Từ xưa cho đến khi thành lập Dân quốc, nước Trung Hoa rộng lớn tuy
có đủ văn minh, mỹ thuật, mà phần chính trị vẫn lộn xộn luôn. Trên hết
là Hoàng đế với cả ngàn cung phi mỹ nữ, trong tay nắm đủ oai quyền, vận
mạng của nhân dân. Rõ ràng là một bậc vinh hiển đặc biệt, lắm người
trông thấy mà ham muốn vô cùng. Cho nên ngôi vua thường hay thay đổi,
khi về một viên quan có đảng phái, lúc về một người có mưu trí hơn
người. Vua thường mài miệt với cuộc vui chơi, rượu trà, mềm mại với điệu
phú quý phong lưu, không mấy người biết lo vì dân chúng, tha hồ lả lơi
nghiêng ngửa, và thế là bị đánh đổ đi. Rồi mỗi lần thay bậc đổi ngôi là
mỗi lần có lộn xộn về nội trị. Lại thêm một nỗi về phía trên có một dân
tộc hung hãn, là dân Mông Cổ, vẫn thường hay chờ thời mà kéo xuống cướp
phá và cai trị.
Bởi những cuộc lộn xộn ấy, Phật giáo không được tiến bộ nhanh ở Trung
Hoa. Khi con người mãi lo việc mang cung lên ngựa, vướng mắc vào việc
chiến tranh, đảng này phe nọ, ai cũng lo giữ lấy phần mình và giật lấy
phần người, ai cũng theo đuổi sự trung thành với đảng phái mình, theo
đuổi nghĩa vụ của con nhà tướng trải gan giúp nước, người ta rất hững hờ
với đạo lý từ bi. Trong cuộc đánh giết nhau, người ta ngỡ rằng kẻ giết
người nhiều hơn hết là hạng anh hùng đáng kính. Dẫu có chết cũng được
làm thánh thần. Thế là càng giết lại càng hay! Vậy nên Phật giáo truyền
bá qua Trung Hoa trước thế kỷ đầu theo dương lịch, mà mãi đến khi ngài
Huyền Trang đi thỉnh kinh về mới được hưng thịnh.
Vào đời vua Lương Võ Đế, khoảng năm 520 đã có Đạt Ma Tổ sư qua mở đạo ở
Trung Hoa, nhưng rất lấy làm khó nhọc nguy nan. Vì lúc đạo Phật qua
Trung Hoa thì đạo Khổng đang mạnh, quan quyền và các nhà quý tộc đều là
nhà Nho, họ bảo thủ đạo Khổng mà đánh đổ đạo Phật luôn. Họ bảo thủ một
cách rất cố chấp và thiên lệch, cho rằng nếu dân theo Phật giáo thì
không còn biết trung thành với vua, với nước, không còn biết cư xử theo
nhân luân, làm tuyệt dòng giống và giảm số người! Họ được vua tin nghe.
Song đạo Phật nhờ trọng sự từ, bi, hỷ, xả nên dần dần hưng thịnh. Và
cũng có nhiều nhà có thế lực, phú gia, đại thần, tể tướng cổ động và
truyền bá ra, đến các vị vua cũng nhận làm Chánh đạo cho dân thờ. Cho
nên đạo Phật càng ngày càng mạnh và lan ra khắp nơi. Đến sau ngài Huyền
Trang đi thỉnh kinh sách về, bèn gia công dịch lại. Nhất là việc Ngài
dịch và bổ cứu ba tạng kinh, tức là giáo lý đạo Phật.
Một đàng Đạt Ma Tổ sư đem Chánh pháp truyền qua, kế đó các sư Tây-vức
tiếp tục truyền vào; một đàng khác ngài Huyền Trang thỉnh kinh rước Phật
bên Ấn Độ về. Nước Trung Hoa nhờ thọ lấy cái tinh thần Phật giáo nơi
mấy vị mà nền văn minh càng thêm sáng rỡ, tinh anh.
Con người nhiều khi bị nạn khổ như nạn đao binh mà hồi tâm hướng thiện,
bèn nương theo giáo lý từ bi, biết trông lên mà vái lạy Phật trời.
Bức tranh Tổ Bồ-đề
Đạt-ma này được vẽ
từ thế kỷ 15, đề tựa là
Lão Hồ phương Tây.