Ở miệt trên của bãi cát Bách Bộ sa và phía nam của Kỷ Bảo lĩnh, có một
cái động đá bị cây lá che phủ. Trong động có một cái đầm nước tên là
“giếng thần tiên”; nước giếng ngọt ngào, trong trẻo, hạn hán không khô,
lụt lội không tràn. Khách hành hương qua lại nơi ấy, ai cũng ngừng chân
lại uống một hớp nước tiên, họ cho rằng uống nước ấy vào thì mắt sáng
bệnh lành, sống lâu trường thọ.
Giếng tiên này từ đâu mà có vậy?
Xưa thật là xưa, có một anh chàng tiều phu trẻ tuổi, dựng một túp lều
tranh ở triền núi phía nam để nương thân qua ngày. Muốn đi từ chùa trước
qua tới chùa sau, thế nào cũng phải đi qua lều tranh của anh chàng, nên
khách hành hương thường đứng lại nghỉ chân và xin anh chàng một chút
nước uống. Vì anh chàng thường hay lên núi đốn củi, bèn đào một đầm nước
nhỏ bên hông túp lều và đóng một cái gáo nước đặt ở bên cạnh, để khi
mình vắng mặt thì khách hành hương có thể tự múc nước lấy mà uống.
Nhưng gặp lúc hạn hán thì nước trong đầm ấy giống như một bồn nước bùn
vàng, trở mưa to thì lại trở thành một hố nước bùn vàng, phải đợi mấy
ngày sau mới uống được. Vì thế anh chàng tiều phu cứ thấy lòng xốn xang
không yên.
Một hôm trời thật nóng, anh chàng đang múc nước từ dưới đáy đầm đổ vào
thùng để cho nước lắng xuống hầu cung cấp cho khách hành hương giải
khát, thì đột nhiên thấy từ dưới chân Kỷ Bảo Lĩnh một vị thầy tu cà
thọt, cà thọt tiến đến, áo cà sa lam lũ, mồ hôi đầy người, lưng đeo một
cái hồ lô. Vị thầy tu chống một cây gậy thô kệch, đến bên đầm nước cắm
cây gậy xuống mà nói:
– Trời nóng quá, xin thí chủ cho tôi một chén nước uống nào!
Anh chàng tiều phu vội vàng múc từ thùng ra một gáo nước dâng lên vị
thầy tu thọt chân, nhưng vị này làm như không thấy mà còn ồm ồm nói
rằng:
– Chú đưa cho tôi mượn cái chén sứ trắng kia!
Anh chàng tiều phu ngây người ra, nghĩ rằng:
– Ông thầy này sao mà lôi thôi quá, uống nước lạnh mà còn đòi hỏi này nọ
nữa! Bát sứ trắng ta chỉ dành để đựng cơm ăn thôi, phải bán tới nửa gánh
củi mới mua được cái bát ấy chứ đâu phải dễ!
Nhưng khi nhìn bàn tay vừa đen vừa bẩn của vị thầy tu đang chìa ra chờ
đợi, anh chàng ngượng mồm không từ chối được, đành lấy chiếc bát sứ
trắng dâng lên cho thầy.
Vị thầy tu tiếp lấy chiếc bát, đến thùng nước múc một bát uống, và cứ
thế liên tu uống 18 bát. Anh chàng tiều phu thấy thế phải cau mày, nhưng
lại nhè nhẹ thở ra một tiếng, nghĩ rằng:
– Ông thầy này thật tội nghiệp, thôi thì để cho ông ấy uống cho no, cùng
lắm là ta tốn chút sức gánh thêm vài gánh nước, và cùng lắm là lên núi
chặt thêm một gánh củi nữa mua cái chén mới vậy!
Không lâu sau, vị thầy tu uống cạn thùng nước, chùi mồm toan bỏ đi. Anh
chàng tiều phu lại càng thấy kỳ quái, nhưng vẫn lễ độ nói:
– Lão sư phụ à, khi nào trở về thì ghé lại đây uống nước nữa nhé!
Vị thầy tu chân đi cà thọt nghe thế thì bật cười chắp tay lại mà nói với
anh chàng rằng:
– Tiểu thí chủ không hiềm ta uống sạch hết nước và làm bẩn cái chén sứ
trắng của chú sao?
Anh chàng tiều phu vội vàng đáp:
– Không, không, cho người ta giải khát, ai lại đi tiếc chút nước bao
giờ!
Vị thầy tu thọt chân bèn cởi cái hồ lô trên lưng xuống:
– Thí chủ, cám ơn chú nhiều. Trong hồ lô này còn chừng phân nửa nước, ta
cho chú đây!
Nói xong thầy bèn đổ nước từ trong hồ lô xuống cái đầm, sau đó gật gật
đầu, bỏ đi mà không lấy lại cây gậy.
Anh chàng tiều phu vô cùng ngạc nhiên, nửa hồ lô nước làm được việc gì
đây? Anh chàng nhìn mãi theo bóng vị thầy tu, rồi xoay đầu lại thì ô
kìa! Cây gậy đã biến thành một tàng cây rậm rạp xanh tươi, cành lá che
phủ cái đầm nước nhỏ xưa. Và lạ chưa! trong chiếc bát sứ trắng sao lại
có một đóa hoa sen trắng như tuyết? Anh chàng nhìn kỹ nước trong đầm thì
ô hay, sao nước lại trở nên trong vắt thế này?
Anh chàng tiều phu vô cùng mừng rỡ, nghĩ rằng vị thầy tu thọt chân kia
chắc chắn là một bậc thần tiên, nên đặt tên cho đầm nước nhỏ ấy là
“giếng thần tiên”.