MỤC LỤC
Lời tựa.
Lời nói đầu.
PHẦN MỘT
I. Vua Tịnh-Phạn và hoàng hậu Ma-da.
II. Ma-da nằm mộng.
III. Tất-đạt-đa ra đời.
IV. Lời tiên tri của A-tư-đà.
V. Tất-đạt-đa tại đền thần.
VI. Tất-đạt-đa thiền định lần đầu.
VII. Hôn lễ của Tất-đạt-đa.
VIII. Tất-đạt-đa sống đời khoái lạc.
IX. Ba lần chứng kiến.
X. Da-du nằm mộng.
XI. Tất-đạt-đa khao khát về những sự thật cao quý.
XII. Tất-đạt-đa giã từ cung điện của phụ vương.
XIII. Ẩn sĩ Tất-đạt-đa.
XIV. Nỗi đau buồn của Da-du và vua Tịnh-Phạn
XV. Giáo thuyết của đạo sĩ A-la-lam.
XVI. Tất-đạt-đa và vua Tần-bà-sa-la.
XVII. Các đệ tử đầu tiên từ bỏ Tất-đạt-đa.
XVIII. Tất-đạt-đa dưới cây đại giác.
XIX. Cảnh thất bại của Ma-vương.
XX. Tất-đạt-đa thành Phật.
PHẦN HAI
I. Ðề-lê-phú-bà và Bạt-lê-ca.
II. Phật chuẩn bị thuyết pháp.
III. Phật đến Ba-la-nại.
VI. Phật gặp lại các đệ tử trước kia.
V. Truyện ẩn sĩ và thỏ rừng.
VI. Truyện Bách-ma-ca.
VII. Phật tại rừng Trúc-lâm.
VIII. Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.
IX. Phật hóa giải các cuộc xung đột của dân thành Vương-xá.
X. Tịnh-phạn phái sứ thần đến gặp con mình.
XI. Truyện cò và cá.
XII. Truyện Vít-van-ta-ra.
XIII. Truyện Ðạt-ma-ba-la.
XIV. Ðức hạnh cao quí của Da-du.
XV. Nan-đà khước từ vương vị.
XVI. Phật rời thành Ca-tỳ-la-vệ.
XVII. Cấp-cô-độc cúng dường.
XVIII. Những môn đệ mới.
XIX. Tính kiêu mạn của Nan-đà.
XX. Vua Tịnh-phạn thăng hà.
PHẦN BA
I. Ma-ha-ba-xà-ba-đề được vào Giáo hội.
II. Phật điểm mặt bọn giả dối.
III. Kiều nữ Xu-bờ-ra-ba.
IV. Công chúa Vi-ru-ba.
V. Quỉ kế của Chiên-già.
VI. Phật thuyết phục trâu điên.
VII. Sự rạn nứt giữa Tăng đoàn.
VIII. Vũ nữ Cu-va-la-da.
IX. Phật độ hung thần A-la-va-ca.
X. Ðề-bà-đạt-đa bị trục xuất khỏi Giáo hội.
XI. Mưu đồ của A-xà-thế.
XII. Cái chết của Ðề-bà-đạt-đa.
XIII. Ba-tư-nặc và A-xà-thế.
XIV. Phật truyền giáo Pháp.
XV. Ðức Phật và gã mục đồng.
XVI. Phật dạy các thầy tỳ kheo ở Tỳ-xá-ly.
XVII. Bữa ngọ trai tại nhà Thuần-đà.
XVIII. Phật nhập Niết-bàn.
Lời Tựa
CUỘC ÐỜI
ÐỨC PHẬT đây không phải là một tác phẩm hư cấu, và tôi nghĩ tốt
hơn là nên đề cập đến những cuốn sách mà xưa nay tôi thường tham khảo nhất.
Tôi đã phần lớn dựa vào tác phẩm
LALITA VISTARA. Ðó là một tuyển tập ghi chép lộn xộn về những truyền thuyết và những
thiên khảo luận có tính cách kinh viện; tuy nhiên, nhiều truyền thuyết quí báu
nói về nguồn gốc, về tuổi thơ và tuổi xuân của Phật vẫn được duy trì trong
những trang sách này, và ở đây, cũng vậy, chúng ta còn biết thêm về việc giáo
dục và những việc hành xử ban đầu của Ngài.
Tôi cũng đã phần lớn sử dụng thi
phẩm trác tuyệt BUDDHACARITA của Asvaghosa, ở một vài chương tôi đã trích lại
hầu như nguyên văn từng dòng từng chữ. Thi phẩm BUDDHACARITA do E. B. Cowell
xuất bản.
Về CUỘC ÐỜI ÐỨC PHẬT, tôi đã ghi
thêm vài truyện bổn sanh (Jatakas). Ðây là những truyện mà Phật nhớ lại những
tiền kiếp xa xưa của Ngài. Một số truyện như thể cũng sẽ được tìm thấy trong
tuyển tập bao quát AVADANASATAKA.
Hai tác phẩm hiện nay: cuốn Ðức
Phật (LE BOUDDHA) của H. Oldenberg, do A. Fourcher dịch, và cuốn Lịch Sử Phật
Giáo Ấn Ðộ (HISTOIRE DU BOUDDHISME DANS L'INDE) của H. Kern, do Gédéon Huet
dịch, cũng như những khảo luận khác được đăng tải trong các tạp chí khoa học đã
giúp ích cho tôi rất nhiều. Vì thế, khi động đến truyện Visvantara, tôi lại nhớ
đến bài Sogdian của R. Gauthiot được đăng trong tạp chí Á Châu (JOURNAL
ASIATIQUE).
Cuối cùng, tôi thật là đắc tội
vong ân bội nghĩa sâu dày nếu tôi không bày tỏ lòng biết ơn anh bạn cố tri
Sylvain Lévi của tôi, người đã rộng lượng và đã tận tình khích lệ tôi rất
nhiều.
Ước mong độc giả sẽ cảm thấy
thích thú khi đọc tự truyện tuyệt diệu về hoàng tử Tất Ðạt Ða, người, qua thiền
định, có thể đạt đến trí tuệ tối thượng này.
A. F.
HEROLD
LỜI NÓI ÐẦU
Phật tử
chúng ta xưa nay thường học hỏi tu tập theo giáo pháp của Ðức Thích-Ca Mâu-Ni
nhưng hình như ít khi tìm hiểu cặn kẽ về quá trình tu chứng và giáo hóa của
Ngài, phần lớn là vì thiếu tài liệu. Các nhà luận sư học giả hầu như chỉ chú
trọng đến việc nghiên cứu và triển khai hệ thống giáo điển chứ ít khi trình bày
đầy đủ cuộc đời vị tha vô ngã mà Ngài đã hiến trọn cho nhân thế. Họ thường tóm
lược phần tiểu sử Ngài đại khái như:
Ðức Phật Thích-Ca tên thật là
Tất-đạt-đa, con vua Tịnh-Phạn và hoàng hậu Ma-da, sinh ngày trăng tròn tháng vơ
xắc, tức tháng 5 trước tây lịch 623 năm, tại vườn Lâm-tỳ-ni, xứ Ca-tỳ-la-vệ,
thuộc miền bắc Ấn Ðộ. Năm 16 tuổi, Ngài kết hôn với công chúa Da-du-đà-La và
sinh được một trai đặt tên là La-hầu-La. Năm 29 tuổi, sau 3 lần du ngoạn ngoài
thành, chứng kiến cảnh sanh già bệnh chết, Ngài quyết định từ bỏ hoàng cung,
vào núi Hy-mã-lạp-sơn tu tập. Suốt 6 năm dài tu hành khổ hạnh, Ngài chứng đắc
vô thượng bồ đề, tức thành Phật. Sau đó Ngài hóa độ chúng sanh ròng rã trong 45
năm, cuối cùng Ngài đến xứ Câu-thi-na và nhập niết bàn tại đó. Ngài thọ 80
tuổi.
Tác phẩm CUỘC ÐỜI ÐỨC PHẬT đây
được diễn đạt tương đối đầy đủ, mạch lạc, khúc chiết và đặc biệt là được trình
bày dưới dạng truyện dài gồm 3 phần và 58 hồi. Ðộc giả nhờ thế có thể dễ dàng
tìm hiểu nguồn gốc gia đình, nguyên nhân xuất gia, quá trình tu chứng và cuộc
đời hóa độ chúng sanh cao quí kỳ diệu của Ngài. Ngài ra đời giữa hoa lá, lớn
lên trên nhung lụa, tu hành trong núi rừng, chứng đạo dưới gốc cây, hoằng hóa
từ vườn này đến đồi nọ, và rồi cuối cùng, giữa hai cây tha-la, Ngài nhập Niết
bàn. Cuộc đời của Ngài là kết tinh của một quá trình thơ mộng và phấn đấu không
ngừng cho hạnh nguyện tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Ngài dung nhiếp
và cứu độ tất cả các loài hữu tình. Ngài dang tay đón nhận tất cả những tâm hồn
đau thương khốn nạn. Ngài yêu quí sự sống. Ngài ca ngợi sự sống. Chính vì trái
tim từ ái, bao dung, vị tha và bình đẳng của Ngài mà chế độ phân chia giai cấp
của xã hội Ấn Ðộ bấy giờ bị phá vỡ. Uy đức của Ngài như thế nhưng quí vị cũng
sẽ thấy nghịch cảnh rợn người trên bước đường tu chứng và vân du hành hóa của
Ngài. Ngài nhẫn nhục, chịu đựng và hóa giải tất cả. Ðọc CUỘC ÐỜI ÐỨC PHẬT chúng
ta sẽ thấy lòng dạ của chúng sanh được phơi bày ra nhiều màu nhiều vẻ: cao
thượng-đê hèn, nhân từ-độc ác, chân chính-hư vọng, thật thà-man trá..., tất cả
đều có đủ trong một con người muôn thuở.
Mục tiêu hóa độ của Ðức Phật là
Ngài chỉ cho chúng sanh thấy rõ tính giác hằng hữu của mình. Ngài trình bày cho
nhân loại thấy đâu là vô minh và đâu là trí tuệ, đâu là khổ đau và đâu là giải
thoát. Ngài không phải là đấng quyền năng cứu rỗi. Ngài là bậc Ðạo Sư, Ngài
hướng dẫn đường tốt cho người, còn đi hay không không phải là lỗi của người dẫn
đường. Ngài là vị lương y, bắt bệnh và cho thuốc, còn uống hay không, không phải
là lỗi của vị lương y. Giáo pháp của ngài do đó có tính cách tự do khai phóng
chứ không câu thúc hẹp hòi.
Bản dịch CUỘC ÐỜI ÐỨC PHẬT đây
được thành tựu phần nào là nhờ sự khuyến khích và giúp đỡ chân tình của Thầy
Phước Sơn. Xin cảm ơn thiện ý và tấm lòng thiết tha vì đạo của Thầy.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn
Thầy Nguyên Hồng, người đã dành thì giờ đọc đối chiếu bản Anh bản thảo và góp ý
cho tôi.
Thật ra, bản dịch Việt ngữ này
được dịch từ bản dịch Anh ngữ của Paul C. Blum chứ không phải từ nguyên tác
Pháp ngữ của A. Ferdinand Herold, do đó khó mà tránh khỏi nạn "tam sao
thất bản". Kính mong các bậc tôn đức cao minh, quí vị tinh tấn học đạo chỉ
giáo và hỷ xả cho những chỗ còn thiếu sót, chưa chỉnh.
Ngoài ra, người dịch cũng xin
mạn phép lược bớt một vài chỗ để cho khí văn được nhẹ hơn.
Ước mong độc giả sẽ cảm nhận
được ít nhiều lời hay ý đẹp trong bản dịch này.
Phật
Ðản 2528-1984
TỊNH MINH