lục sư ngoại đạo, bàn luận thế này: 'Nay Sa-môn Cù-đàm việc gì cũng biết, có Nhất thiết trí. Song chúng ta không được lợi dưỡng, nay Sa-môn ấy được nhiều lợi dưỡng, chúng ta cần tìm cách khiến cho ông ấy không được lợi dưỡng. Chúng ta nên đến nhà trưởng giả Thi-lợi-quật, bảo trưởng giả tìm phương kế'.

Lúc ấy, ngoại đạo Phạm chí Ni-kiến Tử cũng Lục sư, đi đến nhà trưởng giả Thi-lợi-quật, nói với trưởng giả rằng:

- Trưởng giả nên biết! Chúng ta do Phạm thiên sanh, là con của Phạm thiên, có nhiều lợi ích. Nay trưởng giả nên đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, vì thương chúng tôi, nên thỉnh Sa-môn cùng chúng Tỳ-kheo về nhà cúng dường. Trưởng giả lại nên sai làm hầm lửa lớn trong nhà, lửa cháy hừng, tất cả thức ăn đều bỏ thuốc độc, mời họ đến ăn. Nếu Sa-môn Cù-đàm có Nhất thiết trí, biết rõ việc ba đời thì không nhận lời mời. Nếu Ông ấy không có Nhất thiết trí, sẽ nhận lời mời, đem đệ tử đi, thảy đều bị lửa thiêu đốt. Người, Trời được an lạc, không có tai họa.

Khi ấy, trưởng giả Thi-lợi-quật lặng yên theo lời Lục sư, liền ra khỏi thành đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, đem lòng tạp độc mà bạch Phật:

- Cúi xin Thế Tôn và chư Tỳ-kheo Tăng nhận lời thỉnh của con.

Bấy giờ, Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm trưởng giả, im lặng nhận lời.

Thi-lợi-quật thấy Như Lai đã im lặng nhận lời mời, liền đứng dậy cúi đầu lễ chân Phật lui ra. Giữa đường, ông bèn nghĩ: 'Nay các thầy Lục sư của ta nói chắc thật rõ ràng, còn Sa-môn Cù-đàm không biết ý nghĩ trong tâm ta, chắc chắn sẽ bị lửa đốt cháy'.

Thi-lợi-quật trở về nhà, sai đào hầm lớn, đốt lửa to rồi sai chuẩn bị các thức ăn, thảy đều tẩm thuốc độc, lại ở ngoài cửa đào hầm lớn, đốt lửa cháy to, trên hầm lửa sắp đặt chỗ ngồi, tẩm thuốc độc vào thức ăn xong, bèn đến bạch Phật, đúng thời.

Bấy giờ, Thế Tôn biết đến thời, đắp y mang bát, dắt chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau, đến nhà trưởng giả.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy không được đi trước Ta, cũng không được ngồi trước Ta, không được ăn trước Ta.

Khi ấy, nhân dân trong thành La-duyệt nghe Thi-lợi-quật làm hầm lửa lớn và làm thức ăn độc, thỉnh Phật cùng chúng Tỳ-kheo. Bốn bộ chúng đều khóc lóc, cho rằng chẳng lẽ Như Lai và chúng Tăng bị hại ư? Hoặc có người đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, bạch rằng:

- Cúi xin Thế Tôn đừng đi đến nhà trưởng giả ấy. Ông ấy làm hầm lửa lớn và làm thức ăn độc.

Phật bảo:

- Các Người chớ sợ, Như Lai không bị ai làm hại. Giả sử trong cõi Diêm-phù-đề lửa cháy đến Phạm thiên, còn không thể thiêu đốt Ta được, huống gì chút lửa nhỏ này muốn hại Như Lai, trọn không việc ấy. Này Ưu-bà-tắc! Nên biết Ta không có tâm hại.

Bấy giờ, Thế Tôn cùng chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau, vào thành La-duyệt đến nhà trưởng giả. Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các Thầy chớ vào nhà trưởng giả trước, cũng đừng ăn trước, nên đợi Như Lai ăn rồi sau hãy ăn.

Thế Tôn vừa bước lên ngạch cửa, hầm lửa tự nhiên hóa thành ao nước trong mát, đầy các thứ hoa trong ấy, cũng nảy sanh hoa sen lớn như bánh xe, cọng hoa bằng bảy báu, cùng nảy sanh các loại hoa sen khác, ong chúa bay dạo trong ấy. Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhân, Phạm thiên vương và Từ thiên vương, Càn-thát-bà, A-tu-la và các Dạ-xoa, Quỷ thần, thấy trong hầm lửa sanh hoa sen này, đều vui mừng khen ngợi, cùng khắp lời đồng tiếng, nói rằng:

- Như Lai là bậc tối thắng đệ nhất.

Trong nhà trưởng giả có các ngoại đạo dị học tụ tập trong ấy. Hàng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thấy sức biến hóa của Như Lai, đều vui mừng hớn hở không thể tự kềm. Ngoại đạo dị học thấy sức biến hóa của Như Lai rồi, rất buồn lo. Các tôn thần trên hư không rải các thứ danh hoa trên thân Như Lai. Bấy giờ, Thế Tôn đi trên không cách đất bốn tấc đến nhà trưởng giả, nơi Ngài vừa nhấc chân lên, liền nảy sanh hoa sen to như bánh xe. Ðức Thế tôn quay sang bên phải, bảo các Tỳ-kheo:

- Tất cả các Thầy đều đi trên hoa sen này.

Các Thanh văn đều bước trên hoa sen đến nhà trưởng giả. Bấy giờ, Thế Tôn nói một thí dụ cổ tích:

- Từ quá khứ đến nay, Ta đã từng cúng dường hằng sa chư Phật, thừa sự lễ kính chưa từng trái ý, đem lời thệ nguyện chí thành này khiến các tòa ngồi đều vững chắc.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nay Ta cho phép các Tỳ-kheo, trước lấy tay vịn ghế, sau hãy ngồi, đây là lời dạy của Ta.

Thế Tôn và chư Tỳ-kheo Tăng đều đến ghế ngồi, dưới những ghế ấy đều nảy sanh hoa sen thơm ngát.

Khi ấy, Thi-lợi-quật thấy sự biến hóa của đức Phật như vậy, bèn khởi nghĩ: 'Ta đã bị ngoại đạo dị học lừa gạt, làm mất con đường trong cõi người của ta, và vĩnh viễn mất con đường cõi trời'. Tâm ý ông tức giận như ăn nhằm thuốc độc: 'Chắc ta sẽ bị rơi trong ba đường ác, Như Lai xuất thế thật là khó gặp'. Biết điều này rồi, ông liền khóc lóc, cúi đều lễ chân Phật, bạch rằng:

- Cúi xin Như Lai cho con sám hối lỗi lầm, sửa điều đã qua, chỉnh điều sắp đến. Con tự biết có tội xúc phạm đến Như Lai. Cúi xin Thế Tôn nhận sự sám hối của con, không dám tái phạm.

Phật bảo:

- Này Trưởng giả! Cải hối, bỏ ý cũ mới có thể tự biết là xúc phạm Như Lại. Pháp của Thánh hiền rất rộng lớn, cho phép Ông cải hối, theo pháp mà bỏ. Nay Ta nhận lời Ông sám hối, sau chớ phạm lại.

Nói như vậy ba lần.

Bấy giờ, vua A-xà-thế nghe trưởng giả Thi-lợi-quật làm hầm lửa lớn và thức ăn độc muốn hại Như Lai. Nghe xong, vua nổi giận đùng đùng, bảo các quần thần:

- Phải giết hết những người tên Thi-lợi-quật trên toàn cõi nước.

Nhà vua lại nhớ đến công đức của Như Lai, buồn khóc rơi lệ, ném bỏ mũ thiên triều, bảo quần thần:

- Này ta còn sống làm gì mà để Như Lai bị lửa đốt cháy, cùng với các Tỳ-kheo đều bị thiêu. Các Ông mau đến nhà trưởng giả xem Như Lai thế nào?

Bấy giờ, Vương tử Kỳ-bà-già tâu vua A-xà-thế rằng:

- Ðại dương! Xin chớ lo buồn, cũng chớ khởi ý ác. Vì sao? Như Lai không bị người khác làm hại. Hôm nay trưởng giả Thi-lợi-quật sẽ làm đệ tử đức Như Lai. Cúi xin Ðại vương nên đến xem sự biến hóa.

Vua A-xà-thế nghe lời Kỳ-bà-già an ủi, bèn cỡi voi lớn Tuyết Sơn lập tức đến nhà trưởng giả Thi-lợi-quật, xuống voi liền vào nhà trưởng giả. Bấy giờ, những người tụ tập ngoài cửa có đến tám vạn bốn ngàn người. Khi vua A-xà-thế thấy bông sen lớn như bánh xe, vui mừng hớn hở không thể tự kềm, nói rằng: 'Như Lai thường thắng bọn ma'. Vua bảo Vương tử Kỳ-bà-già:

- Lành thay, Kỳ-bà-già! Ta mới tin thật Như Lai có việc lạ như thế!

Khi ấy, vua A-xà-thế đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Vua A-xà-thế thấy từ miệng Phật phát ra ánh sáng, cũng thấy sắc mặt Thế Tôn thù thắng phi thường, nhà vua vui mừng không thể tự kềm.

Bấy giờ, trưởng giả Thi-lợi-quật bạch Phật:

- Thức ăn của con sắp đặt đều có thuốc độc, cúi xin Thế Tôn chờ giây lát, con sẽ dọn thức ăn khác. Vì sao? Con không muốn thân thể Như Lai bị tổn hại.

Phật bảo trưởng giả:

- Như Lai và đệ tử trọn không bị người hại. Này Trưởng giả! Thức ăn đã sắp đặt xong nên tùy thời cúng dường.

Trưởng giả tự tay sớt thức ăn. Thế Tôn bèn nói kệ:

Quy y Phật, Pháp, Tăng,
Ðộc hại không tổn đến,
Chư Phật không có độc,
Quy y Phật, dẹp độc,
Quy y Phật, Pháp, Tăng,
Ðộc hại không tổn đến,
Chư Phật không có độc,
Quy y Pháp, dẹp độc.
Quy y Phật, Pháp, Tăng.
Ðộc hại không tổn đến,
Chư Phật không có độc.
Ðộc tham dục, sân nhuế,
Thế gian trọn không độc,
Quy y Phật, dẹp độc.
Ðộc dục, nộ, sân nhuế,
Ba độc thế gian này,
Như Lai, Pháp không độc,
Quy y Pháp, dẹp độc.
Ðộc dục, nộ, sân nhuế,
Thế gian có ba độc,
Như Lai, Tăng không độc,
Quy y Tăng, dẹp độc.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ ấy xong, liền dùng thức ăn tạp độc. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Các thầy chớ ăn trước, nên đợi Như Lai ăn xong, sau rồi hãy ăn.

Trưởng giả tự tay san sớt các thức ăn uống cúng dường Phật và Tỳ-kheo Tăng. Trưởng giả Thi-lợi-quật thấy Phật ăn xong, dọn rửa bát, rồi ngồi trên một ghế thấp trước đức Phật. Bấy giờ, Thế Tôn vì trưởng giả và tám muôn bốn ngàn dân chúng nói pháp vi diệu. Ðó là những pháp bố thí, trì giới, sanh thiên, dục tưởng bất tịnh, dục là họa lớn, xuất yếu là vui. Như Lai quán sát tâm trưởng giả và tám vạn bốn ngàn chúng, thấy ai nấy tâm khai ý giải, không còn trần cấu. Những pháp chư Phật thường nói như Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, Ngài cũng đem dạy hết cho tám vạn bốn ngàn chúng, phân biệt, giảng rộng hạnh kia. Bấy giờ, hội chúng ngay tại chỗ ngồi dứt sạch trần cấu, được pháp nhãn tịnh, cũng như áo mới dễ nhuộm màu sắc.

Trưởng giả kia cũng thế, ngay tại chỗ ngồi đã thấy dấu đạo, đã thấy pháp, đắc pháp, phân biệt các pháp, vượt khỏi sự nghi ngờ, được điều không sợ hãi, không còn theo ngoại đạo, tự quy y Phật, Pháp Tăng, thọ năm giới. Trưởng giả Thi-lợi-quật tự biết mình được dấu đạo, bạch Phật rằng:

- Cúng thí thức ăn độc cho Như Lai lại được quả báo lớn, không như cúng vị cam lồ cho các ngoại đạo dị học lại bị tội. Vì sao? Hôm nay con đem thức ăn độc mời Phật và Tỳ-kheo Tăng, ở trong hiện pháp được sự chứng nghiệm này. Con bị các ngoại đạo ấy làm mê lầm lâu dài, nên mới dấy khởi tâm niệm ác đối với Như Lai. Người nào vâng theo ngoại đạo dị học đều rơi vào biên tế. Phật bảo trưởng giả:

- Như lời Ông nói không khác, đều là bị bọn họ dối gạt.

Bấy giờ, Thi-lợi-quật bạch Phật:

- Từ đây về sau, con không còn tin theo các ngoại đạo dị học ấy nữa. Con cũng không muốn cho bổn hộ chúng tại gia cúng dường bọn họ.

Phật bảo trưởng giả:

- Chớ nói như vậy. Vì sao? Nay Ông thường cúng dường các ngoại đạo ấy. Bố thí cho loài súc sanh, phước đức kia khó lường, huống gì cúng thí cho người. Nếu có ngoại đạo dị học hỏi rằng Thi-lợi-quật là đệ tử của ai. Ông sẽ đáp thế nào?

Thi-lợi-quật liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chấp tay bạch Phật:

- Dũng mãnh mà giải thoát, nay được làm thân người, là tiên nhân thứ bảy, là đệ tử của đức Thích-ca Văn.

Thế Tôn bảo:

- Lành thay, Trưởng giả! Có thể nói lời khen vi diệu này. Ngài nói kệ:

Tế lễ, lửa là trên.
Thi thơ, tụng là trên,
Trong người, vua trên hết,
Các dòng, biển là nguồn.
Các sao, trăng sáng nhất,
Ánh sáng, mặt trời nhất,
Trên dưới và bốn phương,
Tất cả loài hữu hình,
Chư Thiên và thế gian,
Phật là tối đệ nhất,
Muốn tìm cầu phước đức,
Nên cúng dường Chánh Giác.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ xong liền đứng dậy. Trưởng giả Thi-lợi-quật và những người đến dự hội, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

-ooOoo-