Bồ Tát Quán Thế Âm là một trong những hình tượng gần gũi nhất với hầu
hết tín đồ Phật giáo, dù ở bất cứ nơi đâu, dù thuộc tầng lớp nào. Ngài
là biểu tượng của lòng đại bi, nền tảng của mọi công hạnh tu tập, mà
cũng là chỗ nương cậy mong cầu cứu khổ của tất cả chúng sinh. Vì thế,
các bậc hành giả khi tu tập đều quy hướng về Ngài như một tấm gương sáng
để noi theo, mà tất cả chúng sinh đang khổ đau cũng quy hướng về Ngài để
được chở che, dắt dẫn. Cho nên, chúng ta cũng không lấy gì làm lạ khi từ
kẻ quê mùa cho đến hàng trí giả, ai ai cũng thường cung kính niệm tưởng
đến Ngài.
Hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm Đại Từ Đại Bi được miêu tả trong rất nhiều
kinh luận, đặc biệt là ở phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa, nhưng đối với
hầu hết những người dân quê chất phác thì họ thường không được biết đến
Ngài qua việc học tập, nghiên cứu kinh luận, mà là trực tiếp qua những
câu chuyện kể hoặc sự hiển linh của ngài trong cuộc đời mà họ đã có lần
được trực tiếp chứng kiến, trải qua hoặc nghe người thân kể lại. Sự linh
cảm của Bồ Tát Quán Âm cứu khổ cứu nạn bao giờ cũng chứng minh rõ ràng
cho câu “hữu thành tất ứng” (có tâm chí thành chắc chắn sẽ được ứng
nghiệm), nên là người Phật tử hầu như không ai hoài nghi về sự cảm ứng
nhiệm mầu khi cầu khấn vị Bồ Tát này.
Những câu chuyện kể về sự hiển linh cảm ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm có
thể nói là rất nhiều, từ những chuyện xa xưa truyền lại cho đến những
chuyện vừa xảy ngay trong đời hiện tại này; mỗi mỗi đều cho thấy lòng
đại từ đại bi và bản nguyện cứu khổ cứu nạn của Ngài là bất khả tư nghị,
là nhiệm mầu không thể nghĩ bàn! Chính người viết những dòng này cũng đã
từng tận mắt chứng kiến những sự linh hiển, và bản thân cũng đã từng cảm
nhận được sự từ bi cứu khổ của Ngài, nên càng thấy rằng những điều ghi
trong kinh luận là không thể nghi ngờ, mà những truyền thuyết về Ngài
cũng không phải là hư huyễn!
Đạo hữu Giao Trinh, pháp danh Diệu Hạnh – hiện định cư tại Pháp – đã dày
công sưu tầm và kể lại trong tập sách này rất nhiều truyền thuyết về Bồ
Tát Quán Thế Âm. Đây đều là những câu chuyện hay đã được chọn lọc, chẳng
những nêu rõ được tâm đại từ đại bi của Bồ Tát, mà còn cho thấy những sự
nhân quả báo ứng như bóng theo hình, khiến người xem không khỏi phải
tĩnh tâm suy ngẫm!
Vì là truyền thuyết, nên tất nhiên là không hoàn toàn giống như những gì
được miêu tả trong chính văn kinh lục. Bởi hình tượng Bồ Tát Quán Âm ở
đây được khắc họa bằng tâm thức của người kể chuyện, hoàn toàn khác với
cách diễn đạt chuẩn mực trong kinh lục. Mà những người kể chuyện, truyền
tụng những câu chuyện này từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang
thế hệ khác, đều là những người bình dân chất phác. Họ theo trí nhớ mà
kể cho nhau nghe, nên đồng thời cũng thêm thắt hoặc miêu tả sự kiện ít
nhiều theo với cách suy nghĩ, tâm tư của chính mình. Bởi vậy, người xem
đừng lấy làm lạ khi bắt gặp những chi tiết như Bồ Tát “nổi giận” hoặc
“căm giận”, hoặc “giận muốn đứt hơi”... Đó đều là những cách nói chơn
chất của người kể chuyện, vốn không phải là người học nhiều kinh luận,
chỉ kính tin Tam Bảo bằng vào trực giác mà thôi. Ngay cả với những chi
tiết diễn ra trong truyện, người xem cũng nên lưu ý phân biệt nhận hiểu
theo cách này...
Nhưng dù sao đi nữa, các nhà nghiên cứu cũng đều phải thừa nhận một điều
là những câu chuyện truyền thuyết luôn chứa đựng trong đó những sự kiện
thật. Chẳng hạn, nhiều chi tiết lịch sử, nhiều nhân vật có thật cũng
xuất hiện trong những câu chuyện này... Chỉ có điều là sự mô tả bao giờ
cũng có ít nhiều thay đổi theo với sự nhận thức của quảng đại quần
chúng. Hoặc như tên gọi các danh lam thắng tích được xuất phát từ những
truyền thuyết có liên quan cũng có thể cho ta thấy tính chất thật có của
một phần nào những câu chuyện như thế đã từng xảy ra trong quá khứ.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là những truyền thuyết này đều đã tồn tại
trong dân gian qua một quãng thời gian rất lâu. Điều này cho thấy sự
cuốn hút của nội dung cũng như những tình tiết trong đó, và đồng thời
làm nổi bật lên hình tượng của một vị Bồ Tát Quán Thế Âm Đại Từ Đại Bi
Cứu Khổ Cứu Nạn trong tâm thức của quảng đại quần chúng, tuy có ít nhiều
khác biệt nhưng cũng chính là bổ sung cho hình tượng trang nghiêm thanh
tịnh của Ngài trong các kinh điển, và điều này càng cho thấy tính chất
hòa nhập, chuyển hóa của đạo Phật trong cuộc sống đầy dẫy khổ đau này.
Với những nhận định trên, xin trân trọng có đôi lời giới thiệu cùng quý
độc giả gần xa về một tác phẩm rất hay và có thể nói là vô cùng độc đáo
trong văn chương Phật giáo, xem như thay cho lời cảm ơn của bản thân tôi
đối với người đã dày công sưu tập một công trình giá trị và phổ biến để
làm lợi ích cho nhiều người.
Trân trọng
Nguyễn Minh Tiến