Ở đâu cũng có một ông thần thổ địa, giống như mỗi địa phương phải có một
quan chức an ninh vậy. Nhưng ở chân núi Hoa Oanh tỉnh Tứ Xuyên lại không
có thần thổ địa! Tại sao lạ thế? Về chuyện này, ở đây có một câu chuyện
khá thú vị được lưu truyền.
Lúc đó, ngôi chùa ở Ngũ Lý Pha dưới chân núi Hoa Oanh đang được trùng
tu. Dân chúng ở Ngũ Lý Pha là những Phật tử thuần thành, ai cũng đóng
góp tiền bạc mướn vài chục người thợ gạch, thợ nề về tu sửa ngôi chùa.
Nhưng chỗ xây cất cách thị trấn rất xa, trên núi lại khó kiếm thức ăn
thức uống, họ bèn mời một người tới chuyên lo nấu ăn cho thợ thuyền.
Nhưng điều kiện làm việc quá khổ cực, nào gánh nước, nào nấu nướng thật
là nhọc nhằn, người nào tới cũng chỉ làm được vài ngày rồi xin thôi vì
làm không nổi. Mời người khác đến thay thế chỉ được vài ngày rồi cũng
đi.
Một hôm, có một ông lão râu trắng đến tìm vị trưởng lão cai quản việc
sửa chữa ngôi chùa, nói rằng mình tự nguyện lên núi nấu cơm cho thợ. Vị
trưởng lão nhìn ông lão râu tóc bạc phau phau, tạng người thì gầy còm,
với cái tướng ấy thì làm sao gánh nước thổi cơm nổi? Nghĩ vậy, ông bèn
can:
– Thưa cụ, việc này không phải là một việc nhẹ nhàng đâu. Phải gánh
nước, phải thổi cơm; mà gánh nước thì phải đi thật xa mới có nước. Chùa
đã mời nhiều anh thanh niên trẻ tuổi về làm, mà tất cả đều chỉ làm có
vài hôm là xin nghỉ hết. Họ than cực quá làm không nổi, vậy thì cụ làm
sao chịu được?
Ông lão cười ha hả, trả lời:
– Làm nổi, làm nổi! Ông đừng chê tôi lớn tuổi, cái bộ xương già này còn
chịu cực được mà! Mấy ông thợ làm việc mệt nhọc như thế để xây chùa sửa
miếu, nếu không cho mấy ông ấy ăn uống đàng hoàng thì họ lấy sức đâu mà
làm? Xin trưởng lão an tâm, tôi cam đoan không thua gì bọn trai tráng
khoẻ mạnh đâu. Tôi không sợ mệt, dọn cơm chắc chắn không bao giờ trễ
nãi!
Trưởng lão nửa tin nửa ngờ nhưng không có lời nào để đối đáp với ông
lão. Hơn nữa, người có khả năng thì lại kiếm không ra nên đành chấp
thuận vậy.
Ông lão quả nhiên nói không ngoa, làm việc vượt hẳn bọn trai tráng. Ông
đi thật xa mới tới cái suối trên núi để múc hai thùng nước thật đầy gánh
về, đường đi cũng phải vài dặm, thế mà ông lão da mồi tóc bạc này lại
gánh một cách nhẹ nhàng thư thái, đi nhanh như bay, đi đi về về mấy lần
là các lu nước trong chùa đã đầy ắp.
Gánh nước xong xuôi ông lại lên đến giữa núi nhặt củi, và chẳng bao lâu
lại cõng về một bó củi thật to, thong thả ung dung chồng củi ở trước cửa
nhà bếp để phơi nắng cho khô.
Khoảng một giờ trước bữa ăn, ông mới bước vào nhà bếp và thật là thần
kỳ, chỉ trong một giờ mà ông đã sửa soạn xong bữa cơm cho vài chục người
ăn, tất cả đều được bày biện tươm tất trên bàn, cơm thơm phưng phức, rau
thơm lừng lựng, thợ thuyền ăn ngon miệng nên luôn luôn hớn hở tươi cười.
Ông lão là người rất tốt, gặp thợ thuyền lúc nào cũng chào hỏi chuyện
trò vui vẻ. Thợ mà có bệnh là ông lập tức lo lắng cho, đem trà đem nước
cho uống tận tình. Nhưng ông có một khuyết điểm lớn là hay nói, thích la
cà chuyện phiếm với những người thợ trẻ tuổi, mà nói toàn là chuyện nghe
có vẻ như khoác lác, thần kỳ, thí dụ lúc còn trai trẻ ông đã một mình
đánh đuổi được hơn một chục tên cướp, hay là ông ăn uống rất khoẻ, có
lần đánh cá với người ta ông đã tu cả chục cân rượu già một lúc... Ông
lại kể đã từng đánh nhau với yêu quỷ, rất nhiều hồ ly tinh đã bị ông
đánh cho chạy dài! Ngoài ra ông cũng đã gặp rất nhiều Bồ Tát, thần tiên
nữa...
Lúc cao hứng nói chuyện như thế, ông quên cả thời gian. Có một lần, gần
tới giờ cơm chiều rồi mà ông hãy còn đứng ba hoa với những người thợ mới
vừa bãi việc. Một vài người thấy trời sắp tối mới nhắc rằng:
– Ông bác ơi, ông nhìn xem đã giờ nào rồi, ông mau về nấu ăn đi chứ!
Trời đã sắp tối, ông chưa đi thì bao giờ mới được ăn cơm?
Ông lão nói:
– Ờ phải rồi, đúng đấy, trời đã sắp tối, nhưng mấy người đừng lo, tôi về
làm một tý là xong ngay!
Quả nhiên, ông lão về đến nhà bếp rồi, chỉ một chút xíu sau là gọi mọi
người vào bàn, và trên bàn cơm rau đã dọn ra sẵn sàng. Có người thấy
điều ấy lạ lùng bèn hỏi ông lão:
– Ông bác ơi, ông làm sao mà mau quá vậy?
Ông lão đáp:
– Ậy, tại làm xong từ trước lâu rồi!
Tuy nhiên cơm canh còn nóng hổi, còn bốc khói nghi ngút, không thể nào
nói là làm xong từ trước được. Tuy nhiên cũng chẳng ai nghi ngờ gì cả,
chỉ khen ông lão nhanh nhẹn và ăn cơm một cách khoái chí, vui vẻ.
Có một lần, ông lão lên núi gánh nước, gánh nước xong liền đi nhặt củi,
hôm ấy có thể nói là khó tìm hơn mọi lần nên ông lão đi thật lâu. Khi
ông vác củi trên đường về thì đi ngang qua công trường xây chùa, đúng
ngay lúc ấy có một người thợ sơ ý, bị một viên gạch từ trên nóc chùa rơi
xuống trúng lỗ đầu. Ông lão thấy thế bèn ở lại giúp mọi người săn sóc
nạn nhân, nào cõng ông ta đến một túp lều gần đó, vừa xức thuốc vừa băng
bó vết thương, bận bịu một lúc thì đã đến giữa trưa, phải có người nhắc
nhở:
– Ông bác à, gần giữa trưa rồi mà ông bác vẫn chưa đi làm cơm, bây giờ
làm sao cho kịp?
Ông lão chỉ nói:
– Úi dà, giữa trưa rồi, tôi phải đi gấp!
Lúc ấy thợ thuyền đã ngừng tay, cùng nhau đến phòng ăn, thì thấy ông lão
đi như bay vượt qua mặt họ. Mọi người nghĩ rằng ông lão đã giúp chăm sóc
người thợ bị thương quên cả làm cơm, nên chắc chắn hôm nay sẽ bị ăn trễ
và phải chờ đợi. Thế nhưng, kỳ lạ thay, khi họ vừa bước tới phòng ăn thì
thấy cơm canh nóng hổi đã dọn sẵn trên bàn, ông lão đứng đó không lộ vẻ
gì là cấp bách cả. Điều này làm cho mọi người phải kinh ngạc, thầm nghĩ
rằng ông lão này hẳn phải là thần tiên, ông chỉ tới trước có mấy phút mà
làm xong mọi sự rồi sao? Có người lại hỏi ông, ông bèn cười ha hả:
– Làm xong từ trước rồi!
Tuy nhiên từ hôm đó trở đi, có một người thợ để ý theo dõi ông lão. Theo
dõi ông một lúc thì khám phá ra rằng mỗi ngày ông lão chỉ gánh nước nhặt
củi chứ không hề làm cơm, cả ngày ông ở ngoài đường và hiếm khi đặt chân
vào nhà bếp. Thế nhưng ngày nào đi làm về cơm nước cũng được nấu nướng
xong xuôi chỉnh tề. Người thợ nọ không nhẫn nại được nữa, bèn hỏi thẳng
ông lão:
– Ông bác ơi, sao mỗi ngày chỉ thấy ông bác đi gánh nước nhặt củi chứ
không thấy nấu cơm, vậy thì cơm canh này ai nấu vậy?
Ông lão bị hỏi bất ngờ chỉ ấp a ấp úng, không nói được câu nào. Người
thợ lại hỏi:
– Ông bác, ông nói thật đi, có sao nói vậy, ông đừng có giấu cháu. Ông
bác có phải là Bồ Tát không?
Ông lão bị đẩy vào chân tường nên không có cách nào hơn là nói thật:
– Tôi không phải là Bồ Tát! Ôi, thôi được, tôi nói thật cho chú nghe,
cơm này không phải tôi nấu, chú muốn biết ai nấu thì đi theo tôi. Nhưng
có điều tôi cho chú xem, nhưng bằng bất cứ giá nào chú cũng không được
kể lại cho người khác biết. Chú mà nói ra là chết tôi đấy!
Nói xong ông lão đưa người thợ len lén đến nhà bếp, từ khe cửa bên ngoài
nhìn vào trong.
Ôi, trong bếp khói bốc mịt mù, quả nhiên có một người đang bận rộn thổi
cơm. Ban đầu, khói dày quá nên không nhìn rõ được người đang thổi cơm,
một lúc sau khói tan bớt đi thì mới thấy đó là một cô gái rất xinh đẹp,
người quấn một cái váy thêu hoa lan, thái rau làm bếp vừa khéo léo vừa
nhanh nhẹn.
Người thợ từ bên ngoài đờ người ra, anh ta phải kiễng chân để nhìn cho
rõ, quá kinh ngạc nên vô ý động phải cánh cửa khiến cánh cửa mở toang
ra. Cô gái thấy có người nhìn trộm bèn chui vào lò lửa đỏ rực mà biến
mất. Ông lão ngây người ra một lúc rồi than rằng:
– Ôi chao, chú nhìn trộm đủ rồi, can chi mà chú làm bật tung cánh cửa
vậy? Bây giờ khổ thân tôi rồi! Bồ Tát Quán Âm bắt tội tôi, tôi phải làm
sao đây?
Thì ra Bồ Tát Quán Âm biết chùa đang tu sửa xây cất mà thiếu người nấu
cơm, vấn đề trở nên nan giải, vì thế Ngài âm thầm đến để giúp đỡ. Ngài
bàn tính trước rất kỹ với thổ thần địa phương, chia việc ra minh bạch:
thần thổ địa thì gánh nước nhặt củi đồng thời giữ bí mật cho Ngài ở
trong nấu bếp. Nhưng vị này lại quá thích ba hoa nên đã để lộ bí mật.
Khi người thợ đi khuất rồi, Ngài Quán Âm mới từ lò lửa bước ra, trách
thần thổ địa rằng:
– Ông gánh nước thì lo gánh nước, ta đã dặn ông không được nói rùm beng
lên mà ông không nghe lời, còn đem người lạ đến nhìn trộm là nghĩa làm
sao?
Bồ Tát nói đến đây, bèn dùng cái phất trần đuổi muỗi quét một cái, quét
thần thổ địa bay ra xa tới hơn chục dặm, không cho ông được làm việc
chung với Ngài nữa.
Vì thế, chùa được trùng tu xong, ở núi Hoa Oanh, nguyên một vùng trong
vòng hơn mười dặm không có thần thổ địa